Chúa Nhật 4 Mùa Vọng Năm C
Bài Ðọc I: Mk 5, 2-5a
"Nơi ngươi sẽ xuất
hiện Ðấng thống trị Israel".
Bài trích sách Tiên tri
Mikha.
Ðây lời Chúa phán: "Hỡi
Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi
sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ,
từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh,
sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người
sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của
Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao
trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được
phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống
(c. 4).
Xướng: 1) Lạy Ðấng chăn dắt
Israel, xin hãy lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong
sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. -
Ðáp.
2) Lạy Chúa thiên binh, xin
thương trở lại, từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ
vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành mà Ngài đã củng cố cho mình. -
Ðáp.
3) Xin Chúa ra tay bang trợ
người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ
không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng
danh Người. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 10, 5-10
"Này đây con đến để
thi hành thánh ý Chúa".
Bài trích thơ gởi tín hữu
Do-thái.
Anh em thân mến, khi đến
trong thế gian, Chúa Giêsu phán: "Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ
hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn
thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: 'Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh
ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'".
Sách ấy bắt đầu như thế này:
"Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa
không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Ðoạn Người nói
tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa". Như thế đã bãi
bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được
thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 1, 38
Alleluia, alleluia! "Này
tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 39-45
"Bởi đâu tôi được Mẹ
Thiên Chúa đến viếng thăm tôi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội
vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và
chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng
trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:
"Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc!
Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời
Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng
lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
"Nhân, Lễ, nghĩa, Trí,
Tín"
"Tín" là một trong
năm đức tính căn bản của người quân tử theo đạo làm người. Người ta không thể
sống với nhau nếu ta không tin nhau. Người ta không thể đi sâu vào trong tương
quan liên vị nếu còn ngờ vực nhau.
Ðối với Thiên Chúa, niềm tin
càng đòi phải tuyệt đối vì Thiên Chúa là Ðấng trung tín. Tin vào Thiên Chúa là
dấu chỉ một tâm hồn khiêm hạ và cậy trông hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Nghi nan là
một xúc phạm vô cùng đến tình Cha yêu thương. Kết quả của niềm tin hay không
tin: Maria được chúc phúc vì đã tin vào Lời Chúa, còn Dacaria phải bất hạnh vì
đã không tin.
Nghiệm lại cuộc đời mình: ta
thấy thế nào khi chúng ta tin hay không tin nơi Thiên Chúa?
Cầu Nguyện:
Lạy Cha xin ban thêm đức tin
cho chúng con. Từ khi chúng con lãnh bí tích rửa tội. Chúng con đã tuyên xưng
tin vào Thiên Chúa là Cha chúng con. Mỗi khi chúng con ghi dấu thánh giá là một
cách chúng con biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Thế nhưng niềm tin của
chúng con còn yếu kém lắm. Chúng con mới chỉ tin vào Cha trên môi miệng. Chúng
con chỉ mới tin vào Cha khi cuộc đời êm trôi. Chúng con mới chỉ tin vào Cha khi
thấy có lợi cho chúng con.
Lạy Cha, niềm tin của chúng
con còn tính toán, vị kỷ. Xin cho chúng con biết tuyệt đối tin vào Thiên Chúa
dù cuộc đời chúng con đến với chúng con dưới bất cứ hình thức nào. Amen.
(Veritas Asia)
Xin Vâng Ý Chúa
(Mica 5,1-4a; Hipri 10,5-10; Luca 1,39-45)
Suy Niệm:
Chúa nhật I mùa Vọng báo tin
ngày Chúa đến. Chúa nhật II cho thấy Gioan đến dọn đường. Chúa nhật III nói về
niềm vui nổi lên vì Chúa đến gần. Còn Chúa nhật IV mùa Vọng hôm nay, chúng ta
biết nói gì khi thấy Mẹ Chúa đến viếng thăm? Chắc chắn Phụng vụ, muốn chúng ta
gọi Chúa nhật này là Chúa nhật của Ðức Mẹ. Và các bài Kinh Thánh hôm nay, sâu
xa đều vẫn muốn nói về Người. Chúng ta nhìn thấy hình ảnh bài Tin Mừng; Và
trong bài Thánh thư nói đến tâm tình của Chúa Kitô khi nhập thể chúng ta có thể
thấy chính lòng của Ðức Mẹ.
Và điều này đúng, nghĩa là
nếu tâm tình của Chúa Giêsu cũng là tâm lý của Ðức Mẹ thì Chúa nhật hôm nay của
Ðức Mẹ cũng là Chúa nhật của chính Ðức Giêsu Kitô, chúng ta thấy cả hai đấng.
Chúng ta thấy Ðức Mẹ mang Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở nơi Ðức Mẹ. Chúng ta thấy
Chúa Giêsu đang đến với chúng ta nơi Ðức Mẹ, khiến chúng ta trong đời sống chờ
ngày Chúa đến, phải biết mến yêu Ðức Maria và bắt chước Người.
1. Một Người Nữ Thụ Thai
Bài sách Mica hôm nay rất
thời danh. Nó được coi như lời tiên tri rất sáng sủa về Ðức Giêsu Kitô cứu thế.
Nó nói Người xuất thân từ Belem, sinh bởi một người nữ "đồng trinh"
và mang uy quyền của Thiên Chúa. Nhưng đọc ở thời Cựu ước, ý nghĩa của nó không
rõ rệt như thế đâu.
Trước hết, ở thời xưa không
chắc nhiều người đã để ý đến lời tiên tri này. Chính Mica cũng là một nhân vật
ít được chú trọng. Ông là một tiên tri nhỏ, sống ở thế kỷ thứ VIII trước Chúa
Giêsu Giáng Sinh. Ông hoạt động ở Giuđa, tức là miền Nam. Và chắc ông cũng chỉ
tuyên sấm chung chung như mọi ngôn sứ khác. Ðại khái ông tố giác đời sống tội
lỗi ở Giêrusalem, tiên báo hình phạt sẽ đến, nhưng khuyên nhủ tin cậy vào thời
Phục hưng. Tác phẩm của ông chia làm ba phần rõ rệt như thế, nên người ta có lý
để nghĩ rằng nó đã được một bàn tay nào sắp đặt, chứ khi ông rao giảng các tư
tưởng không cách nhau như vậy đâu. Nhất là khi nhìn vào đoạn văn trích đọc hôm
nay, người ta tưởng đã có một nhà thần học, sống sau ông rất nhiều và đã đào
sâu tư tưởng của ông mới có thể viết ra được những lời tiên tri giá trị như
vậy. Dù sao chúng ta cũng rất mừng được một bản văn như thế. Và khi đem đọc nó
dưới ánh sáng của Tân ước, chúng ta càng thấm thía ý nghĩa của chính tên tác
giả. Là vì trong tiếng Do Thái, Mica có nghĩa là: Ai như Thiên Chúa? Ðọc sách
Mica, chúng ta sẽ thấy không ai như Thiên Chúa chúng ta. Người thật lạ lùng và
công việc của Người thật kỳ diệu.
Quả vậy, ai có thể nghĩ như
người? Ðang khi Israen đang bị chà đạp dưới gót giày của các đế quốc khổng lồ,
Người tuyên sấm sẽ cứu đoàn dân nhỏ bé của Người. Người sẽ chọn một mục tử để
chăn dắt, không những các chiên của Israen mà cả thế giới cũng chỉ là chiên của
Người. Ý tưởng Ðấng Thiên Sai cứu thế sẽ là một mục tử, là một ý tưởng rất phổ
thông trong sách Cựu Ước. Người ta còn được biết Người thuộc dòng dõi Ðavít
nữa. Có lẽ góp hai quan niệm ấy lại, tác giả bài sách Mica hôm nay đã dám bạo
viết rằng:
Phần ngươi hỡi Bêlem Ephrata
nhỏ bé nhất trong hàng các bộ tộc Giuđa.
Chính tự nơi ngươi sẽ xuất
hiện cho Ta, vị có định mệnh thống lĩnh Israen.
Nhà tiên tri đã được linh ứng
để thấy trước việc Ðấng Thiên Sai sẽ xuất thân từ Bêlem, một làng rất nhỏ trong
đất Giuđa, hay vì theo lời giao ước Ngài thuộc dòng Ðavít và sẽ là mục tử, nên
ở đây nhà tiên tri muốn diễn tả Ngài như một Ðavít mới thật sự và do đó phải
xuất từ Bêlem cũng như sẽ phải là một mục tử, như sẽ viết sau này?
Dù sao ý tưởng tác giả muốn
nhấn mạnh ở đây không phải là chính Bêlem cho rằng tính cách nhỏ bé nhất của
nơi này. Ông muốn nói rằng xét theo lai lịch xác thịt, Ðấng Cứu Thế không có gì
đáng kể, nhưng như lời viết sau đây: Nguồn gốc của Ngài lên tới những ngày thuở
xưa. Ngài là Con Người mầu nhiệm. Ngài có vẻ sinh ra từ một nơi tối tăm, không
có danh tiếng gì; nhưng thật sự Ngài đã hiện diện từ xa xưa, từ thời có những
lời hứa đầu tiên và trước cả đó nữa. Ðề cập đến Ngài như vậy Mica còn tỏ ra
đáng phục hơn là khi ông nói Ðấng thống lĩnh Israen sẽ xuất thân từ Bêlem. Biết
quê hương một người đâu quan trọng bằng biết bản chất con người ấy?
Thế mà Mica không dừng lại ở
điểm này. Những lời ông viết tiếp đã được giải thích nhiều cách.
Thông thường thì người ta
hiểu rằng: Chúa còn bỏ rơi dân Người cho đến ngày một người nữ sẽ sinh con và
khi ấy con cái Israen sẽ được đoàn tụ. Tức là ở trên nhà tiên tri đã nói đến
quê quán Ðấng Thiên Sai, giờ đây ông bàn đến thời đại Ngài ra đời cũng như dòng
họ của Ngài. Ngài sẽ sinh ra sau thời gian Chúa thử thách dân Người và việc
Ngài đản sinh là dấu Chúa đã đoái thương, muốn cứu lại dân và cho họ về đoàn
tụ. Còn ai sẽ sinh ra Ngài? Isaia đã nói về một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh
một con trai. Lời tiên tri ấy mầu nhiệm đến nỗi đã ám ảnh tâm trí mọi người.
Mica ở đấy chỉ lặp lại... Nhưng dường như ông nghĩ rằng người nữ sinh con kia
không là ai khác chính dân Chúa, và chính số dân sót còn lại sau thử thách, số
dân nghèo đạo đức còn lại sau nhiều phấn đấu cam go. Ðấng Thiên Sai sẽ sinh ra
từ dòng dõi những người này. Ngài sẽ là mục tử dùng sức mạnh và quyền năng của
Thiên Chúa để cai trị cả thế giới và ban hòa bình cho muôn dân.
Và như vậy, ở đây chúng ta
lại thấy tính cách mầu nhiệm nghịch thường của con người Ðấng Thiên Sai. Ngài
sẽ sinh ra từ dòng dõi khó nghèo, nhưng sức mạnh và quyền lực Ngài có lại là
của Thiên Chúa.
Do đó toàn bài sách Mica hôm
nay đã nói về Ðấng Thiên Sai cứu thế. Tác giả nhấn mạnh đến con người mầu nhiệm
của Ngài. Bề ngoài Ngài nghèo khó hèn mọn nhưng thật sự Ngài cao cả quyền uy.
Ðấng cứu độ là Thiên Chúa ở trong dân khó nghèo...
Tuy nhiên chúng ta cũng được
phép đọc câu "Một người nữ sẽ sinh con" và dừng lại để nghĩ đến Ðức
Mẹ. Người cũng bình dị nhưng cao cả vì Người sẽ sinh Ðấng thống lĩnh nhà
Israen. Và Ðức Mẹ cũng chính là Dân Chúa, là bông hoa kết tinh của Cựu Ước và
là gương mẫu của Hội Thánh ngày nay bắt chước. Chúng ta hiểu lời tiên tri ấy về
Người, thì cũng phải hiểu về Hội Thánh và về chính chúng ta, như Mica đã làm
cho thế gian thấy Chúa cứu thế đến cứu đời. Và chúng ta sẽ làm được việc ấy nếu
biết chiêm ngưỡng Ðức Mẹ và bắt chước Người. Do đó chúng ta hãy nhìn Người
trong bài Tin Mừng hôm nay.
2. Bà Là Mẹ Thiên Chúa
Chúng ta hết thảy đều biết:
Buổi đầu khi các Tông đồ khởi sự truyền giáo, các ngài đã rao giảng về Ðức
Giêsu cho người ta, theo một dàn bài rõ rệt, tức là khởi sự từ ngày Người chịu
Gioan rửa cho tới khi Người chịu chết - sống lại - lên trời - và sai Thánh Thần
xuống. Nhưng bên cạnh công thức huấn giáo Tông đồ ấy, dần dà đã có những câu
chuyện truyền tai nhau về thời thơ ấu và niên thiếu của Ðức Giêsu. Thánh Luca,
khi viết tác phẩm Tin Mừng, đã nhặt một số các câu chuyện này và đem viết thành
những chương đầu tiên. Người chẳng làm công việc này nếu những câu chuyện kia
không ăn khớp với những chương sau trình bày giáo huấn chính thức của các tông
đồ. Nói cách khác, Người đã quan niệm những chương nói về cuộc đời niên thiếu
của Chúa phải như tiền đề dẫn vào những chương nói về cuộc đời công khai của
Ngài. Do đó chúng ta có thể tìm thấy mầm mống những chương sau đã nằm nơi những
chương đầu tiên rồi. Và chúng ta chỉ hiểu được những chương này dưới ánh sáng
của mầu nhiệm Chúa Kitô sẽ phát huy trong việc Ngài tử nạn phục sinh.
Ðoạn văn hôm nay nằm trong
những chương đầu tiên này. Tác giả Luca thuật những chuyện về Ðức Giêsu với
những chuyện về Gioan Tẩy Giả để làm nổi bật sự mật thiết cũng như sự khác biệt
giữa vị tiền hô và vị cứu thế, giữa Cựu Ước và Tân Ước, giữa luật pháp và ân
sủng. Ở đây chúng ta thấy Ðức Maria đi thăm bà Isave.
Người lên đường sau ngày được
sứ thần truyền tin. Nên cuộc viếng thăm ngày hôm nay gắn liền với sự việc ngày
hôm trước. Theo như Kinh Thánh luôn cho biết, Thiên Chúa nói sao là có vậy. Thế
mà sứ thần đã bảo Ðức Maria thụ thai Con Thiên Chúa để Ngài sẽ được gọi là
Giêsu tức là cứu thế. Ðồng thời sứ thần cũng loan tin bà Isave đã thụ thai
trong tuổi già được 6 tháng rồi. Có cái gì ở giữa hai sự việc này đây? Maria cứ
lên đường và sẽ biết. Người đon đả ra đi là vì lẽ đó. Vậy khi Người vừa vào nhà
và chào bà Isave, thì lập tức bà này đã lớn tiếng kêu lên: "Trong nữ giới
có Người là diễm phúc. Và đáng chúc tụng thay hoa quả lòng Người". Làm sao
Isave có thể nói lên được những lời ấy; và nếu bà không giải thích thì ai mà
hiểu được? Hơn nữa bà còn nói về Maira là Mẹ Thiên Chúa tôi đến với tôi. Làm
sao bà biết được Maria đã cưu mang Chúa Cứu Thế? Nỗi vui của bà quả thật là
niềm vui cứu độ mà các tiên tri đã từng hứa cho thiếu nữ Giêrusalem; và Mica đã
loan báo sẽ xảy đến cho Bêlem nhỏ nhất trong xứ Giuđa. Chúng ta hãy nghe và
giải thích: "Vì này thoạt tiếng Người chào vừa đến tai tôi, thì hài nhi
trong dạ tôi nhảy mừng".
Như vậy Gioan đã bắt đầu đóng
vai trò "tiền hô của ông". Ngay từ trong bụng mẹ, Gioan đã báo tin
Chúa đến. Nhờ sự vui mừng của ông, mẹ ông đã được chỉ cho biết ân sủng đã đến
trong con người Ðức Maria. Và nhờ việc ông nhảy mừng chúng ta thấy rõ Lời Chúa
phán với Ðức Maria đã công hiệu. Chúa nói là Chúa làm. Ngài sẽ được gọi là
Giêsu vì Ngài đã cứu thế. Ngài đã cho Gioan được sự vui mừng cứu độ. Và Gioan
đã được chia sẻ niềm vui ấy; để rồi Ðức Maria không thể nào dấu được nữa những
ơn cao cả Người đã được và đang mang trong mình.
Do đó, câu chuyện đi viếng
hôm nay là để xác nhận việc Con thiên Chúa đã đến để cứu đời. Vị tiền hô còn
nằm trong dạ mẹ đã loan báo điều ấy. Và Mẹ Chúa hôm nay xuất hiện là để chúng
ta biết ơn cứu độ đã gần.
Thiên Chúa đã không dùng
những hành vi và khung cảnh thật nhỏ mọn để bày tỏ quyền năng cao cả của Người
đó sao? Nếu Bêlem nhỏ bé nhất trong hàng các bộ tộc Giuđa, như lời sách Mica
viết, thì câu chuyện thăm viếng xảy đến trong nhà bà Isave ở một làng không tên
tuổi nào đó lại còn nhỏ bé hơn nữa. Nhưng tất cả những gì có vẻ nhỏ bé trong
câu chuyện lại đều hết sức lớn lao. Nhờ sự nhảy mừng của Gioan trong bụng mẹ,
chúng ta được biết chúc tụng hoa quả của lòng Người. Tác giả thư Hipri là một
trong những người sớm biết làm công việc này. Chúng ta hãy nghe lời ông trong
đoạn trích hôm nay.
3. Bà Ðã Thưa: Xin Vâng Ý Chúa
Tác giả muốn diễn tả tâm
trạng của Chúa Kitô "lúc vào trần gian", tức là lúc nhập thể cứu đời.
Do đó, đoạn văn này hợp với Phụng vụ hôm nay, vì bài Tin Mừng cũng vừa nói đến
"Hoa quả của lòng Ðức Trinh Nữ".
Nhưng làm sao tác giả có thể
biết được cảm nghĩ của Chúa khi nhập thể? Ông chỉ có thể tìm thấy những ý nghĩ
ấy trong chính cuộc đời trần gian của Người. Thế mà khi còn tại thế và trong
lúc giảng dạy, Chúa Giêsu vẫn không ngớt nhấn mạnh rằng: Ngài đến không để làm
theo ý mình nhưng để thi hành ý của Chúa Cha. Và tất cả các sách Tân Ước đều
khẳng định cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô là một sự vâng lời cho đến chết và
chết trên thập giá.
Do đó tác giả thư Hipri có lý
để viết về Chúa Kitô lúc vào trần gian rằng: Người nói: Này con đến để thi hành
ý muốn của Chúa. Tác giả có vẻ muốn căn cứ vào lời trong một cuốn sách đã viết
về Ngài. Nhưng cuốn sách nói đây không phải là một cuốn sách nào đó trong bộ
Kinh Thánh mà là toàn bộ Kinh Thánh, kể từ "Môsê cho đến hết các tiên
tri", như lời Chúa Phục sinh nói với hai môn đệ trên đường Emmaus và với
các tông đồ.
Nhưng điều đáng để ý ở đây là
mạch văn của tất cả đoạn thư này. Tác giả đang nói rằng tất cả các lễ dâng đạo
cũ đều không có sức tẩy rửa tâm hồn và làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì lẽ "các
điều ấy được hiến dâng chiếu theo lề luật". Bấy giờ, lúc vào trần gian,
Chúa Kitô đã nói: Này con đến để thi hành ý muốn Chúa. Chính trong ý muốn ấy,
tức là trong thánh ý của Thiên Chúa mà chúng ta đã được tác thành, nhờ việc tự
nguyện hiến thân vâng lời của Chúa Kitô.
Nói cách khác, ơn cứu độ
chúng ta nằm nơi thánh ý Chúa đã xót thương thí ban Con Một của Người cho chúng
ta và sự vâng lời của Chúa Con đã hiến thân như ý Chúa Cha đã định. Và nơi đang
thực hiện những điều này là chính lòng Trinh Nữ Maria, người mà bà Isave hôm
nay đã nhận ra là "kẻ đã tin rằng viên thành sẽ đến cho mọi điều Chúa
truyền phán dạy cho Người!" Với câu này, rõ ràng tác giả Luca có ý gợi lại
thái độ và lời "xin vâng" của Ðức Maria khi được thiên thần đến
truyền tin.
Và như vậy, chúng ta có thể
hiểu cả ba bài đọc Thánh Kinh hôm nay về Ðức Maria cũng như về Chúa Giêsu, về
Ðức Maria cưu mang Ðức Giêsu cứu thế trong thân phận nhỏ bé và vâng lời, và về
Chúa Giêsu đang đến với chúng ta nơi cung lòng Ðức Trinh Nữ cũng trong thái độ
nhỏ bé và vâng lời. Phải chăng phụng vụ chẳng muốn cho chúng ta nghĩ rằng khó
nghèo và vâng lời là môi trường và điều kiện để ơn cứu độ của Chúa thể hiện? Và
gần đến lễ Giáng sinh, cũng như để chuẩn bị ngày Chúa đến trong vinh quang,
thái độ của chúng ta há chẳng phải là khiêm nhường trước mặt Chúa và tuân giữ
các giới răn của Người? Việc nhìn nhận tội lỗi của mình rồi đến với Chúa trong
tòa cáo giải là cách dọn mình để đón nhận ơn Chúa Giáng Sinh. Cũng như khiêm
cung thi hành các đỏi hỏi của Tin Mừng trong đời sống là con đường chắc chắn
nhất làm cho ơn cứu độ của Chúa tỏ hiện một cách vinh quang.
Thánh lễ này cho chúng ta
được tiếp xúc với Chúa trong mầu nhiệm cứu thế, là mầu nhiệm thật cao cả nhưng
diễn ra trong khung cảnh đơn sơ khó nghèo biết bao! Ước chi chúng ta được niềm
tin như tiên tri Mica để khẳng định có ơn cứu độ. Niềm tin ấy sẽ giúp chúng ta
được như Ðức Maria, đón nhận Chúa Cứu Thế vào lòng. Rồi như Người, chúng ta sẽ
khiêm tốn ra về để đến với anh em. Chúa sẽ làm cho anh em biết ơn Người cứu độ
nếu niềm tin của chúng ta được thể hiện trong đời sống phục vụ khiêm tốn.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 4 Mùa Vọng, Năm C
Bài đọc: Mic
5:1-4a; Heb 10:5-10; Lk 1:39-45.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa yêu thích
kẻ khiêm nhường, bé nhỏ, nghèo hèn.
Con người ưa thích những
gì hoành tráng, uy quyền, và lộng lẫy. Nếu phải chọn nơi để sinh ra, con người
sẽ chọn được sinh ra trong hoàng cung, nơi có đầy đủ mọi phương tiện để con
người được sung sướng và hạnh phúc. Trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa hành
động khác hẳn con người. Ngài chọn cho Con mình một cha mẹ nghèo hèn, khiêm
nhường; và chọn cho con mình sinh ra nơi một thành bé nhỏ ít người biết đến.
Đây không phải là lần đầu, nhưng trong lịch sử của Cựu Ước cũng như Tân Ước,
nhiều lần Ngài chứng tỏ điều này, như Thiên Chúa chọn Jacob thay vì Esau, Giuse
thay vì các anh của ông, David trẻ nhất trong số các con của Jesse...
Chỉ còn vài ngày nữa là
tới biến cố độc nhất vô nhị xảy ra trong lịch sử; nhưng làm sao để chúng ta
nhận ra và đón nhận Đấng Thiên Sai vào trong cuộc đời? Các Bài Đọc hôm nay nêu
bật ý định của Thiên Chúa: Nếu con người muốn đón nhận Đấng Thiên Sai, họ phải
trở nên khiêm nhường, tin tưởng, và vâng lời. Đừng tìm Ngài trong những huy
hoàng tráng lệ; nhưng trong những nơi đơn sơ, bé nhỏ, nghèo hèn. Trong Bài Đọc
I, tiên-tri Micah báo trước gần 700 năm trước khi Đấng Thiên Sai ra đời: Ngài
sẽ sinh ra trong một thành nhỏ bé nhất của Judah, trong một thị tộc nhỏ bé nhất
Ephratha; nhưng nguồn gốc của Ngài có từ muôn đời và Ngài dùng uy quyền cai trị
của Thiên Chúa để mang ơn cứu độ cho mọi người và cứu thoát tất cả các chi tộc
của Israel. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái quả quyết Thiên Chúa hài lòng
những người tuân phục và làm theo ý muốn của Ngài hơn trăm ngàn của lễ hy sinh
chiên cừu. Trong Phúc Âm, Thiên Chúa chọn trinh nữ Maria, một thôn nữ quê mùa,
mộc mạc, đơn sơ, để làm Mẹ Đấng Thiên Sai giữa bao phụ nữ khác đẹp đẽ, uy
quyền, và sang trọng của cả nước Israel. Lý do: Mẹ khiêm nhường, đơn sơ, kín
đáo, thương người và nhất là luôn tìm để làm theo ý Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Hỡi
Bethlehem Ephratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Judah, từ nơi ngươi, Ta
sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel.
1.1/ Thiên Chúa chọn
những gì bé nhỏ nghèo hèn: Nếu một người cha thế gian chọn cho con mình một nơi để
sinh ra, chắc chắn ông sẽ chọn Jerusalem, một kinh thành có đầy đủ tiện nghi và
nổi tiếng. Ngược lại với khuynh hướng con người, Thiên Chúa chọn cho con mình
sinh ra ở Bethlehem, một thành nhỏ nhất của Judah; khoảng 30 dặm về phía Nam
của Jerusalem. Bethlehem là nơi sinh trưởng của vua David. Thiên Chúa chọn
David là đứa con nhỏ nhất trong gia đình của Jesse, để làm vua thay Saul. Khi
David lên ngôi, ông đã dời kinh đô về Jerusalem.
Hơn nữa, Ngài còn chọn
một thị tộc nhỏ bé nhất của Judah là Ephratha, để cho Con của Ngài sinh ra, như
tiên-tri Micah loan báo gần 700 năm trước khi Đấng Cứu Thế ra đời: "Phần
ngươi, hỡi Bethlehem Ephratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Judah, từ
nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel.'' Lời tiên
tri này rất quan trọng, vì nó sẽ được các kinh-sư dùng để trả lời cho ba nhà
đạo sĩ từ phương Đông đến hỏi: Vua người Do-thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi
đã nhìn thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Đông Phương và chúng tôi đến để
triều bái Người.
1.2/ Căn tính của Đấng Thiên
Sai: Giống
như thị kiến của tiên-tri Daniel sau này (7:13-14), tiên tri Micah mặc khải hai
căn tính quan trọng của Đấng Thiên Sai:
(1) Nguồn gốc: Tuy Ngài sinh ra trong
thời gian, nhưng "nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.''
Theo Daniel, Ngài tuy có hình ảnh của Con Người, nhưng lại "ngự giá mây
trời mà đến."
(2) Uy quyền: Tuy Ngài là con người,
nhưng Ngài có quyền lực của Thiên Chúa: "Người sẽ dựa vào quyền lực Đức
Chúa, vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ."
Theo Daniel, "Đấng Lão Thành [Thiên Chúa] trao cho Người quyền thống trị,
vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều
phải phụng sự Người."
(3) Triều đại: Không giống như triều
đại của vua chúa thế gian, triều đại của Người sẽ an bình, thịnh vượng, và tồn
tại muôn đời: "Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ
trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. Người sẽ chiến thắng Assyria. Chính Người sẽ
đem lại hoà bình.'' Theo Daniel, "Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh
cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong."
2/
Bài đọc II: "Lạy Thiên Chúa, này con đây, con
đến để thực thi ý Ngài."
2.1/ Vâng lời quan trọng
hơn của lễ:
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa truyền cho con cái Israel phải dâng của lễ để đền
những tội họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; nhưng dần dần, người
Do-thái quá chú trọng đến lễ vật bên ngoài, mà quên đi sự xám hối, tình thương,
và công bằng bên trong. Nhiều ngôn-sứ trong Cựu Ước đã cảnh cáo dân về việc vụ
hình thức bên ngoài, và kêu gọi họ chú trọng đến tâm hồn bên trong. Tác giả Thư
Do-thái cũng theo chiều hướng này, khi nói về sự cao trọng hy lễ của Đức Kitô.
Ông muốn nêu bật hai điểm chính:
(1) Mục đích của thân
xác:
"Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến
tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể." Đối với con người, việc làm cần
thiết để biểu tỏ niềm tin vào Thiên Chúa. Đức Kitô được Chúa Cha ban cho một
thân thể để Ngài thi hành thánh ý Thiên Chúa và dạy dỗ con người. Ngài dùng miệng
để rao giảng Tin Mừng, dạy dỗ, và an ủi tha nhân, dùng tay để chữa lành mọi
bệnh hoạn tật nguyền, và dùng chân để đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng... Sau
cùng, Ngài dùng chính thân thể của Ngài để chịu đựng đau khổ và chết thay cho
con người.
(2) Đức vâng lời: ''Chúa chẳng thích lễ
toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con
đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.'' Đây là những lời trích
từ thánh vịnh 40:6-9, và là một chân lý hiển nhiên, vì tất cả mọi sự trên đời
này là của Thiên Chúa. Ngài cũng chẳng có mũi để ngửi hay miệng lưỡi mà thưởng
thức các lễ vật của con người. Điều làm Thiên Chúa vui lòng là con người kính
sợ và làm theo thánh ý của Ngài.
2.2/ Hy lễ của Đức Kitô
vượt xa các lễ vật của Cựu Ước.
(1) Lễ vật của Cựu Ước: " Đức Kitô nói: Hy
lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó
chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền.'' Trước hết, máu
chiên bò đổ ra thay cho con người không phải là máu của tự nguyện, nhưng bị con
người bắt và giết đi. Thứ hai, máu này không đủ để tha tội, nhất là những tội
cố tình, nên phải tái diễn nhiều lần. Sau cùng, máu này không có sức thánh hóa
con người hay làm cho trở nên tốt hơn.
(2) Hy lễ của Đức Kitô: ''Rồi Người nói: Này
con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết
lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến
dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.'' Máu của Đức Kitô đổ ra chính là
máu của Con Thiên Chúa, Ngài tự nguyện hy sinh chịu chết cho con người. Máu này
chỉ cần đổ ra một lần là đủ vì có sức mạnh để tha tất cả các tội của con người.
Từ đó đến nay, Đức Kitô đã chấm dứt lễ tế cũ và thay bằng Thánh Lễ. Điều này
được chứng minh trong lịch sử là Đền Thờ bị phá hủy hoàn toàn từ năm 70 AD tới
giờ; người Do-thái có muốn dâng lễ tế đền tội cũng chẳng còn Đền Thờ mà dâng.
Sau cùng máu này không những tha mọi tội, mà còn có sức thánh hóa và làm cho
con người trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ các ơn thánh của bí tích Thánh
Thể.
3/
Phúc Âm: "Em
thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với
em."
3.1/ Đức Mẹ lên đường
thăm viếng bà Elisabeth: "Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một
thành thuộc chi tộc Judah. Bà vào nhà ông Zachariah và chào bà Elisabeth."
Không những Thiên Chúa
chọn cho con mình sinh ra ở một nơi bé nhỏ nghèo hèn; mà còn chọn cho con mình
một người mẹ rất đơn sơ, nhỏ bé, khiêm nhường; nhưng vâng lời làm theo ý Thiên
Chúa, và có lòng yêu thương tha nhân. Biến cố Mẹ Maria đi thăm viếng Elisabeth,
người chị họ, cho chúng ta thấy những đức tính nổi bật nơi Đức Mẹ.
Theo truyền thống, Ein
Karim là nơi gia đình của ông Zachariah và bà Elisabeth sinh sống nằm giữa
đường từ Jerusalem đến Bethlehem. Thông thường, người kém địa vị hơn phải đi
thăm người có địa vị cao hơn, hay người cần được ban ơn phải đi thăm người có
quyền ban ơn. Mẹ đã chọn đi bước trước để chào thăm và giúp đỡ người chị họ chứ
Mẹ không đợi người chị họ Elisabeth đến thăm mình; dù Mẹ biết mình đang cưu
mang Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa Tối Cao. Khi một người ở địa vị cao hơn đi
bước trước để thăm viếng, người đó biểu tỏ sự khiêm nhường và tình yêu chân
thật để tỏ sự quan tâm đến người mình yêu. Mẹ cũng mang niềm vui và muôn ơn của
Thiên Chúa đến cho bà Elisabeth qua cuộc thăm viếng này. Nếu Thiên Chúa Tối Cao
đã biểu tỏ sự khiêm nhường và tình yêu khi Ngài viếng thăm con người, chúng ta
là ai mà ngồi yên trông chờ người khác đến thăm viếng chúng ta!
3.2/ Bà Elisabeth chúc
mừng Đức Mẹ.
(1) Thánh thần ở với
Gioan ngay từ khi còn trong bụng mẹ: Trình thuật Lucas tường thuật một sự kiện lạ:
Khi "Bà Elisabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng
nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần."
Người Mẹ có thể nhận ra
sự khác thường của đứa con trong bụng mình. Khi Gioan, đại diện cho những con
người trong Cựu Ước nhận ra Đấng Thiên Sai đến viếng thăm, đã nhảy mừng tuy vẫn
còn trong bụng bà Elisabeth.
(2) Bà Elisabeth lớn
tiếng ca tụng Mẹ Maria: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em
đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với
tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng
đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những
gì Người đã nói với em."
Bà Elisabeth tuyên xưng
những sự thật về Đức Mẹ: Thứ nhất, Mẹ được Thiên Chúa chúc phúc hơn mọi người
phụ nữ; không một phụ nữ nào được Thiên Chúa ban ơn và chúc phúc cho hơn Đức
Mẹ. Bà cũng được linh hứng của Chúa Thánh Thần để tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ
Thiên Chúa; điều mà phải đợi đến Công Đồng Êphesô vào năm 430, Giáo Hội mới
chính thức công nhận danh hiệu này. Thứ hai, con trẻ Gioan đang trong dạ mẹ
cũng được chúc phúc; vì Thiên Chúa đã đoái thương và viếng thăm dân Ngài. Khi
Thiên Chúa đến viếng thăm, Ngài mang ơn cứu độ đến cho con người. Sau cùng, bà
Elisabeth nói rõ lý do của mọi phúc lành: Vì Mẹ Maria đã tin vào những gì Thiên
Chúa phán cùng Mẹ sẽ được thực hiện. Đức tin làm cho con người được chúc phúc
và trở nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa, chứ không do bất cứ sự cao trọng nào
hay sự xứng đáng của con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để tìm kiếm và nhận ra
Thiên Chúa, chúng ta đừng mong tìm Ngài trong những lộng lẫy xa hoa của thế
gian; nhưng trong những nơi nghèo nàn, nhỏ bé như Bethlehem của Judah.
- Thiên Chúa không quan
tâm đến những thành quả hay việc to lớn mà chúng ta đạt được; nhưng Ngài yêu
thích sự khiêm nhường, tin tưởng, và vâng lời làm theo thánh ý của Ngài.
- Noi gương Đức Mẹ,
chúng ta phải luôn thương yêu, quan tâm, và khiêm nhường đi bước trước để tỏ
tình yêu cho tha nhân. Tất cả những điều này sẽ giúp chúng ta đón nhận Thiên
Chúa, và Ngài sẽ ban cho chúng ta mọi ơn cần thiết trong cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Chúa Nhật IV Mùa Vọng, năm C
Suy niệm: "Nhân, Lễ,
Nghĩa, Trí, Tín"
"Tín" là một trong năm đức tính căn
bản của người quân tử theo đạo làm người. Người ta không thể sống với nhau nếu
ta không tin nhau. Người ta không thể đi sâu vào trong tương quan liên vị nếu
còn ngờ vực nhau.
Ðối với Thiên Chúa, niềm tin càng đòi phải tuyệt
đối vì Thiên Chúa là Ðấng trung tín. Tin vào Thiên Chúa là dấu chỉ một tâm hồn
khiêm hạ và cậy trông hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Nghi nan là một xúc phạm vô
cùng đến tình Cha yêu thương. Kết quả của niềm tin hay không tin: Maria được
chúc phúc vì đã tin vào Lời Chúa, còn Dacaria phải bất hạnh vì đã không tin.
Nghiệm lại cuộc đời mình: ta thấy thế nào khi
chúng ta tin hay không tin nơi Thiên Chúa?
Cầu nguyện: Lạy Cha xin ban thêm đức tin cho chúng con. Từ khi chúng con
lãnh bí tích rửa tội. Chúng con đã tuyên xưng tin vào Thiên Chúa là Cha chúng
con. Mỗi khi chúng con ghi dấu thánh giá là một cách chúng con biểu lộ niềm tin
vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Thế nhưng niềm tin của chúng con còn yếu kém lắm. Chúng
con mới chỉ tin vào Cha trên môi miệng. Chúng con chỉ mới tin vào Cha khi cuộc
đời êm trôi. Chúng con mới chỉ tin vào Cha khi thấy có lợi cho chúng con.
Lạy Cha, niềm tin của chúng con còn tính toán,
vị kỷ. Xin cho chúng con biết tuyệt đối tin vào Thiên Chúa dù cuộc đời chúng
con đến với chúng con dưới bất cứ hình thức nào. Amen.
Ghi nhớ: "Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm
tôi".
www.phatdiem.org
23/12/12 CHÚA
NHẬT TUẦN 4 MV – C
Lc 1,39-45
Lc 1,39-45
NHẢY MỪNG TRONG LÒNG MẸ
Bà Elisabet vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong
bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng:
"Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang
cũng được chúc phúc." (Lc 1,41-42)
Suy niệm: Gần ngày lễ Giáng Sinh, chúng
ta được tràn ngập giữa những niềm vui rộn rã trước khi choáng ngợp trước Tin
Mừng trọng đại Con Thiên Chúa ra đời. Hai ngày trước ngày lễ Giáng Sinh, ta
được cảm nếm niềm vui linh thiêng ấy khi thai nhi Gioan nhảy mừng trong lòng Mẹ
vì nghe lời chào của Mẹ Maria. Cuộc gặp gỡ này không chỉ là của hai người
mẹ, mà còn là cuộc gặp gỡ giữa hai người con, cuộc hạnh ngộ giữa Đấng Mêsia và
vị Tiền Hô của Ngài, tiên báo ngày cứu độ đã cận kề. Đây quả là Tin Vui cho
những ai mong đợi ngày cứu độ của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Tin Mừng hôm nay kể cho chúng
ta hay, ngay từ trong bụng mẹ, thai nhi Gioan đã có thể cảm nhận được cuộc
viếng thăm của Mẹ Maria và Chúa Cứu Thế. Điều này nhắc nhở chúng ta sự sống của
các thai nhi ngay từ trong lòng mẹ, để chúng ta biết tôn trọng và bảo vệ sự
sống thánh thiêng ấy.
Chia sẻ: Ngày lễ Giáng Sinh đã cận kề,
bạn đã chuẩn bị tâm tình thế nào để gặp Đấng Cứu Thế?
Sống Lời Chúa: Lặp lại lời giới thiệu Chúa
Giêsu của Gioan để ý thức hơn về vai trò làm chứng của người Kitô hữu: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng
xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã là niềm
vui của Gioan ngay khi cả hai còn trong bụng mẹ. Xin cho chúng con cảm nghiệm
được niềm vui có Chúa để chúng con biết mang Tin Vui này đến cho mọi người.
Amen.
www.5phutloichua.net
VỘI VÃ LÊN ĐƯỜNG
Lễ Giáng Sinh đòi ta quan tâm đến các bà
mẹ và thai nhi... Kính trọng thân xác phụ nữ, tôn trọng sự sống thai nhi: đó là
Tin Mừng Giáng Sinh cho khắp thế giới.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta gặp hai phụ nữ.
Cả hai đang mang thai lần đầu cách diệu kỳ.
Cả hai đều được Thiên Chúa đoái thương tuyển chọn.
Theo lời sứ thần, Ðức Maria đi thăm bà Êlisabét.
Hai bà mẹ gặp nhau tạo điều kiện cho hai thai nhi gặp nhau.
Ðấng Cứu độ nhân loại đi thăm vị Tiền hô của mình.
Cuộc gặp gỡ thật bình thường, nhưng lại rất linh thánh,
được diễn ra trong bầu khí tràn ngập Thánh Thần.
Thánh Thần vẫn luôn tác động trên Ðức Maria,
và làm cho thai nhi Giêsu lớn lên từng ngày.
Thánh Thần đã đầy tràn Gioan từ trong lòng mẹ
khiến ông nhận ra Ðức Kitô và nhảy mừng chào đón.
Thánh Thần bỗng chốc đến với bà Êlisabét
làm bà nhận ra điều mắt thường không thấy được,
đó là chuyện cô em Maria thụ thai Ðấng Cứu Thế.
Maria đem đến cho Êlisabét niềm vui và sự phục vụ,
nhưng chính Mẹ cũng nhận được sự đỡ nâng.
Mẹ xác tín hơn về lời thiên sứ loan báo cho mình,
khi Mẹ thấy quả thật bà chị hiếm muộn đã có thai.
Mẹ ngỡ ngàng khi thấy mầu nhiệm kín ẩn
mà Mẹ âm thầm đón nhận trong lòng tin,
nay lại được Thánh Thần tỏ bày cho bà chị họ.
Niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của bà
đã khiến Mẹ cất lời ngợi khen Thiên Chúa (x. Lc 1, 46-55).
Cuộc đi thăm nào cũng làm tôi hiểu hơn về mình,
và ý thức sâu hơn về những ơn tôi đã lãnh nhận.
Maria biết mình có phúc hơn mọi phụ nữ
vì Mẹ được chọn để cưu mang Ðấng Mêsia.
Maria biết mình diễm phúc, vì dám tin vào Lời Chúa.
Cuộc gặp gỡ với bà Êlisabét giúp Maria vững tin hơn
vào tính khách quan của kinh nghiệm mình được gặp Chúa.
Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm Ngôi Lời được cưu mang.
Khi chấp nhận làm người, Con Thiên Chúa cần một người mẹ.
Ngài được thụ thai cách lạ lùng trong lòng một trinh nữ,
và Ngài đã lớn lên bình thường trong dạ mẹ.
Dạ mẹ là mái nhà êm ấm đầu tiên,
là Ðền Thánh trước khi Con bước vào thế giới.
Khi được nuôi bằng sự sống của Mẹ Maria,
Con đã thánh hóa tất cả những gì thuộc về Mẹ.
Tất cả những gì nằm trong tiến trình làm người
như thụ thai, mang thai, sinh đẻ, dưỡng nuôi bú mớm...
đều trở nên thánh thiêng, vì được Con Thiên Chúa đảm nhận.
Con Thiên Chúa đã từng là thai nhi trước khi chào đời,
nên mỗi thai nhi đều là hình ảnh Chúa cần trân trọng.
Như Gioan nhảy mừng lúc còn trong dạ mẹ,
mỗi thai nhi đã biết diễn tả buồn vui, đã cần được yêu mến.
Lễ Giáng Sinh đòi ta quan tâm đến các bà mẹ và thai nhi.
Hàng năm có cả triệu vụ phá thai trong nước...
Kính trọng thân xác phụ nữ, tôn trọng sự sống thai nhi:
đó là Tin Mừng Giáng Sinh cho khắp thế giới.
Cầu nguyện:
Lạy Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ
tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.
Xin ban cho con quả tim đơn sơ,
mau quên những nỗi buồn phiền.
Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,
dịu dàng để cảm thông.
Một quả tim trung thành và quảng đại.
không quên ơn, không báo oán.
Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn.
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.
Một quả tim vĩ đại và bất khuất,
không khép lại trước những vô ơn,
không chán nản trước người lạnh nhạt.
Một quả tim khắc khoải
lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,
quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,
vết thương chỉ lành
khi được sống với Ngài trên trời. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 12
23 THÁNG MƯỜI HAI
Người Có Sẽ Bắt Gặp
Chúng Ta
Trong Tình Trạng Sẵn
Sàng Và Tỉnh Thức?
Con
đường của Mùa Vọng dẫn chúng ta vào đời sống nội tâm của con người, đời sống bị
đè nặng bởi tội lỗi bằng nhiều cách thế. Cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Thiên
Chúa không chỉ diễn ra ở bên ngoài, nhưng còn diễn ra bên trong cõi lòng chúng
ta. Nó chuyển hóa chính bản chất thâm sâu của chúng ta nhờ đó chúng ta có thể
đáp trả sự thánh thiện của Đấng mà chúng ta gặp gỡ. Cuộc chuyển hóa bên trong
này cốt tại việc mặc lấy Chúa Giêsu Kitô. Như vậy, ý nghĩa lịch sử của Mùa Vọng
phải được thấm nhập bởi ý nghĩa tâm linh.
Thật
vậy, Mùa Vọng không phải chỉ là một hồi ức về lịch sử cứu độ trước khi Đấng Cứu
Thế giáng sinh, ngay cả dù nếu hiểu đúng thì hồi ức đó quả có một ý nghĩa rất
hàm súc tính tâm linh. Nhưng sâu xa hơn thế nữa, Mùa Vọng nhắc chúng ta nhớ
rằng toàn bộ lịch sử của con người – lịch sử của mỗi người chúng ta – phải được
hiểu như một Mùa Vọng lớn. Chúng ta phải sống đời mình trong niềm mong đợi từng
giây phút sự xuất hiện của Chúa. Như vậy, Ngài sẽ bắt gặp chúng ta trong tình
trạng sẵn sàng và tỉnh thức, và chúng ta sẽ có thể đón nhận Ngài một cách xứng hợp.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Chúa Nhật IV Mùa Vọng : Mk 5, 1-4a; Dt 10,
5-10; Lc 1, 39-45.
LỜI
SUY NIỆM: “Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến vời tôi như
vậy?” (Lc 1,43).
Đức Mẹ Maria và Bà Êlisabét, gặp nhau dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Mẹ
con bà Êlisabét đã nhận ra Đức Maria là Thân Mẫu Chúa của bà và Gioan trong
bụng bà đã nhảy lên. Cả hai người nữ mang thai trong bầu khí vô cùng vui mừng,
hoan hỷ và Thánh thiên. Đức Mẹ biết mình đang cưu mang Chúa Cứu Thế, và bà
Êlisabét biết mình đang mang thai vi Tiền Hô, dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Đối
với chúng ta cũng đang được Chúa giao phó trách nhiệm cưu mang Lời Chúa, chúng
ta phải biết chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng và khiêm tốn, để sẵn sàng xin thưa:
“Này con đây”
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
23 Tháng Mười Hai
Một Căn Nhà Trật Tự
Giá trị của một ngôi nhà chính là được con
người cư ngụ. Một mái nhà tranh nhưng đầy ắp tiếng cười tiếng khóc của trẻ thơ
vẫn đầm ấm hơn một dinh thự bỏ trống. Chúng ta có thể xác quyết rằng sự sinh
sống, sự hiện diện, sự cư ngụ của con người trong căn nhà đã giữ gìn và bảo trì
nó khỏi hư nát. Nhưng một khi con người bỏ đi, căn nhà sẽ trở nên tồi tàn. Sức
mạnh, vẻ đẹp, sự linh động, sự tồn tại của ngôi nhà chính là được cư ngụ.
Cũng giống như thế, đời sống của chúng ta phải
là một ngôi nhà được cư trú, được chiếm ngự. Nhưng cư trú ở đây không có nghĩa
là chất chứa những vật dụng lỉnh kỉnh. Sự đầm ấm của một ngôi nhà còn tùy thuộc
ở sự sắp xếp, sự bài trí. Ngôi nhà càng lộn xộn, càng dơ bẩn, thì càng trật
trội, càng nóng nực.
Ðời sống của chúng ta có thể là một căn nhà
đầy ắp, nhưng lại thiếu trật tự, thiếu ngăn nắp, thiếu sự hiện hữu linh động và
những điều kiện tinh thần để bảo trì căn nhà đời sống của chúng ta.
Ngôi nhà của chúng ta có thể là một cao ốc với
không biết bao những tầng lầu của lo lắng, đau buồn, bận bịu và sợ hãi. Chúng
ta chất chứa cho cuộc sống chúng ta đầy ắp, nhưng những chất chứa ấy chỉ làm
cho ngôi nhà của chúng ta ra buồn thảm, nhơ bẩn.
Giáng
Sinh sắp đến. Có lẽ gia đình nào cũng muốn cố gắng trưng bày một máng cỏ, một
hang đá trên bàn thờ, trong một phòng khách. Căn nhà của chúng ta như sáng hẳn
lên, như vui hẳn lên, vì sự hiện diện của Hài Nhi Giêsu.
Trong
niềm rạo rực của những ngày chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy mở rộng
căn nhà cuộc đời của chúng ta để cho Chúa đến chiếm ngự. Ðã hai ngàn năm qua,
Ngài đã đi tìm một chỗ trú ngụ. Ngài đến gõ cửa từng tâm hồn con người. Có còn
một chỗ trống nào trong căn nhà của chúng ta không hay tất cả đều được chiếm ngự
bởi không biết bao thứ lỉnh kỉnh khác như đam mê, ích kỷ, hận thù, ganh ghét và
bao tâm tình bất chính khác. Hãy để cho Ngài chiếm trọn căn nhà cuộc đời chúng
ta và chúng ta sẽ nghe được khúc nhạc du dương của các Thiên Thần: "Vinh
danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm".
Bình
an sẽ tràn ngập căn nhà của chúng ta, niềm vui sẽ tỏa lan trong căn nhà của
chúng ta, ánh sáng sẽ chan hòa căn nhà của chúng ta nếu chúng ta để cho Ngài
chiếm trọn.
Hôm
nay đây, trong giờ phút này đây, Ngài cũng đang nói với chúng ta như đã từng
nói với Gia Kêu: "Hôm nay đây, Ta sẽ đến và cư ngụ trong nhà ngươi".
Cách
đây 10 năm, giữa quảng trường thánh Phêrô, một con người đến từ một thế giới
chỉ có đe dọa, sợ hãi đã hô lớn: "Ðừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Ðức
Kitô". Hãy mở rộng cửa cho Ðức Kitô, chúng ta sẽ được niềm vui trọn vẹn
trong tâm hồn.
Ưu
buồn, lo lắng vì không biết bao nhiêu khó khăn và thử thách trong cuộc sống,
chúng ta hãy tin tưởng và vui lên vì sự cư ngụ của Chúa Giêsu chính là sức mạnh,
chính là niềm tin của chúng ta.
(Lẽ Sống)
Ngày 23
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
Thánh Gioan Kêty, linh mục
Chúng ta
có một cái nhìn tổng quát, đặc biệt gây ấn tượng, trong ngày Chúa nhật cuối cùng Mùa Vọng hôm nay
Đó là cuộc
gặp gỡ giữa hai người phụ nữ mang thai; trong một bầu khí vô cùng vui mừng và
hoan hỷ, hai bà ý
thức đang cưu mang tương lai của nhân loại. "Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?"
(Lc 1,43), bà Êlisabét kinh ngạc thốt lên như vậy. Một quá khứ dài đã đi trước và đã chuẩn bị
khoảnh khắc Đấng Cứu Độ đến trong thế gian. "Nguồn gốc của Người có từ thuở xa xưa",
ông Mikha đã nói thế (5,1), tám thế kỷ trước Đến lượt mình,
Đức Maria được ghi vào lịch sử dài của giao ước giữa Thiên Chúa và dân ítraen,
vì hạnh phúc của toàn nhân loại.
Sau này,
tác giả thư gửi tín hữu Do Thái sẽ hiểu Đấng Cứu Độ, sinh ngày Noen, đã dứt
khoát ký kết giao ước mới như thế nào, khi kiên quyết, khiêm tốn và sẵn sàng để
Chúa Cha sử dụng.
Đến lượt chúng ta, một cách đơn giản,
chúng ta được mời gọi có tư thế sẵn sàng. Như bà Êlisabét, như Đức Maria, cũng
như chính Đức Giêsu, chúng ta chỉ cần thưa, cách khiêm tốn và thanh thản: "Này con
đây!"
Marie-Noẽlle Thabut
23-12
Thánh Gioan ở Kanty
(1390
- 1473)
T
|
hánh Gioan là một người sinh
trưởng ở thôn quê nhưng biết lợi dụng thị thành cũng như Ðại Học Krakow ở Ba
Lan để trau dồi thêm kiến thức. Sau khi hoàn tất việc học, ngài được thụ phong
linh mục và là giáo sư thần học. Không may, vấn đề phe cánh thời ấy còn rất nặng
nề nên những người ganh tị sự nổi tiếng của ngài đã lập mưu để đẩy ngài ra khỏi
chức giáo sư. Ngay cả ngài không được phép lên tiếng và dẫn chứng để bào chữa.
Bởi thế, vào lúc 41 tuổi, ngài bị đẩy về giáo xứ Olkusz, để học làm cha xứ.
Người dân ở Olkusz, Bohemia
có đủ lý do để nghi ngờ vị cha xứ mới. Họ biết một giáo sư đại học nghĩ gì về
cái thành phố quê mùa nhỏ bé của họ. Tệ hơn nữa, thành phố của họ đã từng được
coi là nơi chứa chấp các linh mục bị "thất sủng."
Chắc chắn rằng nếu ngài nổi
cơn thịnh nộ trước sự bất công ấy, có lẽ không một người giáo dân nào đổ lỗi
cho ngài. Nhưng vì không muốn họ phải gánh chịu những hậu quả của hành động
mình nên ngài đã im lặng.
Cuộc sống ở Olkusz cũng không
dễ dàng gì. Ngài lo sợ trách nhiệm của một cha xứ. Bất kể ngài có cố gắng đến
đâu, giáo dân vẫn giữ một thái độ lạnh lùng, xa cách. Nhưng hoạch định của Cha
Gioan rất đơn giản, và hoạch định ấy xuất phát từ con tim chứ không phải trí
óc. Trong bất cứ chương trình nào thực hiện, ngài đều cho họ thấy ngài thực sự
lưu tâm đến người dân. Mặc dù sau nhiều năm vẫn chưa thấy dấu hiệu của sự thành
công, ngài thận trọng không lộ vẻ tức giận hay thiếu kiên nhẫn. Ngài biết,
người ta không thể bị ép buộc sống bác ái, bởi thế ngài đã cho họ những gì tốt
đẹp nhất mà ngài hy vọng một ngày nào đó họ sẽ tìm thấy.
Sau tám năm trường, ngài được
miễn tội và được trở về Krakow. Lúc ấy, ngài đã thu phục được lòng dân ở
Olkusz, nên những người từng là thù nghịch trước đây đã tiễn chân ngài đến vài
dặm để năn nỉ xin ngài ở lại với họ.
Trong quãng đời còn lại, ngài
là giáo sư Kinh Thánh của trường đại học. Ngài được người ta mến chuộng đến nỗi
thường được giới quý tộc mời ăn uống. Có lần, ngài bị người gác cửa từ chối
không cho vào dự tiệc chỉ vì chiếc áo chùng thâm bạc phếch của ngài. Cha Gioan
cũng không cãi lại mà trở về nhà, thay chiếc áo mới rồi trở lại. Trong bữa
tiệc, người hầu bàn sơ ý làm đổ thức ăn trên chiếc áo mới của ngài. Thay vì khó
chịu, ngài lại pha trò, "Không có gì. Chiếc áo của tôi cũng được ăn
uống chứ. Nếu không vì lý do đó thì tôi đâu có đến đây."
Mộ phần của Thánh Gioan Kanty ở Nhà thờ thánh Anne, Krakow, Balan. |
Có lần Cha Gioan đang ngồi ăn
và thấy người ăn xin đi qua trước cửa, ngài đứng dậy, đi theo, và cho họ tất cả
những thức ăn ngài có. Không hỏi một lời, cũng không yêu cầu gì, khi nhận thấy
nhu cầu của người khác ngài lập tức giúp đỡ họ với bất cứ gì ngài có.
Cha Gioan luôn lập đi lập lại
cho các sinh viên về triết lý này, "Chiến đấu với mọi sai lầm, nhưng
hãy thi hành với sự vui vẻ, kiên nhẫn, ân cần, và bác ái. Sự khắc nghiệt chỉ
làm hại chính linh hồn bạn và phá đổ mục đích tốt đẹp nhất."
Lời Bàn
Thánh Gioan ở Kanty là một vị
thánh tiêu biểu: nhân từ, khiêm tốn và độ lượng; bị chống đối và sống kham khổ
để ăn năn đền tội. Hầu hết mọi Kitô Hữu trong một xã hội giầu sang có thể hiểu
được tất cả những đức tính trên, ngoại trừ đức tính sau cùng: bất cứ điều gì
đòi hỏi sự rèn luyện dường như người ta cho rằng chỉ dành cho các lực sĩ. Giáng
Sinh là thời gian tốt để bỏ bớt những đam mê vật chất.
www.nguoitinhuu.com
Lectio: Chúa Nhật IV Mùa Vọng (C)
Chúa Nhật, 23 Tháng 12,
2012
Cuộc thăm viếng của
Đức Maria với bà Isave
Thiên Chúa tỏ mình ra
trong những việc đơn sơ nhất
Lc 1:39-45
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin
hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã
đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa,
được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện
diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì
thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên
nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để
chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh,
trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất
là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng
con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự
phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện
hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.
Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho
chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa
khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Tin Mừng hôm nay
mô tả cuộc thăm viếng của Đức Maria với người chị họ Isave. Họ biết
nhau. Các bà có liên hệ họ hàng. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ,
họ khám phá ra trong người kia một mầu nhiệm mà họ chưa biết và đổ đầy họ với
niềm vui lớn lao. Chúng ta có thường gặp được những người mà chúng
ta quen biết, nhưng làm chúng ta ngạc nhiên vì sự khôn ngoan và sự chứng tá cho
đức tin của họ không? Chính vì Thiên Chúa đã tỏ mình ra và để cho
chúng ta hiểu biết mầu nhiệm sự hiện diện của Người trong đời sống chúng ta.
Văn bản của bài Tin
Mừng Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng tuần này không bao gồm bài ca vịnh của Đức Maria
(Lc 1:39-45) và mô tả sơ qua chuyến thăm viếng bà Isave của Đức Maria (Lc
1:39-45). Trong phần bình luận ngắn gọn này, chúng tôi mạn phép bao
gồm cả bài ca vịnh của Đức Maria bởi vì nó giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về ý
nghĩa trải nghiệm của hai người phụ nữ trong giây phút của cuộc viếng thăm
này. Bài ca vịnh cho thấy những gì Đức Maria đã trải nghiệm khi bà
Isave chào đón Đức Mẹ đã giúp Mẹ cảm nhận được sự hiện diện của mầu nhiệm Thiên
Chúa không chỉ ở trong con người của Isave, mà cũng còn ở trong chính đời sống
Đức Mẹ và trong lịch sử dân tộc của bà.
Khi bạn đọc bài Tin
Mừng, hãy cố gắng chú ý điều sau đây: “Những cử chỉ gì, lời nói gì
và sự so sánh nào được thực hiện bởi Đức Maria và bà Isave để bày tỏ việc khám
phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của
họ?
b) Phần
phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Lc
1:39-40: Đức Maria rời nhà để đi thăm người chị họ Isave
Lc
1:41: Khi bà Isave nghe thấy lời chào của Đức Maria, bà trải nghiệm
sự hiện diện của Thiên Chúa
Lc
1:42-44: Bà Isave chào đón Đức Maria
Lc 1:45: Bà
Isave ca ngợi Đức Maria
Lc
1:46-56: Bài ca Ngợi Khen (Magnificat), bài ca vịnh của Đức
Maria
c) Tin Mừng:
39 Ngày ấy, Maria
chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. 40 Bà
vào nhà ông Giacaria và chào bà Isave. 41 Và khi bà Isave
nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được
đầy Chúa Thánh Thần. 42 Bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà
được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu
tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào,
hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. 45 Phúc cho Bà là
kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện."
46 Bấy giờ bà Maria
nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,
55 – như đã hứa cùng cha ông chúng ta – vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời."
56 Bà Maria ở lại với bà Isave độ ba tháng, rồi trở về nhà.
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,
55 – như đã hứa cùng cha ông chúng ta – vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời."
56 Bà Maria ở lại với bà Isave độ ba tháng, rồi trở về nhà.
3. Giây
phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể
thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài
câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong
phần suy gẫm cá nhân.
a) Điều gì
trong bài Tin Mừng này đã làm bạn hài lòng nhất hoặc đánh động bạn
nhất? Tại sao?
b) Những cử
chỉ, lời nói và sự so sánh gì bày tỏ việc khám phá của bà Isave về sự hiện diện
của Thiên Chúa trong đời bà và trong Đức
Maria?
c) Với những
cử chỉ, lời nói và sự so sánh nào mà Đức Maria bày tỏ việc khám phá của mình về
sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời Mẹ, trong đời bà Isave và lịch sử dân tộc
của Mẹ?
d) Lý do cho
sự vui mừng của cả hai người phụ nữ là gì?
e) Biểu tượng
gì của Cựu Ước được nhớ lại và được thực hiện trong việc mô tả chuyến viếng
thăm này?
f) Niềm vui
sự hiện diện của Thiên Chúa xảy ra ở đâu và bằng cách nào trong đời tôi, trong
gia đình tôi và trong cộng đoàn tôi?
5. Dành cho
những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a) Bối cảnh
ngày xưa và ngày nay:
Trong Tin Mừng
Mátthêu, thời thơ ấu của Chúa Giêsu được tập trung vào hình ảnh thánh Giuse,
cha nuôi của Chúa Giêsu. Qua “thánh Giuse chồng của Đức Maria” (Mt
1:16), Chúa Giêsu trở thành hậu duệ của vua Đavít, có thể làm hoàn thành lời đã
được hứa với vua Đavít. Mặt khác, theo Tin Mừng Luca, thời thơ ấu
của Chúa Giêsu được tập trung vào con người của Đức Maria, “người đã đính hôn
với Giuse” (Lc 1:27). Luca không nói nhiều về Đức Maria, nhưng những
gì ông nói thì rất sâu sắc và quan trọng. Ông giới thiệu Đức Maria
như là một mẫu mực đời sống cho các cộng đoàn Kitô hữu. Chìa khóa để
nhìn thấy Đức Maria trong phương diện này là những gì Chúa Giêsu nói với mẹ
Người: “Phúc thay cho những kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”
(Lc 11:28). Trong phương cách mà Đức Maria liên kết với Lời Thiên
Chúa, Luca coi đó là phương cách tốt nhất cho các cộng đoàn liên kết với Lời
Thiên Chúa; lắng nghe, nhập tâm, đào sâu, suy gẫm, tái sinh và phát huy, cho
phép mình được tràn ngập bởi lời ấy ngay cả khi người ta không hiểu nó hoặc khi
nó mang lại đau khổ. Đây là bối cảnh cho chương thứ nhất và thứ hai
của Tin Mừng Luca khi nói về Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu. Khi Luca nói
về Đức Maria, ông đã nghĩ đến các cộng đoàn Kitô hữu vào thời ấy đã sống rải
rác trong các thành phố của đế chế La Mã. Đức Maria là mẫu mực cho cộng
đoàn tín hữu. Và, trung thành với truyền thống Kinh Thánh này,
chương cuối cùng của “Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội” (Lumen Gentium) của
Cộng Đồng Vatican II nói về Giáo Hội, trình bày Đức Maria như mẫu mực của Giáo
Hội.
Chuyến viếng thăm bà
Isave của Đức Maria cho thấy một khía cạnh điển hình khác của
Luca. Tất cả những lời nói, cử chỉ và hơn hết cả là bài ca vịnh của
Đức Maria là một lễ cử hành trang trọng về sự ca ngợi. Nó giống như
lời mô tả của một nghi thức phụng vụ long trọng.
Bằng cách này, Luca
tạo ra một bầu không khí đôi: bầu không khí cầu nguyện mà trong đó
Chúa Giêsu được sinh ra và lớn lên tại vùng đất Paléstin, và bầu không khí
phụng vụ và nghi thức cử hành nội bộ mà các cộng đoàn Kitô hữu sống đức tin của
họ. Ông giảng dạy sự chuyển đổi chuyến thăm viếng của Thiên Chúa trở
thành sự phục vụ anh chị em.
b) Lời bình
luận về văn bản:
Lc
1:39-40: Đức Maria đi viếng bà Isave
Luca nhấn mạnh đến
việc vội vàng ra đi của Đức Maria trong việc đáp ứng lại sự đòi hỏi của Lời
Thiên Chúa. Thiên sứ báo tin cho Đức Mẹ rằng bà Isave đang mang
thai, và ngay lập tức, Đức Maria bắt đầu cuộc hành trình của mình để xem thấy
những gì thiên sứ đã nói với bà. Đức Mẹ rời nhà đến giúp đỡ một
người đang cần sự giúp đỡ. Chặng đường từ Nagiarét lên đến miền núi
vùng Giuđêa dài hơn 100 cây số. Lúc ấy không có xe chở khách, không
có xe lửa. Đức Maria nghe Lời Chúa và thực hành lời ấy theo phương
cách hiệu quả nhất.
Lc
1:41-44: Lời chào của bà Isave
Bà Isave đại diện cho
Cựu Ước, sắp đến lúc kết thúc; Đức Maria đại diện cho Tân Ước, sắp sửa bắt
đầu. Cựu Ước chào đón Tân Ước với lòng biết ơn và sự tự tin, nhận ra
được món quà cho không của Thiên Chúa, được trao ban để thực hiện và đáp ứng
lòng mong đợi của dân chúng. Trong buổi gặp gỡ của hai người phụ nữ,
món quà của Chúa Thánh Thần tự biểu hiện và khiến cho hài nhi trong bụng bà
Isave vui mừng.
Tin Mừng của Thiên
Chúa mặc khải sự hiện diện của Người trong những sự kiện tự nhiên phổ biến
nhất, hai bà nội trợ thăm viếng nhau để giúp đỡ lẫn nhau. Thăm
viếng, niềm vui, thai nghén, con cái, giúp đỡ lẫn nhau, nhà cửa, gia
đình: Luca muốn các cộng đoàn (và chúng ta) nhìn thấy và khám phá ra
sự hiện diện của Nước Trời trong những điều này.
Cho đến ngày nay,
những lời của bà Isave vẫn là một phần của bài Thánh Vịnh nổi tiếng nhất và
được đọc nhiều nhất trên toàn thế giới, kinh Kính Mừng.
Lc 1:45: Bà
Isave ca ngợi Đức Maria
“Phúc cho bà là kẻ đã
tin rằng lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện”. Đây là sứ điệp
của Luca gửi đến các cộng đoàn: niềm tin vào Lời Chúa có sức mạnh để
mang lại những gì lời ấy nói. Chính Lời Chúa là lời tạo dựng. Nó
sinh ra sự sống mới trong cung lòng của một trinh nữ, trong cung lòng của những
người nghèo khó và bị hắt hủi đã đón nhận với đức tin. Lời bà Isave
ca ngợi Đức Maria được hoàn thành khi Chúa Giêsu ca ngợi mẹ
mình: “Phúc thay cho những ai lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa”
(Lc 11:28).
Lc
1:46-56: Bài ca vịnh của Đức Maria
Có lẽ là bài ca vịnh
này đã được biết đến và được hát lên bởi các cộng đoàn Kitô hữu. Nó
dạy cho người ta phải cầu nguyện và hát như thế nào. Nó cũng là một
loại mẫu mực cho thấy mức độ hiểu biết của các cộng đoàn ở Hy Lạp mà Luca đã
viết sách Tin Mừng cho họ. Cho đến ngày nay, có thể đánh giá mức độ
nhận thức của các cộng đoàn từ những bài thánh ca mà chúng ta nghe thấy và hát
ở đó.
Lc 1:46-50:
Đức Maria bắt đầu bằng
cách công bố sự thay đổi đã xảy ra trong đời mình dưới ánh mắt yêu thương của Thiên
Chúa là Đấng đầy lòng thương xót nhất. Vì vậy, Đức Mẹ đã hát lên một
cách vui vẻ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn
hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm
phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người
thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót
những ai kính sợ Người.” Để hiểu được ý nghĩa của những ca từ rất
nổi tiếng này, chúng ta cần nhớ rằng đây là một thiếu nữ rất trẻ, có lẽ 15 hay
16 tuổi, nhà nghèo, sống trong một ngôi làng xa xôi hẻo lánh tại Paléstin, vùng
quê của thế giới, nhưng là người hiểu biết rõ ràng tình huống và sứ vụ của mình
và của cả dân tộc mình. Đức Maria bắt chước bài ca vịnh của bà Anna,
mẹ của tiên tri Samuen (1Sm 2:1-10).
Lc 1:51-53:
Sau đó, Đức Maria ca
tụng sự trung tín của Đức Chúa Trời đối với dân của Người và công bố sự thay
đổi bằng sức mạnh của cánh tay Thiên Chúa được tác thành thiên về những người
nghèo đói. Thành ngữ “cánh tay của Thiên Chúa” gợi nhớ lại sự giải
thoát trong sách Xuất Hành. Sự thay đổi này diễn ra bởi ân sủng
quyền năng cứu độ của Đức Chúa Trời: Chúa giơ tay biểu dương sức
mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng (1:51); Chúa hạ bệ những ai
quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (1:52); kẻ đói nghèo, Chúa
ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng (1:53). Ở
đây, chúng ta thấy mức độ nhận thức về người nghèo vào thời Chúa Giêsu và thời
các giáo đoàn của Luca đã hát bài ca vịnh này và có lẽ đã thuộc nó nằm
lòng. Rất nên so sánh bài ca vịnh này với các bài thánh ca mà các
cộng đoàn hát trong nhà thờ ngày nay. Chúng ta có nhận thức về chính
trị và xã hội mà chúng ta tìm thấy trong bài ca vịnh của Đức Maria không? Trong
những năm 1970, vào thời kỳ các chế độ độc tài quân phiệt cầm quyền tại châu Mỹ
Latinh, trong dịp cử hành lễ Phục Sinh, bài ca vịnh này đã bị nhóm quân phiệt
kiểm duyệt bởi vì nó bị xem như mang tính chất phá hoại. Cho đến
ngày nay, nhận thức của Đức Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu, vẫn còn là một điều
bực bội lo lắng cho thế gian!
Lc 1:54-55:
Cuối cùng, bài ca vịnh
nhắc nhớ chúng ta rằng tất cả những điều này là một biểu hiện của lòng thương
xót Thiên Chúa đối với dân của Người và lòng trung thành của Người với lời hứa
đã lập với Ápraham. Tin Mừng không chỉ là một phần thưởng dành cho những
người tuân giữ Lề Luật Môisen, mà cũng là một biểu hiện của sự tốt lành và lòng
trung thành của Thiên Chúa với lời hứa của Người. Đây là những gì
thánh Phaolô giảng dạy trong những bức thư gửi cho các tín hữu ở Galát và ở
Rôma.
c) Phần phụ
chú:
Tin Mừng Luca chương 1
và 2: Kết thúc của thời Cựu Ước và bắt đầu của thời Tân Ước
Trong hai chương đầu
tiên của Tin Mừng Luca, tất cả mọi việc xoay quanh sự ra đời của hai người: Gioan
Tẩy Giả và Đức Giêsu. Hai chương này cung cấp cho chúng ta hương vị
thú vị của Tin Mừng Luca. Bầu không khí trong những chương ấy là lời
ca ngợi và sự dịu dàng. Từ đầu chí cuối, lòng thương xót của Thiên
Chúa được ca ngợi và chúc tụng, lòng thương xót mà cuối cùng xảy ra để thực
hiện những lời hứa của mình. Những lời hứa này được hoàn thành trong
sự chiếu cố người nghèo khó, kẻ cùng khốn (anawim), những người biết
cách chờ đợi cho lời ứng nghiệm của họ: bà Isave, ông Giacaria, Đức
Maria, thánh Giuse, ông Simon, bà Anna, các mục đồng và ba vị đạo sĩ.
Hai chương đầu tiên
của Tin Mừng Luca được nổi tiếng nhưng chỉ là bề ngoài. Luca đã viết
bắt chước theo Kinh Thánh Cựu Ước. Dường như hai chương đầu sách Tin
Mừng của ông là đoạn cuối cùng của Cựu Ước, do đó mở đường cho sự xuất hiện của
Tân Ước. Hai chương này là ngưỡng cửa giữa Cựu Ước và Tân
Ước. Luca muốn cho Thêôphilô thấy rằng những lời tiên tri đang được
thực hiện. Đức Giêsu hoàn thành Cựu Ước và bắt đầu Tân Ước.
Hai chương này của Tin
Mừng Luca không phải là lịch sử trong sự hiểu biết về lịch sử của chúng ta ngày
nay. Chúng được dùng như là một tấm gương soi cho những người mà
sách Tin Mừng được viết, các Kitô hữu dân ngoại mới theo đạo, khám phá ra rằng
Đức Giêsu đến để làm viên mãn các lời tiên tri của Cựu Ước và để đáp ứng những
khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn con người. Chúng cũng tượng trưng
cho những gì đang xảy ra trong các giáo đoàn của họ vào thời
Luca. Các cộng đoàn bắt nguồn từ những người ngoại giáo sẽ được khai
sinh từ những người Do Thái cải đạo. Nhưng họ sẽ khác
nhau. Tân Ước không hoàn toàn tương ứng với những gì Cựu Ước đã hình
dung và hy vọng. Đó là một “dấu hiệu của sự mâu thuẫn” (Lc 2:34), đã
tạo ra căng thẳng và là lý do của nỗi đau khổ. Trong thái độ của Đức
Maria, Luca trình bày một mô hình về làm cách nào để phản ứng và kiên trì trong
Tân Ước.
6. Cầu
Nguyện với Thánh Vịnh 27 (26)
Chúa
là ánh sáng của tôi, tôi còn sợ chi ai?
CHÚA là nguồn ánh sáng
và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành lũy bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?
Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.
Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.
Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.
Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.
Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý,
nhìn quân thù vây bủa chung quanh.
Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện,
lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng,
tôi sẽ đàn ca mừng kính CHÚA.
Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,
xin thương tình đáp lại!
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,
xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có CHÚA đón nhận con.
Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA,
dẫn con đi trên lối phẳng phiu,
vì có những người đang rình rập.
Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương bộ mặt hằm hằm sát khí.
Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào CHÚA.
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành lũy bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?
Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.
Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.
Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.
Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.
Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý,
nhìn quân thù vây bủa chung quanh.
Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện,
lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng,
tôi sẽ đàn ca mừng kính CHÚA.
Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,
xin thương tình đáp lại!
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,
xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có CHÚA đón nhận con.
Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA,
dẫn con đi trên lối phẳng phiu,
vì có những người đang rình rập.
Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương bộ mặt hằm hằm sát khí.
Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào CHÚA.
7. Lời
Nguyện Kết
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn
ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm
của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải
cho chúng con. Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria,
thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời
Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự
hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
www.dongcatminh.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét