Trang

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

13-09-2012 : THỨ NĂM TUẦN XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Năm sau Chúa Nhật 23 Quanh Năm
* * *
"Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót"


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 8, 1b-7, 11-13
"Anh em làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ, là anh em phạm đến Ðức Kitô".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, sự thông thái làm cho người ta ra kiêu căng, còn lòng yêu thương thì xây dựng. Nếu ai tưởng mình biết điều gì, thì kẻ ấy chưa biết mình phải biết đúng cách. Nhưng nếu ai yêu mến Thiên Chúa, thì kẻ ấy được Thiên Chúa nhận biết. Còn về đồ ăn đã cúng tế cho các ngẫu tượng, chúng ta biết ngẫu tượng ở thế này là hư vô, và chẳng có Chúa nào khác ngoài một Thiên Chúa. Vì chưng, dù trên trời dưới đất, có những vị được người ta gọi là thần, (thật ra người ta cho rằng có nhiều thần nhiều chúa), nhưng đối với chúng tôi, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, bởi Người mà mọi sự đều có và chúng ta phải quy về Người. Và có một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, nhờ Người mà có mọi sự, và cũng nhờ chính Người mà có chúng ta. Nhưng không phải mọi người đều có sự thông biết, vì cho đến nay, còn có ít kẻ giữ thói quen thờ ngẫu thần, nên họ ăn của cúng tế cho ngẫu tượng, và lương tâm họ vốn yếu đuối, nên ra nhơ nhớp.
Và tại sự thông biết của ngươi, mà người anh em yếu đuối phải hư đi, người anh em mà Ðức Kitô đã chết cho. Và làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ, là anh em phạm đến Ðức Kitô. Vì thế, nếu thức ăn làm cho người anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ không ăn thịt cho tới muôn đời, kẻo làm cho người anh em tôi vấp phạm.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 138, 1-3. 13-14ab. 23-24
Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời (c. 24b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con, Ngài biết con lúc con ngồi, khi con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con từ đàng xa. Khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết; Ngài để ý tới mọi đường lối của con. - Ðáp.
2) Chính Ngài đã nặn ra thận tạng con, đã dệt ra con trong lòng thân mẫu. Con ngợi khen Ngài đã tạo nên con lạ lùng như thế, vì công cuộc của Ngài thực diệu huyền. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin dò xét con và nhận biết lòng con; xin thử thách con và biết tỏ tư tưởng con. Xin Chúa nhìn coi hoặc giả con đi đường bất chính, và xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời. - Ðáp.

* * *

Alleluia: 2 Cr 5, 19
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, và đã đặt lời giải hoà trên môi miệng chúng tôi. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 27-38
"Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.
Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu đã dạy chúng ta về lòng yêu thương vô vị lợi, tha thứ vô điều kiện và không xét đoán người khác. Trên thập giá, Chúa Giêsu xin Ðức Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình. Ðó là những việc thường trái với tính tự nhiên của con người. Nhưng Ðức Giêsu đã vượt thắng và muốn chúng ta đi trên con đường của Ngài là thương, và yêu thương tới cùng.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, với con người đầy ích kỷ và hẹp hòi của chúng con, chúng con thấy thi hành những điều Chúa dạy thì như kẻ khờ khạo đối với người đời, nên chúng con cảm thấy không vui lòng. Xin cho chúng con biết nhìn vào mẫu gương khôn ngoan đích thực của chính Chúa. Chúa đã trở nên như đồ chúc dữ chỉ vì yêu thương. Nhìn gương Chúa và nghe lời Chúa dạy. Xin cho chúng con biết chọn phần khôn ngoan đích thực là sống như Chúa và làm theo Chúa. Trở nên giống Chúa, chắc chắn chúng con sẽ được đón nhận hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.


(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)


Yêu Thương Kẻ Thù
(Lc 6,27-38)
Suy Niệm:
Yêu Thương Kẻ Thù
Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong Tình Yêu là sống trong Thiên Chúa; ai sống trong hận thù, người đó cũng chối bỏ Thiên Chúa. Ðã đi vào cuộc sống là đặt mình vào tương quan với Thiên Chúa: hoặc là sống cho và với Thiên Chúa; hoặc là chối bỏ Ngài.
Chúa Giêsu không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Ngài đến trước hết là để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào mối tương quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu nên con người cũng phải sống như Thiên Chúa Tình Yêu. Chỉ có một tình yêu đúng nghĩa nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu như Thiên Chúa yêu. Qua cuộc sống của Ngài, qua các quan hệ của Ngài với tha nhân, và nhất là qua cái chết của Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã tỏ cho con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là trao ban và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu; yêu như Thiên Chúa yêu là yêu mọi người, ngay cả kẻ thù mình.
Chúa Giêsu sẽ không mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, nếu từ Thập giá, Ngài không tha thứ cho chính những kẻ đang hành hạ Ngài. Tuyệt đỉnh của yêu thương chính là đang lúc giang tay ra cho kẻ thù đóng đinh vào Thập giá mà vẫn có thể thốt lên: "Lạy Cha! Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm". Chúa Giêsu đã không rao giảng bất cứ điều gì mà chính Ngài không sống và minh chứng trước: dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, Ngài đã chứng minh đó là điều nằm trong khả năng của con người.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi cao cả của người Kitô hữu: Như Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ hành hạ Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để yêu thương và tha thứ không ngừng, bởi vì chỉ có lòng tha thứ, chúng ta mới thực sự trở thành nhân chứng tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người.

(Veritas Asia)


3/09/12 THỨ NĂM TUẦN 23 TN
Th. Gioan Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 6,27-38

CÓ LÒNG NHÂN TỪ NHƯ CHÚA

“Anh em có hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)

Suy niệm: Chúa Giêsu dạy phải có lòng nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ. Nhưng làm thế nào đây? Thưa, khi dạy như thế Chúa Giêsu cũng cho chúng ta câu trả lời bằng chính thân phận và cuộc sống của Ngài, đặc biệt “giờ” của Ngài là cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá. Ngài thương dân chúng “bơ vơ như chiên không có người chăn” và Ngài giảng dạy họ và còn cho họ ăn no. Ngài thổn thức trước nỗi khổ của những người bệnh tật, trước người cha có đứa con bị quỉ ám, trước người mẹ có đứa con trai duy nhất phải chết đi. Và Ngài đã ra tay cứu giúp họ. Ngài không chỉ tuyên bố tha tội trong một số trường hợp, mà còn kêu cầu Chúa Cha tha tội cho kẻ đóng đinh Ngài.

Mời Bạn: Khi bị xúc phạm, bình thường, ta có thể biểu lộ sự bực dọc ra bên ngoài bằng những trận nổi trận tam bành hay âm thầm nuôi dưỡng động cơ trả đũa, nhưng nhìn vào lòng nhân từ của Chúa, ta dễ dàng tập biểu lộ tình thần thiện chí, can đảm, kiên trì để tha thứ cho nhau.

Chia sẻ: Tôi có cảm nghiệm nào về lòng nhân từ Chúa tác động cách cụ thể đến đời sống tôi không?

Sống Lời Chúa: Quỳ dưới chân thập giá nhìn ngắm tượng Chúa chịu đóng đinh, để cảm nghiệm lòng Chúa nhân từ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi có người làm tổn thương đến con, bình thường con cảm thấy tức giận, lạnh lùng, nổi xung và nuôi động cơ trả đũa. Nhưng từ rày về sau, xin cho con nhận ra lòng quảng đại tha thứ của Chúa để nhờ đó, con biết mở rộng con tim nhân ái đối với mọi người như Chúa đã dành cho con. Amen.




Hãy yêu kẻ thù
Phải ra khỏi cái tự nhiên, thường tình, mới vào được thế giới siêu nhiên, thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha. Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện.
Suy nim:
Khi đọc lời nhắn nhủ trên đây của Ðức Giêsu,
chúng ta thường thấy đó là chuyện không thể làm nổi,
hay nếu làm được, ắt sẽ sinh ra những hậu quả tồi tệ.
Chắc chắn Ðức Giêsu không dạy ta bao che cho kẻ ác,
hay đòi hủy bỏ luật hình sự để phạt các phạm nhân.
Ngài không cổ vũ việc ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho.”
Ngài cũng không biến chúng ta thành người bạc nhược.
Bài Tin Mừng hôm nay là một viên ngọc,
vì nó cho thấy nét đặc trưng của người Kitô hữu.
Nó vén mở một lý tưởng mà ta phải vươn tới.
Chúng ta cần vượt lên trên nghĩa đen của mặt chữ
để cảm được tinh thần mà Chúa muốn ta sống.
Không sống lời Ngài, ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo.
“Hãy yêu kẻ thù”: câu này được nhắc lại hai lần.
Theo bài Tin Mừng này thì kẻ thù của tôi là ai?
Ðó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa tôi và vu khống.
Ðó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi.
Như thế kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp.
Họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi,
là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi.
Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi.
Ðức Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân:
về mặt tình cảm, chuyện đó khó thực hiện.
Nhưng Ngài mời tôi yêu bằng hành động.
Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay.
Yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù (cc. 27-28).
Khi làm điều tốt cho kẻ thù,
tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng,
và nhờ đó chính kẻ thù tôi cũng có thể được giải phóng
khỏi cái tôi ích kỷ của họ.
Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế,
tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa.
Dần dần, tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi.
Cần can đảm biết bao khi chào hỏi, bắt tay
một người làm tôi vô cùng đau khổ.
Ðó chẳng phải là một hành động giả hình,
nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên.
Ðó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu,
nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng.
Kitô hữu được mời gọi vượt lên trên cái tự nhiên.
Suy nghĩ tự nhiên, tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên...
Phải ra khỏi cái tự nhiên, thường tình,
mới vào được thế giới siêu nhiên,
thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha.
Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện.
Thế giới văn minh không chỉ nhờ tiến bộ của khoa học,
nhưng chủ yếu nhờ những chiến thắng trên lòng ích kỷ
của từng người cũng như của mọi tập thể lớn nhỏ.
Trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương.
Kitô giáo chỉ sống còn nhờ yêu thương tha thứ.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi oán hờn nhỏ nhen,
            mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
            không một biến cố nào làm xáo trộn,
            không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
            cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
            để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
            để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót".
Tiến Mãi Không Ngừng
Ghi lại kinh nghiệm sống của mình trong tập nhật ký có tựa đề là Những người bạn muôn thuở, bà Ressa Marita, vợ của triết gia công giáo người Pháp Jack Maritain đã viết như sau:
"Trong cuộc sống thiêng liêng, chúng ta không nên so sánh mình với ai cả, mà chỉ so sánh mình với mẫu gương trọn lành của Chúa mà thôi. So sánh mình với kẻ khác, ta sẽ thấy mình dễ bị cám dỗ, thấy những điểm tiêu cực nơi anh chị em và trở nên tự kiêu, luôn cho mình là tốt hơn. Nhưng nếu nhìn vào mẫu gương trọn lành của Chúa, ta được mời gọi canh tân liên lỉ, tiến mãi không ngừng, vì Chúa là Ðấng trọn tốt trọn lành vô cùng".
Những lời tâm sự của bà Ressa Marita hướng chúng ta đến những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ mà tác giả Phúc Âm thánh Luca đã ghi lại nơi chương 6.
Mức độ đo lường của tình yêu thương chúng ta là không có mức độ nào cả, hay đúng hơn là chính mẫu gương trọn tốt trọn lành vô cùng của Thiên Chúa Cha. Bao lâu còn sống trên trần gian này, chúng ta còn cần tiến thêm mãi trên con đường yêu thương. Không ai dám tự phụ cho rằng mình đã thành toàn, đã đạt đến mức độ trọn lành như Thiên Chúa rồi. Những hành động yêu thương được Chúa Giêsu nhắc đến mà tác giả Phúc Âm theo thánh Luca ghi lại là những hành động yêu thương thiết thực, yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.
"Hãy ra đi mà không tính toán hơn thiệt, đừng xét đoán, hãy tha thứ". Ðó là những chân trời mới, bao la, rộng mở tình yêu thương nơi tâm hồn người môn đệ Chúa. Chúng ta không thể nào chỉ nói ngoài môi miệng mà còn cần phải thực hiện tình yêu thương như Chúa đã nêu gương bằng những hành động cụ thể. Nếu không, ta sẽ bị xét xử như là những kẻ giả hình, nói mà không làm, không sống thật Lời Chúa dạy.
Một cô giáo nọ ra bài cho các học sinh như sau: "Chiều nay về nhà, mỗi em phải làm một việc tốt đối với người thân nào đó trong gia đình".
Ngày hôm sau, một em học sinh đến trường than phiền với cô giáo như sau: "thưa cô, con không thể tiếp tục làm công tác này được nữa".
Trước sự ngạc nhiên của cô giáo, học sinh này giải thích như sau: Bữa cơm tối qua con đã khen mẹ nấu ngon. Thay vì vui mừng, mẹ con nổi giận nói con chọc tức và gián tiếp chê bữa ăn không ngon. Con giải thích với mẹ nhưng mẹ không tin, và nổi giận ra lệnh con phải rửa chén để chứng minh cụ thể bữa ăn ngon.
Tiếc thay, em bé thành tâm khen ngợi mẹ, nhưng người mẹ thì ngược lại không tin, cho rằng em giả vờ khen và có hậu ý nào khác. Thay vì yêu thương thật tình và cảm nhận tình thương của anh chị em đối với mình, thì nhiều lúc ta cũng hành động như người mẹ trong câu chuyện vui trên. Ta nghi ngờ tình thương của anh chị em vì có bao giờ ta yêu thương thật sự anh chị em đâu, có chăng chỉ là những lời nói xã giao bên ngoài cho qua lúc. Thật là, suy bụng ta ra bụng người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Yêu người tột độ
“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù va làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc. 6, 27-28)
Qua đoạn Tin Mừng này, Đức Kitô dẫn chúng ta tới đỉnh cao của bác ái, càng đi theo Người càng dốc hết hơi, leo lên cao mãi, cao mãi liên tục.
“Hãy yêu thương kẻ thù”, Chúa dạy thế, không lý thuyết xuông nhưng rất cụ thể. Người cho thấy những công việc rõ ràng trước mắt, không để chúng ta phải tưởng tượng. “Hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em, chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em...”. Tất cả những kẻ đó không phải là ảo ảnh ma quái, nhưng là con người bằng xương bằng thịt mà lý tự nhiên mình phải xa lánh, ghét bỏ. Chính những kẻ đó phải được nâng đỡ, phải sẵn lòng mỉm cười với họ.
Đức Kitô nói thêm: “Ai vả má bên này, thì hãy giơ má bên kia. Ai đoạt áo ngoài đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin hãy cho, ai lấy gì của anh thì đừng đòi lại...”.
Có lẽ chúng ta sẽ thẳng thắn trả lời: “Lạy Chúa, Chúa đã đi quá mạnh, không thể tới được”. Nhưng, Đức Kitô vẫn tiếp tục không khoan nhượng: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì còn gì là ân nghĩa? ngay cả những kẻ tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình thì còn gì là ân nghĩa? ngay cả những người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân nghĩa? cả kẻ tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay để được trả lại sòng phẳng.
Không thể tới được bác ái Kitô giáo, chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ. Làm sao sống vượt mức như thế! sống yêu thương tột độ! nhiều môn đệ của Chúa đã sống vượt mức như thế và còn sống vượt mọi mức tới tột độ nữa. Họ đã theo Đức Kitô Đấng giầu lòng thương xót và tha thứ. Đức Kitô sẽ hài lòng và âu yếm nhìn Phê-rô và tất cả mọi người đã nên giống Người.
GF

THỨ NĂM TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN  
 Lc 6, 27- 38
1. Ghi nhớ: "Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em" (Lc 6, 27)
2. Suy niệm: Theo cảm tính bình thường của con người, ai cũng muốn mình được yêu thương và yêu thương những ai thương mình. Còn Chúa Giêsu, Người muốn những môn đệ của Người, những người đi theo người phải vượt lên trên những tình cảm thông thường đó mà yêu thương tất cả mọi người. Lời dạy của Chúa Giêsu được cụ thể bằng chính đời sống của Người, Người yêu thương tất cả mọi người kẻ cả những người làm khổ Người, giết chết Người.
Yêu thương kẻ thù một câu nói rất dễ nhưng để thực hiện nó thì lại vô cùng khó. Như vậy, để thực hiện lời dạy của Chúa Giêsu đòi hỏi mỗi người chúng ta hằng ngày phải năng suy niệm Lời Chúa và lấy cuộc sống của Người mà hướng dẫn cuộc đời ta. Thực thi lời dạy của Chúa là một việc làm đòi hỏi sự dấn thân và một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô và vì chúng ta được tha thứ nên ta cũng phải biết thứ tha
3. Sống Lời Chúa: Sống tha thứ cho những xúc phạm mà chúng ta gặp phải.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con sống yêu thương tha thứ. Nhưng thật khó tha thứ biết bao nếu con không nương tựa Chúa. Xin Chúa dạy con sống tha thứ để con được bình an và hạnh phúc trong cuộc đời.

Ngày 13
Thánh Gioan Kim Khâu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Khi bạn không biết cầu nguyện thế nào, hãy hỏi Thiên Chúa tất cả: Lời cầu nguyện làm được những điều không thể, nó biến những điều khó khăn nên dễ dàng, mọi nhọc lao thành hoan hỉ.
 
Thánh Gioan Kim Khẩu

Có những dấu chỉ không thể nhẩm lẫn được, nó cho phép chúng ta tiếp cận với thực tế, sự hiện diện của Thiên Chúa và chia sẻ cuộc sống của chính mình. Những dấu chỉ này thì rất nhiều và Tin Mừng tự giới thiệu như một khoa sư phạm về những mầu nhiệm trong triều đại của Đức Giêsu lại đến. Người ta có ấn tượng rằng, Chúa Giêsu muốn thiết lập nhãn quan của những người theo Ngài, để họ phân biệt những con đường của Nước Trời và dẫn đưa họ vào nơi ấy.
 
Dụ ngôn và phép lạ của Chúa Giêsu là những dấu hiệu và các sự kiện của triều đại Ngài, tất cả được hoàn thành nhờ ân huệ của Chúa Thánh Linh.
 
Thánh Thể là một trong những dấu hiệu dẫn đến niềm tin của sự nhận biết Triều Đại Ngài. Thánh Thể chuẩn bị cho con người đi vào và  lại trong Bí Tích Tình yêu.
 
Đó chính là lý do quan trọng và cũng là dấu chỉ tiên thiên của triều đại Thiên Chúa đang thực hiện trong thế giới hôm nay, là‘căn nguyên, cùng đích và sự hoàn thành của đời sống Kitô hữu (Vatican II).
Giám mục Pierre Claverie

Ngày 13 tháng 9
Thánh Gioan Kim Khẩu

S
ự mơ hồ và mưu đồ trong thời đại Thánh Gioan Kim Khẩu, vị thuyết giáo đại tài của Antioch, là đặc tính của bất cứ ai có địa vị sống ở thành phố lớn trong thời ấy. Ðược đưa đến Constantinople sau mười hai năm sống đời linh mục ở Syria, bỗng dưng Thánh Gioan thấy mình là nạn nhân bất đắc dĩ của vị hoàng đế mưu mô muốn đưa ngài làm giám mục của thành phố lớn nhất triều đình. Là một người khổ tu, không bệ vệ nhưng có phẩm cách, và bị đau bao tử vì những ngày sống trong hoang địa như một ẩn sĩ, Thánh Gioan bắt đầu chức giám mục dưới mây mù chính trị của triều đình.
Nếu thân xác ngài yếu đuối thì miệng lưỡi của ngài lại mạnh dạn. Nội dung các bài giảng của ngài, điều ngài dẫn giải về Kinh Thánh, không bao giờ sai vấn đề. Có khi những quan điểm ấy chọc giận giới quyền cao chức trọng. Có khi một số bài giảng kéo dài đến hai giờ đồng hồ.
Lối sống của ngài ở triều đình không được một số cận thần ưa thích. Ngài đề nghị một chỗ ngồi khiêm tốn cho các kẻ bợ đỡ hàng giáo phẩm đang chầu chực để được hưởng ơn mưa móc của triều đình và giáo hội. Thánh Gioan phàn nàn về nghi thức triều đình đã đưa ngài lên địa vị cao hơn các viên chức chính phủ. Ngài không phải là người muốn được ưu quyền.
Vì nhiệt huyết nên ngài hành động. Những giám mục hối lộ để được quyền cao chức trọng đều bị truất phế. Nhiều bài giảng của ngài kêu gọi những hành động thực tiễn để chia sẻ của cải cho người nghèo. Người giầu không thích thú gì khi nghe thánh nhân nói rằng, sở dĩ có của cải trần gian là vì Adong phạm tội, cũng như các ông không thích nghe ngài nói về sự trung tín trong hôn nhân của người chồng cũng giống như người vợ. Ðối với vấn đề công bình và bác ái, Thánh Gioan không bao giờ chấp nhận thái độ kỳ thị trong việc áp dụng.
Vì lối sống tách biệt, vì tính khí thẳng thắn, nhất là khi trên tòa giảng, Thánh Gioan chắc chắn là mục tiêu để nhiều người chỉ trích và hục hặc cá nhân. Ngài bị kết tội tham ăn uống một cách lén lút. Vì trung thành trong công việc linh hướng cho một quả phụ giầu có, là bà Olympia, ngài đã bị cho là giả hình trong vấn đề của cải và bác ái. Hành động của ngài chống với các giám mục bất xứng ở Tiểu Á bị các giáo sĩ khác coi là hám danh, lạm dụng quyền thế trái với quy tắc giáo luật.
Hai nhân vật nổi tiếng thời ấy đã đích thân làm mất uy tín Thánh Gioan là Theophilus, là Tổng Giám Mục Alexandria, và Hoàng Hậu Eudoxia. Theophilus sợ rằng địa vị của Ðức Giám Mục Constantinople ngày càng quan trọng nên đã nhân cơ hội kết án Thánh Gioan là dung dưỡng tà thuyết. Ðứng sau Theophilus và các giám mục không ưa gì Thánh Gioan là hoàng hậu Eudoxia. Bà bực tức với bài giảng của thánh nhân về sự tương phản giữa giá trị phúc âm và cuộc sống xa hoa của triều đình. Không biết vô tình hay cố ý, một số bài giảng của ngài đề cập đến Jezebel* đáng ghê tởm và Herodias* vô đạo như những đồng minh của bà hoàng hậu, là người sau cùng đã xoay xở để Thánh Gioan phải lưu đầy. Ngài chết trong cảnh đầy ải năm 407.

Lời Bàn

Sự thuyết giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu, qua lời nói cũng như gương mẫu đời sống, làm điển hình cho vai trò của một ngôn sứ là an ủi người bị lo âu và làm bối rối những kẻ quá sung túc. Vì sự chân thật và can đảm, ngài đã phải trả giá cho sứ vụ đầy náo động khi ngài làm giám mục là bị gièm pha cá nhân và sau cùng bị lưu đầy.

Lời Trích

Các giám mục "phải đề ra các phương cách để giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến việc làm chủ, việc gia tăng và phân phối của cải cách chính trực, vấn đề hòa bình và chiến tranh, và mối quan hệ giữa mọi người như anh chị em" (Sắc lệnh về Ðời Sống Mục Vụ của các Giám Mục, 12).
* Jezebel là một cái tên đã trở thành biểu tượng, đồng nghĩa với xảo trá và tội lỗi và thường để gán cho những phụ nữ dối trá một cách trơ trẽn.
Herodias là người đã dùng nhan sắc để lấy người em rể có quyền thế là vua Hêrôđê Antipas. Herodias là người đã mưu mô để giết Thánh Gioan Tẩy Giả.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét