Trang

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

ĐGH tiếp kiến Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về khoa học


ĐGH tiếp kiến Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về khoa học

ĐTC kêu gọi các nhà khoa học cộng tác tích cực để thuyết phục các chính quyền về sự không thể chấp nhận các võ khí hạt nhân về mặt luân lý đạo đức.
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
 Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 12-11-2018 dành cho 80 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học, nhóm tại nội thành Vatican cho đến ngày 14-11 này về chủ đề ”Các vai trò biến đổi của khoa học trong xã hội: từ khoa học đang nảy sinh các giải pháp cho an sinh của con người”.
 Kêu gọi chống võ khí hạt nhân
 Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đặc biệt nói đến 2 đe dọa lớn đối với nhân loại ngày nay là cuộc khủng hoảng trầm trọng về những thay đổi khí hậu hiện nay và đe dọa hạt nhân. Ngài nói: ”Theo vết các vị tiền nhiệm của tôi, tôi tái khẳng định tầm quan trọng cơ bản của sự dấn thân để tiến tới một thế giới không có võ khí hạt nhân - và như thánh Phaolô 6 và thánh Gioan Phaolô 6 -, tôi xin các nhà khoa học tích cực cộng tác để thuyết phục các chính quyền về sự không thể chấp nhận về mặt luân lý đạo đức các thứ võ khí hạt nhân ấy, vì những thiệt hại không thể chữa lành mà nó gây ra cho nhân loại và trái đất”.
 ĐTC nói thêm rằng: “Vì lý do đó tôi cũng tái khẳng định sự cần thiết phải có sự giải trừ võ trang, điều mà ngày nay dường như người ta không nói đến nữa tại các bàn hội nghị quanh đó các quyết định quan trọng được đề ra”.
 Bảo vệ môi sinh
 Nhắc đến các vấn đề môi sinh, ĐTC nói: ”Những thay đổi trên hoàn cầu dường như ngày càng bị ảnh hướng do các hoạt động của con người. Vì thế cũng cần có những câu trả lời thích hợp để bảo vệ sức khỏe của trái đất và dân chúng, một sức khỏe đang bị lâm nguy vì tất cả những hoạt động của con người dùng nhiên liệu phiến thạch (fossile) và nạn phá rừng trên trái đất (Laudato sì, 23). Cộng đồng các khoa học gia giờ đây được kêu gọi đề ra những giải pháp hữu hiệu và thuyết phục các xã hội cũng như các vị lãnh đạo hay theo đuổi các giải pháp ấy, cũng như đã từng thực hiện được những tiến bộ trong việc vạch rõ những rủi ro nguy hiểm đối với trái đất và con người”.
 Đầu tư vào phát triển thay vì vào chiến tranh
 Đề cập đến mục tiêu phát triển toàn diện và dài hạn, như LHQ đã đề ra, ĐTC nhận xét rằng trên thế giới hiện nay, ”dường như người ta thiếu ý chí và quyết tâm chính trị để chặn lại cuộc chạy đua võ trang và chấm dứt các cuộc chiến tranh, để cấp thiết tiến đến các năng lượng tái tạo, các chương trình nhắm bảo đảm nước, lương thực, và sức khỏe cho mọi người, dành những khối tiền bạc to lớn còn nằm im trong các thiên đàng tài chánh để đầu tư cho công ích” (Rei 12-11-2018) 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét