GIA TĂNG LÒNG ĐẠO QUA BÍ TÍCH GIAO HÒA
Thánh Thomas Aquinas viết: “Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô
mang đến ơn tha tội cho mọi người, nhưng ơn tha tội đó cần được áp dụng cho cá
nhân từng linh hồn để thanh tẩy những tội riêng của họ”.
WGPPT (23/3/2025) - Đạo đức (Ethics) bắt nguồn từ tiếng
Hy Lạp ethos, chỉ một lối sống nhất quán với những đặc tính nền tảng
của một cộng đồng, như cách hành xử, thói quen, thái độ và niềm tin. Chúng hướng
dẫn một bộ phận người đưa ra những lựa chọn tốt nhất đồng thời cho thấy những dấu
chỉ rõ ràng cổ võ lợi ích chung của mọi người. Đạo đức áp dụng những nguyên tắc
chỉ đạo từ một nguồn bên ngoài. Giáo hội Công giáo được thiết lập bởi Chúa
Kitô, là một nguồn bên ngoài đó. Giáo hội là sự mở rộng và tiếp nối công cuộc
nhập thể và sứ mạng của Chúa.
Giáo hội chúng ta mang một tước hiệu cao quý là Nhiệm Thể
Chúa Kitô. Chúa Giêsu Kitô là Đầu của Nhiệm Thể, và Ngài ban cho chúng ta những
chuẩn mực đạo đức cao nhất qua các sách Tin mừng, giáo huấn của Giáo hội và các
truyền thống. Tuy nhiên, tội lỗi làm suy yếu Thân Thể Chúa Kitô, và do đó làm
suy giảm lòng đạo đức (ethos) Công giáo. Cho dù tội là một thực tế của cuộc sống
nhưng đồng thời chúng ta vẫn nỗ lực sống theo Chúa Giêsu, bất kể những tội lỗi
lớn nhỏ tràn lan trong xã hội và trong chính bản thân chúng ta. Những lựa chọn
của chúng ta có thể góp phần xây dựng hoặc phá hủy Nhiệm Thể này. Chọn phá hủy
tức là làm gia tăng những yếu tố hư hoại trong Thân Thể Chúa Kitô. Những tội
thường gặp như nói dối, thù hận, giận dữ, cay độc, tham ăn, phân biệt đối xử,
ích kỷ hoặc nói xấu, làm suy yếu Thân Thể Chúa Kitô ở trần gian.
Khi phạm tội, chúng ta tự tách mình khỏi Thiên Chúa và gây tổn
thương cho người khác. Nếu tình yêu của chúng ta dành cho một điều gì đó khiến
chúng ta xa rời tình yêu của Thiên Chúa, thì chúng ta đã yêu điều đó hơn cả
Thiên Chúa. Tình yêu đó gây tổn thương linh hồn và thậm chí có thể đưa đến cái
chết. Tội có thể trói buộc con người, giam hãm họ trong sự tự mãn. Thánh
Augustine định nghĩa tội là tình trạng bị đóng kín trong chính mình. Việc tập
trung hết vào cái tôi làm suy yếu sự hiểu biết về tội. Tội vẫn là tội, bất kể
người ta gọi nó bằng tên gì hay phạm nó bao nhiêu lần. Không nên xem nhẹ tội
thành những lỗi nhỏ nhặt, giảm bớt bằng cách dùng những từ ngữ hoa mỹ, hoặc biện
minh bằng những lý lẽ khôn khéo. Sự dữ trong một tội nào đó có thể trở nên mờ
nhạt đến mức không còn được nhận ra và trở thành điều bình thường mới.
Tội thường để lại một gánh nặng trong lòng, hoặc một nỗi buồn
thực sự, khi chúng ta làm điều sai trái. Chúng ta dễ dàng cảm thấy mình xấu xa
khi xúc phạm Thiên Chúa hoặc làm tổn thương người khác và day dứt một thời gian
dài về những gì mình đã làm. Sự dữ của tội có thể làm mờ tối cái nhìn của chúng
ta về bản thân, làm cạn kiệt năng lượng, suy yếu động lực, dập tắt hoài vọng và
khiến chúng ta rơi vào trạng thái chán nản và uể oải. Nó có thể cản trở sự trưởng
thành của chúng ta trong đời sống làm Kitô hữu nếu chúng ta tin vào lời dối trá
rằng mình xấu xa và không còn có thể cứu chữa. Nếu chúng ta bỏ bê việc lãnh nhận
Bí tích Giao hòa, nó có thể dễ dàng khiến chúng ta đánh giá thấp sức tàn phá của
tội, gây ra sự thờ ơ đối với tội, hoặc dẫn đến việc phạm đi phạm lại một tội
theo thói quen với suy nghĩ rằng nó đã trở thành một khuynh hướng bình thường.
Những tội nghiêm trọng, mang tính thói quen bị xem nhẹ thành những lỗi nhỏ nhặt
hoặc khiếm khuyết. Việc trì hoãn lãnh nhận Bí tích Giao hòa chỉ làm cho tâm hồn
thêm u tối.
Những căn bệnh của linh hồn, dù nhỏ hay lớn, đều có thể được
chữa lành. Ân sủng và những giáo huấn của Giáo hội mang lại sức sống và cứu chữa
linh hồn. Chúng giúp ta tránh xa những hoàn cảnh dễ dẫn đến tội và đưa ra những
lựa chọn đòi hỏi một lòng can đảm tối đa. Một lựa chọn lành mạnh là giải tỏa những
suy nghĩ tiêu cực đang đè nặng tâm trí. Đó là lý do Bí tích Giao hòa là một kho
tàng vô giá. Không gì mang lại sự bình an và một khởi đầu mới cho một người hơn
là việc thành thật nhìn nhận và xưng thú những điều xấu xa mình đã làm.
GIẢI PHÁP
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn
đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Chúa Giêsu đến,
đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các
ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người
lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy,
thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,19-23).
Đây chính là cách Chúa Giêsu, với tình yêu và lòng thương
xót vô biên, đã thiết lập Bí tích Giao hòa để thanh tẩy tâm hồn chúng ta.
Chúng ta đừng bao giờ trì hoãn việc lãnh nhận bí tích này bằng
cách viện lý do, tự mãn hoặc chần chừ. Đó chỉ là những ảo ảnh hão huyền ngăn cản
chúng ta đón nhận bí tích có sức biến đổi này. Giáo hội của chúng ta là một người
mẹ khôn ngoan, nhưng chúng ta phải vượt lên trên những lời lẽ đạo đức sáo rỗng,
những hành động mang tính hình thức, hoặc việc thực hành đạo một cách hời hợt để
tìm thấy sự khôn ngoan đó. Thường xuyên lãnh nhận Bí tích Giao hòa là một ơn
phúc vô song và một khía cạnh độc đáo làm phong phú thêm đời sống người Công
giáo. Bí tích này còn được gọi là Bí tích Thống hối, hay Bí tích Giải tội.
“Trong đời sống thể xác, con người đôi khi mắc bệnh, và nếu
không dùng thuốc, họ sẽ chết. Cũng vậy, trong đời sống tinh thần, con người
đau ốm vì tội. Vì lẽ đó, họ cần phương thuốc để được phục hồi sức khỏe; và ân sủng
này được ban tặng trong Bí tích Thống hối.” (Thánh Thomas
Aquinas)
Chúng ta được khuyến khích lãnh nhận bí tích chữa lành này
cách thường xuyên và chân thành. Việc lãnh nhận bí tích không nên được xem nhẹ,
bởi vì nó ban cho chúng ta những ân sủng cứu độ mà không nơi đâu có, đồng thời
mang lại sự trợ giúp cần thiết để chống lại những cám dỗ và làm cho chúng ta trở
thành những người Công giáo mạnh mẽ hơn. Chúng ta trở thành tấm gương phản chiếu
ánh sáng Chúa Kitô tốt hơn, đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn và làm cho
chúng ta thêm yêu mến Ngài. Lòng thương xót của Chúa Giêsu đạt đến mức độ phong
phú cao nhất trong bí tích dấu ái này. Xiềng xích của tội sẽ rơi xuống khi được
Vị Thầy Chí Thánh chạm đến và chúng ta được giải thoát. Tự do đích thực chính
là sự vắng bóng của tội.
CÁC BƯỚC LÃNH NHẬN
Trước khi lãnh nhận Bí tích Giao hòa, chúng ta cần chuẩn bị
bản thân bằng việc soi xét lương tâm. Có nhiều tài liệu hữu ích sẵn có hướng dẫn
cách xét mình kỹ lưỡng. Xét mình là một quá trình nhẹ nhàng, trong đó chúng ta
ngẫm nghĩ trong cầu nguyện về những tư tưởng, lời nói và hành động của mình để
nhận ra những tội đã phạm.
Sau đó, chúng ta kể tội của mình cho linh mục. Lãnh nhận Bí
tích Giao hòa cần sự can đảm và thành thật, đặc biệt khi chúng ta cảm thấy lo lắng
về nó. Thật không dễ dàng để thừa nhận tội lỗi, những điều phơi bày những khuyết
điểm và yếu đuối của chúng ta. Nếu cảm thấy lo lắng khi đi xưng tội, chúng ta
có thể chia sẻ điều đó với linh mục, và rất có thể ngài sẽ cầu nguyện cùng
chúng ta. Vị linh mục lắng nghe lời xưng tội là đại diện của Chúa Kitô. Ngài có
thể thấu hiểu và cảm thông đến mức giúp chúng ta can đảm để bắt đầu xưng tội.
Thực sự không có gì phải sợ. Ngài đã nghe đủ mọi chuyện, và ấn tín tòa giải tội
buộc ngài không được nhắc lại hay bàn tán bất cứ điều gì ngài nghe được trong
tòa giải tội.
Có thể đôi khi linh mục có những phản ứng gay gắt hoặc khó
chịu với chúng ta. Có lẽ ngài đang trải qua một ngày thật tệ hoặc đang ưu phiền
vì điều gì đó. Khi điều này xảy ra, chúng ta không nên trách cứ ngài hoặc lấy
đó làm lý do để không lãnh nhận bí tích nữa. Chúng ta được mời gọi tha thứ cho
ngài. Sau đó, chúng ta hãy dâng ngài cho Đức Maria và xin Mẹ giúp đỡ ngài.
Việc xưng tội của chúng ta không phải là để Thiên Chúa biết
những điều sai trái chúng ta đã phạm. Ngài đã biết tất cả. Việc xưng tội là để
bản thân ý thức rõ hơn chúng ta là những tội nhân và vì sao chúng ta rất cần
lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta cố gắng cảm nghiệm sự ăn năn hối cải ở
mức độ sâu xa bởi vì tội lỗi của chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng toàn
thiện và chúng ta phải yêu mến Ngài. Qua hành động ăn năn hối cải, chúng ta bày
tỏ với Thiên Chúa rằng chúng ta vô cùng hối hận về những tội lỗi của mình và
xin Ngài ban sức mạnh để chống lại những chước cám dỗ.
Linh mục sẽ cho chúng ta việc đền tội, một lời cầu nguyện hoặc
một hành động nào đó để bù đắp cho những tội lỗi của chúng ta và giúp chúng ta
cố gắng sửa đổi đời sống. Chúng ta quay về với Thiên Chúa nhờ sự hoán cải qua
việc xưng tội. Chúng ta tin chắc rằng tội làm tổn hại mối tương quan của chúng
ta với Thiên Chúa và với người khác. Việc xưng tội phải thúc đẩy một sự thay đổi
trong tâm hồn, từ đó dẫn đến sự thay đổi trong cách hành xử và hành động. Chúng
ta nhớ rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta cẩn trọng
trong cách đối xử với mọi người và giữ phép tắc khi ở với họ.
Việc xưng tội hữu ích cho linh hồn. Xưng tội cũng tốt cho cả
thể xác và tâm trí. Khi chúng ta được xá giải, cảm giác như tâm trí chúng ta đã
được gột sạch mọi điều xấu xa, những thứ dơ bẩn nhất. Một gánh nặng lớn đã được
trút khỏi vai chúng ta, tâm trí chúng ta được thanh thản và con tim cũng được đổi
mới.
Bí tích này thật đẹp và rất đơn giản. Thiên Chúa đến với
chúng ta qua Chúa Giêsu, nhờ vị linh mục. Việc xưng tội chân thành mang lại ơn
tha thứ và cũng là cơ hội để xin được trợ giúp vượt qua những khuynh hướng xấu
còn tiềm ẩn trong tâm trí. Nếu cảm thấy bị lôi kéo mạnh mẽ, chúng ta có thể
chia sẻ vắn tắt những khó khăn của mình với vị linh mục. Chúng ta thừa nhận rằng
mình chưa hoàn toàn làm chủ được bản thân và cần sự trợ giúp. Đây không phải là
dấu hiệu của sự yếu đuối mà là sức mạnh. Chúng ta nghĩ: “Tôi có thể làm tốt hơn
những gì mình đang làm.” Chúng ta thành tâm mong muốn đứng dậy và cố gắng lại.
Có lẽ một đôi tai lắng nghe, một lời nói nhẹ nhàng, một chút khích lệ, hoặc một
câu nói hữu ích từ vị linh mục sẽ giúp chúng ta trở nên những Kitô hữu tốt hơn.
Những gì linh mục nói có thể chính là điều chúng ta cần để bắt đầu lại. Việc
xưng tội với linh mục giúp chúng ta đương đầu với tội. Khi xưng tội, chúng ta
góp phần xây dựng Thân Thể Chúa Kitô. Việc xưng tội thường xuyên giúp chúng ta
ý thức rõ hơn về điều này, bởi chúng ta nhận ra rõ hơn những tội lỗi thường
ngày làm suy yếu Thân Thể Chúa Kitô như thế nào.
Thánh Bridget (Thụy Điển) dạy rằng: “Cũng như một con vật thồ
trở nên khỏe mạnh và đẹp đẽ hơn khi được ăn uống thường xuyên và đầy đủ hơn,
thì việc xưng tội cũng vậy, càng được thực hiện thường xuyên và càng cẩn thận,
đối với cả tội nhẹ lẫn tội nặng hơn, thì càng giúp linh hồn tiến bộ và làm đẹp
lòng Thiên Chúa đến nỗi dẫn đưa linh hồn đến tận trái tim của Ngài.”
SỬA CHỮA
Thánh Thomas Aquinas viết: “Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô mang
đến ơn tha tội cho mọi người, nhưng ơn tha tội đó cần được áp dụng cho cá nhân
từng linh hồn để thanh tẩy những tội riêng của họ… nghĩa là, Ngài đã ban ơn cứu
chuộc cho chúng ta để mỗi người có thể được giải thoát khỏi tội lỗi và trở về
tình trạng ân sủng, giống như một thầy thuốc chuẩn bị một phương thuốc có thể
chữa lành mọi bệnh tật trong tương lai.”
Vậy làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị một phương thuốc cần
thiết để chữa lành những bệnh tật của tâm hồn? Việc sửa chữa là một phương pháp
chữa trị tuyệt vời. Chúng ta cố gắng sửa chữa những lỗi lầm. Nói cách khác,
chúng ta nỗ lực sửa chữa những hư hại do tội gây ra. Có nhiều lời cầu nguyện
chuộc lỗi dâng lên Thiên Chúa và những hình thức chuộc lỗi khác cho những tội
chống lại Ngài và những tội chống lại nhân loại. Việc sửa chữa vô cùng cần thiết
trong xã hội ngày nay.
Khi Đức Maria hiện ra với ba trẻ em ở Fatima, Bồ Đào Nha, Mẹ
đã nói: “Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, hãy hy sinh cho những người tội
lỗi, vì có rất nhiều linh hồn xuống hỏa ngục do không ai cầu nguyện và hy sinh
cho họ.” Lời khẩn nài này là để chuộc lỗi thay cho những người tội lỗi không ăn
năn. Nhiều người trong số họ có thể được cứu nhờ những lời cầu nguyện và hy
sinh của người khác. Những người phạm tội trọng vẫn là chi thể trong Thân Thể
Chúa Kitô dù họ đã quay lưng lại với Ngài. Chúng ta hy vọng họ sẽ trở lại với
Thiên Chúa qua những hành động chuộc tội được thực hiện bởi những tín hữu thành
tín của Thân Thể Ngài. Chúng ta có thể biến mọi việc mình làm, đặc biệt là những
việc khó khăn, thành một hy sinh và dâng lên Thiên Chúa như một hành động chuộc
lỗi. Điều này bao gồm việc dâng lên những thử thách, gian khổ, đau đớn và thất
vọng mỗi ngày để cầu nguyện cho các linh hồn được cứu rỗi.
Monica là mẹ của Thánh Augustine. Bà đã phải vất vả rất nhiều
để nuôi dạy ông, và ông đã gây cho bà nhiều đau khổ và nước mắt. Khi còn là thiếu
niên, ông đã từ bỏ Kitô giáo và gia nhập một giáo phái khiến bà vô cùng lo lắng.
Ông sống một cuộc đời phóng đãng, lười biếng, thích những thú vui phù phiếm, sống
với một người phụ nữ và có con với cô ta. Suốt hai mươi năm, Monica đã dốc lòng
cầu nguyện cho đứa con trai lạc lối của mình và chuộc lỗi cho lối sống sai lạc
của ông. Những lời cầu nguyện của bà có vẻ như không được đáp lại. Những giọt
nước mắt của bà không mang lại sự an ủi. Tuy nhiên, bà không bỏ cuộc mà vẫn tiếp
tục cầu nguyện và đền tội cho những tội lỗi của con trai mình.
Và rồi điều đó đã xảy ra. Augustine đã thống hối và hoán cải.
Ông trở thành một linh mục, nhà triết học Kitô giáo, nhà thần học, người sáng lập
dòng tu, một giám mục và một văn sĩ Kitô giáo có ảnh hưởng lớn. Những cuốn sách
nổi tiếng nhất của ông là Tự Thuật và Thành Đô của
Thiên Chúa. Ông còn được biết đến là vị Giáo phụ Latin vĩ đại nhất của Giáo
hội. Augustine nói rằng mẹ ông đã sinh ra ông hai lần; lần thứ hai đòi hỏi một
sự khổ luyện tinh thần lâu dài bằng những lời cầu nguyện và nước mắt, nhưng cuối
cùng đã được đền đáp bằng niềm vui khi thấy ông không chỉ đón nhận đức tin và
chịu phép rửa mà còn dâng hiến trọn vẹn cuộc đời để phục vụ Chúa Kitô. Mẹ ông
là thánh bảo trợ của các bà mẹ và là một minh chứng cho việc các bà mẹ không
bao giờ nên ngừng cầu nguyện và chuộc lỗi cho những đứa con lầm lỡ của mình.
GIAO HÒA VỚI NHAU
Tha thứ là một hành động tuyệt vời để sự thánh thiện tiếp tục
tăng trưởng. Bởi vì Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta qua Bí tích Giao hòa, chúng
ta được thôi thúc mở rộng sự tha thứ cho nhau và cho chính mình mỗi ngày. Sự
tha thứ mở rộng và làm sâu sắc thêm khả năng yêu thương và được yêu thương của
chúng ta. Khi chúng ta xét mình xem chúng ta thánh thiện ra sao, với sự trợ
giúp của ân sủng từ Chúa Thánh Thần, chúng ta khám phá ra những hành động thiết
thực mà chúng ta có thể thực hiện để thể hiện tình yêu của chúng ta đối với
Thiên Chúa và đối với lợi ích của mọi người.
Ngày xửa ngày xưa, có hai chị em tuổi thiếu niên. Một buổi
sáng đi học, một cô đã tự ý mượn chiếc áo len mới của cô kia. Họ đã cãi nhau
gay gắt. Người cha bực mình, đến chỗ làm và trút giận lên cô thư ký. Vì chuyện
đó, cô thư ký có một ngày làm việc tồi tệ, về nhà và la mắng con cái. Mẹ của
hai cô bé đi mua sắm. Bà tức giận và không tìm được món đồ mình muốn, nên đã gắt
gỏng với nhân viên thu ngân. Nhân viên thu ngân về nhà với vẻ mặt cau có. Hai
cô bé trải qua một ngày ở trường thật tệ hại, mọi thứ đều không suôn sẻ.
Câu chuyện này minh họa khía cạnh xã hội của tội. Nó tác động
đến nhiều người hơn là chỉ người trực tiếp phạm tội. Tội gây ra sự rạn nứt,
nhưng sự Giao hòa lại mang đến sự hiệp nhất. Chúng ta càng giao hòa với Thiên
Chúa, với chính bản thân và với người khác, chúng ta càng củng cố lòng đạo đức
Công giáo bằng cách gia tăng sự hiệp nhất của chúng ta với Thiên Chúa, làm vững
mạnh đức tin Kitô giáo và thắt chặt tình thân với mọi người. Sự Giao hòa xóa bỏ
sự thù địch và thờ ơ, thay vào đó là sự quảng đại và chữa lành. Như Thiên Chúa
đã thương xót tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng nên thương xót tha thứ cho
người khác. Khi chúng ta tha thứ cho người khác, điều đó không có nghĩa là chúng
ta quên đi, hay những gì họ đã làm là ổn. Điều đó có nghĩa là chúng ta không để
những hành động của họ làm phiền chúng ta. Thánh Teresa Avila nhắc nhở chúng ta
luôn cố gắng nhìn vào những đức tính và phẩm chất tốt đẹp nơi người khác, và đừng
mãi nghĩ đến những tội lỗi của họ, mà hãy nhìn vào chính mình.
Bất kỳ ai thiếu khả năng tha thứ cũng đồng nghĩa với việc
thiếu khả năng yêu thương. Sự tha thứ củng cố tình yêu. Những mối quan hệ lâu
dài ở bất kỳ mức độ nào cũng chỉ có thể bền vững nếu có sự tha thứ. Tha thứ
không đơn giản hay dễ dàng, nhưng chúng ta không thể sống hay yêu thương một
cách chân thật nếu thiếu nó. Chúng ta cũng không thể thực sự giao hòa với bất kỳ
ai, kể cả chính mình, nếu không có sự tha thứ.
Tội khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa, và sự Giao hòa đưa
chúng ta trở về với Ngài. Sau khi chúng ta giao hòa với Thiên Chúa, sự Giao hòa
cũng tiếp tục mở rộng đến cùng dân Chúa, đặc biệt là những người mà chúng ta đã
làm tổn thương bằng tội lỗi của mình. Sự hiệp nhất với người khác đưa chúng ta
từ cái “tôi” cá nhân và cuộc sống của “tôi” đến với cái “chúng ta” như là đoàn
dân của Thiên Chúa. Vấn đề không chỉ nằm ở những suy tư hay ý tưởng của riêng
ta; mà còn là quyền và phẩm giá con người dành sẵn cho tất cả dân Chúa. Những
Kitô hữu sống đức tin một cách sâu sắc đều nhận ra rằng hạnh phúc đích thực đến
từ việc giúp đỡ người khác. Trong khả năng của mình, chúng ta đóng góp vào việc
bảo vệ nhân quyền và do đó khẳng định phẩm giá của mỗi người. Sự tôn trọng lẫn
nhau là điều thiết yếu cho tình liên đới. Điều này cần phải được thực hiện trước
khi chúng ta có thể trở thành những người quản lý thiên nhiên hay các loài động
vật. Một sự mất cân bằng tai hại xảy ra khi một cá nhân trồng thêm cây rừng,
nhưng lại có những suy nghĩ, lời nói và hành động phân biệt chủng tộc.
Tội không được định nghĩa bởi quyết định của xã hội hay quy
tắc đa số. Tội là sự quay lưng lại với tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta càng lãnh
nhận bí tích kỳ diệu này, chúng ta càng có khả năng nhận diện rõ hơn những yếu
tố nguy hiểm của tội và chống lại những cám dỗ phạm tội. Nếu chúng ta suy ngẫm
nghiêm túc về chiều sâu khôn ngoan của bí tích này, chúng ta sẽ lãnh nhận nó giống
như một thói quen tốt. Có một điều gì đó cá nhân và gần gũi về Bí tích Giao
hòa. Trong tòa giải tội, hay nơi ta được giao hòa, giống như ta bước ra khỏi
dòng chảy thời gian để đối diện trực tiếp với nỗi buồn, thú thật tội lỗi của
mình cho linh mục, và cảm nghiệm một dòng thác lòng thương xót và tình yêu của
Thiên Chúa. Nó củng cố tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu. Tất cả những điều
đó đều có thể cảm nhận được. Chúng ta được tha thứ, lòng nhẹ nhàng, linh hồn được
sạch trong, và điều đó thật kỳ diệu. Thánh Francis de Sales thúc giục chúng ta:
“Hãy đến với cha giải tội của con; hãy mở lòng với ngài; hãy bày tỏ cho ngài tất
cả những ngóc ngách sâu kín nhất trong tâm hồn con; hãy đón nhận những lời
khuyên mà ngài sẽ ban cho con với lòng khiêm nhường và đơn sơ tột độ. Vì Thiên
Chúa, Đấng dành tình yêu vô biên đối với ai vâng phục, thường làm cho những lời
khuyên chúng ta nhận được từ người khác trở nên hữu ích, đặc biệt là từ những
người hướng dẫn linh hồn chúng ta.”
Chúng ta sẵn sàng uốn nắn ước muốn xấu xa của chúng ta thành
ước muốn tốt lành, điều này mở rộng trái tim và làm linh hồn thêm vững mạnh.
Đây chỉ là một vài trong số nhiều ân sủng nhận được từ một lần xưng tội nghiêm
túc. Một số ân sủng tốt lành thậm chí có thể làm chúng ta ngạc nhiên! Sự tha thứ
của Thiên Chúa chữa lành chúng ta theo những cách không thể diễn tả được. Sự
tha thứ nuôi dưỡng điều thiện hảo trong chính chúng ta và trong tinh thần đạo đức
(ethos) Công giáo xung quanh chúng ta. Sự thiện, thể hiện nhân danh Chúa, đưa
chúng ta đến gần Chúa Giêsu hơn, Chúa của muôn loài và Đấng Cứu Độ của nhân loại.
Mỗi người chúng ta, theo cách nhỏ bé của riêng mình, đứng lên vì Chúa Giêsu khi
chúng ta mang đến những dấu hiệu nhỏ bé về sự tốt lành của Thiên Chúa cho những
người cần đến nó, và nhờ đó giữ cho lòng đạo đức Công giáo luôn vững mạnh.
(Tác giả Carolyn Humphreys, OCDS, OTR, là một
nữ tu dòng Cát Minh chân trần tại thế, và là một nhà trị liệu tâm lý chuyên
nghiệp. Bà là tác giả của các cuốn sách sau: From Ash to Fire: A
Contemporary Journey through the Interior Castle of Teresa of
Avila, Carmel Land of the Soul: Living Contemplatively in Today’s
World, Mystics in the Making: Lay Women in Today's Church, Living
Through Cancer: A Practical Guide to Cancer Related Concerns, và Everyday
Holiness: A Guide to Living Here and Getting to Eternity. Cuốn sách mới nhất của
bà, Courage Through Chronic Disease, được xuất bản bởi National Catholic
Bioethics Center. Các bài viết của bà đã xuất hiện trên các tạp chí Human
Development, Catholic Journal và các tạp chí Công giáo khác. Có thể
tìm thấy những bài viết của Carolyn trên contemplativechristianityorg.wordpress.com.)
Tram Cung
Chuyển ngữ từ: Homiletic
& Pastoral Review (21/02/2025)
Nguồn: giaophannhatrang.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét