Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

CHÚA NHẬT VII MÙA THƯỜNG NIÊN


Chúa Nhật 7 Quanh Năm Năm B


Bài Ðọc I: Is 43, 18-19. 21-22. 24b-25
"Vì Ta, Ta sẽ xoá bỏ sự gian ác của ngươi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây lời Chúa phán: Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Ðây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan. Ta đã tác tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta. Hỡi nhà Giacóp, ngươi đã chẳng kêu cầu Ta; hỡi nhà Israel, ngươi cũng không chịu khó nhọc vì Ta. Nhưng ngươi đã làm khổ Ta vì tội lỗi của ngươi, và ngươi đã làm cực Ta vì sự gian ác của ngươi. Chính Ta đây, chính vì Ta mà Ta xoá bỏ sự gian ác của ngươi, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của ngươi nữa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 40, 2-3. 4-5. 13-14.
Ðáp: Xin Chúa chữa khỏi hồn con, vì con đã phạm tội phản nghịch Ngài (c. 5b).
Xướng: 1) Phúc đức ai quan tâm đến kẻ cơ bần: ngày tai hoạ, Chúa sẽ giải thoát cho. Chúa sẽ gìn giữ cho người được sống, cho người được hạnh phúc ở trần gian, và không trao nạp người cho ác tâm quân thù. - Ðáp.
2) Chúa sẽ nâng đỡ người trên giường nằm đau khổ, và chữa khỏi mọi tàn tật lúc ốm đau. Phần tôi đã nói: Lạy Chúa, nguyện xót thương con, chữa khỏi hồn con, vì con đã phạm tội phản nghịch Ngài. - Ðáp.
3) Phần con khi được lành mạnh xin Chúa nâng đỡ, và cho tới khi đứng trước thiên nhan tới muôn đời. Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, tự thuở này tới thuở kia. Amen. Amen. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Cr 1, 18-22
"Ðức Giêsu không phải vừa 'có' lại vừa 'không', nhưng nơi Người chỉ là 'có' mà thôi".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, xin Thiên Chúa là Ðấng trung tín, chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em không phải là vừa "Có" lại vừa "Không". Quả thế, Con Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng mà tôi, Silvanô và Timôthêu đã rao giảng nơi anh em, Người không phải vừa "Có" lại vừa "Không", trái lại nơi Người chỉ là "Có" mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành "Có" ở nơi Người. Vì thế, nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời "Amen" tôn vinh Thiên Chúa. Vậy Ðấng đã làm cho chúng tôi và anh em được đứng vững trong Ðức Kitô, và đã xức dầu cho chúng ta, chính là Thiên Chúa, Người đã ghi dấu trên mình chúng ta, và đã ban Thánh Thần vào lòng chúng ta làm bảo chứng.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.


Phúc Âm: Mc 2, 1-12
"Con Người có quyền tha tội dưới đất".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum. Nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn tới đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, tội lỗi con được tha". Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: "Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa". Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: "Tại sao lòng các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: 'Tội lỗi con được tha' hay nói: 'Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi', đằng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất". Người nói với kẻ bất toại: "Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà". Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức tin và lòng mến có sức biến đổi mạnh mẽ. Vì tuyệt đối tin tưởng vào Ðức Giêsu, thân nhân người bại liệt đã tìm cách đưa anh đến với Chúa Giêsu. Ðức Giêsu cũng không chịu thua niềm tin yêu của họ, nên không những Ngài chữa anh khỏi bệnh, mà còn chữa sạch tâm hồn ô nhơ của anh: "Này con, con đã được tha tội rồi".

Cầu Nguyện:
Lạy Cha, xin thêm đức tin và lửa tình mến cho chúng con. Xin cho chúng con biết mau mắn chạy đến với Cha nơi bí tích Giải Tội và nhất là bí tích Thánh Thể. Tâm hồn chúng con sẽ được mạnh sức và bình an khi chúng con đón nhận và được sống trong tình yêu của Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Giêsu, Chúa chúng con. Amen.


Suy Niệm:
Chúa Nhật VII Thường Niên Năm B
Chúng ta đọc: Isaia 43,18-19.21-22.24-25; Thư 2 Corintô 1,18-22; Tin Mừng Marcô 2,1-12
Thái độ của các Luật sĩ trong bài Tin Mừng hôm nay có thể khiến chúng ta bực mình. Thấy phép lạ Chúa làm, lẽ ra họ phải hợp ý với mọi người mà cảm tạ Chúa; nhưng họ lại bắt bẻ Người sang chuyện khác. Tuy nhiên chúng ta đừng vội tưởng mình không bao giờ có thái độ ấy. Ðọc kỹ bài sách Isaia, chúng ta thấy dân Dothái ngày xưa cũng như vậy. Và bài thư Phaolô cũng có thể gợi lên một thái độ tương tự. Thế nên chúng ta hãy xem lại các bài Kinh Thánh hôm nay để hiểu rõ mình hơn.

1. Một Dân Phản Loạn
Sách Isaia có 66 chương, nhưng rõ ràng không duy nhất. Nếu phần đầu có nhiều chương gắn liền với đời sống của nhà tiên tri thật sự, thì từ chương 40 trở đi, người ta không thấy nói đến ông nữa. Và thay vì nói đến những sự việc xảy ra vào thế kỷ thứ 8 trước kỷ nguyên và động tới nước Assyria, thì bây giờ lại gợi lên những biến cố của thế kỷ thứ 6 và với nước Babylonia. Do đó ngày nay người ta có khuynh hướng chia sách Isaia thành 3 quyển. 39 chương đầu làm thành Isaia I; từ chương 40 đến 55 là Isaia II; và những chương cuối, tức là 55-66 là Isaia III. Ðoạn trính hôm nay thuộc Isaia II, nói về Israel ở thế kỷ thứ 6 vào lúc trước sau lưu đày ít nhiều. Chúa nói với dân những điều thấm thía vì cảnh lưu đày khiến họ đã thấm mệt. Nhiều kẻ đang táo bạo nghĩ rằng Chúa thật vong ân bội nghĩa. Dân vẫn trung thành dâng lễ cho Chúa mà Người lại bỏ dân thua thiệt đến nỗi trở thành tôi mọi người ta.
Ðó không phải là cảm nghĩ của mọi người ở mọi nơi và mọi thời sao? Họ tưởng có thể trách Chúa không tốt bằng họ và không trung tín như họ. Họ vẫn kêu cầu Danh Chúa và đọc kinh đều đều, thế mà sao dường như Chúa không làm gì cho họ. Ðời họ vẫn không may. Hơn nữa nhiều đau thương còn dồn dập đổ tới. Chớ gì họ hãy mở tai nghe Lời Chúa nói qua bài sách Isaia hôm nay.
Người mời họ hãy nhìn xem: kìa Người đang làm bao sự mới mẻ. Tại sao người ta cứ nhớ đến những chuyện buồn bã cũ kỹ? Một thời đại mới đang khởi sự mà sao họ không nhìn thấy? Chúa sẽ mở đường đi giữa sa mạc và sẽ cho có nhiều giòng sông chảy ở những chỗ hoang vu. Ý Chúa muốn nói Người đang khởi sự cứu dân ra khỏi nơi lưu đày tôi mọi. Lần giải phóng này còn kỳ diệu hơn khi Người đưa dân ra khỏi Aicập. Ngày trước họ phải đi trong sa mạc khô cạn và thiếu nước uống; lại phải lang thang quanh quẩn vì không rõ đường đi. Bây giờ, chính Chúa sẽ mở đường cho dân và dẫn họ đi qua những nơi nhiều nước uống. Lời sách Isaia dĩ nhiên trực tiếp nói đến việc Chúa đang cứu dân ra khỏi cảnh lưu đày ở Babylon. Người đang cho một vị vua mới nổi lên ở chân trời xa. Cyrus đang tiến quân bách chiến bách thắng. Ông sẽ đến Babylon và sẽ giải phóng mọi dân bị áp bức. Và cuộc hồi hương của dân Dothái sẽ dễ dàng hơn cuộc hành trình trong sa mạc thời Môsê nhiều.
Những người Dothái chưa nhận ra thời điểm đó. Họ chỉ nhìn thấy những cảnh khổ trước mắt. Họ chưa thấy ở giữa lòng dân tộc có một dấu hiệu nào đáng hy vọng. Họ không thể ngờ được Chúa có thể dùng bàn tay một người lương dân để thực hiện các lời Người đã hứa. Nhất là họ cứ tưởng quá khứ là vàng son. Hiện tại và tương lai chẳng thể nào sánh được với thời đại xa xưa. Họ không hiểu gì về Chúa.
Trong bài Isaia hôm nay, Người khẳng định rõ rệt Người xếp đặt lịch sử cả thế giới, chứ không riêng gì lịch sử Dothái. Người dùng cả lương lẫn giáo để thi hành kế hoạch chung của Người. Và nhất là Người luôn luôn làm ra một tương lai tốt đẹp hơn quá khứ. Và nếu chúng ta để ý đến những từ ngữ trong bài tiên tri này, chúng ta thấy tác giả nói đến vấn đề gây dựng và tạo dựng những sự mới mẻ, có hạt giống mới, có đất đai mới, có sông ngòi mới. Ðiều đó có nghĩa rằng Thiên Chúa sáng tạo không ngừng và giải phóng cứu chuộc cũng là sáng tạo và là sáng tạo kỳ diệu hơn trước đây.
Tuy nhiên, vẫn theo lời sách Isaia, Israel đừng tưởng Chúa làm những việc tốt đẹp kia vì họ, vì họ trung thành cầu khẩn và dâng lễ cho Người. Không, các lời cầu xin của họ và các lễ vật họ dâng chỉ làm mệt Chúa và chọc tức Người thêm vì tội lỗi xấu xa của họ. Họ chỉ kêu cầu Danh Chúa ngoài miệng, còn lòng trí họ thì ở xa Người. Họ giang tay cầu nguyện theo thói quen, nhưng luôn luôn tra tay và những hành vi tội lỗi mới. Họ là dân phản bội chứ có trung tín gì đâu!
Ngược lại, chính Chúa mới là đấng trung thành. Người đã hứa thì Người sẽ làm. Người đã chọn dân thì Người sẽ không bỏ, cho dù họ bất tín. Chính Người sẽ quên tội lỗi của dân để thi hành cho họ những việc kỳ diệu có sức hoán cải lòng họ và biến họ nên một tạo vật mới.
Ðó là những lời mà Chúa đã dùng tác giả sách Isaia để nói với người Israel và với mọi thế hệ loài người. Những lời ấy còn đúng mãi, ngay cả cho thời đại chúng ta. Chúng ta đừng tưởng mình đạo đức tốt lành đến nỗi có thể đòi Chúa phải cho chúng ta một nếp sống tốt đẹp hơn. Không, chúng ta luôn bất xứng với Chúa. Nhưng chính Người là đấng trung tín, luôn luôn sẽ làm cho chúng ta những điều mới mẻ kỳ diệu để tương lai thế giới là một tạo dựng mới, đầy ơn tha thứ và bình an... Miễn là chúng ta biết quý mến ơn tha tội này hơn hết, chứ đừng bắt chước các luật sĩ của bài Tin Mừng hôm nay.

2. Một Hạng Người Chống Ðối
Thánh Marcô lồng cuộc đối thoại gay gắt giữa Ðức Yêsu và các luật sĩ vào giữa bài tường thuật phép lạ chữa một người bất toại. Và như vậy rõ ràng người muốn làm nổi bật cuộc đối thoại đó lên, hầu cho độc giả thấy Ðức Yêsu đã bắt đầu gặp những sự chống đối sẽ đưa Ngài đến Núi Sọ.
Câu truyện xảy ra như thế này. Hôm ấy Chúa Yêsu lại vào thành Capharnaum. Nghe tin, người ta tuốn đến nhà Người đang ở. Nhà nào? Thánh Marcô không nói rõ, để chúng ta hiểu rằng đó là nhà của Chúa, nhà Người đã chọn để làm công việc của Người, là giảng Lời Chúa cho người ta.
Phải nhận rằng danh tiếng Người bây giờ đã lớn. Người ta đông đến nỗi phải đứng ra tận cổng. Chẳng tìm được lối vào, 4 người khiêng một kẻ bất toại phải hì hục mang bệnh nhân lên mái nhà, rỡ ra một lỗ trống, rồi thòng kẻ liệt xuống trước mặt Người. Thấy lòng tin của họ, Chúa liền bảo bệnh nhân: "Này con, tội lỗi của con đã được tha".
Người ta muốn Chúa chữa bệnh. Nhưng Chúa lại nhìn vào lòng tin của người ta và Người đáp lại bằng cách tha tội cho họ. Người tỏ ra luôn luôn "tìm kiếm Nước Trời trước", còn mọi sự khác sẽ theo sau.
Nhưng chính ở bình diện thâm sâu này mà Người gặp chống đối. Mấy ông luật sĩ "ngồi đó" quan sát sự việc đã vội nghĩ trong lòng rằng: "Sao ông lại nói như vậy? Rõ ràng là lộng ngôn, vì ai tha tội được nếu không phải là Thiên Chúa". Nói thật ra, họ nghĩ như vậy cũng phải. Có điều tại sao họ lại không nghĩ chỉ có Thiên Chúa mới chữa được nhiều thứ bệnh một cách dễ dàng như Ðức Yêsu đã làm? Ai có thể dùng lời nói chữa khỏi một người bất toại, nếu không phải là Thiên Chúa? Phải chăng vì là luật sĩ, họ chỉ ngồi nghĩ đến Luật, và không biết mở mắt nhìn ra cuộc sống để thấy chúa đang làm nhiều sự mới mẻ như trừ quỷ chữa bệnh v.v...? Nếu nhìn, họ sẽ phải bỡ ngỡ mà nói như mọi người: thật chưa bao giờ thấy như vậy. Và bấy giờ họ sẽ có khả năng đón nhận thêm những sự mới mẻ mà Thiên Chúa muốn làm cho họ. Họ sẽ vô cùng sung sướng thấy ở giữa mình có Vị có thể tha tội vì Người cũng đã chữa bệnh được một cách lạ lùng. Và như vậy Thiên Chúa đã thực hiện mọi lời hứa, vì lời các tiên tri vẫn nói: "Chúa sẽ rửa dân sạch mọi tội ác".
Ðặc biệt, Ðức Yêsu đã muốn xử dụng từ ngữ "Con Người" khi nói với họ để gợi đến lời tiên tri Daniel. Ông này loan báo Con Người sẽ đến xét xử. Vậy khi đồng hóa mình là Con Người, Ðức Kitô muốn mạc khải cho họ biết Người có quyền tha tội. Và để làm chứng điều ấy, Người truyền cho kẻ bất toại đứng lên vác giường mà đi để mọi người phải bỡ ngỡ và tin rằng Thiên Chúa đang ở giữa họ.
Rất tiếc là bọn luật sĩ không chịu thua. Họ đinh ninh ông Yêsu này lộng ngôn. Họ duy trì cái tâm lý của người Dothái ở thời Isaia như chúng ta đã thấy trong bài đọc thứ nhất. Ðó là tâm lý tự mãn, tự tôn, cho mình là có lý và không mở mắt đón nhận những việc mới mẻ kỳ diệu mà Chúa đang muốn làm cho loài người để họ được rửa sạch và trở nên tạo vật mới.
Ðiều lạ là thứ tâm lý đó dường như không biết dừng lại. Nó đã có trong dân Israel đối với Thiên Chúa. Nó đã lộ ra trong đầu óc bọn luật sĩ đời Chúa Yêsu. Bây giờ chúng ta lại gặp lại nó nơi cửa miệng người Côrintô mà thư Phaolô hôm nay cho biết muốn thách thức các tông đồ.

3. Một Giáo Ðoàn Bất An
Chắc chắn thánh tông đồ đã phải đau lòng khi viết ra những lời này. Người đã hy sinh nhiều năm tháng cho giáo đoàn Côrintô. Họ đã nhận được đức tin nhờ người. Nhưng người vừa đi thì nhiều tông đồ giả đã đến quấy phá... Người phải viết một thư để dạy dỗ. Không xong, người đã phải trở lại Côrintô để dàn xếp công việc. Trước khi ra đi, người hứa sẽ trở lại nữa. Nhưng rồi không trở lại được, người còn nghe nói có nhiều dư luận xúc phạm tới người. Người phải viết một thư thứ hai. Thư này mất rồi, nhưng nó đã có tác động tốt, khiến thánh Phaolô lại viết bức thư mà hôm nay chúng ta trích đọc để ôn tồn và dứt khoát giải quyết mọi vấn đề.
Trong đoạn thư hôm nay, thánh tông đồ gợi lại việc dân Côrintô trách người không giữ lời hứa mà trở lại thăm họ, để "đối chất" với họ nếu ta có thể nói được như vậy. Họ trách người là hứa một đàng làm một nẻo, có có, không không, không ra gì cả. Họ nghi ngờ chính bản chất con người của các tông đồ khiến thánh Phaolô thật buồn. Và vì thế ở đây người không biện minh cho việc vì sao người đã không trở lại thăm họ. Người muốn trả lời cho ý nghĩa sâu xa của họ là chính lòng nghi ngờ bản chất con người tông đồ của Chúa.
Người nói: Thiên Chúa là đấng trung tín. Con Thiên Chúa, là Ðức Yêsu Kitô cũng là đấng trung tín. Ở nơi Người không có gì Thiên Chúa hứa mà không thực hiện. Người đã trở thành "có" hoàn toàn, chứ không phải vừa "có" vừa "không". Chính Người là sự "có" toàn diện của mọi lời Thiên Chúa đã hứa... Nên Người là Ðấng Trung tín như Thiên Chúa là Ðấng Trung tín. Và bây giờ các tông đồ, những người rao giảng Ðức Kitô, rao giảng sự "có" của mọi lời Thiên Chúa hứa, có lẽ nào các tông đồ lại không trung tín? Hơn nữa, họ còn được Thánh Thần "củng cố", xức dầu và "niêm ấn" bằng bao dấu thiêng điềm lạ. Thế thì làm sao các tông đồ lại không phải là những người trung tín, đáng tin tưởng?
Lời thánh Phaolô thật thắm thiết... Chắc chắn nó đã làm cho giáo dân Côrintô suy nghĩ. Phụng vụ hôm nay cũng ao ước nó có thể tác động lòng trí chúng ta. Cái tâm lý tự tôn coi mình là trung tín còn kẻ khác là bất tín là tâm lý khá phổ thông. Nó đã có trong dân Israel đối với Chúa thời Isaia. Nó đã lộ ra trong dân Dothái đối với Ðức Kitô. Nó đã gây bất an trong giáo đoàn Côrintô đối với các tông đồ. Nó cũng có thể đang làm chúng ta bứt rứt trước đời sống hiện tại trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội. Chúng ta cảm thấy như không được đền bù xứng đáng với lòng đạo đức và thiện chí của mình. Nói tắt, phần thánh thiện, trung tín như ở về phía ta, còn bên kia chỉ có bất tín và không công bằng.
Nhưng cả ba bài Kinh Thánh hôm nay muốn mời chúng ta nhìn xa hơn để thấy việc Chúa đang làm. Một tương lai mới đang được Người xây dựng qua bao nhiêm thực hiện trong xã hội loài người hiện nay. Chúng ta được mời gọi đón nhận những ơn mới mẻ của kế hoạch cứu thế. Nếu có điều nào phải được coi như tiêu chuẩn để thẩm định, thì chỉ có thể là ơn tha thứ tội lỗi, ơn thánh hóa đang đổi mới con người. Ở đâu ơn đó đang làm việc chúng ta hãy bắt tay vào để cảnh Trời mới Ðất mới mà Chúa đã hứa càng ngày càng trở nên cụ thể.
Suy nghĩ như vậy, chúng ta mới thấy thánh lễ này cần thiết và bổ ích. Chúng ta cần được ơn phục sinh để trở nên tạo vật mới trong thánh lễ này để sau đó có hành động mới và đời sống mới.
Thay vì tâm lý bứt rứt với những truyện cũ kỹ và buồn bã, chúng ta sẽ có nhiệt tình đi vào tương lai mới mà ở mọi nơi Thiên Chúa đang gầy dựng qua hoạt động của con người, để đi đến một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc cho tất cả các con cái Chúa. Chúng ta hãy có niềm tin như vậy và tuyên xưng đức tin ấy để dâng lễ sốt sắng và hữu hiệu.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

19/02/12 CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN – B
Mc 2,1-12
*****
SUY ĐI NGHĨ LẠI VIỆC KỲ DIỆU
Ai nấy sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa… Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!” (Mc 2,12)
Suy niệm: Hình ảnh bốn người khiêng bệnh nhân bại liệt, dỡ mái nhà, rồi thả chiếc chõng xuống là một hình ảnh tuyệt đẹp. Có thể bạn sẽ chẳng bao giờ được chứng kiến một hình ảnh đẹp như vậy trong cuộc đời mình. Lòng tin vào quyền năng Chúa Giêsu đã thúc đẩy, gợi hứng cho họ tạo ra hình ảnh đẹp này. Hình ảnh đẹp ấy đạt đến đỉnh điểm khi người bại liệt được Chúa Giêsu tha tội, rồi chữa lành. Trông thấy cảnh tượng kỳ diệu này, dân chúng thán phục bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!” Thế nhưng, cũng cảnh tượng ấy, các kinh sư đã không thán phục, lại còn bắt bẻ: “Ông ta nói phạm thượng!” Thế mới biết rằng không phải hễ thấy quyền năng Thiên Chúa tỏ lộ thì người ta tin vào Ngài, dù họ vẫn nhận biết rằng điều kỳ diệu đó chưa thấy bao giờ.
Mời Bạn: Có thể vài hoặc nhiều lần trong đời, bạn đã may mắn thoát nạn hay được những ơn lành một cách kỳ diệu. Lúc ấy bạn xác tín mạnh mẽ và tôn vinh Thiên Chúa. Rồi ký ức ấy phai dần theo thời gian, bạn đâm ra nguội lạnh với Chúa. Để nuôi dưỡng niềm tin, một mẫu gương bạn có thể bắt chước là Mẹ Maria, đấng đã suy đi nghĩ lại những biến cố lạ lùng trong đời Mẹ mà ca tụng Chúa.
Sống Lời Chúa: Nhớ lại những lần Chúa đã cứu thoát bạn cách kỳ diệu mà tạ ơn Người!
Cầu nguyện: Lạy Chúa! Thế giới kỳ diệu có biết bao nhiêu điều lạ lùng, chúng con chứng kiến rồi trầm trồ như chưa từng thấy bao giờ, và rồi chỉ dừng lại đó. Xin cho chúng con khi chứng kiến những điều kỳ diệu trong cuộc sống, biết tán dương Ngài. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN; Is 43, 18-19.21-22.24b-25; 2Cr 1, 18-22; Mc 2, 1-12.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” Nhưng các kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,5b-6).
            Chúa Giêsu đã từng cho đám đông biết Ngài từ Chúa Cha mà đến. Ngài làm những công việc mà Ngài đã thấy Chúa Cha làm, Ngài với Chúa Cha là một, nên trong lời nói của Ngài đối với người bại liệt “Này con, con đã được tha tội rồi” – Chúa Giêsu đang đem ơn tha tội của Thiên Chúa cho người ấy. – Chúa Giêsu đã hành động như người đại diện cho Thiên Chúa (Cha cũng chẳng xét đoán ai hết, nhưng đã trao trọn quyền xét đoán cho con. Ga: 5,22). – Chúa Giêsu thể hiện thái độ của Thiên Chúa đối với loài người là luôn yêu thương và tha thứ mọi lỗi lầm thiếu sót cho tất cả loài người, khi đứng trước Ngài biết mình là một tội nhân. Chứ không như con người quan niệm về Thiên Chúa là Đấng Nghiêm khắc. Trong đời sống của người Ki-tô hữu phải tránh những điều xét đoán, nhưng phải biết nhận ra những ơn ích trong đời sống mà chúng ta đang được Ngài ban, đó là: không khí, sự sống và trăm ngàn thứ khác là những món quà mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta phải biết cảm tạ ơn Ngài, biết thay đổi thái độ, hành động, tấm lòng của mình xứng hợp đối với Chúa, và với đồng loại.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
19 Tháng Hai
Thiên Chúa Quan Phòng

Người Do Thái thường nói đến sự Quan Phòng của Thiên Chúa bằng mẩu chuyện như sau: Có hai người bộ hành đi lên đường đi đến một phương xa. Họ dùng một con lừa để chuyên chở hành lý. Ðể cho con lừa có bạn, họ mang theo một chú gà cồ. Và đêm đến họ đốt đuốc để soi đường.
Một người bộ hành là một tín hữu rất đạo đức. Trên miệng ông lúc nào cũng có câu nói: "Thiên Chúa là Ðấng tốt lành trong tất cả mọi sự". Người bạn đồng hành của ông thì lại là một người rất cứng lòng tin. Ông rất bực mình mỗi khi ông nghe người bạn ông thốt lên những lời ca tụng lòng thiện hảo của Thiên Chúa. Lên đường chừng vài phút đồng hồ, ông đã cảnh cáo người bạn có lòng tin như sau: "Rồi đây anh sẽ thấy anh tin Chúa đến độ nào".
Trước khi mặt trời lặn, họ đến một ngôi làng nhỏ. Họ tìm một nơi để qua đêm. Họ gõ cửa khắp nơi, nhưng không có ai đón tiếp họ. Cuối cùng họ đành phải ra khỏi làng và tìm đến bìa rừng để qua đêm. Trong cảnh màn trời chiếu đất, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh có tốt không?". Người bạn đồng hành luôn tin tưởng ở Chúa quan phòng bình tĩnh đáp lại: "Ðây là chỗ tốt nhất Chúa dành cho chúng ta ngủ qua đêm này". Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới một gốc cây lớn nằm sát bìa rừng. Họ cột chú lừa vào một gốc cây gần đó. Họ chưa kịp đốt lên ngọn đuốc thì một tiếng mạnh từ xa vang lại. Thì ra, chỉ trong chớp nhoáng, một chú sư tử đã đến cắn xé con lừa và mang đi. Vừa thương tiếc cho chú lừa, vừa lo sợ cho thân phận của mình, hai người bộ hành chỉ còn biết leo lên cây để tránh tai họa.
Vừa tức giận, vừa mỉa mai, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh còn tốt nữa không?". Người tín hữu ngoan đạo dõng dạc tuyên bố: "Nếu con sư tử không bắt gặp con lừa trước, thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi. Chúa là Ðấng tốt lành".
Một vài phút sau, con gà cồ bỗng kêu la thất thanh. Hai người bộ hành mới trèo cao hơn. Họ nhận ra con gà cồ đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng. Người bạn cứng lòng tin chưa kịp thốt ra một lời cay đắng nào, thì người tín hữu ngoan đạo đã chúc tụng như sau: "Tiếng kêu thất thanh của con gà cồ lại một lần nữa giúp chúng ta thoát nguy hiểm. Cám ơn Chúa là Ðấng tốt lành".
Họa vô đơn chí. Chỉ vài phút sau đó, một cơn gió mạnh ùa đến, ngọn đuốc bỗng tắt ngụm đưa hai người vào trong cảnh tối tăm ghê rợn. Lần này con người cứng lòng tin lại lên tiếng mỉa mai như sau: "Xem chừng như Chúa của anh làm việc phụ trội trong đêm nay". Lần này, người tín hữu ngoan đạo chỉ biết giữ thing lặng.
Sáng hôm sau, hai người mon men trở lại làng để mua thức ăn. Họ mới hay biết rằng đêm hôm đó một băng cướp đã vào làng và họ đã vơ vét tất cả tài sản của dân làng. Nhìn cảnh tượng hoang tàn của ngôi làng và nhìn lại sự toàn vẹn của mình, người tín hữu ngoan đạo mới đắc thắng giải thích cho người bạn như sau: "Anh đã chứng kiến từ đầu đến cuối. Giá như đêm hôm qua, chúng ta thuê được một chỗ trọ trong làng, thì có lẽ chúng ta cũng không thoát khỏi tay của bọn cướp. Nếu cơn gió lớn không làm tắt ngọn đuốc của chúng ta, thì hẳn bọn chúng đã nhìn thấy chúng ta. Bạn thấy chưa, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa là Ðấng thiện hảo". 
Tin ở Thiên Chúa quan phòng không có nghĩa là bảo rằng tất cả mọi tai họa rủi ro xảy đến trong cuộc sống đều do Chúa gửi đến, nhưng có nghĩa là, khi đứng trước một bất hạnh mà mình không thể tránh khỏi, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa thiện hảo và quyền năng đến độ có thể biến sự bất hạnh ấy thành khởi điểm của một hồng ân cao cả hơn.
Trong ánh sáng Phục Sinh của Ðức Kitô, chúng ta được mời gọi để nhìn vào biến cố trong cuộc sống bằng cái nhìn lạc quan và tin tưởng ấy. Cái chết ô nhục của Ðức Kitô trên thập giá quả là một bất hạnh và là một tội ác, nhưng Thiên Chúa quyền năng và yêu thương đã biến thành khởi điểm của nguồn ơn cứu thoát.
Giữa muôn nghìn thử thách và đớn đau của cuộc sống, chúng ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa đang dành cho chúng ta một ân huệ cao cả hơn ngoài sự chờ đợi của chúng ta. Chúng ta hãy xưng tụng tình yêu quan phòng của Ngài.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật VII Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Isa 43:18-19, 21-22, 24-25; II Cor 1:18-22; Mk 2:1-12.

1/ Bài đọc I:
18 Người phán như sau: "Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước.19 Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn. 21 Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta. Ít-ra-en bội nghĩa vong ân 22 Vậy mà, hỡi Gia-cóp, ngươi đã chẳng kêu cầu Ta; phải, hỡi Ít-ra-en, ngươi đã chán Ta rồi.24 Ngươi đã không bỏ tiền mua hương liệu dâng Ta, cũng không dâng mỡ béo cho Ta được thoả dạ no lòng. Ngươi lại còn làm cho Ta cực khổ vì lầm lỗi của ngươi, làm cho Ta chán chường vì tội ác ngươi phạm. 25 Nhưng chính Ta đây, vì danh dự của Ta, Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa. 

2/ Bài đọc II:
18 Xin Thiên Chúa trung thành chứng giám cho chúng tôi! Lời chúng tôi nói với anh em chẳng phải vừa là "có" vừa là "không".19 Vì Đức Ki-tô Giê-su, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Xin-va-nô, Ti-mô-thê và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là "có" vừa là "không", nhưng nơi Người chỉ toàn là "có".20 Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên "A-men" để tôn vinh Thiên Chúa.21 Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Ki-tô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. 22 Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng. 

3/ Phúc Âm:
1 Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà,2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. 5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi." 6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: 7 "Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?" 8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? 9 Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi", điều nào dễ hơn? 10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giê-su bảo người bại liệt, 11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!"
12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!"

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của con người.

            Tội lỗi ngăn cản con người đến gần Thiên Chúa, Đấng vô cùng thánh thiện. Con người không thể làm gì để xóa sạch tội lỗi. Nếu Thiên Chúa không hành động, con người sẽ chết trong tội của mình. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chấp nhận lễ vật hy sinh để tha thứ những tội vô tình phạm; nhưng máu chiên bò không thể tha thứ những tội cố tình phạm. Máu chiên bò chỉ là hình ảnh của một máu cao quí hơn, có sức tha thứ tất cả các tội cho con người. Trong Tân Ước, Thiên Chúa cho Con của Ngài xuống trần để gánh tội cho con người. Nếu Chúa Giêsu gánh tội, Ngài cũng có quyền tha tội cho con người. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn ban quyền tha tội cho các môn đệ; để các ông thay Ngài tha thứ mọi tội cho con người.
              Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong quyền tha tội của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Tiên-tri Isaiah nhìn thấy trước quyền lực tha tội nơi Đấng Thiên Sai mà Thiên Chúa sẽ gởi tới cho con người. Vì Người Con này, Thiên Chúa sẽ xóa sạch tội lỗi của con người, và không nhớ đến những lỗi lầm họ đã xúc phạm tới Ngài nữa. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô xác tín: những gì Thiên Chúa hứa với con người, Ngài sẽ thi hành. Noi gương Thiên Chúa, Thánh Phaolô và các môn đệ của ngài cũng trung thành giữ những gì đã hứa: nói “có” là “có.” Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu bị các kinh-sư tố cáo phạm thượng, Chúa Giêsu chứng minh cho họ thấy: nếu Ngài có uy quyền chữa bệnh bại liệt, Ngài cũng có uy quyền tha tội, vì theo họ, tội là nguyên nhân của bại liệt.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi.
            Tiên-tri Isaiah nhìn thấy trước Thiên Chúa sẽ tha thứ tội lỗi cho con người, khi Người tuyên phán: "Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó bắt đầu rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những giòng sông tại vùng đất khô cằn.” Việc mới Thiên Chúa sắp làm là cho Đức Kitô nhập thể để cứu chuộc con người. Khi Đức Kitô Nhập Thể, tiến trình tha thứ tội lỗi cho con người đã bắt đầu. Máu của Đức Kitô đổ ra sẽ xóa sạch tội lỗi cho con người, và hòa giải con người với Thiên Chúa (x/c Lk 22:19, I Cor 11:24-26). Trong đọan văn này, tiên-tri muốn nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa và sự vô ơn của con người:
            (1) Lòng thương xót của Thiên Chúa: Thiên Chúa tha thứ vì Ngài yêu thương con người (Jn 3:16). Ngài thương xót vì Ngài là Cha, và vì danh hiệu “Cha,” ngài yêu thương con cái cho dù chúng xúc phạm đến Ngài: “Nhưng chính Ta đây, vì danh dự của Ta, Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa.”
            (2) Sự vô ơn của con người: Con người chẳng có thể làm gì để đáng được tha tội; không những thế, con người tiếp tục làm Chúa buồn sầu: “Ngươi lại còn làm cho Ta cực khổ vì lầm lỗi của ngươi, làm cho Ta chán chường vì tội ác ngươi phạm.” Lẽ ra con người phải biết ơn tất cả những gì Thiên Chúa làm, và lên tiếng ca ngợi Thiên Chúa; nhưng con người đã bội nghĩa vong ân, chẳng kêu cầu Thiên Chúa, và cho đến độ như Chúa nói: “Ngươi đã chán ta rồi.” Điều này, chúng ta có thể thấy thành những khẩu hiệu ngày nay, chứ không còn trong tư tưởng nữa: “Tôi đã giết chết Thiên Chúa!” (F. Nietzsche) “Tôn giáo là thuốc phiện mê ngủ con người!” (K. Marx). Hiện đang có trào lưu đòi quyền được quảng cáo trên các xe bus: “Không có Thiên Chúa!”

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa hứa gì có nấy.
             2.1/ Thiên Chúa là Đấng trung thành: Thánh Phaolô xác tín: Thiên Chúa trung thành, Ngài thực hiện những gì Ngài hứa, và Ngài không thể làm ngược lại: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên "Amen" để tôn vinh Thiên Chúa.” Tất cả những gì Thiên Chúa hứa với con người được thực hiện nơi Đức Kitô. Ví dụ, lời hứa con đàn cháu đống với tổ-phụ Abraham, lời hứa xóa sạch tội lỗi con người như trong Bài Đọc I, lời hứa cho con người được cuộc sống đời đời 
            2.2/ Chúng ta phải bắt chước Thiên Chúa để giữ những gì chúng ta hứa: như Phaolô, Sylvanô, và Timothy bắt chước Thiên Chúa: “Xin Thiên Chúa trung thành chứng giám cho chúng tôi! Lời chúng tôi nói với anh em chẳng phải vừa là "có" vừa là "không." Vì Đức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Sylvano, Timothy và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là "có" vừa là "không," nhưng nơi Người chỉ toàn là "có."” 
           Chính Đức Kitô đã từng dạy dỗ các môn đệ: “Có nói có, không nói không; đưa điều đặt chuyện là do ma quỉ gây ra” (Mt 5:37). Con người chúng ta rất dễ vi phạm những lời thề đã hứa với Thiên Chúa và tha nhân. Ví dụ, khi con người phạm tội là phá vỡ giao ước Sinai, khi cho người ly dị là phá vỡ giao ước hôn nhân, khi con người giũ áo dòng là phá vỡ lời khấn hưa với Chúa trước bàn thờ. Về phía xã hội còn thông thường hơn nữa: bao nhiêu hiệp định, hiệp ước, khế ước, chỉ là những mảnh giấy vô nghĩa chờ để phá vỡ.
            Thánh Phaolô nhấn mạnh: sở dĩ chúng ta có thể bắt chước Thiên Chúa, là vì Ngài đã ban Thánh Thần cho chúng ta: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.” Thánh Thần là Thần Chân Lý, Ngài giúp con người nhận ra sự thật, và ban sức mạnh để con người có thể nói, sống, và làm chứng cho sự thật. 

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu là Thiên Chúa vì Ngài làm được những việc Thiên Chúa làm.
             3.1/ Chúa Giêsu có uy quyền chữa bệnh: Đi hành hương Do-Thái, chúng ta có thể phân biệt nhà của người Do-Thái từ nhà của người Palestines: Mái nhà của người Do-Thái không xuôi ra hai bên như mái nhà của người Palestines, mà phẳng như hình chữ nhật để người ta có thể dùng làm sân thượng để hóng mát. Vì thế, việc dỡ mái nhà xuống cũng đơn giản và ít gây thiệt hại. Anh bại liệt không thể tự mình đến với Chúa để xin chữa bệnh, anh phải nhờ tới 4 người khác để đưa anh tới với Chúa. Trong cuộc hành trình đức tin của mỗi người cũng thế, chúng ta không thể tự mình đến với Thiên Chúa; chúng ta cần những người trong Giáo Hội, giáo xứ, gia đình, và bạn hữu để dìu dắt chúng ta tới với Thiên Chúa. Có nhiều cách biểu lộ niềm tin. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Ngài sẽ vui mừng khi thấy con người biểu lộ niềm tin vào Ngài: Khi thấy cách biểu lộ niềm tin của họ, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi."
              3.2/ Chúa Giêsu có uy quyền tha tội, và tha cách dễ dàng:
            (1) Tội lỗi và hình phạt: Theo truyền thống Do-Thái, hình phạt là hậu quả của tội lỗi: có thể của cá nhân hay của cha mẹ (Job 4:7, Jn 9:2). Các Rabbi có câu: “Không người bệnh nào được lành bệnh cho tới khi tất cả tội lỗi của anh được tha thứ.”
            (2) Lý luận của Chúa Giêsu: Khi Ta tha hình phạt qua việc chữa lành, là Ta tha tội, nguyên nhân của hình phạt.
            (3) Lý luận của các Kinh-sư: Trong đám đông, có nhiều các kinh-sư đến không phải để nghe Thiên Chúa giảng, nhưng để bới lá tìm sâu để có thể kết án Chúa, và họ nghĩ họ đã tìm ra lý do để kết án Chúa phạm thượng: "Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?" Điều họ ngạc nhiên nữa là Chúa Giêsu tha tội quá dễ dàng: khi bệnh nhân chưa thú tội và cũng chưa dâng lễ vật đền tội.
            (4) Chúa Giêsu dùng lý luận của các Kinh-sư và việc chữa lành để chứng minh cho họ biết Ngài là Thiên Chúa: “Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi," hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi," điều nào dễ hơn?” Dĩ nhiên điều dễ làm hơn là bảo “Con đã được tha tội rồi;” vì không ai có thể kiểm chứng được, còn điều khó làm là bảo "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi;" phải là người có uy quyền mới làm được và mọi người đều kiểm chứng.
             “Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu bảo người bại liệt, Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!" Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!"
             3.3/ Quyền tha tội được ủy thác cho Giáo Hội:
            (1) Trong Cựu Ước, đúng như lời các kinh-sư nói: Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Ngài chỉ dạy cho các nhà lãnh đạo dạy dân thực hiện những lễ vật hy sinh để đền tội.
            (2) Như lời Tiên-tri Isaiah loan báo trong Bài Đọc I về việc Thiên Chúa sẽ làm một điều mới là gởi Đấng Thiên Sai tới để gánh tội cho con người, và lời Chúa Giêsu xác tín với các kinh sư: “Để chứng minh ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội; Người truyền cho người bại liệt: Hãy đứng dạy, vác chõng mà về;” Quyền tha tội đã được đưa từ trời xuống đất.
            (3) Chưa hết, Chúa còn trao quyền tha tội cho các môn đệ: “Các con tha cho ai, tội người ấy được tha. Các con cầm buộc ai, tội người ấy bị cầm lại.” Quyền tha tội từ khi Chúa Giêsu về trời, ở lại trong Giáo Hội qua các linh mục. Các ngài có thể thay quyền Chúa tha thứ mọi tội cho con người. 
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 
            - Tội lỗi là một thực trạng trong cuộc sống con người. Hậu quả của tội lỗi làm con người xa cách Thiên Chúa, xa cách con người, và làm con người phải chết.
            - Con người không thể làm gì để xóa sạch tội của mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội và cho con người nối lại tình nghĩa với Ngài.
            - Để thực hiện điều này, Thiên Chúa gởi Người Con Một của Ngài tới để gánh tội xóa sạch tội cho con người nhờ Máu của Người đổ ra trên Thập Giá.
            - Người Con này có quyền tha tội và đã trao quyền này cho các môn đệ qua Bí-tích Hòa Giải để tha tội cho con người. Mỗi khi phạm tội, chúng ta hãy chạy đến với Bí-tích này để được tha tội và giao hòa với Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Suy Niệm
Khi người bại liệt được đưa xuống trước mặt Ðức Giêsu,
Ngài cảm nhận ngay lòng tin mạnh mẽ của họ.
Lòng tin không chịu lùi bước trước khó khăn:
phải vượt qua đám đông chật cứng trước cửa.
Lòng tin tìm ra con đường khác thường để đến với Ðức Giêsu:
không qua bằng cửa chính, nhưng bằng lỗ hổng ở mái nhà.
Lòng tin mang tính tập thể, đồng tâm nhất trí:
người bại liệt cần bốn người bạn khiêng mình,
bốn người khiêng đồng ý cùng nhau giúp người bại liệt.
Lòng tin đòi nỗ lực, đổ mồ hôi:
khoét một lỗ to, khiêng lên mái, rồi từ từ thả xuống.
Lòng tin đòi sự tế nhị, nhẹ nhàng:
phải xin phép chủ nhà và phải sửa lại mái nhà sau đó,
phải khéo léo khi dỡ mái ngay trên chỗ Ðức Giêsu ngồi.
Lòng tin đòi sự liều lĩnh:
có thể Ðức Giêsu coi việc làm như vậy là khiếm nhã,
có thể Ngài bực bội vì bài giảng của mình bị xáo trộn.
Người nằm chõng và các người khiêng đều có lòng tin.
Nhìn họ, ta thấy mình tin ít biết chừng nào.
Tin đâu phải chỉ là thái độ của ý chí,
mà của cả con người, đầu để nghĩ, tay để làm.
Nhìn họ, ta thấy mình chưa thực sự biết muốn.
Nếu ta thực sự muốn và thực sự tin vào Chúa,
thì ta đã có thể ra khỏi sự bại liệt của mình từ lâu.
“Này con, các tội của con được tha”.
Người bại liệt chờ được khỏi, còn Ðức Giêsu lại tha tội cho anh.
Phải chăng tội là nguyên nhân cội rễ của sự bại liệt ?
Có lần Ðức Giêsu nói với một người bại liệt khác:
“Anh đã được khỏi.
Ðừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn hơn” (Ga 5,14).
Tha tội là chữa bệnh bại liệt của tâm hồn.
Như thế cuối cùng anh được giải phóng cả hồn lẫn xác.
Khi anh đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà,
chúng ta thấy anh được tự do, hết bị trói buộc:
trói buộc vào chõng và trói buộc vào tội.
Các kinh sư bực bội khi nghe câu : “Tội con được tha.”
Họ hiểu là Ðức Giêsu tự cho mình quyền tha tội.
Như thế là phạm thượng, là tiếm quyền của một mình Thiên Chúa.
Chúng ta cần nhìn các kinh sư.
Họ ngồi một chỗ, không hề mở miệng, chỉ nghĩ trong lòng.
Họ bị khô cứng, kẹt cứng trong một nguyên tắc đúng.
Họ không tin Thiên Chúa có thể chia sẻ quyền này cho Ðức Giêsu.
Ngay khi người bại liệt đi được, có lẽ họ vẫn không tin.
Họ vẫn ngồi đó với những định kiến của mình.
Cả thân xác lẫn tinh thần của họ không dám chuyển động,
không dám mở ra để thấy cái gì khác hơn, mới hơn
mà trước đây họ chưa hề nghĩ tới.
Rốt cuộc thì ai bại liệt hơn ai?
Xin Chúa cho chúng ta thấy mình dễ bị bại liệt,
dễ khép lại trong những xác tín và công thức chắc nịch,
đến nỗi mất khả năng đón nhận những vén mở bất ngờ của Chúa.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Ðấng Vô Hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Ðức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.
Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
 Suy niệm: 
Chúa Giêsu thán phục niềm tin của người bất toại cũng như của những kẻ khiêng anh ta đến: vì muốn gặp Chúa, họ đã vận dụng mọi cách để làm cho kỳ được. Ngày nay ai muốn gặp Chúa, cũng phải biết hy sinh dẹp bỏ mọi chướng ngại vật quanh mình và trong bản thân mình.
Một mình người bất toại không thể đi gặp Chúa Giêsu, vì anh chẳng có sức cất bước. Anh phải để kẻ khác đỡ nâng, khiêng vác mình. Nhìn nhận các giới hạn, khiếm khuyết của ta, khiêm tốn chấp nhận sự giúp đỡ cộng tác của anh em là phương thế chắc chắn nhất giúp ta đi gặp Chúa. Và một khi được kẻ khác giúp đỡ đến lượt ta cũng hãy mau mắn giúp kẻ khác như vậy.
Chúng ta sống trong một thời đại của những điều thú nhận. Người ta trở lại những câu chuyện về mình, bóc trần tâm hồn yếu đuối của mình, không chỉ kể lại một cách riêng tư với các bác sĩ tâm lý, nhưng một cách công khai trong sách báo và truyền thanh, truyền hình. Tuy nhiên, trong lúc có nhiều lời thú nhận, thì lại không có sự xá tội, ít nhất là xá tội nhân danh Đức Kitô.
Đến với bác sĩ trị liệu không làm người ta nhẹ bớt cảm thức phạm tội. Một đôi lúc, các bác sĩ trị liệu nói một cách máy móc. “Được rồi, không hại gì đâu, nhiều người làm như thế và bạn đã chịu một áp lực, và vân vân…” Người ta cảm thấy được các bác sĩ trị liệu nâng đỡ nhưng không cảm thấy được tha thứ.
Thiên Chúa quan niệm tội lỗi của chúng ta một cách nghiêm trọng nhưng Người yêu thương chúng ta đủ để tha thứ những tội lỗi ấy. Người như muốn nói với chúng ta. “Dù cho con có làm gì và nhiều đến đâu, thì Ta cũng tha cho con”.
Điều mà người ta cần là một cảm thức về sự tha thứ triệt để. Sự tha thứ này vừa cho người ta nhận thức mình có tội trong việc mình đã làm, vừa khẳng định người ta xứng đáng được quan tâm. Con người không thể ban cho nhau sự tha thứ đó vì chỉ Thiên Chúa mới làm được.
Tha thứ là một điều kỳ diệu. Khi tha thứ rồi người ta không còn bị công kích. Mọi sự đều bỏ qua. Người được tha thứ không còn bị cảm thức tội lỗi làm tê liệt. Họ bước đi tự do, thân mật với Thiên Chúa và với những người mà họ đã xúc phạm.
Trung tâm sứ vụ của Đức Giêsu là sự tha thứ. Mà Người đã trao quyền bính ấy cho các tông đồ khi Người nói với họ “Anh em tha tội nào thì tội ấy được tha; anh em cầm giữ tội nào thì tội ấy sẽ bị cầm giữ”. Quyền tha tội nhân danh Người là một ơn rất lớn mà Đức Giêsu để lại cho Giáo hội Người, và chủ yếu được thực thi qua Bí tích Giải tội.
Nhiều người trong chúng ta đến với phép Giải tội với mọi danh sách các tội đã được chuẩn bị trước. Những tội giống nhau xuất hiện trên danh sách nhiều lần thường có cả những vấn đề tầm thường mà chúng ta thấy không cần phải ăn năn, hối hận. Trong lúc xưng tội chúng ta đọc lướt qua danh sách ấy rồi chăm chú lắng nghe những lời linh mục nói, để rồi thấy rằng cách sống của chúng ta sau đó không có gì khác trước. Người ta không làm một nỗ lực nào để đi sâu vào căn nguyên của mối quan hệ với Thiên Chúa và người khác.
Chúng ta phải phân biệt tội lỗi như một biến cố, một hành động và tội lỗi như một điều kiện. Loại thứ hai quan trọng hơn. Bạn có thể làm một điều gì đó sai lầm, nhưng điều đó không làm cho bạn thành một người làm điều sai thường xuyên. Có một sự khác nhau lớn giữa người sai phạm một đôi lần, và người sai phạm như một cách để sống. Một người có thể ăn cắp một lần do bị cám dỗ hoặc kinh tế khó khăn. Hoặc một người có thể ăn cắp đều đặn, do đó việc trộm cắp trở thành một cách sống.
Tình trạng tội lỗi không giống với tội lỗi. Cái đầu là căn bệnh, cái sau là triệu chứng. Chúng ta là những người có tội, sa ngã – đó là một thực tế. Vì thế chúng ta ra khỏi đời này với một danh sách các tội. Bí tích Giải tội đòi hỏi chúng ta xét mình vì tội lỗi của chúng ta chỉ là một biểu hiện bên ngoài của sự bất ổn bên trong.
Tội lỗi không phải là một vật mà chúng ta có thể vứt một lần rồi xong như một cái áo cũ. Đúng hơn, nó là một điều kiện trong đời sống chúng ta. Chúng ta là những người có tội và luôn luôn cần có sự cứu chuộc. Điều quan trọng không phải là những khiếm khuyết của chúng ta mà là cuộc chiến đấu của chúng ta cho sự thiện hảo. Mục tiêu của một đời sống tốt lành không phải là thắng trận mà là tiến hành cuộc chiến đấu không ngừng.
Bí tích Giải tội không phải là một dịch vụ giặt tẩy vô ngã. Nó là một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Đấng lôi kéo chúng ta tiến đến tự do của con cái Thiên Chúa.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, trước những bất trung của chúng con, Chúa vẫn luôn đợi chờ. Chúa luôn mở rộng vòng tay nhân ái và trái tim đầy yêu thương ban cho chúng con ơn tái sinh. Chúng con xin cảm tạ Chúa vì ơn trọng đại này. Xin cho chúng con đủ khiêm tốn xưng thú tội mình mỗi khi chúng con phạm tội. Xin cho chúng con luôn tin tưởng vào tình thương Chúa phủ lấp muôn vàn tội lỗi của chúng con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét