Phó Tổng thống Vance trích dẫn sai lập trường
thương thuyết hòa bình của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Hội nghị An
ninh Munich
Vũ Văn An 15/Feb/2025
Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance phát biểu
trước khán giả trong Hội nghị An ninh Munich tại Khách sạn Bayerischer Hof ở
Munich, Đức, Thứ sáu, ngày 14 tháng 2 năm 2025. (Nguồn: Matthias Schrader/AP.)
Charles Collins của tạp chí mạng Crux, ngày 15 tháng 2 năm
2025, cho hay: Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance không ngần ngại sử dụng đức tin
Công Giáo của mình làm chủ đề thảo luận vào thứ năm. Thực thế, ông đã kết thúc
bài phát biểu của mình tại Hội nghị An ninh Munich bằng cách trích dẫn Đức
Gioan Phao-lô II.
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, Vance - người đã trở lại Công Giáo vào
năm 2019 - đã nói về tôn giáo của mình khi tranh luận về đạo đức trong các
chính sách thường gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.
Tuần này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ trích những nỗ lực trục xuất người nhập
cư không có giấy tờ của chính quyền Trump, bao gồm cả việc thách thức trực tiếp
mô tả của Vance về lời dạy ordo amoris [tiếng Latin có nghĩa là "thứ bậc của
tình yêu"].
Hội nghị An ninh Munich lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1963. Những người
tham gia là các nhà ngoại giao, lãnh đạo quân sự và chuyên gia an ninh từ các
quốc gia thành viên của NATO và Liên minh Châu Âu, mặc dù các quốc gia khác
cũng cử đại diện.
Năm nay, Vance đã gây sốc cho những người tham gia khi phàn nàn về tình trạng tự
do tôn giáo trên lục địa này.
"Mọi thứ từ chính sách Ukraine của chúng tôi đến kiểm duyệt kỹ thuật số đều
được coi là bảo vệ nền dân chủ. Nhưng khi chúng ta thấy các tòa án châu Âu hủy
bỏ các cuộc bầu cử và các quan chức cấp cao đe dọa hủy bỏ các cuộc bầu cử khác,
chúng ta nên tự hỏi liệu chúng ta có đang tự đặt ra một tiêu chuẩn cao phù hợp
hay không. Và tôi nói chúng ta, vì về cơ bản tôi tin rằng chúng ta cùng chung một
đội", Phó Tổng thống Hoa Kỳ cho biết.
“Trong khi chính quyền Trump rất quan tâm đến an ninh châu Âu và tin rằng chúng
ta có thể đạt được một giải pháp hợp lý giữa Nga và Ukraine – và chúng tôi cũng
tin rằng điều quan trọng trong những năm tới là châu Âu phải hành động mạnh mẽ
để tự bảo vệ mình – thì mối đe dọa mà tôi lo lắng nhất đối với châu Âu không phải
là Nga, không phải là Trung Quốc, không phải bất cứ thế lực bên ngoài nào
khác”, Vance cho biết.
“Điều tôi lo lắng là mối đe dọa từ bên trong”, Vance nói tiếp. “Sự thoái lui của
châu Âu khỏi một số giá trị cơ bản nhất của mình: Các giá trị chung với Hoa Kỳ”.
“Hơn hai năm trước, chính phủ Anh đã buộc tội Adam Smith Conner, một bác sĩ vật
lý trị liệu 51 tuổi và là cựu chiến binh Lục quân, về tội ác tày đình là đứng
cách một phòng khám phá thai 50 mét và cầu nguyện thầm trong ba phút, không cản
trở bất cứ ai, không tương tác với bất cứ ai, chỉ thầm cầu nguyện một mình”,
ông cho biết.
Cuối bài phát biểu, Vance nói rằng “tin vào dân chủ là hiểu rằng mỗi công dân của
chúng ta đều có khôn ngoan và có tiếng nói”.
“Và nếu chúng ta từ chối lắng nghe tiếng nói đó, ngay cả những cuộc đấu tranh
thành công nhất của chúng ta cũng sẽ không đạt được nhiều thành quả. Như Đức
Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II, theo quan điểm của tôi, một trong những nhà đấu
tranh phi thường nhất cho nền dân chủ ở lục địa này hay bất cứ lục địa nào
khác, đã từng nói, ‘đừng sợ’. Chúng ta không nên sợ người dân của mình ngay cả
khi họ bày tỏ quan điểm không đồng tình với sự lãnh đạo của họ”, Vance kết luận.
Phó tổng thống không hề ngại ngùng về đức tin của mình, và những người phản đối
đã phàn nàn rằng người Công Giáo “mới” này thường xuyên trình bày sai lệch những
lời dạy của Giáo hội.
Họ có thể có một lập luận mạnh mẽ khi nhắc đến Thánh Gioan Phao-lô II trong một
cuộc họp gồm các thành viên của Liên minh Châu Âu và NATO.
Đức Gioan Phao-lô II là người ủng hộ mạnh mẽ cả hai thể chế này và nổi tiếng vì
đã hợp tác với Tổng thống Ronald Reagan trong việc đánh bại Liên Xô vào cuối
Chiến tranh Lạnh.
Phát biểu trước các thành viên của Học viện Quốc phòng NATO năm 1981, Đức Gioan
Phao-lô II cho biết mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình “không chỉ là việc tích
trữ vũ khí nguyên tử, mà còn là sự thao túng chính khái niệm hòa bình vì mục
đích của các bên ích kỷ”.
Trong cuộc họp với Học viện Quốc phòng vào năm sau, ngài đã trích dẫn lời của Đức
Phao-lô VI: “Hòa bình với sự yếu đuối (không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần),
với sự từ bỏ quyền lợi thực sự và công lý công bằng, với sự trốn tránh rủi ro
và hy sinh, với sự hèn nhát và khuất phục trước sự kiêu ngạo của người khác, và
do đó với sự chấp nhận chế độ nô lệ… Đây không phải là Hòa bình thực sự. Đàn áp
không phải là hòa bình. Hèn nhát không phải là hòa bình. Một giải pháp hoàn
toàn mang tính bên ngoài và áp đặt bằng nỗi sợ hãi không phải là hòa bình”.
Nga lần đầu tiên xâm lược Ukraine vào năm 2014, với một cuộc tấn công toàn diện
vào năm 2022. Các cuộc tấn công của Nga rất tàn bạo và bao gồm các cuộc ném bom
bừa bãi vào các khu vực dân sự trong thành phố và hàng nghìn thường dân thiệt mạng.
Khi Vance đang phát biểu, chính quyền Trump cho biết họ đang nói chuyện với Nga
và Ukraine về việc chấm dứt chiến tranh của họ.
Trump đã nói chuyện qua điện thoại với cả Tổng thống Ukraine Volodymyr
Zelenskyy và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin trong tuần này và cho biết ông muốn
"thỏa thuận" để chấm dứt chiến tranh, mặc dù Nga hiện đang kiểm soát
gần 20 phần trăm đất đai của Ukraine.
Gặp Vance sau bài phát biểu của ông, Zelensky cho biết ông cần "bảo đảm an
ninh thực sự" để đạt được thỏa thuận hòa bình.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát tin rằng một nền hòa bình như vậy vào thời
điểm này sẽ dành cho Ukraine theo kiểu mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã
chê bai: Một nền hòa bình với sự yếu đuối - cả về thể chất và đạo đức - "với
sự hèn nhát và khuất phục trước sự kiêu ngạo của người khác, và do đó với sự chấp
nhận chế độ nô lệ".
Phó Tổng thống Hoa Kỳ cho biết Châu Âu nên lắng nghe Đức Gioan Phao-lô II,
nhưng vị giáo hoàng thánh thiện đó có thể không coi bất kỳ giải pháp đàm phán
nào giữa Nga và Ukraine tại thời điểm này là "hòa bình thực sự".
http://vietcatholic.net/News/Html/294238.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét