Trang

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

05-12-2012 : THỨ TƯ TUẦN I MÙA VỌNG


Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng
Mt 15,29-37 : Hóa bánh ra nhiều lần hai 

Bài Ðọc I: Is 25, 6-10a
"Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta, chúng ta đã chờ đợi Người, và Người sẽ cứu chúng ta. Ðây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. (c. 6cd).
Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

Alleluia: Is 33, 32
Alleluia, alleluia! - Chúa là Ðấng xét xử, là Ðấng ban luật và là Vua chúng ta: Chính Người sẽ cứu độ chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 15, 29-37
"Chúa Giêsu chữa nhiều người và hoá bánh ra nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa, và Người lên ngồi trên núi; dân chúng lũ lượt đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác, và đặt họ dưới chân Người. Người đã chữa lành họ. Dân chúng kinh ngạc nhìn thấy kẻ câm nói được, người què bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn vinh Thiên Chúa Israel.
Còn Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ mà phán: "Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng". Các môn đệ thưa Người: "Chúng con lấy đâu đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?" Chúa Giêsu nói với họ: "Các con có bao nhiêu chiếc bánh?" Họ thưa: "Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ". Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng. Tất cả đều ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy. Số người đã ăn lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít. Sau khi giải tán dân chúng, Người bước lên thuyền và đến địa phận Magađan.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Sau khi Ðức Giêsu đã chữa lành con gái người đàn Ca-na-an. Người cùng các môn đệ lên một ngọn núi ở ven biển hồ Ga-li-lê. Ở đó, Ngài tiếp đón và qui tụ nhiều người ở khắp nơi. Họ mang đến cho Ngài nhiều bệnh nhân và Ngài đã chữa lành họ. Trước cảnh đoàn lũ dân chúng bơ vơ như chiên không người chăn. Ngài chạnh lòng thương và ban lương thực nuôi sống họ.

Cầu Nguyện:
Lạy Cha, cuộc sống của chúng con hôm nay không thiếu những kẻ nghèo khổ, đói rách, không cửa không nhà,... và cũng tràn đầy những người sống trong giàu sang, nhung lụa...
Xin Cha cho chúng con biết san sẻ cho nhau những ân huệ mà chúng con đã nhận nơi Cha. Ðặc biệt, xin Cha soi sáng cho các nhà hảo tâm, các hội từ thiện, để họ luôn biết quan tâm giúp đỡ những anh em cùng khổ nhất.
Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
 (Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Hóa Bánh Ra Nhiều


Khi bàn về đoạn Tin Mừng hôm nay, một học giả Kinh Thánh đã viết: "Mỗi một giai đoạn trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng một bữa ăn khoản đãi dân Ngài". Trước hết là phép lạ bánh hóa ra nhiều cho 5,000 người ăn, được coi như biến cố chấm dứt sứ vụ của Ngài tại Galilêa. Vì từ đây Ngài không còn giảng dạy tại các Hội Ðường cũng như làm những phép lạ, chữa bệnh tật tại đó nữa. Thứ đến là phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống 4,000 người, đánh dấu trong một giai đoạn ngắn giảng dạy tại các vùng dân ngoại biên giới Palestina, miền Tirô và Sidon và miền thập tỉnh. Sau cùng là bữa tiệc ly tại Jérusalem, nơi đây đã kết thúc cuộc đời rao giảng của Ngài ở trần gian.
Với cái nhìn phân tích, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi bữa ăn đều nằm trong một bối cảnh khác nhau, thành phần tham dự cũng khác nhau. Tuy nhiên, tất cả cùng phát xuất từ một động lực chính, đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Hai lần hóa bánh ra nhiều đều do sự lo lắng của Chúa Giêsu: "Nếu để họ ra về e rằng có những người sẽ bị đói lả dọc đường". Và riêng bữa tiệc cuối cùng, đó là bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã phải thực hiện một phép lạ vĩ đại để cho mọi người được đủ sức mạnh mà tiến bước trên con đường lữ hành trần gian. Nếu là một trong 5,000 người của đám dân chúng được Tin Mừng nói đến hôm nay, chắc chắn tâm trạng của chúng ta cũng chẳng khác gì tâm trạng của đám dân chúng lúc bấy giờ, là bụng đói lả sau ba ngày theo ngài nhưng lại không dám lên tiếng cứ giữ thái độ yên lặng.
Có thể họ im lặng vì chưa đủ lòng tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Thắc mắc của họ phần nào tương tự như thắc mắc của các tông đồ: "Lấy đâu ra bánh trong hoang địa này cho ngần ấy người ăn". Mặc dù các môn đệ đã thấy Ngài chữa lành các bệnh tật như làm cho kẻ điếc được nghe, què được đi, cùi được sạch... Tuy nhiên, có thể họ nghĩ rằng mình không thuộc về những hạng người cần đến Chúa Giêsu, vì thân thể đang khỏe mạnh đâu cần gì đến thầy thuốc. Sự đói mệt chỉ là một nhu cầu thể lý chứ không phải là một căn bệnh làm gì phải bắt Ngài bận tâm. Thế nhưng họ đâu có thể ngờ rằng, tuy không phải là căn bệnh thì chúng có thể làm hại con người hoặc có thể vì chút tự ái cá nhân mà họ đành im lặng mặc cho cơn đói hành hạ. Tại sao không chịu lo xa chuẩn bị chút ít lương thực phòng thân để giờ này lại mở miệng lên tiếng kêu ca.
Nhìn chung thái độ im lặng này xuất phát từ hai nguyên nhân: Thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa và quá quy trách vào bản thân.
Thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa khiến con người không thấy Ngài đầy quyền năng và đầy lòng thương xót. Ngài thấu hiểu hết mọi người và hằng quan tâm đến tất cả mọi nhu cầu của con người, ngay cả những nhu cầu nhỏ nhặt nhất cũng đều được Ngài đáp ứng. Mặt khác, quá thiên về bản thân cũng khiến cho con người xa cách Thiên Chúa. Con người luôn phải cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Về phần Chúa Giêsu, dù cho đám dân chúng im lặng, Ngài không chấp lẽ thái độ của họ, Ngài luôn quan tâm đến họ, Ngài sợ họ đói lả té xỉu dọc đàng, và Ngài đã cho họ ăn một cách dư giả đến nổi ăn xong còn dư được bảy thúng đầy. Con số này tượng trưng cho cái vô biên không đo lường nổi.
Cuộc lữ hành nào mà chẳng mệt nhoc, không lương thực thì chắc chắn sẽ có kẻ rơi rụng dọc đường. Chúa Giêsu đã thấy trước điều này ngay trong cuộc lữ hành trần gian, vì thế Ngài đã ban Mình Ngài để làm lương thực nuôi dân Ngài. Tuy nhiên, căn bệnh im lặng của đám dân chúng ngày xưa còn là căn bệnh của thế giới hôm nay. Căn bệnh đó xem ra còn trầm trọng hơn, vì bàn tiệc đã bày sẵn nhưng chẳng mấy ai đến hưởng dùng.
Mùa vọng là mùa đợi trông, dân Do Thái ngày xưa trông đợi ngày Chúa đến, ngày mà Chủ các cơ binh sẽ thiết đãi một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Sống trong tâm tình của Mùa Vọng, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ hiểu được giá trị trổi vượt của bàn tiệc Thánh Thể mà Thiên Chúa đã thiết đãi dân Ngài để rồi trong cuộc đời lữ hành trần gian chúng ta sẽ được no đủ và vững bước tiến về quê trời, không lo sợ phải mệt lả dọc đường.
 (Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư, Tuần I MV
Bài đọc: Isa 25:6-10; Mt 15:29-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Chính Chúa sẽ chăm sóc dân Người.

Sống trong cuộc đời, con người thường xuyên bị đe dọa bởi đói khát, bệnh tật, chiến tranh, hận thù, chết chóc. Con người ước mơ một “thiên đàng trần gian,” khi tất cả những đe dọa này không còn nữa. Nỗi ước mơ này có thể thực hiện hay không? Các Bài đọc hôm nay cho thấy ước mơ này có thể hiện thực trong tương lai. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah nhìn thấy trước Ngày đó, Ngày mà chính Thiên Chúa sẽ thân hành chăm sóc dân chúng, lau khô mọi giòng lệ, và nhất là vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, được sai tới để làm những việc này. Ngài chữa lành mọi tật nguyền và làm phép lạ để có của ăn nuôi dân chúng theo Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông.

Tiên tri Isaiah là tiên tri đã thấy trước 2 cuộc lưu đày của dân Do-Thái: vương quốc miền Bắc bị thất thủ và lưu đày tại Assyria vào năm 721 BC, và vương quốc miền Nam bị thất thủ và lưu đày tại Babylon vào năm 587 BC. Nước mất, nhà tan, Đền Thờ bị phá hủy, nhưng tiên tri được Thiên Chúa cho thấy trước Ngày Thiên Chúa sẽ giải phóng Israel, cho nhóm người còn sót lại được hồi hương, tái thiết quốc gia, và xây dựng lại Đền Thờ. Hơn nữa, Tiên Tri còn được Thiên Chúa cho thấy trước Ngày Đấng Thiên Sai sẽ tới cai trị dân. Thị kiến hôm nay tường thuật những gì Đấng Thiên Sai sẽ thực hiện:

(1) Ngài sẽ cho dân ăn uống: không phải là những thức ăn tầm thường, nhưng là những cao lương mỹ vị và rượu ngon tinh chế: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.”
(2) Ngài sẽ vĩnh viễn tiêu diệt thần chết: Kẻ thù lớn nhất của con người là sự chết vì nó lấy đi tất cả những gì con người có. Đối diện với cái chết, con người không thể làm gì khác là đành chấp nhận. Nhưng khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài sẽ đánh bại thần chết, và đem lại sự sống muôn đời cho con người như Tiên Tri tuyên bố: “Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.” Bằng việc chấp nhận cái chết trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã sống lại khải hòan, và cho mọi người chết sống lại.
(3) Ngài sẽ tiêu diệt mọi khổ đau: “Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô giòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy.” Đau khổ của con người có nhiều nguyên nhân: bệnh tật, tội lỗi, phân ly. Người sẽ tiêu diệt mọi nguyên nhân gây đau khổ cho con người.
(4) Ngài sẽ tiêu diệt mọi kẻ thù: Tiên tri chỉ đề cập đến Moab ở đây: “Còn Moab sẽ bị giày đạp ngay tại chỗ, như rơm bị nghiền nát trong hố phân.” Có lẽ Moab chỉ là một biểu tượng được dùng để chỉ tất cả các địch thù của con người.

Khi chứng kiến tất cả các điều trên xảy ra, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ." Và chỉ khi nào hòan tất mọi sự, “Bàn tay Đức Chúa sẽ đặt trên núi này mà nghỉ.”

2/ Phúc Âm: Triều đại của Thiên Chúa đã đến: Đấng Thiên Sai chính là Chúa Giêsu.
Tất cả những gì Tiên Tri Isaiah loan báo hơn 700 năm trước được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Hai điều Chúa Giêsu làm được tường thuật trong Tin Mừng hôm nay:

2.1/ Chúa Giêsu chữa mọi bệnh họan tật nguyền cho dân: Thánh sử Matthêu tường thuật: “Đức Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Galilee. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Israel.” Không có bệnh gì Chúa Giêsu không chữa lành được; cũng không có một quyền lực nào ngăn cản Ngài không được chữa bệnh.

2.2/ Chúa Giêsu cho dân ăn: Sau khi đã dạy dỗ dân chúng 3 ngày trong nơi hoang vắng, Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường." Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?" Đức Giêsu hỏi: "Anh em có mấy chiếc bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ." Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.

2.3/ Bàn tiệc Thánh Thể: Phép lạ “Hóa Bánh ra nhiều” là phép lạ duy nhất được tường thuật bởi cả 4 Thánh Sử (x/c Mt 14:13-21, Mk 6:30-44, Lk 9:10-17, Jn 6:1-15); và được Thánh Sử Gioan dùng để làm chất liệu cho Bài Giảng về Thánh Thể trong chương 6. Theo Gioan, Chúa Giêsu chính là Bánh Hằng Sống từ trời xuống để trở thành của ăn uống nuôi sống muôn dân; ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời (Jn 6:53-58).
Một điều cần đề cập tới nữa là việc Chúa Giêsu thành lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly: Cả ba Thánh Sử tường thuật biến cố này đều tường thuật lời Chúa Giêsu nói sau cùng: “Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (x/c Mt 26:29, Mk 14:25, Lk 22:18). Lời tường thuật này nhắc nhở Bữa Tiệc trong Vương Quốc Thiên Chúa mà Tiên Tri Isaiah đã có thị kiến trong Bài đọc I.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đối diện với những đau khổ và bất tòan trong cuộc sống, chúng ta trông mong sẽ có một ngày con người sẽ không còn phải đói khát, đau khổ, chiến tranh, hận thù, chết chóc.
- Chỉ nơi Đấng Thiên Sai là Chúa Giêsu, chúng ta mới tìm được tất cả những gì Tiên Tri Isaiah đã loan báo trong Bài đọc I.
- Chúa Giêsu sẽ chữa lành chúng ta khỏi mọi tật bệnh hồn xác, và chính Ngài sẽ nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thân thể của Người. Nhờ Ngài, chúng ta được tham dự vào cuộc sống thần linh của Thiên Chúa ngay từ đời này, và sẽ được hưởng trọn vẹn tất cả trong cuộc sống mai sau.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Tư tuần 1 Mùa Vọng
Sứ điệp: Thiên Chúa yêu thương con người toàn diện. Ngài đã cảm nhận được nỗi bất hạnh, sự thiếu thốn nơi những người bệnh tật, đói khát. Chúng ta hãy cảm tạ lòng Chúa xót thương, bằng cách biết chia sẻ tình mến cho anh em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con mang thân phận con người là mang lấy sự đói khát và thiếu thốn. Là con người, chẳng ai hài lòng với cái mình đang có. Chính vì thế, tình thương của Chúa là một khát vọng lớn mà con người hằng mong mỏi.
Tình thương Chúa đã được biểu lộ cụ thể nơi cuộc đời của con và của gia đình con. Con được sinh ra được nuôi dưỡng trong niềm tin Kitô giáo, được nuôi dưỡng và lớn lên với biết bao hồng ân của Chúa. Thật là một lỗi lầm khi con chỉ biết sống đua đòi, quay cuồng chạy theo những trào lưu của xã hội để hưởng thụ vật chất, mà không biết dâng lời tạ ơn Chúa đã cho con sống an lành đến ngày hôm nay.
Và cũng thật sai trái, khi con cứ đưa mắt nhìn lên những người giàu có, hạnh phúc hơn con, để rồi con buồn phiền và thầm oán trách Chúa. Nhưng đúng hơn, con phải biết rằng: xã hội, thế giới đang có biết bao nhiêu người đang cần đến sự chia sẻ của con.
Lạy  Chúa, xin cho con biết nhìn đến nhiều người đang bất hạnh vì bệnh tật triền miên, biết đồng cảm với bao người đang đau khổ vì đói khát, thất nghiệp, hoạn nạn, thiên tai.
Lạy Chúa, mùa Vọng là mùa trông đợi Chúa tỏ lòng thương xót con người một cách đặc biệt, nhưng đồng thời cũng là mùa nhắc nhở con phải biết sống chia sẻ: chia sẻ vật chất, tình thương, cảm thông, an ủi và tha thứ cho anh em. Xin cho con đừng bao giờ quên Lời Chúa căn dặn: Phúc cho ai có lòng thương xót vì sẽ được Chúa xót thương. Amen.
Ghi nhớ: "Chúa Giêsu chữa nhiều người và hoá bánh ra nhiều".
www.phatdiem.org

05/12/12 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Mt 15,29-37

CHÚA GIÊ-SU QUAN TÂM ĐẾN ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
"Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bánh và mấy con cá dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông" (Mt 15,35-36)
Suy niệm: Khi xuống thế làm người, Đức Giêsu Kitô đã thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ trọn vẹn thân phận của con người. Ngài đã ân cần với nỗi đau của người bệnh tật, cảm thông với kẻ ưu phiền, và quan tâm cả đến những nhu cầu vật chất thường ngày của họ; biết bao lần Ngài đã chạnh lòng thương cứu giúp những con người bé mọn đang lâm cảnh khốn cùng. Việc Chúa cầm lấy bánh, bẻ ra trao cho đám đông không chỉ để nuôi dân về mặt vật chất mà còn là dấu chỉ tấm thân của Ngài cũng sẽ được hiến dâng làm giá cứu chuộc và trở thành lương thực thiêng liêng trong hy tế thập giá và mầu nhiệm Thánh Thể.

Mời Bạn: Ngày hôm nay có rất nhiều tổ chức từ thiện, bác ái, trong Giáo hội cũng như xã hội quan tâm cứu giúp những người khốn cùng cơ nhỡ; và cũng nhiều tấm lòng quảng đại luôn sẵn sàng sẻ chia cho các anh em thiếu thốn. Bạn có quan tâm, có tham gia cộng tác trong những việc làm thiện nguyện này không? Và nhất là bạn có tâm tình Chúa Giêsu kết hiệp với Ngài khi thực thi nghĩa vụ bác ái với tha nhân không?
Bạn thực hiện như thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà làchính Đức Kitô sống trong tôi”. Và như vậy, bạn sẽ nên như hiện thân của Đức Kitô ở trần gian hôm nay.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày hãy nhắc nhở mình thực hành những việc bác ái cụ thể cho anh chị em nhất là những người bé mọn, khốn cùng.

Cầu nguyện: Đọc hay hát Kinh Hòa Bình.

www.5phutloichua.net

Ăn no nê
Sống Mùa Vọng là lưu tâm đến bao người thiếu ăn ở quanh ta. Và dù chỉ có mấy cái bánh, ta vẫn tin có thể bẻ ra để nuôi được họ. 

Suy nim:
Khi mô tả về thời cánh chung, thời thiên sai, thời của Đấng Mêsia,
ngôn sứ Isaia nghĩ đến một bữa tiệc lớn cho muôn dân tộc
do Đức Chúa của Ítraen khoản đãi trên núi thánh.
Không phải chỉ đãi thịt béo, rượu ngon,
Đức Chúa còn lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người,
Khổ đau không còn nữa, chỉ còn tiếng reo vui (Is 25, 6-10).
Nơi Đức Giêsu, lời của ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lên một ngọn núi
thuộc miền Thập Tỉnh của dân ngoại (x. Mc 7, 31).
Dân chúng kéo đến cùng với những người bệnh hoạn tật nguyền.
Trên ngọn núi ấy, Ngài đã đem đến niềm vui cho bao người.
Kẻ câm nói được, người què đi được, người mù sáng mắt.
Đức Giêsu không giảng về một Nước Trời xa xôi.
Ngài cho thấy một Nước Trời gần gũi khi thân xác được lành mạnh.
Kitô giáo không duy tâm, duy linh hay duy vật.
Đức Giêsu quan tâm đến trọn cả con người với xác và hồn.
Chính vì thế Ngài vừa rao giảng, vừa chữa bệnh.
Ngài biết chạnh lòng thương đám đông,
vì họ đã ở lại với Ngài từ ba ngày qua mà không có gì ăn.
Ngài hiểu thế nào là cái đói và hậu quả của nó
nên Ngài không muốn để họ đi về mà bụng lại rỗng không.
“Sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (c. 32).
Đức Giêsu đã nghĩ đến việc cho họ ăn như một nhu cầu cấp thiết.
“Chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no” (c. 33).
Trước vấn đề lương thực cho một đám đông ở nơi hoang vắng,
các môn đệ thấy mình bất lực và bế tắc.
“Bảy cái bánh và ít cá nhỏ”, đó là tất cả những gì họ có.
Để nuôi đám đông, các môn đệ phải cộng tác với Đức Giêsu,
trao cho Ngài tất cả những gì mình có,
để rồi nhận lại tất cả từ Ngài, và đem chia sẻ cho đám đông.
Bữa ăn ở nơi vắng này không phải là một đại tiệc với rượu thịt,
nhưng rõ ràng là rất cần thiết, đem lại no đủ và thậm chí dư thừa.
Thế giới hôm nay có hơn một tỉ người đói, đa số ở Á châu.
Những bữa ăn đầy đủ vẫn là nỗi khát khao ám ảnh nhiều người.
Đói chẳng những làm ngất xỉu hay dẫn đến cái chết,
nhưng còn làm người ta mất nhân cách, sống không ra người.
Bận tâm của Đức Giêsu về cái đói cũng là mối bận tâm của Giáo Hội.
Phép lạ bánh hóa nhiều của Đức Giêsu phải được nhân lên khắp nơi,
để không còn ai phải đói trên thế giới.
Bữa tiệc cánh chung, nơi muôn người từ đông sang tây đến dự,
phải được chuẩn bị từ những bữa ăn cho kẻ nghèo hôm nay.
Sống Mùa Vọng là lưu tâm đến bao người thiếu ăn ở quanh ta.
Và dù chỉ có mấy cái bánh, ta vẫn tin có thể bẻ ra để nuôi được họ.

Cầu nguyn:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hoá bánh ra nhiều lần thứ hai
Nạn đói tại Somali và một vài nơi trên thế giới là một ô nhục cho nhân loại ngày nay. Nhưng không riêng gì tại các nước nghèo, ngay trong các nước giàu, người ta cũng nói đến những hình thức nghèo đói và thiếu ăn mới, đó là nghèo đói tình người: con người có thể có một bộ óc phát triển hơn, một thân thể cường tráng hơn, nhưng trái tim thì lại mỗi ngày một nhỏ lại.
Chúa Giêsu đã đến để làm cho con người được giàu có dư dật hơn, nhưng thiết yếu là giàu có dư dật tình người. Ngài đã không mang lại cho con người cây đũa thần kinh tế chính trị để chỉ làm một cử động nhỏ bé là có đủ cơm bánh. Mồ hôi, nước mắt vẫn là định luật của cuộc sống. Chúa Giêsu không muốn xoá bỏ định luật ấy. Phép lạ, hay đúng hơn giải pháp Ngài đem đến chính là tình người: có tình người, con người có thể xoá bỏ được mọi thứ nghèo đói. Đó là sứ điệp mà chúng ta có thể tìm thấy trong bài Tin mừng hôm nay.
Chúa Giêsu xót thương đám đông đi theo Ngài. Ngài xót thương họ không những vì họ đang đói khát cơm bánh thể xác, mà còn vì nỗi đói khát tinh thần của họ. Phép lạ bánh hoá nhiều không phải là một giải pháp tạm thời xoa dịu cơn đói khát, mà là một lời mời gọi, một khơi dậy về một chiều kích vượt trên những nhu cầu thể lý. Bên kia cơm bánh nuôi thể xác, Chúa Giêsu mời gọi con người hướng về một của ăn không hư nát là sự sống thần linh, sự sống làm cho con người biết yêu thương, quảng đại hơn.
Chúa Giêsu đã có thể nói một lời và phép lạ liền diễn ra. Nhưng Ngài đã không làm thế. Ngài tra vấn các môn đệ để khơi dậy nơi các ông mối quan tâm, lo lắng đến người khác. Và chính từ những chiếc bánh và nhưng con cá có sẵn, tượng trưng cho sự đóng góp và lòng quảng đại của con người, Chúa Giêsu đã làm phép lạ bánh hoá nhiều nuôi sống đám đông dân chúng.
Giàu tình người, giàu lòng quảng đại, giàu tình liên đới, đó là sự giàu có đích thực, và với sự giàu có ấy, phép lạ của Chúa Giêsu sẽ không ngừng được tiếp diễn và lúc đó cái đói khát thể xác mới được xoá bỏ và kiếp nghèo mới được hạ giảm.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hóa bánh ra nhiều  (tranh Hàn Quốc)

Giấc mơ vô tận
Đức Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến Biển Hồ Galilê. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành. (Mt. 15, 29-30)
Một Lời
Niềm hy vọng không ngừng vọt ra từ những bản văn của ngôn sứ I-sai-a. Hôm nay, niềm hy vọng này làm sống lại ước muốn của chúng ta được vượt qua những giới hạn của sự chết, được sống toàn vẹn, thoát khỏi tang tóc đau thương. Chúng ta thấy trong niềm hy vọng đó lời Chúa ban sự sống xứng đáng dồi dào, xóa sạch mọi khổ nhục. Đó là sự sống vô hạn.
Tin mừng lập lại đề tài này, không phải bằng lời loan báo viển vông, mà bằng dấu chỉ thực hiện niềm hy vọng vô tận này rõ ràng, cụ thể qua việc: “Chúa cầm lấy bảy tấm bánh và mấy con cá, Người tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ phân phát cho dân chúng”.
Một Xã Hội
Chúng ta đang bị một cú sốc. Sau vài thập niên, ai cũng tưởng rằng trái đất là nguồn phong phú vô tận. Nhưng nếu chỉ trong vòng không đầy một tháng thôi, mỏ dầu cạn kiệt, biển khơi chồng chất cặn bã và làm cá chết, những loài vật biến mất, môi trường bị phá hủy, không khí bị ô nhiễm: trái đất sẽ cạn kiệt, thì không còn sản phẩm mới nữa, nguyên liệu hết, đời sống sẽ chẳng còn gì.
Và chúng ta sẽ ra sao?
Thiên Chúa đã hứa ban cho một đời sống phong phú vô tận, nhưng Ngài nhấn mạnh đến phẩm chất của đời sống này, chứ không nói đến đời sống vật chất. Để niềm hy vọng của chúng ta có một giá trị cao quý đích thực về đời sống, chúng ta hãy nghĩ xem và thử đặt vấn đề: “Tôi hy vọng gì? hay đúng hơn: tôi hy vọng vào ai?”. Chúng ta sẽ tìm thấy vô tận ở đâu? Nơi sản phẩm mình có, hay nơi nhân phẩm của mình, nơi cái mình có, hay nơi mình là. Cái mình là, cái phẩm giá mới làm cho đời sống trở thành vô tận. Vậy hãy ném cái thùng của mình vào cái giếng vô tận tuyệt đối, ném cái hữu thể của mình vào hữu thể của Thiên Chúa, ném đời sống mình vào nguồn sống hằng có đời đời của Thiên Chúa.
Sau cùng, để được sống vô biên, cần phải chia sẻ nó. Bánh được hóa ra nhiều để chia sẻ cho đám dân đông đảo, thế mà vẫn còn thu được nhiều thúng đầy. Của cải của chúng ta cần được san sẻ, đời sống của chúng ta cần được bẻ ra phân phát cho nhiều người, nhờ thế, nó được trở nên vô tận.
C.G

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 12
5 THÁNG MƯỜI HAI
Cuối Cùng Của Thời Cũ –
Đầu Tiên Của Thời Mới
Trong tất cả mầu nhiệm của ngài, Đức Ma-ri-a là thành viên ưu việt của Giáo Hội. Chính Mẹ là người mở đường cho buổi khai nguyên của Giáo Hội. Mẹ gắn bó chặt chẽ với Giáo Hội trong lịch sử cứu độ mà Mẹ hiện thân như một sự nhập thể và một hình ảnh sống động của chính Giáo Hội, Hiền Thê Đức Kitô. Từ đầu cuộc đời của Mẹ, Mẹ có tất cả sự sung mãn của ân sủng mà Đức Kitô ban cho Giáo Hội Người.
Trong ánh sáng này, chúng ta nhớ lại chương 8 Hiến Chế Giáo Hội. Chú giải quan điểm của Thánh Luca, văn kiện này của Công Đồng Vatican II nói với chúng ta: “Sau một giai đoạn lâu dài chờ đợi, thời gian được viên mãn nơi ngài, Nữ Tử cao quí của Sion, và kế hoạch cứu độ mới được thực hiện.” Ở mốc điểm quan trọng này của lịch sử, Đức Ma-ri-a là chỗ kết nối giữa Cựu Ước và Tân Ước. Mẹ đại diện cho sự chấm dứt của cộng đoàn It-ra-en đợi chờ Đấng Thiên Sai và đại diện cho sự khởi đầu của Giáo Hội Đức Kitô mới được khai sinh. Mẹ vừa là sự thể hiện cuối cùng và hoàn hảo của con cái Thiên Chúa sinh bởi Abraham dưới cơ chế Cựu Ước, vừa là sự thể hiện đầu tiên và tuyệt đỉnh của con cái mới của Thiên Chúa được khai sinh bởi Đức Kitô. Nơi Đức Ma-ri-a, chúng ta nhận ra các lời hứa, các điều báo trước, các lời ngôn sứ của Hội Thánh trong Cựu Ước được hoàn thành. Với Mẹ, chúng ta cũng nhìn thấy Giáo Hội của Tân Ước bắt đầu, không nhăn nheo tì tích, trong sự sung mãn của ân sủng Thánh Thần.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Is 25, 6-10a; Mt 15, 29-37.

LỜI SUY NIỆM“Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mả nói: Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32).
          Chúa Giêsu đang chạnh lòng thương đối với những người què quặc, đui mù, câm điếc và mang nhiều bệnh tật khác, chắc chắn đây là những con người nghẻo khổ, bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội, những người mà đã bị người ta bóc lột không còn gì để khai thác nơi họ nữa. Ngày hôm nay hạng người này vẫn đang còn rất nhiều trong xã hội. Giáo hội đang đặt nặng vấn đề này. Giáo hội đang kêu mời toàn thể Dân Thánh Chúa, cũng như toàn thể nhân loại, không phân biệt tôn giáo chính trị và ngôn ngữ cũng như chủng tộc phải dành mọi ưu tiên cho người nghèo. Chúng ta hãy cùng nhau đáp lại lời mời gọi của Giáo hội. Bằng hành động sống với nguyên tắc “Ưu tiên chọn lựa người nghèo”.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
05 Tháng Mười Hai
Thiện Nguyện

Hôm nay là ngày quốc tế những người thiện nguyện, được Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1985 và cử hành lần đầu tiên ngày 05 tháng 12 năm 1986. Ngày quốc tế những người thiện nguyện vừa là một tưởng thưởng và biết ơn đối với không biết bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ không công những người đồng loại của mình, vừa là một lời gọi dấn thân phục vụ.
Hiện nay, trên khắp thế giới có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ trong mọi lãnh vực: từ một cán sự y tá phục vụ trong rừng già Phi Châu, đến các chuyên viên làm việc trong các dự án phát triển tại các nước thuộc thế giới đệ tam, từ một thanh niên thiếu nữ âm thầm làm việc tại các nước nghèo đến các chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên: tất cả đều được thúc đẩy bởi một ý chí: đó là phục vụ người anh em.
Ngày quốc tế những người thiện nguyện cũng là một bài ca dành cho một nhân loại đã đạt được một bước tiến dài trong sự trưởng thành. Bên cạnh những bước dật lùi vì chiến tranh, vì hủy hoại lẫn nhau, nhân loại vẫn cố gắng tiến bước trong khát vọng và những nỗ lực nhân đạo. Bước tiến ấy còn tiếp tục là nhờ ở tinh thần thiện nguyện, ý chí phục vụ
Ngày quốc tế thiện nguyện hôm nay không phải là phụ trương của những ngày quốc tế khác rải rác trong suốt năm như ngày Hòa Bình thế giới, ngày sức khỏe, ngày thực phẩm, ngày Giới Trẻ, ngày Môi Sinh, ngày Nhi Ðồng, ngày Phụ Nữ v.v... Ngày hôm nay là khẳng định của một ý niệm nền tảng cho tất cả mọi ngày quốc tế khác: ý niệm đó chính là tự nguyện phục vụ. 
Ngày quốc tế những người thiện nguyện hôm nay không chỉ là ngày tưởng thưởng và biết ơn đối với những người thiện nguyện. Ngày hôm nay là ngày của mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ có thể sống trọn ơn gọi làm người khi chúng ta biết tự nguyện sống cho người khác.
Chúa Giêsu là mẫu mực của thiện nguyện... Là Thiên Chúa, Ngài đã đến trong thế gian để mặc lấy thân phận nghèo hèn của con người. Trở nên con người, Ngài đã không sống giữa chốn giàu sang phú quý, nhưng đến với những con người nghèo hèn nhất trong xã hội. Ngài đã phục vụ và phục vụ cho đến chết. Ngài đã đến để làm cho bộ mặt thế giới này trở nên nhân bản hơn. Cùng với Ngài, hàng hàng lớp lớp những con người dấn thân phục vụ tha nhân đã tô điểm cho bộ mặt thế giới được thêm tươi tốt hơn. Quả thực, một thế giới không có những người sống và chết cho tha nhân là một thế giới không có nhân tính... Chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới không có những thánh Phanxicô thành Assisi, không có những Mahatma Gandhi, không có những Albert Schweitzer, không có những Têrêxa Calcutta, không có những hội viên của Hội Chữ Thập Ðỏ... một thế giới như thế quả thực là một thế giới buồn thảm. Một thế giới không có những bàn tay đưa ra để chia sẻ, để san sẻ, để đỡ nâng, một thế giới không có những tấm lòng tử tế: một thế giới như thế quả thực là một thế giới của chết chóc...
(Lẽ Sống)
Thứ Tư 5-12

Thánh Sabas

(s. 439)

S
inh ở Cappadocia (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ), Thánh Sabas là một trong những thượng phụ đáng kính của các đan sĩ Palestine và được coi là một trong các vị sáng lập lối sống ẩn tu của Ðông Phương.
Sau thời thơ ấu thiếu hạnh phúc mà ngài thường bị đánh đập và bỏ nhà một vài lần, sau cùng Sabas đã đến trú ẩn trong một tu viện. Mặc dù gia đình đã nhiều lần dụ dỗ trở về nhà, người thiếu niên ấy cảm thấy bị thu hút bởi đời sống đan viện. Và mặc dù là một đan sĩ trẻ nhất trong cộng đoàn, ngài trổi vượt về nhân đức.
Vào năm 18 tuổi, ngài đến Giêrusalem, tìm hiểu biết thêm về lối sống cô độc. Không bao lâu, ngài xin được làm đệ tử của một vị ẩn tu nổi tiếng ở địa phương, dù rằng lúc đầu ngài được coi là quá trẻ để có thể theo được lối sống khắc khổ. Trong thời gian ở tu viện, vào ban ngày ngài làm việc quần quật và ban đêm ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Vào lúc 30 tuổi, ngài được phép dành năm ngày mỗi tuần để sống trong một hang động thật xa vắng, để cầu nguyện và lao động chân tay dưới hình thức đan rổ rá.
Sau khi vị linh hướng là Thánh Euthymius từ trần, Sabas đi sâu vào sa mạc hơn nữa, gần Jericho. Ở đây ngài sống trong một hang động gần con suối Cedron mà lối ra vào chỉ là sợi dây thừng, còn thức ăn là rau cỏ dại mọc trên đá sỏi. Thỉnh thoảng có người đem cho ngài các thực phẩm và đồ gia dụng cần thiết, trong khi ngài phải tự đi tìm nước uống.
Một số người đến với ngài để xin gia nhập đời sống ẩn dật. Lúc đầu ngài từ chối. Nhưng không lâu sau khi ngài cho phép, những người theo ngài lên đến trên 150 người, tất cả đều sống trong các túp lều tranh riêng rẽ quây quần thành một cộng đoàn, gọi là laura.
Trong thời gian ngài khoảng 50 tuổi, đức giám mục thuyết phục Sabas chuẩn bị chịu chức linh mục để ngài có thể phục vụ cộng đoàn đan viện của ngài tốt đẹp hơn trong vai trò lãnh đạo. Mặc dù điều khiển một cộng đoàn đan sĩ với tư cách tu viện trưởng, ngài vẫn cảm thấy ơn gọi sống đời ẩn dật. Hàng năm -- thường vào mùa Chay -- ngài bỏ cộng đoàn trong một thời gian khá lâu khiến các đan sĩ thật lo lắng. Một nhóm khoảng 60 người rời bỏ tu viện, thành lập một cộng đoàn ở gần đó mà không có phương tiện cần thiết. Khi Sabas nghe biết về các khó khăn họ phải gánh chịu, ngài đã rộng lượng cấp dưỡng cho họ và giúp đỡ xây dựng cộng đoàn.
Trong nhiều năm trời, Sabas đi khắp Palestine, rao giảng đức tin chân chính và đem được nhiều người về với Giáo Hội. Vào lúc 91 tuổi, theo lời thỉnh cầu của Ðức Thượng Phụ Giêrusalem, Sabas thực hiện cuộc hành trình đến Constantinople cùng lúc với cuộc nổi loạn của người Samaritan và sự đàn áp đầy võ lực. Ngài cảm thấy đau yếu và, sau khi trở về nhà không lâu, ngài từ trần tại tu viện Mar Saba. Ngày nay tu viện này vẫn còn các đan sĩ của Giáo Hội Chính Thống Giáo, và Thánh Sabas được coi là một trong những nhân vật sáng giá của đời sống ẩn tu thời tiên khởi.
www.nguoitinhuu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét