DẠY CON CẦU
NGUYỆN VỚI CHUỖI MÂN CÔI:
HƯỚNG DẪN
THEO TỪNG ĐỘ TUỔI
Lần chuỗi Mân Côi cùng con là
một lời mời gọi bước vào những mầu nhiệm cuộc đời Đức Giêsu.
Dạy con trẻ biết đến vẻ đẹp của chuỗi kinh Mân Côi là một món
quà thiêng liêng vốn có thể theo con suốt cả cuộc đời. Dù vậy, để dạy trẻ thực
hành lòng sùng kính này đòi hỏi một cách tiếp cận phù hợp với từng giai đoạn
phát triển của con. Dưới đây là những gợi ý cha mẹ có thể dạy con trẻ lần chuỗi
Mân Côi ở mọi lứa tuổi, không chỉ để vun đắp đời sống đức tin của con mà còn
làm thêm phong phú thêm chính đời sống cầu nguyện của chúng ta – bởi dạy dỗ con
cái cũng là một hành trình biến đổi tâm hồn của chính chúng ta.
Giai đoạn sơ sinh và tập đi (0-3 tuổi): Gieo những hạt
giống đầu đời
Ở độ tuổi non nớt này, trẻ có thể chưa hiểu được hết ý nghĩa
của kinh Mân Côi hay việc cầu nguyện, nhưng các em có thể cảm nhận sâu sắc âm
điệu nhẹ nhàng và vẻ đẹp của lời kinh nguyện. Hãy bế con vào lòng trong giờ
kinh gia đình và để con lắng nghe âm thanh êm dịu của những lời kinh Kính Mừng
và Lạy Cha. Trẻ sơ sinh thường có phản ứng tích cực trước âm điệu êm ái của những
lời kinh lặp đi lặp lại.
Hãy sử dụng một chuỗi Mân Côi nhiều màu sắc và an toàn cho
trẻ để đem đến cho con một trải nghiệm về mặt xúc giác. Một gia đình mà tôi biết
đã tặng con mình một chuỗi Mân Côi bằng vài mềm khi bé vừa tròn một tuổi, và dần
dần, vật nhỏ bé ấy trở thành một phần trong thói quen trước giờ ngủ của bé. Mỗi
tối, họ đọc một kinh Kính Mừng trước khi đặt chuỗi Mân Côi vào nôi của con.
Theo thời gian, đứa bé dần cảm nhận được chuỗi kinh Mân Côi gắn liền với tình
yêu thương và sự bình an. Khi trẻ bước vào giai đoạn tập đi, việc hướng dẫn con
sẽ đòi hỏi nhiều sự kiên trì và động viên hơn, nhưng nguyên tắc vẫn không thay
đổi. Khi bé sẵn sàng, hãy kết hợp dần những cách thực hành phù hợp với lứa tuổi
tiếp theo.
Giai đoạn Mẫu giáo (3-5 tuổi): Biến kinh Mân Côi thành
trải nghiệm cụ thể
Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo rất hiếu kỳ và thích các hoạt động
tương tác thực tế. Ở giai đoạn này, hãy tập trung vào việc giới thiệu cho trẻ
các phần cấu thành một chuỗi kinh Mân Côi theo cách trực quan và dễ hiểu. Bạn
có thể bắt đầu bằng một chục kinh kết hợp với một suy niệm ngắn gọn về mầu nhiệm
tương ứng. Hãy sử dụng một quyển truyện tranh về cuộc đời Chúa Giêsu hoặc Đức
Maria để giúp trẻ dễ hình dung hơn. Các bức hình minh họa sẽ giúp ích rất nhiều!
Một cách bạn có thể áp dụng là tạo ra một “Bảng theo
dõi kinh Mân Côi” với các hình dán tương ứng với mỗi kinh được đọc. Một
người bạn của tôi kể rằng con gái bốn tuổi của cô ấy rất thích tự tay dán một
ngôi sao lên bảng mỗi khi cô bé đọc xong một kinh Kính Mừng, và dần sau đó là
hoàn thành một chục kinh. Cách này vừa giúp duy trì sự tập trung vừa mang đến
niềm vui và một cảm giác thành tựu cho cô bé. Vợ tôi thì thường sử dụng nam
châm, và cô ấy còn một vòng quay kinh Mân Côi bằng gỗ để sau mỗi kinh Kính Mừng,
các con sẽ thả một viên bi gỗ vào khe trống. Bạn không nhất thiết phải áp dụng
y hệt những cách này, thay vào đó hãy chú trọng vào việc lặp lại lời kinh theo
một cách sinh động và giúp con trẻ suy ngẫm các mầu nhiệm, như thế là bạn đang
rèn luyện rất nhiều kỹ năng quý giá cho con.
Giai đoạn đầu Tiểu học (6-8 tuổi): Đào sâu sự hiểu biết
của con
Khi bước vào tuổi đi học, trẻ sẽ lắng nghe tốt hơn và dần hiểu
rõ hơn ý nghĩa của chuỗi kinh Mân Côi. Hãy dạy con học thuộc kinh nếu con chưa
thuộc hết, đồng thời giải thích các mầu nhiệm cho con bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ
hiểu.
Bạn có thể cân nhắc kết hợp sử dụng các hình ảnh trực quan,
như sách kinh Mân Côi với những hình ảnh minh họa đẹp mắt cho trẻ. Một cách thú
vị khác cho bạn là tái hiện các mầu nhiệm bằng hành động thực tế. Ví dụ, khi
suy niệm về mầu nhiệm Giáng Sinh, bạn có thể cùng trẻ dựng một máng cỏ nhỏ hoặc
khuyến khích trẻ vẽ lại cảnh Chúa Giáng Sinh. Cách tiếp cận này này sẽ biến chuỗi
Mân Côi thành một hành trình đức tin đầy sống động.
Tôi vẫn nhớ một người mẹ từng kể rằng con gái bảy tuổi của
cô luôn mong chờ đến thứ Sáu để được dẫn kinh trong giờ kinh gia đình. Cô bé
luôn tự hào nhắc rằng “Hôm nay đến lượt con rồi”. Việc trao trách nhiệm cho con
trẻ sẽ vun đắp mối tương quan sâu sắc hơn giữa con với việc cầu nguyện. Cô con
gái vừa lên sáu của tôi, vốn là đứa rất hiếu động trong bữa ăn, hôm trước bỗng
nói: “Con muốn được dẫn kinh.”
“Tốt lắm, con có thể làm điều đó vào ngày mai” Tôi đã hứa với
con như vậy, nhưng rồi lại quên béng. Vậy mà tối hôm sau, con hào hứng nhắc lại
và vô cùng háo hức khi thấy cả nhà cùng theo lời mình đọc. Khi ta giúp con trẻ
thêm tự tin trong việc cầu nguyện, bạn sẽ nhận ra chính mình cũng đang thêm vững
vàng trong đức tin.
Giai đoạn cuối Tiểu học – đầu Trung học (9-12 tuổi):
Đào sâu đời sống cầu nguyện
Ở độ tuổi này, trẻ đã đủ lớn để lần trọn một chuỗi Mân Côi,
nhưng có thể vẫn cần thêm đôi chút sự hướng dẫn. Hãy giúp con suy ngẫm các mầu
nhiệm bằng cách liên hệ với chính đời sống của mình. Chẳng hạn, khi ngắm Năm Sự
Thương, hãy giúp con trẻ liên tưởng đến những khoảnh khắc mà các em thấy buồn
hay cần phải tha thứ cho một ai đó. Điều này sẽ giúp lời kinh Mân Côi thêm gần
gũi với đời sống của con hơn. Hãy để trẻ tham cách chủ động, ví dụ như cho con
dẫn từng chục kinh, hay chia sẻ những suy tư của con về một mầu nhiệm bất kì
trước khi bắt đầu lần hạt.
Tuổi Thiếu niên (13 tuổi trở lên): Khi chuỗi Mân Côi
trở thành một phần cuộc đời
Ở lứa tuổi này, thanh thiếu niên có thể sẽ dần mất hứng thú
với những hình thức cầu nguyện rập khuôn lặp đi lặp lại, nhưng sâu thẳm trong
các em vẫn là khát khao tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống và sự kết nối thiêng
liêng. Hãy giúp các em nhìn nhận chuỗi Mân Côi như một nguồn ủi an và sức mạnh
cho cuộc sống, nhất là khi đối diện với những cơn gian nan thử thách. Bạn có thể
thử kể cho con nghe về những vị thánh đã tìm được sự bình an nơi chuỗi Mân Côi,
như thánh Đa Minh hay cha thánh Piô Năm Dấu.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng công nghệ để giúp các con dễ tiếp
cận hơn. Các ứng dụng như “Laudate” thường có những bài hướng dẫn lần chuỗi Mân
Côi, giúp thanh thiếu niên có thể chủ động cầu nguyện một cách riêng tư. Một
người cha từng chia sẻ với tôi rằng cậu con trai mình, dù lúc đầu không mấy hứng
thú, nhưng đã bắt đầu lần chuỗi trong lúc chạy bộ buổi sáng sau khi cậu tìm được
một bản thu âm phù hợp. “Nó đã trở thành thời gian để con tập trung suy
ngẫm,” cậu thiếu niên ấy chia sẻ.
Một số lời khuyên nhỏ
Hãy kiên nhẫn và đừng quá cứng nhắc: Trẻ nhỏ thường
dễ mất tập trung, và điều đó hoàn toàn bình thường. Nếu con thấy bồn chồn và bắt
đầu xao nhãng, đừng ép buộc. Điều quan trọng ở đây là giúp các em cảm nhận chuỗi
Mân Côi như một trải nghiệm tốt lành.
Tạo một không gian thiêng liêng: Hãy chuẩn bị một
góc cầu nguyện nhỏ trong nhà với thánh giá, nến, và có thể là một bức tranh Đức
Mẹ. Điều này sẽ giúp giờ cầu nguyện trở nên đặc biệt. Gia đình tôi cũng thường
xông hương trầm, và nó giúp các con chăm chú hơn và cảm nhận sự thánh thiêng
trong tâm thế tĩnh lặng và tò mò.
Dẫn dắt bằng hành động: Con trẻ học hỏi bằng
cách quan sát. Bạn có thể giải thích cần lần chuỗi và ý nghĩa của chuỗi Mân Côi
nhiều lần với con, nhưng chỉ khi các con nhìn thấy bạn lần chuỗi đều đặn, chúng
sẽ tự cảm nhận được giá trị và ý nghĩa thực sự của chuỗi này.
Cầu nguyện cho con: Ngay cả khi các con còn quá
nhỏ để hiểu và lần trọn một chuỗi, hay trong cả những năm tháng bạn phải tự hỏi
tại sao con mình có thể quên cả việc cơ bản như dùng lăn khử mùi, những lời cầu
nguyện của bạn vẫn là vô giá với sự phát triển trong đời sống đức tin của con.
Lần chuỗi Mân Côi cùng con là một lời mời gọi bước vào những
mầu nhiệm cuộc đời Đức Giêsu. Khi bạn linh hoạt trong cách tiếp cận theo từng
giai đoạn trưởng thành của con nghĩa là bạn đang vun đắp nơi chúng một tình yêu
bền vững dành cho lời kinh đầy sức mạnh này, một tình yêu sẽ đồng hành cùng các
con suốt cả đời này.
Nguồn: catholicexchange.com
Tác giả: Shaun McAfee
Chuyển ngữ: Nam Anh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét