Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng
Gioan Tẩy Giả |
Bài Ðọc I: Is 41, 13-20
"Ta là Ðấng Thánh của
Israel, Ta là Ðấng Cứu Chuộc ngươi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ta là Chúa, Thiên Chúa của
ngươi, Ta cầm tay ngươi và nói cùng ngươi: Ðừng sợ gì, đã có Ta giúp.
Hỡi con sâu Giacóp, hỡi dân
Israel, đừng sợ chi, Ta sẽ đến giúp ngươi, đó là lời Chúa phán, Ðấng Thánh của
Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi. Ta sẽ đặt ngươi như chiếc bừa mới tinh và có răng
nhọn, ngươi sẽ băm các đồi ra như rơm rác. Ngươi sẽ sàng chúng và gió sẽ cuốn
chúng đi, và cơn lốc sẽ làm chúng tan tác. Còn ngươi, ngươi sẽ vui mừng trong
Thiên Chúa, sẽ hân hoan trong Ðấng Thánh của Israel.
Những kẻ thiếu thốn nghèo nàn
tìm nước, nhưng luống công, lưỡi chúng đã khô đi vì khát nước. Ta là Chúa, Ta
sẽ nhậm lời chúng. Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ chúng. Ta khiến sông
chảy trên đỉnh núi trọc, và suối nước tràn giữa thung lũng. Ta sẽ biến hoang
địa thành ao hồ và đất khô thành suối nước.
Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc
lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây
tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy, biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay
Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 144, 1 và 9.
10-11. 12-13ab
Ðáp: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng (c.
8).
Xướng: 1) Lạy Chúa, lạy Thiên
Chúa của con, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời.
Chúa hảo tâm với hết mọi loài,và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, mọi công cuộc
của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên
hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.
3) Ðể con cái loài người nhận
biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn
đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Lạy
Chúa, xin hãy đến viếng thăm chúng con trong bình an, để tâm hồn chúng con được
hoàn toàn vui mừng trước nhan Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 11, 11-15
"Chưa từng có ai cao
trọng hơn Gioan Tẩy Giả".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
dân chúng rằng: "Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh
ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ
nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ,
nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới
chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu
các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy
nghe!"
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu đã được lề luật và
các tiên tri loan báo. Gioan tiền hô cũng được sai đến để giới thiệu về Ngài.
Thế nhưng Ðức Giêsu vẫn không được tin yêu, không được đón nhận. Sự chai lì,
yếu tin của đám dân khiến họ không đủ điều kiện chiến thắng. Chỉ trong Thánh
Thần, sức mạnh mới được ban và giúp con người chiếm được Nước Trời.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con
ngày nay cũng chai lì như đám dân xưa. Qua giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt qua
Thánh Kinh, đã dạy cho chúng con biết về Chúa. Nhưng chúng con có mắt mà không
nhìn, có tai mà không nghe... để Chúa vẫn còn rất xa lạ đối với chúng con. Xin
Chúa Thánh Thần biến đổi con tim cứng cỏi nơi chúng con, và thay bằng con tim
biết yêu thương. Ðể chúng con dễ dàng tin nhận Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ chúng
con. Amen.
Người
Ðược Chúa Khen
Nhìn vào các chi tiết đã
xảy ra cho Gioan Tẩy Giả mà Thiên Chúa đã làm, chúng ta thấy cũng là một chuyện
lạ lùng. Zacharia, cha của Gioan Tẩy Giả, là người thuộc ban Abina, tức là một
tư tế phục dịch trong Ðền Thờ; và Elizabeth, mẹ của ngài, thuộc dòng dõi Aaron.
Cả hai ông bà là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở tuân giữ mọi giới
răn và lề luật của Ngài. Nhưng cả hai người không có con và tuổi đã già cả.
Zacharia đến phiên mình vào dâng hương trong Ðền Thờ khi trúng thăm. Khi vào
Ðền Thờ dâng hương, ông thấy thiên thần Gabriel hiện ra bên phải hương án và
cho ông biết: Bạn ông sẽ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Gioan Tẩy
Giả, và con trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa, ngài sẽ không uống
rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ, sẽ đem
nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Và thiên thần Gabriel còn
cho biết thêm: Con trẻ là người đi trước dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến.
Rồi khi Mẹ Maria đến thăm
bà Elizabeth, lúc ấy bà đang mang thai Gioan Tẩy Giả được sáu tháng thì con trẻ
trong lòng bà cũng đã nhảy mừng và được khỏi tội tổ tông.
Sau khi Gioan Tẩy Giả sinh
ra, cả hai ông bà muốn đặt tên cho con trẻ là Gioan Tẩy Giả, nhưng bấy giờ
Zacharia đang bị câm không nói được nên ông ra hiệu là đặt tên cho con trẻ là
Gioan Tẩy Giả. Mặc dù mọi người trong dòng họ đều không bằng lòng, vì không ai
trong họ hàng có tên đó.
Từ những sự kiện trên cho
ta thấy Gioan Tẩy Giả được sinh ra một cách khác thường và khắp các miền núi
phía Giuđêa lúc bấy giờ đều nghĩ thầm rằng: Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì
quả thực bàn tay Thiên Chúa đã ở với con trẻ này.
Ðiều đó đã được Chúa Giêsu
xác nhận trong bài Tin Mừng hôm nay: "Thật, Ta bảo các ngươi hay, trong
con cái do người nữ sinh ra chưa có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả". Con
người có lẽ ai cũng mong ước được như Gioan Tẩy Giả. Chúng ta cũng thấy trong
một đoạn Tin Mừng khác, lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy thì có một người đàn bà
buột miệng nói rằng: "Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú.
Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng: :Ai nghe và giữ lời Chúa thì còn có phúc hơn
nhiều". Hoặc chúng ta cũng thấy trong lúc Chúa Giêsu đang thi hành sứ mệnh
công khai của Ngài, Mẹ Maria và các người thân thuộc tìm đến nghe, nhưng vì dân
chúng quá đông không chen vào được, có mấy người thấy thế nói với Chúa Giêsu:
"Kìa Mẹ và anh em Thầy đến tìm Thầy", Chúa Giêsu liền trả lời:
"Ai là Mẹ Ta, ai là anh em Ta? Ðó là những kẻ nghe và giữ lời Ta".
Qua những lời trên, Chúa
Giêsu cho chúng ta một cái nhìn mới, một ý nghĩa mới: thân thuộc, bà con bằng
máu mủ không quan trọng cho bằng thân thuộc bà con thiêng liêng: "Ai theo
Ta mà không từ bỏ cha mẹ anh em thì chưa xứng đáng là môn đệ Ta". Nói thế
không phải chúng ta không tôn kính hay không yêu mến cha mẹ chúng ta, vì giới
răn thứ tư trong Mười Ðiều Răn, Ðức Kitô dạy rằng: "Hãy thảo kính cha
mẹ". Giới răn này nằm sau giới răn thứ nhất: "Thờ phượng Ðức Chúa
Trời và kính mến Người trên hết mọi sự".
Chúng ta đừng đặt nặng vấn
đề gia đình, vấn đề tình thân thuộc máu huyết mà chúng ta quên mất việc thờ
Thiên Chúa. Chúng ta cũng đừng tìm danh giá, giàu sang bên ngoài mà quên mất
lương thực Thần Linh nuôi sống chúng ta, đó là Mình và Máu Chúa. Mình Máu Chúa
nuôi sống phần hồn, lương thực Lời Chúa nuôi sống tinh thần chúng ta.
Từ Gioan Tẩy Giả trở về
sau, tức là từ khi Chúa Giêsu Kitô đem ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho nhân
loại thì Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm lấy được và kẻ nào mạnh mẽ can
đảm mới chiếm được. Trước Chúa Kitô chưa ai có được ơn cứu rỗi cho đến khi Chúa
Kitô chết trên Thánh Giá Ngài mới kéo tất cả mọi sự lên cùng Ngài. Ai muốn nhận
được ơn cứu rỗi đó phải qua cửa hẹp, phải vác thập giá mình mà theo Chúa mới
vào được Nước Trời, vì ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy.
Theo Chúa để vào Nước Trời,
chúng ta phải chiến đấu với chính bản thân mình, phải từ bỏ những đam mê, những
thói quen không tốt, những việc làm không chính đáng, phải hy sinh cho người
thân quen thuộc trong gia đình, cho tha nhân và làm tất cả những gì khi có thể
để giúp đỡ người khác mới thực sự là dấn thân thi hành giới răn "Mến Chúa
Yêu Người".
Lạy Chúa, xin cho chúng
con luôn hiểu rõ được giá trị của sự yêu thương, tránh tìm những gì hào nhoáng
bên ngoài nhưng thực sự sống cảm thông, yêu thương nhau và tha thứ khoan dung
hơn để mong chờ Ðấng Cứu Thế đến. Amen.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần II MV
Bài đọc: Isa
41:13-20; Mt 11:11-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Đường lối và tiêu
chuẩn của Thiên Chúa.
Đường lối và tiêu chuẩn
của Thiên Chúa xem ra có vẻ nghịch lý với đường lối và tiêu chuẩn của thế gian:
trở nên cao trọng bằng khiêm nhường, trở nên quan trọng bằng phục vụ, có được
sức mạnh bằng tin tưởng, sửa phạt là xót thương. Chúng nghịch lý vì thế gian
cậy sức mình; trong khi các công dân Nước Trời cậy vào sức của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay xoay
quanh những nghịch lý này. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót
thương Israel, bắt chịu đau khổ cùng cực rồi lại ban sức mạnh khôn lường. Làm
như thế, Chúa muốn dạy dân một bài học: Trong tất cả mọi sự, phải đặt trọn vẹn
niềm tin nơi Ngài. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả được Chúa Giêsu khen là nhân
vật quan trọng nhất trong số các phàm nhân, nhưng kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời
còn cao trọng hơn ông.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Thiên
Chúa sửa phạt rồi lại xót thương.
1.1/ Thiên Chúa xót
thương Israel: Tiên Tri Isaiah muốn làm nổi bật 2 điểm: sự uy quyền thánh thiện
của Thiên Chúa và sự hèn hạ của Israel, lòng thương xót của Thiên Chúa và sự
bất trung của họ:
- Thiên Chúa xót thương
Israel và làm cho họ được mạnh sức: “Vì Ta, Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi,
Đấng cầm lấy tay phải ngươi và phán bảo: "Đừng sợ, chính Ta phù trợ
ngươi.””
- Israel chỉ là lòai sâu
bọ: Danh từ Do-Thái được dùng ở đây là “tôlaat,” có nghĩa là lòai dòi bọ ở
trong rượu hay trong trái cây, danh từ này được dùng để chỉ sự nhỏ bé và tội
lỗi của dân tộc Israel. Thiên Chúa thương họ vì lòng thương xót; chứ tự họ
không có gì đáng yêu cả: “Đừng sợ, hỡi Jacob, loài sâu bọ, hỡi những người
Israel, chính Ta phù trợ ngươi, sấm ngôn của Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi là
Đức Thánh của Israel.”
1.2/ Thiên Chúa tăng sức
mạnh cho Israel: Mặc dù Israel yếu đuối và vô dụng như lòai giòi bọ, nhưng Thiên
Chúa sẽ làm cho họ được mạnh sức và uy quyền để chinh phục quân thù: “Này đây
Ta sẽ biến ngươi thành một cái bừa vừa sắc vừa mới và đầy mũi nhọn. Ngươi sẽ
dày đạp và nghiền nát núi non, sẽ làm cho các đồi nên như trấu. Ngươi sẽ rê
chúng, gió sẽ cuốn đi và bão táp sẽ phân tán chúng.”
1.3/ Thiên Chúa làm cho
Israel được vui mừng: “Còn ngươi, vì Đức Chúa, sẽ mừng vui hoan hỷ, vì Đức Thánh của
Israel, sẽ hãnh diện, tự hào.” Điều Tiên Tri muốn nhấn mạnh ở đây cho dân
Do-Thái biết: Tất cả là do uy quyền của Thiên Chúa chứ không do công sức của
họ; nếu họ biết tin tưởng và cậy trông nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ làm mọi sự cho
họ.
(1) Thiên Chúa xót
thương kẻ nghèo hèn, khốn khổ: “Những ai nghèo hèn, khốn khổ, tìm nước không ra, lưỡi khô
vì khát, Ta, Đức Chúa, Ta sẽ đáp lời, Ta, Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ
rơi chúng.”
(2) Thiên Chúa làm được
mọi sự:
Không có sự gì là không thể với Thiên Chúa, ngay cả việc biến sa mạc thành đồng
bằng phì nhiêu: “Ta sẽ khai mở sông ngòi trên các đồi trọc, và khe suối dưới
các lũng sâu. Ta sẽ biến hoang địa thành hồ ao, biến đất khô nên mạch nước dồi
dào. Và trong vùng hoang địa, Ta sẽ trồng bá hương, keo, sim với ô-liu; trên
những dải đất hoang, Ta sẽ cho mọc lên một trật nào trắc bá, nào du, nào hoàng
dương.”
(3) Điều quan trọng là
phải tin vào uy quyền của Thiên Chúa: Khi nhìn thấy những điều này xảy ra, thiên hạ
đều nhìn ra và nhận biết, nghiền ngẫm và hiểu rằng: “Điều ấy, bàn tay Đức Chúa
đã làm nên, điều ấy, Đức Thánh của Israel đã tạo thành.”
2/
Phúc Âm: Kẻ
nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả.
2.1/ Sự cao trọng của
Gioan Tẩy Giả: Chúa Giêsu khen: "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân
đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.” Tại sao Gioan
Tẩy Giả quan trọng như thế?
(1) Ông được thánh hiến
ngay từ lòng mẹ: Lời thiên thần mặc khải cho Zechariah, thân sinh của Gioan: “Vì
em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và
ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần” (Lk 1:15).
(2) Ông được Thiên Chúa
chọn để dọn đường cho Đấng Tối Cao: Thiên thần nói tiếp: “Em sẽ đưa nhiều con cái
Israel về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng
của ngôn sứ Êlijah, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về
với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường
ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lk 1:16-17).
(3) Ông là người đầu
tiên nhận ra Chúa và chỉ cho dân biết: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội
trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau
tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Jn 1:29-30).
2.2/ Kẻ nhỏ nhất trong
Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
(1) Phải mạnh sức mới vào
được Nước Trời: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương
đầu với sức
mạnh,
ai mạnh sức thì thắng.” Đây là câu khó hiểu; tại sao cần sức mạnh mới vào được
Nước Trời? Nếu nhìn lại cuộc đời của Gioan Tẩy Giả, chúng ta thấy ông phải
đương đầu với sức mạnh: Vua Herode bắt bỏ tù và giết chết ông. Chúa Giêsu cùng
chịu chung số phận. Rồi đến các thánh tử đạo ở mọi thời. Vì thế, ai không mạnh
sức hơn các quyền lực thế gian, người ấy sẽ không vào được Nước Trời. Kẻ nào
vào được Nước Trời, kẻ ấy chứng tỏ mình mạnh sức và cao trọng hơn các kẻ ở
ngòai, cho dù là vua chúa trần gian. Dĩ nhiên, Gioan Tẩy Giả cũng là người của
Nước Trời, vì ông đã chiến thắng sức mạnh của thế gian.
(2) Gioan Tẩy Giả chính
là Tiên Tri Elijah: Truyền thống Do-Thái tin Elijah không chết; ông sẽ trở lại trước
thời Đấng Cứu Thế đến để dọn đường cho Ngài. Chúa Giêsu tuyên bố: “Và nếu anh
em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Elijah, người phải đến. Ai có tai
để nghe thì hãy nghe.” Châm ngôn có câu: “Người ta có thể mang ngựa đến giòng
suối để uống nước, nhưng người ta không thể bắt nó uống.” Thiên Chúa đã sai
Gioan đến làm chứng cho Chúa Giêsu, và chính Chúa Giêsu đã chứng thực lời chứng
của Gioan. Nếu sau khi đã nghe cả Gioan và Chúa Giêsu mà họ vẫn không tin,
Thiên Chúa còn làm được gì cho họ nữa!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Là con của Cha trên
trời, chúng ta cần học tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa.
- Chúng ta phải tin
tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa, sẵn sàng từ bỏ ý riêng, và làm theo thánh ý của
Ngài.
- Chúng ta phải có thái
độ: thà được làm công dân Nước Trời còn hơn được hưởng mọi vinh hoa phú quí ở
đời này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Năm tuần 2 Mùa Vọng
Sứ điệp:Thánh Gioan Tẩy Giả là
người cuối cùng chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến thiết lập triều đại Thiên Chúa. Ai
muốn vào Nước Trời phải biết dũng cảm chiến đấu với bản thân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Thánh Gioan
Tẩy Giả là một chân tu đúng nghĩa: sống khắc khổ với thức ăn là châu chấu và
mật ong rừng, cái mặc là đồ bằng da thú, nhà ở là rừng, là sa mạc. Suốt đời ông
đã hy sinh mọi sự để loan báo, dọn đường cho Chúa Giêsu đến.
Chúa ơi, con biết tìm đâu ra một hình ảnh Gioan
trong đời sống xã hội hôm nay, khi mà nhiều người đang sống trong ích kỷ, chạy
theo lợi nhuận cho riêng mình. Trong thời buổi kinh tế thị trường, người ta
quảng cáo rầm rộ bằng những lời lẽ hấp dẫn, ngọt ngào. Còn Gioan, ông đã đòi
hỏi quyết liệt những ai muốn sống theo Tin Mừng. Ông đã loan báo Nước Trời bằng
lời lẽ cứng rắn: “Ai mạnh sức thì mới chiếm được”.
Lạy Chúa, liệu rằng con có can đảm để đón nhận
lời Thánh Gioan kêu gọi hay không? Liệu con có dám bắt chước cuộc sống của
Thánh Gioan trong hoàn cảnh hôm nay hay không? Con biết con yếu đuối, con bất
lực. Nhưng con cũng ý thức rằng: nếu những người kitô hữu chúng con mà không
can đảm sống theo Lời Chúa, thì nói gì đến những người khác.
Lạy Chúa, Thánh Gioan luôn lập đi lập lại như
một điệp khúc: “Hãy dọn đường cho Chúa”. Xin Chúa cho con biết quay về với
Chúa. Xin ban cho con nguồn sống thiêng liêng để con dám sẵn sàng chiến đấu, hy
sinh, mất mát, hầu có thể bước theo con đường mà Thánh Gioan mời gọi. Amen.
Ghi nhớ : "Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy
Giả".
www.phatdiem.org
13/12/12 THỨ
NĂM TUẦN 2 MV
Th. Luxia, trinh nữ, tử đạo
Mt 11,11-15
Th. Luxia, trinh nữ, tử đạo
Mt 11,11-15
VẾT THƯƠNG
"Từ
thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh,
ai mạnh sức thì chiếm được. " (Mt 11,12)
Suy niệm: Charles Péguy có kể câu chuyện một thanh niên lên thiên đàng được
một thiên thần hỏi: “Vết thương của anh ở đâu?” Anh trả lời: “Vết
thương à, tôi chẳng có vết thương nào cả.” Thiên thần buồn rầu hỏi lại: “Bộ
ở trần gian không có gì để anh chiến đấu sao?” Cuộc đời Ki-tô hữu ở trần gian
là một chiến đấu không ngừng. Các môn đệ nhận diện ra Giêsu phục sinh nhờ các
dấu đinh! Vì thế, không có chiến thắng cho những người sợ thương tích; không có
vinh quang cho những kẻ nhát đảm ngại “lãnh sẹo” và phải là người mạnh sức, sẵn
sàng chiến đấu mới chiếm được Nước Trời. Sức mạnh ở đây không phải là sức mạnh
của cơ bắp, súng đạn, nhưng là sức mạnh của Thiên Chúa. Người Kitô hữu họa lại
hình ảnh của một Đức Kitô phục sinh đầy thương tích, nhưng những vết thương là
dấu chỉ để Chúa nhận diện chúng ta.
Mời Bạn: Gia đình, xã hội dạy ta yêu thương nhưng cũng có thể gây cho ta ít
nhiều thương tích. Bạn có sử dụng sức mạnh Chúa ban để chữa lành và xem đó là
cơ hội để chiến đấu không?
Chia sẻ kinh nghiệm của bạn về cách đón nhận những vết sẹo của quá khứ,
những ký ức về sự thất bại trong đời.
Sống Lời Chúa: Hy sinh đón nhận cách vui tươi những khó nhọc, trái ý trong cuộc
sống mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, các tông đồ chỉ nhận ra Chúa phục sinh nhờ những dấu đinh, những vết thương của Chúa. Xin cho ban con sức mạnh của Chúa để sẵn sàng“chiến đấu mà không sợ thương tích” trong cuộc chiến đấu thiêng liêng này. Amen.
www.5phutloichua.net
GIOAN CHÍNH LÀ ÊLIA
Đức Giêsu mãi mãi cần những Gioan cho đến
ngày tận thế, để bắc một nhịp cầu, để làm người môi giới trung gian để tình yêu
cứu độ được mọi người đón nhận.
Suy niệm:
Đã từ lâu dân tộc Do Thái
không có vị ngôn sứ nào xuất hiện.
Thiên Chúa thinh lặng như
chẳng muốn nói với dân Ngài.
Người ta thường coi vị ngôn sứ
cuối cùng là Malaki.
Ông sống trước công nguyên gần
năm thế kỷ.
Ông đã mạnh mẽ phê phán những
bê bối của các tư tế và dân Do Thái
sau khi họ trở về từ nơi bị
lưu đầy ở Babylon.
Malaki tiên báo ngày đoán phạt
của Đức Chúa gần đến.
Nhưng trước khi Ngài đến, sẽ
có người đi trước để dọn đường (Ml 3, 1).
Êlia chính là người làm công
việc đó:
“Này đây Ta sẽ sai đến với
ngươi Êlia, vị ngôn sứ” (Ml 3, 23).
Gioan Tẩy giả là người đã làm
nhiệm vụ của Êlia,
tuy ông không phải là một Êlia
từ cõi chết sống lại.
Gioan xuất hiện như một ngôn
sứ khắc khổ nơi sa mạc hoang vu.
Ông đã cất tiếng mời gọi mọi
người sám hối và chịu phép rửa.
để dọn lòng đón Đấng Mêsia sắp
đến.
Thế là sau bao thế kỷ mong
chờ, Thiên Chúa lại ngỏ lời với dân Ngài.
Gioan Tẩy giả luôn là nhân vật
nổi bật trong Mùa Vọng.
Đức Giêsu khẳng định ông còn
trọng hơn một ngôn sứ nữa (Mt 11, 9).
Đã có bao ngôn sứ trong Cựu
Ước xuất hiện trước ông,
loan báo về Đấng Cứu độ mà
Thiên Chúa hứa ban.
Nhưng Gioan là người duy nhất
đã chỉ cho dân thấy Đấng ấy là ai.
Chính là Đức Giêsu, người ông
đã ban phép rửa.
Gioan cao trọng vì ông là cầu
nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ.
Ông vừa thuộc nhóm những ngôn
sứ của giai đoạn trước (c. 11),
vừa là người đã chạm đến Nước
Trời ở giai đoạn sau (cc. 12-13).
Giai đoạn trước của những lời
Thiên Chúa hứa,
và giai đoạn sau khi Thiên
Chúa thực hiện những lời hứa này.
Đức Giêsu là Đấng khai mở giai
đoạn sau.
Nhưng Ngài cần Gioan để làm
người trực tiếp giới thiệu.
Chúng ta không thánh thiện hơn
Gioan Tẩy giả,
nhưng chúng ta có phần hạnh
phúc hơn ông,
vì được sống trong giai đoạn
lời hứa của Thiên Chúa nên thành tựu.
Ơn cứu độ đã đến, Nước Trời đã
ở ngay bên.
“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời
còn cao trọng hơn ông” (c. 11).
Cao trọng hơn vì những kho
tàng mới do Đức Giêsu mang lại.
Ngài đem đến ơn cứu độ toàn
diện cho từng người,
vượt xa những gì mà các ngôn
sứ thời xưa mong đợi.
Gioan hẳn sẽ có mặt trong bữa
tiệc cánh chung (Mt 8, 11).
Ông đã chiếm được Nước Trời
bằng sức mạnh phấn đấu (c. 12).
Ông đã sống bất khuất và đã
chết anh hùng.
Mỗi lần Mùa Vọng, chúng ta lại
gặp Gioan.
Đức Giêsu mãi mãi cần những
Gioan cho đến ngày tận thế,
để bắc một nhịp cầu, để làm
người môi giới trung gian
để tình yêu cứu độ được mọi
người đón nhận.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy
đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói
rằng
Chúa đã ở bên chúng con
rồi.
Có cả triệu người chưa biết
Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được
cái gì ?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của
Chúa
cứ tiếp tục y như cũ ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng
con,
trở nên lẽ sống của cuộc
đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an
nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho
chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa.
(Helder Câmara)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy
Giả".
Gioan Tẩy giả.
Lustiger là người Do Thái đã từng chứng kiến cảnh phân biệt
chủng tộc và việc Đức quốc xã tiêu diệt người Do Thái. Là người Do Thái, nhưng
có bạn là người Công giáo, một hôm theo bạn đến nhà thờ và từ đó muốn trở lại
Công giáo. Anh muốn thuộc về Chúa và dâng hiến cuộc đời cho Chúa. Mặc dù ông bố
không chấp thuận, nhưng anh nhất quyết đi tu để phục vụ người nghèo khổ, yếu
đuối. Năm 1954, thụ phong linh mục. Năm 1964 được chọn làm Giám mục và được đề
cử về làm Tổng Giám mục Paris. Bị một số người bất bình phản đối, nhưng ngài
vẫn kiên vững trong đức tin và quan tâm phục vụ mọi người.
Bài
Tin Mừng hôm nay nói đến một con người đặc biệt, có sứ mệnh chuẩn bị tâm hồn
người Do Thái đón nhận Chúa, con người ấy là Gioan Tẩy giả. Kể từ khi gặp Chúa
Giêsu, nhất là từ khi bị Hêrôđê tống ngục, cố gắng quan trọng của Gioan là làm
sao cho môn đệ của ông nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai. Dù tống giam
Gioan, nhưng Hêrôđê vẫn còn nể Gioan, nên cho ngài được liên lạc với bên ngoài,
bằng chứng là các việc Chúa Giêsu làm đều đến được tai Gioan và các môn đệ vẫn
được tiếp xúc với ngài. Chúa Giêsu cũng đã từng ca tụng Gioan với dân chúng đi
theo và nghe Ngài giảng dạy. Bằng lối văn đặt câu hỏi dồn dập, Ngài nhấn mạnh
đến một số đức tính của Gioan. Trước hết, là thái độ cứng rắn không chịu thua
sự dữ: “Các người đi ra sa mạc để coi cái gì? Cây sậy rung trước gió ư?” Gioan
không phải là cây sậy. Gioan đã dám đương đầu với sự xấu. Gioan không nể vua
Hêrôđê khi khuyến cáo vua không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với
mình là Philip. Thứ đến là việc từ bỏ mọi sự để sống nghèo khó. Gioan không ăn
mặc mịn màng và sống xa hoa. Gioan chỉ vận tấm da thú, ăn những thức ăn đơn sơ
tìm được nơi rừng hoang, như châu chấu, mật ong. Sau cùng Chúa Giêsu nhấn mạnh
đến sứ mệnh của Gioan: “Các người đi xem một tiên tri ư? Ta bảo các người: và
còn hơn một tiên tri nữa”. Về ông đã có viết: “Này Ta sai sứ thần đi trước mặt
ngươi để dọn đường cho ngươi”.
Tuy
nhiên, nếu vai trò của Gioan cao trọng, thì Nước Trời còn cao trọng hơn, vì
người nhỏ nhất trong Nước Trời còn lớn hơn Gioan. Sở dĩ Nước Trời có giá trị
lớn lao vì có sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô. Nước Trời được mô tả như vương
quốc của sức mạnh và chỉ những kẻ mạnh mới dành được phần thắng.
Ước
gì chúng ta biết sống trọn vẹn ơn gọi của chúng ta và tìm gặp được Đức Giêsu là
Đấng cứu độ và niềm vui của chúng ta nơi trần gian này.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả
“Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ,
chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong
Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ,
Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì sẽ chiếm được. Cho đến
ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh
em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Ê-li-a, người phải đến. Ai có tai
thì nghe. (Mt. 11, 11-12)
Trong
mùa vọng, hình ảnh Gioan tẩy giả nổi bật, ông là nhân vật tích cực hoạt động:
rao giảng, loan báo, làm phép rửa, kêu gọi ăn năn trở lại. Người ta cảm thấy
ông rất lo lắng, rất vội vã thúc bách khẩn trương: “Có Đấng đang đến, đang ở
giữa các anh chị em, anh chị em hãy cải thiện con tim gấp lên … Chiếc rìu đã kề
gốc cây”.
Gioan
tẩy giả là ngôn sứ cuối cùng. Mọi người kéo đến với ông, đến với sứ điệp của
ông. Quả thực suốt dòng lịch sử dân Ít-ra-en, những lời tiên tri đã lan sâu
rộng và được tập trung vào một Đấng. Tất cả mọi hy vọng đều đổ dồn vào một
Đấng: Đấng thực hiện lời giao ước. Ngày nay, chúng ta suy nghĩ và tự hỏi xem
thời hạn của Gioan đã chấm dứt chưa?
Tin
mừng hôm nay, Đức Giêsu nói kẻ bé mọn nhất trong nước trời còn cao trọng hơn
Gioan. Nghĩa là, một đàng, sứ mệnh của Gioan đã kết thúc vì có Đấng đã đến phục
hưng nước Thiên Chúa. Nhưng đàng khác, nước trời còn chịu nhiều bạo lực, nước
trời này chưa đến thời toàn hảo, Đức Kitô chưa được hoàn toàn biểu lộ. “Từ thời
Gioan tới chúng ta ngày nay, nước trời phải chịu đau khổ vì bạo hành”. Chính vì
thế, Gioan tẩy giả đã sát nhập với tất cả những ai khẩn cấp kêu gọi đổi mới tâm
can trong thế giới đang chịu đau khổ vì bạo lực, như: chiến tranh do chủng tộc,
chiến tranh do chủ thuyết, chiến tranh do nội chiến, chiến tranh do phân hóa
quốc tế.
Gioan
tẩy giả, một lần nữa, sát nhập với những người hô hào cần phải ăn năn trở lại
với Đấng đến giải phóng, chỉ có Người mới có thể xây dựng công trình hòa bình toàn
hảo thôi.
Còn
chúng ta, dâng tế lễ Thánh Thể là tiếp tục vai trò của Gioan, vì tế lễ Thánh
Thể là tuyên xưng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cộng đoàn tụ họp để chia sẻ
với Người trong công trình cứu độ cho tới khi Người đến hoàn tất thế giới.
Cử
hành Thánh lễ, chính là tuyên xưng quyền phép ban hòa bình của Đức Kitô, là
loan báo hoàng tử hòa bình và nước trời bình an.
J.Y.G
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 12
13 THÁNG MƯỜI HAI
Một Lời Mời Tiến Tới
Mật Thiết
Chúa
đang đến gần! Nào ta hãy hân hoan lắng nghe lời sau đây của Ngôn Sứ
Xô-phô-ni-a: “Hãy reo vui, hỡi con gái Si-on! … Này Vua Israel là Đức Chúa đang
ở giữa ngươi, ngươi sẽ không còn phải sợ hãi … Hỡi Si-on, đừng sợ! Đừng thất
đảm!” (Xp 3,14-16).
Thiên
Chúa đang hiện diện giữa Israel dân Người, sự hiện diện gần gũi ấy của Người là
nguồn sức mạnh chống lại mọi sự dữ. Sự hiện diện của Người là sự nâng đỡ có sức
cứu độ. Người là ‘Đấng cứu độ uy quyền’ (Xp 3,17). Đây là nguồn mạch để chúng
ta canh tân tinh thần. Vì sự hiện diện của Người giữa con người cho thấy tình
yêu của Người đối với chúng ta, một tình yêu chiến thắng mọi sự dữ.
Tân
Ước làm chứng cho sự thật đó. Chẳng hạn, Thánh Phaolô viết trong Thư gửi tín
hữu Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi xin nói lại. Hãy vui lên!
Chúa đang đến gần” (Pl 4,4-5). Hãy vui lên trong sự hiện diện cứu độ của Người,
hãy vững tin nơi Thiên Chúa. Rồi Thánh Tông Đồ viết: “Anh em đừng âu lo xao
xuyến, nhưng trong mọi sự, bằng lời kinh nguyện và cầu xin, với tâm tình tạ ơn,
anh em hãy trình bày những ước nguyện lên Chúa” (Pl 4,6).
Lời
tuyên bố “Chúa gần đến” là một lời mời gọi đi vào kết hợp mật thiết với Người –
sự mật thiết này được thể hiện cách trực tiếp qua cầu nguyện. Chính qua cầu
nguyện mà chúng ta mở lòng mình ra với Chúa và chia sẻ cho Ngài chính cuộc sống
của chúng ta.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Lucia, trinh nữ tử đạo;
Is 41,13-20; Mt 11,11-15.
LỜI
SUY NIỆM: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân
đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ
nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.” (Mt 11,11)
Chúa Giêsu đang giới thiệu với chúng ta về: ông Gioan Tẩy Giả. Ông được xem như
là Êlia. Vai trò của Gioan Tẩy Giả là: loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin
Mừng. Ông là người cao trọng hơn tất cả những ai sống trên trần gian này. Nhưng
đối với người được ở trong nước trời còn cao trọng hơn ông. Muốn được ở trong
nước trời, mỗi người trước tiên phải tin nhận Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy
nhất, tin những lời Ngài đã truyền dạy và đem ra thực hành trong ngày sống của
mình. Sông đức tin bằng sự yêu thương, phục vụ hết mọi người trong khiêm nhường
vì Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày
13-12:
Thánh LUCIA
Đồng Trinh Tử Đạo - (Thế kỷ IV)
Theo
lịch sử, chắc chắn là đã có một thánh nữ tử đạo tên là Lucia và mộ Ngài được
tìm thấy trong hang toại đạo của các Kitô hữu Syracuse. Sau đây là câu chuyện
về cuộc tử đạo của Ngài.
Lucia
là một thiếu nữ quí phái người Syracuse tại thủ đô miền Sicily. Mẹ Ngài gốc
người Hy Lạp tên là Eutychia, có nghĩa là hạnh phúc. Sớm thành goá phụ, bà đã
gắng chuẩn bị cho Lucia một điạ vị cao bằng cách dưỡng dục thánh nữ theo tinh
thần Kitô giáo. Bà thường nói với con gái mình về lòng can đảm của các vị tử
đạo đã tưới máu trên đế quốc hai thế kỷ qua. Như ở Sicily, tại hải cảng Catana,
nửa thế kỷ trước thánh nữ Agatha thay vì chối bỏ đức tin, đã khước từ tình yêu
của quan cầm quyền và trung thành với Chúa Kitô giữa các cực hình.
Mẫu
gương đáng phục này đã ám ảnh Lucia và khi Eutychia nhận lời cầu hôn cho con
gái mình, Lucia khẩn cầu Chúa cất xa những cuộc cưới hỏi trần thế để dâng hồn
xác phụng sự một mình Ngài thôi. Bỗng Eutychia ngã bệnh, Lucia lấy cớ này để
đình hôn. Dầu vậy, Ngài thấy buồn vì mẹ khổ lâu, nên khuyên bà kêu cầu với
thánh nữ Agatha, Ngài đưa mẹ đi Cathana để dưỡng bệnh. Khi đó, Ngài xem thường
những sắc lệnh bách hại đạo của Điôclêtianô, khấn hiến mình hoàn tòan cho Thiên
Chúa. Ngài đòi phân gia tài để phân phát cho người nghèo. Ngài nói: -
"Dâng cho Chúa điều người ta không mang theo sau khi chết thì cũng không
có gì là nhiều".
Nhưng
người theo đuổi Lucia thấy Ngài bán nữ trang và ruộng đất rồi phát cho người
khổ cực, liền nổi giận và tố cáo với Paschase là người cầm quyền ở Syracusa.
Lucia bị cầm tù. Trước tòa, Ngài đã trả lời cách đáng phục:
"Giờ
thì tôi chẳng còn gì nữa để dâng, tôi dâng chính mình như bánh thánh lên Thiên
Chúa tối cao. Ông run rẩy trước mặt Thiên Chúa, còn tôi, tôi kính sợ Thiên
Chúa. Ông muốn làm đẹp lòng họ, còn tôi, tôi chỉ có một ước vọng là làm đẹp
lòng Chúa Kitô thôi. Những người thiêu huỷ thân xác là những người bỏ niềm vui
mau qua để đổi lấy những niềm vui đời đời. Thánh Phaolô tông đồ đã nói: Ai sống
trong sạch và đạo đức là đền thờ Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần ở trong họ. Thân
thể chỉ ra nhơ uế nếu linh hồn đồng tình với nó".
Nhà
cầm quyền truyền trao Lucia cho bọn đâm đãng để làm nhục cho đến chết. Nhưng
Ngài đã thành một sức mạnh khủng khiếp khiến bao sức lực của họ cũng không thể
kéo Ngài đi được. Người ta kêu các phù thủy, đưa bò đến kéo nhưng không nghĩa
lý gì đối với sự bất động của Trinh nữ.
Người
ta đốt lửa cũng không chạm tới Ngài. Sau cùng, người ta dùng giáo đâm cổ Ngài,
nhưng Ngài còn tiên báo một cách lạ lùng: - "Tôi báo cho các ngươi biết
rằng, Giáo hội Chúa được ơn bình an vì hôm nay Điôclêtiano bị đuổi khỏi đế
quốc, Maximianô phải chết. Và như Catana vui sướng được chị tôi là Agatha bảo
trợ, thành Syracusa được Chúa ban cho tôi, nếu các ngươi hết lòng thực hiện
thánh ý Chúa".
Và
dân Sicily thấy Paschase bị xiềng. César biết được rằng ông ta sẽ chiếm thành.
Lucia trước khi chết đã được rước Mình Chúa do các linh mục đem đến.
Lucia
là tên do từ ngữ Lux, nghĩa là ánh sáng. Như ánh sáng, gương mẫu đời Ngài dẫn
các linh hồn lên trời. Tên Ngài khiến những ai đau mắt thường kêu cầu Ngài.
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++++
13
Tháng Mười Hai
Danh
Hiệu Của Ánh Sáng
Không những ở Việt Nam,
nhưng trên toàn thế giới, nhiều thánh nữ mang tên thánh bổn mạng Lucia, như nữ
tu Lucia, một trong ba trẻ đã được thấy Ðức Mẹ hiện ra ở Fatima.
Những người thiếu nữ mang
tên Lucia này không khỏi thất vọng khi tìm hiểu về đời sống và sự nghiệp của
thánh nhân. Vì những sách cũ đã viết tiểu sử của các thánh nhân đã ghi lại
nhiều câu chuyện về thánh Lucia, để rồi các tác giả viết về đời sống của các
thánh nhân thời đại chúng ta lại phê bình những câu chuyện ấy không có tính
cách lịch sử. Chúng ta chỉ có thể tóm lại những chứng tích lịch sử để viết về
cuộc đời, nhất là cái chết vì niềm tin của thánh Lucia như sau:
Một chàng thanh niên
không Công Giáo thất vọng vì không được Lucia đáp trả lại tình yêu của mình đã
tố cáo với nhà cầm quyền Lucia là người Công Giáo. Và nàng đã bị xử tử vào năm
304 tại thành Syracuse vùng Sicilia, mạn Nam nước Italia. Di tích lịch sử thứ
hai là tên Lucia được ghi trong danh sách những thánh tử đạo trong lời nguyện
thánh lễ Roma, nay là lời nguyện Thánh Thể thứ nhất trong phụng vụ mới.
Những di tích bên lề
cũng nên nói đến là nhiều địa danh, nhiều làng mạc, thành phố bên Âu Châu mang
tên nàng, cũng như có những bằng chứng lịch sử về sự tôn kính nàng từ trước thế
kỷ thứ 5.
Chữ "Lucia"
có nghĩa là ánh sáng. Và gương can đảm chết vì lòng tin của nàng vẫn tiếp tục
chiếu sáng trong tâm hồn những người đang bị thử thách và đau khổ vì lòng tin,
cũng như làm rạng rỡ những khuôn mặt của những thiếu nữ mang tên thánh bổn mạng
Lucia.
Muốn hiểu sự can đảm của thánh Lucia Giáo Hội
mừng kính hôm nay với tước hiệu đồng trinh, tử đạo, chúng ta có thể tưởng tượng
một thiếu nữ Công Giáo sống giữa những người không Công Giáo vào thời kỳ tôn
giáo này bị bách hại. Ðể sống trọn niềm tin Công Giáo, nàng cũng gặp nhiều khó
khăn như đại đa số những tín hữu Kitô trong thời đại chúng ta phải sống chung
với những người vô thần, không tin tưởng.
Lạ lùng hơn là niềm tin của Lucia. Nàng tin vào
một người sáng lập tôn giáo với thân thế và sự nghiệp không mấy được rõ ràng ở
một nước thuộc địa xa xôi với thủ đô Jerusalem bị quân đội Roma phá hủy cách đó
200 năm. Trước khi truyền đạo, ông này làm nghề thợ mộc và sau một thời giảng
đạo ngắn ngủi, ông bị quân lính Roma đóng đinh vào thập tự, một hình phạt dành
cho dân thuộc địa phạm những trọng tội sát nhân hay nổi loạn. Nay Lucia tin
tưởng với tất cả tâm hồn là ông ấy đã Phục Sinh, như một dấu chỉ cho thấy Thiên
Chúa đã chấp nhận những gì ông truuyền dạy và đã làm.
Ðể biểu lộ lòng tin của mình, Lucia đã thề hứa
giữ sự trinh khiết, không lập gia đình.
Lucia lập lời hứa đó vì nàng biết đến gương anh
dũng của những người chết vì đạo trong các hí trường tại Roma hay những nơi
khác và nhất là để giữ lòng trung tín với ông Giêsu làng Nagiareth, đã bị chết
treo trên thập giá, nhưng đối với niềm tin của nàng là Ðấng Cứu Thế, Con Một
Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
Ngày 13
Thánh Luxia, trinh nữ tử đạo
Một số người được
Thiên Chúa trao cho một sứ vụ đặc biệt: họ làm chứng cho Thiên Chúa không chỉ
về phương diện tự nhiên vì họ hiện hữu, nhưng đúng hơn về mặt tinh thần, qua
các công việc từ thiện họ làm. Những ai không chỉ nhận được các ân huệ và hành
động tốt nhờ ân
sủng của Chúa, mà còn truyền đạt các ân huệ đó cho người khác, bằng lời nói,
lời cổ vũ, khích lệ, những người đó là những chứng nhân còn đặc biệt hơn. Ông
Gioan Tẩy Giả là
một trong những chứng nhân này; ông đến để gieo rắc các ân sủng của Thiên Chúa
và công bố lời tôn
vinh Người.
Sứ vụ này
của ông Gioan, vai trò làm chứng này có tầm quan trọng vô song, bởi vì người ta chỉ có thể làm
chứng cho một thực tế, trong mức độ tham gia vào thực tế đó. Đức Giêsu đã nói:
"Chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, và chúng tôi làm chứng về những
điều chúng tôi đã thấy"
(Ga 3,11).
Để làm chứng về sự thật thần linh, điều đó giả thiết phải
biết sự thật này. Vì thế, chính Đức Kitô cũng có vai trò làm chứng. "Tôi
đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích làm chứng cho sự thật" (Ga
18,37).
Thánh Tôma Aquinô,
o.p
Thứ Năm 13-12
Thánh Lucia
(c. 304)
Các thiếu
nữ có tên thánh là Lucia chắc phải thất vọng khi muốn tìm hiểu về vị thánh
quan thầy của mình. Các sách cổ viết dài dòng nhưng rất ít chi tiết liên hệ
đến truyền thuyết. Các sách mới đây cũng dài dòng dẫn chứng một sự kiện là
những truyền thuyết này không có trong lịch sử. Chỉ có một chi tiết về Thánh
Lucia còn sót lại đến ngày nay, đó là người cầu hôn với thánh nữ vì bị từ
chối nên đã tố cáo ngài là Kitô Hữu, do đó ngài bị xử tử ở Syracuse thuộc
Sicily vào năm 304. Nhưng cũng đúng là tên của thánh nữ đã được nhắc đến
trong lời cầu nguyện Rước Lễ Lần Ðầu, có những địa danh và một bài dân ca
mang tên thánh nữ, và qua bao thế kỷ, hàng chục ngàn thiếu nữ đã hãnh diện
chọn ngài làm quan thầy.
Cũng dễ để hiểu những khó
khăn của một thiếu nữ Kitô Giáo khi phải chiến đấu trong một xã hội trần tục
như ở Sicily vào năm 300. Cũng tương tự như xã hội ngày nay, nhiều thói tục
của xã hội đã ngăn cản chúng ta sống xứng đáng là người theo Ðức Kitô.
Các bạn bè của Lucia có lẽ
cũng ngạc nhiên về Ðấng mà Lucia yêu quý, đó là một người đi rao giảng khắp
nơi, sống trong một dân tộc nô lệ và đã bị tiêu diệt cách đó 200 năm. Người
từng là một người thợ mộc, từng bị chính dân của Người kết án và chết trên
thập giá. Với tất cả tâm hồn, Lucia tin tưởng rằng chính Người đã sống lại từ
cõi chết. Thiên Chúa đã minh chứng tất cả những gì Người nói và hành động. Ðể
làm chứng cho đức tin ấy, thánh nữ đã thề giữ mình đồng trinh.
Thật là một điều khôi hài
đối với các bạn ngoại giáo của thánh nữ! Giữ mình trong trắng trước khi thành
hôn là một lý tưởng cổ hủ của người Rôma, ít người còn giữ nhưng không ai kết
án lý tưởng ấy. Tuy nhiên, ngay cả cô ta không muốn kết hôn thì điều đó thật
quá đáng. Chắc cô ta phải có điều gì xấu xa cần giấu diếm, như miệng lưỡi thế
gian thường đồn đãi.
Chắc chắn Thánh Lucia đã
nghe biết về nhân đức anh hùng của các vị đồng trinh tử đạo. Ngài muốn trung
thành với tấm gương của các đấng ấy, cũng như theo gương của người thợ mộc,
là Người mà ngài tin là Con Thiên Chúa.
Lời Bàn
Nếu bạn chọn Thánh Lucia làm
quan thầy thì đừng thất vọng. Vị quan thầy của bạn thực sự là một nữ anh thư,
hơn hẳn mọi người, là một hứng khởi vô tận cho bạn và cho mọi Kitô Hữu. Sự
can đảm sống luân lý của người thiếu nữ Sicilian tử đạo ấy đã tỏa sáng như để
soi dẫn giới trẻ ngày nay cũng như giới trẻ trong thời đại ấy.
|
|
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét