Trang

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

28-06-2019 : THỨ SÁU - TUẦN XII THƯỜNG NIÊN - THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU - LỄ TRỌNG


28/06/2019
Thứ Sáu tuần 12 thường niên
THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU.
Lễ TRỌNG.
Ngày thế giới xin ơn thánh hoá các linh mục.


BÀI ĐỌC I: Ed 34, 11-16
"Ta sẽ săn sóc đoàn chiên Ta và sẽ kiểm soát chúng".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Chúa là Thiên Chúa phán: "Này chính Ta săn sóc đoàn chiên Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán. Ta sẽ dẫn chúng ra khỏi các dân tộc, sẽ tụ họp chúng từ khắp mặt đất, và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các miền núi Israel, dọc theo các bờ suối, và trong những miền có dân cư. Ta sẽ thả chúng ăn trên những ngọn núi cao Israel, chúng nghỉ ngơi trong những đồng cỏ xanh tươi, và chúng ăn trong đồng cỏ màu mỡ trên miền núi Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta; chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem về con chiên lạc, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính".
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng:
1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
- Đáp.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Đáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chứa chan. - Đáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống, và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 5, 5-11
"Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.
Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 11, 29ab
Alleluia, alleluia! - Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. - Alleluia.
Hoặc đọc: 1 Ga 4, 10b
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta. - Alleluia.
Hoặc đọc: Ga 10, 14
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 15, 3-7
"Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các người biệt phái và luật sĩ dụ ngôn này rằng: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: 'Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!' Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải".
Đó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chúng ta được giải hòa với Thiên Chúa nhờ Máu của Chúa Giêsu
Ngay khi Chúa Giêsu đang còn ở trên thánh giá, người môn đệ Chúa yêu, tức là người tín hữu lý tưởng, đã đứng mà chiêm ngưỡng cạnh sườn Chúa đã mở ra. Nước và Máu chảy ra từ vết thương cạnh sườn ấy đã khiến người môn đệ ấy thấy rằng Chúa đang yêu thương nhân loại. Người đổ máu hy sinh của Người ra để Nước Thánh Thần tẩy rửa tâm hồn các tín hữu và đổi mới đời sống của họ nên thánh thiện và bác ái yêu thương. Từ ngày ấy Hội Thánh không ngừng nhìn lên Ðấng chịu đóng đinh trên thập giá để cảm mến, đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Nhưng ở thời đại ta, khi thấy thế giới nói nhiều đến tình yêu mà lại để diễn tả ra quá nhiều cảnh thương tâm, Hội Thánh lại thúc giục con cái chăm chú hơn nữa để nhìn vào cạnh sườn Chúa chịu đóng đinh mà học với Người bài học yêu thương cứu thế. Lễ Thánh Tâm hôm nay có mục đích ấy. Và Phụng vụ muốn dùng các bài đọc để giúp chúng ta hiểu về tình yêu vô cùng của Chúa mà uốn nắn lại trái tim của mình.

1. Lòng Chúa Thương Dân
Bài sách Êzêkien là một mạc khải đặc biệt. Nó nói với lòng con người chứ không luận lý với sự khôn ngoan của thế gian.
Dân Chúa bấy giờ đang ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Nhìn lại quá khứ, con cái Israel cảm thấy ê chề. Từ ngày Chúa ra tay hùng mạnh cứu dân ra khỏi Ai Cập, Người không ngớt tỏ lòng thương yêu khiến các dân tộc chung quanh đều phải kinh ngạc. Không những con cái Israel đi đến đâu, các bộ lạc trên đường đều phải giãn ra hai bên để cho họ tiến vào Hứa địa. Rồi không dân tộc nào có Chúa ở gần như con cái Môsê: Họ có luật pháp cao cả khác thường. Thêm vào đó, họ không ngừng được các tiên tri đến dạy dỗ, và sự khôn ngoan của Salomon đã trở thành bia miệng giữa các dân tộc.
Thế mà Israel đã phí phạm ơn Chúa. Họ đã bỏ nguồn suối trong sạch để đi tìm những giếng nước khô cạn. Họ bỏ Thiên Chúa để đi thờ tà thần. Mà đầu mối sự dữ là vua quan cai trị dân và hàng tư tế. Nói theo kiểu thời bấy giờ, họ được làm mục tử để chăn dắt chiên; nhưng thay vì săn sóc dưỡng nuôi, họ đã đánh đập và bỏ mặc chiên bơ vơ, gầy đói. Bấy giờ dân như chiên bị giải tán và xiêu lạc khắp nơi. Người ta dẫn họ đi đày, mỗi nơi một ít.
Ða số dân chúng đã chán nản và tuyệt vọng. Một số người có lòng yêu luật pháp và quê hương lại chỉ có ý nghĩ rất trần tục. Họ nghĩ rằng chỉ có một Môsê mới, một lãnh tụ mới, mới có thể gỡ dân ra khỏi cảnh huống lầm than bi đát này. Họ chờ một biến động chính trị, một mặt tướng oai phong. Họ không ngờ Thiên Chúa lại nghĩ khác. Người sai Êzêkien đến. Và nhà tiên tri không nói giọng chính trị quân sự. Ông tuyên bố lời Chúa, những lời chỉ đầy tình thương.
Chính Chúa sẽ đến làm mục tử cho dân. Người không khiến bọn đầu mục làm việc nữa. Người đưa chiên lưu lạc của Người từ khắp nơi về núi đồi Sion. Dân sẽ có cỏ ngon ở đó... Và đây là cách thức Chúa sẽ săn sóc dân khác với trước kia. Không những Người sẽ đưa cả đàn chiên đến những đồng cỏ xanh tốt tươi và lo cho chúng ăn, chúng ngủ; nhưng lòng yêu thương săn sóc của Người còn dành cho từng con chiên theo yêu cầu của nó. Con nào đi lạc, Người sẽ đưa về. Con nào gẫy cẳng, Người sẽ băng bó; Người cũng chẳng để cho con khỏe bắt nạt con yếu.
Thái độ của Người thật là thái độ của một mục tử tốt. Người sẽ làm y như một mục tử chứ không chỉ ví mình như mục tử. Nói cách khác, Người không đặt người "cai trị" dân nữa, nhưng sẽ chỉ sai đến cho dân những mục tử để chăn dắt chiên của Người. Người muốn ở trong dân Người chỉ có yêu thương: Yêu thương của Người dành cho dân và cho từng Người; và yêu thương của mọi người dành cho nhau. Dân nhìn lên sẽ thấy lòng của một mục tử tốt và nhìn ra chung quanh sẽ thấy không ai bắt nạt ai. Ðó là ý nguyện của Chúa, là chương trình Cứu độ của Người. Chúa đã thực hiện lòng yêu thương đó thế nào, thì chúng ta hãy nhìn nơi Ðức Kitô, Ðấng Người đã sai đến.

2. Lòng Ðức Kitô Ðối Với Chúng Ta
Bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay cho chúng ta thấy thái độ và việc làm của Chúa Giêsu. Ðấng mà Thiên Chúa đã sai đến trần gian để thi hành kế hoạch cứu độ của Người. Rõ ràng Ðức Giêsu đã không muốn đóng vai trò một người đến để cai trị. Người không mảy may tỏ dấu muốn đi vào lãnh vực hoạt động chuyên môn về chính trị và quân sự. Người luôn bày tỏ lòng nhân ái và tình thương với mọi người. Có lần, người ta ngăn cản trẻ em đến với Người vì tưởng Người là người lớn chỉ tiếp xúc với người lớn. Nhiều lần khác người ta lại muốn bịt miệng những kẻ tàn tật ốm đau không cho phép họ được cất tiếng xin Người để ý đến họ. Nhưng lần nào Người cũng có những thái độ lạ thường. Người cho gọi kẻ mù tới đang khi người ta muốn bịt miệng anh. Người sờ vào kẻ phong cùi đang khi mọi người xa tránh anh ta. Người ôm trẻ em vào lòng, chúc phúc cho chúng và bảo người lớn hãy biết rằng Nước Trời dành cho những ai bé nhỏ...
Những thái độ ấy làm cho hàng đầu mục trong dân thất vọng về "viễn tượng cứu thế" của người tự xưng là "được Chúa Cha sai đến". Họ còn bất mãn nữa khi thấy Người để cho phường thu thuế và tội lỗi lui tới và mời mọc ăn uống. Chính lúc ấy Người đã lên tiếng để mở mắt cho họ và nhắc nhở họ nhìn cho đúng kế hoạch cứu thế của Thiên Chúa.
Người kể dụ ngôn về một người có đàn chiên 100 con mà lạc mất một con. Chắc chắn người ấy sẽ đi tìm; và tìm thấy sẽ mừng rỡ đem nó về. Một chuyện hết sức thông thường, tự nhiên. Nhưng cách thức Chúa Giêsu kể chứng tỏ Người có nhiều ẩn ý. Người nói rằng chủ chiên sẽ bỏ 99 con chiên kia nơi hoang vắng để ruổi theo con chiên lạc. Chúng ta đừng bỡ ngỡ về từ ngữ "nơi hoang vắng". Ở thánh địa, đó là nơi chiên gặm cỏ. Người chủ chiên sẽ để yên 99 con kia ở đó để ruổi theo con chiên lạc, chính công việc chạy theo này mới đáng chú ý; vì ở đất thánh ruổi theo như thế là phải chạy trên các núi đồi lởm chởm, gai góc hoặc băng qua những nơi sa mạc nóng bỏng. Những vất vả ấy không làm cho chủ chiên bực mình khó chịu. Ngược lại tìm được chiên lạc, người ấy mừng rỡ, quàng nó trên vai mình mà đem về. Ðiều này đã khởi hứng cho nhiều danh họa vẽ. Người ta ưa vẽ lại cảnh này để diễn tả tình thương chân thật, mặn mà của Chúa.
Nhưng chưa hết, chủ chiên về nhà còn gọi bạn bè hàng xóm mà phân phô: "Bà con hãy chia vui với tôi vì nay tôi đã tìm được con chiên lạc". Thái độ này trong thực tế hơi quá đáng. Có thể người nào, tìm thấy chiên lạc cũng khoe. Nhưng việc xin bà con hãy vui mừng quả là hơi quá. Tuy nhiên Ðức Giêsu đã cố ý dùng một số nét quá đáng này để làm chú ý đến điều Người muốn nói. Người bảo: "Cũng vậy, trên trời sẽ có vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là 99 người công chính không cần ăn năn".
Ðiều này chắc chắn sẽ làm cho nhiều người giật mình, nhất là các biệt phái. Họ vẫn tự đắc là công chính và không nghĩ rằng mình phải ăn năn, hối cải. Họ là 99 con chiên không lạc. Còn các tội nhân ăn năn hối cải, như có kẻ trong số thu thuế kia, là con chiên lạc. Họ làm vui lòng Thiên Chúa hơn hạng biệt phái tự coi mình là công chính.
Nhưng đối với chúng ta và theo ý tác giả Luca, bài dụ ngôn này còn có ý nghĩa xa hơn nữa. Rõ ràng nó cho ta thấy Ðức Giêsu đang đi làm công việc của Thiên Chúa. Người là tình thương của Thiên Chúa đang đi ruổi theo con chiên lạc. Trong Êzêkien, Thiên Chúa đã trở thành mục tử, thì đây lòng của Thiên Chúa đang hoạt động nơi con người và công việc của Ðức Giêsu, Thiên Chúa là mục tử ở nơi Người. Người là Thiên Chúa mục tử. Nơi Êzêkien Thiên Chúa hứa sẽ đi tìm chiên lạc về, tức là đưa dân lưu lạc về lại Ðất Hứa. Ở đây Ðức Giêsu đi tìm tội nhân hối cải. Thái độ này đã biến bài sách Êzêkien thành lời tiên tri, không còn nói về những việc trần gian nữa, nhưng phải hiểu về bình diện Nước Trời. Dân Chúa đừng chờ đợi ơn cứu độ trần tục nữa, nhưng hãy mong ước thay đổi lòng dạ để trở nên công chính. Ơn này sẽ làm cho trên trời mừng rỡ, tức là làm cho lòng Thiên Chúa được mãn nguyện.
Do đó lòng Thiên Chúa thương dân và hứa cứu độ dân nơi sách Êzêkien đã trở thành tình thương cứu vớt kẻ tội lỗi nơi thái độ và công việc của Chúa Giêsu. Tác giả Luca đã đọc thấy điều ấy nơi dụ ngôn con chiên lạc. Nhưng thánh Phaolô còn thấy rõ hơn nữa nơi việc Chúa Giêsu chịu chết vì chúng ta. Chúng ta hãy nghe những lời thư của Ngài.

3. Thánh Thần Ðã Ðược Ban Cho Ta
Thánh Tông đồ gợi nên cho chúng ta một số tư tưởng cần suy nghĩ: Hồ dễ có ai chết vì một người công chính! Có lẽ vì điều nghĩa có chết cũng cam! Nhưng chết vì tội nhân, thì không thể tưởng tượng được. Thế mà Thiên Chúa đã làm điều ấy cho chúng ta. Bởi lẽ đang khi chúng ta còn là tội nhân, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến chịu chết để lấy máu Ngài mà làm cho chúng ta nên công chính.
Êzêkien khi diễn tả lòng Chúa thương dân đã không thể nghĩ đến một chuyện như thế. Và bài dụ ngôn về con chiên lạc trong sách của Luca đã gợi lên lao nhọc của chủ chiên trên đường ruổi theo con chiên tội lỗi, nhưng cũng không và chưa nói đến việc người mục tử tốt thí mạng mình vì chiên. Ở đây thánh Phaolô nói rằng mình đã nhìn thấy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã chịu chết và đổ máu ra vì tội lỗi chúng ta để công chính hóa kẻ có tội.
Ðó là điều không thể tưởng tượng được. Và điều ấy rõ ràng là vì chúng ta, bởi lẽ nhờ đó bây giờ chúng ta được đầy ơn Thánh Thần ở trong lòng. Chúng ta được giải hòa với Thiên Chúa nhờ Máu của Chúa Giêsu. Chúng ta phải thấy lòng thương yêu lạ lùng của Thiên Chúa. Chúng ta phải hiểu trái tim Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến mức độ nào?
Và như vậy, chúng ta phải vững vàng nhìn về tương lai. Viễn ảnh ngày lôi đình phán xét của Thiên Chúa cũng không làm chúng ta nao núng vì khi chúng ta còn là tội nhân mà Ðức Kitô còn thương chịu chết cho chúng ta thì huống hồ là bây giờ chúng ta đã được nên công chính, Người lại không thương yêu chúng ta hơn sao? Chắc chắn chúng ta phải kiêu hãnh vì được Thiên Chúa yêu thương như vậy nhờ sự chết cứu độ của Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Giờ đây, các điều này lại diễn ra trên bàn thờ. Chúa Giêsu lại tự hiến thánh vì chúng ta để chúng ta được thánh hiến. Người dâng sự chết và sống lại của Người cho chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa và lãnh được Thánh Thần yêu mến. Chúng ta không phải chỉ là chiên nhưng là con của Người. Chúng ta được đưa vào cung lòng yêu thương của Thiên Chúa, để trong ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay chúng ta nhớ lại tình yêu lao khổ của Người vì chúng ta. Chúng ta phải ăn năn, trở về với Ngài. Chúng ta phải thay lòng đổi dạ để trái tim chúng ta nên giống với trái tim của Ngài.
Ðó là trái tim mang đầy tình yêu của Thiên Chúa xuống thế gian, chấp nhận bị đâm thâu để chảy máu ra rửa sạch chúng ta, để gọi chúng ta lạc lõng trở về tình yêu của Ngài, dạy bảo chúng ta hãy sống hòa hợp yêu thương làm nên đàn chiên duy nhất của Người, thực hiện mọi điều Thánh Kinh viết hôm nay. Ước gì được như vậy. Amen!

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm, Năm C
Bài đọcEze 34:11-16; Rom 5:5-11; Lk 15:3-7.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người

Hình ảnh mục tử và đoàn chiên là một trong những biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu dùng hình ảnh này rất nhiều trong chương 10: Ngài vừa là Cửa chuồng chiên mà các người chăn chiên thật và các chiên phải ra vào, Ngài vừa là Mục Tử Tốt Lành vì Ngài biết tên và chăm sóc cho từng con một. Điểm đặc biệt chưa từng thấy là Người Mục Tử Tốt Lành này sẵn sàng hy sinh và hiến mạng mình để bảo vệ đoàn chiên, như Đức Kitô đã hiến mình để bảo vệ con người.
Các Bài Đọc trong ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người, để chúng ta biết cách đáp trả cho cân xứng. Trong bài đọc I, khi nhìn thấy đoàn chiên tan tác như không người chăn, Thiên Chúa quyết định chính Ngài thân hành đến để chăn chiên. Ngài sẽ chăm sóc từng con chiên một và đưa tất cả trở về một đoàn. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nêu bật tình thương Thiên Chúa qua biến cố Ngài chết cho con người ngay khi họ còn là tội nhân, để hòa giải con người với Thiên Chúa và ban ơn cứu độ cho con người. Trong Phúc Âm, tình yêu Thiên Chúa dành cho con người không phải như một tập thể, nhưng từng cá nhân một. Thiên Chúa sẽ thân hành đi tìm từng con chiên lạc trở về và vui vẻ ăn mừng khi kiếm thấy từng con một.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nỗi lo lắng của người Mục Tử khi thấy đoàn chiên tản mác khắp nơi
1.1/ Hoàn cảnh và số phận đoàn chiên trước khi Đấng Thiên Sai tới.
Ngồi kiểm điểm đoàn chiên Israel sau gần 2000 năm trong tay những nhà lãnh đạo Israel, Đức Chúa nhận ra những điều sau đây:
(1) Sự bất toàn của các người chăn chiên:
+ Các vua chúa và những nhà lãnh đạo của Israel không quan tâm đến số phận của đòan chiên. Thỉnh thoảng tìm được một vài những người chăn chiên tốt; nhưng hầu hết họ chỉ biết quan tâm đến nhu cầu của họ.
+ Các nhà lãnh đạo tinh thần không biết giáo dục chiên theo đường lối của Thiên Chúa. Hậu quả là chiên dễ chạy theo cám dỗ của thế gian.
+ Vua chúa dễ nghe theo lời cám dỗ của các bà vợ Dân Ngoại để chạy theo và bắt chiên thờ các thần ngoại bang. Vua chúa cũng truy tố và hành hạ các người chăn chiên thật của Thiên Chúa gởi đến.
(2) Nỗi đau khổ của các con chiên:
+ Vì không được giáo dục theo đường lối Thiên Chúa, chiên không còn nhận biết Thiên Chúa của họ.
+ Chiên bị lưu đày và tha phương cầu thực nơi đất khách quê người.
+ Chiên làm mồi ngon cho vua chúa, các thú dữ và trộm cướp.
1.2/ Kế hoạch thu thập các chiên về của Đức Chúa
(1) Chính Ta sẽ chăm sóc đoàn chiên Ta: Đã đến lúc phải có sự thay đổi, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm.
Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt... Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng... Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Israel. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng.”
(2) Ta sẽ chăm sóc từng con chiên một: Những người chăn chiên đi trước thường chủ trương nhắm vào đám đông, nhưng cách chăn chiên của Đức Chúa sẽ nhắm vào từng con một: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” Người Mục Tử Tốt Lành được tiên báo bởi ngôn sứ Ezekiel chính là Đức Kitô của Tân Ước.
2/ Bài đọc II: Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi.
2.1/ Đức Kitô chết cho chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân.
Điểm khác biệt giữa Đức Kitô với các người chăn chiên khác là Ngài thương tất cả chiên, chứ không chỉ những chiên khỏe mạnh, tốt lành. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm cá nhân về tình thương cùa Đức Kitô, nên Ngài xác tín: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.”
2.2/ Đức Kitô hòa giải con người với Thiên Chúa.
Khi con người phạm tội, họ không thể giao hòa với Thiên Chúa và trở nên công chính. Đó là lý do xuất hiện của Đức Kitô. Ngài sẵn sàng đổ máu để rửa sạch tội lỗi cho con người. Một khi đã được rửa sạch khỏi tội, Đức Kitô giao hòa con người với Thiên Chúa. Đó là lý do con người được trở nên công chính.
Đức Kitô không chỉ rửa sạch tội cho chúng ta, Ngài còn ban Thánh Thần chính là sự sống thần linh của Ngài cho con người. Nhờ sự sống thần linh này, chúng ta có thể sống xứng đáng như những người con của Thiên Chúa và càng ngày càng trở nên toàn hảo giống như Ngài.
3/ Phúc Âm: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.”
3.1/ Để 99 con chiên lại và đi tìm con chiên lạc: Đức Giêsu kể cho họ dụ ngôn này: "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?”
(1) Phản ứng khởi đầu: Có rất nhiều lý do con người vịn vào để không đi tìm con chiên lạc:
+ Ai dại gì để 99 con chiên để đi tìm một con?
+ Nếu tôi đi tìm và bị thiệt mạng, ai chăm sóc 99 con chiên còn lại?
+ Có nghĩa gì một con chiên, tương lai còn nhiều những con chiên khác nẩy sinh trong đàn?
+ Nếu nhìn một cách thống kê, 99% thành công là một kết quả quá tốt đẹp rồi, tội gì tự dằn vặt mình vì con chiên lạc?
(2) Mục đích của Chúa Giêsu: Ngài muốn khán giả phải suy nghĩ trước khi đưa đến sự kiện mà họ không thể chối bỏ được.
+ Nếu Chúa Giêsu thay chữ “chiên” bằng “con,” người được hỏi sẽ phải cẩn thận trả lời hơn. Ví dụ: “Ai trong các ông có 10 người con mà một con bị bệnh tật hay thất lạc, lại không để 9 con còn lại mà ra sức chữa trị cho đứa con bị bệnh hay tìm đứa con thất lạc đó?” Theo cách trình bày của Lucas, đây là dụ ngôn thứ nhất trong 3 dụ ngôn liên tiếp, hai dụ ngôn kia là bà góa có 10 đồng bạc và dụ ngôn tuyệt vời “Người Cha Nhân Hậu hay Đứa Con Hoang Đàng” sau cùng.
+ Con nào cũng là con, “dạ đau con xót.” Bổn phận cha mẹ nhiều khi phải thương những đứa con bệnh tật và đau khổ hơn.
+ Tôi sẵn sàng đi tìm đứa con thất lạc, vì đó là máu mủ của tôi.
+ Chúa Giêsu muốn nói Thiên Chúa thương con người như thế: Ngài không bằng lòng với biết bao đứa con công chính trên trời, nhưng sẵn sàng lặn lội đi tìm những con chiên lạc, cho đến khi tìm được.
+ Thiên Chúa thương con người khi họ vẫn còn là tội nhân, vì họ đều là con của Ngài. Đức Kitô lo lắng cho người tội lỗi hơn và tìm mọi dịp để đưa họ trở lại. Ngài sai Thánh Thần khơi dậy lương tâm để họ biết nhận ra điều phải và trở lại. Khi họ trở lại, Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả tội lỗi và phục quyền làm con cho tội nhân. Tất cả những điều này, chúng ta đều nhận ra trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu.”
3.2/ Niềm vui khi tìm thấy con chiên lạc: Chúa Giêsu nói tiếp: “Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.”
+ Như lòng cha mẹ vui dường nào khi con khỏi bệnh hay con hối hận trở về, Thiên Chúa cũng vui như thế khi con người tội lỗi ăn năn trở lại.
+ Mỗi đứa con hoang đàng là một gai nhọn đâm thâu trái tim Chúa. Chúng ta nỡ lòng nào để trái tim Cha chúng ta chảy máu mà không hồi tâm quay lại cho Người được cảm thấy niềm vui?
+ Nỗi đau của Cha cũng là nỗi đau của mọi người con, chúng ta cũng phải lên đường đi tìm và đưa về những người con của Cha, vì họ cũng là anh chị em của chúng ta.
+ Chúa Giêsu mở lòng và cung cấp tia hy vọng cho các kinh sư và biệt phái: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Ai là người mà chúng ta ký thác cuộc đời cho? Chúng ta có nhận Đức Kitô là Mục Tử Tốt Lành của đời mình không?
- Chúng ta cũng đang được trao trách nhiệm của người mục tử cho con cái hay cho giáo dân, chúng ta có biết noi gương Đức Kitô để yêu thương và chăm sóc cho từng người một trong số họ không?
- Chúng ta có khiêm nhường đủ để nhận ra chúng ta có thể là con chiên lạc mà Đức Kitô đang tìm kiếm không hay chúng ta kiêu hãnh nhận chúng ta là những con chiên tốt lành rồi.
- Trái tim của chúng ta có nhạy cảm và yêu thương như trái tim của Chúa Giêsu hay đã quá chai đá để đón nhận ơn Chúa và tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


28/06/2019
THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Thánh Tâm Chúa Giê-su
Lc 15,3-7


TRÁI TIM RỘNG MỞ
“Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.” (Lc 15,5)

Suy niệm: Nghệ thuật Ki-tô giáo thường trình bày Đức Giê-su qua hình ảnh người mục tử dẫn đầu một đàn chiên, trên vai còn vác một con chiên. Hình ảnh ấy được cảm hứng từ dụ ngôn người chăn chiên nhân hậu mà Tin Mừng đọc cho chúng ta trong ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Có người mục tử đích thực nào mà lại không yêu thương chăm sóc đàn chiên của mình? Anh dẫn đưa chúng đến những đồng cỏ xanh với dòng nước mát, chữa lành những vết thương, bảo vệ khỏi các thú dữ, anh biết rõ và gọi tên từng con chiên một. Khốn khổ nhất là con chiên đi lạc, nó bơ vơ không có một sự bảo vệ nào: nó có thể rơi xuống vực sâu, bị mắc kẹt trong bụi gai, vách đá, có nguy cơ bị chó sói ăn thịt. Thấu cảm được điều đó, người mục tử bươn bả đi tìm, và khi tìm được, anh hết sức vui mừng vác nó trên vai, trở về nhà ăn mừng. Đức Giê-su, vị mục tử không chỉ nhân lành qua dụ ngôn. Ngài đã hiện thực điều đó qua Trái Tim của Ngài bị đâm thâu trên thập giá, mở ra một trời yêu thương và ân sủng với tất cả mọi con người.

Mời bạn: Bạn đang ở trong tình trạng nào: đi lạc, đi hoang, lạc lối trong những đam mê, mù quáng bởi những ghét ghen, hận thù? Hãy nhớ rằng bạn luôn có lý do để hy vọng, bởi Chúa Giê-su có một Trái Tim luôn mở rộng để ôm ấp, yêu thương bạn.

Sống Lời Chúa: Xin ơn luôn tín thác vào tình yêu Chúa và “uốn lòng mình nên giống Trái Tim của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Thánh Tâm Chúa đã bị đâm thâu, cảm tạ Chúa đã yêu con đến cùng. Xin cho con cảm nếm được sự dịu ngọt của tình yêu Chúa, và luôn biết chạy đến với Ngài. Amen.
(5 phút Lời Chúa)


Mừng rỡ vác lên vai (28.6.2019 – Thứ sáu, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu)
 Suy nim:

Dụ ngôn về con chiên bị lạc mất được đọc trong lễ Thánh Tâm.
Đức Giêsu nói dụ ngôn đơn sơ này
vì thấy những người Pharisêu và các kinh sư khó chịu
khi Ngài đón tiếp các tội nhân và hồn nhiên ăn uống với họ.
Ngài không xa lánh họ vì họ dám đến gần Người để nghe (Lc 15, 1-2).
Từ nơi Đức Giêsu toát ra một sự hấp dẫn những ai bị xã hội loại trừ.
Họ biết mình được Ngài yêu thương đón nhận.
Họ biết mình có chỗ trong trái tim nhân hậu của Ngài.
Dụ ngôn con chiên bị mất là dụ ngôn về một trái tim.
Trái tim nhói đau của người có đàn chiên một trăm con, và mất một.
Anh không coi nhẹ sự mất mát này, vì anh quý từng con chiên.
Con chiên bị lạc mất làm anh nặng lòng, không yên,
dù một con trong đàn chiên trăm con có thể chẳng là gì cả.
Trái tim nhói đau cũng là trái tim tìm kiếm.
Để tìm kiếm, anh phải để lại chín mươi chín con kia trong hoang địa.
Có thể anh phải gửi đàn chiên mình cho người bạn chăn nuôi.
Lòng của anh bây giờ tập trung hoàn toàn vào con chiên lạc mất,
đến độ có vẻ như anh bỏ rơi những con còn  lại.
Ta chẳng rõ anh đi tìm ở những nơi nào và bao lâu.
Hẳn anh đã đến mọi nơi mà con chiên này có thể ẩn nấp.
Điều chắc chắn là anh đã muốn tìm nó cho kỳ được (c. 4).
Anh không muốn bỏ dở nửa chừng cuộc tìm kiếm vất vả này.
Trái tim âu lo tìm kiếm cũng là trái tim nhảy mừng khi tìm thấy.
Thấy bóng dáng con chiên lạc từ một hố sâu,
hay nghe tiếng kêu quen thuộc của nó từ bụi rậm,
điều đó làm anh quên hết mọi nhọc nhằn.
Niềm vui rộn lên trong lòng anh.
Cách anh biểu hiện niềm vui là vác con chiên tìm thấy trên vai,
và để nó ngang đầu mình, mặt mình.
Có thể anh không muốn dắt nó đi vì anh sợ nó mệt,
thay vì anh không muốn mất nó một lần nữa.
Trái tim nhảy mừng cũng là trái tim muốn chia sẻ niềm vui.
Khi về nhà, anh đã mời bạn bè, hàng xóm lại và nói với họ:
“Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên bị mất” (c. 6).
Niềm vui lớn quá nên không thể giữ riêng trong lòng mình được.
Niềm vui đòi nói ra, đòi chia sẻ để được nhân lên.
Trái tim của Đức Giêsu là trái tim của người chăn chiên,
buồn khi mất chiên, vất vả đi tìm và nhảy mừng khi tìm thấy.
Khi ngồi ăn với những tội nhân trên đường hoán cải,
Đức Giêsu nếm trải niềm vui tột độ của người tìm được chiên.
Tiếc thay những người Pharisêu không muốn chung vui với Ngài.
Họ không hiểu được niềm vui của cả thiên đàng khi một tội nhân hoán cải.
Đơn giản vì Thiên Chúa quý từng người và không muốn mất một ai.
Chỉ mong mỗi linh mục có trái tim của Giêsu, người mục tử nhân hậu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa, 
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, 
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa 
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường 
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. 
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, 
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, 
không một biến cố nào làm xáo trộn, 
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công, 
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. 
Xin cho quả tim con đủ lớn 
để yêu người con không ưa. 
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở 
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG SÁU
Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa: Một Xác Nhận Nền Tảng
Việc tách biệt công cuộc sáng tạo khỏi sự quan phòng thần linh (thuyết tự nhiên thần giáo) và việc phủ nhận hoàn toàn sự hiện hữu của Thiên Chúa (thuyết duy vật) mở ngõ cho sự sai lầm của thuyết tất định duy vật (materialistic determinism). Ở đây con người và đời sống của con người trở thành hoàn toàn phụ thuộc vào một tiến trình phi ngã. Đối đầu với những tấn công này, chân lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa và về sự quan phòng thần linh của Ngài giúp bảo đảm cho con người sự tự do và chỗ đứng của mình trong vũ trụ.
Chúng ta nhận thấy sự thật này được khẳng định trong Cựu Ước. Chẳng hạn, Thiên Chúa được xem như một sự đỡ nâng mạnh mẽ và không gì có thể tiêu diệt được: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ!” (Tv 18, 2-3). Thiên Chúa là nền tảng vững chắc để con người có thể tựa vào, như lời tác giả thánh vịnh thốt lên đầy xác tín: “Lạy Chúa, số mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16, 5).
Sự quan phòng của Thiên Chúa là lời xác nhận hùng hồn của Ngài đối với tạo vật, nhất là đối với con người – triều thiên của mọi tạo vật. Sự quan phòng ấy đảm bảo quyền cai quản tối cao của con người trong thế giới này. Điều này không có nghĩa rằng các qui luật tự nhiên bị quyền cai quản tối cao của con người xóa bỏ. Trái lại, nó có nghĩa rằng chúng ta phải loại trừ thuyết tất định duy vật kia – một chủ thuyết giảm trừ toàn bộ sự hiện hữu của con người đến chỉ còn như một cái gì hoàn toàn tất định. Trong thực tế, một cái nhìn như vậy sẽ hủy diệt sự tự do chọn lựa của con người.
Thiên Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – chính là sự đỡ nâng tối thượng cho sự tự do của chúng ta. Đó là điều tốt lành và quí hóa biết bao!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
28-06
Thánh Tâm Chúa Giêsu (Lễ trọng)
(Ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục)
Ed  34, 11-16; Rm 5, 5b-11; Lc 15, 3-7

LỜI SUY NIỆM: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị lạc mất một con, lại không để chin mươi chin con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho được con chiên bị mất? Tìm được rồi người ấy mừng rỡ vác lên vai” (Lc 15,4-5)

Chúng ta thấy được tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với hết thảy tội nhân, chính Ngài đi tìm tội nhân, khi đã tìm được Ngài vui mừng và vác trên vai. Chúa Giêsu là mẩu cho các chủ chăn hôm nay. Bởi trong thực tế. Ít có vị chủ chăn đi tìm những con chiên lạc xa đàn, “bởi”. Lại có chủ chăn; có đi tìm; nhưng khi tìm được con chiên lạc không dám vác trên vai, vì sợ “…” mà lại kéo lê về, giày xéo. Chúng ta cầu xin Chúa cho các vị chủ chăn hôm nay được gần Thánh Tâm Chúa, để các ngài yêu thương hết mọi con chiên; đặc biệt những con chiên đau yếu, bệnh tật hoặc đang xa đàn vì bất cứ lý do gì,


Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 28-06: Thánh IRENÊ
Giám mục, Tử Đạo (Thế kỷ II)

Thánh Irenê sinh tại Tiểu Á và giữa thế kỷ II. Chúng ta biết được phần nào ngày sinh của Ngài, dựa vào bản tường thuật Ngài viết về thánh Policarpô. Ngài viết cho Flôrinô:
- "Tôi có thể nói với ông nơi thánh Pôlicarpô ngồi khi Ngài rao giảng lời Chúa, tôi được thấy Người ra vào. Bước chân, phong thái, cách sống và lời Ngài nói in sâu vào lòng tôi. Tôi như còn nghe thấy Người kể lại cách người đàm luận với thánh Gioan và các tông đồ khác đã thấy mặt Chúa. Người nói lại cho chúng tôi những lời nói và những điều các Ngài đã học được liên quan đến Chúa Giêsu. Các phép lạ và giáo thuyết của Chúa.
Thánh Irenê còn phấn khởi ghi thêm: - "Tôi ghi nhận các hành vi và lời nói ấy không phải trên bảng viết mà là trong sâu thẳm tâm hồn. Thiên Chúa cho tôi được ơn không ngừng nhớ lại những kỷ niệm ấy trong lòng".
Như vậy, thánh Irenê luôn nhớ mãi hình ảnh sống động của thánh Policarpô qua đời năm 155. Vậy có thể là thánh Irenê ra đời khoảng từ năm 130 đến 135, và Ngài được giáo dục tại Smyrna, làm môn đồ của thánh Pôlicarpô. Hấp thụ nền giáo dục gần với các tông đồ. Nhất là với thánh Gioan, thánh Irenê còn ở trong vòng ánh sáng mà tâm điểm là tình yêu đằm thắm giữa thánh Gioan với Chúa Kitô. Trong tác phẩm dài "Adversus Haereses" của Ngài. Chúng ta cảm thấy Ngài là người được thấm nhiễm một trực giác hiếm có.
Thánh Pôlicarpô gọi Irênê sang Gaule. Tại đây thánh Pôthinô, giám mục Lyon phong chức linh mục cho Ngài. Phần đóng góp của thánh Irenê cho Giáo hội thật lớn. Ngài chú tâm tới mọi khoa học, chuyên cần suy gẫm thánh kinh. Khi nghiên cứu huyền thoại và các hệ thống triết học ngại giáo, Ngài biết tìm ra nguồn gốc các sai lầm và bác bỏ các lạc thuyết pha trộn huyền thoại vào Kitô giáo. Tertulianô đã tuyên nhận rằng không có ai nỗ lực tìm tòi hơn là thánh Irênê. Thánh Hiêrônimô, nại đến thánh nhân để củng xố uy tín của mình. Ngài được coi như là ánh sáng các vùng Gaules ở Phương Tây.
Năm 177, thánh Irenê được cử làm đại diện về Rôma, bên cạnh Đức giáo hoàng để thực hiện một sứ mệnh tế nhị là dàn xếp ngày mừng lễ phục sinh
Trở lại Lyon, thánh Irênê gặp lại một giáo đoàn côi cút. Marcô Aureliô vừa mới giết hại các Kitô hữu. Đức cha Pothinô đã bị sát hại. Thánh Irenê được bầu lên kế vị. Ngài trở thành thủ lãnh Giáo hội tại xứ Gaule, bận rộn với công việc rao giảng, thánh nhân vẫn viết sách để chống đỡ chân lý. Ngài phải chiến đấu không ngừng, bởi vì cuộc bách hại tưởng chấm dứt khi Marcô Aureliô qua đời, nhưng các lạc giáo lại nổi lên chống phá Giáo hội.
Thánh Irenê dùng hết tâm trí và đức tin chống lại các lạc thuyết nhưng vẫn yêu thương những lẻ lầm lạc, Ngài cầu nguyện cho họ van nài họ trở về với Giáo hội thật:
- "Hợp nhất với Chúa là sự sống và là Sự sống .... Khốn khổ cho ai lìa xa sự hợp nhất ấy. Hình phạt đổ xuống họ không phải do Thiên Chúa mà do chính họ, vì khi chọn quay mặt khỏi Thiên Chúa, họ đánh mất mọi tài sản".
Các tác phẩm lừng danh Ngài đã soạn khiến cho Ngài đang được gọi là "Anh sáng bên trời Tây".
Dưới sự dẫn dắt của thánh Irênê, Lyon đã trở thành một trường dạy phụng sự Chúa đào tạo nhà tri thức và có khả năng truyền giáo. Thế hệ đầu tiên của trường đã bảo vệ đức tin tinh tuyền bằng những nghiên cứu và sách vở của họ. Thế hệ thứ hai phổ biến Tin Mừng đến những miền khác.
Hoàng đế Seltinô - Severô tái diễn cuộc bách hại. Ông gia hình cho đến chết những ai kiên trì với đức tin. Lyon là thành phố diễn ra cuộc hãm xác tập thể các Kitô hữu thật khủng khiếp. Máu chảy thành suối trên đường phố tiếp nối dòng máu các giám mục tử đạo, thánh Irênê, cũng bị hạ sát với đàn chiên mình. Một tài liệu cố tìm được cho thấy có đến 19 ngàn Kitô hữu cùng chịu khổ chịu chết vì đạo với Ngài.
(daminhvn.net)


28 Tháng Sáu
Ngợi Khen Con Người
Trong tập thơ có tựa đề "Nhật ký", nữ thi sĩ công giáo Pháp là Marie Noel đã tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Hôm đó là ngày cuối năm. Từ trên Thiên Quốc nhìn xuống dương trần, Chúa thấy dân chúng đổ xô về một ngôi nhà thờ đổ nát, không có chuông, cũng chẳng có tháp chuông. Vị linh mục già đành phải khua mõ vào bất cứ đồ vật nào có thể gây ra tiếng vang để giục giã dân chúng đến giáo đường đọc Kinh "Te Deum" ngợi khen Cúa nhân ngày cuối năm.
Trời mưa lạnh như cắt. Vậy mà, từ khắp nơi trong xóm giáo, người ta vẫn đổ xô về ngôi giáo đường. Chúa theo dõi từng cử động một của một người đàn bà đơn độc mà ngôi nhà vừa bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Chúa lại nhìn thấy một thiếu phụ mà cách đó không lâu bọn Ðức Quốc Xã đã tước đoạt mọi tài sản. Một người đàn bà khác, mà chồng đã bị giết trước mắt, cũng lặng lẽ tiến đến nhà thờ. Có cả thiếu phụ mất con mà người ta không tìm ra tung tích. Có cả người đàn ông mà vợ và con bị chôn vùi dưới đống gạch vụn... Còn bao nhiêu người khốn khổ khác nữa. Họ không biết đi đâu, họ không có gì để ăn bởi vì quân thù đã đốt phá và cướp đi tất cả những lương thực dự trữ.
Vậy mà những người khốn khổ ấy có mặt đày đủ trong ngôi giáo đường. Có một vài tiếng khóc. Nhưng tất cả đều cất tiếng hát bài "Te Deum" ngợi khen Chúa trong ngày cuối năm vì những ơn huệ Ngài ban trong năm qua.
Nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng như lắng nghe lời ca ngợi của những con người khốn khổ, Thiên Chúa vô cùng cảm động. Ngài nói với các Thiên Thần như sau: "Quả thực, quả thực, Ta bảo các ngươi: con người là loài thụ tạo thánh thiện. Các ngươi hãy nhìn xuống đám người đáng thương kia. Cách đây 12 tháng, họ đã phó dâng cho Ta cả năm để được hạnh phúc, an khang. Vậy mà tai ương và thảm sầu đã xảy đến với họ... Họ đã kêu cầu bình an, nhưng chiến tranh đã đè bẹp họ. Họ đã xin lương thực hằng ngày, nhưng họ chỉ toàn gặp là đói khát. Họ đã phó dâng cho ta gia đình, người thân và tổ quốc của họ, nhưng tổ quốc, gia đình và người thân của họ lại bị xâu xé trăm bề. Dĩ nhiên, Ta có những lý do riêng của Ta... Ta không thể thanh tẩy thế giới mà không thể thử thách nó như thời Noe. Nhưng đây là công việc của một Thiên Chúa, không ai có thể hiểu được việc Thiên Chúa làm. Nhưng con người lại phải gánh chịu mọi sự. Vậy mà họ vẫn tiếp tục ngợi khen và cảm tạ Ta cứ như Ta đã bảo vệ họ trong từng phút giây của cuộc sống họ... Quả thực, lòng tin của họ lớn lao... Các ngươi có nghe họ hát "Thánh, thánh" với tất cả trang trọng không? Hỡi các Thiên Thần và các Thánh, nào các ngươi hãy hát lên một bài ca để tôn vinh những ai, mặc dù gặp gian lao khốn khó, vẫn lên tiếng tôn vinh Ta".
Nói xong, Thiên Chúa cùng với các thần thánh trên trời cất lên bài ca "Ngợi khen con người".
Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài không thể không say mê con người, Ngài không thể không chung thủy với con người. Giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống hiện tại và những khắc khoải lo âu cho tương lai, chúng ta hãy tiếp tục dâng trọn niềm tín thác cho Thiên Chúa.
Tin tưởng ở tình yêu Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng ở tình người. Tình người dù có bội bạc, mỗi một con người, dù có đốn mạt, xấu xa đến đâu, cũng vẫn còn chất chứa trong đáy thẳm tâm hồn mình vẻ đẹp cao vời phản ảnh chính tình yêu của Thiên Chúa. Ðáp lại với những phản trắc lừa đảo, đáp lại với những thấp hèn đê tiện, người có niềm tin nơi Thiên Chúa và tin ở tình người hãy giữ mã
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu (C)
Friday 28 June, 2019
Con chiên lạc và được tìm thấy
Việc hối cải thực sự:  từ công chính đến lòng thương xót
Lc 15:3-7

Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Cha của con, con đến trước mặt Chúa ngày hôm nay với một trái tim u buồn, bởi vì con biết con là một trong số những người, dù rằng là kẻ tội lỗi, tin tưởng được nên công chính.  Con cảm thấy sức nặng của trái tim làm bằng đá và sắt ở trong con.  Hôm nay, con cũng muốn là một trong những kẻ đến gần với Con Chúa để lắng nghe Ngài nói; con muốn thôi không giống như những người Biệt Phái và Kinh Sư, là những kẻ trước tình yêu của Chúa, lại xầm xì và phê phán.
Con cầu xin Chúa, Chúa của con, xin Chúa hãy động chạm đến trái tim con với Lời của Chúa, với sự hiện diện của Chúa và chế ngự nó chỉ với một ánh mắt nhìn, chỉ với một sự vỗ về của Chúa.  Xin Chúa hãy dẫn con tới bàn tiệc của Chúa, để con cũng có thể được ăn bánh thơm ngon của Chúa, hay dù chỉ là những mảnh bánh vụn, Con Chúa, Đức Giêsu, hạt lúa, Đấng đã trở thành thức ăn nuôi dưỡng của ơn cứu rỗi.  Xin Chúa đừng để con phải đứng bên ngoài, mà hãy cho con được phép ngồi vào bàn tiệc lòng thương xót của Chúa.  Amen.
1.  ĐỌC
a)  Bài Tin Mừng
3 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các người Biệt Phái và Luật Sĩ dụ ngôn này rằng: 4“Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? 5 Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên lên vai, 6 trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng:  ‘Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!’  7 Cũng vậy, Tôi bảo các ông:  Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là chín mươi chín người công chính không cần hối cải”.
b)  Bối cảnh:
Đoạn Tin Mừng ngắn gọn này chỉ là đoạn khởi đầu của chương 15 tuyệt vời của sách Tin Mừng thánh Luca, một chương rất quan trọng, gần như là trọng tâm của sách Tin Mừng và trọng tâm của thông điệp. Thực ra, ở đây có kèm theo ba câu chuyện về lòng thương xót, chỉ bằng dụ ngôn: con chiên, đồng xu và người con, là hình ảnh trong đời sống thực tế, chúng mang trong mình tất cả sự phong phú và trân quý của loài người trước mặt Thiên Chúa, Chúa Cha. Đây là ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm Nhập Thể và cuộc đời của Đức Kitô trong thế gian: ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người, Do Thái cũng như Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ.  Không ai phải đứng bên ngoài bữa tiệc của lòng thương xót.
Trong thực tế, nói một cách chính xác, chương trước chương này thuật lại lời mời gọi đến bàn tiệc của nhà vua và cũng cho chúng ta lời mời gọi sau đây:  “Hãy đến, tất cả mọi thứ đã sẵn sàng!” Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta, Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta chỗ bên cạnh Ngài, để cho chúng ta có thể là các khách mời của Ngài, hầu làm cho chúng ta cũng có thể tham dự vào trong niềm hân hoan của Ngài.
c)  Cấu trúc:
Câu 3 là lời giới thiệu và nối kết chúng ta với cảnh trước đó, đó là một trong những cảnh mà thánh Luca mô tả về hoạt động mừng vui, về tình yêu thương và hối cải, về người tội lỗi và kẻ thu thuế, những người không ngại ngần, tiếp tục tiến gần đến Chúa Giêsu để được nghe Người nói. Chính tại đây tiếng xầm xì, sự giận dữ, lời chỉ trích đã dấy lên và do đó, đưa đến việc khước từ của người Biệt Phái và Luật Sĩ, vì họ tin rằng mình công chính và có lẽ phải.
Vì thế, dụ ngôn tiếp theo sau, được cấu tạo trong ba câu chuyện, được coi như là câu trả lời của Chúa Giêsu cho lời xầm xì này; trong trường hợp cuối cùng, câu trả lời cho sự chỉ trích của chúng ta, cho những lời lầm bầm và tức tối của chúng ta đối với Chúa và đối với tình yêu không thể giải thích được của Ngài.
Câu 4 bắt đầu với một câu hỏi hùng biện, trong đó đã bao hàm một câu trả lời phủ định: không ai có thể hành động như là vị Mục Tử Nhân Lành, như Đức Kitô. Và chính ở đó, trong cách cư xử của Chúa, trong tình yêu của Ngài đối với chúng ta, dành cho tất cả mọi người, là nơi có chân lý của Người. Các câu 5 và 6 kể lại câu chuyện, chúng tả lại các hành động, tình cảm của người mục tử:  việc tìm kiếm, sự mệt mỏi, niềm vui mừng của ông trở thành sự dịu dàng và chăm sóc cho con chiên lạc được tìm thấy, việc chia sẻ niềm vui này cùng với bạn hữu. Cuối cùng, với câu 7, thánh Luca muốn miêu tả khuôn mặt của Thiên Chúa, được nhân cách hóa trên Thiên Đàng:  Chúa nóng lòng chờ đợi sự quay trở lại của tất cả con cái Ngài. Ngài là Thiên Chúa, Chúa Cha yêu thương những kẻ tội lỗi, những kẻ nhận thức được rằng mình cần lòng thương xót của Ngài, cần vòng tay yêu thương của Ngài và Ngài không thể hài lòng với những ai tin rằng mình công chính và tiếp tục xa cách với Ngài.
2.  SUY NIỆM LỜI CHÚA
a)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Giờ đây, như người thu thuế và kẻ tội lỗi, tôi cũng ao ước được gần gũi với Chúa Giêsu để lắng nghe Lời Người, chú ý bằng cả con tim và tâm trí, đến mọi điều mà Chúa muốn nói với tôi.  Sau đó, tôi mở lòng mình ra, tôi để cho chính mình được đụng chạm bằng giọng nói của Chúa, bằng ánh mắt nhìn của Chúa chiếu trên tôi, ánh mắt chiếu vào nơi sâu thẳm của con người tôi…
b)  Một vài cách để đào sâu:
“Ai trong số các ông?” 
Thật là cần thiết để bắt đầu bằng câu hỏi mạnh mẽ này của Chúa Giêsu, nói với những kẻ đối thoại với Chúa vào lúc đó, mà cũng để nói với chúng ta ngày nay.  Chúng ta được đặt trước chính mình một cách nghiêm túc, để hiểu chúng ta là ai, nội tâm của chúng ta ra sao.  Chúa Giêsu nói rằng:  “Ai trong số các ông?”  Giống như một ít câu Tin Mừng tiếp theo sau, Người sẽ hỏi rằng:  “Người phụ nữ nào?”  Nó cũng tương đương với câu hỏi mà tác giả Thánh Vịnh đã hỏi, khi hỏi rằng:  “Con người là chi?” (Tv 8:5) và lời ông Gióp lặp đi lặp lại, nói với Thiên Chúa rằng:  “Con người là gì?” (G 7:17).
Vì vậy, chúng ta tại đây, trong câu chuyện ngắn gọn này của Chúa Giêsu, trong dụ ngôn này của lòng thương xót, chúng ta tìm thấy sự thật:  chúng ta có thể hiểu được ai thực sự là người ấy trong số chúng ta.  Nhưng để làm được điều này, chúng ta cần phải gặp gỡ Thiên Chúa, đang ẩn dấu trong những câu Tin Mừng này, bởi vì chính chúng ta phải đối diện với Ngài, chúng ta phải soi mình trong Ngài và tìm thấy chính mình.  Hành động của người mục tử với chiên của mình cho chúng ta biết chúng ta nên làm gì, chúng ta nên làm như thế nào và mặc khải cho chúng ta biết chúng ta là ai trong thực tế; nó cho chúng ta thấy sự trần trụi và các vết thương của mình, sự bệnh hoạn sâu đậm của chúng ta.  Chúng ta, những kẻ tin rằng mình là thần thánh, dù rằng chúng ta chẳng phải là con người.
Chúng ta hãy xét xem tại sao…
“Chín mươi chín – một”
Này đây ánh sáng của Thiên Chúa ngay lập tức đặt chúng ta trong cuộc đối đầu với một thực tại mạnh mẽ, gây bàng hoàng cho chúng ta. Trong bài Tin Mừng này, chúng ta thấy một đoàn chiên, giống như nhiều đoàn chiên khác, khá nhiều, có lẽ thuộc về một người giàu có: một trăm con chiên. Một con số hoàn hảo, tượng trưng, thiêng liêng. Sự viên mãn của con cái Thiên Chúa, tất cả chúng ta, mỗi người, từng người một, không ai có thể bị loại trừ. Nhưng trong thực tế này, một việc không thể tưởng tượng được đã xảy ra:  một sự phân chia bất quân bình tối đa được tạo ra. Một bên là chín mươi chín con chiên và một bên là chỉ có một con chiên. Không có một tỉ lệ tương xứng ở đây.  Và cũng tương tự như các phương cách của Thiên Chúa.  Ngay lập tức, chúng ta suy nghĩ và tự hỏi, chúng ta thuộc về nhóm nào. Chúng ta có thuộc về nhóm chín mươi chín con chiên không? Hay là chúng ta thuộc về phía chỉ có một con, có nghĩa là một mình, thật vinh dự, thật quan trọng để là đối tác với phần còn lại của cả đoàn chiên không?
Chúng ta hãy tra cứu chăm chú vào văn bản.  Chỉ có một con chiên, một con thôi, ngay lập tức nổi bật lên khỏi nhóm bởi vì nó mất, nó đi lạc, nói gọn trong một chữ, sống trong một kinh nghiệm tiêu cực, nguy hiểm, thậm chí có thể chết.  Thế nhưng, đáng ngạc nhiên, người chăn chiên đã không để cho nó phải như thế, ông ta không phủi tay; mà ông đã bỏ lại các con chiên kia, những con vẫn còn ở với ông và đi tìm con chiên lạc.  Có thể nào có một điều như thế không?  Có thể nào việc từ bỏ trong khía cạnh này hợp lý không?  Tại đây, chúng ta bắt đầu bước vào cuộc khủng hoảng, bởi vì việc chắc chắn tự nhiên xảy ra cho chúng ta là tự xem như mình thuộc về nhóm chín mươi chín con chiên, là những người vẫn trung thành.  Và thay vào đó, người chăn chiên ra đi và chạy đi tìm con chiên lạc, kẻ không đáng gì, mà chỉ có sự lo âu và lạc lõng mà chính nó tự chuốc vào thân.
Và sau đó thì điều gì đã xảy ra?  Người mục tử đã không bỏ cuộc ngay lập tức, thậm chí ông ta đã không nghĩ đến việc đi trở về hay quay lại, ông dường như không quan tâm đến các con chiên còn lại của mình, đoàn chiên chín mươi chín con.  Văn bản nói rằng ông “tiếp tục đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được”.  Giới từ thú vị nhất là “tiếp tục”; nó có vẻ gần như là hình ảnh của kẻ mục tử, còng người xuống với trái tim, với ý nghĩ, với thân hình chỉ vì con chiên.  Ông đi tìm kiếm trên đất, truy tìm các dấu vết, mà ông biết chắc nhất và đã ghi khắc trong lòng bàn tay của mình (Is 49:16); ông đặt câu hỏi trong sự im lặng; để lắng nghe xem có còn vang vọng tiếng kêu be be của nó ở xa xa.  Ông gọi nó bằng tên, ông lặp lại tiếng gọi thông thường, với tiếng gọi mà mỗi ngày ông đã đón và đi theo nó.  Cuối cùng, ông đã tìm thấy nó.  Vâng, không thể nào khác được.  Nhưng không có sự trừng phạt nào, không đánh đập, không cay nghiệt.  Chỉ có một tình yêu vô biên và niềm vui tràn trề.  Thánh Luca nói rằng:  “Người đó vui mừng vác chiên lên vai…”  Và ông vui mừng, mở tiệc mừng tại nhà với bạn bè và hàng xóm của mình.  Thậm chí văn bản không hề cho biết xem người mục tử có trở lại sa mạc và đưa 99 con chiên kia về không.
Trước tất cả các điều này, rõ ràng, rất rõ ràng, rằng chúng ta nên là thuộc về phía một con chiên, con chiên lẻ loi, được yêu thương rất nhiều, được chiều chuộng theo cách đó.  Chúng ta nên nhận ra rằng nếu chúng ta đi lạc, đó là chúng ta phạm tội, nếu không có người chăn chiên thì chúng ta không là gì cả.  Đây là đoạn Tin Mừng tuyệt vời mà lời của sách Tin Mừng mời gọi chúng ta phải thực hiện ngày hôm nay:  tự giải thoát mình khỏi sức nặng của nền công lý giả định của chúng ta, loại bỏ hoặc gạt ra ngoài cái ách tự túc của chúng ta và cũng tự đặt mình về phía những kẻ tội lỗi, kẻ nhơ nhớp, kẻ trộm cắp.
Này đây, tại sao Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách hỏi chúng ta:  “Ai trong các ông?”
“Trong hoang địa” 
Đây là nơi chốn của sự công chính, của những kẻ tin rằng họ là người công chính, không tội lỗi, không tì vết.  Họ chưa bước vào Đất Hứa, họ hãy còn ở ngoài, rất xa, xa cách khỏi niềm hân hoan, khỏi lòng thương xót.  Giống như những người chưa nhận lời mời đến dự yến tiệc của nhà vua và những kẻ đã thoái thác, một số người nại cớ, những kẻ khác với lý do khác.
Trong hoang địa và không ở trong nhà, giống như là con chiên lạc.  Không tại bàn tiệc của người mục tử, nơi có bánh ngon và nhiều, nơi có rượu làm sảng khoái con tim.  Bàn tiệc được dọn sẵn bởi Chúa:  Mình và Máu Thánh Chúa.  Nơi chính Người Mục Tử lại trở thành con chiên, Con Chiên toàn thiêu, nuôi dưỡng sự sống.
Kẻ nào không yêu thương anh em mình, kẻ không mở lòng mình ra với lòng thương xót, giống như người Mục Tử của bầy chiên đã làm, thì không thể bước vào nhà, mà phải ở bên ngoài.  Hoang địa là di sản của hắn ta, là nơi cư trú của hắn.  Và trong hoang địa thì không có thức ăn, không nước uống, không đồng cỏ, cũng chẳng có chuồng cho đàn chiên.
Chúa Giêsu ăn uống cùng với những kẻ tội lỗi, với người thu thuế, với gái điếm, với những kẻ cùng khốn, với kẻ bị hắt hủi và Chúa chuẩn bị bàn tiệc, bữa tiệc của Người với các món ăn phong phú và rượu hảo hạng, với thức ăn thơm ngon (Is 25:6).  Người cũng mời gọi chúng ta ngồi vào bàn tiệc này.
c)  Những đoạn Kinh Thánh song song cách thú vị: 
Sách thứ hai Samuen 12:1-4:
Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo.  Người giàu thì có chiên, dê và bò, nhiều lắm.  Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất mà ông đã mua.  Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông:  ông xem nó như một đứa con gái…
Mátthêu 9:10-13:
Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông Mátthêu, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.  Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng:  “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”  Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói:  “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.  Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này:  “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần tế lễ.  Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
Luca 19:1-10:
Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy.  Ở đó có một người tên là Giakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.  Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.  Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.  Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông:  “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”  Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.  Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau:  “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”  Ông Giakêu đứng đó thưa với Chúa rằng:  “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.  Đức Giêsu nói với ông ta rằng:  “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham.  Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
Luca 7:39:
Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng:  “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào:  một người tội lỗi!”
Luca 5:27-32:
Sau đó, Đức Giêsu đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế.  Người bảo ông:  “Anh hãy theo tôi!”  Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.  Ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông.  Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài.  Những người Pharisêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giêsu rằng:  “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”  Đức Giêsu đáp lại họ rằng:  “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.  Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”
Mátthêu 21:31-32:
Đức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông:  những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.  Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin.  Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”
d)  Vài nhận xét ngắn gọn của truyền thống tâm linh thuộc Dòng Cát Minh:
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu:
Nói về linh mục Giacinto Loyson, người đã rời Dòng Cát Minh và sau đó từ bỏ Giáo Hội, thánh Têrêsa viết cho chị Céline như sau:  “Điều chắc chắn là Chúa Giêsu mong muốn thì nhiều hơn so với việc chúng ta làm để đưa con chiên lạc đàn này trở về…” (Thư 129).
“Chúa Giêsu tước đi sự hiện diện hợp lý của mình khỏi đoàn chiên, để ban niềm an ủi cho những người tội lỗi…” (Thư 142).
Nói về tử tội Pranzini, người mà thánh Têrêsa đã đọc lời sám hối của anh ta tại thời điểm cao nhất, người mà ngay trước giờ bị hành hình, cầm lấy cây thánh giá, đã hôn lên những dấu thánh, bà viết:  “Sau đó, linh hồn của Pranzini đã đi để nhận được sự xét xử thương xót của Đấng tuyên bố rằng trên Thiên Đàng sẽ có niềm vui lớn lao vì chỉ một người tội lỗi ăn năn thống hối hơn là 99 người không cần phải ăn năn đền tội…” (MA 46 r).
Chân Phước Êlisabéth:
“Vị linh mục trong tòa giải tội là thừa tác viên của Thiên Chúa, Đấng rất nhân hậu tốt lành để lại 99 con chiên trung thành của mình để chạy đi kiếm một con chiên lạc…” (Trích Nhật Ký, 13/03/1899).
Thánh Gioan Thánh Giá:
“Mong muốn của Người thật tuyệt vời đến nỗi mà Đức Lang Quân sẽ giải thoát và cứu chuộc vợ mình khỏi tay của nhục dục và ma quỷ, để thực hiện điều này, Người vui mừng như vị Mục Tử nhân từ, Đấng mà sau khi nỗ lực tìm kiếm khắp nơi, ông đã tìm thấy con chiên lạc và với niềm vui khôn xiết, ông vác chiên lên vai mà trở về” (CB XXI, Chú Giải).
3.  LỜI CHÚA VÀ CUỘC SỐNG
Một vài câu hỏi:
  “… mất đi một con chiên…”  Bài Tin Mừng ngay lập tức gợi sự chú ý của chúng ta về thực tại rõ ràng và đau khổ của việc đi lạc, của sự mất mát.  Đó là một con chiên trong đàn đi lạc, lìa xa khỏi những con chiên khác.  Đó không phải là câu thắc mắc duy nhất về sự kiện, điều gì đó đã xảy ra, nhưng đúng hơn là đặc tính của con chiên; trên thực tế, trong câu 6, nó được gọi là “con chiên lạc”, như thể đây là tên thật của nó.
Đây là điểm khởi đầu, sự thật.  Bởi vì nó nói về chúng ta.  Chúng ta là những người con bỏ đi xa, những đứa con đi lạc, những đứa con lầm lỗi; nghĩa là, những phường tội lỗi, kẻ thu thuế.  Thật là vô ích để tiếp tục tin rằng chúng ta là người công chính, cho rằng chúng ta tốt lành hơn những kẻ khác, xứng đáng với Nước Trời, với sự hiện diện của Thiên Chúa, gần như với quyền càu nhàu, xầm xì phàn nàn về Chúa Giêsu, Đấng lại đi quan tâm đến những kẻ phạm lỗi.  Tôi nên tự hỏi lòng, trước bài Tin Mừng này, tôi đã có sẵn sàng thực hiện hay hoàn tất con đường hoán cải sâu sắc, con đường của sự cải sửa nội tâm mạnh mẽ này chưa?  Tôi phải quyết định mình sẽ muốn đứng về phía nào:  để cho mình được vác trên vai của người chăn chiên hay là tiếp tục đứng ở đàng xa, nghĩa là đứng một mình, với sự công chính của riêng tôi. Nhưng nếu tôi không biết sử dụng lòng thương xót như thế nào, nếu tôi không biết cách để chấp nhận, tha thứ, qúy trọng, thì làm sao tôi có thể mong đợi tất cả những điều này cho bản thân mình được?
–  “…để chín mươi chín con khác trong hoang địa…”  Tôi nên mở mắt nhìn vào thực tế này:  hoang địa.  Tôi nghĩ là mình đang ở đâu?  Tôi đang sống ở đâu?  Tôi đang đi đâu?  Đồng cỏ xanh của tôi ở nơi nào?  Tôi có tin rằng mình đang an toàn không, rằng tôi đang sống trong nhà của Chúa, trong số những con cái trung thành của Ngài không, nhưng có lẽ sự thật là như thế.  Tác giả Thánh Vịnh nói rằng:  “Trong đồng cỏ xanh rì, Chúa cho tôi nằm nghỉ”.  Nhưng tôi có cảm thấy mình đang ngơi nghỉ không?  Thế thì, tại sao tôi lại lo lắng, bồn chồn, không hài lòng, luôn tìm kiếm cái gì đó nhiều hơn, tốt hơn, sang trọng hơn như thế? Tôi nhìn lại cuộc đời mình:  nó không phải hơi giống như hoang địa sao?  Nơi nào không có tình yêu thương và lòng trắc ẩn, nơi nào tôi vẫn còn sống khép kín khỏi anh chị em tôi và tôi không biết cách chấp nhận họ như chính họ, với những thiếu sót của họ, với các lỗi lầm mà họ đã phạm, trong đau khổ, mà có lẽ họ đã gây ra cho tôi, thì nơi đó hoang địa bắt đầu, nơi đó tôi gầy đi và tôi cảm thấy đói khát.  Đây là thời điểm để cho con tim tôi được thay đổi:  nhận ra bản thân mình đáng thương như thế để trở thành có lòng xót thương.
  “… ông đi tìm con chiên lạc cho đến khi tìm được…”  Chúng ta thấy văn bản mô tả rất tế nhị hành động của người mục tử:  ông để lại tất cả đoàn chiên và đi tìm một con chiên duy nhất bị lạc.  Động đừ được dùng có vẻ hơi lạ, nhưng rất hiệu quả.  Giống như tiên tri Hôsêa nói về Thiên Chúa, rằng Chúa nói với Dân của Người mà Ngài yêu thương, giống như người phối ngẫu:  “Ở đó, Ta sẽ cùng nó thổ lộ tâm tình” (2:16).  Đó là một sự di chuyển, đang được thực hiện bởi tình yêu; một bệnh nhân cúi xuống, kiên trì, không bỏ cuộc, nhưng luôn cố nài.  Thực ra, tình yêu đích thực thì không bao giờ suy giảm.  Chúa hành động theo cách này đối với mỗi người con của mình.  Về phần tôi, nếu tôi nhìn lại, nếu tôi suy nghĩ lại quá khứ của mình, thì tôi sẽ nhận thức được tình yêu bao la như thế nào, bao nhiêu là kiên nhẫn, bao nhiêu là đau khổ, Ngài cũng đã trải qua vì tôi, để đi tìm tôi, để cho tôi lại những gì tôi đã lãng phí và đánh mất.  Người chưa bao giờ bỏ rơi tôi.  Tôi nhận ra điều này, sự thật là như thế.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, tôi phải làm gì, với một tình yêu nhưng không như thế, với một tình yêu tuyệt vời, tràn đầy như vậy?  Nếu tôi giữ kín nó trong tim tôi, nó sẽ bị lạc mất.  Nó không thể được giữ lại cho đến ngày mai, giống như bánh manna; nếu không nó sẽ bị sâu mọt, nó sẽ trở nên ung thối.  Hôm nay, tôi phải chuyển giao nó, phân phát nó, truyền bá nó.  Hãy coi chừng, nếu tôi không yêu thương.  Và tôi cố gắng nghĩ về thái độ của tôi đối với anh chị em tôi, những người mà tôi gặp gỡ mỗi ngày, những người mà tôi chia sẻ đời sống của mình.  Tôi cư xử với họ ra sao?  Ít nhất, trong một số cách nào đó, tôi có giống như người mục tử tốt đẹp, người mục tử nhân lành, người đi tìm kiếm, đến gần, cúi xuống với sự dịu dàng, ân cần, tình bằng hữu, hoặc thậm chí với tình yêu thương không?  Hay là tôi lại hời hợt, thật sự tôi không quan tâm đến bất cứ ai, tôi để mặc mọi người cho sự lựa chọn riêng của họ, để họ sống với nỗi sầu khổ của họ, không chuẩn bị sẵn sàng, trong bất kỳ cách nào, mà chia sẻ với họ, cùng gánh vác chung với nhau không?  Tôi là loại anh chị em nào?  Tôi là loại người cha hoặc mẹ nào?
  “Anh em hãy chia vui với tôi!”  Đoạn Tin Mừng kết thúc bằng một bữa cỗ, sau đó trở thành một bữa yến tiệc thật và thích hợp, theo lời mô tả mà thánh Luca đưa ra tại cuối bài dụ ngôn.  Một bữa ăn của nhà vua, một bữa tiệc long trọng, với những món ăn ngon nhất, được dọn ra, với các con vật nuôi béo, cho dịp này, với những y phục đẹp nhất, với giày trong chân và nhẫn đeo nơi ngón tay.  Niềm vui sướng luôn trở nên tuyệt vời hơn, khi được chia sẻ, niềm vui chung.  Đây là lời mời gọi mà Chúa Cha, vị Vua, nói với chúng ta mỗi ngày, mỗi sáng.  Người mong muốn rằng chúng ta cũng tham dự vào trong niềm vui của Người bởi vì việc trở về của con cái Ngài, anh em chúng ta.  Điều này có là cho tôi buồn không, có khiến cho tôi tức giận không?  Tôi có muốn thà ở lại một cách êm ấm, có lẽ với một khuôn mặt hăm dọa của một người muốn làm cho ra lẽ với những người phạm lỗi, với những người lạc đường lầm lối hay người khác không?  Con tim tôi có đã mở sẵn chưa, nó đã sẵn sàng cho niềm vui mừng này của Thiên Chúa chưa?  Hay là tôi muốn đứng ngoài, có lẽ để phản kháng hay để quở trách những gì dường như không được đúng đối với tôi, có nghĩa là, một phần di sản tương ứng với tôi, một giải thưởng đặc biệt hoặc một phần thưởng để ăn mừng với bất cứ ai mà tôi muốn không?  Nhưng tôi hiểu rõ rằng nếu tôi không bước vào bàn tiệc Thiên Chúa ngay bây giờ, nơi mà những người nghèo khó đã được mời, những kẻ tật nguyền, què cụt, đui mù, những kẻ mà không ai đoái hoài; nếu tôi không tham gia vào niềm vui chung của lòng thương xót, tôi sẽ mãi mãi đứng ngoài, buồn bã, sống riêng mình, trong bóng tối và khóc lóc, như Tin Mừng đã nói.
4.  LỜI CHÚA TRỞ THÀNH LỜI CẦU NGUYỆN
a)  Thánh Vịnh 103:1-4, 8-13
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tung Thánh Danh!
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
Chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lương hải hà,
ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,
khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
Nhưng đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
b)  Lời Nguyệt Kết
Lạy Chúa Cha nhân từ và đầy lòng thương xót, con ngợi khen Chúa vì tình yêu của Chúa mà Chúa đã mặc khải cho chúng con trong Đức Kitô, Con Chúa!  Lạy Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, kêu mời mọi người trở nên có lòng thương xót.  Xin Chúa hãy giúp con nhận ra rằng mỗi ngày con cần sự tha thứ, lòng từ ái của Chúa, rằng con cần tình yêu thương và lòng cảm thông của anh chị em con.  Nguyện xin cho Lời Chúa có thể cải đổi trái tim con và khiến cho con có khả năng theo chân Chúa Giêsu, ra đi mỗi ngày, cùng với Người để đi tìm anh em con trong tình yêu thương.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét