Thứ Hai sau Chúa Nhật 22 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) 1 Cr 2, 1-5
"Tôi đã công bố cho
anh em bằng chứng của Chúa Kitô chịu đóng đinh".
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, phần tôi,
khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự
khôn ngoan, tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho
là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh.
Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em;
lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn
ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức
tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng
của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 97. 99.
100. 101. 102
Ðáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp Chúa biết bao (c. 97a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con yêu
chuộng luật pháp Chúa biết bao, suốt ngày con mải suy gẫm về luật đó. - Ðáp.
2) Chỉ thị Chúa khiến con
thành khôn ngoan hơn quân thù, vì muôn đời chỉ thị đó vẫn theo con. - Ðáp.
3) Con khôn ngoan hơn những
bậc tôn sư, nhờ suy gẫm về những lời nghiêm huấn của Ngài. - Ðáp.
4) Con am hiểu hơn những bậc
lão thành, vì huấn lệnh của Ngài con tuân giữ. - Ðáp.
5) Con kìm hãm chân con xa
mọi đường gian ác, để con giữ trọn lời dạy của Ngài. - Ðáp.
6) Con không bước trật đường
thánh dụ của Ngài, bởi vì chính Ngài đã dạy bảo con. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Tv 110, 8ab
Alleluia, alleluia! - Lạy
Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 4, 16-30
"Người sai tôi đi rao
giảng Tin Mừng cho người nghèo khó... Không một tiên tri nào được đón tiếp tại
quê hương mình".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về
Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat,
Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách
tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: "Thánh Thần
Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho
người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát
cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp
bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".
Người gấp sách lại, trao cho
thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn
Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà
tai các ngươi vừa nghe". Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục
Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: "Người này không
phải là con ông Giuse sao?"
Và Người nói với họ:
"Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: "Hỡi thầy thuốc,
hãy chữa lấy chính mình"; "điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum,
ông hãy làm như vậy tại quê hương ông". Người nói tiếp: "Ta bảo thật
các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật
các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại
trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia
không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà
goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người
nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria ".
Khi nghe đến đó, mọi người
trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành.
Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực
thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu về thăm quê hương.
Với tình cảm thân thiện chân thành, Ngài vào hội đường chia sẻ Kinh Thánh với
anh em đồng hương của Ngài. Qua đoạn sách tiên tri Isaia, Ngài thẳng thắn tuyên
bố lời sấm nay đã ứng nghiệm nơi Ngài. Người thành Nazarét rất thán phục ân
sủng và sự khôn ngoan của Ðức Giêsu. Nhưng họ cũng không thể chấp nhận Ðức
Giêsu với lời tuyên bố kia. Vì thực tế, thân thế Ngài quá bình thường. Hơn nữa
họ không điều khiển được Ngài làm những điều như họ mong muốn. Vì không được
như ý, họ đầy căm phẫn và định thủ tiêu Ngài.
Ðức Giêsu vừa yêu quê hương
trần thế, vừa yêu Cha trên trời. Tuy nhiên Cha vẫn là trên hết. Không tình cảm
nào, không thân thiết nào, không một điều gì có thể làm Ngài chống lại ý Cha.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống
đúng chân tính của Chúa. Trong Chúa luôn có sự sáng suốt và quân bình. Tình cảm
quê hương thân thích không vì thế làm Chúa trái ý Chúa Cha. Chúa chấp nhận tất
cả dù phải hy sinh đến tính mạng, miễn là ý Cha nên trọn. Xin Chúa dạy chúng
con cũng biết yêu Cha tha thiết, để với tình yêu mãnh liệt, chúng con cũng dám
khước từ tất cả. Có Cha là đủ cho chúng con rồi. Amen.
((Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Bụt
Nhà Không Thiêng
(Lc 4, 16-30)
Suy Niệm:
Bụt Nhà Không Thiêng
Không thể làm tiên tri mà
không trải qua bách hại, khổ đau thử thách. Ðó là số phận chung của các tiên
tri từ Cựu Ước qua Tân Ước. Những kẻ không được sai đi, tự lấy danh mình mà
nói, đó là những tiên tri giả; còn các tiên tri thật ý thức mình được Chúa sai
đi và chỉ nói những gì Ngài muốn, một sứ mệnh như thế thường tạo ra nơi vị tiên
tri một cuộc chiến nội tâm mãnh liệt. Môsê và Êlia trải qua khủng hoảng và ngay
cả thất vọng khi phải trung thành với Lời Chúa; Yêrêmia đã nhiều lần ca thán và
có lúc chỉ muốn đào thoát. Ðau khổ nhất cho các tiên tri là thấy lời nói của
mình không được lắng nghe.
Chúa Giêsu không chỉ đến để
làm cho lời các tiên tri được ứng nghiệm, Ngài cũng là vị tiên tri đúng nghĩa
nhất. Nơi Ngài cũng có những đặc điểm của các tiên tri: đối đầu với những giá
trị sẵn có, Ngài tỏ thái độ như các tiên tri: Ngài nghiêm khắc với những kẻ
khóa Nước Trời không cho người khác vào. Ngài nổi giận trước sự giả hình của những
người Biệt phái. Ngài đặt lại vấn đề tư cách là con cháu Tổ phụ Abraham mà
người Do Thái vẫn tự hào. Nhất là Ngài rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà còn
bằng cả cuộc sống của Ngài; do đó, bị chống đối, bị bách hại là số phận tất yếu
của Ngài.
Tin Mừng hôm nay là lời tiên
báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu sẽ trải qua. Sau một thời gian
rao giảng và làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến. Thế
nhưng, khi trở về quê hương, Ngài chỉ nhận được sự hững hờ và khinh rẻ của người
đồng hương mà thôi. Quả thật, như Ngài đã trích dẫn câu tục ngữ quen thuộc:
"Không tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương của mình", đó là định
luật tâm lý mà chính Ngài cũng không thoát khỏi. Nhưng quê hương đối với Chúa
Giêsu không chỉ là ngôi làng Nazaréth nhỏ bé, mà sẽ là toàn cõi Palestina. Ngài
đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà của Ngài đã không đón tiếp Ngài. Cái chết trên
Thập giá là tuyệt đỉnh sứ mệnh tiên tri của Chúa Giêsu, là lời nói cuối cùng
của Ngài như một vị tiên tri.
Là thân thể, là sự nối dài
của Chúa Kitô, Giáo Hội cũng đang tiếp tục sứ mện tiên tri của Ngài trong trần
thế, do đó, Giáo Hội không thoát khỏi số phận bị chống đối và bách hại. Một
Giáo Hội không bị chống đối và bách hại là một Giáo Hội thỏa hiệp, nghĩa là
đánh mất vai trò tiên tri của mình.
Nhờ phép Rửa, người Kitô hữu
cũng được tham dự vào sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô: bằng lời nói, và nhất là
chứng tá cuộc sống, chúng ta thực thi vai trò tiên tri của mình trong xã hội.
Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta được Thánh Thần xức dầu và sai vào trần thế. Ước
gì chúng ta luôn kiên trì rao giảng Tin Mừng của Chúa dù gặp thời thuận tiện
hay không thuận tiện, vì biết rằng mình đang sống ơn gọi tiên tri.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA
MỖI NGÀY
THỨ HAI TUẦN XXII THƯỜNG
NIÊN năm II
Bài đọc: I Cor
2:1-5; Lk 4:16-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Tôn
trọng sự thật.
Thiên Chúa rất công bằng với mỗi người chúng
ta. Ngài ban cho tất cả mọi người có cơ hội để lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận
các ơn lành trước khi xét xử mỗi người. Nhưng có cơ hội đồng đều không bảo đảm
kết quả sẽ giống nhau vì thái độ đón nhận của con người rất khác nhau. Có những
người chỉ cần một lần nghe hay lãnh nhận họ đã nhận ra Sự Thật và cám ơn Chúa;
đa số những người này lại là những Dân Ngọai. Có những người nghe đi nghe lại
đã không nhận ra lại còn có những hành động nuốt chửng Sự Thật; đa số những
người này lại là những người con trong gia đình và Giáo-Hội. Các Bài đọc hôm
nay cho thấy sự kiện đáng buồn này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Khôn ngoan của Thập Giá
và khôn ngoan của con người.
Khôn ngoan của con người chẳng những không đủ
để nhận ra những mầu nhiệm của Thiên Chúa mà đôi khi còn làm ngăn cản để hiểu
những mầu nhiệm này. Thực tế cho thấy, những người quay lưng lại với Sự Thật
của Thiên Chúa lại là những người học thức và khôn ngoan theo tiêu chuẩn của
thế gian. Nhiều người trong giáo đòan Corintô của Thánh Phaolô thuộc lọai người
này. Trong khi những người dễ nhận ra và tin vào sự khôn ngoan của Thập Giá là
những người đơn sơ, ít học, và khiêm nhường. Thánh Phaolô chắc chắn đã có kinh
nghiệm về điều này khi ngài viết những hàng sau đây: “Thưa anh em, khi tôi đến
với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan
báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến
chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Kitô, mà là Đức Giê-su Kitô chịu đóng đinh vào
thập giá.”
Để hiểu sự khôn ngoan của Thập Giá, con người
cần có thái độ thích ứng: hòan tòan dựa vào Thánh Thần và quyền năng Thiên
Chúa, chứ không cậy dựa vào sự khôn ngoan của con người. Điều này cần được áp
dụng cho cả người rao giảng lẫn người lãnh nhận: “Vì thế, khi đến với anh em,
tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng
lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và
quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn
ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.”
2/ Phúc Âm: Thái độ bóp nghẹt Sự Thật của những người
đồng hương với Chúa.
Về quê để vinh quy bái tổ lẽ thay vì là một
biến cố vui mừng đáng ghi nhớ , trớ trêu thay lại trở thành dịp để những người
đồng hương tru diệt nhân tài số một của làng mình. Bắt đầu bằng việc Chúa vào
hội đường ở Nazareth trong
ngày Sabath và Người đọc đọan Sách Thánh của Isaiah: “Thánh Thần Chúa ngự trên
tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo
hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người
mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng
ân của Chúa.” Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi
ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.
Theo lời tường thuật của Phúc Âm Luca: “Mọi
người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.”
Hai thánh sử Matthêu và Marcô nêu lý do tại sao sau cùng họ không tin vào Ngài
là vì họ đã biết lịch sử của cha mẹ, anh chị em Ngài; trong khi thánh sử Luca
cho lý do của sự không tin là vì Ngài không làm những dấu lạ ở giữa họ.
Một sự thật đáng buồn: “Không một ngôn sứ nào
được chấp nhận tại quê hương mình.” Tục ngữ Việt-Nam có câu: “Một người làm
quan cả họ được nhờ.” Có lẽ những người đồng hương ở Nazareth cũng nghĩ như thế và Chúa Giêsu
cũng muốn như vậy, nhưng hai bên có hai cách nhìn khác nhau. Họ muốn Chúa trở
thành cái máy làm phép lạ để thỏa mãn các nhu cầu vật chất của họ trong khi
Chúa muốn họ hiểu biết Sự Thật lớn lao nhất Ngài là con Thiên Chúa, tin vào
Ngài, và giữ các điều Ngài dạy để có sự sống đời đời.
Sự thật mất lòng: Các người ngọai gia đình
cũng như Giáo-Hội có niềm tin vào Thiên Chúa mạnh hơn nhiều người trong gia
đình và Giáo-Hội. Trong Phúc Ấm, đã nhiều lần Chúa nhắc nhở sự kiện đáng buồn
này (Viên trưởng hội đường, Bà mẹ xứ Canaan ,
Người Samaria nhân hậu…). Tại sao điều này xảy ra? (1) Vì nghĩ mình khôn ngoan
hơn và đã biết hết Sự Thật! (2) Vì đã quá quen với những lời giảng dạy nên
không quí trọng nữa! (3) Vì đã quá quen với những ân huệ nhận được nên không
còn thái độ biết ơn nữa! (4) Mất thái độ nhạy cảm với Sự Thật: Có mắt cũng như
mù, có tai cũng như điếc, có trí khôn suy nghĩ nhưng không chịu suy nghĩ, và
quả tim để rung động đã ra chai đá.
Thái độ quay lưng lại với Sự Thật như thế làm
nản lòng các tiên tri. Có ích lợi chi đâu nếu họ làm việc vất vả mà không nhìn
thấy kết quả! Tốt hơn là đem cho những ai biết lãnh nhận hơn. Những người còn
trí khôn biết nhạy cảm với Sự Thật, những người trái tim vẫn còn biết ơn và
biết nói lời cám ơn. Đau đớn thay những người như thế lại là những người dưng
nước lã, những người Dân Ngọai mà Chúa Giêsu đưa ra hai trường hợp: “Thật vậy,
tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlijah, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu
tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà
ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá
thành Zareptha miền Sidon. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisah, thiếu gì người
phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông
Naaman, người xứ Syria thôi.”
Phản ứng mù quáng: Đã không đón nhận Sự Thật,
họ để tính nóng giận làm chủ và muốn giết chết người nói Sự Thật! Phúc Âm tường
thuật “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người
ra khỏi thành được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người
xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.” Nếu những con người đã mất hết
lương tri như thế, còn hy vọng gì để cải biến họ nữa? Là con người mỏng dòn dễ
vỡ như vỏ trứng mà giờ đây còn cố gắng lấy sức để lao đầu vào đá, thì hậu quả
phải lãnh nhận là tự họ chọn để lao đầu xuống vực sâu. Chúa có nhân từ bao
nhiêu cũng chẳng cứu nổi những con người mù quáng ngông cuồng này, vì họ đã
chọn để bị hư mất. Cách tốt nhất là Chúa để họ với tính mù quáng của họ, Người
băng qua giữa họ mà đi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Sự Thật của bài Phúc Âm vẫn nhan nhản trong
gia đình, giáo xứ, và Giáo-Hội hôm nay. Mỗi người chúng ta cần cẩn thận xét
mình để nhận ra chúng ta thuộc lọai người nào. Nếu thuộc những người biết lắng
nghe và sống Lời Chúa, hãy tiếp tục con đường đó và cám ơn Chúa. Nếu thuộc lọai
bưng tai bịt mắt trước Sự Thật, hãy vội ăn năn quay về khi còn có cơ hội để làm
trước khi cơ hội bị lấy đi để trao cho người khác.
- Các tiên tri của Chúa không thể tiếp tục rao
giảng cho những con người mù quáng, không những bưng tai bịt mắt trước Sự Thật,
lại còn khinh thường và muốn tiêu diệt Sự Thật. Trong những trường hợp như thế,
các tiên tri cũng phải làm như Chúa, bỏ kệ họ một mình và tiếp tục đến với
những người khác.
- Chúng ta phải để Sự Thật hướng dẫn mình chứ
mình không hướng dẫn Sự Thật theo ý thích và lợi ích của cá nhân mình.
Lm.An-tôn Đinh
Minh Tiên, OP.
Thứ Hai tuần 22 thường niên
Sứ điệp:Chúa Giêsu là Đấng
Thiên Sai cứu độ trần gian. Nhưng những người Do thái đồng hương với Chúa đã từ
chối tiếp nhận Ngài, vì Ngài đã không thỏa mãn những tham vọng trần thế của họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con nhớ
trong đoạn mở đầu Phúc âm thứ tư, Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Ngài đến nhà
mình nhưng người nhà đã chẳng chịu tiếp đón Ngài”.
Lạy Chúa, điều ấy đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi
những người đồng hương với Chúa tại Na-da-rét, và ngày hôm nay cũng đúng với
chính con nữa.
Vâng lạy Chúa, con đã không tiếp nhận Chúa. Con
quên rằng Chúa là bạn của người nghèo, của người bệnh tật, của kẻ khổ đau. Vì
thế con đã xua đuổi Chúa đi khi con hất hủi anh em, khi con nhẫn tâm từ chối
giúp đỡ những người nghèo đói, bệnh hoạn, khổ đau, sa chân lỡ bước. Con đã
không tiếp nhận Chúa, vì trong lời nguyện hằng ngày, con chỉ đòi hỏi Chúa ban
ơn theo ý con mà không bao giờ xin cho con biết vâng theo Ý Chúa trong mọi
nghịch cảnh cuộc đời. Con đã không nhìn ra Chúa thật gần gũi với con qua các bí
tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Con đã xô đẩy Chúa xuống vực thẳm khi con nhào
xuống vực sâu tội lỗi.
Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho con. Xin cho con
nhận ra những ân huệ mà Chúa đã yêu thương phủ đầy đời con. Xin ban thêm đức
tin, để con tin thật Chúa là Đấng Thiên Sai cứu độ trần gian và Chúa đã sai con
đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Xin cho con được sống mãi trong nhà
Chúa, được luôn kết hợp với Chúa qua các bí tích, để con xứng đáng là người nhà
và là người môn đệ trung thành của Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho
người nghèo khó... Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương
mình".
03/09/12
THỨ HAI TUẦN 22 TN
Th. Grêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT
Lc 4,16-30
Th. Grêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ HT
Lc 4,16-30
CHIA
SẺ LỜI CHÚA
Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. ( Lc 4,16)
Suy niệm: Không cần phải lý luận dài dòng về tầm quan trọng của Lời Chúa. Ai cũng biết đó là lời ban sự sống, lời ánh sáng, lời giải thoát và cứu độ... Nhưng có lẽ vấn đề đặt ra là làm sao để việc đọc lời Chúa – đọc cách trang trọng và nghiêm túc và coi đó như một việc đạo đức, một điểm hẹn để gặp gỡ Chúa Kitô không thể thiếu được – trở thành một thói quen sáng tối trong các gia đình, một việc làm bình thường tự nhiên trong các lớp giáo lý, các cuộc họp tổ, hay trong đời sống riêng tư hằng ngày. Rồi cũng phải làm sao để trong mỗi nhóm có ít nhất một hai người đọc Lời Chúa xong còn có khả năng để gợi ý cầu nguyện, chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa, tìm ra những cách thức cụ thể để áp dụng Lời Chúa.
Mời Bạn: Hiện nay việc đọc Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa, chung hay riêng đã được nhân rộng thêm nhưng có lẽ tại nhiều xứ đạo trong giáo phận, việc đó như thể dành cho một số ưu tuyển và là việc xa xỉ dư thừa đối với một số người. [Phải chăng đây là lý sâu kín khiến cho các tập sách nhỏ này phải mang cái tựa đề thật “rụt rè”: 5ph/ngày cho Lời Chúa?]
Chia sẻ: Bạn và tôi, chúng ta làm gì để phổ biến việc đọc Lời Chúa, cải tiến việc chia sẻ Lời Chúa?
Sống
Lời Chúa: Trung thành với việc đọc và suy niệm Lời Chúa 5 phút mỗi
ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần đọc Lời Chúa là con gặp được Chúa, con nghe Chúa nói với con. Con yêu mến Chúa, xin cho con chăm chỉ đọc Lời Chúa, đọc cho con và đọc cho anh em con.
TRẢ LẠI TỰ DO
Thế giới hôm nay giàu hơn, nhưng vẫn còn lắm người nghèo như
xưa. Nghèo vì chưa được nghe biết về Đức Giêsu, hay nghèo vì đã gạt Thiên Chúa
ra khỏi đời mình.
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể
chuyện Đức Giêsu
đến giảng tại hội đường Nadarét, vào một ngày
sabát (c. 16),
Dù trước đó Ngài đã giảng tại Caphácnaum và
nhiều nơi khác (cc. 15. 23),
nhưng thánh Luca đã cố ý đặt ngay ở đầu sứ vụ
công khai
cuộc gặp gỡ đặc biệt này giữa Ngài với người
đồng hương ở Nadarét.
Đây là nơi Đức Giêsu tuyên bố chương trình sắp
tới của Ngài.
Chương trình ấy được gói trong những câu trích
dẫn từ ngôn sứ Isaia.
Được thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần (Lc 1,
35),
và được lãnh nhận Thần Khí khi chịu phép rửa
(Lc 3, 22),
Đức Giêsu đã được xức dầu để nhận lãnh sứ mạng
làm ngôn sứ.
Sứ mạng này chủ yếu là loan báo Tin Mừng cho
người nghèo.
Loan báo Tin Mừng là động từ hay được Luca sử dụng (4, 43; 7, 22; 8,1…)
Tin Mừng này trước hết dành cho người nghèo
theo nghĩa đen,
nghĩa là những người không có thu nhập cao,
không đủ ăn, đủ mặc.
Ai là người nghèo nữa dưới mắt của Đức Giêsu?
Đó là những người nghèo tự do, phải chịu cảnh
giam cầm.
Họ có thể là những người bị tù đày chỉ vì không
có tiền trả nợ.
Đó là những người nghèo sức khỏe,
họ bị coi là chịu sự trói buộc của Xatan (Lc
13, 16),
Đó là những người nghèo đời sống tâm linh,
họ phạm tội nên thấy mình xa cách Thiên Chúa và
cộng đoàn.
Đức Giêsu đến để giải thoát những người nghèo
này khỏi áp bức.
Ngài kéo họ ra khỏi cảnh nô lệ và trả lại tự do
cho họ.
Chính vì thế Tin Mừng của Nước Thiên Chúa luôn
đem lại niềm vui.
Đức Giêsu đã loan báo: Phúc cho anh em là người
nghèo (Lc 6, 20).
Ngài đã chữa bệnh cho những kẻ ốm đau thân xác,
đã mở mắt người mù để họ thấy ánh sáng của ơn
cứu độ.
Ngài cũng đã giao du và ăn uống với những tội
nhân để đưa chiên lạc về.
Bởi đó thời của Đức Giêsu là Năm hồng ân, Năm
Thánh.
Lời giảng của Đức Giêsu bước đầu đã được dân
làng thán phục.
Họ có vẻ hãnh diện vì một người trong làng được
lừng lẫy tiếng tăm.
Nhưng Đức Giêsu không muốn mình bị chi phối bởi
dân làng.
Ngài không muốn bị buộc phải dành chút ưu tiên
nào cho Nadarét (c. 23).
Đức Giêsu còn nhìn xa hơn đến sứ vụ nơi dân
ngoại (cc. 25-27).
Ngài nhắc đến hai vị ngôn sứ trong Cựu Ước là
Êlia và Êlisa.
Hai vị này đã giúp bà góa ở Xiđôn và tướng
Naaman ở Xyri.
Dân Nadarét phẫn nộ và định giết Đức Giêsu khi
Ngài nói rằng
Thiên Chúa chỉ sai hai ngôn sứ trên đến với dân
ngoại mà thôi.
Thế giới hôm nay giàu hơn, nhưng vẫn còn lắm
người nghèo như xưa.
Nghèo vì thiếu những điều kiện sống cơ bản,
thiếu những quyền lợi căn bản.
Nghèo vì chưa được nghe biết về Đức Giêsu,
hay nghèo vì đã gạt Thiên Chúa ra khỏi đời
mình.
Loan báo Tin Mừng là làm con người thực sự thêm
giàu có.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng
tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối
sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải
là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo
khó... Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình".
Bí quyết nên thánh
Sau
một thời gian rao giảng Tin Mừng ở vùng gần Giêrusalem bên bờ sông Giócđan nơi
Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, Chúa Giêsu trở về thăm làng cũ. Ở đó dân chúng đã
nghe nói về nội dung lời rao giảng của Ngài, ở đó người ta cũng nghe nói tới
một số phép lạ Ngài đã làm. Tin đồn này làm cho những người đồng hương bỡ ngỡ:
"Ông ta đã học được những điều đó ở đâu? Ông không phải là con ông Giuse
đó sao?" Ðó là một thắc mắc rất chính đáng.
Người
dân Nazareth, nhất là những người đã từng quen biết và lớn lên với Chúa Giêsu
hẳn có đủ lý do để tỏ ra ngỡ ngàng khi nghe kể về thành tích của Ngài, bởi vì
trong suốt ba mươi năm sống trong ngôi làng nhỏ bé ấy, Ngài đã chẳng tỏ ra bất
cứ một dấu thánh thiện siêu phàm nào. Chúng ta có thể tự hỏi làm sao Chúa Giêsu
đã có thể sống trong ngôi làng bé nhỏ ấy trong suốt ba mươi năm mà không để lộ
bản tính của Ngài? Làm sao Con Thiên Chúa lại có thể sống trong ngôi làng hẻo
lánh nghèo nàn ấy trong bao nhiêu năm mà dân chúng không hề thắc mắc? Câu trả
lời chỉ có thể là Chúa Giêsu chỉ có một ý niệm về thánh thiện hoàn toàn khác
với những người Do Thái đồng hương và cả chúng ta nữa. Thời Ngài, thánh thiện
có nghĩa là tuân giữ chi ly mọi Lề Luật, trung thành với truyền thống và phong
tục vốn được xem là biểu thị của đời sống đạo đức, nhưng Chúa Giêsu đã không
nghĩ như thế. Chính vì vậy mà khi Ngài bắt đầu rao giảng, chữa bệnh và làm phép
lạ, tất cả những ai đã từng biết Ngài trong ngôi làng nhỏ bé ấy đều thắc mắc và
bỡ ngỡ. Quả thật, tất cả những ai đã từng quen biết Ngài chỉ xem Ngài như một
người như họ mà thôi, Ngài không để lộ bất cứ một dấu thánh thiện hay siêu phàm
nào.
Ðiều
đáng làm cho chúng ta suy nghĩ là không nơi nào trong các sách Tin Mừng viết
rằng Chúa Giêsu là một con người đạo đức, chúng ta chỉ đọc được rằng Ngài đi
khắp nơi để rao giảng Tin Mừng và làm việc thiện mà thôi. Như vậy, chúng ta có
thể kết luận rằng Chúa Giêsu có một quan niệm về sự thánh thiện hoàn toàn khác
với những người Do Thái đương thời. Ðối với Ngài, thánh thiện là sống hoàn toàn
như một con người, là làm người như Thiên Chúa đã dựng nên, đó là câu giải đáp
thắc mắc tại sao những người Do Thái đồng hương của Chúa Giêsu thắc mắc và bỡ
ngỡ khi Ngài bắt đầu rao giảng và chữa bệnh. Ðối với lối suy tư của họ, Ngài
xem ra quá trần tục, quá là người cho nên không thể làm được những chuyện cả
thể như người ta đã đồn thổi. Tuy nhiên đây chính là một mạc khải sâu xa: Thiên
Chúa nhập thể làm người để sống như một con người như mọi người, hầu dạy chúng
ta biết sống cho ra người. Chính cuộc sống đơn giản và bình thường ấy lại chứa
đựng một sự thánh thiện tuyệt vời.
Trong
các thứ học thì hẳn học làm người là điều khó nhất, người ta có thể đỗ đạt
thành tài trong cuộc sống, người ta có thể nắm vững được lãnh vực chuyên môn
của mình, nhưng học làm người là một thứ trường học mà con người sẽ chẳng bao
giờ tự cho là mình đã tốt nghiệp và thôi học. Sống như một con người, như Chúa
Giêsu đã sống ba mươi năm âm thầm tại Nazareth ,
âm thầm đến độ những người quen biết không thấy có gì đáng chú ý trong cuộc
sống ấy. Sống như một con người chính là sống một cách sung mãn từng giây phút
của cuộc sống. Sống một cách phi thường những việc tầm thường nhất trong đời
thường, sống bằng một tình yêu cao cả những việc làm nhỏ bé nhất hàng ngày, đó
chính là bí quyết để nên thánh vậy.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Không
có thứ thanh niên đó nơi chúng tôi
Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh
quý vị vừa nghe” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt
ra từ miệng Người.
Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?”(Lc. 4, 21-22)
Giờ
Thiên Chúa đã điểm cho Đức Kitô xuất hiện. Ngài vừa chuẩn bị sứ mệnh trong một
cuộc tình lâu dài và kham khổ trong hoang địa. Ngài định thi hành sứ vụ công
khai bằng cuộc thăm viếng ngôi làng nhỏ bé nơi sinh trưởng của Ngài là
Na-gia-rét. Ngài vào hội đường lúc giờ kinh phụng vụ và lên tiếng giải thích
bài sách tiên tri I-sai-a: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu
tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ, cho kẻ bị tù
đầy được tự do và cho người mù được thấy ánh sáng, giải phóng cho kẻ bị áp bức,
công bố năm hồng ân của Chúa”
Đức
Giêsu nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh” những người đồng hương ngạc
nhiên về sự khôn ngoan của Ngài, họ chưa hiểu Ngài. Ngài nói với họ: Tôi, Người
đang nói với ông bà anh chị em là chàng thanh niên của ông bà và anh chị em đều
biết rõ tôi, tôi là Người Chúa đã truyền đi thực hiện những điều lạ lùng như
tiên tri I-sai-a đã nói.
Nhưng
bây giờ tôi không còn là chàng thanh niên đó nữa nên các ông bà anh chị em
không chấp nhận tôi, không nghe tôi, không muốn có tôi. “Tôi bảo thật: không có
một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Quá khứ đã chứng tỏ hùng
hồn cho điều đó. Bao nhiêu ngôn sứ như Ê-li-a và E-li-sê đã không thể làm điều
gì lạ ở nơi quê mình và các ông bà anh chị em tiếp tục theo lề thói xưa nên đã
khinh thường tôi. Tôi chỉ là con ông Giu-se. Tôi không thể thông thái hơn các
ông bà. Không có gã thanh niên nào nơi các ông bà, giám yêu sách đòi làm ngôn
sứ cho các ông bà. Đó có phải là trò đùa không.
Đó
là thứ dỡn mặt quá trớn, cần phải trừ khử đi! Quả thực, “Họ đã phẫn nộ phải
đứng dậy, lôi Ngài ra khỏi làng, khéo lên tận đỉnh núi để xô Ngài xuống vực.
Nhưng Ngài băng qua giữa họ mà đi”. Vì giờ rao giảng của Ngài đã tới, giờ chết
của Ngài chưa điểm.
Chúng
ta cũng có những ngôn sứ của chúng ta. Những gã thanh niên, thanh nữ này... Họ
đang mang sứ điệp của Đức Kitô đến mọi nơi. Họ âm thầm, hiền lành và khiêm
nhường trong lòng! nhưng lại không có nơi chúng ta sao?
Chúng
ta đối xử với họ thế nào?
GF.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
3 THÁNG CHÍN
Chúng Ta Quì Gối Trước
Chúa Cha
“Vì lý do đó, tôi quỳ
trước mặt Chúa Cha …bởi trong vinh quang dư dật của Người, Người củng cố anh em
nên vững mạnh nhờ Thánh Thần của Người trong lòng anh em.”(Ep 3,14.16 RSV). Đó
là lời cầu nguyện của Tông Đồ Phaolô trong thư gửi tín hữu Eâphêsô.
Tôi muốn đưa những lời
đó của Thánh Tông Đồ vào lời cầu nguyện của chúng ta khi chúng ta quây quần với
nhau và với Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Kitô. Bởi ai có thể gần gũi với trái tim của
Chúa Con hơn là Thánh Mẫu? Vì thế, cùng với Mẹ, “chúng ta quỳ gối trước mặt
Chúa Cha”. Và cùng với Mẹ, chúng ta cầu xin để nhờ Thánh Thần, tấâm lòng của
chúng ta đối với trái tim Đấng Cứu Độ sẽ củng cố con người nội tâm của hết thảy
chúng ta được nên mạnh mẽ. Vâng, đó chính là công việc của Thánh Thần.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 03-9
Thánh GRÊGÔRIÔ CẢ, Giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh;
1Cr 2, 1-5; Lc 4, 16-30.
LỜI
SUY NIỆM: Đức Giêsu đến
Nazarét, là nơi Người sinh trưởng, Người vào hội đường như Người vẫn quen làm
trong ngày Sabát và đứng lên đọc Sách Thánh.” (Lc 4, 16).
Chúa Giêsu vào hội đường cho chúng ta thấy: chính nơi đây là một nơi quy tụ mọi
người thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Tất cả đến đây để hiệp thông và lắng
nghe lời Chúa. Giúp cho chúng ta ý thức về ngày Chúa Nhật ngày hôm nay. Chính
mỗi khi chúng ta đến tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật; chúng ta sẽ nhận được
những giáo huấn của Kinh Thánh, khai sáng cho chúng ta hiểu biết về Thiên Chúa,
và tình yêu của Ngài đối với chúng ta, để giúp cho chúng ta biết tôn thờ và yêu
mến Thiên Chúa cho xứng hợp, cũng như biết để sống với tha nhân. Không những
thế, chúng ta còn nhận lãnh được lương thực trường sinh. Để sống và sống
muôn đời.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
NGÀY 03.09 THÁNH GIÊGÔRIÔ CẢ
GIÁO HOÀNG, TIẾN SĨ HỘI THÁNH (540 - 604)
Trong lịch sử, ít có
người được mang danh Cả, và đáng được danh dự ấy một cách hoàn toàn như thánh
Grêgôriô, giáo hoàng và tiến sĩ Hội Thánh. Ngài sinh tại Roma. Khoảng năm 540.
Là con của một nghị viên danh giá và giầu có, ông Gordianô. Chúng ta không biết
gì về thời thơ ấu của Ngài, nhưng ít ra là Ngài đã phải kinh nghiệm về những
hậu quả do những cuộc chiến của vua Cothic với các tướng lãnh của hoàng đế
Lussinianô, mà chính thức Roma đã bị cướp phá.
Thánh Grêgôriô đã thủ
giữ một chức vụ trong xã hội. Năm 573, Ngài được đặt làm tổng trấn thành phố.
Nhưng Ngài luôn nuôi lý tưởng tu trì. Đó là lý do khiến Ngài không lập gia
đình, và năm 574 Ngài đã rút lui khỏi đời sống công cộng để mặc áo tu sĩ.
Ông Gordianô từ trần,
thánh Grêgôriô thừa kế gia tài, nhờ thế Ngài đã có thể thiết lập 6 tu viện tại
Sicily và biến nhà trên đồi Copelia thành tu viện thứ 7 dâng kính thánh Andre.
Tại đây Ngài sống như một thầy đơn sơ. Có lẽ bộ luật Ngài thiết lập chính là
luật dòng Bênedicto. Đây là những năm hạnh phúc nhất mà Ngài không bao giờ quên
được. Nhưng lại chẳng kéo dài được lâu.
Năm 578, Ngài được phong
chức phó tế cai quản một trong bảy miền ở Romas. Năm 579 Ngài được gởi đi
Constantinopple làm đại diện Đức giáo hoàng. Ngài mang theo một ít thày dòng và
có rộng thì giờ để giảng cho họ về sách Giop, những bài giảng được thu góp lại
thành cuốn luân lý.
Thánh Grêgôriô làm đại
sứ trong khoảng 7 năm. Sau đó trở về Roma, Ngài trở lại tu viện thánh Andrê làm
viện trưởng (50 tuổi). Năm 590 Pêlagiô II từ trần và thánh Grêgôriô được chọn
lên kế vị. Roma lúc ấy bị một cơn dịch tàn phá. Vị giáo hoàng được chọn tổ chức
những cuộc hành hương trong thành phố, Ngài thấy tổng lãnh thiên thần hiện ra ở
một địa điểm nay gọi là Custel Saint Angele, đứng tuốt gươm ra, cơn dịch tự
nhiên bị chận lại và dân Roma chào mừng Đức giáo hoàng mới, như một người làm
phép lạ.
Triều đại đức giáo hoàng
Grêgôriô kéo dài trong mười bốn năm, đòi hỏi trọn sức mạnh tinh thần và ý chí
lẫn kinh nghiệm quản trị và ngoại giao của Ngài. Đế quốc Roma đang suy sụp. Dầu
vậy hoàng đế ở Constantinople chỉ hiện diện tại Ý bởi một phó vương với một
triều đình nhỏ, Ravenna
có rất ít quyền lực về luân lý và vật chất. Quân đội Bonabardô cướp phá bán đảo
và Roma bị chiếm đóng năm 593. Đức Grêgôriô thấy phải lập quân đội để bảo vệ
Roma và đặt điều kiện với quân xâm lược. Mọi việc thuộc đủ mọi phương diện
trong quốc gia đang suy đồi đều đổ trên đức giáo hoàng.
Trong khi đó đức
Grêgôriô lo chấn chỉnh Giáo hội. Các địa phận lộn xộn, Ngài ấn định lại ranh
giới. Các đất đai thuộc giáo hoàng được quản trị hữu hiệu. Chính nhà ở của đức
giáo hoàng cũng cần phải tái thiết. Nhưng không có gì đáng ghi nhớ hơn trong
cách Đức giáo hoàng đương đầu với các vấn đề Giáo hội Đông và Tây, là việc Ngài
nhấn mạnh đến quyền tối thượng của tòa thánh Roma. Rất tôn trọng quyền của các
giám mục trong các giáo phận, gài kiên quyết bênh vực nguyên tắc tối thượng của
thánh Phêrô. Đối với hoàng đế, Ngài rất tôn trọng uy quyền dân chính, nhưng
cũng bảo vệ quyền lợi mình và của các dòng trong Giáo hội.
Thánh Grêgôriô canh tân
phụng vụ rất nhiều. Ít nhất là Ngài đã đặt các "điểm" hành hương. Dầu
qua nhiều lần tranh cãi, nhưng dưới ảnh hưởng của Ngài, ngày nay nhạc và nghi
lễ Giáo hội vẫn còn mang danh Ngài: nhạc Grêgôriô, lễ Grêgôriô.
Thánh nhân còn là văn sĩ
rất phong phú. Ngoài cuốn luân lý Ngài còn viết hai cuốn gồm những bài giảng về
sách Ezechiel, một cuốn khác về những bài Phúc âm trong ngày, 4 cuốn đối thoại
và một cuốn sau tập các phép lạ do các thánh người Ý thực hiện. Cuốn sách chăm
lo mục vụ trình bày những điều mà cuộc sống một giám mục và một linh mục phải
làm. Sau cùng là một sưu tập thư tín.
Thánh Grêgôriô còn được
gọi là tông đồ nước Anh. Chính Ngài đã muốn đi truyền giáo để cải hóa luơng dân
Saxon. Nhưng không đi được, năm 596 Ngài đã trao phó nhiệm vụ cho các tu sĩ
dòng thánh Adrê do thánh Augustinô Conterbury dẫn đầu.
Thánh Grêgôriô cả qua
đời ngày 12 tháng 3 năm 604. Ngài được mai táng trong đại giáo đường thánh
Phêrô. Nấm mộ đầu tiên của Ngài mang bản chữ Latin tóm gọn đời Ngài, Ngài được
gọi là "chánh án của Chúa". Các chánh án của Roma đã qua đi. Chính đế
quốc Roma đang hồi hấp hối nhưng thánh Grêgôriô là điểm nối giữa thời các giáo
phụ với thời các giáo hoàng, giữa vinh quang của thành Roma lịch sử với vinh
quang của kinh thành Thiên Chúa.
(daminhvn.net)
++++++++++++++++++
03 Tháng Chín
Ði Một Ngày Ðàng, Học
Một Sàng Khôn
Cách đây không lâu,
một cặp thanh niên người Pháp đã đến Phi Luật Tân bằng chiếc xe đạp riêng của
họ. Nước Phi là quốc gia thứ 31 họ dùng xe đạp để đi tham quan. Trong vòng 7
năm qua, họ đã không ngừng di chuyển một cách thích thú trên hầu hết các nước
và đã học hỏi nhiều kinh nghiệm khác nhau. Họ đã bỏ ra 3 năm để đạp từ Pháp
xuyên qua đến Thái Lan. Họ dành một năm làm việc trong các trại tị nạn dọc biên
giới Thái, chín tháng để đi xuyên qua Trung Hoa Lục Ðịa, sáu tháng để tham quan
Nhật Bản, Ðại Hàn và Ðài Loan.
Người con gái tên là
Claude đã giải thích mục đích của cuộc mạo hiểm như sau: "Kể từ thời của
Marco Polo, con người không ngừng đi thám hiểm thế giới với nhiều lý do và với
nhiều phương tiện khác nhau. Trong thời đại du hành vũ trụ này, việc đi vòng
quanh thế giới bằng phương tiện thô hiển như xe đạp vẫn không ngừng thu hút
nhiều người... Mạo hiểm như thế để giúp thay đổi cuộc sống của chúng tôi, để
cùng trải qua một kinh nghiệm quá lớn lao".
Cuộc mạo hiểm nào cũng
thích thú và nguy hiểm. Claude kể lại rằng tại Thái Lan, họ đã bị hai tên cướp
chận đường toan hành hung. Tại Trung Ðông, họ đã chứng kiến cảnh chết chóc hằng
ngày. Và nhất là tại Ấn Ðộ, sau khi đã trải qua vài tuần lễ tại một vài trại
cùi, họ đã ghi lại trong các sổ ghi niệm của các trung tâm này như sau:
"Sau khi đã đến đây, chúng tôi cảm thấy không còn gì để than phiền trong
cuộc sống này nữa".
Có lẽ đó là kinh
nghiệm lớn lao nhất mà những người trẻ này đã cảm nhận được trong cuộc sống.
Chạm chán với bao nguy hiểm, sờ được từng nỗi đau khổ, cảm nghiệm được niềm vui
của từng dân tộc khác nhau... Tất cả những kinh nghiệm ấy cho họ thấy rằng:
người ta có thể vượt qua được tất cả mọi hàng rào ngăn cách để đến với nhau và
nơi nào con người cảm thấy mình đang sống trong gia đình, thì đó là nhà của họ,
là quê hương của họ.
Ðời là một chuyến
đi... Không những đi một ngày đàng, học một sàng khôn, mà đi để tiến gần đến
mục đích của cuộc sống.
Tổ phụ Abraham đã được
Chúa gọi để bỏ quê hương, bỏ tất cả mọi sự và lên đường đến một nơi vô định.
Dân Do thái đã được Chúa mời gọi rời bỏ Ai Cập để tiến về đất hứa.
Ra đi là chết trong
lòng một ít. Cuộc ra đi nào cũng đòi hỏi con người phải dứt khoát, có khi phải
từ bỏ những gì mình yêu thích nhất trong cuộc đời. Abraham đã từ bỏ quê hương.
Có gì quý giá và thân yêu bằng nơi chôn nhau cắt rún... Tiên tri Êlisê đã phải
giết bò và dùng cày để nướng thịt bò trước khi lên đường theo tiên tri Elia...
Các môn đệ của Chúa Giêsu đã bỏ nghề nghiệp, vợ con, tất cả mọi sự để lưu lạc
nay đây mai đó với Chúa Giêsu. Cuộc ra đi nào cũng là một mất mát... Nhưng có
mất mát mới tìm lại được những gì quý hóa hơn.
Giáo Hội đã được định
nghĩa như dân Chúa trên đường lữ thứ trần gian hướng về Thiên Quốc. Mỗi người
Kitô được mời gọi để tham dự vào cuộc lữ hành này.
Họ không trẩy đi cô
độc một mình. Nhưng bên cạnh họ, từng đoàn người tiến bước trong hân hoan.
Người ta không tiến bước trong buồn bã bởi vì đích điểm đang chờ đợi họ là cả
một khung trời của an vui, hạnh phúc...
Cuộc lữ hành nào cũng
đầy cam go. Nhưng người Kitô không tiến bước với đôi tay trơ trọi. Hành trang
của họ chính là Sức Sống mà Ðức Kitô hằng thông ban cho họ. Cũng giống như
người Do Thái trên đường trở về đất hứa luôn được nuôi dưỡng bằng manna và được
hướng dẫn bởi cột lửa giữa đêm thâu, người Kitô cũng tiến bước bằng sức mạnh
của Chúa Kitô.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 03
Thánh Grégoire,
Thánh Grégoire,
Giáo hoàng, tiến
sĩ Hội Thánh.
Hôm nay chúng ta cử hành phụng vụ kính nhớ thánh Grégoire Cả, ngài
là con người của Lời Chúa. Nơi ngài có những trực giác tuyệt vời được nhắc đến
trong Kinh Thánh mà chúng ta đã đọc. Cũng như một trải nghiệm khác mà ngài đã
có và để lại bằng chứng soi sáng và an ủi chúng ta: điều này đã xảy ra hơn một
lần, giúp ngài nắm bắt ý nghĩa của một đoạn văn trong Kinh Thánh mà ngài không
hiểu. Ngay sau đó ngài đã nhận ra khi giải thích cho dân. Thánh nhân là bậc
thầy của việc rao giảng Kinh Thánh, còn là thầy về tình yêu của chúng ta đối với
Lời Chúa, là con người của Lời. Đồng thời, ngài rất quân bình. Tôi đánh giá cao
về ngài. Tôi cảm nhận được từ bên trong qua những năm gặp khó khăn do nhiều mâu
thuẫn và tình cảm, nhờ việc đọc Luật Sống của Lời, là kiệt tác rất mực thước,
mà các cuộc xung đột đang diễn ra được liên kết trong sự quân bình, đó là lý do
mà ngài đã dạy chúng ta bài học cuộc sống tuyệt vời.
Cardinal Carlo Maria Martini
Thứ Hai 3-9
Thánh Grêgôriô Cả
(540?--604)
Trong cuộc đời Thánh Grêgôriô Cả, sự nghiệp sau nổi tiếng hơn sự
nghiệp trước. Ngài là trưởng thánh bộ Rôma trước khi 30 tuổi. Năm năm sau đó,
ngài từ chức, sáng lập sáu đan viện trên các phần đất của ngài ở Sicilia và
chính ngài là một tu sĩ dòng Biển Ðức (Benedictine) ở Rôma.
Sau khi thụ phong linh mục, ngài là một trong bảy phó tế của đức
giáo hoàng, và ngài còn giữ chức vụ sứ thần tòa thánh ở Constantinople, Ðông
Phương. Sau đó ngài được gọi về làm đan viện trưởng, và vào lúc 50 tuổi, ngài
được chọn làm giáo hoàng bởi hàng giáo sĩ và giáo dân Rôma.
Ngài thẳng tính và kiên quyết. Ngài cách chức các linh mục bất
xứng, cấm không được lấy tiền khi phục vụ, và ngài lấy tất cả quỹ riêng của đức
giáo hoàng để chuộc các tù nhân bị phe Lombard bắt, săn sóc những người Do Thái
bị bách hại và các nạn nhân của nạn dịch tễ cũng như nạn đói kém. Ngài rất lưu
tâm đến việc trở lại của nước Anh nên đã sai 40 đan sĩ của ngài đến hoạt động ở
đây. Ngài nổi tiếng vì những cải cách phụng vụ, và củng cố sự tôn trọng học
thuyết. Người ta đang tranh luận xem có phải chính ngài là người chịu trách
nhiệm phần lớn nhạc bình ca (Gregorian) hay không.
Thánh Grêgôriô sống trong giai đoạn luôn luôn có bất hòa vì sự xâm
lăng của phe Lombard và vì những tương giao khó khăn với Giáo Hội Ðông Phương.
Khi Rôma bị tấn công, chính ngài là người đến chất vấn vua Lombard .
Một sử gia Anh Giáo đã viết: "Không thể nào tưởng tượng
được những gì sẽ xảy ra trong thời Trung Cổ--thật lộn xộn, vô trật tự--nếu
không có triều đại giáo hoàng; và nói về giáo hoàng của thời trung cổ, vị cha
chung đích thực là Ðức Grêgôriô Cả."
Cuốn sách của ngài, Cách Chăm Sóc Mục Vụ, nói về nhiệm vụ và đặc
tính của môät giám mục, đã được đọc trong bao thế kỷ sau khi ngài chết. Ngài
diễn tả vị giám mục chính yếu như một y sĩ mà nhiệm vụ chính là rao giảng và
duy trì kỷ luật. Trong các bài giảng thực tế của ngài, Thánh Grêgôriô có tài áp
dụng phúc âm hàng ngày vào nhu cầu đời sống của giáo dân. Ðược gọi là
"Cả", Thánh Grêgôriô được nâng lên một vị trí ngang hàng với Thánh
Augustine, Thánh Ambrôsiô và Thánh Giêrôme như một trong bốn vị tiến sĩ nòng
cốt của Giáo Hội Tây Phương.
Lời Bàn
Thánh Grêgôriô thích là một đan sĩ, nhưng ngài sẵn sàng phục vụ
Giáo Hội trong các phương cách khác khi được yêu cầu. Ngài đã hy sinh những sở
thích của ngài trong nhiều phương cách, nhất là khi làm Giám Mục Rôma (Giáo
Hoàng). Một khi được kêu gọi để phục vụ công ích, Thánh Grêgôriô đã dùng hết
khả năng để chu toàn nhiệm vụ.
Lời Trích
"Nói cho cùng có lẽ không khó để người ta từ bỏ của cải,
nhưng chắc chắn là thật khó để từ bỏ chính mình. Khước từ những gì mình có là
chuyện nhỏ; nhưng khước từ cái tôi của mình, đó mới thật đáng kể"
(Thánh Grêgôriô, Bài Giảng về Phúc Âm).
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét