21/05/2020
Thứ Năm tuần 6 Phục
Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 18, 1-8
“Ngài cư trú và làm việc tại
nhà họ, và giảng trong hội đường”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô rời Athêna đi Côrintô; ngài gặp một người
Do-thái tên là Aquila, quê ở Pontô, vừa từ đất Ý-đại-lợi đến làm một với vợ là
Priscilla (bởi vì vua Clauđiô đã ra lệnh trục xuất mọi người Do-thái khỏi
Roma); Phaolô đến gặp họ. Và vì chung một nghề, nên ngài cư trú và làm việc tại
nhà họ: họ làm nghề dệt bố để làm nhà lều. Mỗi ngày Sabbat, ngài đến tranh luận
tại hội đường, nêu danh Chúa Giêsu, thuyết phục người Do-thái và Hy-lạp.
Khi Sila và Timôthêu từ Macêđônia đến, Phaolô chỉ chuyên lo việc giảng dạy,
minh chứng cho người Do-thái biết Chúa Giêsu là Đức Kitô. Nhưng họ công kích và
lăng mạ Ngài, nên ngài dũ áo nói với họ: “Máu các ngươi đổ trên đầu các ngươi.
Phần tôi, tôi vô can, từ đây, tôi sẽ đến với dân ngoại”.
Ngài ra khỏi chỗ đó, vào nhà một người kia tên là Titô Giustô có lòng
kính sợ Chúa, nhà ông ở bên cạnh hội đường. Bấy giờ Crispô trưởng hội đường, và
cả nhà ông tin theo Chúa; nhiều người Corintô nghe giảng, cũng tin theo và chịu
phép rửa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1.
2-3ab. 3cd-4
Đáp: Chúa đã công bố
ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều
huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay
thánh thiện của Người. – Đáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức
công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.
– Đáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 16, 28
Alleluia, alleluia!
– Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà
về cùng Cha. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 16, 16-20
“Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi
buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không
thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”.
Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Điều Người nói với chúng
ta: ‘Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy
Thầy’, và ‘Vì Thầy về cùng Cha’, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói
‘Một ít nữa’ có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?”
Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi
nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa
các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc
lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con
sẽ trở thành niềm vui”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Nỗi buồn sẽ
thành niềm vui.
Kinh điển Phật giáo có ghi lại câu truyện như sau: Một người đàn bà nọ có
đứa con độc nhất trên đời đã bị chết. Trong niềm đau tột cùng, người đàn bà đem
đứa bé đến nhà những người láng giềng và xin họ vui lòng chỉ cho biết có thứ
thuốc nào có thể làm cho con bà sống lại, nhưng ai ai cũng chỉ biết lắc đầu và
cảm thông mà thôi. Nhưng cuối cùng có người mách cho người đàn bà biết có một vị
lương y có thể cải tử hoàn sinh cho đứa bé, người đó chính là Đức Thích Ca.
Người đàn bà khốn khổ tìm đến Đức Thích Ca và khẩn cầu Ngài ban cho một
liều thuốc. Đức Thích Ca liền nói: “Ta cần có một ít hạt cải”. Nghe thế, người
đàn bà liền vội vã đi tìm hạt cải và đem lại cho Đức Thích Ca. Nhưng vừa thấy
những hạt cải, Ngài lại bảo: “Hãy đi mời những gia đình nào không có tang chế đến
lấy những hạt cải này. Tin lời Đức Phật, người đàn bà đi gõ cửa từng nhà để mời
gọi mọi người lấy hạt cải, nhưng tất cả đều từ chối, vì thật ra không ai mà lại
không có người thân đã ra đi.
Khi người đàn bà trở về nhà thi đêm đã bắt đầu xuống, bà đến ngồi bên xác
con và nhìn ra phố phường đang lên đèn. Nhưng càng về khuya, ánh sáng càng tắt
dần, và cuối cùng đêm đen dầy đặc bao trùm vạn vật. Lúc bấy giờ người đàn bà mới
suy nghĩ: đời là thế: sinh ra, đau khổ rồi chết. Nghĩ thế, bà đứng dậy đem xác
con vào rừng và chôn cất.
Đau khổ và tận cùng là cái chết, đó là phần số của kiếp người mà khi nhập
thể làm người, Con Thiên Chúa cũng không thoát khỏi, Chúa Giêsu đã ba lần chính
thức loan báo về cuộc tử nạn mà Ngài phải trải qua. Nhưng xem ra các môn đệ
Ngài không hiểu được và cũng không muốn chấp nhận tại sao một số phận nghiệt
ngã như thế lại có thể xẩy ra cho Thày mình, một người có quyền phép trên cả sự
chết và nhất là đang trên đường tiến đến một tương lai sáng lạn. Trong những giờ
phút cuối cùng còn ngồi bên các ông. Chúa Giêsu lại nói đến cái chết của Ngài,
nhưng lần này Ngài nói đến cuộc tử nạn ấy như một cuộc ra đi: ra đi mà không
vĩnh biệt, do đó, Chúa Giêsu đã nói: “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thày, rồi
một ít nữa, các con sẽ lại thấy Thày”. Một lần nữa, loan báo cái chết, Chúa
Giêsu cũng báo trước sự Phục sinh của Ngài: các môn đệ sẽ buồn sầu vì cái chết
của Ngài, nhưng rồi niềm vui của họ sẽ gấp bội khi Ngài sống lại. Cái chết và sự
Phục sinh của Chúa Giêsu gắn liền với đau khổ và niềm vui của các môn đệ; đúng
hơn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu chiếu dọi ánh sáng và mầu nhiệm khổ
đau của con người.
Kitô giáo không chối bỏ thực tại của khổ đau, nhưng trong cái chết và sự
Phục sinh của Chúa Giêsu. Kitô giáo không còn nhìn vào khổ đau như một ngõ cụt
của cuộc sống, trái lại, trong ánh sáng Phục sinh của Chúa Giêsu, cuộc sống vẫn
tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống. “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thày, rồi
một ít nữa, các con sẽ lại thấy Thày”. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài
tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy Ngài ngay cả
trong những lúc tăm tối nhất của cuộc sống. Thấy được Ngài bám chặt lấy Ngài,
thì cho dù khổ đau có chồng chất, con người vẫn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
Tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhận ra khuôn mặt của
Ngài trong những anh em đang đau khổ chung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ
đối với những người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa
Giêsu và niềm vui Phục sinh sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần VI PS
Bài đọc: Acts 18:1-8: Jn 16:16-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cuộc sống thay đổi.
Heraclitus, một triết gia Hy-lạp
đã nói: "Không ai bước xuống hai lần trong cùng một giòng sông;" vì
nước sông một người bước xuống lần trước khác với nước sông bước xuống lần thứ
hai. Cuộc đời mỗi người cũng thế, những gì xảy ra ngày hôm nay khác với những
gì đã xảy ra ngày hôm qua, và cũng khác với những gì sẽ xảy ra ngày mai. Ngày
nào đều có sự vui tươi cũng như sự khốn khó của ngày ấy. Cuộc đời của mỗi người
được dệt bằng một chuỗi những mắt xích nhỏ, là những biến cố xảy ra mỗi ngày.
Điều cần thiết là con người phải biết học hỏi từ những biến cố đã và đang xảy
ra, để biết cách đối phó với những gì sẽ xảy đến.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng
ta nhận ra cách cư xử của Phaolô và sự dạy dỗ của Đức Kitô trước những thay đổi
của cuộc sống. Trong Bài Đọc I, Phaolô từ Athens, trung tâm văn hóa của Hy-Lạp,
đến Corintô sinh sống bằng nghề chế lều; mỗi ngày Sabbath, ông đều vào hội đường
để rao giảng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu báo trước những gì sẽ xảy ra cho Ngài
và cho các môn đệ. Mục đích là để giúp các ông biết cách chuẩn bị và đối phó với
những gì sắp xảy ra.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô rời Athens và rao giảng Tin Mừng tại Corintô.
1.1/ Phaolô vừa làm việc để sinh sống
vừa rao giảng Tin Mừng mỗi ngày Sabbath: Hành trình thứ hai là hành trình
dài và lâu nhất trong 3 cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng của Phaolô. Ông gặp
nhiều thành công cũng như thất bại, được chấp nhận cũng như bị từ chối, có lúc
an bình và có lúc sóng gió. Trình thuật hôm nay tường thuật những gì xảy ra khi
ông bỏ Athens đến Corintô: "Tại đây, ông gặp một người Do-thái tên là
Aquila, quê ở Pontus, vừa mới từ Italy đến, cùng với vợ là Priscilla, vì hoàng
đế Claudio đã ra lệnh cho mọi người Do-thái phải rời Rôma. Ông Phaolô đến thăm
hai ông bà, và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề
chế lều. Mỗi ngày Sabbath, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người
Do-thái lẫn người Hy-lạp." Nghề chế lều là nghề cũ của Phaolô trước khi trở
lại, chúng ta ngạc nhiên khi Phaolô trở về nghề cũ để sinh sống thay vì dùng
toàn thời gian để rao giảng Tin Mừng; nhưng điều này có thể hiểu được, vì Giáo
Hội sơ khai chưa có những trợ giúp cụ thể cho những nhà truyền giáo. Phaolô phải
tự kiếm kế sinh nhai, nhất là khi mới chân ướt chân ráo đến những thành phố mới.
1.2/ Phản ứng của dân thành
Corintô: Khi ông Silas và ông Timothy từ
Macedonia xuống, thì ông Phaolô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người
Do-thái biết rằng Đức Giêsu chính là Đấng Kitô.
(1) Những người từ chối không
tin: Đa số là những người Do-thái. Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên
ông giũ áo mà bảo họ: "Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần
tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại." Mặc dù Phaolô
được trao sứ vụ đặc biệt là rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại, ông vẫn tìm dịp
rao giảng Tin Mừng cho những người Do-thái, vì ông quan tâm đến phần rỗi linh hồn
của họ; nhưng không có nhiều kết quả.
(2) Phaolô quay sang giảng cho
Dân Ngoại và thu lượm nhiều kết quả: Thất vọng về sự cứng lòng và chống đối
từ người đồng hương, "Ông rời bỏ chỗ ấy đến nhà một người ngoại tôn thờ
Thiên Chúa, tên là Titius Justus, ở sát bên hội đường. Ông Crispus, trưởng hội
đường, tin Chúa, cùng với cả nhà. Nhiều người Corintô đã nghe ông Phaolô giảng
cũng tin theo và chịu phép rửa."
2/ Phúc Âm: Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm
vui.
2.1/ Các môn đệ không thể hiểu Chúa
Giêsu biết trước mọi sự sẽ xảy ra: Khi các môn đệ nghe Chúa Giêsu
tuyên bố: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa,
anh em sẽ lại thấy Thầy;" vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu hỏi
nhau: "Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: "Ít lâu nữa, anh em sẽ
không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy" và
"Thầy đến cùng Chúa Cha?" Vậy các ông nói: ""Ít lâu nữa"
nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!"
Đối với chúng ta, những người đã
đọc Cuộc Thương Khó, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, đoạn văn trên
không có gì khó hiểu; nhưng đối với các môn đệ trước Cuộc Thương Khó, có ít nhất
ba điều các môn đệ không thể hiểu:
(1) Các ông không thể hiểu một
người biết rõ ngày chết và cách chết của mình, ngoại người tự kết liễu đời
mình, như người Do-thái nghĩ về Chúa Giêsu (Jn 8:21-22).
(2) Các ông càng không hiểu một
người biết trước mình sẽ sống lại. Truyền thống Do-thái không tin có sự sống
lại như Nhóm Sadducees, hay quan niệm sống lại chỉ có trong Ngày Phán Xét (Jn
11:24). Các ông không ngờ Chúa sống lại chỉ ít ngày sau khi chết.
(3) Các ông cũng không hiểu lời
Chúa nói "Thầy đến cùng Chúa Cha" có nghĩa gì; vì các ông chưa
hoàn toàn tin tưởng mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa.
2.2/ Phản ứng của con người trước
Cuộc Thương Khó của Đức Kitô: Đức Giêsu biết là các ông muốn hỏi
mình, nên bảo các ông: "Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: "Ít
lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy."
Rồi Chúa Giêsu cắt nghĩa thêm cho các ông hiểu: "Thật, Thầy bảo thật anh
em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn,
nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui."
(1) Các môn đệ sẽ buồn sầu và
than khóc về sự đau khổ, cái chết, và sự vắng mặt của Chúa Giêsu trong cuộc
đời các ông; nhưng khi thấy Ngài sống lại và hiện đến, những nỗi lo lắng và buồn
sầu sẽ biến thành hy vọng và niềm vui. Trong cuộc sống của người Kitô hữu cũng
thế: Có những lúc họ sẽ cảm thấy việc theo Chúa đòi hỏi quá nhiều cố gắng và hy
sinh, khi bị cám dỗ về những thú vui thế trần; nhưng sẽ tới ngày những cố gắng
và hy sinh của họ sẽ đơm bông kết trái, và họ sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc
vĩnh cửu.
(2) Thế gian sẽ vui mừng: Thế
gian được hiểu ở đây là những người chống lại Thiên Chúa, kết án, và giết Người
Con Một của Ngài; một cách cụ thể là những người trong Thượng Hội Đồng. Họ tưởng
là đã tiêu diệt được người quyến dũ dân chúng và làm cho họ mất quyền lợi và thế
lực trên dân. Nhưng vui mừng của thế gian cũng chỉ tạm thời, vì sau đó sẽ là thời
kỳ than khóc. Ai chạy theo những lạc thú của thế gian cũng thế, họ chỉ có thể
vui vẻ trong một thời gian ngắn; nhưng sau đó sẽ là những mệt mỏi, chán chường.
Nỗi than khóc bất hạnh nhất của thế gian là không biết, không có, hay đánh mất
Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trong cuộc sống, chúng ta phải
đương đầu với nhiều thay đổi; nhưng may mắn cho những người tín hữu chúng ta,
những gì chính yếu đã được Chúa Giêsu mặc khải qua Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên
Chúa.
- Chúng ta cần học hỏi lịch sử
và Kinh Thánh để biết những điều chính yếu trong cuộc đời, và biết cách chuẩn bị
để đối phó với những thay đổi của cuộc đời.
- Mẹ Maria là mẫu gương lý tưởng
cho chúng ta nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong những thay đổi của cuộc sống: Mẹ
luôn thinh lặng, ghi nhận mọi biến cố xảy ra, và suy niệm trong lòng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên,
OP
21/05/2020 – THỨ NĂM TUẦN 6 PS
Th. Ki-tô-phô-rô Ma-ga-la-nê, linh mục, tử đạo
Ga 16,16-20
BUỒN-VUI: HAI NHỊP CỦA ĐỜI SỐNG
“Anh em sẽ lo buồn,
nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)
Suy niệm: Vui-buồn là hai nhịp đập của đời sống. Điều quan trọng
là khi buồn, ta không để nỗi buồn dìm ta xuống hố sâu tuyệt vọng; cũng thế, lúc
vui ta cũng không quá đà, đánh mất kiểm soát bản thân để rồi phải ân hận. Nghe
Chúa Giê-su báo tin “Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy”, các môn đệ buồn sầu
là đúng. Nhưng Chúa không muốn để nỗi buồn đó khiến các ông chán nản, thất vọng.
Ngài báo trước cũng chỉ “ít lâu nữa” thôi thì “nỗi buồn của anh em sẽ trở thành
niềm vui”. Khoảng thời gian giữa lúc ra đi tới lúc gặp lại cả là một chiến trường
đầy thử thách cam go. Ai vượt qua được, người ấy mới chứng minh được mình là
môn đệ đích thực của Thầy Giêsu.
Mời Bạn: Dẫu biết rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”, “hết cơn
bĩ cực đến hồi thái lai”, nhưng hy vọng ánh sáng ở cuối đường hầm mãi luôn là
thách thức cho mọi người. Người tín hữu đứng trước những khó khăn thách đố của
cuộc sống, không trở nên bi quan tiêu cực, vẫn luôn hăm hở hoạt động cho “Nước
Chúa trị đến” vì họ luôn hy vọng chắc chắn rằng “ít lâu nữa sẽ được thấy Thầy”
và “nỗi buồn của mình sẽ trở thành niềm vui”, và niềm vui cao cả nhất chính là
“phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).
Sống Lời Chúa: Sống đức trông cậy là biết loại bỏ những suy nghĩ
bi quan, nhưng luôn lạc quan và hành động tích cực để “cho Nước Chúa trị đến.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Ki-tô phục sinh, xin ban cho con sức mạnh của tình yêu, thứ sức mạnh khiến Chúa
chiến thắng tử thần, để đức tin con thêm mạnh mẽ, đức cậy thêm vững vàng.
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Nỗi buồn
trở thành niềm vui
Suy niệm
:
Trong bầu khí của bữa Tiệc Ly,
Thầy Giêsu nói với các môn đệ một câu đối với họ là khó hiểu:
“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy,
rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (c. 16).
Câu này có thể dễ hiểu với chúng ta
vì chúng ta biết rõ cái chết trên thập giá đang chờ Thầy Giêsu.
Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi,
cái chết này sẽ khiến các môn đệ không còn được thấy Thầy nữa.
Chúng ta cũng biết rằng chỉ một thời gian ngắn sau,
Thầy Giêsu lại được phục sinh, và đã hiện ra cho các môn đệ thấy.
Mất Thầy là một thử thách lớn trong đời người môn đệ.
Thầy là chỗ dựa, là lý do khiến họ chấp nhận cuộc sống bấp bênh này.
Chính Thầy đã gọi, đã kéo họ ra khỏi gia đình và nghề nghiệp ổn định
để lang thang đó đây, sống nhờ lòng tốt của những người nghe giảng.
Gần ba năm sống bên Thầy, chia sẻ ngọt bùi, thành công thất bại,
tình Thầy trò gần gũi như tình bạn hữu.
Bây giờ mất Thầy, họ sẽ đi đâu và đi với ai?
Cái chết trên thập giá của Thầy là đại tang của một người thân.
Nỗi đau này được nhân lên nhiều lần
vì họ đã không dám có mặt để lo liệu việc mai táng.
“Anh em sẽ khóc lóc và than van… Anh em sẽ buồn phiền…” (c.20).
Khi tảng đá đã khép kín ngôi mộ, chẳng còn thấy Thầy nữa,
khi thế gian và thủ lãnh của nó hả hê vui sướng vì chiến thắng,
liệu các môn đệ có vượt qua được nước mắt đau đớn này không?
“Ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… (c. 16)
và nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (c. 20).
Anh em sẽ lại thấy Thầy lúc Thầy hiện ra gặp anh em sau phục sinh,
lúc Thầy sai Thánh Thần đến ở với và nâng đỡ anh em,
và nhất là lúc Thầy đồng bàn với anh em trong bữa tiệc Thiên quốc.
Khi gặp lại Thầy và nhận ra Thầy đang sống,
thế nào anh em cũng hết phiền muộn đắng cay.
Nỗi buồn của anh em tan biến khi anh em biết rằng
Thầy mới là người chiến thắng.
Đời sống người Kitô hữu đan xen giữa vui với buồn.
Có lúc thấy mất Chúa và mất hướng, thấy thất vọng và buồn chán.
Chúng ta phải chia sẻ cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa mỗi ngày.
Nhưng rồi ngày nào đó, Chúa lại đến thăm, lại tỏ mình, lại vỗ về an ủi.
Niềm vui trong ta như sống lại với bao hy vọng dâng trào.
Chỉ xin đừng bỏ đi khi thấy Chúa vắng bóng và thất bại trong đời ta.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG NĂM
Di Sản Của Chúng Ta
Đức Kitô nói với các
Tông Đồ về Chúa Thánh Thần: “Ngài sẽ dạy cho anh em mọi sự và sẽ nhắc anh em nhớ
lại tất cả những gì Thầy đã nói với anh em.” Giáo huấn tông truyền của Giáo Hội
luôn luôn bắt rễ trong sự hiện diện năng động của Thần Khí sự thật. Chính Thánh
Thần bảo đảm cho chân lý của Tin Mừng. Ngài canh giữ để đảm bảo rằng Giáo Hội sẽ
chuyển trao từ thế hệ này sang thế hệ khác tất cả những gì Giáo Hội đã nghe được
từ Đức Kitô.
Trong vai trò bảo vệ
và hướng dẫn sự phát triển của truyền thống, Chúa Thánh Thần chính là nguồn mặc
khải vô hình đối với Giáo Hội. Ngài sẽ “nhắc cho anh em nhớ” – như lời Đức
Giêsu nói. Truyền thống là di sản của chúng ta. Truyền thống là “sự nhớ lại” tất
cả những gì Đức Kitô đã nói với Giáo Hội: đó chính là toàn bộ di sản mặc khải
và đức tin.
“Thánh Truyền và Thánh
Kinh gắn bó mật thiết với nhau và liên lạc với nhau. Cả hai đều xuất phát từ
cùng một nguồn mạch thần linh, vì thế – một cách nào đó – cả hai nối kết với
nhau để tạo thành một thực thể và chuyển động về cùng một mục đích” (Hiến Chế
MK 9). Trong Truyền Thống và trong Thánh Kinh, chúng ta gặp thấy sự hiện diện của
Đức Kitô, vị Mục Tử Tốt Lành – một sự hiện diện xuyên suốt bao thế kỷ.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
21/5: Thánh Christôphôrô Magallanes, linh mục
và các bạn tử đạo
Cv 18, 1-8; Ga 16,
16-20.
Lời Suy Niệm: “Thật, Thầy bảo
thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ
lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”
Người Kitô hữu là chứng nhân của Tin Mừng. Lời Chúa Giêsu hôm nay loan báo cho
mỗi người chúng ta biết: không cần phải ngạc nhiên khi đối mặt với những khổ
đau, chúng là hậu quả không thể tránh được. Trong sự đối đầu này, chứng nhân phải
biết rằng sự đau khổ sẽ không phải là sự cuối cùng, nhưng là niềm vui.
Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa thêm đức tin cho chúng con trong mọi hoàn cảnh sống, để
biết cháp nhận, mà nhận ra một niềm vui mới trong cuộc sống.
Mạnh Phương
21 Tháng Năm
Ðôi Cánh Con Tuấn Mã
Hai người bạn thân
ngồi bên nhau dưới một bóng cây cổ thụ. Cả hai đều đưa mắt nhìn về cánh đồng
trước mặt, nhưng mỗi người một ý nghĩ.
Người có dáng vẻ đầy
nghị lực, cái nhìn cương quyết, thốt lên như sau: “Một cảnh vật phẳng lặng và độc
điệu như thế này quả thực là nhàm chán. Tôi sẽ rời bỏ ngôi làng nhỏ bé này để
làm một vòng du lịch cho biết đó biết đây”.
Người bạn khác với
dáng điệu mảnh khảnh ít nói, mỉm cười nhìn vào phong cảnh xung quanh rồi nói:
“Tôi cũng có một con tuấn mã. Từ bao lâu nay, tôi đã đi lại không biết bao
nhiêu nơi rồi”.
Hai người chia tay
nhau và hẹn cũng gặp lại dưới bóng cây cổ thụ để kể cho nhau nghe những cuộc du
lịch của mình.
Sau một năm, họ lại
gặp nhau… người thứ nhất kể chuyện: “Trong một năm qua, hầu như nơi nào tỗimcung
đã đặt chân đến. Tôi đã đi xuống biển, lên ngàn, vượt đèo, qua suối. Tôi đã gặp
không biết bao nhiêu người. Tôi đã học được bí quyết kiếm được nhiều tiền… Giờ
đây, tôi trở nên giàu có. Tôi sẽ tiếp tục đi du lịch… Còn bạn, bạn đã đi được
nơi nào trong suốt năm qua?”.
Người bạn chưa từng
rời bỏ ngôi làng của mình đã trả lời: “Tôi đã lên trời, tôi đã bay lượn trên
các tầng mây. Tôi đã đến đô thị của mặt trời”. Nghe thế, người kia thắc mắc:
“Phải chăng con tuấn mã của anh bay được?”. Con người có tâm hồn thi sĩ trả lời:
“Ðúng thế, con ngựa của tôi có đôi cánh. Nó đưa tôi lên tất cả những nơi nào
tôi muốn. Mắt tôi nhìn thấy được muôn kỳ công của vũ trụ. tai tôi nghe được
muôn điệu nhạc của thiên nhiên… Ðối với anh, sự giàu có nằm trong của cải vàng
bạc. Nhưng đối với tôi, của cải chính là đôi mắt của tâm hồn tôi. Cho dẫu một
năm qua, tôi chỉ ngồi dưới bóng cây cổ thụ này, cho dẫu quang cảnh trước mặt
tôi chỉ là cánh đồng phẳng lặng này, nhưng tâm hồn tôi nhìn thấy muôn nghìn cảnh
đẹp của thiên nhiên, tai tôi có thể nghe được bao nhiêu điệu nhạc của thiên
nhiên mà anh không thể nghe được”.
Người có tâm hồn nghệ
sĩ có những rung cảm mà người khác không có. họ nhìn thấy, họ lắng nghe được những
điều mà người khác không cảm nhận được. Cũng thế, người có đôi mắt Ðức tin cod thể
nhìn thấy các giá trị mà người khác không nhìn thấy. Ðôi mắt Ðức tin giúp chúng
ta cảm nhận được sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong vũ trụ, trong lịch
sử, trong con người. Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được giá trị của cuộc
sống độc điệu, của những hy sinh âm thầm hằng ngày. Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp
chúng ta thấy được lẽ khôn ngoan trong những điều người đời cho là điên dại, sức
mạnh trong những cái yếu đuối. Ðức tin ấy giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng
trong tăm tối, sự sống trong cái chết, ân sủng trong tội lỗi.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina:
Gioan 16:16-20
Thursday 21 May, 2020
Lectio Divina
Lễ Thăng Thiên – Mùa Phục
Sinh
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Chúa, là Cha của
chúng con,
Chúa không hề ở xa
chúng con,
Vì trong Chúa, chúng
con sống, đi đứng và hiện hữu
Và Chúa sống trong
chúng con,
Nhờ Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa, xin hãy thực
sự ở với chúng con,
Xin sai Chúa Thánh Thần
Chân lý đến với chúng con
Và nhờ Người làm sâu sắc
thêm sự hiểu biết của chúng con
Về cuộc sống và sứ điệp
của Con Chúa
Để chúng con có thể
đón nhận sự thật toàn vẹn
Và sống theo sự thật ấy
trước sau như một.
Chúng con cầu xin nhờ
Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
Tin Mừng – Gioan 16:16-20
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một
ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”.
Bấy giờ trong các môn
đệ có mấy người hỏi nhau: “Điều Người nói với chúng ta: ‘Một ít nữa các con sẽ
không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy’, và ‘Vì Thầy về cùng
Cha’, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói ‘Một ít nữa’ có ý nghĩa
gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?”
Chúa Giêsu nhận thấy họ
muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa
các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy
bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng.
Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.
3. Suy Niệm
– Ga 16:16: Vắng mặt và hiện diện. Chúa
Giêsu nói “một ít nữa”, nghĩa là, trong một khoảng thời gian rất ngắn, có lẽ là
“ngay lập tức”. Hơn hết cả là sự đa dạng của các sắc thái, điều mà chúng
ta muốn nhấn mạnh ở đây là sự eo hẹp của thời gian. Giống như thời gian
mà Chúa Giêsu vẫn còn là Ngôi Lời Nhập Thể với chính Người, theo cách tương tự,
khoảng thời gian giữa lúc ra đi và lúc trở lại của Người, cũng sẽ ngắn gọn.
Sẽ không có sự thay đổi về tình trạng nội tâm của các môn đệ Người vì mối quan
hệ của họ với Chúa Giêsu không thay đổi: Người vĩnh viễn gần gũi với các
ông. Do đó, hình ảnh về Chúa Giêsu sẽ không chịu bất kỳ một gián đoạn
nào, nhưng sẽ được đặc trưng bởi việc hiệp thông sự sống với Người (Ga 14:19).
Việc lặp đi lặp lại động
từ “thấy” trong câu 16 thì thật thú vị: “Một ít nữa các con sẽ không thấy
Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”. Câu nói “Một ít nữa các
con sẽ không thấy Thầy” gợi nhớ lại cách mà các môn đệ nhìn thấy trong Chúa
Giêsu lịch sử Con Thiên Chúa. Một câu nói khác: “rồi lại một ít nữa
các con sẽ thấy Thầy”, gợi nhớ lại kinh nghiệm về Chúa Kitô Phục Sinh.
Chúa Giêsu dường như muốn nói với các môn đệ rằng trong một thời gian rất ngắn,
các điều kiện để nhìn thấy Chúa vẫn còn đó, để nhận ra Người trong xác thịt hữu
hình của Người, nhưng sau đó, họ sẽ thấy Chúa trong một hình ảnh khác và Người
sẽ cho thấy chính Chúa biến đổi, biến hình.
– Ga 16:17-19: Việc kém hiểu biết của các môn đệ.
Trong khi đó, một số môn đệ không hiểu được sự vắng mặt này có nghĩa gì, điều
đó có ý để nói rằng Người về cùng Chúa Cha. Các ông trải qua kinh nghiệm
xáo trộn chắc chắn liên quan đến những lời của Chúa Giêsu và các ông bày tỏ điều
này qua việc hỏi bốn câu hỏi liền với nhau trong một câu: “Lời Người nói
‘Một ít nữa’ có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?” Những
lần khác, người đọc đã lắng nghe những câu hỏi của ông Phêrô, của ông
Philípphê, của ông Tôma, và bây giờ của những môn đệ yêu cầu một lời giải
thích. Các môn đệ không hiểu những điều gì Chúa đang nói. Các môn đệ
không hiểu làm thế nào mà họ có thể nhìn thấy lại được Chúa Giêsu nếu Người về
với Chúa Cha (các câu 16-19). Nhưng câu hỏi dường như tập trung vào câu
nói “một ít lâu nữa”, mà đối với người đọc, dường như là một thời gian dài bất
tận, đặc biệt là khi người ta có nỗi thống khổ và u sầu. Thật ra, thời
gian buồn bã không qua đi. Một câu trả lời được kỳ vọng từ Chúa Giêsu,
nhưng Thánh Sử lại đưa ra một sự lặp lại của cùng một hỏi trước đây: “Các
con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một
ít nữa các con sẽ thấy Thầy?” (câu 19).
– Ga 16:20: Câu trả lời của Chúa Giêsu. Thật
ra Chúa Giêsu không trả lời cho câu hỏi được hỏi: “Một ít lâu nữa có
nghĩa là gì?” Người mời gọi các ông hãy tin tưởng. Đúng là các môn
đệ sẽ bị thử thách và bị kiểm định. Họ sẽ phải chịu đựng rất nhiều, phải ở
một mình trong hoàn cảnh thù nghịch, bị bỏ rơi trong một thế giới vui mừng vì
cái chết của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Người đoan chắc với các ông rằng nỗi
buồn của họ sẽ được biến đổi thành niềm hân hoan. Thời gian đau buồn được
đối chọi lại bởi thời gian mà mọi thứ sẽ bị đảo lộn. Mệnh đề đối chọi đó,
“nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”, nhấn mạnh một sự thay đổi
quan điểm. Đối với độc giả, rõ ràng là câu nói “trong một thời gian ngắn”
và “một ít lâu nữa” tương ứng với khoảnh khắc hoặc thời điểm mà tình huống bị đảo
ngược, nhưng cho đến lúc đó mọi thứ sẽ trở nên buồn bã và thử thách.
Cuối cùng, các môn đệ
nhận được từ Chúa Giêsu lời hứa về hạnh phúc và niềm hân hoan. Vào thời
điểm mà trong đó tình huống khó khăn được đảo ngược, mà “những kẻ thuộc về Người”,
cộng đoàn giáo hội, phải chịu, họ sẽ bước vào một thực tại của thế gian được
soi sáng bởi sự sống lại. Trong cuộc sống của chính chúng ta, nhờ vào việc
suy gẫm và đón nhận Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể đi từ việc rơi lệ và than
khóc trong khi thế gian vui mừng, đến trải nghiệm hân hoan.
4. Một vài
câu hỏi cá nhân
– Tôi có tin rằng giây phút thử thách hoặc đau khổ sẽ
qua đi và Người sẽ trở lại ở bên tôi không?
– “Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ
trở thành niềm vui”. Những lời này của Chúa Giêsu có ảnh hưởng gì trong
cuộc sống của bạn? Bạn sống với những khoảnh khắc buồn bã và đau khổ của
mình như thế nào?
– Những cách khác nhau mà chúng ta “không thấy Người” và “một
ít nữa, chúng ta lại thấy Người” là gì?
– Thánh Têrêsa
thành Avila, thánh Phanxicô đệ San, thánh Gioan Thánh Giá, và thánh Bênađô đều
là những vị thánh nói về “đêm tối”. Có câu nói rằng: “sự vắng mặt
khiến cho con tim yêu mến nhiều hơn”. Thái độ của bạn khi có một cuộc
trùng phùng là gì, khi mà “chỉ một ít lâu nữa, chúng ta sẽ thấy Người”?
Chúng ta có dùng cơ hội đó như là một thời gian để làm mới và củng cố mối
quan hệ của chúng ta với Chúa không, để vượt khỏi tình trạng “lãnh đạm”, hay là
chúng ta lại bất bình và gặng hỏi “Chúa đang ở đâu” không?
5. Lời nguyện
kết
Toàn cõi đất này đã
xem thấy
Ơn cứu độ của Thiên
Chúa chúng ta.
Tung hô CHÚA, hỡi toàn
thể địa cầu,
Mừng vui lên, reo hò
đàn hát.
(Tv 98:3-4)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét