Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng
Saint-Michel d'Aiguilheone (France) |
Bài Ðọc I: Is 26, 1-6
"Dân công chính biết
giữ sự trung tín, hãy tiến vào".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, trong đất Giuđa,
người ta hát khúc ca này: Sion là thành trì kiên cố của chúng ta, có tường
thành và hào luỹ che chở, hãy mở cửa, và dân công chính biết giữ sự trung tín,
hãy tiến vào. Sự sai lầm cũ đã qua đi, Chúa sẽ bảo tồn sự hoà bình. Sự hoà
bình, vì chúng ta trông cậy nơi Chúa.
Hãy trông cậy Chúa đến muôn
đời, trông cậy Chúa, Ðấng quyền năng mãi mãi. Vì Người triệt hạ dân ở nơi cao,
và hạ thấp những thành trì danh tiếng, Người hạ nó sát đất, chà đạp nó thấu bụi
tro. Bàn chân người nghèo khó bước đi, và kẻ bần cùng sẽ đạp trên nó.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9.
19-21. 25-27a
Ðáp: Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (c. 26a)
Hoặc đọc: Alleluia!
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì
Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa thì tốt
hơn nương tựa ở loài người; tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa những
bậc quân vương. - Ðáp.
2) Xin mở cho tôi các cửa
công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn của Chúa, những người
hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe tôi,và đã trở nên
Ðấng cứu độ tôi. - Ðáp.
3) Thân lạy Chúa, xin gia ơn
cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Chúc tụng Ðấng nhân danh
Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và
đã soi sáng chúng tôi. - Ðáp.
Alleluia: Is 40, 9-10
Alleluia, alleluia! - Hỡi
người giảng tin mừng, hãy mạnh dạn cất lớn tiếng: Này Chúa là Thiên Chúa sẽ đến
trong sức mạnh. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 7, 21. 24-27
"Ai thực hiện ý Chúa
Cha, sẽ được vào nước trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, "Lạy Chúa,
lạy Chúa!", là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở
trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời.
"Vậy ai nghe những lời
Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình
trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà
đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời
Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình
trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở
nên đống hoang tàn".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Người môn đệ chân chính của
Ðức Giêsu là con người say mê học hỏi và thực thi lời Chúa. Chỉ khi thực thi
lời Chúa con người mới tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Chỉ khi thực
thi lời Chúa niềm tin được vững mạnh và đưa con người đến hạnh phúc vĩnh cửu.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con vẫn
xưng mình là Kitô hữu, là người thuộc về Chúa, nhưng trong cuộc sống, chúng con
lại xa lạ lời của Chúa. Chính vì thế, những cam go của cuộc đời đã làm cho
chúng con bị chao đảo, ngã gục. Xin cho chúng con một nghị lực để can đảm thi
hành ý Chúa, nhờ đó chúng con mới tìm được sự bình an, niềm hạnh phúc đích
thực. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Người Khôn Ngoan Thi Hành Ý Chúa
Ở bất cứ một xã hội nào, một
quốc gia nào, một thời đại nào, người ta vẫn trọng chữ "Tín", nghĩa
là tin tưởng nhau, đặt trọn niềm tin ở nhau. Ai cũng muốn sống chân thật, không
lừa dối, phỉnh phờ... Khi tìm bạn để kết nghĩa, ai cũng muốn sống với nhau bằng
trái tim chân thành. Không lạ gì khi người ta có quan niệm: "Một túp lều
tranh, hai quả tim vàng". Người ta sợ nhất những người ăn nói dẻo miệng,
ăn nói ngọt ngào, vì ai cũng cho là "mật ngọt chết ruồi". Những người
có khoa ăn nói dễ thành công khi ngoại giao tiếp xúc với bên ngoài nhưng không
mấy ai kết thân trong tình nghĩa.
Và hôm nay Chúa Giêsu cho
chúng ta một nhận xét: "Không phải những ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa là được
vào Nước Trời nhưng chỉ có những người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời".
Chúa Giêsu cũng thường lên án những người Do Thái bấy giờ: "Dân này thờ Ta
bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta".
Chúng ta đi tham dự Thánh Lễ
ngày Chúa Nhật để thờ phượng Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta đã không hẳn hoàn
toàn nhớ đến Chúa. Chúng ta vẫn để ý những câu chuyện đâu đâu, từ nhà đến phố
chợ, từ công sở cho đến những việc giải trí. Chúng ta không tìm hiểu Thánh Lễ
là gì đối với những phần chính yếu trong Thánh Lễ mang một ý nghĩa nào. Qua các
phần đó, Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta qua Giáo Hội. Chúng ta giữ đạo chứ
chúng ta chưa sống đạo: giữ đạo tức là chúng ta giữ các giới răn của Chúa như
người thanh niên trong Tin Mừng thuật lại rằng: "Khi anh đến xin cùng Chúa
Giêsu nhân lành: Lạy Thầy, con phải làm gì để được sống đời đời. Chúa Giêsu đã
bảo anh ta: Hãy thờ phượng Thiên Chúa, hãy thảo kính cha mẹ, chớ ngoại tình,
chớ gian tham, chớ làm chứng dối... Người thanh niên đó thưa: Lạy Thầy, những
điều ấy tôi đã giữ từ thuở nhỏ. Chúa Giêsu liền nói với anh: Vậy anh hãy về bán
tất cả của cải rồi đến đây theo Ta. Vì nhiều của cải nên anh không thể bỏ mà đi
theo Ngài được". Như vậy anh thanh niên đó đã giữ trọn lề luật cho chính
bản thân mình mà thôi, còn đối với những người khác, anh vẫn chưa thực hiện
được việc yêu người.
Chúng ta cũng thế, chúng ta
có thể giữ trọn Mười Ðiều Răn của Chúa, vẫn không trộm cắp, không ngoại tình,
vẫn đi nhà thờ theo luật Chúa dạy. Thế nhưng người bên cạnh tôi không có gì ăn
tối, tôi đang dư phần cơm nguội nhưng vẫn điềm nhiên như chẳng liên can gì đến
tôi. Trên đường đi đến nhà thờ dự thánh lễ là nguồn mạch yêu thương, thế nhưng
có người đang bị trúng gió ngã bên đường, liếc mắt qua, nhìn lại không thấy ai
tôi cũng nhanh chân bước vội vì sợ trễ thánh lễ. Vào nhà thờ, người vào trước
ngồi trên, chúng ta vẫn cứ ngồi cuối nhà thờ mặc cho ai kêu gọi lên trên. Có lẽ
chúng ta sợ Chúa phạt nên ngồi xa xa chăng.
Tình yêu Thiên Chúa cơ mà.
Chúng ta sống đạo, sống luật Chúa trong tình yêu thương. Thiên Chúa thực sự và
gần anh chị em trong tâm tình con một Cha chung trên trời, khi chúng ta cùng
nhau đọc lời kinh Lạy Cha, có như thế chúng ta mới thực sự sống đạo, có như thế
chúng ta mới xây nhà trên đá được. Dù sóng gió, bão táp của cuộc đời, ngôi nhà
sống đạo của chúng ta vẫn vững bền, dù sóng gió có lùa vào thì cũng không thể
làm sập nổi, dù có mưa sa nước lũ, căn nhà đức tin của chúng ta cũng không hề
hấn gì, vì được bao bọc bằng tình thương quan phòng của Thiên Chúa che chở. Ðó
là người khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã nói hôm nay: "Ai nghe và giữ lời Ta
nói đây mà đem ra thực hành thì giống như người khôn ngoan xây nhà trên
đá". Nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, đó là một cần thiết cho mọi Kitô
hữu. Và Chúa Giêsu còn quả quyết thêm: "Ai nghe và giữ lời Ta thì là Mẹ
Ta, là anh em Ta".
Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc
Mình Máu Thánh Chúa quan trọng như nhau. Trong Thánh Lễ nhắc nhở cho chúng ta
hai phần quan trọng nhất là Bàn Tiệc Lời Chúa, Bàn Tiệc Mình Máu Chúa. Lời Chúa
là của ăn bổ dưỡng tinh thần cho chúng ta, Mình Chúa là của ăn thần linh nuôi
dưỡng linh hồn chúng ta. Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta ý thức
được điều đó.
Lạy Chúa, xin cho chúng
con chuẩn bị mừng Chúa đến trong tâm tình yêu mến và ý thức cảm nghiệm được
thức ăn bổ dưỡng tâm linh cho chúng con, đó là thức ăn Lời Chúa và Mình Máu
Chúa. Amen.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm, Tuần I MV
Bài đọc: Isa
26:1-6; Mt 7:21, 24-27.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Cuộc đời chúng ta
phải được xây trên tảng đá vững chắc là Thiên Chúa.
Tất cả các mối liên hệ
trong cuộc đời đều đòi phải có hai chiều: chiều cho đi và chiều nhận lại. Ví
dụ, Thánh Phaolô dạy, để có hạnh phúc trong mối liên hệ vợ chồng: vợ phải vâng
lời chồng và chồng phải yêu thương vợ. Càng đúng hơn trong mối liên hệ giữa con
người và Thiên Chúa. Nếu Ngài đã thương yêu, lo lắng, mặc khải mọi sự cho con
người được an bình hạnh phúc; con người phải biết tin tưởng, cậy trông, và làm
theo những gì Lời Chúa mặc khải. Nếu con người không chịu đáp trả tình thương,
vâng lời những gì Thiên Chúa dạy, và cứ làm theo những gì họ muốn; làm sao họ
có thể đạt được bình an và sống hạnh phúc?
Các Bài đọc hôm nay đều
liên quan tới mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Bài đọc I nói lên tất
cả những gì Chúa đã chuẩn bị cho con người để có một cuộc sống vững chắc. Phúc
Âm nhấn mạnh tới bổn phận con người cần đáp trả lại; phải thực hành Lời Chúa
thì đời sống con người mới vững vàng, và không có chi lay chuyển được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Thiên
Chúa thương yêu và bảo vệ Dân Ngài.
1.1/ Thiên Chúa là thành
trì kiên cố:
Jerusalem chính là tiêu biểu của thành trì này. Mặc dù Thiên Chúa đã để cho
quân đội Babylon xâm lấn và phá hủy Đền Thờ vì dân không chịu nghe theo những
gì Thiên Chúa dạy; nhưng chính Ngài sẽ cho tái thiết lại Đền Thờ và Thành
Jerusalem sau cuộc Lưu Đày. Tiên tri nói trước về ngày này: “Ngày ấy, trong xứ
Judah, người ta sẽ hát bài ca này: Chúng ta có thành trì vững chắc, Chúa đã đặt
tường trong luỹ ngoài để chở che.” Đền Thờ và tường Thành được hòan tất khoảng
20 năm sau khi dân Do-thái từ nơi lưu đày trở về.
Thiên Chúa đã chuẩn bị
cho dân một thành trì vững chắc, nhưng dân phải tin tưởng và làm theo những gì
Ngài dạy, thì họ mới được sống an vui và hạnh phúc. Tiên tri nói tiếp: “Mở cửa
ra cho dân tộc công chính bước vào, một dân tộc trọn niềm trung nghĩa. Lạy
Chúa, Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài.”
1.2/ Đức Chúa là Núi Đá
bền vững ngàn năm: Núi Đá thường được dùng để chỉ Núi Sion nơi mà Đền Thờ và Thành
Jerusalem được xây dựng trên đó; là một biểu tượng thường xuyên Cựu Ước dùng để
chỉ sự vững bền của Thiên Chúa. Chẳng hạn, trong Thánh Vịnh 18:2-3: “Con yêu
mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi
đá, là
thành luỹ, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi
đá cho
con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.” Tiên
tri Isaiah khuyến khích dân đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Đến muôn
đời, hãy tin vào Đức Chúa: chính Đức Chúa là núi đá bền vững ngàn năm.”
Không những xây dựng
thành trì vững chắc cho dân ẩn náu, Thiên Chúa còn triệt hạ quân thù, những kẻ
mưu đồ ức hiếp dân. Quân thù này bao gồm cả những vua quan của Do-Thái, những
người lợi dụng quyền thế để ức hiếp dân nghèo. Đọan văn kế tiếp có lẽ tiên tri
ám chỉ biến cố xảy ra vào năm 587 BC, khi Babylon triệt hạ Jerusalem và bắt vua
quan của Judah đi lưu đày: “vì Người đã lật nhào dân sống ở núi cao, thành trì
kiên cố, Người đã triệt hạ, triệt hạ cho bình địa chỉ còn là bụi đất. Nó sẽ bị
chà đạp dưới chân, dưới chân người cùng khổ, dưới gót kẻ yếu hèn.”
2/
Phúc Âm: Ai
nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây
nhà trên đá.
2.1/ Mối liên hệ giữa
Thiên Chúa và con người không chỉ tòan lời nói: Nhiều người thích nói lời yêu thương mặc
dù những lời yêu thương không chân thành; nhiều người cũng thích nghe những lời
yêu thương mặc dù đó là những lời yêu thương giả dối, như lời của một bài hát:
“Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng yêu tôi… Tôi xin người cứ
gian dối, nhưng xin người đừng lìa xa tôi!” Chuyện đó không thể xảy ra với
Thiên Chúa, vì Ngài yêu mến sự thật và có thể nhìn thấu suốt tâm hồn của từng
người. Chúa Giêsu cảnh cáo mọi người: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy:
"Lạy Chúa! Lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi
hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”
2.2/ Mối liên hệ giữa con
người với Thiên Chúa phải được biểu tỏ qua việc nghe và giữ Lời Chúa: Vì yêu thương, Thiên
Chúa săn sóc và quan tâm đến đời sống con người; Ngài muốn con người được hạnh
phúc và không muốn con người phải đau khổ. Là Đấng tạo thành con người và điều
khiển vũ trụ, Thiên Chúa biết rõ những gì lợi ích và những gì gây đau khổ cho
con người. Đó là lý do tại sao Ngài ban Lề Luật như hàng rào để gìn giữ con
người đừng vượt rào kẻo phải chịu đau khổ. Nhưng nếu con người dùng tự do để
không làm theo những gì Chúa dạy, con người phải lãnh nhận mọi khổ đau của việc
dùng tự do không đúng cách.
Ngòai Lề Luật, Thiên
Chúa còn mặc khải cho con người những sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua tòan bộ
Kinh Thánh. Con người cần phải học cho biết tất cả những Lời này, và đem ra áp
dụng trong cuộc sống, thì sẽ thóat mọi hiểm nguy cuộc đời và được sống hạnh
phúc. Chúa Giêsu dùng 2 hình ảnh trái ngược: xây nhà trên đá và xây nhà trên
cát để chỉ người khôn ngoan hay người ngu dại mà khán giả của Ngài hiểu ngay:
(1) Người khôn ngoan: "Vậy ai nghe những
lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên
đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã
xây trên nền đá.”
(2) Người ngu dại: “Còn ai nghe những lời
Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà
trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ
tan tành.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mùa Vọng là thời gian
cho mỗi người chúng ta nhìn lại mối liên hệ của mình với Thiên Chúa, để xem coi
mối liên hệ này đã tiến triển tới đâu, và làm thế nào để cải tiến mỗi ngày một
tốt đẹp hơn.
- Một cách để nhìn lại
là xét mình theo Lời Chúa dạy, chúng ta đã thực hành những gì Chúa dạy chúng ta
phải làm chưa: Mến Chúa trên hết mọi sự? Yêu tha nhân và giúp đỡ họ như chính
mình? Làm chứng cho Chúa bằng rao giảng Tin Mừng và cuộc sống tốt lành?
- Nếu không sống mối
liên hệ với Thiên Chúa, làm sao cuộc đời chúng ta có thể an bình và hạnh phúc
được? Đừng lạ khi thấy cuộc đời chúng ta đầy dẫy những bi quan, đổ vỡ gia đình,
chán người và chán đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Năm tuần 1 Mùa Vọng
Sứ điệp:Muốn được vào Nước Trời,
tuyên xưng ngoài môi miệng không đủ, nghe và tin Lời Chúa không đủ, còn phải
đem Lời Chúa ra thực hành.
Cầu nguyện:Lạy Chúa, con là người
tin Chúa, con mang danh hiệu là Kitô hữu, là môn đệ Chúa. Đã bao nhiêu lần con
được nghe Lời Chúa. Đã bao nhiêu lần con đọc kinh Tin kính. Đã bao nhiêu lần
con kêu cầu Danh Chúa. Điều đó thật là dễ, Chúa ơi. Tuyên bố mình là kẻ có đạo,
tuyên xưng Danh Chúa, đọc hoài câu kinh, nghe hoài câu Phúc âm, đôi lúc cũng
thật là khó, như hoàn cảnh các thánh tử đạo. Còn ngoài ra điều đó quá dễ, vì
con nghĩ rằng nó không đòi hỏi nhiều cố gắng, và chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc
sống con. Những mẫu kinh có sẵn, con cứ đọc chẳng cần suy nghĩ, chẳng cần thay
đổi cuộc sống. Lạy Chúa, quá dễ. Và điều đó ru ngủ lương tâm con và làm con ảo
tưởng tự mãn.
Còn việc thực hành Lời Chúa, thì quả thực là
khó. Lạy Chúa, bởi vì nó đòi hỏi con phải thay đổi cuộc sống, buộc con phải bỏ
mình, hy sinh, phải từ bỏ ý riêng, tập quán xấu, những đam mê lầm lạc. Điều đó
thật là khó.
Chính vì con thích dễ dãi và ngại khó khăn nên
con đã trở thành kẻ khờ dại xây nhà trên cát. Lạy Chúa, con không muốn xây dựng
đời mình trên sự ảo tưởng, trên sự tự mãn, để rồi cuối cùng phải chứng kiến đời
mình sụp đổ tiêu tan.
Nhưng con muốn đời mình vững vàng trung kiên nhờ
đem Lời Chúa thực hành. Con muốn sống Lời Chúa. Xin Chúa ban cho con lòng can
đảm để sống Lời Chúa, dù phải hy sinh, dù phải từ bỏ, dù phải sống khác người,
dù phải lội ngược dòng. Như vậy, dẫu muôn ngàn cám dỗ khổ đau, thánh giá, hoạn
nạn tấn công đời con, như phong ba bão táp trút lên căn nhà, con vẫn đứng vững
trên Đá Tảng. Lạy Chúa, xin cho con sự trung tín và khôn ngoan. Amen.
Ghi nhớ: "Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước
trời".
www.phatdiem.org
06/12/12 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Nicôla, giám mục
Mt 7,21.24-27
Th. Nicôla, giám mục
Mt 7,21.24-27
Khởi động một công trình
"Đức Giê-su nói :'Vậy ai nghe những lời Thầy
nói đây mà đem ra thực hành, thì ví như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa,
nước lũ hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá'
" (Mt 7,24-25)
Suy niệm: Các nhà du hành vũ trụ nói với chúng ta rằng công trình duy nhất
của con người mà họ có thể nhìn thấy được khi bay ra ngoài quỹ đạo là Vạn Lý
Trường Thành bên Trung Quốc. Vậy mà, bức tường thành vĩ đại này cũng phải bắt
đầu bằng một viên đá, rồi kế tiếp với những viên đá khác. Vấn đề là phải can
đảm bắt đầu, chứ không phải ngồi trước đống đá và… bất động! Đức Giêsu đã gọi
đó là cung cách của người khờ dại: nghe Lời Ngài nhưng không xây dựng đời mình
dựa trên Lời Hằng sống ấy như xây dựng trên những tảng đá.
Mời Bạn: Viên đá Lời Chúa tôi đặt xuống đời tôi hôm nay sẽ là nền tảng cho
những viên đá của ngày mai, ngày mốt. Nghe Lời Chúa và quyết sống Lời ấy ngay
bây giờ, ngay từ hôm nay là đã khởi động một công trình lớn nhất trong cuộc đời
chúng ta rồi đấy! Đừng chần chừ gì nữa! Hãy xây dựng đời bạn, cách ứng xử, cách
sống dựa trên nền tảng vững chắc là nghe Lời Chúa và đem ra thực hành ngay từ
hôm nay.
Chia sẻ: Đời tôi đang xây trên cát hay trên đá? Tôi sẽ làm gì để xây trên
đá?
Sống Lời Chúa: Tôi chọn một câu Lời Chúa làm ý lực sống và nỗ lực hết mình sống
theo câu Lời Chúa ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con
thường xây nhà trên cát, vì chỉ thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không
dám đem ra thực hành. Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững
chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. Amen.
www.5phutloichua.net
Xây
trên nền đá
Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng, mùa ngóng đợi
Nước Chúa đến. Đây là thời gian thuận tiện để suy nghĩ về cái nền của căn nhà
mình, cái nền của những công trình ta đang đầu tư xây dựng.
Suy niệm:
Sau khi một cơn bão đi qua thành phố,
người ta ngạc nhiên khi thấy những căn nhà sụp đổ
lại là những công trình mới xây chưa được bao lâu.
Còn những công trình xưa lại hiên ngang đứng vững.
Cũng có khi sau một cơn dông,
một cây còn xanh bỗng nhiên ngã đổ.
Người ta lại gần và thấy ruột của cây đã bị mục từ lâu.
Dông bão làm lộ ra sự thật, vén mở chân tướng,
vì khi biển lặng, ai cũng có thể là hoa tiêu.
Đời con người tránh sao khỏi những dông tố.
Ai cũng mong xây căn nhà đời mình cho kiên cố vững vàng,
đứng được trước bão táp phong ba.
Nhà càng cao, nền càng phải chắc chắn.
Xây trên cát hay trên đá cho thấy ai dại, ai khôn.
Thầy Giêsu dạy các môn đệ biết thế nào là xây đời mình trên đá.
Đó là đem ra thực hành những lời Thầy dạy
mà họ đang nghe trong Bài Giảng trên núi (Mt 5-7).
Sống lời Thầy dạy là chọn đi vào con đường hẹp, ít
người đi,
với những thách đố và thiệt thòi, những hiểm nguy và nhục nhã.
Chỉ ai dám sống như thế mới đứng vững khi dông bão bất ngờ ập tới.
Lúc ấy người bị coi là ngu vì sống lời Thầy, mới lộ ra là người khôn.
Vì lời của Thầy Giêsu diễn tả ý muốn của Cha trên trời,
nên thi hành lời Thầy cũng là thi hành ý muốn của Cha.
Đây là điều kiện cần thiết để được vào Nước Trời,
vì tuyên xưng trên môi Thầy Giêsu là Chúa, vẫn chưa đủ (c. 21).
Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng, mùa ngóng đợi Nước
Chúa đến.
Đây là thời gian thuận tiện để suy nghĩ về cái nền của căn nhà mình,
cái nền của những công trình ta đang đầu tư xây dựng.
Có khi chúng ta thấy nó sao quá mong manh.
Chúng ta không đợi đến lúc dông bão mới gia cố nền móng.
Căn nhà của giáo xứ, giáo phận hay Giáo Hội cũng vậy.
Xây nhà cao tầng mà nền không chắc thì nhà dễ nghiêng.
Đối với ngôn sứ Isaia,
“Chính Đức Chúa là Đá Tảng bền vững ngàn năm” (Is 26, 4).
Tin vào Ngài, ta sẽ được bảo vệ chở che và thêm mạnh sức.
Ngoài Đức Chúa, chẳng có gì vĩnh hằng.
Cuộc sống hôm nay có vẻ ổn định hơn xưa.
Thật ra số phận con người hôm nay bấp bênh hơn nhiều.
Chỉ một sai sót nhỏ cũng kéo theo một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Chỉ một tranh chấp nhỏ cũng có thể làm bùng lên một cuộc chiến.
Hãy xây tương lai của xã hội và Giáo Hội trên Đá Tảng.
Hãy xây những dự tính của đời mình trên nền đá.
Nhờ đó những công trình của chúng ta trở thành vĩnh cửu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước
trời".
Thực thi
chân lý
R. Khrisna,
nhà thần bí Ấn độ, có kể câu chuyện như sau:
Một ông vua
nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách
việc đọc kinh này là một nhà sự đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một
đoạn kinh, ông lại dùng kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho nhà vua
nghe, và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi: “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn
giải không?” Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời: “Khanh nên hỏi điều đó với
khanh trước đã”.
Dĩ nhiên,
thái độ của vua làm cho nhà sư buồn không ít. Ngày nào ông cũng miệt mài tra
cứu cốt để giúp nhà vua hiểu được lời kinh trong sách thánh của Ấn giáo. Nhưng
mỗi ngày ông có cảm tưởng như mình đang làm một công việc dã tràng.
Ngày nọ,
giữa lúc đang định tâm, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là
hão huyền. Thế là nhà sự quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của
một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua: “Tâu bệ hạ, thế là
cuối cùng hạ thần đã hiểu được”.
Sự giác ngộ của
nhà sư trên đây có thể gợi lên cho chúng ta lời nhắn nhủ của thánh Gioan Tông
đồ. Trong thư thứ nhất, ngài lặp đi lặp lại nhiều lần: “Chúng ta phải thực thi
chân lý, chúng ta phải sống chân lý. Ai thực thi chân lý sẽ đến với ánh sáng”.
Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý.
Giáo huấn của
thánh Gioan chính là âm vang của lời Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay:
“Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời, nhưng chỉ
những ai thực thi ý Cha Ta trên trời, những người ấy mới được vào Nước Trời”.
Chúa Giêsu không
bao giờ dạy điều gì mà chính Ngài không sống và thực thi trước. Cả cuộc sống
Ngài là một tiếng xin vâng với thánh ý Thiên Chúa, cả cuộc sống Ngài là một thể
hiện lời Ngài giảng dạy.
Ước gì lời Chúa
hôm nay nhắc nhở chúng ta về sứ mệnh của người Kitô hữu, đó là làm chứng cho
Đức Kitô, không những bằng những tuyên xưng hay biểu dương bên ngoài, mà bằng
cả cuộc sống của chúng ta.
(Trích trong
‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Giấc mơ tồn tại vững chắc
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! là
được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là
Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”. (Mt. 7, 21)
Một Lời
Thiên
Chúa khác với các thần tượng ở sự tồn tại vững chắc muôn đời của Thiên Chúa,
còn các thần tượng khác thì chóng qua, chóng hết. Lời Thiên Chúa thì kiên cố vì
Ngài đã thực hiện những việc kỳ diệu. Hành động của Ngài mạnh mẽ vô song đã
đánh bại quân thù. Sự trung tín của Ngài được thể hiện mãi mãi. Tình yêu của
Ngài tồn tại đến muôn đời.
Tin
mừng hôm nay nói cho chúng ta biết sự tồn tại vững chắc của Thiên Chúa như tảng
đá cho chúng ta xây nhà. Ngài quả quyết ai xây nhà trên tảng đá này sẽ được
hoàn toàn bình an vững chắc. Tảng đá đó chính là Đức Kitô.
Trong Xã Hội Chúng Ta
Xã
hội tân tiến của chúng ta luôn luôn phô trương quảng cáo mọi cái đều vững chắc
lâu bền. Những công ty quảng cáo đều nhấn mạnh việc thành lập đã nhiều năm.
Người ta tuyên bố một công ty bảo hiểm vững chắc như “Hòn đảo Gibraltar” trên
Đại tây dương ngoài biển khơi Châu Phi. Trái lại, chính những công ty đó lại
sụp đổ khi nền kinh tế bị khủng hoảng. Thế mà chúng ta vẫn bị quảng cáo lừa
dối, dù chúng ta biết rõ những loại đó chỉ tồn tại được vài năm như máy giặt,
máy sấy, ô tô.
Còn
chúng ta, chúng ta tưởng mình đang an toàn khi có việc làm vững chắc bảo đảm,
khi mọi liên hệ của chúng ta với bà con thường gần gũi nhau. Chúng ta còn đề
phòng cho tương lai mình được vững chắc bằng số tiền dự trữ gửi vào ngân hàng
hay cho vào quỹ hưu bổng.
Thế Nào Mới Là Tồn Tại Vững Chắc Thật
Hôm
nay Tin mừng dạy ta biết thế nào là tồn tại vững chắc thật. Nếu người ta chỉ
nói, chỉ hô hào, chỉ đọc kinh, chỉ la ó phản đối bất công, chỉ tố cáo giả hình
thì người ta đã xây nhà trên cát. Chỉ nói suông không đủ làm nền móng vững chắc
cho đời sống. Phải hành động, phải sống thực với lời cầu nguyện, phải sống công
bằng và thực thi bác ái. Phải thực hiện như thế mới thực sự xây nhà trên đá.
Vậy
hôm nay tôi sẽ làm gì?
C.G
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 12
6 THÁNG MƯỜI HAI
Sinh Bởi Thánh Thần
“Thánh
Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc
1,35). Giáo Hội nhận Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, làm nguyên mẫu (prototype) của
mình. Chân lý này được diễn tả bởi Công Đồng trong chương cuối Hiến Chế Giáo
Hội. Hôm nay, một lần nữa, chúng ta ý thức về chân lý này.
“Thánh
Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”.
Trong ánh sáng của những lời ấy, Mẹ Thiên Chúa đã không được nhìn thấy như là
nguyên mẫu và là hình ảnh của Giáo Hội đó sao?
Giáo
Hội được khai sinh qua biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần.
Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ khi các vị đang tề tựu trong Căn Gác
Thượng cùng với Đức Ma-ri-a. Giáo Hội được khai sinh khi “quyền năng Đấng Tối
Cao” tuôn tràn Thánh Thần trên các Tông Đồ để giúp họ vượt thắng những yếu đuối
của mình và khỏi vấp ngã khi phải đương đầu với sự bách hại vì Tin Mừng.
Mừng
kính Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm, phụng vụ dẫn chúng ta trở về với buổi ban đầu của
lịch sử sáng tạo và cứu độ. Thật vậy, thậm chí phụng vụ đưa chúng ta trở về
trước cả buổi bình minh sáng tạo nữa.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Nicôla Giám mục;
Is 26, 1-6; Mt 7, 21. 24-27.
LỜI
SUY NIỆM: “Không phải bất cứ ai
thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Là được vảo Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai
thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”. (Mt
7,21).
Chúa Giêsu đang khẳng định vai trò của Chúa đối với các môn đệ, Ngài vừa là
Thầy vừa là Chúa, là Thiên Chúa, mà mọi người mở miệng cầu nguyện. Ngài là Đấng
có toàn quyền xét xử và ân thưởng cho những ai được vào Nước Trời đối với tất
cả mọi con người.
Đối
với những con người khi ngoài miệng lưỡi có tuyên xưng chúc tụng Ngài thế nào
đi nữa. Hay đã nhận lãnh từ Ngài những ân ban đặc biệt để mưu ích cho nhiều
người, như chữa lành cho nhiều bệnh nhân, rao giảng thật hay, lôi cuốn được
nhiều người nghe, mà không làm theo thánh ý của Thiên Chúa thì cũng chẳng ích
gì cho bản thân mình, Nhất là chẳng được vào Nước Trời, nơi có Thiên Chúa và
những người thuộc về Ngài chung hưởng hạnh phúc. Muốn biết được thánh ý của
Thiên Chúa, chúng ta cần lắng nghe lời Chúa Giêsu dạy và đem ra thực hành trong
đời sống của mình.
Mạnh Phương
06 Tháng Mười Hai
Hai Cánh Cửa Sổ
Từ cánh cửa sổ nhìn vào thiên nhiên, người ta
có thể có nhiều cái nhìn khác nhau về cuộc sống.
Trong một vở kịch của Samuel Beckett, một nhân
vật đã kể lại như sau: "Tôi biết có một tên chán đời lúc nào cũng nghĩ
rằng ngày tận thế đang đến. Tôi thường đến thăm hắn trong dưỡng trí viện. Tôi
nắm tay hắn và dìu hắn đến bên cửa sổ. Tôi nói với hắn: "Nhìn kìa, cả một
cánh đồng bắp xanh tươi... Nhìn kìa, những cánh bướm đang phất phới. Còn gì đẹp
bằng!". Nhưng hắn gỡ tay tôi ra và trở về góc phòng. Mặt mày hắn hớt hải
tái mét. Tất cả những gì tôi chỉ cho hắn chỉ là một đống tro tàn xám xịt".
Có một cánh cửa sổ khác từ đó người ta chỉ có
thể nhìn thấy cảnh đẹp mà thôi. Ðó là cánh cửa sổ nhỏ tại một nhà nguyện ở phía
Nam Ái Nhĩ Lan. Tất cả mọi cánh cửa sổ trong nhà nguyện này đều được làm bằng
kính trên đó có vẽ Ðức Kitô và các môn đệ của Ngài. Duy chỉ có một cánh cửa sổ
là không có hình vẽ. Xuyên qua tấm kính trong suốt của cánh cửa sổ này, người
ta có thể nhìn thấy một quang cảnh thật tươi mát, đó là một cái hồ nước trong
xanh nằm giữa những ngọn đồi cỏ lúc nào cũng xanh tươi. Bên dưới cánh cửa sổ,
người ta đọc được câu kinh thánh như sau: "Trời cao tường thuật vinh quang
Chúa. Thanh không kể ra sự nghiệp của Ngài".
Câu
chuyện của hai cánh cửa sổ trên đây gợi lên cho chúng ta vần thơ: Hai người
cùng nhìn xuyên qua chấn song cửa của nhà tù. Một người chỉ thấy có bùn nhơ,
một người lại nhìn thấy những vì sao.
Mùa
Vọng là thời gian của hy vọng.
Chúng
ta được mời gọi để đặt tất cả tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa
không bao giờ bỏ cuộc. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Tiếp
theo bao nhiêu vấp phạm và phản bội của con người, Thiên Chúa vẫn đeo đuổi
chương trình của Ngài. Người vẫn tiếp tục yêu thương con người. Nơi hình ảnh đã
hơn một lần hoen ố vì tội lỗi, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy phản chiếu vẻ đẹp cao
sang của chính Ngài. Xuyên qua cánh cửa sổ nhỏ của mỗi người, Thiên Chúa vẫn
còn nhìn thấy cảnh đẹp của lòng người.
Chúng
ta cũng được mời gọi để tiếp tục tin tưởng nơi con người. Dù thấp hèn tội lỗi
đến đâu, dù hung hãn độc ác đến đâu, mỗi một con người đều là hình ảnh cao vời
của Thiên Chúa, mỗi một con người đều xứng đáng để tiếp tục tin tưởng, được yêu
thương.
Tin
tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, tin yêu nơi con người, chúng ta cũng được mời
gọi để không thất vọng về chính bản thân. Ðau khổ có chồng chất, tội lỗi có
ngập tràn, mỗi người chúng ta vẫn là đối tượng của một tình yêu cá biệt...
Thiên Chúa yêu thương tôi, Thiên Chúa đang thực hiện cho tôi những gì là thiện
hảo nhất: đó phải là tư tưởng cơ bản hướng dẫn tất cả Mùa Vọng của chúng ta. Từ
bên cánh cửa sổ của tâm hồn nhìn vào cuộc đời, chúng ta hãy nhận ra những vì
sao của hy vọng, những cánh đồng xanh tươi của lạc quan.
(Lẽ Sống)
Ngày
06 tháng 12
THÁNH NICÔLAÔ , GIÁM MỤC THÀNH MYRA
Các giáo hữu xưa có
lòng sùng kính thánh Nicôlaô cách lạ lùng: Ở Rôma có tới 85 thánh đường, nguyện
đường, dòng tu, bệnh viện mang tên ngài. Ở Đan Mạch hơn 100 nơi thánh dâng kính
ngài. Đặc biệt hơn cả là miền Hy lạp, tính tới năm 1910, có tất cả 359 thánh
đường đặt dưới quyền bảo trợ của thánh Nicôlaô.
Tuy nhiên lòng tôn
kính đó ở mỗi nước mỗi khác và đượm những sắc thái riêng của dân tộc: Ở Hy lạp
và ở Đức, ngài là bổn mạng của các nhà hàng hải, những người đi biển thường cầu
chúc nhau: “Xin thánh Nicôlaô chèo lái, đưa các bạn tới bến yên hàn”. Ở Pháp,
đời các vua giòng Capétiens, ngài là quan thầy của vua, của các vị thẩm phán.
Các nghị viên trước mỗi khóa họp đầu niên đều tới dự thánh lễ cử hành tại bàn
thờ dâng kính thánh nhân. Ở Bỉ, Hòa lan, Thụy sĩ, Anh, Hoa kỳ... Ngài được coi
là đấng bảo trợ cho khách du lịch và các trẻ em.
Những cách sùng kính
đượm tính dân tộc ấy dựa vào vài biến cố đã xảy ra thực, hay những câu truyện
thêu dệt chung quanh cuộc đời thánh nhân, tất cả kết lại thành một trang tiểu
sử đầy mầu sắc đẹp đẽ.
Thánh Nicôlaô sinh
khoảng năm 270 tại Patare, một hải cảng trù phú và là kinh đô của xứ Lycia,
Tiểu Á. Không may cha mẹ mất sớm và để lại cho Nicôlaô một gia tài lớn, nhưng
gia tài ấy lại chính là của những người nghèo khổ. Người được hưởng đầu tiên là
một ông già hàng xóm: Ông là một thương gia giầu có, nhưng vì hoạn nạn nên gia
sản khánh kiệt đến nỗi không có thể gả chồng cho ba con gái, khiến ông còn có ý
định tội lỗi cho ba con làm nghề buôn phấn bán son. Biết tình cảnh bi thương
ấy, Nicôlaô ngầm đem tiền của giúp đỡ khiến ông có thể hằng ngày dùng đủ, và
nhất là có thể xây dựng gia đình cho các con đã khôn lớn.
Hành động của Nicôlaô
tuy rất kín đáo nhưng một lần kia cũng đã bị ông hàng xóm dò biết. Cảm động
trước nghĩa cử cao đẹp của Nicôlaô, ông hàng xóm nói:
- Bạn là vị cứu tinh
của tôi và của cả các con tôi. Nhờ bạn mà chúng tôi thoát khỏi cảnh cùng
quẫn... Vì lòng hào hiệp và lời cầu nguyện của bạn mà Chúa nhân từ đã thương
đoái đến tôi. Tôi đoan hứa sẽ ca tụng lòng lành của Chúa và của bạn suốt đời
tôi.
Nicôlaô xin giữ bí
mật, nhưng làm sao có thể nín lặng được trước một tấm lòng bác ái như thế! Vì
khiêm tốn không muốn được khen lao và cũng muốn được thêm lòng sốt sắng, nên
Nicôlaô bỏ quê hương vượt biển sang viếng đất thánh. Một ngày kia khi con tầu
đang yên hàn rẽ nước, bỗng giông tố nổi lên dữ dội, mọi người đều nôn nao sợ
hãi, chỉ riêng có Nicôlaô vẫn giữ được nét mặt bình tĩnh. Sóng càng ngày càng
to và tầu như sắp chìm, Nicôlaô xin mọi người quỳ xuống cầu nguyện. Cầu nguyện
xong Nicôlaô tới mũi thuyền, dõng dạc truyền lệnh:
- Biển hãy im đi.
Lập tức gió tắt, sóng
lặng, con tầu lại từ từ tiến về hướng đất thánh.
Tới thánh địa,
Nicôlaô âm thầm đi viếng và cầu nguyện nơi những di tích vui buồn, đau thương,
và vinh hiển của Chúa Giêsu trong những ngày còn ở dương thế. Nhưng phép lạ ở
trên tầu loan đi rất nhanh, cho đến cả Myra. Nơi đây các giáo hữu đang chịu
tang Đức Giám mục vừa qua đời. Hàng giáo sĩ địa phận và các Giám mục xung quanh
cũng đang hội họp cầu nguyện xin Chúa soi sáng hầu chọn được người xứng đáng
lên thế vị Đức Giám mục vừa tạ thế. Nghe câu truyện Nicôlaô đã làm ở trên tầu,
tất cả hội nghị đều mong được thấy mặt con người thánh thiện ấy. Sau thời gian
kính viếng đất thánh, Nicôlaô đã lại xuống tầu trở về, lòng triền miên suy niệm
về cuộc đời ẩn dật của Chúa Kitô, đồng thời muốn noi gương Thầy Chí Thánh hầu
sống mai danh ẩn tích. Nicôlaô không muốn trở về quê hương nên khi tầu vừa cập
bến Myra, ngài liền lên bờ kiếm căn nhà thanh bạch xin trú nhờ.
Sáng hôm sau, như
được Chúa soi sáng, mọi người dự lễ trong thánh đường đều chú ý đến Nicôlaô,
một khách lạ đang sốt sắng cầu nguyện. Đức Tổng Giám mục bước tới và hỏi:
- Hỡi con, con tên
gì?
- Con là kẻ tội lỗi,
là đầy tớ vô ích tên là Nicôlaô. Biết đó là Nicôlaô, Đức Tổng Giám mục liền dẫn
ngài đến hội đồng và giới thiệu với tất cả giáo dân xin mọi người bầu ngài làm
Giám mục. Nicôlaô hết sức từ chối, viện ra nhiều lẽ chứng minh mình bất xứng.
Nhưng vô hiệu, mọi người cương quyết yêu cầu ngài lên giữ chức cao trọng đó.
Biết đó là ý Chúa, ngài đành khiêm tốn vâng lời.
Từ ngày nhận trách
nhiệm chăn dắt đoàn chiên Chúa, Đức Giám mục Nicôlaô càng sống khắc khổ hơn
nữa. Mỗi ngày ngài chỉ ăn một bữa và kiêng thịt hoàn toàn. Bữa nào ngài cũng
chăm chú nghe đọc vài trang Thánh kinh. Ban đêm ngài thức rất khuya cầu nguyện,
sau đó ngả lưng trên một mảnh gỗ cứng nháp. Ngài dậy rất sớm và đánh thức các
thầy phó tế để hát ca vãn, chúc tụng Chúa. Khi mặt trời vừa mọc thì đến nhà thờ
dâng lễ. Quãng thời gian còn lại ngài dành để lo việc điều khiển địa phận và
phục vụ giáo dân.
Chính ngài sống rất
nghèo khó, nhưng lại đặc biệt để tâm săn sóc những người nghèo khó. Người ta kể
rằng dụng cụ ngài dùng đều là đồ đi mượn, bởi vì có gì quý báu thì ngài đều bán
đi để giúp đỡ người nghèo khổ. Ngài tìm mọi cách khiến họ xúc động trước lòng
nhân lành, và tình yêu vô cùng của Chúa mà ăn năn trở lại cùng Người.
Năm 304, Điôclêtianô
ra sắc chỉ cấm đạo, truyền phá nhà thờ, đốt sách thánh, cấm giáo hữu hội họp,
truất các vị công chức, các tướng tá có đạo công giáo và, sau cùng, bắt giam
các Giám mục và linh mục. Điôclêtianô bừng bừng nộ khí sẵn sàng đánh gục bất cứ
ai trái lệnh. Mặc dầu thế, Đức Giám mục Nicôlaô vẫn can đảm và càng hăng hái mở
nước Chúa hơn nữa. Ngài gây được nhiều tín nhiệm và có ảnh hưởng rất lớn tại
Myra. Mặc cho sắc chỉ tàn bạo đã ban bố, ngài vẫn bình tĩnh và can đảm rao
giảng chân lý đức tin. Vì thế ngài bị bắt, bị gông cùm xiềng xích và bị hành
hình rất ác nghiệt, sau đó bị giam tù khổ sở. Mãi tới khi Constantinô vị Hoàng
đế khôn ngoan và sáng suốt lên cai trị đế quốc, ngài mới được giải phóng và lại
trở về Myra.
Sở dĩ ngài chưa được
phúc tử đạo là vì Chúa còn muốn dùng ngài chiến đấu bênh đỡ Hội thánh chống lại
tà thuyết Ariô. Tại công đồng Nicêa, tài hùng biện, đức can đảm, giáo thuyết
sáng sủa và nhất là gương thánh thiện của ngài đã làm mọi người phải thán phục.
Sau khi hội công đồng
về, ngài lại tiếp tục lo lắng điều khiển địa phận. Lòng sốt sắng nhiệt thành
của ngài đã kích thích tâm hồn một số giáo hữu tân tòng, đến nỗi họ cùng nhau
đi phá hủy ngôi chùa mà trước đó chính họ đã xây cất để thờ thần Diana.
Vì công nghiệp đầy
tràn của ngài, Chúa đã cho ngài làm nhiều phép lạ để cứu giúp những người hoạn
nạn. Có lần Lycia mất mùa, dân chúng đói khổ, lòng thương xót đã khiến Giám mục
Nicôlaô lo tìm mọi phương thế cứu trợ nạn đói. Ngày kia nghe tin có một đoàn
tầu chở đầy thóc gạo từ Alexanđria đang đi qua cửa biển gần đấy, ngài vội vã
đến xin mỗi tầu nhường cho dân thành Lycia 100 tạ gạo và bảo đảm với họ rằng
Thiên Chúa sẽ bù chỗ hụt ấy và khi về tới nhà mỗi tầu sẽ đầy lại như cũ. Gương
mặt thánh thiện và lời nói đầy mãnh lực của ngài đã làm cho họ phải mến phục và
bằng lòng nhường cho số gạo ngài xin. Khi về đến nhà họ đem cân lại thì quả
nhiên số gạo của mỗi tầu vẫn y nguyên như cũ không hao hụt chút nào.
Không phải chỉ giới
hạn trong địa phận của ngài, trái lại lòng bác ái ấy còn phổ quát và bao gồm
hết mọi người. Bất kỳ ai lâm hoạn nạn kêu cầu đến ngài đều được Chúa thương
giúp vì lời ngài cầu khẩn. Thế nên, khi còn sống nhiều người đã coi ngài như
một vị thánh bảo trợ, đặc biệt là những người làm nghề hàng hải. Lần kia một số
các thủy thủ đang lênh đênh trên một chiếc tầu giữa biển khơi, bỗng một cơn
giông tố nổi lên, chiếc tầu lảo đảo sắp chìm. Các thủy thủ sợ hãi, nhưng may
mắn trong cơn túng cực họ đã nhớ đến Đức Giám mục Nicôlaô và cùng nhau quỳ
xuống sốt sắng xin Chúa vì công nghiệp Đức Giám mục Nicôlaô cứu họ thoát khỏi
cơn nguy hiểm. Lập tức ngài xuất hiện trên tầu và nói với họ: “Ta đây, ta là
đầy tớ Chúa sai đến để cứu các con, hãy trông cậy vào Chúa”.
Ngài đến sau tầu cầm
lái và con tầu lại bắt đầu tiến vững chãi, vài phút sau biển cũng phẳng lặng
như tờ. Không những là đấng phù trợ các người vượt biển, thánh Nicôlaô còn là
quan thầy của các vị thẩm phán, luật sư và của cả những kẻ bị cáo gian. Sách
“Niên lịch tử đạo Rôma” đã kể lại một phép lạ ngài cứu ba người vô tội sắp phải
tử hình dưới đời Hoàng đế Constantinô. Câu truyện đó như sau: Đêm cuối cùng
trước khi đem đi xử cả ba buồn sầu vì sắp phải đón nhận một cái chết oan uổng.
Trong lúc tuyệt vọng không còn trông cậy gì ở phương thế trần gian, cả ba lặng
lẽ quỳ xuống cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa là Chúa của Đức Giám mục thánh thiện
Nicôlaô, xưa Chúa đã cứu ba trẻ Do thái cho khỏi chết oan trong lò lửa. Chúa thấu
biết chúng con đây cũng hoàn toàn vô tội như ba trẻ xưa. Giờ đây chúng con
không còn biết trông cậy vào ai ngoài Chúa. Vậy xin Chúa hãy bênh đỡ chúng
con”.
Trong khi đó Hoàng đế
Constantinô đang ngủ say. Bỗng một ông già dáng điệu oai phong hiện ra với vua
trong giấc mộng và nói:
- Hãy dậy và lập tức
ra lệnh tha bổng ngay cho ba người ngài vừa kết án và sắp bị đem đi xử tử cách
bất công.
- Ngài là ai mà lại
nói những lời lẽ ấy?
_ Ta là Nicôlaô Giám
mục thành Myra.
Constantinô liền cho
gọi viên quan toà Ablavios. Trong khi tên hầu cận còn đang đi đến với Ablavios
thì chính ông này cũng thấy ông già ấy hiện ra truyền lệnh như vậy.
Constantinô cho gọi
ba người tử tù lên:
- Các ngươi dùng phù
phép gì làm mất cả giấc ngủ của ta?
Nghe hỏi, cả ba cùng
bỡ ngỡ không hiểu gì. Nhưng khi vừa tả lại giấc mộng thì Nêpôtianô, một trong
ba người, quỳ sụp xuống dâng lời tạ ơn Chúa với giọng run run cảm động:
- Lạy Chúa toàn năng.
Chúa đã đoái nghe tiếng chúng con cầu khẩn, sai Đức Giám mục Nicôlaô đến làm
chứng cho sự oan uổng của chúng con”
Và Nêpôtianô tả lại
cho vua nghe cảnh cả ba vừa thiết tha cầu nguyện trong gian nhà tù. Hoàng đế
Constantianô cảm động và cho phép ba người tù trình bày nỗi oan uổng. Cử chỉ và
giọng nói chân thành của cả ba khiến nhà vua xúc động, đồng thời nhận rõ được
sự thật về họ: cả ba đều được nhà vua tha bổng.
Một câu truyện khác
nữa cũng không kém phần ly kỳ để chứng minh cho việc tôn thánh nhân làm bổn
mạng các trẻ em và học sinh. Tương truyền cũng trong khoảng thời gian này có ba
em nhỏ đến trọ tại một quán. Bà chủ quán thấy ba em mang trong mình nhiều đồ
quý giá, máu tham nổi lên, đêm đến bà liều lĩnh chẹn cổ cả ba em, lột hết vàng
bạc rồi ném vào thùng muối thịt, yên trí là cả ba đã chết. Nhưng thánh Nicôlaô
đã hiện đến quở trách bà chủ ác nhiệt và cứu sống cả ba em. Chính các em đó sau
này là những người đầu tiên khởi sự phong trào nhận thánh Nicôlaô làm quan thầy
cho các nhi đồng khi ngài vừa qua đời được ít lâu.
Cái chết của thánh
Nicôlaô là một cuộc khải hoàn. Theo như người ta kể thì tới giờ lâm chung của
ngài, các thiên thần từ trời xuống hợp cùng ngài hát các ca vịnh. Ngài từ trần
ngày 06 tháng 12 năm 341 (?) sau khi sốt sắng kêu lời: “Lạy Chúa, con xin phó
thác linh hồn con trong tay Chúa”. Vị Giáo chủ Hy lạp Michel, một trong những
người đầu tiên chép sử về ngài, đã viết: “Ngài từ bỏ sự sống ngắn ngủi này, bay
thẳng về nơi vĩnh phúc hợp cùng ca đội các thiên thần, các thánh tổ phụ ca ngợi
Chúa và cầu bầu cho những kẻ có lòng tin cậy, cầu xin ngài”.
Ngay từ khi ngài mới
qua đời, giáo hữu đã đặc biệt sùng kính ngài. Lòng sùng kính ấy phát triển đến
cùng độ ở khắp Đông phương và lan mạnh sang Tây phương từ khi xác ngài được
chuyển sang địa phận Bari nước Ý. Sinh thời ngài rất yêu trẻ em, nên truyền
thuyết bình dân, từ rất lâu, đã tặng ngài danh hiệu Ông già Noel (Derê Noel), ở
các nước Bắc Âu và Anh, Mỹ gọi ngài là Sancta Claus, đêm áp lễ Giáng sinh đeo
gùi đi tặng quà cho các em bé ngoan, và đem roi cho những đứa khó nết.
Ngày 06 tháng 12 năm
1670, Đức Giáo Hoàng Clêmentê X đã nâng lễ kinh ngài lên bậc nhì để muôn đời ca
tụng sự nghiệp và gương nhân đức thánh thiện của ngài. Hiện nay, sau Công đồng
Vaticanô II, lễ ngài mừng vào bậc lễ nhớ tùy ý.
Giuse Nguyễn Duy Khang (1832-1861)
Giuse Nguyễn Duy Khang,
thầy giảng, Dòng Ba Ða Minh; sanh 1832 tại Trà Vinh, Nam-Ðịnh; chết 6, tháng 12
1861, tại Hải Dương. Thánh Khang là người giúp việc cho Ðức Cha Hermosilla.
Trong khi cố gắng cứu chủ thoát ngục, ngài bị bắt, bị trừng phạt 120 roi. Sau
nhiều lần bị tra tấn, ngài bị xử trảm (chém đầu). Phong Á Thánh 1906
Một môn sinh trung thành.
Thánh Giuse Nguyễn Duy
Khang được các tín hữu Việt Nam tôn kính trong số bốn thánh tử đạo Hải Dương.
Tuy thánh nhân tử đạo sau hơn một tháng, nhưng vẫn được chung vinh dự với linh
mục Almate Bình, hai Giám mục Valentinô Vinh và Hemosilla Liêm, vì đã cùng đồng
lao khổ với ba vị huynh trưởng đó trong dòng Đaminh.
Là người trợ tá của Giám
mục Hemosilla Liêm, thày Giuse Khang đã theo sát gương cha chung của giáo phận
Đông Đàng Ngoài trong những ngày lưu lạc. Rồi khi quân lính vây bắt Đức cha thì
với nhiệt tâm của thánh Phêrô tông đồ xưa trong vườn cây dầu, thày định dùng võ
lực để chống cự. Nhưng sau cùng, thày đã nghe lời của vị mà mình muốn bảo vệ.
Thày chấp nhận bị bắt để làm chứng cho điều cao thượng hơn : Làm chứng cho tình
thương, cho lòng nhân ái và thứ tha của Tin Mừng.
Một tu sĩ đạo đức
Giuse Nguyễn Duy Khang
chào đời năm 1832, tại Cao mại, xã Trà Vi, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, tỉnh
Thái Bình. Cha mẹ cậu là những giáo hữu đạo đức, hướng dẫn các con vào đời sống
đạo ngày tư nhỏ. Nhưng cha cậu đã sớm qua đời, cậu được mẹ săm sóc tận tình. Bà
lo niệu cho cậu được học hành, gợi cho cậu ý muốn hiến dâng đời mình cho Thiên
Chúa và gởi cậu vào nhà Đức Chúa Trời giúp việc cho cha Matthêu Năng dòng
Đaminh.
Sau mười năm sống với vị
linh mục lão thành thánh thiện này, cậu Giuse Khang được cha gửi vào chủng viện
Kẻ Mốt để học tiếng Latinh, chuẩn bị cho sứ vụ linh mục tương lai. Giai đoạn
này thày Giuse Khang xin gia nhập dòng ba Đaminh, và được anh em tín nhiệm bầu
làm trưởng tràng điều hành mọi ông việc trong nhà như lao động, nấu ăn, liên
lạc cới các bề trên. Mặc dù bận rộn, thay Khang vẫn nêu gương sáng cho anh em
trong việc học hành và kỷ luật. Những ai đã tiếp xúc với thày đều nói thày đạo
đức, có tính cương trực, nhưng lại luôn luôn hòa nhã với hết thảy mọi người.
Khi đó, Đức cha
Hemosilla Liêm cũng ở Kẻ Mốt đã tín nhiệm thày cách đặc biệt và chọn thày làm
người phụ tá riêng. Thày Khang vui vẻ phục vụ Đức cha cách tận tình : từ việc
dọn bàn thờ, sắp xếp các hồ sơ, sao chép các hồ sơ luân lưu, cho đến công tác
cơm nước, liên lạc. Có lần thày còn đào hang trú ẩn cho hai cha nữa.
Mẫu gương can đảm.
Giáo Hội Việt Nam lúc ấy
đang trong tình trạng bị bách hại khốc liệt, dưới thời vua Tự Đức. Để tiêu diệt
hết đạo Gia Tô trong cả nước, nhà vua ban hành chiếu chỉ phân sáp ngày
05.8.1861. theo chiếu chỉ đó, mọi tín hữu Gia Tô già trẻ lớn nhỏ, nam nữ đều bị
phân tán vào các làng ngoại giáo. các tín hữu bị khắc chữ trên má, gia đình bị
phân chia, vợ một nơi, chồng một nẻo, con cái mỗi đưa một miền. Các thánh
đường, nhà chung, tài sản của giáo hữu bị tịch thu, bị chia chác hay phá hủy.
Trong bối cảnh đó, ngày
18.9, Đức cha Hemosilla Liêm vô cùng đau đớn khi phải quyết định giải tán chủng
viện Kẻ Mốt. linh mục Khoa, đại diện ngài nói với các chủng sinh: "Anh em
khỏi chào Đức cha, kẻo ngài không cầm nổi nước mắt". Riêng thày Khang nhất
quyết xin và được chọn để đi theo Đức cha cho tới cùng. Khi giã từ các bạn,
thày nói nửa đùa nửa thật: "Tôi nhất định theo Đức cha, các quan có bắt
ngài, ắt sẽ chẳng tha tôi. Đức cha chết vì đạo, tôi cũng chết theo, mất đầu còn
chân sợ gì". Từ đêm đó, hai cha con bắt đầu sống lưu lạc. Tương lai tuy mờ
mịt, nhưng thày Khang vẫn vui tươi nhờ lòng tin tưởng phó thác và tâm tình hiến
dâng mạng sống nếu Chúa muốn.
Ba tuần lễ đầu, thày
Khang cùng với Đức cha sống trong hang trú ẩn ở Thọ Ninh. Nhưng quan quân đã
phát hiện nơi ẩn đó, nên hai cha con phải bỏ đất liền, xuống một thuyền đánh
cá. Thày Khang chèo thuyền qua thị xã Hải Dương đến tá túc trên thuyền của một
giáo hữu tên Bính. Chính nơi đây đã thành "Tòa Giám mục lưu động" của
vị chủ chăn. Được vài ngày, hai vị tình cờ gặp Đức cha Valentinô Vinh và linh
mục Almatô Bình đi thuyền từ Kẻ Nê xuống. Thật là cuộc gặp gỡ vô cùng cảm động
và vui mừng của bốn thánh tử đạo Hải Dương. Các vị tạ ơn Chúa vì cơ may đặc
biệt này, trao đổi tin tức và cùng nhau cầu nguyện cho Giáo Hội. Đến sáng, các
vị chia tay mỗi thuyền đi một ngả.
Một hôm gia đình Trương
Bính xảy ra cuộc cãi lộn. Người con trai tức giận với cha mẹ nên tố cáo ông bà chứa
chấp đạo trưởng. Thế là đội Bảng liền đem gia nhân đến bắt Đức cha. Thấy họ tới
nơi, thày Khang liền nhổ cây sào chống thuyền và chạy đến đứng chắn trước mặt
họ như muốn ngầm bảo : phải bước qua xác tôi, rồi muốn bắt ai thì bắt.
Nhưng vị Giám mục khả kính
và nhân ái đã đến nắm lấy vai thày, ngài nói: "Đừng làm gì hại họ, hãy phó
mặc cho ý Chúa". Thày Khang ngỡ ngàng quay lại nhìn người cha già và chợt
hiểu ra ý ngài, thày chỉ nói được một lời : "Thưa vâng", rồi bỏ sào
tre xuống đưa tay cho lính trói. Lính giải hai vị vào thành Hải Dương và giam
mỗi vị một nơi.
Vị tử đạo Hải Dương
Một tháng rưỡi trong tù,
thày Khang được sống chung với một số giáo hữu. Thày liền tổ chức cho cả phòng
giam đọc kinh chung mỗi ngày ba lần, và mỗi tối làm việc thống hối đền tội để
chuẩn bị đón nhận phúc tử đạo. Trong thời gian này, thày bị đưa ra tòa tra tấn
ba lần, bị đánh đòn khắp hai bên mông. Lần nào thày cũng can đảm chịu đựng,
không hề tiết lộ bất cứ chi tiết nào về hàng giáo sĩ, không chịu bỏ đạo như các
quan yêu cầu. Sau mỗi trận đòn, các giáo hữu trong ngục đều nấu nước rửa và xoa
bóp cho thày dịu bớt cơn đau.
Đặc biệt ở trong tù,
thày Khang vẫn tiếp tục viết thư cho các bạn học đang lưu lạc ở làng Hảo Hội.
một lá thư thày viết : "Các quan mới tra tấn tôi một kỳ để hỏi Đức cha đã
ở những đâu, song tôi chẳng trả lời, trái lại vui lòng chịu đòn. Xin anh em cầu
nguyện cho tôi".
Trong lá thư khác thày
viết : "Anh em cho tôi một cái quần, vì quần tôi cũ, phải đòn nhiều đã
rách nát. Cũng xin gửi cho tôi một cái khăn để khi tôi chết, có cái mà liệm xác
đem chôn".
Ngày 06.12.1861, thày
Giuse Khang được nghe bản án trảm quyết ở kinh đô gửi ra, thày vui vẻ theo lịnh
ra pháp trường Năm mẫu, nơi đã thấm máu người cha kính yêu của thày ngày 01.11
trước đó. sau khi bị chém đầu, dân chúng địa phương an táng thi thể ngay ở
ngoài ruộng.
Năm 1867, theo lệnh của
Đức cha Hy, thày cai Hinh, anh ruột của vị tử đạo đã dời hài cốt em của mình về
nhà nguyện Kẻ Mốt.
Ngày 20.5.1906, Đức
Thánh Cha Piô X suy tôn thày Giuse Nguyễn Duy Khang lên bậc Chân Phước. Ngày
19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Nguồn từ tu viện Đa Minh
Lời bất hủ: Thầy Khang nói với bạn bè:
"Tôi nhất định theo Ðức cha (Liêm), các quan có bắt ngài , ắt sẽ chẳng tha
tôi, Ðức cha chết vì đạo, tôi cũng chết theo, mất đầu còn chân sợ gì". Khi
lính đến bắt Ðức cha, thầy Khang toan dùng sào tre để chống cự cứu Ðức cha,
ngài bảo: "Ðừng làm gì hại họ, hãy phó mặc cho ý Chúa". Thầy Khang
chỉ nói được một lời "Thưa vâng".
www.tinmung.net
Thứ Năm 6-12
Thánh Nicholas
(c. 350?)
Việc thiếu những dữ kiện "xác thực" của lịch sử không ảnh
hưởng đến sự nổi tiếng của các thánh, như trường hợp của Thánh Nicholas cho
thấy. Cả hai giáo hội Ðông Phương và Tây Phương đều vinh danh ngài, có thể nói,
sau Ðức Mẹ, ngài là vị thánh thường được các nghệ sĩ Kitô Giáo mô tả. Tuy
nhiên, về phương diện lịch sử, chúng ta chỉ biết một dữ kiện, Thánh Nicholas là
giám mục ở Myra vào thế kỷ thứ tư -- Myra là một thành phố nằm trong Lycia, một
tỉnh của Tiểu Á.
Tuy nhiên, như nhiều vị thánh khác, chúng ta có thể biết được mối
quan hệ giữa thánh nhân và Thiên Chúa qua sự ngưỡng mộ mà các Kitô Hữu dành cho
ngài -- sự ngưỡng mộ được diễn tả qua các câu truyện đầy màu sắc và thường được
kể đi kể lại trong nhiều thế kỷ.
Có lẽ câu truyện nổi tiếng nhất về Thánh Nicholas là lòng bác ái
của ngài đối với một gia đình nghèo khổ mà ông bố không có của cải để cho ba cô
con gái làm của hồi môn. Vì không muốn trông thấy họ phải lâm vào cảnh đĩ điếm,
Thánh Nicholas đã bí mật ném ba gói vàng qua cửa sổ nhà ông này vào ba trường
hợp khác nhau, để giúp các cô con gái ấy đi lấy chồng. Qua các thế kỷ, huyền
thoại này trở thành thói quen tặng quà nhân ngày lễ kính thánh nhân. Trong thế
giới nói tiếng Anh, Thánh Nicholas trở thành Santa Claus và người Việt thường
gọi là ông già Noel. Ông già Noel ngày nay đã bị xã hội tục hóa quá nhiều khiến
lu mờ đi ý nghĩa chính của câu truyện, đó là tấm gương quảng đại của vị giám
mục thánh thiện này.
Lời Bàn
Cái nhìn có tính cách phê phán của lịch sử hiện đại giúp chúng ta
nhận ra ý nghĩa sâu xa hơn của các huyền thoại về Thánh Nicholas. Có lẽ, bài
học thiết thực nhất của ngài là lòng bác ái. Hãy nhìn đến thái độ của chúng ta
đối với vật chất trong mùa Giáng Sinh, và hãy tìm ra các phương cách để chia sẻ
của cải ấy cho những người có nhu cầu.
Lời Trích
"Ðể có thể nhận ra các nhu cầu phúc lợi thích hợp cho tín
hữu tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, vị giám mục phải cố gắng quen thuộc với
nhu cầu của họ trong các hoàn cảnh xã hội mà họ sinh sống... Ngài phải bày tỏ
sự lưu tâm đến tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, tình trạng, hay quốc tịch, dù
họ là người bản xứ, người xa lạ, hay người nước ngoài" (Sắc
Lệnh về Văn Phòng Mục Vụ của các Giám Mục, 16).
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét