Sứ điệp Mùa Chay 2025 của Đức Thánh Cha
Để đồng hành với các tín hữu trong hành trình Mùa Chay
Thánh, vào ngày 25/2/2025, Đức Thánh Cha đã cho công bố Sứ điệp Mùa Chay năm
2025. Sứ điệp có tựa đề "Chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong hy vọng",
trong đó Đức Thánh Cha chia sẻ với các tín hữu "ý nghĩa của việc cùng nhau
bước đi trong hy vọng và khám phá lời kêu gọi hoán cải mà lòng thương xót của
Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta, với tư cách là cá nhân và cộng đoàn".
Sứ điệp Mùa Chay 2025 của Đức Thánh Cha
Chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong hy vọng
Anh chị em thân mến!
Với nghi thức sám hối xức tro trên đầu, chúng ta bắt đầu cuộc
hành hương thường niên của Mùa Chay Thánh, trong đức tin và đức cậy. Giáo hội,
là mẹ và là thầy, mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn và mở lòng đón nhận ân sủng
của Thiên Chúa để có thể hân hoan cử hành chiến thắng phục sinh của Chúa Kitô
trên tội lỗi và sự chết, như Thánh Phaolô đã thốt lên: "Tử thần đã bị chôn
vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử
thần, đâu là nọc độc của ngươi (1Cr 15,54-55). Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô, đã chịu
đóng đinh và sống lại, là trung tâm đức tin của chúng ta và là bảo đảm cho niềm
hy vọng của chúng ta vào lời hứa trọng đại của Chúa Cha, lời hứa đã được thực
hiện nơi Con yêu dấu của Người: sự sống đời đời (x. Ga 10,28; 17,3)[1].
Trong Mùa Chay này, khi chúng ta cùng nhau chia sẻ ân sủng của
Năm Thánh, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một số suy tư về ý nghĩa của việc cùng
nhau bước đi trong hy vọng và khám phá lời kêu gọi hoán cải mà Thiên
Chúa, với lòng thương xót của Người, dành cho tất cả chúng ta, như là những cá
nhân và cộng đoàn.
Trước hết là bước đi. Khẩu hiệu của Năm Thánh,
“Những người hành hương hy vọng”, gợi nhớ đến cuộc hành trình dài của dân
Israel hướng về Đất Hứa, được thuật lại trong sách Xuất Hành: cuộc hành trình
khó khăn từ tình trạng nô lệ đến tự do, được mong muốn và hướng dẫn bởi Đức
Chúa, Đấng yêu thương dân Người và luôn trung thành với họ. Và chúng ta không
thể nhắc đến cuộc xuất hành trong Kinh Thánh mà không nghĩ đến nhiều anh chị em
ngày nay đang chạy trốn khỏi những tình cảnh nghèo đói và bạo lực để tìm kiếm một
cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và những người thân yêu của họ. Lời kêu gọi
hoán cải đầu tiên xuất phát từ thực tế là tất cả chúng ta đều là những người
hành hương trong cuộc sống; mỗi người được mời gọi dừng lại và tự hỏi cuộc sống
của chúng ta phản ánh sự thật này như thế nào? Tôi có thực sự đang bước đi hay
đang bị tê liệt, trì trệ, sợ hãi và tuyệt vọng, hoặc ngần ngại bước ra khỏi
vùng an toàn của mình? Tôi có đang tìm những cách giải thoát bản thân khỏi những
tình huống tội lỗi và hạ thấp phẩm giá của tôi không? Sẽ là một bài tập Mùa
Chay tốt cho chúng ta khi so sánh cuộc sống hàng ngày của mình với cuộc sống của
một người di cư hoặc người nước ngoài, để học cách đồng cảm với những trải nghiệm
của họ và bằng cách này khám phá ra điều Thiên Chúa đang yêu cầu chúng ta để
chúng ta có thể tiến triển tốt hơn trên hành trình về nhà Cha. Đây sẽ là một
“cuộc xét mình” tốt cho tất cả chúng ta, những người lữ hành.
Điểm thứ hai, chúng ta hãy cùng nhau hành
trình. Cùng nhau bước đi, hiệp hành, chính là ơn gọi của Giáo hội[2].
Các Kitô hữu được kêu gọi cùng nhau bước đi, chứ không phải như những lữ khách
đơn độc. Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính mình để hướng về Thiên
Chúa và anh chị em mình, và đừng bao giờ khép kín mình lại[3].
Bước đi cùng nhau có nghĩa là củng cố sự hiệp nhất được đặt nền trên phẩm giá
chung của con cái Thiên Chúa (x. Gl 3,26-28); nghĩa là bước đi bên cạnh nhau,
không chà đạp hay lấn át người khác, không đố kỵ hay giả tạo, không để ai bị bỏ
lại phía sau hay cảm thấy bị loại trừ. Chúng ta hãy cùng đi về một hướng, hướng
tới cùng một mục tiêu, quan tâm đến người khác bằng tình yêu thương và sự kiên
nhẫn.
Trong Mùa Chay này, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta kiểm chứng
xem trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình, tại nơi làm việc, trong giáo
xứ hay cộng đoàn tu trì, chúng ta có khả năng đồng hành với người khác, lắng
nghe, vượt qua cám dỗ thu mình vào sự tự tham chiếu và chỉ quan tâm đến nhu cầu
của riêng mình hay không. Chúng ta hãy tự hỏi trước Chúa xem, liệu chúng ta, với
tư cách là các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân phục vụ Vương quốc Thiên
Chúa, có thể cùng làm việc với nhau hay không. Liệu chúng ta có thái độ chào
đón, bằng những cử chỉ cụ thể, những người đến gần chúng ta và những người ở xa
chúng ta không. Liệu chúng ta có làm cho mọi người cảm thấy họ là một phần của
cộng đồng hay để họ ở bên lề[4].
Đây là lời kêu gọi hoán cải thứ hai: hoán cải hiệp hành.
Điểm thứ ba là chúng ta cùng nhau thực hiện hành trình
này trong hy vọng, bởi vì chúng ta được ban một lời hứa. Ước
gì hy vọng không làm chúng ta thất vọng (x. Rm 5,5), sứ điệp
trung tâm của Năm Thánh[5],
trở thành điểm quy chiếu cho hành trình Mùa Chay của chúng ta hướng đến chiến
thắng Phục Sinh. Như Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã dạy chúng ta trong Thông điệp Spe
Salvi, “con người cần tình yêu vô điều kiện. Con người cần sự chắc chắn khiến
họ phải nói: 'Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực,
hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay
bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình
yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta' (Rm 8,
38-39)[6].
Chúa Giêsu, tình yêu và hy vọng của chúng ta, đã phục sinh[7].
Người đang sống và hiển trị trong vinh quang. Sự chết đã được biến đổi thành
chiến thắng và đức tin cùng hy vọng lớn lao của người Kitô hữu đặt vào điều
này: sự phục sinh của Chúa Kitô!
Và đây là lời kêu gọi hoán cải thứ ba: đó là lời kêu gọi hy
vọng, tin tưởng vào Thiên Chúa và vào lời hứa vĩ đại của Người về sự sống vĩnh
cửu. Chúng ta phải tự hỏi: Tôi có tin chắc rằng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của
tôi không? Hay tôi hành động như thể tôi có thể tự cứu mình? Tôi có khao khát
ơn cứu độ và cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa để đón nhận ơn cứu độ không?
Tôi có sống cụ thể niềm hy vọng giúp tôi diễn giải các sự kiện trong lịch sử và
thúc đẩy tôi dấn thân thực hiện công lý, tình huynh đệ, chăm sóc ngôi nhà
chung, và theo cách mà không ai bị bỏ lại phía sau không?
Thưa anh chị em, nhờ tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu
Kitô, chúng ta được nâng đỡ trong niềm hy vọng không làm chúng ta thất vọng (x.
Rm 5,5). Hy vọng là “mỏ neo chắc chắn và kiên định của tâm hồn”[8].
Hy vọng thúc đẩy Giáo hội cầu nguyện cho "tất cả mọi người được cứu độ"
(1 Tm 2,4) và chờ đợi để được hưởng vinh quang thiên đàng cùng với Chúa Kitô,
Phu Quân của mình. Đây là lời cầu nguyện của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Hãy
hy vọng, linh hồn tôi ơi, hãy hy vọng. Bạn không biết ngày nào hay giờ nào. Hãy
thật tỉnh thức, bởi vì mọi thứ trôi qua trong chớp mắt, mặc dù sự thiếu kiên nhẫn
của bạn có thể khiến điều chắc chắn trở nên không chắc chắn, và khiến một thời
gian rất ngắn trở nên thật dài" (Lời than thở của tâm hồn với Thiên
Chúa, 15, 3)[9].
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Hy Vọng, chuyển cầu cho chúng
ta và đồng hành cùng chúng ta trên hành trình Mùa Chay.
Roma, Đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 6 tháng 2 năm
2025,
lễ nhớ Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo.
PHANXICÔ
[1] X.
Tông thư Dilexit nos (24/10/2024), 220.
[2] X. Bài
giảng Thánh lễ tuyên phong hai Chân phước Giovanni Battista Scalabrini e
Artemide Zatti, 09/10/2022.
[3] X.
Ibid.
[4] X.
Ibid.
[5] X.
Tông sắc Spes non confundit, 1.
[6] Tông
thư Spe salvi (30/11/2007), 26.
[7] X.
Ca tiếp liên Chúa Nhật Phục Sinh.
[8] X. Giáo
lý Giáo hội Công giáo, 1820.
[9] Ivi,
1821.
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-02/su-diep-duc-thanh-cha-mua-chay-2025.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét