Trang

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

26-07-2019 : THỨ SÁU - TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN - THÁNH GIOAKIM VÀ THÁNH ANNA - Lễ Nhớ


26/07/2019
Thứ sáu tuần 16 thường niên
Thánh Gioakim và thánh Anna.
Lễ nhớ

Theo một truyền thống cổ xưa, có thể vào thế kỷ 2. Thánh Gioakim và thánh Anna là song thân của Đức Trinh Nữ Maria. Lòng sùng kính thánh Anna được phổ biến ở phương Đông vào thế kỷ 6, và ở phương Tây vào thế kỷ 10.
Còn thánh Gioakim cũng được tôn kính như thế, nhưng muộn hơn, lối thế kỷ 17.

BÀI ĐỌC I: Hc 44, 1. 10-15
“Miêu duệ họ tồn tại đến muôn đời”.
Trích sách Huấn Ca.
Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ chúng ta qua các thời đại. Có những người nhân hậu, mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên. Dòng dõi họ được hưởng hạnh phúc, và họ sẽ có con cháu nối dòng, miêu duệ họ trung thành với lời giao ước và con cái họ nhờ họ cũng được trung thành. Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ. Thân xác họ được chôn cất bình an, tên tuổi họ sẽ sống đời này qua đời nọ. Sự khôn ngoan của họ cộng đoàn truyền tụng, và công hội thuật lại lời ngợi khen họ. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 131, 11. 13-14. 17-18
Đáp: Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người (Lc 1, 32a).
Xướng:
1) Chúa đã thề hứa cùng Đavít một lời hứa quả quyết mà Người sẽ chẳng rút lời, rÄng: “Ta sẽ đặt lên ngai báu của ngươi một người con cháu thuộc dòng giống ngươi”. – Đáp.
2) Bởi chưng Chúa đã kén chọn Sion, đã thích lựa Sion làm nơi cư ngụ cho mình. Ngài phán: “Đây là nơi nghỉ ngơi của Ta tới muôn đời, Ta sẽ cư ngụ nơi đây, vì Ta ưa thích”. – Đáp.
3) Tại đó, Ta sẽ gầy dựng một uy quyền cho Đavít, sẽ chuẩn bị ngọn đèn sáng cho người được Ta xức dầu. Ta sẽ bắt những kẻ thù ghét người tủi hổ, nhưng triều thiên của Ta chiếu sáng rực rỡ trên mình người. – Đáp.

ALLELUIA: x. Lc 2, 25c
Alleluia, alleluia! – Các ngài mong đợi niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần ngự trong các ngài. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 13, 16-17
“Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe”. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Cha Mẹ Đức Maria: Thánh Gioakim Và Anna
Trong Tin Mừng không thấy tên các Ngài. Truyền thống cho chúng ta biết cha mẹ Đức Ma-ri-a gọi tên là Gioakim và Anna.
Thánh Gioakim không được sùng kính, nhưng thánh Anna thì khác.
Sùng kính quảng đại quần chúng.
Lòng sùng kính thánh Anna rất phổ thông trên đất Mỹ Châu ngay thời kỳ di dân. Lòng sùng kính Thánh Anna có từ lâu đời ở Bretagne. Với số nhà thờ kể không xiết.
Với niềm tin mạnh mẽ, đơn sơ, đẹp đẽ của chúng ta. Chúng ta tin rằng Thánh Anna là mẹ Đức Ma-ri-a. Niềm tin đó càng dễ dàng, mạnh mẽ đón nhận vì Đức Ma-ri-a được sinh ra bởi một người cha và một bà mẹ như bao nhiêu xác phàm khác.
Đôi cha mẹ.
Dù cha mẹ Ngài có tên này hay tên khác, không cần bàn đến. Chúng ta tôn kính các Ngài chỉ vì các Ngài đã ban cho chúng ta Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Đó là lần độc nhất trong lịch sử các thánh mà chúng ta tôn kính các Ngài. Dù các Ngài không có tên trong danh sách chính thức các thánh. Công phúc độc nhất của các Ngài mà không thánh nào có được là các Ngài làm cha làm mẹ Đức Ma-ri-a.
Thật là mầu nhiệm đức tin! Thánh Anna và Gioakim không hồ nghi gì về con các Ngài lớn lên là tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa, Mẹ Thiên Chúa ! các Ngài không thể đoán biết danh tiếng các Ngài sẽ vượt mọi biên giới thời gian, nhưng danh đó như hoa nở, vì các Ngài đã gieo hạt hoa hồng mầu nhiệm, gieo hạt hoa huệ tinh tuyền.
“Lạy Chúa, chúc tụng Ngài đã vinh thăng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a”.



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 16 TN1, Năm lẻ
Bài đọcExo 20:1-17; Mt 13:18-23.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giữ cẩn thận Lời của Thiên Chúa. 
Có hai quan niệm rất khác nhau về Lề Luật: Thứ nhất, quan niệm đương thời cho Lề Luật là những gì gò bó, ngăn cản sự tự do của con người. Vì thế, họ chủ trương càng ít luật càng tốt. Hiện đang có phong trào chống lại việc trưng bày Mười Điều Răn nơi các tòa án. Thứ hai, quan niệm của người Do-thái, họ rất hãnh diện với Thập Giới, vì đây là những điều mà Thiên Chúa đã thân hành ban cho họ để biết cách sống hạnh phúc.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên sự quan trọng tuyệt đối của Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa đã thân hành hiện ra và ban Thập Giới cho dân Israel qua Moses trước khi họ vào Đất Hứa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cắt nghĩa cho các môn đệ dụ ngôn “Người gieo giống.” Ngài đưa ra những lý do tại sao tất cả cùng nghe Lời Chúa, thế mà có người chẳng được lợi ích chi cả; trong khi những người khác sinh hoa kết trái, người được 30, được 60, hay được 100.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thập Giới (deca-logue tiếng Anh, deka-logoi, tiếng Hy-lạp): là mười lời hay 10 câu mà Thiên Chúa ban cho dân Israel. Những lời này là món quà vô giá của Thiên Chúa. Ngài mong muốn con người phải tuyệt đối thi hành để được sống hạnh phúc muôn đời. Theo trình thuật của Sách Xuất Hành hôm nay và Sách Đệ Nhị Luật (Deut 5:6-21), Thiên Chúa là tác giả của Thập Giới, vì những lời ngay từ đầu: “Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây.” Một số học giả Kinh Thánh cho đây là những qui luật mà các nhà lãnh đạo Israel tổng hợp lại qua các thời đại. Thập Giới được chia thành hai phần: phần một gồm 3 điều và phần hai gồm 7 điều.
1.1/ Phần một: Phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự: Phần này mô tả sự liên hệ giữa Thiên Chúa và con người.
(1) “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi … Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” là phần chính yếu. Các câu khác thêm vào có mục đích cắt nghĩa cho rõ ràng hơn. Giới răn thứ nhất ngăn cấm con người không được thờ bất cứ thần nào khác ngoài Thiên Chúa.
(2) Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng. Giới răn thứ hai ngăn cấm con người kêu tên cực trọng của Thiên Chúa, YHWH, cách vô cớ: chỉ được kêu để chúc lành (Gen 4:26, Psa 72:19); không được kêu để chửi rủa hay thề thốt.
(3) Ngươi hãy nhớ ngày Sabbath. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sabbath kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi.
1.2/ Yêu thương tha nhân: Nhiều người gọi 7 luật kế tiếp là những luật tự nhiên (natural laws), những điều này mô tả sự liên hệ giữa con người với con người.
(4) Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Đây là giới răn duy nhất có kèm theo lời hứa được sống lâu.
(5) Ngươi không được giết người. Giới răn thứ năm muốn bảo vệ sự thánh thiêng của sự sống. Giết người ngoài chiến trận được phép vì để bảo vệ quyền sống của mình.
(6) Ngươi không được ngoại tình. Giới răn thứ sáu bảo vệ sự thánh thiêng của hôn nhân và bảo vệ quyền của cả hai vợ chồng.
(7) Ngươi không được trộm cắp. Giới răn thứ 7 bảo vệ quyền sở hữu của tất cả mọi người trong xã hội.
(8) Ngươi không được làm chứng gian hại người. Giới răn thứ 8 ngăn cấm việc làm chứng gian cả nơi tòa án lẫn đời sống thường ngày.
Truyền thống Công Giáo chia giới răn cuối cùng làm hai phần. Hai giới răn thứ 9 và 10 ngăn cấm tất cả những ham muốn bất chính.
(9) Ngươi không được ham muốn vợ (hay chồng) người ta. Giới răn này dựa trên lời Chúa Giêsu dạy: “Ai nhìn xem người phụ nữ và ước ap phạm tội với họ, thì đã phạm tội ngoại tình rồi.”
(10) Ngươi không được ham muốn nhà người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn người gieo giống.
Như nhà nông phải chuẩn bị thửa ruộng bằng cách cầy bừa để nhặt đi tất cả sỏi đá và gai góc, san phẳng và giữ đất cho ẩm trước khi gieo hạt giống vào; con người cũng phải chuẩn bị tâm hồn bằng cách dành thời gian cho tâm hồn lắng đọng xuống, xua đi tất cả những lo toan và bất an của cuộc sống, cầu xin Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn trước khi nghe Lời Chúa. Chúa Giêsu đưa ra 4 trường hợp cụ thể của những người nghe Lời Chúa và hậu quả:
(1) Miền vệ đường: Chúa Giêsu cắt nghĩa: “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.”
Đây là những người có thái độ khinh thường hay không quan tâm đến những gì Chúa dạy: Những người tham dự Thánh Lễ cách chiếu lệ, đi lễ trễ khi Lời Chúa đã bắt đầu, ra ngoài hút thuốc, hay nói chuyện, hay ngủ gật, hay để trí óc viễn du, khi linh mục cắt nghĩa Lời Chúa. Những người không bao giờ chịu tham dự các dịp tĩnh tâm giáo xứ hay học hỏi Lời Chúa dưới bất cứ hình thức nào. Với thái độ khinh thường Lời Chúa như thế, làm sao Lời Chúa có thể vào trong tâm hồn để sinh lợi ích được!
(2) Miền sỏi đá: Chúa Giêsu cắt nghĩa: “Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.”
Đây là những người cũng chịu chú ý nghe Lời Chúa, nhưng không chịu bỏ thời gian để học hỏi, để suy gẫm, và để đào sâu Lời Chúa. Họ dành rất nhiều thời gian để giải trí, trò chuyện, hay đọc những sách vô bổ; nhưng luôn than không có giờ để đọc Lời Chúa hay Lời Chúa khó hiểu! Nếu họ không hiểu Lời Chúa, làm sao họ có thể áp dụng trong cuộc sống để sinh ích cho cuộc đời họ!
(3) Miền bụi gai: “Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.”
Đây là những người chỉ quan tâm hay quá đặt nặng sự quan trọng của đời sống vật chất: Họ đặt những mối lợi vật chất trên sự kính mến Thiên Chúa và hiểu biết Lời Chúa. Họ chọn đi lễ nào cha giảng ngắn nhất, giờ lễ tiện nhất, mặc dù chẳng hiểu gì Lời Chúa hay Bài Giảng; để còn kịp giờ làm hay có nhiều giờ đi chơi, giải trí. Đây cũng là những người đặt lợi lộc vật chất trên tình nghĩa anh em. Họ không dám hy sinh lợi lộc vật chất để sống và làm chứng cho Lời Chúa.
(4) Miền đất tốt: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”
Đây là những người luôn đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự, ham muốn học hỏi, và thi hành Lời Chúa. Họ biết chuẩn bị tâm hồn, đọc trước và suy gẫm Lời Chúa trước khi tới nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Hơn nữa, họ luôn tìm dịp để học hỏi và nghiên cứu thêm; đồng thời biết áp dụng Lời Chúa trong mọi trường hợp của cuộc đời. Không lạ gì khi đời sống của họ luôn tăng trưởng về mọi phương diện: tâm linh, trí tuệ, tình cảm, và nhân bản.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thập Giới không giới hạn tự do của con người, nhưng là những điều tối cần để con người sống hạnh phúc và tránh cho con người những nguy hiểm trong cuộc đời.
– Để Lời Chúa có thể vào tâm hồn, đâm rễ sâu, và sinh hoa kết trái, chúng ta cần chuẩn bị tâm hồn, cầu xin sự soi sáng của Thánh Thần, và chuyên chăm học hỏi mỗi khi nghe Lời Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


26/07/2019 – THỨ SÁU TUẦN 16 TN
Th. Gio-a-kim và An-na, song thân Đức Ma-ri-a
Mt 13,16-17

LÀ NHÀ CÓ PHÚC
“Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe.” (Mt 13,16)

Suy niệm: Nói theo kiểu Việt Nam, “con hơn cha là nhà có phúc” thì quả là gia đình ông bà Gio-a-kim và An-na có phúc tới ba đời, bởi vì họ có một cô con gái “đầy ơn phúc” “hơn mọi người nữ” là Đức Ma-ri-a, và từ Đức Ma-ri-a, có người cháu ngoại là “Giê-su, con lòng Bà gồm phúc lạ.” Chúa Giê-su gọi các tông đồ là “có phúc” bởi vì chính tai các ông được nghe Chúa giải thích mầu nhiệm Nước Trời chứ không chỉ nghe qua dụ ngôn, và chính mắt các ông được thấy Ngài, Đấng Mê-si-a bằng xương bằng thịt chứ không phải qua hình bóng. Trong ngày lễ hai thánh song thân Đức Ma-ri-a, Lời Chúa trên đây được đặt trong bối cảnh gia đình. Gia đình là “nhà có phúc” khi mỗi người có thể nhìn thấy Đức Giê-su, “Đấng gồm phúc lạ” hiện diện nơi người thân của mình và đối xử với họ một cách yêu mến và kính trọng như đối xử với Chúa.
Mời Bạn: Dân gian thường gọi cha mẹ mình là hai vị phật sống trong nhà mà người ta phải hết lòng phụng dưỡng cho trọn bề hiếu thảo. Nhờ bí tích Rửa Tội, người Ki-tô hữu mang trong mình sự sống của Đức Ki-tô phục sinh, và nhờ đó có thể nhìn thấy, bằng cặp mắt đức tin, Chúa Giê-su hiện diện trong người anh chị em của mình. Khi bạn sống mầu nhiệm bí tích Rửa Tội với người thân của mình như thế, bạn đang thực thi một đức hiếu thảo và gia đình bạn đang hưởng một hạnh phúc cao quí hơn gấp bội phần.
Chia sẻ: Gia đình công giáo ngày nay ít cầu nguyện chung. Cả nhóm thảo luận tìm nguyên nhân và đề nghị giải pháp.
Sống Lời Chúa: Làm một việc thể hiện sự quan tâm chăm sóc đối với người thân trong gia đình bạn.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Gia Đình.
(5 Phút Lời Chúa)


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG BẢY
Thiên Chúa Muốn Thiết Lập Vương Quyền Của Ngài Trong Đời Sống Chúng Ta
Từ những suy tư rút ra từ các Thư của Thánh Phao-lô như trên, chúng ta có thể hiểu hơn giáo huấn của Đức Kitô về sự quan phòng bao trùm mọi sự của Cha trên trời (Mt 6,25-34 và Lc 12,22-31): “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi các thứ khác sẽ được ban thêm cho” (Mt 6,33; Lc 12,31).
Nói “trước hết”, Đức Giêsu cho thấy rõ Thiên Chúa muốn gì trước hết nơi mỗi chúng ta. Điều mà Thiên Chúa nhắm đến trước hết trong công cuộc sáng tạo thế giới, điều mà Ngài ao ước ở chung cuộc của thế giới chính là thiết lập “Nước của Ngài và sự công chính của Ngài” trong đời sống chúng ta. Toàn thể thế giới đã được tạo thành trong định hướng qui về Vương Quốc này. Thế giới được tiền định để đạt tới sự viên mãn của nó nơi con người và nơi lịch sử của con người trong thời gian của Thiên Chúa. Vương quyền của Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, đó là điều mà thế giới và con người được tiền định từ đời đời trong Đức Kitô.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 26/7
Thánh Joachim và thánh Anna,
song thân Đức Maria
Hc 44, 1.10-15; Mt 13, 16-17.

LỜI SUY NIỆM: “Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu rằng: Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? Người đáp: Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.”
          Lời Chúa, nếu những ai đọc và tìm hiểu theo cách của thế gian duy chỉ dùng trí tuệ thông minh của mình thì sẽ không thể đem lại sự sống cho mình; nó chỉ là những lời hay ý đẹp mà thôi, không đem lại sự sống đời đời cho mình. Chỉ có những ai đọc Lời Chúa với niềm tin vào Người, Người là Thiên Chúa tạo đựng và cứu độ; thì sẽ được ơn ban của Người và Thần Khí Người soi sáng, dẫn đưa đem lại sự sống đời đời cho mình.
          Lạy Chúa Giêsu. Chúa cho chúng con biết: Những ai đã có thì được cho thêm. Xin cho chúng con ngày càng được ân nghĩa với Chúa, hiểu sâu Lời Chúa và được sống trong tình yêu của Chúa, để chúng con ngày sau được cùng vui hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 26-07: Thánh GIOAKIM VÀ ANNA
Phụ Mẫu Của Đức Trinh Nữ Maria

Chúng ta không biết chắc được điều gì về cha mẹ của Đức Trinh Nữ. Những điều liên quan tới các Ngài mà chúng ta biết được là do các ngụy thư, đầy tính chất hoang đường. Khi óc tò mò của dân chúng không được thỏa mãn với các chi tiết thánh kinh và thánh truyền cung ứng cho, thì óc tưởng tượng đã lấp đầy khoảng trống.
Cuốn ngụy thư “Phúc âm thánh Giacôbê”, một văn nguồn vào thế kỷ thứ II, có nhiều chỉ dẫn liên quan đến cha mẹ và cuộc đời thơ ấu của Đức Trinh nữ. Những chỉ dẫn này rất giống câu chuyện về tuổi trẻ của Samuel trong sách ISm 1-2. Các học giả cho rằng chúng chỉ cho là một sự bắt chước, chính danh xưng Anna cũng không có gì chắc chắn vì nó trùng với tên mẹ tiên tri Samuel.
Dường như khuôn mặt Gioakim cũng dựa một phần vào người chồng của Suzana trong sách Daniel 13. Cần phải nhớ rằng thánh Luca khi dùng những chương sách ISm làm khung cho bản tường thuật về cuộc sinh hạ và tuổi trẻ của thánh Gioan Tẩy giả, Ngài đã cẩn thận dùng sự kiện lịch sử để bảo đảm sự sống đời này.
Tuy nhiên nét đẹp của câu chuyện, như hầu hết các truyện thần thoại khác, đều có giá trị biểu trưng của nó, truyện kể rằng ông bà Gioakim và Anna son sẻ. Đây là một thử thách lớn lao đối với các Ngài. Nhưng một thiên thần đã báo cho biết họ sinh một con trẻ, họ sẽ đặt tên là Maria và cung hiến cho Thiên Chúa. Nếu các Ngài chọn đau khổ là vì mọi đóng góp vào công cuộc cứu rỗi đều bao hàm sự chia sẻ thánh giá với Chúa Kitô.
Đàng khác, sự son sẻ của Anna gợi lên chủ đề quen thuộc trong Cựu ước, theo đó con trẻ là quà tặng của Thiên Chúa. Điều này được nhấn mạnh đặc biệt trong truyền thống về các tổ phụ Isaac, Giacob và Giuse về quan án Samson và tiên tri Samuel. Các Ngài đều sinh ra bởi các bà mẹ không có hy vọng sinh con. Định mệnh của Thiên Chúa chỉ bởi Thiên Chúa mà thôi.
Người Israel chân chính viết rằng mình không thể tự mãn được và phải tùy thuộc vào sáng kiến của Thiên Chúa. Huyền thoại đặt cuộc sinh hạ của Đức trinh Nữ Maria vào dòng tư tưởng này như cao điểm của chủ đề và sự bất lực của con người trước uy quyền của Thiên Chúa.
Việc tôn sùng thánh Anna có từ thế kỷ thứ VI bên Đông phương vào đầu thế kỷ VIII bên Roma. Cuối thời Trung Cổ, lòng sùng kính lan rộng khắp Au Châu. Dường như năm 1382 do sự khẩn nài của nước Anh, lễ kính Ngài lần đầu tiên được mừng hàng năm. Nhưng chỉ mới từ hai thế kỷ gần đây lễ này mới được ghi vào lịch chung Roma.
(daminhvn.net)


26 Tháng Bảy
Vết Sẹo Nơi Bàn Chân
Ông Khấu Chuẩn, người đời nhà Tống, đất Hạ Bì, lúc nhỏ là một cậu bé lêu lổng, ham chơi. Bà mẹ vốn là người nghiêm khắc, nên thường hay quở phạt ông. Tuy nhiên, tính nào vẫn tật ấy, Khấu Chuẩn vẫn không thay đổi. Một hôm, ông trốn học đi chơi, bà mẹ giận quá cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa… Từ đó, ông đã bỏ hẳn tính lêu lổng phóng túng, chỉ lo chuyên cần học tập. Về sau đỗ đạt, ông được bổ làm tể tướng. Mỗi khi sờ đến vết sẹo ở bàn chân, ông khóc nức nở: “Chính vết thương này đã làm ta nên người”.
Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Thương tích dường như là một điều thiết yếu trong cuộc sống. Vấp ngã là điều thường tình trong thân phận con người. Chúng ta không nhìn lại những vết sẹo trong tâm hồn để nuối tiếc quá khứ, nhưng để nhận rõ dấu chỉ của một tình thương bao la cao cả hơn. Phải, Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và tội lỗi của con người. Nói như thánh Phaolô: nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng của Chúa càng dồi dào.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét