Trang

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

31-03-2020 : THỨ BA - TUẦN V MÙA CHAY


31/03/2020
 Thứ ba tuần 5 Mùa Chay


BÀI ĐỌC I: Ds 21, 4-9
“Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”.
Trích sách Dân Số.
Trong những ngày ấy, các người Do-thái rời bỏ núi Hor, theo con đường về phía Biển Đỏ, để vòng quanh xứ Eđom. Dân chúng đi đường xa mệt nhọc, nên nản chí, kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”.
Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người, họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”. Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 101, 2-3. 16-18. 19-21
Đáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa (c. 2).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa. Xin Chúa đừng ẩn giấu thánh nhan, trong ngày con phải phiền muộn. Xin Chúa lắng tai nghe con, khi con cầu nguyện, Chúa mau nhậm lời. – Đáp.
2) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Ngài xuất hiện trong vinh quang xán lạn; Ngài sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van.- Đáp.
3) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã ngó xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 94, 8ab
Hôm nay các ngươi đừng cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa phán. 

PHÚC ÂM: Ga 8, 21-30
“Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được”.
Người Do-thái nói với nhau rằng: “Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói ‘Nơi Ta đi các ông không thể tới được’?”
Chúa Giêsu nói tiếp: “Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông”.
Vậy họ liền hỏi: “Ông là ai?” Chúa Giêsu trả lời: “Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Đấng đã sai Ta là Đấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài”.
Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Điều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Đấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”. Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Vai Trò Của Ðấng Messia
Bài Tin Mừng trên đây là đoạn tiếp nối cuộc tranh luận về lời chứng của Chúa Giêsu đối với bản thân Người. Trong đoạn đầu của cuộc tranh luận này, Chúa Giêsu đã nhắc đến Cha mình, nhưng những người pharisiêu không hiểu là Người nói đến Thiên Chúa Cha. Trong đoạn chúng ta nghe đọc hôm nay, Chúa Giêsu lại nói về nguồn gốc thượng giới của Người và lại nhắc đến Cha Người. Chúa Giêsu đứng trên quan điểm của Ðấng Mêssia để rao giảng sứ điệp cứu thế, trong đó Người nói lên nguồn gốc thần linh của mình và giới thiệu chương trình cứu độ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người thực hiện ở trần gian.
Kể từ khi công khai ra đi rao giảng, tất cả những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu đều tập trung vào việc phổ biến ý định cứu thế của Thiên Chúa Cha. Từ việc kêu gọi mọi người ăn năn sám hối đến việc thi ân giáng phúc cho những người thành tâm thiện chí và cảnh cáo phê bình những kẻ lầm lạc cố chấp, Chúa Giêsu cho thấy Người luôn luôn làm theo thánh ý Chúa Cha. Những người Pharisiêu thì đứng trên quan điểm phe nhóm họ. Họ cũng nói về vai trò của Ðấng Mêssia, nhưng là một Ðấng Mêssia phù hợp với lối nghĩ lối sống đã bị tục hóa của họ. Bị chi phối mạnh mẽ bởi cách nhìn này, họ đọc nhưng không hiểu được những lời Kinh Thánh tiên báo về sự xuất hiện của Ðấng Kitô. Trong cách hiểu của họ, Ðấng Kitô có lai lịch và diện mạo khác hẳn với con người và tự xưng là Cứu Chúa này. Bởi thế, càng nghe những lời Chúa Giêsu giảng, càng thấy các việc Chúa Giêsu làm, họ càng tìm cách chống đối quyết liệt. Họ muốn chứng minh cho dân chúng thấy rằng Chúa Cha và Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng chỉ là một trò bịp bợm mà thôi.
Khi tự xưng mình là Ðấng Hằng Hữu, Chúa Giêsu có ý nhắc cho họ nhớ lại lời Giavê Thiên Chúa đã tỏ danh tánh Ngài ra cho ông Môisen trước khi giao cho ông sứ mạng giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ của người Ai Cập. Kể từ đó, danh xưng Giavê Thiên Chúa là Ðấng Hiện Hữu trở thành một danh xưng tối thượng đối với người Do Thái. Nhắc đến danh xưng này là nhắc đến chính Ðấng Tối Cao. Trong lịch sử Israel chưa hề có một ngôn sứ nào dám dùng danh xưng này để nói về chính bản thân mình, vậy mà Chúa Giêsu dùng đến danh xưng tối thượng ấy, ắt hẳn Người phải có một lý do cực kỳ trọng đại. Những người pharisiêu không hiểu và cũng chẳng muốn hiểu lời Chúa Giêsu nói. Lắm lúc chúng ta cũng sống theo cách nghĩ của những người pharisiêu trên đây. Trong lúc Chúa Giêsu phục sinh đang nỗ lực tác động trên mọi lãnh vực của thế giới hôm nay để kéo con người lên cùng Thiên Chúa, Người tác động qua Giáo Hội, qua Lời Chúa, qua các bí tích, các công việc phục vụ của người Kitô. Người cũng tác động các tập thể thành tâm thiện chí của nhân loại, các hệ thống tư tưởng quảng bá chân thiện mỹ, các mối quan hệ xây dựng hòa bình và hạnh phúc cho con người, các công cuộc giúp thăng tiến đời sống đích thực và toàn diện của con người. Trong khi Chúa Giêsu làm như vậy, thì chúng ta, chúng ta lại làm theo hướng ngược lại, chúng ta dần dần phàm tục hóa đời sống của chính mình và của những người chung quanh bằng những suy nghĩ và hành động chỉ dựa trên những loài thú vật mà thôi. Con người và vũ trụ có nguồn gốc từ Thiên Chúa Hằng Hữu và sẽ trở về với cội nguồn Hằng Hữu ấy. Nhưng đôi khi chúng ta cứ muốn giữ tất cả nằm lại trong thế giới thụ tạo hữu hạn này mà thôi.
Lạy Thiên Chúa là Ðấng hằng có đời đời và là nguồn gốc của mọi sự. Xin ban cho con ơn biết cộng tác với Chúa và với anh chị em trong việc thăng tiến con người và thế giới, góp phần đưa con người và thế giới về với Chúa, về với nguyên thủy nguồn gốc của mọi loài mọi vật.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần V MC
Bài đọcNum 21:4-9; Jn 8:21-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết nắm lấy cơ hội để được sống.
Để thành công trong thương trường, một người cần 4 yếu tố: con người, cơ hội, thời gian, và sản phẩm; điều quan trọng hơn cả là cơ hội. Cơ hội sẽ đến với mọi người, nhưng để có thể sinh lợi ích, con người phải nắm lấy cơ hội. Khi cơ hội đã qua, có thể chúng sẽ không bao giờ trở lại. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế: con người không sống mãi, họ chỉ có nhiều nhất 100 năm để học hỏi và tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô. Ngài sẽ ban cho mọi người có cơ hội để học biết và tin tưởng vào Đức Kitô. Họ phải biết lợi dụng thời gian và nắm lấy cơ hội để học biết Đức Kitô và tin vào những gì Ngài rao giảng. Nếu họ không biết dùng thời gian và bỏ lỡ cơ hội để học biết và tin vào Ngài, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của họ: được cứu độ hay phải hư đi.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người phải biết nắm lấy cơ hội. Trong Bài Đọc I, Sách Dân Số tường thuật việc dân chúng không biết nắm lấy cơ hội luyện tập trong sa mạc. Họ kêu trách Thiên Chúa và Moses vì thiếu thức ăn hợp khẩu và nước uống. Hậu quả của việc kêu trách là họ bị rắn lửa tiêu diệt. Nhưng Thiên Chúa vẫn thương yêu và cho họ cơ hội thứ hai: ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng mà Moses giương cao trên cây, sẽ được cứu sống. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho người Do-thái ý nghĩa của biến cố trong Sách Dân Số: Họ phải tin vào Ngài, nếu không họ sẽ chết trong tội của họ. Nếu họ không tin vào Ngài khi còn sống, họ phải tin Ngài khi Ngài bị giương cao trên Thập Giá. Nếu họ bỏ lỡ cả hai cơ hội để tin vào Ngài, họ sẽ chết trong tội của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ông Moses giương cao “con rắn” trong sa mạc để cứu dân khỏi chết.
1.1/ Thiên Chúa thanh luyện dân 40 năm trong sa mạc: Mục đích của Thiên Chúa khi bắt dân phải lang thang trong sa mạc suốt 40 năm là để chuẩn bị cho dân trước khi vào Đất Hứa. Họ phải tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa bằng cách vượt qua những trở ngại trên đường đi: thức ăn, nước uống, khí hậu khắc nghiệt, mệt mỏi … Trong cuộc hành trình qua sa mạc, nhiều lần dân chúng Israel mất kiên nhẫn và kêu trách Thiên Chúa và Moses như trình thuật hôm nay. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Moses rằng: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này.” Bấy giờ Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Israel phải chết.
Mỗi năm, Giáo Hội đều cử hành biến cố này bằng cách kêu gọi các tín hữu ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành trong 40 ngày của Mùa Chay. Mục đích là để các tín hữu có cơ hội luyện tập con người để đừng quá lệ thuộc vào vật chất, biết dành thời giờ để định vị lại cuộc đời và trau dồi cho đời sống thiêng liêng, xét mình và thú tội để lãnh nhận ơn tha thứ, và biết chia sẻ của cải với các người thiếu thốn. Nếu các tín hữu biết lợi dụng cơ hội, họ sẽ có sức mạnh để chế ngự các tính hư nết xấu, và thăng tiến trên đường thiêng liêng.
1.2/ Thiên Chúa cứu dân khỏi chết bằng nhìn lên rắn đồng: Rắn được nhiều dân tộc thờ như thần, nhất là các quốc gia Á Châu và Cận Đông. Ngành khảo cổ tìm ra nhiều hình ảnh con rắn đồng khắc trên các tấm bia tại Timnah, gần Biển Chết. Timnah, nằm trong vùng sa mạc Sinai, là vùng có nhiều đồng nhưng cũng rất nhiều rắn lửa, thợ đến đây tìm đồng thường bị rắn cắn chết nên họ rất tin và thờ phượng thần rắn. Rắn được coi như biểu tượng của cả thần chết và chữa lành. Rắn độc cắn người và làm cho chết, nhưng nọc độc của rắn được dân tộc Ân-độ dùng để chữa lành nhiều bệnh như tục ngữ Việt-nam nói “lấy độc trị độc.” Rắn cuộn tròn trên cây cột đã trở thành biểu tượng của ngành y khoa từ lâu đời. Câu truyện rắn cám dỗ bà Evà phạm tội và trình thuật hôm nay có thể có ít nhiều liên hệ với lịch sử của lòai rắn.
Khi dân Israel bị rắn cắn và nhiều người tử thương, họ đến nói với ông Moses: “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi.” Ông Moses khẩn cầu cho dân. Đức Chúa bảo ông: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” Ông Moses vâng lời Đức Chúa, làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chịu giương cao trên Thập Giá để cứu chuộc con người.
2.1/ Cơ hội lần đầu để tin vào Đức Kitô khi Ngài còn sống: Chúa Giêsu đối thọai với người Do-thái và thuyết phục họ tin vào Ngài, bằng cách mặc khải cho họ những điều sau:
(1) Những gì sẽ xảy ra cho Ngài và cho họ trong tương lai: Ngài sẽ trải qua Cuộc Thương Khó và sẽ sống lại về cùng Chúa Cha. Họ sẽ hối tiếc và tìm Ngài, nhưng quá muộn; vì họ không thể lên Trời với Ngài. Họ phải tin Ngài, tội của họ mới được tha; vì họ không tin Ngài, tội của họ vẫn còn. Người Do-thái không hiểu những gì Ngài mặc khải, họ nghĩ chỉ khi nào Ngài tự tử, họ mới không trông thấy Ngài; và theo truyền thống, những ai tự tử sẽ bị giam cầm dưới địa ngục; và như vậy câu Ngài nói “Nơi Tôi đi, các ông không thể đến được,” là đúng sự thật.
(2) Sự khác biệt giữa Ngài và họ: Ngài có nguồn gốc từ Trời, nguồn gốc của họ là ở thế gian này. Ngài không thuộc về thế gian này, nhưng họ thuộc về thế gian. Chúa Giêsu nhắc họ lần nữa: Họ phải tin Ngài để tội của họ được tha. Họ không hiểu những gì Ngài mặc khải, nên họ hỏi Người: “Ông là ai?”
(3) Sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Ngài: Thiên Chúa Cha sai Ngài đến thế gian để chịu chết và gánh tội cho con người. Nếu họ không chịu tin vào Ngài, tội của họ vẫn còn, và họ sẽ chết trong tội của họ. Tất cả những điều này Thiên Chúa, Đấng Chân Thật, muốn Ngài loan báo cho họ, và Ngài đã loan báo; nhưng họ không tin vào lời Ngài.
2.2/ Cơ hội thứ hai để tin vào Đức Kitô khi Ngài bị giương cao: Ngài cho họ biết trước Ngài sẽ phải chết cách nào: Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu nói cho dân chúng biết Ngài sẽ phải chết cách nào trong Tin Mừng Gioan. Lần đầu tiên, khi Chúa Giêsu đàm đạo với Nicodemus, Ngài gợi lại cho họ về biến cố rắn lửa cắn người Do-thái trong sa mạc Sinai như chúng ta đọc trong Sách Dân Số hôm nay: “Như ông Moses đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Jn 3:14-15). Trong trình thuật hôm nay, Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu, và biết Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy Tôi thế nào, Tôi nói như vậy. Đấng đã sai Tôi vẫn ở với Tôi; Người không để Tôi một mình, vì Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.”
Chúa Giêsu muốn nói với người Do-thái: Tuy các ông không tin Tôi bây giờ; nhưng các ông phải tin Tôi khi nhìn thấy những gì Tôi đã nói với các ông xảy ra: cách chính xác, khi các ông giương Tôi cao trên Thập Giá. Lúc đó, các ông sẽ biết tất cả những gì Tôi nói với các ông là sự thật: sự liên hệ giữa Chúa Cha và Tôi, Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, các ông phải tin Tôi thì tội của các ông mới được tha … Khi Đức Giêsu nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải biết nắm lấy cơ hội để học hỏi và để tin tưởng vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô; vì cơ hội có thể qua đi và không bao giờ đến nữa.
– Đừng bao giờ đợi đến khi về già, vì chúng ta không biết sẽ sống được bao năm; và có còn đủ trí khôn sáng suốt để hiểu, hay đủ nghị lực để học mà tin vào Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


31/03/2020 – THỨ BA TUẦN 5 MC
Ga 8,21-30

THẬP GIÁ TÌNH YÊU
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ nhận biết là Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,28)
Suy niệm: “Thập giá là cửa sổ sâu thẳm nhất, thật sự nhất, chắc chắn nhất trong trái tim và tính cách của Thiên Chúa hằng sống và yêu thương” (Nhà thần học N. Wright). Thập giá là địa điểm và cũng là phương cách Đức Giê-su cho thấy Ngài yêu con người cho đến tận cùng, ở mức độ cao nhất: yêu thương đến độ sẵn lòng hiến sự sống mình cho họ. Ngài đã chẳng từng bảo các môn đệ rằng mình có thể xin Cha sai 12 đạo binh thiên thần đến cứu mình sao? (x. Mt 26,53). Thập giá cũng là cung cách cho thấy Cha sẵn sàng ban tặng cho nhân loại Người Con Một của mình vì yêu thương. Khi Đức Giê-su bị giương cao trên cây thập giá, con người sẽ nhận ra căn tính đích thực của Ngài: Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Hằng Hữu. Đấng Hằng Hữu ấy sẽ kéo mọi người ra khỏi nơi diệt vong, đưa vào Nước Trời hạnh phúc.
Mời Bạn: “Hãy nhìn vào thập giá và bạn sẽ biết một linh hồn có ý nghĩa thế nào với Chúa Giê-su” (Mẹ Têrêxa Calcutta). Bạn đừng ảo tưởng đi theo Chúa Giê-su mà không phải vác thập giá, hy sinh từ bỏ, chiến đấu can trường. Linh hồn bạn được cứu chuộc bằng giá Máu Thánh Ngài, bạn hãy nỗ lực sống cho xứng đáng.
Sống Lời Chúa: Tôi thay đổi cái nhìn về thập giá, không coi thập giá là điều phải tránh, nhưng sẵn sàng đón nhận, vui vẻ vác lấy mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa tự nguyện hy sinh mạng sống, danh dự mình cho con. Con xin cảm tạ Chúa. Xin Chúa cũng giúp con vui vẻ vác thập giá ơn gọi, đời mình theo Chúa, vì muốn trở nên giống Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


SUY NIỆM : Giương cao Con Người lên

Suy niệm :
“Khi các ông giương cao Con Người lên…” (c. 28).
Đó là cách diễn tả về cái chết của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan.
Cái chết trên thập giá đúng là một sự giương cao nhục nhã, đau đớn.
Đức Giêsu bị treo lên cây gỗ như một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa.
Những kẻ giương cao Ngài lên là các ông, các nhà lãnh đạo Do-thái.
Họ đã giết Đức Giêsu vì nhiều lý do.
Lý do lớn nhất là vì Ngài đã dám sống trọn vẹn cho Cha và cho con người.
Sống công chính đã khiến Ngài trở nên nạn nhân cho cái chết bất công.
Cái chết của Đức Giêsu gắn kết Ngài với muôn triệu cái chết khác
của những người vô tội trong suốt dòng lịch sử.
Nhưng cái chết của Đức Giêsu còn nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã biến cái chết ghê rợn của Con Ngài thành dấu chỉ của tình yêu.
Nhìn lên thánh giá, chúng ta thấy tình yêu của Cha tặng trao cho nhân loại.
Cha đã tặng tình yêu lớn nhất là chính Con Một của mình.
Vì thế có thể nói chính Cha đã giương cao Con mình trên thánh giá.
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Ga 3, 14).
Đức Giêsu được giương cao bởi chính Thiên Chúa qua cái chết của Ngài.
Như dân Do thái xưa đã nhìn lên con rắn bằng đồng để được sống,
ai nhìn lên thánh giá và tin vào tình yêu, người ấy sẽ được cứu độ.
Thập tự giá không còn là dấu hiệu của cái chết bất lực của một nạn nhân.
Nó đã trở nên thánh giá với sức mạnh phi thường.
“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất,
tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).
Qua việc giương cao này, sức thu hút mạnh mẽ của thánh giá được bày tỏ.
Cả nhân loại được nâng lên khỏi cái nặng nề tội lỗi của chính mình.
Đấng chịu đóng đinh vẫn lôi kéo cả vũ trụ này mãi cho đến tận thế.
Cuối cùng, có thể nói chính Đức Giêsu đã tự giương cao mình trên thánh giá.
“Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được,
nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18).
Cái chết là kết quả tất yếu của một cuộc sống dám để Cha chi phối trọn vẹn.
“Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì…
Chúa Cha dạy tôi thế nào thì tôi nói như vậy…
Tôi luôn luôn làm những điều đẹp ý Người” (cc. 28-29).
Đức Giêsu đã sống trung tín như một Người Con, người được Cha sai.
Cha lúc nào cũng ở với Ngài, nên Ngài không biết đến cô đơn (c. 29).
Mỗi Kitô hữu cũng được giương cao trên thánh giá riêng của đời mình.
Và khi tôi gắn thánh giá của tôi với thánh giá của Giêsu,
thánh giá nhỏ bé ấy sẽ có sức kéo nhiều người lên với Giêsu.

Cầu nguyện :
Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,
đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha
trong mọi nỗi khổ đau của đời con,
và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,
bao lâu tùy ý Cha định liệu.
Xin đừng để con trở nên chua chát
nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ
với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ
và lòng khát khao nóng bỏng
có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.
Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ
của những người đã yêu mến Cha,
đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,
tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
nói lên lòng tin của con
vào những lời hứa của Cha,
lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,
và lòng mến mà con dành cho Cha.
Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,
và yêu Cha chỉ vì Cha,
chứ không mong phần thưởng.
Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,
là ánh sáng cho đêm tăm tối,
nhờ đó con không còn coi khổ đau
như một tai họa hay một điều vô lý,
nhưng như một dấu chỉ cho thấy
con đang thuộc về Cha mãi mãi. Amen. (Karl Rahner)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
31 THÁNG BA
“Thầy Mà Lại Rửa Chân Cho Con Ư?”
Việc cử hành bí tích của Bữa Tiệc Ly gắn liền với việc rửa chân cho các tông đồ. “Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khă mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lây khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,3-5).
Chính lúc ấy, Người gặp phải sự phản kháng của Phê-rô. Phê-rô cương quyết từ chối, ông nói: “Ai đời Thầy mà lại rửa chân cho con, không thể như vậy được !”
Trước đó, trình thuật Tin Mừng cho thấy Phê-rô cũng đã nhiều lần phản kháng Đức Kitô tương tự như vậy. Sau khi môn đệ này tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã tiên báo về cuộc khổ nạn của Người. Thế là, Phê-rô lên tiếng phản đối, ông nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16,22).
Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống – thế sao Người có thể nói về cuộc khổ nạn và cái chết thập giá? Thiên Chúa là Chủ Tể tối cao của mọi loài. Ngài là Chúa trời đất. Vậy, làm sao Ngài lại có thể chịu thua con người? Làm sao con người có thể bắt Ngài phảûi chết?
Lần ấy, Đức Giêsu đã nghiêm khắc quở mắng Phê-rô. Có lẽ Người đã không hề quở mắng ai khác một cách nặng nề đến như thế.
Nhưng tại Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã không quở mắng Phê-rô. Người chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở ông rằng “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13,8). Và Phê-rô đồng ý để Thầy rửa chân cho mình.
Tại sao Phê-rô phản đối Đức Giêsu khi Người báo trước cuộc khổ nạn và cái chết thập giá? Có lẽ bởi vì ông đã nhận biết thần tính của Đức Kitô: “Thầy là Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).
Tuy nhiên, “không ai biết Con ngoại trừ Cha” (Mt 11,27). Chính Chúa Cha mạc khải thần tính của Chúa Con cho Phê-rô. Song đó cũng chính là lý do tại sao Phê-rô lập luận: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, vậy cớ sao Thầy nói rằng Thầy sẽ bị xét xử và bị giết chết bởi con người? Há Thiên Chúa không phải là Chủ Tể tuyệt đối của mọi sự sao? Há Thiên Chúa không phải là Chủ Tể tuyệt đối của sự sống sao?
Và làm sao Con Thiên Chúa hằng sống và là Chủ Tể mọi sự lại cư xử như một tôi tớ? Làm sao Người lại có thể quì xuống trước mặt các tông đồ và rửa chân cho họ được? Làm sao Người lại có thể quì xuống dưới chân Phê-rô được nhỉ?
Phê-rô đang cố bảo vệ hình ảnh Thiên Chúa do … chính ông nghĩ ra!
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 31/3
Ds 21, 4-9; Ga 9, 21-30.
Lời Suy Niệm: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi!”
       Chúa Giêsu đã chữa cho một người mù từ lúc mới sinh, đã làm cho các người Pharisêu trở thành một con rối giữa đám đông dân chúng; khi đòi hỏi sự xác nhận của chính cha mẹ người mù, và chính người mù.
       Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống, có những sự thật, nhưng với những người không cùng quan điểm họ vẫn từ chối, và muốn đàn áp sự thật. Xin Chúa ban thêm sức mạnh đức tin, và lòng mến chân thành, giúp cho chúng con luôn đứng về phía sự thật và bảo vệ sự thật cho đến cùng.
Mạnh Phương


31 Tháng Ba
Chọn Lựa
Ðời người là một chuỗi những chọn lựa và quyết định. Có những quyết định liên quan đến người khác. Có những chọn lựa thay đổi cả một đời người. Có lẽ quyết định nào cũng làm cho chúng ta ray rứt, dằn vặt.
Một chủ nông trại nọ thuê một người thanh niên đến nhặt khoai tây cho nông trại: Công việc xem ra thật đơn giản: chỉ cần phân loại các loại củ khoai tây và cho vào sọt. Lớn theo lớn, trung bình theo trung bình và nhỏ theo nhỏ… Sau một ngày làm việc, người thanh niên đến gặp ông chủ và xin nghỉ việc: gương mặt của anh trông hốc hác và thất sắc hẳn. Ðược hỏi lý do, anh giải thích như sau:: “Công việc của ông giao phó không phải là một công việc nặng nhọc, nhưng điều làm cho tôi nhức óc đó là phải chọn lựa”.
Chọn lựa và quyết định là cả một gánh nặng đối với con người, bởi vì không ai có thể làm điều đó thay thế cho chúng ta cả. Chúng ta cần người khác chỉ bảo, chúng ta cần người khác góp ý, nhưng quyết định vẫn là phần của chúng ta.
Thú vật dường như không có chọn lựa vàquyết định. Tất cả đều được điều khiển bởi cái mà chúng ta gọi là bản năng. Con chim có trhể làm được một cái tổ vô cùng tinh vi mà không cần phải học hỏi, cũng như không sợ phải sai lầm. Trong khi đó thì khả năng tưởng chừng như vô song, con người vẫn cứ phải rơi vào lầm lẫn này đến lầm lẫn nọ.
Lầm lẫn, nghi ngờ, bất an, vô định là số phận của con người. Ðiều đó làm cho con người day dứt, khổ đau, nhưng đồng thời cũng nói lên giá trị cao cả của con người. Chính vì những giới hạn bất toàn của con người, mà con người càng cảm nhận được sự trợ giúp của Thiên Chúa… Khi nhìn ngắm vũ trụ bao la, khi nhìn lại thân phận bé nhỏ yếu hèn của mình, tác giả Thánh Vịnh thứ 8 đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, con người là chi màChúa phải bận tâm?”.
Bé nhỏ trong vũ trụ, bất toàn và giới hạn giữa muôn tạo vật, nhưng con người không phải là một con số vô danh. Dưới ánh mắt yêu thương và hằng quan tâm của Thiên Chúa, mỗi một con người là một giá trị độc nhất vô nhị, là đối tượng của một tình yêu độc nhất.
Chúa Giêsu đã đến trong trần gian để nói với chúng ta điều đó: Hai con chim sẻ không đáng giá một hào, vậy mà không một con nào rơi xuống đất theo ý Cha cả, huống chi là con người.
Thiên Chúa đã yêu thương con người: đó là lý do khiến chúng ta phải luôn đặt tất cả tin tưởng vào Ngài… Nhưng mò mẫm và lầm lỗi trong cuộc sống chỉ là những nẻo quanh co, nhưng cuối cùng rồi cũng sẽ đưa chúng ta đến thành công, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và không ngừng dẫn dắt chúng ta.
(Lẽ Sống)

Lectio Divina: Gioan 8:21-30
Tuesday 31 March, 2020
Lectio Divina
Thứ Ba Tuần V Mùa Chay                                 


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Thiên Chúa cứu độ đầy lòng thương xót của chúng con,
Lang thang trong sa mạc cằn cỗi,
Của bất công và thiếu tình yêu thương của mình,
Chúng con kêu lên với nỗi sợ hãi
Hoặc bàng hoàng trong im lặng,
Một số người rơi vào nghi ngờ hay tuyệt vọng.
Xin hãy ban cho chúng con đủ niềm tin tưởng
Để tìm đến Người
Đấng đã gánh lên mình những nghi ngờ và tội lỗi của chúng con,
Chịu đau khổ vì chúng con trên thập giá, và đã sống lại,
Người là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con và là Chúa chúng con.
2.  Phúc Âm – Gioan 8:21-30 
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Biệt Phái rằng:  “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông.  Nơi Ta đi, các ông không thể tới được.”  Người Do Thái nói với nhau rằng:  “Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói ‘Nơi Ta đi các ông không thể tới được’?”
Chúa Giêsu nói tiếp:  “Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao.  Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này.  Ta đã nói:  Các ông sẽ chết trong tội các ông.  Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông”.
Vậy họ liền hỏi:  “Ông là ai?”  Chúa Giêsu trả lời:  “Là Nguyên Thủy đang nói với các ông đây!  Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Đấng đã sai Ta là Đấng Chân Thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài”.  Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha.
Vì thế Chúa Giêsu nói:  “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai.  Ta không tự mình làm điều gì.  Điều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta.  Đấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”.  Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.
3.  Suy Niệm
  Tuần trước, phần Phụng Vụ đã dẫn chúng ta suy niệm về chương 5 của sách Tin Mừng Gioan.  Tuần này, Phụng Vụ đưa ra cho chúng ta chương 8 của cùng sách Tin Mừng.  Giống như chương 5, chương 8 cũng chứa đựng những suy niệm sâu sắc về mầu nhiệm Thiên Chúa bao quanh con người của Đức Giêsu.  Một cách rõ ràng, đó là câu hỏi đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Biệt Phái (Ga 8:13).  Người Biệt Phái muốn biết Chúa Giêsu là ai.  Họ chỉ trích Chúa bởi vì Người đưa ra lời chứng về mình mà không có bất kỳ một bằng chứng hay nhân chứng nào để hợp thức hóa mình trước mặt mọi người (Ga 8:13).  Chúa Giêsu trả lời bằng cách nói rằng Người không nhân danh mình, nhưng luôn vì Chúa Cha và nhân danh Chúa Cha (Ga 8:14-19).
  Trên thực tế, cuộc đối thoại cũng là một biểu hiện về cách mà đức tin được chuyển tải trong những bài giáo lý trong các cộng đoàn của người môn đệ Chúa yêu vào cuối thế kỷ thứ nhất.  Chúng cho thấy bài đọc cầu nguyện lời của Chúa Giêsu mà các Kitô hữu đã làm, coi đó là Lời của Chúa.  Phương pháp hỏi-đáp giúp tìm ra câu trả lời của các vấn nạn vào gần cuối thế kỷ thứ nhất, người Do Thái đã nuôi lớn các Kitô hữu.  Đó là cách cụ thể để giúp cho cộng đoàn tăng thêm đức tin vào Chúa Giêsu và vào sứ điệp của Người.
  Ga 8:21-22:  Nơi Ta đi, các ông không thể tới được.  Ở đây, Gioan trình bày một chủ đề mới hay một khía cạnh khác bao quanh con người của Đức Giêsu.  Chúa Giêsu nói việc ra đi của mình và nói rằng sẽ đi đến nơi mà người Biệt Phái không thể tới được.  “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông”.  Họ sẽ đi tìm Chúa Giêsu, nhưng sẽ không tìm thấy Người, bởi vì họ không biết Người và sẽ đi tìm Người với các tiêu chuẩn sai lệch.  Họ sống trong tội lỗi và sẽ chết trong tội lỗi.  Sống trong tội lỗi là sống xa rời Thiên Chúa.  Họ tưởng tượng Thiên Chúa theo một cách nào đó, nhưng Thiên Chúa thì khác với những gì họ tưởng tượng.  Đây là lý do mà họ không thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Giêsu.  Người Biệt Phái không hiểu những điều Chúa Giêsu muốn nói và họ hiểu mọi việc hoàn toàn theo nghĩa đen:  “Ông ta sắp tự vẫn hay sao?”
  Ga 8:23-24:  Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao.  Người BIệt Phái xét đoán tất cả mọi việc theo các tiêu chuẩn của thế gian này.  “Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này!”  Khuôn khổ thẩm quyền hướng dẫn Chúa Giêsu trong mọi việc Người nói và làm là từ bởi trời cao, đó là, Thiên Chúa, và sứ vụ Người nhận lãnh là từ Chúa Cha.  Khuôn khổ thẩm quyền của người Biệt Phái thì từ hạ giới, không cởi mở, khép kín trong tiêu chuẩn của riêng nó.  Đây là lý do tại sao họ đang sống trong tội lỗi.  Sống trong tội lỗi là cuộc sống không hướng về Chúa Giêsu. Ánh mắt của Chúa Giêsu thì hoàn toàn hướng về Thiên Chúa đạt tới điểm mà chính Thiên Chúa ở trong Người và trong tất cả sự viên mãn ở nơi Người (xem Col 1:19).  Chúng ta nói rằng:  “Đức Giêsu là Thiên Chúa”.  Gioan mời gọi chúng ta nói:  “Thiên Chúa là Đức Giêsu!”  Đây là lý do mà Chúa Giêsu nói rằng:  “Nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông”.  TA là lời khẳng định mà Thiên Chúa tự giới thiệu với ông Môisen tại thời điểm giải thoát dân của ông khỏi ách thống trị của người Ai Cập (Xh 3:13-14).  Đây là lời biểu hiện tối đa của sự chắc chắn tuyệt đối về sự thật rằng Thiên Chúa ngự ở giữa chúng ta trong con người của Đức Giêsu.  Chúa Giêsu là bằng chứng khẳng định sự thực rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta.  Đấng Emmanuel.
  Ga 8:25-26:  Ông là ai?  Mầu nhiệm Thiên Chúa ở trong Đức Giêsu không phù hợp với những tiêu chuẩn mà người Biệt Phái nhìn về phía Chúa Giêsu.  Một lần nữa họ hỏi:  “Ông là ai?”  Họ không hiểu vì họ không hiểu ngôn ngữ của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu đã rất cẩn trọng khi nói chuyện với họ dựa theo tất cả những gì Người đã trải qua và sống trong sự hiệp nhất với Chúa Cha và vì sự hiểu biết và nhận thức về sứ vụ của Người.  Chúa Giêsu không phô trương bản thân mình.  Người chỉ nói và thể hiện những điều Người đã nghe từ Chúa Cha.  Người là sự mặc khải đích thực bởi vì Người thuần khiết và vâng phục hoàn toàn.
  Ga 8:27-30:  Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết TA là ai.  Người Biệt Phái đã không hiểu rằng Chúa Giêsu, trong mọi điều Người nói và làm, là sự biểu hiện của Chúa Cha.  Họ sẽ hiểu được điều ấy chỉ sau khi Con Người bị đưa lên cao.  “Khi ấy các ông sẽ biết TA là ai”.  Từ ngữ ‘được đưa lên’ có nghĩa kép, bị treo lên trên Thập Giá và được nâng lên bên hữu Chúa Cha.  Tin Mừng về cái chết và sự sống lại mặc khải Chúa Giêsu là ai, và họ sẽ biết rằng Chúa Giêsu là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.  Nền tảng của điều chắc chắn này của đức tin chúng ta có hai mặt:  một mặt, điều chắc chắn rằng Chúa Cha luôn ở với Chúa Giêsu và Người không bao giờ một mình, và mặt khác, sự vâng phục triệt để và hoàn toàn của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, trở thành một sự cởi mở hoàn toàn và minh bạch toàn diện của Chúa Cha đối với chúng ta.
4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
  Người mà sống khép kín với tiêu chuẩn riêng của mình và nghĩ rằng minh biết tất cả mọi sự, sẽ không bao giờ có khả năng để hiểu được người khác.  Đây là cách mà người Biệt Phái xử sự trước mặt Chúa Giêsu. Còn tôi, tôi xử sự trước mặt những người khác ra sao?
–  Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha cách triệt để và vì điều này, Người là sự mặc khải trọn vẹn của Chúa Cha.  Và hình ảnh về Thiên Chúa mà tôi tỏ ra, xuất phát từ tôi, là hình ảnh gì?
5.  Lời nguyện kết
Lạy CHÚA, xin nghe lời con cầu khẩn,
Tiếng con kêu, mong được thấu tới Ngài.
Buổi con gặp gian truân, xin Ngài đừng ẩn mặt,
Trong ngày con cầu cứu, xin Ngài lắng tai nghe
Và mau mau đáp lời!
(Tv 102:1-2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét