Thánh vịnh 94
Khi đọc thánh vịnh 94 chúng ta nhận thấy nó gồm nhiều yếu tố
văn chương khác nhau. Đây là điều thường xảy ra trong nhiều thánh vịnh. Sự kiện
này khiến cho khó có thể hiểu được sự thống nhất sáng tác và nhận diện ra một
cách chắc chắn văn thể của nó. Thật thế thánh vịnh 94 có các đề tài riêng của
các lời than van công cộng. Bên cạnh đó là các để tài tạ ơn cá nhân cũng như
các đề tài khôn ngoan và ngôn sứ. Tuy nhiên, khi duyệt xét kỹ có thể kết luận rằng
thánh vịnh là một lời than van công cộng, được đặt vào miệng của một cá nhân
đem vào trong đó kinh nghiệm và sự khôn ngoan riêng của mình.
Các sự dữ than phiền ở đây không đến từ các thù địch bên
ngoài, nhưng phát xuất từ các kẻ thù bên trong của quốc gia, là các kẻ gian ác
(c.3), lũ bất lương (c.5). Sự dữ mà họ gây ra không chỉ là mọi thứ bất công làm
thiệt hại cho các tầng lớp yếu đuối và không được bênh đỡ trong dân (cc.5-6),
mà cũng còn, và có lẽ còn hơn nữa, là sự dữ luân lý tàn hại đối với niềm tin của
dân Israel. Cái chắc chắn của chúng tưởng có thể thoát được cái nhìn dò xét và
báo oán của Thiên Chúa là một xúc phạm tới xác tín sấu thẳm của dân nước Israel
đối với sự thức tỉnh thấu suốt mọi sự của Giavê Thiên Chúa (cc.9-11). Cũng là nạn
nhân như đa số người tốt lành trong dân, tác giả thánh vịnh gióng lên tiếng nói
chống lại mọi thứ bất công để cảnh cáo những kẻ lạc đường, bằng cách chỉ cho thấy
sự vô lý của các xác tín không có luận lý của họ, và sau cùng để bảo đảm với những
người tốt lành sự chú ý và lo lắng của Thiên Chúa trong việc bênh vực họ. Như
là thí dụ tác giả kể lại kinh nghiệm niềm tin của chính mình trong những lúc gặp
hiểm nguy, nhưng được Thiên Chúa bênh vực cứu giúp.
Văn thể là loại hỗn hợp: lời than van công cộng cùng với các
yếu tố khôn ngoan và lời tạ ơn cá nhân. Thánh vinh gồm lời kêu gọi mở đầu, các
câu 1-3; phần trình bầy trường hợp, các câu 4-7; lời cảnh cáo, các câu 8-11; lời
công bố sự sốt sắng của Thiên Chúa, các câu 12-15; kinh nghiệm cá nhân của tác
giả, các câu 16-22, và khẳng định kết thúc, câu 23.
Trong phần mở đầu tác giả kêu lên Thiên Chúa, vì như là Thẩm
phán báo oán cho công lý bị xúc phạm, ngài sẽ chấm dứt thái độ chiến thắng
huyênh hoang của các kẻ gian ác.
“Lạy Chúa là Chúa Trời trả báo, lạy Chúa Trời trả báo, xin
Ngài quang lâm!
Đấng xét xử địa cầu, xin đứng dậy, trả cho lũ kiêu căng xứng việc chúng làm. Đến bao giờ, lạy Chúa, đến bao giờ bọn ác nhân cứ mãi hỷ hoan?”
Đấng xét xử địa cầu, xin đứng dậy, trả cho lũ kiêu căng xứng việc chúng làm. Đến bao giờ, lạy Chúa, đến bao giờ bọn ác nhân cứ mãi hỷ hoan?”
“Ôi lậy Giavê, Thiên Chúa của sự báo oán”: dịch sát chữ
là Thiên Chúa của các báo thù”. Với tính từ này Thiên Chúa được nhìn trong
cương vị là Đấng thưởng phạt, nghĩa là Đấng bênh vực các người bị áp bức và trừng
phạt mọi bất công. Ngôn sứ Isaia gọi Giavê là “Thiên Chúa của các thưởng phạt”
(Is 51.56). Xét vì nhiệm vụ này khó có thể được chu toàn bởi một vị thẩm
phán nhân loại, con người trong Thánh Kinh kêu lên toà án của Thiên Chúa để
Ngài tái lập quyền bị chà đạp. Ngôn sứ Isaia cũng nói đến “ngày báo thù” của
Thiên Chúa.
“Thiên Chúa của các báo thù, xin giãi sáng!”: sự can thiệp
phán xử của Thiên Chúa được coi như một biểu lộ vinh quang của Ngài.
“Hãy chỗi dậy!”: đó cũng là lời tác giả thánh vịnh 7 xin với
Chúa: “Lạy Chúa, trong cơn thịnh nộ, xin đứng lên chế ngự lũ quân thù
hung hãn. Xin Ngài thức dậy bênh vực con, Ngài là Đấng cầm cân nảy mực.” (Tv
7,7).
“Thẩm phán của trái đất”: trong tước hiệu này của Thiên Chúa
khiá cạnh tích cực của sự cứu thoát thường được nhấn mạnh nhiều hơn là sự trừng
phạt. Nhưng ở đây khiá cạnh trừng phạt mạnh hơn.
Sau lời kêu gọi mở đầu tác giả thánh vịnh trình bầy với
Thiên Chúa trường hợp của quốc gia bị khổ đau vì các bất công phải chịu,
nhất là những người yếu đuối bị ức hiếp bởi kẻ gian ác không ngần ngại và không
có niềm tin.
”Quân làm điều ác những ba hoa buông lời hỗn xược, những
vênh váo ngang tàng. Chúng chà đạp dân riêng Ngài, lạy Chúa, hà hiếp dân
Ngài chọn làm gia sản. Chúng giết người quả phụ, giết khách ngoại kiều, tàn sát
cả cô nhi! Chúng bảo rằng: "Chúa đâu có thấy, Thiên Chúa nhà Gia-cóp chẳng
lưu tâm! "
“Chúng nói xấu, chúng nói các điều hỗn xược”: ở đây kiểu ăn
nói xấc láo và sát nhân của các kẻ gian ác chắc chắn ám chỉ việc chà đạp công
lý. Đây là sự dữ thường được than phiền trong các thánh vịnh cũng như trong lời
rao giảng của các ngôn sứ. Tác giả thánh vịnh 73 tố cáo bọn gian ác như sau:
“Chúng chế giễu, buông lời thâm độc, lại kiêu căng bàn chuyện ức hiếp người; miệng
chẳng từ xúc phạm trời cao, lưỡi tự do tung hoành cõi đất.” (Tv 73,8-9).
“Chúng giết quả phụ, khách ngoại kiều và tàn sát cả cô nhi”:
qủa phụ, khách ngoại kiều và cô nhi là ba lớp người yếu đuối nhất trong xã hội
đông phương cổ nói chung. Họ là các giai tấng xã hội không được bênh đỡ và là mồi
ngon cho sự áp bức của những kẻ quyền thế gian tham ác độc. Vì thế, bổn phận
bênh vực họ là một bổn phận rất được chú ý trong Thánh Kinh Cựu Ước. Ngôn sứ
Isaia ghi lại lời Chúa phán với dân Israel như sau: “Khi các ngươi dang tay cầu
nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng
thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt
bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập
làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho
cô nhi, biện hộ cho quả phụ.” (Is 1,15-17). Thiên Chúa là “Cha nuôi dưỡng cô
nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ” (Tv 68,6), là Đấng bảo vệ các quyền lợi của họ
(Đnl 10,18).
”Giavê không trông thấy”: có nghĩa là Ngài không lo lắng gì
tới, Ngài sẽ không can thiệp để trừng phạt các bất công. Tác giả thánh vịnh 10
miêu tả kẻ gian ác như sau: “Nó nhủ thầm: "Thiên Chúa đã quên, Người che mặt,
chẳng bao giờ thấy nữa." Lạy Chúa, xin đứng dậy ra tay, xin đừng quên những
người nghèo khổ. Sao kẻ ác dám khinh thường Thiên Chúa, dám nhủ thầm:
"Chúa chẳng phạt dâu! " Nhưng Chúa nhìn nỗi khổ cực đau thương, Chúa
để ý, tự tay lo liệu. Người yếu thế giao phó đời mình cho Chúa, kẻ mồ côi được
chính Chúa phù trì.”(Tv 10,11-13)
Trong các câu 8-11 của thánh vịnh 94 tác giả đối chiếu niềm
tin của mình nơi Thiên Chúa, là Đấng không chỉ trông thấy, vì Ngài là Đấng trồng
tai và nặn mắt cho con người, nhưng còn biết lượng định một cách hoàn hảo cái
vô ích của con người, khi nó nổi lên chống lại chương trình của Thiên Chúa. Việc
chống đối ấy được làm dưới dạng của lời cảnh cáo có giọng điệu khôn ngoan.
“Hãy lưu tâm, này quân đần độn nhất trên đời! Bao giờ mới
nên khôn, hỡi đồ ngu xuẩn? Đấng từng gắn đôi tai há lại không nghe được? Đấng nặn
thành cặp mắt chẳng lẽ không thấy gì? Đấng sửa trị muôn dân lẽ nào không trừng
phạt? Đấng dạy dỗ con người mà chẳng biết gì sao? Tư tưởng phàm nhân, Chúa đều
biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài!”
“Giữa dân chúng”: lời cảnh cáo được hướng tới những người
thuộc chính dân được tuyển chọn, là gia nghiệp của Thiên Chúa nhà Giacóp. Điều
này khiến cho sự vô lý của họ càng nghiêm trọng hơn nữa.
“Trồng tai, nặn mắt”: cái tai được coi như một cây ăn rễ sâu
trong đầu. Thiên Chúa làm cho con người có tai để nghe có mắt để nhìn như viết
trong sách Châm Ngôn (Cn 20,12). Như thế làm sao mà con người lại không nghe và
không thấy được? Đây là câu hỏi hùng biện nhằm nêu bật cái vô lý của sự kiện
thường gặp trong nền văn chương khôn ngoan.
Nếu Thiên Chúa là Đấng cảnh cáo các dân tộc, thì Ngài lại
càng cảnh cáo dân được tuyển chọn hơn nữa. Kẻ khờ dại khẳng định Thiên Chúa
không trông thấy, không hiểu, nhưng như thế là chứng minh tỏ tường cho thấy cái
vô ích của tử tưởng phàm nhân. Theo lòng tin Thiên Chúa là Đấng toàn tri. Ngài
quán thông và thấy hết mọi sự.
Các câu 12-15 của thánh vịnh 94 chứng minh cho thấy xác tín
của các kẻ gian ác liên quan tới sự thờ ơ xa vắng của Thiên Chúa đối với các hoạt
động gian ác xấu xa của họ, hoàn toàn sai lầm. Vì Thiên Chúa lo lắng bảo vệ người
công chính.
”Lạy Chúa, hạnh phúc thay kẻ được Ngài giáo huấn, được Ngài
lấy luật mà dạy dỗ bảo ban. Ngài cho họ được bình an trong ngày hoạn nạn,
trong khi huyệt mả sẵn chờ kẻ ác nhân. Vì Chúa không ruồng rẫy dân Người, chẳng
bỏ rơi dân Người chọn làm gia sản; công lý rồi ra sẽ trở lại pháp đình, mọi tâm
hồn chính trực sẽ tuân theo.”
“Phúc cho ai…” là công thức dẫn nhập của thể văn khôn ngoan
(Tv 1,1; 112,1; 119,1).
Người công chính được Thiên Chúa cảnh cáo và dậy dỗ trong lề
luật Ngài. Và họ thực thi lề luật Chúa. Đó là các nét khiến cho họ khác với phường
gian ác. Trái với xác tín của kẻ gian ác Thiên Chúa không thờ ơ trước cảnh dân
Ngài bị áp bức. Bởi nếu không, thì đó sẽ là một bẻ gẫy giao ước Ngài đã ký kết
với cha ông họ xưa kia. Trái lại, Thiên Chúa ở bên cạnh dân và bênh vực họ, chứ
không xua đuổi họ khỏi sự hiện diện của Ngài cũng không bỏ rơi họ trong âu lo
(Tv 27,9).
Các câu 16-22 là kinh nghiệm tác giả chia sẻ liên quan tới sự
lo lắng của Thiên Chúa bênh vực ông trong quá khứ. Thiên Chúa cũng
biểu lộ cùng sự lo lắng đó với dân của Ngài bị áp bức.
”Ai đứng dậy giúp tôi chống bọn làm điều ác? Ai sát cánh
cùng tôi cự lại lũ gian tà? Chúa mà đã chẳng thương phù trợ, thì hồn tôi đã vào
chốn thinh lặng ngàn thu. Lạy Chúa, khi con nói: "Này chân con lảo đảo",
tình thương Ngài đã đỡ nâng con; lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng, ơn Ngài an ủi khiến
hồn con vui sướng. Lẽ nào Chúa liên minh với bọn thẩm phán ác ôn, bọn gieo tai
rắc hoạ chẳng kể gì luật pháp? Chúng tìm hại mạng sống người lành, lên án tử
cho người vô tội. Nhưng Chúa là thành luỹ chở che, Chúa tôi thờ là núi đá cho
tôi trú ẩn.”
“Đứng dậy” “qum” là động từ diễn tả hành động bảo vệ hay tố
cáo trong cuộc tranh luận phán xử và sự can thiệp của Thiên Chúa bênh vực các
tín hữu.
“Nơi ở của thinh lặng” là “Sheol” âm ty âm phủ, nơi sự thinh
lặng của cái chết thống trị (Tv 115,17).
“Toà án bất công”: các lời kết án bất công thiệt hại cho người
vô tội được đưa ra chống lại luật được thiết định tại Israel là gốc rễ và biểu
tượng của tất cả mọi sự dữ gây đau khổ cho dân được tuyển chọn.
Thánh vịnh kết thúc với khẳng định Thiên Chúa sẽ lắng nghe lời
van nài của người công chính.
”Tội của chúng, Người đổ trên đầu chúng, Người tiêu diệt
chúng vì điều dữ chúng làm, Giavê là Thiên Chúa của ta, sẽ tiêu diệt chúng.”
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét