Giới thiệu 12 vị có
nhiều khả năng trở thành Giáo Hoàng: Vị Hồng Y tài ba Bác Sĩ, Tiến Sĩ Y Khoa
J.B. Đặng Minh An 25/Feb/2025
Đức Hồng Y Willem Jacobus Eijk sinh ngày 22 tháng 6 năm
1953, tại Duivendrecht, Hòa Lan
Ngài được tấn phong Giám Mục vào năm 1999. Ngài chọn khẩu hiệu Giám Mục là
“Noli Recusere Laborem”, nghĩa là “Đừng biếng nhác”. Ngài được tấn phong Hồng Y
vào ngày 18 tháng 2 năm 2012 bởi Đức Bênêđíctô XVI.
Khả năng kết nối nhiều lối tư duy khác nhau của Đức Hồng Y Willem Eijk một phần
xuất phát từ thời thơ ấu của ngài, khi được nuôi dưỡng bởi một người cha theo đạo
Tin lành và một người mẹ theo đạo Công Giáo.
Ngài đã hoàn thành chương trình học y khoa ban đầu vào năm 1978 tại Đại học
Amsterdam và ngay lập tức vào đại chủng viện trong khi tập trung vào đạo đức y
khoa tại Đại học Leiden và làm bác sĩ nội khoa. Năm 1985, ngài được thụ phong
linh mục và trong khi làm tuyên úy, ngài đã lấy bằng tiến sĩ y khoa, với luận
án phản hồi các hoạt động an tử của Hòa Lan. Năm 1990, Cha Eijk được giám mục của
mình cử đến Rôma, nơi ngài lấy được bằng tiến sĩ thần học luân lý và bằng tiến
sĩ triết học tại Đại học St. Thomas Aquinas thường được gọi là Đại Học
Angelicum. Ngài cũng lấy bằng thần học từ Đại học Latêranô. Sau đó, Cha Eijk giảng
dạy thần học luân lý ở Hòa Lan và Thụy Sĩ; ngài cũng đồng sáng lập một hiệp hội
thúc đẩy đạo đức y khoa và ngài phục vụ trong Ủy ban Thần học Quốc tế, từ 1997
đến 2000.
Năm 1999, Cha Eijk được Đức Giám Mục Franciscus Wiertz của Roermond tấn phong
làm giám mục và phục vụ Giáo phận Groningen-Leeuwarden trong bảy năm với tư
cách là một giám mục chính tòa. Phần lớn công việc của Đức Cha Eijk với tư cách
là một giám mục là để ứng phó với sự thế tục hóa ngày càng tăng và mất niềm tin
trong xã hội Hòa Lan — công việc căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của
ngài. Năm 2001, ngài bị tụ máu dưới màng cứng thường được gọi là xuất huyết
não; sau một thời gian nghỉ ngơi, ngài đã hồi phục và tiếp tục nhiệm vụ của
mình.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI bổ nhiệm Đức Cha Eijk làm tổng giám mục Utrecht
vào năm 2007. Trong khi thực hiện nhiệm vụ giám mục của mình, Đức Tổng Giám Mục
Eijk đã đồng biên tập một cuốn sổ tay về đạo đức y khoa Công Giáo, xuất bản năm
2010, và được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Hòa Lan vào năm sau. Ngài đã
phục vụ với tư cách là thành viên đáng kính của Học viện Giáo hoàng về Sự sống và
được bầu lại làm thành viên vào năm 2017. Năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI
đã tấn phong Đức Tổng Giám Mục Eijk làm Hồng Y đẳng linh mục.
Sau Công đồng Vatican II, Giáo hội Hòa Lan là một trong những giáo hội cực đoan
nhất; hiện đang trong tình trạng thế tục hóa và đóng cửa hàng loạt giáo xứ.
Trong bối cảnh khó khăn đó, Đức Hồng Y Willem Eijk đã nỗ lực mang ánh sáng của
Chúa Kitô đến với dân tộc mình và thế giới.
Đức Hồng Y Eijk ủng hộ Công đồng, tin rằng Công đồng là cần thiết và là công
trình của Chúa Thánh Thần. Các ơn gọi trong Tổng giáo phận Utrecht ban đầu tiếp
tục giảm mạnh sau khi ngài đảm nhận vai trò là tổng giám mục, nhưng trong thập
niên qua, số lượng vẫn ổn định, bất chấp những luồng gió ngược của chủ nghĩa thế
tục mạnh mẽ trên khắp Hòa Lan.
Ngài được coi là người chính thống và ủng hộ sự sống, và có lòng sùng kính Đức
Mẹ cách đặc biệt. Các sáng kiến tông đồ của ngài tập trung vào việc khôi phục
tình yêu đối với Bí tích Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria, giáo lý gia đình và
truyền giáo cá nhân. Kinh nghiệm của Đức Hồng Y Eijk với tư cách là một bác sĩ
và một nhà thần học đạo đức đã cung cấp cho ngài các công cụ để giải quyết các
vấn đề tiên tiến có hậu quả sống còn, đặc biệt là an tử và thụ tinh trong ống
nghiệm.
Mặc dù ngài đã phải đau lòng đóng cửa nhiều giáo xứ ở Hòa Lan, một công việc đã
thu hút sự chỉ trích đáng kể từ mọi phía, ngài đã làm như vậy chủ yếu theo yêu
cầu của chính Giáo hội địa phương và trong cuộc đối thoại với những người bị ảnh
hưởng bởi những quyết định này. Ngài không hề nao núng trước sự mất lòng dân mà
những hành động như vậy đã gây ra cho ngài.
Rõ ràng và không khoan nhượng khi nói đến giáo lý của Giáo hội, Đức Hồng Y Eijk
thể hiện tình yêu chân lý Công Giáo ngay cả khi nó không được ưa chuộng, như thể
hiện qua sự sẵn lòng bảo vệ thông điệp Humanae Vitae và duy trì tính bất khả
phân ly của hôn nhân chỉ giữa một người đàn ông và một người phụ nữ và là nơi đặc
quyền cho hành vi vợ chồng. Ngài cũng phản đối các phước lành đồng giới, nhưng
với sự khéo léo và ngoại giao đặc trưng.
Sự nhấn mạnh của ngài về giáo lý của Chúa Kitô liên quan đến chức tư tế độc
thân, toàn nam giới là dấu hiệu của sự mâu thuẫn đối với một số người. Trong
khi có lòng trắc ẩn đối với người tị nạn và nhấn mạnh đến nhu cầu chăm sóc họ,
đặc biệt là đối với các Kitô hữu chạy trốn khỏi cuộc đàn áp, Đức Hồng Y Eijk đã
nói rằng những người di cư kinh tế thường có nghĩa vụ xây dựng đất nước quê
hương của họ; và họ có nghĩa vụ với đất nước mà họ nhập cư vào. Ngài cũng đã
nói rõ ràng về những khác biệt cơ bản giữa đạo Hồi và Kitô giáo. Đức Hồng Y
Eijk coi trọng sự tôn kính trong phụng vụ nhưng cho đến nay vẫn giữ mình tránh
xa vấn đề gây tranh cãi là hạn chế Thánh lễ La tinh Truyền thống.
Trong đại dịch Covid, Đức Hồng Y là người ủng hộ nhiệt thành việc tiêm vắc-xin
phòng ngừa vi-rút, dựa trên kiến thức y khoa của mình. Bất chấp những lo ngại về
tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin, cùng những lo ngại về mặt đạo đức khác,
ngài coi việc sử dụng chúng là “nghĩa vụ đạo đức” để bảo vệ bản thân và những
người khác khỏi vi-rút.
Trong nhiều năm qua, Đức Hồng Y Eijk đã quen với những lời chỉ trích gay gắt vì
sự trung thành không hề nao núng của ngài với Đức tin Công Giáo trong mọi khía
cạnh, nhưng ngài vẫn là tấm gương cho các mục tử mong muốn “chăn dắt đàn chiên”
mà Chúa Kitô đã giao phó, bất kể có bao nhiêu con sói đang rình rập xung quanh.
Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Hòa Lan, Đức Hồng Y Eijk còn thông thạo tiếng Ý và
tiếng Anh và thành thạo nhiều ngôn ngữ khác nữa.
Đức Hồng Y Eijk đã nhấn mạnh rằng giáo huấn Công Giáo không thể thay đổi được bằng
áp lực văn hóa hoặc xã hội. Hơn nữa, ngài coi đó là một chủ đề đang hấp hối
không còn liên quan đến những người trẻ đang tìm cách gặp gỡ Chúa Kitô trong
Giáo Hội Công Giáo. Trong bài giảng lễ truyền chức vào tháng 11 năm 2024, ngài
nói rằng “những người trẻ không đến nhà thờ để thảo luận về việc truyền chức
cho phụ nữ, vì đó là chủ đề từ những năm 1960 mà họ không còn hứng thú nữa. Họ
đến để cầu nguyện”.
Đức Hồng Y Eijk chỉ trích quyết định của các giám mục Flemish về việc đưa ra
các nghi lễ chúc lành đồng giới và cho các cặp trong tình trạng bất quy tắc và
tin rằng những mối quan hệ bất thường như vậy không thể được ban phước “vì
chúng là những mối quan hệ trái ngược với trật tự sáng tạo của Chúa”.
Ngài bênh vực luật độc thân linh mục và thường xuyên giải thích lý do tại sao
ngài tin rằng luật độc thân không thể tách rời khỏi chức linh mục.
Ngài tin rằng bất kỳ người nào mong muốn rước lễ phải ở trong tình trạng có thể
nhận được ân sủng được ban trong bí tích.
Đức Hồng Y Eijk cũng là một người bất đồng đối với Tiến Trình Công Nghị Đức và
nhiều lần bài bác các chủ trương mà các Giám Mục Đức hô hào như việc ban phước
lành cho người đồng giới và chức phó tế dành cho nữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét