19/05/2020
Thứ Ba tuần 6 Phục
Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 16, 22-34
“Anh hãy tin vào Chúa Giêsu,
thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu thoát”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy, dân thành Philipphê xúm lại chống đối Phaolô và
Sila; các nhà chức trách cho người xé áo choàng các ngài, và ra lệnh đánh đòn.
Khi đã đánh các ngài nhừ tử, họ cho tống ngục, và truyền cho viên canh ngục
canh giữ cẩn thận. Được lệnh như thế, viên cai ngục giam các ngài vào ngục sâu
nhất, và còng chân các ngài lại.
Đến nửa đêm, Phaolô và Sila cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa; các tù nhân đều
lắng nghe các ngài. Bỗng xảy ra một cuộc động đất lớn, làm rung chuyển cả nền
móng ngục thất. Tức khắc mọi cửa đều mở tung, và xiềng xích mọi tù nhân đều rơi
xuống. Viên cai ngục giật mình thức dậy, thấy các cửa ngục mở tung, thì rút
gươm toan tự vẫn, vì tưởng những người bị xiềng đã tẩu thoát. Nhưng Phaolô kêu
lớn tiếng rằng: “Anh chớ hại mình, vì chúng tôi còn tất cả ở đây”. Viên cai ngục
gọi lấy đèn, rồi chạy vào tù, và run rẩy sấp mình dưới chân Phaolô và Sila; đoạn
dẫn hai ngài ra ngoài và nói: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu
thoát?” Hai ngài đáp: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu
độ”.
Hai ngài giảng dạy lời Chúa cho anh và mọi người trong nhà. Ngay lúc đó,
giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ngài đi, rửa vết thương, và lập tức anh ta
được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi anh đưa hai ngài lên nhà, dọn
bàn ăn. Anh và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a.
2bc-3. 7c-8
Đáp: Lạy Chúa, tay
hữu Chúa khiến con được sống an lành (c. 7c).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng
con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy
bên thánh điện Ngài. – Đáp.
2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của
Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều
sức mạnh. – Đáp.
3) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những
điều đã khởi sự, lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi
công cuộc tay Ngài. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 26
Alleluia, alleluia!
– Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều; và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những
gì Thầy đã nói với các con. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 16, 5b-11
“Nếu Thầy không đi, thì Đấng
Phù Trợ sẽ không đến với các con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy về với Đấng
đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với
các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật
cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng
Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với
các con. Khi Người đến,Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và
về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về
cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian
này đã bị xét xử”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Hoạt Động Của
Thánh Thần
Sách Công vụ Tông đồ kể lại rằng trong dịp lễ Ngũ tuần khi người Do thái
tự khắp nơi tuôn về Yêrusalem để mừng lễ, các Tông đồ lúc đó đang tề tựu một
nơi, thì bỗng từ trời một tiếng ào ào như thế cuồng phong thổi đến, vang khắp cả
nhà, hết thảy họ được đầy Thánh Thần và nói được các thứ tiếng tùy theo Thần
Khí ban cho họ. Phêrô đã mạnh mẽ rao giảng về Đức Giêsu thành Nazaret vừa bị Hội
đồng Do thái kết án và đống đinh Thập gía, nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại.
Nghe Phêrô giảng, có khoảng 3000 người đã hối cải và xin chịu thanh tẩy.
Lời giảng của Phêrô đạt được kết quả như vậy là nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng
đã tác động trên người nghe lẫn người giảng, một công việc đã được Chúa Giêsu
tiên báo trước khi Ngài từ giã các môn đệ như được tường thuật trong Tin mừng
hôm nay: “Khi Đấng Phù trợ đến, Ngài sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công
chính và về án phạt”.
Lời tiên báo của Chúa Giêsu đã hiện thực trong đám đông Do thái vào dịp lễ
Ngũ tuần. Việc làm của họ một lần nữa được Phêrô nhắc lại và nhờ Thánh Thần họ
đã hiểu thế nào là tội, là sự công chính, là án phạt. Việc làm ngày hôm trước Lễ
Vượt qua, họ tưởng là phụng sự Thiên Chúa mà kỳ thực họ đã lầm vì đã giết chết
Đấng thánh của Thiên Chúa được sai đến để cứu dân. Về phần Chúa Giêsu Ngài bị
giết chết, nhưng đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu đi đến
tận cùng của việc bị kết án, thì cũng là lúc con người nhận ra sự công chính
nơi Ngài. Viên bách quản đã thốt lên: “Người này thật là Con Thiên Chúa”, và
đám đông chứng kiến cảnh tượng ấy đã đấm ngực mà lui về. Cái chết của Ngài là một
chiến thắng tội lỗi và sự chết, để những ai bước theo Ngài không còn lo âu thất
vọng, nhưng phấn khởi vui mừng vì một ngày kia cũng được thông phần vinh quang
với Ngài.
Kitô hữu ngày nay cũng được đón nhận Thánh Thần và được Ngài cho biết về
tội lỗi, về sự công chính, về án phạt. Tuy nhiên hiểu biết mà thôi chưa đủ, mà
còn phải hành động nữa. Chính hành động đã dẫn họ đến miền đất của công chính
hay án phạt 3000 người Do thái trở lại vào dịp lễ Ngũ tuần không phải là những
người vô tội. Trong nhóm họ, nhiều người đã kết án Chúa Giêsu, nhưng không vì
thế mà bây giờ họ không còn lối thoát. Thánh Thần đã mở lối cho họ hiểu biết,
Ngài cũng vạch đường cho họ bước theo.
Như người Do thái, nhiều lần chúng ta đã nhiệt tâm hành động và cứ tưởng
như thế là tôn vinh Thiên Chía. Chỉ khi đối diện với Thần Chân Lý, chúng ta mới
nhận ra điều sai lầm của chúng ta. Xin Thánh Thần soi sáng để chúng ta luôn đi
trong chính lộ và mau mắn chỗi dậy mỗi khi chúng ta lầm lỗi.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần VI PS
Bài đọc: Acts
16:22-34; Jn 16:5-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiệu quả của đức tin
Đứng
trước đau khổ, con người có những phản ứng khác nhau, tùy theo những gì họ tin
hay không tin vào Thiên Chúa. Người có đức tin sẽ nhìn đau khổ như một cơ hội
luyện tập để đức tin của họ càng ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Vì thế, họ
coi thường đau khổ, vẫn sống an bình vì họ luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Ngược
lại, người không có đức tin sẽ tìm mọi cách để trốn tránh đau khổ; và nếu không
tránh được, họ sẽ kêu trách, ta thán, và ngay cả tìm cách kết liễu cuộc đời để
khỏi phải chịu đau khổ.
Các
Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những thái độ khác nhau này. Trong Bài Đọc I,
Phaolô và Silas, tuy bị cáo gian, đánh đòn, và bị xiềng xích trong ngục, các
ông vẫn vui tươi, tin tưởng, và hát thánh ca chúc tụng Thiên Chúa. Ngược lại,
viên cai ngục lại lo lắng đến độ súyt kết liễu đời mình, vì thấy cửa ngục bị mở
tung và tưởng rằng hai ông đã trốn thoát. Hai ông phải lên tiếng báo cho ông ấy
biết mình vẫn còn trong ngục, ông ấy mới thôi không kết liễu đời mình. Trong
Phúc Âm, khi Chúa Giêsu thấy các môn đệ quá đỗi ưu phiền về những gì sắp xảy
ra, Ngài hứa sẽ gởi cho các ông một Đấng Bảo Trợ khác là Thánh Thần. Đấng này sẽ
làm việc trong các ông, giúp các ông nhận ra sự thật toàn vẹn, và an ủi các ông
khi gặp các gian nan khốn khó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức tin là sự khác biệt trong lúc nguy
nan đau khổ.
1.1/ Thái
độ của hai ông trước cực hình: Sở dĩ
hai ông bị chống đối là vì Phaolô đã nhân danh Đức Kitô truyền lệnh cho quỉ phải
xuất khỏi người tớ gái, vì cô này luôn đi theo hai ông để nói cho mọi người biết
hai ông là đầy tớ của Thiên Chúa Tối Cao, và sẽ chỉ cho mọi người biết con đường
cứu độ. Khi chủ của cô biết quỉ đã xuất khỏi cô, và cô không còn sinh lợi cho hắn
bằng cách nói tiên tri nữa; ông kích thích đám đông để có cớ buộc tội hai ông.
Sách
CVTĐ tường thuật: "Đám đông nổi lên chống hai ông. Các quan toà, sau khi
đã cho lột áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai
ông vào ngục, và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận. Được lệnh đó,
người này tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại." Sau một
trận đòn dã man như thế, hai ông vẫn không một lời kêu la hay than trách. Trái
lại, vào quãng nửa đêm, ông Phaolô và ông Silas hát thánh ca cầu nguyện với
Thiên Chúa. Các người tù nghe hai ông hát và có lẽ họ rất ngạc nhiên khi thấy
những điều này.
Bỗng
nhiên có động đất mạnh, khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển. Ngay lúc đó, tất
cả các cửa mở toang và xiềng xích của mọi người vuột tung ra.
1.2/ Thái
độ của viên cai ngục: Viên
cai ngục choàng dậy và thấy các cửa ngục mở toang, liền rút gươm định tự tử, vì
tưởng rằng các người tù đã trốn đi. Thấy hành động của viên cai ngục, ông
Phaolô vội lớn tiếng bảo: "Ông chớ hại mình làm chi: chúng tôi còn cả đây
mà!"
Viên
cai ngục bảo lấy đèn, nhảy bổ vào, run rẩy sấp mình dưới chân ông Phaolô và ông
Silas, rồi đưa hai ông ra ngoài và nói: "Thưa các ngài, tôi phải làm gì để
được cứu độ?" Hai ông đáp: "Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà
sẽ được cứu độ." Hai ông liền giảng Lời Chúa cho viên cai ngục cùng mọi
người trong nhà ông ấy.
Sự kiện
động đất nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài muốn cho viên cai ngục có
cơ hội để nghe hai ông rao giảng Tin Mừng ngay trong ngục thất, và hai ông đã
không bỏ lỡ cơ hội này. Ai có thể ngờ viên cai ngục có thể nghe Tin Mừng trong
khi canh giữ tù nhân; nhưng chẳng có gì là không thể đối với Thiên Chúa!
Ngay
lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ông đi, rửa các vết thương, và lập
tức ông ấy được chịu Phép Rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi ông ấy đưa hai ông
lên nhà, dọn bàn ăn. Ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Thánh Thần sẽ chứng minh ba tội của thế
gian.
2.1/ Chúa
Giêsu sẽ gởi Đấng Bảo Trợ đến với các môn đệ: Chúa
Giêsu mặc khải Kế họach của Thiên Chúa cho các môn đệ: "Thầy nói thật với
anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng
Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với
anh em."
2.2/
Thánh Thần sẽ minh chứng thế gian 3 điều sai lầm: "Khi Người đến, Người sẽ chứng
minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử:"
(1) Về
tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy. Tội duy nhất theo Gioan là tội không tin
vào Đức Kitô, Người được Thiên Chúa sai đến. Thánh Thần sẽ chứng thực Đức Kitô
là Con Thiên Chúa.
(2) Về
sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa. Thế
gian tưởng Chúa Giêsu là tội nhân khi nhìn thấy Ngài chịu chết treo trên Thập
Giá. Bằng sự Phục Sinh của Đức Kitô, Thánh Thần chứng minh cho thế gian biết
Ngài tự nguyện chịu khổ hình, Người công chính chết thay cho các tội nhân là tất
cả con người.
(3) Về
việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi. Các Thủ Lãnh Do-thái
nghĩ họ làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng việc đóng đinh Chúa Giêsu vào Thập Giá. Thủ
Lãnh Rôma nghĩ ông đã giết Chúa Giêsu để đẹp lòng người Do-thái. Thánh Thần sẽ
minh chứng cho họ biết họ đã sai lầm to khi luận tội và giết Đức Kitô, người
Tôi Trung của Thiên Chúa.
Cả ba
điều này đều liên quan đến nhau: thế gian phạm tội giết con Thiên Chúa vì không
tin vào Ngài là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa. Ngài là Đấng Công Chính không
bao giờ phạm tội; nhưng muốn gánh tội cho con người. Thế gian đã sai lầm khi luận
tội và giết Con Thiên Chúa. Vì thế, họ đã phạm ba tội cùng một lúc khi giết Con
Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Người
Công-giáo chúng ta có một món quà vô giá là đức tin vào Thiên Chúa. Chính đức
tin này sẽ giúp chúng ta bình an trong đau khổ, vui tươi khi hoạn nạn, và lạc
quan vui sống.
-
Chúng ta luôn sống trong sự quan phòng và bảo vệ của Thiên Chúa. Tuy Ngài để
chúng ta phải chịu thử thách để tôi luyện đức tin, nhưng luôn ban mọi sức mạnh
cần thiết đủ để giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.
-
Chúng ta phải luôn ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn, để
luôn biết lắng nghe và làm theo những gì Ngài hướng dẫn. Ngài sẽ thêm sức cho
chúng ta để chống lại mọi đe dọa nguy hiểm của thế gian và ma quỉ.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
19/05/2020 – THỨ BA TUẦN 6 PS
Ga 16,5-11
DI SẢN THÁNH THẦN
“Nếu Thầy đi, Thầy sẽ
sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em.” (Ga 16,7)
Suy niệm: Chúa Giê-su không để lại
cho các môn đệ bạc vàng bổng lộc hay quyền cao chức trọng như các ông mơ tưởng.
Ngài để lại một di sản các ông không bao giờ nghĩ tới là chính Thánh Thần. Quả
thật, Thánh Thần luôn hiện diện trong mọi hoạt động của Chúa Giê-su. Trong
Thánh Thần, Ngài đến cùng Chúa Cha (Lc 10,21); trong Thánh Thần, Ngài đem Tin Mừng
cho người nghèo (Lc 4,28). Khi tiên báo về giờ ra đi của mình, Ngài hứa ban
Thánh Thần, Đấng Bầu cử từ nơi Chúa Cha và nơi Ngài sẽ đến ở với các ông, giúp
các ông trung thành theo Chúa và làm chứng cho Ngài. Điều Chúa Giê-su hứa đã được
hiện thực. Sau ngày Chúa lên trời, Thánh Thần đã được ban xuống, biến các môn đệ
nhát đảm sợ sệt thành những chứng nhân hăng say rao giảng Tin Mừng.
Mời Bạn: Giữa cảnh đại dịch đau
thương chết chóc, biết bao con người đang sống và chết cho tình yêu với những
hy sinh, chia sẻ, rất sống động và sáng tạo. Điều đó cho thấy Thánh Thần đang
làm việc mạnh mẽ trong các tâm hồn. Chúng ta hãy mở rộng cõi lòng để Thánh Thần
Chúa đến ban bình an và biến đổi chúng ta nên những sứ giả cho tình yêu Chúa
cho anh em.
Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn
dành một khoảnh khắc thinh lặng cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và trợ giúp bạn
làm theo thánh ý Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin
Ngài ngự đến đổi mới tâm hồn con. Trong cảnh gian nan khốn khó, xin giúp con giữ
vững niềm tin tưởng và hi vọng nơi Chúa; không bao giờ quên rằng Chúa đang ở
bên và cùng đồng hành với con trên mọi nẻo đường. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Có lợi
cho anh em
Suy niệm
:
Người Pháp vẫn thường nói: ra đi là chết một chút.
Cuộc chia ly nào cũng đem lại những mất mát buồn phiền.
Khi biết mình sắp phải chia tay Thầy,
các môn đệ cũng không tránh khỏi tâm trạng đó (c.6).
Gần ba năm sống bên Thầy, tuy ngắn ngủi nhưng có bao là kỷ niệm.
“Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy” (c. 5).
Thầy Giêsu đã an ủi bằng cách nói rằng mình đi để dọn chỗ cho họ.
Rồi Thầy trò lại được chung sống bên nhau (Ga 14, 1-3).
Chuyện Thầy về với Cha lẽ ra phải làm họ vui sướng,
vì Thầy được Cha tôn vinh (Ga 14, 28).
Nhưng lý do chính khiến Thầy ra đi là nhằm lợi ích cho môn đệ.
“Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em;
nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (c. 7).
Rõ ràng sau khi Đức Giêsu chết, phục sinh, hiện ra nhiều lần và lên trời,
sau khi các môn đệ không còn thấy Ngài nữa,
thì Đấng Bảo Trợ bắt đầu đóng một vai trò quan trọng.
Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, sẽ làm công việc của một người Thầy.
“Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại
mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26).
Thầy Thánh Thần giúp ta hiểu được và đến được với Thầy Giêsu.
Thánh Thần như người phụ đạo, tiếp nối việc giảng dạy của Thầy Giêsu.
Thánh Thần còn là người làm chứng cho Thầy Giêsu nữa,
để các môn đệ cũng can đảm trở nên chứng nhân cho Thầy (Ga 15, 26-27).
“Thầy đi thì có lợi cho anh em” (c.7).
Khi Đức Giêsu hoàn tất phần công việc Cha giao cho mình (Ga 17, 4; 19,
30),
Ngài chuyển giao mọi việc còn lại cho Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ.
Ngài tìm điều có lợi hơn cho sự lớn lên của các môn sinh,
dù Ngài rất yêu họ và muốn được sống gần họ (Ga 13, 1; 17, 24).
“Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14, 18).
Đức Giêsu đến với môn đệ bằng việc sai Thánh Thần.
Đúng là họ sẽ chẳng bao giờ mồ côi, vì họ đã có một Đấng Bảo Trợ.
Trong cuộc sống lắm khi người Kitô hữu thấy Chúa Kitô như vắng mặt.
Buồn chán, thất vọng, xao xuyến, sợ hãi, khô khan chiếm lấy lòng mình.
Không phải lúc nào cũng thấy Chúa gần bên, ấm áp và thân thiện.
Những lúc khó khăn đó lại có thể là dịp để ta tập yêu Ngài cách nhưng
không,
tin Ngài chỉ tìm điều có ích hơn cho ta,
và kiên nhẫn đợi chờ quà tặng bất ngờ do Ngài gửi đến.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin Ngài hãy đến như cơn gió mát
thổi vào đời con,
thổi vào Giáo Hội,
thổi vào thế giới,
để đem lại cho chúng con
sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.
Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong
chảy vào đời con,
chảy vào Giáo Hội,
chảy vào thế giới,
để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi,
và làm bật dậy
những mầm xanh sự sống nơi chúng con.
Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng
chiếu sáng đời con,
chiếu sáng Giáo Hội,
chiếu sáng thế giới,
để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm,
nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng,
đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG NĂM
Vị Khách Tuyệt Diệu
Của Linh Hồn Ta
Đức Kitô gọi Chúa Thánh Thần là “Đấng Bảo Trợ” khác – hay Đấng An Ủi – bởi
vì, bằng một cách thế khác với cách thế của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần cũng mang
đến cùng một Tin Mừng cứu độ và ân sủng. Tất cả những gì đã được Đức Kitô mặc
khải bằng lời nói và hành động – và đã xác nhận mạnh mẽ qua cuộc phục sinh của
Người – cũng chính là công việc mà Thần Khí sự thật sẽ thể hiện. Thánh Thần sẽ ở
lại mãi mãi với Giáo Hội như hơi thở của Chúa Cha và Chúa Con, như tặng phẩm từ
trên cao, và như “vị khách tuyệt diệu của linh hồn con người”. Công Đồng
Vatican II đã chỉ ra cho ta thấy công trình của Thánh Thần xuyên qua toàn thể lịch
sử của Giáo Hội. Hoa quả của Thánh Thần là sự thật, tình yêu và ánh sáng. Những
hoa quả này triển nở nơi con người nhờ hơi thở của Thánh Thần.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 19/5
Cv 16, 22-34; Ga
16, 5-11.
Lời Suy Niệm: “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy,
nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em.”
Chúa Giêsu đang nói đến sự cần thiết
của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin của người Kitô hữu: Thánh Thần là
nguồn ơn tha thứ mọi tội lỗi trong Giáo Hội (Ga 20,22-23). Ngài là sức năng động
thần thiêng mang lại hiêu lực cho các bí tích.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người
chúng con năng cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần để nhận ra Ngài đang ngự trong
tâm hồn chúng con, tăng sức mạnh đức tin cho chúng con..
Mạnh Phương
19 Tháng Năm
Tôi Chết Thay Cho Thầy Tôi
Một tu sĩ Hồi Giáo nọ quy tụ được 60 môn sinh. Sau một thời gian giáo huấn
họ, ông quyết định như sau: Ta thấy đã đến lúc phải làm một cuộc hành trình mới.
Ta không biết những gì sẽ xảy ra cho thầy trò chúng ta. Các ngươi hãy tuân giữ
các điều ta đã truyền dạy cho các ngươi. Hãy nhớ điều này: trong bất cứ lúc
nào, hễ ta giơ tay lên trời thì các ngươi hãy hô lớn: “Tôi chết thay cho thầy
tôi”.
Ðám môn sinh nhận thấy không thể chấp nhận được một đề nghị xem ra điên rồ
như thế, cho nên 59 người đã bỏ cuộc trở về với nếp sống cũ của họ. Chỉ có một
người chấp nhận điều kiện và quyết tâm đi theo thầy mình cho đến cùng. Hai thầy
trò lên đường mà không biết đi về đâu. Họ đi mãi cho đến lúc tới một thành phố
do một bạo chúa cai trị. Không bao lâu thì họ vào thành phố, ông bạo chúa đã ra
lệnh cho các binh lính như sau: “Các ngươi hãy bắt giữ lấy tên du thử du thực đầu
tiên và điệu đến đây cho ta. Ta muốn treo cổ hắn để làm một bài học cho bọn vô
lại trong thành phố này”.
Thế là bọn lính đã đến bắt người đệ tử của vị tu sĩ và điệu đến trước mặt
bạo chúa. Giữa lúc cuộc hành quyết sắp bắt đầu, thì vị tu sĩ mới xuất hiện giữa
đám đông và hô lớn: “Thưa quan lớn, xin hãy giết tôi, vì chính tôi là người đã
dụ dỗ thanh niên này bỏ nhà ra đi để sống kiếp sống lang thang như tôi”. Nói
xong ông giơ tay lên trời.
Vừa thấy cử chỉ ấy của vị thầy, người thanh niên mới gào lên: “Thưa quan
lớn, tôi muốn chết thay cho thầy tôi”.
Quan bạo chúa nghe thế, mới hỏi các viên cố vấn của mình như sau: “Họ là
ai mà sẵn sàng chết thay cho nhau?”. Quan bạo chúa mới cho điệu vị tu sĩ đến
trước mặt và yêu cầu giải thích cho cặn kẽ về mối tương quan giữa thầy trò.
Vị tu sĩ Hồi Giáo mới bình tĩnh phát biểu như sau: “Thưa quan lớn, chúng
tôi có nghe nói rằng bất cứ ai được giết trong thành phố này đều được phúc trường
sinh bất tử. Dĩ nhiên, nghe biết như thế, cho nên thầy trò chúng tôi mới hăm hở
đến đây để được chết như thế”.
Nghe thế, quan bạo chúa mới mỉm cười, rồi ra lệnh trả tự do cho họ. Người
môn sinh chợt hiểu được rằng ai hy sinh mạng sống mình thì sẽ tìm lại được nó.
Cái chết của Ðức Kitô trên thập giá đều là vô nghĩa, nếu cái chết đó
không phải là cái chết cho mọi người. Thập giá của Ðức Kitô sẽ chỉ là một ô nhục,
nếu thập giá đó không là biểu trưng của tình yêu, sự hy sinh.
Bước theo Ðức Kitô trong cuộc tử nạn, vác lấy thập giá và đi theo Ngài
không là một việc làm nhiệm ý và tùy hứng, nhưng là đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi
Kitô. Con đường của Ðức Kitô chính là con đường của tình yêu, của hy sinh hiến
thân cho người khác.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét