Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

30-03-2019 : THỨ BẢY - TUẦN III MÙA CHAY


30/03/2019
Thứ bảy tuần 3 Mùa Chay


BÀI ĐỌC I: Hs 6, 1b-6
"Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ".
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Đây Chúa phán: Trong cảnh khốn khổ, từ ban mai, họ chỗi dậy chạy tìm kiếm Ta. "Hãy đến, và chúng ta quay trở về với Chúa, vì Chúa bắt chúng ta, rồi sẽ tha chúng ta; Chúa đánh chúng ta, rồi sẽ lại chữa chúng ta. Sau hai ngày Người cho chúng ta sống lại, đến ngày thứ ba, Người đỡ chúng ta đứng lên, và chúng ta sẽ sống trước mặt Người. Chúng ta hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa. Người sẵn sàng xuất hiện như vừng đông, và sẽ đến cùng chúng ta như mưa thuận và như mưa xuân trên mặt đất".
Hỡi Ephraim, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Hỡi Giuđa, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Tình thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi. Vì thế, Ta dùng các tiên tri nghiêm trị chúng, và Ta dùng lời từ miệng Ta phán ra mà giết chúng. Án phạt các ngươi bừng lên như ánh sáng. Vì chưng, Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 18-19. 20-21ab
Đáp: Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ (Hs 6, 6).
1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Đáp.
2) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. - Đáp.
3)  Lạy Chúa, xin thịnh tình với Sion theo lòng nhân hậu, hầu xây lại thành trì của Giêrusalem. Bấy giờ Chúa con sẽ nhận những lễ vật chính đáng, những hy sinh với lễ toàn thiêu. - Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 8, 12b
Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống".

PHÚC ÂM: Lc 18, 9-14
"Người thu thuế ra về được khỏi tội".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên". Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)


SUY NIỆM : Chìa Khoá Của Tự Do
Người Hồi giáo nói về sự cầu nguyện bằng câu chuyện sau: cómột người thợ kim hoàn nghèo nhưng thanh liêm bị giam tù vì một tội ông không bao giờ phạm. Vài tháng sau khi người chồng bị giam giữ, người vợ đến gặp ban giám đốc và xin cho chồng một ân huệ. Bà nói chồng bà là một tín hữu trung thành với các buổi cầu nguyện, bà xin được gửi cho chồng một tấm thảm nhỏ để quì cầu nguyện năm lần một ngày theo qui định của Hồi giáo. Lời thỉnh cầu được chấp nhận dễ dàng… Ngày nọ, người thợ kim hoàn đến trình bày với các quản giáo: “Tôi là thợ kim hoàn, nếu các người cho tôi một ít kim loại, tôi có thể vừa qua được thời giờ nhàn rỗi, vừa làm được cho các người những nữ trang có thể dùng được”. Các quản giáo không thấy trở ngại nào về điều đó. Một ngày nọ, các canh tù bỗng phát giác ra cánh cửa nhà tù bị mở toang và người thợ kim hoàn đã tẩu thoát. Cùng lúc đó người ta cũng bắt giữ được thủ phạm đích thực mà họ đã qui lầm cho người thợ kim hoàn. Bấy giờ người thợ kim hoàn mới ra mặt và tiết lộ việc trốn thoát cuả ông. Sau khi ông bị bắt oan, vợ ông liên lạc với kiến trúc sư đã vẽ hoạ đồ nhà tù. Ông này cho phép bà in nguyên hoạ đồ chi tiết cuả nhà tù lên tấm thảm. Mỗi ngày năm lần dù phủ phục trên tấm thảm để cầu nguyện, người thợ đã thuộc lòng đường ra lối vào của nhà tù, thêm vào đó nhờ những mảnh kim loại các quản giáo cung cấp, người thợ đã có thể mài dũa những chìa khoá để mở các cánh cửa nhà tù, đó là bí quyết đã giúp ông trốn được khỏi nhà tù.
Cầu nguyện là chìa khoá của tự do. Một tâm hồn khao khát tự do đích thực là một tâm hồn biết cầu nguyện. Chúa Giêsu như muốn minh hoạ cho chân lý ấy qua dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Biệt phái lên giữa đền thờ đứng thẳng người để kể về những thành tích của mình, trong khi đó người thu thuế tội lỗi đứng trong góc đền thờ, không dám ngước mặt lên, nhưng cúi mình đấm ngực nói lên nỗi khốn cùng tội lỗi của mình. Chúa Giêsu tuyên bố người thu thuế ra về được tha tội, còn người Biệt phái vẫn tiếp tục ù lì trong sự tự phụ của mình. Phải chăng Chúa Giêsu không muốn nói với chúng ta rằng câu chuyện đích thực chính là nỗi khao khát được thoát khỏi những thứ nô lệ đang trói buộc tâm hồn con người.
Mùa Chay là trường dạy cầu nguyện. Giáo hội mời gọi chúng ta gia tăng cầu nguyện, điều đó có nghĩa là chẳng những dành nhiều thời giờ cho cầu nguyện, mà nhất là thanh luyện thái độ chúng ta trong khi cầu nguyện, lời cầu nguyện đích thực trong mùa chay phải là thái độ sám hối. Khởi đầu của cầu nguyện ấy là mọi nhận thức sâu xa về thân phận, tội lỗi của chúng ta và từ đó nói lên tất cả tín thác của chúng ta vào tình yêu tha thứ của Chúa. Lòng tín thác ấy sẽ xoá tan mọi tội lỗi và mang lại cho chúng ta tự do đích thực của con cái Chúa.
Như người con hoang đàng mong được trở về với cha, như người thu thuế nép mình nơi lòng tha thứ của Chúa, xin cho chúng ta luôn được sống trong tâm tình sám hối thực sự và cảm nhận được tình thương khoan dung vô bờ của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần III MC
Bài đọc: Hos 5:15c-6:6; Lk 18:9-14.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết Thiên Chúa và biết mình
Để dễ sống hòa hợp với người khác, chúng ta cần biết họ là ai và mình là ai, tương quan của chúng ta với họ, những điểm tương đồng và dị biệt giữa chúng ta với họ, những gì họ thích, không thích… Tương tự như vậy khi chúng ta đến với Thiên Chúa, chúng ta cần phải biết Thiên Chúa là ai và mình là ai, điều khác biệt giữa Thiên Chúa và mình; những gì Ngài thích hay không thích. Có như vậy, mối liên hệ hai bên mới tốt đẹp, tránh những gì làm phiền lòng nhau, và gặt hái được những kết quả mong muốn.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người sống mối liên hệ với Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, con người tưởng có thể qua mặt Thiên Chúa bằng lối sống hời hợt bên ngòai như dâng các lễ vật hy sinh để đền bù tội lỗi, rồi sau đó cứ tha hồ phạm tội. Con người có biết đâu Thiên Chúa thấu suốt tâm can, Ngài đâu cần những lễ vật vì mọi sự trong trời đất thuộc quyền của Ngài. Điều Thiên Chúa muốn, Ngài tỏ cho con người biết rõ ràng: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.” Trong Phúc Âm, hai người lên Đền Thờ cầu nguyện, một người Biệt-phái và một người thu thuế. Người Biệt-phái tưởng Thiên Chúa không có trí nhớ, nên ông nhắc lại cho Ngài nhớ những việc ông đã làm; tưởng Thiên Chúa không đủ khôn ngoan nên ông giúp Chúa bằng cách so sánh giữa cuộc sống của ông với của người thu thuế. Còn người thu thuế biết Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự nên chỉ biết đấm ngực ăn năn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Hậu quả được Chúa Giêsu tuyên bố: “người thu thuế, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người Biệt-phái thì không.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa muốn tình yêu và được con người nhận biết.
1.1/ Lợi ích của hình phạt: Hình phạt không cần thiết cho những người con luôn biết nghe lời cha mẹ; nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy, con cái không luôn biết vâng lời cha mẹ vì ham chơi, nên phải có hình phạt để sửa dạy. Hình phạt được ví như thuốc thang cho người bệnh, tuy đắng khi vào miệng, nhưng sẽ mang lại sức khỏe cho họ. Trường hợp của dân tộc Israel cũng thế, Thiên Chúa dạy dỗ họ nhiều điều; nhưng họ không chịu nghe và tuân giữ; nên như một người Cha, Thiên Chúa phải sửa phạt bằng cách cho họ chịu đau khổ, để giúp họ trở nên tốt hơn.
(1) Sửa phạt rồi lại xót thương: Sửa phạt con cái là vì thương, chứ không phải vì ghét bỏ, như lời tục ngữ Việt-nam: “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.” Làm cha mẹ mà không chịu giáo dục con cái là đẩy chúng tới cõi chết. Con cái buồn sầu và tức giận khi bị sửa phạt, nhưng sau khi hồi tâm suy nghĩ, chúng sẽ nhận ra lỗi lầm của chúng và nhận ra tình thương của cha mẹ. Israel cũng thế, họ nhận ra tội của họ và tình thương Thiên Chúa trong Thời Lưu Đày và khuyến khích nhau: “Nào chúng ta hãy trở về cùng Đức Chúa. Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương.”
(2) Làm cho chết rồi lại làm cho sống: “Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người.” Chủ đề được lãnh nhận ơn cứu độ trong ngày thứ ba xảy ra thường xuyên trong Cựu Ước (x/c Gen 42:18, Exo 19:10-11, Jos 3:2, Hos 6:2, Jon 2:1, Ezr 8:15, Est 5:1, Luk 13:32). Chúa Jesus xác tín niềm tin này bằng cách sống lại vinh hiển từ cõi chết trong ngày thứ ba.
1.2/ Hai điều căn bản Thiên Chúa muốn nơi con người:
(1) Phải ra sức học biết Thiên Chúa: Con người thường biếu quà cáp quí giá cho cha mẹ, vì họ nghĩ cha mẹ sẽ hài lòng vì những quà tặng này. Nhưng điều cha mẹ hài lòng hơn là con cái phải biết giữ đạo, yêu thương cha mẹ, và ăn ở hòa thuận với mọi người. Tiên tri Hosea dạy: “Chúng ta phải biết Đức Chúa, phải ra sức nhận biết Người; như hừng đông mỗi ngày xuất hiện,
chắc chắn thế nào Người cũng đến. Người sẽ đến với chúng ta như mưa rào, như mưa xuân tưới gội đất đai." Phải học biết Thiên Chúa thì con người mới biết Thiên Chúa muốn gì, trước khi con người có thể làm đẹp lòng Ngài. Không học biết về Thiên Chúa, con người không thể làm đẹp lòng Ngài. Chính Thiên Chúa xác nhận: “Ta thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.”
(2) Phải hết sức yêu mến Người: Thiên Chúa yêu mến con người, đó là lý do duy nhất Ngài dựng nên, dạy dỗ, và chuẩn bị mọi sự cho con người. Một điều duy nhất con người có thể trả ơn Thiên Chúa là yêu mến và vâng nghe những gì Ngài dạy. Không một thứ quà cáp nào thay thế được tình yêu mà Thiên Chúa mong muốn nơi con người: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ.”
2/ Phúc Âm: Hai thái độ khi cầu nguyện
Cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa. Con người cần biết Thiên Chúa là ai và những gì Thiên Chúa thích; đồng thời con người cũng cần biết mình là ai và những gì mình ao ước. Vì thế, cần chuẩn bị tâm hồn và có thái độ xứng đáng trước khi cầu nguyện. Để dẫn chứng thái độ thích đáng khi cầu nguyện, Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:
(1) Thái độ của người Pharisee: Người Pharisee đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Có nhiều điều sai trong cách cầu nguyện này: Hành vi bên ngòai biểu lộ tâm hồn bên trong. Cách đứng thẳng biểu lộ ông cho mình là công chính; và nếu ông đã công chính, ông đâu cần đến Thiên Chúa. Lời nói của ông cũng xác tín điều này, ông so sánh mình với những lọai người tội lỗi, và nhận thấy ông quá tốt lành.
(2) Thái độ của người thu thuế: Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Ông nhận ra Thiên Chúa là ai và ông là ai. Hành động và lời nói của ông chứng tỏ ông là người tội lỗi và đang cần tới lòng thương xót của Thiên Chúa. Ông biết ông không cần phải nói nhiều vì Thiên Chúa đã thông suốt cả.
(3) Hậu quả của cuộc cầu nguyện là mục đích mà cả hai người cùng nhắm tới: Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." Người thu thuế đạt được mục đích, người Biệt-phái đã không đạt được đích, lại còn lãnh thêm tội vào mình.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần cố gắng học biết về Thiên Chúa để có thể sống đúng đắn mối liên hệ với Ngài; đồng thời sự hiểu biết sẽ giúp chúng ta nhận ra những gì Ngài đã làm cho chúng ta, và sẽ giúp chúng ta yêu Ngài hơn.
- Thiên Chúa sửa phạt vì yêu thương. Chúng ta cần vượt qua tính tự ái và kiêu ngạo để nhận ra tội lỗi đã xúc phạm, và ăn năn trở lại cùng Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


30/03/2019
THỨ BẢY TUẦN 3 MC
Lc 18,9-14

CÁI TÔI KHIÊM HẠ
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.” (Lc 18,14)

Suy niệm: Sinh vào đời ai cũng có một cái tôi thật đơn sơ và dễ thương. Thế nhưng nó dễ bị biến tướng trở thành cái tôi đáng ghét. Cha Quang Uy đã “đánh vần” cái tôi biến tướng đó thành một bài hát dí dỏm và thật ý nghĩa:
Kiêu căng tôi sắc sảo
tôi thành tôi sắc tối.
Huênh hoang tôi huyền hoặc
tôi thành tôi huyền tồi.
Tự ái tôi nặng nề
tôi thành tôi nặng tội.
Khiêm tốn tôi thật thà
tôi thành tờ-ôi tôi.
Cũng vậy, ông Pha-ri-sêu đã huênh hoang, tự cao tự đại, “khoe” thành tích cái tôi của ông với Chúa. Do đó những việc ông làm – dù rằng rất tốt – thay vì trở nên công phúc thì lại biến thành bọt bèo theo cái tôi tồi tệ và tội lỗi của ông. Ngược lại, với lòng khiêm hạ, người thu thuế nhìn thấy sự yếu đuối của mình và cần đến lòng thương xót của Chúa. Chính vì vậy, ông hoán cải và được Chúa kể là người công chính.

Mời Bạn: Con đường vào Nước Trời là con đường khiêm tốn. Cho nên, chỉ nhờ khiêm nhu người ta mới nhìn ra sự yếu đuối của mình và lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa ngõ hầu được nên công chính. Bạn hãy bắt chước lời cầu nguyện của người thu thuế để nhìn ra tất cả những gì mình có được hôm nay đều là hồng ân của Chúa ban.

Sống Lời Chúa: Khiêm nhường chạy đến với bí tích hoà giải trong mùa chay thánh này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con biết nhận ra sự yếu hèn của mình và chúng con chỉ là không trước mặt Chúa.
(5 phút Lời Chúa)


Tự hào và khinh người

Suy nim:
Tự hào về sự đạo đức của mình và khinh người khác,
Đó chẳng phải chuyện của các ông Pharisêu ngày xưa.
Đó là chuyện của con người mọi thời, của chính các môn đệ hôm nay.
Chúng ta nghe Đức Giêsu kể dụ ngôn này cho mình trong Mùa Chay thánh.
Hai nhân vật đối lập nhau, được đặt bên nhau trong dụ ngôn.
Họ ở trong cùng một đền thờ, cùng đứng cầu nguyện trước nhan Chúa.
Họ là một ông Pharisêu thánh thiện và một người thu thuế tội lỗi.
Nghe lời cầu nguyện của họ, chúng ta biết được lòng họ.
Người Pharisêu không xin gì cho mình, ông chỉ tạ ơn Thiên Chúa.
Ông kể ra những điều xấu mà ông không làm như bao kẻ khác,
hay như tên thu thuế mà ông thoáng thấy đứng cuối đền thờ (c. 11).
Ông còn kể những việc đạo đức tự nguyện về ăn chay và dâng cúng
mà ông đã làm vượt quá những gì Luật đòi buộc.
Lời cầu nguyện của ông khiến nhiều người Do Thái tử tế phải thèm.
Còn người thu thuế thì đứng xa, cúi đầu, đấm ngực, cầu xin cách đơn sơ :
“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (c. 13).
Anh thấy mình bất xứng, bất lực, chỉ biết cậy dựa vào tình thương tha thứ.
Kết luận của Đức Giêsu hẳn đã làm nhiều người chưng hửng.
Người thu thuế được Thiên Chúa làm cho nên công chính,
còn người Pharisêu thì không (c. 14).
Thiên Chúa có bất công không ? Chúng ta có cần sống tử tế nữa không ?
Thật ra, ông Pharisêu không được gì vì ông đã không xin gì.
Ông không xin vì ông thấy mình quá ư giàu có về mặt đạo đức.
Ông ra trước Thiên Chúa với một kho công trạng của mình.
Có bao nhiêu chữ con đầy tự hào trong lời nguyện của ông.
Chúng ta tưởng ông mở ra khi nói “con tạ ơn Thiên Chúa”
nhưng thực tế ông đã khép lại, quay vào mình, ngắm nghía vẻ đẹp của mình.
Rốt cuộc Thiên Chúa là người thừa, cùng lắm chỉ là người ông đến đòi nợ.
Ngược lại, anh thu thuế tuy có nhiều tiền, nhưng thấy mình tay trắng, lỗi tội.
Chính điều đó khiến anh hết sức cần đến Thiên Chúa.
Ngài đã nghe tiếng kêu của anh từ xa, từ cuối đền thờ.
Không cần Thiên Chúa và coi thường tha nhân, vẫn là cám dỗ muôn thuở.
Nên thánh không phải là chuyện “tôi làm”
mà là chuyện để Thiên Chúa tự do làm nơi đời tôi.
Chỉ ai nhìn nhận sự yếu đuối của mình,
lời cầu nguyện của người đó mới đánh động được trái tim Thiên Chúa.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG BA
Để Bước Vào Tam Nhật Thánh
“Nguyện chúc anh em ân sủng và bình an của Đức Giê-su Kitô, vị chứng nhân trung thành” (Kh 1,4-5).
Đức Giê-su Kitô, vị chứng nhân trung thành của Thiên Chúa vô hình, thách đố chúng ta với uy lực của bài diễn từ mà Người đưa ra trên căn gác thượng trong phụng vụ Thứ Năm Thánh. Đây là những lời thiết lập nên Giao Ước Mới trong máu hy tế của Người. Những lời này mạc khải chiều sâu thẳm nhất của mầu nhiệm Thiên Chúa là Tình Yêu.
Bằng cách nào chúng ta có thể sửa soạn để cử hành Tam Nhật Thánh? Tam Nhật Thánh là khoảng thời gian thánh thiêng nhất trong năm. Trong khoảng thời gian thánh thiêng này, chúng ta cử hành: Thứ Năm Thánh, Thứ Sáu Thánh và Đêm Vọng Phục Sinh. Thời gian đặc biệt này sẽ tái hiện cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân trần: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
Trước khi bước vào thời gian thánh này, Giáo Hội cử hành phụng vụ buổi sáng Thứ Năm Thánh – gọi là Thánh Lễ Truyền Dầu – một phụng vụ mang đậm sắc thái của niềm mong đợi và sự chuẩn bị thánh thiêng. Trong Thánh Lễ này, Bài Đọc thứ nhất trích từ Sách Ngôn Sứ Isaia – về sau được Đức Giêsu dẫn lại trong Tin Mừng Luca: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi” (Lc 4,18; Is 61,1). Đức Giêsu Na-da-rét đã tham chiếu đến những lời này của Ngôn Sứ Isaia ngay từ buổi bắt đầu sứ mạng cứu thế của Người.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 30-3
Hs 6,1-6; Lc 18,9-14.

LỜI SUY NIỆM: Tôi nói cho các ông biết: “người này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Chúa Giêsu đưa dụ ngôn hai người cùng lên Đền Thờ cầu nguyện. Trong khi người Pha-ri-sêu đứng thẳng người gần bàn thờ kể những công trạng của mình đã làm được, kèm theo sự so sánh sự đạo đức của mình với người khác, lại còn lên án người thu thuế. Trong khi đó người thu thuế chỉ biết sấp mình không dám ngước mặt lên, đấm ngực thống hối: xin Chúa thương xót con, đến ba lần, mong được ơn tha thứ, và Chúa đã kết luận: người thu thuế khi trở về sẽ nên công chính còn người kia thì không. Điều này, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng đang đánh thức mọi tín hữu trước mỗi khi đi tham dự Thánh lễ, phải nhận mình đang là tội nhân trước mặt Chúa và anh em mình, với một tâm hồn thật sự sám hối để nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa và được làm hòa với anh em mình.
Lạy Chúa Giêsu, dẫn vào Thánh lễ đều có phần sám hối; trước phần ngôn lễ cũng có phần cầu xin lòng thương xót của Ba Ngôi Thiên Chúa, và trước phần hiệp lễ cũng có hai lần xin Chúa thương xót và một lần xin ơn bình an để được Rước Lễ nên. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn ý thức thật sự khi đọc những lời sám hối này, để được Chúa yêu thương tha thứ và cùng cám ơn nhau trong lời nguyện xin này.
Mạnh Phương


30 Tháng Ba
Chết Thay Cho Người
Môn đệ của một vị đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng anh ta quyến luyến gia đình và bảo rằng: "Vợ con tôi quá thương yêu tôi, nên họ không bằng lòng cho tôi thoát tục".
Nghe nói thế, vị đạo sĩ muốn cho anh ta biết sự thật nên đã dạy cho anh một kỹ thuật giả chết. Sau một thời gian học thuần thục, vị đạo sĩ bảo anh hãy áp dụng kỹ thuậ này khi về đến nhà. Và quả thật, anh ta đã thực hành bài học cách tuyệt hảo để nhắm mắt xuôi tay, nhưng vẫn còn nghe được mọi tiếng khóc than của vợ con và thân nhân, bạn bè.
Ngày hôm sau, vị đạo sĩ đến để phân ưu cùng thâm quyến. Sau những giây phút tưởng niệm người quá cố, ông nghiêm nghị bảo thân nhân đang khóc thương người đã từ biệt cõi đời rằng: "Tôi có bí quyết để cứu sống anh ta, nếu có ai sẵn lòng chết thay cho anh".
Anh chàng giả chết ngạc nhiên khi nghe mọi người trong gia đình nêu ra mọi lý do để biện minh là mình cần phải sống. Càng ngạc nhiên hơn khi anh nghe người vợ nghĩa thiết của mình tóm lược mọi lý lẽ trên bằng một lời quả quyết: "Tôi nghĩ không ai cần chết thay cho chồng tôi. Không có anh ta, chúng tôi vẫn có thể làm lụng để sống".
Câu chuyện trên có thể xảy ra bất cứ ở đâu và trong bất cứ gia đình nào. Và theo sự suy luận thông thường, chúng ta phải công nhận rằng: Người vợ và thân nhân của anh chàng giả chết có lý của họ. Nhưng triết gia Pascal cũng có lý khi nhận định: "Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu nổi".
Ðó là lý lẽ của con tim trong con người của cha Ðamien, tông đồ người hủi mà cách đây không lâu nhiều người đã long trọng tưởng niệm một trăm ngày qua đời của Ngài. Cha Ðamien đã dấn thân phục vụ những người bị bệnh phong hủi để rồi kết thúc cuộc đời bằng chính căn bệnh của những người cha đã săn sóc với sự bình thản được biểu lộ trong những dòng tâm sự cha viết cho bạn bè vài ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng: "Tôi chết vì bệnh phong cùi, nhưng tôi là một thừa sai sung sướng nhất trên địa cầu này".
Ðó cũng là lý lẽ của con tim trong con người của cha Maximilian Kolbe, nạn nhân của chính sách bạo tàn tiêu hủy người Do Thái của Ðức quốc xã. Cha Maximilian đã đứng ra chịu chết thay cho một anh bạn tù.
Có thể những người mang lý lẽ này trong con tim hiểu được câu giáo huấn của Ðức Kitô: "Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình".
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: Luca 18:9-14
Thứ Bảy 30 Tháng Ba, 2019
Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay                              


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con,
Chính Chúa nhắc nhở chúng con qua những người thánh của Chúa
Rằng tất cả những việc giữ đạo của chúng con,
Ngay cả hy lễ Thánh Thể này,
Sẽ chẳng có giá trị gì
Nếu chúng con dùng chúng để uốn nắn Chúa theo cách của chúng con.
Lạy Chúa, xin cho chúng con có thể đến với Chúa
Trong khiêm nhường và ăn năn,
Sẵn sàng để gặp gỡ Chúa trong tình yêu thương
Và quay về đường lối của Chúa.
Xin Chúa hãy chấp nhận chúng con như là con cái Chúa
Cùng với Đức Giêsu Kitô,
Con Chúa và là Chúa chúng con đến muôn đời.

2.  Phúc Âm – Luca 18:9-14
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người Biệt Phái, một người thu thuế.
Người Biệt Phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi.’
Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.’
Ta bảo các người: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên.”

3.  Suy Niệm
 Trong bài Tin Mừng hôm nay, để dạy chúng ta cách cầu nguyện, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về người Biệt Phái và người thu thuế. Chúa Giêsu có một cách nhìn khác khi trông thấy các sự việc. Người nhìn thấy điều gì đó tích cực trong người thu thuế, kẻ mà mọi người nói rằng: “Hắn ta không biết cách cầu nguyện!” Chúa Giêsu, qua lời cầu nguyện, đã sống rất hiệp nhất với Chúa Cha đến nỗi mà tất cả mọi thứ đã trở thành biểu hiện sự cầu nguyện của Người.
 Cách trình bày dụ ngôn thì mang phong cách rất giáo huấn. Thánh Luca đưa ra một lời giới thiệu ngắn gọn được dùng như là chìa khóa cho bài đọc. Sau đó, Chúa Giêsu nói dụ ngôn và cuối cùng chính Chúa Giêsu áp dụng dụ ngôn vào cuộc sống.
 Lc 18:9: Lời giới thiệu. Câu chuyện dụ ngôn được trình bày bởi câu sau đây: “Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác!” Câu nói này là của thánh Luca. Nó chỉ về thời đại của Chúa Giêsu. Nhưng nó cũng chỉ về thời đại của chúng ta. Luôn có những người và những nhóm người tự hào mình là người công chính và ngoan đạo và hay khinh bỉ kẻ khác, coi họ là những kẻ kém hiểu biết và bất trung.
 Lc 18:10-13: Câu chuyện dụ ngôn. Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Biệt Phái, một người thu thuế. Theo quan niệm người ta vào thời bấy giờ, người thu thuế thì bị khinh khi, và họ không thể nào tự mình thưa chuyện với Thiên Chúa bởi vì họ là những kẻ ô uế. Trong câu chuyện dụ ngôn, Người Biệt Phái cảm tạ Chúa vì ông ta tốt lành hơn những kẻ khác. Lời cầu nguyện của ông ta không có gì khác hơn là một lời tự khen ngợi mình, lời đề cao các phẩm hạnh của mình và khinh miệt đối với kẻ khác và đối với người thu thuế. Người thu thuế thậm chí không dám ngước mắt lên, nhưng ông ta đấm ngực và nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!” Ông ta tự đặt vào vị trí của mình, là vị trí của ông ta đứng trước mặt Thiên Chúa.
 Lc 18:14: Sự ứng dụng. Nếu Chúa Giêsu để cho người ta bày tỏ ý kiến của mình và nói ai trong hai người ấy ra về được nên công chính, thì tất cả mọi người sẽ nói rằng: “người Biệt Phái!” Bởi vì vào thời ấy, đây là ý kiến chung. Chúa Giêsu thì lại nghĩ theo cách khác. Đối với Chúa, kẻ ra về được nên công chính, nghĩa là trong một mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, không phải là người Biệt Phái, mà lại là người thu thuế. Chúa Giêsu làm đảo lộn mọi thứ. Điều chắc chắn rằng các giới chức tôn giáo của thời ấy đã không hài lòng với sự ứng dụng mà Chúa đã cấu tạo trong dụ ngôn.
 Chúa Giêsu cầu nguyện. Thánh Luca cho chúng ta biết một cách đặc biệt, về đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ông cho thấy Chúa Giêsu cầu nguyện liên lỉ. Sau đây là danh sách văn bản của sách Tin Mừng Luca, trong đó Chúa Giêsu xuất hiện trong lời cầu nguyện: Lc 2:46-50; 3:21; 4:1-12; 4:16; 5:16; 6:12; 9:16,18,28; 10:21; 11:1; 22:32; 22:7-14; 22:40-46; 23:34; 23:46; 24:30). Khi đọc sách Tin Mừng Luca, bạn có thể tìm thấy các lời khác nói về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu sống trong liên kết với Chúa Cha. Thi hành ý muốn của Chúa Cha là hơi thở của cuộc đời của Chúa Giêsu (Ga 5:19). Chúa Giêsu cầu nguyện rất nhiều và, được nhấn mạnh để cho dân chúng và các môn đệ của Người sẽ làm như vậy, bởi vì từ sự hiệp nhất với Thiên Chúa phát sinh ra chân lý và người ta có thể khám phá và tìm được chính mình, trong mọi thực tế và lòng khiêm tốn. Trong cầu nguyện, Chúa Giêsu đã mật thiết gắn bó với sự kiện cụ thể của đời sống và với các quyết định mà Người phải làm. Để trung thành với chương trình của Chúa Cha, Người đã tìm cách gặp gỡ riêng với Ngài để lắng nghe lời Ngài. Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thánh Vịnh. Người đã làm như bất kỳ người Do Thái sùng đạo khác và Người thuộc lòng chúng. Thậm chí Chúa Giêsu đã thành công trong việc sáng tác bài Thánh Vịnh của riêng mình. Đó là Kinh Lạy Cha. Cả cuộc đời của Chúa là lời cầu nguyện thường trực: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm!” (Ga 5:19, 30). Đối với Người có thể ứng dụng với những gì Thánh Vịnh đã nói: “Phần con, con chỉ biết cầu nguyện!” (Tv 109:4).

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
 Đối chiếu vào tấm gương của bài dụ ngôn này, tôi giống như người Biệt Phái hay như người thu thuế?
– Có những người nói rằng họ không biết làm thế nào để cầu nguyện, nhưng lúc nào họ cũng nói chuyện với Thiên Chúa. Bạn có biết ai như thế này không?

5.  Lời nguyện kết
Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy
(Tv 51:1-2)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét