CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
năm B
BÀI ĐỌC I: Kn 2, 12. 17-20
"Chúng ta hãy kết án
cho nó chết cách nhục nhã".
Trích sách Khôn Ngoan
(Những kẻ gian ác nói rằng:) "Chúng ta hãy vây bắt kẻ công
chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm,
khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy
xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho
nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên
Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó.
Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại
không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì
người ta sẽ cứu nó!" Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 53, 3-4. 5. 6 và 8
Đáp: Chúa
đang nâng đỡ tâm hồn con (c. 6b).
Xướng: 1) Ôi
Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết
cho con! Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con
xin. - Đáp.
2) Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối, và bọn người hung
hãn tìm sát hại con, bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước mặt mình. - Đáp.
3) Kìa, Thiên Chúa phù trợ con, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con.
Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa. Lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài,
vì danh Ngài thiện hảo. -
Đáp.
BÀI ĐỌC II: Gc 3, 16 - 4, 3
"Hoa quả của công
chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình".
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và
đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong
trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả
tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được
gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.
Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại
điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh
em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không
được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em
không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ
tưởng thoả mãn các đam mê của anh em. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian,
ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 9, 29-36 (Hl 30-37)
"Con Người sẽ bị
nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang
qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông
rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị
giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và
sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông:
"Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng
các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười
hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm
người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Rồi Người đem một em bé lại đặt
giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những
trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón
tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai
Thầy".
Đó là lời Chúa.
Người Khiêm Nhường
Không Tranh Làm Lớn
(Khôn ngoan 2,12.17-20; Yacôbê 3,16-4,3; Marcô 9,30-37)
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXV Thường Niên
Năm B
Khôn ngoan 2,12.17-20;
Yacôbê 3,16-4,3; Marcô 9,30-37
Nếu Chúa nhật trước là Chúa
nhật Người Tôi Tớ, thì Chúa nhật hôm nay có thể gọi là Chúa nhật Người khiêm
nhượng. Và nội dung của hai ngày cũng gần giống nhau. Vì Người Tôi Tớ thì phải
khiêm nhường và Người khiêm nhường thì phải trở nên như Tôi Tớ. Hai quan niệm
tôi tớ và khiêm nhường đều chói tai người thời đại ta, nhưng là những thái độ
căn bản của Kitô giáo. Chính Ðức Kitô đã hạ mình xuống cho đến chết và chết
trên thập giá để thực hiện mọi lời tiên tri về Người Tôi Tớ. Và Người dạy ai
muốn theo Người cũng phải vác lấy thập giá của mình mà bước theo... Thế nên,
chúng ta cũng phải đi vào con đường khiêm cung như những người tôi tớ.
Nhưng khiêm tốn, hoặc khiêm
nhường và khiêm cung theo giáo huấn của Chúa là gì? Ba bài Kinh Thánh hôm nay
không có ý trả lời đầy đủ nhưng vạch ra những phương hướng chính yếu để giúp
chúng ta suy niệm.
1. Người Khiêm Nhường Không
Tranh Làm Lớn
Phần sau của bài Tin Mừng hôm
nay như muốn đặt điều kiện tiên quyết cho những ai muốn đi vào con đường khiêm
tốn, cũng là chính con đường mà Ðức Kitô đã đi ở trần gian này... Thánh Marcô
kể: hôm ấy Ðức Yêsu đang đi với các môn đệ. Người tránh, không muốn cho ai biết
Người. Người sợ người ta nô nức đi theo Người như chạy theo một "người
lớn". Hơn nữa, đang khi đi đường Người còn nói rõ cho môn đệ biết: Người
sẽ bị nộp, bị giết. Người thì như vậy và tâm hồn Người thì như thế. Nhưng các
môn đệ và đầu óc họ thì lại khác hẳn. Họ không tìm hiểu lời Người nói về thái
độ và đời sống khiêm nhường, nhưng lại tranh biện với nhau xem ai là
"người lớn nhất".
Mặc cho họ nói, Người lặng
thinh cho đến khi về tới nhà. Nếu được nghĩ theo biểu tượng thì chúng ta có thể
nói rằng: đang khi còn hành trình ở trần gian, Ðức Yêsu chỉ có thể sống khiêm
cung và hạ mình xuống cho đến chết và chết trên thập giá; nhưng khi Người chưa
thể dạy môn đệ hiểu được bài học khiêm nhường. Phải đợi khi đã về tới nhà tức
là đạt tới mầu nhiệm Phục sinh đưa Người về với Chúa Cha và được đặt lên làm
Chúa và làm Thầy, bấy giờ Ðức Yêsu mới có thể "ngồi" và gọi môn đệ
lại để dạy cho họ biết ai muốn làm lớn thì phải trở nên rốt bét và trở thành
tôi tớ cho mọi người.
Chúng ta có thể hiểu đoạn Tin
Mừng hôm nay như vậy, vì trong Phúc Âm Yoan cũng có một đoạn tương tự mà ý
tưởng rõ rệt hơn. Hôm ấy Ðức Yêsu đang chủ tọa bàn tiệc ly, Người được công
nhận là Thầy, là Chúa; thế mà Người lại đứng lên cởi áo khoác ra, thắt lưng lại
như Người Tôi Tớ và cầm chậu nước đi rửa chân cho môn đệ. Họ kinh ngạc trố mắt
ra, chẳng hiểu gì. Người an ủi sau này họ sẽ hiểu. Tức là phải đợi đến khi
Người đã hạ mình xuống trong mầu nhiệm thập giá, họ mới hiểu hành vi Người làm
hôm nay... Người muốn trở thành tôi tớ rửa chân cho họ để họ sẽ bắt chước thành
tôi tớ rửa chân cho nhau. Người muốn đi vào đường lối khiêm cung để họ cũng trở
nên những người khiêm nhường.
Hôm nay Người chưa thi hành
việc rửa chân. Nhưng Người cũng làm một cử chỉ lạ thường. Người kêu một em bé
lại, đặt em đứng giữa môn đệ, rồi ôm lấy em Người nói với họ: ai tiếp đón một
em bé như thế này nhân danh Ta là tiếp đón Ta; và ai tiếp đón Ta, thì không
phải tiếp đón chính Ta nhưng là tiếp đón Ðấng sai Ta.
Chúng ta hãy để ý: Người
không hề ám chỉ đến sự đơn sơ, vô tội của em bé. Tư cách duy nhất Người muốn
nêu lên là sự bé nhỏ, là thân phận chưa phải là người lớn nhưng còn sống lệ
thuộc vào cha mẹ. Người đồng hóa với em bé để nói lên quan điểm của Người không
muốn làm lớn mà chỉ muốn khiêm cung. Và người ta phải đón nhận Người trong tư
thế khiêm tốn đó; khiến người ta cũng phải khiêm cung.
Ðừng bảo đấy là con đường
không lớn. Ngược lại, đó mới là đường lối lớn thật, vì nó dẫn người ta lên tới
Chúa Cha là Ðấng lớn hơn hết, khiến người ta cũng được lên cao hơn cả... Dĩ
nhiên lý luận này là lý luận của mầu nhiệm thập giá. Người ta chỉ có thể hiểu
nếu tin ở mầu nhiệm tử nạn phục sinh, là mầu nhiệm thực hiện mọi lời tiên tri
về Người Tôi Tớ. Chính câu kết của bài Tin Mừng hôm nay cũng y hệt câu kết của
bài tường thuật việc rửa chân trong Yoan 13,20 khiến chúng ta càng thâm tín
phải đọc đoạn Tin Mừng Marcô hôm nay trong viễn tượng của mầu nhiệm thập giá.
Ðức Yêsu đã dứt khoát đi vào
con đường tự hạ để trở thành người tôi tớ. Và Người dạy chúng ta phải đi vào
đường lối ấy. Nó khác với quan niệm làm lớn của các môn đệ khi chưa thấy mầu
nhiệm thập giá. Nhưng khi thấy rồi, họ mới tuyên xưng đó mới là đường lối làm
lớn thật sự vì nó dẫn người ta lên tới Thiên Chúa. Ðang khi óc làm lớn theo
nghĩa xác thịt chỉ dẫn đến bất hòa và mất tin tưởng. Bài Tin Mừng hôm nay cũng
gợi lên điểm này, nhưng chưa rõ rệt bằng bài thư Yacôbê mà chúng ta muốn nói
đến bây giờ.
2. Người Tranh Làm Lớn
Không Công Chính
Ðể tránh những sự hiểu lầm
thiết tưởng cần lưu ý ngay rằng: Ở đây thánh Yacôbê cũng như thánh Marcô đang
nói với các tín hữu. Các ngài công kích những người trong bọn họ muốn tranh
những chỗ nhất ở giữa cộng đồng dân Chúa. Ít ra, trước đây họ chỉ là những
thành phần "không-không" ở giữa thế gian nhưng đã được ơn Chúa kêu
gọi để làm giàu cho bằng bao ơn thiêng. Bây giờ họ lẫn lộn bình diện Nước Trời
và bình diện thế gian. Họ tưởng các ơn thiêng cũng giống như phương tiện vật
chất. Họ nghĩ mình đã được ơn Chúa tuyển chọn thì cũng phải được địa vị và danh
dự trước mặt người đời. Thế nên họ đặt vấn đề ai là người lớn hơn trong bọn họ.
Họ quên Chúa đã cứu họ trong mầu nhiệm thập giá... Người tự đồng hóa với người
môn đệ bé nhỏ, tức là khiêm nhu. Người yêu những môn đệ như thế và những người
này chiếm chỗ nhất trong trái tim và ở trước mặt Người.
Nhưng nhiều kẻ không tin như
vậy. Họ lại trở về quan điểm của thế gian. Họ muốn khôn ngoan theo kiểu loài
người. Thành ra "cái dục tình lại làm giặc nơi chi thể của họ". Họ ao
ước mà không có được; họ ghen tương mà không đạt nổi; họ có cầu xin cũng không
được chấp nhận vì Thiên Chúa không thể thỏa mãn lòng dục của họ. Sống với cảm
nghĩ ghen tương tranh chấp như thế, họ không còn được bình an nữa và đâm ra làm
đủ thứ tệ đoan.
Thánh Yacôbê muốn phân tách
để họ thấy căn nguyên của những nếp sống như vậy là sự mất niềm tin và đã trở
về sự khôn ngoan thế tục. Muốn có những hoa quả công chính, tức là đời sống tốt
lành, người ta phải có sự khôn ngoan bởi trời là tinh tuyền, bao dung, nhún
nhượng, đầy tình thương. Suy nghĩ kỹ những lời này, chúng ta sẽ nhận ra thánh
Yacôbê không muốn gợi lên gì hơn là đường lối của Ðức Yêsu là sự khôn ngoan của
Thiên Chúa đã giáng trần và đã muốn sống một cuộc đời khiêm cung.
Ði theo đường lối của Ðức
Yêsu, là điều mà thánh Yacôbê và thánh Marcô, cũng như mọi sứ ngôn của Thiên
Chúa, đều muốn tha thiết khuyên bảo người ta. Chỉ có đường lối này mới làm cho
người ta nên công chính và thánh thiện... Ðó là đường lối hạ mình của mầu nhiệm
thập giá. Nó không làm suy yếu các khả năng tốt đẹp nơi con người. Ngược lại,
chủ yếu của con đường thập giá là tiêu diệt tội lỗi, dục vọng và những sự xấu,
để các nhân tố vươn lên trong sức mạnh phục sinh.
Thế nên thật là sai lầm khi
tưởng rằng đức khiêm nhường của Kitô giáo không biết phát huy các tài năng tốt
đẹp mà Thiên Chúa đã phú bẩm cho con người. Trái lại chính sự khiêm nhường đã
tạo được điều kiện thuận lợi cho nhân đức của những người công chính trổ sinh
hoa quả tốt lành. Nắm vững chân lý đức tin như vậy, có lẽ người ta sẽ dễ hiểu
hơn một hiện tượng đã làm đau đầu những ai suy nghĩ từ ngàn xưa mà các sách Cựu
Ước luôn luôn làm vọng lại. Ðó là hiện tượng:
3. Người Công Chính Thường
"Bị Bắt Bớ"!
Bài sách Khôn ngoan hôm nay
cho chúng ta nghe giọng của phường vô lại. Chúng hùa nhau tiêu diệt người công
chính. Không những đời sống của thánh nhân là bản án hạch sách tâm tư của
chúng, khiến chúng cảm thấy nặng nề khi giáp mặt thánh nhân; mà sâu xa hơn nữa,
thánh nhân dường như có Thượng đế luôn luôn về phe với mình và chỉ trích chúng.
Thế nên chúng khó chịu với người công chính thì ít, mà không chịu được sự hiện diện
của Thiên Chúa ở nơi họ thì nhiều. Chúng muốn phá tan sự hiện diện ấy hay
không? Thế nên chúng muốn hùa nhau đưa người công chính vào bẫy, thử xem nhân
đức người này có chắc chắn hay không và nếu quả thực chắc chắn thì chúng sẽ thử
làm thêm lên án cho người công chính chết nhục nhã để xem Thiên Chúa có bênh
vực cứu chữa người không?
Tác giả sách Khôn ngoan quả
thực đã thấu suốt tâm can phường vô lại. Và nếu đọc tiếp các lời ông viết sau
đoạn văn ngắn ngủi trích đọc hôm nay, chúng ta sẽ thấy ông làm chứng phường vô
lại kia đã nghĩ lầm như thế nào. Nhưng phụng vụ không muốn điều đó. Phụng vụ
dừng lại ở đây vì đã đủ để dẫn vào bài Tin Mừng nói đến việc Ðức Yêsu sẽ bị
loài người âm mưu hãm hại. Người mới thật là Ðấng Công Chính. Sự hiện diện của
Người mới thật là bản án hạch sách tâm tư, không phải chỉ của phường vô lại mà
thôi nhưng của mọi người, vì mọi người ở trước mặt Người đều là tội nhân. Tiên
tri Simêon đã thấy rõ điều này. Ngày gặp Hài nhi Yêsu trong Ðền thờ, ông đã
tiên báo: Người có mệnh làm cho ý nghĩ của nhiều tâm hồn phải bày ra (Lc 2,35).
Và sở dĩ như vậy, tựu trung chỉ vì Người có mệnh phải đi qua nơi gian khổ để
vào nơi vinh quang, đi qua sự tự hạ để được tôn vinh, đi vào đường lối khiêm
nhường để mưu cầu ơn công chính hóa cho mọi người đã hư đi vì tội bất vâng
phục... Con đường thập giá ấy, cả người Dothái lẫn Hylạp, cả người xưa lẫn nay,
phần nhiều chỉ coi là điền rồ. Riêng với những kẻ được tiền định thì đó là mầu
nhiệm cứu độ và ân sủng.
Giờ đây, khi đọc Kinh Tin
Kính chúng ta sẽ tuyên xưng vào niềm tin vào đường lối cứu độ đó. Hơn nữa chúng
ta sẽ cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là lễ Vượt qua của Chúa chúng ta trong cuộc
tử nạn phục sinh. Chúng ta chỉ tin đường lối của thánh giá tại nhà thờ, hay
thâm tín rằng đó là con đường chúng ta phải đi vào trong đời sống để bước theo
Chúa? Nếu thế thì nếp sống khiêm nhường của Người Tôi Tớ mà Lời Chúa hôm nay
dạy bảo chúng ta phải được đem thi hành, để quả thật chúng ta đã đóng đinh xác
thịt và dục vọng vào thánh giá Chúa Kitô. Cuộc đời của chúng ta sẽ sinh hoa quả
tốt lành. Dần dần chúng ta sẽ trở nên công chính. Tất cả sẽ chỉ có thể xảy ra
nếu chúng ta biết rước lấy Chúa trong giờ thánh lễ này, để sự sống và sự công
chính của Người dần dần làm chủ trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta sẽ là
những môn đệ nhỏ bé của Người, và đời sống khiêm tốn của chúng ta sẽ phản ánh
nhiều vẻ cao cả thần linh.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 25 Thường Niên,
Năm B
Bài đọc: Wis 2:12, 17-20; Jas 3:16-4:3; Mk 9:30-37.
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Có nhiều người muốn biết nhưng
không chịu học; muốn được khen ngợi nhưng chẳng có gì để được khen ngợi; muốn
được người khác yêu thương, thông cảm; nhưng chẳng bao giờ chịu yêu thương và
thông cảm người khác; muốn làm lớn nhưng chẳng muốn làm gì cả. Những người này
khi không được những điều mình muốn, họ tìm cách phá đám cho bỏ ghét, cho đỡ
tức. Lẽ ra họ phải dùng trí khôn để tìm hiểu, xây dựng; họ lại dùng vũ lực để
phá hủy, để tiêu diệt.
Các Bài Đọc hôm nay dạy con người
phải biết thay đổi lối sống theo khôn ngoan của thế gian để sống theo sự khôn
ngoan của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, thay vì phải thay đổi cho phù hợp với
lối sống của Thiên Chúa, kẻ gian ác muốn thử thách Thiên Chúa bằng cách bách
hại người công chính. Trong Bài Đọc II, thánh Giacôbê dạy các tín hữu: nếu muốn
có bình an đích thực, họ phải từ bỏ lối sống theo tham vọng trần tục, để sống
theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.Trong Phúc Âm, trong khi Chúa Giêsu chuẩn bị
hy sinh để chết cho nhân loại trong Cuộc Thương Khó, các môn đệ tranh giành và
cãi cọ xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Chúa Giêsu gọi một em nhỏ tới
và bảo các ông: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết,
và làm người phục vụ mọi người."
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Thử thách Thiên Chúa bằng cách bách hại người công chính.
1.1/ Kẻ gian ác bách hại người công chính: Có những người mù
quáng chỉ tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của mình; nên từ chối học hỏi sự
khôn ngoan và tiếp nhận những lời phê bình xây dựng của người khác.
+ Để biết sự thật, thay vì phải bỏ
thời gian và nỗ lực để học hỏi và suy xét, kẻ gian ác lại ngông cuồng dùng vũ
lực để tiêu diệt sự thật, bằng cách bách hại người công chính. Họ nói: "Ta
hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm ta nhức nhối: nó chống lại các
việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ
giáo."
+ Thay vì tìm hiểu lý do tại sao
người công chính có thể hiền hòa và kiên nhẫn, họ lại chọn dùng vũ lực uy hiếp:
"để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào."
1.2/ Kẻ gian ác thử thách Thiên Chúa: Vì không tin có Thiên
Chúa, nên kẻ gian ác muốn người công chính cũng phải tin như vậy.
(1) Để tìm ra ý nghĩa của cuộc đời: Thay vì phải học hỏi
nơi những mặc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh và biết suy xét trên kinh
nghiệm cuộc đời, họ lại chọn cách tiêu diệt người công chính để chứng minh
không có Thiên Chúa. Họ nói: "Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào." Đối với họ, chết là hết.
(2) Để tìm ra sự hiện hữu của Thiên
Chúa: Họ
nghĩ: "Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó
khỏi tay địch thù. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ
được Thiên Chúa viếng thăm." Nếu Thiên Chúa không ra tay cứu, họ kết luận:
chẳng có Thiên Chúa.
Đứng trước Thập Giá của Chúa Giêsu,
nhiều thầy thượng-tế, kinh-sư, và biệt-phái đã nhạo báng Ngài: ''Hắn cậy vào
Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn
đã nói: "Ta là Con Thiên Chúa!" (Mt 27:43).
2/
Bài đọc II: Hãy từ bỏ lối sống tham vọng trần tục để sống theo sự khôn ngoan
của Thiên Chúa.
2.1/ Khôn ngoan của Thiên Chúa và của thế gian: Từ ngữ
"sophía" là một từ không rõ ràng trong tiếng Hy-lạp; nó có thể áp
dụng cho mọi khôn ngoan: Thiên Chúa cũng như con người, tốt cũng như xấu.
(1) Khôn ngoan của Thiên Chúa: Thánh Giacôbê dùng cả
một câu dài để định nghĩa: "Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở
nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, cầu tiến, đầy từ bi và
sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình."
Trước tiên, khôn ngoan theo Thiên
Chúa đòi con người phải thanh khiết, không có chút tà ý nào để mưu hại tha
nhân. Kế đến, người khôn ngoan phải chú trọng đến việc xây dựng hòa bình, chứ
không dùng thủ đoạn để gây chia rẽ và tranh chấp. Người khôn ngoan không ngoan
cố giữ ý riêng mình; nhưng sẵn lòng mở rộng tâm hồn để đón nhận những điều hay
ý đẹp từ người khác. Người khôn ngoan không dễ kết án tha nhân; nhưng luôn
thương xót và tìm dịp để xây dựng cho mọi người. Sau cùng, người khôn ngoan
biết đối xử công bằng với mọi người, và luôn sống thật lòng với Thiên Chúa và
với tha nhân. Nói tóm, khôn ngoan theo Thiên Chúa bao gồm tất cả niềm tin cũng
như thực hành những gì Thiên Chúa dạy.
(2) Khôn ngoan của thế gian: Khôn ngoan của thế
gian là tìm mọi cách để có uy quyền, địa vị, danh vọng, và các lợi nhuận vật
chất. Vì người khôn ngoan theo tiêu chuẩn thế gian muốn trổi vượt mọi người,
nên họ sẽ dùng mọi thủ đoạn để có thể đạt được những gì họ mong muốn. Thánh
Phaolô tóm gọn hệ quả như sau: "Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh
chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa."
2.2/ Làm sao để biết đâu là khôn ngoan thật:
Thánh Giacôbê dạy các tín hữu hãy nhìn vào hậu quả:
(1) Hậu quả của lối sống khôn ngoan theo Thiên
Chúa là sự bình an: ''Người xây dựng bình an thu hoạch được hoa trái đã gieo trong
bình an, là cuộc đời công chính.'' Người công chính là người biết sống đúng mối
liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân, nên họ sẽ có bình an trong tâm hồn và
sống hòa bình với mọi người.
(2) Hậu quả của lối sống khôn ngoan
theo con người là sự bất an và chiến tranh: Thánh Giacôbê chỉ rõ: ''Bởi đâu có chiến
tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc
của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham
muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì,
nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau."
3/
Phúc Âm: Ai muốn đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi
người.
3.1/ Chúa Giêsu báo trước Cuộc
Thương Khó của Ngài: Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu báo về Cuộc Thương Khó sắp tới
của Ngài: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người,
và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." Nhưng các ông không
hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Một số những lý do đàng sau
thái độ im lặng này:
+ Các ông không dám đương đầu với
sự thật:
Lần đầu, Phêrô đã kéo Ngài ra một nơi để khuyên: "Xin những sự đó đừng xảy
ra cho Thầy!" Chấp nhận sự thật là phải chấp nhận thay đổi lối sống, các
ông chưa sẵn sàng để chấp nhận con đường phải hy sinh đau khổ.
+ Các ông sợ phải đương đầu với đau khổ: Như bao người
Do-thái, các ông đang mong đợi một Đấng Thiên Sai uy quyền. Ngài sẽ dùng quyền
lực để tiêu diệt kẻ thù và khôi phục địa vị ưu việt cho dân Do-thái.
3.2/
Tranh giành chức vụ và quyền lợi: Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Capernaum . Khi về tới nhà,
Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?"
Các
ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.
Lý do các ông làm thinh, vì:
- Các ông biết Chúa thấu hiểu tà ý
của các ông: Cuộc Thương Khó của Chúa sắp tới, là người môn đệ mà các ông không
quan tâm để an ủi Ngài; nhưng lại chỉ để ý đến việc được quyền cao chức trọng.
Các ông không những mong chức vụ, mà còn là một chức vụ lớn nhất. Điều này các
ông sẽ bày tỏ rõ ràng hơn khi Chúa Giêsu tiên đoán Cuộc Thương Khó lần thứ ba.
Ngay sau đó, mẹ của hai tông-đồ Giacôbê và Gioan mang hai con đến xin Chúa cho
hai con, một người ngồi bên phải và một người ngồi bên hữu trong vương quốc của
Ngài. Mười môn đệ kia tỏ vẻ bất bình với hai anh em về lời xin này.
Nghịch lý của con người là ở chỗ
muốn làm lớn nhưng lại không muốn làm gì cả! Muốn quyền cao chức trọng, nhưng
không chịu chiến đấu! Nếu các ông muốn chung phần vinh quang với Ngài, các ông
cũng phải chung phần đau khổ với Ngài. Đàng này, các ông chỉ mong muốn vinh
quang, và bỏ chạy hết để Chúa chịu đau khổ một mình trên Thập Giá. Chúng ta
không bơi móc để trách cứ các tông đồ; nhưng muốn nhận rõ sự nghịch lý này nơi
mỗi người chúng ta, với hy vọng sẽ giúp mỗi người thay đổi não trạng đã quá ăn
sâu nơi con người. Các tông-đồ sau khi đã nhận ra tội lỗi của mình và tình yêu
vô biên của Chúa Giêsu, đã thay đổi cuộc đời và sẵng sàng chịu mọi gian khổ,
ngay cả cái chết để làm chứng cho Đức Kitô.
3.3/ Phục vụ là cách thức để trở
nên lớn nhất:
(1) Bổn phận phải phục vụ: Khuynh hướng của
nhiều người là thích ăn trên ngồi chóp, và được người khác phục vụ; Chúa Giêsu
đảo ngược khuynh hướng này khi Ngài dạy các môn đệ: "Ai muốn làm người
đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Nếu
một người chịu suy xét Lời Chúa và đối chiếu với kinh nghiệm của cuộc đời, họ
sẽ thấy sự hợp lý của Lời Chúa: chẳng ai thích người có thói quen ăn trên ngồi
chóp; nhưng yêu mến những người sẵn sàng hy sinh và phục vụ tha nhân. Hơn nữa,
người tín hữu đã lãnh nhận bổn phận phải phục vụ tha nhân trong ngày lãnh nhận
Bí-tích Rửa Tội, cùng với bổn phận tiên tri và tư tế.
(2) Phục vụ người cô thân, cô thế: Kế đó, Người đem một
em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ
như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không
phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy." Chúa Giêsu
biết rõ con người thường có thói quen săn đón những người cao sang, quyền quí,
với hy vọng sẽ được nhận lại sự giúp đỡ khi cần tới. Vì thế, Chúa dạy các môn
đệ phải làm ngược lại, bằng cách phục vụ những người chẳng có gì để cho lại như
trẻ nhỏ. Các em chẳng có gì để cho lại người lớn, nhưng cần người lớn cho mọi
sự. Người lớn có lý do phải giúp đỡ trẻ nhỏ vì họ đã nhận được mọi giúp đỡ từ
Thiên Chúa, cha mẹ, và thế hệ đi trước. Ngoài ra, Chúa Giêsu còn dạy: khi người
môn đệ đón tiếp trẻ nhỏ là họ đón nhận Thiên Chúa, và chính Ngài sẽ trả công
cho họ.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải cố gắng học hỏi và
thay đổi nếp sống của chúng ta cho phù hợp với đường lối của Thiên Chúa; chứ
đừng ngông cuồng tìm dịp thử thách Ngài bằng cách thử thách và tiêu diệt những
người đang sống theo đường lối của Thiên Chúa.
- Chúng ta cần khiêm nhường nhìn
nhận lối sống theo sự khôn lanh của con người chỉ đưa đến ghen tị, tranh chấp,
và bất an. Chỉ có lối sống theo sự khôn ngaon của Thiên Chúa mới đem lại bình
an, trật tự, và xây dựng cho con người.
- Chúng ta có bổn phận, không chỉ phục vụ mọi
người, mà nhất là những người cô thân, cô thế, không có gì để trả ơn lại. Đây
là những con người cần được giúp đỡ hơn ai hết.
Linh mục
Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Chúa Nhật tuần 25 thường niên, năm B
Suy niệm:Trong bài Tin Mừng hôm
nay, Ðức Giêsu loan báo về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài. Ðây là lần
thứ hai Ngài muốn bộc lộ tâm sự và mạc khải sứ mệnh Ngài sẽ phải thực hiện.
Nhưng các môn đệ không hiểu, lại còn tranh cãi với nhau về địa vị. Ðức Giêsu
vẫn không tìm được bạn đồng cảm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, với danh nghĩa là Kitô hữu, chúng con muốn
là những người bạn thân của Chúa. Thế nhưng, chúng con lại không muốn hiểu
Chúa, không đồng sở thích với Chúa. Chúng con chỉ thích lo cho mình, được vinh
thân phì gia. Còn Chúa, Chúa đã sống và muốn chúng con biết quên mình vì tha
nhân.
Xin Chúa cho chúng con mỗi ngày được nên giống
Chúa, để Chúa được vui lòng và chúng con được hạnh phúc. Amen.
Ghi nhớ : "Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất,
thì hãy tự làm người rốt hết".
23/09/12
CHÚA NHẬT TUẦN 25 TN – B
Mc 9,30-37
Mc 9,30-37
NHƯ
THẾ LÀ ĐÓN TIẾP CHÚA
“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9,37)
Suy niệm: Đón tiếp một đứa bé là đón tiếp một con người chẳng có gì để trả công, chẳng có gì để đền đáp lại, cũng chẳng có gì để bị lợi dụng. Đón tiếp một đứa bé như thế là đón tiếp cách vô vị lợi, đón tiếp một con người chỉ vì yêu thương. Em bé tiêu biểu cho những người đang thiếu thốn, cần sự quảng đại giúp đỡ của ta mà ta chẳng thu lợi được gì! Em bé cũng tượng trưng cho những kẻ tầm thường, chẳng có chút địa vị, danh giá hay ngoại hình nổi bật gì trước mắt người đời. Chúa Giêsu đã đồng hóa Ngài với những em bé như thế, để ai đón tiếp, kết thân với những loại người như vậy là đón tiếp, kết thân với chính Ngài và đón tiếp Đấng đã sai Ngài là chính Thiên Chúa Cha.
Mời Bạn: Chúa mời gọi con người đón tiếp nhau với tinh thần vô vị lợi. Đừng vì cái gì khác ngoài tình thương trong các hành vi dành cho tha nhân. Cho dù họ không có gì để đền đáp, cũng chẳng có gì để trả lại, thì Chúa vẫn luôn ở nơi họ, và Ngài sẽ trả lại cho ta gấp ngàn lần những gì ta đã làm cho Ngài.
Chia sẻ: Bạn có hay đón tiếp hay đối xử cách vô vị lợi đối với người kém cỏi trong xã hội không? Cho một vài ví dụ.
Sống Lời Chúa: Tập nhìn thấy hình ảnh Chúa nơi những con người, nhất là những em bé xung quanh ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đồng hóa mình với những con người nghèo hèn bé nhỏ nhất, với mọi người xung quanh chúng con. Xin giúp chúng con đón tiếp và phục vụ họ tận tình như cho chính Chúa trong đời sống thường nhật của chúng con. Amen.
Phục vụ mọi người
Thế
giới hôm nay rất cần những người muốn đứng đầu theo kiểu Ðức Giêsu, nghĩa là
trong phục vụ khiêm hạ.
Suy niệm:
Các kỷ lục thế giới cứ được nâng cao hoài,
vì ai cũng muốn phá kỷ lục để được
đứng nhất:
chạy nhanh nhất, nhảy cao nhất, ném
xa nhất...
Các đĩa nhạc chỉ muốn nằm mãi trong
top-ten,
Các cuốn sách chỉ muốn là sách bán
chạy nhất.
Ðẹp nhất, giỏi nhất, giàu nhất, thế
lực nhất...
Cuộc sống quả là một cuộc tranh đua
không ngừng.
Các nhà tâm lý học coi những tranh
đua đó
là cần thiết để hình thành nhân
cách.
Các nhà xã hội học coi những tranh
đua đó
là cần thiết cho sự tiến bộ của xã
hội.
Tiếc thay, lắm khi người ta đã dùng
bao mưu mô
để đạt được và giữ được vị trí hàng
đầu.
Ðôping trong thể thao chỉ là một thí
dụ nhỏ.
Ngay trong Nhóm Mười Hai cũng có tranh chấp.
Sau khi Ðức Giêsu loan báo con đường
hẹp của khổ đau,
các môn đệ vẫn chưa ra khỏi được con
đường của mình.
Ðang lúc đi đường mà các ông cũng
cãi nhau
xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Ðức Giêsu tế nhị đợi về tới nhà mới
hỏi
như thể Ngài không biết rõ đầu đuôi.
Các môn đệ làm thinh không trả lời.
Ðức Giêsu tôn trọng khoảnh khắc lặng
lẽ cần thiết ấy
để mỗi người trở về với bao thèm
khát của lòng mình,
đối diện với bao tham vọng đang sôi
sục.
Ðức Giêsu ngồi xuống thư thái như
một vị thầy.
Ngài chẳng nặng lời với các nhà lãnh
đạo Hội Thánh tương lai.
Ngài dạy cho họ con đường trở nên
lớn lao thực sự:
“Nếu ai muốn làm người đứng đầu,
thì phải làm người đứng cuối mọi
người
và phục vụ mọi người”.
Ðức Giêsu đưa ra một cuộc cách mạng về quan
điểm.
Người lớn nhất, người đứng đầu
không phải là người dùng quyền
để lãnh đạo chỉ huy từ trên cao,
nhưng là người đến trước mọi người
và về sau mọi người, để phục vụ.
Khi phục vụ vô vị lợi, tôi được thực
sự lớn lên
trước mặt Thiên Chúa, trước mặt anh
em.
Người lớn nhất là người phục vụ hết
mình nhất.
Chức vụ, chức vị, chức tước, chức
quyền
đều không phải là điều xấu,
nếu chúng được dùng như phương tiện
để phục vụ.
Nếu người đứng đầu lại phải sống như người đứng
cuối,
thì còn ai muốn đứng
đầu nữa không?
Thế giới hôm nay rất cần những người
muốn đứng đầu
theo kiểu Ðức Giêsu, nghĩa là trong
phục vụ khiêm hạ.
Ai trong chúng ta cũng có chút ít
quyền hành,
cũng là người đứng đầu một tập thể
nho nhỏ.
Ước gì chúng ta không để mình bị hư
hỏng vì quyền hành,
nhưng biết dùng quyền hành
để đem lại hạnh phúc cho tha nhân.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban
cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận
ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn
mặt khốn khổ
của tất
cả những người bị thử thách:
những kẻ
đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì
thiếu Lời Chúa;
những kẻ
khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn
vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;
những kẻ
vô gia cư,
không chỉ
tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn
tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ
bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho
chính Ta”
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Con
Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết".
Cơm ba bữa, ngủ một giường
Ai
cũng muốn hơn người khác. Chẳng phải hôm nay, mà cả ngày xưa cũng thế. Chẳng
phải chỉ ở ngoài xã hội, mà còn cả ở trong Giáo Hội nữa. Tuy dù ở trong Giáo
Hội ít hơn. Hơn người khác, là phải ngồi được vào cái ghế cao hơn. Có người thì
cậy vào ô dù quen biết, người thì cậy dựa vào số tiền. Có người thì có khi mưu
đồ, chờ đợi; có người thì cậy vào số đông phe phái, để chiếm được chỗ ngồi cao,
có điều kiện để làm ra tiền. Câu chuyện hôm nay, xảy ra giữa các môn đệ. Nhưng
sơ sơ, nhẹ thôi. Còn có thể chấp nhận được. Các ông tranh luận với nhau, ai sẽ
là người ngồi ở chiếc ghế cao hơn, khi Thầy Giêsu bước vào vinh thắng. Nhân cơ
hội, Đức Giêsu đã có một bài luân lý rõ ràng, với một cái nhìn chính xác về
chức vụ trong Hội Thánh.
1- Ai muốn làm đầu, thì phải là người rốt hết
Chỉ
thế ấy, nhắc cho những người “làm lớn” là, phải hết sức khiêm tốn: Ghế ngồi
trong xã hội, không phải là chỗ để chỉ tay năm ngón; nhưng là người phải biết
sẵn sàng dấn thân, không nề hà bất cứ chuyện gì. Điều gì có lợi ích cho đàn
chiên, là mình phải làm. Như Đức Kitô, đã không ngần ngại quỳ xuống rửa chân
cho các môn đệ.
2- Và làm phục vụ mọi người
Lãnh
nhận chức vụ trong Giáo Hội, không phải để tự kiêu; hay là cơ hội để thu vén.
Đành rằng, thợ thì đáng ăn công của mình, nhưng là để Chúa nuôi, chứ không phải
là chính mình thu vén. Vì là để phục vụ mọi người; cho nên, mình phải ĐẾN với
người khác, chứ không phải bắt họ phải đến với mình. Có một Tổng Giám Mục,
trước khi đi lãnh dây Pallium, gọi điện báo cho tôi: Xin cầu nguyện cho; vì kỳ
này không thoát khỏi gánh nặng nữa rồi. Tôi cười và bảo: Chúc mừng Ngài, nhưng
dù Ngài có là Tổng Giám mục đi nữa, thì Ngài cũng chỉ như tôi thôi: Nghĩa là,
dù có làm tới chức vụ nào, thì cũng chỉ ngày ăn ba bữa, tối đến cũng chỉ ngủ
một giường. Tất cả, chỉ để phục vụ.
3- Ai đón tiếp một trẻ nhỏ, là đón tiếp Thầy.
Một
điều hệ trọng mà những người có trách nhiệm trong Giáo Hội phải nhớ, là phải
lưu ý đến những người hèn mọn, xấu hổ. Hãy nhớ, dù là trẻ con hay người khuyết
tật, tất cả, cũng vẫn là những con người, những nhân vị đáng kính trọng. Ở trên
cao, bị khuất bởi những người đứng gần, mà bỏ quên những người bé mọn, là một
thiếu sót đáng trách.
Câu hỏi:
1-
Trong thâm tâm, bạn đang muốn ngồi ở chỗ nào?
2-
Phục vụ người khác, đưa bạn lên cao, hay hạ giá nhân phẩm của mình.
(Suy
niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long
Xuyên số 09/2012’)
Hãy cùng dìu nhau tiến bước
(Suy
niệm của Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
Tại thế vận hội đặc biệt Seattle (dành cho những người tàn tật) có
chín vận động viên đều bị tổn thương về thể chất và tinh thần, cùng tập trung
trước vạch xuất phát để tham dự cuộc đua 100m.
Khi súng hiệu nổ, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến
thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục trên đường đua. Và cậu bật
khóc. Tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và quay lại nhìn. Rồi họ quay
trở lại. Tất cả không trừ một ai! Một cô bé bị hội chứng Down dịu dàng cúi
xuống hôn cậu bé:
- Như thế này em sẽ thấy tốt hơn.
Cô nói xong, cả chín người cùng khoác tay nhau sánh bước về
vạch đích.
Khán giả trong sân vận động đồng loạt đứng dậy, những người
chứng kiến vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện cảm động này.
Cuộc
đua nào cũng cần chiến thắng. Nhưng chiến thắng không phải là tất cả, mà ý
nghĩa thật sự của cuộc sống là ở chỗ ta giúp đỡ người khác cùng vươn lên, dù ta
phải chậm một bước. Bởi lẽ đó, nền văn minh thực sự chỉ có khi con người cùng
dìu nhau tiến bước. Không để ai ở lại phía sau. Không đạp đổ ai ngã quỵ. Nhưng
cùng nhau vun trồng cây tình thương giữa nền văn minh hôm nay. Cuộc đời sẽ
không còn khoảng cách quá xa giữa người giầu và người nghèo, và phẩm giá con
người được tôn trọng khi nhân loại biết xiết chặt vòng tay và dìu nhau tiến
bước.
Nhưng
đáng tiếc cho nhân loại chúng ta, có quá nhiều người tham quyền cố vị. Họ cần
địa vị, cần có chức, có quyền để "ăn trên ngồi trốc" thiên hạ. Họ đua
nhau leo lên đài cao danh vọng để hưởng những đặc quyền, đặc lợi mà chức tước
sẽ mang lai cho họ. Vì quyền, vì lợi mà biết bao người đã chẳng ngại lừa thầy,
phản bạn, sống vô ơn, phản phúc. Vì bổng lộc mà biết bao người đã chẳng sợ đánh
mất nhân phẩm của mình để chà đạp người dưới và tâng bốc, luồn cúi cấp trên. Có
mấy ai sống vị tha, sống quên mình vì lợi ích đồng loại?
Năm
xưa, Chúa Giêsu đã rất đau buồn khi nghe các môn đệ thân tín của mình đang kèn
cựa nhau địa vị và bổng lộc. Nỗi lòng của Thầy, các môn sinh đâu muốn chia sẻ.
Chúa Giêsu thật cô đơn. Cô đơn vì chẳng ai hiểu mình. Cô đơn vì các môn sinh
vẫn còn đó bản tính vụ lợi. Chẳng ai nên giống Thầy Chí Thánh. Thầy quên mình
vì lợi ích nhân sinh. Trò lại lo vinh thân phì gia. Thầy đang đi dần đến đỉnh
cao của hiến tế để cứu độ nhân loại, các môn sinh lại tìm kiếm vinh hoa phú qúy
trần gian.
Chúa
Giêsu đã không ngần ngại đặt thẳng vấn đề với các môn sinh: "Dọc đường anh
em bàn tán điều gì vậy?". Các ông im lặng làm thinh. Im lặng vì có mấy ai
trong lòng không chứa đầy những toan tính vụ lợi. Có mấy ai thanh sạch lòng
ngay trước danh vọng mà các ông tưởng chừng như sắp đến tay mình? Im lặng để
lắng nghe. Lắng nghe lòng mình để thấy rằng tính tham sân si vẫn còn đó sau bao
ngày tháng theo Thầy tầm đạo. Lắng nghe lời Thầy giáo huấn để sửa đổi và bước
đi theo gương Thầy chí thánh đã đi.
Chúa
buồn nhưng không trách mắng. Chúa kêu gọi các ông thay đổi cách suy nghĩ chứ
không ra lệnh. Chúa mời gọi các ông: "ai làm lớn hãy hết mình phục
vụ". Phục vụ với thái độ như một người đầy tớ. Phục vụ không phân biệt
sang hèn. Ðỉnh cao của phục vụ là không toan tính theo kiểu "hòn đất ném
đi, hòn chì ném lại". Chúa Giêsu dùng hình ảnh trẻ nhỏ để tượng trưng cho
những con người tay trắng, yếu đuối và chắc chắn không có gì để đền ơn đáp
nghĩa. Họ mới cần chúng ta giúp đỡ. Họ mới thực sự có nhu cầu để van xin lòng
tốt của chúng ta. Họ mới thực sự là đối tượng mà Chúa cần chúng ta rộng tay
giúp đỡ. Chúa còn đồng hoá họ trở nên chính Chúa. Thế nên, ai tiếp đón họ là
tiếp đón chính Chúa. Và ngược lại, ai từ chối họ là từ chối chính Chúa.
Ðó
chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu hằng ao ứơc các môn sinh của mình phải suy đi
nghĩ lại trong cuộc đời và đem ra thực hành với trọn lòng mến yêu. Ðó chính là
nét đẹp của người kytô hữu sống đạo theo gương Thầy chí thánh Giêsu. Chính Chúa
đã từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người như
chúng ta, và qua đó thánh hoá chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Chính Chúa
đã cúi xuống rửa chân cho các môn sinh để từ nay "kẻ làm lớn phải trở
thành kẻ phục vụ như một đầy tớ" theo gương Thầy đã để lại.
Có
lẽ cuộc đời sẽ hạnh phúc hơn khi mỗi người biết từ bỏ tham sân si, để sống bác
ái vị tha. Cuộc đời sẽ hết khổ đau bởi ganh ghét, tị hiềm và nhân loại sẽ cùng
đan tay nhau xây dựng một thế giới đầy yêu thương. Ước gì mỗi người chúng ta
hãy biết dùng khả năng, địa vị Chúa ban để phục vụ lẫn nhau trong yêu thương
chân thành.
Nguyện
xin Chúa là Ðường dẫn đến sự thật và sự sống dẫn dắt chúng ta bước đi trên con
người mà Chúa đã đi để mỗi ngày chúng ta được trở nên giống Chúa hơn.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
23 THÁNG CHÍN
Các Bạn Là Con Cái Của
Thiên Chúa Các bạn là ai ?
Các bạn là thế hệ môn đệ
mới của Đức Kitô, những người đã lãnh nhận Phép Rửa. Qua bí tích đầu tiên đó
các bạn được đón nhận vào cộng đoàn Giáo Hội. Đối với hầu hết chúng ta, bí tích
khai tâm này được lãnh nhận trong những tuần lễ đầu đời của mình. Cha mẹ ruột
và cha mẹ đỡ đầu đưa chúng ta đến lãnh nhận Phép Rửa. Từ đó, chúng ta sống
trong ơn thánh hóa. Thiên Chúa đã đặt ấn tín vô hình và vĩnh viễn trên chúng
ta. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, linh hồn chúng ta được khắc ghi ân
sủng.
Ân sủng này và ấn tín
thiêng liêng này của Phép Rửa, chúng ta có được là nhờ Đức Kitô – nhờ cái chết
và sự Phục Sinh của Ngài. Thực vậy, qua Phép Rửa chúng ta được dìm vào trong
cái chết của Đức Kitô, và như vậy chúng ta có thể sống lại với Người trong sự
sống mới. Tông đồ Phaolô dạy chúng ta trong thư gởi giáo đoàn Rôma: “Vì được
dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi
thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của
Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”(Rm 6,4).
Kể từ giây phút được
lãnh Phép Rửa, chúng ta trở thành người thông phần vào sự sống mới trong Đức
Kitô – sự sống của Con Thiên Chúa. Và chúng ta trở thành những dưỡng tử của
Thiên Chúa. Chúng ta được nâng lên phẩm giá làm con trong Đức Kitô, người Con
Duy Nhất của Chúa Cha. Vì Chúa Con chia sẻ trọn vẹn sự sống trong mối hiệp nhất
với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nên chúng ta cũng lãnh nhận sự sống mới trong
Phép Rửa. Chúng ta đã được thanh tẩy nhân danh Ba Ngôi Chí Thánh: Nhân danh
Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Phép Rửa là sự tái sinh
con người nhờ nước và Thánh Thần (Ga 3,5). Vì vậy chúng ta trở nên thông phần
vào sự sống mới trong Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa. Chúng ta đang mang trong
mình chúng ta mối đảm bảo sự sống đời đời.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 23-9
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
Kn 2, 12. 17-20; Gc 3, 16-4,3; Mc 9, 30-37.
LỜI
SUY NIỆM: Kế đó, Người đem
một em nhỏ đặt giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như
em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không
phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,36-37).
Đây là một thời điểm Chúa Giêsu dành riêng để dạy các Tông đồ. Bởi các ông chưa
thấu hiểu sứ vụ của mình khi đi theo Chúa, các ông vẫn nuôi hy vọng được làm
lớn giữa anh em. Nên Chúa đã đưa ra một em nhỏ và ôm vào lòng Ngài và Ngài cho
biết muốn đón tiếp Ngài một cách chính đáng nhất đó là qua thái độ tiếp đón một
em nhỏ. Trong đời sống hôm nay. Chúa Giêsu cũng đang mời gọi chúng ta hãy tiếp
đón những người đang cần đến sự tiếp đón, giúp đỡ của chúng ta và ôm họ vào
lòng, đó là: những người nghèo, những người bệnh tật, những người bị xã hội bỏ
rơi, những người bị áp bức, trẻ em mồ côi, những người già neo đơn… Mỗi một
người trong chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Hiển Dung tranh Rafael |
23 Tháng Chín
Cậu Bé Ðau Liệt Trong Bức
Tranh
Một trong những bức
tranh bất hủ của danh họa Rafaello, người Italia, hiện đang được cất giữ trong
bảo tàng viện Vatican :
đó là bức họa Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabôrê.
Trong bức tranh, người
ta thấy có ba tầng. Ở tầng cao nhất của bức tranh là khuôn mặt và toàn thân
Chúa Giêsu trong cảnh chiếu sáng rực rỡ giữa các tầng mây. Ở tầng dưới của bức
tranh và kề sát với Chúa Giêsu là ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trong
tình trạng ngây ngất trước sự biến dạng rực rỡ của Chúa Giêsu. Và ở tầng thấp nhất
của bức tranh, người ta thấy một nhóm môn đệ và một gia đình đang quây quanh
một em bé đang đau liệt: tất cả đều chìm ngập trong một khung cảnh ảm đạm, mờ
ảo.
Có lẽ danh họa Rafaello
đã cố gắng giải thích cho chúng ta về sứ điệp của bài Tin Mừng tường thuật cuộc
biến hình của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng và là Ðấng cứu chữa
con người. Ðứa bé đau liệt trong bức tranh là chính mỗi người trong chúng ta,
là toàn thể nhân loại đang chịu đựng vì không biết bao nhiêu bệnh tật trong
thân xác lẫn tâm hồn. Trong đám môn đệ đang quây quanh cậu bé đau liệt,
Rafaello đã làm nổi bật hai cử chỉ: cử chỉ của một người môn đệ đang trỏ tay
chỉ về cậu bé và cử chỉ của một người môn đệ khác đang chỉ tay về Chúa Giêsu...
Phải chăng Rafaello đã
không muốn đánh thức ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đang say sưa chiêm
ngưỡng Thánh nhan rực rỡ của Chúa Giêsu mà quên đi cảnh nhân loại đang quằn
quại trong đau thương khốn khổ?
Trong đời sống đạo,
chúng ta dễ rơi vào hai thái cực: hoặc chỉ chăm chú cầu nguyện mà không đếm xỉa
gì đến lòng bác ái đối với tha nhân, hoặc ngược lại, xem hành động bác ái là
một lời cầu nguyện mà không màng đến đời sống nội tâm.
Nơi Chúa Giêsu, cầu
nguyện đưa đến hoạt động và hoạt động dẫn đến cầu nguyện. Mỗi một gặp gỡ của
Ngài với tha nhân cũng là một lời cầu nguyện và mỗi một lời cầu nguyện của Ngài
cũng ôm trọn lấy tất cả những ai mà Ngài đã hoặc sẽ gặp gỡ.
Chúng ta hãy chiêm ngắm
mẫu gương của Chúa Giêsu... Cả cuộc đời của chúng ta phải là một lời nguyện
dâng lên Thiên Chúa, chứ không chỉ có những lời kinh mà chúng ta đọc ngoài môi
mép.
Người ta không lên xe để
ở mãi trên đó... Một môn sinh không đến thụ giáo để ở mãi bên cạnh thầy mình...
Cũng thế, chúng ta không leo lên núi cao để ở lại mãi trên đó. Sau cơn ngây
ngất của ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Tacôbê, Chúa Giêsu đã
kêu gọi các ngài hãy trở lại với thực tế: đó là thực tế của những cuộc gặp gỡ,
đương đầu và cuối cùng là cái chết.
Từ đỉnh cao của sự cầu nguyện, từ bốn bức tường của nhà thờ, từ cung thánh của những giây phút ngất ngây trong sự kết hiệp, chúng ta hãy quay lại với cuộc sống, nơi đó có những nghĩa vụ để thi hành, nơi đó có những con người để gặp gỡ và yêu thương.
Từ đỉnh cao của sự cầu nguyện, từ bốn bức tường của nhà thờ, từ cung thánh của những giây phút ngất ngây trong sự kết hiệp, chúng ta hãy quay lại với cuộc sống, nơi đó có những nghĩa vụ để thi hành, nơi đó có những con người để gặp gỡ và yêu thương.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 23
CHÚA NHẬT XXV
THƯỜNG NIÊN
Thánh
Pio Pietrelcina, linh mục
Thử hỏi ai là người lớn nhất, phải chăng là những người thường
tìm cách lẩn trốn khỏi suy nghĩ này? Và họ biết rằng vẫn còn chuyện hơn thua
tranh giành chỗ ngồi để xem ai là người lớn nhất...theo kiểu nhìn của họ ! Do
đó, sự kiêu ngạo làm cho con người không biết chấp nhận chính mình. Chúa Giêsu
khuyên các môn đệ đừng tự cho mình là người lớn nhất:, nhưng tốt hơn hãy để ông
chủ tiếp đón đúng vị trí của mình mà không ảnh hưởng gì, như cha ông đã dạy:
"Thiên Chúa không thiên vị ai bao giờ". Thật vậy, hãy tự so sánh mình
với những người luôn biết trở về để phản tỉnh. Tuy nhiên, để đánh giá, củng cố
một tình hình, sự cứng ngắc của những yếu đuối và mọi giá trị tinh thần, thì
những người khác không như là ta để nhận định, tăng triển, thay đổi, tắc nghẽn
dòng chảy của đời sống tâm linh, một sức sống được tan chảy trong những ai biết
mở rộng tâm hồn.
Vì vậy, việc tiếp đón một trẻ nhỏ mang giá trị điển hình trong
thước đo chính xác về con người, luôn mặc lấy tiềm năng vô biên của thần linh
hóa. Tâm tình phục vụ vô vị lợi và không hãi sợ thì khởi đi từ mầu nhiệm Thánh
Giá và luôn được mời gọi đến một sự từ bỏ hoàn toàn.
Thầy Irénée
Ngày 23 tháng 9
THÁNH NỮ THÊCLA, ĐỒNG TRINH TỬ ĐẠO
Trong những thế kỷ đầu tiên của lịch sử Kitô giáo, không một vị thánh
nào, dù là các Tông đồ Chúa, đã được giáo hữu tôn sùng bằng thánh Thêcla đồng
trinh tử đạo. Nhiều nhà thờ, nhiều thị xã và nhiều xứ đạo nhận thánh nữ làm bổn
mạng. Đâu đâu người ta cũng biết đến tên thánh nữ. Chả thế, khi muốn ca ngợi
nhân đức của ai, người ta hay nói: ông kia bà nọ là Thêcla hiện thân; và ai
được sánh với Thêcla thì cả là một vinh dự.
Mặc dầu là một vị thánh thời danh, nhưng chúng ta lại biết rất ít về
đời sống và cuộc tử đạo của thánh nữ. Người ta cho rằng thánh nữ có lẽ sinh ở
Iconium, hiện nay là thị xã Koniale, ở về phía tây bắc núi Taurus, trên những
cao nguyên của miền Tiểu Á.
Thánh nữ chào đời vào quãng năm 30. Cha mẹ thánh nữ đã lo giáo dục
Thêcla thành người thiếu nữ đoan trang và đức độ. Theo thánh Mêthođô Olympô,
thì Thêcla rất uyên thâm về văn chương và triết lý. Khi Thêcla khôn lớn, ông bà
thân sinh muốn gả con cho một thanh niên tài đức, con nhà quý phái tên là
Thamyris, nhưng thánh nữ nhất định từ chối, vì lòng đã ước nguyện sống trinh
khiết.
Thiên Chúa hằng thương giúp những người đầy thiện chí, vì thế thánh nữ
đã gặp được thời cơ thuận tiện để thực hiện lý tưởng cao đẹp. Quãng năm 45,
thánh Phaolô và thánh Barnabê đã đến thành Antiôkia thuộc xứ Pisidi, một trung
tâm quan trọng của những người Do thái di cư. Đang lúc việc truyền giáo có
nhiều kết quả tốt đẹp, các ngài đã bị người Do thái trục xuất và buộc lòng dừng
lại ở Iconium. Trong thời gian lưu lại ở thành phố nhỏ bé này, hai thánh tông
đồ đã rửa tội cho một số khá đông người Hy lạp và Do thái. Các ngài được ơn
Chúa, làm nhiều phép lạ làm chứng cho giáo thuyết chân thực của Chúa Kitô. Vì
thế bọn tư tế và các thầy phù thủy nổi cơn ghen, xúi giục chính quyền và dân
chúng đuổi các ngài ra khỏi lãnh thổ. Mặc dầu bị cấm đoán không được đi lại nhà
dân chúng, hai thánh tông đồ cũng không ngần ngại lén lút đến thăm các giáo hữu
thành Iconium nhiều lần. Nhờ đó, Thêcla có nhiều dịp nghe thánh Phaolô giảng.
Theo tác giả cuốn “Phaolô công vụ” thì, trong những lần trở lại thành
Iconium, thánh Phaolô và thánh Barnaba thường trọ tại nhà ông Onêsiphôrô, một
tín hữu rất sốt sắng, rồi chiều tối đến, các ngài tới nhà hội giảng Phúc âm cho
các giáo hữu. Hôm đó nhờ ơn Thánh Linh, thánh Phaolô giảng một bài rất hùng hồn
về đức trinh khiết của Kitô giáo. Những ý tưởng mới mẻ và thâm sâu này đã làm
rung động tâm hồn Thêcla rất nhiều. Từ hôm ấy, Thêcla thường cùng với thân mẫu
đến nhà ông Onêsiphôrô nghe thánh tông đồ giảng dạy. Thánh Gioan Kim khẩu còn
kể: “Khi Thánh Phaolô bị người Do thái vu cáo, làm rối loạn trong thành, và
ngài bị chính quyền bắt giam, Thêcla lo buồn đến quên ăn biếng ngủ, chỉ lẩn
quẩn ở hội đường để rồi một hôm trốn nhà đến thăm thánh Phaolô. Nhưng đến nơi,
lính canh ngăn cản không cho ngài vào.
Sau cùng thánh nữ phải cởi hoa tai và kiềng vàng đút lót cho quân cai
ngục mới có thể vào tận nơi thăm thánh tông đồ. Lần này, theo lời dạy của thánh
Phaolô và với ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Thêcla quyết sống đời trinh khiết.
Quả đúng như lời thánh Gioan Kim khẩu nói: “Người nữ khôn ngoan của chúng ta đã
hy sinh vàng bạc và những đồ trang sức bên ngoài để mua lấy những bảo vật tô
điểm linh hồn, là những ân sủng thiêng liêng của đức tin và đức trinh khiết”.
Thánh Thecla |
Việc thánh nữ Thêcla trở lại công giáo và tuyển chọn đời sống trinh
khiết đã làm cho nhiều người thân thuộc bỡ ngỡ. Riêng Thamyri, người thanh niên
đã muốn chọn Thêcla làm bạn đường hết sức buồn rầu và quyết tâm cản trở. Chàng
nghĩ rằng: có khuyên răn nói ngọt hay đe dọa cũng vô ích; phương thế hiệu
nghiệm hơn cả là tố cáo thiếu nữ với chính quyền. Vì thế Thêcla bị tố cáo là
người công giáo và mang tội thất ước về hôn nhân. Nhưng việc làm của Thamyri
không làm cho lòng Thêcla phải lung lạc, mà lại thêm bền vững với lý tưởng hơn.
Kết quả việc làm của anh chàng “thất tình” ấy là Thêcla phải ba lần ra toà, và
sau cùng bị tuyên án xử thiêu. Nhưng Thiên Chúa bao giờ cũng vẫn dành phần
thắng lợi cho tôi tớ trung tín của Người. Đứng giữa đống lửa bùng bùng bốc
cháy, thánh nữ vẫn tươi cười hớn hở như được hưởng một nguồn vui vô tận. Ngọn
lửa hung tàn không dám thiêu đốt thánh nữ, mà tự nhiên còn trổ ra những đóa hoa
tươi muôn màu muôn sắc bao phủ lấy ngài. Đồng thời tự trời cao, một luồng sáng
êm đẹp chiếu xuống như để khứng nhận lòng trinh bạch và đức tin anh hùng của thánh
nữ. Trước phép lạ huy hoàng và nhãn tiền ấy, dân chúng sợ hãi bỏ chạy tán loạn.
Sau cuộc vinh thắng này, Thêcla được gặp lại thánh Phaolô, rồi tình
nguyện đi theo giúp ngài trên những bước đường truyền giáo. Từ đây Thêcla phải
chịu nhiều nỗi vất vả cay cực, nhiều gian lao nguy hiểm đến tính mạng vì chân
lý Phúc âm. Lần kia tại Antiokia, thánh nữ bị một viên quan bách quân muốn dùng
mưu sâu chước độc, dùng lời ve vãn để hãm hại. Nhưng với ý chí sắt đá và với ơn
Chúa, thánh nữ đã quyết liều mạng sống để bảo vệ trinh tiết. Vì thế trong những
trận giằng co giữa viên sĩ quan, thánh nữ đã xé tan chiếc áo khoác và bẻ nát
những tấm huy chương danh dự của y. Vừa tức giận, vừa xấu hổ lại vừa sợ quân
luật Rôma, viên sĩ quan bắt nộp Thêcla cho quan án với lá đơn tố cáo tội Thêcla
là người công giáo lại cả dám phỉ nhổ thần minh. Kết quả là thánh nữ bị kết án
đem ra hý trường làm mồi cho vật dữ và làm trò vui cho dân thành.
Khi dân chúng đã đứng chật hí trường, lý hình điệu Thêcla ra. Vì bị
tra tấn quá nhiều, mình mẩy thánh nữ như bị rạn nứt. Sau khi đã trói chặt hai
tay thánh nữ vào một cột sắt, lý hình thả ba con sư tử đói từ dưới hầm ra. Mọi
người đều rởn tóc gáy nghĩ rằng thế nào Thêcla cũng bị chúng xé xác ngay lập
tức… Nhưng Chúa khiến mọi sự việc xảy ra khác hẳn, Thêcla vẫn bình tĩnh hát
vang lời ca vịnh: “Những người quyền thế bách hại con vô cớ, nhưng lời Chúa làm
cho con kính sợ, con vui mừng nghe lời Chúa như đã tìm thấy một kho tàng lớn”
(Tv 118, 161.162). Trong khi đó ba con sư tử trở nên nhu mì như ba con chiên
ngoan ngoãn, nằm dưới chân thánh nữ và hướng mắt về phía khán giả như để bảo vệ
“người trinh nữ khôn ngoan” của Thiên Chúa. Sự kiện lạ lùng này đồn đến tai
quan thị trấn Antiôkia. Ông truyền lệnh cho dẫn thánh nữ đến và hỏi: “Ngươi là
ai và ngươi mang bùa ngải gì trong mình mà thú dữ không dám động chạm đến?”.
Thánh nữ trả lời: “Tôi là một nữ tì của Thiên Chúa, Đấng làm chủ cả vũ trụ.
Trong tôi không có bùa ngải gì, nhưng chỉ có lòng tin Chúa Kitô, Con Thiên Chúa
hằng sống và là Đấng Cứu Tinh của nhân loại”. Nghe vậy, ông thị trấn không hỏi
thêm một lời nào nữa, liền ký giấy trả tự do cho Thêcla và buộc ngài phải đi ra
khỏi thành.
Theo lời dạy của thánh Phaolô, Thêcla trở về Iconium và tiếp tục giúp
đỡ việc truyền giáo. Trong lúc này thánh nữ đã làm cho nhiều người trở lại.
Thánh nữ còn bôn ba nhiều nơi, lấy đời sống ẩn tu, đức trinh khiết và
lòng bác ái làm chứng cho Phúc âm. Dầu không có tài liệu nào nói về cái chết
của thánh nữ, ngay từ khi ngài còn sống, người ta vẫn kính tặng ngài danh hiệu
“thánh tử đạo”.
23-9
Thánh Piô ở Pietrelcina
(1887-1968)
hánh
Padre Piô tên thật là Francesco Forgione, thuộc một gia đình nông dân ở
Pietrelcina, miền nam nước Ý. Ðã hai lần, cha của Francesco phải xa nhà, đi
làm việc ở Jamaica, Nữu Ước để nuôi gia đình.
Khi
được 15 tuổi, Francesco gia nhập dòng Capuchin và lấy tên Piô. Ngài được thụ
phong linh mục năm 1910 và bị động viên trong Thế Chiến I. Sau khi bác sĩ
thấy ngài bị ho lao, họ đã cho ngài giải ngũ. Vào năm 1917, ngài được bài sai
đến làm việc ở tu viện San Giovanni Rotondo, cách thành phố
Vào
ngày 20-9-1918, trong lúc cầu nguyện cảm tạ sau Thánh Lễ, Cha Piô được nhìn
thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến ấy chấm dứt, ngài được in các dấu thánh ở tay, chân
và cạnh sườn.
Sau
biến cố ấy, cuộc đời ngài phức tạp hơn. Các bác sĩ y khoa, các giới chức của
Giáo Hội và những người tò mò đến xem Cha Piô. Trong năm 1924 và một lần nữa
vào năm 1931, vấn đề dấu thánh được đặt ra; Cha Piô không được phép cử hành
Thánh Lễ nơi công cộng hay được giải tội. Ngài không than trách về sự cấm
cách này, mà sau đó đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, sau năm 1924 ngài không còn
viết gì thêm nữa. Những tư liệu của ngài về sự thống khổ của Chúa Giêsu đều
được viết trước năm 1924.
Sau khi
được in dấu thánh, Cha Piô ít khi rời tu viện, nhưng biết bao người đã đến
thăm ngài. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ 5 giờ đầy nghẹt người, ngài nghe xưng
tội cho đến trưa. Ngài dùng thời gian nghỉ trưa để chúc lành cho người đau
yếu và tất cả những ai đến gặp ngài. Sau đó ngài lại tiếp tục giải tội. Vào
lúc ấy, việc giải tội của ngài thường kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn
xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi
tiết cuộc đời của họ mà chưa bao giờ họ tiết lộ.
Cha Piô
nhìn thấy Chúa Giêsu trong tất cả sự bệnh hoạn và đau khổ. Theo sự đốc thúc
của ngài, một bệnh viện xinh xắn được xây trên rặng Gargano gần đó. Ý tưởng
xây cất bệnh viện được phát khởi vào năm 1940; một ủy ban gây quỹ được thành
lập. Năm 1946, lễ vỡ đất được bắt đầu. Việc xây cất bệnh viện rất khó khăn về
kỹ thuật vì khó kiếm được nước và phương tiện chuyên chở vật liệu xây cất.
Sau cùng, "Nhà Chữa Trị Người Ðau Khổ" được hình thành với
350 giường bệnh.
Nhiều
người tin rằng họ được chữa lành qua sự can thiệp của Cha Piô. Những ai được
dự Thánh Lễ của ngài đều cảm thấy sốt sắng; còn những người tò mò thì rất xúc
động. Như Thánh Phanxicô, đôi khi áo dòng của Cha Piô cũng bị người ta cắt
xén để làm kỷ niệm.
Một
trong những sự đau khổ của Cha Piô là vài lần những người thiếu đạo đức rêu
rao những điều tiên tri mà họ gán cho là của ngài. Ngài không bao giờ nói
tiên tri về các biến cố trên thế giới, và không bao giờ cho ý kiến về các vấn
đề mà ngài cảm thấy thuộc về sự quyết định của các giới chức trong Giáo Hội. Ngài
từ trần ngày 23-9-1968, và được phong thánh năm 2002.
Lời
Bàn
Hơn bất
cứ ai khác, có lẽ người Hoa Kỳ ngày nay rất thích những cuốn sách chỉ dẫn,
cũng những chương trình truyền thanh, các bài báo có tính cách chỉ bảo. Chúng
ta say mê với tiến bộ kỹ thuật và không ngừng tìm kiếm các lối tắt để tiết
kiệm thời giờ và sức lực. Nhưng như Thánh Phanxicô và Cha Piô biết rất rõ,
không có con đường nào ngắn hơn khi sống theo Phúc Âm, không có cách nào
tránh được những "giáo huấn khó khăn" của Chúa Giêsu (x. Gioan 6:60).
Rao giảng về Kitô Giáo mà không có sự hy sinh cá nhân, không có thập giá, thì
cũng không khác gì người mãi võ sơn đông quảng cáo bán thuốc trị bá bệnh. Cha
Piô coi sự đau khổ của ngài như đáp ứng với lời kêu gọi sống phúc âm.
Lời
Trích
"Cuộc
đời Kitô Hữu không gì khác hơn là cuộc chiến đấu dai dẳng với chính mình;
không có sự thăng hoa của linh hồn để đạt đến sự tuyệt hảo mỹ miều nếu không
phải trả giá sự đau khổ" (Lời của Cha Piô).
|
|
|
Bài đọc 2
Các
Ki-tô hữu đau yếu
Trích
bài giảng của thánh Âu-tinh, giám mục, về các mục tử.
Chúa
phán : Chiên đau yếu, các ngươi không bồi dưỡng. Người nói với các
mục tử xấu, mục tử giả, mục tử chỉ biết tìm lợi ích cho mình, chứ không tìm lợi
ích cho Đức Ki-tô Giê-su ; những kẻ chỉ biết uống sữa chiên và mặc đồ len, còn
chiên thì chẳng chịu săn sóc, và con nào đau yếu cũng chẳng lo bồi dưỡng. Yếu
là không khoẻ, bệnh là không lành ; những người bệnh cũng gọi là yếu. Vậy, giữa
yếu và bệnh, tôi cho là có khác biệt
Thật
thế, thưa anh em, những điều chúng ta đang cố gắng phân biệt đây, nếu để ý hơn
một chút, chắc chúng ta có thể phân biệt khá rõ ràng, như một người nào khác
thành thạo hơn hoặc sáng trí hơn, có thể làm. Xin anh em đừng nghĩ lầm, tôi chỉ
tạm nói theo lời Kinh Thánh điều tôi cảm nhận được thôi. Chớ gì kẻ ốm đau đừng
gặp thử thách, vì e rằng thử thách sẽ làm cho người ấy ngã quỵ. Còn kẻ yếu
nhược thì đã mắc bệnh bởi một chứng đam mê nào đó rồi ; và chứng đam mê nào đó
ngăn cản không cho người ấy bước vào đường lối của Thiên Chúa và mang lấy ách
của Chúa Ki-tô.
Hãy
để ý mà xem, những người đó muốn sống tốt lành, có ý định sống tốt lành, nhưng
chẳng mấy vui lòng chịu khổ cho bằng sẵn sàng làm việc lành. Ki-tô hữu vững
mạnh thì không những chỉ làm điều tốt, mà còn biết chịu cực chịu khổ. Vậy,
những người xem ra sốt sắng làm việc lành, nhưng khi gặp đau khổ, lại không
muốn hay không thể chịu được, thì đó là những con người ốm yếu. Còn những kẻ
yêu chuộng thế gian, vì một đam mê xấu xa nào đó mà bỏ không làm việc lành, ấy
là những kẻ suy nhược và mắc bệnh liệt giường, và bởi vì do tình trạng suy
nhược như là kiệt sức hoàn toàn đó, họ không thể làm dược việc gì lành.
Về
phần linh hồn, kẻ ấy như người bất toại kia, không thể đến với Chúa Giê-su
được, nên những người khiêng mới dỡ mái nhà và thòng anh ta xuống. Nghĩa là về
phần linh hồn, chẳng khác nào bạn muốn làm như dỡ mái nhà và đặt người bệnh bên
cạnh Chúa. Đó là người tứ chi bại liệt, nghĩa là chẳng có một việc lành nào,
lại còn cồng chất tội lỗi và suy nhược vì căn bệnh đam mê của mình. Và nếu tứ
chi bại liệt, tức là mắc chứng bại liệt thiêng liêng, mà bạn muốn đến gặp lương
y, có khi lương y ẩn đâu đó ở bên trong, lương ý chính là sự hiểu biết đích
thật tiềm ẩn trong Sách Thánh, thì bạn phải dỡ mái nhà và đặt người bất toại
xuống, tức là bày tỏ điều kín nhiệm trong lòng ra.
Ai
không làm được điều ấy, và kẻ lơ là không chịu làm điều ấy, thì anh em đã nghe
những lời mà chớ chi họ cũng nghe : Chiên đau yếu, các ngươi không bồi
dưỡng, chiên bị thương, các ngươi không băng bó, như chúng tôi đã nói ở
trên. Quả thật, vì khiếp sợ trước các cơn thử thách mà người ta bị bẻ gãy.
Nhưng đã có thuốc băng bó vết thương là lời an ủi sau đây : Thiên Chúa là
Đấng trung tín ; xin Người đừng để cho anh em bị thử thách quá sức ; nhưng khi
để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc hết sức tốt đẹp, để anh em có sức
chịu đựng.
(trích bài đọc 2 giờ kinh sách Chúa nhật 25 thường
niên-bản dịch của nhóm CGKPV)
Lectio: Chúa Nhật XXV Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 23 Tháng 9, 2012
Người lớn nhất trong Nước Trời
Mc 9:30-41
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí
Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn
đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh
Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa
trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá
tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống
và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể
lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện
của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người
nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống
như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của
Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng
con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin
vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa
Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Văn bản Tin Mừng cho
phụng vụ của Chúa Nhật tuần này giới thiệu cho chúng ta với lời tiên báo thứ
hai về Cuộc Thương Khó, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nhưng trong lời tiên báo lần thứ nhất
(Mc 8:31-33), các môn đệ đã khiếp sợ và vượt qua bởi sự sợ hãi. Các ông không hiểu gì về thập giá, bởi
vì các ông không có khả năng hiểu biết cũng như chấp nhận việc một Đấng Cứu Thế
làm người để trở thành tôi tớ cho anh em mình. Các ông vẫn viễn mơ về một Đấng Cứu
Thế vinh quang (Mt 16:21-22). Có
một sự khác biệt lớn giữa các môn đệ. Trong
khi Chúa Giêsu công bố Cuộc Thương Khó và cái Chết của Người, thì các ông lại
tranh luận ai sẽ là người lớn nhất trong bọn họ (Mc 9:34). Chúa Giêsu muốn phục vụ, các ông chỉ
nghĩ đến cai trị! Tham vọng
đã khiến cho các ông muốn chiếm một vị trí bên cạnh Chúa Giêsu. Điều gì nổi bật trong cuộc sống của
tôi: nỗ lực ganh đua và
khát vọng cai trị hay là mong muốn phục vụ và khuyến khích tha nhân?
Phản ứng của Chúa Giêsu
về những yêu cầu của các môn đệ giúp chúng ta hiểu được một chút liên quan đến
phương pháp sư phạm tình huynh đệ của Chúa để đào tạo các môn đệ. Nó cho chúng ta thấy bằng cách nào
Người đã giúp các ông vượt qua “men của người Biệt Phái và nhóm Hêrôđê” (Mc
8:15). Loại men như thế có gốc rễ sâu. Nó mọc đi mọc lại mãi! Nhưng Chúa Giêsu không chịu
thua! Người liên tục chiến đấu
chống lại và chỉ trích những cái sai của “men”. Ngày nay cũng thế, chúng ta có loại
men của tư tưởng thống trị: sự truyền bá của hệ thống tân tự do, kỹ nghệ thương
mại, tiêu thụ, tiểu thuyết, trò chơi, tất cả đều ảnh hưởng sâu xa đến đường lối
tư duy và hành động của chúng ta. Chúng
ta ngày nay cũng có loại men tư tưởng thống trị. Giống như các môn đệ của Chúa Giêsu,
chúng ta cũng không luôn luôn có khả năng duy trì được thái độ quyết định đối
với việc xâm lấn của loại men này. Quan
điểm của Chúa Giêsu như huấn luyện viên tiếp tục trợ giúp chúng ta.
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho
bài đọc:
Mc 9:30-32: Công bố về cuộc Thương Khó
Mc 9:33-37: Cuộc tranh luận về ai là kẻ lớn nhất
Mc 9:38-40: Vì danh Đức Giêsu
Mc 9:41: Phần thưởng cho một ly nước
c) Tin Mừng:
30 Khi ấy, Chúa Giêsu và
các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn
cho ai biết. 31 Vì Người dạy dỗ và bảo các ông
rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị
giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó
và sợ không dám hỏi Người.
33 Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào
nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" 34 Các ông làm thinh, vì dọc đàng
các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. 35 Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi
mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự
làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người".36 Rồi Người đem một em bé lại đặt
giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: 37 "Ai đón nhận một trong
những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai
đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai
Thầy".
38 Ông Gioan nói với Đức Giêsu: "Thưa
Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn
cản, vì người ấy không theo chúng ta." 39 Đức Giêsu bảo: "Đừng ngăn
cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó
lại có thể nói xấu về Thầy. 40 Quả thật, ai không chống lại
chúng ta là ủng hộ chúng ta. 41 "Ai cho anh em uống một
chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó
sẽ không mất phần thưởng đâu.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi
sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá
nhân.
a) Lời nào trong văn bản này làm bạn hài
lòng nhất hay tạo sự chú ý cho bạn nhất?
b) Các môn đệ có thái độ nào trong mỗi
đoạn Tin Mừng: các câu
30-32; 33-37; 38-40? Thái
độ trong ba đoạn Tin Mừng này có giống nhau không?
c) Lời giáo huấn của Chúa Giêsu trong mỗi
đoạn là gì?
d) Câu nói “Ai không chống lại chúng ta
là ủng hộ chúng ta” mang ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?
5. Chìa khóa dẫn đến bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào
trong chủ đề
a) Bình luận
Mc 9:30-32: Công
bố về Thập Giá.
Chúa Giêsu đang đi ngang qua miền
Galilêa, nhưng Người không muốn dân chúng biết điều này, bởi vì Người đang bận
lo đào tạo các môn đệ. Chúa
nói với các ông về “Con Người” phải bị bắt nộp. Chúa Giêsu rút tỉa giáo huấn của Người
từ những lời tiên tri. Trong
việc đào tạo các môn đệ, Chúa dùng Kinh Thánh. Các môn đệ lắng nghe, nhưng các ông
không hiểu. Thế mà các ông
đã không được nghe những lời giải thích. Có lẽ các ông sợ để lộ ra việc kém
hiểu biết của mình!
Mc 9:33-34: Cuộc
ganh đua cân não.
Khi các ông về đến nhà. Chúa Giêsu hỏi: Dọc
đường các con tranh luận gì thế? Các ông không trả lời. Đó là sự im lặng của những kẻ cảm thấy
tội lỗi, bởi vì các ông đã tranh luận xem ai là người lớn nhất
trong bọn. “Men”
của sự cạnh tranh và thanh thế, là đặc điểm của xã hội dưới Đế Chế La Mã, đã
thâm nhập vào trong cộng đoàn nhỏ bé vẫn còn trong thời kỳ phôi thai! Ở đây chúng ta thấy có sự tương
phản! Trong khi Chúa Giêsu
đang suy nghĩ về việc làm Đấng Cứu Thế Tôi Tớ, thì các ông lại lo nghĩ xem ai
là người lớn nhất trong bọn họ. Chúa
Giêsu cố hạ mình xuống trong khi các ông lại cố nâng mình lên!
Mc 9:35-37: Để
phục vụ chứ không để cai trị.
Câu trả lời của Chúa Giêsu là một bản
tóm lược về sự chứng tá Người đã đưa ra ngay từ thuở ban đầu: Ai
muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người! Và người sau cùng chẳng được lợi ích
gì. Anh ta là người đày tớ
vô dụng (xem Lc 17:10). Việc
xử dụng quyền lực không phải để thăng tiến hay cai trị, mà là để hạ mình xuống
và phục vụ. Đây là điểm mà
Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều nhất và đó là căn bản cho sự chứng tá của Người (xem
Mc 10:45; Mt 20:28; Ga 13:1-16).
Chúa Giêsu đem một em bé. Những người chỉ nghĩ đến việc nâng
mình lên và cai trị thì không dành thì giờ cho những kẻ bé mọn, cho các trẻ
nhỏ. Nhưng Chúa Giêsu đảo
ngược tất cả mọi thứ! Người
nói: Ai đón nhận một trong những trẻ
nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp
Đấng đã sai Thầy! Chúa
ví mình với các trẻ nhỏ. Ai
đón tiếp những kẻ bé mọn vì danh Đức Giêsu là đón tiếp chính Thiên Chúa!
Mc 9:38-40: Não
trạng bị giới hạn.
Có người không thuộc về
cộng đoàn mà nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ. Môn đệ Gioan thấy vậy và đã ngăn cản
anh ta: Bởi vì người ấy không phải là người của chúng ta nên
chúng ta cố gắng ngăn cản kẻ ấy. Gioan nhân danh cộng đoàn ngăn cản một
hành động tốt đẹp. Ông nghĩ
rằng mình sở hữu Chúa Giêsu và muốn ngăn chặn những kẻ khác không được nhân
danh Chúa Giêsu để làm việc nghĩa. Đây
là trường hợp não trạng cổ hủ và bị hạn chế của “Dân Riêng, Dân Được
Chọn!” Chúa Giêsu đáp
lại: Đừng ngăn cản người ta! Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! (Mc 9:40). Điều quan trọng đối với Chúa Giêsu
không phải là người ấy có thuộc về cộng đoàn hay không, mà là người ấy có làm
những việc tốt lành mà cộng đoàn
cần phải làm hay không.
Mc 9:41: Phần
thưởng cho một ly nước.
Ở đây chúng ta có một
câu được đưa vào dùng bởi Chúa Giêsu: Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc
về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Chúng
ta hãy xem xét hai tư tưởng: 1) Nếu
bất cứ ai cho anh em một chén nước: Chúa Giêsu đang trên đường đi về
Giêrusalem để hy sinh mạng sống mình. Cử
chỉ của món quà to lớn! Nhưng
Người không xem thường những cử chỉ nhỏ nhặt của những quà tặng trong đời sống
hằng ngày: một ly nước, câu
chào đón, một lời nói, rất nhiều cử chỉ khác. Ngay cả những cử chỉ nhỏ nhặt nhất
cũng được cảm kích. 2) Vì
lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô: Chúa
Giêsu tự nhận mình với chúng ta là những kẻ muốn thuộc về Người. Điều này có nghĩa là đối với Chúa,
chúng ta có giá trị tuyệt vời.
b) Phần phụ chú để giúp cho hiểu rõ văn
bản hơn
· Chúa Giêsu, “Con Người”
Đây là tên gọi được ưa thích của Chúa
Giêsu. Nó xuất hiện khá
thường xuyên trong Tin Mừng Máccô (Mc 2:10-28; 8:31-38; 9:9-12,31; 10:33-45;
13:26; 14:21,41,62). Danh
hiệu này xuất phát từ Cựu Ước. Trong sách tiên tri Êdêkien, Người đại diện
cho tình trạng phàm nhân của tiên tri (Êd 3:1,10,17; 4:1; v.v.). Trong sách tiên tri Đanien, cùng một
danh hiệu xuất hiện trong một thị kiến về ngày cánh chung (Đn 7:1-28), nơi mà
tiên tri Đanien mô tả các đế quốc Babylon, Mêđian, Ba Tư và Hy Lạp, Trong thị kiến của tiên tri, bốn đế
chế này xuất hiện như “các quái vật” (xem Đn 7:3-8). Chúng là những đế chế dã thú, tàn bạo,
vô nhân đạo, bắt bớ và tiêu diệt (Đn 7:21-25). Trong thị kiến của tiên tri, sau khi
hai chế độ vô nhân đạo cai trị thì Vương Quốc Nước Trời xuất hiện không trong
dạng thức một con vật mà là hình ảnh loài người, Con
Người. Đó là
vương quốc với sự xuất hiện của người ta, một vương quốc loài người quảng bá sự
sống và đầy tình người (Đn 7:13-14).
Trong lời tiên tri Đanien, hình ảnh Con
Người đại diện không
cho một cá nhân, mà như “Chư Thánh của Đấng
Tối Cao” (Đn 7:27,
18). Đó là dân Thiên Chúa
sẽ không để cho mình bị lừa dối hoặc thao túng bởi tư tưởng thống trị của các
đế quốc dã thú. Sứ vụ của Con
Người, đó cũng là của dân Thiên Chúa, bao gồm việc nhận thức Vương
Quốc Thiên Chúa như một vương quốc loài người. Một vương quốc không phá hủy cuộc
sống, mà là xây dựng nó! Nó
nhân đạo hóa người ta.
Khi Chúa Giêsu tự giới thiệu với các
môn đệ mình là Con Người, Người giả định rằng sứ vụ của
Người cũng là sứ vụ của toàn thể Dân Chúa. Như thể Người đang nói với các ông và
với chúng ta: “Hãy đi cùng
Thày! Sứ vụ này không phải
chỉ của riêng Thày, mà là của tất cả chúng ta! Cùng nhau, chúng ta hãy hoàn thành sứ
vụ mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta để xây dựng Vương Quốc nhân đạo như
ước mong của Người! Chúng
ta hãy làm những gì Chúa đã làm và đã sống trong suốt cuộc đời của Người, hơn
hết cả, trong ba năm cuối của cuộc đời Người. Đức Thánh Cha Leo Cả đã thường
nói: “Chúa Giêsu là con người, rất con người, như chỉ có Thiên Chúa mới có
thể làm!” Càng là con
người, càng trở nên thiêng liêng. Chúng
ta càng là “con người” thì chúng ta càng sẽ là “con Thiên Chúa”. Tất cả những điều gì làm cho người ta
trở nên ít nhân bản hơn thì càng làm người ta rời xa Chúa, ngay cả trong đời
sống tu trì, ngay cả trong đời sống Cát Minh! Đây là những gì Chúa Giêsu đã lên án
và Người đặt lợi ích của con người lên trên lề luật và ngày Sabbát (Mc 2:27).
· Đức Giêsu, nhà Đào Tạo
“Đi theo” là một thuật ngữ thuộc về một
phần của hệ thống giáo dục thời bấy giờ. Nó được dùng để chỉ cho mối quan hệ
giữa người môn đệ và vị thầy dạy. Mối
liên hệ Sư Phụ-Đồ Đệ thì khác hơn là mối liên hệ thầy giáo-học sinh. Các học sinh theo dõi bài học
của thày giáo về một chủ đề nhất định. Các
môn đệ “đi theo” thầy và sống với thầy mình mọi ngày.
Chính là trong quá trình “sống chung”
với Chúa Giêsu trong ba năm này thì các môn đệ đã nhận được sự huấn
luyện. Chương trình huấn
luyện trong việc “đi theo Chúa Giêsu” không chỉ là việc truyền thụ một ít chân
lý trang trí, mà là việc thông tri về một kinh nghiệm mới với Thiên Chúa và về
đời sống tỏa sáng từ Chúa Giêsu cho các môn đệ. Chính cộng đoàn phát triển chung
quanh Chúa Giêsu là sự biểu hiện của kinh nghiệm mới mẻ này. Việc huấn luyện này đã khiến cho mọi
người nhìn thấy những sự việc với một cái nhìn khác, có những thái độ
khác. Nó phát sinh trong
các ông một nhận thức mới về sứ vụ và sự tự trọng. Nó đã khiến các ông đứng về phía
những kẻ bị gạt ra ngoài xã hội. Nó
tạo nên “sự hoán cải”, hệ quả của việc chấp nhận Tin Mừng (Mc 1:15).
Đức Giêsu là trục chính, là trung tâm
điểm, là mẫu mực, là điểm tham chiếu cho cộng đoàn. Người chỉ cho con đường để đi theo,
Người “là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14:6). Thái độ của Người là bằng chứng và sự
trình bày Nước Trời: Người
làm cho tình yêu của Chúa Cha nên rõ ràng; Người là hiện thân của tình yêu Chúa
Cha và đã mặc khải về điều ấy (Mc 6:31; Mt 10:30-31; Lc 15:11-32). Chúa Giêsu là một “người đầy ý
nghĩa” đối với các ông, Đấng sẽ lưu lại trong các ông một dấu ấn vĩnh
viễn. Nhiều cử chỉ nhỏ nhặt phản ảnh lời chứng tá này về đời sống mà Chúa
Giêsu đã ban cho bởi sự hiện diện của Người trong đời sống của các môn
đệ. Đây là phương cách ban
cho của Chúa trong bản tính loài người, kinh nghiệm mà chính Người đã có với
Chúa Cha. Trong phương cách
và chia sẻ này, về tương quan với tha nhân, về việc hướng dẫn dân chúng và lắng
nghe những ai đến với Người, Chúa Giêsu được nhìn thấy như là:
* một người của bình an, linh ứng và hòa
giải: “Bình an cho các
con!” (Ga 20:19; Mt 10:26-33; Mt 18:22; Ga 20:23; Mt 16:19; Mt 18:18);
* một người của tự do và giải thoát,
đánh thức sự tự do và giải phóng: “Ngày
Sabbát đã được tạo nên cho con người, chứ không phải con người được tạo nên cho
ngày Sabbát” (Mc 2:27; 2:18-23);
* một người của cầu nguyện, chúng ta
thấy Người cầu nguyện vào tất cả những khoảnh khắc quan trọng của đời mình và
khuyến khích người khác cầu nguyện: “Lạy
Thày, xin dạy cho chúng con cầu nguyện!” (Lc 11:1-4; Lc 4:1-13; 6:12-13; Ga
11:41-42; Mt 11:25; Ga 17:1-26; Lc 23:46; Mc 15:34);
* một người của yêu thương, gợi lên
những phản ứng đầy tình yêu thương (Lc 7:37-38; 8:2-3; Ga 21:15-17; Mc 14:3-9;
Ga 13:1);
* một người chào đón, luôn luôn hiện
diện trong đời sống các môn đệ và chào đón khi các ông trở về sau khi hoàn
thành sứ vụ (Lc 10:7);
* một người thực tế và quan sát, gợi lên
sự chú ý của các môn đệ về các vấn đề của đời sống bằng cách giảng dạy cho các
ông qua các dụ ngôn (Lc 8:4-8);
* một người săn sóc, luôn luôn để ý đến
các môn đệ (Ga 21:9), chăm sóc cho sự nghỉ ngơi và muốn ở lại với các ông để họ
có thể nghỉ ngơi (Mc 6:31);
* một người bận tâm với tình huống thậm
chí còn quên cả sự mệt mỏi và nghỉ ngơi của mình khi Người trông thấy dân chúng
đang tìm kiếm Người (Mt 9:36-38);
* một người bạn chia sẻ mọi điều, ngay
cả những bí mật về Chúa Cha (Ga 15:15);
* một người hiểu biết, chấp nhận các môn
đệ y như chính họ, ngay cả khi các ông bỏ chạy, hay cho dù họ chối bỏ và phản
bội, mà Người vẫn không hề lìa xa họ (Mc 14:27-28; Ga 6:67);
* một người tận tụy, bảo vệ các bạn hữu
mình khi họ bị chỉ trích bởi những kẻ đối nghịch (Mc 2:18-19; 7:5-13);
* một người khôn ngoan, biết sự mong
manh của loài người, biết điều gì sẽ xảy ra trong lòng người ta, và do đó nhấn
mạnh vào việc cảnh giác và dạy cho họ cầu nguyện (Lc 11:1-13; Mt 6:5-15).
Nói tóm lại, Chúa Giêsu cho thấy là một
con người thực sự, rất con người, con người đến độ chỉ Thiên Chúa mới có thể
biết là con người! Con Người.
6. Thánh Vịnh 30 (29)
Cảm tạ Chúa đã cứu khỏi chết
Lạy CHÚA, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
con kêu lên cùng Chúa, và Ngài đã cho con bình phục.
Lạy CHÚA, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng CHÚA,
cảm tạ thánh danh Người.
Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.
Thuở được yên vui, có lần tôi tự nhủ:
mình sẽ chẳng bao giờ nao núng!
Lạy CHÚA, vì yêu thương,
Ngài đã đặt con trên núi an toàn.
Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi,
con liền thấy bàng hoàng sợ hãi.
Lạy CHÚA, con đã kêu lên Ngài,
năn nỉ với Ngài là Chúa của con.
Chúa được lợi gì khi con phải chết,
được ích chi nếu con phải xuống mồ?
Nắm tro tàn làm sao ca tụng Chúa
và tuyên dương lòng thành tín của Ngài.
Lạy CHÚA, xin lắng nghe và xót thương con,
lạy CHÚA, xin phù trì nâng đỡ.
Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu..
Lạy CHÚA, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
con kêu lên cùng Chúa, và Ngài đã cho con bình phục.
Lạy CHÚA, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng CHÚA,
cảm tạ thánh danh Người.
Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.
Thuở được yên vui, có lần tôi tự nhủ:
mình sẽ chẳng bao giờ nao núng!
Lạy CHÚA, vì yêu thương,
Ngài đã đặt con trên núi an toàn.
Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi,
con liền thấy bàng hoàng sợ hãi.
Lạy CHÚA, con đã kêu lên Ngài,
năn nỉ với Ngài là Chúa của con.
Chúa được lợi gì khi con phải chết,
được ích chi nếu con phải xuống mồ?
Nắm tro tàn làm sao ca tụng Chúa
và tuyên dương lòng thành tín của Ngài.
Lạy CHÚA, xin lắng nghe và xót thương con,
lạy CHÚA, xin phù trì nâng đỡ.
Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu..
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về
Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các
việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã
mặc khải cho chúng con. Nguyện
xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng
nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa
là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa
Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét