Trang

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

150 năm Giáo hội Công giáo Tanzania loan báo Tin mừng


150 năm Giáo hội Công giáo Tanzania loan báo Tin mừng
Thánh lễ kỷ niệm 150 năm Tin Mừng loan báo ở Tanzania.

Từ ngày 02-04/11 vừa qua, Giáo hội Công giáo Tanzania đã kỷ niệm 150 năm loan báo Tin mừng tại nước này. Trong 150 năm hiện diện, Giáo hội đã đóng góp rất nhiều vào việc thăng tiến phát triển quốc gia.
Hồng Thủy - Vatican
Cha Faustine Kamugisha, điều phối viên dịp kỷ niệm này và cũng là tác giả của cuốn sách “150 năm loan báo Tin mừng của Tanzania: Niềm vui Tin mừng”, chia sẻ: “Chúng tôi cử hành lễ kỷ niệm này để cảm tạ Thiên Chúa và để hiểu Giáo hội xuất phát từ đâu; và hiện nay chúng tôi đang ở đâu và đang đi về đâu. Chúng tôi hãnh diện và biết ơn Thiên Chúa bởi vì sự hiện diện của Giáo hội đã đóng góp thêm những giá trị cho xã hội Tanzania khi loan báo Tin mừng và thánh hóa dân Chúa qua các bí tích và khi cống hiến những dịch vụ xã hội khác nhau.” 
Lịch sử Giáo hội Công giáo Tanzania
Như phần lớn các nước ở châu Phi, Giáo hội Công giáo Tanzania có số tín hữu đông đáng kể; khoảng 30% dân số xưng mình là Công giáo; đây là Giáo hội Kiô lớn nhất ở nước này. Lịch sử truyền giáo của Tanzania ghi nhận hai làn sóng loan báo Tin mừng. Lần đầu tiên là vào thế kỷ 15, khi các thừa sai dòng Augustino Bồ đào nha mang Tin mừng đến nước này; cùng với nhà thám hiểm Vasco da Gama, họ đến Zanzibar vào năm 1499. Nhưng sau đó, do sự chống đối của Hồi giáo Arập, các thừa sai dòng Augustino đã kết thúc sứ vụ vào cuối những năm 1600. Lần thứ hai, vào thế kỷ 19, vào giữa những năm 1860 và 1870, các nhà truyền giáo đầu tiên đến Tanzania bắt đầu từ bờ biển Ấn độ dương và cực nam của hồ Victoria và dần dần lan rộng vào đất liền. Nhiều dòng truyền giáo đến châu Phi và đặt nền móng ở Tanzania, trong đó có các linh mục dòng Chúa Thánh Thần, các Thừa sai châu Phi, thường được gọi là các cha dòng Trắng và Hội Thừa sai Phi châu.
Việc bản địa hóa hàng giáo sĩ phát triển mạnh sau Thế chiến thứ hai. Vào năm 1961, Tanzania có Hồng y đầu tiên người châu Phi, đó là ĐHY Laurean Rugambwa (1912-1997). Nhưng tín hữu Công giáo Tanzania nổi tiếng nhất lại là một chính trị gia, ông Baba Julius Mwalimu Nyerere (1922-1999), cha đẻ của nước này và là tổng thống đầu tiên sau khi Tanzania được độc lập. Là một tín hữu thường xuyên tham dự Thánh lễ và tư tưởng được định hình mạnh mẽ bởi học thuyết về xã hội của Công giáo, ông Nyerere nổi tiếng về lòng sùng đạo cũng như sự dấn thân loại bỏ thứ tôn giáo bị chính trị hóa trong đời sống công cộng của Tanzania. Nhiều người đã ghi nhận ông có công trong việc thành lập một quốc gia kết hợp từ vô số các nhóm sắc tộc của Tanzania, và Tanzania là một mô hình hòa bình chính trị và ổn định xã hội ở châu Phi thời hậu thuộc địa. Tanzania được thành lập vào năm 1964 từ sự kết hợp giữa Tanganica, thuộc địa của Đức cho đến năm 1916 và rồi lãnh thổ được điều hành bởi Anh cho đến năm 1961 và từ quần đảo Zanzibar do Anh bảo hộ.
Hiện nay Giáo hội Công giáo Tanzania có 9 triệu tín hữu, chiếm ¼ dân số. Trên toàn quốc có 34 giáo phận, chia thành 6 giáo tỉnh. Tâm điểm của đời sống Công giáo ở địa phương năm ở các cộng đồng Kitô nhỏ, gọi là “jumuiya”, thường gặp nhau mỗi tuần tại nhà của các tín hữu Công giáo. Vào những năm 1960, jumuiya bắt đầu tại giáo phận Musoma ở miền bắc Tanzania. Đến nay, khắp miền đông Phi có gần 90 ngàn cộng đoàn như thế. Các cộng đoàn Kitô nhỏ này giúp biến đổi Giáo hội Tanzania thành một giáo hội với các điểm truyền giáo thành một Giáo hội có gốc rễ, có thể tiếp cận cụ thể và có sự tham dự tích cực của giáo dân hơn. Như phần lớn ở châu Phi, Giáo hội Công giáo là nhân tố chính yếu trong các hoạt động giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội khác.
Hoạt động giáo dục
Ngoài việc có những trường học tốt nhất tại Tanzania, chính Giáo hội là tổ chức đầu tiên xây dựng một ngôi trường taị Tanzania. Trong thời gian Tanganica là thuộc địa của Đức từ năm 1885-1916, các thừa sai đã bắt đầu xây dựng các trường tiểu học và dạy các trẻ em đọc viết, làm toán, đồng thời cũng giáo dục tôn giáo cho các em. Bagamoyo là một trong những giáo điểm đầu tiên thành lập trường học và sau đó nhiều giáo điểm khác trong vùng bờ biển cũng như vùng Zanzibar cũng thành lập các trường học. Tại Bagamoyo, các thừa sai đã giúp cho các nô lệ được trả tự do được học hành giáo dục. Sau đó, các thừa sai cũng đã thành lập các trường trong nội địa của Tanganica. Cho đến năm 1900, các trường Công giáo đã có 7500 học sinh; đến năm 1911, số học sinh lên đến 86,942, và chỉ 2 năm sau, năm 1913, số học sinh tăng lên 114,651.
Khi Tanzania kỷ niệm 150 năm loan báo Tin mừng, Giáo hội cũng kỷ niệm các cơ sở giáo dục Công giáo thuộc Hội đồng GM Tanzania. Hầu như mỗi giáo xứ tại 34 giáo phận đều có trường mẫu giáo, trường tiểu học và trường trung học, bao gồm cả các tiểu chủng viện. Có tới 235 trường trung học với trên 120 ngàn học sinh, được điều hành bởi Hội đồng GM Tanzania.
Bên cạnh các trường phổ thông, Giáo hội cũng sở hữu 75 trung tâm dạy nghề có đăng ký, cung cấp kỹ năng kỹ thuật cho giới trẻ và 4 trường đại học Công giáo là đại học thánh Augustin Tanzania, đại học Công giáo Y tế và Khoa học, đại học Công giáo Ruaha và đại học Công giáo Mwenge.
Hoạt động y tế
Các bệnh viện, dưỡng đường và trụ sở y tế Công giáo hiện diện khắp các thành phố ở Tanzania và ngay cả những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Giáo hội nắm giữ vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh sida. Tanzania bị tấn công bởi dịch sida vào những năm 1990 và hiện nay khoảng 5% dân số bị nhiễm virus hiv. Các tổ chức Công giáo như tổ chức Hoạt động mục vụ và phục vụ người dân nhiễm hiv ở tổng giáo phận Dar es-Salaam và nhà chăm sóc Shalom ở Mwanza cung cấp các thử nghiệm, điều trị, tư vấn và hỗ trợ cho hàng ngàn người dân Tanzania mỗi năm.
Các nữ tu Công giáo dấn thân hoạt động trong các hoạt động y tế, đặc biệt là chuyên lo về sản phụ và trẻ em và họ có vai trò quan trọng trong việc chống lại bệnh sốt rét. Nhiều dòng nữ khác nhau đã gửi các nữ tu truyền giáo đến Tanzania hoạt động trong ngành y tế, đặc biệt là các nữ tu đến từ Ai len, Ý và Canada. Từ năm 1954 các nữ tu người Salvador bắt đầu đào tạo các y tá trong bệnh viện Ndanda. Vào năm 1953 chính quyền thực dân Anh cho phép Giáo hội tiếp tục chăm sóc sức khỏe. Đến năm 1961 Giáo hội Công giáo đã có 23 bệnh viện đa khoa và 8 trung tâm y tè. Hiện tại, Giáo hội Công giáo Tanzania điều hành tổng số 55 bệnh viện, 94 trung tâm y tế và 338 trạm xá.
Các nữ tu Tanzania
Các nữ tu góp phần quan trọng vào việc truyền giáo và phát triển xã hội ở Tanzania. Khi mà các nhà truyền giáo nam cao tuổi hơn, các nữ tu cộng tác vào các hoạt động để duy trì hiệu quả. Tại miền nam Tanzania, các nữ tu dòng thánh Giuse Chambéry đã thành lập và điều hành một trại gà, nhà trẻ và trường tiểu học tại giáo xứ Công giáo Msalaba Mkuu để tự cung cấp cho cộng đoàn bé nhỏ và tiếp tục hoạt động.
Tự lực cánh sinh là một vấn đề mà nhiều hoạt đông truyền giáo phải thực hiện. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến cho số các ân nhân đóng góp cho hoạt động truyền giáo giảm sút. Theo số liệu thống kê mới đây, số ân nhân người Ý giảm từ 9,75 triệu xuống còn 6 triệu trong vòng 12 năm vừa qua.  Bên cạnh sự giảm sút về tài lực, nhân lực cũng giảm sút trong đó có sự gia tăng tuổi tác của các nhà truyền giáo. Hiện tại số thừa sai người Ý là khoảng 10 ngàn, bao gồm các tu sĩ nam nữ và giáo dân, rải rác khắp các châu lục. Số thừa sai đã giảm đi một nửa trong vòng gần 30 năm; vào năm 1991, có khoảng 20 ngàn thừa sai người Ý. Một điểm đáng lo ngại là theo cuộc khảo sát của tạp chí "Popoli e Missione" của Hội Truyền giáo Ý, độ tuổi trung bình của các thừa sai Ý là 63. Điều này đặt vấn đề về nhân lực để tiếp tục sứ mệnh truyền giáo và cho thấy sự cần thiết của việc tự lực cánh sinh để bảo đảm một tương lai phục vụ mà đến lúc nào đó, những người dân địa phương chính là nòng cốt.
Nhà trẻ và trường tiểu học ở Msalaba Mkuu được các tu sĩ dòng Biển đức thành lập năm 1965 và sau đó chuyển sang cho các nữ tu dòng thánh Giuse. Vì khủng hoảng kinh tế, số tiền tài trợ giảm đi nên vào năm 2016, các nữ tu quyết định nuôi gà, nuôi heo và trồng trọt vừa để bảo đảm cho sinh hoạt của cộng đoàn vừa để giúp đỡ cho các trẻ em nghèo vì cha mẹ các em chỉ có thể đóng góp một phần nhỏ.
Các thừa sai giúp giáo dục giới trẻ
Từ đau khổ đến tốt nghiệp, đó là trường hợp của Upendo, một thiếu nữ ở Songea, Tanzania, một trong những câu chuyện của tinh thần quyết tâm, liên đới và cứu trợ xã hội nhờ sự dấn thân của các thừa sai. Cuộc đời của Upendo như một giấc mơ. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Upendo được dì của minh nhận nuôi. Còn một người dì khác thì đảm nhận 2 em gái nhỏ hơn của Upendo. Tại châu Phi, các liên hệ gia đình vẫn còn chặt chẽ và bền vững, và họ có thể chăm sóc cho các em bé mồ côi. Tuy nhiên sự tương trợ của gia đình cũng có giới hạn. Khả năng kinh tế ít ỏi của những người họ hàng không thể bảo đảm cho Upendo tiếp tục theo đuổi việc học. Thật may là cô gái đã gặp được các nữ tu dòng thánh Giuse,  ở Chambery, một hội dòng nữ bé nhỏ từ nhiều năm nay hoạt động ở đông Phi, và họ đã nhận cô vào nhà trọ thánh Giuse. Nhờ số tiền trợ giúp từ Ý, các sơ chi trả tiền trọ cho Upendo. Và như thế, từ năm 2009-2012, Upendo theo học trường trung học và năm 2015 cô đăng ký vào đại học Kampala ở Tanzania để học y khoa và giải phẫu và đã được chấp thuận.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét