Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

26-05-2019 : (phần II) CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH năm C


26/05/2019
Chúa Nhật 6 PHỤC SINH năm C
(phần II)


Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Phục Sinh năm C
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM C
Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29
VAI TRÒ CỦA THÁNH THẦN
“Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy,
Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”
 (Ga 14,26)

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Lời rao giảng của các môn đệ thời Giáo hội sơ khai đã thu hút được một số lượng lớn những người tin theo, trong đó có cả người Do thái và Dân ngoại. Hai thánh Phaolô và Banaba là những sứ giả nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho Dân ngoại, nhưng hai ngài cũng gặp không ít khó khăn, một trong số đó là câu hỏi liệu Dân ngoại có cần phải cắt bì và giữ luật Môsê để được ơn cứu độ hay không. Đoạn sách Công vụ Tông đồ hôm nay là một lời giải đáp rõ ràng và thỏa đáng.
Trước hết, vấn nạn đặt ra là một tình huống mới mẻ trong thời Giáo hội sơ khai khi mà các tín hữu gốc Do thái vẫn tiếp tục giữ những luật lệ và truyền thống của họ, trong đó có luật cắt bì. Vậy nên mới có những người Do thái đòi buộc các tín hữu gốc Dân ngoại cũng phải giữ giống như họ. Khi vấn nạn đặt ra không thể được giải quyết bằng những tranh luận ở “địa phương”, người ta đã phải cử đại diện đi gặp gỡ và trình bày vấn nạn với cấp “trung ương” tại Giêrusalem. Như thế, dù chưa thật sự có một sự phân cấp rõ ràng, các tín hữu thời đó vẫn xem các Tông đồ và kỳ mục tại Giêrusalem, cách riêng là hai thánh Phêrô (Cv 15,7-11) và Giacôbê (Cv 15,13-21), như là những người có tiếng nói quyết định.
Sau nữa, việc Hội thánh tại Giêrusalem vừa viết thư, vừa cử những người có uy tín trong Hội thánh là Giuđa và Xila đến gặp các tín hữu trong các cộng đoàn địa phương để trả lời cho thắc mắc của họ. Quả vậy, bức thư của “anh em Tông đồ và kỳ mục” vừa thể hiện sự hiệp thông giữa “trung ương” và “địa phương”; vừa coi trọng vai trò quan trọng của hai thánh Phaolô và Banaba, “những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu Kitô” (Cv 15,26). Hơn nữa, bức thư còn đề cao vai trò của Thánh Thần, Đấng đóng vai trò không thể thiếu trong quyết định quan trọng của Hội thánh (15,28). Nhờ ơn Thánh Thần mà quyết định của Hội thánh “mẹ” Giêrusalem đem lại nhiều ích lợi cho các Kitô hữu gốc Dân ngoại.
Cuối cùng, câu trả lời chính thức của Hội thánh tại Giêrusalem là lời khẳng định rõ ràng và chắc chắn rằng các tín hữu gốc Dân ngoại không cần phải giữ những khoản luật theo truyền thống Môsê, ngoại trừ một số điều có thể gây cớ vấp phạm. Như thế, cách thức Giáo hội thời sơ khai giải quyết vấn đề vừa cho thấy sự hiệp thông, vừa thể hiện sự uyển chuyển nhưng dứt khoát vì lợi ích của Dân ngoại, theo đó Dân ngoại không cần phải cắt bì như là dấu chỉ của việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu.
2. Bài đọc 2
Thị kiến của tác giả sách Khải Huyền mô tả quang cảnh của Thành Giêrusalem trên trời (21,10), trong đó đoạn 21,12-14 cho thấy cảnh trí bên ngoài, và đoạn 21,22-23 mô tả nét đặc biệt và vẻ xán lạn rực rỡ bên trong của Thành.
Trước hết, quang cảnh bên ngoài của Thành cho thấy chiều cao, và chiều rộng, như muốn ám chỉ sức chứa rất lớn của Thành. Nhờ đó, Thành không chỉ được dành cho mười hai chi tộc Israel (21,12b), nhưng còn dành cho cả các Dân ngoại nữa, những người nhờ ánh sáng của Thành soi dẫn mà qui tụ về (x. 21,24.26). Thành mở ra bốn hướng đông tây nam bắc, mỗi hướng có ba cửa (chỉ sự hoàn hảo) như là dấu chỉ về tính phổ quát của Thành Giêrusalem mới; Thành này không đặt nền tảng trên mười hai chi tộc Israel nữa mà trên nền tảng mười hai Tông Đồ. Đây chính là hình ảnh của Hội Thánh, được xây dựng trên nền tảng đức tin của mười hai Tông Đồ là những người đã đi theo Đức Kitô, nghe giáo huấn của Người, được chứng kiến cái chết và sống lại của Người (x. Cv 1,21-22). Hội Thánh mở ra và đón nhận tất cả mọi người, kể cả Dân ngoại, nếu họ tin vào Đức Giêsu nhờ chứng tá của các Tông Đồ.
Sau nữa, khung cảnh bên trong cho thấy hai điểm đặc biệt của Thành. Một là, Thành mới không hề có Đền Thờ vì “Đức Chúa và Con Chiên là Đền Thờ của Thành” (21,22). Quả vậy, Đền Thờ trong thành Giêrusalem dưới đất là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân Người để họ tôn thờ, nhưng Thành Giêrusalem mới vào thời cánh chung không cần Đền Thờ nữa vì con người được trực tiếp chiêm ngưỡng và hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Thiên Chúa và Con Chiên là Đức Kitô chính là Đền Thờ cho họ tôn thờ. Hai là, Thành mới không cần ánh sáng của mặt trời, mặt trăng vì vinh quang của Thiên Chúa và Con Chiên là đèn chiếu soi (21,23). Thật vậy, chính vinh quang Thiên Chúa và Đức Giêsu làm cho Thành rực lên ánh sáng: ánh sáng chiếu soi cho Dân ngoại tìm đến, ánh sáng loại bỏ đêm tối, để những ai được chiếu sáng sẽ được hiển trị đến muôn đời muôn thuở (x. 21,24-25; 22,5).
Tóm lại, nhờ ánh sáng của Thiên Chúa và Con Chiên là Đức Giêsu, Thành Giêrusalem mới không chỉ chiếu soi cho mười hai chi tộc Israel mà còn cho cả Dân ngoại, để bất kỳ ai tin vào Thiên Chúa và Đức Giêsu Phục Sinh, nhờ lời chứng của các Tông Đồ, đều được hiển trị trong ánh sáng vinh quang của Thành Giêsusalem trên trời.
3. Bài Tin Mừng
Bối cảnh của đoạn Tin Mừng là những lời tâm tình của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc thương khó. Những lời trăn trối của Chúa Giêsu mạc khải về một số điểm thần học quan trọng.
Điểm thứ nhất là lời mạc khải về tương quan tình yêu và hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, ai yêu mến Người và giữ lời của Người, tức lời Chúa Cha ban cho Người, thì không chỉ được Chúa Cha yêu mến, mà còn được chính Chúa Cha và Chúa Giêsu “ở lại”. Như vậy, việc yêu mến và giữ lời của Chúa Giêsu vừa tạo nên tương quan tình yêu hai chiều, vừa đem lại sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Tương quan tình yêu và tình trạng hiệp thông trọn vẹn này chỉ xảy ra vào thời cánh chung khi Chúa Giêsu hiện thực hóa lời hứa “đi dọn chỗ cho anh em”, và sẽ “lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (x. Ga 14,2-3).
Điểm thứ hai là lời hứa của Chúa Giêsu về vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần. Quả vậy, Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng không chỉ đến ở với các môn đệ luôn mãi để che chở, bảo vệ các ông khỏi cảnh mồ côi (14,16.18) mà còn giúp các ông nhớ lại và hiểu cách trọn vẹn những gì Chúa Giêsu đã dạy các ông (14,26). Chúa Giêsu đã từng khẳng định với thánh Phêrô, và qua thánh nhân với các môn đệ khác rằng, “việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (13,7). Nếu các môn đệ “sau này” có thể nhớ lại và hiểu cách đầy đủ những gì Chúa Giêsu đã dạy không phải vì tự thân các ông sáng suốt hơn, khôn ngoan hơn, mà là do ơn của Chúa Thánh Thần.
Điểm thứ ba là lời Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ. Trước lúc rời xa các môn đệ, Chúa Giêsu hiểu rõ tâm trạng xao xuyến và sợ hãi của các ông. Bình an mà Người ban cho các ông “không theo kiểu thế gian”, nghĩa là, không phải tình trạng hòa bình vì không có chiến tranh, hay tâm trạng không còn lo lắng, sợ hãi, bất an, hoặc sung sướng, thoải mái về mặt tâm lý, nhưng là tình trạng của người sống trong ân sủng cứu độ của Thiên Chúa. Nhờ ân sủng cứu độ này, ân sủng được ban do lòng yêu mến, các môn đệ vẫn có thể sống trong bình an và vui mừng ngay cả khi Đức Giêsu về với Thiên Chúa, Đấng cao trọng hơn Người, Đấng sẽ ban ơn cứu độ chung cuộc cho các ông vì đã đặt trọn niềm tin vào Người (14,27-29). Một khi tin tưởng chắc chắn như thế, các môn đệ không có gì phải xao xuyến hay sợ hãi, nhưng sống trong bình an thật sự.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Vấn nạn mà các Kitô hữu gốc Dân ngoại gặp phải đã được giải quyết cách tốt đẹp nhờ quyết định khôn ngoan và biểu lộ sự hiệp thông của những người lãnh đạo Giáo hội “mẹ” tại Giêrusalem với cộng đoàn địa phương. Đằng sau quyết định này là vai trò của Thánh Thần, Đấng làm nên sự hiệp thông giữa các Kitô hữu, dù có những khác biệt. Tôi có sẵn sàng gác qua một bên những khác biệt để xây dựng sự hiệp thông trong Giáo hội? Tôi có để cho Thánh Thần hướng dẫn để sống khoan dung mà cởi mở đón những người khác với tôi?
2/ Thị kiến của tác giả sách Khải Huyền cho thấy viễn cảnh của Thành Giêrusalem, nơi qui tụ tất cả mọi người từ khắp bốn phương trời, nhờ ánh vinh quang của Thiên Chúa và của Con Chiên, tức là Đức Giêsu Phục Sinh. Đó là hình ảnh của Hội thánh phổ quát dành cho tất cả những ai tin vào Thiên Chúa và Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Cuộc sống của tôi có là ánh sáng dẫn mọi người đến với Hội thánh?
3/ Trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ vào trong mối tương quan hiệp thông với Thiên Chúa. Người cũng ban Thánh Thần để giúp các ông ghi nhớ và hiểu biết cách sâu xa hơn những gì Người đã chỉ dạy. Người còn để lại cho các ông bình an là ân sủng cứu độ, để giúp các ông kiên vững trong những lúc gian nan, thử thách. Tôi có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi sống hiệp thông với Thiên Chúa nhờ yêu mến và giữ lời Người? Tôi có mở lòng ra cho ơn huệ Thánh Thần để mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn? Ơn bình an của Chúa Giêsu có làm cho tôi thêm kiên vững trong đức tin, nhất là những khi gặp khó khăn, thử thách?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Qua Đức Kitô phục sinh, Thiên Chúa Cha đã ban tặng bình an và ân huệ Thánh Thần cho các môn đệ cùng mọi người chúng ta. Trong tâm tình cảm mến tri ân, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu xin.
1. Đức Kitô đã thiết lập Hội thánh trên nền tảng các tông đồ. Chúng ta cùng cầu xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và toàn thể hàng Giám Mục luôn xứng đáng là những người kế vị đầy nhiệt tâm của các tông đồ, biết quyết định sáng suốt và hành động khôn ngoan trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
2. “Thầy ban bình an của Thầy cho các con.” Chúng ta cùng cầu xin cho các dân tộc và mọi gia đình trên thế giới được sống trong bình an đích thực mà Đức Kitô ban tặng cho nhân loại; cách riêng cho những nơi đang có xung đột và chiến tranh mau tìm được những giải pháp thích hợp để tái lập hòa bình.
3. “Chính Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi kitô hữu và cách riêng những người Công Giáo Việt Nam luôn biết lắng nghe và tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để tích cực góp phần xây dựng sự hiệp thông trong Hội thánh cũng như dấn thân vào các hoạt động xã hội.
4. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta ngày càng thêm lòng yêu mến Chúa, luôn say mê học hỏi Lời Chúa và trung thành tuân giữ giới răn của Người; hầu trở nên khí cụ hữu hiệu đem bình an và tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người.
Chủ tếLạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và tuôn đổ ân huệ của Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, giúp chúng con biết vâng nghe và thực thi những giáo huấn của Con Một Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.


SCĐ Chúa Nhật 6 PS Năm C
Chủ đề :
Ơn ban của Chúa Giêsu phục sinh : 
Đấng Phù Trợ, Bình an. tình yêu.

“Chúa Cha sẽ sai Đấng Phù Trợ đến với anh em”(Ga 14,26)

I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta sẽ nghe những lời Chúa Giêsu nói trước khi Ngài ra đi chịu chết. Ngài bảo chúng ta hãy tuân giữ những huấn lệnh của Ngài. Ngài hứa ban Thánh Thần cho chúng ta và ban bình an cho chúng ta.
Đó chính là những lời trăn trối của Chúa, những điều Ngài tha thiết nhất. Chúng ta hãy chăm chỉ lắng nghe và cố gắng thực hiện.
II. Gợi ý sám hối
– Chúa đã nói “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Chúng ta chưa yêu mến Chúa thật vì chúng ta không tuân giữ Lời Chúa.
– Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Nhưng chúng ta nhiều khi không sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
– Chúa đã ban bình an cho chúng ta. Nhưng chúng ta nhiều khi không sống bình an hòa thuận với nhau.
III. Lời Chúa
1.      Bài đọc I (Cv 15,1-29)
Đang khi Phaolô và Barnaba truyền giáo cho dân ngoại, thì những người do thái từ Giêrusalem đến buộc dân ngoại tòng giáo phải cắt bì và tuân giữ lề luật của Môsê. Hai vị truyền giáo không đồng ý nên trình vấn đề lên Hội Thánh.
Hội Thánh đã họp hội nghị ở Giêrusalem và ra quyết định : “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này : là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm”.
2.                  Tin Mừng (Ga 14,23-29)
Có thể coi đoạn Tin Mừng này là một bài giáo lý về Chúa Ba Ngôi : Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nhắc tới cả 3 ngôi Thiên Chúa : “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ…. Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến… Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.
Như thế, giáo lý cơ bản về Ba Ngôi là :
– Chúa Cha là Đấng sai Chúa Con đến với loài người
– Chúa Con vâng lời Chúa Cha đến với loài người để dạy loài người những lệnh truyền
– Chúa Thánh Thần lại được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con, để dạy loài người hiểu sâu hơn những lệnh truyền của Chúa Con.
Thái độ con người phải có đối với Ba Ngôi :
– Yêu mến Chúa Con nên tuân giữ những điều Ngài dạy.
– Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ họ làm điều đó
– Kết quả : Ba Ngôi sẽ “yêu mến”, “tỏ mình ra” và “ở trong” người ấy.
3.                  Bài đọc II (Kh 21,10-23)
Một thị kiến khác về Thành Giêrusalem mới :
– Thành từ trên trời ngự xuống
– Rất xinh đẹp và tươi sáng
– Thành không có đền thờ vì chính Thiên Chúa là đền thờ của thành ; thành cũng không có mặt trời và mặt trăng vì chính Thiên Chúa là ánh sáng của thành.
IV. Gợi ý giảng
1.      Bình an
Trong triều của một vua nọ có hai họa sĩ rất tài ba nhưng luôn ganh ghét đố kỵ nhau. Một hôm nhà vua phán : “Ta muốn phán quyết một lần dứt khoát ai trong hai người là người giỏi nhất. Vậy hai ngươi hãy vẽ mỗi người một bức tranh theo cùng một đề tài, đó là bình an”.
Hai họa sĩ đồng ý. Một tuần sau họ trở lại, mỗi người mang theo bức vẽ của mình. Bức họa của người thứ nhất vẽ một khung cảnh thơ mộng : những ngọn đồi nhấp nhô bao quanh một cái hồ rộng với mặt nước phẳng lì không một gợn sóng. Toàn cảnh gợi lên một cảm giác thanh thản, thoải mái. Sau khi xem xong. nhà vua nói : “Bức họa này rất đẹp, nhưng nó làm ta buồn ngủ quá”. Bức họa của người thứ hai vẽ một thác nước. Hình ảnh rất sinh động đến nỗi nhìn nó người ta như nghe được tiếng nước đổ ầm ầm xuống vực thẳm. Nhà vua nói : “Đây đâu phải là một cảnh bình an”. Họa sĩ thứ hai bình tĩnh đáp : “Xin bệ hạ nhìn kỹ hơn một chút nữa xem”. Nhà vua nhìn kỹ và khám phá một chi tiết mà nảy giờ ông chưa chú ý : Trong một nhành cây nép mình sau dòng thác lũ, có một tổ chim. Trong tổ, chim mẹ đang ấp trứng, đôi mắt nửa nhắm nửa mở. Chim mẹ đang bình thản chờ các con mình nở ra. Nhà vua nói : “Ta rất thích bức tranh này. Nó đã chuyển tải được một ý tưởng độc đáo về bình an, đó là vẫn có thể sống bình an ngay giữa những xáo trộn của cuộc đời”. Và nhà vua đã đặt tác giả của nó là người họa sĩ hạng nhất của triều đình.
Chúa Giêsu đã nói : “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an cho các con không theo kiểu thế gian. Lòng các con đừng xao xuyến, các con đừng sợ hãi.” Những lời này Ngài nói giữa bữa Tiệc ly. Phải chăng đây là một thời điểm không thích hợp để nói về bình an, vì khi ấy hoàn cảnh bên ngoài rất là xáo trộn ? Không, trái lại rất thích hợp. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa nên Ngài vẫn có thể nói về bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài.
Bình an không phải giống như yên ổn, vì yên ổn là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong. Bình an là tình trạng của một tâm hồn đang có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân. Thành tố quan trọng của bình an là sự công chính. Bởi thế, không có bình an cho kẻ dữ.
Bình an là kết quả của lòng trông cậy vào Chúa và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều quan trọng bậc nhất trong đời. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được.
Đó chính là thứ bình an mà thế gian không thể ban tặng được. (FM)
2.                  Hiện diện của kẻ vắng mặt
Có một nhà chuyên môn sưu tầm các loài bướm. Ngày nọ, khi bước vào một công viên, ông đã gặp tổ kén lạ. Ông liền bứt cành cây đem kén bướm về nhà. Ít ngày sau, ông thấy nhúc nhích bên trong kén, nhưng con bướm vẫn chưa phá kén bay ra.
Hôm sau, kén lại nhúc nhích, nhưng chẳng có gì khác lạ. Lần thứ ba, vẫn thấy như trước, ông liền lấy dao rạch kén, thế là con bướm bò ra ngoài. Tuy nhiên, bướm không tăng trưởng và chẳng bao lâu thì chết.
Sau này, ông được người bạn là nhà sinh vật học cắt nghĩa như sau : Thiên nhiên đã xếp đặt cho con bướm phải đấu tranh mới thoát ra khỏi cái kén, vì nhờ đấu tranh gian khổ mà nó có thể phát triển mạnh mẽ để sinh tồn.
*
Muốn làm cánh bướm bay trên ngàn hoa rực rỡ, bướm phải làm kiếp sâu lặng lẽ, cô tịch trong vỏ kén lặng lờ, khuất nẻo. Muốn làm con bướm bay trong bầu trời xanh ngắt, bướm phải là con sâu đen đủi xấu xa, vặn vẹo đau đớn trong tổ kén đợi chờ.
Để trở nên những tín hữu Kitô vững mạnh, tăng triển về đường thiêng liêng, chúng ta phải trải qua một thời kỳ gian khổ để tiến triển về mặt tâm linh, chúng ta cũng phải vượt qua đấu tranh thử thách. Nhưng trong những thời điểm ấy, Thiên Chúa luôn bên cạnh chúng ta, cho dù chúng ta không nhìn thấy Người.
Lúc sắp sửa ra đi, để trấn an các tông đồ, Chúa Giêsu đã hứa rằng, dù vắng mặt, nhưng Người vẫn luôn hiện diện giữa các ông và ban bình an cho các Ông. Sự hiện diện của kẻ vắng mặt ! Đó là cảm nghiệm mà chỉ có những kẻ yêu nhau mới nhận ra mà thôi. Từ sau biến cố Phục Sinh, Chúa Giêsu đã trở nên con người của mọi thời đại.
Người hiện diện trong những kẻ yêu mến Người : “Ai yêu mến thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
Người hiện diện trong những kẻ thực hành và giữ lời Người : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 23,24).
Người hiện diện không chỉ đơn độc, nhưng là hiện diện cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cùng đến thăm và ở lại trong những ai yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ lời Người.
Nếu Chúa Cha chính là Thiên Chúa trong tình trạng vô hình, thì Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa đã hiện diện, nói năng, hành động để cứu chuộc con người ; và Thánh Thần cũng là Thiên Chúa, Đấng kéo dài cách thiêng liêng sự hiện diện, lời nói và hành động của Chúa Giêsu và Chúa Cha.
Vì thế, Thánh Thần sẽ thông truyền trọn vẹn sự sống của Thiên Chúa cho con người, khi soi sáng dạy dỗ con người dần dần hiểu Lời Thiên Chúa, Lời đó chính là Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Chúa Cha : “Thánh Thần sẽ dạy cho anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Với lời hứa này, kể từ ngày lễ Hiện Xuống đầu tiên, Thánh Thần đã soi sáng và hướng dẫn Giáo hội hiểu thấu triệt Lời Chúa trong Kinh Thánh, để trình bày một cách sáng tỏ hơn, và để giải quyết những vấn đề mới mẻ cho từng thời đại. Vì thế mà các Công đồng liên tiếp được triệu tập dưới sự bảo trợ của Thánh Thần.
*
Lạy Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Người trong lòng chúng con, trong lòng Giáo hội, và trong lòng thế giới :
Để chúng con luôn yêu mến và tuân giữ Lời Người.
Để chúng con được soi sáng và hướng dẫn bởi Thánh Thần.
Và để chúng con được canh tân và tái tạo mỗi ngày trong Thiên Chúa Tình Yêu. Amen. (TP)
3.                  “Nếu ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy”
Sau khi tha thiết nói với các môn đệ những lời thân tình nhất xuất phát từ đáy lòng trong một bài nói chuyện dài mà thánh Gioan đã chép lại suốt trong hai chương 13 và 14, Chúa Giêsu đúc kết lại trong một lời khuyên ân cần : “Nếu ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy”. Giữ lời Chúa là giữ lời nào ? Thưa là giữ chính cái điều mà Chúa Giêsu đã nhấn mạnh lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt hai chương 13 và 14 này “Chúng con hãy yêu thương nhau.
Thế nhưng, yêu thương thì có gì là khó đâu mà Chúa phải dạy, phải nhắc và phải nhấn mạnh như là một giới răn mới của Chúa, một lời trối trăn cuối cùng trước khi Ngài ra đi chịu chết ? Bởi vì tự trong bản tính, con người có sẵn nhu cầu tình cảm muốn yêu thương : mới sinh ra tự nhiên đức bé thèm khát tình thương của cha mẹ, lớn lên người thanh niên nam nữ tự nhiên muốn yêu thương một người nào đó, và suốt đời ai cũng muốn sống trong tình yêu thương cho đến chết. Yêu thương là việc tự nhiên, là quá dễ dàng, cần gì Chúa Giê-su phải dạy dỗ ?
Chúng ta đừng coi thường Lời Chúa, mà phải phân biệt rõ những mức độ yêu thương, và tìm hiểu xem Chúa muốn ta yêu thương như thế nào.
– Yêu thương có khi là một điều quá dễ : Người ta sung sướng khi yêu thương, người ta ham thích yêu thương, người ta thèm khát yêu thương và người ta làm đủ cách để được yêu thương. Thí dụ như một đức bé mồ côi thèm khát tình yêu thương của cha mẹ ; hay một người tuổi trẻ thèm khát tình yêu thương của một người tình. Sở dĩ yêu thương mà thích, mà sung sướng là vì yêu thương ở mức độ này có nghĩa là đón nhận : nhận được những sự chăm sóc, chiều chuộng, vuốt ve, âu yếm.
– Yêu thương có khi là một điều hơi khó, người ta phải hơi cố gắng mới yêu thương được. thí dụ tôi thương một người bạn. Người bạn đó mượn tôi một số tiền hay nhờ tôi làm giúp một công việc khó khăn. Tôi hơi tiếc, hơi ngại nhưng vì yêu thương bạn mà tôi cố gắng đưa tiền, cố gắng chịu cực để giúp bạn. Yêu thương ở mức độ này có nghĩa là chi đi, cho đi một phần của những gì mà tôi quý chuộng.
– Và sau cùng, yêu thương có khi là một điều hết sức khó, vì yêu thương mà người ta phải đau khổ, phải hy sinh thật nhiều. Thí dụ nàng Kiều vì thương cha già sắp lâm vòng tù tội mà phải bán mình để chuộc cha. Yêu thương ở mức độ này có nghĩa là phải cho đi hoàn toàn, cho đi tất cả.
Tóm lại có ba mức độ yêu thương :
– Yêu thương rất dễ khi được đón nhận.
– Yêu thương hơi khó khi phải cho đi một phần những gì mình quý giá.
– Và yêu thương hết sức khó khi phải cho đi hoàn toàn, hy sinh tất cả.
Khi trối “chúng con hãy yêu thương nhau”, Chúa Giê-su muốn chúng ta yêu thương ở mức độ thứ ba này.
Chúa nói “nếu ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy”. Mà Lời của Thầy là “chúng con hãy yêu thương nhau”, yêu thương ở múc độ cao nhất là dám cho đi tất cả, hy sinh hoàn toàn. Chúng ta có vâng giữ Lời Chúa để tỏ ra chúng ta yêu mến Chúa hay không ?
Trước hết trong gia đình, giữa vợ chồng với nhau. Ôn lại cuộc sống gia đình, hẵn nhiều vợ chồng người thấy rằng đã có một thời vợ chồng đã yêu thương nhau say đắm, hầu như lúc nào cũng quấn quít bên nhau. Đó là thời kỳ đầu tiên, yêu thương là quá dễ vì khi đó yêu thương là đón nhận, nhận những nét duyên dáng, nhận những cảm xúc bồng bột mà tuổi trẻ đang thèm khát. Sau đó tới một thời vợ chồng không còn quá say đắm nhau nữa mà phải đối diện với thực tế của cuộc sống gia đình : phải làm lụng cực nhọc, phải chịu đựng những tính ý khác biệt của nhau… Khi đó thì đã thấy hơi cực, hơi khó rồi. Nhưng vì thương vợ thương chồng mà họ cố gắng chịu cực, chịu khó. Tình yêu như thế là đã lên đến mức độ hai : yêu thương là cho đi. Thế nhưng có một số vợ chồng càng về già càng chán ngán nhau : vợ thì bệnh hoạn quanh năm suốt tháng, chồng thì lẩm cẩm khó tính hay chửi bới cộc cằm. Sống chung với một người như thế chẳng còn thấy một chút thú vị mà chỉ toàn bổn phận, cực nhọc, khổ sầu. Cuộc sống lúc này đang mời gọi những vợ chồng ấy đưa tình yêu thương của mình lên mức độ thứ ba, mức độ cao nhất, là mức độ cho đi hoàn toàn, hy sinh tất cả. Hãy cố gắng hy sinh cho nhau thì mới là yêu thương thật, mới là làm theo lời Chúa dạy “chúng con hãy yêu thương nhau”.
Bây giờ chúng ta hãy nhìn đến liên hệ của mình với những người khác. Thì cũng thế : có những người mình yêu thương thật dễ, đó là những người có lợi cho mình, hay giúp đỡ mình, hay an ủi mình. yêu thương những người này dễ vì yêu thương là đón nhận. Có những người khác yêu thương họ mình thấy có khi dễ có khi khó vì họ có khi làm mình vui có khi khiến mình buồn, nhưng mình vẫn cố gắng thương họ được, vì yêu thương họ mình vừa được đón nhận mà vừa phải cho đi. Nhưng có những người chẳng mang lại cho mình lợi lộc gì cả mà chỉ toàn làm cho mình cực lòng, mất mát, khổ đau, thí dụ như những người nghèo, những người bệnh, những người tội lỗi, những kẻ thù… Nhưng xin được lưu ý rằng chính đây là những người Chúa muốn ta yêu thương, Chúa muốn ta hy sinh, Chúa muốn ta cho đi hoàn toàn. Chúa đã nói ” nếu chúng con chỉ yêu thương những kẻ mến chuộng mình thì nào có công gì ? Những người thu thuế há không làm như thế sao ?
Yêu thương mới xem ra thì quá dễ. Hay nói đúng hơn yêu thương theo khuynh hướng tự nhiên thì quá dễ, vì theo tự nhiên người ta chỉ yêu thương khi được đón nhận, chỉ yêu thương những ai có lợi cho mình.
Nhưng yêu thương cho đúng nghĩa, yêu thương đúng như ý Chúa muốn thì lại hết sức khó, vì đòi hỏi ta phải cho đi, phải hy sinh, đòi ta phải yêu thương cả những người không có lợi cho ta mà còn làm khổ ta.
Nhưng đó là mức độ yêu thương cao nhất, có yêu thương được như vậy thì mới là làm theo Lời Chúa. có làm theo Lời Chúa thì mới là yêu mến Chúa thật.
Xin Chúa giúp chúng ta biết cho đi, biết hy sinh để thực sự yêu thương như Chúa muốn trong tương quan giữa vợ chồng con cái trong gia đình, cũng như trong tương quan giữa chúng ta với mọi người khác.
4.                  Để cho đi
Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ hai Ngài sắp ra đi. Chẳng lạ gì khi các ông buồn. Họ không muốn Ngài ra đi. Họ muốn giữ Ngài lại mãi bên họ. Thật không dễ chịu chút nào khi một người thân yêu ra đi. Cũng không dễ chịu gì khi để mất đi một món đồ hay một con vật mà mình yêu thích.
Một cậu bé nhìn thấy một chú chim non rơi từ chiếc tổ trên cành xuống nằm trên mặt đất. Cậu lượm nó lên, sưởi ấm nó. Một lát sau chú chim tỉnh dậy. Nhưng thay vì đặt chú chim trở về tổ, cậu đem nó để trong một chiếc lồng. Hằng ngày cậu mang cho nó rất nhiều thức ăn và nước. Chú chim ngày càng khoẻ mạnh. Nó bắt đầu bay và hót. Cậu bé rất thích. Nhưng một hôm chú chim cứ đập cánh xành xạch vào thành chiếc lồng. Cậu bé không hiểu nên hỏi cha mình. Người cha giải thích :
– Tại vì nó không hạnh phúc đó.
Cậu bé cãi lại :
– Con đã đặt vào lồng cho nó tất cả những gì nó cần rồi kia mà.
– Nhưng vẫn còn thiếu cái điều mà chim yêu quý nhất.
– Điều gì ?
– Đó là tự do.
– Bộ cha muốn con thả cho nó đi sao ?
– Đúng thế.
– Nhưng con không thể cho nó đi. Nó đâu có biết là bên ngoài chiếc lồng này có rất nhiều hiểm nguy đang rình rập nó.
– Nhưng con phải chấp nhận như thế.
Cậu bé nài nỉ :
– Cha ơi, con thương nó lắm.
– Nếu con thương nó thì con phải để cho nó đi.
Cậu bé đành mở cửa lồng cho chú chim bay đi. Lòng cậu rất buồn. Nhưng chú chim vừa ra khỏi lồng đã cất tiếng hót líu lo, tỏ vẻ như trước đây chưa bao giờ vui vẻ và hạnh phúc như thế. Khi đó cậu bé không buồn nữa mà cảm thấy vui lây.
Các tông đồ không muốn Chúa Giêsu ra đi. Nhưng như thế là các ông không biết nghĩ cho Chúa mà chỉ nghĩ cho mình. Chúa Giêsu biết thế nên mới nói : “Nếu các con yêu mến Thầy thì các con hẳn vui mừng vì Thầy về cùng Cha Thầy”. Về cùng Cha, đó là mục tiêu cả đời của Chúa Giêsu.
Tình yêu chiếm hữu thì rất thông thường. Nhiều cha mẹ cũng thương con kiểu đó. Họ đã ban sự sống cho chúng, nhưng họ không để cho chúng phát triển sự sống của chúng theo cách của chúng. Nhiều cặp vợ chồng cũng vậy. Họ cứ muốn người vợ hay người chồng của mình sống theo cách sống của mình.
Tình yêu chiếm hữu gây ra rất nhiều đau khổ. Còn tình yêu không chiếm hữu thì phát sinh nhiều điều kỳ diệu cho cả hai phía, chẳng hạn : đổi mới, lớn lên, phát triển v.v.
Phải biết để cho những người hoặc những gì mình yêu thích ra đi. Làm như thế quả là mất mát đấy. Nhưng mất cái hiện tại để được cái tương lai, mất điều mình yêu quý mà sẽ được điều đáng quý hơn. Bởi vậy, trước khi ra đi, Chúa Giêsu đã nói : “Thầy ra đi thì có lợi cho các con. Thật vậy nếu Thầy không ra đi thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con ; nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với các con” (Ga 16,17) (FM)
5.                  Bình an nội tâm
Có người cứ nuôi mãi thù hận nên trong lòng không có bình an. Ngược lại, người có bình an trong lòng thì cuộc sống vui vẻ hạnh phúc.
James và John là hai người láng giềng của nhau. Ruộng của họ nằm sát bên nhau. Năm đó thời tiết khô hạn nên việc cày bừa rất vất vả. James rất khó chịu. Anh cứ lấy roi quất lia quất lịa lên con ngựa đang kéo cày. Nhưng càng bị quất thì con ngựa càng tỏ ra bướng bỉnh. James biết rằng lúa mì trong mảnh ruộng người hàng xóm cao hơn lúa của anh. Mỗi khi nhìn sang mảnh ruộng ấy, anh có cảm tưởng là anh chàng hàng xóm đang nhạo cười mình.
John thì trái lại. Dù cũng vất vả nhọc nhằn, nhưng anh luôn bình thản và cứ kiên trì trong công việc. Thỉnh thoảng anh ngừng lại cho con ngựa được nghỉ ngơi. Anh nhìn sang ruộng của James và thấy rất tệ. Anh muốn sang giúp lắm nhưng biết rằng anh kia sẽ không bao giờ chịu. Thôi thì đành để James làm một mình vậy.
Điều khác biệt giữa hai người láng giềng này không phải ở tình hình bên ngoài mà ở tình trạng nội tâm. Chúng ta nhìn thế giới và tha nhân không phải như cái họ là, mà như cái ta là. Vì tâm hồn của John vui vẻ nên anh nhìn đời một cách lạc quan. James thì trái lại, bởi nội tâm bất an nên nhìn cái gì bên ngoài cũng khó chịu. (FM)
6.                  Chuyện minh họa
Ngày 8.10.1952, một vụ án xảy ra tại Bavière, một thiếu nữ 18 tuổi tên là Emma bị thảm sát cách tất tưởi. Chuyến xe lửa vừa tới nhà ga, các chị em đồng hành ngạc nhiên vì không thấy Emma đâu, nên báo cho “Ông Xếp” nhà ga hay tin. Thế là lập tức các nhân viên hỏa xa chia nhau đi tìm kiếm doc theo đường xe lửa suốt hai tiếng đồng hồ mới phác giác ra xác Emma đang nằm xõng xượt trong vũng máu, chân tay bị chặt cụt.. Xếp ga mở cuộc điều tra. Tất cả mọi người hành khách bị thẩm vấn đều trả lời là không biết gì cả. Trong số đó có một chàng thanh niên 24 tuổi. Khi được hỏi thì anh trả lời ấp úng là không biết gì cả. Nhưng vì có vẻ ngây ngô thành thật nên người ta cũng bỏ qua.
Hai tuần sau, chàng trai này đến gõ cửa Tu viện các Cha dòng Bênêđitô xin nhập Dòng. Anh được nhận. Sau hai năm thử luyện thấy không có gì ngăn trở, Bề Trên nhận anh vào Tập viện. Khoảng tháng 10, trước ngày vào Tập viện, anh đến chỗ đường sắt nơi đã tìm thấy xác Emma nằm trong vũng máu. Anh quỳ chắp tay cầu nguyện. Ngày hôm sau, lúc sáng sớm tinh sương, anh tới mồ Emma, người mà chính anh đã giết chết. Anh đã la lên trong tiếng khóc nức nở : “Tôi không chịu được nữa”. Rồi anh đi tự nộp mình cho cảnh sát và thú tất cả tội lỗi của anh. Cái tội mà người ta đã quên đi vì không điều tra manh mối gì. Anh thú nhận là anh đã xô Emma xuống và đâm chết vì nghe cô ta nói là cô ta không biết đến anh nữa. Vì thế nên anh đã nổi cơn điên nên đã hành động độc ác như thế.
Câu truyện trên cho chúng ta thấy, dù bốn bức tường kín nơi Tu Viện cũng không trấn an được tiếng lương tâm ray rứt, không làm cho người thanh niên phạm tội ác được bình an tâm hồn, cho dầu không một ai hay biết tội lỗi của anh ta.
Vậy muốn được bình an hạnh phúc thật, con người cần phải có tâm hồn trong sạch, sống trong ơn nghĩa Chúa. Tâm hồn biết hối cải, biết sống nhân từ, biết yêu thương và tha thứ, như chính Chúa đã làm gương và dạy chúng ta noi theo bắt chước. (Lm Minh Vận, CMC. Trích Vietcatholic ngày 2.5.2003)
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Thánh thần là Đấng soi sáng, hướng dẫn và nâng đỡ đời sống đức tin của người Kitô hữu. Vì thế, chúng ta cùng khẩn cầu Thiên Chúa ban Thánh thần cho chúng ta :
1.      Con thuyền Hội thánh không bao giờ chìm dù gặp phong ba bão táp liên miên / là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh thần / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Thánh thần luôn gìn giữ các vị mục tử / để các ngài lèo lái con thuyền Hội thánh đến bình an.
2.      Phúc thay ai xây dựng hòa bình / vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết chân thành cộng tác với mọi người thành tâm thiện chí / để mưu tìm hòa bình cho thế giới hôm nay.
3.      Chúa Giêsu nói : / Thầy để lại bình an cho anh em / Thầy ban cho anh em phúc bình an của chính Thầy / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang gặp khủng hoảng trong cuộc sống / tìm được sự bình an thanh thản nơi tâm hồn / nhờ tín thác vào Chúa.
4.      Chúa Giêsu nói : / Ai yêu mến Thầy / thì sẽ giữ lời Thầy / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn hết lòng tuân giữ mọi Lề Luật của Chúa / để tỏ lòng yêu mến Người.
Chủ tế : Lạy Chúa, xin ban Thánh thần là nguồn mạch tình yêu xuống cho chúng con, để Người giúp chúng con luôn sống bác ái yêu thương như Chúa đã dạy. Chúng con cầu xin
VI. Trong Thánh Lễ
– Sau kinh Lạy Cha : Đọc chậm rãi và tâm tình lời nguyện “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với các tông đồ rằng Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an cho các con…”
VII. Giải tán
Chúa Giêsu đã nói : “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an cho các con…” Chúc anh chị em ra về bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật VI Phục Sinh (C)
Chủ Nhật 26 Tháng Năm, 2019
Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta hiểu Lời Chúa Giêsu
Ga 14:23-29


1. Lời Nguyện Mở Đầu
Lạy Thiên Chúa Toàn Năng ngự trên cao,
Chúa đã biến đời sống mỏng manh của chúng con thành đá tảng đền thờ Chúa ngự.
Xin hãy hướng dẫn tâm trí chúng con biết đập vỡ những phiến đá trong sa mạc,
để cho nước có thể chảy ra hầu làm dịu cơn khát của chúng con.
Nguyện xin cho sự nghèo nàn về cảm xúc của chúng con che phủ chúng con như tấm áo choàng trong bóng tối của đêm đen.
Và xin Chúa hãy mở lòng trí chúng con để chúng con có thể nghe được tiếng vang vọng của sự im lặng cho đến lúc bình minh,
Xin hãy ấp ủ chúng con trong ánh sáng của buổi rạng đông,
Xin hãy mang đến cho chúng con,
Với than hồng từ lửa của những người chăn chiên của Đấng Tuyệt Đối
Là những người canh thức cho chúng con được gần với Thầy Chí Thánh, hương vị của kỷ niệm thánh.

2.  Bài Đọc
 a) Tin Mừng: 
23 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng môn đệ rằng:  “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. 24 Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.  Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha Thầy, Đấng đã sai Thầy. 25 Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. 26 Nhưng Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. 27 Thầy để lại bình an cho các con; Thầy ban bình an của Thầy cho các con; Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng.  Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. 28 Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng:  “Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con”.  Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng, vì Thầy về với Cha; bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. 29 Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin.

b)  Giây phút thinh lặng:
Chúng ta hãy để cho Lời Chúa vang vọng ở trong lòng chúng ta.

3.  Suy Niệm
a)  Một vài câu hỏi gợi ý:
  “Và Chúng Ta sẽ đến và ở trong Người ấy”:  nhìn vào trong trại nội tâm của chúng ta, liệu chúng ta sẽ tìm thấy được căn lều của sự hiện diện (shekinah) của Thiên Chúa chăng?
–  “Kẻ không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy”:  có phải những lời này của Chúa Kitô chỉ là sáo ngữ đối với chúng ta bởi vì chúng ta không có lòng yêu mến không?  Hay là chúng ta có thể nói rằng chúng ta xem những lời này như kim chỉ nam cho cuộc hành trình của chúng ta không?
  “Chính Chúa Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”:  Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha, nhưng mọi điều Người đã nói và làm hãy còn ở lại với chúng ta.  Bao giờ thì chúng ta sẽ có khả năng nhớ được những việc kỳ diệu mà ân sủng Thiên Chúa đã hoàn thành trong chúng ta?  Chúng ta có lãnh nhận hoặc chấp nhận được tiếng nói của Chúa Thánh Thần cho chúng ta biết trong lòng về ý nghĩa của tất cả các việc đã xảy ra không?
   “Thầy ban bình an của Thầy cho các con: bình an của Chúa Kitô Phục Sinh”:  Đến khi nào thì chúng ta mới có thể từ bỏ được những lo lắng và đam mê trong đời sống chúng ta, những điều đã lôi kéo chúng ta xa rời nguồn mạch hữu thể?  Lạy Thiên Chúa của bình an, đến khi nào thì chúng con sẽ sống chỉ riêng cho Chúa, sự bình an chờ đợi của chúng con?
  “Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin”:  Trước khi việc xảy ra… Chúa Giêsu ưa nói cho chúng ta biết trước những gì sẽ xảy ra, để khi những việc này xảy ra thì chúng ta không bị ngỡ ngàng, thiếu chuẩn bị.  Nhưng, chúng ta đã sẵn sàng để đọc thấy những dấu chỉ các sự việc của chúng ta với những lời nghe được từ Chúa chưa?
b)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Để tìm một nơi gọi là nhà cho chúng ta, Thiên Đàng không có một chỗ nào tốt hơn là một trái tim con người biết yêu thương.  Bởi vì một quả tim mở rộng yêu thương thì nới rộng ranh giới và các chướng ngại bởi thời gian và không gian đều biến mất.  Sống trong yêu thương cũng bằng sống trong Thiên Đàng, bằng sống trong Chúa Giêsu, Đấng là tình yêu, và tình yêu vĩnh cửu.
Câu 23:  Chúa Giêsu phán cùng môn đệ rằng:  “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy.  Trong nguồn gốc của tất cả các kinh nghiệm tâm linh thường luôn có động tác đi tới.  Bước một bước nhỏ, rồi sau đó mọi việc chuyển động một cách nhịp nhàng.  Và chỉ cần bước một bước:  Nếu ai yêu mến Thầy:  Có thể nào người ấy cũng yêu mến Thiên Chúa chăng?  Và làm thế nào mà thấy được khuôn mặt của Người không còn ở trong đám đông nữa?  Yêu mến:  Yêu mến thực sự có nghĩa là gì?  Một cách khái quát, yêu mến đối với chúng ta có nghĩa là mong muốn mọi việc tốt lành cho người mình yêu, muốn được gần bên nhau, quyết định những việc để xây dựng tương lai, hy sinh bản thân… yêu mến Chúa Giêsu thì không giống như thế.  Yêu mến Chúa Giêsu nghĩa là làm theo những gì Người đã làm, đừng thoái lui khi phải đối diện với đau đớn, hoặc sự chết; hãy yêu mến như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta… và trong tình yêu này Lời của Người đã trở thành của ăn hằng ngày và cuộc sống đã trở thành Thiên Đàng bởi vì có sự hiện diện của Chúa Cha.
Các câu 24-25.  Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.  Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha Thầy, Đấng đã sai Thầy.  Nếu không có tình yêu, thì hậu quả thật là thảm khốc.  Lời của Chúa Giêsu chỉ có thể tuân giữ được khi có lòng yêu thương trong trái tim, bằng không chúng vẫn chỉ là những lời đề nghị vô lý.  Những lời này không phải là những lời nói xuông của một người thường, mà đây là những lời phát xuất từ trái tim của Chúa Cha kêu gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên giống Người.  Trong cuộc sống, đây không phải là một lời yêu cầu quá đáng, ngay cả khi họ là những người rất tốt.  Thật là cần thiết để là những con người, những người con, được trở nên hình ảnh giống như Chúa, Đấng không bao giờ ngừng nghỉ cho đi hoàn toàn chính bản thân mình.
Các câu 25-26.  Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con.  Nhưng Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con.  Ghi nhớ là một hành động của Chúa Thánh Linh; khi trong thời đại của chúng ta, những gì xảy ra trong quá khứ được xem như là mất đi vĩnh viễn và trong tương lai lại có một cái gì đó như là đe dọa lấy đi niềm vui của chúng ta hôm nay, chỉ có sự thổi hơi của Chúa Thánh Linh trong bạn mới có thể giúp bạn nhớ được những điều ấy.  Để ghi nhớ những gì đã được nói, mỗi lời nói từ miệng Thiên Chúa phán ra dành cho bạn, và đã bị lãng quên bởi vì sự thật là thời gian đã qua đi.
Câu 27.  Thầy để lại bình an cho các con; Thầy ban bình an của Thầy cho các con; Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng.  Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi.  Sự bình an của Chúa Giêsu để lại cho chúng ta không phải là không có các mâu thuẫn, sự tĩnh lặng của cuộc sống, sức khỏe ….  mà là sự phong phú của tất cả các điều tốt lành, không có sự lo lắng khi phải đối mặt với những gì sẽ xảy ra.  Chúa không bảo đảm với chúng ta một cuộc sống hoàn hảo, nhưng sự liên hệ viên mãn cha con trong một tình yêu thương gắn bó với các công việc của Người thì tốt cho chúng ta.  Chúng ta sẽ có sự bình an, ngay khi chúng ta đã học được cách tin tưởng vào việc mà Chúa Cha đã chọn cho chúng ta.
Câu 28.  Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng:  “Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con”.  Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng, vì Thầy về với Cha; bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy.  Chúng ta trở lại với câu hỏi về tình yêu.  Nếu các con yêu mến Thầy, các con phải vui mừng.  Nhưng câu nói này của Thầy Chí Thánh có nghĩa gì?  Chúng ta có thể điền thêm vào những chữ sau và nói:  Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con phải vui mừng vì Thầy về với Cha Thầy …. Nhưng bởi vì các con chỉ nghĩ đến cho chính bản thân các con, các con buồn bã vì Thầy sắp sửa rời xa các con.  Tình yêu của các môn đệ là một tình yêu vị kỷ.  Các ông không yêu Chúa Giêsu vì các ông không nghĩ đến Người, mà các ông chỉ nghĩ đến bản thân mình thôi.  Sau đó, tình yêu mà Chúa Giêsu đòi hỏi là tình yêu như thế này!  Một tình yêu có thể vui mừng khi thấy người khác được hạnh phúc.  Một tình yêu có khả năng không nghĩ đến bản thân mình như trung tâm điểm của vũ trụ, nhưng là một nơi chốn mà người ta được cảm thấy có sự cởi mở để cho đi và có thể nhận lãnh:  không đổi chác, mà như là một kết quả của món quà nhận được.
Câu 29.  Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin.  Chúa Giêsu nói trực tiếp với các môn đệ vì Người biết các ông sẽ còn bối rối và sẽ chậm nhận ra điều này.  Lời của Chúa đã không biến mất, chúng vẫn còn hiện hữu trên thế gian này, trân quý qua sự hiểu biết trong đức tin.  Một cuộc gặp gỡ với Đấng Toàn Năng, Đấng mà luôn luôn vì con người và mãi mãi yêu thương con người.

c)  Suy Niệm:                                                                                                                                                       
Tình yêu:  một từ ngữ kỳ diệu và cổ xưa, xưa như trái đất, một chữ rất quen thuộc đã được phát sinh ở trên đời của mỗi người ngay lúc người ấy được tạo dựng.  Một chữ đã được viết trong các thớ thịt của loài người từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc, như một công cụ của hòa bình, như của ăn và quà tặng, như chính mình, như loài người, như Thiên Chúa.  Một chữ được giao phó cho lịch sử qua cuộc sống mỗi ngày của chúng ta.  Tình yêu, một hiệp ước mà đã luôn luôn có chỉ một tên:  loài người.  Đúng thế, bởi vì tình yêu xảy ra cùng lúc với loài người:  tình yêu là không khí để loài người thở, tình yêu là của ăn đã được ban phát cho loài người, tình yêu là tất cả những gì người ta ký thác vào, tình yêu là sự liên kết hợp nhất biến loài người thành mảnh đất của tín thác.  Tình yêu đó với Thiên Chúa đã nhìn thấy qua sự tác tạo và ban phát của Người:  “Thiên Chúa thấy tốt đẹp”.  Và Thiên Chúa đã không rút lại lời giao ước khi loài người đã tự biến mình thành một vật loại bỏ hơn là một món quà tặng, một cái vả vào má hơn là một sự âu yếm, một hòn đá ném đi hơn là một giọt nước mắt im lặng.  Thiên Chúa lại càng yêu thương hơn qua ánh mắt và trái tim của Chúa Con, cho đến tận thế.  Loài người đã trở thành ngọn đuốc tội lỗi, và Chúa Cha đã mở rộng tay cứu rỗi họ một lần nữa, chỉ vì tình yêu, trong ngọn Lửa của Chúa Thánh Thần.

4.  Cầu Nguyện
Thánh Vịnh 37:23-31
Chúa giúp con người bước đi vững chãi,
Con người ưa chuộng đường lối họ bước theo;
Dầu họ có vấp cũng không ngã gục,
Bởi vì đã có Chúa cầm tay.
Từ nhỏ dại, tới nay tôi già cả;
Chưa thấy người công chính nào bị bỏ rơi;
Hoặc con cháu họ phải ăn mày thiên hạ.
Ngày ngày họ rộng rãi từ tâm và cho mượn cho vay,
Và con cháu họ mai sau hưởng phúc lành.
Hãy làm lành, lánh dữ;
Bạn sẽ được một nơi ở muôn đời.
Bởi vì Chúa yêu thích điều chính trực;
Người sẽ chẳng bỏ rơi những bậc hiền đức.
Người công chính sẽ được gìn giữ mãi mãi,
Quân bất chính sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt.
Dòng giống ác nhân rồi cũng phải tru di.
Còn người công chính được đất hứa làm gia nghiệp,
Và định cư tại đó mãi muôn đời.
Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan,
Và lưỡi họ nói lên điều chính trực.
Luật Thiên Chúa, họ ghi tạc vào lòng,
Bước chân đi không hề lảo đảo.

5.  Chiêm Niệm
Lạy Chúa, con trông thấy Chúa ngự trị trong đời sống hằng ngày của con nhờ vào Lời Chúa đã cùng đồng hành với con trong những khoảnh khắc đẹp nhất của con, khi tình yêu của con dành cho Chúa trở nên dũng cảm, mạnh mẽ và con đã không nao núng khi phải đối diện với những gì con cảm thấy không thuộc về con.  Chúa Thánh Thần như một ngọn gió: thổi đến nơi mà Người muốn đến và nơi mà tiếng nói của Người chưa được nghe; Chúa Thánh Thần đã trở thành một phần không gian trong con, và giờ đây con có thể thưa với Chúa rằng Người giống như một người bạn thân để con luôn nhớ tới.  Trở lại để nhớ tới những lời đã nói, đến các sự kiện chúng con đã sống, để cảm nhận được sự hiện diện trong khi trên đường đi, đã giúp bình an cho tâm hồn.  Con luôn cảm thấy sự ngự trị này sâu thẳm trong con hơn bao giờ hết, trong mọi lúc, qua sự thinh lặng, một trong những câu nói của Chúa hiện về trong tâm trí con, hay một lời mời gọi của Chúa, một lời nói của Chúa về lòng bác ái yêu thương, hoặc khoảnh khắc thinh lặng của Chúa.  Những đêm cầu nguyện của Chúa cho phép con được cầu nguyện với Chúa Cha và để tìm được sự bình an.  Lạy Chúa, sự mỏng dòn yếu đuối được che dấu trong các lời khẩn cầu của con, xin hãy ban cho con biết trân quý tất cả những gì thuộc về Chúa:  một quyển sách, khi được mở ra, trong đó có lời giải thích một cách dễ hiểu về ý nghĩa của sự hiện diện của con nơi đây.  Xin hãy ban cho những lời của con được là nơi cư ngụ của Lời Chúa, xin cho cơn đói khát của con là nhà Chúa, bánh hằng sống, xin cho nỗi đau khổ của con trở thành ngôi mộ trống và tấm khăn liệm được gấp lại để mọi việc mà Chúa muốn có thể được thực hiện, cho đến hơi thở cuối cùng.  Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, Chúa là đá tảng của con.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét