Thứ Tư sau Chúa Nhật 25 Quanh Năm
*
* *
Lc 9,1-6 |
Bài Ðọc I: (Năm
II) Cn 30, 5-9
"Xin chớ để con ăn
mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ".
Trích sách Châm Ngôn.
Mọi lời Thiên Chúa như luyện
trong lửa, là thuẫn che chở kẻ nương tựa vào Người. Ngươi chớ thêm điều gì vào
lời Chúa, kẻo ngươi bị trách cứ và bị coi là kẻ gian dối. Con xin Chúa hai điều
này và xin đừng từ chối trước khi con chết: Xin hãy loại xa con sự giả trá và
lời gian dối. Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban
cho con ăn dùng vừa đủ: kẻo khi no đầy, con bị mê hoặc mà chối Chúa rằng: Chúa
là ai? Hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm và làm ố danh Thiên Chúa của con.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 29. 72. 89.
101. 104. 163
Ðáp: Lời Chúa là đèn soi tỏ dưới bước chân con (c. 105a).
Xướng: 1) Xin đưa con xa cách
con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con. - Ðáp.
2) Ðối với con, luật pháp do
miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. - Ðáp.
3) Thân lạy Chúa, cho tới đời
đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao. - Ðáp.
4) Con kiềm hãm con xa mọi
điều gian ác, để giữ trọn những lời răn dạy của Ngài. - Ðáp.
5) Nhờ huấn lệnh Ngài con trở
nên minh mẫn, bởi thế con ghét mọi đường lối gian tà. - Ðáp.
6) Con ghét và ghê tởm điều
gian dối, con yêu chuộng luật pháp của Ngài. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! - Ai giữ
lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.
- Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 1-6
"Người sai các ông đi
rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười
hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được
chữa lành các bệnh tật. Ðoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và
chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: "Khi đi đàng, các con đừng
mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào
nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các
con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố
cáo họ". Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và
chữa lành bệnh tật khắp nơi.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Lời căn dặn của Ðức Giêsu,
phải chăng muốn nói: Khi rao giảng phải bỏ hết những đồ dùng, kể cả lương thực?
Thưa không. Ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng: Với sứ mệnh loan báo Tin Mừng, đừng
để cho vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ mình. Vì nếu bị những thứ đó chi
phối, người tông đồ không đủ nghị lực và bất an. Không có sự bình an thanh
thoát trong tâm hồn, thì không thể loan báo niềm vui. Chỉ trong sự từ bỏ và
quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ cao trọng này.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng
con thoát khỏi những mê hoặc lôi cuốn của thế gian. Xin đừng để tiền tài, danh
vọng làm chúng con chóa mắt mà quên đi ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Xin Chúa
giúp chúng con luôn biết hướng về Chúa, sống theo tinh thần của Chúa và giới
thiệu Chúa cho anh chị em chúng con. Nhiệt tâm của Thánh Phaolô nhắc bảo chúng
con: Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng". Vâng, lạy Chúa, thật
là bất hạnh cho chúng con, nếu chúng con lo lắng về những gì khác mà không thao
thức cho Tin Mừng của Chúa được loan truyền. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Huấn
Lệnh Truyền Giáo
(Lc 9,1-6)
Suy Niệm:
Huấn Lệnh Truyền Giáo
Ðược Chúa Giêsu tuyển chọn và
sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép
lạ Ngài làm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại biến cố Chúa
Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở các ông phải sống khó
nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng.
So với lần Chúa sai các môn
đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai người, các
Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh và quyền năng để
trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai đi trước
để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông đồ trước khi lên đường có thể
gồm 3 phần: Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang theo gì cả, mặc dù
sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ có một vài ngày;
điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức
mạnh của Lời Chúa. Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được lùi
bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan phòng
và chờ đợi thời giờ của Chúa. Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu
của những kẻ chống đối các ông.
Mỗi thời đại có những cám dỗ
riêng. Ma quỉ đã cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ sứ mệnh cứu thế, cũng như cám dỗ Ngài
làm những việc lạ lùng, như hóa đá thành bánh, gieo mình xuống từ nóc Ðền thờ
để mọi người thấy và tin. Ngày nay, không thiếu những người chỉ muốn dùng tiền
bạc để giảng dạy hoặc dùng quyền bính để làm cho người khác kinh sợ. Một cám dỗ
khác mà người Tông đồ thời nay thường mắc phải, đó là sự thiếu kiên nhẫn, chờ
đợi thời giờ của Chúa. Họ dễ thoái lui rời bỏ nhiệm sở, thay đổi công việc.
Cũng có những người Tông đồ không dám nói rõ những sai lầm của người khác cũng
như những gì trái ngược với giá trị Tin Mừng. Thái độ chung của con người thời
nay là ích kỷ và hưởng thụ, số người sẵn sàng để Chúa sai đi thật hiếm hoi, số
các tệ nạn do sự sai lầm thiêng liêng ngày càng gia tăng, trong khi đó cái tôi
tự do được thổi phồng.
Có lần nhà hiền triết Diogène
đứng ở một góc đường và cười rã rượi như người điên loạn. Một khách bộ hành hỏi
ông: "Có gì mà ông cười ngặt nghẽo như thế?" Ông đáp: "Anh có
thấy tảng đá to ở giữa đường kia không? Từ khi tôi tới đây, đã có mười người
vấp ngã vì nó và nguyền rủa nó, nhưng không ai quan tâm lấy nó đi để tránh cho
người khác khỏi vấp ngã".
Có nhiều cách làm việc Tông
đồ, nhưng hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống tốt lành của mình. Xin Chúa giúp
chúng ta đáp lại lời mời của Chúa và hăng say dấn thân phục vụ những người xung
quanh vì Chúa.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 25 TN2
Bài đọc: Prov 30:5-9; Lk 9:1-6.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức
tính cần có của người rao giảng Tin Mừng.
Hai hành trang cần thiết
nhất trong cuộc đời là Lời Chúa và đức tin, và hai hành trang này bổ xung cho
nhau. Lời Chúa soi sáng và làm cho đức tin ngày càng thêm vững mạnh. Đức tin
làm cho con người hiểu thấu đáo Lời Chúa hơn, và nhất là dám hy sinh để Lời
Chúa được lan tràn cho mọi người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hiểu chính xác Lời
Chúa và tin tưởng hòan tòan nơi Thiên Chúa.
1.1/ Không được tự tiện
thêm bớt Lời Chúa:
Kinh Thánh không dễ
hiểu. Khi gặp những vấn nạn khó hiểu, thay vì phải cầu nguyện và tìm tòi nghiên
cứu, con người thường có hai khuynh hướng: hoặc thêm ý của mình vào làm để cho
vấn đề dễ hiểu hơn hoặc tự ý đục bỏ những gì không hiểu hay không thích. Người
Hồi Giáo cũng tin Cựu Ước, nhưng chỗ nào không muốn tin thì tự ý đục bỏ; họ lấy
lý do vì người Do-Thái ghét họ nên cho thêm vào. Thế kỷ 20 có nhóm mệnh danh là
Jesus Seminar, khi gặp đọan Kinh Thánh khó hiểu hay mâu thuẫn giữa các Thánh
Ký, họ họp nhau và lấy ý kiến chung nên cắt đi hay giữ lại. Sách Khôn Ngoan lên
án những khuynh hướng này: “Mọi lời Thiên Chúa phán đều đã được gạn lọc. Người
là khiên thuẫn cho ai tìm ẩn náu nơi Người. Đừng thêm thắt chi vào lời Người
phán dạy kẻo bị Người quở trách, và con thành kẻ nói dối nói gian.”
1.2/ Hai điều quan trọng
người khôn ngoan phải xin Thiên Chúa trong cuộc đời:
(1) Tránh xa điều dối
trá và chuyện lừa đảo: Con người có thể không thành thật với Thiên Chúa như
thêm hoặc bớt Lời Kinh Thánh để biện hộ cho các tật xấu của mình. Con người có
thể không thành thật với chính mình khi ăn gian nói dối để được lợi nhuận. Sau
cùng, con người có thể không thành thật với tha nhân khi tố cáo người công
chính hay lừa đảo những người cô thân yếu thế để lấy những gì họ có.
(2) Đừng để quá túng
nghèo, cũng đừng quá giàu có; chỉ xin cho có cơm bánh cần dùng. Hai thái cực
con người cần tránh: Nếu quá túng nghèo, con người có thể sinh ra trộm cắp để
có cơm bánh ăn; khi làm như thế là họ làm ô danh Thiên Chúa. Nếu quá đầy dư,
con người sẽ bỏ quên Thiên Chúa và chỉ trông cậy vào chính bản thân mình. Cách
tốt nhất là chỉ xin cho được hằng ngày dùng đủ như lời Kinh Lạy Cha mà Chúa dạy
cho các Tông Đồ của Ngài: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.”
2/ Phúc Âm: Trông cậy vào sức mạnh
của Thiên Chúa và hy sinh tất cả vì Tin Mừng.
(1) Chúa ban cho các
Tông Đồ sức mạnh và uy quyền: “Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho
các ông sức mạnh và uy quyền để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.” Sứ vụ
của Chúa khi xuống trần gian là rao giảng, chữa lành, và huấn luyện các Tông Đồ
để tiếp tục sứ vụ của Ngài. Trước khi sai các Tông Đồ đi, Ngài ban cho các ông
sức mạnh và uy quyền của Ngài để các ông cũng làm được những gì Ngài làm để
mang mọi người về cho Chúa. Uy quyền trên các quỉ thần là quyền của Thiên Chúa,
nếu Thiên Chúa không trao ban, con người không thể nào thắng được quỉ thần. Ơn
chữa bệnh cũng thế, không chỉ các Tông Đồ mà còn rất nhiều linh mục qua các
thời đại được Chúa ban ơn chữa lành cho các bệnh nhân. Trong thời đại chúng ta,
người nổi danh chữ bệnh phần xác là Cha Piô được Chúa cho in năm Dấu
Thánh.
(2) Người sai các ông đi
rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: "Anh em đừng
mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai
áo. Khi anh em vào bất
cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp
anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối
họ." Khi truyền những điều này, Chúa muốn các Tông Đồ phải:
- Tuyệt đối tin tưởng
vào Thiên Chúa vì thợ làm đáng được thưởng công bởi Thiên Chúa và bởi người
nhận ơn. Thiên Chúa có thể thúc đẩy tâm tình biết ơn nơi những người đã lãnh
nhận để họ biết chăm sóc cho những thợ làm vườn nho cho Chúa. Rất nhiều giáo
dân đã tiền bỏ vào nhà thờ mỗi tuần, tiền giúp ơn gọi, tiền cho các cha đi
đường hay ăn học…
- Hy sinh tất cả cho
việc rao giảng Tin Mừng. Khi không dính bén quá nhiều với của cải vật chất,
người tông đồ sẽ dễ dàng lên đường đi bất cứ nơi nào được sai đến. Nhưng khi
quá nặng lòng với của cải vật chất, người tông đồ bị đè nặng vì quần áo, bị
gậy, lương thực… và không dễ lên đường tới những nơi xa xôi để rao giảng Tin
Mừng cho những người đang cần được nghe.
- Chúc lành cho những ai
đón tiếp và phủi bụi chân lại cho những ai không tiếp đón. Ai đón tiếp người
tông đồ là đón tiếp chính Chúa vì họ được Thiên Chúa sai đi. Cũng vậy, ai từ
khước các tông đồ là từ khước chính Chúa. Sự giũ bụi chân là dấu hiệu để tỏ cho
chủ nhà biết ông đã từ chối nghe Tin Mừng; và như thế, tự ông đã luận phạt
chính ông.
(3) Các Tông Đồ nghe lời
Chúa ra đi, rảo qua các làng mạc, loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp
nơi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải cố gắng
dành thời giờ để học hỏi và nghiên cứu Lời Chúa trước khi có thể áp dụng vào
cuộc sống để sinh lợi ích cho bản thân và rao giảng Lời Chúa cho tha
nhân.
- Chúng ta chỉ cần xin
Chúa cho có của cải vừa đủ để sinh sống. Cần xin Chúa cho đừng quá nghèo để
sinh tật trộm cắp làm ô danh Chúa. Cần xin Chúa cho tránh cảnh quá giầu vì sẽ
dễ dàng tự tin nơi mình và bỏ quên Thiên Chúa.
- Không quá dính bén với
của cải vật chất sẽ làm cho con người chúng ta nhẹ nhàng để bay bổng, không
phải lo nghĩ làm sao gìn giữ chúng, và nhất là sẽ có nhiều giờ cho việc học hỏi
và rao giảng Tin Mừng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Thứ Tư tuần 25 thường niên
Sứ điệp: Chúa Giêsu ban ơn để
sai các tông đồ rao giảng Nước Thiên Chúa. Chúa căn dặn phải thực hiện sứ vụ
của mình bằng một cuộc sống thanh thoát và bình dị.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trở nên người Kitô hữu là lãnh nhận ơn gọi
sống cho Chúa và sống cho kẻ khác. Chúa ban cho con ơn thánh Chúa và sai con
vào môi trường sống hằng ngày. Cuộc sống hằng ngày là môi trường để con tỏ bày
ơn Chúa cho kẻ khác. Con muốn xác tín một lần nữa trước mặt Chúa để con thực sự
là người Kitô hữu, là người môn đệ của Chúa giữa xã hội.
Mỗi người có thể có nhiều vai trò, nhiều địa vị
trong tương giao với kẻ khác. Có thể là giám đốc, là công nhân, là thầy, là
thợ, là cha mẹ, là vợ chồng, là con, là anh, chị, em… Những vai trò này xác
định cách sống. Cũng vậy, con là người Kitô hữu, là môn đệ của Chúa, đặc tính
căn bản này sẽ xác định cách sống của con, sẽ hướng dẫn con trong những tương
giao đối với mọi người. Xin Chúa giúp con sống đúng phẩm giá và danh hiệu Kitô
hữu của con.
Với tư cách là người Kitô hữu, nhiều lúc con
cũng sẽ phải chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi cho chính mình. Nhưng con biết
rằng Chúa đã muốn điều đó. Chúa dạy con vui lòng chấp nhận những tiện ích vật
chất vừa đủ cho cuộc sống. Chúa dạy con phải biết cho đi chứ không chỉ thu góp
cho mình.
Lạy Chúa, một cuộc sống như vậy không phải chỉ
dành riêng cho các nhà tu nhiệm nhặt sao? Không, Lời Chúa hôm nay nói với chính
con trong tư cách là một Kitô hữu. Đó phải là cuộc sống của con. Xin Chúa giúp
con. Amen.
Ghi nhớ : "Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên
Chúa và chữa lành bệnh nhân".
26/09/12
THỨ TƯ TUẦN 25 TN
Th. Cótma và Đamianô, tử đạo
Lc 9,1-6
Th. Cótma và Đamianô, tử đạo
Lc 9,1-6
“BÀI
SAI” NGUYÊN THUỶ
“Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa bệnh nhân.” (Lc 9,2)
Suy niệm: “Bài sai,” một từ cổ “nhà đạo” nghe thật lạ tai ngay với cả với các “bổn đạo” nhưng lại nói lên thật đúng ý nghĩa của sứ vụ lệnh mà Chúa Giêsu trao cho các tông đồ. Bài sai đó là: 1/ ra đi tay không; 2/ sẵn sàng đón nhận mọi cảnh sống: đến nhà nào thì ở lại đó, và cũng từ đó mà ra đi; 3/ sứ mạng chính: rao giảng Tin Mừng và chữa lành. Những yêu cầu đó xem ra cũng dễ chấp nhận trừ yêu cầu đầu tiên. Đã hẳn chúng ta không thể những lời: “đừng mang gì đi đường, đừng có hai áo…” theo nghĩa đen; chính Chúa Giêsu cũng đã mang hai áo trong cuộc khổ nạn của Ngài (Ga 19,23-24), và Ngài cũng có một người quản lý tài sản, số tài sản tuy không nhiều nhưng cũng đủ làm phúc bố thí cho người nghèo (Ga 13,29). Những lời ấy nhấn mạnh đến tinh thần khó nghèo và phó thác. Chúa sẽ liệu một khi Ngài có ý sai đi. Ngài thấu hiểu tính lo xa của từng vị. Nhưng Ngài không thay đổi lệnh ban vì Ngài sẽ đi cùng họ trong các hoạt động tông đồ.
Mời Bạn: Là tín hữu hay là linh mục, tu sĩ, mỗi người chúng ta đều nhận “bài sai” của chính mình. Chúng ta phản ứng ra sao khi đọc lại “bài sai” này ngày hôm nay? Chỉ khi biết áp dụng tinh thần của bài sai nguyên thuỷ này, hoạt động tông đồ của chúng ta mới có tính thuyết phục.
Sống Lời Chúa: Bằng lòng vô điều kiện với “bài sai” của Chúa qua đấng bản quyền không dễ chút nào; nhưng coi đó là ý Chúa ta sẽ tìm được niềm vui và hoa trái thiêng liêng đích thực.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống tinh thần của người môn đệ đích thực của Chúa, để Chúa được mọi người nhận biết và tin yêu.
Đừng mang gì
Thầy Giêsu sai nhóm Mười Hai lên đường với những chỉ thị rõ
rệt. Không thấy Thầy bảo phải chuẩn bị hành trang. Ngược lại, Thầy cấm không
được mang theo gì cả.
Suy niệm:
Sau một thời gian sống bên Thầy Giêsu,
thấy việc Thầy làm và nghe lời Thầy giảng,
giờ đây nhóm Mười Hai đã tương đối cứng cáp
để được chia sẻ chính công việc Thầy đã làm.
Đó là rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành
bệnh nhân (c. 2).
Nhưng trước khi được chia sẻ công việc,
họ được chia sẻ quyền trừ quỷ và chữa bệnh của
Thầy (c. 1).
Sứ vụ họ sắp làm là một thực tập cho sứ vụ lớn
sau này (Lc 24, 46-47).
Thầy Giêsu sai nhóm Mười Hai lên đường với
những chỉ thị rõ rệt.
Không thấy Thầy bảo phải chuẩn bị hành trang.
Ngược lại, Thầy cấm không được mang theo gì cả.
“Đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc,
hai áo” (c. 3).
Ngay cả những người giảng rong theo phái Khắc
Kỷ,
tuy rất khắc khổ, nhưng cũng được mang theo gậy
và bị để ăn xin.
Thầy Giêsu muốn môn đệ của mình hoàn toàn cậy
trông vào Thiên Chúa,
và hoàn toàn cậy trông vào lòng tốt của con
người.
Họ phải tập chấp nhận sống bấp bênh và thiếu
thốn trong bình an.
Không mang đồ dự trữ, không gậy để bảo vệ khi
đi đường,
các môn đệ buộc phải mang theo lòng tín thác vô
bờ nơi Thiên Chúa.
Thầy còn chỉ thị cho cả nhóm biết về chuyện ăn
ở của họ.
Họ sẽ đến ở chung nhà với dân chúng, ăn uống
những gì họ cho.
“Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó…”
(c. 4).
Đừng đi từ nhà nọ sang nhà kia để tìm chỗ tiện
nghi hơn.
Khi ăn ở nơi nhà dân, người tông đồ có cơ hội
gần gũi với họ,
và chia sẻ cuộc sống thật của họ, để dễ loan
báo Tin Mừng hơn.
Nhưng cũng phải bình an chấp nhận những từ
khước (c. 5).
Có khi trong cả một thành, không tìm được một
gia đình để trú chân.
Thái độ phủi bụi chân lại cho thấy một sự dứt
khoát đoạn tuyệt,
không muốn dính dáng gì với những người ở đó
nữa (x. Cv 13, 50).
Khuôn mặt của người được sai cách đây hai ngàn
năm thật là đẹp.
Vừa quyền năng để trừ mọi thứ quỷ và bệnh tật,
vừa khiêm tốn cậy dựa vào lòng quảng đại của
người khác.
Vừa có gì để cho, vừa có gì để nhận:
cho Tin Mừng cứu độ và sự chữa lành, nhận sự
giúp đỡ vật chất.
Vừa gần gũi thân thiết với nỗi đau thân xác của
con người,
với những lo âu rất đời thường trong một gia
đình,
vừa thanh thoát với tiền bạc, không bị chi phối
bởi nhu cầu vật chất.
Nhóm Mười Hai sẽ phải đối diện với sức mạnh của
ác thần
đang tác oai tác quái trong đời nhiều người.
Họ sẽ phải dùng quyền Thầy trao để giải phóng
con người khỏi nô lệ.
Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ
bảo ta đừng đem gì?
Đâu là những nét đặc trưng của khuôn mặt người
tông đồ thế kỷ 21?
Đâu là những bệnh tật và nô lệ của con người
hôm nay?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu,
xin sai
chúng con lên đường
nhẹ nhàng
và thanh thoát,
không
chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào
những phương tiện trần thế.
Xin cho
chúng con làm được những gì Chúa đã làm :
rao giảng
Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành
những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc
quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn
thân.
Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa
đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa
lành bệnh nhân".
Trung
thành với lệnh truyền của Chúa
Chúng
ta vừa đọc lại bài tường thuật của thánh sử Luca nói về việc Chúa sai nhóm Mười
Hai Tông Ðồ ra đi rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Ðây là cuộc sai đi
trước biến cố Phục Sinh để chuẩn bị cho cuộc sai đi quyết định sau Phục Sinh,
khi đó Chúa sẽ nói với các ông một cách vĩnh viễn: "Mọi quyền hành trên
trời dưới đất đã được trao ban cho Thầy. Vậy, các con hãy đi và làm cho muôn
dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần,
dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con, và đây Thầy sẽ ở cùng
các con mọi ngày cho đến tận thế".
Hai
lần sai đi này, trước và sau Phục Sinh, trước và sau biến cố vượt qua của Chúa
Giêsu, rất quan trọng và bổ túc cho nhau. Nếu lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh,
sau biến cố vượt qua mà không có lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh thì người
ta sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ quả quyết rằng, những đồ đệ của Chúa Giêsu tự bày
vẽ công việc cho mình để thành lập cộng đoàn Giáo Hội do theo sáng kiến riêng
chứ không phải do ý muốn của Chúa Giêsu. Ngược lại, nếu lần sai đi thứ nhất
trước Phục Sinh mà không có lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh thì người ta cũng
sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ khác nữa cho rằng, Chúa Giêsu đã thất bại trong dự án
của Ngài sau khi bị giết chết trên thập giá. Nhưng các sách Phúc Âm đã ghi lại
cho chúng ta hai lần sai đi trước và sau Phục Sinh, và điều này làm nổi bật ý
định của Chúa Giêsu, một ý định vượt qua giới hạn thời gian, Chúa đã kêu gọi
huấn luyện và sai các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ
mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này
sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm
công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho.
Sự
hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội qua các thời đại trong lịch sử nhân loại đều
nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do
sáng kiến của con người. Hơn nữa, chúng ta thấy tác giả Phúc Âm thánh Luca mô
tả sứ mệnh của các tông đồ được Chúa sai đi bằng hai cụm từ rao giảng và chữa
lành bệnh tật.
Nói
theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta có thể nói rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm
trọn cả con người xác hồn. Rao giảng và chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu
rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi
và phát triển luôn đi đôi với nhau. Người đồ đệ của Chúa khi làm công việc của
Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện.
Khi làm công việc này không thể nào lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ
cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em chung
quanh.
Nhà
thờ để phụng thờ Thiên Chúa, nhà thương để chăm sóc bệnh nhân, nhà dưỡng lão để
săn sóc người cao niên, nhà học tập dành cho người trẻ, nhà ở cho người nghèo,
nhà cứu trợ cho anh chị em gặp nạn, đó là những nhà, những loại công tác nằm
trong sứ mệnh của người đồ đệ của Chúa. Lịch sử hai ngàn năm qua của Giáo Hội
cho thấy những đồ đệ của Chúa còn luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa:
rao giảng và chữa lành, mặc dù không thiếu những sơ sót lỗi lầm mà giờ đây
những đồ đệ chân thật của Chúa không ngần ngại ăn năn xin tha thứ và dốc quyết
thực hiện tốt đẹp hơn trong tương lai.
Lạy
Chúa,
Xin
thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa để chúng con được canh tân và dấn
thân nhiều hơn nữa, để chu toàn tốt hơn sứ mệnh Chúa đã trao phó cho trong mọi
hoàn cảnh của cuộc sống. Xin Chúa hãy thương hiện diện với chúng con và cùng
hoạt động với chúng con luôn mãi.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Rao giảng
và chữa bệnh
Đức Giêsu tập
họp nhóm mười hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ
quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và
chữa lành bệnh nhân.” (Lc. 9, 1-2)
Mục đích và điều
kiện truyền giáo là mang sứ điệp của Đức Giêsu đến cho mọi người vẫn không thay
đổi từ thời Giáo Hội sơ khai của các tông đồ cho đến nay đều theo mệnh lệnh của
Thầy Chí Thánh.
Đức Kitô đã ban
cho nhóm muời hai quyền đuổi quỷ, chữa lành các bệnh nhân và rao giảng Tin Mừng
nước Thiên Chúa. Tận nền tảng, vị truyền giáo không thể bằng lòng với lời nói,
ông cần phải hành động yểm trợ cho lời nói, và lời nói cần giải nghĩa và soi
sáng cho hành động. Từ nhiều năm nay có thể chúng ta đã vịn lý do chỉ cần những
hành động công khai nên đã bỏ phần hỗ trợ thiết yếu của lời giảng, có khi còn
loại bỏ lời nói để thay bằng lối sống chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô. Đến một
mức nào đó, chúng ta phải cảm phục một số những nhà hùng biện ngày nay có sức
thuyết phục thính giả chịu nghe các ông nói hằng giờ.
Đức Kitô đã làm
khác với chúng ta và những nhà hùng biện, Người không chỉ dùng lời nói,mà vừa
rao giảng vừa hành động. Bằng lời nói và chữa bệnh, Đức Kitô qui tụ chung quanh
mình hàng ngàn, hàng ngàn người dân. Ngày nay, Người vẫn còn nói bằng rất nhiều
hành động từ thiện và nhiều cách khác nữa để nâng đỡ lời giảng dạy. Như vậy
việc truyền giáo đòi có cả hai điều: Lời giảng và việc làm: “Lời nói đi đôi với
việc làm”.
Thử nhìn chung
quanh mình, sẽ thấy khá rõ có giáo phái dù nhỏ bé, họ biết khôn khéo lợi dụng
mọi cách để truyền giáo.
Phải chăng,
chúng ta kém khôn khéo khi rao truyền đức tin Kitô giáo?
Nghèo khó và từ
bỏ vẫn còn hữu ích và hơn bao giờ hết là điều kiện cho việc truyền giáo thật sự
tiến triển. Chúng ta dễ bị cám dỗ dùng những phương tiện to tát và hấp dẫn đầy
ấn tượng để truyền giáo. Sự từ bỏ là một vẻ đẹp, ngày nay cần thiết phải thực
hiện để giúp chúng ta không quên điều Đức Kitô đã dạy muời hai người đánh cá
làm nền tảng xây lên Giáo Hội, và nhờ đó mà chinh phục được thế giới, nhất là
sự từ bỏ trên thập giá. Lời Chúa sẽ mãi mãi là hạt cải nhỏ bé đã lớn lên thành
cây vĩ đại cho muôn chim trời đến trú ngụ.
GF.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
Tháng 9
26 THÁNG
CHÍN
Được Vững Mạnh Nhờ Việc Đặt Tay
Bí tích
Thêm Sức mà chúng ta lãnh nhận làm cho mối quan hệ của chúng ta với chân lý Phúc Âm thêm vững chắc hơn. Chúng ta trở nên trưởng thành trong Đức
Kitô. Chúng ta đã nhận hiểu chân lý này. Giờ đây chúng ta hãy ước ao được vững mạnh hơn trong chân lý ấy.
Cùng với Giáo Hội, chúng ta hãy đến với Thần Chân lý, hầu đức tin
mà chúng ta tuyên xưng có
thể khắc sâu trong tâm hồn chúng ta. Ước gì đức tin
ấy được khẳng
quyết mạnh mẽ
trong mọi việc làm và lời nói của
chúng ta.
Phép Rửa là một bí tích với biểu hiệu nước.
Phép Rửa được thực hiện qua việc tẩy rửa cơ thể, tượng trưng cho năng lực tha tội và biến đổi con người đang ở
trong tình trạng nô
lệ tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa. Dầu thánh hiến hay dầu
thánh là bí tích của những ai vốn nhận biết Đức Kitô và bây giờ tiến tới làm chứng cho Đức
Kitô như các Tông Đồ đã làm sau ngày lễ Ngũ Tuần.
Đó là lý
do tại sao trong Nghi Thức Thêm Sức có việc
giám mục đặt tay trên đầu. Ngài trao ban bí tích này bằng việc xức dầu
Thánh trên trán chúng ta. Giám mục là
chủ sự lễ nghi
Thêm Sức bởi vì ngài có ơn gọi đặc biệt – trong
Đức Kitô – đối với
toàn thể giáo dân trong giáo phận của
ngài. Ngài được kêu
gọi để làm mục tử chăn dắt các tín hữu của ngài trong tư cách là người tiếp tục sứ vụ đã được bắt đầu từ các Tông Đồ.
+++++++++++++++++
Lời Chúa
Trong Gia Đình
NGÀY 26-9
Thánh Cosma và Thánh Đamianô, tử đạo;
Cn 30, 5-9; Lc 9, 1-6.
LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Ngài sai các
ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.” (Lc
9,1-2)
Người Kitô hữu là người được sai đi, để rao giảng Nước Thiên Chúa.
Trong việc ra đi này, chính Chúa đã tuyển chọn chúng ta giữa bao nhiêu người; khi được tuyển chọn bất cứ ở vào một cương vị nào; chúng ta
đều được chính Ngài ban cho những khả năng đủ, để chu toàn bổn phận bất cứ hoàn cảnh nào. Nên mọi khả năng và chuyên
môn, cũng như những hiểu biết của mỗi chúng ta là do Ngài ban cho, để cọng tác với Ngài trong chương trình cứu độ của Ngài. Hãy vui
mừng và khiêm tốn ra đi, để tiếp tục nhận ân sủng của Chúa.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh
Nhân
NGÀY 26-09 THÁNH COSMA VÀ THÁNH ĐAMIANÔ - TỬ ĐẠO
Theo truyền thuyết thánh Cosma và Damianô là hai anh em sinh đôi. Sinh tại Ả rập. Các Ngài sớm mồ côi cha. Mẹ các Ngài là một góa phụ nhân đức, đã không tiếc gì để giáo dục con cái về trí thức và đạo đức. Bà gửi hai con theo học ở Syria . Tại đây Cosma và
Damianô nổi tiếng là lương thiện, vô vị lợi và trong trắng. Nhiệt thành với đức tin, các Ngài dự tính học nghề thuốc. Khoa này vào thời ấy bị coi rẻ. Nhưng các Ngài tin rằng khi chữa lành thể xác con người các Ngài có thể góp phần vào việc chữa trị tật bệnh linh hồn.
Thiên Chúa đã chúc lành cho dự tính của các Ngài và ban cho các Ngài được thông thạo về nghề thuốc. Chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, các Ngài
càng ngày
càng trở nên danh tiếng vì những cuộc chữa lành nhờ lời cầu nguyện. Những cuộc chữa lành lạ lùng này lôi cuốn được nhiều người, kể cả các lương dân đến với các Ngài. Tuy nhiên, chính vì tiếng tăm lừng lẫy này đã đưa tới cái chết vì đạo của các Ngài.
Các hoàng đế Điôclêtianô và Maximianô quyết tận diệt Kitô gióa, đã sai tổng trấn Lysias đến Ege để ép buộc các Kitô hữu phải dâng hương tế thần. Ai không tuân lệnh sẽ bị sát hại. Các lương dân tố cáo với quan tổng trấn rằng có hai người rất thạo nghề thuốc nhưng lại là thù địch chí tử của các thần minh. Nếu họ tiếp tục hành nghề các đền thờ sẽ trống vắng và cả nước sẽ theo Kitô giáo hết. Nghe tin này
quan tổng trấn truyền bắt giam hai Ngài. Sau khi bắt các Ngài phải dâng hương tế thần mà không được, ông ra lệnh hành hạ các Ngài. Nhờ ơn Chúa, hai thánh
Cosma và Damianô đã nhẫn nại chịu đựng, lại còn tỏ ra hân hoan nữa. Quan lính trói các Ngài rồi bỏ xuống biển, nhưng các thiên thần đã đến tháo cởi xiềng xích và cứu các Ngài bình an
vô sự.
Nghe tin này, quan tổng trấn truyền lập giàn thiêu. Nhưng giữa ngọn lửa cháy bừng, hai thánh nhân
vẫn không hề hấn gì. Cuối cùng quan tổng trấn ra lệnh xử trảm. Hai thánh Cosma và Damianô khẩn khoản nài xin Chúa thương nhận lễ dâng của các Ngài. Lần này nhưng Ngài được nhận lời. Sau những nhát chém đầu tiên, đầu các Ngài lìa xác
và nhận phúc tử đạo.
Danh tiếng của hai thánh Cosma và Damianô lan tràn khắo Giáo hội vì những cuộc chữa lành bệnh tật các Ngài thực hiện. Hoàng đế Justinô I khuyến khích lòng sùng kính hai thánh nhân. Một nguyện đường được xây dựng ở Aege miền Cilicia để ghi nhớ nơi các Ngài chịu chết vì đạo. Tại Roma, Đức Symmachô (498 - 514) xây nguyện đường. Đức Felix IV (526 - 530) xây một đại giáo đường kính các Ngài.
Cùng với thánh Luca, hai thánh Cosma và Damianô được đặt làm thánh bổn mạng các y sĩ và các
nhà giải phẫu.
(daminhvn.net)
++++++++++++++++++
26 Tháng Chín
Xin Ðược Ðánh Giày
Một linh mục thuộc giáo phận New York bên Hoa Kỳ chuyên lo mục vụ cho các tù nhân đã kể lại kinh nghiệm như sau:
Một hôm, người được mời đến thăm một thanh niên da đen sắp sửa bị đưa lên ghế điện vì đã giết người bạn gái của mình. Như thường lệ, mỗi khi gặp một tử tội sắp bị hành quyết, vị linh mục thường khuyên nhủ, giải tội và trao ban Mình Thánh
Chúa.
Sau khi đã nhận lãnh các bí tích cuối cùng, người thanh niên da đen bỗng trầm ngâm suy nghĩ như muốn nói một điều gì rất quan trọng. Cuối cùng, với tất cả cố gắng của một người biết mình sắp sửa lìa cõi đời này, anh ta mới thốt lên với tất cả chân thành:
"Thưa cha, con đã làm hư hỏng cả cuộc đời. Con chưa hề học được một điều gì hữu ích ngoài một điều duy nhất: đó là đánh giày.. Xin
cha cho con được phép đánh bóng đôi giày của cha. Như thế, con hài lòng vì nhận được sự tha thứ của Chúa, bởi vì con không biết làm gì để tạ ơn Chúa trước khi con gặp lại người bạn gái của con trên Thiên
Ðàng".
Và không đợi cho vị linh mục trả lời, người thanh niên đã cúi gập người xuống và bắt đầu đánh bóng đôi giày của vị linh mục... Cử chỉ ấy khiến cho vị linh mục nhớ lại hình ảnh của người đàn bà đã quỳ gối bên chân Chúa Giêsu, đổ dầu trên đầu, trên chân của Ngài và dùng tóc của bà để lau chân Ngài. "Tội của con dù có nhiều đến đâu cũng được tha thứ, bởi vì con đã yêu nhiều".
Theo quan niệm công bình và thưởng phạt của chúng ta, kẻ có tội ắt phải đền tội. Tòa án của loài người thường cân lường tội trạng của người có tội để tìm ra một hình phạt cân xứng.
Chúng ta không thể áp dụng một thứ cán cân như thế vào trong mối tương quan giữa tội lỗi của chúng ta với sự công thẳng của Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa chỉ có một trái cân duy
nhất: đó là lòng nhân từ. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và
muốn phủ lấp tất cả tội lỗi của chúng ta bằng lòng nhân từ vô biên của Ngài.
Do đó, khi nói đến ăn chay đền tội, chúng ta không thể cân lường tội lỗi của chúng ta để rồi tìm ra một lượng đền tội cho cân xứng. Có hy sinh
nào tương xứng được với tội trạng của chúng ta? Có án phạt nào cân xứng với sự xúc phạm của chúng ta?
Thiên Chúa không chờ đợi nơi chúng ta điều gì khác hơn bằng chính Tình
Yêu của chúng ta. Với tình yêu, thì dù một cử chỉ nhỏ mọn cũng trở thành một lễ dâng đẹp lòng Chúa. Những gì chúng ta
dâng lên Chúa, không phải là của cải chúng ta có, những bố thí chúng ta làm cho người khác, những khổ chế chúng ta tự áp đặt cho bản thân... mà
chính là lòng yêu mến của chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 26
Thánh Cosma
và thánh Đamianô, tử đạo
Qua các bản văn Tin Mừng của thánh Luca
thì sứ mệnh được sai đi là điều tốt, Giáo Hội đã mời gọi chúng ta tái khám phá
bí tích rửa tội, mỗi người theo cách của mình mà thi hành sứ mệnh được Đức Kitô
giao phó.
Mười hai môn
đệ được sai đi là ví dụ điển hình cho các hình thức được rửa tội ngày hôm nay.
Các tông đồ là những người đã gởi thông điệp của Đức Kitô, nhận ra sự yếu đau
của mình và luôn quy hướng về Thiên Chúa. Trước tiên Ngài yêu cầu họ nhìn nhận
nhau, tiếp đón nhau và sẵn sàng cho đi. Nhóm mười hai được sai đi từng hai
người một. Điều đó chứng minh rằng, người được sai đi không bao giờ đơn độc một
mình, nhưng luôn được các bạn đồng nghiệp cầu nguyện, ủng hộ và khích lệ. Ngày nay, chúng ta không thể dùng sự
chuyển tiếp này trong cuộc phiêu lưu huynh đệ với mọi người.
Chúa Kitô ban
cho nhóm Mười Hai sức mạnh để có thể chữa lành và thánh Luca đã chứng thực điều
đó. Thánh Cosma và thánh Damiano mà Giáo Hội mừng hôm nay- đã được giới thiệu
như các lương y chăm sóc bệnh nhân cách nhưng không. Ngày hôm nay, Đức Kitô vẫn
tiếp tục sai các tông Đồ đi rao giảng Nước Trời và chữa lành mọi kẻ ốm đau, đói
nghèo, cô đơn, áp bức hoặc bị người thân phản bội. Vậy làm thế nào để chúng ta
cũng trở thành những chứng nhân loan báo Tin Mừng?
Christophe Roucou
Thứ Tư 26-9
Thánh Cosmas và Thánh Damian
(c. 303?)
N
|
gười ta không biết gì nhiều về cuộc đời của hai vị này, ngoài việc
họ tử đạo ở Syria
trong thời bắt đạo của Diocletian.
Một nhà thờ được dựng gần nơi chôn cất các ngài đã được hoàng đế
Justinian trùng tu lại. Việc sùng kính hai thánh nhân đã lan truyền mau chóng
cả ở Ðông Phương lẫn Tây Phương. Ngay ở Constantinople ,
một đền thờ nổi tiếng được xây cất để vinh danh hai vị. Tên của hai ngài được
ghi vào Lễ quy, có lẽ từ thế kỷ thứ sáu.
Truyền thuyết nói rằng hai vị là anh em sinh đôi ở Arabia , và là các y sĩ giỏi. Họ được sùng kính ở Ðông
Phương với biệt hiệu "người không lấy tiền" vì họ không tính
tiền khi chữa bệnh. Không thể nào những người nổi tiếng như vậy mà không bị chú
ý trong thời gian cấm đạo, do đó cả hai đã bị bắt và bị chém đầu.
Lời Bàn
Dường như từ lâu, chúng ta chỉ chú ý đến những phép lạ của Chúa
Giêsu như để nói lên quyền năng Thiên Chúa của Người. Có điều chúng ta không để
ý đến là sự khao khát của Chúa Giêsu muốn vơi bớt đau khổ của nhân loại. Sức
mạnh "xuất ra từ Người" quả thật là dấu chứng tỏ Thiên Chúa đã đi vào
lịch sử loài người để hoàn tất những điều Người đã hứa; nhưng tình yêu của
Thiên Chúa cũng rõ rệt trong trái tim nhân loại khi Người lo lắng về sự đau khổ
của người khác. Ðó là sự nhắc nhở cho mọi Kitô Hữu chúng ta rằng sự cứu độ liên
can đến toàn thể con người, là một tổng thể độc đáo giữa thể xác và tinh thần.
Lời Trích
"Anh em không biết rằng thân xác anh em là Ðền Thờ của
Thánh Thần đang ngự trong anh em, là Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho anh em, và
như vậy anh em đâu có làm chủ chính mình? Vì anh em đã được chuộc với một giá
rất đắt. Bởi thế hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác anh em" (1 Corinthians 6:19-20).
Bài đọc 2
Ngày 26 tháng 9: Thánh Cót-ma và thánh
Ða-mi-a-nô, tử đạo. Lễ nhớ
Thánh Cót-ma và Ða-mi-a-nô là hai chứng
nhân tử đạo của miền Xia, gần A-lép thuộc Xi-ri. Ngay từ thế kỷ thứ IV, đã có
nhiều phép lạ nơi mộ của các ngài đến nỗi có tương truyền cho rằng các ngài xưa
là những thầy lang chữa bệnh miễn phí. Lòng tôn kính các ngài lan nhanh khắp
vùng Địa Trung Hải.
Cao quý thay cái chết của các vị tử đạo vì
đã được trả giá bằng cái chết của Đức Ki-tô
Trích bài giảng của thánh Âu-tinh, giám
mục.
Những chiến công hiển hách của các thánh
tử đạo làm cho Hội Thánh phát triển khắp nơi. Những chiến công đó làm cho chúng
ta thấy rõ lời chúng ta vừa hát là đúng : Đối với Chúa thật là đắt giá cái
chết của những ai trung hiếu với Người. Các ngài đã chết vì danh Chúa, nên cái
chết đó là đắt giá đối với Chúa cũng như đối với chúng ta. Tuy nhiên, những cái
chết đó đắt giá là nhờ cái chết một mình Đức Ki-tô. Một mình Đức Ki-tô khi cam
lòng chịu chết đã trả giá cho biết bao cái chết; vì, như hạt lúa, Người không
chết thì sẽ không sinh sôi nảy nở. Các bạn đã nghe những lời Người nói khi
Người sắp chịu thương khó, nghĩa là sắp cứu chuộc chúng ta : Nếu hạt lúa gieo
vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó
mới sinh được nhiều hạt khác.
Quả thật, trên thập giá đã diễn ra một
cuộc trao đổi lớn lao, vì nơi đây, túi đựng tiền chuộc chúng ta đã được mở ra :
khi tên lính lấy lưỡi đòng mở cạnh sườn Chúa Ki-tô, thì từ đó tuôn ra giá chuộc
toàn thể trái đất. Các tín hữu và các vị tử đạo đều đã được Chúa trả giá ;
nhưng lòng tin của các vị tử đạo đã được minh chứng ; máu các ngài đổ ra làm
chứng cho điều đó. Giá Chúa đã bỏ ra chuộc các ngài, các ngài đã hoàn lại, các
ngài đã làm ứng nghiệm lời thánh Gio-an sau đây : Đức Ki-tô đã thí mạng vì
chúng ta, thì cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Và lời
Kinh Thánh khác : Khi tham dự đại tiệc, con hãy để ý xem người ta đã dọn
ra những món gì, vì con sẽ phải đáp lễ cho cân xứng. Đây quả là đại tiệc, vì
nơi đây Chúa là chủ tiệc ban chính mình làm của ăn. Không ai lấy chính thân
mình để nuôi thực khách ; thế mà Chúa Ki-tô đã làm điều đó. Chính Người đứng ra
mời, chính Người là của ăn, là thức uống. Vậy các vị tử đạo đã biết mình ăn gì,
uống gì, nên các ngài đã đáp lễ một cách tương xứng.
Nhưng bởi đâu các ngài đáp lễ được như
thế, nếu không phải vì Đấng chịu hao tốn trước đã chẳng ban cho các ngài những
gì cần để đáp lễ ? Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người
đã ban cho ? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ. Chén đây là chén nào ? Là chén
thương khó đắng cay có sức chữa lành, chén mà thầy thuốc không uống trước thì
con bệnh sẽ sợ, không dám kề môi. Chén đó là như vậy. Vậy chúng ta nhận ra chén
đó khi miệng Đức Ki-tô thốt ra : Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời
khỏi con. Về chén đó, các vị tử đạo đã nói : Tôi xin nâng chén mừng
ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
Vậy, bạn không sợ bị nao núng trong cơn
thử thách sao ? Không. Tại sao thế ? Và tôi sẽ kêu cầu thánh danh Đức
Chúa. Làm sao các vị tử đạo chiến thắng được, nếu không phải là nhờ chính Đấng
đã chiến thắng nơi các ngài, Đấng đã từng nói : Anh em hãy vui mừng, vì
Thầy đã thắng thế gian. Vị Chúa Tể trời đất hướng dẫn lòng trí và miệng
lưỡi các vị tử đạo ; ở dưới đất, Người đã dùng các ngài mà đánh bại ma quỷ, và
trên trời, Người đã ban thưởng triều thiên tử đạo cho các ngài. Phúc thay các
vị đã uống cạn chén tử đạo như thế : các ngài không còn phải khổ đau và đã nhận
được vinh quang rạng ngời.
Lời
nguyện
Lạy Chúa, trong ngày kính hai thánh tử đạo Cót-ma và Ða-mi-a-nô, chúng con khấn nguyện cho mọi người biết ca tụng Chúa là Ðấng Cao Cả, vì Chúa đã ban vinh quang bất diệt cho hai vị thánh, lại vì Chúa là Ðấng quan phòng luôn che chở chúng con. Chúng con cầu xin...
Lạy Chúa, trong ngày kính hai thánh tử đạo Cót-ma và Ða-mi-a-nô, chúng con khấn nguyện cho mọi người biết ca tụng Chúa là Ðấng Cao Cả, vì Chúa đã ban vinh quang bất diệt cho hai vị thánh, lại vì Chúa là Ðấng quan phòng luôn che chở chúng con. Chúng con cầu xin...
(trích bài đọc giờ kinh sách ngày 26/9 –
bản dịch của nhóm CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét