Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng
Bài Ðọc I: Is 40, 1-11
"Thiên Chúa an ủi dân
Người".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa ngươi phán: Hỡi dân Ta,
hãy an tâm, hãy an tâm! Hãy nói với Giêrusalem, và kêu gọi rằng: Thời nô lệ đã
chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi.
Và có tiếng kêu trong hoang
địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho
ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy
làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh quang Chúa sẽ
xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa, vì Ngài đã phán. Có
tiếng bảo: "Hãy hô lên!", và tôi nói: "Tôi sẽ hô lên điều
gì?" Mọi xác phàm như cỏ dại; mọi vinh quang của nó đều như hoa ngoài
đồng. Cỏ dại đã khô, hoa đã tàn, vì hơi Chúa đã thổi trên chúng. Vì chưng, dân
là cỏ dại: Cỏ dại đã khô, hoa đã tàn, mà lời Chúa chúng ta tồn tại đến muôn
đời.
Hỡi ngươi là kẻ đem tin mừng
cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giêrusalem, hãy
mạnh dạn cất tiếng. Hãy cất tiếng cao, đừng sợ! Hãy nói cho các dân thành thuộc
chi họ Giuđa rằng: Ðây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi
sẽ đến trong quyền lực, và cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những
phần thưởng chiến thắng, và đưa đi trước những chiến lợi phẩm. Người chăn dắt
đoàn chiên Người như một mục tử. Người ẵm những chiên con trên cánh tay, ôm ấp
chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 1-2. 3 và
10ac. 11-12. 13
Ðáp: Thiên Chúa chúng ta sẽ đến trong uy quyền (Is 40, 9-10).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Thiên
Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng
Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.
2) Hãy tường thuật vinh quang
Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. Hãy công bố giữa chư dân
rằng: Thiên Chúa ngự trị, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. - Ðáp.
3) Trời xanh hãy vui mừng và
địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên; đồng nội và
muôn loài trong đó hãy mừng vui. - Ðáp.
4) Các rừng cây hãy vui tươi
hớn hở, trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa
cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. -
Ðáp.
Alleluia: Lc 3, 4. 6
Alleluia, alleluia! - Hãy dọn
đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ
của Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 18, 12-14
"Chúa không muốn
những kẻ bé nhỏ phải hư đi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng
các môn đệ rằng: "Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc
mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm
con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, thì quả thật, Thầy bảo các con, người
đó sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc.
Cũng vậy, Cha các con ở trên trời không muốn để một trong những kẻ bé nhỏ này
phải hư đi".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Thiên Chúa là Cha nhân hiền
luôn bao dung, xót thương những con người tội lỗi sa ngã. Giáo Hội là hiện thân
của Ðức Giêsu và mỗi người chúng ta là chi thể của Ngài. Mỗi người chúng ta
biết yêu thương tha nhân và giúp những người tội lỗi trở về với Chúa là chúng
ta đang tiếp nối sứ mệnh mục tử nhân lành của Ðức Giêsu Kitô.
Cầu Nguyện:
Lạy Cha, qua bài Tin Mừng hôm
nay, Ðức Giêsu giới thiệu cho chúng con biết lòng yêu thương vô bờ của Cha đối
với mỗi người tội lỗi chúng con. Chúa rất yêu chúng con ngay cả khi chúng con
cố tình tìm cách trốn tránh khước từ tình yêu bao la ấy. Vâng, dù người cha có
thể quên con, nhưng Cha, Cha không thể quên con.
Lạy Cha, xin tha thứ sự ngỗ
nghịch của chúng con. Xin giúp chúng con mỗi ngày nhận rõ nét hơn lòng yêu
thương bao dung của Cha. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng con.
Amen.
Phải
Tha Thứ Luôn Luôn
Sống ở trên đời, ai cũng mong
ước mình gặp được nhiều sung túc, hạnh phúc và nhất là gặp được nhiều may mắn
thành công. Ai cũng muốn là mình gặp được mối tình thông cảm cho đến đỉnh cao
của tiền tài, danh vọng. Ai cũng sợ thất bại, sợ gian khổ cùng cực cất đầu
không lên được với những người xung quanh. Dù rằng ai cũng tự an ủi mình bằng
câu: "Thất bại là mẹ thành công". Ðau khổ nhiều, con người mới thấy
giá trị đích thực của hạnh phúc. Có gian nan vất vả nhiều, con người mới cảm thấy
giá trị của đau khổ, mới đánh giá chính xác về sự thành công từ những nhẫn
nhục, chịu đựng, âm thầm làm việc sau bao nhiêu ngày tháng. Nếu như con người
từ nhỏ đến lớn sống hoàn hảo như một vị thánh, người ấy chưa chắc đã cảm thấy
mình hạnh phúc nếu không phải là người đặc biệt Thiên Chúa gìn giữ. Vì thế theo
thông thường chúng ta không ai thoát khỏi những lầm lỗi, không khía cạnh này
thì vướng mắc khía cạnh khác, không nặng thì nhẹ, không phải khuyết điểm lầm
lỗi nặng hay nhẹ, cố tình hay vô tình nhưng quan trọng là chúng ta có nhận ra
được khuyết điểm sai lỗi của chính mình hay không? Và khi nhận ra được khuyết
điểm sai lỗi ấy, chúng ta có sửa đổi, rút kinh nghiệm cho lần sau hay không?
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Nếu ai trong các ngươi có một trăm
con chiên mà bị lạc mất một con thì người đó không bỏ chín mươi chín con trên
núi để đi tìm con chiên lạc ấy sao?" Ðó là điều an ủi cho chúng ta, vì khi
lầm lỗi, con người thường ít khi tha thứ hoặc có tha thứ cho nhau thì vẫn có
thành kiến không tốt về người đó, nghĩa là chúng ta có ý nghĩ không tốt, bớt sự
niềm nở tự nhiên trước đó.
Từ thái độ đó thường làm cho
người có lỗi mang một tâm trạng tự ti mặc cảm, vì dù sao đi nữa thì trong tâm
trạng đó con người cũng không có cái nhìn hồn nhiên, vui vẻ lạc quan yêu đời
như trước khi họ chưa lầm lỗi. Khi đã sống trong tình trạng nghi kỵ lẫn nhau,
nhìn nhau không thân thiện, chúng ta sẽ mắc vào một câu nói của một triết gia
nọ: "Tha nhân là hỏa ngục của tôi". Ai cũng nhìn nhau bằng cặp mắt
hận thù, ganh tị, hững hờ, chê bai lẫn nhau. Bao nhiêu cặp mắt hận thù, ganh
tị, hững hờ, chê bai lẫn nhau. Bao nhiêu cặp mắt hình như cứ soi mói vào chúng
ta, xét xem để rồi bắt lỗi chúng ta thì chẳng hỏa ngục là gì? Có bị như thế
chúng ta mới cảm nghiệm được tình yêu bao la dung thứ của Thiên Chúa đối với
chúng ta hôm nay: "Người chăn chiên sẽ bỏ chín mươi chín con trên núi để
đi tìm con chiên lạc, khi tìm được rồi người chăn chiên sẽ vui mừng vì con
chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không bị lạc".
Thiên Chúa đã dạy chúng ta
không những phải tha thứ cho nhau bảy lần mà là bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải
tha thứ luôn luôn. Và trong một đoạn Tin Mừng khác Chúa Giêsu nói: "Nếu
trong một ngày người anh em con phạm đến con bảy lần và bảy lần người ấy đến
nói với con rằng tôi hối hận thì con cũng phải tha cho nó". Khi thấy điều
đó khó thực hiện được nên người môn đệ của Chúa đã thưa: "Xin Thầy ban
thêm lòng tin cho chúng con". Ðó là Lời Chúa nhắn nhủ dạy bảo chúng ta,
còn đối với Thiên Chúa Ngài càng phải khoan dung tha thứ hơn, yêu thương chúng
ta nhiều hơn nữa bằng một tình thương tha thứ vô cùng.
Trong dụ ngôn "Người Con
Hoang Ðàng Trở Về" sau những tháng ngày ăn chơi trác táng thì bấy giờ nó
suy nghĩ và thành tâm ăn năn thống hối trở về để xin cha tha thứ. Nhưng khi
nhìn thấy con từ đàng xa, chưa kịp nghe con nói lên lời xin lỗi thì người cha
đã bảo gia nhân đem áo mặc cho cậu, lấy nhẫn đeo vào tay cậu. Qua những cử chỉ
yêu thương mặn nồng như thế đã nói lên tình thương của cha vẫn luôn luôn yêu
thương con cái và người cha vẫn coi cậu như người con trong nhà. Vì thế, ông
nói với gia nhân hãy làm thịt con bê béo để mừng con đã chết nay được sống lại.
Tình thương của người cha bao la đã bỏ qua tất cả mọi lỗi lầm của đứa con hoang
đàng trở về.
Trong đoạn Tin Mừng nói về
một người mắc nợ ông vua như sau: Có một người mắc nợ ông vua kia đến mười ngàn
nén bạc nhưng anh không có gì để trả nợ. Chủ ra lệnh bán anh và vợ con cùng tất
cả gia sản anh để trả nợ. Anh liền sấp mình xuống dưới chân chủ mà van lơn:
"Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn rồi tôi sẽ trả cho ngài tất
cả". Người chủ động lòng thương trả tự do và tha nợ cho anh ta. Khi ra về
anh ta gặp một người bạn mắc nợ anh ta một trăm nén bạc, anh ta tóm lấy bóp cổ
người ấy mà nói:Hãy trả nợ cho ta, khi ấy người bạn sấp mình dưới chân và nói:
Cho tôi khất một kỳ hạn. Nhưng anh ta không nghe, bắt người bạn đó tống giam
vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Người xung quanh thấy cảnh tượng thương tâm
đó thuật lại với người chủ và người chủ đã bắt trao anh cho lý hình hành hạ cho
đến khi trả hết nợ một ngàn nén bạc của anh.
Chúng ta đôi khi cũng thế,
lòng Chúa khoan dung yêu thương, tha thứ cho chúng ta không biết bao nhiêu, vậy
mà đối với anh em ta lại xét nét, chê bai, xử tệ, không tha thứ cho nhau dù chỉ
là những lầm lỗi không đáng kể gì trước mặt Chúa là người Cha đầy tình thương
dung thứ.
Lạy Chúa, xin cho mỗi
người chúng con cảm nhận được lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa để chúng
con đáp lại tình thương nhỏ bé của chúng con đối với Ngài. Xin Chúa cho chúng
con biết tha thứ cho nhau không những bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy, nghĩa
là tha thứ cho nhau luôn luôn trong suốt cuộc sống. Amen.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần II MV
Bài đọc: Isa
40:1-11; Mt 18:12-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Tha thứ
Con người thường có
khuynh hướng yêu những người đáng yêu và lọai bỏ những người đáng ghét; nhưng
nếu con người cứ theo khuynh hướng này, thì chẳng mấy chốc con người sẽ hết
người để yêu, vì người nào cũng là tập hợp của cả cái đáng yêu và cái đáng
ghét. Một tình yêu chân thật đòi mọi người phải biết yêu thương tha thứ cho tha
nhân như Thiên Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con người.
Các Bài đọc hôm nay đều
xoay quanh chủ đề yêu thương và tha thứ. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah ví
Thiên Chúa như Mục Tử: Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn
dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình
dẫn dắt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho khán giả: “Ai có một trăm
con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà
đi tìm con chiên lạc sao?” Một con chiên lạc có thể không gây sự quan tâm cho
con người, nhưng là một quan tâm cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là Mục Tử Tốt
Lành, Ngài xuống trần để tìm những chiên lạc về cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Mọi
người đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
1.1/ Dân chúng bị lưu đày
vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa: Đền Thờ bị phá hủy, Thành Jerusalem bị san phẳng, vua quan
và dân chúng bị lưu đày vì đã phạm tội và khinh thường những lời Chúa cảnh cáo
qua các tiên tri. Chúa có quyền ngỏanh mặt để kẻ thù trừng trị đích đáng dân
phản nghịch; nhưng Ngài không nỡ để dân phải chết, vì Ngài là Thiên Chúa yêu
thương. Ngài phải sửa phạt để thanh luyện tội lỗi, nhưng luôn quan tâm và gởi
các sứ giả đến khích lệ dân trong thời gian lưu đày, như trình thuật của Tiên
Tri Isaiah hôm nay: “Thiên Chúa anh em phán: "Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Hãy
ngọt ngào khuyên bảo Jerusalem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành
đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp
hai lần tội phạm."” Thành ở đây là Jerusalem, được nhân cách hóa để chỉ
Israel.
1.2/ Tội sẽ được tha nếu
dân biết ăn năn xám hối:
(1) Dân phải chuẩn bị
đường cho Chúa tới: Vì dân đã phạm tội nên Thiên Chúa rời xa họ. Để được Thiên Chúa
trở lại, họ phải thanh tẩy mọi tội lỗi đã xúc phạm đến Ngài; vì Thiên Chúa là
Đấng Thánh Thiện, Ngài không thể ở trong những tâm hồn tội lỗi. Thiên Chúa gởi
sứ giả của Ngài tới tận nơi lưu đày để kêu gọi và giúp dân ăn năn trở lại. TT
Isaiah tường thuật: “Có tiếng hô: "Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho
Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng
ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm
sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang
Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã
tuyên phán."”
(2) Tội nặng nhất là tội
không biết kính sợ Thiên Chúa: Trong hầu hết các Sách Khôn Ngoan, các tác giả đều tuyên
xưng: “Kính sợ Đức Chúa là nguồn gốc mọi khôn ngoan.” Vì thế, không biết kính
sợ Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi điên rồ. Đọan văn kế tiếp nói lên sự rồ dại
của con người: “Có tiếng nói: "Hãy hô lên!" Tôi thưa: "Phải hô
lên điều gì?" "Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như
hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí Đức Chúa thổi qua. Phải, dân là cỏ:
cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững."”
Con người là cỏ hoa mà
nghĩ mình sống không cần đến Thiên Chúa. Ngay từ đầu Sách, Tiên Tri đã kết án
sự rồ dại này, và coi dân phản nghịch còn thua lòai bò lừa: “Trời hãy nghe đây,
đất lắng tai nào, vì Đức Chúa phán: "Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng
nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta. Con bò còn biết chủ, con lừa
còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu
gì” (Isa 1:2-3).
1.3/ Thiên Chúa sẽ đón
nhận và chăn dắt dân nếu họ biết ăn năn trở lại: Thời gian Lưu Đày là thời gian thuận
tiện để Israel biết ăn năn xét mình, và nhận ra họ không thể sống mà không có
sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi họ biết phục tùng Thiên Chúa, Ngài sẽ làm cho
họ những điều mà họ không bao giờ ngờ tới; vì Ngài nắm trong tay mọi chủ quyền.
Tiên Tri Isaiah nhìn thấy trước 2 điều sẽ xảy ra khi dân biết ăn năn trở lại:
(1) Tương lai gần: Chúa sẽ cho dân hồi
hương để tái thiết lại Đền Thờ và xứ sở: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy
trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Jerusalem, hãy cất tiếng lên cho
thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Judah rằng: “Kìa
Thiên Chúa các ngươi!" Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ
quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp
làm nên.”
(2) Tương lai xa: Chúa sẽ gởi Đấng Thiên
Sai đến để cai trị dân Ngài: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,
tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên
mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.”
2/
Phúc Âm: Cha
của anh em không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.
Con người có thể đặt câu
hỏi: Làm sao Thiên Chúa có thể biết và quan tâm đến tất cả mọi người trong thế
giới này? Chỉ trong 3 câu ngắn ngủi của Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu cho chúng
ta thấy quyền năng và sự quan tâm của Thiên Chúa đến tất cả mọi người.
2.1/ Thiên Chúa luôn tìm
kiếm, dù chỉ một con chiên lạc: Chúa Giêsu đặt câu hỏi với con người: "Anh em nghĩ
sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín
con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” Đối với con người, một con chiên
lạc không đáng kể gì, vì vẫn còn 99 con chiên khác; nhất là đối với những con
chiên không chịu vâng lời, cố tình đi lạc. Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài để 99
con chiên lại để đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được.
2.2/ Ngài vui mừng khi
tìm thấy con chiên lạc: Không những đi tìm con chiên lạc, “và nếu may mà tìm được, thì
Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi
chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn
cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thế giới hôm nay đề
cao chủ nghĩa cá nhân: chỉ quan tâm đến những gì ích lợi cho mình, và gạt bỏ
những gì gây gánh nặng cho cuộc sống: người già, bệnh nhân, kẻ thù. Nếu Thiên
Chúa cũng lọai bỏ như con người, làm sao chúng ta có cơ hội được cứu độ?
- Như lời Kinh Lạy Cha
chúng ta đọc hằng ngày: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho những
người có lỗi với chúng con;” chúng ta phải tha thứ cho nhau trước khi xứng đáng
được Thiên Chúa tha thứ.
- Cách tốt nhất để dễ
tha thứ cho tha nhân là năng lãnh nhận Bí-tích Hòa Giải. Mỗi khi xét mình trước
khi xưng tội, chúng ta nhận ra rất nhiều cái đáng ghét nơi con người của mình.
Điều này làm chúng ta nhìn lỗi lầm của tha nhân với lòng bao dung hơn, vì họ
cũng yếu đuối tội lỗi như mình. Người không năng xét mình xưng tội rất dễ kết
án tha nhân, vì họ tưởng mình không có tội.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Ba tuần 2 Mùa Vọng
Sứ điệp: Chúa yêu thương tất cả mọi người, dù đó là kẻ
lầm lạc tội lỗi. Càng lầm lạc tội lỗi lại càng được Thiên Chúa xót thương hơn,
bởi vì Người không muốn cho một ai bị hư mất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha chúng con, trái tim của một người cha bao
giờ cũng đầy lòng thương xót, Cha còn thương xót chúng con gấp bội. Cha tạo dựng
nên con, mong mỏi con từng ngày lớn lên và bước đi trên đường hạnh phúc. Nhưng
đời con đã nhiều lúc lầm đường lạc lối, tội lỗi ngập tràn. Tuy nhiên, Cha đã
không trừng phạt con, không xua đuổi con, không thất vọng về con, không bỏ mặc
con chết trong núi rừng hoang vắng mãi mãi xa lìa tình Cha. Cha đã lên đường
tìm con. Lịch sử cứu độ là lịch sử những tháng ngày Cha dày công vất vả đi tìm
con. Biến cố Giáng sinh là lúc Cha hy sinh Con của Cha để đi tìm nhân loại trở
về. Con Cha đã rong ruổi trên khắp các nẻo đường Palettina, và ngày nay vẫn
chưa ngừng những bước chân rong ruổi trên khắp các nẻo đường thế giới để đi tìm
mỗi người chúng con trở về. Tình thương của Cha quá bao la đến độ dù chỉ một
mình con đi lạc, Con Cha vẫn xuống thế làm người tìm con, tha thứ cho con, cứu
độ con.
Cha tìm con, thế mà con cứ mê mải chạy trốn Cha,
cứ ương ngạnh lao mình vào chỗ chết. Hôm nay, con dâng lên Cha lời cảm tạ tình
thương trìu mến Cha dành cho con, và xin Cha tha thứ cho sự vô tâm cứng lòng
của con. Xin Cha giúp con quay về với Cha, ngoan ngoãn nằm trong vòng tay Cha.
Và dù con tội lỗi ngập tràn, Cha không thất vọng về con, thì xin Cha cũng đừng
để con thất vọng về chính mình, trái lại, xin cho con luôn tin tưởng để làm lại
cuộc đời. Amen.
Ghi nhớ :"Chúa không muốn những
kẻ bé nhỏ phải hư đi".
www.phatdiem.org
1/12/12 THỨ BA TUẦN 2
MV
Th. Đamasô I, giáo hoàng
Mt 18,12-14
Th. Đamasô I, giáo hoàng
Mt 18,12-14
Con chiên may mắn
"Thiên Chúa không muốn
cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất"
(Mt 18,14)
Suy niệm: Không biết người chủ chiên may
mắn tìm lại được con chiên lạc hay con chiên lạc may mắn được chủ tìm ra? Có
điều chắc chắn là người chủ chiên đã gặp rủi ro đối với con chiên “xé rào” đi
lạc này. Vì một mình nó mà ông dám liều mạng với lũ sói, bỏ lại 99 con kia để
tìm!!! Ông không muốn một con nào trong đàn bị mất. Sự rủi ro được đền bù bởi
lòng kiên quyết của ông, và đây chính là điều may mắn cho con chiên đi lạc. Con
chiên lạc hẳn cũng mong muốn về lại với chủ và đàn, nhưng chung quanh nó nào
gai góc, bụi rậm, nào sói rừng… Thật may mắn cho chú chiên lạc vì nó có một ông
chủ yêu nó hơn cả bản thân ông, hơn cả 99 con chiên không lạc! Nó quả là con
chiên may mắn.
Mời Bạn: Bạn ơi, con chiên đó là chính
bạn. Bạn may mắn vì có Chúa là người chủ chiên nhân lành yêu bạn hơn chính bản
thân Ngài: Ngài đã chẳng sai Con Một Ngài xuống thế làm người để đi tìm bạn,
chịu chết để chuộc bạn về khỏi kiếp nô lệ tội lỗi đấy sao? Nhưng bạn khác con
chiên ở chỗ chính bạn phải sám hối thì Chúa mới có thể đưa bạn trở về được. Mùa
Vọng là một thời gian thuận tiện, bạn hãy nắm lấy vận may này mà quay về với
Chúa.
Sống Lời Chúa: Những cản trở nào đang ngăn lối
bạn trở về? Nhờ tình yêu Chúa nâng đỡ, bạn gỡ bỏ những rào cản chặn đường về
bằng cách: bỏ một thói quen xấu và tập một thói quen tốt.
Cầu nguyện: Lạy Cha, con tạ ơn Cha vì mỗi
giây phút đều là một cơ may để Cha dẫn dắt con trở về với Cha. Xin cho con cảm
nhận rằng Cha luôn yêu thương và không bao giờ muốn con xa lìa tình yêu của
Cha. Amen.
www.5phutloichua.net
Không muốn ai hư mất
Mùa Vọng là thời gian chúng ta nhìn lại những người bé mọn
quanh ta, những người từ lâu đã bỏ nhà thờ, những người mất lòng tin vào Chúa.
Suy niệm:
Chăn chiên là một nghề đã có từ lâu.
Nhiều nhà lãnh đạo dân Do Thái như Môsê, Đavít, đều làm nghề này.
Trên những đồng cỏ mênh mông, giữa trời và đất, chỉ có chiên và mục tử,
nên giữa đôi bên có một sự thân thiết và hiểu biết nhau thật gần gũi.
Chính vì thế trong Cựu Ước, Thiên Chúa hay ví mình với người chăn chiên.
Đàn chiên là dân Do Thái, là dân riêng Ngài rất mực quý yêu:
“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa…
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
bầy chiên mẹ cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11).
Như Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng ví mình với người mục tử tốt lành.
“Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10, 14).
Sự hiểu biết thân thương này mạnh đến độ
Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10, 15).
Sau khi chết và phục sinh, Đức Giêsu muốn Simon nhận sứ mạng mục tử.
Ngài mời ông chăm sóc và chăn dắt chiên của Ngài (Ga 21, 15-17).
Như thế đoàn chiên mới của Đức Giêsu lúc nào cũng được bảo vệ.
Qua bao thế kỷ Giáo Hội vẫn không ngừng có những mục tử mới,
nối gót Simon Phêrô để phục vụ và hiến mạng vì đoàn chiên.
Nhưng Đức Giêsu không dạy người mục tử chỉ lo cho cả đoàn,
mà quên chăm sóc cho từng con chiên một.
Ngài mời ta để ý đến tập thể lớn, nhưng không được quên từng cá nhân
nhỏ.
Có khi chỉ một con chiên lạc lại khiến người mục tử bận tâm lo lắng
đến nỗi để chín mươi chín con trên núi mà đi tìm con bị mất (c. 12).
Không phải vì coi thường chín mươi chín con không bị lạc,
nhưng vì người mục tử không muốn mất con nào.
Con chiên lạc lại có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim mục tử.
Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về chuyện tìm lại được điều đã mất.
Khi mất thì đứng ngồi không yên,
khi tìm thấy thì bình an và niềm vui òa vỡ.
Người mục tử lo âu, vất vả tìm kiếm con chiên lạc,
nhưng khi tìm được rồi thì niềm vui là vô bờ.
Có thể nói còn vui hơn chuyện chín mươi chín con không bị lạc (c. 13).
Dường như người ta bắt đầu quý một điều từ khi mất điều đó.
Có khi một người bắt đầu hiện diện từ khi người ấy vắng mặt và mất đi.
Cha không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất (c. 14).
Cha muốn cho mọi người được cứu độ và không muốn mất một ai (1 Tm 2, 4).
Mùa Vọng là thời gian chúng ta nhìn lại những người bé mọn quanh ta,
những người từ lâu đã bỏ nhà thờ, những người mất lòng tin vào Chúa.
Mỗi người chúng ta phải là mục tử cho nhau, chăm sóc nhau, quý nhau,
khởi đi từ những người trong gia đình, trong nhóm bạn thân quen.
Chúng ta quý nhau vì Thiên Chúa quý từng người chúng ta.
Chúng ta chẳng thể mừng Lễ Giáng sinh nếu còn một người đang lạc ở đâu
đó.
Nếu chịu mất công đi tìm về, chúng ta mới được hưởng niềm vui trọn vẹn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm quê hương.
Chúa đã ban nó cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời.
Nếu rừng không còn xanh, dòng suối không còn sạch,
và bầu trời vắng tiếng chim.
thì đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người,
vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói,
bao trẻ sơ sinh bị giết mỗi ngày khi chưa chào đời,
bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương,
vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình.
Chiến tranh, khủng bố, xung đột, có mặt khắp nơi.
Người ta cứ tìm cách giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu ở Belem,
Chúa đã cứu độ và chữa lành thế giới bằng tình yêu khiêm hạ,
nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn thống trị địa cầu.
Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan.
Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc.
Đó là lỗi của chúng con.
Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại,
và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu.
Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem,
xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa
để yêu trái đất lạnh giá này hơn,
và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ phải hư đi".
Chiên lạc
Một
nhà truyền giáo trong vùng Thái bình dương có kể lại sự kiện như sau: Ngày nọ
có một người đàn bà bước vào lều của Ngìa với đôi bàn tay nắm chặt cát ướt. Bà
hỏi ngài:
-
Cha có biết cái gì trong tay con không?
Vị
linh mục đáp:
-
Hình như chị đang cầm cát trong tay thì phải?
Người
đàn bà lại hỏi tiếp:
-
Cha có biết tại sao con mang cát ấy đến đây không?
Nhà
truyền giáo lắc đầu.
Người
đàn bà liền giải thích:
-
Thưa cha, đây là tội lỗi của con, tội con nhiều như cát biển, làm sao con có
thể được tha thứ?
Lúc
bấy giờ vị linh mục mới an ủi:
-
Có phải chị lấy cát từ bờ biển không, vậy chị hãy quay trở lại bờ biển và giống
như các em bé vẫn thường làm, chị hãy xây một núi cát, rồi chị ngồi đó và ngắm
những đợt sóng biển, sóng biển sẽ vỗ vào bờ và cuốn đi ngọn núi cát của chị. Ơn
tha thứ của Chúa cũng giống như thế, lòng nhân từ của Ngài bao la như đại
dương, chị hãy thành tâm thống hối và Chúa sẽ tha thứ cho chị.
Một
lần nữa, Giáo Hội lại tha thiết kêu gọi chúng ta quay trở về với Chúa. Với hình
ảnh người mục tử bỏ 99 con chiên khỏe mạnh về tìm một con chiên lạc, trước hết
Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta về lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa đối với
con người. Chúng ta chỉ có thể tin tưởng quay về với Chúa, nếu chúng ta ý thức
được tình yêu và lòng tha thứ của Ngài.
Tuy
nhiên, con người chỉ có thể cảm nhận được lòng tha thứ của Thiên Chúa khi biết
tha thứ cho anh em mình mà thôi. Đó là điều Chúa Giêsu muôn nêu bật trong Tin
Mừng hôm nay. Thật thế, dụ ngôn người mục tử bỏ 99 con chiên khỏe mạnh để tìm
một con chiên lạc được nhắm trước tiên đến những người biệt phái. Họ khó chịu
khi thấy Chúa Giêsu kết thân với những người tội lỗi. Đề ra những khoản luật
nghiêm nhặt về sự thanh tẩy, đặc biệt là thanh tẩy trước khi ăn, những biệt
phái đã loại trừ nhiều tội nhân và những người thu thuế. Qua cử chỉ này, Ngài
không những muốn nói với các tội nhân rằng Thiên Chúa yêu thương họ, Thiên Chúa
đi tìm kiếm họ, Thiên Chúa tha thứ cho họ, nhưng Ngài còn mời gọi chính những
người biệt phái, tức là những kẻ tự cho mình là lành thánh cũng phải hoán cải.
Hoán cải trong quan niệm của họ về lòng nhân từ của Thiên Chúa, nhất là hoán
cải trong cái nhìn của họ đối với người tội lỗi. Con người chỉ cảm nhận được
tình yêu Thiên Chúa khi họ biết cảm thông và tha thứ cho tha nhân. Điều đó cũng
có nghĩa là lòng nhân từ của Thiên Chúa không hề làm cho con người ra vong
thân, nhưng biến nó trở thành người hơn, có trách nhiệm và dấn thân hơn. Con
người chỉ thực sự thống hối khi nó biết thực thi lòng nhân ái với tha nhân.
Mỗi
lần bước ra khỏi tòa giải tội ai trong chúng ta cũng cảm thấy như trút được một
gánh nặng và tìm được bình an và niềm vui. Quả thực, như đại dương, lòng nhân
từ Chúa sẽ xóa sạch tội lỗi chúng ta. Tuy nhiên để được tắm gội trong đại dương
của lòng nhân từ ấy, chúng ta được mời gọi sống lòng nhân từ đối với tha nhân.
“Con hãy về và đừng phạm tội nữa”. Lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại
tình cũng được lặp lại cho mỗi người chúng ta. Bước ra khỏi tòa giải tội là
được sai đi để thể hiện lòng nhân từ với tha nhân. Và đó là món quà cao đẹp và
ý nghĩa mà chúng ta có thể gửi cho nhau trong mùa vọng này.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Đón rước Đấng Cứu Thế là đón kẻ bé mọn
“Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc,
lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và
nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên
đó, hơn chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha anh em, Đấng ngự trên
trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất. (Mt. 18,
12-14)
Nếu
người ta đọc lại đầu chương 18 Tin mừng theo thánh Mát-thêu, người ta thấy rằng
dụ ngôn chiên lạc được tiếp sau câu hỏi của các môn đệ: “Thưa Thầy, ai là người
lớn nhất trong nước trời?” (18, 1). Đức Giêsu không trả lời ngay mà lần lượt
trả lời theo ba nhịp độ sau:
1)
Câu 2-5: Theo kiểu các ngôn sứ xưa, Đức Giêsu trả lời trước hết bằng một cử chỉ
tượng trưng: “Người gọi một em bé đến, đặt giữa các ông và bảo: Thầy bảo thật
anh em: nếu anh em không trở lại nên như trẻ em, thì chẳng sẽ được vào nước
trời” (c. 3). Qua cử chỉ này, Đức Giêsu đảo lộn thứ bậc theo quan niệm của môn
đệ. Tiếp theo, Người tự giới thiệu mình như trẻ nhỏ trước mặt Chúa Cha, môn đệ
cũng phải trở nên nhỏ bé như em này, thì mới là người lớn nhất trong tình yêu
của Chúa Cha.
2)
Câu 6-9: Vì thánh ý của Chúa Cha là muốn cho mỗi người lớn lên trong tình yêu
của Ngài, cho nên điều quan trọng là phải chăm lo săn sóc những bé nhỏ này,
bằng cách tránh mọi gương mù và mọi khinh thường có thể làm chúng sa ngã.
3)
Câu 10-14: Dụ ngôn chiên lạc nói đến kẻ bé mọn và gương mù (c. 6) hay cảm thấy
bị khinh bỉ (c. 10) và hậu quả là dần dần xa cộng đồng vì cộng đồng không tiếp
nhận nó vào cuộc sống cụ thể hằng ngày, và ngăn cản nó lớn lên trong tình yêu
của Chúa Cha. Chính ra mỗi phần tử trong cộng đồng đều được đón nhận thánh ý
của Chúa Cha đã muốn cho tất cả đều lớn lên trong tình yêu của Ngài, để không
còn thấy mình bị xa lạc nữa, nhưng luôn luôn được đón tiếp, được tôn trọng như
một nhân vị độc nhất.
Chúng
ta cũng theo gương các môn đệ, cần thiết phải thanh tẩy óc địa vị của mình.
Chúng ta có luôn luôn ý thức mình phải hoạt động theo tiếng gọi của Chúa Cha để
thi hành trách nhiệm, mà Ngài đã trao phó cho chúng ta với danh nghĩa là môn đệ
của Chúa Con và là phần tử của nước trời không?
Trong
đời sống thực tế cụ thể hằng ngày, chúng ta có biết tránh mọi gương mù, gương
xấu cho những kẻ bé mọn không? Có giúp chúng khám phá và lớn lên trong tình yêu
của Chúa Cha không?
Hãy
nhớ rằng Đức Giêsu đã tự đồng hóa mình với những kẻ bé mọn: “Ai tiếp đón một em
nhỏ như thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (c. 5).
J.M.R
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 12
11 THÁNG MƯỜI HAI
Một Người Mẹ Trong
Trật Tự Ân Sủng
“Đức
Maria Vô Nhiễm đứng dưới chân Thập Giá: Mẹ đã mang thai, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức
Kitô, dâng Người cho Chúa Cha trong Đền Thờ, chia sẻ đau khổ của Con mình khi
Người chết trên Thập Giá. Vì thế, Mẹ đã cộng tác cách đặc biệt vào công cuộc
của Đấng Cứu Thế bằng sự vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng cháy…
Vì thế Mẹ là Mẹ của chúng ta trong ân sủng.” (LG 61). Đó là giáo huấn của Công
Đồng.
Và
đó là lý do tại sao Mẹ Thiên Chúa cũng gắn bó mật thiết với Giáo Hội. Mẹ là
hình ảnh diễn tả Giáo Hội – như thánh Ambrôsiô dạy – trong trật tự của đức tin,
của tình yêu và của sự hiệp thông hoàn toàn với Đức Kitô. Thật vậy, ‘trong mầu
nhiệm Giáo Hội, vốn được gọi rất đúng là ‘mẹ và trinh nữ’, thì Đức Nữ Trinh
Maria đã đi đầu, đã tỏ ra là mẹ và trinh nữ trong một cách thế ưu việt và vô
song” (LG 63).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Đamasô I Giáo hoàng;
Is 40, 1-11; Mt 18, 12-14.
LỜI
SUY NIỆM: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không
muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất: (Mt18,14).
Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha sai đến, để mạc khải tình yêu của Thiên Chúa,
Ngài là Đấng cứu độ duy nhất, và Chúa đã khẳng định niềm vui của Thiên đàng là
khi có một người ăn năn trở lại để cùng sum họp trong đoàn chiên mà Chúa là chủ
chăn. Chúa còn khẳng định là Thiên Chúa không muốn một con người nào phải hư
mất. Đây thật lả niềm hy vọng lớn lao đối với chúng ta, những con người hiện
đang sống trong trần gian này không thể là không mang lấy những tội trong tư
tưởng và trong việc làm. Nhưng tình yêu và ước muốn của Thiên Chúa không muốn
chúng ta bị hư mất. Chúa đang chờ sự sám hối và tin vào Tin Mừng của mỗi một
người trong chúng ta.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày
11-12:
Thánh ĐAMASÔ I
Giáo Hoàng (305 - 384)
Đây
là một vị giáo hoàng sáng chói trong Hội Thánh. Ngài đã xác nhận quyền tài thẩm
trên toàn thể Giáo hội là do thánh Phêrô lãnh được bởi Chúa Kitô. Đức giáo
hoàng Libêriô đã chú ý tới linh mục Damasô gốc Tân Ban Nha và đặt Ngài làm tổng
phó tế cai quản Giáo hội. Khi hoàng đế Constance ủng hộ phái Ariô bắt Đức
Libêriô đi đày. Damasô đi theo Ngài. Nhưng Đức Libêriô cảm thấy mình sắp chết,
và để chiều theo ý Ngài, Damasô trở lại Roma, nơi Ngài sẽ được chọn làm giáo
hoàng.
Giữa
những phiến động, phân ly và xáo trộn, triều đại giáo hoàng của Ngài khổ não
tột cùng. Dầu vậy, chính những điều đó làm nên vinh quang cho đức giáo hoàng.
Là nhà trí thức, khảo cổ và thi nhân, Đức Damasô đã lưu giữ những chứng liệu
quý báu về Roma của Kitô giáo thời xưa, Ngài đã sửa sang phần mộ các thánh tử
đạo, trước tác những vần thơ để ở mộ bia. Những nét chữ đẹp trên các mộ mênh
danh là "chữ Damasô". Ngài cho xây nhiều đại thánh đường và nhiều nhà
từ thiện.
Chúng
ta phải biết ơn thánh Damasô nhiều, vì Ngài đã nhận thức được tài năng giá trị
của thánh Hiêrônimô và đã trao phó trách nhiệm hiệu đính bản dịch thánh kinh.
Chính Ngài đã kết các thánh vịnh bằng kinhsáng danh.
Giữ
cho đức tin được tinh ròng ở cộng đồng Nicêa chống lại phái Ariô, Đức Damasô đã
triệu tập nhiều công đồng. Công đồng Constantinople đã đưa Ngài tới danh hiệu
cao cả nhất là "viên ngọc của đức tin".
Đức
Damasô đã viết nhiều vần thơ đề mộ bia. Có một tấm Ngài viết về chính mình và
đăt ở nghĩa trang thánh Callistô: "Tôi, Damasô muốn được chôn cất tại đây,
nhưng tôi sợ phàm tục hóa xương cốt các thánh nhân".
Bởi
vậy, Ngài đã được chôn cất trong một thánh đường ở Via Ardeatina.
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++++
11 Tháng Mười Hai
Tiếng Khóc Của Sa
Mạc
Một mẩu chuyện của người Phi Châu kể lại rằng:
một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát
từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế, anh ta giải thích như sau:
"Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh
tươi".
Sa
mạc mong mỏi được trở thành ngôi vườn, cũng thế tâm hồn con người luôn hướng về
điều thiện. Khoảng cách giữa sa mạc và ngôi vườn xinh tươi đó là nước non, điều
kiện thời tiết và nhất là công lao của con người. Không có sự chăm sóc của con
người, sa mạc vẫn tiếp tục là bãi cát khô cằn. Cõi lòng con người sẽ mãi mãi là
một sa mạc cằn cỗi nếu nó không được vun xới và tưới bằng cố gắng, phấn đấu, hy
sinh và tình yêu. Phải tốn biết bao là kiên nhẫn, biết bao chống đỡ, biết bao
nghị lực, biết bao mồ hôi... để biến sa mạc của tâm hồn thành một khu vườn tươi
tốt... Sa mạc tâm hồn của chúng ta sẽ khóc mãi nếu chúng ta không ra tay cày
xới và vun trồng mỗi ngày.
(Lẽ Sống)
Ngày 11
Thánh Đamaxô I, giáo hoàng
Mùa Vọng
không chỉ có ý nói là Thiên Chúa sắp đến, nhưng là bản thể của Người, toàn bản
thể của Người sắp đến. Thiên Chúa đến để hiện hữu: đây là hoạt động chủ yếu
nhâ't và thông thường nhất của Người. Nếu Thiên Chúa đã đến trước, thì sẽ không
có Mùa Vọng và, như vậy, sẽ không có niềm vui
François Cassingena-Trévedy
Thưa anh em,
thật vậy, anh em nên sốt sắng cử hành cuộc giáng lâm của Chúa, vì sự động viên
tinh thẩn của Người làm chúng ta vui sướng, vì đặc ân của Người làm chúng ta
xúc động mạnh, và vì tình yêu của Người đốt nóng chúng ta biết bao!
Tuy nhiên,
đừng nghĩ tới chỉ riêng cuộc giáng lâm khi "ConNgười đến để tìm và cứu cái gì đã hư
mất" (Mt 18,11)/ nhưngcũng nghĩ tới cuộc giáng lâm khác, nơi Người
sẽ đến để đưa chúng ta về với Người.
Ước gì anh
em không ngừng suy đi nghĩ lại hai cuộc giáng lâm này trong giờ suy niệm,
nghiền ngẫm trong lòng tất cả những gì Chúa đã hứa trong cuộc giáng lâm lần thứ
hai.
Vâng, ước gì anh em được nghi ngơi giữa các phần di sản,
nghĩa là giữa hai cuộc giáng lâm. Thật vậy, đó là hai cánh tay của Vị Hôn phu,
nơi Vị Hôn thê dựa vào để nghỉ ngơi.
Thánh Bênađô
www.tinmung.net
Thứ
Ba 11-12
Thánh Giáo Hoàng Damasus I
(305?
- 384)
T
|
heo chứng từ của người thư ký
là Thánh Giêrôme, Thánh Damasus là "một người không ai sánh bằng, rất
hiểu biết Phúc Âm, một tiến sĩ trinh trắng của một Giáo Hội trinh trắng, rất
yêu quý sự khiết tịnh."
Thánh Damasus có khi nào được
nghe những lời tán dương đó. Những tranh giành nội bộ có tính cách chính trị,
các tà thuyết, các tương giao căng thẳng với chính các giám mục của ngài và của
Giáo Hội Ðông Phương đã làm lu mờ sự bình an trong triều đại giáo hoàng của
ngài.
Là con của một tư tế Rôma, có
lẽ thuộc gốc Tây Ban Nha, Damasus khởi sự là một phó tế trong nhà thờ của cha
mình, sau đó ngài là tư tế (linh mục) của một đền thờ mà sau này là vương cung
thánh đường San Lorenzo ở Rôma. Ngài phục vụ Ðức Giáo Hoàng Liberius (352-366)
và đi theo đức giáo hoàng khi bị lưu đầy.
Khi Ðức Liberius từ trần,
Damasus được bầu làm Giám Mục Rôma; nhưng một thiểu số khác lại chọn và tấn
phong một phó tế khác là Ursinus làm giáo hoàng. Cuộc tranh luận giữa Damasus
và giáo hoàng đối lập gây nên nhiều xung đột trong hai nhà thờ lớn, gây tiếng
xấu cho các giám mục Ý. Trong một thượng hội đồng do Damasus triệu tập nhân
ngày sinh nhật của ngài, Ðức Damasus yêu cầu các giám mục tán thành các hành
động của ngài. Nhưng câu trả lời của các giám mục thật cộc lốc: "Chúng tôi
quy tụ để mừng sinh nhật, chứ không để kết án một người chưa bao giờ nghe
biết." Khoảng năm 378, những người ủng hộ vị giáo hoàng đối lập còn tìm
cách đưa Ðức Damasus ra toà về một tội phạm -- có lẽ tội dâm dục. Ngài đã phải
thanh minh trước toà dân sự cũng như trước một thượng hội đồng của Giáo Hội.
Khi là giáo hoàng, ngài có
lối sống thật đơn giản trái ngược với các giáo sĩ ở Rôma, và ngài rất hăng say
chống lại tà thuyết Arian và các tà thuyết khác. Một sự hiểu lầm trong văn từ
về Ba Ngôi Thiên Chúa đã đe dọa mối giao hảo thân thiện với Giáo Hội Ðông
Phương, và Ðức Damasus là người ôn hoà đã dàn xếp cách tốt đẹp.
Chính trong thời giáo hoàng
của ngài (380) mà Kitô Giáo được tuyên bố là tôn giáo chính thức của Rôma, và
tiếng Latinh trở nên ngôn ngữ chính thức trong phụng vụ nhờ sự cải cách của đức
giáo hoàng. Cũng nhờ ngài khuyến khích Thánh Giêrôme học hỏi kinh thánh mà bộ
Vulgate được chào đời, đó là bộ Kinh Thánh bằng tiếng Latinh mà Công Ðồng
Triđentinô (11 thế kỷ sau) tuyên bố là "có giá trị để đọc giữa công
chúng, được dùng để tranh luận, và để rao giảng."
Lời Bàn
Lịch sử của triều đại giáo
hoàng và lịch sử Giáo Hội đã bị pha trộn với tiểu sử của Ðức Damasus. Trong một
giai đoạn then chốt và nhiều khó khăn của Giáo Hội, ngài đã xuất hiện như một
người bảo vệ đức tin đầy nhiệt huyết, biết khi nào phải tiến và khi nào phải
thủ. Thánh Damasus giúp chúng ta ý thức hai đức tính của một người lãnh đạo
xứng đáng: luôn nhận ra sự thôi thúc của Thần Khí và phục vụ. Cuộc chiến đấu
của ngài nhắc cho chúng ta biết rằng Ðức Kitô không bao giờ hứa che chở Ðá Tảng
của Người khỏi cơn phong ba, bão táp hay những người theo Người không gặp các
khó khăn. Người chỉ đảm bảo sự chiến thắng sau cùng.
Lời Trích
"Ngài là đấng đi trên
biển đã làm câm nín các ngọn sóng ác liệt, là đấng ban sự sống cho những hạt
mầm tàn tạ của thế gian; Ngài là đấng tháo gỡ xiềng xích tử thần, và đã đưa về
cho Martha người anh của cô sau ba ngày trong mộ tối. Tôi tin rằng, Ngài sẽ đưa
Damasus chỗi dậy từ tro bụi" (văn mộ chí mà Ðức Damasus đã viết cho
chính ngài).
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét