Trang

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

THỨ NĂM TUẦN I MÙA CHAY


Thứ Năm sau Chúa Nhật I Mùa Chay



Bài Ðọc I: Est 14, 1. 3-5. 12-14
"Lạy Chúa, con không có sự trợ giúp nào khác ngoài Chúa".
Trích sách Esther.
Trong những ngày ấy, nữ hoàng Esther kinh hoàng vì lâm nguy, nên tìm nương tựa nơi Chúa. Bà nài xin Chúa là Thiên Chúa Israel rằng: "Lạy Chúa con, chỉ mình Chúa là Vua chúng con, xin cứu giúp con đang sống cô độc, ngoài Chúa không có ai khác giúp đỡ con. Con đang lâm cơn nguy biến. Lạy Chúa, con nghe cha con nói rằng Chúa ưu đãi Israel hơn mọi dân tộc, ưu đãi cha ông chúng con hơn bậc tiền bối của các ngài, đã nhận các ngài làm phần cơ nghiệp muôn đời và đã thực thi lời hứa với các ngài.
"Lạy Chúa, xin hãy nhớ (đến chúng con) và hãy tỏ mình ra cho chúng con trong cơn gian truân của chúng con. Lạy Chúa là Vua các thần minh và mọi bậc quyền bính, xin ban cho con lòng tin tưởng. Xin đặt trong miệng con những lời khôn khéo trước mặt sư tử, xin Chúa đổi lòng sư tử để nó ghét kẻ thù của chúng con, để kẻ thù ấy và những ai đồng loã với hắn sẽ phải chết. Nhưng phần chúng con, thì xin Chúa ra tay giải thoát chúng con và phù trợ con, vì lạy Chúa, ngoài Chúa là Ðấng thông suốt mọi sự, không ai giúp đỡ con".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 7c-8
Ðáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con (c. 3a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. - Ðáp.
2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. - Ðáp.
3) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự, lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 11, 25a và 26
Chúa phán: "Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời".

Phúc Âm: Mt 7, 7-12
"Ai xin thì sẽ nhận được".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho. Nào ai trong các con thấy con mình xin bánh, mà lại đưa cho nó hòn đá ư? Hay là nó xin con cá mà lại trao cho nó con rắn ư? Vậy nếu các con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các con, Ðấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!
"Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế: Ðấy là điều mà Lề luật và các tiên tri dạy".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Không cha mẹ nào lại không thương con. Thiên Chúa còn yêu thương chúng con hơn cha mẹ trần gian bội phần. Là Cha, lẽ nào Thiên Chúa không đáp ứng nhu cầu của chúng ta? Là Cha, lẽ nào Ngài không nâng đỡ những yếu đuối của chúng ta? Nhưng nếu chúng ta tin Chúa là Cha, chúng ta có sẵn sàng phó thác hoàn toàn nơi tình yêu thương của Ngài hay không? Chúng ta có xác tín những điều Ngài thực hiện nơi chúng ta là tốt đẹp nhất không? Chúng ta theo sự sắp đặt của Cha Mẹ hay chúng ta bắt Cha Mẹ theo đòi hỏi của chúng ta?

Cầu Nguyện:
Lạy Cha, tiếng "Cha" thật ngọt ngào khi chúng con được gọi Thiên Chúa là Cha. Chúng con tin Cha yêu chúng con. Chúng con tin Cha lo lắng mọi sự cần thiết cho chúng con. Chúng con xác tín Cha chỉ thực hiện việc thiện và luôn tránh sự dữ xảy đến trên chúng con. Vì thế chúng con chỉ xin thưa một điều như Ðức Giêsu đã thưa với Cha: "Lạy Cha, xin cho ý Cha được thực hiện nhưng đừng theo ý con". Amen.

Cầu Nguyện Cùng Chúa

Một ngày kia các tu sĩ hỏi ngài Silouwall:
- Làm sao mà thầy có thể bảo người thợ kia làm việc chăm chỉ đến thế mà không cần trông chừng họ? Trong khi mắt chúng con không rời họ, mà họ vẫn đánh lừa chúng con?
Thầy Silouwall trả lời:
- Tôi cũng không rõ. Tôi chỉ biết rằng, vào mỗi buổi sáng, họ đến xưởng mà trước tiên là tôi cầu nguyện cho họ. Tôi đến với họ bằng quả tim yêu thương. Khi tôi bước vào xưởng, tôi yêu thương họ với tình yêu dạt dào của lòng tôi. Tôi phân công cho họ, rồi ra về với quyết định là sẽ cầu nguyện cho họ trong suốt thời gian họ làm việc. Trong phòng tôi, tôi đặt mình trước nhan Chúa và cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin thương nhớ đến Nicola, cậu còn nhỏ mới 20 tuổi, cậu để lại con đầu lòng và vợ ở dưới quê. Chúa nghĩ xem cậu ta đau khổ biết mấy khi phải lìa xa vợ con như thế. Xin Chúa gìn giữ gia đình anh Nicola khỏi mọi tai biến".
Rồi tôi cầu nguyện cho những người thợ khác nữa. Tôi sống như vậy đó. Tôi cầu nguyện cho mỗi một người thợ, người này rồi đến người khác. Cuối ngày, tôi đến trao đổi với họ vài câu chuyện. Chúng tôi cầu nguyện chung với nhau và họ về nghỉ ngơi. Phần tôi, tôi trở lại tu viện để chu toàn các nhiệm vụ còn lại của một đan sĩ.
Anh chị em thân mến!
Lời cầu nguyện luôn đi đôi với công việc bổn phận hằng ngày. Các cộng đoàn tu trì thường tổ chức làm sao, để luôn luôn bất cứ giờ nào cũng có một tu sĩ cầu nguyện trước nhan Chúa thay cho tu sĩ khác đang chu toàn bổn phận nơi khác. Trong đời sống từng cá nhân, chúng ta tổ chức thế nào để tâm hồn luôn hướng về Chúa, làm sao cho mọi việc làm hằng ngày được đưa vào trong lời cầu nguyện.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã khuyên các con tinh thần của mình sống đời cầu nguyện như sau: "Con hãy cầu nguyện luôn, bất cứ lúc nào, ở đâu". Chúa Giêsu đã nói: "Hãy cầu nguyện luôn luôn, không ngừng". Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn sống bởi Lời Chúa, Thánh Thể, Thánh Kinh, Thánh Nguyện. Nếu không con sẽ không có sự sống thần linh. Lời cầu nguyện của con phải phổ cập, quả tim con phải chứa đựng cả thế gian. Nhưng đừng vì đó mà quên những thực thế trong con và chung quanh con. Ðặc biệt, với tâm hồn tận hiến, đáng lẽ trong căn cước phải khai nghề nghiệp là cầu nguyện. Các nghề khác, thế gian đều làm cả. Thế gian đòi hỏi con làm đại lý và nài xin con: "Hãy cầu nguyện cho tôi".
Như thầy đan sĩ Silouwall được nhắc đến ở trên, chúng ta cần cầu nguyện luôn và cầu nguyện cho tất cả mọi người, nhất là những ai gặp hằng ngày, những ai có liên hệ đến ta. Cần phải cầu nguyện luôn và cầu nguyện với hết lòng tin tưởng. Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ như sau: "Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ cửa thì hãy mở cho. Nào ai trong các ngươi thấy con mình xin bánh mà lại đưa cho nó hòn đá ư? Vậy nếu các con dù là kẻ xấu còn lấy của tốt mà cho con cái, phương chi Cha các con ở trên trời sẽ không ban những sự tốt lành cho các kẻ cầu khẩn Ngài hay sao?"
Còn lời nào có sức khuyến khích chúng ta cầu nguyện hơn những lời trên của Chúa Giêsu không? Thiên Chúa là Cha tràn đầy yêu thương đối với mọi con cái của Ngài. Chúng ta không cầu nguyện, vì chúng ta không nhìn nhận, không tin tưởng vào người Cha cao cả là Thiên Chúa. Tin mà không cầu nguyện là chưa tin thực sự. Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã nhận định như sau:
"Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin, phản bội Giáo Hội. Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính là họ đã bỏ cầu nguyện từ lâu rồi. Một người thánh mà không cầu nguyện là thánh giả. Con đợi xem họ sẽ sụp đổ không mấy hồi".
Lạy Chúa, xin thuơng củng cố đức tin nơi con, để con được sống kết hợp với Chúa luôn mãi trong mọi giây phút cuộc đời. Với Chúa, cùng tiến bước, con sẽ không còn lo sợ điều chi nữa. Xin Chúa hãy đến ngự trong con, cho con luôn sống trong tinh thần cầu nguyện và trung thành thực thi thánh ý Chúa. Amen.

01/03/2012 - THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MC
Mt 7,7-12
LỜI CẦU XIN KHÔN NGOAN NHẤT
“Anh em cứ xin thì sẽ được.” (Mt 7,7)
Suy niệm: Sách Các Vua kể chuyện vua Salômôn trong một giấc mộng được Chúa cho phép muốn xin gì Ngài sẽ ban cho. Thay vì xin được sống lâu, nhiều của cải,… ông đã xin ơn khôn ngoan: “biết lắng nghe và phân biệt phải trái.” Điều đó đẹp lòng Thiên Chúa nên chẳng những Ngài đã ban cho ông ơn khôn ngoan mà cả những điều ông không xin Chúa cũng ban cho dồi dào. Chúa Giêsu cũng thúc giục chúng ta: “Anh em cứ xin thì sẽ được.” Không có mệnh lệnh nào đơn giản hơn mà chắc chắn hơn. Không thể có chuyện ta xin một điều mà Ngài lại ban một điều kém cỏi hơn như “xin bánh mà lại cho hòn đá” – ngay cả loài người bất toàn cũng không làm như thế. Trái lại, Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô cùng, Ngài sẽ ban cho chúng ta những điều tốt lành gấp bội phần điều chúng ta xin.
Mời Bạn: Phải chăng Chúa nói như thế có nghĩa là hễ bạn cầu xin bất cứ điều gì là sẽ được với bất cứ giá nào không? Vâng đúng như vậy, nhưng với điều kiện thay vì cầu xin theo ý mình muốn thì bạn cầu xin cho “ý Chúa Cha được thể hiện.” Đó chính là lời cầu xin khôn ngoan nhất. Trong Vườn Dầu, trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã chẳng xin như thế sao: Xin đừng theo ý Con, mà xin vâng theo ý Cha? Quả vậy, cầu xin là hành trình đức tin tìm kiếm và vâng theo thánh ý Chúa.
Chia sẻ: Khi cầu xin bạn có tìm kiếm ý Chúa không? Khi cầu xin không được, bạn có tìm hiểu ý Chúa muốn gì không?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời cầu xin của Chúa Giêsu: “Xin đừng theo ý con, mà xin vâng ý Cha” (x. Lc 22,42)
Cầu nguyện: Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01 - 3.
Et 14, 1.3-5.12-14; Tin Mừng theo Thánh Mt 7, 7-12.
LỜI SU NIỆM:
          Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó. (Mt 7,12).
          Khi sống với nhau trong cuộc sống, đã có nhiều tư tưởng khuyên răn con người đừng làm những gì mà mình không muốn người ta làm cho mình. Đây là một điều đã là tốt lành lắm rồi, cứ giữ được những điều này thì xã hội đỡ biết bao điều phiền toái. Nhưng đối với Chúa Giêsu, Ngài đòi hỏi người Ki-tô hữu phải sống tích cực hơn người đời là: “Muốn người ta làm cho mình, thì cũng phải làm cho người ta như vậy”. Tôi không làm thiệt ai, nhưng còn phải làm ra lợi cho người ta, tôi không chiếm đoạt của ai, nhưng tôi phải tận hiến mình cho anh em, tôi phải phục vụ anh em trong sự khiêm tốn và tôn trọng người anh em, và những điều tương tự như vậy. Đó là ý của Chúa. Đó là dấu chỉ để người đời nhận ra chúng ta là con cái của Thiên Chúa, và tôn vinh Ngài.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần I MC
Bài đọc: Est 4:17; Mt 7:7-12.
1/ Bài đọc I17 k) Hoàng hậu Ét-te khắc khoải âu lo đến chết được, liền tìm đến nương ẩn bên Chúa. Tâm hồn sầu khổ, bà cởi bỏ y phục lộng lẫy, mặc áo tang vào. Thay cho dầu thơm quý giá, bà lấy bụi tro dơ bẩn rắc lên đầu; bà hãm mình phạt xác nhiệm nhặt; thay vì trang điểm trau chuốt, bà để cho tóc xoã rối bời. Bà cầu xin cùng Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en:
17 l) "Lạy Chúa của con, lạy Vua chúng con,
Ngài là Thiên Chúa duy nhất.
Này con đang liều mạng, xin đến cứu giúp con.
Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài.
17 m) Lạy Chúa, trong chi tộc của cha ông,
từ khi lọt lòng mẹ, con từng được nghe biết
là chính Ngài đã chọn Ít-ra-en giữa muôn ngàn dân tộc,
đã tuyển chọn cha ông chúng con
giữa mọi bậc tiền bối của các ngài
để làm thành gia nghiệp mãi mãi thuộc về Ngài.
Ngài thực hiện cho cha ông chúng con
mọi điều Ngài đã hứa.
17 r) Lạy Chúa, ngày chúng con gặp gian truân cùng khốn,
xin nhớ đến chúng con mà chứng tỏ quyền năng của Ngài.
Lạy Vua các thần minh, Đấng thống trị mọi kẻ cầm quyền,
xin ban cho con lòng dũng cảm,
17 s) và dạy con biết nói lời êm tai
khi phải ra trước mặt loài sư tử.
Xin đổi lòng con sư tử ấy để nó căm thù kẻ chống lại chúng con,
khiến cho hắn và quân đồng loã phải tiêu diệt hoàn toàn.
17 t) Thần dân Ngài, xin Ngài giải thoát.
Con cô đơn, xin đến cứu giúp con.
Lạy Chúa, ngoài Ngài ra, con đâu còn ai nữa! 
2/ Phúc Âm7 "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.
8 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.
9 Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá?
10 Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?
11 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?
12 "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cứ xin sẽ được. 
Con người có nhiều nhu cầu: tinh thần cũng như vật chất. Một trong những điều chúng ta làm khi cầu nguyện là xin ơn cho bản thân, gia đình, và xã hội cũng như Giáo Hội. Điều Thiên Chúa muốn khi chúng ta xin ơn là phải vững tin Ngài sẽ làm chuyện tốt lành đó; nhất là khi đối diện với hòan cảnh tuyệt vọng, con người không còn biết trông cậy vào ai ngọai trừ Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc xin ơn. Trong Bài Đọc I, khi phải đương đầu với thảm họa tòan dân bị tru diệt, hòang hậu Esther đã chạy đến và cầu nguyện với Thiên Chúa: “Thần dân Ngài, xin Ngài giải thoát. Con cô đơn, xin đến cứu giúp con. Lạy Chúa, ngoài Ngài ra, con đâu còn ai nữa!” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo đảm cho các môn đệ: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” 
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 
1/ Bài đọc I: Hoàng hậu Esther xin Đức Chúa cứu dân khỏi đại họa. 
1.1/ Nỗi lo âu kinh hòang của hòang hậu Esther: Bà là một người Do-Thái, nhưng được tuyển chọn làm hòang hậu Ba Tư thay cho Bà Vatti, khi Bà này bị thất sủng vì bất tuân lệnh ra trình diện Vua Ahasuerus. Chú của Bà, ông Mordecai cũng làm quan trong triều, ra lệnh cho Bà phải giấu kín tông tích của mình. Tể Tướng Hannah tức giận với Mordecai, vì ông không chịu sấp mình bái lạy khi ông đi qua - lý do là vì Mordecai chỉ bái lạy một mình Thiên Chúa - nên Tể Tướng âm mưu xin cho được dấu ấn của Nhà Vua để sát hại tòan bộ dân Do-Thái trong vùng.
Bà được chú Mordecai cho biết âm mưu của quan Tể Tướng Hannah, đã xin được dấu Phủ Việt của Vua Ahasuerus để tru diệt tòan bộ người Do-Thái. Mordecai muốn Bà can thiệp để xin tha cho dân, nhưng Bà không biết phải hành động làm sao; vì nếu Bà tự ý vào gặp Vua, Bà sẽ bị tử hình. Nhưng nếu không làm gì, chú Bà và tòan dân sẽ bị tru diệt; và như lời chú Bà cảnh cáo: chưa chắc Bà sẽ được sống an tòan với con sư tử Ahasuerus và Tể Tướng Hannah.
Hoàng hậu Esther khắc khoải âu lo đến chết được, liền tìm đến nương ẩn bên Chúa. Tâm hồn sầu khổ, bà cởi bỏ y phục lộng lẫy, mặc áo tang vào. Thay cho dầu thơm quý giá, bà lấy bụi tro dơ bẩn rắc lên đầu; bà hãm mình phạt xác nhiệm nhặt; thay vì trang điểm trau chuốt, bà để cho tóc xoã rối bời. Bà cầu xin cùng Chúa, Thiên Chúa của Israel: "Lạy Chúa của con, lạy Vua chúng con, Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Này con đang liều mạng, xin đến cứu giúp con. Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài.” 
1.2/ Nhớ lại lịch sử để củng cố niềm tin:
(1) Israel là dân riêng của Thiên Chúa: Tuy hòang hậu sinh ra nơi đất khách quê người, và vì hòan cảnh nước mất nhà tan phải ở với chú; nhưng chú Modercai là người biết kính sợ Thiên Chúa, nên đã dạy Bà về lịch sử của Do-Thái và sự liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Bà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, trong chi tộc của cha ông, từ khi lọt lòng mẹ, con từng được nghe biết là chính Ngài đã chọn Israel giữa muôn ngàn dân tộc, đã tuyển chọn cha ông chúng con giữa mọi bậc tiền bối của các ngài để làm thành gia nghiệp mãi mãi thuộc về Ngài. Ngài thực hiện cho cha ông chúng con mọi điều Ngài đã hứa.”
(2) Cầu xin Thiên Chúa soi sáng: Cầu nguyện là xin ơn khôn ngoan để biết cách giải quyết vấn đề. Tuy Thiên Chúa có thể làm mọi sự mà không cần sự cộng tác của con người; nhưng Ngài muốn con người cộng tác trong kế họach giải thóat của Ngài. Như chúng ta thấy trong trình thuật khi Bà gặp Vua Ahasuerus, Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể làm việc và đổi tâm tính của con người từ bên trong; nhưng hòang hậu Esther phải có can đảm thực thi kế họach từ bên ngòai. Ý thức sự yếu đuối của nữ nhi, Bà xin ơn khôn ngoan và can đảm để thực hiện kế họach: “Lạy Chúa, ngày chúng con gặp gian truân cùng khốn, xin nhớ đến chúng con mà chứng tỏ quyền năng của Ngài. Lạy Vua các thần minh, Đấng thống trị mọi kẻ cầm quyền, xin ban cho con lòng dũng cảm, và dạy con biết nói lời êm tai khi phải ra trước mặt loài sư tử. Xin đổi lòng con sư tử ấy để nó căm thù kẻ chống lại chúng con, khiến cho hắn và quân đồng loã phải tiêu diệt hoàn toàn.” 
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người.  
2.1/ Lời hứa vững vàng của Thiên Chúa với con người: Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” Lý do đơn giản Chúa Giêsu đưa ra: vì Thiên Chúa là cha của mọi người. Đã là Cha, phải quan tâm đến nhu cầu của con cái.
(1) Cha dưới đất: Để làm sáng tỏ vấn đề, Chúa Giêsu đưa ra ví dụ của người cha dưới đất: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?” Chẳng có người cha lành mạnh nào dưới đất dám làm chuyện đó.
(2) Cha trên trời: Ngài kết luận: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” Thiên Chúa không những là Cha Tốt Lành, Ngài còn có uy quyền làm mọi sự; việc Ngài ban điều con cái xin là chuyện hiển nhiên.
Nhưng có phải con người xin bất cứ điều gì Thiên Chúa cũng ban? Điều Thiên Chúa hứa ở đây là phải xin điều tốt lành, chứ không phải xin bất cứ điều gì. Thiên Chúa luôn biết điều gì tốt cho con người vì Ngài biết quá khứ, hiện tại, và tương lai; con người không luôn biết điều gì tốt cho mình, vì con người dễ quên quá khứ, không luôn biết hiện tại, và mù tịt về tương lai. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn khôn ngoan thêm câu “nếu điều đó đẹp ý Chúa” sau khi cầu xin. 
2.3/ Làm điều tốt cho mọi người: Làm con phải giống cha vì “con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh.” Nếu Cha luôn ban mọi ơn lành cho con, con cũng phải rộng tay ban ơn lành cho mọi người. Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Moses và lời các ngôn sứ là thế đó.”
Lý do tại sao chúng ta không rộng tay làm phúc vì chúng ta sợ nếu cứ rộng tay ban ơn, có ngày sẽ hết của để cho; nhưng nếu chúng ta vững tin những gì Thiên Chúa hứa, chúng ta sẽ không bao giờ sợ hết của: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên trời đất và mọi sự trong đó, Ngài không bao giờ hết của để cho. Bàn tay chúng ta quá bé nhỏ để phân phát tình thương của Ngài. 
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 
- Cha của chúng ta không phải là con người tầm thường; Ngài là Thiên Chúa, Đấng dựng nên và điều khiển muôn vật.
- Ngài là Cha giàu lòng thương xót và hứa gì có nấy. Chúng ta hãy tin tưởng những gì Ngài hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.”
- Chúng ta nên cầu nguyện với Thiên Chúa hằng ngày, hằng giờ; nhất là những lúc phải đương đầu với cô đơn và tuyệt vọng, như trường hợp của hòang hậu Esther và trường hợp của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************

 Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta (Mt 7,12)

 Suy niệm: 
Chúa Giêsu dùng hình ảnh những người cha và người con trong gia đình để nói lên tình nghĩa đậm đà giữa Thiên Chúa và nhân loại. Chúa nói: “Nào ai trong các người có con cái xin bánh mà lại cho đá, xin cá cho rắn ư ?” (c.9) và thánh Luca thêm “xin trứng lại cho bò cạp ư ?” (11,12). Con cái đói thì thường xin bánh và bánh phải có cái gì để làm đồ ăn như trứng hay một vài thứ khác… Những thức đó là thường lắm. Tuy nhiên, nếu như có một người cha nào thấy con xin bánh mà cho đá, xin cá cho rắn và xin trứng mà cho bò cạp thì đó là một người cha bất cần, độc ác. Bánh, cá, trứng là thứ ăn được bổ dưỡng, còn đá, rắn, bò cạp ít là theo quan niệm Do thái lúc ấy là những thứ không nhận được.
Vậy nếu như chúng ta là những bậc cha mẹ trần gian không mấy tốt lành so sánh với Thiên Chúa, còn là tội nhân nữa, như vậy mà còn biết đề phòng ngăn ngừa, cho con cái, muốn dành phần tốt nhất cho con cái, muốn con cái “hậu sinh khả úy”, muốn “con hơn cha là nhà có phúc”, muốn tương lai sáng rực cho con cái thì huống chi Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tinh tuyền, Đấng được gọi là nguồn mọi tình phụ tử... lại không biết chọn phần hơn cho con cái mình ư ! Thiên Chúa đã vì tình yêu của Ngài sáng suốt tinh ròng như gà mẹ ấp gà con dưới cánh, như mục tử chân thật đối với đàn chiên (Ga 10), như người già đối với đứa con hoang đàng trở về (Lc 15,11-32). Chúa còn quả quyết rằng tình yêu của Ngài còn hơn người cha người mẹ nữa (Is 49), hay Tv 26 “Dù cha mẹ bỏ rơi con vẫn còn có Đức Chúa trời đỡ nâng”. Ngoài ra Thiên Chúa còn dùng hình ảnh con chim ngoài trời, bông huệ ngoài đồng, sợi tóc trên đầu (Mt 6,26) để bảo đảm cho chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương quan phòng hết thảy rồi.
Điều mà Chúa nhấn mạnh trong bài Phúc âm hôm nay là mối liên hệ giữa chúng ta với Ngài là mối tình phụ tử. Hãy coi trọng gia đình, con cái có thể chạy đến với cha mẹ bất cứ lúc nào để trình bày nhu cầu của chúng. Chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể chạy đến với Chúa bất cứ lúc nào để trình bày nỗi lòng của chúng ta với Ngài. Vâng, khi chúng ta đến với Thiên Chúa, chúng ta ý thức rõ rệt hai nguyên tắc này:
1. Khi chúng ta đến với Chúa hãy chân nhận rằng Ngài là Thiên Chúa Cha tốt lành. Chúng ta đến tâm sự với một người cha hiểu biết và quyền phép. Với một cái nhìn đó, chúng ta mạnh dạn đến với Chúa. Chúng ta không coi Ngài như một vị thần xa cách “kính nhi viễn chi” mà là một người cha thân thiết ruột thịt.
2. Thiên Chúa không bao giờ sai lầm, Thiên Chúa thông minh vô cùng. Trong gia đình chúng ta chỉ cho con cái những gì tốt, đúng và có lợi, dù lúc ấy con cái chưa biết và chưa hiểu ý của người cha mình. Nhưng sau này lớn khôn chúng mới thấy tình thương kia hải hà bao la. Một em bé thích chơi bò cạp là điều cha mẹ không thể cho phép mà còn bị cấm, bị phạt nữa. Lúc ấy chúng không hiểu và còn than phiền chúng ta không tốt, hay không hợp thời với tuổi nhỏ, hay không chịu chơi... Nhưng mà sau khi hiểu ra chúng mới thấy cha mẹ tốt và biết ơn. Vậy thì Thiên Chúa Cha ở trên trời lại không biết dành phần tốt nhất cho con cái mình ư ? (c.11). Vật tốt của tốt là điều Chúa ban cho chúng ta. Chúa không cho điều gì xấu cả. Bất cứ điều gì chúng ta đang có trong ý Thiên Chúa là tốt. Còn nếu chúng ta cho là không tốt thì đó là do ý kiến “trẻ con” của chúng ta mà thôi. Hồi còn bé cứ bị cha mẹ bắt đi ngủ sớm... chúng ta coi đó là một cực hình. Nhưng nay có sức khỏe.
Hãy an tâm đừng trách móc Chúa nữa, Chúa sẽ chọn phần tốt nhất cho ta, những gì có lợi cho ơn cứu rỗi cuối cùng của chúng ta. Hãy cúi đầu thờ lạy ý định ngàn đời của Thiên Chúa dành cho mỗi người trong đời chúng ta.
Cầu nguyện: 
Lạy Cha, tiếng "Cha" thật ngọt ngào khi chúng con được gọi Thiên Chúa là Cha. Chúng con tin Cha yêu chúng con. Chúng con tin Cha lo lắng mọi sự cần thiết cho chúng con. Chúng con xác tín Cha chỉ thực hiện việc thiện và luôn tránh sự dữ xảy đến trên chúng con. Vì thế chúng con chỉ xin thưa một điều như Ðức Giêsu đã thưa với Cha: "Lạy Cha, xin cho ý Cha được thực hiện nhưng đừng theo ý con". Amen.

Suy niệm:  
“Hãy xin thì anh em sẽ được cho, hãy tìm kiếm thì anh em sẽ tìm thấy, 
hãy gõ thì sẽ được mở cho anh em. 
Vì hễ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm kiếm thì sẽ tìm thấy, 
ai gõ thì sẽ được mở cho” (cc. 7-8). 
Biết bao người đã tin vào lời này của Đức Giêsu và đã cầu xin. 
Nhiều người đã được nhận lời, nghĩa là đã được như lòng mình ao ước. 
Nhiều người khác tuy không được điều mình xin, 
nhưng lại được ơn vui vẻ chấp nhận tình trạng của mình, 
ơn nhận ra ý nghĩa của nó, ơn có sức chịu đựng điều không thể chịu đựng nổi. 
Những người này cũng coi là mình đã được nhận lời.
Tuy nhiên, một số người khác vẫn đau khổ vì thấy không được nhận lời.   
Họ xin những điều rất bình thường như có một người yêu, một đứa con… 
Họ xin những điều rất tự nhiên, rất hợp lẽ, 
như cho con bỏ ma túy, cho chồng bỏ vợ bé, cho có công ăn việc làm. 
Bao người Do thái đã cầu nguyện khi 6 triệu đồng bào của họ bị tàn sát. 
Bao người Việt Nam đã cầu nguyện trong cơn bách hại dưới các triều vua. 
Có Chúa không? Chúa ở đâu? Sao Chúa lặng thinh và khoanh tay? 
Chúa có lòng thương xót không? Chúa có toàn năng không? 
Những câu hỏi đớn đau khiến một số người mất đức tin, trở nên vô thần.
Đức Giêsu khẳng định: xin sẽ được cho, tìm thì sẽ thấy, gõ sẽ được mở. 
Thiên Chúa luôn luôn đáp trả mong đợi của con người, 
nhưng không nhất thiết Ngài phải cho con người đúng điều nó muốn, 
vào đúng lúc và theo đúng cách con người muốn. 
Con người phải tập đào sâu và thanh luyện ao ước của mình, 
tập uốn ý mình theo ý của Thiên Chúa. 
Rồi cuối cùng, con người cũng thấy mình được cho, được thấy, được mở. 
Ai kiên trì cầu xin đều thấy mình dần dần được biến đổi.
Thiên Chúa là Cha nhân hậu, chỉ ban cho con cái Ngài những điều tốt. 
Nhưng đâu là điều tốt thật sự? 
Đối với ta, đó là giàu sang, sống lâu, danh tiếng, thành công hay mạnh khỏe. 
Đối với Chúa, không hẳn luôn là như vậy. 
Điều Ngài thấy là tốt, đôi khi ta coi là hòn đá hay con rắn. 
Và ngược lại, điều ta coi là tốt bây giờ thật ra là điều nguy hại mai sau.
Với cái nhìn của người cha, Thiên Chúa biết ta thực sự cần gì. 
Hãy phó thác chuyện đời mình cho tình yêu quyền năng của Ngài, 
dù khi còn sống ở đời này, ta không hiểu hết được tại sao.
Cầu nguyện:
Lạy Cha là Chúa trời đất,
Cha là Cha toàn năng, nhưng Cha lại không phải là nhà độc tài.
Cha không quyết định một cách vô lý và độc đoán.
Cha đã cho con người được chia sẻ tự do của Cha,
và Cha luôn tôn trọng tự do ấy,
dù con người đã lạm dụng tự do để làm điều xấu.
Lạy Cha toàn năng,
khi trao cho loài người chúng con tự do,
Cha đã muốn tự giới hạn phần nào sự toàn năng của Cha.
Bởi đó sự dữ có sức mạnh tung hoành trong thế giới này.
Khi lòng độc ác của một số người đã treo Con Cha lên,
chúng con hiểu Cha có đủ quyền năng để đưa Ngài xuống.
Nhưng Cha đã muốn Con Cha chia sẻ cái chết bất công
của bao người thấp cổ bé miệng.
Và Cha muốn cái chết ô nhục trên thập giá
trở nên dấu chỉ của tình yêu cao nhất, đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Lạy Cha toàn năng và khiêm hạ,
chúng con tin Cha vẫn đang làm việc để phục vụ chúng con.
Cha vẫn trao ban bánh và cá cho nhu cầu hàng ngày.
Cha vẫn mở cửa khi nghe tiếng gõ rụt rè của chúng con.
Chúng con tin vào tình yêu Cha dành cho từng người ngay giữa sóng gió.
Và chúng con biết mình không bao giờ thất vọng.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

BA CHƯỚC CÁM DỖ


Ba chước cám dỗ


Đời tôi là một cuộc chiến đấu triền miên. Chiến đấu vì nhiều mục đích. Mục đích quan trọng nhất là để chọn lựa những gì Chúa muốn.
Những gì Chúa muốn tôi chọn trên đường làm chứng cho Chúa không luôn dễ dàng. Những gì Chúa muốn tôi chọn trên đường truyền giáo càng không luôn nhẹ nhàng.
Chuyện Chúa Giêsu bị cám dỗ trong hoang địa là một khuyến cáo.
1. Gương Chúa Giêsu
Phúc Âm Thánh Luca viết: “Đức Giêsu được đầy Thánh thần, từ sông Giođan trở về, được Thánh thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả. Hết thời gian đó, Người thấy đói. Bấy giờ quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh”. Nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”.
Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, nó chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh quang lợi lộc các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”. Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.
Quỷ đem Đức Giêsu đến Giêrusalem, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì đứng dậy mà nhảy xuống đi. Vì đã có lời chép rằng: ‘Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn’; Lại còn chép rằng: ‘Thiên sứ sẽ ra tay đỡ nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá’. Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.
Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ. (Lc 4,1-12)
Chúng ta có thể thấy: Cả 3 cám dỗ đều nhắm vào quyền lực.
Biến đá thành bánh là quyền lực kinh tế. Chiếm đoạt các nước là quyền lực chính trị. Nhảy từ cao xuống là quyền lực thần thiêng, thắng mọi hiểm nguy, kể cả sự chết.
Cả 3 quyền lực đó có vẻ rất thuận lợi, để làm chứng cho Chúa, và mở rộng đạo Chúa.
Nhưng Chúa Giêsu đã chối từ dứt khoát. Người không coi quyền lực là chiến lược làm chứng cho Chúa và truyền giáo. Dùng quyền lực không là ý Chúa Cha.
Thánh ý Chúa Cha trên đường làm chứng cho Chúa và truyền giáo là:
- Cầu nguyện.
- Sám hối.
- Chay tịnh.
- Yêu thương đến cùng, dù phải chịu chết.
Gương Chúa Giêsu là thế. Gương đó đề cao những lựa chọn theo thánh ý Chúa. Để lựa chọn đúng, Đức Kitô đã phấn đấu. Phấn đấu ấy có những từ bỏ không dễ dàng.
2. Trước gương Chúa Giêsu
Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ trong hoang địa, trước khi Người lên đường rao giảng Tin Mừng. Thiết tưởng, khi ghi lại chuyện đó trong Phúc Âm, Chúa muốn nhắn gởi các môn đệ Người một điều quan trọng. Điều quan trọng đó là:
Suốt đời, trên đường thi hành sứ vụ, người rao giảng Tin Mừng sẽ là người bị ma quỷ theo sát và mời mọc.
Cám dỗ thường xuyên nhất ma quỷ đưa ra sẽ là:
- ham mê tiền bạc, của cải.
- ham mê địa vị, danh vọng.
- ham mê quyền phép phi thường thắng vượt mọi thứ cản trở.
Những cám dỗ đó thường rất ngọt ngào, có vẻ hợp lý, có thể trở thành chiến lược truyền giáo.
Chúa Giêsu biết trước sự yếu đuối mê muội của ta, nên đã nêu gương sáng bằng cách chống lại những cám dỗ đó, thay vào đó là hãy ưu tiên dùng sự cầu nguyện, chay tịnh, sám hối, bác ái đến cùng.
Nhưng, trong chiều dài lịch sử, nhất là hiện nay, không thiếu những người lại chấp nhận 3 cơn cám dỗ của Satan.
Có loại người đón nhận 3 quyền lực mà quỷ đề nghị, chỉ vì động lực mưu tìm tư lợi.
Có loại người đón nhận hoặc cả 3 quyền lực, hoặc từng quyền lực tuỳ theo hoàn cảnh, vì động lực có vẻ đạo đức. Như là để mở rộng Hội Thánh, để chiến thắng những người cạnh tranh về đạo, để làm chứng cho Chúa.
Một khi đã say mê với con đường quyền lực, người ta sẽ dễ ơ hờ với cầu nguyện, sám hối, chay tịnh và bác ái, hy sinh từ bỏ cái tôi của mình.
Nhất là khi con đường quyền lực lại được biện minh bằng những lý do đạo đức, người ta sẽ dễ rơi vào cạm bẫy của Satan. Cạm bẫy của Satan thường rất tinh vi và thâm độc.
Hậu quả cay đắng nhất là họ trở nên cứng lòng trong thói quen sai lầm. Họ bị quỷ xiềng xích trong mưu chước của nó, khó gỡ ra được.
Tôi lo sợ điều xấu ấy xảy ra cho chúng ta. Nên phải luôn khiêm tốn. Khiêm tốn là một phấn đấu cam go. Mỗi ngày có những cám dỗ riêng của ngày đó. Mỗi ngày có những phấn đấu mới hợp cho ngày đó.
Phấn đấu quan trọng nhất là phấn đấu với chính mình, để trở nên con người mới. Nhờ thế, càng ngày càng sáng lên nơi ta hình ảnh của Chúa Giêsu sống động, là Đấng Cứu Thế giàu lòng thương xót.
Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

MỘT VÀI THUẬT NGỮ MÙA CHAY


SÁM HỐI
Lm. Stephano Huỳnh Trụ

1. Có người cho rằng sám hối là từ ngữ của nhà Phật, nhưng Công giáo sử dùng thuật từ này rất phổ biến, chẳng hạn như trong các bài giảng, các linh mục thường kêu gọi mọi người phải sám hối, Mùa Chay là mùa sám hối, bí tích Giao Hoà là bí tích Sám Hối, vv… Như vậy phải chăng khi nói đến sám hối, người Công giáo có cùng một quan niệm về sám hối như bên Phật giáo?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của từ sám hối theo nguyên ngữ của nó, trong quan niệm của nhà Phật và nhìn lại quan niệm của Công giáo về việc sám hối.

2. Nghĩa của từ sám hối.

Sám gồm bộ tâmvà chữ tiêm , chữ tiêm chỉ dùng cho phát âm. Có người giải thích chữ tiêm nguyên thuỷ là hai chữ sơn-cửu 山韭, nghĩa là rau hẹ rừng. Rau hẹ rừng mọc tùm lum, khi một người hối hận về một việc gì thì tâm trí cũng “tùm lum” như rau hẹ rừng, nên có bộ tâm. Thực ra, “sám” là lược âm của tiếng Phạn kṣama, đúng âm là “sám-ma ( )”. Nhiều tác giả [1] cho rằng “sám” đồng nghĩa với “hối”, nghĩa là hối tiếc những việc sai lầm đã qua, nhưng theo ngài Nghĩa Tịnh [2] “sám” nghĩa là khoan thứ hoặc xin được khoan thứ (forgiveness, tolerance) [3]. Từ điển của Gérard Huet [4] cũng cho nghĩa này: “Sám” (dt. kṣamā) (1) Sự chịu đựng ; (2) Tha tội, tha thứ ; (tt. kṣama) (1) Kiên nhẫn, có sức chịu đựng ; (2) Có thể; (3) Chịu đựng được, khoan thứ; (đt. kṣam) (1) Kiên trì, chịu đựng, nâng đỡ ; (2) Cho phép ; (3) Tha thứ, khoan dung với...

Hối có bộ tâmvà chữ mỗi , chữ mỗi dùng cho phát âm, nghĩa là tiếc điều lỗi trước (do bởi từ trong lòng hối hận những lời nói hay việc làm có thiếu sót, nên có bộ tâm). Hối là tiếng thuần Hán, nói đủ là hối-quá ( ), có nghĩa là: dt. (1) Thiếu sót ; (2) Tiếc nuối ; đt. (3) Hối lỗi, thừa nhận lỗi lầm ; (4) Giận ghét ; (5) Chừa cải.

Như vậy, hai chữ “sám” và “hối” không đồng nghĩa với nhau mà chỉ có mối liên hệ gần nhau thôi.

Đại Từ Điển Tiếng Việt giải nghĩa: Sám hối là ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình [5].

3. Quan niệm về sám hối theo Phật giáo.

Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sám giả sám kỳ tiền khiên, hối giả hối kỳ hậu quá: Sám là sám trừ tội trước, hối là hối cải lỗi sau [6]”. Sám hối là tự mình ăn năn, hổ thẹn những lỗi lầm trước đây đã tạo, nguyện sửa đổi không dám tái phạm những lỗi lầm đó nữa. Về mặt từ nguyên, sám hối vốn được sử dụng trong Phật Giáo có nghĩa là thuyết tội (Phạn: āpatti-deśanā) hoặc thuyết ác (Phạn: pāpa-deśanā [5]) , tức là nói lên những lỗi lầm hay việc làm phi pháp của mình, Luật tạng thường gọi là phát lộ.

Cần lưu ý rằng quan niệm về tội trong Phật giáo khác hẵn với Kitô giáo. Chữ “tội” tiếng Phạn là "āpatti", có nghĩa là: cái bị rơi, do động từ “pat”: rơi, đi xuống mà thành. Vì thế, nhà Phật quan niệm tội nhân là người không theo kịp mọi người, bị rơi từ chỗ cao xuống chỗ thấp do phạm phải các điều xấu ác. Cũng như trong một lớp học, phần lớn học sinh theo kịp bài thì cuối năm được lên lớp, còn bên cạnh đó là một số ít không theo kịp nên phải lưu ban hoặc bỏ học. Đối với những người “bị rơi” như thế - tức là những người yếu đuối, sự giúp đỡ từ những người “không bị rơi” là điều rất cần thiết, cho nên họ xưng thú (phát lộ) lỗi lầm của mình trước vị tăng (những người không bị rơi) để cầu xin năng lực nâng đỡ. Nhờ những lời chỉ bảo và đức hạnh của các tăng, ý chí làm lành lánh dữ (thiện pháp) ở trong con người lầm lỗi sẽ được nâng đỡ và tăng cường. Hơn nữa, xét về tâm lý, người phạm tội luôn mang cảm giác hối hận, bứt rứt, khiến cho tâm hồn bất an. Những cảm giác ấy nếu để lâu không giải toả sẽ chuyển thành trạng thái mặc cảm dưới dạng vô thức và tiếp tục ảnh hưởng đến tâm thái của người phạm tội. Việc sám hối (thuyết tội, thuyết ác) như thế trong chừng mực nào đó sẽ giải toả cái tâm lý đang bị dồn nén ấy. Đây chính là ý nghĩa mang tính chữa trị tâm lý của việc sám hối.

Ngoài ý nghĩa chữa trị thuộc lãnh vực tâm lý này, sám hối còn có ý nghĩa tu tập thuộc lĩnh vực tâm linh và là một trong những phấp tu tập khá phổ biến đối với Phật Giáo Đại Thừa, đồng thời cũng là một phương pháp nhằm ngăn ngừa việc tái phạm của 3 nghiệp [8] trong Phật Giáo Nguyên Thủy. Nếu Phật Giáo Đại Thừa chọn 2 ngày 14 hay ngày rằm, ngày 29 hay 30 làm ngày lễ sám hối chung cho hai giới xuất gia và tại gia, thì Phật Giáo Nguyên thủy dùng phương pháp quan sát 3 nghiệp của chính mình làm phương pháp tu tập, có nghĩa là kiểm tra 3 nghiệp đã qua của mình, nghiệp nào trong 3 nghiệp ấy phạm phải sai lầm, người đó cần tìm thầy hay tương đương vị thầy để bộc bạch trình bày lỗi lầm của mình và phát nguyện từ đây về sau không tái phạm lầm lỗi đó nữa.

Tóm lại, trong Phật giáo, sám hối có mục đích chữa trị về tâm lý, tu tập về tâm linh và tuyệt nhiên không mang bóng dáng thần quyền như chúng ta có thể lầm tưởng.

4. Quan niệm về sám hối theo Công giáo.

Công Đồng Trentô định nghĩa: "Sám hối là cảm thấy đau buồn, gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải" [9] . Đau buồn và gớm ghét nhìn về quá khứ, còn quyết tâm chừa cải nhắm tới tương lai.

Sám hối là tâm tình và hành động mà người ta nhìn nhận và cố gắng sửa lại một sai trái để nhận được sự tha thứ nơi người mà họ xúc phạm. Trong ngữ cảnh tôn giáo, sám hối thường chỉ sự ân hận về những tội xúc phạm đến Thiên Chúa. Nó luôn bao gồm sự thừa nhận có tội, và đồng thời bao gồm ít nhất một trong các điều sau: (1) Tuyên hứa hay quyết định không tái phạm; (2) Nổ lực đền bù lại tác hại do tội lỗi gây ra hoặc bằng cách nào đó. (3) Đảo ngược lại những hậu quả tai hại nếu có thể.

Trong Cựu ước, có 2 động từ Hipri được dùng để diễn đạt nghĩa sám hối: (1) Shuv (đt. to turn, to return, quay (Is 6,10), quay trở lại (Tv 51,13), thay đổi và (2) Nicham (đt. to feel sorrow, cảm thấy hối hận). Ý nghĩa căn bản của nó được diễn tả trong trong tiếng Hy Lạp bởi danh từ metanoia, chỉ sự thay đổi (meta) của tư tưởng và tâm hồn (nous).

Trong Tân Ước, có 3 từ Hy Lạp được dùng để diễn đạt nghĩa sám hối: (1) Metamelomai (đt., được dùng 6 lần): Chỉ sự thay đổi tư tưởng, chẳng hạn như có ý hối tiếc hay thậm chí hối hận vì tội, nhưng không nhất thiết có sự thay đổi nội tâm. Chữ nầy được dùng trong trường hợp chỉ sự hối hận của Giuđa Iscariot (Mt 27,3). (2) Metanoeo (đt., được dùng 34 lần): Chỉ sự thay đổi tư tưởng và chủ đích do kết quả của việc nhận thức. (3) Metanoia (dt., cùng gốc với đt. nói trên, được dùng 24 lần): Chỉ sự sám hối thực sự, một sự thay đổi tư tưởng, chủ đích và đời sống theo những đòi hỏi của việc xá tội.

Quan niệm về tội theo Kitô Giáo: Đối với Kitô hữu, Thiên Chúa là cứu cánh tối hậu, là Thiện hảo, là Sự sống, là Hạnh phúc thật của con người. Và tội (1) Là bất tuân lề luật Chúa; (2) Là quay lưng chống lại Thiên Chúa, lấy thụ tạo làm cứu cánh; (3) Là khước từ tình yêu Thiên Chúa và do đó cũng là khước từ tình yêu anh em. Thực vậy, lề luật Chúa không gì khác hơn là sự khôn ngoan của Ngài vạch lối cho con người đi tới chỗ thành tựu đích thực, tội đã bẻ ngoặt con đường dẫn đến hạnh phúc thật của ta là Thiên Chúa, kéo ta lìa xa Chúa, lấy mình làm cứu cánh. Nhưng nếu chỉ có những khoản luật vô tri, vô giác và thực sự bao giờ cũng trừu tượng, sẽ không có tội - hiểu theo nghĩa Công Giáo. Cho nên câu định nghĩa thứ ba đưa ta vào sâu trong bản chất của tội hơn cả: Tội luôn luôn là chống lại Thiên Chúa: "Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa" (Tv 50), tội luôn luôn đụng tới những quan hệ liên vị, liên chủ thể: Tội làm ta đoạn tuyệt với Thiên Chúa và đồng thời cũng chia rẽ ta với anh em.

Vậy, khi ta hướng nhìn về Chúa Tình Thương để nhận ra tội lỗi của mình, ta sẽ có thể thấy hết tầm mức ghê tởm của tội lỗi nhưng đồng thời chúng ta cũng sẽ biết sám hối ăn năn, thay vì tự dày vò mình trong mặc cảm tội lỗi không lối thoát. Mặc cảm tội lỗi chỉ là một trạng thái tâm lý không có đối tượng rõ rệt nhưng rất khắc nghiệt; còn tâm tình sám hối phát sinh từ một nhận thức đúng về thực trạng của mình trước mặt Thiên Chúa, thì giải phóng cõi lòng tội nhân.

Quan niệm về sám hối theo Công giáo bao gồm: (1) Sự nhận biết đích thực về hành vi và tình trạng phạm tội của chính mình. (2) Nhận thức về lòng thương xót của Chúa nơi Đức Kitô. (3) Thật lòng ghét bỏ mọi tội lỗi (Tv. 119, 128; G 42,5-6; 2Cr 7,10) và quay về với Chúa; Và (4) Kiên trì cố gắng theo đuổi một cuộc sống thánh thiện theo đường lối Chúa bằng cách tuân giữ các giới răn của Chúa. Lòng sám hối thực sự là sự nhận thức về tội (Tv 51,4.9), về sự nhơ uế của tội (51, 5.7.10) và sự bất lực của bản thân (51,11; 109,21.22). Như vậy, hối nhân nhận ra mình như Chúa vẫn nhìn thấy và muốn kẻ ấy như thế. Nhưng ý thức sám hối không duy chỉ là một sự cảm nhận về tội mà thôi, nhưng còn là sự cảm nhận về lòng thương xót, thiếu yếu tố này thì không thể có lòng sám hối thưc sự được (51,1; 130,4). Trong ngôn ngữ thần học, sám hối cũng hàm chỉ việc trở lại (metanoia) của tội nhân (Mt 8,2; 4,17) về với Chúa trong đức tin, cậy, mến nhờ ơn Chúa giúp và tình thương tha thứ của Thiên Chúa.

Tóm lại, trong Công giáo, sám hối không phải là sự tự cứu thoát mình, mà là một tác động hỗ tương giữa Thiên Chúa và tội nhân: Ơn Chúa kêu gọi và tội nhân thật tình đáp lại. Tình thương Chúa đã thắng tội lỗi.

5. Nhận xét và tạm kết.

Ngày xưa, cha Đắc Lộ cho rằng: "Sám hối là sự mê tín của người lương dân làm để được tha tội; bởi lẽ là họ dâng cho tượng thần vật gì để các vị tế lễ ăn, và như vậy họ được các vị ấy xá tội cho" [10], nên ngài đã không dùng từ sám hối để dịch từ contritio hay pænitentia trong La ngữ, mà dùng chữ "hối tội, ăn năn tội [11]"   hoặc "cới tội" [12]. Cho đến thời cha Cố Chính Linh, cũng chưa thấy ngài dùng từ sám hối: "Bay hãy ăn năn đền tội, vì nước thiên đàng đã gần đến" (Mt 3,2) [13].

Nhưng ngày nay, từ sám hối đã đi vào kho tàng ngôn ngữ Việt Nam, hoà nhập vào tiếng nói của toàn dân. Có lẽ mọi người Việt đều hiểu sám hối như các từ điển lớn của Việt Nam giải nghĩa là "ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình" [14], "hối hận vì đã mắc lỗi và mong sửa chữa" [15], cho nên người Công giáo cũng đã sử dụng thuật từ này trong đời sống đức tin của mình.

Tuy nhiên khi sử dụng, chúng ta cần lưu ý là từ này có nguồn gốc từ Phật giáo, khi đặt trong ngữ cảnh Công giáo thì ý nghĩa, nội dung của thuật từ này khác hẳn với quan niệm của anh em Phật giáo.

_________________________________________

Ghi chú
[1] x. Sách tham khảo (Đoàn Trung Còn, Thích Minh Châu - Minh Chi, Lê Ngọc Trụ: tr. 740).
[2] Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713) là vị cao tăng thời nhà Đường, ông cùng với Cưu Ma La Thập (Phạn: Kumārajīva, 鳩摩羅什, 344-413), Chơn Đế (Phạn: Paramārtha, Nhật: Shindai, 眞諦, 499-569) và Huyền Tráng (玄奘, 602-664), được xem như là 4 nhà phiên dịch vĩ đại trong văn học Phật Giáo Trung Quốc.
[3] x. Hướng Thiên, Tìm hiểu về sám hối, trong TẬP SAN PHÁP LUÂN, PL.2548, Số 8, tháng 10 năm Giáp Thân (2004).
[4] Gérard Huet, HÉRITAGE DU SANSKRIT, DICTIONNAIRE SANSKRIT- FRANÇAIS, 1994, tr. 130.
[5] Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999.
[6] Thích Thanh Từ, KINH PHÁP BẢO ĐÀN GIẢNG GIẢI, nxb. TP.HCM, tái bản lần III, TP.HCM, 1999, tr. 96.
[7] John Bowker, THE OXFORD DICTIONARY OF WORLD RELIGIONS, Oxford University Press, 1997, tr. 230.
[8] "Nghiệp" là hành động, được chia làm ba loại: (1) Hành động của thân (thân nghiệp): gồm những động tác đi, đứng, nằm, ngồi và tất cả những động tác khác của tay, chân và thân thể (kể cả ăn uống và xúc chạm). (2) Hành động của miệng (khẩu nghiệp): gồm mọi lời nói và âm thanh do miệng lưỡi phát ra. (3) Hành động của ý (ý nghiệp): gồm mọi tư tưởng phát xuất từ tâm ý.
[9] "Contritio, quae primum locum inter dictos paenitentis actus habet, animi dolor ac detestatio est de peccato commisso, cum proposito non peccandi de cetero" (DZ.1676).
[10] Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM - LUSITAN - LATINH (TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA), Roma, 1651. Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991, P.II, tr. 200.
[11] Alexandre de Rhodes, sđd, P.I, tr. 334: pænitentia peccatorum cum petitione venix.
[12] Cới tội = cải hối. cf. Dict Hue: "cới, chừa cới: s'amender", xem trong: PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY, NGÀY THỨ TÁM của Alexandre De Rhodes, in trong GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ TÁC PHẨM CHỮ QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN của Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm, nxb. Tinh Việt Văn Đoàn, Saigon, 1961, tr.186: "Nhân vì sự ấy Đức Chúa trời có định ngày phán xét chung, mà nói ra cùng người ta ngày sau có phán xét chung ấy, cho kẻ chẳng tránh tội vì phải kính dái Đức Chúa trời, ít là cới tội vì dái xấu hổ, khi đã hay các tội mình, dẫu kín, ngày sau thì tỏ ra trước mặt cả và thiên hạ".
[13] Albertus Schlicklin, KINH THÁNH - CỨ BẢN VULGATA, Imprimerie de la Société des Missions-Étrangères, Hong Kong 1913-1916. Mt 3,2: "Pænitentia agite, appropinquavit enim regnum caelorum". Bản dịch của Nhóm CGKPV, 1998: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần".
[14] x. Nguyễn Như Ý (chủ biên), sđd.
[15] Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 2000.
______________________________________________

Tham khảo
1.         Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM - LUSITAN - LATINH (TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA), Roma, 1651. Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991.
2.         Albertus Schlicklin, KINH THÁNH - CỨ BẢN VULGATA, Imprimerie de la Société des Missions-Étrangères, Hong Kong 1913-1916.
3.         Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm, GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ TÁC PHẨM CHỮ QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN, nxb. Tinh Việt Văn Đoàn, Saigon, 1961.
4.         Thích Minh Châu, Minh Chi, TỪ ĐIỂN PHẬT HỌC VIỆT NAM, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1991.
5.         Đoàn Trung Còn, PHẬT HỌC TỪ ĐIỂN, in lần thứ..., nxb. TP.HCM, TP.HCM, 1992.
6.         Lê Ngọc Trụ, TẦM NGUYÊN TỪ ĐIỂN VIỆT NAM, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 1993.
7.         John Bowker, THE OXFORD DICTIONARY OF WORLD RELIGIONS, Oxford University Press, 1997.
8.         Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999.
9.         Thích Thanh Từ, KINH PHÁP BẢO ĐÀN GIẢNG GIẢI, nxb. TP.HCM, tái bản lần III, TP.HCM, 1999.
10.       TẬP SAN PHÁP LUÂN, Số 8 - tháng 10 năm Giáp Thân, PL.2548, Tu Thư Phật Học, 2004.
11.       Gérard Huet, HÉRITAGE DU SANSKRIT, DICTIONNAIRE SANSKRIT-FRANÇAIS, Version 228, 28/06/2008.



 TRAI TỊNH HAY CHAY TỊNH ?
Lm. Stephano HUỲNH TRỤ
1. Có người hỏi tôi tại sao có người nói “trai tịnh”, có người lại nói là “chay tịnh”. Vậy từ nào đúng hơn? Trước khi trả lời, chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa của hai từ này.
2. Trai tịnh: Trai tịnh chữ Hán viết là 齋淨.
2.1. Trai: Chữ (trai) gồm có chữ (tề) và chữ (thị) [1]. Chữ tề () xưa cũng đọc là trai, nay ở đây có nghĩa là chuyên tâm. Chữ (thị) được tạo thành bởi hai chữ (là chữ thiên (cổ), đọc là thiên, không phải chữ nhị ) và [2] (là ba gạch thẳng xuống tượng trưng cho nhật, nguyệt và tinh tú, không phải chữ tiểu ), nghĩa là nhìn về trời để biết được những việc thay đổi của thời cuộc. Chữ (thị) chỉ việc của thần, của trời. Cho nên tất cả các chữ Hán có liên quan đến thần đều có bộ (thị).
Chữ trai () có những nghĩa này: đt. (1) Tắm rửa sạch sẽ, không ăn thịt cá, kiêng uống rượu, kiêng phòng sự, ăn thức ăn thực vật để phụng sự thần hay Phật, còn gọi là trai giới. (2) Rước nhà sư tới nhà mở lễ giỗ: trai chủ. (3) Dâng thức ăn cho nhà sư khất thực: thí trai; (4) Lập đàn cầu cúng: trai tiếu. dt. (1) Nhà sư ăn cơm trước buổi trưa. (2) Phòng riêng của học trò độc thân hay của nhà tu: thư trai. (3) Nhà riêng để ở trong lúc sắp tế lễ.
Trai theo chữ Nôm có nghĩa: dt. (1) Người đàn ông trẻ tuổi. (2) Người thuộc nam giới: Bác trai. (3) Hạt châu: Ngọc trai. (4) không biết xấu hổ: Trai lơ. (5) Sò mang vỏ có xà cừ: Trai lệch mồm (6) Âm hộ (tiếng bình dân): Cái trai.
Có người phân biệt ý nghĩa trai () và giới () [3]: Giữ tâm hồn trong sạch gọi là trai (), phòng ngừa tai hoạn gọi là giới (); ăn chay ba ngày gọi là trai (), ăn chay bảy ngày gọi là giới ().
2.2 Tịnh có những chữ Hán này: , , , , , , . Trong từ trai tịnh, chữ tịnh là . Chữ này nghĩa là: dt. (1) Đất của Phật: Tịnh độ (thổ ). đt. (2) Làm sạch. (3) Thiến. tt. (4) Sạch sẽ. (5) Hư vô.
2.3 Trai tịnh nghĩa là giữ mình trong sạch cả về tâm hồn lẫn thể xác để chuẩn bị tế tự, thờ thần kính Phật, để tỏ lòng khiêm nhường với thái độ lệ thuộc và phó thác hoàn toàn trước thần Phật.
3. Chay tịnh
3.1 Chay: Theo giáo sư Lê Ngọc Trụ [4] trường hợp tiếng Hán Việt chuyển ra tiếng Nôm khi âm khởi đầu đã đổi thì đa số vận ai đổi ra ay, như: đại > thay; hài > giày; sái > rảy; trai > chay; trái > vay... Như vậy chữ chay là do chữ trai chuyển sang nên chay (Nôm) đồng nghĩa với trai (Hán Việt).
Vậy chữ trai đồng nghĩa chữ chay, chỉ có khác biệt ở chỗ người ta chỉ nói ăn chay mà không nói ăn trai.
3.2. Chay tịnh: đồng nghĩa với trai tịnh, nhưng từ chay tịnh liên kết một chữ Nôm và một chữ Hán, còn từ trai tịnh thì hai chữ đều là chữ Hán.
Sách Phụng vụ các giờ kinh dùng thuật từ trai tịnh [5], còn Điển ngữ Thần học Thánh kinh thì dùng thuật từ chay tịnh [6]. Hai cách dùng đều được mọi người chấp nhận.
4. Việc ăn chay phổ biến từ rất lâu đời trong các tôn giáo. Mỗi tôn giáo có quan niệm riêng về việc ăn chay và do đó có cách thức giữ chay khác nhau. Với Kitô giáo [7], qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa, vì lúc không sử dụng lương thực Thiên Chúa ban, con người cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực mình: chay tịnh để tự hạ trước Thiên Chúa (xc. Tv 34,13; 68,11; Đnl 8,3). Ăn chay là muốn bày tỏ cùng Thiên Chúa rằng: nếu không có Chúa, chúng ta không thể làm được gì; trong giây phút ta muốn cầu khẩn Chúa một việc quan trọng (xc. Tl 20,26; 2Sm 12,16-22; Edr 8,21; Et 4,16), nhất là để nhìn nhận mình là tội nhân và qua việc nhìn nhận thực lòng tính cách hư vô của mình, con người khẩn cầu Chúa thứ tha (1V 21,27; Đn 9,3). Chay tịnh thân xác chỉ có ý nghĩa khi đi đôi với một sự kiêng giữ hay xa tránh tội (xc. Is 58,1-12), nói khác đi, chay tịnh chỉ là hình thức bên ngoài (Mt 5,16-18).
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã từng chay tịnh để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa hoặc chuẩn bị thực hiện công trình cao cả với Thiên Chúa. Như ông Môsê và ông Êlia, Chúa Giêsu đã chay tịnh 40 đêm ngày trong sa mạc (Mc 4,1; Xc. Xh 24,18; 34,28; 1V 19,8), trước khi công bố Luật mới trong bài giảng trên núi. Tuy nhiên Chúa Giêsu cho thấy rằng chay tịnh tự nó chỉ có giá trị tương đối với các môn đệ, những người được mời tham dự bữa tiệc của Đấng Thiên Sai, thì chay tịnh nói lên thái độ sốt sắng đợi chờ Tân lang, tức là Đức Kitô (Mt 9,14-15).
Chay tịnh của Hội thánh vào ngày thứ Tư lễ Tro và ngày thứ Sáu Tuần Thánh nói lên ý muốn đền tội và từ bỏ tội lỗi, đó cũng là một sự chuẩn bị đón mừng lễ Phục Sinh. Chay tịnh Thánh Thể được giới hạn một giờ trước khi rước lễ - 15 phút đối với các bệnh nhân - chủ yếu đây là một cử chỉ tôn kính, là sự chuẩn bị đón nhận chính Chúa Kitô trong bí tích, làm hiện thực công trình yêu thương tuyệt diệu của Chúa.
--------------------
Ghi chú:
[1] Trung Chánh hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển, trang 45.
[2] Sđd, tr. 1142.
[3] Sđd, tr. 45.
[4] Lê Ngọc Trụ, VIỆT NGỮ CHÁNH TẢ TỰ VỊ, tái bản lần 1, Khai trí, Sài Gòn, 1972, tr. XIX.
[5] CGKPV xuất bản năm 1995, tr. 377.
[6] Do Giáo Hoàng học viện Piô X, Đà Lạt xuất bản năm 1973, qu. 1, tr. 210.
[7] Dom Robert Le Gall, DICTIONAIRE DE LITURGIE, 1982.
---------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Hình Âm Nghĩa Tổng Hợp Đại Tự Điển, Đài Loan, 1970.
2. Hán Việt Từ Điển, Đào Duy Anh Nxb Trường Thi, Sài Gòn, 1957.
3. Từ Điển Hán Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, Nxb TP.HCM, TP.HCM, 2002.
4. Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị, Lê Ngọc Trụ, tái bản lần 1, Khai trí, Sài Gòn, 1972,
5. Từ Điển Việt Nam, Lê Văn Đức, Sài Gòn, 1970.
6. Từ Điển Tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, Nxb Đà Nẵng, 2004.
7. Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Lm. Antôn Trần văn Kiệm, 2004.
8. Quốc Ngữ Hoạt Dụng Từ Điển, Đài Loan, 2004.
9. Từ điển Hán Việt, Trung Quốc, 1994.

GIỮ CHAY VÀ ĂN CHAY :
Lm. Stephano Huỳnh Trụ
1. Tháng 3 năm 2007, tôi có viết một bài giải thích hai thuật từ trai tịnh và chay tịnh, nay có người lại hỏi tôi có gì khác biệt giữa thuật từ “giữ chay” và “ăn chay”. Hai thuật từ này dùng rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, mà chúng ta ít để ý đến ý nghĩa khác biệt của nó. Vậy chúng ta tìm hiểu xem hai thuật từ này đồng nghĩa hay khác nghĩa.
2. Tìm hiểu việc ăn chay, giữ chay trong vài tôn giáo
2.1 Phật Giáo:
Theo quan điểm bình dân, Phật tử ăn chay là vì muốn tránh quả báo luân hồi. Theo thuyết luân hồi, con người sau khi chết bị đày xuống địa ngục, sẽ bị đẩy làm ngã quỷ (ma đói), sau khi hối cải sẽ được làm súc sinh (loài vật), cuối cùng đầu thai trở lại làm người theo bánh xe luân hồi. Do đó, tu sĩ Phật Giáo hay nhiều Phật tử có thói quen ăn chay trường, tức là không ăn thịt và những thức ăn có máu, vì có thể sẽ ăn thịt người thân của mình trong kiếp súc sinh. Những ngày 1, 14, 15 và 30 âm lịch được coi là ngày mở cửa âm phủ, các linh hồn được tự do, những ngày đó Phật tử thường ăn chay [1].
Thực ra, trong Phật Giáo có hai trường phái chủ trương ăn chay khác nhau. Phật giáo Nam Tông, vì muốn giữ truyền thống khất thực của Đức Phật, thời Phật giáo Nguyên thủy, cho nên phái này chủ trương ăn chay theo cách ‘tam tịnh nhục’, nghĩa là những loại thịt nào mà mình không thấy người ta giết, không nghe tiếng kêu la của loài thú bị giết, hay không có sự nghi ngờ nào người khác vì mình mà giết, những loại thịt đó thì tỳ kheo được thọ dụng, không phạm giới. Thế nhưng, Phật giáo Bắc Tông (Đại Thừa ở Trung Quốc) thì không chấp nhận cách ăn chay này, họ quan niệm rằng ăn chay là không được ăn thịt cá, chỉ ăn các loại rau đậu…
Tuy nhiên, dù Nam Tông hay Bắc Tông, mục đích của việc ăn chay là nhằm tăng trưởng lòng từ bi, giảm bớt lòng sân hận, bằng cách tu tập không sát sinh, biết thương yêu người đồng loại và ngay cả các loài vật khác. Khi đã có lòng từ bi, không nỡ giết loài cầm thú, thì người ấy khó có thể giết người. Đó là lý do tại sao đức Phật đưa ra giới cấm: ‘không được sát sinh’. Giới này cũng chính là nhân tố để hình thành quan điểm ăn chay trong đạo Phật.
2.2 Hồi Giáo:
Người Hồi giáo ăn chay vào khoảng tháng 9 (lịch Hồi giáo, gọi là tháng Ramadan). Trong tháng này, khi còn ánh sáng mặt trời, họ không được ăn và uống, đến đêm thì mới ăn. Cũng trong tháng này, con người phải tha thứ và sám hối, vợ chồng không được gần nhau vào ban ngày nhưng ban đêm vẫn có thể ân ái với nhau. Trẻ em và phụ nữ có mang không phải thực hiện Ramadan.
Đối với Hồi giáo: Ăn chay là "nhịn ăn, nhịn uống trước rạng đông đến hoàng hôn và quyết tâm diệt trừ những ham muốn tầm thường, chế ngự được sự đói khát, đè nén được dục vọng là làm chủ được thể xác, không còn bị nó sai khiến. Khi kềm chế được dục vọng là tinh thần tự giải thoát, ý chí được tự do, tâm hồn thanh thản, đây là điều kiện cần cho việc tịnh tâm, cầu nguyện và giúp thăng tiến về mặt tâm linh... "Ăn chay" là chấp nhận quy phục Allah, mọi giai tầng trong xã hội đều phải tuân thủ như nhau: Vua, quan, sĩ, nông, công, thương, binh, đều phải nhịn ăn đúng giờ, xả chay đúng giờ quy định... Hành động này thể hiện sự bình đẳng của nhân loại trước Allah."
Như vậy, mục đích việc ăn chay trong Hồi giáo là để chế ngự những ham muốn tầm thường, làm chủ bản thân, thăng tiến tinh thần.
2.3. Công Giáo:
Đối với người Công Giáo, chay tịnh là một trong ba hành vi được khuyên làm nhiều nhất trong đạo (cùng với việc cầu nguyện và bố thí), tín hữu giữ chay để biểu lộ lòng sám hối, ăn năn, tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Việc chay tịnh bao gồm nhịn ăn (jejunium [2]) và kiêng ăn (abstinentia [3]) mà chúng ta quen gọi là "ăn chay" và "kiêng thịt".
- Việc nhịn ăn (ăn chay): Trong ngày chay chỉ được ăn một bữa no (chọn bữa nào cũng được), còn những bữa khác chỉ được ăn chút ít để bụng còn đói. Trong ngày chay không được ăn vặt như kẹo, bánh v.v,...
- Việc kiêng ăn (kiêng thịt): Cấm ăn thịt loài máu nóng (heo, bò, gà, vịt…) bao gồm thịt và tất cả những thứ khác như tim, gan, lòng... Nhưng được dùng các nước thịt và các đồ ăn có pha chất thịt, như cháo nước thịt. Được ăn cá và loài máu lạnh (như ếch, rùa, sò, cua, tôm). Ngày kiêng thịt cũng được phép dùng trứng và các sản phẩm từ sữa như bơ và phó mát [4]...
Qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa, vì lúc không sử dụng lương thực Thiên Chúa ban, con người cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực mình: chay tịnh để tự hạ trước Thiên Chúa (xc. Tv 34,13; 68,11; Đnl 8,3) [5].
Ngoài việc nhịn ăn và kiêng ăn nói trên, người thực hành việc chay tịnh còn phải tránh xa tội lỗi và dục vọng, như gương của Chúa Giêsu “giữ chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4, 2) và thánh Luca nói rõ hơn “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả” (Lc 4, 2).
Ý nghĩa đầu tiên và cụ thể nhất của giữ chay là chế ngự : không ăn hoặc ăn ít hơn bình thường. Giữ chay không chỉ là một sự chế ngự có tính cách bên ngoài, nhưng còn phải xuất phát tự trong lòng. Nó phải được kèm theo một sự thay đổi lớn lao trong đời sống.
3. Nghĩa chữ ăn, giữ và chay:
3.1. Ăn (chữ Nôm: ) : đt. (1) Đưa thực phẩm vào bao tử: Ăn cháo đá bát (không nhớ ơn), ăn chay (tránh dùng thịt cá và ngũ huân); (2) Đi kiếm thức ăn hoặc lợi nhuận: Ăn mày, ăn xin, ăn bám, ăn hại, ăn lương; (3) Thắng cuộc: Ăn con xe, ăn giải nhất, ăn non (vội rút lui khỏi cuộc đỏ đen sau khi chiếm được thắng lợi, vì sợ sắp tới vận xui); (4) Thích hợp tiếp nhận: Ăn cánh, ăn khách, ăn ảnh; (5) Thoả thuận: Ăn chịu, ăn gánh (ưng thuận gia nhập hội đoàn và đóng góp cho hội đoàn), ăn giá (số tiền được thỏa thuận giữa kẻ mua người bán); (6) Vui hưởng, ăn uống nhân một dịp gì: Ăn chơi, ăn diện, ăn Tết; (7) Nam nữ sống chung: Ăn nằm, ăn ngủ, ăn ở; (8) Thấm vào, dính vào, lan rộng ra: Giấy ăn mực, keo dán không ăn, ăn nên làm ra (công việc làm ăn có phần hanh thông), nước ăn chân (chân ngâm nước lâu bị hư da); (9) Lối cư xử và sinh sống: Ăn cháo đá bát (vô ơn bạc nghĩa), ăn cơm nhà vác ngà voi (làm công vụ mà không được lợi lộc gì); (10) Ngang với, giá trị tương đương: một đô la Mỹ ăn mười bảy nghìn đồng.
3.2. Giữ (chữ Nôm: , , ) : đt. (1) Cầm chắc trong tay, không để mất mát: Nắm giữ đầu dây; (2) Để cạnh mình, trong mình và quan tâm đến cho khỏi mất, khỏi chuyển sang người khác, khỏi thay đổi: Giữ chìa khoá; giữ hành lý, giữ độc quyền; (3) Làm cho dừng, ngừng lại, ở lại: Đắp bờ giữ nước; (4) Cản trở sự thay đổi: Giữ giá, giữ trật tự; (5) Hành động cách thận trọng, đề phòng thiệt thòi tai hại: Giữ kẽ (cư xử e dè trước người lạ), giữ ý (không dám nói cho hết tư tưởng thầm kín), giữ vệ sinh; (6) Đảm nhiệm một công việc hay chức vụ: Giữ chức giám đốc; (7) Tuân thủ theo yêu cầu của một công việc, trung thành với một niềm tin: Giữ đạo, giữ vững lập trường.
3.3. Chay (chữ Nôm , ): Trong bài “Trai tịnh hay chay tịnh” năm 2007 tôi đã phân tích chữ chay, chữ này là do chữ trai (, Hán Việt) chuyển sang, nên chay đồng nghĩa với trai. Chay nghĩa là: (1) Kiêng ăn vì lý do tôn giáo: Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối; (2) Kiêng thịt cá và ngũ huân (5 món : nồng hành, tỏi, hẹ, kiệu, ngò) vì lý do tôn giáo: Ăn chay trường; (3) Mời nhà sư tới cầu kinh cho người chết: Lập đàn chay; (4) Cây cho trái ngọt và mềm lại cho vỏ dùng để ăn trầu: Trái chay, vỏ chay; (5) Dầu thảo mộc dùng làm keo khi khô rất cứng: Trát dầu chay (hay đọc ra chai).
4. Nghĩa từ ăn chay, giữ chay:
4.1. Ăn chay vốn là một từ bên Phật Giáo và đã được cha Alexandre de Rhodes giảng trong Từ điển Annam - Bồ Đào Nha - Latinh như sau: "Ăn chay. Đích thực có nghĩa là kiêng thịt và cá, nhưng bây giờ để chỉ sự ăn chay của những Kitô hữu. Ăn chay (jejunium) có nghĩa là giới hạn lượng lương thực được ăn vào những ngày cụ thể. Còn kiêng cữ (abstinentia) có nghĩa là từ bỏ một thức ăn khoái khẩu như thịt, cá, tôm…"
Ăn chay, theo nghĩa hẹp, là ăn uống có kiêng cử (Ví dụ: kiêng ăn thịt cá... đối với Phật tử, kiêng ăn ngoài bữa và giảm lượng thức ăn... đối với người Công Giáo, kiêng ăn uống ban ngày đối với người Hồi Giáo).
Ăn chay, theo nghĩa rộng, là thực hành việc khổ chế bằng cách kiêng cử không chỉ về món ăn thức uống mà còn cả những phương tiện hưởng thụ và thỏa mãn khác [6]. Theo nghĩa này thì "ăn chay" không chỉ là việc ăn uống mà còn là một thái độ (tinh thần thống hối), một lối sống (khiêm cung, từ bỏ những thú vui chính đáng) nhằm biểu lộ lòng thống hối, tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô (theo Công Giáo) - mà ta quen gọi là "giữ chay".
4.2. Giữ chay là tuân thủ những yêu cầu về việc chay tịnh, giữ chay bao hàm ý nghĩa rộng hơn là ăn chay (theo nghĩa hẹp). Tương tự như khi chúng ta nói bổn phận "giữ ngày Chúa Nhật" thì rộng nghĩa hơn là bổn phận "dự (xem) lễ ngày Chúa Nhật" [7].
5. Kết luận
Thuật từ giữ chay là thuật từ riêng biệt của người Công Giáo, ngoài từ điển Công Giáo, các từ điển ngoài đời hầu như không có thuật từ này và nó cũng đúng với ý nghĩa của việc chay tịnh của người Công Giáo.
Mặc dù ăn chay có nghĩa rộng như đã nói trên, nhưng trong một số trường hợp, chúng tôi thấy nên dùng chữ giữ chay thay cho ăn chay thì thích hợp hơn, thí dụ:
- “Hôm ấy họ ăn chay cho đến chiều. Rồi họ dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an lên trước nhan Đức Chúa” (Tl 20, 26).
- “Họ cử hành tang lễ, khóc lóc và ăn chay cho đến chiều để tỏ lòng thương tiếc vua Sa-un” (2Sm 1, 12).
- “Khi nghe những lời ấy, vua A-kháp xé áo mình ra, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não” (1 V 21, 27).
- “Xin cha cứ đi tập hợp tất cả những người Do-thái ở Su-san lại. Xin bà con ăn chay cầu nguyện cho con. Suốt ba ngày đêm, đừng ăn uống gì cả. Con và các cung nữ cũng sẽ làm như thế.” (Et 4, 16).
- “Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói.” (Mt 4, 2).
-Chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian, và việc đi biển từ nay thật nguy hiểm, vì ngày ăn chay đã qua rồi.” (Cv 27, 9).
Cũng theo nghĩa này mà chúng ta thấy trong bản tiếng Việt Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1997) dùng chữ "giữ chay" thay vì "ăn chay" [8].
-------------------------------------------------
Ghi chú:
[1] 
http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%82n_chay.
[2] Jejunium: (1) Chay = jẻne ; (2). Đói = faim; (3). Tính chất đất khô chồi = stérilité.
[3] Abstinere : (1) Kiêng, giữ; (2) Giữ xa, giữ khỏi.
[4] Lưu ý: Tuổi giữ chay: Từ 18 tuổi trọn đến hết 59 tuổi ; Tuổi kiêng thịt: Từ 14 tuổi trở lên ; Ngày buộc giữ chay và kiêng thịt : Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.
[5] Xem Bài Giảng Chúa Nhật số 3-2007.
[6] "Fasting means self-mastery; it means being demanding with regard to ourselves; being ready to renounce things—and not just food—but also enjoyment and the various pleasures" (Sứ Điệp Mùa Chay 1979 của ĐTC Gioan Phaolô II, Số 2).
[7] "Điều răn thứ nhất: Vào các Chúa nhật và các ngày lễ buộc, các tin hữu buộc phải tham dự thánh lễ và tránh tất cả những công việc tự bản chất ngăn trở việc thánh hóa những ngày ấy." (Sách Giáo Lý HTCG số 2042).
[8] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Ban Giáo Lý GP.TPHCM, 1997: Số 575, 1387, 1430, 1434, 2043, 2742.
-------------------------------------------------
Tham khảo.
1. Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1999.
2. Hoàng Phê (chủ biên, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Viện Ngôn Ngữ Học, nxb Đà nẵng, Hà Nội-Đà Nẵng, 2005.
3. Thiều Chửu, HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN trên mạng :
http://pagesperso-orange.fr/dang.tk/langues/hanviet.htm.
4. Lê Văn Đức, TỰ ĐIỂN VIỆT NAM, nhà sách Khai Trí, Saigon, 1970.
5. Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM-LUSITAN- LATINH (thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La), nxb Khoa Học Xã Hội, Tp. HCM, 1991.

10. Phật học từ điển, tập 3, Đoàn Trung Còn, 1967.