THỨ BA TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
Bài Đọc Hằng Ngày
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 12, 12-14. 27-31a
"Anh
em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của chi thể".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, như thân xác là một, mà có
nhiều chi thể, và tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì
Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép
rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và
tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một
chi thể, mà là nhiều chi thể.
Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và
là chi thể Người, mỗi người theo phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã
thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các Tông đồ, thứ đến là các tiên tri,
thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc
từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là Tông đồ ư? Tất
cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả
được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?
Anh em hãy cần mẫn sao cho được những ân điển cao trọng hơn. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Đáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi
(c. 3c).
Xướng: 1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa,
hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan vơi lòng hân
hoan khoái trá. - Đáp.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính
Người đã tạo tác thân ta và ta thuộc quyền sở hữu của Người. Ta là dân tộc, là
đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Đáp.
3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen
ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. - Đáp.
4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi
Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ. - Đáp.
ALLELUIA: Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời
đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những
kẻ bé mọn. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 7, 11-17
"Hỡi
thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim.
Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa
thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà
goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động
lòng thương và bảo bà rằng: "Đừng khóc nữa". Đoạn tiến lại gần, Người
chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: "Hỡi
thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên và
bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.
Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa
rằng: "Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã
thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong
toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận. Đó là lời Chúa.
Thứ Ba tuần 24 thương niên
Sứ điệp:Trước cái chết của một
thanh niên, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương xót và làm cho anh sống lại. Những
người trẻ chết trong tội lỗi cũng đang cần đến lòng thương xót của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa là Đấng giàu lòng thương
xót. Chúa nhìn thấy những nỗi đau khổ của chúng con, và Chúa cứu giúp chúng con
ngay cả khi chúng con chưa kịp cầu xin với Chúa. Chúa hiểu được nỗi lòng của bà
mẹ goá mất người con trai duy nhất. Bà đặt tất cả niềm hy vọng của đời mình nơi
người con ấy. Đó là tất cả tương lai của bà, là niềm an ủi và hạnh phúc duy
nhất của bà. Người con chết đi là người mẹ cũng mất tất cả. Khi Chúa cho thân
xác người con sống lại cũng là lúc Chúa cho tâm hồn người mẹ phục sinh.
Lạy Chúa, xin Chúa nhìn đến bao linh hồn người
trẻ đang nằm trong bóng tối sự chết, chết trong tội lỗi. Xin nhìn đến biết bao
người mẹ đang than khóc và cũng đang chết đi vì con cái đã chết. Có những người
con dù thân xác còn sống đó, nhưng linh hồn đã chết vì xa Chúa. Có những người
con chết trong linh hồn, và cả thân xác cũng đang đi dần tới cái chết vì nghiện
ngập chơi bời phóng túng.
Xin Chúa tỏ lòng thương xót chúng con. Xin Chúa
biểu lộ quyền năng và ban ơn để các thanh niên thiếu nữ được sống lại, được
trỗi dậy sống cuộc đời mới. Giới trẻ chúng con sống lại chính là tương lai của
cha mẹ, của Hội Thánh và của đất nước được tươi sáng. Xin Chúa thương nhận lời
các bà mẹ chúng con đang cầu nguyện trong nước mắt. Có những lúc dường như hết
hy vọng, nhưng chúng con tin vào quyền năng và lòng thương xót Chúa. Chúa không
bao giờ để chúng con thất vọng bẽ bàng khi tin vào Chúa Phục Sinh. Amen.
Ghi nhớ : "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy
chỗi dậy".
18/09/12
THỨ BA TUẦN 24 TN
Lc 7,11-17
Lc 7,11-17
TÌNH
THƯƠNG CỦA CHÚA
“Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.” (Lc 7,16)
Suy niệm: Trong khi bài Tin Mừng hôm qua (Lc 7,1-10) cho thấy phép lạ được thực hiện do lòng tin mạnh mẽ của viên đại đội trưởng vào Đức Giêsu, bài Tin Mừng hôm nay lại nhấn mạnh đến phép lạ được thực hiện do tình thương của Chúa. Trước cảnh bà góa đang đau đớn vì cái chết của đứa con trai duy nhất, “Chúa chạnh lòng thương,” cho anh sống lại và “trao anh ta cho bà mẹ.” “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” để đem sự sống cho dân mình, không chỉ sự sống lại của thân xác thể lý, nhưng cả sự sống thần thiêng của Thiên Chúa. Sự sống đời đời ấy không phải nơi thế giới bên kia, nhưng đã bắt đầu ngay hôm nay.
Mời Bạn: Để được cứu độ cần phải có lòng tin (Lc 7,1-10), nhưng ơn cứu độ cũng là một món quà cho không của Thiên Chúa (Lc 7,11-17). Như thánh nữ Mônica đã dùng lời cầu nguyện và nước mắt để xin Chúa ban cho con trai mình hoán cải, hôm nay bạn cũng được mời gọi dùng lời cầu nguyện và những hy sinh của mình để qua đó, Thiên Chúa thi thố tình thương của Người.
Sống Lời Chúa: Cùng cất cao lời ngợi ca Thiên Chúa: “Bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín” (Tv 99,5).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong hành trình cuộc đời, Chúa luôn gọi mời chúng con tin tưởng và phó thác nơi Chúa. Xin cho chúng con luôn nhận ra tình thương của Chúa qua những biến cố lớn nhỏ trong đời, và góp phần đem tình thương Chúa cho mọi người qua những hy sinh âm thầm của chúng con.
Thiên Chúa viếng thăm dân Người.
Thiên
Chúa Ba Ngôi vẫn đến thăm tôi qua bao người khác, và Ngài muốn tôi đi thăm để
lau khô nước mắt cho người bạn gần bên.
Suy niệm:
Thánh Luca đã viết câu chuyện này như một người
quay phim.
Ngài bắt đầu từ cảnh Đức Giêsu và các môn đệ
cùng đi với một đám đông.
Thầy trò và mọi người đang trên đường tiến vào
thành Nain.
Khi gần đến cửa thành thì lại gặp một đám đông
khác đi ra.
Đây là một đám tang lớn có đông người theo ra
mộ.
Sau đó là cận cảnh Đức Giêsu gặp bà mẹ của
người chết.
Cuối cùng trở lại với cảnh của hai đám đông
kinh sợ ngỡ ngàng,
và câu chuyện kỳ diệu lan ra khắp Giuđê và các
vùng lân cận.
Chuyện Đức Giêsu gặp đám tang là chuyện tình cờ
trên đường.
Nhưng điều đánh động trái tim Ngài lại không
phải là chuyện người chết,
dù anh thanh niên này chết khi còn cả một tương
lai.
Điều thu hút cái nhìn và mối quan tâm của Đức
Giêsu chính là bà mẹ.
Đó là một bà góa không còn chỗ nương tựa.
Bà đã dự đám tang của người chồng.
Và bây giờ bà lại dự đám tang của đứa con trai
duy nhất.
Chỗ dựa còn lại và cuối cùng cũng bị lấy đi.
Đức Giêsu hiểu rất nhanh về nỗi đau của người
phụ nữ.
Bà biết mình bị trắng tay cả về tình cảm lẫn
vật chất.
Có lẽ bà đã nhiều lần tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu?
Đức Giêsu trông thấy bà, thấy nỗi đau và nước
mắt.
Ngài bảo: Bà đừng khóc nữa (c. 13).
Dường như Ngài không có khả năng chịu được nước
mắt của người khác.
Khi thấy cô chị Maria khóc em là Ladarô đã chết
(Ga 11, 33),
Đức Giêsu đã thổn thức và xao xuyến, rồi Ngài
bật khóc (Ga 11, 34).
Sau này Ngài hỏi chị Maria Mađalêna khóc bên mộ
vì mất xác Thầy:
Này bà, tại sao bà khóc? (Ga 20, 15).
Đức Giêsu hiểu rõ nỗi đau của sự chia ly bởi
cái chết.
Ngài cũng hiểu rõ về nước mắt của phận người,
dù vì bất cứ lý do gì.
Nhiệm vụ của Ngài là lau khô nước mắt và làm
cho con tim vui trở lại.
Đức Giêsu đã chạm đến quan tài, hay đúng hơn,
chạm vào cái cáng khiêng xác được chôn theo
kiểu người Do Thái.
Ngài nói với anh như ra lệnh: Tôi bảo anh, hãy
trỗi dậy (c.14).
Anh thanh niên ngồi dậy và bắt đầu nói: anh đã
được hoàn sinh.
Như Êlia ngày xưa, Ngài trao anh cho bà mẹ (1 V
17,23).
Ai là người vui
nhất? Bà mẹ, người con, đám đông, hay Đức Giêsu?
Có lẽ là Đức
Giêsu, người đã đem lại hạnh phúc cho người khác.
Khi đứa con lao
vào vòng tay mẹ,
khó lòng Ngài giấu
được giọt nước mắt vì vui.
Đám đông kêu lên:
Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người (c.16).
Thiên Chúa không
chỉ thăm dân Do Thái qua Đức Giêsu (Lc 1, 68.78; 19, 44),
Chương trình làm
việc mỗi ngày của Ngài là thăm cả thế giới.
Thiên Chúa Ba Ngôi
vẫn đến thăm tôi qua bao người khác,
và Ngài muốn tôi
đi thăm để lau khô nước mắt cho người bạn gần bên.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm
quê hương.
Chúa đã ban nó cho chúng con như một quà
tặng tuyệt vời.
Nếu rừng không còn xanh, dòng suối không còn
sạch,
và bầu trời vắng tiếng chim.
thì đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận
người,
vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói,
bao trẻ sơ sinh bị giết mỗi ngày khi chưa
chào đời,
bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà
đạp.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương,
vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày
an bình.
Chiến tranh, khủng bố, xung đột, có mặt khắp
nơi.
Người ta cứ tìm cách giết nhau bằng thứ vũ
khí tối tân hơn mãi.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu ở Belem,
Chúa đã cứu độ và chữa lành thế giới bằng
tình yêu khiêm hạ,
nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn thống
trị địa cầu.
Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn
tràn lan.
Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị
trói buộc.
Đó là lỗi của chúng con.
Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ
của Chúa bị chậm lại,
và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn
chưa thành tựu.
Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem,
xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi
mời của Chúa
để yêu trái đất lạnh giá này hơn,
và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Hỡi
thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy".
Ý nghĩa của cuộc sống
Trong
cuộc sống công khai, chắc chắn Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều cái chết cũng như
tham dự nhiều đám tang. Nhưng việc Ngài làm cho kẻ chết sống lại được Tin Mừng
ghi lại không quá ba lần: một em bé gái con của vị kỳ mục trong dân; Lazarô em
trai của Marta và Maria; người thanh niên con của bà góa thành Naim. Cả ba
trường hợp chỉ là hồi sinh, chứ không phải là phục sinh theo đúng nghĩa, bởi vì
cuộc sống của những người này chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa, để rồi
cuối cùng cũng trở về với bụi đất.
Chúa
Giêsu đã không đến để làm cho con người được trường sinh bất tử ở cõi đời này,
đúng hơn, Ngài đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng để đi vào cuộc sống
vĩnh cửu thì điều kiện tiên quyết là con người phải kinh qua cái chết. Chết vốn
là thành phần của cuộc sống và là một trong những chân lý nền tảng nhất mà Chúa
Giêsu đến nhắc nhở cho con người. Mang lấy thân phận con người là chấp nhận đi
vào cái chết. Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi số phận ấy. Thánh Phaolô
đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết: "Ngài đã vâng phục cho
đến chết và chết trên Thập giá". Ðón nhận cái chết và đi vào cõi chết như
thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con
người khi đi vào cái chết.
Một
trong những cái chết vô nghĩa và do đó cũng chối bỏ ý nghĩa cuộc sống, đó là tự
tước đoạt sự sống của mình. Những cái chết như thế là lời tự thú rằng cuộc sống
không có, cuộc sống không còn ý nghĩa và như vậy không còn đáng sống. Jean Paul
Sartre, người phát ngôn của cả thế hệ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, đã
viết trong tác phẩm "Buồn Nôn": "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang
ngồi đây ăn uống là để bảo tồn sự quí giá của chúng ta, nhưng kỳ thực, không có
gì, tuyệt đối không có lý do gì để sống cả".
Chúa
Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ðón nhận cái chết, Ngài đã thể hiện cho chúng
ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta thấy
thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Ðón nhận cái chết như ngõ đón
vào vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điểm đến và vinh quang
đích thực, đó là sự sống vĩnh cửu. Ngài đã vâng phục cho đến chết. Vâng phục
của Ngài là vâng phục trong tin tưởng, phó thác, trong khiêm tốn và yêu thương;
đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và làm cho cuộc sống trở thành đáng
sống.
Nguyện
xin Chúa Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta niềm tin, can đảm và vui tươi để biết
đón nhận và sống từng giây phút hiện tại một cách sung mãn, để tham dự vào sự
phục sinh vinh hiển của Ngài.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Người cho kẻ chết sống lại
Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì người ta khiêng một
người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà
góa. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng
thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”Rồi Người lại gần sờ vào quan tài. Các người
khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi
dậy!” (Lc. 7, 12-14)
Trong bốn Tin Mừng, chỉ một mình Thánh Lu-ca kể lại câu
chuyện cho thanh niên con bà góa thành Naim sống lại.
Hôm đó, hai đoàn người gặp nhau ở gần cổng Naim: một đoàn
có vị dẫn đầu là Đấng ban sự sống và một đoàn tiễn đưa người chết. Người chết
là một con trai duy nhất của một bà góa. Tình trạng càng đau khổ hơn nữa cho bà
mẹ góa này không còn người đàn ông nào đứng ra bảo lãnh tài sản mình trước pháp
luật và bảo vệ danh dự mình trong xã hội trọng nam khinh nữ đó. Đó là lý do đau
khổ cùng cực của bà khiến cho đoàn người đông đảo đã cảm thương đến tiễn đưa
con bà, như bản văn lưu ý tới.
Đức Giêsu đã xúc động và cảm thương nỗi đau buồn lớn lao
này. Người là con Thiên Chúa thấy rõ những khốn cực của loài người, người là
con người nên càng vô cùng nhạy bén trước những nỗi bất hạnh và đau khổ của
loài người. Nhiều trang Tin Mừng đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Người dừng lại trước bà mẹ tuyệt vọng và thì thầm an ủi bà, với tấm lòng chân
thành cảm thương nồng nàn qua giọng nói nghẹn ngào: “Bà đừng khóc nữa!”.
Rồi Người tiến về phía quan tài, sờ vào nó, Người kêu gọi
với giọng nói lạ lùng: Này người thanh niên, tôi bảo anh: Hãy chỗi dậy! Người
chết liền chỗi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ! một sự thật
vô cùng kinh ngạc! không phải chỉ xảy ra lúc này mà còn cho đến tận cùng lịch
sử loài người, mãi mãi Đức Kitô còn cho người ta sống lại, mãi mãi sứ điệp sự
thật về phục sinh vẫn còn tiếp tục cho loài người. Đức Kitô, nhờ sự sống lại
của Người đã mặc khải một sự sống phục sinh muôn đời: Một sự sống không bao giờ
phải chết nữa, một sự sống hoàn toàn mới, vượt trên mọi xác phàm trần gian.
“Đức Giêsu đã trao anh ta cho bà mẹ”, Thánh Lu-ca đã đặc
biệt chú thích thêm, để nhấn mạnh đến vai trò các phụ nữ trong thế giới đã
liệng bỏ phụ nữ vào bóng tối không còn đếm xỉa gì đến công lao của họ. Người ta
có thể đoán rằng chính lúc đó, Đức Giêsu đã tha thiết nghĩ đến Mẹ Người biết
chừng nào! quyền năng và tâm tình tế nhị cảm thương đi đôi với nhau khi các
Ngài bởi Thiên Chúa đến với nhân loại.
www.gplongxuyen.net
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
18 THÁNG CHÍN
Niềm Hy Vọng Vinh Quang
Trong sứ vụ cứu rỗi phổ quát của mình, Hội Thánh không ngừng được Thánh Thần của Chúa Phục Sinh thúc đẩy. Hội Thánh thiết tha mong muốn đưa dẫn mọi người đến niềm hạnh phúc trên trời – hạnh phúc mà các thánh đang vui hưởng. Trong thành đô trên trời ấy, các thánh thi hành phần vụ của mình là cầu bầu cho Hội Thánh lữ hành dưới đất. Về phần mình, Hội Thánh hướng nhìn với đôi mắt đức tin về Giêrusalem trên trời và tìm thấy nơi đó ánh sáng và hy vọng mà Hội Thánh cần trong hành trình tiến tới và chia sẻ con đường cứu rỗi và nên thánh với thế giới này.
Bởi đó, Hội Thánh giữa lòng thế giới dẫn dắt nhân loại tiến tới đền thờ vĩnh cửu trong Thành Thánh muôn đời, như ta đọc thấy trong Sách Khải Huyền của Thánh Gioan. “Tôi không thấy đền thờ nào trong thành, vì đền thờ của thành chính là Đức Chúa toàn năng và là Con Chiên” (Kh 21,22).
Thành Giêrusalem thiên quốc – khác với Hội Thánh dưới thế này – hoàn toàn tinh tuyền và thánh thiện. Thành ấy được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Trong Thành đó không có một chút gì phàm tục cần phải tách ra khỏi những sự thánh thiêng của Thiên Chúa. Trong Thành đó không có đền thờ, bởi vì không cần phải có một hình thức hiện diện trung gian. Không, mọi sự trên trời đều biểu hiện vẻ rạng ngời của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói cách khác, Thiên Chúa hiện diện một cách vĩnh hằng trong đền thờ là trong chính mọi sự mọi người trên thiên quốc.
Thiên Chúa cũng thực sự hiện diện nơi Hội Thánh dưới đất này. Nhưng Ngài hiện diện một cách giấu ẩn trong đức tin kiên định và đức cậy dạt dào của dân Thiên Chúa. Và vì thế, chúng ta không nhìn thấy vinh quang của Đức Kitô rõ ràng như Hội Thánh trên trời, nhưng chúng ta khắc khoải chờ mong cuộc quang lâm của Đức Kitô và sự sống lại của những người đã chết. Bấy giờ, Hội Thánh sẽ hoàn toàn hiệp nhất trên trời với Đức Kitô.
Ôi tuyệt diệu! Đấy sẽ là Hội Thánh trong vinh quang sung mãn của mình. Đấy sẽ là Hội Thánh như Thánh Gioan đã thị kiến trong Sách Khải Huyền.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 18-9
1Cr 12, 12-14.27-31a; Lc 7, 11-17.
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện Chúa Giêsu cho người thanh niên độc nhất của một bà góa thành Nain sống lại. Cho chúng ta thấy Chúa Giêsu khi đứng trước nỗi đau tột cùng của một con người, Chúa đã động lòng thương, mặc dù bà góa này không cầu xin, nhưng đối với Chúa, Chúa thấy rõ tận căn của đau thương của bà góa có con trai độc nhất chết. Từ động lòng thương này của Chúa; Chúa đã lấy quyền năng của Ngài để cho người thanh niên sống lại và trao lại cho bà góa. Bởi Ngài là sự sống và sự sống lại. Trong cuộc đời của mỗi chúng ta phải làm sao để Chúa động lòng thương và để cho Chúa thể hiện lòng thương của Ngài trên mỗi chúng ta.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
18 Tháng Chín
Những Giọt Nước Mắt Của Sám Hối
Người Hồi Giáo thường nói đến ý nghĩa và giá trị của lòng sám hối qua câu chuyện tưởng tượng như sau:
Một hôm Allah, Ðấng Khôn Ngoan, truyền cho một sứ thần xuống trần gian để tìm cho được điều tốt đẹp nhất và mang về Thiên quốc.
Vị sứ thần đáp ngay xuống một trận chiến nơi máu của những vị anh hùng đang chảy lai láng. Vị sứ thần thu nhặt một ít máu và mang về trình cho Ðấng Allah. Nhưng Ðấng Allah xem ra không hài lòng mấy. Ngài nói: "Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất dưới trần gian".
Vị sứ thần đành phải giáng trần một lần nữa. Lần này, ngài gặp ngay một đám tang của một người giàu có, nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi đằng sau quan tài, vừa đi vừa khóc lóc, vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị ân nhân. Vị sứ thần bèn thu nhặt hương thơm ngào ngạt và mang về trời. Lần này, Ðấng Allah mỉm cười đón lấy mùi thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng. Ngài nói: "Dĩ nhiên, lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới trần gian. Nhưng ta nghĩ rằng còn có một cái gì khác tốt đẹp hơn".
Lại một lần nữa, vị sứ thần đành phải vâng lệnh Allah để trở lại trần gian. Phải mất một thời gian lâu, sau khi đã đi rảo khắp bốn phương, vị sứ thần mới tìm được điều mong mỏi. Một buổi chiều nọ, ngồi nghỉ mệt bên vệ đường, ngài bỗng thấy một người đàn ông bên cạnh khóc sướt mướt. Vị sứ thần được người đàn ông giải thích như sau: "Tô đã chiều theo cơn cám dỗ để phạm tội... Giờ đây, nước mắt là cơm bữa hằng ngày của tôi". Vị sứ thần bèn đưa tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và vội vã bay về trời. Ðấng Allah nhìn thật lâu vào những giọt nước mắt và mỉm cười nói với vị sứ thần:
"Thế là người đã hoàn thành tốt sứ mệnh. Quả thật dưới trần gian, không có gì đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, người đã thấy đó, trước khi vui mừng, ta đã nhìn thật kỹ xuyên qua những giọt nước mắt. Một lòng sám hối giả dối không có ích lợi gì cả. Một sự sám hối thành thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân của Tình Yêu".
Trong Tin Mừng theo thánh Luca ở đoạn 15 câu 7, Chúa Giêsu đã nói: "Trên trời sẽ vui mừng gấp bội khi có một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn là 99 người công chính không ăn năn hối cải".
Vinh quang của Thiên Chúa, niềm vui của Thiên Chúa chính là con người được sống. Và sự sung mãn, sự sống đích thực chính là ân sủng, là sự sống của Thiên Chúa trong tâm hồn con người. Sự sống ấy chỉ có thể đến trong tâm hồn con người, nếu con người biết mở rộng cửa tâm hồn để đón nhận Thiên Chúa... Những giọt nước mắt sám hối chính là sức đẩy để mở tung cánh cửa tâm hồn vậy.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 18
Giáo hội là ngôi
nhà của Chúa Ki tô, nơi quy tụ mọi tâm hồn kitô hữu. Mọi người đều có thể bước
vào ngôi nhà này và cảm nhận rất riêng tư, sự kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu
của Tin Mừng cách thầm lặng. Mọi người, bất kể
mọi trình độ, mọi sai lỗi trong quá khứ, mọi bí mật tự bên trong, hãy dám tiếp
cận Đức Kitô, như một tội nhân trong nhà của Simon người Pharisiêu. Mọi người
có thể van xin với Ngài như người mù thành Giêricô:
"Lạy
Thiên Chúa, xin cho con được thấy!" (Lc 18, 41).
Khi một người trung thành đề nghị bạn phải làm điều gì đó để tìm ra
Sự Thật, có lẽ ngay cả trước khi giải thích cho người đó về giáo lý và những
mẩu nhiệm Kitô giáo, thì bạn đang đẩy người đó vào giữa đám đông các tín hữu,
nơi người ấy cảm thấy xa lạ và nơi Giáo Hội đã xuất hiện với anh ta như một
cộng đổng của mọi người, Giáo Hội đề nghị anh ta dành nhiều thời gian nghỉ ngơi
yên tĩnh để đến với Tin Mừng. Rổi sau đó anh ta có thể hiểu rằng sự hiện diện
thực sự là lý do cho sự vĩnh cửu của Giáo Hội trong không gian và thời gian cho
đến muôn đời.
Hồng y Charles Journet
Hạnh Các Thánh
Ngày 18 tháng 9
THÁNH GIUSE COPERTINÔ
|
Thánh
nhân sinh ngày 17 tháng 6 năm 1603 tại Copertinô, thuộc Napôli, trong một gia
đình nghèo khó chuyên nghề thợ mộc như gia đình Nazarét xưa. Nhưng Giuse lại
lấy làm sung sướng được sống trong cảnh thanh bần ấy. Vì hoàn cảnh gia đình,
lại bị các chủ nợ, những tay cường hào gian ác, cậy quyền ỷ thế đã tịch thu
và phân tán tất cả gia sản, cha mẹ Giuse không còn chốn che mưa trú nắng, nên
phải trú ngụ trong chuồng bò. Chính Giuse cũng sinh ra trong cảnh tồi tàn của
chuồng bò ấy. Yên vui trong cảnh thanh bần, cha mẹ Giuse đã hiến dâng con cho
thánh Phanxicô nghèo để cậy nhờ thánh nhân phù trợ trên đường đời. Thân mẫu
Giuse một bà mẹ gương mẫu với một đức tin mạnh mẽ, hằng lo lắng cho con nên người
và nhất là dạy dỗ cho con biết mến Chúa yêu người tha thiết. Vì ảnh hưởng tốt
lành, Giuse lớn lên trong một khung cảnh thanh bình đạo hạnh, say mê việc đạo
đức, chăm lo nguyện ngắm, mộ mến lần hạt Mân côi.
Tuy
nhiên, vì thiếu ăn thiếu mặc, Giuse đã phải sống trong đau khổ của bệnh tật,
khắp thân thể cậu đầy những mụn nhọt tanh hôi, khiến cho mọi người phải kinh
tởm và tránh xa. Sau một thời gian khá lâu mang bệnh, chịu trăm điều khổ nhục
đau đớn, một hôm Giuse được ơn lạ, các bệnh bỗng dưng biến hết. Biết là ơn
đặc biệt của Chúa ban, Giuse từ đó nhất tâm tận hiến cuộc đời cho Chúa. Giuse
hâm mộ việc truyện vãn với Chúa trong nhà chầu, nên người ta thường thấy suốt
ngày ngài vào nhà thờ cầu nguyện mà không biết mệt mỏi chán ngán. Thêm vào
đó, ngài vẫn hãm mình phạt xác đủ cách, của ăn là trái cây, bánh khô, và rau
cỏ. Nhiều ngày ngài còn không ăn uống, khiến nhiều người đã lên tiếng trách
ngài, nhưng ngài chỉ tươi cười đáp lại: “Tôi quên mất đấy”.
Sau
nhiều ngày sống khắc khổ như thế, Giuse đến gõ cửa tu viện “Anh em Hèn Mọn”
xin vào tu thân để lo việc phụng sự Chúa hơn. Nhưng Giuse đã bị từ chối vì
trí khôn kém cỏi dốt nát, nhất nữa lại không biết đọc biết viết. Không thất
vọng, Giuse tìm đến một tu viện khác. Nơi đây ngài được bề trên nhận vào bậc
trợ sĩ, và đến tháng 8 năm 1620 thì được mặc áo dòng. Sống trong dòng 9
tháng, Giuse quá say mê với việc chầu thánh thể nên đôi khi bê trễ việc bổn
phận hằng ngày. Chúa lại thêm thánh giá cho Giuse. Sau nhiều ngày cố gắng để
đi đúng đường lối của nhà dòng nhưng không kết quả, ngài đã bị bề trên sa
thải. Giuse tìm đến hết dòng này tới dòng khác, nhưng đều bị từ chối. Cuối
cùng ngài đành phải trở về Côpertinô. Lúc này, Giuse mồ côi cha, sống vất
vưởng với người mẹ trong cảnh nheo nhóc lầm than. Gặp những hoàn cảnh đau
thương ấy, Giuse vẫn kiên nhẫn chịu đựng không chút than vãn ngã lòng. Một
lần nữa ngài lại đến gõ cửa một tu viện để xin tu.
Các bề
trên thấy nơi Giuse có một đức khiêm tốn lạ thường, vâng lời tuyệt đối, liền
nhận ngài vào nhà tập, rồi cho ngài học hành để có thể tiến tới chức linh
mục. Giuse đã phải đương đầu với biết bao khó khăn tủi nhục, để rồi ngày 04
tháng 3 năm 1628, ngài hân hoan bước lên bàn thánh dâng thánh lễ tạ ơn lòng
lân tuất Chúa đã thương kêu gọi một người đã bị thế gian bạc đãi lên chức
linh mục.
Sau
khi được diễm phúc nhận Chúa làm gia nghiệp đời đời, cha Giuse không còn
thuộc về thế gian nữa, ngày đêm cha chỉ tưởng nhớ đến quê trời. Vì thế cha
không còn nghĩ gì đến tấm thân hèn hạ của mình. Suốt mười lăm năm trường, cha
chỉ ăn quả khô và rau sống, và chỉ xin Mình Máu Chúa làm của nuôi bổ dưỡng
xác hồn để ngày đêm chiêm ngắm Chúa mà thôi.
Muốn
sống kết hợp hoàn toàn với Chúa, cha Giuse không muốn cho một ai nhắc đến tên
mình nữa, nhưng danh thơm tiếng tốt của ngài vẫn tràn lan khắp xứ, khiến giáo
dân lũ lượt kéo đến xin ngài cầu nguyện và chúc lành cho. Họ còn thi nhau xin
những đồ vật như áo xống của ngài để giữ làm kỷ niệm.
Thấy
đời sống của ngài có thể thu hút được nhiều linh hồn, bề trên liền truyền cho
cha Giuse phải đi kinh lý các tu viện thuộc tỉnh Đông và lưu lại mỗi nơi bốn
ngày để khuyên nhủ các thầy. Trong cuộc kinh lý của ngài, dân chúng nơi nơi
được hưởng nhờ nhiều nhân đức và phép lạ ngài làm, nên họ đã hết lòng mến yêu
và ca tụng ngài như một vị thánh sống mà Chúa đã sai đến để thi ân giáng phúc
cho họ vậy.
Vì hãm
mình phạt xác nhiều quá, sức lực ngài hao mòn tiều tụy. Ngày 10 tháng 8 năm
1663, cha bị một cơn sốt hoành hành, trong cơn sốt ấy cha linh cảm thấy ngài
lìa cõi trần để về an nghỉ trong Chúa trên chốn trường sinh. Và ngày lễ Đức
Mẹ Hồn Xác lên trời, vì quá kiệt sức sau khi cử hành thánh lễ cuối cùng, cha
Giuse tưởng rằng đã đến lúc gửi tấm thân nhỏ hèn lại thế gian để về sống với
gia đình các thánh trên thiên quốc. Nhưng Chúa còn muốn cho ngài chịu khó
thêm để làm ơn làm phúc cho những linh hồn nguội lạnh, nên cha Giuse cứ sống
trong hôn mê hàng tháng trời trên giường bệnh. Ngày 17 tháng 9, linh mục đem
của ăn đàng đến cho cha, cha không còn nói năng được nữa, chỉ dùng mấy cử
điệu để làm hiệu. Khi nghe thấy chuông báo đưa Mình Thánh đến, ngài như được
sức mạnh, liền chỗi dậy khỏi giường, quỳ xuống như một người lành mạnh. Sau
đó, ngài cầm ảnh chuộc tội trong tay, bước ra cửa phòng đón nhận Mình Thánh
Chúa. Lúc ấy mặt cha toả sáng như có hào quang, sau khi chịu Mình Thánh Chúa,
cơn bệnh lại càng tăng thêm rất mạnh và hôm sau ngài đã thở hơi cuối cùng, từ
giã cõi trần để về thiên quốc. Năm đó ngài vừa chẵn 60 tuổi. Xác thánh ngài
được mai táng trong nhà nguyện của tu viện.
Đức
Giáo Hoàng Clêmentê XIII đã tôn phong cha Giuse lên bậc hiển thánh ngày 16
tháng 7 năm 1767, tức là 100 năm sau khi ngài qua đời, và Đức Clêmentê XIV đã
truyền cho khắp Giáo hội mừng lễ kính ngài vào ngày 18 tháng 9 hằng năm.
|
Ðaminh Trạch (Ðoài)
(1792-1840)
Thánh Đa minh Trạch. |
|
||
Thứ Ba 18-9
Thánh Giuse Cupertino
(1603-1663)
T
|
hánh Giuse là người nổi tiếng bay bổng khi cầu nguyện.
Ngay từ lúc nhỏ, Giuse đã ưa thích cầu nguyện. Sau một thời gian
sống với các tu sĩ dòng Capuchin, ngài gia nhập dòng Conventual (một nhánh của
dòng Phanxicô). Sau một thời gian ngắn trông coi lừa cho nhà dòng, Giuse được
đi học để làm linh mục. Mặc dù việc học đối với ngài thật khó khăn, nhưng Giuse
đã hiểu biết nhiều qua sự cầu nguyện. Ngài được thụ phong linh mục năm 1628.
Việc bay bổng khi cầu nguyện của Thánh Giuse đôi khi là thập giá
cho ngài, vì nhiều người đến xem lễ như đi xem xiệc. Tuy được ơn sủng đặc biệt
này nhưng ngài thật khiêm tốn, kiên nhẫn và vâng phục, dù có nhiều khi bị thử
thách nặng nề và cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ quên. Suốt cuộc đời, ngài ăn
chay và đeo một giây xích sắt trong người.
Nhà dòng thuyên chuyển thánh nhân đến nhiều nơi vì ích lợi cho
ngài cũng như cho toàn thể cộng đoàn. Ngài bị báo cáo lên Tòa Thẩm Tra và bị
điều tra, nhưng cơ quan này không kết tội ngài.
Thánh Giuse Cupertino được phong thánh năm 1767. Trong cuộc điều
tra để lập hồ sơ phong thánh, người ta ghi nhận có đến 70 lần ngài bay bổng.
Lời Bàn
Trong khi việc bay bổng là dấu hiệu bất thường của sự thánh thiện,
Thánh Giuse cũng được người đời nhớ đến qua những dấu chỉ bình thường của ngài.
Ngài cầu nguyện khi tâm hồn tăm tối, và ngài sống theo Tám Mối Phúc Thật. Ngài
dùng "vật sở hữu độc đáo" là ý chí tự do của ngài để ca ngợi Thiên
Chúa và phục vụ các tạo vật của Người.
Lời Trích
"Hiển nhiên điều mà Thiên Chúa mong muốn trên tất cả mọi
sự là ý chí mà chúng ta được tự do lãnh nhận qua sự tạo dựng của Thiên Chúa, và
chiếm hữu như của riêng mình. Khi một người tự rèn luyện sống theo các nhân
đức, và đạt được điều đó là nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, Ðấng phát sinh mọi
điều thiện hảo. Ý chí là điều mà con người có được như một sở hữu độc đáo" (Thánh Giuse Cupertino,
trích từ bài đọc ngày lễ kính trong sách nhật tụng của dòng Phanxicô).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét