Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm C
Bài Ðọc I: Xp 3, 14-18a
"Chúa sẽ hân hoan vì
người".
Trích sách Tiên tri Xôphônia.
Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất
tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và
nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù
của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.
Trong ngày đó, ở Giêrusalem
thiên hạ sẽ nói rằng: Hỡi Sion, đừng sợ, tay ngươi sẽ hết rã rời! Chúa là Thiên
Chúa ngươi, là Ðấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người
hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người
sung sướng reo mừng. Những kẻ hư hỏng bỏ lề luật, Ta sẽ quy tụ họ lại, vì họ
cũng là con cái ngươi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6
Ðáp: Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Ðấng Thánh của
Israel thật cao cả (c. 6).
Xướng: 1) Ðây Thiên Chúa,
Ðấng Cứu Chuộc tôi. Tôi sẽ tin tưởng mà hành động, tôi không run sợ: vì Thiên
Chúa là sức mạnh của tôi và là Ðấng tôi ca ngợi. Người trở nên phần rỗi của
tôi. - Ðáp.
2) Các ngươi sẽ hân hoan múc
nước nơi suối Ðấng cứu độ: Hãy tung hô Chúa, hãy kêu cầu thánh danh Người, hãy
công bố cho các dân tộc biết các kỳ công của Người, hãy nhớ rằng danh Người rất
cao trọng. - Ðáp.
3) Hãy hát mừng Chúa, vì
Người đã làm những việc cả thể, hãy công bố việc này trên khắp địa cầu. Hỡi dân
Sion, hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi, có Ðấng Thánh của Israel thật
cao cả. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Pl 4, 4-7
"Chúa gần đến".
Trích thơ Thánh Phaolô Tông
đồ gởi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, anh em hãy
vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà
của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo
lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng
lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình
an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa
Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 1, 18)
Alleluia, alleluia! - Thánh
Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 3, 10-18
"Còn chúng tôi, chúng
tôi phải làm gì?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan
rằng: "Vậy chúng tôi phải làm gì?" Ông trả lời: "Ai có hai áo,
hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy". Cả những
người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: "Thưa Thầy, chúng
tôi phải làm gì?" Gioan đáp: "Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn
định cho các ngươi". Các quân nhân cũng hỏi: "Còn chúng tôi, chúng
tôi phải làm gì?" Ông đáp: "Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các
ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình".
Vì dân chúng đang mong đợi và
mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: "Có phải chính ông là Ðức Kitô
chăng?" Gioan trả lời cho mọi người rằng: "Tôi lấy nước mà rửa các
ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày
cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người
cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì
đốt đi trong lửa không hề tắt!" Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao
giảng tin mừng cho dân chúng.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Dân chúng tuôn đến với Gioan
và xin ông chỉ giáo cho phải làm gì để được đón nhận ơn cứu độ.
Tôi phải làm gì? Ðó có phải
là câu hỏi luôn cật vấn tôi không? Tôi có luôn trở về với lòng mình để tự kiểm
điểm trước những hành động của mình không? Tôi có áy náy trước điều không được
làm mà tôi cứ làm không? Tôi có lo toan trước việc phải làm mà tôi chưa làm
không?
Phải luôn tự hỏi mình: Tôi
phải làm gì để được đón nhận Tin Mừng.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, như Gioan
hướng dẫn từng giới để biết chu toàn nhiệm vụ của mình và sống tương quan tốt
với tha nhân. Ngày nay Lời Chúa cũng luôn hối thúc trong lương tâm chúng con,
trong Kinh Thánh mà chúng con suy niệm hằng ngày. Xin cho chúng con biết lắng
nghe và đón nhận Lời Chúa. Amen.
Vui Vì Cứu Ðộ
Suy Niệm:
Các bài Kinh Thánh đọc hôm
nay chan chứa vui mừng và hy vọng. Phụng vụ nhờ những bài đọc ấy khuyến khích
chúng ta hân hoan sung sướng, làm cho ngày Chúa nhật hôm nay trở thành Chúa
nhật màu hồng trong mùa Vọng. Phụng vụ cũng muốn, nếu có thể được hôm nay hãy
dùng lễ phục màu hồng thay màu tím. Vì lẽ ngày Chúa đến đã gần. Chúng ta phải
vui mừng để phấn khởi lấy đà đi mau hết giai đoạn chót. Do đó hôm nay là dịp
thuận lợi để chúng ta suy nghĩ về niềm vui của người Kitô hữu. Chúng ta sẽ nhờ
các bài đọc Thánh Kinh để khám phá ra lý do cũng như cách thức vui mừng trong đời
sống đạo. Chắc chắn với ba bài đọc ngắn ngủi trong toàn bộ Kinh Thánh rất dày,
công việc tìm hiểu niềm vui của Kitô giáo sẽ bị giới hạn. Nhưng chúng ta sẽ có
nhiều dịp lễ vui mừng khác, để nhờ những bài đọc Thánh Kinh khác, bổ sung cho
những điều chúng ta gặp thấy hôm nay trong sách Sôphônia, trong bài thư gởi
giáo đoàn Philip và nhất là trong bài Tin Mừng Luca.
1. Vui Nhờ Niềm Tin
Có thể nói, ít thời buổi nào
lung tung, phập phồng và nhiều sợ hãi như thời của Sôphônia. Ông hoạt động vào
khoảng giữa thế kỷ thứ 7 trước Chúa Giêsu Giáng Sinh. Mảnh đất Do Thái nhỏ bé,
quê hương của ông, nay sợ quân phía Bắc xâm chiếm; mai hãi sức ép của quân lực
phía Tây Nam. Người ta chưa hết sợ đoàn quân viễn chinh Assyri, đã phải trốn
tránh sự trả thù của Haòng đế Ai Cập. Tội nghiệp cho triều đình Giêrusalem nhỏ
bé. Người chủ trương liên kết với phía này; kẻ lại tranh đấu để được lòng phía
kia. Bất ổn, lung tung, cướp bóc, trả thù, chinh chiến gieo sợ hãi, kinh hoàng,
hao mòn và kiệt quệ... cho đến khi Giêrusalem bị dày xéo và dân cư bị đưa đi
lưu đày.
Chính trong cảnh tang tóc
tuyệt vọng ấy, Sôphônia đã tìm được niềm tin, một niềm tin vững vàng đến nỗi đã
thoát thành lời hô vui sướng mà chúng ta đọc hôm nay, Sôphônia làm gương cho
tất cả chúng ta. Không bao giờ được nản chí, bỏ mất niềm tin. Không được để cho
khó khăn đau thương đè ép được niềm tin cứu độ. Chúa đang đến cứu độ chúng ta,
lẽ nào chúng ta không phấn khởi đi trong tinh thần mùa Vọng? Chúng ta hãy để
cho lời của Sôphônia luôn vọng đến tai:
Reo vui lên hỡi sư tử Sion;
hãy hò la hỡi Israen. Hãy vui mừng, hãy hoan hỉ hết lòng, nữ tử Giêrusalem.
Người nói lên được những lời
ấy đã quan niệm sự vui mừng vừa phải thật lòng, vừa phải hân hoan bộc phát ra
bên ngoài. Nói cách khác, lòng vui chưa đủ mặt cũng phải vui nữa. Niềm vui khi
ấy mới chân thật và hồn nhiên. Cả con người đều vui.
Là vì đây là niềm vui cứu độ.
Thiên Chúa xóa mất án phạt trên con người và đuổi xa địch thù hãm hại. Người
không đánh phạt tội lỗi chúng ta nữa nhưng đã tha thứ rồi. Người không cho kẻ
thù đến rình rập gài bẫy chúng ta nữa. Ngược lại chính Người đến ở giữa chúng
ta để chúng ta không còn phải sợ tai họa và tay chân chúng ta hết bủn rủn. Hơn
nữa Người còn làm mới tình yêu của Người đối với chúng ta, tỏ sung sướng reo
vui vì chúng ta và quây quần chúng ta lại để mừng lễ.
Thật ra, Sôphônia không rõ
ràng bao nhiêu. Ông lúng túng dùng nhiều hình ảnh. Chúng ta có thể phân tách và
thấy ông có hai cảm tưởng này: khi Thiên Chúa ban ơn cứu độ khiến dân Người
được vui mừng, thì một đàng Người đưa dân ra khỏi đau thương thử thách và khỏi
tay địch thù; và đàng khác Người đến ở với dân để quây quần họ như ăn mừng lễ;
một đàng Người củng cố dân khỏi sợ hãi và đàng khác Người làm mới tình yêu
khiến họ được sướng vui.
Hai công việc này Thiên Chúa
đã làm khi đưa dân ra khỏi lưu đày và về xây lại Ðền thờ... Nhưng lần cứu độ ấy
mới tạm thời và bề ngoài. Chính khi Ðức Giêsu Kitô Giáng sinh vừa để cứu vớt
thế gian khỏi tội lỗi, vừa để sung sướng ở giữa con cái loài người, lời sách
Sôphônia mới được thực hiện. Tuy nhiên việc Chúa Giáng sinh cứu đời cũng chỉ
mới khởi sự công cuộc cứu độ thực sự, sẽ được hoàn tất trong ngày Chúa trở lại
trong vinh quang. Vì thế lời Sôphônia đối với chúng ta vẫn còn là lời tiên tri.
Chúng ta vẫn phải nghe để không những chẳng bao giờ mất niềm tin, mà còn để
trông đợi ơn tha thứ tội lỗi và được kết hợp với Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta
có lý để tin lời tiên tri ấy, vì một phần nào đó đã được thi hành khi Ðức Giêsu
Giáng Sinh làm người. Càng suy nghĩ về cuộc đời của Ðức Giêsu, chúng ta càng tin
tưởng tiếp tục mùa Vọng muôn thuở. Do đó việc tìm hiểu bài Tin Mừng hôm nay
cũng sẽ làm sáng tỏ thêm lời sách Sôphônia.
2. Vui Vì Cứu Ðộ
Tác giả Luca đã cho chúng ta
thấy dân chúng tuôn đến với Gioan để được ông thanh tẩy. Họ muốn chuẩn bị đón
Ðấng Cứu Thế. Họ thành thật muốn biết phải làm gì?
Tác giả Luca để cho dân chúng
lên tiếng hỏi trước. Ông vẫn có thiện cảm với quần chúng. Và khi viết tác phẩm
Tin Mừng ông vẫn quan tâm nhấn mạnh tính cách phổ cập của ơn cứu độ. Ông nói
đến hạng người thu thuế. Những người này cũng được ông thương mặc dù bị người
Do Thái liệt vào hạng tội lỗi vì họ lấy thuế cho ngoại bang và nhiều khi hà
lạm. Nhưng Chúa đã chẳng đến để cứu chuộc kẻ tội lỗi ư? Chính họ cần lòng
thương cứu độ của Người. Sau đó tác giả Luca nói đến lính tráng. Ở đây có lẽ là
hạng lính đánh thuê, hay phiền nhiễu đồng bào. Ai yếu thì sợ họ, nhưng người
hiểu biết chỉ nhìn họ bằng ánh mắt thương hại. Luca là tác giả tình thương. Ông
muốn cho họ được ơn cứu độ. Và vì thế, ông đã để cho tất cả những hạng người
trên phát biểu thiện chí muốn làm gì để được lòng thương của Chúa.
Ðối với dân chúng, Gioan bảo
họ hãy chia cơm sẻ áo cho nhau, vì dưới mắt ông dân chúng như đoàn chiên đói
rách. Ơn cứu độ đối với họ là được yêu thương chia sẻ. Người ta làm cho họ thấy
ơn cứu độ đã gần khi tổ chức lại đời sống xã hội cho công bình và thương yêu
nhiều hơn. Và chính họ có biến đổi lòng ấm ức xã hội nên những tâm tình chia sẻ
nhiều hơn, thì mới trở nên những con người mới. Ðang khi ấy những người thu
thuế và lính tráng, muốn được cứu độ, phải liêm chính và đừng sách nhiễu đồng
bào. Gioan không bảo họ phải bỏ nghề bất chính họ đang làm; vì ông không phải
là đấng đổi mới thế gian". Ông chỉ là tiền hô và rao giảng việc dọn đường,
chuẩn bị. Ông sung sướng được thấy người ta muốn biết ai là Ðấng Kitô?
Ông trả lời, ông không phải
là Người. Ông chỉ rửa trong nước; Người sẽ rửa trong Thánh Thần và lửa, Người
quyền thế hơn ông và ông không đáng cởi quai dép cho Người.
Chúng ta hãy cảm mến lòng
thành thực của Gioan. Ông không lạm dụng lòng tín nhiệm của người ta, vì họ sẵn
sàng nhận ông là Ðấng Kitô. Chúng ta cũng cảm phục lòng khiêm nhượng của ông
khi ông tự ví mình không xứng đáng là tôi tớ của Ðấng ông rao giảng, ví ngay kẻ
tôi tớ Do Thái cũng không buộc phải cởi quai dép cho chủ. Nhưng điều Gioan muốn
cho chúng ta để ý hơn cả, là biết Ðức Kitô là Ðấng quyền phép sẽ đến rửa trong
Thánh Thần và lửa. Ông rửa người ta với nước, mà không có sự hiện diện của
Thánh Thần, tức là không có lời hứa sẽ được ban trong thời kỳ cứu độ và nghĩa là
không có ơn thánh hóa kèm theo.
Còn Ðức Kitô, Người sẽ rửa
trong Thánh Thần, tức là sẽ ban Thánh Thần cho kẻ nhận phép rửa nhân danh
Người. Chắc chắn khi viết tư tưởng này, tác giả Luca nhớ đến những lúc Thánh
Thần hiện xuống trên những người tin đạo (thí dụ trong trường hợp tại nhà ông
Corneliô, kể trong sách Công vụ). Và ông hẳn cũng liên tưởng đến hôm Chúa Thánh
Thần hiện xuống dưới hình lưỡi lửa, ở đây ông nói đến cả Thánh Thần và lửa, là
muốn nhấn mạnh đến một tác động đặc biệt của Thánh Thần là phán xét và phân
biệt kẻ lành người dữ. Ðức Kitô sẽ đến đầy Thánh Thần. Người sẽ ban Thánh Thần
cho chúng ta.
Nhưng đồng thời Người cũng
thanh tẩy phân biệt chúng ta như người nông dân cầm rê xảy lúa. Thóc thì Người
cho vào lẫm, còn trấu thì cho vào lửa đời đời. Công việc của Người, như vậy, sẽ
hoàn tất việc làm của Gioan. Ông này rao giảng việc thống hối ăn năn; nhưng
chính xác Ðức Kitô mới là Ðấng sẽ đến thánh hóa kẻ thống hối và trừng phạt kẻ
không hối cải. Gioan chỉ là người chuẩn bị Ðức Kitô là Ðấng thực hiện việc cứu
thế. Chúng ta phải chờ đợi Người.
Như vậy, Gioan cũng như
Sôphônia chỉ là tiên tri. Các ông đóng vai trò loan báo và dọn đường. Tiếng của
các ông reo vui hơn tiếng các tiên tri khác, vì Ðấng Cứu Thế đã gần đến và công
việc của Người là cứu độ. Lời rao giảng của các ông thật là Tin Mừng, nhưng vẫn
còn là sự vui mừng trong tin yêu và chờ đợi ơn cứu thoát. Nó không như lời
khuyên bảo vui mừng trong thư Phaolô mà chúng ta sắp đọc.
3. Vui Trong Thiên Chúa
Phaolô đã thấy được ơn cứu độ
mà Sôphônia loan báo. Hơn nữa chính Người đã thấy phép rửa trong Thánh Thần và
lửa như Gioan đã báo trước. Người bảo chúng ta trong bài thư hôm nay: hãy vui
mừng trong Chúa luôn luôn.
Theo Người, mặc dù ta đang
sống trong chờ đợi ngày Chúa đến, luôn luôn chúng ta phải vui mừng. Người lặp
lại một lần nữa và bảo chúng ta hãy vui mừng. Vui mừng là đặc tính của đạo Tin
Mừng.
Ðây không phải là sự vui mừng
trong lý lẽ thế gian, mà là trong Thiên Chúa. Người đã cứu độ chúng ta trong
Ðức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết. Chúng ta đang ở trong nhiệm thể của Ðấng
đã sống lại trong sự vui mừng. Làm sao chúng ta có thể còn buồn được nữa?
Và vì vui trong Thiên Chúa,
sự vui mừng của chúng ta phải luôn mãi, không thay đổi, không nao núng, vì
thánh giá Ðức Kitô đã toàn thắng cả sự chết. Chúng ta không được dấu sự vui
mừng ấy, mà phải làm sao cho mọi người nhận biết, vì như Sôphônia đã nói sự vui
mừng cứu độ phát xuất từ bên trong nhưng tràn ngập ra bên ngoài. Và cũng chính
nhà tiên tri ấy đã báo: không gì có thể dồn ép được niềm vui cứu độ vì lẽ Chúa
ở gần bên chúng ta. Người đuổi xa sự sợ hãi và địch thù; nên chúng ta đừng lo.
Có gì chúng ta cứ thành khẩn thưa Người. Người sẽ ban bình an và canh giữ lòng
dạ chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô.
Thiết tưởng không ai hơn được
thánh Phaolô trong phân tách sự vui mừng của người Kitô hữu. Nếu chúng ta đã
nhận được niềm tin vào lời hứa của Chúa như tiên tri Sôphônia; và nếu chúng ta
đã chắc được cứu độ nhờ phép rửa trong Thánh Thần và lửa, như lời Gioan đã báo
trước, thì chúng ta phải chấp nhận lời khuyên của Phaolô mà vui mừng luôn mãi
trong Chúa. Ðiều duy nhất là liệu có thể ở mãi trong Chúa. Và điều ấy có thể
được, đặc biệt nhờ vào việc tham dự thánh lễ.
Ðây là lúc chúng ta không
những được nghe loan báo về Chúa như thời Sôphônia, và được đón Chúa đến như
dưới thời Gioan Tẩy Giả; chúng ta còn được kết hợp với Người, để Người ở trong
chúng ta và chúng ta ở trong Người. Rồi ở trong bất cứ hoàn cảnh nào Người cũng
ở với chúng ta, để cứu độ và canh giữ cả ý nghĩ lẫn việc làm, cả tâm hồn và đời
sống.
Thế nên chúng ta hãy bình an
và vui mừng, hãy chứng tỏ chúng ta có tin mừng cứu độ; chúng ta có các lời tiên
tri hứa hẹn và những lời ấy đã thực sự khởi sự thực hiện nơi chúng ta. Do đó
chúng ta vui mừng và vui mừng luôn mãi trong Thiên Chúa.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 3 Mùa Vọng, Năm C
Bài đọc: Sop
3:14-18a; Phi 4:4-7; Lk 3:10-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hãy vui mừng vì ơn cứu độ đã gần đến.
Con người bị đau khổ hay
thất vọng vì bị chi phối bởi rất nhiều sợ hãi như: thất bại, tù đày, nô lệ, tội
lỗi, chia ly, chết chóc, và nhất là sự phán xét và hình phạt của Thiên Chúa.
Ngược lại, con người vui mừng khi những sợ hãi này được cất nhắc đi như: tù
nhân hay nô lệ trong chốn lưu đày sắp được phóng thích, như như sinh viên sắp
ra trường vì đã hoàn tất mọi thách đố của các cuộc khảo hạch, như một người sắp
được chính thức sống hạnh phúc với người mình yêu mến. Chủ Nhật III Mùa Vọng
được gọi là Chủ Nhật của niềm vui và của hy vọng, vì Đấng Thiên Sai đã gần đến.
Ngài đến để xua tan đi tất cả những đau khổ, thất vọng, tội lỗi, và mang lại
niềm vui và ơn cứu độ đến cho muôn người.
Các Bài Đọc hôm nay diễn
tả niềm vui tuyệt đỉnh khi con người có được sự hiện diện của Thiên Chúa trong
cuộc đời; vì có Ngài là có tất cả mọi sự. Trong Bài Đọc I, ngôn-sứ Sophonia kêu
gọi con cái Israel hãy vui mừng lên vì Thời Lưu Đày sắp chấm dứt. Thiên Chúa
sắp "rút lại án phạt và đẩy xa kẻ thù" khỏi họ. Trong Bài Đọc II,
thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Philipphê hãy vui mừng và phải vui luôn trong
niềm vui của Thiên Chúa, vì khi một người đã có Chúa, họ không còn thiếu một sự
gì nữa cả. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân chúng hãy vui mừng lên vì
Đấng Thiên Sai gần tới. Ngài sẽ thanh tẩy mọi tội lỗi và mang ơn cứu độ của
Thiên Chúa đến cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Hãy
nức lòng phấn khởi vì Đức Chúa đã rút lại án lệnh phạt ngươi.
1.1/ Nhà Israel vui mừng: Để hiểu trình thuật hôm
nay, chúng ta cần hiểu hoàn cảnh lịch sử của dân tộc Israel trong thời gian
này. Toàn cõi Israel đã bị quân thù chinh phục, Đền thờ và thành thánh
Jerusalem bị san phẳng, dân chúng đang sống trong hai nơi lưu đày: vương quốc
Israel miền Bắc tại Assyria và vương quốc Judah miền Nam tại Babylon. Sống
trong cảnh nước mất, nhà tan, và chịu đựng mọi đau khổ của người lưu đày như
thế, con cái Israel mất hết niềm tin và hy vọng. Nỗi đau thấm thía nhất là họ
đã bị Thiên Chúa bỏ rơi để họ làm mồi cho quân thù.
(1) Lời kêu gọi vui
mừng: Nhưng
tình thương Thiên Chúa đã thắng vượt mọi sự bất trung của con cái Israel, đó là
lý do mà tiên tri Sophoniah được sai đến để loan tin vui mừng cho con cái
Israel: "Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel
hỡi! Hỡi thiếu nữ Jerusalem, hãy nức lòng phấn khởi." Sion, Israel, và
Jerusalem tượng trưng cho tất cả con cái Israel. Vì đây là một tin mừng vô cùng
lớn lao mà họ đang mong đợi; nên họ không thể giữ trong lòng, mà phải biểu tỏ
mãnh liệt ra bên ngoài.
(2) Lý do vui mừng: Tiên-tri Sophoniah nêu
rõ lý do của sự vui mừng: "Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù
địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi,
chính là Đức Chúa. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ." Lý do
của nô lệ và lưu đày là con cái Israel đã bất tuân chỉ thị của Thiên Chúa và
chạy theo các thần ngoại bang; vì thế, Ngài đã để cho quân thù ngoại bang giày
xéo đất nước để cảnh cáo và thanh luyện họ. Giờ đây, thời gian thanh luyện sắp
chấm dứt, cảnh lưu đày sắp hết, nhất là họ được nối lại tình xưa nghĩa cũ với
Thiên Chúa. Họ phải vui mừng mãnh liệt, vì khi có sự hiện diện của Thiên Chúa,
Ngài sẽ bảo vệ họ, và quân thù sẽ không làm hại được họ.
1.2/ Thiên Chúa vui mừng: Đau khổ không chỉ hành
hạ con người, nhưng còn ảnh hưởng đến Thiên Chúa, vì Ngài luôn yêu thương và lo
lắng cho con người. Vì thế, khi con người được thoát khỏi cảnh nhục nhã u sầu,
Thiên Chúa cũng vui mừng hoan hỷ với niềm vui của con người.
Tiên-tri diễn tả sự vui
mừng của Thiên Chúa khi đón nhận con cái Israel trở về: "Đức Chúa, Thiên Chúa
của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì
ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi.
Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội."
2/
Bài đọc II: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của
Chúa.
2.1/ Hãy luôn luôn vui
mừng: Thánh
Phaolô thực sự cảm nhận được niềm vui của người có Thiên Chúa là có tất cả.
Chính vì thế mà ngài đã kêu gọi các tín hữu Philipphê: "Anh em hãy vui
luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người
thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến."
Vui tươi là dấu chỉ một
người có Thiên Chúa; vì thế, người tín hữu phải vui mừng luôn vì họ có Thiên
Chúa ở với họ. Con người chỉ lo sợ và buồn sầu khi con người sống xa cách với
Thiên Chúa và chạy theo những hào nhoáng của thế gian; để rồi phải lãnh nhận
mọi hậu quả đau thương từ thế gian mang tới. Thánh Phaolô cũng khuyên các tín
hữu phải sống "hiền từ rộng rãi," có nghĩa phải sống công bằng và
thương xót. Giống như Thiên Chúa, Ngài không chỉ đối xử công bằng, nhưng còn
thương xót con người đã bất trung với Ngài; chỉ như thế, con người mới có cơ
hội làm lại cuộc đời.
2.2/ Hãy cầu nguyện luôn: Con người lo lắng sợ
hãi khi bị đe dọa bởi những khó khăn và thách đố trong cuộc sống. Thánh Phaolô
khuyên các tín hữu hãy giải tỏa những lo âu sợ hãi bằng việc cầu nguyện:
"Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời
cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em
thỉnh nguyện." Mấy điều con người cần lưu ý khi cầu nguyện với Thiên Chúa:
- Cầu nguyện với Thiên
Chúa trong mọi sự: không có sự gì to lớn vượt quá uy quyền của Thiên Chúa, và cũng
không có sự gì quá nhỏ đối với sự săn sóc nhân hậu của Ngài. Hãy đặt trong tay
Thiên Chúa tất cả tội lỗi của quá khứ, các vấn nạn đang xảy ra trong hiện tại,
và những lo âu sẽ xảy đến trong tương lai.
- Cầu nguyện với lòng
tin tưởng tuyệt đối: Khi con người cầu nguyện với Thiên Chúa, họ phải tin họ đang cầu
nguyện với: một Thiên Chúa khôn ngoan vì Ngài thấu hiểu mọi sự; một Thiên Chúa
uy quyền vì Ngài làm được mọi sự; một Thiên Chúa là Cha nhân hậu vì Ngài sẵn
sàng ban mọi ơn lành cho con cái của mình.
- Cầu nguyện giúp con
người tìm được bình an trong tâm hồn: Một tác giả đã nói "bình an là hiệu quả
của lời cầu xin tin tưởng." Một khi đã tin tưởng hoàn toàn nơi tình yêu và
uy quyền của Thiên Chúa, con người phó thác cho Ngài mọi sự, họ sẽ không còn ưu
tư, lo lắng; và như thế, sẽ có được sự bình an thực sự trong tâm hồn. Thánh
Phaolô cũng xác tín điều này với các tín hữu: "Và bình an của Thiên Chúa,
bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp
với Đức Giêsu Kitô.'' Chỗ khác ngài nói: Nếu Thiên Chúa đã rộng lượng ban cho
con người Đức Kitô, thì còn gì Ngài lại không ban cho con người?
3/
Phúc Âm: Phải
làm gì để chuẩn bị đón mừng Chúa đến?
3.1/ Phải chuẩn bị tâm
hồn bằng cách thay đổi cuộc sống: Không phải ai cũng có thể nhận ra và đón nhận
Đức Kitô, Đấng Thiên Sai Thiên Chúa ban tặng cho con người. Lịch sử chứng minh,
nhiều người không những đã không nhận ra Ngài, lại còn luận tội và tìm cách
giết đi chính Đấng ban sự sống. Khi các người Do-thái tìm đến với Gioan, hỏi
ông cách chuẩn bị để đón nhận Đấng Thiên Sai, ông cho biết con người cần khiêm
nhường và thay đổi cuộc sống cho phù hợp với sự thật. Gioan cho những lời
khuyên rất thực tế và cụ thể cho từng lớp người: ông không đòi hối nhân phải
thay đổi nghề nghiệp; nhưng thay đổi thái độ thi hành nghề nghiệp đó.
(1) Với đám đông: Đám đông hỏi ông rằng:
"Chúng tôi phải làm gì đây?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, thì
chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." Gioan dạy
dân: Hãy thực thi bác ái bằng cách chia sẻ cho tha nhân những gì mình có. Đức
Kitô cũng dạy dân: người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là
các con yêu thương nhau.
(2) Những người thu
thuế: Cũng
có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng
tôi phải làm gì?" Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho
các anh." Cám dỗ của giới thu thuế là thu vào quá mức ấn định, để giữ lại
cho mình số thu thặng dư đó. Gioan khuyên họ phải thực thi công bằng, bằng cách
bằng lòng với số lương chính phủ trả, và trả lại cho tha nhân những gì mình đã
thâu thặng dư.
(3) Những binh lính: Họ hỏi ông: "Còn
anh em chúng tôi thì phải làm gì?" Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng
đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình." Cám dỗ của
binh lính là cậy mình có vũ khí trên tay nên dễ đàn áp dân chúng. Ông Gioan
khuyên họ hãy sống thật với lương tâm, đừng lấy của người dân vô tội, đừng hãm
hiếp phụ nữ; nhưng hãy bằng lòng với số lương chính phủ trả cho họ.
3.2/ Sự khác biệt giữa
Đấng Thiên Sai và Gioan Tẩy Giả: Cách thức sinh sống và rao giảng của Gioan làm
nhiều người đặt câu hỏi: "biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng
Messiah!"
Ông Gioan rất thành thực
và đánh tan mọi nỗi nghi ngờ của dân chúng, ông nói với dân hai sự khác biệt
giữa Đấng Thiên Sai và ông:
(1) Sự khác biệt về uy
quyền:
Gioan nói về Đấng Thiên Sai: "Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng
cởi quai dép cho Người." Ông chỉ là người dọn đường cho Đấng Thiên Sai,
người chuẩn bị tâm hồn cho dân để gặp gỡ Đấng Cứu Thế.
Đấng Thiên Sai còn có uy
quyền xét xử và thưởng phạt con người tùy theo việc làm của họ: "Tay Người
cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì
bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi." Gioan Tẩy Giả không có quyền xét xử và
thưởng phạt con người.
(2) Sự khác biệt giữa
hai phép rửa:
Ông Gioan trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong
nước. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa."
Phép rửa của Gioan là
phép rửa mà truyền thống Do-thái vẫn làm cho những người muốn theo đạo Do-thái;
đó là phép rửa trong nước để tha tội. Phép Rửa của Đức Kitô là Phép Rửa trong
Thánh Thần và lửa để thánh hóa con người. Để xứng đáng được hưởng ơn cứu độ,
con người không chỉ cần được thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi, mà còn cần được làm
cho trở nên thánh thiện và tinh tuyền. Điều này chỉ có thể hiện thực với Phép
Rửa của Đức Kitô.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi con người sống xa
Thiên Chúa, con người sống trong lo âu và sợ hãi. Để có niềm vui đích thực,
chúng ta phải quay trở về với Thiên Chúa và sống trong sự hiện diện của Ngài.
- Con người nghĩ để có
hạnh phúc, con người phải có tự do để làm bất cứ điều gì mình muốn. Thực tế
chứng minh ngược lại: để có niềm vui và hạnh phúc đích thực, con người cần sống
theo những lời chỉ dạy của Thiên Chúa.
- Niềm vui trọn vẹn chỉ
có được khi con người hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Ngài sẽ dạy dỗ, săn sóc,
bảo vệ, và ban cho con người sự bình an đích thực trong tâm hồn.
- Để có thể đón nhận
Thiên Chúa, con người cần phải thanh tẩy tâm hồn bằng cách khử trừ mọi tội lỗi
và sống công bằng bác ái với tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Chúa Nhật tuần 3 Mùa Vọng, năm C
Suy niệm: Dân chúng tuôn đến với Gioan và xin ông chỉ giáo
cho phải làm gì để được đón nhận ơn cứu độ.
Tôi phải làm gì? Ðó có phải là câu hỏi luôn cật
vấn tôi không? Tôi có luôn trở về với lòng mình để tự kiểm điểm trước những
hành động của mình không? Tôi có áy náy trước điều không được làm mà tôi cứ làm
không? Tôi có lo toan trước việc phải làm mà tôi chưa làm không?
Phải luôn tự hỏi mình: Tôi phải làm gì để được
đón nhận Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, như Gioan hướng dẫn từng giới để biết chu
toàn nhiệm vụ của mình và sống tương quan tốt với tha nhân. Ngày nay Lời Chúa
cũng luôn hối thúc trong lương tâm chúng con, trong Kinh Thánh mà chúng con suy
niệm hằng ngày. Xin cho chúng con biết lắng nghe và đón nhận Lời Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Còn chúng
tôi, chúng tôi phải làm gì?"
www.phatdiem.org
16/12/12 CHÚA
NHẬT TUẦN 3 MV - C
Lc 3,10-18
Lc 3,10-18
CHÚNG TÔI PHẢI
LÀM GÌ ĐÂY ?
Dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa; họ hỏi ông
rằng :"Chúng tôi phải làm gì đây ?" Ông trả lời :"Ai có hai áo,
thì chia cho người không có ..."
(Lc 3,10-11)
Suy niệm: Ngạn ngữ Anh nói với chúng ta: “Con đường xuống hoả ngục được lát bằng những ý hướng tốt”. Vì thế, điều quan trọng
không phải là dốc lòng chừa khi xưng tội, nhưng là thực hiện điều dốc lòng ấy,
bởi vì đã bao lần mình dốc lòng chừa, nhưng rồi khi xét mình, thấy các tội cũ
lại “nguyễn y vân” (vẫn y nguyên!). Để bày tỏ lòng sám hối, sau khi chịu phép
rửa ở sông Giođan, các hối nhân đều lên tiếng hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?” Họ hiểu rằng lòng sám hối
thật sự không phải chỉ là những cảm xúc chân thành, hay những suy tư hoa mỹ, mà
phải được diễn tả bằng việc làm:phải làm gì đây? Sám hối không phải chỉ là đổi
mới trong nếp nghĩ, nhưng còn đổi mới cung cách hành xử của bàn tay, đôi mắt,
môi miệng... cho hợp với Lời Chúa.
Mời Bạn: Bạn cũng hãy tự hỏi: tôi phải
làm gì đây trong mùa Vọng này? ông Gioan cũng cho bạn câu trả lời: tiếp tục làm
công việc nghề nghiệp, bổn phận nhưng với tinh thần bác ái, công bằng, tận tâm
và vui tươi…
Chia sẻ: Tôi sẽ làm gì để việc sám hối
thật sự đổi mới cuộc đời tôi?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ lãnh nhận bí tích Hoà
giải trong mùa Vọng với một quyết tâm thực hiện điều dốc lòng chừa cách mạnh mẽ
hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con được no nê
mà vẫn thiếu ăn, vì bên con còn có người đói lả. Con uống nước mát mà họng vẫn
khô rang, vì bên con còn có người đang khát. Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi,
vì bên con còn có người phiền muộn. Amen. (Rabbouni)
www.5phutloichua.net
Sám hối
Sám hối không phải chỉ là quay về quá khứ, mà còn
là hướng đến tương lai với rất nhiều hy vọng. Sám hối còn có màu hồng như màu
áo lễ hôm nay.
Suy niệm:
Màu
tím bao trùm mùa Vọng.
Các
Kitô hữu lo sám hối để lãnh nhận bí tích Hòa giải.
Nhiều
người ngại xưng tội, ngại đào bới lại quá khứ.
Xưng
tội mang dáng dấp của một cái gì buồn thảm!
Thật
ra bí tích Hòa giải là một điều tươi tắn hơn nhiều.
Sám
hối không phải chỉ là quay về quá khứ,
mà
còn là hướng đến tương lai với rất nhiều hy vọng.
Sám
hối còn có màu hồng như màu áo lễ hôm nay.
Khi
dân chúng đến với Gioan, nhận phép rửa sám hối,
họ
đã hỏi ông: Chúng tôi phải làm gì đây?
Cả
những người thu thuế và binh lính cũng hỏi những câu tương tự.
Chúng tôi: sám hối mang tính tập thể, tính liên đới.
Hội
Thánh chúng tôi cùng chịu trách nhiệm về sự dữ.
Phải: một thúc bách của trái tim hoán cải thực sự.
Làm gì đây: sám hối không phải chỉ là một cảm xúc,
tuy
thánh thiện, nhưng lại mông lung, xa rời thực tế.
Sám
hối đích thực đưa đến một hành động cụ thể.
Gioan
đã cho ta những câu trả lời còn nguyên giá trị.
Sám
hối là sống bác ái, có hai chia một.
Nhường
cơm sẻ áo là ra khỏi nỗi bận tâm về mình.
Sám
hối là sống công bằng, không tham lam vơ vét,
không
dùng quyền lực để cưỡng đoạt, áp bức ai.
Sám
hối là hết nô lệ cho của cải, tiền bạc, quyền lực.
Như
thế dọn đường cho Chúa đến bằng sám hối
đòi
ta chỉnh đốn lại con đường đến với tha nhân.
Trở
về với Chúa diễn tả qua việc trở về với anh em.
Gioan
không bắt những người thu thuế bỏ cái nghề ô nhục,
cũng
không đòi những người lính Do thái bỏ phục vụ Hêrôđê.
Ông
cũng không bảo họ lên Ðền Thờ dâng lễ đền tội,
hay
vào hoang địa sống nhiệm nhặt như mình.
Họ
cứ làm nghề của họ, nhưng với một tinh thần mới.
Sám
hối thực sự thì đụng đến bàn tay,
một
bàn tay chứa đựng cả con tim và khối óc.
Trong
mùa Vọng này, chúng ta phải hỏi nhau: mình phải làm gì?
Giới
trẻ hôm nay muốn cảm thấy mình có ích,
và
muốn dùng thời giờ của mình sao cho có ý nghĩa.
Hãy
gặp nhau, chấp nhận nhau và làm việc với nhau,
Hãy
cùng nhau làm một điều tốt nào đó cho đồng bào.
Hãy
cho thấy mình là người có đức tin.
Ðức
tin được diễn tả qua hành động yêu thương cụ thể,
và
yêu thương lại làm cho đức tin lớn lên.
Xưng
tội cần dốc lòng chừa.
Dốc
lòng chừa đòi đổi lối nghĩ và lối sống.
Ðứa
con thứ cần sống khác, sau khi trở về nhà Cha.
Chúng
ta đã được chịu phép rửa trong Thánh Thần,
nhưng
chúng ta vẫn cần được Thánh Thần thanh tẩy mỗi ngày.
Chúng
ta không thể tự sức mình canh tân cuộc sống.
Trở
lại với tình yêu là hồng ân của Thánh Thần.
Ước
gì chúng ta mềm mại để cho Ngài uốn nắn
và
dạy ta biết làm gì để bày tỏ lòng hoán cải.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?"
Hãy Vui Lên
Alqua Robil là một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng nhất trong các
thiên tài dương cầm trên thế giới hiện nay. Tuy tự xưng mình là người vô thần,
nhưng ông đã nói về Chúa Giêsu như sau: "Ðối với tôi, Ðức Giêsu Kitô đã và
luôn luôn là một nhân vật siêu việt cao vời và lý tưởng nhất chưa từng có trong
lịch sử nhân loại. Sự kiện Ngài là người Do Thái khiến cho tôi kiêu hãnh lây,
vì tôi cũng thuộc dòng giống Do Thái. Cuộc sống của Ngài, các lời Ngài giảng
dạy, sự hy sinh và lòng tin của Ngài đã trao ban cho thế giới món quà quí báu
cao trọng nhất mà thế giới chưa bao giờ nhận được. Ðó là món quà của "tình
yêu thương"; tình yêu thương đối với tha nhân, tình yêu thương đối với
người nghèo khó, tình thương xót, tình nhân loại và sau cùng là tất cả các tâm
tình khiến cho con người trở thành cao thượng."
Phải!
Nhận xét trên đây của nhạc sĩ Alqua Robil thật sâu sắc và chí lý. Ðúng thế! Ở
đâu có tình yêu thương, thì ở đó có hạnh phúc tươi vui và an bình đích thực.
Bởi vì, tình yêu thương là phương thế duy nhất hữu hiệu giúp con người xây dựng
một thế giới tốt lành hơn mà không gây đổ máu, chết chóc và tàn phá thương đau
cho con người.
Qua
các bài đọc hôm nay, Mẹ Giáo hội kêu mời chúng ta thực thi tình yêu thương ấy
trong cuộc sống mỗi ngày. Trong chương III, thánh Luca trình thuật biến cố ngôn
sứ Gioan Tẩy Giả rao giảng phép rửa thống hối bên bờ sông Jordan, để nêu bật
tính cách đại đồng của ơn cứu độ. Thánh sử Luca lồng khung sinh hoạt này của
thánh Gioan Tẩy Giả trong những môi trường và với những lớp người vẫn thường bị
Do Thái giáo cho là tội lỗi, như đám đông dân chúng dốt nát, ô hợp, bọn thu
thuế gian tham xảo trá và lũ lính tráng vô đạo ác độc.
Là
người có nếp sống chay tịnh khắc khổ, khi nghe ngài giảng, người ta tưởng đâu
là thánh Gioan cũng nghiêm ngặt đòi buộc mọi người sống khổ hạnh tiết chế như
ngài. Nhưng không, thánh nhân không đòi buộc họ làm những việc lạ thường khó
khăn, mà chỉ khuyên mọi người thay đổi kiểu cách sống và thái độ hành xử đối
với người khác. Thánh nhân đề nghị với một thái độ sống quân bình, biết thực
thi công lý và yêu thương, chia sẻ cụ thể với tha nhân như:
-
Ai thuộc lớp người giàu có, dư tiền dư của và phương tiện vật chất thì từ nay
đừng sống ích kỷ, bo bo vơ vét tích trữ cho mình như trước nữa, mà hãy biết
chia sẻ cơm áo, quảng đại trợ giúp cho họ có công ăn việc làm, tạo điều kiện
sinh sống cho các anh chị em nghèo khó thiếu thốn hơn mình, cốt sao để họ có
cuộc sống hạnh phúc sung sướng và đầy đủ, xứng đáng với phẩm giá con người.
-
Ai thuộc lớp công nhân viên nhà nước, nắm giữ các nhiệm vụ trong các guồng máy
hành chính, thuế má và mọi dịch vụ ngành nghề của cuộc sống, thì từ nay đừng ỉ
nại quyền bính mà gian tham, hối lộ, chèn ép, áp bức, hà hiếp và khai thác bóc
lột người dân nữa, nhưng hãy sống công bằng.
-
Nhà nước và các giới chủ hãng hãy trả tiền lương công nhân viên của mình, còn
các công nhân viên hãy chu toàn bổn phận của mình với lương tâm nghề nghiệp,
tinh thần trách nhiệm và phục vụ cao độ. Bởi vì, khi thăng tiến công ích là mọi
người phục vụ và lo lắng cho chính gia đình mình, cho tương lai của con cái và
những người thân yêu của chính mình, chứ không phải cho ai khác.
-
Giới quân nhân là những người có phận vụ phụng sự quê hương và bênh đỡ kẻ cô
thân, cô thế thì hãy biết chu toàn phận vụ với tinh thần hào hiệp và ý thức
trách nhiệm, chứ đừng dùng vũ khí và chức vụ của mình để hà hiêp bóc lột người
dân.
Nói
cách khác, thánh Gioan Tẩy Giả khuyên mọi người có kiểu cách sống và hành xử
công bằng, yêu thương, liên đới và biết tôn trọng tha nhân, làm thế nào để loại
trừ ra khỏi cuộc sống của chúng ta mọi hình thức bạo lực, ích kỷ, tính gian dối
lừa đảo, lòng ham hố của cải và tư lợi, gây thiệt thòi và đau khổ cho nhau. Dĩ
nhiên, kiểu cách sống trên đây chưa đủ để con người có thể trở thành môn đệ và
con cái của Chúa, nhưng nó là một bước khởi đầu cụ thể tốt đẹp, giúp sửa soạn
tâm hồn đón nhận Chúa Cứu Thế đến.
Ngoài
những kiểu cách hành xử kể trên, cuộc sống lòng tin của người tín hữu còn phải
mang một đặc thái khác, đó là thái độ tươi vui mà ngôn sứ Sôphônia nói đến
trong chương 3,14-18. Ngôn sứ Sôphônia sống vào cuối thế kỷ VII, và thời đó có
rất đông dân thành Jérusalem và vùng Judéa chạy theo các thần linh ngoại giáo.
Họ chủ trương hòa đồng các thói tục tôn thờ thần ngoại này với việc phụng sự
Thiên Chúa. Ngôn sứ Sôphônia đã mạnh mẽ tố cáo thái độ lệch lạc và bất trung
này của họ. Ông báo trước cho họ biết các hình phạt họ sẽ phải gánh chịu, đó là
cảnh thành thánh Jérusalem sẽ bị đạo quân Babylon bủa vây đánh chiếm.
Ðể
diễn tả tai ương này, ngôn sứ dùng kiểu nói "Ngày Của Giavê". Trong ý
nghĩa Kinh Thánh, "Ngày Của Thiên Chúa" ám chỉ biến cố Thiên Chúa
phán xử con người và mọi loài, mọi vật trong thời cánh chung. Trong ngày lịch
sử thế giới kết thúc, Thiên Chúa ra tay uy quyền can thiệp để tạo dựng trời mới
đất mới. Ðó là thời gian quyết liệt định đoạt đối với vận mệnh con người, hoặc
rộng mở tâm hồn đón nhận ơn cứu độ hoặc tự loại trừ khỏi hàng ngũ những người
sẽ được cứu thoát.
Tuy
nhiên, ngôn sứ Sôphônia cũng hé mở cho dân Do Thái lòng xót thương nhân lành
của Thiên Chúa và sự hiện diện cứu độ của Ngài. Thiên Chúa sẽ đến để thu hồi án
phạt, chấm dứt tình trạng đọa đày buồn thương cho họ và cứu thoát họ. Chính vì
thế, ông mời gọi mọi người "hãy vui lên", hãy reo hò hớn hở hân hoan,
vì Sion là người con gái yêu của Thiên Chúa. "Con gái" là kiểu nói
hay được thơ văn của các dân tộc vùng Trung Ðông cổ dùng để gọi các thành phố
vùng biển.
Trong
truyền thống Kinh Thánh, "con gái Sion" ám chỉ nhóm tín hữu còn sót
của dân Israel, tức những người đã kiên trung tin tưởng vào Thiên Chúa, tuân
giữ luật Ngài và mong chờ Ðấng Cứu Thế đến. "Vui lên" cũng là động từ
thánh sử Luca dùng trong trình thuật thiên thần Gabriel truyền tin cho Trinh Nữ
Maria. Biến cố Chúa Giêsu Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người để cứu chuộc nhân
loại là một tin vui vĩ đại. Chính vì thế, nên sứ thần mới chào Mẹ Maria với lời
chào lạ lùng: "Hãy vui lên, Ðấng đầy ơn phúc".
Mẹ
Maria là người được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn, nên được tràn đầy ơn
thánh Chúa. Mẹ là hiện thân số còn sót lại của Israel, của cộng đoàn nhỏ bé gồm
các tín hữu đã biết sống trung thành với Thiên Chúa và lời hứa của Ngài. Ðồng
thời Mẹ cũng là toàn thân của Israel đang trông đợi ơn cứu độ thực hiện trong
lịch sử loài người. Mẹ Maria là Sion mới, nơi Thiên Chúa sẽ xuống ngự trị và
sống với con cái loài người.
Trong
chương 4,4 thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Philipphê, Ngài cũng lập lại sứ
điệp Tin Mừng ấy và khuyến khích tín hữu sống vui tươi, để trong cuộc đời hãy
quên hết mọi khó khăn đau đớn tủi nhục và gian truân cay đắng để chỉ còn cảm
thấy niềm vui. Niềm vui đó được phát xuất từ chính tình yêu thương của Chúa
Giêsu Kitô, và Ngài giải thích lý do của niềm vui đó là: Kitô hữu có nhiều lý
do thuận tiện để luôn có thái độ sống vui tươi. Bởi vì kể từ khi Chúa Giêsu
nhập thể làm người, thì Thiên Chúa đã hiện diện giữa lòng trần gian và Ngài
đồng hành với họ, chia sẻ mọi biến cố vui buồn trong đời họ.
Qua
bí tích rửa tội, Ngài đã giải thoát họ khỏi xích xiềng nô lệ tội lỗi, trả lại
cho họ sự tự do, ơn làm con cái Thiên Chúa. Tin vui cứu độ ấy không cho phép
Kitô hữu buồn sầu thất vọng như những người không có niềm tin. Có Chúa trong
lòng, có Chúa trong đời, có Chúa kề bên thì người Kitô hữu có được tất cả.
Vì
thế, họ phải sống tin yêu phó thác và an bình, tươi vui, không âu lo, không sợ
hãi. Kết hợp với Chúa qua lời cầu nguyện, qua cuộc sống đối thoại thân tình với
Ngài. Họ phó thác mọi sự cho Chúa, và noi gương Chúa Giêsu sống nhân hậu, sống
tốt với mọi người, yêu thương, thông cảm và quảng đại với mọi người. Nếu Giáo
Hội đánh mất đi sự tươi vui của mình, thì điều đó có nghĩa là Giáo Hội đã đánh
mất đi tất cả. Khi đó Giáo Hội không làm chứng cho niềm hạnh phúc là hôn thê
của Chúa Kitô nữa, và điều đó cũng có nghĩa là tình yêu đã chết hay đang hấp
hối. Tuy nhiên, khi đó Giáo Hội sẽ không còn khả năng yêu thương con người hay
yêu thương với một tình yêu buồn sầu, mà tình yêu buồn sầu thì không phải là
tình yêu.
Cũng
thế, một tín hữu không còn khả năng sống tươi vui là dấu chỉ họ chưa gặp gỡ
Thiên Chúa đích thực, Khi người Kitô hữu đánh mất đi niềm vui, thì họ phải tự
vấn lương tâm mình xem nó có phải là ấu trĩ hay không? Và nếu quả thật có như
vậy, thì đây là lúc chúng ta phải nghe lời thánh Phaolô kêu mời: "Anh chị
em hãy tìm lại Chúa Kitô, nghĩa là món quà và ơn thánh quí báu nhất trong Mùa
Vọng hay sao?
(Trích
trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hàng Ngày’ của Radio Veritas Asia)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 12
16 THÁNG MƯỜI HAI
Vậy Chúng Tôi Phải Làm
Gì?
Thiên
Chúa đang đến gần ta, vậy ta sẽ đáp lại thế nào đây? Cũng như con cái Israel
bên bờ sông Gio-đan, chúng ta tự hỏi: “Vậy chúng tôi phải làm gì ?” Thiên Chúa
hiểu thấu tất cả những gì kín nhiệm thẳm sâu trong cõi lòng con người, vì Ngài
đến để làm ánh sáng soi chiếu lương tâm và trái tim con người.
Chúa
đến gần ta, ta đáp trả thế nào đây? Đáp trả thế nào trước sự hiện diện của
Ngài? Chúng ta có đầy lòng tôn thờ, đầy lòng nhiệt tâm với Chúa và tin tưởng
nơi Ngài không? Phụng vụ Mùa Vọng kêu mời chúng ta đáp trả bằng thái độ như
thế.
Hay
chúng ta hành động cách khác hẳn? Hay chúng ta cứ sống đối ngược lại tinh thần
mùa Vọng? Sự gần gũi của Thiên Chúa đã “quen quá hóa nhàm” đối với chúng ta rồi
sao? Phải chăng chúng ta đã đánh mất chân lý thẳm sâu mà Thiên Chúa trao cho
chúng ta trong Mùa Vọng? Phải chăng chúng ta đã trở nên dửng dưng với chân lý
ấy?
Trước
sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa, chúng ta có sẽ nói ‘vâng’? Hay là sự hiện
diện ấy chỉ tổ quấy rầy và gây phiền phức cho chúng ta?
Phụng
vụ Mùa Vọng thúc giục chúng ta giải quyết những câu hỏi ấy. Đó là những câu hỏi
vô cùng cốt yếu. Những câu hỏi ấy không chỉ liên hệ tới con người luân lý và
đến cung cách ứng xử của chúng ta, mà chúng còn liên hệ đến chính cốt lõi hiện
hữu của chúng ta, đến lương tâm Kitô giáo của chúng ta.
Anh
em hãy vui lên, Chúa đang đến gần! Niềm vui của chúng ta sẽ là niềm vui đích
thực và sâu xa khi chúng ta hiểu và đón nhận tất cả sự thật trong tiếng kêu của
Gioan Tẩy Giả bên bờ sông Gio-đan. Chúng ta không bao giờ được phép quên rằng
Thiên Chúa, Đấng vô cùng gần gũi với ta, cũng là một Thiên Chúa vô cùng thánh
thiện!
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Chúa Nhật III Mùa
Vọng;
Xp
3, 14-18a; Pl 4, 4-7; Lc 3, 10-18.
LỜI
SUY NIỆM: Khi ông
Gioan Tẩy Giả đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu
phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. “Đám đông hỏi ông rằng: Chúng tôi
phải làm gì đây” (Lc 3,10).
Chúng ta đang ở trong Mùa vọng, mùa chuẩn bị đón chờ Chúa đến. Chúng ta cũng
phải tự đặt câu hỏi như đám đông ngày trước họ đã hỏi với Gioan Tẩy Giả: “Tôi
phải làm gì đây để được ơn tha tội?” Trong đời sống của người Ki-tô hữu, Thiên
Chúa ban cho chứng ta có Chúa Thánh Thần, để soi sáng giúp đỡ để chúng ta trở
về với chính mình và với Thiên Chúa trong sự thật. Với tình yêu thương của
Thiên Chúa, Ngài muốn mỗi người chúng ta dám sống lả người Công Bằng và Bác Ái,
dám là người chân thật với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Từ chối buông
trôi theo bạo lực, và mọi ước muốn thấp hèn. Để chúng ta có tâm hồn thánh thiện
đón mừng Lễ Giáng Sịnh.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
16 Tháng Mười Hai
Hơi Ấm Của Tình Người
Một vị linh đạo Ấn Giáo và các môn sinh ngồi
quây quần bên một bếp lửa hồng. Sức nóng của than hồng và hơi nóng của từng
người làm cho căn phòng ấm hẳn ra... Nhưng bỗng chốc, vị linh đạo già run lập
cập, môi ông bập bẹ không nói ra lời. Các môn sinh lo lắng cho sức khỏe của
thầy: "Thưa thầy, chắc thầy yếu trong người, chúng con xin phép được cho
thêm củi vào lò sưởi".
Trong cơn thổn thức, vị linh đạo già cố gắng
nói từng tiếng: "Lửa và sức nóng trong căn phòng này quá đủ cho ta... Ta
cảm thấy lạnh là bởi vì bên ngoài có một người hành khất đang run lập cập".
Quả thật, đúng như lời của vị thầy, các môn
sinh đã mở cửa nhìn ra ngoài, và họ đã tìm thấy một người hành khất đang rét
run vì đói và lạnh... Họ đưa người đó vào trong căn phòng, săn sóc cho anh và
từ giây phút ấy, vị linh đạo già cũng trút bớt được nỗi rét run của mình.
Câu
chuyện được trích từ kho tàng khôn ngoan của người Ấn Ðộ trên đây có lẽ gợi lại
cho chúng ta lời của thánh Giacôbê tông đồ: "Ðức Tin không có việc làm là
một Ðức Tin chết". Vị linh đạo già trên đây đã cảm thấy rét run là bởi vì
sự ấm áp của thầy trò đang có với nhau chưa được chia sẻ cho người khác. Ông
chỉ cảm thấy thật sự ấm lòng, khi hơi ấm của sự quây quần ấy được san sẻ cho
người khác.
Vị
linh đạo này là hình ảnh của đời sống Ðức Tin của chúng ta. Dù có sốt sắng bao
nhiêu trong việc cầu nguyện, trong các nghi thức phụng tự, nếu tâm hồn chúng ta
không được nuôi dưỡng bằng lòng mến đối với tha nhân, thì hơi ấm của lòng đạo
đức nơi chúng ta chỉ là một thứ hơi ấm giả hiệu... Một Ðức Tin nhiệt thành, một
Ðức Tin có hơi ấm thật sự cần phải được nuôi dướng bằng lòn mến.
(Lẽ Sống)
Ngày 16
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG
"Chúng
tôi phải làm gì đây?" Câu hỏi này được đám đông đặt ra cho ông Gioan Tẩy Giả, cũng là câu hỏi của chúng ta, khi
lời kêu gọi hoán cải, thay đổi cái nhìn và cách xử sự, việc đưa ra cho chúng
ta. Hành động làm sao để trở về trên con đường khác, tìm được những điểm mốc khác để sống trong sự thật?
Những người
chịu phép Rửa bằng nước, đang chờ Thần Khí, chỉ phải làm điều này: là trở về với chính mình và với Thiên
Chúa, trong sự thật. Thiên Chúa không phức tạp, Người để vừa tầm tay cái cốt yếu của con người: dám là người chính
trực, dám là người chân thật, từ chối buông trôi vào bạo lực, như ông Gioan
khuyên bảo. Những người nam và nữ này đến từ mọi phương trời, họ chỉ có thể gặp
nhau trong sự thật của con người, được Đức Kitô soi sáng.
Ồng Gioan Tẩy
Giả lên đường đến với Đức Giêsu, như Mùa Vọng đưa chúng ta trên con đường dẫn tới Giáng Sinh: để gặp gỡ nhân loại
được hoàn thành khi Thiên Chúa đến, để vượt qua những sa sút tinh thần và hung
bạo của chúng ta, để tỏ rõ sự thật của ân ban của Thiên Chúa. Chúng ta phải làm
gì đây, nếu không phải là làm sáng tỏ trong lương tâm chúng ta, điều làm cho
chúng ta sống và hành động để san bằng, trong chúng ta, những con đường của
Thiên Chúa?
Đúc Cha Gérard Defois
www.tinmung.net
Lectio: Chúa Nhật III Mùa Vọng (C)
Chúa Nhật, 16 Tháng 12,
2012
Việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả
Chuẩn bị cho sự xuất hiện của Nước Trời
Lc 3:10-18
1. Bài Đọc
a) Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin hãy soi sáng tâm trí chúng con, xin hãy đổ đầy những tâm hồn mà Chúa đã tạo dựng ra với ân sủng của Chúa. Xin hãy
là ánh sáng cho ngọn lửa sốt mến trí năng trong tâm hồn chúng con; xin hãy chữa lành những vết thương của chúng con với nhũ hương của tình yêu Chúa. Ánh sáng
của sự khôn ngoan đời đời, xin hãy mặc khải cho chúng con mầu nhiệm của Thiên Chúa Cha
và Chúa Con được kết hợp trong một tình yêu duy nhất. Amen.
b) Phúc
Âm
10 Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: "Vậy chúng tôi phải làm gì?" 11 Ông trả lời: "Ai có
hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy". 12 Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?" 13 Gioan đáp: "Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi". 14 Các quân nhân cũng hỏi: "Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?" Ông đáp: "Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình".
15 Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: "Có phải chính ông là Đức Kitô chăng?" 16 Gioan trả lời cho mọi người rằng: "Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa.17 Người cầm nia trong tay
mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!"18 Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.
·
c) Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng và soi
sáng đời sống chúng ta.
2. Suy Gẫm
a) Ý chính của bài đọc:
Một phần của sứ điệp Tin Mừng theo Thánh Luca là sự cần thiết phải hối cải: metanoia, đó là, một sự thay đổi tâm trí đến đường lối suy nghĩ và hành động thiêng liêng. Rất thông thường chúng ta gặp trong sách Tin Mừng của Luca những hình ảnh lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện trong Đức Giêsu Kitô hướng về những kẻ đói nghèo và tâm hồn khiêm nhu (Lc 1:46-55; 2:1-10;
5:12-31; 6:17-38). Những cảnh này trái ngược lại với việc cư xử khắt khe dành cho những người giàu có và tự mãn mà con tim thì chai đá và đóng
kín với Thiên Chúa và với tha nhân nghèo
túng (Lc 16:19-31; 17:1-3).
Văn bản của phần phụng vụ Chúa Nhật tuần này trình bày với chúng ta về chủ đề này. Đoạn Phúc Âm Lc 3:10-18 là một phần bài trình bày của Luca về lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả trong việc chuẩn bị cho mầu nhiệm Đức Giêsu. Gioan Tẩy Giả công bố về ngày của Chúa sắp xảy ra: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” (Lc 3:7). Các ngôn
sứ đã công bố về ngày của cơn thịnh nộ và sự cứu rỗi sắp đến này, cũng như việc sắp xuất hiện của một ngôn sứ được biết đến giống như ngôn sứ Êlia (Hc 48:11), là người sẽ đi trước dọn đường cho Chúa (Ml 3:1-5). Theo truyền thống Kitô giáo, Gioan Tẩy Giả là sứ giả, người chuẩn bị cho ngày xuất hiện của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thê: “Đấng có quyền năng hơn tôi đang đến” (Lc 3:16). Trong thực tế, sứ vụ của Gioan diễn ra vào thời điểm lòng kỳ vọng lớn lao về Đấng Thiên Sai: “Hồi đó, dân đang trông ngóng” (Lc 3:15), và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêssia. Sau đó, câu hỏi này cũng được đặt ra cho Chúa Giêsu (Lc 9:7-9,
18-21) là Đấng sau đó mặc khải danh phận của mình trong lời xác nhận hàm ẩn của câu nói tuyên xưng đức tin bởi Phêrô.
Trong các câu 3:1-18 của Tin Mừng Luca, chúng ta tìm được tất cả mọi dữ kiện liên quan đến sứ vụ và tác vụ của Gioan Tẩy Giả. Ông đã được sai đến để làm phép rửa như là một dấu hiệu của lòng ăn năn sám
hối và rao giảng sự hoán cải mang lại ơn cứu độ: “nảy sinh những hoa trái xứng đáng” (Lc 3:7); “tôi làm phép rửa cho anh em trong nước” (Lc 3:16). Qua lời rao giảng của ông, Gioan “đã
công bố Tin Mừng” (Lc 3:18) rằng ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho một số người được tuyển chọn mà là cho tất cả mọi người, gồm cả những kẻ thu thuế và binh lính (Lc 3:10-14), cho tất cả những ai sống và hành xử một cách công bằng và trong tình bác ái. Đến lượt Chúa Giêsu, Người sẽ tiếp tục làm rõ sự thật này bằng thái độ thương xót của mình đối với những người thu thuế, kẻ tội lỗi và bị gạt bỏ ra ngoài lề xã hội (Lc 7:1-10,
36-50; 17:11-19;
18:9-14). Trong thực tế, chủ đề ơn cứu rỗi đã trở nên gắn liền với Triều Đại Thiên Chúa sắp đến, mà đang ở giữa chúng ta (Lc 17:20-21) và hàm ý
công bằng xã hội và sự bình đẳng giữa tất cả mọi người (Lc 3:10-14). Do đó, ơn cứu độ không chỉ là một đặc tính trừu tượng và cá nhân, mà là điều có thực và tập thể. Ơn cứu độ này được ban cho chúng ta bởi Thiên Chúa
trong những người đã được chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần và lửa (Lc 3:16b). “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Lc 3:17). Sau câu
chuyện Tin Mừng, chúng ta thấy một vài lần Chúa Giêsu sẽ nhắc đến những dấu chỉ tương tự liên quan đến Triều Đại sắp đến qua các lời khuyên răn và dụ ngôn (Lc 13:1-5;
17:22-37). Chúng
ta có thể nói rằng trong việc nhìn vào sứ vụ và tác vụ của Chúa Giêsu, Luca đã để chúng ta nhìn thấy sự hoàn thiện của việc công bố và rao giảng của Gioan. Ở đây, chúng ta có thể nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói trong hội đường tại Nagiarét: “Hôm nay
đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý
vị vừa nghe” (Lc 4:21).
b) Một vài câu hỏi
để quy hướng cho phần suy gẫm và thực hành của chúng ta.
i. Nhu
cầu cho việc hoán cải: metanoia, đó là, thay đổi phương cách suy nghĩ bất toàn của một người để hướng đến đường lối suy nghĩ và
hành động hoàn hảo của Thiên Chúa. Tôi có cảm thấy có nhu cầu này không?
ii. Lòng
thương xót của Thiên Chúa đối với người nghèo khó và
tâm hồn khiêm nhu được thể hiện trong Đức Giêsu Kitô. Tôi có nhận thấy mình có những điều này không?
iii. “Một cảm giác trông ngóng đã nảy nở trong thâm tâm người dân” (Lc 3:15). Các Kitô hữu tiên khởi đã băn khoăn chờ đợi lần tái giáng lâm của Chúa: “Thần Khí và Tân Nương nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’ Ai nghe, hãy nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’ ” (Kh
22:17). Tôi có đang mong đợi sự xuất hiện của Chúa không, hay là tôi đang quá bận rộn với đời sống vật chất mà tôi đã gắn bó cách quá đáng vào tất cả những gì trước mắt?
iv. Theo
truyền thống Kitô giáo, Gioan Tẩy Giả là vị sứ giả đến để chuẩn bị mọi người cho việc giáng thế lần thứ nhất của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. Giáo Hội cũng đã nhận lãnh cùng một sứ vụ chuẩn bị dọn đường cho Chúa sẽ đến lần nữa: “Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến!” (Kh 22:20). Tôi có thể làm được những gì để chuẩn bị cho lần xuất hiện thứ hai của Chúa?
v. Ơn cứu độ không dành riêng
cho một số ít người được chọn, mà là cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người bị coi là “bất xứng” với ơn cứu độ của Thiên Chúa. Trong thời Chúa Giêsu, kẻ thu thuế và dân ngoại là những người trong số bị xem là “bất xứng”. Trong thời đại của chúng ta, ai là
những người thường xuyên bị xem là “bất xứng” với ơn cứu độ?
vi. Chủ đề ơn cứu rỗi liên quan chặt chẽ với việc Triều Đại Thiên Chúa sắp đến và có ngụ ý công bằng xã hội: “Này đây,
Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21:5). Tôi có thể làm được những gì để phát huy công lý trong một cách mà sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc của bất công xã hội?
3. Cầu Nguyện
a) Thánh Vịnh 97 (96:1-7, 10-12)
CHÚA là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên,
vui đi nào, ngàn muôn hải đảo!
Mây u ám bao phủ quanh Người,
bệ ngai rồng là công minh chính trực.
Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong,
đốt tiêu tan địch thù tứ phía.
Ánh chớp của Người soi sáng thế gian,
địa cầu trông thấy mà run sợ;
núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan
vị Chúa Tể hoàn cầu.
Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
hết mọi dân được thấy vinh quang Người.
Nhục nhã thay ai thờ ngẫu tượng,
huênh hoang vì những vật hư vô này.
Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi!
Kẻ yêu CHÚA, hãy ghét điều gian ác,
Người giữ gìn tính mạng kẻ hiếu trung,
giải thoát họ khỏi tay phường độc dữ.
Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính,
niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay.
Trước nhan thánh CHÚA, người công chính hãy vui mừng
tưởng nhớ Thánh Danh mà dâng lời cảm tạ!
vui đi nào, ngàn muôn hải đảo!
Mây u ám bao phủ quanh Người,
bệ ngai rồng là công minh chính trực.
Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong,
đốt tiêu tan địch thù tứ phía.
Ánh chớp của Người soi sáng thế gian,
địa cầu trông thấy mà run sợ;
núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan
vị Chúa Tể hoàn cầu.
Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
hết mọi dân được thấy vinh quang Người.
Nhục nhã thay ai thờ ngẫu tượng,
huênh hoang vì những vật hư vô này.
Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi!
Kẻ yêu CHÚA, hãy ghét điều gian ác,
Người giữ gìn tính mạng kẻ hiếu trung,
giải thoát họ khỏi tay phường độc dữ.
Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính,
niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay.
Trước nhan thánh CHÚA, người công chính hãy vui mừng
tưởng nhớ Thánh Danh mà dâng lời cảm tạ!
b) Lời nguyện kết
Lạy Ngôi Lời Chúa, là vẻ huy hoàng của Chúa Cha, trong sự viên mãn thời gian Chúa đã từ trời xuống để cứu chuộc thế gian. Tin Mừng bình an của Chúa đã giải thoát chúng con khỏi tất cả tội lỗi, tuôn đổ ánh sáng vào trong tâm trí chúng con và niềm hy vọng vào trong tâm hồn chúng con. Khi mà, giữa vẻ huy hoàng của thiên đàng, Chúa sẽ trở lại như vị quan tòa, chào đón chúng con vào
bên phải của Chúa trong tập hợp những người được chúc phúc. Chúng con
ca ngợi Đức Kitô, Chúa chúng con, cùng với Đức Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, như có từ trước, bây giờ và đến muôn thuở muôn đời. Amen
4. Chiêm Niệm
Chiêm niệm có nghĩa là biết làm thế nào để gắn bó với tất cả tâm hồn và trí khôn của mình vào Chúa, Đấng mà qua Lời của Người biến đổi chúng ta trở thành những con người mới, những người luôn làm theo thánh ý Người. “Bây giờ các con đã biết những điều này, nếu các con thực hành tương xứng, thì thật phúc cho các con!” (Ga 13:17)
www.dongcatminh.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét