Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

THỨ HAI TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Hai sau Chúa Nhật 6 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) St 4, 1-15. 25
"Cain xông vào giết Abel em mình".
Trích sách Sáng Thế.
Ađam ăn ở với vợ là Evà; bà mang thai, sinh ra Cain, và nói rằng: "Nhờ ơn Chúa, tôi sinh được người con". Bà sinh ra Abel là em. Abel thì chăn chiên, còn Cain thì làm ruộng. Sau một thời gian, Cain lấy hoa trái đồng ruộng dâng lên cho Chúa. Abel cũng bắt các con vật đầu đàn và lấy mỡ mà dâng lên cho Chúa. Chúa đoái nhìn đến Abel và của lễ ông dâng. Còn Cain và của lễ của ông, thì Chúa không nhìn đến, nên Cain quá căm tức và sụ mặt xuống. Chúa nói với Cain: "Tại sao ngươi căm tức, tại sao ngươi sụ mặt như thế? Nếu ngươi làm lành, sao ngươi không ngẩng mặt lên; còn nếu ngươi làm dữ, thì tội đã kề ở cửa ngươi. Lòng ganh tị thúc đẩy ngươi, ngươi phải chế ngự nó".
Cain nói cùng em là Abel rằng: "Chúng ta hãy ra ngoài". Và khi hai anh em đã ra tới đồng, thì Cain xông vào giết Abel em mình. Chúa phán cùng Cain rằng: "Abel, em ngươi đâu?" Cain thưa: "Tôi đâu có biết! Tôi có phải là người giữ em tôi đâu?" Chúa phán: "Ngươi đã làm gì? Tiếng máu em ngươi từ đất kêu thấu đến Ta. Bây giờ, ngươi bị chúc dữ trên phần đất đã mở miệng hút máu em ngươi do tay ngươi làm đổ ra. Khi ngươi trồng tỉa, đất sẽ không sinh hoa trái cho ngươi. Ngươi sẽ đi lang thang khắp mặt đất". Cain thưa cùng Chúa rằng: "Tội ác tôi quá nặng nề, đâu tôi còn đáng tha thứ. Hôm nay Chúa đuổi tôi ra khỏi mặt đất, tôi sẽ ẩn trốn khỏi mặt Chúa và tôi sẽ đi lang thang trên mặt đất, nhưng ai gặp tôi, sẽ giết tôi". Chúa bảo: "Không có vậy đâu, hễ ai giết Cain, thì sẽ bị phạt gấp bảy lần". Rồi Chúa ghi trên Cain một dấu, để ai gặp hắn, sẽ không giết hắn.
Ađam còn ăn ở với vợ, bà sinh một con trai đặt tên là Seth, bà nói: "Thiên Chúa đã ban cho tôi một đứa con trai khác thế cho Abel mà Cain đã giết".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 49, 1 và 8. 16bc-17. 20-21
Ðáp: Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi (c. 14a).
Xướng: 1) Chúa là Thiên Chúa đã lên tiếng kêu gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống. Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. - Ðáp.
2) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? - Ðáp.
3) Ngươi ngồi đâu là buông lời nói xấu anh em, làm tủi nhục cho người con cùng mẹ với ngươi. Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. - Ðáp.

* * *

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 1, 1-11
"Lòng tin của anh em được thử thách, rèn luyện đức kiên nhẫn, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn".
Khởi đầu bức thơ của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Giacôbê, đầy tớ của Thiên Chúa và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, kính chào mười hai chi tộc sống phân tán khắp nơi. Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng khi gặp mọi thử thách, anh em biết rằng lòng tin được thử thách rèn luyện đức kiên nhẫn. Còn kiên nhẫn phải đưa đến hành động hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn, không khiếm khuyết điều gì.
Nếu ai trong anh em thấy mình khiếm khuyết sự khôn ngoan, thì hãy xin cùng Thiên Chúa là Ðấng rộng lượng ban ơn cho mọi người mà không quở trách, và Người sẽ ban cho. Nhưng hãy lấy lòng tin tưởng mà xin, đừng hoài nghi, vì ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động. Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa.
Người anh em khó hèn, hãy hiên ngang vì được suy tôn; còn người giàu mà trở nên khó hèn, thì cũng vậy, vì chưng ai nấy cũng sẽ qua đi như hoa cỏ. Mặt trời mọc lên nóng bức, làm cho cỏ héo hoa tàn, và vẻ đẹp của nó cũng tiêu tan; người giàu có cũng vậy, bôn ba đến mấy, cũng sẽ suy tàn.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 67. 68. 71. 72. 75. 76.
Ðáp: Nguyện Chúa xót thương cho con được sống (c. 77a).
Xướng: 1) Trước khi bị khổ, con đã lạc lầm, nhưng giờ đây, lời sấm của Ngài con xin tuân. - Ðáp.
2) Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
3) Con bị khổ nhục, đó là điều tốt, để cho con học biết thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
4) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. - Ðáp.
5) Lạy Chúa, con biết sắc dụ Ngài công minh, và Ngài có lý mà bắt con phải khổ. - Ðáp.
6) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu ủy lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 8, 11-13
"Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: "Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Trước bao nhiêu những phép lạ Ðức Giêsu làm, nhưng người biệt phái đòi hỏi Ðức Giêsu cho họ thêm những dấu lạ từ trời nữa. Những người biệt phái này thiếu thiện chí, họ không chú ý tìm chân lý nhưng chỉ để thử Ðức Giêsu. Nơi lòng dạ những người cứng tin này, Ðức Giêsu buồn lòng, Ngài không thể làm gì được cho họ.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, đã nhiều lần chúng con cũng có những tư tưởng như những người biệt phái này. Chúng con đòi điều kiện, chúng con muốn Chúa phải tỏ những dấu lạ theo ý chúng con. Chúng con như bị mù lòa trước những kỳ công của Thiên Chúa, vì lòng chúng con đã chai lại. Xin Chúa đừng bỏ chúng con. Xin Chúa hãy chỉnh đốn lại con người chúng con, để chúng con biết nhìn thấy Chúa qua những dấu chỉ. Amen.

Dấu lạ của tình thương
(Mc 8, 11-13)


Suy Niệm:
Dấu lạ của tình thương
Thánh Marcô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng họ không tin.
Ở đây, chúng ta thấy rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người. Chúa Giêsu không làm phép lạ như một trò ảo thuật; Ngài làm phép lạ trước hết là để biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu gọi lòng tin nơi con người, do đó phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng bách.
Khi những người Biệt phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gợi lại sự thử thách mà người Do thái trong thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên Chúa; thái độ đó cũng tương tự thái độ của Satan khi đến cám dỗ Chúa Giêsu. Thật thế, Satan đã bảo Chúa Giêsu hãy gieo mình xuống từ thượng đỉnh Ðền thờ như một cử chỉ vừa ngoạn mục vừa cả thể. Nhưng Chúa Giêsu đã mượn lời của chính Thiên Chúa nói với dân Do thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của Satan: "Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi". Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt phái, Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay đúng hơn, Ngài không làm phép lạ nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài trên Thập giá, bởi vì chỉ cái chết ấy mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa.
Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội cũng đang lặp lại những phép lạ của Chúa Giêsu như một lời mời gọi. Thế nhưng, đâu là dấu chỉ đáng tin cậy nhất mà Giáo Hội có thể chứng tỏ cho con người thời nay? Với những phát minh mỗi ngày một tân tiến, con người thời nay dường như vẫn đang tự hào thực hiện được nhiều phép lạ trong mọi địa hạt. Do đó, đối với con người ngày nay, không một dấu lạ nào đáng tin hơn nơi Giáo Hội cho bằng chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà Giáo Hội có thể lặp lại nơi chính mình. Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, để mặc lấy thái độ vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội là thể hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Ðấng sẵn sàng hy sinh và chết cho người mình yêu.
Dấu lạ cả thể mà có lẽ con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương. Nói như Staline, thế giới này chỉ cần mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn, nhân hậu của một Gioan XXIII; hoặc chỉ như một ánh sao băng, người ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Ðức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.
Trong sự đóng góp khiêm tốn của mình trong cuộc sống hiện tại, xin Chúa cho mỗi Kitô hữu chúng ta luôn ý thức rằng mình đang là một dấu hỏi, một lời mời gọi đối với những người chưa nhận biết Chúa Kitô.


 13/02/12 THỨ HAI TUẦN 6 TN
Mc 8,11-13
*****
DẤU LẠ NƠI CHÚA GIÊSU
“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” (Mc 8,12)
Suy niệm: Chuyện kể rằng một vị thánh đang chầu Thánh Thể thì có người vào báo tin ở ngoài đang xảy ra một phép lạ và người ta kéo tới xem đông lắm. Vị thánh đã trả lời ở đây cũng đang diễn ra một phép lạ vĩ đại, đó là chính Chúa Giêsu hiện diện trong nhà chầu, nơi bí tích Thánh Thể và ngài đang chiêm ngắm. Người Do Thái đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ trên trời, nhưng chính Ngài là dấu lạ đang ở trước mặt họ thì họ không nhận biết: Ngài sẽ là Dấu Lạ đích thực cho họ, “dấu lạ Giona,” qua cái chết và cuộc phục sinh của Ngài.
Mời Bạn: Biết bao phép lạ lớn lao Chúa đã thực hiện không phô trương ồn ào, mà kín đáo tế nhị, âm thầm khiêm tốn. Làm cho nước hoá thành rượu tại tiệc cưới Cana, làm cho bánh và cá hoá ra nhiều, Chúa đã làm như một việc bình thường, tự nhiên tới mức không ngờ! Và giờ đây, ngày ngày, Ngài vẫn hiện diện trong Lời của Ngài, trong bí tích Thánh Thể; bạn có ý thức sự hiện diện đó chưa?
Chia sẻ: Chúa Kitô hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể nhưng lại có vẻ thầm lặng và quá tầm thường; điều đó có làm bạn quên lãng hoặc coi thường “dấu lạ” bí tích này không?
Sống Lời Chúa: Trong tuần dành thời gian đến chầu Thánh Thể ít là một lần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn hiện diện và đồng hành với con nhưng nhiều khi con không nhận biết; và con cứ mãi tìm kiếm một giải pháp theo kiểu thế gian mà quên hành động trong sự kết hiệp với Chúa. Xin cho chúng con nhận ra rằng chỉ có Chúa Giêsu là dấu chỉ đích thực mang lại ơn cứu độ cho con mà thôi. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Gc 1, 1-11; Tin Mừng theo Thánh Mc 8, 11-13.
LỜI SUY NIỆM: Những người Pharisêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” (Mc 8,11-12).
            Khuynh hướng của thời Chúa Giêsu, những con người Pharisêu thường tìm kiếm Thiên Chúa trong những cái bất thường. Họ tin rằng khi Đấng Mêsia đến sẽ có những việc lạ lùng làm kinh ngạc và sửng sốt mọi người. Họ đang đòi hỏi ở Ngài một dấu lạ từ trời, để công nhận Ngài từ Thiên Chúa mà đến, trong khi đó biết bao phép lạ Chúa đã làm cho đám đông, nhưng họ cố mù không thấy và không biết. Trong đời sống hôm nay của chúng ta cũng đang có những người mù, họ mù khi sống có đầy đủ hai mắt, tâm trí lành mạnh và có sự hiểu biết rõ ràng, minh bạch khi đang tận hưởng cuộc sống với biết bao vẻ huy hoàng của cảnh vật thiên nhiên, sự sống của muôn loài muôn vật, họ cứ tưởng đó là sự tự nhiên. Nhưng thật ra tất cả đều được đến từ sự ban phát của Thiên Chúa. Từ Thiên Chúa mà có.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
13 Tháng Hai
Mang Tên Một Vị Thánh

Hiện nay, những người vẽ bản đồ tại Liên Xô đang phải điên đầu vì tên của các thành phố. Khắp nơi trong toàn lãnh thổ, dân chúng yêu cầu hoàn lại tên cũ cho thành phố, tên mà Stalin và những người kế vị của ông đã xóa bỏ. Tại Leningrat chẳng hạn, dân chúng yêu cầu đòi lại đô thị của họ với tên cũ là Petersburg hay St. Petersburg, nghĩa là đô thị của Thánh Phêrô. Ðây là một trong những đề tài nóng bỏng mà hội đồng thành phố đang đưa ra thảo luận. Trong một chương trình truyền hình địa phương người hướng dẫn chương trình đã tránh dùng tên Lenigrat mà lại gọi tắt là Peter, nghĩa là tên gọi cũ của đô thị. ngững người yêu cầu hoàn trả tên cũ lại cho các đô thị nói rằng: cũng như những người có quyền giữ tên cha sinh mẹ đẻ của mình, thì cũng thế, một đô thị cũng phải được quyền giữ tên khai nguyên của nó.
Tại cộng hòa Georgia, trường đại hoạc kỹ thuật Tbilisi đã xóa bỏ tên của Lênin và ngay cả tượng của ông cũng bị đạp đổ. Tại nhiều nơi khác, người ta cũng xóa bỏ tên mới của các đô thị để lấy lại tên cũ vốn đã có từ thời các đô thị này được thiết lập. Gorky sẽ được phục hồi lại như trước kia là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên cũ là Nabereznye, Zhadanov sẽ được phuc hồi là Mariupol, nghĩa là đô thị của Ðức Maria.
Mỗi người chúng ta, khi chịu phép rửa cũng đều mang một tên mới. Chúng ta thường gọi đó là tên thánh. Thánh bởi vì đó là tên của một vị Thánh, nhưng thánh bởi vì tất cả chúng ta đều được mời gọi để nên thánh, hay nói như Thánh Phaolô, tất cả chúng ta đều là những người thánh. Thật thế, nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô được tham dự vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa; nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô trở thành Ðền Thờ thánh thiện của Chúa Thánh Thần.
Ðó là nguồn gốc, là căn tính của người Kitô chúng ta. Mang lấy tên của một vị thánh, người Kitô luôn được nhắc nhở rằng bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ chính là sự thánh thiện. Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để làm việc thiện, để cầu nguyện, để chịu đựng, để sống tử tế, để sống vui tươi, để sống phục vụ. Nói tóm lại, vì thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, người Kitô luôn được mời gọi để sống như Ðức Kitô, Ðấng qua cái chết và sự Phục Sinh, đã thể hiện chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần VI TN2
Bài đọc: Gen 4:1-5:25; Jam 1:1-11; Mk 8:11-13.

1/ Bài đọc I (năm lẻ):
1 Con người ăn ở với E-và, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Ca-in. Bà nói: "Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người." 2 Bà lại sinh ra A-ben, em ông. A-ben làm nghề chăn chiên, còn Ca-in làm nghề cày cấy đất đai. 3 Sau một thời gian, Ca-in lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên Đức Chúa. 4 A-ben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. Đức Chúa đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông, 5 nhưng Ca-in và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn. Ca-in giận lắm, sa sầm nét mặt. 6 Đức Chúa phán với Ca-in: "Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? 7 Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó." 8 Ca-in nói với em là A-ben: "Chúng mình ra ngoài đồng đi! " Và khi hai người đang ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình. 9 Đức Chúa phán với Ca-in: "A-ben em ngươi đâu rồi? " Ca-in thưa: "Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?" 10 Đức Chúa phán: "Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta! 11 Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. 12 Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất."
13 Ca-in thưa với Đức Chúa: "Hình phạt dành cho con quá nặng không thể mang nổi.
14 Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con." 15 Đức Chúa phán với ông: "Không đâu! Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy." Đức Chúa ghi dấu trên Ca-in, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông. 25 Ông A-đam lại ăn ở với vợ. Bà sinh một con trai và đặt tên là Sết; bà nói: "Thiên Chúa đã sắp đặt cho tôi một dòng dõi khác thay cho A-ben, vì Ca-in đã giết nó."

2/ Bài đọc I (năm chẵn):
1 Tôi là Gia-cô-bê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô, kính gửi mười hai chi tộc đang sống tản mác khắp nơi. Chúc anh em được an vui mạnh khoẻ! 2 Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. 3 Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. 4 Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì.
5 Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách.
6 Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống.7 Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: 8 họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm.
9 Người anh em phận hèn hãy tự hào khi được Chúa nâng lên;
10 còn người giàu có hãy tự hào khi bị Chúa hạ xuống, vì họ sẽ qua đi như hoa cỏ.
11 Quả thế, mặt trời mọc lên toả ra sức nóng làm cho cỏ khô, khiến hoa rụng xuống, vẻ đẹp tiêu tan. Người giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy trong các việc họ làm.

3/ Phúc Âm:
11 Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. 12Người thở dài não nuột và nói: "Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả." 13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Cần khiêm nhường biết mình trong mối liên hệ với Thiên Chúa.

Thiên Chúa không mắc nợ gì với con người; trái lại, con người mắc nợ mọi sự với Thiên Chúa. Khi con người tin tưởng nơi Thiên Chúa, con người không thêm điều gì cho Ngài; nhưng niềm tin nơi Thiên Chúa sẽ giúp con người đạt tới cuộc sống đời đời. Cũng thế, khi con người làm việc thờ phượng như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, dâng lễ vật, con người chẳng thêm gì cho Thiên Chúa; nhưng con người sẽ nhận được những lợi ích từ các việc làm này.
Các Bài Đọc hôm nay cho thấy những quan niệm sai của con người trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, khi Cain dâng lễ vật cho Thiên Chúa và không được Ngài đoái nhìn tới; ông tức giận với Thiên Chúa và ghen tị với em mình là Abel, vì Ngài đoái nhìn lễ vật của em ông. Hậu quả là ông đã giết đứa em ruột của mình. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, tác giả Thư Giacôbê quả quyết đức tin của con người cần bị thử thách trăm bề để đức tin càng ngày càng vững mạnh, toàn hảo, và không gì có thể lay chuyển được. Trong Phúc Âm, các kinh-sư thách thức Chúa Giêsu hãy làm phép lạ để họ có thể tin Ngài là Thiên Chúa; Chúa Giêsu thở dài vì thái độ thách thức của họ. Ngài từ chối không làm bất cứ phép lạ nào cho họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Cain giết Abel, em mình.
1.1/ Nguyên nhân của việc Cain giết Abel: Cain ghen tị với Abel vì Đức Chúa đoái nhìn đến lễ vật của Abel, và không đoái nhìn đến lễ vật của ông. Trình thuật không nêu lý do tại sao Đức Chúa không đoái nhìn lễ vật của Cain, chúng ta chỉ có thể suy đoán qua truyền thống. Của lễ dâng cho Thiên Chúa phải kèm theo một tấm lòng yêu mến, chứ không chỉ dâng cho qua lần chiếu lệ như Lề Luật buộc. Trong thực tế, Abel không phải là nguyên nhân chính sự tức giận của Cain; nhưng vì sự tức giận của Cain với Thiên Chúa, đã đưa đến sự tức giận của Cain với em ông. “Giận cá chém thớt” là vậy; vì không làm gì được Thiên Chúa, nên giết người em yếu đuối để bù lại. Tội giết người này cũng xác nhận bản tính tội lỗi của con người sau lần sa ngã đầu tiên, tội tổ tông.
Thiên Chúa cắt nghĩa cho Cain lý do tại sao con người phạm tội: "Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó." Tội lỗi luôn rình chờ con người, nhưng con người phải sẵn sàng khắc phục nó bằng sự tự chủ và ý hướng luôn làm điều tốt. Giận dữ và ghen tị sẽ đưa con người đến những tội lỗi lớn hơn.
1.2/ Cain giết Abel và bản án của Thiên Chúa: Khi con người muốn phạm tội, họ tìm nơi hoang vắng để không ai biết việc làm của họ. Cain cũng thế, ông nói với em là Abel: "Chúng mình ra ngoài đồng đi!" Và khi hai người đang ở ngoài đồng thì Cain xông đến giết Abel. Nhưng Cain đã quên đi một Đấng, Người luôn thấu suốt mọi tư tưởng và hành động của ông. Đức Chúa phán với Cain: "Abel em ngươi đâu rồi?" Cain thưa: "Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?" Giống như sự sa ngã ban đầu, phản ứng đầu tiên của con người không bao giờ dám nhận trách nhiệm, họ phủ nhận hành động đã làm như Cain, hay tìm cách tổ tội cho người khác như ông Adam và bà Evà.
Đức Chúa phán: "Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta! Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất." Đối với người Do-Thái, sự sống có được là từ máu, và bắt nguồn từ Thiên Chúa (Lev 17:11-14). Vì Thiên Chúa làm chủ sự sống (Gen 2:7), máu của người vô tội đổ ra sẽ kêu thấu tới Thiên Chúa. Đất có mối liên hệ mật thiết với con người: con người sinh ra từ bụi đất và sẽ trở về bụi đất; đất sẽ sinh thực phẩm cho con người; và tội của con người là lý do làm đất đai sinh gai góc (J).
1.3/ Lòng thương xót của Đức Chúa cho Cain: Con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Cain suy nghĩ về các hậu quả của việc giết em và thưa với Đức Chúa: "Hình phạt dành cho con quá nặng không thể mang nổi. Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con."
Hình phạt đầu tiên Cain phải chịu là trốn tránh Thiên Chúa và con người. Xua đuổi khỏi mặt đất là xua đuổi khỏi nơi hoang vắng, chỗ ở của ma quỉ và tội nhân. Kẻ giết người sẽ luôn ở trong tình trạng lẩn trốn: trốn Thiên Chúa, con người, và chính mình. Truyền thống tin Đức Chúa hiện diện cách đặc biệt với dân của Ngài. Không có sự hiện diện của Đức Chúa, mạng sống con người sẽ luôn bị đe doạ.
(1) Đức Chúa vẫn thương xót Cain: Người đời đòi “mắt đền mắt, răng đền răng;” và Cain cũng biết luật vay trả này “bất cứ ai gặp con sẽ giết con.” Nhưng Đức Chúa vẫn tỏ lòng thương xót cho Cain, Ngài phán: “Bất cứ ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy." Đức Chúa ghi dấu trên Cain, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông. Dấu đặc biệt trên trán này chỉ sự bảo vệ của Thiên Chúa.
(2) Đức Chúa đoái thương đến gia đình Adam: Ông Adam lại ăn ở với vợ. Bà sinh một con trai và đặt tên là Seth. Bà nói: "Thiên Chúa đã sắp đặt cho tôi một dòng dõi khác thay cho Abel, vì Cain đã giết nó."

2/ Bài đọc I (năm chẵn): Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều.
2.1/ Đức tin cần được thử thách: Giống như người lực sĩ trong tiến trình tập luyện cần được thử thách, hay một học sinh trong tiến trình học tập cần phải qua những kỳ thi cử, đức tin của con người cũng cần phải trải qua những thử thách. Mục đích của việc thử luyện đức tin không phải để con người ngã gục trước thử thách nhưng là:
(1) Để tạo lòng kiên nhẫn: Tác giả khuyến khích các tín hữu Do-thái khắp nơi: "Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn." Đức kiên nhẫn là nhân đức đầu tiên phải tập luyện và là mẹ các nhân đức, vì khi một khi đã có nhân đức này, con người sẽ luyện tập các nhân đức khác một cách dễ dàng hơn.
(2) Để kiện toàn lòng tin: Đức tin là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người; nhưng để kiện toàn, con người phải kiên nhẫn luyện tập, sao cho tới chỗ toàn bích như tác-giả ao ước cho các tín hữu: "Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì." Mục đích của việc luyện tập là để có một đức tin hoàn hảo: vững bền, toàn hảo, không thiếu một điều gì. Khi một người đã có đức tin như thế, họ có thể vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.
2.2/ Để kiện toàn đức tin, con người cần đến ơn thánh của Thiên Chúa: Khi phải đương đầu với thử thách đau khổ, con người thường có khuynh hướng trốn tránh hay xin Chúa làm phép lạ cất đi. Để tránh rơi vào những thái độ này, tác-giả khuyên: "Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không do dự." Sự khôn ngoan giúp con người nhìn ra thử thách là điều cần thiết để luyện tập đức tin. Tuy nhiên, khi cầu xin cho có khôn ngoan, con người cần phải có lòng tin vững mạnh. Tác giả khuyên: "Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống." Khi đã được Chúa ban khôn ngoan để nhận ra phải vượt qua thử thách, người ấy cứ mạnh dạn tiến tới; đừng đổi ý lại cầu xin Chúa cất thử thách đi cho.
Một trong những thử thách của đức tin là những thăng trầm trong cuộc sống con người. Tác giả khuyên các tín hữu hãy tự hào trong Chúa, cả khi được nâng lên cũng như khi bị hạ xuống. Đừng ai tự hào về của cải mình có vì: "họ sẽ qua đi như hoa cỏ. Quả thế, mặt trời mọc lên toả ra sức nóng làm cho cỏ khô, khiến hoa rụng xuống, vẻ đẹp tiêu tan. Người giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy trong các việc họ làm."

3/ Phúc Âm: Niềm tin dựa trên phép lạ.
3.1/ Niềm tin dựa trên các phép lạ: Mỗi quốc gia trên địa cầu đều có những sắc thái riêng của mỗi dân tộc; Thánh Phaolô nói rất đúng về người Do-thái: “Người Do-thái tìm kiếm dấu lạ; trong khi người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan.” Truyền thống Do-thái đã thêu dệt sẵn kiểu mẫu một Đấng Thiên Sai: Ngài là Đấng uy quyền, có khả năng làm những dấu lạ lùng trong trời đất. Ngài là Chúa của người Do-thái, nên Ngài sẽ giúp họ đánh đuổi ngoại bang, và cai trị toàn thế giới. Với kiểu mẫu có sẵn của Đấng Thiên Sai, những người Pharisees kéo đến với Chúa Giêsu, để thách thức Người làm một dấu lạ từ trời.
3.2/ Niềm tin dựa trên sự hiểu biết chắc chắn về Thiên Chúa: Tại sao Chúa Giêsu không chịu làm phép lạ? Thứ nhất, Ngài đã làm không biết bao nhiêu phép lạ rồi. Những người Pharisees này hoặc đã từng chứng kiến, hoặc đã nghe biết về những phép lạ Ngài đã làm. Thứ đến, phép lạ chỉ giúp khai mở niềm tin. Khi Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân, Ngài nhắc nhở cho họ những gì tiên-tri Isaiah nói về Đấng Thiên Sai, giờ đây được hiện thực nơi Ngài; mục đích là để giúp họ tin vào Ngài. Hơn nữa, niềm tin chỉ dựa trên dấu lạ sẽ không vững chắc. Họ cần một sự hiểu biết chắc chắn về Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài; chứ không phải theo một Thiên Chúa và các kế hoạch do họ dựng nên. Nếu niềm tin chỉ dựa trên phép lạ, niềm tin sẽ lung lay và biến mất khi không nhìn thấy phép lạ nữa. Sau cùng, Chúa Giêsu không muốn con người điều khiển Thiên Chúa: khi con người cần gì, Thiên Chúa có bổn phận làm phép lạ ban cho họ điều đó; mà không cần biết điều họ xin có tốt hay không!

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần khiêm nhường biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Tất cả những việc thờ phượng chúng ta làm là cho lợi ích của cá nhân chúng ta, chứ không thêm gì cho Thiên Chúa.
- Đức tin Thiên Chúa ban cho chúng ta có tiềm năng vươn cao vô hạn; nhưng cũng có thể bị đánh mất. Chúng ta cần lợi dụng mọi cơ hội xảy ra trong cuộc đời để luyện tập đức tin sao cho đến độ toàn hảo, vững bền, để có thể vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.
- Khi cầu xin điều gì không được, chúng ta hãy xét xem điều đó có đúng ý Thiên Chúa không. Đừng bao giờ có thái độ giận dữ trả thù bằng cách bỏ đạo hay làm hại những người được Thiên Chúa phù hộ.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************

Ngày 13
 Môt kẽ hở cho Thánh Thần!

Tại nơi tôi chờ đợi, cuộc chạy bất an, nơi tôi dừng lại, sự thúc bách chiếm hữu và hưởng thụ: sẽ mở ra một kẽ hở cho Thánh Thần!
Mỗi khi có khả năng cho một điều gì khác, thời giờ dành cho Thiên Chúa sẽ có nơi gieo Lời của Người.
Tôi đón nhận lời, không nhìn,
không biết điều gì sẽ được ban.
Tôi tin tưởng và để cho điều này được diễn ra...
Nhưng tôi biết cuộc sống mới sẽ đến, ngày như đêm.
Dù tôi có thức hay ngủ, như một sự lớn dậy.,
Nếu ai để cho Thánh Thần bước vào, Lời của Thiên Chúa,
sẽ có một "sáng tạo mới", một sự sinh ra mới mẻ.
Tôi dừng lại và chờ đợi
Tôi không tránh sự cô đơn
Chúa Cha trong tôi sẽ thực hiện công trình của Người
Trong đêm mong chờ của tôi và tỉnh thức.
Có Đức Giêsu trong kẽ hở trái tim tôi... hiện diện thật khiêm tốn trong tôi và tôi đón nhận với tất cả sự âu yếm và tôi tôn thờ.

P. Jean Rotzetter, s.j.

Thánh Lau-ren-sô Hưởng , Linh Mục (1802-1856)

Thánh Lau-ren-sô Hưởng sinh năm 1802 tại Tụy Hiền, xứ Kẻ Sãi, tổng Trinh Khiết, Hà Nội. Ngài gia nhập chủng viện Vĩnh Trị, nhưng vào năm Minh Mạng thứ 14, cơn bách đạo ngày càng gay gắt nên chủng viện phải tạm đóng cửa, ngài phải về gia đình. Mọi người đều mến phục lòng đạo hạnh và đức bác ái của ngài. Sau một thời gian, ngài trở lại chủng viện và tiếp tục học. Sau khi thụ phong linh mục, ngài làm việc tại các xứ Giang Sơn, Lạc Thổ, Yên Lộc và Bạch Bát.

Đến thời cấm đạo dưới thời vua Tự Đức, năm 1855, khi đi kẻ liệt, ngài bị bắt trên sông tại làng Vân Du. Ngài bị giam ở huyện Yên Mô một thời gian rồi bị áp giải về tỉnh Ninh Bình. Tại đây, mặc dầu bị tra khảo, đánh đập nhiều lần, ngài vẫn hiên ngang tuyên xưng đức tin và ước ao được phúc tử đạo.

Ngày 13/02/1856, ngài bị trảm quyết tại pháp trường Ninh Bình.

Đức Giáo Hoàng Pi-ô X đã tôn phong ngài lên bậc chân phước ngày 02/5/1909.

Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II đã tôn phong hiển thánh ngày 19/6/1988.

Ngày 13
PHAOLÔ LÊ VĂN LỘC
Linh Mục Tử Đạo
(bị bắt ngày 21-12-1858, xử trảm ngày 13-2-1859)
Hai tuần lễ sau ngày Cha Lộc bị chém, Ðức Cha Lefebvre viết bài tường thuật về cuộc đời của cha và kết thúc bằng những dòng chữ thật cảm động: "Bây giờ cha ở đâu, cha Phaolô thân yêu của tôi? Trong lúc này tôi đang ở trong nhà nơi chúng ta đã chung sống với nhau; mắt tôi ngó cùng khắp những chỗ cha vẫn hiện diện, tôi muốn cất tiếng gọi cha, còn đây những áo quần, giầy vớ... Nhưng làm sao tôi lại khóc, lại thương tiếc cho những khốn khổ cha đã phải chịu. Giờ này đây cha được ở nơi tốt đẹp hơn bội phần, nhập đoàn với những người sung suớng nhất, với các thiên thần và các thánh. Cha hãy vui hưởng hạnh phúc với Chúa Giêsu Kitô và hãy trợ giúp chúng tôi để mai ngày chúng tôi cũng được hưởng phần hạnh phúc ấy".
Theo lời tường thuật của đức cha và nhiều nhân chứng, Cha Lộc sinh năm 1830 tại làng An Nhân, tỉnh Gia Ðịnh, trong gia đình Công Giáo đạo hạnh, cha ngài đã làm trùm dậy đạo. Khi còn bé mọi người gọi cha là chú Ðông.
Cậu đã phải mồ côi cha từ năm 10 tuổi nên được Cha già Lợi nhận nuôi, và hai năm sau gửi vào chủng viện học Latinh với Ðức Cha Lefebvre. Năm 1843 cậu Lộc được gửi sang du học ở chủng viện Penang. Trong bẩy năm học, Thầy Lộc tỏ ra xuất sắc, nhất là năm cuối cùng thầy đứng thứ ba. Năm 1850, Thầy Lộc trở về nước với lời khen ngợi sẽ có nhiều hy vọng cho địa phận. Ban đầu đức cha sai thầy đi dậy giáo lý cho bổn đạo. Thầy trổi vượt hơn mọi người trong các cuộc tranh luận, khiến các nhà sư phải khâm phục. Thầy được gọi chịu các chức nhỏ, và trong khi chờ đợi thầy được chỉ định làm giáo sư dậy các chủng sinh. Thầy Lộc có nhân đức nhẫn nại phi thường, sẵn sàng cắt nghĩa cả trăm lần cho các chú hiểu.Ðức cha nhiều lần gọi thầy đến để nói truyện vì thầy có tài nói truyện giúp đức cha giải khuây. Mỗi lần đề cập tới vấn đề tử đạo thì giọng thầy trở nên hùng hồn, khuôn mặt chiếu sáng niềm vui.
Ðức cha ấn định ngày 7-2-1857 để truyền chức linh mục cho thầy, song thầy tỏ ra sợ hãi nhưng rồi cũng vâng lời đức cha, cấm phòng dọn mình thật sốt sắng. Sau đó Cha Lộc được cử làm bề trên chủng viện ở Thị Nghè. Dù gặp thời buổi khó khăn, Cha Lộc đã có thể lèo lái chủng viện tồn tại trong hai năm. Nhưng vì có một thầy giảng bị bắt và vượt ngục khiến quân lính truy lùng khắp mọi nơi người Công Giáo ở, nên cha phải giải tán chủng viện rồi đi ẩn. Ngày 21-12 Cha Lộc lén trở về Thị Nghè để giúp cho Thầy Nhiên mới trốn. Mọi người can thì cha nói để một mình cha đi chịu chết vì đạo.
Ðêm ấy Cha Lộc trọ ở nhà ông Ngôn là người đỡ đầu, có một người đàn bà bên lương biết chuyện, đi nói với anh mình là cai đội đem lính đến vây bắt. Theo lời của bà Ngôn, chính Cha Lộc không chịu để cho ai nói quanh nhưng thẳng thắn nhận mình là linh mục. Cha bị đóng gông giải về huyện, cùng với ông Ngôn, Vọng và Thuyên.
Suốt trong hai tháng giam tù cha bị tra khảo bốn lần nhưng các quan không đánh đập tàn nhẫn. Những người có mặt sau này làm chứng rằng cha luôn luôn can đảm xưng mình là linh mục và không bao giờ chịu bỏ đạo dù quan hứa cho làm ký lục. Ngoài những giờ đọc kinh, Cha Lộc còn khuyên bảo người trong tù và đã rửa tội được một người lương trở lại. Cha Triêm đã đến giải tội và mang Mình Thánh cho cha.
Hôm Chúa Nhật ngày 13-2-1859 quan được án phê của triều đình, liền đem Cha Lộc đi hành quyết. Cha Lộc điềm nhiên theo bọn lính ra trước mặt quan và thản nhiên đọc kinh. Trên đường cha trao lại cho ông Thuyên cỗ tràng hạt và áo Ðức Bà. Ra khỏi thành, người lính đóng cọc, dựng bản án kế bên, trong khi Cha Lộc quì gối đọc kinh. Sau hai nhát gươm, đầu vị tôi tớ trung kiên rơi xuống đất trong khi linh hồn bay về với Chúa, để lại cho giáo dân dòng máu hiên ngang làm gương mẫu. Tấm bia viết như sau: "Ðạo trưởng Lê Văn Lộc thuộc phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tổng Bình Trị, làng An Nhơn, vì không chịu bỏ đạo nên bị xử tử. Tự Ðức năm thứ mười một, ngày 11 tháng Giêng".
Tới chiều, quan cho phép một số người đem xác ngài đi chôn. Xác ngài được tẩm liệm cẩn thận và được chôn tại Chợ Quán. Ngày 29-4-1863 Ðức Cha cho bốc mộ và đem di hài đựng vào hòm quí đặt trong nhà nguyện của các bà dòng Thánh Phaolô.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét