Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đến Kyiv vào thứ Hai nhân kỷ
niệm 3 năm chiến tranh
Ngày 24 tháng 2 tới đây, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu
(EU) sẽ có mặt tại thủ đô Kyiv của Ucraina để tái khẳng định sự ủng hộ của châu
Âu dành cho Tổng thống Zelensky. Trong khi đó, theo các nguồn tin ngoại giao,
Hoa Kỳ đã từ chối ủng hộ một dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc
tấn công của Nga.
Vatican News
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Châu Âu sẽ có mặt tại Kyiv vào
ngày kỷ niệm 3 năm chiến tranh. Sự hiện diện của họ tại Kyiv không chỉ là minh
chứng cho sự gần gũi của Châu Âu đối với Tổng thống Zelensky, mà còn là một phản
ứng trước những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi cuộc gặp của
ông với các quan chức cấp cao của Điện Kremlin tại Riyadh mà không có sự tham
gia của Ucraina và châu Âu.
Cuộc gặp Pháp-Hoa Kỳ
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ không tham
dự cuộc gặp tại Kyiv, vì ông dự kiến sẽ có mặt tại Nhà Trắng vào đúng ngày 24
tháng 2. Ông Macron nhấn mạnh và khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Tổng thống
Zelensky rằng: “Tôi sẽ nói với ông Trump rằng không được tỏ ra yếu thế trước
Putin”. Ông Macron phản bác lại tuyên bố của ông Trump rằng nhà lãnh đạo
Ucraina là “một kẻ độc tài nắm quyền mà không qua bầu cử”. Ông Macron khẳng định:
Ông Zelensky “là tổng thống được bầu lên từ một hệ thống tự do”. Cuộc gặp giữa
hai tổng thống Macron và Trump tại Nhà Trắng vào thứ Hai tới sẽ có ý nghĩa quan
trọng. Cũng không kém phần quan trọng là cuộc gặp song phương dự kiến diễn ra
vào thứ Năm giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh Keir Starmer. Được biết, chính
London và Paris đã đề xuất việc gửi quân đến Ucraina sau một thỏa thuận ngừng bắn
tiềm năng.
Nghị quyết Liên Hiệp Quốc
Hoa Kỳ đã từ chối ủng hộ một dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp
Quốc nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina, đồng thời Hoa Kỳ cũng phản đối
việc định nghĩa Nga là quốc gia “xâm lược” trong một tuyên bố của nhóm G7. Dự
thảo này, vốn nhấn mạnh việc tôn trọng chủ quyền của Ucraina trong các biên giới
được quốc tế công nhận, đã nhận được sự ủng hộ của hơn 50 quốc gia. Trong khi
đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã giải thích rằng cuộc gặp gỡ gần đây tại
Riyadh với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov nhằm xác minh liệu Nga có thực sự
muốn chấm dứt chiến tranh ở Ucraina hay không. Ông Rubio nói: “Tôi chưa thể trả
lời câu hỏi liệu họ có nghiêm túc về hòa bình hay không. Điều duy nhất chúng
tôi đồng ý là sẽ tiếp tục nói chuyện về hòa bình”.
Vai trò của Trung Quốc
Trung Quốc cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ý định của Tổng
thống Mỹ Donald Trump trong việc đạt được một thỏa thuận với Nga để chấm dứt
chiến tranh ở Ucraina. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao
G20 ở Johannesburg, Nam Phi, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhấn mạnh rằng
Bắc Kinh “mong muốn tất cả các bên liên quan có thể tìm ra một giải pháp bền vững
và lâu dài, quan tâm đến những lo ngại lẫn nhau”. Ông cũng tái khẳng định sự sẵn
sàng của Trung Quốc trong việc “đóng vai trò xây dựng để giải quyết chính trị
cuộc khủng hoảng, tôn trọng nhu cầu của các bên liên quan”.
https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2025-02/cac-nha-lanh-dao-chau-au-se-den-kyiv.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét