Bài giáo lý của ĐTC: Hãy theo gương ông Simêon và bà
Anna, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự nhỏ bé
Từ bệnh viện Gemelli, Đức Thánh Cha tiếp tục trao cho các
tín hữu bài giáo lý của ngài được dọn sẵn cho buổi tiếp kiến sáng thứ Tư ngày
26/2/2025. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu noi gương ông Simêon và bà Anna,
những con người tràn đầy hy vọng, nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa
trong sự nhỏ bé, biết cách vui mừng chào đón cuộc viếng thăm của Thiên Chúa và
thắp lại hy vọng trong lòng các anh chị em của mình.
Vatican News
Đoạn Tin Mừng được suy tư trong bài giáo lý trích từ Tin Mừng
Thánh Luca (2,27-29)
Được Thần Khí thúc đẩy, ông [Simêon] lên Đền Thờ. Vào lúc
cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền
liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng
Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ
này được an bình ra đi".
Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta chiêm niệm vẻ đẹp của “Đức Giêsu Kitô, niềm
hy vọng của chúng ta” (1 Tm 1,1) trong mầu nhiệm Người được dâng vào Đền Thờ.
Trong các trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu,
thánh sử Luca cho chúng ta thấy sự vâng phục của Đức Maria và Thánh Giuse đối với
Luật Chúa và mọi quy định của luật đó. Trên thực tế, ở Israel không có nghĩa vụ
phải dâng con trẻ vào Đền thờ, nhưng những người lắng nghe và ao ước sống Lời
Chúa thì coi đó là một thực hành quý giá. Đây chính là điều mà bà Anna, mẹ của
ngôn sứ Samuel, người bị hiếm muộn, đã làm; Thiên Chúa đã lắng nghe lời cầu
nguyện của bà, và sau khi có con trai, bà đã đem con đến đền thờ và dâng con
cho Chúa mãi mãi (xem 1Sm 1,24-28).
Do đó, Thánh Luca thuật lại hành động phụng tự đầu tiên của
Chúa Giêsu, được cử hành tại thành thánh Giêrusalem, nơi sẽ là mục tiêu của
toàn bộ hành trình sứ vụ của Người kể từ thời điểm Người quyết định dứt khoát
lên Giêrusalem (xem Lc 9,51), cho đến khi hoàn thành sứ vụ của Người.
Đức Maria và Thánh Giuse không giới hạn mình vào việc ghép
Chúa Giêsu vào lịch sử gia đình, dân tộc và liên minh với Chúa Thiên Chúa. Họ
quan tâm đến việc nuôi dưỡng Người và sự phát triển của Người, và giới thiệu
Người với bầu khí đức tin và thờ phượng. Và bản thân các ngài cũng dần dần hiểu
hơn về ơn gọi vượt xa sự mong đợi của họ.
Trong Đền Thờ, nơi là “nhà cầu nguyện” (Lc 19,46), Chúa
Thánh Thần nói với tâm hồn của một cụ già: ông Simêon, một thành viên của dân
thánh của Thiên Chúa đã được chuẩn bị trong sự chờ đợi và hy vọng, người nuôi
dưỡng lòng khao khát thực hiện những lời hứa mà Thiên Chúa đã hứa với dân
Israel qua các ngôn sứ. Trong Đền thờ, ông Simêon nhận thấy sự hiện diện của Đấng
được Đức Chúa xức dầu trong Đền thờ, nhìn thấy ánh sáng chiếu rọi giữa các dân
tộc đang chìm đắm “trong bóng tối” (xem Is 9,1) và đi gặp đứa trẻ mà theo lời
ngôn sứ Isaia, “đã sinh ra cho chúng ta”, là người con “đã được ban cho chúng ta”,
là “Vua hòa bình” (Is 9,5). Ông Simêon ôm đứa trẻ nhỏ bé và không có khả năng tự
vệ đang nằm trong vòng tay mình; nhưng thực ra, chính ông mới là người tìm thấy
niềm an ủi và sự trọn vẹn trong cuộc sống khi được ôm chặt lấy đứa trẻ. Ông diễn
tả điều đó trong một bài thánh thi đầy lòng biết ơn và cảm động; trong Giáo hội,
bài thánh thi này đã trở thành lời cầu nguyện vào cuối ngày:
“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel Dân Ngài” (Lc 2,29-32).
Ông Simêon hát về niềm vui của những người đã thấy, của những
người đã nhận ra và có thể truyền đạt cho người khác cuộc gặp gỡ với Đấng Cứu
Thế của Israel và của dân ngoại. Ông là chứng nhân của đức tin, đức tin mà ông
nhận được như một món quà và truyền đạt cho người khác; ông là chứng nhân của
niềm hy vọng không bao giờ làm thất vọng; là chứng nhân cho tình yêu của Thiên
Chúa, tình yêu đổ tràn niềm vui và bình an trong tâm hồn con người. Tràn đầy niềm
an ủi thiêng liêng này, cụ già Simêon coi cái chết không phải là kết thúc,
nhưng là sự viên mãn, là sự viên mãn, ông chờ đợi nó như một “người chị em”
không hủy diệt nhưng dẫn ông đến với cuộc sống đích thực mà ông đã nếm trải và
tin tưởng.
Vào ngày đó, ông Simêon không phải là người duy nhất nhìn thấy
ơn cứu độ đã nhập thể nơi Hài Nhi Giêsu. Điều tương tự cũng xảy ra với bà Anna,
một người phụ nữ ngoài tám mươi, một góa phụ, hoàn toàn tận tụy phục vụ Đền thờ
và tận hiến cho việc cầu nguyện. Thật vậy, khi nhìn thấy đứa trẻ, bà Anna đã ca
ngợi Thiên Chúa của Israel, Đấng đã cứu chuộc dân Người qua đứa trẻ nhỏ bé đó,
và bà kể cho người khác nghe về Người, quảng đại loan báo lời tiên tri. Bài ca
cứu chuộc của hai cụ già như lời loan báo về Năm Thánh cho toàn thể mọi người
và cho toàn thế giới. Trong Đền Thờ Giêrusalem, niềm hy vọng được thắp lên
trong lòng chúng ta vì Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, đã bước vào đó.
Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy noi gương ông Simêon
và bà Anna, những “người hành hương hy vọng” có đôi mắt sáng suốt, có khả năng
nhìn thấu vẻ bề ngoài, biết cách “ngửi thấy” sự hiện diện của Thiên Chúa trong
sự nhỏ bé, biết cách vui mừng chào đón cuộc viếng thăm của Thiên Chúa và thắp lại
hy vọng trong lòng anh chị em chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét