Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

13-11-2017 : THỨ HAI - TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

13/11/2017
Thứ hai tuần 32 thường niên

Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 1, 1-7
"Thần trí khôn ngoan thì nhân hậu; Thánh Thần Chúa tràn ngập hoàn cầu".
Khởi đầu sách Khôn Ngoan.
Hỡi các vị lãnh đạo trần gian, hãy chuộng đức công chính. Hãy tưởng nghĩ về Chúa cách ngay lành, và hãy tìm kiếm Người với tâm hồn đơn sơ. Vì những ai không thử thách Chúa, sẽ gặp thấy Người, và Người sẽ tỏ mình cho những ai tin vào Người. Vì chưng, những tà ý làm xa cách Chúa, và quyền năng bị thử thách sẽ sửa phạt những kẻ ngu đần đó. Sự khôn ngoan sẽ không ngự vào tâm hồn gian ác, và không ở trong thân xác nô lệ tội lỗi. Vì Thánh Thần, Ðấng dạy dỗ chúng ta, sẽ xa tránh kẻ gian dối, lánh xa những tư tưởng ngông cuồng, và lui đi khi sự gian ác tới.
Thần trí khôn ngoan thì nhân hậu, nhưng không tha thứ kẻ nói lộng ngôn. Vì Thiên Chúa thấu suốt tâm can kẻ ấy, Người thực sự kiểm soát lòng nó và nghe lời nó nói. Vì thần trí Chúa tràn ngập hoàn cầu. Người nắm giữ mọi sự, và thông biết mọi lời.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 138, 1-3. 4-6. 7-8. 9-10
Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời (c. 24b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con, Ngài biết con, lúc con ngồi khi con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con. - Ðáp.
2) Khi lời nói chưa lên tới đầu lưỡi, thì kìa, lạy Chúa, Ngài đã biết cả rồi; sau lưng hay trước mặt, Chúa bao bọc thân con, và trên mình con, Chúa đặt tay. Ðối với con, sự thông minh này quá ư huyền diệu, quá cao xa, con thực không thể hiểu ra. - Ðáp.
3) Con đi đâu xa khuất được thần linh của Chúa? Con trốn đâu cho khỏi thiên nhan Ngài? Nếu con leo được tới trời, thì cũng có Ngài ngự đó, nếu con nằm dưới âm phủ, thì đây cũng có mặt Ngài. - Ðáp.
4) Nếu con mượn đôi cánh của hồng đông, và bay đến cư ngụ nơi biên cương biển cả, tại nơi đây cũng bàn tay Chúa dẫn dắt con, và tay hữu Ngài nắm giữ con. - Ðáp.

Alleluia: Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 1-6
"Dù một ngày bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: Tôi hối hận, thì con hãy tha cho nó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này.
"Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: "Tôi hối hận", thì con hãy tha thứ cho nó".
Các Tông đồ thưa với Chúa rằng: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Chúa liền phán rằng: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: "Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển", nó liền vâng lời các con".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Sống Là Liên Ðới

Trong tác phẩm "Hãy Giúp Nhau Làm Lại Cuộc Ðời", xuất bản đầu thập niên 60, ông Henri Vicardi, người sáng lập cơ xưởng chuyên giúp những người tàn tật tự lực cánh sinh kể lại rằng: cơ xưởng do ông sáng lập năm 1952, khởi sự với một công nhân bị tê bại, làm việc trong một nhà xe bỏ trống, lụp xụp. Nhưng chỉ một năm sau, xưởng đã trở nên một cơ sở kinh doanh với số vốn cả triệu Mỹ kim và thu dụng đến 300 công nhân. Mỗi công nhân đều có một mẫu truyện cảm động về con người xây dựng lại cuộc đời từ sự tàn tạ của mình.
Ðiển hình là trường hợp của Jim Chapin, một người bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống vì một chiếc bướu ở xương sống. Ngay sau khi được khiêng từ bàn giải phẫu xuống, các Bác sĩ đã tuyên bố ông sẽ sống nhưng không làm gì được. Thế nhưng các Bác sĩ đã lầm: năm đó Jim Chapin đã 62 tuổi, tuy không rời được khỏi xe lăn, ông đã tìm đến cơ xưởng của ông Henri và bắt đầu làm lại cuộc đời. Ông cho biết rằng ông rất hãnh diện về khả năng của mình và nhất quyết không chịu trở lại với đời sống ỷ lại và vô vọng nữa.
Câu truyện trên đây là một bằng chứng hùng hồn rằng dù tàn tật đến đâu, mỗi người vẫn là một giá trị độc nhất vô nhị trên cõi đời này, và do đó có trách nhiệm đối với chính bản thân cũng như hữu dụng cho người khác và có trách nhiệm đối với người khác.
Tin Mừng hôm nay có lẽ nhắc nhở chúng ta về ý tưởng ấy. Chúa Giêsu nói đến hai thứ bổn phận của con người đối với người đồng loại: một là phải sống thế nào để không trở thành cớ vấp phạm cho người khác, hai là phải tha thứ cho nhau. Ngay từ những trang đầu tiên, khi mạc khải về con người, Kinh Thánh đã nói đến tình liên đới. Bị Thiên Chúa tra vấn sau khi phạm tội, Adam đã đổ lỗi cho Evà; đây quả là khuynh hướng chạy tội và chối bỏ trách nhiệm đối với người khác; cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa, con người cũng muốn chối bỏ tương quan với tha nhân. Sự chối bỏ này lại càng rõ nét trong thái độ của Cain sau khi đã giết em mình là Abel: "Tôi có phải là người giữ em tôi đâu!"
Sống là liên đới: không thể sống mà không cần người khác, cũng không thể sống mà không cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác. Cuộc sống của tôi dù âm thầm đến đâu vẫn có âm hưởng trên người khác; dù tôi có tàn tật và bé nhỏ đến đâu, tôi vẫn là người hữu dụng cho người khác; không có một hành động nào của tôi mà không có liên hệ đến người khác, đó chính là ý nghĩa và giá trị của cuộc đời tôi; tôi có hạnh phúc hay không là tùy tôi có biết sống cho người khác hay không.
Nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm đối với người khác, lời Chúa hôm nay cũng nói lên phẩm giá cao trọng của mỗi người. Ðó là lý do đem lại cho chúng ta niềm tin trong cuộc sống mà chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 32 TN1
Bài đọcWis 1:1-7; Lk 17:1-6.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người môn đệ Đức Kitô phải tin mình có thể làm cho thế giới tốt hơn.
Sống trong một thế giới có quá nhiều gương xấu: tranh giành, ghen ghét, hận thù, bạo lực, chiến tranh, con người thường dễ có thái độ an phận tránh né hay phê bình chỉ trích. Người xưa dạy: “Thà thắp sáng một ngọn nến hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối.” Người môn đệ Đức Kitô phải tin mình có thể làm thế giới tốt hơn bằng việc rao giảng sự thật của Tin Mừng và bằng việc chọn lựa các nhà lãnh đạo tốt lành biết sống theo sự thật.
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra những gì mình có thể làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan nêu lên trọng tâm của mọi vấn đề là phải bài trừ mọi gian dối để sống theo sự thật. Thần khí thánh của Thiên Chúa chính là Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn con người học biết sự thật của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cần tránh làm cớ cho người khác vấp phạm; phải sửa dạy và sẵn sàng tha thứ cho tha nhân; nhưng trên hết tất cả phải có đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa Đấng có thể làm mọi sự, Ngài có thể thay đổi lòng dạ của con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thần khí của Đức Chúa bảo toàn mối hiệp nhất giữa muôn vật muôn loài.
1.1/ Những lý luận quanh co khiến con người lìa xa Thiên Chúa: Các tác giả của những Sách Khôn Ngoan đều nhận ra một sự thật vô cùng quan trọng: “Kính sợ Đức Chúa là nguồn gốc của mọi khôn ngoan.” Vì thế, bổn phận trên hết của những nhà giáo dục là phải dạy cho mọi người biết kính sợ Thiên Chúa. Khi chọn những nhà lãnh đạo hay người bạn trăm năm, tiêu chuẩn để chọn là hãy thử xem họ có biết kính sợ Thiên Chúa hay không. Nếu họ không biết kính sợ Thiên Chúa, họ dám làm bất cứ chuyện gì để bảo vệ quyền lợi cá nhân của họ; nhưng nếu họ biết kính sợ Thiên Chúa, họ cũng sẽ yêu mến và không dám gây thiệt cho tha nhân, vì họ sợ phải đối diện với sự công bình của Thiên Chúa.
Để có thể sống mối liên hệ với Thiên Chúa, điều đầu tiên con người cần phải có là nhân đức khiêm nhường và tâm hồn yêu mến sự chân thật. Người kiêu ngạo sẽ không bao giờ tìm được Thiên Chúa vì Ngài yêu thích người khiêm nhường, và tránh xa kẻ kiêu căng, phách lối. Yêu thích sự chân thật là căn bản cho mối liên hệ với Thiên Chúa và tha nhân; vì “những lý luận quanh co làm con người lìa xa Thiên Chúa.” Những người ưa thích sự gian ác sẽ không bao giờ biết được sự thật của Thiên Chúa, và “xác thịt đắm chìm trong tội lỗi, Đức Khôn Ngoan sẽ chẳng ngự vào.”
1.2/ Thần khí thánh chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa: Quan niệm về Chúa Thánh Thần đã được nhắc đến nhiều lần trong Cựu Ước dưới những danh hiệu khác nhau. Tác giả Sách Khôn Ngoan gọi Ngài là “Thần Khí Thánh” và là “Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa.”
Một trong những vai trò chủ yếu của Chúa Thánh Thần là hướng dẫn con người nhận ra sự thật từ những sự gian trá: “Thần Khí Thánh là thầy dạy dỗ, luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt, và ghê tởm những chuyện bất công.” Để có thể sống theo sự thật của Thiên Chúa, con người cần để cho Thánh Thần hướng dẫn. Điều này đòi con người cần biết khiêm nhường để nhận ra những thói hư tật xấu trong con người của mình, và xin Ngài ban sức mạnh để diệt trừ những thói hư tật xấu đó. Thần Khí Thánh của Thiên Chúa sẽ hướng dẫn con người tới Thiên Chúa, chứ không làm cho con người được thỏa mãn tính xác thịt của họ như: danh vọng, uy quyền, các lợi lộc vật chất... Vì thế, dấu hiệu để biết một người có Thần Khí Thánh của Thiên Chúa hay không, là xem cách sống của họ vì lợi ích của Thiên Chúa hay vì lợi ích cho chính cá nhân họ.
Thần Khí Thánh của Thiên Chúa ở trong con người, nên Ngài biết tất cả những gì diễn biến trong tâm trí của con người. Vì lý do này, “Thiên Chúa thấu suốt tâm can, dò xét lòng dạ đến nơi đến chốn và nghe thấy mọi lời miệng lưỡi thốt ra.” Con người không thể giấu bất cứ điều gì khỏi Thiên Chúa, nên họ chỉ còn một cách là biết thẳng thắn sống theo sự thật. “Đức Khôn Ngoan là thần khí hằng yêu mến con người, nhưng không miễn thứ cho kẻ nói lời phạm thượng.”
Sau cùng, Thánh Thần là nguyên do của hiệp nhất của tất cả những ai muốn sống theo sự thật, như lời của tác giả Sách Khôn Ngoan: “Thần khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất, bảo toàn mối hiệp nhất giữa muôn vật muôn loài, thấu hiểu hết mọi lời mọi tiếng.” Hiệp nhất không đặt căn bản trên sự thật chỉ là hiệp nhất giả tạo, sớm muộn gì cũng tiến đến chỗ chia lìa.
2/ Phúc Âm: Đời sống đạo của người Kitô hữu
Trình thuật hôm nay đưa ra 3 điều liên quan đến đời sống của Kitô hữu, mỗi điều tóm gọn trong 2 câu:

2.1/ Cớ làm cho người ta vấp ngã: Tiếng Hy-Lạp dùng chữ cớ làm cho người ta vấp ngã, “skándalon.” Từ ngữ này có 3 ý nghĩa:
(1) cái bẫy: để bắt chuột, hay cái đinh trên đường để làm nổ bánh xe người khác;
(2) nguyên nhân cho tội: các sòng bài, tửu lầu, nhà chứa, websites xấu, nói hành, nói chơi giỡn; ngay cả Thập Giá của Chúa Giêsu cũng là nguyên nhân cho tội nơi những người không tin;
(3) người làm cho người khác sa ngã: khách đưa đường, người mặc quần áo khêu gợi, khinh thường trẻ nhỏ… Chúa Giêsu gọi Phêrô là Satan vì ông trở thành cớ cho Chúa phạm tội.
Không có lửa thì làm sao có khói! Không có cớ thì sẽ không có tội. Không thể không có cớ làm con người sa ngã trong thế giới; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người khác vấp ngã. Những người làm cớ cho các trẻ nhỏ phạm tội nặng hơn vì chúng chưa đủ trí khôn để suy nghĩ tốt xấu. Đối với hạng người này, cần buộc cối đá vào cổ mà ném xuống biển cho chết.

2.2/ Sửa lỗi và tha thứ: Trình thuật của Matthêu về 2 đề tài này rõ ràng hơn (x/c Mt 18:15, 21-22). Trong Luca, 2 đề tài được tóm gọn lại trong 2 câu: (1) Phải sửa lỗi trước và tha thứ nếu ăn năn: Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy đề phòng! Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận thì hãy tha thứ cho nó.” (2) Phải luôn luôn tha thứ: “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: "Tôi hối hận," thì anh cũng phải tha cho nó.”
2.3/ Sức mạnh của đức tin: Các tông đồ thưa với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con," vì không dễ để tránh làm cớ cho người khác phạm tội và không dễ để luôn tha thứ cho người xúc phạm đến mình. Chúa đáp: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc," nó cũng sẽ vâng lời anh em.” Thái độ tin tưởng cần thiết để làm việc: nếu không có thái độ này, sẽ không thể hòan tất bất cứ điều gì. Thiên Chúa không truyền cho con người làm điều không thể: Nếu con người tin nơi Thiên Chúa, họ có thể làm những chuyện không ngờ; vì không có điều gì là không thể đối với Thiên Chúa. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh những điều này: các phép lạ thực sự xảy ra.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải tin mình có thể xây dựng thế giới tốt đẹp hơn: (1) bằng việc rao giảng Tin Mừng hay bằng việc cắt cử những nhà lãnh đạo tốt lành; hay (2): tạo môi trường sống lành mạnh: dạy cho mọi người biết làm gương sáng, tránh gương mù, sửa dạy, và tha thứ cho nhau.
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

13/11/17 THỨ HAI TUẦN 32 TN
Lc 17, 1-6

THA THỨ THEO GƯƠNG CHÚA

“Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần rồi trở lại nói với anh: “Tôi hối hận, thì anh cũng phải tha cho nó.” (Lc 17,4)
Suy niệm: Léon Tolstoi, văn hào Nga, kể chuyện một người hành khất đến xin  đại gia nọ bố thí. Ông này không cho gì cả mà còn lấy đá ném vào người kẻ ăn xin. Ông ăn xin nhặt hòn đá cất giữ chờ ngày ném trả lại. Nhiều năm sau, nhà phú hộ phạm pháp, bị tịch biên tài sản và vào tù. Kẻ xin ăn theo chân đoàn áp tải cầm đá toan ném vào tù nhân để rửa nhục. Tuy nhiên, khi thấy kẻ thù tay bị cùm, gương mặt thì tiều tụy, ông thả hòn đá xuống đất tự nhủ: “Tại sao bao nhiêu năm qua, ta lại mang nặng hòn đá kia? Con người này, giờ đây chỉ là một kẻ khốn khổ như ta.” Khi phạm tội, chúng ta ném đá Thiên Chúa. Nhưng Ngài không cất giữ những hòn đá xúc phạm kia. Nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa tha thứ cho kẻ có tội thật lòng ăn năn. Ngài dạy chúng ta cũng noi gương Ngài tha thứ cho kẻ xúc phạm chúng ta. Sự tha thứ Chúa đòi hỏi là tha không giới hạn. Hễ người anh em cần tha thứ là chúng ta sẵn sàng để tha cho họ.
Mời Bạn: Vì nuôi thù tích oán, người hành khất kia vừa đói ăn phần xác vừa nghèo đi về tinh thần. Nếu không tha thứ cho anh em, hòn đá căm hờn, thù oán làm cho tâm hồn ta nặng nề, bất an, không còn chỗ để yêu thương. Mối thù hận như vi khuẩn độc hại đục ruỗng, huỷ hoại nhân cách của ta, tiêu huỷ những năng lực và cơ hội ơn phúc Chúa ban để phục vụ tha nhân.
Sống Lời Chúa: Khi có người xúc phạm đến tôi và tôi thấy khó lòng tha thứ cho họ, tôi nhìn lên Thập giá Chúa và cầu xin cho tôi theo gương Chúa tha thứ cho anh em mình.
Cầu nguyện: Hát ‘Kinh Hòa Bình’.
(5 phút Lời Chúa)


Làm c vp ngã (13.11.2017 – Th hai Tun 32 Thường niên)
 Làm c cho người khác phm ti là mt ti chúng ta ít đ ý và ít xưng thú. Chúng ta cho mình có quyn t do nói và làm điu mình thy là đúng.


Suy nim:
Thỉnh thoảng báo chí  lại nói đến một chuyện không hay nào đó
bị coi là gây sốc hay phản cảm.
Có những chuyện tồi tệ hơn được gọi là xì-căng-đan.
Xì-căng-đan gốc là một từ Hy Lạp dùng trong Tân Ước (scandalon)
để chỉ một viên đá làm người ta vấp ngã (Rm 11, 9),
hay một duyên cớ  khiến người ta phạm tội (Mt 13, 41). 
Trong Giáo Hội đôi khi cũng có những xì-căng-đan.
Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta hãy đề phòng
về những xì-căng-đan trong chính cộng đoàn tín hữu.
Ngài nhìn nhận rằng không thể nào tránh được những xì-căng-đan (c. 1).
Nhưng Ngài lại rất nặng lời với người nào gây ra cớ vấp phạm đó.
Cột cối đá lớn vào cổ anh ta và xô xuống biển cho chết đi
thì tốt cho anh ấy hơn là để anh ấy làm cớ phạm tội
cho một trong những kẻ  bé nhỏ này (c. 2).
Những kẻ bé  nhỏ ở đây là những người môn đệ của Chúa. 
Rõ ràng Đức Giêsu quý tâm hồn trong sạch của con người.
Tuy hiền lành, nhưng Ngài lại tỏ ra không khoan nhượng
với những kẻ làm gương xấu khiến người khác phạm tội.
Ngài muốn bảo vệ  những kẻ yếu đuối, đơn sơ, thiếu bản lãnh.
Ngài không muốn những Kitô hữu khác lợi dụng, lôi kéo họ,
khiến họ mất  đức tin, mất niềm hy vọng và mất lòng yêu mến.
Trong bài diễn từ  cuối cho các kỳ mục của Êphêsô ở Mi-lê-tô,
thánh Phaolô đã khuyên các ông nên coi chừng sói dữ vào đàn chiên,
“giảng dạy những điều sai lạc, lôi cuốn các môn đệ đi theo” (Cv 20,30). 
Làm cớ cho người khác phạm tội 
là một tội chúng ta ít để ý và ít xưng thú.
Chúng ta cho mình có quyền tự do nói và làm điều mình thấy là đúng.
Nhưng khi làm như vậy, chúng ta lại không để ý
đến những thương tổn có thể gây ra nơi lương tâm
của những người anh em yếu đuối trong cộng đoàn,
cũng như đến chuyện làm cớ cho anh em mình sa ngã (1 Cr 8, 11.13).
Thánh Phaolô nhấn mạnh: phạm đến anh em là phạm đến Đức Kitô.
Không thể vì  tự do của tôi mà làm mất một người anh em
đã được Đức Kitô chết cho (1 Cr 8, 11). 
Trong cuộc sống nối mạng toàn cầu hiện nay,
cái tốt và cái xấu  được loan đi xa với tốc độ chớp nhoáng.
Một biến cố mới xảy ra ở đây, lập tức cả thế giới đều biết.
Nhưng cái xấu xem ra hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn, dễ bắt chước hơn,
khiến con người hôm nay, đặc biệt là giới trẻ, bị ảnh hưởng nặng nề.
Làm thế nào để những gương tốt được nhân lên khắp đó đây?
Làm thế nào để Giáo Hội bớt đi những viên đá làm người ta vấp ngã?
Mong có ngày một giáo dân bình thường cũng biết nhận định đúng sai
khi tiếp thu đủ thứ  thông tin từ mọi nguồn.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa, 
việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.
để khi thấy con, người ta phải nói:
“vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt”. 
Và nếu có ai hỏi con tại sao con lại hiền lành và tốt như  thế,
con sẽ trả lời vì con là tôi tớ của một Đấng tốt hơn con nhiều.
“Chớ chi bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!” 
Con muốn sống thật tốt để người ta có thể nói:
“Nếu tôi tớ mà  tốt như vậy, thì Chủ sẽ tốt đến thế nào!” 
(Chân phước Charles Foucauld)

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


13 THÁNG MƯỜI MỘT
Bảo Vệ Quyền Của Phụ Nữ Tại Môi Trường Lao Động
Trong thời đại chúng ta, vấn đề bình đẳng nam nữ đang được giải quyết, ít nhất về mặt pháp lý, bằng những đạo luật nhìn nhận sự bình đẳng nam nữ tại môi trường làm việc. Tuy nhiên, như Thông Điệp Pacem in terris ghi nhận, chúng ta phải đảm bảo cho phụ nữ “quyền có các điều kiện làm việc phù hợp với các yêu cầu và các bổn phận của họ trong tư cách là vợ và là mẹ”. Chúng ta phải xây dựng một xã hội trong đó phụ nữ có thời giờ để nuôi dạy con cái mình – là những nhà xây dựng và những nhà kiến thiết tương lai. Giáo Hội rất ý thức nhu cầu này, như tôi đã nói tại một hội nghị Thượng Hội Đồng giám mục trước đây: “Gia đình phải được sống cách xứng đáng ngay cả khi người mẹ không thể cống hiến hoàn toàn cho gia đình.” Điều này không có nghĩa rằng phải khai trừ phụ nữ ra khỏi thế giới lao động làm ăn hay ra khỏi những hoạt động công cộng ngoài xã hội.
‘Sự thăng tiến đích thực của phụ nữ đòi hỏi rằng công việc làm phải được tổ chức sao cho họ không bị bắt buộc phải trả giá cho sự tiến thân bằng việc bỏ mất ơn gọi chuyên biệt của họ trong gia đình. Bởi vì phụ nữ có một vai trò không thể thay thế được, đó là vai trò làm mẹ” (LE 19).
Đó là giáo huấn của Giáo Hội. Trong một xã hội mong muốn có sự công bằng và nhân đạo, thì những nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân vị con người phải chiếm chỗ nhất trong bậc thang các giá trị. Chúng ta phải bảo vệ những nhu cầu này và nêu cao tầm quan trọng của nhân vị con người trong các gia đình chúng ta. Chúng ta không được phép quên phẩm giá của vai trò làm mẹ và tầm quan trọng của công việc nuôi dạy con cái.
- suy tư 366 ngày ca Đc Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đc dch t nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


13 Tháng Mười Một
Ánh Mắt Mẹ Tôi

Paul Nagai, một bác sĩ người Nhật, từ sau quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki, đã trở thành con người bất hủ, vì sự tận tụy và tấm lòng hy sinh vô bờ bến của ông. Từ vô thần, ông đã trở thành người có niềm tin. Ông đã giải thích như sau:
"Trong kỳ nghỉ mùa xuân, lúc đó tôi học hết năm thứ hai y khoa, mẹ tôi trúng phong. Tôi hối hả chạy đến đầu giường của người. Trong cơn hấp hối, người nhìn tôi và thở ra. Cái nhìn cuối cùng của cặp mắt người mẹ đã sinh ra, đã giáo dục và đã thương tôi đến cùng, cặp mắt này đã nói với tôi một cách rõ rệt rằng: cho dù khuất núi, người vẫn ở bên tôi luôn mãi... Tôi không tin gì ở sự hiện hữu của linh hồn. Bỗng nhiên, trong ánh mắt của mẹ tôi, tôi đã nhìn thấy linh hồn của người... Từ đó, con người tôi đổi hẳn, tôi tin rằng mẹ tôi, người đã sinh ra tôi, đã yêu thương tôi, không thể bị tiêu diệt hoàn toàn sau cái chết".
Chúng ta có một linh hồn bất tử. Ðó là nền tảng của phẩm giá con người. Nếu sinh ra, sớm nở tối tàn như bông hoa đồng nội và cuối cùng trở về với cái không vô tận, thì đâu là giá trị của con người?... 
Chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta mang trong mình ánh lửa của Vĩnh Cửu, cho dù thân xác này có hư nát đi, chúng ta vẫn tiếp tục cuộc sống mai hậu. Ðó là cùng đích của tất cả mọi bôn ba lao nhọc của chúng ta trên cõi đời này. Bạn sẽ chuẩn bị gì cho mảnh hình hài còn lại ấy?
Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét