Trang

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

THỨ NĂM SAU LỄ TRO


Thứ Năm sau Lễ Tro


Bài Ðọc I: Ðnl 30, 15-20
"Hôm nay tôi đề nghị với anh em về sự chúc lành và sự chúc dữ".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Môsê nói với dân rằng: Này hôm nay tôi giãi bày cho anh em về sự sống và hạnh phúc, về sự chết và bất hạnh. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em, hãy đi trong đường lối Người và tuân giữ các giới răn, những lề luật và các huấn lệnh của Người, hầu anh em được sống và tăng số, và Chúa chúc lành cho anh em trên phần đất mà anh em sẽ chiếm hữu. Nhưng nếu lòng anh em không quay về, không muốn nghe, và chạy theo lầm lạc, thờ lạy và phụng sự các thần khác, thì hôm nay tôi tuyên bố với anh em rằng anh em sẽ chết, không được sống trên phần đất bên kia sông Giođan mà anh em sẽ chiếm hữu. Hôm nay, tôi xin trời đất làm chứng rằng: tôi đã đề nghị với anh em về sự sống và sự chết, sự chúc lành và sự chúc dữ. Vậy hãy chọn lựa sự sống để anh em và dòng dõi anh em được sống. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em, hãy tuân phục lệnh Người và liên kết với Người, vì Người là sự sống và là sự sống lâu dài của anh em, để anh em được ở trong đất nước mà Chúa đã hứa ban cho tổ phụ anh em là Abraham, Isaac và Giacóp".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5a).
Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6,2b
Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

Phúc Âm: Lc 9, 22-25
"Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại".
Chúa nói với mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?"
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:
Sau khi Phêrô tuyên tín: "Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa". Chúa Giêsu đã loan báo cho các môn đệ về cái chết và sự Phục Sinh Con Người sẽ phải chịu. Ngài muốn môn đệ của mình phải hiểu rõ con đường Ngài sẽ đi  - con đường đau khổ rồi mới tới vinh quang.
Muốn theo Chúa, muốn hưởng vinh quang với Chúa, chúng ta phải bỏ mình vác thập giá hằng ngày trong an vui. Cùng chết với Ðức Giêsu để được Phục Sinh với Ngài.

Cầu Nguyện:
"Ðược lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì".
Lạy Chúa Giêsu, chính nhờ lời Kinh Thánh này, Chúa đã dùng để hoán cải tâm hồn sa đọa của Thánh Augustinô. Xin cho lời Chúa cũng thấm nhập vào tâm hồn của chúng con mỗi ngày, để nhờ đó chúng con biết hoán cãi tâm hồn, thay đổi lối sống của mình để xứng đáng trở thành con ngoan của Chúa. Amen.

Trường Sinh Bất Tử

Theo một câu chuyện thần thoại Hy lạp. Sivil là một người phục vụ trong đền thờ. Khi được hỏi muốn được thưởng công thế nào cho xứng đáng với công phục vụ của mình, Sivil đã trả lời như sau:
- Xin cho tôi được trường sinh bất tử.
Thế là bà đã được như ý. Tất cả mọi người thân, bạn bè quen biết đều lần lượt ra đi. Bao nhiêu thế hệ đến rồi đi. Bao nhiêu nền văn minh xuất hiện rồi biến mất. Sivil vẫn tồn tại trước bao đổi thay ấy. Nhưng dĩ nhiên, dù không chết, thân của Sivil mỗi ngày cũng tàn tạ, nếp nhăn của thời gian cũng từ từ hiện lên trên mái tóc khuôn mặt của bà. Bất tử nhưng bà vẫn không tránh khỏi bệnh tật ngày càng gia tăng theo năm tháng. Không chết nhưng thân xác của bà ngày càng khô héo và nhỏ lại đến độ cuối cùng bà có thể chui vào một trong cái chai nhỏ. Chính trong cái chai nhỏ ấy mà một hôm có một người đã khám phá ra bà. Giờ đây, khi được hỏi, bà mong mỏi điều gì, bà Sivil trả lời:
- Tôi chỉ muốn chết.
Sivil đã xin được bất tử, bà đã được như ý. Giờ đây bà chỉ còn một nỗi khao khát là được chết.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Ðông Tây, kim cổ, ở đâu và thời đại nào con người cũng tha thiết được trường sinh bất tử. Muốn được sống mãi nên cho dù có khốn khổ cơ cực đến đâu cũng không ai muốn chết. Nhưng càng thêm tuổi thì càng thêm chồng chất đau thương. Trường sinh bất tử mà không được trẻ mãi là một gánh nặng. Chính vì thế mà đối với các tín hữu Kitô, sự sống trường sinh bất tử mà Thiên Chúa hứa ban cho con người không diễn ra trên trái đất này. Trái lại trường sinh bất tử chỉ đến trong cuộc sống mai hậu mà thôi.
Ðể đạt được sự sống vĩnh cửu ấy, con người phải trải qua đau khổ và sự chết. Ðể được sống trường sinh, con người phải mất đi cuộc sống tại thế này. Ðó là định luật được ghi khắc sâu trong bản tính con người. Toàn bộ cuộc sống của người Kitô được xây dựng trong niềm tin và cuộc sống mai hậu ấy. Tuy nhiên, không vì hướng đến cuộc sống mai hậu ấy mà họ xao nhãng đối với cuộc sống tại thế này. Trái lại, chỉ biết rằng: hạt giống của sự sống vĩnh cửu được gieo vãi và nẩy mầm ngay trên mảnh đất cuộc sống chóng qua này mà họ lại càng ra sức làm việc và sống như thế nào để hạt giống ấy được trổ sinh tươi tốt trong ngày mùa sau hết. Chính vì ý thức rằng: không thể đi vào cuộc sống vĩnh cửu mà không sống cuộc sống tại thế này một cách sung mãn. Cho nên họ đón nhận từng giây phút chóng qua trên cõi đời này như một chuẩn bị cần thiết cho cuộc sống mai hậu. Ðây chính là tinh thần lạc quan đích thực của Kitô hữu. Người thực sự sống niềm tin của mình luôn biết nhận ra vĩnh cửu trong khoảnh khắc chóng tàn, luôn biết cảm nghiệm được hạnh phúc trong mất mát khổ đau, luôn biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu qua những của cải tạm bợ.
Mùa chay, chuẩn bị tâm hồn để mừng mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, các tín hữu Kitô được mời gọi để sống tinh thần lạc quan ấy: Chay tịnh, Cầu nguyện, Sám hối và nhứt là thực thi Bác Ái. Ước gì những thực hành này khơi dậy trong chúng ta niềm vui sống và tinh thần lạc quan đích thực của Kitô giáo.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trong khi mưu tìm cuộc sống tại thế này luôn biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu.
Xin cho cuộc sống vĩnh cửu mà Chúa hứa ban cho chúng con trở thành động lực thúc đẩy chúng con xây dựng nước Chúa qua những thực tại chóng qua ở đời này. Amen.

23/02/12 THỨ NĂM SAU LỄ TRO
Th. Pôlicáp, giám mục, tử đạo        Lc 9,22-25
*****
TÔI VÁC THÁNH GIÁ
Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)
Suy niệm: Sau lời tiên báo thương khó, Đức Giêsu đề cập ngay đến điều kiện các môn đệ phải có để theo Ngài. Chúa không chỉ nói với nhóm Mười Hai, mà còn với tất cả những ai đang đi sau Ngài. Điều kiện ấy là vác thập giá của mình hằng ngày. Thánh giá của mỗi người đều có dấu riêng, kết liên với kinh nghiệm và cuộc đời. Đức Hồng Y Martini nói: cũng như có hàng ngàn kiểu cầu nguyện, cũng có hàng ngàn cách tiếp cận với thánh giá và sống với thánh giá. Mỗi người có cách của mình để đảm đương thánh giá trên vai. Đó là đảm đương những bổn phận hằng ngày cách kiên trì, dù lắm khi rất nhàm chán. Dĩ nhiên, không có thánh giá nào mà không có sức nặng; chẳng có thánh giá nào mà không đòi nỗ lực, gắng sức. Chỉ có điểm chung cho mọi người môn đệ là không để thánh giá đè bẹp hay bỏ cuộc. Tất cả được kêu gọi tiến bước theo Chúa, mang cuộc đời mình theo Ngài.
Mời Bạn: Bên cạnh Đức Giêsu có hai tên trộm cướp vác thập giá và đang đi, có khi theo Đức Giêsu, lại có khi đi trước Ngài. Xét bề ngoài, họ đáp ứng đủ những đòi hỏi của Đức Giêsu. Tiếc thay lòng họ chưa muốn đi theo Ngài! Còn bạn thì sao?
Chia sẻ: Sự đều đặn của việc bổn phận có dễ làm bạn chán nản không?
Sống Lời Chúa: Bạn làm những công việc bổn phận mà không than vãn, trách móc. Bạn dâng hy sinh đó cho Chúa khi dự Thánh Lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con trung thành vác thánh giá theo Chúa, dù lắm khi con tưởng chừng không thể đứng lên tiếp tục tiến bước. Xin nâng đỡ con, lạy Chúa, xin nâng đỡ con.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Polycarpô, Giám mục, tử đạo; Đnl 30, 15-20; Tin Mừng theo Thánh Lc 9, 22-25.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập gía mình hằng ngày mà theo”. Quả vậy, ai muốn cứu sống mạng mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. (Lc 9,23-24)
            Hành trình để chúng ta đi theo Chúa không dễ chút nào. Nhưng hành trình này Chúa Giêsu đã đi qua và Ngài đã đi đến cùng đích. Ngài đang ngự bên hữu Chúa Cha. Vì Ngài yêu thương tất cả mọi con người đang sống trên trần gian này, Ngài muốn tất cả nhân loại này cũng được hưởng vinh quang trong Nước của Cha Ngài, nên Ngài mời gọi chúng ta đi trên con đường Ngài đã đi, đó là: biết quên mình, để dành tất cả tình thương và phục vụ cho nhau trong cuộc sống; chịu đựng, tha thứ và cảm thông nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống vì Ngài. Chỉ có sự tận hiến này mới bảo toàn mạng sống cho chúng ta.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 23-02
Thánh POLYCARPÔ
Giám mục tử đạo (...... - 155)
Từ khi thánh Inhaxiô qua đời, thánh Polycarpô đã trở thành khuôn mặt sáng giá nhất của kitô giáo đông phương. Ngài đã trở thành giám mục Smyrna khoảng năm 96.
Thánh Inhaxiô, sau khi gặp Ngài đã viết cho Ngài rằng:  - "Hãy giúp đỡ người khác như Chúa đã trợ giúp Ngài... Hãy cầu nguyện không mệt mỏi... hãy như các lực sĩ mang lấy các yếu đau của mọi người, bởi vì người lực sĩ chiến thắng bất kể mọi cú đánh xâu xé thân mình".
Thực sự suốt cả đời, Polycarpô đã là một chiến sĩ chiến đấu cho đức Kitô. Đến lượt Ngài, Ngài cũng đã đào luyện các môn đệ của mình trong số đó có giám mục Lyon là thánh Irênê, người còn nhớ: - "Tôi không bao giờ quên bước đi trịnh trọng, nét mặt uy nghiêm, cuộc sống trong trắng của Ngài và nhận những lời khuyên thánh thiện Ngài dạy dỗ dân chúng".
Lúc đã quá tám mươi tuổi, thánh Polycarpô đi Rôma nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Anicêtô về ngày thích đáng để kỷ niệm lễ phục sinh. Sau đó Ngài trở lại Smyrna để chịu tử đạo. Cuộc bách hại đã nghiêm trọng và Ngài sẵn sàng hiến đời mình. Nhưng bạn bè thân thiết xin Ngài hãy sống vì đoàn chiên, nên Ngài đã nhận ẩn mình ở miền quê. Các binh sĩ lùng tìm Ngài đã khám phá ra hai người giúp việc của Ngài và tra tấn dã man đến độ một trong hai người, khi quá đau đớn, đã tố cáo Ngài.
Và đã quá trễ khi họ đến căn nhà tại miền quê. Thấy họ đến, thánh Polycarpô đã nói: - Xin cho ý Chúa được thể hiện.
Và Ngài từ chối không muốn trốn đi. Ngài đi xuống tìm đón các binh sĩ, đàm thoại với họ, cho họ ăn uống, vì họ mệt nhọc tìm kiếm Ngài quá lâu và cuối cùng thì những binh sĩ này đã hoàn thành nhiệm vụ của họ. Thánh Polycarpô xin họ để giờ cho Ngài cầu nguyện. Ngài nói lớn với Thiên Chúa như người ta nói chuyện với cha mình, Ngài ký thác cho Chúa những anh em của mình, giàu cũng như nghèo, mọi Kitô hữu rải rác trên khắp thế giới. Suốt hai giờ liền, người ta nghe Ngài cầu nguyện như vậy.
Các binh sĩ kinh ngạc khi nghe Ngài cầu nguyện như thế và coi như là một phá hoại, khi họ ép buộc phải bắt giam một con người quảng đại và can đảm. Nhưng trung thành với mệnh lệnh họ dẫn cụ già đi.
Trên đường họ gặp chỉ huy và vị chỉ huy mời Polycarpô lên xe mình, ở đó ông muốn làm cho Ngài chối bỏ Thiên Chúa. Ông nói rằng:  - Ngài xem này, xấu xa gì khi nói vài lời người ta yêu cầu và dâng một của lễ cho các thần minh của chúng ta... Sau đó Ngài được cứu thoát.
Trước sự từ chối của Polycarpô, viên lãnh binh đánh đập Ngài. Vị giám mục già nua té xuống đường, bị thương, Ngài chỗi dậy và đi theo các binh sĩ.
Một đám đông chờ đợi thánh Polycarpô tại vận động trường là nơi vui chơi, diễn ra cả các trò chơi tiêu khiển lẫn những cuộc vui hành hình.
Nhà cầm quyền khuyên nhủ Ngài: - Hãy thương lấy thân mà khinh miệt ông Kitô tôi sẽ trả tự do cho ông.
Nhưng thánh Polycarpô trả lời: - Đã tám mươi sáu năm tôi phụng sự đức Kitô và người chỉ ban sự lành cho tôi, làm sao tôi có thể phạm thượng tới Thiên Chúa và Đấng cứu chuộc tôi được ?
Dân chúng la hét ghê rợn, nhà cầm quyền nói: - Tôi có nhiều thú dữ, tôi sẽ thải ông cho chúng ăn thịt.
Thánh Polycarpô điềm tĩnh trả lời: - Ông hãy cho chúng tới đây.
Nhà cầm quyền mất bình tĩnh nói: - Vì ông khinh thú dữ, tôi sẽ thiêu sống ông, nếu ông không đổi ý.
Vị tử đạo trả lời: - Ông đe tôi bằng thứ lửa chỉ thấy có một lúc . Ong không biết thứ lửa đời đời dành cho bọn bất lương sao ?
Và mặt Ngài sáng rực ánh sáng trên trời. Viên nhiếp chính cho người hô lớn ba lần: - Polycarpô xưng mình là Kitô hữu.
Nghe vậy, lương dân và người Do thái đòi mạng Ngài, Họ tố cáo: - Nhà đại tiến sĩ của Á Châu, cha các Kitô hữu, kẻ phá hoại các đề thờ thần minh của chúng ta đó.
Ba ngày trước, thánh Polycarpô đã được thị kiến thấy gối mình bốc lửa và đã tin cho các bạn biết mình sẽ bị thiêu. Bây giờ Ngài nghe dân chúng la ó: - Đốt nó đi.
Và dân chúng vơ chất củi thành giàn thiêu, Ngài điềm nhiên xem họ làm. Khi mọi sự đã xong Ngài cởi áo, cởi giày, cầu nguyện. Ngài thờ lạy Chúa cứu thế và tạ ơn Người đã cho mình được chết vì đạo.
Binh sĩ đốt lửa. Ngọn lửa bao quanh thánh Polycarpô và thân thể Ngài sáng chói như vàng bạc. Người ta ngửi thấy mùi hương thơm quí giá.
Sau cùng một mũi giáo đâm vào thân xác đang bốc cháy và các Kitô hữu thấy linh hồn Ngài như cánh chim bồ câu bay thẳng lên trời cao.
(Daminhvn.com)
+++++++++++++++++
23 Tháng Hai
Ánh Sáng Hồi Phục

Mới đây tại trường đại học y khoa Stanford bên Hoa Kỳ đã sáng chế ra một loại cửa sổ nhân tạo đặt trong các phòng hồi sức, nhằm giúp cho bệnh nhân chóng được hồi phục. Người vẽ kiểu cho loại cửa sổ nhân tạo này là một phó nhòm thuộc tiểu bang California. Ông đã chứng kiến cái cảnh thoi thóp thở của cha mình, khi nhìn lên trần bảng của phòng hồi sức chỉ thấy toàn một màu trắng với những lỗ đen. Các bác sĩ cho biết, vì phải nằm lâu ngày trong căn phòng thiếu cửa sổ, thiếu ánh sáng tự nhiên, cho nên không những bệnh nhân khó hồi phục mà còn để lộ những triệu chứng của bệnh tâm thần.
Với cánh cửa sổ nhân tạo nói trên, nhờ một hệ thống điện toán tinh vi, bệnh nhân có thể cảm thấy như đang tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài. Trong 24 giờ đồng hồ, ánh sáng trên khung cửa nhân tạo thay đổi 650 lần. Bệnh nhân có thể nhìn thấy ánh mặt trời lên cũng như những áng mây bay qua khung cửa. Tất cả đều nhằm để giúp cho bệnh nhân cảm thấy mình gần gũi với thiên nhiên và nhờ đó cảm thấy bớt cô đơn.
Trong tương lai gần đây, người ta cũng có thể tạo ra cảnh trăng lên cũng như các vì lấp lánh trên khung cửa.
Con người cũng như vạn vật cần có ánh sáng để sống. Riêng với con người, ánh sáng không những cần cho sự sống của thân xác, mà còn giúp cho con người khỏi cô đơn. Bóng tối dễ làm cho con người cô đơn và sợ hãi...
Có nhiều thứ bóng tối trong cuộc sống chúng ta. Bóng tối của ích kỷ, của ganh ghét, của hận thù, của đam mê... Càng giam mình trong bóng tối ấy, chúng ta càng cảm thấy cô đơn và càng trở nên bệnh hoạn. Người càng sống ích kỷ, người càng nghiền ngẫm đắng cay, hận thù, người đó càng hạ giảm nhân tính của mình...
Chúng ta cần có ánh sáng để sống, để lớn lên trong tình người cũng như để chữa trị những băng hoại trong tâm hồn. Có ánh sáng của Lời Chúa để soi sáng dẫn từng đường đi nước bước của chúng ta. Có những ánh sáng của những nghĩa cử hằng ngày. Không có một nghĩa cử nào qua đi mà không thêm một chút ánh sáng để giúp chúng ta hồi phục vì những vết thương đau trong cuộc sống. Một hành động bác ái, một biểu lộ tin yêu dù nhỏ mọn đến đâu cũng là một tia sáng mang hy vọng đến cho tăm tối cô đơn trong tâm hồn chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm sau Lễ Tro
Bài đọc: Deut 30:15-20; Lk 9:22-25.

1/ Bài đọc I:
15 Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ.
16 Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào chiếm hữu.
17 Nhưng nếu anh em trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, 18thì hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh em sắp sang qua sông Gio-đan để vào chiếm hữu.
19 Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh em: tôi đã đưa ra cho anh em chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh em hãy chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống, 20 nghĩa là hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh em sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất Đức Chúa đã thề với cha ông anh em, là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, rằng Người sẽ ban cho các ngài."

2/ Phúc Âm:
22 Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."
23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.
24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thế nào gọi là sống?

Có nhiều quan điểm sống khác nhau: Có những người vô thần cho rằng cuộc sống trên dương gian là tất cả những gì họ có, nên phải sống làm sao để tận hưởng hết những gì thế gian dâng tặng. Đối với những người này, những giá trị tôn giáo vô nghĩa vì họ không tin có Thiên Chúa và cuộc sống đời sau. Phần đông tin có thưởng phạt và cuộc sống đời sau, nên phải sống làm sao để đạt được cuộc sống mai sau.
Các Bài Đọc hôm nay mời gọi các tín hữu xét lại quan niệm sống của mình. Trong Bài Đọc I, Sách Đệ Nhị Luật phân biệt hai lối sống: lối sống yêu mến Thiên Chúa và vâng lời tất cả những gì Thiên Chúa dạy, và lối sống thờ phượng các thần và bất tuân những lệnh truyền của Thiên Chúa. Theo tác giả, chỉ có lối sống thứ nhất mới đem lại hạnh phúc đích thực cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai lối sống: ai muốn theo lối sống của Ngài, phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày mà theo; ngược lại, ai không theo lối sống này, sẽ có nguy hiểm mất tất cả những gì mình đang sở hữu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hai con đường hay hai lối sống
Sách Đệ Nhị Luật đề cao vai trò của Lề Luật, vì chính Thiên Chúa đã ban Lề Luật này. Chỉ có Thiên Chúa biết những gì tốt đẹp cho con người, nên Lề Luật Ngài ban là để giúp con người được hạnh phúc và tránh mọi nguy hiểm. Tác giả diễn tả đơn giản hai lối sống mà con người có thể chọn để sống như sau: “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ.”

(1) Yêu mến và vâng lời Thiên Chúa sẽ được sống hạnh phúc: “Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào chiếm hữu.”
(2) Không yêu mến và bất tuân Thiên Chúa sẽ phải chết vì tai họa: “Nhưng nếu anh em trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh em sắp sang qua sông Jordan để vào chiếm hữu.”

Lời truyền trên đây, tuy đơn giản, nhưng không ai có thể làm được; vì mọi người đều bất tuân lệnh Thiên Chúa, và vi phạm các Lề Luật của Người. Hậu quả là tất cả đều phải chết; nếu Thiên Chúa không có kế họach khác cho con người. Nhưng Thiên Chúa đã có kế họach cứu độ cho con người, Ngài cho Người Con Một của Ngài xuống trần để gánh tội cho con người; nhờ Đức Kitô, con người được sống.

2/ Phúc Âm: Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất.
2.1/ Con đường Cứu Độ của Đấng Thiên Sai: Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy." Chỉ trong một câu ngắn ngủi, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ những điều sau đây: (1) Có hai cuộc sống: đời này và đời sau. (2) Ngài sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị lọai bỏ và bị giết chết; nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ trỗi dạy vinh quang. (3) Quyền lực thế gian chỉ có thể giết được thân xác, nhưng không động đến được linh hồn. (4) Ngài tự nguyện chịu đau khổ để cứu chuộc con người; Ngài có thể chọn con đường khác.
2.2/ Ba điều kiện để trở nên môn đệ Chúa: Theo Tin Mừng Nhất Lãm, động từ “theo” có nghĩa “trở nên môn đệ.” Theo Chúa Giêsu là muốn trở nên môn đệ của Ngài. Điều này có nghĩa không những người môn đệ chấp nhận lý tưởng mà còn chấp nhận cách thức để đạt lý tưởng của Thầy mình. Lý tưởng của Chúa Giêsu là làm sao cho tất cả mọi người đạt được ơn Cứu Độ mà Ngài sắm sẵn cho họ qua Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Để đạt tới lý tưởng này, Chúa Giêsu đòi 3 điều kiện như sau:
(1) Phải muốn theo: Con người được Thiên Chúa ban cho tự do để lựa chọn; không ai có thể bắt họ làm điều họ không muốn. Tuy Thiên Chúa có thể bắt, nhưng nếu làm như thế, Ngài sẽ mâu thuẫn với chính Ngài. Chúa Giêsu chỉ có thể trình bày cho con người biết hết những tốt đẹp của cuộc sống mai sau, và những điều tai hại nếu con người không đạt mục đích này; sau đó, Ngài để cho con người tự do lựa chọn.
(2) Phải từ bỏ chính mình: Chúa Giêsu hiểu con người còn hơn con người hiểu chính mình. Ngài biết con người có khuynh hướng thích những gì dễ dãi, ham danh vọng, thích uy quyền và hưởng thụ; nhưng tất cả những khuynh hướng này chỉ làm cho con người xa lý tưởng mà Thiên Chúa đã dự định cho con người. Vì thế, Chúa Giêsu đòi con người phải từ bỏ chính mình, tức là từ bỏ ý riêng mình để sống theo thánh ý của Thiên Chúa.
(3) Phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo: Chúa Giêsu cũng biết con người không thích đau khổ, nhục mạ, tù đày, đánh đòn, chết chóc; nhưng Ngài muốn con người vác tất cả các đau khổ này hằng ngày mà theo Ngài, vì nó sẽ sinh lợi ích cho con người, và giúp con người đạt tới lý tưởng mà con người theo đuổi. Chính Ngài cũng qua con đường đau khổ đó để đem lại ơn Cứu Độ cho con người.
2.3/ Nghịch lý của cuộc sống: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Để hiểu câu này, chúng ta phải chấp nhận có hai cuộc sống: đời này và đời sau. Người theo Chúa có thể sẽ mất cuộc sống đời này, nhưng sẽ được cuộc sống đời sau. Còn những người muốn cứu mạng sống mình đời này, những người không muốn theo Chúa sẽ mất cuộc sống đời sau.
Vấn đề đặt ra là cuộc sống nào đáng quí trọng hơn? Theo Chúa Giêsu, cuộc sống đời sau quí trọng hơn vì sẽ được sống với Thiên Chúa và hưởng hạnh phúc muôn đời. Vì thế, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho mọi người suy nghĩ: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần phân biệt rõ ràng hai lối sống: theo Thiên Chúa và theo thế gian. Khi chúng ta chọn sống theo lối sống nào, chúng ta phải chấp nhận hậu quả của lối sống đó.
- Kinh nghiệm dạy chúng ta đường rộng rãi thênh thang chẳng làm lợi ích cho con người, mà chỉ dẫn tới diệt vong. Trái lại, đường chật hẹp gian khổ tuy khó đi, nhưng luôn đem lợi ích cho con người.
- Mùa Chay cho chúng ta có cơ hội nhìn lại cuộc đời để xem chúng ta đang sống theo lối sống nào. Rất có thể chúng ta đang sống theo lối thế gian dầu trí óc chúng ta đang muốn theo lý tưởng của Chúa Giêsu.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Suy niệm: 
Trong tập hồi ký, một người Do Thái từng ở trại tập trung thời Đức Quốc Xã bên Ba Lan có kể lại câu chuyện sau: Những người lính Đức quốc xã treo cổ hai người Do Thái và một thiếu niên trước sự chứng kiến của tất cả trại viên. Hai người đàn ông chết tức khắc vì kiệt sức, nhưng cơn hấp hối của cậu thiếu niên kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ. Nhìn thấy cảnh tượng đó, một trại viên đứng sau tôi đã thốt lên: "Thiên Chúa đang ở đâu?" Khi người thiếu niên đang cố gắng vùng vẫy trong vòng giây thắt cổ, tôi lại nghe một người khác thốt lên: "Bây giờ Chúa ở đâu?" Và, tôi nghe từ tận đáy tâm hồn tôi: "Ngài đang ở đây, Ngài đang bị treo cổ kia".
"Bây giờ Chúa đang ở đâu?". Mỗi lần bóng tối của Thập giá làm dấy lên trong chúng ta câu hỏi như thế, chúng ta nghe vọng lên từ nỗi đớn đau của chúng ta câu trả lời duy nhất là: "Ngài đang có mặt đó". Ngài đang có mặt đó, bởi vì Ngài là Tình yêu. Chỉ có Tình yêu mới có thể đến tận cùng của khoan dung và tha thứ. Thập giá vẫn mãi mãi là tột đỉnh của sự độc ác dã man của con người, sự độc ác dã man đó càng bộc lộ, thì tình yêu Thiên Chúa càng bày tỏ.
Lý luận thông thường không thể hiểu cạn được tại sao một Thiên Chúa lại có thể chịu treo trên Thập giá. Nhưng đó lại là sức mạnh, là sự khôn ngoan của tình yêu. Dù tội lỗi con người có ngập tràn, dù sự độc ác của con người có chất ngất, Thiên Chúa vẫn yêu thương và tha thứ.
Thập giá không chỉ là biểu trưng của sự độc ác và tội lỗi con người, mà còn là vẻ đẹp của chính tình yêu Thiên Chúa. "Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài. Ngài không sai Con Ngài đến để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Một Ngài mà được cứu thoát". Đó phải là xác tin của chúng ta khi ngắm nhìn Thập giá Chúa Giêsu. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta khước từ. Không có tình yêu nào cao cả hơn.
Vì yêu thương chúng ta, Ngài chấp nhận chịu treo trên Thập giá. Vì yêu thương chúng ta, Ngài trải qua mọi khốn cùng của kiếp người. Không phải đinh sắt đã đóng Ngài vào Thập giá, mà chính là tình yêu. Đó là tất cả vẻ đẹp cao vời của Thập giá. Thập giá là nơi ngự trị của Thiên Chúa. Chính trong những nơi cơ cực, nghèo hèn, bỉ ổi và đớn đau nhất mà sự hiện diện của Thiên Chúa lại càng mãnh liệt hơn. Chính từ Thập giá mà tiếng gọi yêu thương của Ngài càng thắm thiết hơn.
Từ trên Thập giá, Chúa Giêsu ôm trọn từng nỗi khổ đau của con người. Nhìn ngắm Thập giá của Ngài, đôi mắt chúng ta càng phải mở rộng ra để nhận thấy bao nỗi thống khổ cơ cực của những người xung quanh. Lúc đó, Thập giá không còn vắng bóng Thiên Chúa mà trái lại là điểm xuất phát của những cử yêu thương, từ đó tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ bừng dậy.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, đường Chúa chọn để cứu chuộc chúng con là đường thập giá. Vũ khí Ngài dùng để đón nhận thập giá, để chiến đấu với thập giá cuộc đời là tình yêu. Xin tình yêu Chúa hoán cải tâm hồn mỗi người chúng con, tẩy xóa những lỗi lầm, khử trừ những đam mê và khơi dậy trong chúng con ngọn lửa tình yêu, để chúng con cũng biết can đảm vác thập giá đời mình bước đi theo Ngài trong ơn thánh và tình yêu.
Suy niệm:
Khi nhìn các bạn đi dự Ngày Giới trẻ Thế giới ở Úc năm 2008 
giành nhau chung vai vác cây thánh giá bằng gỗ, thật dài và nặng, 
với vẻ mặt hớn hở vui tươi, 
chúng ta sẽ dễ nghĩ rằng vác thánh giá đâu có gì khó. 
Nhưng khi phải đối diện với những thánh giá không bằng gỗ, 
những thánh giá vô hình mà ta phải vác một mình, 
chúng ta thấy khó hơn nhiều.
Không thể nói đến Đức Giêsu mà không nói đến thánh giá. 
Thánh giá là cái giá Ngài trả cho cả một đời dám sống cho Cha 
và cho con người, đặc biệt những người yếu thế. 
Thánh giá nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha, 
nhưng thánh giá cũng là kết quả của lựa chọn căn bản của Đức Giêsu. 
Ngài đã chết như thế vì Ngài đã dám sống như thế. 
Đức Giêsu dần dần ý thức rằng 
nếu Ngài cứ tiếp tục làm chướng mắt giới lãnh đạo Do thái giáo, 
gồm các kỳ mục, các thượng tế và các kinh sư (c. 22), 
thì cái chết như Gioan Tẩy giả là điều Ngài sẽ không tránh khỏi.
Đức Giêsu có thừa cách để tránh cái chết. 
Nếu Ngài đừng giảng dạy, đừng hành xử như đã quen làm. 
Nếu Ngài đừng nhất quyết lên Giêrusalem, nơi nguy hiểm (Lc 9, 51)… 
Nếu Ngài chiều sự tò mò của Hêrôđê bằng cách làm vài phép lạ (Lc 23, 8)… 
Nhưng Đức Giêsu đã không sợ hãi lùi bước. 
Ngài bình thản đón lấy định mệnh bi đát của mình khi nói với môn đệ: 
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị loại trừ, bị giết chết…” 
Ngài đón lấy chữ phải từ tay Cha, và tin mọi sự đều không ngoài ý Cha. 
Đức Giêsu xác tín Cha sẽ không bỏ rơi mình, 
Ngài tin vào kết thúc có hậu của đời mình: 
“và ngày thứ ba Con Người phải được nâng dậy” (c. 22). 
Chính Cha sẽ nâng ngài dậy từ cõi chết.
Định mệnh của Thầy Giêsu cũng là định mệnh của chính chúng ta. 
Kitô hữu là người đi theo Thầy, đi cùng con đường với Thầy. 
Vác thánh giá là chuyện bình thường hằng ngày của Kitô hữu 
nếu chúng ta muốn sống yêu thương, phục vụ, trong trắng, thành thật… 
Chỉ khi từ bỏ chính mình (c. 23), ta mới không đánh mất chính mình (c.25). 
Dựa vào sự phục sinh của Đức Giêsu, ta mới dám sống kinh nghiệm đó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay 
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai, 
và chúng con thật sự đắn đo 
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng 
chọn Chúa là lội ngược dòng, 
theo Chúa là bước vào con đường hẹp: 
con đường nghèo khó và khiêm nhu, 
con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa 
không phải vì Chúa giàu có, 
tài năng hay nổi tiếng, 
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người. 
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa. 
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa 
nhiều lần trong ngày, 
qua những chọn lựa nhỏ bé, 
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con, 
và để chúng con 
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Ngày 23
Thánh Polycarpe, giám mục, tử đạo


Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta không cùng chung nhau vào một thời đoạn vui tươi. Hãy mang lại cho các lời và hành động của chúng ta giá trị Tin Mừng. "Vào trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh..." Cuộc chiến giữa tội lỗi thế gian, cuộc xử án và kết án người công chính vẫn tiếp tục trong ngày hôm nay, trong chúng ta cũng như chung quanh chúng ta. Bí tích Thánh Thể kêu gọi chúng ta có thái độ như Đức Giêsu. Bí tích Thánh Thể được ban cho Giáo hội để gắn bó với Chúa của mình, để bí tích đặt những dấu chân của Chúa vào trong dấu chân của những người thuộc về Chúa, để luôn lặp lại việc học hỏi cách chống cự với cái xấu, nhưng cũng để phục vụ, chia sẻ và hiến ban trọn vẹn.
 
Bí tích Thánh Thể được ban cho Giáo hội trong thời gian thử thách. Thử thách từ bên trong vì trong mỗi người luôn có sự giao tranh giữa quảng đại và trả thù. Thử thách bên ngoài, vì họ đã bắt bớ Đức Giêsu, con người tự do, không có lý do nào để họ hoan hô Giáo hội của họ. Thánh Thể được ban cho họ trong thời gian lữ hành. Giáo hội không hơn gì cha ông của họ, nhưng chính Thiên Chúa ban cho họ bánh lấy lại sức, như trong trường hợp của ngôn sứ Elia lúc thất vọng: "Hãy đứng dậy và ăn đi, vì đường còn xa."

Michel Scouamec 

Ngày 23
THÁNH POLYCARPO
Giám Mục Tử Đạo
Người Turkey (60?-155)
             1. Polycarpo là môn đệ thánh Gioan tông đồ. Khi còn trẻ đã được làm giám mục thành Smyrna, nước Turkey (Thổ), vào giữa thế kỷ thứ 2.
            Thánh Ignatio Antiochia và Ireneo đã nể trọng thánh Polycarpo và dân chúng rất mến Ngài.
            Giám mục Polycarpo là một thủ lãnh Công giáo giữa thế giới không Công giáo. Ngài nói rõ ràng, đơn giản, không sợ hãi, lòng đầy yêu mến, bênh vực Chúa Kitô . Ngài rao giảng những chân lý thánh Gioan tông đồ đã giảng. Ngài rất ước ao được chết vì đạo Chúa.
             2. Không chết vì lửa, nhưng vì gươm: Khi bị dẫn đến quan quyền,  Tổng Trấn bảo ngài chối chúa,  nhưng ngài cương nghị trả lời :
            - Đã 80 năm nay, tôi phụng sự Chúa Kitô Người không bao giờ bỏ tôi. Sao tôi có thể pham đến Chúa tôi và là Vua tôi?  Viên tổng trấn hăm dọa :
-         Tôi có nhiều thú dữ,  tôi sẽ cho nó cắn xé xác ông.
-     Xin quan cứ tự nhiên,  tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Đấng đã chịu chết cứu chuộc tôi.
-         Ông khinh thường thú dữ,  tôi sẽ thiêu sống ông.
-         Xin cứ thiêu sống.  Tôi chỉ sợ lửa đời đời sẽ thiêu đốt những kẻ bất lương thôi.
Khi lửa đã sẵn,  ngài tự mình cởi áo và dây trói.  Người ta đem đồ nghề ra định đóng đinh,  nhưng ngài xin để yên như vậy.   Không đóng đinh  nữa,  họ trói hai tay lại sau lưng.  Ngài như con chiên bị sát tế,  ngước mắt lên trời cầu nguyện.  Người ta đốt lửa thiêu sống ngài, nhưng lửa không đốt,  một tên lính lấy gươm đâm ngài, linh hồn ngài như chim câu bay thẳng về trời vào ngày 23 tháng 2 năm 155.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét