Giải đáp vài thắc mắc
liên quan đến Phụng vụ Mùa Chay và Tuần Thánh
CÂU HỎI 1: Có được sử dụng lá xanh/cây xanh để trang trí
bàn thờ và cung thánh trong Mùa Chay không?
ĐÁP: Không. Sách Lễ nghi Giám mục [1984]
đã hướng dẫn rằng không được sử dụng bông/hoa để trang hoàng bàn thờ từ thứ Tư
lễ Tro cho đến kinh Vinh danh của lễ Vọng Phục sinh, […], trừ ra trong ngày
Chúa nhật thứ IV mùa Chay, lễ trọng và lễ kính (các số 48 và 252). Đến năm
1988, trong “Thư Luân lưu về việc Chuẩn bị và Cử hành Đại lễ Phục sinh”, Bộ Phụng
Tự bấy giờ xác định: “Trong Mùa Chay, không được chưng hoa trên bàn thờ,
và chỉ sử dụng các nhạc cụ để đệm hát mà thôi”. Đây là điều
cần tuân giữ như là dấu chỉ của việc sám hối trong mùa Chay” (số 17).
Cùng một chỉ thị như vậy, vào năm 2002, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rô-ma [QCSL]
củng cố thực hành này như sau: “Mùa Chay thì cấm chưng bông bàn thờ,
ngoại trừ Chúa nhật “Mừng vui lên” (Chúa nhật IV mùa Chay), và các lễ trọng, lễ
kính” (số 305). Kỷ luật này được hiểu là ngoài bông/hoa ra, việc
cấm chưng bông/hoa bàn thờ trong Mùa Chay còn bao gồm cả các loại cây cối/thực
vật cành lá xanh tươi và hoa trái nữa.[1]
Lý do của sự hạn chế này là để giữ bầu khí sám hối, đơn giản
và khiêm nhường cho phù hợp với tinh thần của Mùa Chay vốn được thần học phụng
vụ nhấn mạnh là thời gian của sa mạc, chay tịnh và thanh luyện (x. Mt 4,1-11;
Mc 1,12-13; Lc 4,1-13).[2] Tinh thần này dẫn đến những thực
hành truyền thống của Hội Thánh ngay từ thời Trung cổ là áp dụng sự tiết chế
cho không gian phụng vụ Mùa Chay bằng cách che phủ bàn thờ, Thánh giá, các ảnh
tượng, và hạn chế trang trí hoa cũng như hoàn toàn bãi bỏ việc đệm đàn trong
nhà thờ trong thời gian này.[3] Hiện nay, tuy có hơi khác một chút
nhưng Hội Thánh vẫn tiếp tục truyền thống làm cho môi trường phụng vụ và phụng
vụ mang dáng vẻ khổ hạnh, trang nghiêm và thiếu vắng bằng cách loại bỏ các
trang trí mang tính lễ hội và không cần thiết trong Mùa Chay, có thể che thánh
giá và tượng ảnh thánh từ Chúa nhật thứ V mùa Chay, không hát Alleluia, cũng
như chỉ cho phép dùng phong cầm và các nhạc cụ khác để giữ giọng hát mà thôi,
ngoại trừ Chúa nhật Mừng vui lên (Chúa nhật IV mùa Chay) và các lễ trọng, lễ
kính.[4] Tất cả là nhằm thể hiện rõ bản chất
sám hối của mùa này và giúp tín hữu dễ dàng tập trung vào Thiên Chúa, vào các
thực tại thiêng liêng và các yếu tố cao trọng trong công trình cứu độ của Chúa
Kitô.[5]
CÂU HỎI 2: Vậy trong Mùa Chay, chúng ta nên
trang trí môi trường phụng vụ như thế nào?
ĐÁP: Như đã nói trên, những gì cần làm, kể cả
việc trang trí đều phải tôn trọng bầu khí sám hối, đơn giản và khiêm nhường cho
phù hợp với tinh thần của Mùa Chay vốn được thần học phụng vụ nhấn mạnh là thời
gian của sa mạc, chay tịnh và thanh luyện với biến cố Đức Giêsu được Thần Khí dẫn
vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ và Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm (x. Mt
4,1-11; Mc 1,12-13; Lc 4,1-13).[6] Chính vì thế việc sử dụng màu sắc,
chất liệu và cách trang trí cho môi trường phụng vụ trong Mùa Chay cần nói lên
tinh thần thống hối, khắc khổ, đơn giản, tiết chế, thiếu vắng, cũng như phản
ánh kinh nghiệm sa mạc và tính chất khô cằn. Như vậy, dù không được chưng
hoa/bông/lá xanh/cây xanh, chúng ta có thể trang trí môi trường phụng vụ cho
đúng phụng vụ bằng cách chọn lựa sử dụng các chất liệu và vật liệu thích hợp
như vải màu tím (Chúa nhật Lễ Lá và thứ Sáu Tuần Thánh có thể dùng thêm/chuyển
sang tông màu đỏ), cành cây trơ trụi, cây xương rồng, bình gốm, sỏi đá… [7]
CÂU 3: Vậy tại sao để lá cọ/lá dừa/lá cau trên
cung thánh trong Chúa nhật Lễ Lá?
ĐÁP: Cành lá cọ/lá dừa/lá cau[8] là một phần không thể thiếu của Chúa
nhật Lễ Lá, cũng là Chúa nhật Thương khó Chúa. Theo đó, lá cọ/dừa/lá cau dùng
trong Chúa nhật lễ Lá sẽ được làm phép và phân phát cho các tín hữu tham dự cầm
theo trong cuộc rước (Sách lễ Rôma - Chúa nhật lễ Lá). Theo truyền
thống phụng vụ, những cành lá này (có thể là lá cọ, nhánh cây ô-liu hoặc cành
lá cây khác) được mang về lưu giữ ở gia đình hay nơi làm việc như một bảo
chứng cho niềm tin vào Chúa Kitô, Vua cứu độ và vào vinh quang phục sinh của
Người.[9] Tuy nhiên, lá cọ, nhánh cây ô-liu hoặc
cành lá cây khác trên đây cũng thuộc về thể loại cây xanh/lá xanh, nhất là lá cọ/thiên
tuế còn tượng trưng cho niềm vui và chiến thắng (x. Ga 12,13) cho nên chỉ dành
riêng cho Chúa nhật lễ Lá mà thôi. Chúng ta không sử dụng chúng [như đã nói ở
câu 1] để trang trí bàn thờ/cung thánh trong suốt Mùa Chay vì không phù hợp với
tinh thần thống hối và sự giản đơn của mùa này.
CÂU HỎI 4: Vào thứ Sáu Tuần Thánh, cử hành nghi thức long
trọng kính thờ Thánh giá với cây Thánh giá không hay với cây Thánh giá có tượng
Chúa chịu nạn?
ĐÁP: Phần cử hành này của phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh
(x. Sách lễ Rôma [2002], “Thứ Sáu Tuần Thánh”, số 15-20) được gọi
là “Kính thờ Thánh giá” hoặc “Suy tôn Thánh giá” với bản văn của nghi thức nói
rằng thừa tác viên cầm Thánh giá, nâng Thánh giá lên cao và xướng: “Đây
là cây Thánh giá, nơi [đã] treo Đấng Cứu Độ trần gian.” Như vậy, ngôn
ngữ trong Sách lễ Rôma hôm nay dường như ám chỉ một cây Thánh
giá hơn là Thánh giá với tượng chịu nạn mà không chỉ rõ như trường hợp cây
Thánh giá bàn thờ: “…trên bàn thờ hay gần bàn thờ phải đặt Thánh
giá, có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh” (QCSL 117); “Thánh
giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh đã cầm đi rước, có thể dựng bên cạnh
bàn thờ để làm Thánh giá tại bàn thờ…” (QCSL 122). Hơn nữa, trong Hình
thức thứ nhất để Suy tôn Thánh giá, bản văn phụng vụ viết rằng “linh mục
mở khăn phủ/che cánh phải Thánh giá” chứ không nói cánh tay phải của
Chúa Kitô (x. Sách lễ Rôma [2002], “Thứ Sáu Tuần Thánh”, số 15).
Mặc dầu vậy, thực hành phổ biến hơn của truyền thống lại là
Kính thờ Thánh giá trong phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh với cây Thánh giá có tượng
Chúa Kitô chịu nạn trên đó như chúng ta có thể dễ dàng biết đến qua hình ảnh buổi
cử hành phụng vụ của các Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Biển Đức XVI và
Phanxicô. Bởi vậy, hai tác giả André Mutel và Peter Freeman khuyên nên chuẩn bị
cây Thánh giá bằng gỗ với tượng chịu nạn (portant la figure du Crucifié)
và cao độ 90-160cm.[10] Tác giả Peter Elliott cũng ủng hộ
thực hành này, tức là khuyên nên sử dụng cây Thánh giá với tượng chịu nạn (Crucifix)
để các tín hữu có thể hôn chân Chúa.[11]
CÂU HỎI 5: Có nên tổ chức đi Đàng Thánh giá vào thứ Bảy
Tuần Thánh không?
ĐÁP: Theo truyền thống, Hội Thánh không tuân giữ thực
hành này vào thứ Bảy Tuần Thánh mà thường tổ chức đi Đàng Thánh giá vào ngày
hôm trước, tức thứ Sáu Tuần Thánh (x. Thư Luân lưu về việc Chuẩn bị và Cử hành
Đại lễ Phục sinh [1988], số 72). Còn vào thứ Bảy Tuần Thánh, Hội Thánh ở bên cạnh
mồ Chúa để suy niệm mầu nhiệm Chúa chịu thương khó, chịu chết và xuống ngục tổ
tông; đồng thời ăn chay và cầu nguyện để trông đợi Chúa Phục Sinh (Ibid., số
73). Các tín hữu nên đến nhà thờ để suy niệm và cầu nguyện, kính viếng ảnh Chúa
chịu nạn, ảnh Chúa bị chôn trong mồ, ảnh Chúa xuống ngục tổ tông, ảnh Đức Mẹ sầu
bi (Ibid., số 74), làm “Giờ Đức Mẹ” vì Mẹ là tiền thân và cũng là hiện thân của
Giáo hội, đợi chờ Con Mẹ chiến thắng sự chết bằng một niềm tin sắt son.[12]
--------
[1] X. Mark E. Wedig & Richard S.
Vosko, “The Arrangement and Furnishings of Churches for the Celebration of the
Eucharist,” trong A Commentary on the General Instruction of the Roman
Missal, ed. Edward Foley, Nathan D. Mitchel & Joanne M. Piere
(Collegeville: The Liturgical Press, 2007), 365-66.
[2] X. Thư Luân lưu về việc Chuẩn bị
và Cử hành Đại Lễ Phục Sinh, số 17; Hiến chế Phụng vụ Thánh, số
109-10; Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1438.
[3] X. Matias Augé, Năm Phụng Vụ: Đức
Kitô hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, tập 1, dg. Nguyễn Xuân Tuấn (Nxb.
Tôn Giáo, 2014), 217; Edward McNamara, “Color of the Veil for the Cross,” The ZENIT
Daily Dispatch (Rome, 26 February 2013), https://www.ewtn.com/catholicism/library/color-of-the-veil-for-the-cross--4669.
[4] Sách lễ Rôma, thứ Bảy sau Chúa
nhật IV mùa Chay; QCSL 62-63, 313; LNGM 252; Bộ Phụng Tự Thánh, Thư
Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Đại Lễ Phục Sinh, số 26
[5] X. Peter J. Elliott, Ceremonies
of the Liturgical Year (San Francisco: Ignatius Press, 2002), số 124;
Edward McNamara, “Covering of Crosses and Images in Lent,” The ZENIT
Daily Dispatch (Rome, 8 March 2005), https://www.ewtn.com/catholicism/library/covering-of-crosses-and-images-in-lent-4938.
[6] X. Hiến chế Phụng vụ Thánh,
số 109-10; Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1438.
[7] X. Anthony J. Mancuso & Caroline M.
Thomas, Envisioning Environment: Enhancing the Liturgical Experience (San
Jose: Resource Publications, Inc.: 2011), 37-9; Peter Mazar, To Crown
the Year: Decorating the Church Through the Seasons (Chicago: LTP,
1995), 69-70.
[8] Cây dừa và cây cau cũng cùng thuộc họ cọ
với cây thiên tuế, nhưng lại phổ biến và dễ dàng kiếm được hơn tại Việt Nam
chúng ta.
[9] X. Thư Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị
Và Cử Hành Đại Lễ Phục Sinh, số 29; Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Hướng
dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, số 139.
[10] André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial
de la sainte Messe à l'usage ordinaire des paroisses: suivant le
missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed.
(Perpignan: Editions Artège, 2012), 280.
[11] X. Peter Elliott, Ceremonies
of the Modern Roman Rite, số 222, 236-37.
[12] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Hướng
dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ, số 147.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét