02/05/2020
Thứ Bảy tuần 3 Phục
Sinh
Thánh Athanasiô,
giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ.
* Thánh nhân sinh năm 295 tại A-lê-xan-ri-a. Người cộng tác, rồi kế vị
giám mục A-lê-xan-ri-a. Thánh nhân chỉ có một mục đích: bảo vệ tín điều
về thần tính của Chúa Kitô. Tín điều này đã được xác định tại công
đồng Ni-xê-a. Cũng vì đó người bị công kích khắp nơi.
Nhưng dù gặp những giám mục nhút nhát, dù bị săn lùng, dù năm
lần bị đày ải, người vẫn giữ được tính khí khái; nhất là giữ được
lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người. Người đã viết
nhiều tác phẩm vừa để làm sáng tỏ vừa để bảo vệ đức tin chân truyền. Người
qua đời năm 373
Bài Ðọc I: Cv 9, 31-42
"Hội thánh được tổ chức và
đầy ơn an ủi của Thánh Thần".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Hội Thánh
được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ
Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.
Phêrô đi khắp các miền, đến với
các thánh đang ở Lyđa. Ở đó ngài gặp một người tên là Ênêa, bị bất toại đã liệt
giường suốt tám năm. Phêrô nói với anh ta: "Ênêa, Chúa Giêsu Kitô chữa anh
lành bệnh; hãy chỗi dậy và dẹp giường đi". Lập tức anh ta đứng lên. Tất cả
dân cư ở Lyđa và Sarôna thấy vậy, đều trở lại cùng Chúa.
Tại Gióp-pê, có một nữ môn đồ
tên là Tabitha, nghĩa là Sơn Dương. Bà làm nhiều việc lành và hay bố thí. Xảy
ra trong những ngày ấy bà lâm bệnh mà chết; người ta rửa xác bà, rồi đặt trên lầu.
Vì Lyđa ở gần Gióp-pê, các môn đồ nghe tin Phêrô đang ở đó, liền sai hai người
đến xin ngài rằng: "Xin ngài hãy mau đến với chúng tôi". Phêrô chỗi dậy
đi với họ. Ðến nơi, người ta dẫn ngài lên lầu; tất cả các quả phụ bao quanh
ngài, khóc nức nở, chỉ cho ngài xem các áo trong áo ngoài mà chị Sơn Dương may
cho họ. Phêrô bảo mọi người ra ngoài, rồi quỳ gối cầu nguyện, và quay mặt về
phía thi thể mà nói: "Tabitha, hãy chỗi dậy". Bà liền mở mắt, thấy Phêrô
và ngồi dậy. Phêrô đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các thánh, và các quả phụ đến,
và chỉ cho thấy bà đã sống lại. Cả thành Gióp-pê hay biết việc ấy, nên nhiều
người tin vào Chúa. Phêrô lưu lại Gióp-pê nhiều ngày tại nhà Simon thợ thuộc
da.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 14-15. 16-17
Ðáp: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài
ban tặng cho tôi? (c. 12)
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại
cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ,
và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.
2) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin
cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết
của những bậc thánh nhân Ngài. - Ðáp.
3) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ
Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích
cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh
Chúa. - Ðáp.
Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! - Các con
hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. -
Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 61-70
"Chúng con sẽ đi đến với
ai? Thầy mới có những lời ban sự sống".
Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.
Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa
Giêsu nói rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" Tự biết rằng
các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: "Ðiều đó làm
các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì
sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta
nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số
không tin". Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ
nào sẽ nộp Người. Và Người nói: "Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai
có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho". Từ bấy giờ có nhiều môn
đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng:
"Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?" Simon Phêrô thưa Người:
"Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời
đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô,
Con Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Đức tin vượt lên trên mọi lý luận
Khởi đầu cho hành trinh đức tin
là sự hiểu biết, nhưng đức tin phải vượt xa sự hiểu biết. Chỉ thuần túy là hiểu
biết thì không thể gọi là tin và nhiều khi đức tin còn nghịch lại với hiểu biết.
Đức tin đòi con người vượt trên mọi lý luận để xả thân chấp nhận như một liều
lĩnh.
Có một người vô thần, bị rơi từ
đỉnh núi cao xuống vực thẳm. May thay là giữa chừng có một lùm cây cản anh lại.
Hai tay giữ chặt lùm cây, nhìn lên chẳng có ai, nhìn xuống là vực thẳm, anh mới
cất tiếng kêu cứu: “Nếu quả thật có Thiên Chúa quyền năng vô biên, xin Ngài hãy
ra tay cứu tôi, tôi xin tin”. Một giọng nói đáp lại: “Nếu anh thật lòng tin,
anh hãy buông tay ra”. Người vô thần thầm nghĩ: Làm sao mà buông được, trèo lên
chẳng được, buông tay thì rơi xuống vực thẳm, làm sao giữ được mạng sống, và
anh hỏi lại: “Thật sự có Ngài ở đó không?” Nhưng không một lời đáp trả, chỉ còn
có tiếng của anh vang vọng giữa núi rừng, cơ hội cho anh có đức tin đã qua.
“Lời gì
mà sống sượng thế”, hoặc “Có Ngài ở đó không”, đấy là những phản ứng trước lời
mời gọi tin. Nếu chỉ thuần túy lỳ luận và đòi hỏi bằng chứng, thì chẳng bao giờ
gặp được niềm tin. Quá đòi hỏi một hiểu biết cụ thể, con người khó chấp nhận Thịt
Máu Chúa Giêsu làm lương thực nuôi dưỡng thì họ sẽ thế nào khi thấy Con Người
lên nơi Ngài đã ở trước. Chưa cảm nhận được những điều cụ thể như thức ăn của uống,
thì làm sao có thể cảm nhận được vinh quang của Ngài. Chưa chấp nhận được điều
thuộc tinh thần mang hình thức vật chất, thì làm sao nói đến những điều thuần
túy tinh thần.
Chính vì
không tin, nhiều người đã bỏ không theo Chúa Giêsu nữa, chỉ còn nhóm 12 vẫn tin
và theo Chúa, mặc dù cho đến lúc đó họ vẫn không hiểu lời giảng dạy của Ngài.
Nói thế không phải là các ông tin và theo một cách mù quáng, nhưng là phó thác
vì xác tín rằng chỉ có Chúa mới có lời ban sự sống.
Trước những
biến cố cuộc sống xem ra đòi hỏi một sự đáp trả bằng niềm tin, ước gì chúng ta
cũng biết đáp trả không phải bằng sự bỏ đi, nhưng bằng lòng quảng đại trung
thành vì biết rằng không gì ở ngoài thánh ý Thiên Chúa.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy Tuần III PS
Bài đọc: Acts 9:31-42; Jn 6:60-69.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thầy mới có những Lời đem lại sự
sống đời đời.
Lời của một người nói ra có thể
gây những phản ứng và hiệu quả khác nhau nơi người nghe: Có người cho là lời
nói chướng tai không thể chịu đựng nổi; có người cho là lời nói nhảm vô ích;
nhưng cũng có những người cho là lời hay ý đẹp, có thể mang lại hy vọng và đem
lại sự sống cho những ai thực hành nó. Điều khác biệt là người nghe có hiểu và
nhận ra ý nghĩa của lời người khác nói hay không.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh
những lời nói mang lại sự sống của Chúa Giêsu và thánh Phêrô. Trong Bài Đọc I,
Phêrô dùng lời nói nhân danh Đức Kitô để chữa lành người bại liệt đã 8 năm, và
cho một phụ nữ đã chết được sống lại. Trong Phúc Âm, lời tuyên bố của Chúa
Giêsu: “Và bánh ta sẽ ban chính là thịt ta để cho thế gian được sống” gây nên
những phản ứng khác nhau nơi khán giả. Một số các môn đệ quyết định không theo
Chúa Giêsu nữa, vì những lời nói của Ngài làm họ chướng tai. Các Tông đồ, đại
diện là Phêrô, tuyên xưng sự cần thiết của Lời Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì
chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần
chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của
Thiên Chúa.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phêrô dùng danh Đức Kitô để làm những gì Chúa Giêsu đã làm.
Sách CVTĐ tường thuật: “Hồi ấy,
trong khắp miền Judah, Galilee và Samaria, Hội Thánh được bình an, được xây dựng
vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần
nâng đỡ.” Thiên Chúa quan phòng mọi sự cách khôn ngoan: Ngài biết Giáo Hội cần
có những lúc bách hại để thanh tẩy và thử luyện đức tin; nhưng cũng có những
lúc cần bình an để củng cố và làm cho đức tin lan tràn. Vì vậy, Giáo Hội cần phải
sẵn sàng và chuẩn bị cho các tín hữu đương đầu cách hiệu quả khi bị bách hại
cũng như khi được an bình. Trình thuật hôm nay nói tới 2 phép lạ thánh Phêrô đã
làm nhân danh Đức Kitô.
1.1/ Phêrô chữa bệnh cho một người
tê bại đã 8 năm: Giống như Chúa Giêsu đã từng làm
phép lạ để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng, Phêrô cũng được
Chúa ban uy quyền để giảng dạy và chữa lành. Khi Phêrô rảo khắp nơi, xuống thăm
cả dân thánh cư ngụ tại Lydda, ông gặp thấy một người tên là Aeneas liệt giường
đã tám năm, vì anh bị tê bại. Ông nói với anh ta: "Anh Aeneas, Đức
Giêsu Kitô chữa anh khỏi. Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy." Lập
tức anh đứng dậy. Chứng kiến phép lạ đó, tất cả những người cư ngụ ở Lydda và đồng
bằng Sharon trở lại cùng Chúa. Điều đáng chú ý ở đây là Phêrô không nhân danh
mình, nhưng nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để rao giảng và truyền lời chữa bệnh cho
dân chúng. Phép lạ Phêrô làm cần thiết để cho mọi người tin những gì ông rao giảng
về Đức Kitô.
1.2/ Phêrô cứu người chết sống lại:
“Ở Joppa, trong số các môn đệ có một bà tên là Tabitha, có nghĩa
là Dorcas (Linh Dương). Bà này đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã
làm. Trong những ngày ấy, bà mắc bệnh và qua đời. Người ta tắm xác cho bà và đặt
ở lầu trên.
Vì Lydda gần Joppa, nên khi các
môn đệ nghe biết ông Phêrô ở đó, liền cử hai người đến mời: "Xin ông đến với
chúng tôi, đừng trì hoãn." Ông Phêrô đứng dậy cùng đi với họ. Tới nơi, người
ta đưa ông lên lầu trên. Các bà goá xúm lại quanh ông, vừa khóc vừa cho ông xem
những áo dài và áo choàng bà Tabitha đã may khi còn sống với họ.”
Ông Phêrô cho mọi người ra
ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện. Sau đó, ông quay lại về phía
thi hài và ra lệnh: "Bà Tabitha, hãy đứng dậy!" Bà ấy mở mắt
ra, và khi thấy ông Phêrô, liền ngồi dậy. Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi
dân thánh và các bà goá lại và cho thấy bà đang sống. Cả thành Joppa đều biết
việc này, và có nhiều người tin vào Chúa.” Noi gương Chúa Giêsu đã ngước mắt
lên trời cầu nguyện với Chúa Cha, trước khi truyền cho Lazarus hãy trỗi dạy và
ra khỏi mồ (Jn 11), Phêrô cũng quỳ xuống cầu nguyện để lấy quyền năng của Thiên
Chúa, trước khi gọi tên bà Tabitha và truyền cho Bà hãy đứng dạy. Không phải lời
của ai cũng có quyền năng làm cho người chết sống lại, nhưng chỉ có những lời
có quyền năng của Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.
Cùng nghe một câu Chúa nói: “Và
bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian
được sống” (Jn 6:51c), nhưng gây ra 2 phản ứng khác nhau:
2.1/ Phản ứng của các môn đệ về diễn
từ Thánh Thể của Chúa Giêsu: Khi nghe Chúa Giêsu nói về việc
phải ăn thịt và uống máu Ngài, các môn đệ không thể nào chịu nổi, liền nói:
"Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?" Nhưng Chúa Giêsu có
uy quyền biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông:
"Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy
Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt
chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.
Nhưng trong anh em có những kẻ không tin."
Lời của Chúa Giêsu có quyền năng
của Thánh Thần; vì thế, có khả năng ban sự sống. Các môn đệ không tin, vì họ
suy nghĩ theo tính xác thịt; họ chỉ có thể tin được khi họ để cho Thánh Thần
soi sáng và hướng dẫn họ nhận ra sự thật và tin những gì Chúa nói. Để có Chúa
Thánh Thần, họ phải được Chúa Cha ban tặng, như Chúa Giêsu nói với họ: "Vì
thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy
cho."
Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui,
không còn đi theo Người nữa. Họ rút lui vì họ nghĩ họ không thể theo một người
nói những lời không theo lề lối suy nghĩ của con người. Họ bỏ lỡ cơ hội học hỏi
suy nghĩ cao siêu của Thiên Chúa.
2.2/ Phản ứng của các Tông-đồ: Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em
cũng muốn bỏ đi hay sao?" Ông Simon Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy
thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.
Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của
Thiên Chúa."
Chỉ có 3 nhân vật được gọi là Đấng
Thánh trong Tin Mừng Gioan: Chúa Cha Thánh (Jn 17:11), Chúa Con Thánh ở đây, và
Chúa Thánh Thần (1:33, 14:26, 20:33). Vì cả ba là Đấng Thánh, cả ba đều có sức
thánh hóa con người (1:33, 10:36, 14:26, 17:11, 17, 19, 20:22). Chúa Giêsu đến
để thánh hóa con người bằng cách tiêu diệt những việc làm của ma quỉ, để mang lại
sự sống cho con người. Phêrô tuyên xưng Lời của Chúa Giêsu không những mang lại
sự sống, mà chỉ có Lời này mới có thể mang lại sự sống đời đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lời Chúa là lời có quyền năng
của Thánh Thần trong đó; vì thế, chúng ta phải tin Lời Chúa có sức làm cho những
gì không có thành có, những gì đã hư lại được chữa lành, những gì đã chết được
sống lại, và nhất là có sức làm cho con người đạt được sự sống đời đời.
- Để Lời Chúa có thể sinh ích,
con người cần biết quí trọng Lời Chúa: chuẩn bị tâm hồn bằng sự thinh lặng và cầu
nguyện, không nghe Lời Chúa cho qua lần chiếu lệ, phải bỏ thời giờ để học hỏi
và suy niệm, và nhất là phải thực hành Lời Chúa.
Lm.
Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
02/05/20 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 3 PS
Th. A-tha-na-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 6,60-69
Th. A-tha-na-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 6,60-69
LỜI CHÚA LÀ THẦN KHÍ VÀ LÀ
SỰ SỐNG
SỰ SỐNG
“Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng
có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.” (Ga 6,63)
Suy niệm: Sau hơn 4 tháng hoành hành, con virút Corona đã có mặt
ở hầu hết mọi quốc gia, lây nhiễm cho hơn 3 triệu người, với trên 200.000 người
thiệt mạng vì nó. Cuộc sống của mọi người trên thế giới bị đảo lộn với những
thiệt hại nặng nề: không chỉ những người buôn thúng bán bưng mà cả những tập
đoàn đa quốc gia, các nền kinh tế lớn đều bị chao đảo. Ngay cả đến những hoạt động
tôn giáo, tưởng chừng rất “thiêng liêng” cũng không là ngoại lệ. Trong bối cảnh
đó, Lời Chúa mời gọi chúng ta hướng về điều thiết yếu nhất cho cuộc sống của
chúng ta: “Thần khí mới làm cho sống,
chứ xác thịt chẳng có ích gì.” Quả thật,
Thần khí Chúa là nguồn mạch mọi sự sống. Và mọi sự sống trên trần gian đều phải
quy hướng về Chúa Ki-tô để hoàn thành viên mãn trong cuộc sống đời đời. Và điều
đó cũng được thực hiện trong Thần Khí Chúa.
Mời Bạn: Trong điều kiện phải cách ly xã hội, các tín hữu chỉ
có thể hiệp thông bằng việc rước lễ thiêng liêng trong thánh lễ trực tuyến.
Chúng ta cảm nhận được cách cụ thể hơn sự hiện diện và hoạt động của Thần khí
khi các yếu tố vật chất bị cất đi. Dù hoàn cảnh nào đi nữa tình Chúa yêu thương
ta luôn tồn tại mãi, điều quan trọng là làm sao để có được Thần khí sự sống của
Ngài.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian đọc và suy niệm Lời Chúa để kết hiệp với
Chúa cách thân tình hơn, hầu kiên vững trước mọi thách đố.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa là
Thần khí và và sự sống, xin cho con mạnh mẽ sống Lời Chúa, giữa những thách đố
hôm nay. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Anh em
cũng muốn bỏ đi sao?
Suy niệm:
Chương 6 của Tin Mừng
Gioan có một kết thúc không vui lắm.
Bài Tin Mừng hôm nay
(cc. 60-69) đi theo ngay sau các câu 35-50,
vì các câu 51-59 có lẽ
được viết muộn hơn và thêm vào sau này.
Đức Giêsu coi mình là
bánh thật từ trời xuống (cc. 33. 50).
Ai tin vào Ngài sẽ được
sống muôn đời (cc 40. 47).
Những lời giảng của Đức
Giêsu đã gây vấp phạm, khó nghe, gai chướng,
khiến nhiều môn đệ xầm
xì, không tin, rút lui và không đi theo Ngài nữa.
Chỉ có nhóm Mười Hai ở
lại, nhưng cũng không trọn vẹn.
Giáo huấn của Đức
Giêsu vẫn luôn gây sốc cho con người mọi thời.
Lời Chúa vẫn luôn là
điều khó hiểu, khó chịu và khó sống.
Những Kitô hữu đã tin
theo Đức Giêsu trong nhiều năm
vẫn bị đặt mình trước
lời Chúa và được mời gọi chọn lại.
Tin vào Đức Giêsu là một
chọn lựa lớn và căn bản.
Chọn lựa này cần được
làm mới lại mỗi ngày xuyên qua những chọn lựa nhỏ.
Có những Kitô hữu mất
đức tin vì đã không dám sống niềm tin của mình.
Có những người rút lui
và bỏ đi, dù tên vẫn còn trong sổ Rửa tội.
Có những người xầm xì
vì những đòi hỏi gai góc của Lời Chúa.
“Chẳng lẽ anh em
cũng muốn bỏ đi sao?”
Đức Giêsu buồn rầu hỏi
nhóm Mười Hai như thế.
Simon đại diện anh em
đã xin được tiếp tục ở với Thầy, đi với Thầy.
“Bỏ Thầy chúng con
biết đi với ai?”
Lời của Thầy tuy khó
nghe, nhưng con tin đó là lời ban sự sống đời đời (c. 68).
Lời của Thầy tuy chướng
tai, nhưng lại là thần khí và là sự sống (c. 63).
Simon tin Thầy Giêsu
là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 69).
Đấng Thánh là Đấng từ
trời xuống
và cũng là Đấng sẽ lên
trời nơi đã ở trước kia (c. 62).
Có thể điều làm con
người hôm nay bỏ đạo, bỏ Chúa Giêsu,
lại không phải là những
lời khó nghe của Ngài,
mà là đời sống của các
Kitô hữu, những người không dám sống các lời ấy.
Nhiều người thấy chướng
khi nhìn vào cuộc sống của họ.
Xin Chúa Cha ban cho
chúng ta ơn đến với Giêsu, và kiên trì ở lại với Ngài.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi
tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của
cuộc sống,
khi con gặp thất vọng,
gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung,
bất tín
nơi những người con
tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình
sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc
người khác,
giấu đi những nỗi phiền
muộn của mình
để tránh cho người
khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng
đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con
thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay
cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ
không bực bội,
làm con rộng lòng tha
thứ,
chứ không hẹp hòi hay
độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút
kém đi
vì chịu ảnh hưởng của
con,
không ai giảm bớt lòng
thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng
hành của con
trong cuộc hành trình
về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với
bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một
lời yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc
đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để
làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới
lý tưởng nên thánh. Amen. (dịch theo Learning Christ)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG NĂM
Viên Đá Góc
Đức Kitô là viên đá góc: “Người
là viên đá mà quí vị là thợ xây loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường” (Cv 4, 11).
Những người không đón nhận lời chứng của Tin Mừng và xử tử Đức Kitô trên Thập
Giá là những người đã loại bỏ viên đá này. Những người cố sức tổ chức thế giới
và đời sống xã hội không cần đến Đức Kitô và chống lại Người, chẳng phải họ
đang loại bỏ Người một lần nữa đó sao? Thế nhưng, viên đá bị loại bỏ – và bị loại
bỏ quá nhiều lần này – chính là viên đá góc.
Công trình cứu độ con người chỉ
có thể đứng được trên nền móng duy nhất là Đức Kitô. Chỉ nơi Người mới có nền tảng
vững chắc để xây dựng trật tự và hòa bình đích thực giữa con người với con người.
Chỉ nhờ Người, chúng ta mới có thể được đổi mới tâm linh và triển nở đến mức
sung mãn theo sự tiền định từ đời đời dành sẵn cho mình. Chỉ qua Người, thế giới
con người chúng ta mới có thể trở thành ‘người’ đích thực hơn.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John
Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 02-5
Cv 9, 31-42; Ga 6, 60-69.
LỜI SUY NIỆM: “Thần Khí mới làm cho
sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì, Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự
sống.”
Trong “Diễn từ về Bánh
trường Sinh” Thánh Gioan hướng dẫn chúng ta đi từ phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh
ra nhiều để nuôi dân. Đi đến việc Chúa Giêsu ban chính Máu Thịt của Chúa cho bất
cứ ai muốn có sự sống; Giúp cho con người chọn lựa sự sống hay sự chết, đón nhận
Máu Thịt Chúa hay chối từ, không dừng ở đó, Chúa Giêsu còn khẳng định: “Thần
Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì, Lời Thầy nói với anh em là
thần khí và là sự sống”.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa
là Đấng hằng yêu thương và là Đấng Cứu Độ trần gian. Xin Chúa cho mọi người
trong gia đình chúng con lập lại Lời Thánh Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng
con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 02-05: Thánh ATHANASIÔ
Giám mục Tiến Sĩ Hội Thánh (295
- 373)
Thánh Athanasiô sinh khoảng năm
295 có lẽ tại Alexandria. Gia đình Ngài rõ ràng là khá giả vì sau này Ngài có dịp
trốn ở phần mộ của gia đình, Ngài đã theo môn cổ học và sau này thường trích dẫn
các tác giả cổ. Có lẽ Ngài cùng theo học tại một trường Giáo lý ở Caêsarêa nên
tư tưởng của Ngài thấm nhuần Kinh thánh, cả những chú giải Kinh thánh và cũng
theo truyền thống các giáo phụ nữa.
Vào khoảng 25 tuổi Athanasiô đã
có một thời sống với thánh Antôn ẩn tu. Bốn mươi năm sau, Ngài đã mời thánh An
tôn ẩn tu về Alexandria để góp phần bảo vệ đức tin. Khi qua đời thánh ẩn tu đã
nhường lại cho Athanasiô cái áo choàng Ngài vẫn dùng đắp mình khi ngủ và tấm da
chiên để dùng sưởi ấm lúc tuổi già. Những năm chung sống nơi sa mạc với vị
thánh ẩn tu này đã tạo nên nét thánh thiện và nhân cách của Athanasiô.
Vào năm 320, Athanasiô mới bắt đầu
góp phần vào lịch sử. Khi ấy Đức Cha Alexander Giám mục Alexandria cảm phục và
triều vời Athanasiô từ sa mạc về, đặt làm phó tế. Khi ấy Ariô là cha sở
Boucalis. Ong ta là một nhà giảng thuyết danh tiếng, có một cuộc sống khắc khổ
và hướng dẫn các trinh nữ hiến mình cho Thiên Chúa. Ariô đã sáng nghĩ và rao giảng
những ý tưởng lầm lạc cho rằng: "Ngôi Lời Thiên Chúa không có từ đời đời,
không cùng bản tính với Chúa Cha mà chỉ là một thụ tạo được mang danh hiệu Con
Thiên Chúa". Athanasiô đã bảo bỏ những sai lầm này. Bút pháp và nội dung của
bức thông điệp Đức Giám mục Alexander ban hành năm 322 cho thấy tác giả chính
là Athanasiô.
Tại công đồng Nicea, thánh
Athanassiô tháp tùng Đức Giám mục Alaxander và đã góp phần vào bản văn chung
quyết của cộng đồng, trong đó định tín rằng: Chúa Con đồng bản tính với Chúa
Cha. Ngài đã trở thành mục tiêu cho bọn lạc giáo ghen ghét.
Mùa hạ năm 328, Đức Giám mục
Alexander qua đời và đặt Athanasiô lên kế vị. Nhận thấy mình bất xứng,
Athanasiô đã bỏ trốn, nhưng rồi bị ép buộc lãnh nhận trách nhiệm. Ngài đã tỏ ra
có nhân cách khôn sánh, có ý chí bất khuất và rất thông minh. Rảo quanh khắp
giáo phận rộng lớn, Ngài gặp thánh Dachômiô từ trong sa mạc, là Đấng đã nghe
Chúa nói với mình rằng: - Ta đã đặt Athanasiô làm cột trụ Giáo hội, nhưng Ngài
sẽ bị đau khổ nhiều.
Nhưng Athanasiô không sợ đau khổ.
Nhiều lần Ngài đã bị trục xuất khỏi giáo phận. Trước hết, dưới ảnh hửơng của những
người theo phái Ariô, năm 335 thánh Athanasiô bị vua Constantinô đầy đi Trier ở
biên thùy nước Đức. Tại đây Ngài trước tác một số tác phẩm nay vẫn còn danh tiếng.
Nhưng rồi nămsau. Ariô chết cách
khốn khổ. Vua Constantinô cho thánh nhân được trở về giáo phận, Ngài chỉ trở lại
hai năm sau tức năm 337 khi thấy nhà vua mới Constance ngả về phía lạc giáo. Cuộc
trở về của thánh nhân diễn ra như một cuộc khải hoàn. Tuy nhiên từ năm 337 đến
năm 366, cuộc đời Ngài là một cuộc chiến đấu liên tục với nhóm người ngả theo
Ariô có, bảo thủ có, buông thả để an phận có. Chính hoàng đế cũng muốn can thiệp
để sửa đổi giáo thuyết Hội Thánh khiến các thù dịch tỏ ra độc ác và tìm cách
tiêu diệt vị giám mục. Lần kia đang lúc thánh Athanasiô dâng lễ, bọn lính xâm
nhập thánh đường. Thánh nhân trốn thoát được và ẩn mình trong sa mạc. Sợ những
người chứa chấp bị liên lụy Ngài ẩn mình trong một hang đá. Và không ngừng
trung thành với đức tin chân chính.
Hoàng đế Constance qua đời,
Juliano người sẽ mang biệt danh là kẻ bội giáo, lên kế vị và cho phép những kẻ
lưu đày trở về. Đức Giám mục Athanasiô trở lại giáo phận và thiết lập trật tự
trong giáo đoàn cũng như lo truyền bá đức tin sang Ethiopie và Ả Rập.
Ngài chống lại các mê tín dị
đoan khiến các lương dân tức giận. Họ quyết sát hại thánh nhân. Lần này, Ngài lại
phải chạy trốn theo lệnh của nhà vua, bội giáo chèo thuyền dọc sông Nil, Ngài bị
quân lính đuổi theo sát nút. Nguy ngập Ngài quay thuyền lại để gặp họ. Bọn lính
hung hăng hỏi thăm xem còn cách vị giám mục bao xa. Ngài trả lời : - Chèo mạnh
lên, ông không ở xa đâu.
Bọn lính vội vã làm theo và
thánh nhân thoát nạn, Ngài lang thang đây đó cho tới khi Vua Julianô qua đời,
vào năm sau. Jovianô, vị tân hoàng đế rất kính phục đức giám mục và thích đàm
luận với Ngài. Nhưng triều đại của ông lại quá vắn vỏi. Khi Valens lên nắm quyền
cai trị, lại một cuộc bách hại mới mở ra. Một lần nữa thánh Athanasiô lại phải
trốn đi. Trong bốn tháng liền, Ngài ẩn mình trong phần mộ của gia đình.
Sau cùng Valens vì hiểu được
lòng kính phục của dân Ai cập đối với vị giám mục của họ, và không muốn xa rời
dân chúng nên chịu cho Ngài trở về. Những năm cuối đời, thánh nhân được sống
trong yên ổn phần nào, bởi vì lúc ấy cuộc tranh chấp thực sự chưa ngã ngũ, Ngài
qua đời ngày 02 tháng 5 năm 373. Phải đợi năm năm sau, cuộc tranh luận của cộng
đồng Nicêa mới toàn thắng với cái chết của Valens.
Thánh Athanasiô đã viết những
tác phẩm vĩ đại nhất trong 30 năm xáo trộn. Cuốn Uncarnatione Verbi hoàn thành
năm 337, cuốn Virginitate và Orationes khoảng năm 357, cuốn Contra Arianô có thể
sau năm 362. Ngài đã viết rất nhiều và mọi tư tưởng Ngài cũng như cuộc sống
Ngài tập trung vào hai ý niệm: Chúa Con là sự bày tỏ của Chúa Cha, và Giáo hội
là sự bày tỏ của Chúa Con. Giáo hội Tây phương kính nhớ Ngài như thánh tiến sĩ
Chúa Ba Ngôi, nhưng trước hết, Ngài là Thánh Tiến sĩ về mầu nhiệm nhập thể và về
Ơn thánh.
(daminhvn.net)
02 Tháng Năm
Ðức Mẹ Guadalupe
Dạo tháng 5/1990, Ðức Gioan
Phaolô II đã tôn phong chân phước cho một người thổ dân Mehico tên là Juan
Diego, người được Ðức mẹ hiện ra tại Guadalupe...
Juan Diego là một người thổ dân
nghèo sống với người cậu tại làng Telpetlao thuộc ngoại ô thủ đô Mehico vào khoảng
thế kỷ 16. Một buổi sáng thứ bảy nọ, trên đường đi đến thánh đường để dự thánh
lễ, Juan Diego bỗng nghe có tiếng hát du dương từ trên một ngọn đồi. Anh tiến lại
gần và thấy một thiếu nữ xinh đẹp tự xưng là Trinh Nữ Maria. Ðức Mẹ nói với người
thổ dân nghèo như sau: "Ta muốn có một đền thờ được dựng lên tại đây để Ta
dùng tình thương, niềm cảm thông, sự giúp đỡ và bảo vệ của Ta mà bày tỏ Thiên
Chúa cho loài người. Con hãy đi gặp vị giám mục Mehico và nói với Ngài rằng Ta
sai con đến gặp Ngài để bày tỏ ý muốn của Ta. Con hãy tin tưởng rằng Ta sẽ biết
ơn con và ân thưởng cho con. Ta sẽ làm cho con được giàu có và tôn vinh
con".
Juan đến gặp vị giám mục, nhưng
anh ta buồn bã trở về làng, vì giám mục không tin lời của anh. Ðức mẹ lại hiện
ra cho anh một lần nữa và cũng sai anh mang một sứ điệp như thế đến cho vị giám
mục. Nhưng lần thứ hai, dù cho anh có van nài khóc lóc, vị giám mục vẫn một mực
không tin. Vị giám mục nói với người thổ dân nghèo rằng: "Nếu Ðức Mẹ thực
sự muốn điều đó thì xin Ngài hãybày tỏ một dấu lạ". Và ngài bí mật cho người
theo dõi. Lần thứ ba, Ðức Mẹ lại hiện ra cho Juan Diego, nhưng Ngài bảo anh:
"Hãy trở lại vào ngày mai và Ngài sẽ cho vị giám mục một dấu lạ".
Ngày hôm sau, Juan Diego không
thể đến điểm hẹn với Ðức Mẹ được vì anh còn phải đi tìm thầy thuốc cho người cậu
đang mắc bệnh. Nhưng khi đi qua ngọn đồi, Juan vẫn được Ðức Mẹ hiện ra. Ngài bảo
đảm với anh rằng người cậu của anh sẽ được lành bệnh và thay vì để Juan tiếp tục
lên đường đi Mehico để tìm thầy thuốc, Ðức Mẹ đã sai anh đến nơi Ngài hiện ra
cho anh lần đầu tiên. Tại đây, Ngài sẽ cho anh những cánh hoa thật đẹp và dấu lạ
để mang đến cho vị giám mục... Lúc bấy giờ đang là mùa đông và ngọn đồi nơi
Juan được Ðức Mẹ hiện ra thường chỉ có những cây cỏ của sa mạc như các loại gai
và xương rồng. Thế nhưng, hôm đó, hoa bỗng nở rộ trong sa mạc. Juan hái lấy
dâng cho Ðức Mẹ, Ðức Mẹ sờ đến những cánh hoa và bảo anh lấy chiếc áo choàng để
đựng hoa mang đến cho vị giám mục...
Khi Juan vừa mở chiếc áo choàng
ra để lấy hoa cho vị giám mục xem thì lạ lùng thay, hình ảnh Ðức Mẹ đã được in
trên chiếc áo của anh... Tin ở lời Ðức Mẹ, vị giám mục đã tức tốc lên đường đến
làng Ðức Mẹ đã hiện ra cho anh Juan. Ngài nhận thấy người cậu của anh đã được
lành bệnh. Các cuộc lành bệnh lạ lùng đã diễn ra từ đó... Một đền thánh dâng
kính Ðức Mẹ đã được xây cất để rồi cuối cùng trở thành Vương cung thánh đường
Guadalupe như chúng ta vẫn quen gọi.
Trong thánh lễ tôn phong chân
phước cho Juan Diego tại đền thánh Guadalupe ngay buổi chiều chủ nhật khi vừa đến
Mehico, Ðức Gioan Phaolô II đã kêu gọi người dân Mehico hâm nóng lại tinh thần
truyền giáo. Truyền giáo theo đúng nghĩa là được sai đi để mang sứ điệp đến cho
người khác. Cũng giống như tất cả những ai được diễm phúc gặp Ðức Mẹ, chân phước
Juan Diego đã được sai đi... Phải vất vả nhiều lần và dĩ nhiên, với sự giúp đỡ
của Ðức mẹ, Juan Diego mới có thể thuyết phục được vị giám mục...
Người Kitô, từ bản chất là người
được sai đi và sứ điệp của họ chính là sứ điệp của yêu thương... Cùng với những
cánh hoa dâng tiến Mẹ trong tháng Năm này, chúng ta được mời gọi để mang những
cánh hoa yêu thương đến cho mọi người. Tình thương, sự giúp đỡ của Mẹ dành cho
chúng ta cũng phải được chúng ta diễn đạt, cao rao qua cuộc sống dạt dào Tình Mến
đối với mọi người.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét