Trang

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

11-05-2020 : THỨ HAI - TUẦN V PHỤC SINH


11/05/2020
 Thứ Hai tuần 5 Phục Sinh


Bài Ðọc I: Cv 14, 5-17
"Chúng tôi rao giảng cho các người bỏ các thần này mà trở về với Thiên Chúa hằng sống".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, tại Icônia có phong trào người dân ngoại và người Do-thái cùng các thủ lãnh của họ định ngược đãi và ném đá Phaolô và Barnaba. Biết thế, hai ngài trốn sang các thành thuộc Lycaonia là Lystra, Ðerbê và khắp vùng phụ cận, và rao giảng Tin Mừng ở đó.
Lúc ấy tại Lystra có người bại chân từ lòng mẹ, anh chỉ ngồi và không hề đi được. Anh nghe Phaolô giảng dạy. Phaolô chăm chú nhìn anh, thấy anh có lòng tin để được cứu chữa, nên nói lớn tiếng rằng: "Hãy chỗi dậy và đứng thẳng chân lên". Anh liền nhảy lên và bước đi. Dân chúng thấy việc Phaolô làm, thì la to bằng tiếng Lycaonia rằng: "Các vị thần mặc lớp người phàm đã xuống với chúng ta". Họ gọi Barnaba là thần Giupitê và Phaolô là thần Mercuriô, vì chính ngài giảng. Thầy sãi thần Giupitê ở ngoại thành, mang bò và vòng hoa đến trước cửa: ông toan hợp cùng dân tế thần.
Nghe tin ấy, các tông đồ Barnaba và Phaolô liền xé áo mình ra, xông vào đám dân chúng mà la lên rằng: "Hỡi các ngươi, các ngươi làm gì thế? Chúng tôi cũng là loài hay chết, là người như các ngươi, là những kẻ rao giảng cho các người bỏ các thần này mà trở về với Thiên Chúa hằng sống, Ðấng tạo thành trời đất, biển cả và mọi vật trong đó. Trong các thế hệ trước đây, Người đã để mặc cho mọi dân tộc đi theo đường lối riêng mình; dầu vậy, Người không hề để thiếu sót những dấu chứng về Người, Người ban phát muôn ơn lành, cho mưa từ trời xuống cho các ngươi và mùa màng hoa trái, cho các ngươi được no lòng phỉ dạ". Dầu nói thế, các ngài cũng phải vất vả lắm mới ngăn cản được dân chúng khỏi tế các ngài.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 113B, 1-2. 3-4. 15-16
Ðáp: Lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng sáng (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Không phải cho chúng con, lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng sáng, vì đức từ bi, vì lòng trung tín của Ngài. Tại sao Chúa để chư dân người ta nói: "Thiên Chúa của bọn này ở đâu?" - Ðáp.
2) Thiên Chúa chúng tôi ngự trên trời, phàm điều chi Ngài ưng ý, Ngài đã thực thi. Thần tượng của họ bằng bạc với vàng, đó là sự vật do tay loài người tác tạo. - Ðáp.
3) Anh em đã được Chúa ban phúc lành, Chúa là Ðấng đã tạo thành trời đất. Trời là trời của Chúa, còn đất thì Chúa đã tặng con cái loài người. - Ðáp.

Alleluia: Cl 3, 1
Alleluia, alleluia! - Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 14, 21-26
"Ðấng Phù Trợ mà Cha sẽ sai đến, Người sẽ dạy các con mọi điều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy cũng yêu mến và tỏ mình ra cho người ấy".
Ông Giuđa, không phải Giuđa Iscariô, thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tại sao Thầy sẽ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ cho thế gian?" Chúa Giêsu trả lời: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời mà các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".
Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Những giới hạn
Hôm nay, bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc là những lời tâm sự của Chúa Giêsu cho các tông đồ trong một khung cảnh hết sức quan trọng là bữa tiệc ly của Chúa với các môn đệ trước khi thực hiện biến cố vượt qua. Cấu trúc của toàn chương 14 này của Phúc Âm thánh Gioan được xoay quanh ba câu hỏi của các tông đồ. Câu hỏi thứ nhất là của tông đồ Thomas: "Thầy đi đâu chúng con không biết thì làm sao chúng con biết đường đi?" Và câu hỏi thứ hai của tông đồ Philípphê: "Lạy Thầy, xin chỉ cho chúng con nhìn thấy Thiên Chúa Cha và thế là đủ cho chúng con rồi."
Trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm qua chúng ta đã nghe những lời Chúa Giêsu trả lời cho hai câu hỏi trên và từ đó chúng ta được Chúa cho biết mục đích của đời sống con người là gì và đâu là con đường để đạt tới mục đích đó. Con đường đó không là gì khác hơn là chính Chúa Giêsu Kitô, Ðấng mạc khải Thiên Chúa Cha cho con người và dẫn đưa con người về cùng Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ với các tông đồ: "Thầy là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống", và hôm nay chúng ta đọc và suy niệm những câu kế tiếp, trong đó chúng ta sẽ nghe thấy những câu Chúa Giêsu trả lời cho câu hỏi thứ ba của tông đồ Giuđa Tadeo: "Lạy Thầy, tại sao Thầy lại tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra cho thế gian?" Xem ra như Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho câu hỏi của Giuđa Tađeo nhưng Chúa nhắc tới thái độ tự nguyện tự quyết của kẻ muốn theo Chúa: "Ai lắng nghe lời Thầy, ai yêu mến và tuân giữ lời Thầy thì người đó là kẻ yêu mến Thầy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy".
Qua câu trả lời này chúng ta hiểu về những giới hạn trong mạc khải của Chúa và từ phía con người chấp nhận hay không chứ không phải từ Thiên Chúa, là Ðấng muốn cứu rỗi tất cả mọi người. Con người chúng ta có tự do khước từ ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, giới hạn tác động cứu rỗi của Thiên Chúa. Quả thật đây là một mầu nhiệm, mầu nhiệm của sự tự do con người và sự hữu hiệu của ân sủng Thiên Chúa. Con người cần được trợ giúp để quyết định cho đúng và nguồn trợ lực đến từ Chúa Thánh Thần là Ðấng tiếp tục soi sáng cho các tông đồ, hướng dẫn họ đến sự thật trọn vẹn mỗi ngày một hơn. Và cũng qua đoạn Phúc Âm trên chúng ta thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn những ai yêu mến Người là một sự hiện diện Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa, xin gìn giữ con trong tình thương của Chúa. Xin cho con luôn sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để mọi nơi và mọi lúc con luôn được lớn lên trong tình yêu Chúa và anh chị em chung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần V PS
Bài đọcActs 14:5-18; Jn 14:21-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hoạt động dưới ảnh hưởng của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Có một sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa với tư tưởng và đường lối của con người. Vì thế, cũng có một sự khác biệt lớn giữa cách hoạt động của những người dưới ảnh hưởng của Ba Ngôi Thiên Chúa, và những người hoạt động theo cách thức của người phàm.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật những khác biệt này. Trong Bài Đọc I, Phaolô, với sức mạnh của Thánh Thần và nhân danh Đức Kitô, có thể làm cho người bại liệt từ lúc mới sinh đứng dậy đi lại được. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ về sự liên hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và con người: Nếu con người vâng lời giữ các giới răn của Chúa Giêsu, sẽ được cả Ba Ngôi yêu mến; và người đó sẽ có cả Ba Ngôi trong người mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các Tông-đồ hăng hái rao giảng Tin Mừng giữa những đe dọa bắt bớ.
1.1/ Phaolô chữa người bại liệt từ lúc mới sinh: Theo lời Chúa Giêsu căn dặn: "Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác" (Mt 10:23); Phaolô và Barnabas
bỏ Iconium lánh sang các thành miền Lycaonia là Lystra, Derbe, và các vùng phụ cận; khi hai ông biết những người ngoại và những người Do-thái, cùng với các thủ lãnh của họ, mưu toan làm nhục và ném đá mình. Đi đến đâu, hai ông loan báo Tin Mừng tới đó.
Tại Lystra, có một người bại hai chân ngồi đó; anh ta bị què từ khi lọt lòng mẹ, chưa hề đi được bước nào. Anh nghe ông Phaolô giảng. Ông nhìn thẳng vào anh và thấy anh có lòng tin để được cứu chữa, thì lớn tiếng nói: "Anh trỗi dậy đi, hai chân đứng thẳng!" Anh đứng phắt dậy và đi lại được.
1.2/ Hai ông sửa chữa sai lầm của dân chúng sau khi chứng kiến phép lạ: Thấy việc ông Phaolô làm, đám đông hô lên bằng tiếng Lycaonia: "Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!" Họ gọi ông Barnabas là thần Zeus, ông Phaolô là thần Hermes, vì ông là người phát ngôn. Thầy tư tế đền thờ thần Zeus ở ngoại thành đem bò và vòng hoa đến trước cổng thành, và cùng với đám đông, muốn dâng lễ tế.
Zeus và Hermes là hai thần của người Hy-lạp. Zeus được xem như vua của các thần Hy-lạp, và quan thầy của những người làm nghề trồng cấy. Có lẽ vì lý do này mà Phaolô muốn nói với dân thành: không phải Zeus ban mưa từ trời và mùa màng; nhưng là chính Thiên Chúa trong câu 17. Hermes là con của Zeus với Maia; được xem là quan thầy của những người lữ hành, tội nhân, và gái điếm. Hermes là sứ giả và đem những sứ điệp của các thần cho con người.
Thấy phản ứng của họ, Barnabas và Phaolô xé áo mình ra, xông vào đám đông mà kêu lên: "Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn. Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó.
Trong những thế hệ đã qua, Người để cho muôn dân đi theo đường lối của họ. Tuy vậy Người không ngừng làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui."
2/ Phúc Âm: Mặc khải của Chúa Giêsu về sự liên hệ giữa Chúa Ba Ngôi và con người
2.1/ Liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con: Đây là mối liên hệ lý tưởng để con người bắt chước. Trong mối liên hệ này, yêu mến và vâng lời không thể tách rời nhau.
- Yêu mến: Cha yêu Con và Con yêu Cha. Hơn nữa, tình yêu không chỉ giới hạn giữa Cha-Con; nhưng lan tràn đến nhân loại: khi Chúa Giêsu yêu mến ai, Cha Ngài cũng yêu mến người ấy.
- Vâng lời: Con luôn vâng lời Cha bằng cách làm theo những gì Cha muốn.
Mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và con người cũng phải được họa theo mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và Cha của Ngài.
- Yêu mến: Chúa Giêsu yêu mến ai vâng lời Người. Khi Chúa Giêsu yêu ai, Chúa Cha sẽ yêu mến người ấy. Cha và Con sẽ đến và ở lại với người ấy. Ngài sẽ tỏ mình ra cho người ấy.
- Vâng lời: Ai có và giữ các điều răn của Chúa Giêsu, người ấy mới là kẻ yêu mến Ngài. Con người vâng lời Chúa Giêsu là vâng lời Chúa Cha, vì Lời con người nghe không phải là của Chúa Giêsu, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Con.
Ông Judah, không phải Judah Iscariot, nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?" Lý do là vì thế gian không yêu mến Chúa Giêsu, nên họ không giữ lời Ngài; cho dù Ngài muốn tỏ mình đi nữa, họ cũng không đón nhận Ngài.
2.2/ Liên hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần: Chúa Giêsu nói: "Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em."
(1) Chúa Thánh Thần sẽ dạy các tín hữu mọi điều: Những gì còn thiếu nơi Đức Kitô, Thánh Thần sẽ dạy con người tất cả. Một số điều hiển nhiên chúng ta đã nghe nhiều trong những ngày vừa qua:
- Chúa Thánh Thần dùng sự kiện Chúa Phục Sinh để soi sáng cho các môn đệ hiểu biết những lời Cựu Ước và những lời Chúa Giêsu đã báo trước về Cuộc Khổ Nạn, cái chết, và sự Phục Sinh của Đức Kitô, để các ông giảng giải cho dân chúng, như trong Bài Giảng của Phêrô (Acts 3:11-26) và của Phaolô (Acts 13:16-41).
- Ngài cũng giúp các môn đệ nhận ra sự sai trái của Thượng Hội Đồng và Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, để kêu gọi họ ăn năn sám hối trong Hai Bài Giảng này.
- Ngài giúp các ông nhận ra nhu cầu phải dùng các Phó-tế để cộng tác làm việc (Acts 6:1-7); cho Dân Ngoại chịu Phép Rửa mà không cần phải cắt bì (Acts 10:44-48), và giúp các ông giải quyết khác biệt như trong trường hợp của Phaolô (Acts 9:26-30).
(2) Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các môn đệ nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu đã nói với họ: Chúa Giêsu đã dạy các ông rất nhiều điều, nhưng các ông không tiếp nhận được tất cả. Có những điều các ông quên, Ngài sẽ làm cho các ông nhớ lại. Có những điều các ông không hiểu, Ngài sẽ làm cho các ông hiểu. Có nhưng điều các ông chưa tin, Ngài sẽ làm cho các ông tin.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Ba Ngôi Thiên Chúa không hoạt động riêng lẻ; nhưng các Ngài cùng nhau hoạt động nơi con người. Khi chúng ta có một là có cả ba, khi chúng ta không có một là cũng không có cả ba.
- Điều kiện để có Ba Ngôi là vâng lời Chúa Giêsu bằng cách thực thi những gì Ngài muốn. Khi chúng ta hoạt động trong sự hướng dẫn của Ba Ngôi, kết quả sẽ vô cùng khác biệt.
- Yêu mến và vâng lời không thể tách biệt trong mối liên hệ giữa con người và Chúa Giêsu; nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta phải vâng giữ các giới răn của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


11/05/20 THỨ HAI TUẦN 5 PS
Ga 14,21-26


ĐỂ ĐƯỢC “RỒNG ĐẾN NHÀ TÔM”
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23)
Suy niệm: Tục ngữ Việt Nam có câu: “Khách đến nhà không gà thì gỏi”. Lòng hiếu khách như vậy thật là tuyệt vời; nhưng dù thế cũng không thể diễn tả hết tâm tình thắm thiết đậm đà của cụ Nguyễn Khuyến khi ông bạn vong niên của mình là cụ Dương Khuê tới thăm: “Bác đến chơi đây, ta với ta.” Tình bạn bằng vai bằng lứa đã thế huống chi là thân phận con người chúng ta đã được Chúa “đến chơi nhà” và còn “ở lại” với chúng ta nữa. Thật chẳng khác nào được “rồng đến nhà tôm”! Mà Ngài đâu có đòi hỏi phải dọn cho Ngài những món ‘đặc sản’ nào ngoại trừ một tình yêu, một tấm lòng với tấm lòng, một tình bằng hữu giữa “ta với ta”: chỉ cần “yêu” và “giữ Lời Chúa” là đủ để Ngài kết mối tình thân mật đó rồi.
Mời Bạn: Thân ‘tôm’ chúng ta còn mong được vinh dự và hạnh phúc nào hơn thế nữa không? Bạn đã chuẩn bị đón Chúa “đến chơi nhà” linh hồn mình thế nào? Bạn đã dọn sạch tâm hồn mình khỏi những tham lam ích kỷ, những ham mê thú vui bất chính chưa? Bạn đã làm theo Lời Chúa dạy là tha thứ cho người xúc phạm bạn, phục vụ người anh em bé mọn nhất của bạn chưa?
Chia sẻ cảm nhận của bạn qua lời mẹ Têrêxa Calcutta: “Tôi yêu Đức Giê-su trong mỗi con người. Đức Giê-su hiện diện trong bí tích Thánh Thể và trong người nghèo khổ.”
Sống Lời Chúa: Làm việc bác ái phục vụ tha nhân để làm món quà dâng lên Chúa Giê-su Thánh Thể mỗi khi bạn tham dự Thánh lễ và tiếp rước Ngài.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
(5 phút Lời Chúa)

Yêu mến, đến và ở lại (11.5.2020 – Thứ hai Tuần 5 Phục sinh)
Nơi nào có Thiên Chúa cư ngụ, nơi đó là thiên đàng. Khi Cha và Con đến dựng nhà nơi người môn đệ trung tín, tâm hồn người ấy trở thành thiên đàng. 

Suy nim:
“…Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn.
Linh hồn phải giữ linh hồn, đến khi gần chết được lên thiên đàng.”
Đó là phần cuối của một bài đồng dao quen thuộc cách đây mấy chục năm.
Bài hát này đi kèm với trò chơi thiên đàng hỏa ngục hai bên của trẻ nhỏ.
Thiên đàng là điểm đến tối hậu của đời người kitô hữu.
Nhưng mô tả thiên đàng lại là điều vượt sức con người.
Thánh Phaolô đã được nghe những lời khôn tả ở đó,
nhưng tiếc là ngài không được phép nói lại (2 Cr 12, 4).
Đức Giêsu đã dùng hình ảnh bữa tiệc để nói lên bầu khí thiên đàng,
nơi có niềm vui, hạnh phúc và sự hiệp thông
giữa Thiên Chúa và những người từ bốn phương thiên hạ (Mt 8, 11).
Nếu coi thiên đàng là nơi con người được hạnh phúc bên Thiên Chúa,
trong một tương quan tình yêu, diện đối diện và vĩnh viễn,
thì thiên đàng ấy đã chớm nở ngay từ đời này rồi.
Khi yêu Thầy Giêsu, người môn đệ sẽ được Thầy yêu lại.
Hơn nữa, chính Chúa Cha cũng yêu mến người ấy (c. 21).
Và điều con người không dám mong sẽ xảy ra sau Phục sinh :
“Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy và sẽ ở lại với người ấy” (c. 23).
Thiên đàng bắt đầu với sự trao đổi tình yêu qua lại
giữa người môn đệ với Cha và Con.
Nơi nào có Thiên Chúa cư ngụ, nơi đó là thiên đàng.
Khi Cha và Con đến dựng nhà nơi người môn đệ trung tín,
tâm hồn người ấy trở thành thiên đàng.
Hạnh phúc đã được nếm cảm trong giây phút hiện tại rồi
trước khi được hưởng trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.
Nhưng không phải chỉ có sự hiện diện của Cha và Con,
Người môn đệ còn có Thánh Thần ở với và ở trong mình (Ga 14, 16-17).
Như Cha đã sai Con, nay Cha lại sai Thánh Thần (c. 26).
Thánh Thần sẽ là thầy dạy và là người gợi cho các môn đệ
nhớ lại và hiểu thấu những gì Đức Giêsu đã làm (x. Ga 2, 22; 12,16).
Vậy nơi tâm hồn người môn đệ, có sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.
Một thiên đàng nho nhỏ ngay ở đời này!
Muốn cho thiên đàng ấy tồn tại,
cần giữ các điều răn của Thầy Giêsu với rất nhiều tình yêu.
Hãy yêu bằng hành động hơn là bằng cảm xúc.
và để cho tình yêu Giêsu chi phối mọi chi tiết của đời ta.
Cầu nguyn:

Ngài đã xuống tận đáy lòng con,
xin cho con chỉ tập trung
vào tận đáy lòng con.

Ngài là thượng khách của lòng con,
xin cho con bước vào nhà
là chính đáy lòng con.

Ngài chọn cư ngụ trong lòng con,
xin cho con biết ngồi yên
ngay tại đáy lòng con.

Duy Ngài ở lại trong con,
xin cho con biết chìm sâu
xuống tận đáy lòng con.

Duy Ngài hiện diện trong lòng con,
xin cho con biết xóa mình
khi Ngài ở bên con.

Khi con đã gặp Ngài,
không còn con và Ngài nữa.
Con chẳng là gì cả,
và Ngài là tất cả.
(Theo Swami Abhisiktananda)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG NĂM
Ơn Bình An Để Lại
Chúa Giê-su chuẩn bị cho các môn đệ Người đón nhận cuộc ra đi của Người. Người nói: “Thầy ra đi … Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28). Giáo Hội đọc lại những lời này khi đến gần ngày thứ bốn mươi sau cuộc phục sinh của Đức Kitô – tức ngày Lễ Thăng Thiên.
Tuy nhiên, Đức Kitô không chỉ nói: “Thầy ra đi”, mà thực tế Người còn nói: “Thầy trở lại với anh em”. Cuộc ra đi này chỉ đánh dấu sự kết thúc sứ mạng mê-si-a trên dương thế của Người. Cuộc ra đi ấy không phải là sự tách ly các môn đệ ra khỏi Đức Kitô. Sứ mạng mê-si-a của Đức Kitô kết thúc bằng sự kiện Chúa Thánh Thần đến và bằng cuộc khai sinh Giáo Hội.
Trong Giáo Hội, Đức Kitô luôn luôn hiện diện và không ngừng hoạt động bằng quyền năng của Thánh Thần. Người hướng dẫn chúng ta đi về nhà Cha. Sứ mạng của Giáo Hội là hướng dẫn mọi con người đi tới định mệnh chung cuộc này – định mệnh mà ai cũng được dành sẵn cho trong Thiên Chúa.
Như vậy, sự ra đi của Đức Kitô không hề gây hoang mang lo lắng. Ngược lại, đó là cả một sự bình an tràn trề. Người nói: “Thầy để lại bình an cho anh em; Thầy ban bình an của Thầy cho anh em” (Ga 14, 27). Hằng ngày chúng ta lặp lại những lời ấy trong phụng vụ Thánh Lễ trước khi hiệp lễ. Và Người thêm: “Lòng anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi … Thầy ra đi, và Thầy sẽ trở lại với anh em” (câu 27 – 28).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 11 – 5
Cv 14, 5-18; Ga 14, 21-26.
LỜI SUY NIỆM: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”
Điều răn của Chúa Giêsu được gói gọn trong việc kính Chúa yêu người như trong chương 5 và 6 Sách Tin Mừng Mátthêu. Dẫn đưa con người vào đường sống: yêu mình và yêu người, biết tôn trọng và gìn giữ nhân phẩm của mình và của người anh em. Khi sống được như thế, chúng ta mới là kẻ được Chúa xếp vào hàng ngũ những người yêu mến Chúa thực sự, và cũng được Chúa và Chúa Cha yêu mến.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con yêu người như Chúa đã đã yêu thương chúng con, để tất cả những người chung quanh chúng con nhận ra chúng con là con cái của Chúa.
Mạnh Phương

11 Tháng Năm
Cơn Thịnh Nộ Của Các Thánh
Trong tác phẩm có tựa đề "Quyển Phúc Âm thứ 5", tác giả người Ý là ông Pomilio có tưởng tượng một câu chuyện như sau: Ngày kia, các thánh trên Thiên Ðàng không còn chịu đựng nổi những xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa nữa, cho nên Ngài mới họp công nghị để tìm cách chặn đứng tội lỗi của nhân loại...
Sau không biết bao nhiêu buổi họp, cuối cùng các thánh mới đồng thanh biểu quyết rằng việc Con Thiên Chúa chịu chết trên thập giá vẫn chưa đủ để cứu rỗi con người. Do đó, cần phải dùng đến sức mạnh may ra mới trừng trị và thuyết phục được loài người.
Các Ngài họp lại thành một đạo binh hùng mạnh và xâm nhập vào trái đất. Chỉ trong nháy mắt, đạo binh các thánh đã chinh phục được thế giới. Các Ngài giao việc cai trị trái đất cho một số người công chính còn sót lại giữa loài người. Còn tất cả những kẻ gian ác, tội lỗi, các ngài tập trung lại trong một thung lũng lớn. Tại đây, các ngài dựng lên những dàn hỏa thiêu vĩ đại để tiêu diệt tất cả những người tội lỗi. Các ngài tin chắc rằng sau cuộc thanh lọc này, dòng giống con người trên mặt đất sẽ chỉ có những người công chính...
Khi mọi sự đã sẵn sàng để tiến hành cuộc tiêu diệt, thì giữa đám người tội lỗi, các thánh bỗng thấy một người đang vác thập giá. Hắn đang ra hiệu cho những người khác đến giúp dỡ hắn... Nhìn thấy cảnh tượng ấy, các thánh càng bực tức hơn nữa. Tại sao một người tội lỗi lại bị xử theo hình phạt chỉ được dành riêng cho Con Thiên Chúa mà thôi? Nghĩ như thế, cho nên các thánh mới triệu kẻ vác thập giá đến, trói chân tay hắn lại và giải đến trước mặt thánh Phêrô để xét xử.
Vừa thoáng nhìn qua kẻ vác thập giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra ngay Thầy mình. Các thánh ngỡ ngàng không ít, khi được thánh Phêrô tiết lộ rằng Con Thiên Chúa đang lẫn lộn giữa những người tội lỗi. Các ngài mới nhớ lại lời của Ngài: "Con Người không đến để cứu thoát những người công chính mà chính là những người tội lỗi". Chúa Giêsu cũng nói các thánh rằng Ngài đã quyết định chết một lần nữa cho các tội nhân, bởi vì trên trần gian, không có một người nào có thể cứu thoát kẻ có tội khỏi cơn thịnh nộ của các thánh.
Chúng ta dễ rơi vào hai thái cức trái nghịch nhau: thái độ của những người biệt phái và thái độ của Giuda, kẻ bán nộp Chúa.
Thái độ của những người biệt phái được Chúa Giêsu phác họa qua hình ảnh của một người tự cao tự đạo vào Ðền Thờ cầu nguyện. Người này kể ra bao nhiêu công trạng của mình và nhìn một cách khinh bỉ về người thu thuế đang nép mình ở phía cuối Ðền Thờ. Thái độ ấy tiêu biểu ấy cho chính cái nhìn mà đôi khi chúng ta cũng có đối với người khác. Chúng ta hãnh diện về đời sống đạo đức của chúng ta và kết án những yếu hèn, thiếu sót của những người xung quanh...
Ðối nghịch với thái độ kiêu ngạo của người biệt phái là thái độ thất vọng của Giuda. Sau khi đã bán nộp Chúa, Giuda mới nhận ra lỗi lầm của mình. Ông không còn tin tưởng ở lòng Nhân Từ của một Thiên Chúa có thể tha thứ tất cả tội lỗi của ông và có thể mang lại cho cơ may để sống tốt đẹp hơn.
Tựu trung, cả hai thái độ đều có chung một mẫu số: đó là đóng khung trong chính bản thân để khước từ mọi ân sủng của Chúa.
Qua cuộc sống của mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng, phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa. Dù tội lỗi chúng ta có ngập tràn, Tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn có sức xóa sạch tất cả. Tình yêu của Ngài mạnh hơn cả hỏa ngục và sự chết... Qua cách cư xử của Chúa Giêsu với tội nhân, chúng ta cũng được mời gọi để nên trọn lành như Cha chúng ta trên Trời, đó là luôn biết tha thứ và cảm thông đối với những bất toàn, yếu đuối và tội lỗi của con người...
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét