Trang

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

25-09-2012 : THỨ BA TUẦN XXV MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Ba sau Chúa Nhật 25 Quanh Năm
* * *
Gia đình của Chúa

Bài Ðọc I: (Năm II) Cn 21, 1-6. 10-13
"Những câu Cách Ngôn khác nhau".
Trích sách Châm Ngôn.
Lòng vua ở trong tay Chúa, như những dòng nước chảy, Người muốn hướng nó về đâu tuỳ ý Người. Mọi đường lối của người ta đối với họ là ngay thẳng, nhưng Chúa cân nhắc tâm can. Thực hành công bình và bác ái, thì đẹp lòng Chúa hơn là hy lễ. Mắt tự cao là lòng kiêu ngạo: đèn kẻ gian ác là tội lỗi. Toan tính người cần mẫn luôn dẫn tới sự dồi dào, còn mọi kẻ biếng nhác luôn gặp nghèo khó. Ai dùng lưỡi gian dối thu tích kho tàng, là người hư hốt vô tâm, nó sẽ rơi vào lưới sự chết.
Tâm hồn người tội ác mơ ước sự dữ, nó không thương xót người lân cận. Khi kẻ hung bạo bị sửa phạt thì người bé nhỏ sẽ khôn ngoan hơn, và nếu nó theo người khôn ngoan, nó sẽ được thông minh. Người công chính nhìn xem lòng kẻ tội ác, để cứu nó thoát khỏi tai hoạ. Ai bịt tai không nghe tiếng người nghèo khó, thì lúc chính nó kêu cầu, cũng chẳng ai nghe.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 1. 27. 30. 34. 35. 44
Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài (c. 35a).
Xướng: 1) Phúc đức những ai theo đường lối tinh tuyền, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa. - Ðáp.
2) Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài. - Ðáp.
3) Con đã chọn con đường chân lý, con quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
4) Xin dạy con, để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Ðáp.
5) Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng. - Ðáp.
6) Con sẽ tuân giữ luật Pháp Chúa luôn luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 118, 18
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 8, 19-21
"Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho Người rằng: "Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy". Người trả lời với họ rằng: "Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Câu trả lời của Chúa gợi cho chúng ta cảm giác Chúa hững hờ với Mẹ Ngài và anh em của Ngài. Nhưng thực ra không phải vậy. Ðức Giêsu đang ca tụng Ðức Maria. Vì hơn ai hết, Mẹ là người luôn biết lắng nghe và thực hành ý Chúa một cách tuyệt đối. Ðiều Ðức Giêsu muốn nói với chúng ta: Chúng ta chỉ thực sự là anh em với Ngài, nghĩa là được chia sẻ sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc trong nhà Ngài, khi chúng ta biết lắng nghe và làm theo thánh ý của Thiên Chúa Cha. Tất cả những gì Thiên Chúa cho xảy đến trong cuộc đời chúng ta đều đã được an bài tốt đẹp, nếu chúng ta biết tin nhận và thi hành với tất cả lòng yêu mến, phó thác thì đó là một hạnh phúc lớn lao cho chúng ta.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người thật hạnh phúc vì chúng con được làm con Chúa và được Lời Chúa dạy dỗ, dẫn dắt trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết lắng nghe và sống theo những điều Chúa dạy. Ði theo Lời Chúa, chúng con sẽ cảm được sự êm ái và được bảo đảm trước những gian nan thử thách, để có thể trở về Nhà Cha trong bình an và hân hoan. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Lắng Nghe và Thực Hành Lời Chúa
(Lc 8,19-21)

Suy Niệm:
Lắng Nghe và Thực Hành Lời Chúa
Cả ba tác giả Nhất Lãm đều kể lại sự kiện Ðức Maria và các thân nhân Chúa Giêsu đi tìm Ngài, nhưng mỗi tác giả có một dụng ý riêng: Matthêu, Marcô xếp đoạn này lên trước phần Chúa Giêsu giảng dạy dụ ngôn người gieo giống, còn Luca thì đặt sau dụ ngôn ấy, liền sau dụ ngôn chiếc đèn cháy sáng. Luca không đề cập đến việc các thân nhân đến tìm Chúa Giêsu để đưa Ngài về Nazarét, nhưng nhấn mạnh đến điểm này: "Ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, đó là người sống trong gia đình Thiên Chúa, là Mẹ, là anh em của Ngài.
Một điểm nữa cần ghi nhận là trong đời sống thực tế, nhiều khi người ta cảm thấy gần gũi thân thiết với những người cùng chung chí hướng, nguyện vọng, hơn là những người ruột thịt, nhất là khi những người ruột thịt ấy không cùng chí hướng, nguyện vọng. Như thế, mối liên hệ sâu xa giữa con người với nhau không phải là liên hệ huyết thống, mà còn là liên hệ của cả tư tưởng, ý chí, tình cảm.
Chúa Giêsu đến trần gian để xây dựng một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là nguyện cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ðể cho thấy sự duy nhất về cùng một gia đình đó, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: "Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha". Ðó là hình ảnh Chúa Giêsu muốn diễn tả khi Ngài nói: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".
Với ý nghĩa đó, Ðức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Chúa Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời. Trong biến cố truyền tin, Ðức Maria đã thưa với Sứ thần: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng theo lời thiên thần truyền". Ðiều đó nói lên suốt đời Ðức Maria, người luôn làm theo ý Chúa.
Câu định nghĩa của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta con đường đi vào gia đình của Thiên Chúa, đó là làm theo thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng ta luôn biết thực thi thánh ý Chúa trong suốt cuộc sống chúng ta, để xứng đáng được thuộc về gia đình của Chúa.

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 25 TN2
Bài đọc: Prov 21:1-6, 10-13; Lk 8:19-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
 Nghe và thực hành Lời Chúa.

Sống trong cuộc đời con người không chỉ sống cho mình, nhưng phải sống hài hòa với ba mối tương quan: con người với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thế giới. Khi có xung đột giữa các tương quan, con người phải biết sống theo ý Thiên Chúa trước và trên hết, sau đó mới tới tương quan với tha nhân, và sau cùng là tương quan với thế giới. Nếu không chịu sống các mối tương quan và sống theo thứ tự ưu tiên của nó, con người sẽ phải lãnh nhận mọi hậu quả xấu dù có biết hay không. Các Bài đọc hôm nay xoay quanh trọng tâm này và chỉ cho con người thấy tại sao phải luôn tìm hiểu và thực hành thánh ý Chúa trong cuộc đời.



KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những lời khuyên thực tiễn trong cuộc sống

(1) Sống ngay thẳng và khiêm nhường trước thiên nhan Chúa: Khi nắm trong tay uy quyền, con người nghĩ mình muốn làm gì thì làm; nhưng họ không biết là họ đang bị điều khiển bởi chính Chúa. Chúa có thể dùng Nebuchadnezzar, vua Babylon như chiếc roi để đánh phạt Dân Chúa; hay dùng Cyrus, vua Ba-Tư như khí cụ để cho Dân Chúa được hồi hương và xây dựng lại Đền Thờ, như Sách Châm Ngôn nói: “Trong tay Đức Chúa, lòng vua tựa dòng nước chảy, Người lèo lái đi đâu tuỳ ý Người.”

(2) Sống bằng sự làm việc chăm chỉ của mình: Con người thường có khuynh hướng làm giầu nhanh chóng. Họ dám dùng bất cứ thủ đọan nào để đạt được mục đích của họ. Họ quên đi rằng của cải có được nhờ siêng năng làm việc sẽ tồn tại lâu dài, còn của có được nhờ thủ đọan sớm hay muộn rồi cũng tiêu tan. Không biết bao nhiêu người muốn làm triệu phú cách nhanh chóng nên vội vàng đem hết những gì mình đã dành giụm được để đầu tư vào những thứ mà họ nghĩ sẽ sinh lời nhanh như thị trường chứng khóan, vé số, nhà cửa. Rốt cuộc lời đâu chẳng thấy mà vốn cũng hết sạch. Những lời của Sách Khôn Ngoan báo trước những điều này: “Kế hoạch người siêng năng hẳn tạo ra lợi nhuận, ai vội vàng hấp tấp, ắt phải chịu đói nghèo. Kho tàng thu tích nhờ môi miệng điêu ngoa là hơi thở thoáng qua, là bẫy làm thiệt mạng.”

(3) Sống làm sao để được Chúa chúc lành: Điều khốn khổ nhất cho con người là sống như không có Chúa. Vì không tin “Trời cao có mắt,” nên họ cũng chẳng thương xót gì tha nhân. Họ sẵn sàng chà đạp quyền lợi tha nhân để đạt được điều họ mong muốn. Nhưng rồi Chúa sẽ mở mắt để họ nhìn thấy các việc làm của họ khi bắt họ chịu đựng đau khổ. Họ có kêu cầu cũng không được Ngài nhận lời vì họ đã không biết thương xót tha nhân. Sách Khôn Ngoan dạy: “Lòng ác nhân ước ao sự dữ, ngay bạn bè, nó chẳng để mắt thương… Đấng Công Chính xem xét nhà của ác nhân, bắt ác nhân lâm vòng tai hoạ. Kẻ bịt tai trước tiếng kêu của người cô thế, đến lúc nó kêu, sẽ chẳng được đáp lời.”

2/ Phúc Âm: Ai nghe và làm theo Lời Chúa trở nên mẹ và anh em của Chúa.

(1) Những người trong gia đình không luôn luôn là những người ủng hộ Chúa. Phúc Âm Marcô thuật lại việc họ tính đi bắt Chúa về vì nghĩ Chúa bị mất trí (Mk 3:21). Trong Phúc Âm Matthêu, Chúa cũng báo trước kẻ thù là người nhà mình (Mt 10:36). Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những người hiểu và quí mến mình thường không phải những người trong gia đình mình. Bạn tâm giao là những người cùng nhắm chung một hướng đi, có cùng một sở thích, và có thể sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ để hy sinh cho nhau.

(2) Nghe và làm theo ý Thiên Chúa là trở nên Mẹ và anh em của Chúa. Chúa Giêsu không chỉ dạy hay đòi hỏi điều kiện này, nhưng chính Ngài đã sống làm gương trước cho mọi người. Ngài chấp nhận sứ vụ Nhập Thể - Cứu Độ là vì vâng lời Thiên Chúa và yêu thương con người khi Ngài nói: “Ta đến từ Trời không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. Và đây là ý của Chúa Cha Đấng sai Ta là Ta không nên để mất bất cứ ai Ngài đã ban cho Ta, nhưng cho sống lại trong Ngày Tận Thế” (Jn 6:38-39). Để có thể làm được điều này đòi hỏi con người phải biết từ bỏ ý riêng và một niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa.

(3) Khi nói những lời này, Chúa Giêsu không khinh thường Mẹ và các Tông Đồ của Ngài vì Đức Mẹ và các Tông Đồ là những người đã nghe và làm theo Lời Chúa. Trong biến cố Truyền Tin, Đức Mẹ đã từ bỏ ý riêng muốn sống đời độc thân để thưa “Xin Vâng” với kế họach cứu độ của Chúa, và sống lời “Xin Vâng” này suốt cuộc đời. Không những thế, chính Đức Mẹ còn khuyên những người giúp việc trong tiệc cưới Cana: “Hễ Người bảo gì, hãy làm như vậy.”

Các Tông Đồ cũng thế, các ngài đã mạnh dạn bỏ nghề nghiệp đi theo Chúa, làm việc cho Chúa, và đổ máu đào hy sinh cho Chúa. Đức Mẹ và các Tông Đồ đã trở nên Mẹ và những người anh em đầu tiên của Chúa.



ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Con người chúng ta chỉ là tạo vật và khí cụ Chúa dùng mà thôi. Dẫu ý thức hay không ý thức, tất cả mọi người chúng ta đều làm theo ý định của Thiên Chúa. Vì Chúa là Người điều khiển cuộc đời nên chúng ta phải cố gắng tìm ra và làm theo ý Thiên Chúa.

- Điều bất hạnh nhất trong cuộc đời là con người sống như không có Thiên Chúa. Vì không tin có Ngài nên họ cũng chẳng thương gì đến tha nhân, ngay cả cha mẹ và những người trong gia đình. Do đó, điều quan trọng nhất cha mẹ cần phải dạy cho con mình là biết kính sợ Thiên Chúa; vì kính sợ Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi khôn ngoan.

- Điều kiện không thể thiếu để trở nên người nhà của Thiên Chúa là biết lắng nghe và làm theo ý Thiên Chúa, chứ không phải chỉ cần mang danh hiệu là “Kitô hữu.”

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

****************

Thứ Ba tuần 25 thường niên
Sứ điệp: Chính việc nghe và thực hành Lời Thiên Chúa làm cho ta nhập vào gia đình thiêng liêng với Chúa Giêsu, đồng thời chúng ta trở nên anh em và cũng là con cùng một Cha trên trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhìn thấy tâm tư sâu kín của lòng con. Rất nhiều lúc con cảm thấy nghe và thực hành Lời Chúa như một gánh nặng, như một việc khổ sở, và con đã tránh né hoặc làm một cách miễn cưỡng. Nhưng hôm nay, Chúa mặc khải cho con thấy: khi con nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành, con được nhập vào gia đình thiêng liêng với Chúa. Cho dù khi ấy con có phải hi sinh, nhưng trước hết đó là niềm vinh dự và hạnh phúc của con. Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nâng con lên, cho con trở thành người nhà của Chúa.
Chúa quý mến những người nghe và giữ Lời Chúa. Chúa đã đặt gia đình thiêng liêng cao hơn những liên hệ máu huyết, cao hơn những ràng buộc gia đình. Trong ánh sáng của Chúa, con hiểu được rằng Chúa không bao giờ coi thường Đức Mẹ. Nhưng trái lại, Chúa yêu mến Đức Mẹ không những vì Mẹ đã sinh ra Chúa, nhưng nhất là vì Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Con muốn bắt chước Đức mẹ để trở nên người môn đệ được Chúa yêu mến.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp con coi trọng Chúa hơn tình cảm gia đình. Xin đừng để con vì bênh cha mẹ hoặc bênh con cái, mà quên cả công bằng, quên cả lương tri và lẽ phải, hay vì danh dự gia đình mà không dám nhìn nhận sự thật. Xin đừng để con chỉ vì tình bạn hữu anh em  mà bỏ cả dự lễ, cầu nguyện. Con cũng xin Chúa đừng để bậc cha mẹ chỉ vì muốn giữ con cái làm việc hoặc nối dõi tông đường, mà không cho con cái hiến thân làm tông đồ cho Chúa.
Xin Chúa giúp con hết lòng tin kính mến yêu Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".



25/09/12 THỨ BA TUẦN 25 TN
Lc 8,19-21

NIỀM VUI LÀM THEO Ý CHÚA


“Mẹ và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21)

Suy niệm: Ta vẫn thường trăn trở: Làm sao tìm được niềm vui trong cuộc sống? Làm cách nào để mỗi ngày ta có thể chọn một niềm vui? Đối với người Kitô hữu, cách tốt nhất để có được niềm vui, hạnh phúc mỗi ngày và bền lâu là làm theo thánh ý Chúa. Tại sao thế? - Thưa, Đức Giêsu đã diễn tả Nước Trời như tiệc cưới vui vẻ. Nước Trời ấy được định nghĩa cách vắn gọn là xã hội trên trần thế nơi ý Chúa được thực hiện trọn vẹn như ở trên trời. Đức Giêsu là mẫu người hoàn hảo đã làm cho ý Chúa và ý mình nên một. Vì vậy, ai chú tâm lắng nghe, suy gẫm và thực hành Lời Đức Giêsu thì trở nên những người em thân thiết với Ngài, là con cái Cha trên trời, là công dân của Nước Trời vui tươi.

Mời Bạn: “Cách tốt nhất để làm bạn vui lên là làm cho người khác vui lên” (Nhà văn M. Twain). Khi làm Thiên Chúa hài lòng qua việc thực thi Lời Ngài, bạn có được niềm vui, một niềm vui sâu xa, bền vững. Những hy sinh do việc bạn dẹp bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa sẽ được Thiên Chúa bù đắp bằng những niềm vui bạn không ngờ. Bạn còn chần chừ gì nữa, hãy bắt đầu tập lắng nghe và thực thi Lời Ngài.

Sống Lời Chúa: Tôi chăm chú đọc Lời Chúa, suy niệm và tìm cách áp dụng Lời Hằng Sống ấy vào cuộc sống hằng ngày. Nếu gia đình tôi chưa có thói quen tốt này, tôi sẽ bắt đầu từ hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã thương cho chúng con trở nên những người em thân thiết trong gia đình Thiên Chúa. Xin giúp chúng con tìm được niềm vui đích thật mỗi ngày qua việc siêng năng đọc, lắng nghe, suy niệm và sống Lời Chúa. Amen.



www.5phutloichua.net
Mẹ tôi và anh em tôi.
Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu. Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa. Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa. 

Suy nim:
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu,
mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài.
Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại?
Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm,
bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ.
Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ.
Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy,
thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19).
Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu:
“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không cho biết
Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ và các anh em Ngài không.
Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí đón tiếp hơi lạnh lùng.
Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu nói gây sốc của Ngài:
“Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa
và đem ra thực hành” (c. 21).
“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ !
Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia.
Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét,
người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài.
Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột.
Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà.
Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà.
Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu.
Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành,
để trở thành mẹ và anh em của Ngài.
Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình của Ngài.
Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột thịt, mà khai mở một gia đình mới.
Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn nhiều,
và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia đình đó.
Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị em.
Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì trở nên mẹ của Ngài,
bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương sáng và lời nói của họ,
họ sinh ra Ngài trong trái tim tha nhân.
Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi hành lời Thiên Chúa Cha.
Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên con Thiên Chúa,
nên lập tức trở nên anh chị em với Ngài.
Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu.
Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa.
Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa.
Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình.
Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria,
vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".

Ai thật là mẹ và là anh chị em tôi
Đức Giêsu nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. (Lc. 8, 21)
Theo Thánh Mar-cô, khi gia đình Đức Giêsu định chặn bắt Thầy, chính vì họ xét thấy “Người đã mất trí” (Mc. 3, 21). Người ngột ngạt vì họ. Họ không để Người yên.
Thánh Lu-ca không nói đến chuyện khó chịu đó. Nếu Đức Maria và thân nhân không tới được Đức Giêsu, chính là kết quả lạ lùng của Đức Giêsu. Đông đảo dân chúng chen lấn tứ phía làm các Ngài không tới gần Người. Vượt qua hàng rào người xiết chặt chung quang là vô phương. Người ta chỉ có thể gợi lại cảnh đó bằng nhìn thấy những kẻ lãnh đạo vĩ đại thế giới thời nay được quần chúng ngưỡng mộ. Dân chúng vây quanh bắt tay gặp gỡ, ngó nhìn tận mắt, mỉm cười với các ông lớn đó. Đức Kitô không tránh khỏi cảnh vây quanh đó. Đó là lý do tại sao Mẹ Người và anh em chú bác không tới thăm và gặp được Người để có thể thông cảm với Người.
Khi người ta báo có thân nhân Người muốn gặp Người, lợi dụng lúc đó để lưu ý mọi người Đức Giêsu nhìn trừng trừng chung quanh, kêu lên như từ chối gia đình trần gian để nhấn mạnh đến tình nghĩa gia đình thiên quốc, Người nói: “Mẹ Tôi và anh em Tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”, như Người đã nhấn mạnh: Ai nghe lời Thiên Chúa là đất tốt sinh ra nhiều hoa trái, họ cũng là đèn sáng đặt trên đế đèn soi sáng cho tất cả chung quanh, và hơn hết họ thật là anh em bà con của Người.
Cố gắng thực hiện đầy đủ lời Chúa, chính là gia nhập vào gia đình Chúa thật sự, chính là ước muốn, suy niệm, hành động và thực hiện như Đức Kitô, chính là đón nhận hiến chương nước trời Người đã rao giảng trên núi, chính là đón nhận những đòi hỏi khó khăn của ơn tái sinh, chính là bước theo đường thánh giá tới đỉnh vinh quang phục sinh.
Anh em bà con của Đức Giêsu Kitô thực sự là thế! Người không chối bỏ thân nhân về ruột thịt, nhưng vượt lên cao hơn. Đức Maria là mẹ của Đức Kitô về cả hai phương diện, mẹ thân xác và mẹ theo Đức Kitô tới đỉnh Can-vê. Mẹ cưu mang sinh thành và mẹ cưu mang thực thi lời Chúa.
GF


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
25 THÁNG CHÍN
Tiếng Gọi Làm Môn Đệ Chúa
Chúng ta đã tìm hiểu những chân lý mà Giáo Hội tuyên xưng và rao giảng. Những chân lý này thiết lập nên nền tảng của Giao Ước Mới với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.
Chúng ta đã nắm hiểu mục đích của việc giáo dục Kitô giáo. Ngay từ những năm đầu đời của chúng ta tại gia đình và giáo xứ, chúng ta đã nghe lời mời gọi trở thành môn đệ Đức Giêsu Kitô. Đây là mục tiêu của lời cầu nguyện chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta cùng với gia đình và cộng đoàn xứ đạo của mình đã đưa chúng ta đến gần hơn bao giờ hết mầu nhiệm về sự hiện diện của Đức Kitô.
Đó là mục tiêu của việc giáo dục Kitô giáo. Nhờ Phép Rửa, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta lại trở nên những môn đệ của Đức Giêsu Kitô.
Các con, và cả Cha nữa, chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa về cha mẹ và về các cha xứ của chúng ta. Chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những ai đã giúp chúng ta nhận hiểu chân lý được Thiên Chúa mạc khải qua Đức Giêsu Kitô và được Hội Thánh truyền giảng.

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 25-9
Cn 21, 1-6.10-13; Lc 8, 19-21.
LỜI SUY NIỆM: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” Người liền đáp: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,20-21)
          Trong lời phán dạy này của Chúa Giêsu, cho chúng ta thấy một cách gián tiếp, Chúa Giêsu đã tôn vinh Đức Mẹ. Trong toàn thể nhân loại chỉ có một mình Đức Mẹ là người được đẹp lòng Thiên Chúa và được Thiên Chúa ở cùng; Điều này đã được sứ thần Gáprien kính chào Đức Mẹ khi truyền tin. Cũng như tôn vinh Thánh Cả Giuse là người công chính đã vâng nghe mọi lời của Thiên Chúa và thực thi những ý muốn của Thiên Chúa khi đón nhận Đức Mẹ về nhà mình, khi đưa Chúa Giêsu, Đức Mẹ trốn sang Ai-cập và trở về Nadarét. Đây cũng là hạnh phúc cho tất cả Kitô hữu chúng ta; bởi chúng ta có nhiều cơ hội được nghe Lời Chúa hơn; được Chúa Thánh Thần soi sáng: để hiểu biết và được Chúa Thánh Thần thúc đẫy: để thực hành trong đời sống.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân
NGÀY 25-09 THÁNH GIUSE CALASANZ - LINH MỤC (1557 - 1648)

Thánh Giuse Calasanz sinh năm 1557 tại Peralta de la Sal miền Aragonia. Cha mẹ Ngài là những một giàu có trong miền, nhưng đã dày công dạy cho con biết yêu Chúa thiết tha, ham thích cầu nguyện và gớm ghét tội lỗi. Chính Giuse ngay từ niên thiếu đã tỏ dấu có lòng bác ác đặc biệt với trẻ nhỏ và ưu tư giáo dục chúng. Ngài thường tụ họp các bạn trẻ lại để dạy cho chúng biết các mầu nhiệm đức tin và biết cách cầu nguyện.
Lớn lên, Giuse được gởi học văn phạm và các môn cổ điển tại Estadilla. 15 tuổi Ngài đã hoàn tất chương trình trung học. Cha mẹ Ngài đặt rất nhiều hy vọng vào tương lai của con. Giuse lại mong chờ một sứ mệnh cao cả hơn. Ngài xin theo học một chương trình sống rất nghiêm khắc để đề phòng những dục vọng bất chính. Ngài còn nhiệt thành dạy giáo lý cho người dốt nát, thăm viếng giúp đỡ các bệnh nhân và những người nghèo khổ. Dầu vậy Ngài đã thành công mỹ mãn và được phép cha cho ở lại để học dân luật và giáo luật.
Ngày 11 tháng 4 năm 1575, Ngài chịu phép cắt tóc gia nhập hàng giáp sĩ.
Sau khi đậu tiến sĩ giáo luật và dân luật, Giuse tiếp tục học thần học tại Valence. Nơi hoa lệ này, quỉ đã ra sức tấn công đức trinh khiết của Giuse. Nhưng quyết hiến thân cho Chúa, Giuse đã chiến thắng vẻ vang. Từ đó Ngài bỏ Valence để tiếp tục theo học tại Alcada.
Tuy nhiên một hung tin làm xáo trộn cuộc đời Ngài. Người anh của Giuse, một sĩ quan trong quân đội từ trần mà chưa có con nối dõi tông đường. Giuse trở về quê nhà vâng lời cha mẹ nhưng vẫn nuôi ước vọng làm linh mục. Ngài ra sức cầu nguyện và được nhậm lời. Ngài bị lâm trọng bệnh và các y sĩ đều bó tay. Người cha của Giuse hứa sẽ cho Ngài làm linh mục nếu được chữa lành. Giuse đã lành bệnh.
Ngày 17 tháng 12 năm 1583, Giuse được thụ phong linh mục. Từ đó cha Giuse lao mình vào công việc chấn hưng đạo đức. Ngài đã thành công đến nỗi 35 tuổi đã được đặt làm bề trên địa phận Urgel. Dầu vậy, Ngài cảm thấy sức thúc đẩy đến Roma. Ngài lên đường và suốt năm năm. Ngài đã sống tại giáo đô như là một khách hành hương khiêm tốn. Trong thời gian này, thánh nhân đã thấy tận mắt sự khốn cùng và những tật xấu của đám dân nghèo. Ngài xác tín rằng tình trạng này gây nên bởi sự thiếu hiểu biết về đạo.
Hiện đang sở hữu tài sản lớn lao do người cha từ trần để lại, Ngài liền thiết lập những trường miễn phí cho dân nghèo. Nhiều người đến cộng tác với Ngài, phần lớn là các giáo sĩ. Dần dần họ họp thành một dòng giáo sĩ triều được đặt dưới sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa. Năm 1622 cha Giuse đã đặt làm bề trên tiên khởi. Các trường dưới sự hướng dẫn của Ngài ngày càng thêm nhiều, công cuộc của Ngài lan rộng sang Đức, Bohemia và Ba Lan.
Về già, cha Giuse trở thành nạn nhân của một âm mưu nhằm truất phế Ngài xuống. Mầm mống chia rẽ vì ghen tỵ mọc lên trong dòng, khiến Đức Innocentê X hạ dòng xuống thành hội đạo đức mà thôi. Cha Giuse vẫn vui vẻ chấp nhận. Tuy nhiên Chúa lại thưởng công cho Ngài và nhiều phép lạ, nhất là được thấy Đức Mẹ ẵm Chúa Giêsu đến xem các học trò của Ngài lần hạt và ban phép lành cho họ. Ngài còn được ơn nói tiên tri, cho biết 10 năm sau dòng sẽ phục hồi và bành trướng mạnh mẽ.
Ngày 25 tháng năm 1648, thánh Giuse từ trần vì một cơn sốt, thọ 92 tuổi, năm 1767 Ngài được tuyên thánh. Năm 1948 Ngài được đặt làm vị tông đồ việc giáo dục và làm đấng bảo trợ các trường công giáo.
(daminhvn.net)
++++++++++++++++++
25 Tháng Chín
"Con Người Bất Hạnh Nhất Trần Gian"
Cuộc đời của nhạc sĩ Beethoven, ngay cả khi đạt đến đỉnh cao của danh vọng, cũng không phải là một cuộc đời hạnh phúc. Tất cả những người viết tiểu sử của nhạc sĩ đều ghi nhận rằng ông đã qua một thời tuổi thơ khốn khổ. Cha ông đã xem kỳ tài âm nhạc của ông như một cơ hội để làm tiền. Thần đồng âm nhạc đã phải ngồi vào đàn Piano từ sáng tới chiều, đến độ ông đâm chán cả âm nhạc. Chỉ có mẹ ông mới là nguồn an ủi duy nhất của ông trong lúc tuổi thơ, nhưng bà đã mất năm ông mới 17 tuổi.
Năm 28 tuổi, Beethoven bắt đầu bị điếc. Ông cảm thấy thất vọng hoàn toàn. Và tai họa đã tiếp diễn cho đến cuối đời ông.
Tuy nhiên, con người "bất hạnh nhất trần gian ấy" như ông thường nói về mình đã sáng tác những dòng nhạc bất hủ nhất ở cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19.
Kho tàng ẩn dấu trong ta chỉ có thể được khám phá và đem ra thi thố với thế giới nếu ta biết chiến đấu. Ðiều đó đòi hỏi những năm tháng dài, tuy nhiên, trở ngại cuối cùng mà ta có thể vượt qua sẽ làm ló rạng kho tàng ẩn dấu trong ta. Thánh Basiliô đã nói: vĩ nhân không phải là người chỉ đọ sức với những điều cả thể, nhưng chính là biết làm cho những việc tầm thường trở thành cao cả bằng chính sức mạnh của mình.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 25
Thánh Nicôla Flue, bổn mạng nước Thuỵ Sĩ
St.Nicolas de Flue



Trong khi những người đến thăm Nicolas và nghe anh ta kể chuyện, thi các nhà nhân văn rất đỗi ngạc nhiên, các nhà thần học thì ghi nhận, còn các nhà nông dân thì nể phục tôn thờ như chính họ cảm nhận và chiêm ngưỡng những kinh nghiệm của chính mình. Bỏ qua những lời giải thích trong câu chuyện, cuốn sách mang tính mạo hiểm này đã nói lên tình thần của vị ẩn sĩ thật sống động. Cũng như tất cả những ai đang bận rộn với cuộc sống tinh thần và vật chất, anh ta không thích nói về mình bằng danh xưng ngôi thứ nhất. Nicolas nói theo cách riêng của mình "một người nào đó", nhưng người chép lại nói rằng chính là anh ta.

Chúa Thánh Thần là Đấng đã được mời đến tiếp cận và ở lại vói Chúa Cha, để bào chữa cho chúng ta như vai trò của một trạng sư, mà Tin Mừng theo thánh Gioan gọi là Đấng Phù Trợ, tiếng Hy Lạp gọi là các hậu vệ, luôn giúp đỡ mọi người. Đối với Nicolas de Flue, những đêm thiền định và những ước mơ không phải là một sự thử nghiệm mà anh ta gọi là sự sợ hãi, nhưng đó là một lễ Hiện Xuống đầy bình an, hy vọng .

Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ cho anh em biết tất cả sự thật...
Philipp Baud
www.tinmung,net
Hạnh Các Thánh
Ngày 25 tháng 9
THÁNH FIRMINÔ, GIÁM MỤC TỬ ĐẠO
St.Firminus

Đang khi đức tin công giáo và Tin mừng của Chúa Kitô được truyền bá khắp nơi, thì ở trong thành Pampêluna vẫn còn có những bậc vị vọng say mê thờ cúng thần minh. Tục truyền rằng: thân phụ thánh Firminô cũng đã là một nghị viên, thuộc dòng dõi quý tộc chuyên việc cúng quả các tà thần ngoại giáo. Nhưng bởi ông là một người có nhiều thành tâm, luôn luôn sống trong công bình bác ái, nên Chúa đã cho ông tìm thấy đạo thật, và được làm cha một vị thánh danh tiếng của thế kỷ thứ ba.
Các nhà viết tiểu sử các thánh còn kể lại rằng: Một hôm, theo thường lệ, ông Firmô thân phụ thánh Firminô vào đền thờ thần Jupiter để tham dự một buổi lễ cúng thần rất long trọng. Đang khi cử hành nghi lễ, bỗng nhiên cửa đền thờ mở tung và ông Firmô trông thấy một khách bộ hành ngoại quốc ung dung bước vào đền thờ vừa đi vừa giảng về những sai lầm của đạo thờ bụt thần, và đồng thời tuyên giảng những chân lý của đạo thật. Hết sức ngạc nhiên, lại sẵn có lòng thành, Firmô nài xin khách bộ hành đó giảng giải những điều ông vừa nghe. Sau đó Firmô được biết rằng người khách lạ kia chính là thánh Hônestô quê thành Nimêsa, môn đệ của thánh Saturninô Giám mục địa phận Tôlôsa. Lập tức Firmô cùng mấy người bạn thiết tha xin thánh Hônestô mời Đức giám mục Taulouse đến thăm Pampêluna. Được như ý mong muốn. Sau khi được gặp Đức giám mục Saturninô và được xem những phép lạ ngài làm, ông Firmô cùng với mấy nghị viên quý phái khác xin đến học đạo với Đức giám mục và chịu phép rửa tội cùng với cả gia đình. Lĩnh nhận bí tích rửa tội rồi, Firmô phá tan tất cả những tệ đoan do lòng mê tín dị đoan của toàn thể dân thành Pampêluna. Ông cho hạ bệ tất cả tượng các thần và ông quyết chí rao giảng Chúa Kitô cho dân chúng.
Từ ngày thân phụ trở lại Kitô giáo, Firminô được giáo dục bên cạnh thánh Hônestô. Được học hỏi với một vị thánh tài ba lỗi lạc và nhân đức phi thường, không bao lâu Firminô đã có được một vốn kiến thức rất khả quan về trí thức cũng như về nhân đức và giáo lý Kitô giáo. Là một thanh niên mới trở lại đạo, với mười bảy xuân xanh, thế mà Firminô đã có một tâm hồn đạo đức, già dặn như một giáo sĩ lỗi lạc. Được đi theo thánh Hônestô trên những nẻo đường truyền giáo, được chứng kiến những cảnh thương tâm của dân chúng do óc mê tín dị đoan gây nên, Firminô thiết tha mong muốn được trở nên một nhà truyền giáo. Nhận thấy Firminô có nhiều triển vọng làm Giám mục, thánh Hônestô liền giới thiệu môn đệ mình với đức tân Giám mục Tôlôsa là đức Hônôratô.
Sau nhiều ngày xem xét tính nết, nhân đức và học lực của Firminô, Đức Giám mục Tôlôsa đã phong chức linh mục, rồi Giám mục cho người thanh niên giàu nghị lực và quả cảm ấy. Trước khi sai Firminô đi giảng Tin mừng, Đức giám mục đã long trọng khuyên nhủ nhà truyền giáo: “Con yêu dấu, hãy vui lên, vì con xứng đáng được Chúa kén chọn và tuyển dụng. Con hãy đi khắp các dân tộc, vì con đã được lĩnh nhận ơn Chúa và nhiệm vụ rao giảng đức tin. Con đừng sợ chi, bởi vì có Chúa hằng ở cùng con; nhưng trong hết mọi cảnh ngộ, con hãy luôn luôn nhớ rằng: con sẽ phải đau khổ rất nhiều vì danh Chúa trước khi được đội triều thiên vinh hiển”.
Lòng đầy phấn khởi, Đức giám mục Firminô hết sức sung sướng kể lại cho Hônestô nghe những điều mình đã được. Ngài còn lưu lại quê nhà một thời gian vắn để rồi vĩnh biệt cha Hônestô và gia đình để xông pha ra đi mang về đoàn chiên Chúa những con chiên lạc lõng. Lúc này Firminô đã ngoài ba mươi tuổi.
Khởi đầu cuộc đời truyền giáo, Đức giám mục Firminô đặt chân đến Agen, một nơi thuộc miền nam nước Pháp. Ở đây đạo thờ cúng ngẫu tượng còn rất thịnh hành. Đang lúc bơ vơ ngỡ ngàng vì lạ cảnh lạ người, Firminô gặp được một linh mục tên Enustakiô, thế là cả hai cùng nhau nỗ lực khai hoang cho những tâm hồn đang bị các tà giáo ám ảnh. Từ Agen, Firminô đi đến với những người Avernia, và ngài dừng chân tại thủ đô Clermont Ferrand. Ở đây ngài đã phải va chạm với những người say mê thờ ngẫu tượng và ác cảm với các nhà truyền giáo. Một hôm, Đức cha Firminô phải mệt nhoài vì tranh luận với hai người nặng đầu óc mê tín và tôn thờ ngẫu tượng. Sau nhiều giờ tranh luận, hai người ngoại giáo kia phải đầu hàng Đức giám mục Firminô và bằng lòng nhập hàng ngũ những Kitô hữu, đồng thời họ cũng lôi kéo được một số đông đi theo ánh sáng Phúc âm. Khi thánh Firminô từ giã những người Avernia, hầu như tất cả miền này đã tìm thấy đạo thật của Chúa Kitô.
Từ ngày cất bước lên đường truyền giáo, Firminô chỉ gặp toàn những thành công và chưa biết mùi thất bại đau khổ gì đáng kể. Nghĩ lại lời Đức giám mục căn dặn trước khi lên đường: “Con phải đau khổ nhiều vì danh Chúa Kitô”, Firminô muốn tìm kiếm những đau khổ để bắt chước Thầy Chí Thánh đã giang hai tay trên khổ giá vì sự sống của nhân loại. Vì thế, khi nghe tin ở Bôve (Beauvais), Valêriô đang bách hại người Kitô giáo rất dã man, Firminô phần vì cảm thông những hình khổ bổn đạo ở đây phải chịu, phần vì muốn lãnh triều thiên tử đạo, ngài đã lên đường hướng về miền Bôve. Trên đường, đi đến đâu ngài cũng rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh. Đang hăng hái gieo vãi tin lành cho dân ngoại, Firminô bị họ bắt tống ngục; ngài sung sướng vì hy vọng sẽ được phúc tử đạo, nhưng ngài đã mừng hụt vì những người kitô hữu biết tin đã đến cứu ngài ra khỏi ngục. Ngài lại tiếp tục cuộc hành trình và sau cùng đã tới miền Bôve, như lòng mong muốn. Ở đấy, Firminô nhóm lại được những ngọn lửa đã tàn, ngài đã ủy lạo bao nhiêu người đã vì sợ hãi mà bỏ đức tin.
Valêriô tưởng đã chôn sống được đạo công giáo vào trong lòng đất cùng với những cái chết thảm khốc của bao nhiêu bổn đạo, nay lại thấy đạo ấy hầu như sống lại và phát triển mạnh mẽ; ông lại nhất định ra lệnh bách hại Kitô giáo lần nữa. Dịp này Firminô bị nhà cầm quyền truy nã gắt gao. Bị bắt ra trước toà án, ngài đã hăng hái tuyên xưng đức tin và rao giảng Chúa Kitô. Mặc dầu bị xiềng xích giam cầm trong ngục thất bẩn thỉu tối tăm, ngài vẫn không sợ rao giảng chân lý. Lần này thì Giám mục Firminô chắc chắn trăm phần trăm sẽ được phúc tử đạo. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu lại định thể khác. Thánh nhân một lần nữa mừng hụt.
Số là con người khát máu kia đã gây ra bao nhiêu tang tóc, đau thương cho đám dân lành đã phải đền tội. Không chịu nổi những cảnh đầu rơi máu chảy như thế mãi được, dân chúng đã âm mưu để đòi mạng Valêriô, báo thù cho những tiếng kêu la thảm thiết của những người đã khuất. Một cuộc ám sát ghê gớm đã xảy ra: Valêriô bỏ mạng, Sergiô người kế vị Valêriô cũng đã ngã chết một cách kinh khủng bất ngờ liền sau đó. Lợi dụng lúc hỗn quân ấy, bổn đạo đã ùa vào ngục cứu nguy cho Giám mục Firminô. Được cứu sống, Giám mục Firminô vừa buồn vì chưa được phúc đổ máu vì Chúa, lại vừa vui vì thấy mình còn có thể mang về cho Chúa nhiều con chiên lạc khác nữa. Ngài lại say mê giảng đạo và xây một nhà thờ rất nguy nga lộng lẫy ở giữa thành phố để dâng kính thánh Têphanô tử đạo. Không khí đau thương do những cuộc bách hại tôn giáo vẫn bao trùm Bôve, những giáo hữu nhiệt tâm lo lắng cho Giáo hội đã xin được Giám mục Firminô ra khỏi thành phố này vì họ không muốn một cột trụ của Giáo hội phải ngã gục. Buồn vì thấy hết cơ hội để tận hiến máu đào cho Phúc âm, Đức giám mục Firminô ra đi, tâm trí vẫn tưởng nhớ Bôve mà lòng lại hướng về miền bắc. Cha phải đi, đi xa hơn nữa, đến với dân Morin một dân man rợ, ở đó chắc ngài sẽ được đổ máu.
Thế là Đức giám mục Firminô bắt đầu một cuộc truyền giáo đầy nguy hiểm cam go. Sau bao ngày gian lao nguy hiểm ở chốn rừng thiêng nước độc, ngài đã tới thủ đô dân Ambiani và hăng hái hoạt động hơn trước. Ngày đêm ngài luôn nài xin Chúa cho được tử đạo. Qua ba ngày đầu tiên, thánh nhân đã chinh phục ba ngàn linh hồn vì những phép lạ ngài làm. Một hôm, một người tên là Castô chỉ còn mỗi một mắt, đến quỳ dưới chân thánh nhân, sau khi kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi, thánh nhân đã làm cho mắt người đó được khỏi hoàn toàn. Ngày hôm sau, hàng ngàn bệnh nhân, kẻ đui người què, kẻ câm người điếc tìm đến với thánh nhân, họ đều được chữa lành mạnh, thậm chí đến cả những người bị quỷ ám lâu năm cũng được thánh nhân cho khỏi. Trong một thời gian ngắn ngài đã làm cho cả thành trở lại đạo.
Tiếng tăm lừng lẫy, ảnh hưởng lan rộng, Đức giám mục Firminô đã làm cho nhà chức trách phải lo ngại. Sêbatianô và Longulô nhận được rất nhiều đơn từ tố cáo Đức giám mục Firminô và các đồ đệ đã làm náo động trong khắp đế quốc. Vì thế họ đã ra lệnh cho dân chúng phải tập trung lại trước pháp đình để tìm dịp hạch tội thánh nhân. Trước mặt dân chúng tề tựu đông đủ, Sêbatianô hùng hổ nói: “Hoàng đế đã ra lệnh cho tất cả mọi người dân chỉ được phép tôn thờ những thần minh mà thôi. Hễ kẻ nào làm trái lệnh, vi phạm đến sắc dụ, dù chỉ vi phạm trong những điều nhỏ mọn, cũng sẽ phải chịu những hình phạt xứng đáng, và chiếu theo sắc chỉ của thượng nghị Rôma, kẻ đó sẽ phải mang đi hành hình”. Liền sau đó Auxiliô, một người chuyên lo việc thờ cúng thần Jupiter cất tiếng: “Vừa mới đây có một đứa tự xưng mình là mục tử của những người Kitô giáo, hắn chẳng những đã làm cho cả một thành bỏ thờ cúng thần minh, mà nó còn muốn làm cho cả đế quốc Rôma và toàn dân tộc theo đạo của hắn”. Sêbatianô căm giận quát lớn tiếng:
- Thằng khốn nạn nào?
- Bẩm thưa, tên nó là Firminô, một người gốc Tây Ban Nha, tài giỏi lợi khẩu và rất mực khôn ngoan. Nó giảng thuyết rất tài tình đến nỗi dân chúng không còn muốn dâng hương cho các thần minh nữa. Nếu trừ tuyệt được thằng khốn nạn ấy đi thì mới cứu được sự sống còn của các thần minh và đế quốc. Vậy, tôi thiết tha xin cho bắt tên khốn nạn ấy ra trước toà án đây để làm gương cho dân chúng.
Lập tức Sêbatianô ra lệnh cho quân lính lùng bắt Firminô và trong hai ngày phải điệu Firminô ra hí trường cho thú dữ dày xéo. Ngay lúc ấy, nghe tin lính đang lùng bắt mình, Giám mục Firminô tự nộp mình ngay ở pháp đình và không đợi để ai hỏi, lời thứ nhất thánh nhân nói trước mặt nhà chức trách và dân chúng là: “Phải tôn thờ Giêsu Kitô và phá tan tất cả mọi ngẫu tượng”.
Sêbatianô quát:
- Quân khốn nạn, ngươi có phải là thằng lừa gạt dân chúng, muốn bắt dân bỏ đạo của các Hoàng đế không? Mày làm nghề nghiệp gì, quê hương ở đâu?
- Chính tôi là Firminô mà các ông đang lùng bắt. Tôi là người Tây Ban Nha, công dân tỉnh Pampêluna, là một kitô hữu chính tông. Tôi là Giám mục và được sai đi giảng Tin mừng cho muôn dân, cho họ biết rằng không có Chúa nào khác, ngoài một mình Thiên Chúa mà tôi rao giảng, Người là Đấng dựng nên trời đất muôn vật và mọi dân tộc phải tôn thờ.
Rồi ngài giảng cho họ một bài hùng hồn... Cuối cùng ngài nói:
- Còn những ngẫu tượng mà các ông thờ, đấy chỉ là những cục đá tảng gỗ, vừa câm vừa điếc, không làm được việc chi cả. Nếu các ông không muốn bị xô xuống vực thẳm, các ông hãy hạ bệ những tượng gỗ, đá đó xuống.
Đến đây, Sêbatianô không cầm nổi cơn giận, ông quát:
- Nhân danh các thần minh bất tử, ta truyền cho ngươi phải bỏ cái đạo khốn nạn của ngươi đi ngay, nếu không, cái chết khốn nạn đang chờ ngươi đó.
Đức giám mục Firminô vẫn một mực hiên ngang, ngài đáp:
- Ông nên biết rằng, tôi đây không có sợ chi những hình khổ, những xỉ vả tủi nhục, kể cả cái chết mà ông đưa ra để lung lạc lòng tin yêu của tôi đối với Chúa trời đất. Tôi chỉ thương hại cho ông thôi!
Dân chúng rất cảm phục tấm lòng kiên trung của vị tông đồ. Lập tức đám đông dân chúng náo động như muốn phá tan pháp đình để cứu sống Đức giám mục Firminô. Thấy tình thế nguy ngập, Sêbatianô sợ bị hạ sát, đã lẩn trốn, trả Đức giám mục Firminô cho dân chúng. Nhưng mấy ngày sau ông lại ngầm ra lệnh cho quân lính phải bắt Đức Giám mục Firminô và đem đi hành quyết.
Vào một đêm kia, khi bóng tối dày đặc đã bao phủ tất cả vạn vật, Đức giám mục Firminô đang đọc kinh trong tù thì bọn lính xông vào, bắt mang ngài đi chịu tử hình. Vừa trông thấy bọn lính, Đức cha vội vàng quỳ gối, hai tay giơ lên cao, ngước mắt lên trời nguyện xin: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, con cảm tạ Chúa đã cho con được vào sổ những người Chúa chọn. Lạy Vua lân tuất, xin nhìn xem những người đã nghe lời con giảng dạy”. Đức cha vừa dứt lời, tức thì lưỡi gươm độc ác của lý hình đã lướt qua cổ ngài. Trong đêm thanh vắng, tất cả vạn vật đều như nín lặng để chứng kiến giây phút vinh quang của nhà truyền giáo anh hùng.
www.tinmung.net
Thứ Ba 25-9

Thánh Elzear và Chân Phước Delphina

(1286-1323) (1283-1358)

Ð
ây là cặp vợ chồng duy nhất của dòng Phanxicô được chính thức phong chân phước và phong thánh.
Ông Elzear xuất thân từ một gia đình quý tộc ở phía nam nước Pháp. Sau khi lấy bà Delphina thì ông mới biết vợ mình thề giữ đồng trinh trọn đời; chính đêm tân hôn ông cũng đã thề như vậy. Vào lúc đó ông Elzear, là Bá Tước của Ariano, và là cố vấn cho Công Tước Charles của Calabria ở phía nam nước Ý. Elzear cai quản lãnh thổ của mình trong vương quốc Naples và ở phía nam nước Pháp với sự công bằng.
Hai ông bà Elzear và Delphina gia nhập dòng Ba Phanxicô và tận hiến trong công việc bác ái cho người nghèo. Hàng ngày, có đến mười hai người cùng ăn với họ. Có một bức tượng Thánh Elzear diễn tả ngài đang chữa người cùi.
Lòng đạo đức của họ đã ảnh hưởng tất cả mọi gia nhân trong nhà. Hàng ngày họ đều tham dự Thánh Lễ, đi xưng tội hàng tuần và sẵn sàng tha thứ cho người khác.
Sau khi ông Elzear chết, bà Delphina tiếp tục công việc bác ái trong hơn 35 năm nữa. Ðặc biệt bà có công trong việc nâng cao trình độ luân lý của triều đình vua Sicily.
Hai ông bà Elzear và Delphina được mai táng ở Apt, nước Pháp. Ông được phong thánh năm 1369, và bà được phong chân phước năm 1694.

Lời Bàn

Giống như Thánh Phanxicô, hai ông bà Elzear và Delphina nhận biết nguồn gốc của các tạo vật. Do đó, họ không nhẫn tâm thống trị bất cứ tạo vật nào nhưng dùng tạo vật như một phương tiện để cảm tạ Thiên Chúa.
Dù hiếm muộn, hôn nhân của họ là một hy sinh cho người nghèo và người đau yếu ở chung quanh họ.

Lời Trích

Thánh Bonaventura viết: "Thánh Phanxicô tìm mọi cơ hội để yêu mến Thiên Chúa trong mọi sự. Ngài vui thích với mọi công trình của bàn tay Thiên Chúa, và từ cái nhìn hân hoan ở trần thế tâm trí ngài vươn cao đến nguồn ban sự sống và là cùng đích của mọi tạo vật. Trong bất cứ gì đẹp đẽ, ngài đều nhìn thấy Ðấng Toàn Mỹ, và ngài đi theo Tình Yêu của ngài ở bất cứ đâu mà chân dung ấy được lưu vết nơi các tạo vật; qua tạo vật ngài làm thành một cái thang để có thể trèo lên cao và âu yếm Ðấng là nguồn khao khát của mọi loài" (Legenda Major, IX, 1).
www.nguoitinhuu.com
Bài đọc 2 
Hội Thánh, như cây nho, càng lớn mạnh càng lan rộng khắp nơi 
Trích bài giảng của thánh Âu-tinh, giám mục, về các mục tử.

Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên môi đỉnh đồi, trên khắp mặt đất. Tản mác trên khắp mặt đất là gì ? Đó là những kẻ chạy theo của cải trần gian, những của phù hoa trên mặt đất ; họ yêu mến quý chuộng những thứ ấy. Họ không muốn chết cho tội lỗi, để đời sống của họ được ẩn tàng trong Đức Ki-tô. Khắp mặt đất, là do lòng yêu chuộng của đời này, và vì họ là những con chên lạc loài trên khắp mặt đất. Họ ở khắp nơi : một người mẹ là tình kiêu căng đã sinh ra họ hết thảy, cũng như một người mẹ duy nhất của chúng ta là Hội Thánh công giáo đã sinh ra mọi Ki-tô hữu rải rác trên khắp hoàn cầu. 
Vậy, chẳng lạ gì nếu kiêu ngạo sinh ra xâu xé, yêu thương đưa đến hiệp nhất. Nhưng chính bà mẹ là Hội Thánh công giáo, chính vị Mục Tử hiện diện nơi Bà, đang tìm kiếm khắp nơi những kẻ lầm lạc, bồi dưỡng người đau yếu, chữa lành kẻ suy nhược, băng bó người bị thương, dùng người này săn sóc người kia dù họ không quen biết nhau. Nhưng Mẹ Hội Thánh biết tất cả, vì hoà đồng với hết mọi người.
Hội Thánh như cây nho càng lớn mạnh càng lan rộng khắp nơi ; còn người ta thì như những ngành vô ích, bị người làm vườn dùng liềm cắt bỏ vì không sinh trái. Thế là cây nho được tỉa chứ không bị chặt. Vậy những ngành nho bị cắt tỉa ở đâu thì vẫn nằm yên ở đó. Còn cây nho vẫn lớn đều và biết ngành nào vẫn gắn liền với nó, ngành nào bị cắt bỏ nằm bên cạnh. 
Tuy vậy, từ tình trạng đó, Hội Thánh vẫn kêu gọi kẻ lầm lạc trở về, vì thánh Phao-lô Tông Đồ đã nói về các ngành đã gãy rằng : Thiên Chúa thừa sức tháp họ một lần nữa. Dù nói về chiên lạc đàn, hay là ngành lìa cây, thì Thiên Chúa cũng không thiếu khả năng gọi chiên về, hay tháp ngành lại, bởi vì Người là Mục Tử Tối Cao, là người làm vườn đích thật. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm lo, chẳng ai kiếm tìm, chẳng ai trong các mục tử xấu chịu đi tìm kiếm, dù một người cũng không. 
Vì thế, hỡi các mục tử, hãy nghe lời Đức Chúa : Ta lấy mạng sống Ta mà thề, sấm ngôn của Đức Chúa. Anh em hãy coi, Người bắt đầu từ đâu, Thiên Chúa lấy mạng sống mình làm chứng, dường như Người thề vậy : Ta lấy mạng sống Ta mà thề, sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Các mục tử đã chết, nhưng chiên thì được an toàn ; Chúa hằng sống, Ta lấy mạng sống Ta mà thề, sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Nhưng những mục tử đã chết đó là ai ? Là những kẻ tìm lợi ích cho mình, chứ không tìm lợi ích cho Chúa Giê-su Ki-tô. Vậy, liệu sẽ có, và sẽ gặp được những mục tử biết tìm, không phải lợi ích cho mình, mà là lợi ích cho Chúa Giê-su Ki-tô hay không ? Nhất định sẽ có và nhất định sẽ gặp, hiện không thiếu và sẽ chẳng thiếu.

Lời nguyện 
Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

(trích bài đọc giờ kinh sách Thứ Ba tuần 25 thường niên-bản dịch của nhóm CGKPV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét