Thứ Tư Tuần II Mùa Vọng
Bài Ðọc I: Is 40, 25-31
"Thiên Chúa toàn năng
ban sức mạnh cho người mệt mỏi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðấng Chí Thánh phán rằng: Các
ngươi sánh Ta với ai? Và kể Ta bằng ai? Hãy ngước mắt lên cao mà xem, ai đã
dựng nên muôn loài này? Ðấng vận chuyển các cơ binh của chúng và biết gọi đích
danh tất cả, không thiếu vật nào, vì sức mạnh của người rất lớn và quyền năng
của Người rất cao.
Hỡi Giacob, tại sao ngươi
nói, hỡi Israel, tại sao ngươi nói: Chúa không biết đến số phận tôi, Người
không biết đến quyền lợi của tôi? Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao?
Chúa là Thiên Chúa hằng hữu,
là Ðấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt và sự khôn
ngoan của Người không thể suy thấu.
Người ban sức mạnh cho kẻ rã
rời và thêm sức cho người mệt mỏi.
Những trai trẻ cũng mòn mỏi
mệt nhọc, những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã.
Những ai trông cậy Chúa, sẽ
được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không mệt, họ
đi mà không mỏi.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 103: 1-2, 3-4,
8,10
Ðáp: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa.
Xướng 1) Hồn tôi ơi, hãy chúc
tụng Chúa, và toàn thể thân tôi, hãy chúc tụng danh Người. Hồn tôi ơi, hãy chúc
tụng Chúa, và đừng bao giờ quên các ân huệ của Người. - Ðáp.
2) Người đã thứ tha mọi tội
lỗi ngươi, và đã chữa ngươi khỏi tật nguyền. Người đã cứu ngươi khỏi chết và
ban cho ngươi hồng ân, nhân ái. - Ðáp.
3) Chúa là Ðấng thương xót
nhân ái, chậm oán hờn và yêu thương khôn lường. Người không xử với ta như ta
đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia - Chúa
chúng ta sẽ đến trong quyền lực, và sẽ làm cho mắt các tôi tớ Người được sáng.
- Alleluia.
Phúc Âm: Mt 11:28-30
"Hãy đến với Ta, hỡi
những ai vất vả cực nhọc".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng:
Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức
cho các ngươi.
Hãy mang lấy ách của Ta và
hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các
ngươi sẽ gặp được bình an.
Vì ách của Ta thì êm ái và
gánh của Ta thì nhẹ nhàng.
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu tự giới thiệu cho
chúng ta một tình yêu đặc biệt Ngài dành cho con người, nhất là những người đau
khổ vất vả. Hãy đến với Chúa. Ngài sẽ nâng đỡ ủi an tâm hồn sầu khổ của chúng
ta. Ách tình yêu Ngài đem đến được thay thế và làm cho ách nặng cuộc đời trở
nên êm ái nhẹ nhàng. Kiêu căng đưa đến hận thù. Chỉ có hiền lành, khiêm nhường
mới đưa tới niềm vui tươi mát cho cuộc đời. Amen.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy mỗi
người chúng con biết sống hiền lành, khiêm nhường và yêu thương như Chúa. Ðể
cuộc sống chúng con luôn thấy nhẹ nhàng an vui, gia đình, làng xóm chúng con
luôn tỏa bầu khí ấm áp yêu thương. Chỉ khi nào chúng con biết sống với tất cả
con tim, cuộc đời chúng con mới thực sự có ý nghĩa và hạnh phúc. Amen.
Những
Ai Khó Nhọc Hãy Ðến Với Ta
Sách "Liệt Tử" có
câu truyện như sau:
Nước Tống có một người đã
đứng tuổi tự nhiên mắc phải chứng bệnh quên lãng. Buổi sáng lấy gì của ai, buổi
chiều đã quên. Hôm nay ai cho cái gì ngày mai lại chẳng nhớ. Ra đường quên cả
đi, về nhà quên cả ngồi. Trước đã làm gì và bây giờ đang làm gì đều quên hết,
sau này cũng chẳng nhớ. Cả nhà rất lo lắng về bệnh tình của anh nên đã mời thầy
thuốc, chạy đủ hết mọi cách mà cũng chẳng khỏi.
Sau đó có ông thầy đồ người
Lỗ nói rằng là tôi chữa được.
Người bệnh hứa với ông đồ: Hễ
chữa được bệnh sẽ chia cho ông một phần gia tài.
Trước khi trả lời đáp ứng
nhận chữa bệnh, ông đồ dùng nhiều cách thức khác nhau để tìm hiểu khả năng trí
nhớ của người bệnh này. Trước hết ông đồ thử bằng cách lột áo của người bệnh để
rét lạnh thì thấy anh ta xin áo. Bỏ đói không cho ăn thì anh ta xin ăn. Ðem anh
ta vào chỗ tối tăm thì anh ta xin ra chỗ sáng. Sau đó ông đồ mới nhận lời chữa
bệnh. Chẳng biết ông đồ chữa thế nào mà sau bảy ngày anh ta đã hết bệnh và trở
lại bình thương.
Tuy nhiên, khi đã tỉnh táo
như thường thì anh ta lại nổi giận, chửi vợ đánh con, cầm dao rượt đuổi ông đồ.
Người ta bắt giữ anh ta lại
hỏi: Tại sao anh lại giận dữ như vậy?
Anh ta trả lời: Lúc trước tôi
mắc bệnh quên thì lòng tôi thảnh thơi khoan khoái, trời đất có còn hay không
tôi cũng chẳng cần biết. Nay tôi lành bệnh, tôi nhớ lại tất cả những chuyện của
mấy mươi năm về trước như chuyện buồn, vui, yêu, ghét, thành công, thất bại, lòng
tôi trở nên bối rối, ngổn ngang trăm mối. E rằng sau này các việc ấy cứ bám
cứng lấy tâm trí tôi thì dù cho muốn quên chúng đi trong một giây, một phút
liệu tôi có được như ý muốn hay không?
Anh chị em thân mến!
Nhìn một người điên, người
mất trí, có kẻ chép miệng khen người ấy hạnh phúc, vì chẳng có gì phải lo âu
phiền muộn. Thế nhưng nếu hỏi lại những người vừa buông lời khen này xem họ có
muốn trở thành người hạnh phúc kiểu như vậy không? Chắc chắn họ sẽ trốn chạy
trước câu trả lời, vì đã làm người thì chẳng ai muốn mình được gọi là kẻ ngây
ngô, không nhớ, không biết chuyện gì. Không muốn bị gọi là kẻ ngây ngô thì con
người lại phải đối đầu với lo âu, phiền muộn, nóng giận, đau khổ, chúng là gánh
nặng của thuyết nhân sinh.
Mở mắt chào đời lúc ngửa tay
đón nhận sự sống thì cũng là lúc con người phải mang lấy gánh nặng nề. Bởi thế,
không ít kẻ dám đánh đổi tất cả để tìm kiếm một chút thú vui để được quên trong
chốc lát, có kẻ tìm quên trong sợi khói phù du, có người tìm quên trong men say
trác táng, rồi cũng tìm được thú vui trong chốc lát. Nhưng rồi sau những phút
giây ngán ngủi ấy, thực tế lại trở nên nặng nề hơn, gánh nặng cuộc đời càng xúi
giục sâu hơn.
Lại cũng có những triết
thuyết như vô cảm, vô vị, vô sắc chỉ giúp con người giải thoát lo âu vướng bận
của cuộc sống, thực hiện những hướng dẫn đó thật là một thái độ lý tưởng cho
những ai muốn kiếm tìm sự bình an. Thực tế trong cuộc sống thử hỏi mấy ai hiểu
được điều này, vì cuộc sống con người gắn liền với cái cảm tính lo âu, nóng
giận, buồn phiền... có tránh cũng chẳng thoát, khó nhọc và gánh nặng là thân
phận của kiếp sống con người.
Về phần Chúa Giêsu, cảm thông
với phận kiếp làm người nên khi đến cứu chuộc trần gian Ngài đã nhận một cuộc
đời lam lũ ở làng quê Nazareth. Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi những
ai khó nhọc và gánh nặng hãy đến với Ngài, nếu luật lệ Do Thái đã bị các luật
sĩ và biệt phái biến thành chiếc ách kìm kẹp dân Chúa. Hãy đến với Ngài, nếu
đau khổ của kiếp nhân sinh như chiếc gánh đè nặng trên vai con người. Ðến với
Ngài không phải để được cất khỏi những điều ấy. Vì Ngài đến không phải để hủy
bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn lề luật và làm cho ách trở nên êm ái và gánh
trở nên nhẹ nhàng.
Lề luật phải được giữ trong
tinh thần và sự thật. Lề luật giải phóng con người và đau khổ là con đường dẫn
đến vinh quang. Gánh trở nên nhẹ nhàng vì từ nay con người không phải một mình
mang lấy đau khổ nhưng đã có người chia sẻ cảm thông. Dân tộc Do Thái đã hằng
mong mỏi chở Ðấng Cứu Thế đến, vì khi Ngài đến Ngài sẽ lau khô mọi giọt lệ trên
khuôn mặt và kẻ nhọc mệt sẽ được Ngài nâng đỡ bổ sức.
Sống trong tâm tình mùa vọng,
mùa trông đợi, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta cũng sẽ tìm đến với Chúa
Giêsu, Ðấng Cứu Thế để được Ngài an ủi, nâng đỡ, bổ sức và đồng thời học nơi
Ngài tâm tình biết chia sẻ cảm thông với người khác. Vì mang kiếp phận con
người chẳng ai tránh khỏi khó nhọc và gánh nặng, nhưng khó nhọc sẽ bớt khi được
người chia sẻ, gánh nặng sẽ vơi khi có kẻ cảm thông.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần II MV
Bài đọc: Isa
40:25-31; Mt 11:28-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa yêu
thương và săn sóc mọi người.
Con người thường có
khuynh hướng lấy những gì mình suy nghĩ và áp dụng cho Thiên Chúa; chẳng hạn,
cha mẹ chỉ có thể yêu thương và chăm sóc cho vài con (chỉ 2 con với cha mẹ thời
nay). Đem áp dụng suy nghĩ này cho Thiên Chúa, họ không tin Thiên Chúa có thể
biết, yêu thương, và chăm sóc cho từng người một trong nhân lọai.
Các Bài đọc hôm nay muốn
chứng minh: với quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài yêu thương và
săn sóc từng người một. Trong Bài đọc I, người Do-Thái kêu trách Thiên Chúa:
"Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa
chẳng đoái hoài?" Tiên Tri Isaiah sửa sai quan niệm này: Nếu Thiên Chúa có
thể gọi đích danh từng ngôi sao một, Ngài cũng có thể gọi đích danh từng người
một. Nói cách khác, vì Thiên Chúa gọi, nên tất cả được tạo thành. Tiên tri nói:
“Thiên Chúa không mệt mỏi, cũng chẳng nhọc nhằn, trí thông minh của Người khôn
dò thấu. Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên
cường tráng.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kêu mời mọi người: “Tất cả những ai
đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi
dưỡng.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Người
ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.
1.1/ Chúa biết và yêu
thương từng cá nhân một: Tiên Tri Isaiah dùng công cuộc sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa để
chứng minh sự quan phòng của Thiên Chúa cho con người: “Các ngươi so sánh Ta
với ai, để Ta phải ngang hàng với nó? Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng
tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú, Người gọi đích
danh từng ngôi một, khiến không thiếu vắng một ngôi nào.”
Nếu Thiên Chúa đã dựng
nên từng ngôi sao một và sắp xếp vị trí của chúng trong trời đất, Người cũng
dựng nên và quan phòng cho từng con người một trong thế gian này. Vì thế, Tiên
Tri chất vấn những người không tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Hỡi
Jacob, sao ngươi nói, hỡi Israel, sao ngươi bảo: "Đường tôi đi, Đức Chúa
không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?" Ngươi
chẳng biết, chẳng nghe thấy sao? Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Đấng sáng
tạo toàn cõi đất.”
2.2/ Chúa săn sóc từng cá
nhân: Vì
Thiên Chúa uy quyền, khôn ngoan, và thông biết mọi sự, nên Người không mệt mỏi
cũng chẳng nhọc nhằn trong việc quan phòng con người. Những ai trông cậy vào
Người, thì được Người ban sức mạnh: “Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy
hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân.” Người ban sức mạnh cho
những ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Còn những ai
không biết trông cậy nơi Người, cho dẫu là thanh niên cũng mệt mỏi, nhọc nhằn;
cho dẫu là trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.
2/
Phúc Âm: Hãy
đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
2.1/ Chúa Giêsu biết “nỗi
vất vả” và “gánh nặng nề” của từng người: Ngài kêu gọi: "Tất cả những ai
đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi
dưỡng.” Trong đời người, chắc ai cũng đã trải qua những kinh nghiệm như Chúa
Giêsu mô tả hôm nay: mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không gánh nổi những
đau thương của cuộc sống. Trong những lúc như thế, con người chỉ muốn buông
xuôi, nói theo kiểu của thi hào Nguyễn Du, “thử xem Con Tạo xoay vần đến đâu!”
Chúa Giêsu cũng đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương như chúng ta, và
còn hơn chúng ta nữa. Bị nhân lọai khước từ mặc dù đã làm không biết bao nhiêu
điều ích lợi cho con người: mặc khải, dạy dỗ, chữa lành. Một mình Ngài đã vác
Thập Giá nặng lên Đồi Canvê dưới bao nhiêu những roi đòn của lính; và đã 3 lần
gục ngã dưới sức nặng của cây Thập Giá. Sau cùng, Ngài phải chịu một cái chết
đau thương, cô đơn, nhục nhã; đến nỗi đã phải thốt lên: “Cha hỡi, Cha ơi! Sao
Cha bỏ con!” Một người đã trải qua những gánh nặng như thế của kiếp người, Ngài
chắc chắn biết chia sẻ những gánh nặng của con người. Ngài mời gọi con người
hãy đến với Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
2.2/ Chúa Giêsu giúp từng
người giải quyết vấn đề của mình.
(1) Chúa không hứa con
người sẽ không phải đau khổ; nhưng Ngài sẽ giúp con người vượt qua đau khổ: “Anh em hãy
mang lấy ách của tôi… Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” Tĩnh từ Hy-Lạp
dùng để mô tả chữ êm ái ở đây là “crhsto.j,” nó còn có nghĩa “vừa vặn.” Bên
Palestine, ách của bò được làm bằng gỗ, con bò được mang tới xưởng để thợ mộc
đo kích thước trước khi làm ách. Sau khi đã làm xong, con bò được mang tới để
thử; ách được cẩn thận thêm bớt sao cho nó có thể vừa khít cổ con bò mà không
gây đau đớn cho nó. Truyền thuyết cho rằng Chúa Giêsu nổi tiếng về nghề làm ách
khi Ngài lớn lên ở Nazareth với Giuse. Ngài biết cách giúp con người mang ách
làm sao cho êm ái, và mang gánh làm sao cho nhẹ nhàng.
(2) Chúa giúp con người
vượt qua đau khổ bằng dạy dỗ hai bài học quan trọng trong cuộc đời: “Hãy học với tôi, vì
tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”
- Bài học hiền hậu: Đây
là đức tính giúp con người thực sự có bình an trong tâm hồn. Người hiền hậu
không dễ bị tức giận vì lời nói, thái độ, hay việc làm của người khác. Vì thế,
họ sẽ không cảm thấy đau khổ khi bị chọc tức, bị khinh thường, hay bị đối xử
bất công.
- Bài học khiêm nhường:
Đây là đức tính giúp con người biết chấp nhận mọi hòan cảnh xảy ra trong cuộc
đời. Người khiêm nhường không ghen tị, không bon chen để tìm cách cho bằng hay
hơn người khác. Họ biết mình và biết người. Vì họ luôn tìm chỗ hèn hạ, và
nhường cho người khác chỗ cao trọng hơn; nên họ không lo phải đối chọi với
phong ba, bão táp của những người ham hố quyền hành, chức vụ.
(3) Chúa giúp con người
vượt đau khổ bằng sức mạnh của Ngài: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
Lời Chúa hướng dẫn và Bí-tích Thánh Thể cung cấp cho con người sức mạnh để
đương đầu với mọi đau khổ có thể xảy đến trong cuộc đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần xác tín
mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa là mối liên hệ cá nhân; và Chúa muốn
chúng ta dùng tình yêu cá nhân để đáp trả lại.
- Chúa biết chúng ta còn
hơn chúng ta biết chúng ta. Chúng ta đừng sợ khi đối diện với Chúa, vì Ngài đã
biết mọi vấn đề, và quan tâm giúp chúng ta giải quyết vấn đề.
- Nhiều khi chúng ta cảm
thấy cô đơn, mệt mỏi, chán chường, thất vọng, vì chúng ta muốn chiến đấu một
mình; nhưng nếu chúng ta biết chạy đến với Chúa để xin Ngài giúp sức, mọi sự sẽ
trở nên dễ dãi, nhẹ nhàng; và chính Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn
trở ngại bằng chính sức mạnh của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Tư tuần 2 Mùa Vọng
Sứ điệp: Cuộc sống con người tràn ngập những vất vả
thương đau. Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa để được Chúa cho nghỉ ngơi bồi
dưỡng. Nhờ sống theo Tin Mừng, sống tình mến Chúa yêu người, ta sẽ thấy mọi sự
trở nên êm ái nhẹ nhàng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhìn thấy cuộc sống con vất vả ngược
xuôi sớm tối đi tìm miếng cơm manh áo. Chúa nhìn thấy những giọt mồ hôi nhỏ xuống,
đôi bàn tay chai cứng, đôi chân mỏi mệt rã rời. Chúa nhìn thấy những ưu tư khắc
khoải, những phiền muộn khổ đau. Chúa cũng nhìn thấy tội lỗi đè nặng lương tâm
con. Đã bao lần con muốn buông xuôi tất cả, con chán nản thất vọng. Cũng
có lúc con tìm quên lãng cuộc đời trong những thú vui thấp hèn mau qua. Nhưng
con chẳng trốn được cuộc đời. Tất cả vẫn còn đó.
Giờ phút này con đến bên Chúa theo lời Chúa mời
gọi con. Con đến trao vào tay Chúa, trao vào trái tim Chúa tất cả gánh nặng
cuộc sống con. Con đến với Chúa không phải để chạy trốn cuộc đời, nhưng để nài
xin Chúa ban cho con lòng yêu mến. Tình yêu sẽ làm cho gánh nặng trở nên nhẹ
nhàng. Cuộc đời Chúa cũng đâu thiếu những vất vả khổ đau. Gánh nặng cuộc đời
cũng đã nhiều lần đè Chúa quỵ ngã, nhất là trên con đường Thánh giá. Tuy nhiên,
đối với Chúa tất cả đều nhẹ nhàng, vì Chúa yêu mến Chúa Cha và yêu mến chúng
con. Xin Chúa ban tình yêu và ân sủng Chúa cho con. Và thế là đủ cho con.
Xin Chúa nâng đỡ và bổ sức cho con. Cho con tin
rằng Chúa luôn ở bên con để vác gánh nặng thay con. Ước gì nhờ những giờ phút
cầu nguyện và nhờ Thánh lễ, con được Chúa cho nghỉ ngơi bồi dưỡng để con tiếp
tục sứ mạng Chúa trao với niềm hăng say phấn khởi. Amen.
Ghi nhớ :"Hãy đến với Ta, hỡi
những ai vất vả cực nhọc".
www.phatdiem.org
12/12/12 THỨ
TƯ TUẦN 2 MV
Đức Mẹ Guađalupê
Mt 11,28-30
Đức Mẹ Guađalupê
Mt 11,28-30
HÃY HỌC KHIÊM - HIỀN VỚI THẦY GIÊ-SU
Chúa nói :"Anh em hãy
mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm
nhường."(Mt 11,29)
Suy niệm: Các vị sáng lập tôn giáo, các bậc
triết nhân truyền đạt tư tưởng của mình đều xoay quanh một điểm nhấn riêng: Đức
Khổng dạy học trò của ngài thuyết trung dung để làm người quân tử; các đệ tử
của Đức Phật học đường lối diệt dục để được giác ngộ. Chúa Giêsu cũng thế,
nhưng khác một điều, “bài ruột” của Ngài không phải là bí quyết giảng thuyết
hấp dẫn, hay quyền năng chữa bệnh, trừ quỷ…. Trên thực tế, về phương diện này,
các môn đệ còn làm được những chuyện lớn lao hơn Thầy của họ nhiều (x. Ga
14,12; Cv 2,41). Bí quyết mà Chúa dạy các môn đệ phải học nơi Ngài chính là Hiền Lành và Khiêm Nhường. Muốn học bài học này, cách
tốt nhất là chiêm ngắm chính Thầy mình “thị phạm” sống khiêm-hiền như thế nào.
Trong cuộc thương khó, và nhất là trên thập giá, Chúa Giêsu đã thể hiện
khiêm-hiền cách cao cả nhất.
Mời Bạn: Có người bảo rằng mạnh không
phải ở chỗ nhấc lên mà là hạ xuống, không phải là bùng nổ sự giận dữ bằng việc
hùng hổ quát tháo mà là kiềm chế nó bằng sự ôn hoà nhẫn nại. Đức khiêm-hiền nơi
Chúa Giêsu mạnh đến độ nhờ đó Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết để cứu độ
toàn thể nhân loại. Mời bạn cùng học với Thầy Giêsu sống khiêm-hiền như Ngài.
Chia sẻ: Suy gẫm và bắt chước mẫu gương
khiêm-hiền của Chúa Giêsu trong Phúc Âm, đặc biệt trong bữa tiệc ly và cuộc
thương khó.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm mỗi khi gặp điều trái
ý, tôi kiềm chế nóng giận, thay vào đó là cư xử ôn hoà nhẫn nại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết học
sống khiêm-hiền như Chúa.
www.5phutloichua
ÁCH CỦA TÔI ÊM ÁI
Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài nhẹ,
thì là vì chúng được đón nhận trong tình yêu. Tình yêu làm cho mọi sự trở nên
êm nhẹ.
Suy niệm:
Khi quy hoạch thành phố tương lai,
người ta không quên dành một khu vui chơi giải trí.
Nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu quan trọng
cho những ai sống trong nền kinh tế thị trường.
Nghỉ ngơi không chỉ cần cho thân xác hay trí óc.
Nghỉ ngơi còn cần cho tâm hồn.
Cái tâm của chúng ta cần được sống trong an tĩnh
giữa sóng gió dao động, giữa chợ đời bon chen.
Nhiều người bị suy nhược thần kinh, bị stress.
Có người tự tử vì không đủ sức để tiếp tục sống.
Ðức Giêsu mời chúng ta đến với Ngài,
tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề.
Gánh nặng của nỗi đau và vấp ngã trong quá khứ.
Gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại.
Gánh nặng phải mang vì người khác...
Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu,
chán chường và mệt mỏi.
Tất cả những ai muốn tìm một chút nghỉ ngơi.
Hãy đến với Ngài, ta sẽ gặp được sự an tĩnh.
Hãy mang lấy ách của tôi.
Ðức Giêsu không ngần ngại nói đến ách của Ngài
mà những kẻ đến với Ngài phải mang.
Ngài không giấu ta về những đòi hỏi nghiêm túc,
về con đường hẹp mà ít người muốn đi,
về thánh giá mà ta phải vác để theo Ngài.
Như thế sự an bình thư thái Ngài hứa ban
đâu phải là thứ bình an rẻ tiền, không cần từ bỏ.
Ðó là thứ bình an ngay giữa khổ đau và nước mắt,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương,
vì xác tín là mình đang làm đúng ý Thiên Chúa.
Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài nhẹ,
thì là vì chúng được đón nhận trong tình yêu.
Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ.
“Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không cảm thấy vất vả;
mà giả như có vất vả đi nữa
thì người ta cũng thích cái vất vả đó” (thánh Âutinh)
Hãy học với tôi.
Ðức Giêsu kêu gọi chúng ta làm học trò của Ngài.
Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài Giêsu.
Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài:
“Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu.”
Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu
thì tâm hồn ta sẽ được bình an trở lại.
Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời,
cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái,
cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ.
Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải,
và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhở đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình
an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường
hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài
chịu khổ đau. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực
nhọc".
Ách êm ái.
Trong lịch sử nhân loại, nhiều khi những cuộc cách mạng nhằm lật đổ
một tình trạng bất công lãi dẫn đến một tình trạng bất công còn tệ hại hơn.
Cuộc cách mạng Pháp 1789 đã gây ra biết bao nhiêu đổ máu. 80 triệu người Trung
hoa đã chết dưới bàn tay của Mao trạch Đông. 2 triệu người Cambốt đã chết trên
cánh đồng giết người của Pônpốt. Quả thực, con người mơ ước thiên đàng, nhưng
lại rơi vào địa ngục.
Trong tôn giáo có lúc người ta cũng chứng kiến một hiện tượng tương
tự: tôn giáo vốn là nơi nương tựa của con người: con người tìm đến với tôn giáo
thường là để tìm một sự giải thoát nào đó. Nhưng nhiều khi thay vì tìm được
thanh thản nơi tôn giáo, con người lại bị đè bẹp bởi những gánh nặng. Đó là
trường hợp đã xảy ra cho những người mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ bé mọn. Họ
là những người vất vả gồng gánh nặng nề. Thật thế, vào thời Chúa Giêsu, trong
Do Thái giáo, những người thiệt thòi nhất là những người bé mọn, thất học. Gồng
gánh nặng nề mà các luật sĩ chất lên vai họ chính là vô số khoản luật mà họ
phải tuân giữ mà không hề hiểu được ý nghĩa và mục đích, họ không đủ khả năng
để phân biệt được cái thiết yếu với điều phụ thuộc. Tôn giáo như thế không phải
là một giải thoát, nhưng chỉ là một cầm buộc, đi tìm sự giải thoát, con người
lại trở thành nô lệ.
Với những người bé mọn ấy, Chúa Giêsu đã mời gọi hãy mang lấy ách của
Ngài, vì ách của Ngài thì êm ái và gánh của Ngài thì nhẹ nhàng. Thật ra, Chúa
Giêsu không rao giảng một tôn giáo mới. Ngài không đạp đổ hệ thống tôn giáo có
sẵn. Trái lại Ngài chỉ cho con người thấy đâu là cái cốt lõi của Lề Luật và của
đạo. Cái cốt lõi ấy chính là tình yêu thương. Ngài đã từng tuyên bố: “Ta đến
không phải để bãi bỏ Lề Luật và các tiên tri, nhưng để kiện toàn”. Và như thánh
Phaolô đã giải thích: “Yêu thương là chu toàn cả Lề Luật”. Thật thế, Chúa Giêsu
đã kiện toàn Lề Luật bằng giới răn yêu thương, Ngài thu tóm cả Lề Luật thành
hai chữ yêu thương. Một bộ luật nặng nề và không hồn đã trở thành nhẹ nhàng nhờ
có linh hồn là tình yêu thương. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Chúa
Giêsu, cuộc cách mạng của tình thương. Chỉ có tình thương mới là khí giới lật
đổ được bất cứ một bất công nào và xây dựng được một xã hội công bằng thật sự.
Chỉ có tình thương mới thực sự giải phóng con người khỏi mọi áp bức.
“Hãy mang lấy ách của Ta, vì ách của Ta thì êm ái. Hãy học cùng Ta,
vì Ta hiền lành và khiêm nhường”. Lời mời gọi của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta
về cái cốt lõi của đạo. Đạo là chính Chúa, là tình yêu nhập thể. Sống đạo là
sống bằng sức sống thần linh của Ngài, sống đạo là làm chứng và chia sẻ tình
yêu của Ngài cho mọi người. Đó là cuộc cách mạng đích thực mà Chúa Giêsu muốn
tiếp tục qua Giáo Hội và qua mỗi người chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Tiếp đón Đức Giêsu là lãnh nhận ơn cứu độ
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng
tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy
học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được
nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt. 11, 28-30)
Cho
tới hết chương 10 Tin mừng theo thánh Mát-thêu, việc rao giảng nước trời hầu
như không gặp trở ngại gì. Nhưng đến chương 11 và 12, Đức Giêsu bắt đầu gặp
chống đối.
Trước
hết, Gioan tẩy giả sai môn đệ đến hỏi: “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải
đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt. 11, 2-6). Tiếp đến là dân
chúng: “Thật vậy, Gioan đến không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: Ông ta bị
quỷ ám. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: Đây là
tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt. 11, 18-19). Sau là
đến những biệt phái bắt bẻ Đức Giêsu giữ luật ngày Sa-bát (Mt. 12, 1-8. 9-14).
Họ còn chụp mũ Người là đồng lõa với tướng quỷ Bê-en-giê-bút (Mt. 12, 22-32).
Đức
Giêsu đã ứng xử thế nào trước những phản đối của dân chúng và quyền bính
Do-thái? Người ứng xử bằng hai cách: Trước tiên bằng một lời kêu cầu tạ ơn:
“Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc
khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé
mọn” (Mt. 11, 25). Thứ đến, Người quay lại phía những kẻ khốn cùng: “Tất cả
những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi
bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi vì Tôi có lòng
hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách
Tôi êm ái, và gánh Tôi nhẹ nhàng” (Mt. 11, 28-30).
Nhưng
Đức Giêsu chống thái độ về giữ luật của biệt phái và những thầy thông luật,
không phải Người giải phóng con người khỏi giữ luật luân lý. Trái lại, Người
yêu cầu họ phải giữ luật nghiêm chỉnh và đúng căn tính của luật (Mt. 11, 5-7).
Người đòi hỏi như vậy vì Người là Thầy có lòng êm ái và khiêm nhường. Quả thực,
toàn bộ Tin mừng nhằm giới thiệu Đức Giêsu như là tôi tớ, khiêm nhường trước
Thiên Chúa, và êm ái với mọi người. Thái độ của Người không như các nhà luân
lý. Trước khi trình bày cho con người những đòi hỏi căn bản về đổi mới một điều
luật, Đức Giêsu đã mang đến cho họ niềm vui của nước trời.
Mang
lấy ách của Đức Giêsu, chính là gắn bó với Người, đi theo Người, học hỏi với
Người về thực chất của lề luật, mà ưu tiên và trước hết, phải cảm nghiệm được
niềm vui ơn cứu độ và lòng thương xót của Chúa Cha.
J.M.R
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 12
12 THÁNG MƯỜI HAI
Emmanuel – Thiên
Chúa Ở Với Chúng Ta
Thiên
sứ thưa với Đức Maria: “Cô sẽ mang thai, sinh một con trai và cô sẽ đặt tên cho
con trẻ là Giêsu” (Lc 1,31). Sự hoàn thành những lời này đang đến rất gần. Tất
cả phụng vụ Mùa Vọng đều đầy ắp niềm mong đợi này.
Trong
những ngày cuối cùng của mùa phụng vụ thánh này, chúng ta chào mừng Đấng sắp
đến với những điệp ca Mùa Vọng tuyệt mỹ, những điệp ca tóm lược cả mầu nhiệm
Nhập Thể. Giáo Hội thưa lên với Đấng sắp được sinh hạ bởi Đức Nữ Trinh và đặt
tên Giêsu rằng:
Lạy
Đấng Khôn Ngoan, xuất phát từ Đấng Tối Cao,
Lạy
Đức Chúa, thủ lãnh nhà Israel,
Lạy
Chồi Non gốc Giêsê, được dựng nên như cờ hiệu cho các dân tộc,
Lạy
Chìa Khóa nhà Đavít, Ngài mở và không ai đóng lại được, Ngài khóa và không ai
có thể mở ra,
Lạy
Aùnh Bình Minh Phương Đông, Ngài là vẻ huy hoàng của ánh sáng muôn thuở và là
mặt trời công chính,
Lạy
Vua muôn dân và là đá góc tường,
Lạy
Đấng Emmanuel!
“Một
trinh nữ sẽ mang thai, sinh một con trai và sẽ đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14).
Đó là những lời của Ngôn Sứ Isaia, được viết từ nhiều thế kỷ trước Đức Kitô.
Đức
Maria, cùng với thánh Giuse, đang tiến gần tới Bê lem. Mùa Vọng Đấng Cứu Độ
đang chạm đến tột điểm của nó. Và chính Đức Maria cũng là một món quà phúc ân
trọn vẹn làm tràn ngập trong tâm hồn chúng ta niềm đợi trông và hy vọng.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Đức Mẹ Guađalupê;
Is 40, 25-31; Mt 11, 28-30.
LỜI
SUY NIỆM: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng
nể, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Trong cuộc sống của mỗi một người trong chúng ta, không ai là được hoàn toàn
hạnh phúc. Mỗi người đều mang lấy những vất vả, lo âu về mặt thể xác cũng như
tinh thần, có lúc mang tâm trạng muốn buông xuôi, đầy chán chường, không
còn ham sống. Nhưng đối với người Ki-tô hữu. Chúng ta có Chúa Giêsu, Ngài là
Đấng đang hiện hữu với chúng ta trong suốt cuộc đời của chúng ta. Ngài là Đấng
cứu độ của chúng ta. Ngài thấu suốt mọi tâm cang của chúng ta, mọi lao nhọc của
chúng ta, với quyền năng yêu thương, với quyền năng ban phát Ngài sẽ bồi dưỡng
và thêm sức cho chúng ta chiến đấu đến cùng và sẽ chiến thắng. Chỉ cần chúng ta
đặt niềm tin vào Ngài. Chúng ta sẽ được bình an.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày
12-12:
Thánh GIOANA
PHANXICA CHANTAL
(1572 - 1641)
Gioana
Phanxica Fremyet chào đời ngày 23.01.1572 ở Dijon, là con của vị chủ tịch nghị
viện. Thuộc một gia đình công giáo đạo đức, ông đã đào tạo con gái của mình nên
một đứa trẻ có đời sống tín hữu mạnh mẽ. Học tập như các trẻ em khác, thánh nữ
có một tinh thần sống động và tỏ ra vừa vui tươi vừa đứng đắn.
Dầu
còn nhỏ, Gioana Phanxica quyết xa rời những người lạc đạo, Ngài la hét khi có
ai trong số họ chạm tới Ngài. Khi đến tuổi hoà mình với đời sống đài các, sự dè
giữ của thánh nữ chứng tỏ Ngài đã không ao ước một cuộc sống dễ dãi trống rỗng.
Một trong những nhiệt huyết nơi Ngài là được thực hiện những công trình lớn cho
Thiên Chúa: Ngài muốn được tử đạo. Ngài đã phát khóc khi thấy những người khốn
cực, Ngài nói: - "Nếu không yêu thương người nghèo, tôi thấy mình như
không yêu mến Thiên Chúa".
Vị
bá tước de Chantal thấy rằng: Gioana Phanxica sẽ là người vợ quí nhất trên thế
gian. Cuộc hôn nhân hoàn tất. Gioana Fremyet lúc ấy 20 tuổi trở thành Gioana De
Chantal. Buổi đầu, vị nữ bá tước trẻ lo âu vì những món nợ cũ phải thanh toán.
Nhưng GIOANA đã vui cười bắt tay vào việc. Ngài chỗi dậy từ 5 giờ sáng, dự
thánh lễ, dùng ngựa để đi thăm nông trại và đất đai, kéo sợi và may vá với
những người giúp việc, Ngài tỏ ra là một người quản lý danh tiếng, đồng thời
cũng rất bác ái và dễ yêu đến nỗi người ta gọi Ngài là "bà phúc hậu".
Có
người còn nói rằng: mình thích mang bệnh để được nữ bá tước viếng thăm, nhưng
Ngài cũng biết rằng: săn sóc và mỉm cười chưa đủ, phải có Chúa giúp sức. Chẳng
hạn đến với một bênh nhân xem như tuyệt vọng, Ngài thức đêm cầu nguyện và đến
sáng thì bệnh nhân được lành. Vị bá tước nhiều lần thấy người vợ đầy lòng bác
ái quì cầu nguyện .
Khi
xảy ra nội chiến, cảnh khốn cùng lan rộng cắp làng quê. Vị nữ bá tước đón tiếp
các người bị bỏ rơi. Bệnh tật và các trẻ sơ sinh. Đoàn người thiếu ăn trong
vòng bảy dặm tuôn đến, Ngài tự tay múc cháo phục vụ mọi người. Thấy người đã
được trợ cấp trở lại, Ngài không từ chối giúp đỡ họ và thưa với Chúa: -
"Con đến gõ cửa van xin lòng thương xót của Chúa, nào là con có muốn đến
lần thứ hai thứ ba mà bị xua đuổi đâu ?"
Bá
tước de Chantal là một sị quan, thường vắng mặt để phục vụ nhà vua nơi triều
đình hay trong quân đội. Khi ấy thánh nữ bỏ đồ trang sức và áo nhung, tự khép
mình với sáu người con và các việc nội trợ, dành nhiều thời gian hơn để cầu
nguyện. Khi bá tước trở về, Ngài tổ chức ăn mừng với nét mặt rạng rỡ vui tươi.
Hạnh phúc chiếu sáng tổ ấm gia đình.
Nhưng
trong một cuộc đi săn, bá tước bị tử thương. Ngườivợ trẻ thành góa bụa lúc 28
tuổi, đã đau đớn khóc lóc: - "Lạy Chúa, xin hãy cất đi mọi của cải và con
cái, nhưng xin để lại người chồng yêu quí mà Chúa ban cho con".
Dầu
vậy, trong cơn thất vọng, thánh nữ đã điều khiển được lòng mình và tìm vâng
theo thánh ý Chúa. Gioanna Phanxica phải từ giã lâu đài để về sống gần cha
chồng. Những người nghèo vây quanh xe Ngài khóc lóc vì họ đã mất người mẹ hiền.
Một cảnh huống nặng nề đang đợi Gioanna nơi nhà cha chồng. Người quản gia già
nắm mọi quyền bính, bắt Ngài nuôi nấng con cái bà với con cái của thánh nữ.
Người đàn bà trẻ đã cố gắng để khỏi bị chống đối, Ngài luôn hiền hậu và không
hề làm cha chồng nổi nóng. Ngài cũng tổ chức một phòng thuốc cấp cứu và săn sóc
người nghèo. Bảy năm trôi đi trong nếp sống khó khăn và hãm mình.
Năm
164, Gioanna Phanxica gặp thánh Phanxicô Salesiô. Vị thánh quyết định đời Ngài.
Thánh nhân giảng mùa chay tại Dijon và nhận thấy thánh nữ chăm chú nghe mình.
Ngài hỏi thánh nữ có ý định tái gái không ? Thánh nữ kêu: - Không !
Và
thánh nhân đã trả lời: - "Vậy phải kéo bảng hiệu xuống". Chỉ muốn
Chúa thôi, đừng làm dỏm, dẹp bỏ tất cả chi tiết phong lưu lẫn lòng kiêu hãnh.
Gioanna
tự lo cho mình, phục vụ người nghèo, lau rửa những người khốn klhổ đầy chấy
rận. Mặc đồ sạch sẽ cho họ rồi nấu giặt và vá mạng áo quần cho họ. Thánh
Phaxicô Salesiô dẫn Ngài tới sự Thánh thiện bằng đời sống ngày càng kết hiệp
sâu xa hơn với Chúa. Thánh nhân cũng qủa quyết rằng: thời giờ đã đến để thánh
nữ từ bỏ thế gian. Đường chân thực của thánh nữ là trở nên tu sĩ và thiết lập
dòng thăm viếng.
Gioanna
đã anh hùng từ giã gia đình, Ngài dẫn người con gái không lập gia đình là
Fracoise để bổ túc việc giáo dục bên cạnh Ngài. Người con trai ở lại với ông
nội đã chống lại việc Ngài ra đi và nằm ngang cửa ngăn cản. Cử chỉ của thánh nữ
không theo tầm mức của chúng ta: Gioanna lau nước mắt bước qua mình con. Ngài
biết rằng: con mình sẽ không bị bỏ rơi, vì Ngài đã trao phó cho người cậu là
tổng giám mục Bourges. Và mỗi khi cần đến, Ngài sẽ đi thăm để lo cho lợi ích
của các con.
Tháng
6 năm 1610, thánh nữ đã thiết lập tu viện dầu tiên ở Annecy và khẩn nguyện luôn
thực hiện điều gì xem ra hoàn hảo hơn. Danh tiếng của các nữ tu dòng Thăm Viếng
tận tâm phục vụ người nghèo, bệnh nhân và giáo dục các thiếu nữ lan rộng mau
chóng. Suốt 30 năm, mẹ de Chanltal đã thiết lập nhiều tu viện, hiến mình làm
nọi việc.
Vào
cuối đời, Ngài kể lại: - "Tôi như những nữ tá thô kệch thời thu hoạch.
Người cha gia đình nói với họ: hãy đến chỗ này, hãy đi chỗ nọ, hãy trở lại cánh
đồng này, hãy đi tới chỗ khác. Chẳng hạn người cha diễm phúc của chúng tôi đã
nói: hãy đi thiết lập ở Lyon , ở Grenoble, hãy trở lại để đi Bourges, hãy đi
Paris, hãy từ giã Paris và trở lại Dijon. Chẳng hạn nhiều năm tôi chỉ đi và
đến, khi thì ở một trong những cánh đồng, khi thì ở một nơi khác của cha thân
yêu".
Nơi
nào thánh nữ đi qua, Ngài đều để lại sự êm dịu, sự phấn khởi và niềm tin tưởng.
Người ta thấy Ngài chống lại sự nhọc mệt bằng niềm vui và can đảm. Linh động
trong công việc, Ngài nấu ăn và coi bò, giờ giải trí, Ngài vui vẻ với các nữ
tu... khiến họ nói: "Khi Mẹ chúng ta không giải trí được là thiếu một phần
vui tươi êm ái". Bệnh tật không ngăn cản Ngài săn sóc và nghĩ tới mọi sự .
Với
một trí khôn nhanh nhẹn và chính xác, một lúc, Ngài đọc cho 3 nữ tu ghi chép.
Mười
chín năm trước khi qua đời, Gioanna Phanxica mất người bạn, người cha, người
nâng đỡ là thánh Phanxicô Salesio. Sự đau đớn của Ngài thực sự lớn lao. Rồi đến
cái chết của người con trai để lại một cháu gái sẽ là nữ nam tước de Sévigné.
Các tang lễ liên tiếp nơi các người thân. Nhưng thử thách lớn lao nhất của
thánh nữ là những chán nản nội tâm, những cám dỗ kinh khủng nghịch lại đức tin.
Ngài không hể tỏ lộ những đau đớn của mình và lấy sự bình thản để phủ lấp những
lo âu. Mẹ de Claugy đã nói về những khô khan liên tục của Ngài: - "Chỉ
trong cõi đời đời, người ta mới biết hết được".
Khi
Ngài qua đời, cha giải tội nói: - "Suốt 23 năm, tôi đã thán phục nơi thánh
nữ một lương tâm tinh ròng trong suốt và rõ rệt hơn cả pha lê".
Trong
những hành trình cuối cùng mẹ de Chantal được reo mừng khắp nơi. Khi có dịch
hạch ở Annecy, Ngài đã không từ chối bỏ nơi này và tăng gấp các việc bố thí và
lời cầu nguyện . Ở St. Germain, hoàng hậu đưa hai người con tới gặp và xin Ngài
chúc lành. Ngài hân hạnh được gặp thánh Vinh -sơn Phaolô, Dân Paris chen lấn để
mong chạm tới Ngài và nghe Ngài nói. Trở về, Ngài ngã bệnh ở Monlins. Tới phút
cuối Ngài vẫn còn lo lắng đến mọi việc. Và sau 3 lần kêu danh Chúa Giêsu, Ngài
tắt thở năm 1641, năm 1767 Ngài được tuyên thánh.
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++++
12 Tháng Mười Hai
Thế Giới Sẽ Hết
Nghèo Ðói
Mẹ Têrêxa thành Cacutta, người được giải thưởng
Nobel Hòa Bình năm 1979 đã kể lại câu chuyện sau đây: ngày nọ, có một thiếu phụ
và 8 đứa con dại đến gõ cửa xin gạo. Từ nhiều ngày qua, bà và các con của bà
không có được một hạt cơm trong bao tử. Mẹ Têrêxa đã trao cho bà một túi gạo.
Người đàn bà nhận gạo, cám ơn và chia ra làm hai phần... Ngạc nhiên về cử chỉ
ấy, Mẹ Têrêxa hỏi bà tại sao lại phân làm hai. Người đàn bà nghèo khổ ấy trả
lời: "Tôi dành lại một phần cho gia đình người Hồi Giáo bên cạnh nhà, vì
đã mấy ngày qua họ cũng không có gì để ăn".
Mẹ
Têrêxa kết luận như sau: Thế giới này sẽ hết nghèo đói nếu người ta biết chia
sẻ cho nhau. Càng giàu có, chúng ta càng muốn tích lũy thêm, nhưng càng nghèo
khổ, chúng ta càng dễ chia sẻ hơn.
Nghèo không là một điều xấu, giàu cũng không là một cái tội. Xấu hay không, tội hay không đó là lòng tham lam và ích kỷ của con người mà thôi. Giá trị và danh dự của con người tùy thuộc ở lòng quảng đại của mình.
Nghèo không là một điều xấu, giàu cũng không là một cái tội. Xấu hay không, tội hay không đó là lòng tham lam và ích kỷ của con người mà thôi. Giá trị và danh dự của con người tùy thuộc ở lòng quảng đại của mình.
(Lẽ Sống)
Ngày 12
Đức Mẹ Guađalupê
Mùa Vọng lại trở về, mùa ước ao chờ đợi Chúa Kitô trở
lại, với nhiều nghị lực hơn.
Đức Giêsu ban tặng một lời hứa: Người sẽ trở lại. Người
đi dọn cho chúng ta một chỗ, trong một căn nhà có đủ chỗ ở cho từng người,
"nếu không, Thầy đã nói với anh em
rồi!"
(Ga 14,2).
Lời hứa này cho cuộc đời tôi có ý nghĩa: tôi biết tôi đã
đặt niềm tin vào ai, tôi biết tôi đi đâu. Trên trái đất này, tôi là một người hành hương.
Tôi không phải là người ở đây, cho dù tôi hạnh phúc được ở đây, cùng đi một
chặng đường ngắn với các bạn, được trao đổi nụ cười và giơ bàn tay ra, trong
những lúc vui hoặc khi có những chuyện buồn.
Đức Giêsu cũng ban tặng một lời cảnh báo: Hãy cảnh giác.
Không phải để dò xét các "dấu hiệu", bởi vì từ hai ngàn năm, nhiều
người đã sai lầm khi nói:
"Người ở đây" hay "Người ở đàng kia"... khi nào Người đến,
mọi sự sẽ sáng tỏ: "Người ta sẽ thấy Con Người đến trong đám mây, với đầy quyền lực và vinh
quang". Cảnh giác, là tỉnh thức và cầu nguyện. Điều quan trọng không phải
là chờ đợi mà là
chuẩn bị: điều chúng ta làm hôm nay có giá trị vĩnh cửu và làm cho chúng ta đáng được ra
đứng trước mặt Con Người
Emmanuel Lafont
Simon Phan Ðắc Hòa (1787-1840)
Simon Phan Ðắc
Hòa, Sinh năm 1787 tại Mai Vĩnh, Thừa Thiên, Giáo dân, Y Sĩ, bị xử trảm ngày
12/12/1840 tại An Hòa dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII đã suy tôn y sĩ
Simon Phan Đắc Hòa lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06-1988, Đức
Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 12/12.
"Ai có thể
làm chúng tôi xa lìa được lòng mến Chúa Kitô ? Phải chăng là gian truân, cùng
khổ, đói rách, bắt bớ, gươm giáo" (Rm.8,35).
Cái khốn khổ mà
Simon Hòa phải chịu kể từ khi bị bắt vì đức tin cũng tương tự như thế : Hơn 20
lần bị tra khảo rất dữ dội. Lúc thì bằng đòn vọt, khi thì bằng kìm lạnh, lúc
khác thì bằng kẹp nung lửa… khiến da thịt ông bị thối rữa vì các vế thương dầy
mủ máu. Rồi trách nhiệm tình thương đối với gia đình : người vợ và 12 đứa con,
có đứa mới sanh được vài tháng, chưa được diễm phúc thấy mặt cha một lần.
Thế nhưng ngay
trong trường hợp này, chân lý của các vị tử đạo vẫn luôn luôn đúng : Đối với
các ngài, đau thương không phải là dấu chỉ của thất bại. Đau thương cũng không
phải là mục đích, nhưng đau thương chính là thử thách các chứng nhân phải vượt
qua, để có thể đạt được chân phúc vĩnh cửu. Và thái độ của Simon Hòa cũng như
thái độ chung của các vị tử đạo vẫn là: "Trong mọi thử thách, chúng ta
toàn thắng nhờ Đấng yêu mến chúng ta" (Rm.8, 37).
Phan Đắc Hòa sinh
trong một gia đình ngoại giáo tại làng Mai Vĩnh, xã Mông thôn, tỉnh Thừa Thiên
năm 1774. Thuở bé, cậu tên là Thu. Cha mất sớm, mẹ đưa chị em Hòa đến tá túc và
làm công ở làng Lưỡng Kim, sau đó đến giúp một gia đình Công Giáo ở làng Nhu
Lý, tỉnh Quảng Trị.
Sống với người
Công Giáo, nhìn thấy những gương sáng và được nghe nói về những điều cao đẹp
của đạo mới này, cậu Hòa đem lòng cảm mến và xin phép mẹ cho mình theo học lớp
giáo lý và gia nhập đạo. Khi ấy cậu mới chỉ là một thiếu niên 12 tuổi, cậu đã
chọn thánh Simon làm bổn mạng. Yêu mến Chúa Kitô, cậu bé không dừng ở đó, mà
còn muốn theo sát, phục vụ Chúa Kitô trong đời tu trì. Cậu đã vào chủng viện
một thời gian, nhưng qua các cha bề trên, Simon Hòa nhận ra ý Chúa muốn cậu
sống và làm chứng tá về Ngài ngay giữa lòng đời.
Tuy không đạt được
ước mơ, Simon Hòa vẫn thường xuyên liên lạc với chủng viện và các cha Bề trên.
Sau khi lập gia đình và trở thành cha của 12 người con, Simon Hòa cố gắng chu
toàn trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, xứng đáng là ngày gương sáng
tiêu biểu cho mọi gia đình trong làng. Sống đời giáo dân, ông Hòa hành nghề y
sĩ : "Lương y như từ mẫu". Nhiều người được ông chữa lành bệnh, nên
dân chúng đồn đãi với nhau đến với ông rất đông. Nhờ đó ông có nhiều cơ hội
giúp đỡ người nghèo khó. Nếu dư dả chút ít, ông liền đem đóng góp vào công việc
từ thiện, xây cất thánh đường…
Với đời sống đạo
đức, ông lang y Hòa được đề cử làm Trùm họ. Trước mặt mọi người, ông đã thực
thi chức năng một cách tốt đẹp: Ai ăn ở bất xứng, biếng trễ, ông tìm cách sửa
chữa, hoặc răn đe dỗ dành, hoặc giải thích khuyên can. Ai cờ bạc rượu chè, ông
nghiêm khắc sửa dạy. Thế nhưng ai cũng yêu mến chứ không oán ghét gì ông, bởi
họ biết ông làm thế vì thương yêu họ và vì trách nhiệm, chứ không phải vì tư
lợi. Ngoài ra, ông Simon Hòa còn sẵn sàng bênh vực, giúp đỡ người già nua tuổi
tác, yếu đuối, các cô nhi quả phụ. Ông thấy thấm thía ý nghĩa của phúc thật tám
mối, nhận ra hình ảnh Chúa Kitô nơi người khác, nhất là người nghèo khó. Có lần
ông đích thân cúi xuống vực một người nằm kiệt sức bên đường, vác lên vai, đưa
đến trạm canh, rồi cho người đem cơm nước để nuôi kẻ bất hạnh.
Khi vua Minh mạng
ra chiếu chỉ cấm đạo, Ông Trùm lang Hòa có dịp bày tỏ lòng can đảm của mình :
ông sẵn sàng cho các linh mục ngoại quốc ẩn náu trong nhà, mặc dù biết rằng
việc chứa chấp này đe dọa đến tính mạng của mình, cũng như của gia đình. Đức
cha Cuénot Thể cũng trọ một thời gian tại nhà ông. Ông nhiệt thành lo liệu sắp
xếp cho các linh mục có nơi trú ẩn. Nếu nhà mình không ổn, ông gởi các nhà ở
nơi tương đối bình an hơn. Tối ngày 13.4.1840, khi đang trên thuyền Đức cha De
la Motte Y đến làng Hòa Ninh, thuyền ông bị các quan phát hiện đuổi theo. Quân
lính bắt ông và Đức cha Y đưa về huyện Dương Xuân, rồi giải về Qủang Trị giam
hai tháng, và cuối cùng điệu về Huế.
Suốt thời gian bị
giam, lưoưng y Hòa không những đã giúp đỡ anh em bạn tù bằng việc bốc thuốc
chữa bệnh, ông còn khuyến khích họ trung thành với Chúa đến cùng. Cũng chịu khổ
hình như mọi tù nhân, có khi còn hơn nữa, nhưng ông Simon vẫn kiên vững niềm
tin. Các lần đòn đánh với vô số vết thương không làm ông nản chí, trái lại, ông
còn lấy làm vui thỏa vì được hiệp thông với Đức Kitô chịu đóng đinh.
Ông Simon Hòa bị
tra khảo đến 20 lần, có lẽ vì các quan tưởng dùng bạo lực, ông sẽ phải cung
khai tung tích các vị thừa sai, nhưng "dã tràng xe cát biển đông". Họ
đã không đạt được ý nguyện, lại còn phải nghe ông thuyết giảng về chân lý đạo.
Thế là họ trả đũa bằng đánh đập, bằng kìm kẹp và tra tấn dã man… cho tới khi
người thày thuốc từ bi gục ngã không thể gượng dậy nổi. Nhưng niềm tin của
lương y sĩ Hòa không thể ngã gục. Ông can đảm chịu mọi hình khổ đớn đau. Hơn
nữa, ông quyết tâm hiến dâng mạng sống mình để làm chứng về đạo, dù phải hy
sinh những điều thân thương qúi báu nhất đời. Khi các con đến thăm, ông khuyên
nhủ :
"Cha yêu
thương các con và hắng chăm sóc các con. Nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các
con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, thương yeu
nhau, và chăm sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con được nữa. Chúa
muốn cha chịu khổ, cha xin vâng trọn".
Quả thật nỗi lòng
y sĩ Simon Hòa lúc đó:
"Yêu kính
Chúa, nặng tình nhà,
Trăm cay nghìn đắng,
vẫn cam một lòng".
Năm 1840, vua Minh
Mạng châu phê án xử trảm quyết, bêu đầu ba ngày. Khi điệu ông Hòa đi xử, các
quan còn cố bắt ông quá khóa, dụ dỗ ông bỏ đạo, hay ít là cầm lấy ảnh quẳng đi
để ông được tha, nhưng ông vẫn một lòng kiên quyết tuyên xưng niềm tin của
mình.
Vị lương y lang
Nhu Lý đã vượt qua thử thách cuối cùng. Ông đã toàn thắng trong niềm tín thác
vào Thiên Chúa ngày 10.12.1840 tại Cổng Chém, gần chợ An Hòa.
Đức Lêo XIII đã
suy tôn y sĩ Simon Phan Đắc Hòa lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày
19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Nguồn từ thư viện Đa Minh
Lời bất hủ: Ông
khuyên nhủ các con đến thăm ông trong tù: "Cha yêu thương các con, và hằng
chăm sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng
ý Chúa, đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, thương yêu nhau, và chăm sóc việc
nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con được nữa. Chúa muốn cha phải chịu khổ,
cha xin vâng trọn".
www.tinmung.net
Thứ Tư 12-12
Lễ Ðức Mẹ Guadalupe
Một Thánh Lễ để vinh danh Ðức Mẹ Guadalupe đã có từ thế kỷ 16. Niên
sử của thời đại đó kể cho chúng ta biết câu chuyện sau đây.
Một người thổ dân nghèo hèn tên Cuatitlatoatzin được rửa tội và
lấy tên là Juan Diego. Ông 57 tuổi, goá vợ và sống trong một làng nhỏ gần Mexicoà
ông đã dùng chiếc áo tơi của mình để bọc lấy các bông hồng đem cho vị giám mục.
Trước sự hiện diện của đức giám mục, ông Juan Diego mở áo tơi ra
và bông hồng đổ xuống tràn ngập khiến vị giám mục phải quỳ gối trước dấu chỉ lạ
lùng ấy. Lạ lùng hơn nữa, trên chiếc áo tơi lại có in hình Ðức Trinh Nữ như
ngài đã hiện ra với ông ở đồi Tepeyac. Ðó là ngày 12 tháng Mười Hai 1531.
Lời Bàn
Việc Ðức Maria hiện ra với Juan Diego dưới hình thức một người
đồng hương của ông nhắc nhở cho chúng ta thấy, Ðức Maria và Thiên Chúa, là Ðấng
đã sai ngài đến, chấp nhận mọi dân tộc. Trong hoàn cảnh thời bấy giờ, khi người
Tây Ban Nha đối xử tệ hại và dã man với người thổ dân, việc hiện ra là lời
khiển trách người Tây Ban Nha cũng như một biến cố trọng đại đối với người thổ
dân Mỹ Châu. Trước khi có biến cố này, việc trở lại Kitô Giáo chỉ thưa thớt,
nhưng sau đó họ trở lại cả đoàn. Theo một sử gia đương thời, có đến chín triệu
người thổ dân trở lại đạo Công Giáo trong một thời gian rất ngắn. Ngày nay,
chúng ta thường nghe là Thiên Chúa ưu đãi người nghèo, và Ðức Mẹ Guadalupe minh
chứng rằng tình yêu Thiên Chúa dành cho người nghèo, và chính Mẹ đồng hóa với
người nghèo là một chân lý đã có tự ngàn xưa, được phát xuất từ Phúc Âm.
Lời Trích
Ðức Maria nói với Juan Diego: "Hỡi con rất yêu dấu của Mẹ,
ta là Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Thiên Chúa thật, Người là Tác Giả của Sự Sống,
là Tạo Hóa của muôn loài và là Chúa của Thiên Ðàng cũng như Trái Ðất... và điều
ta mong muốn là một nhà thờ sẽ được xây cất ở đây cho ta, là nơi ta sẽ chứng tỏ
lòng khoan dung và nhân hậu của ta đối với người thổ dân, và tất cả những ai
yêu mến và tìm đến ta, như một người Mẹ đầy lòng thương xót của con và của mọi
người dân của con..." (trích từ niên sử cổ).
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét