22/05/2020
Thứ Sáu tuần 6 Phục
Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 18, 9-18
“Trong thành này, Ta có một dân
đông đảo”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
(Khi
Phaolô đang ở Côrintô), một đêm kia, Chúa hiện ra phán bảo Phaolô trong một thị
kiến rằng: “Con đừng sợ, cứ giảng dạy, chứ đừng làm thinh; vì Ta ở cùng con, và
không ai tra tay làm hại con, vì trong thành này, Ta có một dân đông đảo”.
Phaolô ở lại đó một năm sáu tháng mà giảng dạy lời Chúa cho họ.
(Đến)
thời Galliô làm tổng trấn xứ Akaia, người Do-thái đồng lòng nổi lên chống
Phaolô và điệu ngài đến toà án mà thưa rằng: “Người này xui dân tôn thờ Thiên
Chúa trái luật”. Phaolô toan mở miệng, thì Galliô nói với người Do-thái rằng:
“Hỡi người Do-thái, nếu quả thật là điều chi tội ác, ta sẽ có lý mà nghe các
ngươi; nhược bằng chỉ là những tranh luận về đạo lý, danh từ và lề luật, thì
các ngươi hãy liệu lấy; ta không muốn xử các việc ấy”. Rồi ông đuổi họ ra khỏi
toà án. Mọi người liền bắt Sosthênê, trưởng hội đường, và đánh đập ông ta trước
toà án, thế mà Galliô cũng chẳng lưu tâm gì đến. Còn Phaolô thì lưu lại đó nhiều
ngày, rồi từ giã anh em, xuống tàu đi Syria (với Priscilla và Aquila); tại
Cenchri, ngài cạo trọc đầu, vì ngài đã khấn như thế. Đó là lời
Chúa.
ĐÁP CA: Tv 46, 2-3. 4-5. 6-7
Đáp: Thiên Chúa là Vua khắp
cõi trần gian (c. 8a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa
là Đấng Tối cao, khả uý, Người là Đại Đế trên khắp trần gian. – Đáp.
2) Người
bắt các dân tùng phục chúng tôi, và đặt chư quốc dưới chân chúng tôi. Người đã
chọn cho chúng tôi phần gia sản, vinh dự của Giacob mà Người sủng ái. – Đáp.
3)
Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy
ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta. – Đáp.
ALLELUIA: Cl 3, 1
Alleluia, alleluia! – Nếu anh
em sống lại làm một với Đức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu
trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 16, 20-23a
“Niềm vui của các con không ai
sẽ lấy mất được”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Gioan.
Khi ấy,
Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ
than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn
của các con sẽ trở thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ
đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi
vì đã có một người sinh ra đời. Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền,
nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các
con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều
gì nữa”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Niềm vui của các môn đệ
Ðoạn
Phúc Âm vừa đọc nối tiếp với đoạn suy niệm hôm qua về mối tương quan mới cần phải
có giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Người đồ đệ cần khám phá ra Chúa Giêsu với
đôi mắt đức tin và sống kết hiệp khắng khít mỗi ngày một hơn với Người. Sự sống
kết hiệp với Chúa là nền tảng vững chắc với niềm vui không bao giờ mất đi nơi
tâm hồn người đồ đệ.
Suy niệm
bài Phúc Âm vừa đọc lại trên, chúng ta hãy đào sâu thêm về niềm vui mà Chúa muốn
trao ban cho mọi đồ đệ của Người. Ðể được hưởng niềm vui của Chúa, người đồ đệ
phải thực hiện một điều kiện căn bản, liên kết với cuộc khổ nạn của Chúa để được
ân sủng Chúa thanh luyện. Trong khung cảnh những lời tâm sự mạc khải về cuộc ra
đi, tức cuộc vượt qua của Người, Chúa Giêsu long trọng loan báo: “Thật, Thầy bảo
thật các con, các con sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng”.
Khóc
lóc và than van là hành động của một người thương khóc cái chết của những người
thân yêu nhất. Dùng hai từ này để diễn tả hoàn cảnh các môn đệ sắp trải qua,
Chúa Giêsu như muốn mạc khải cho các ông về cái chết sắp đến của Người, vừa đồng
thời hé mở cho các ông nhìn thấy mối liên hệ của cuộc đời các ông với cuộc vượt
qua của Người. Ðây là điều mà sau này thánh Phaolô tông đồ dùng một từ ngữ khác
để diễn tả, mang lấy cuộc Thương Khó của Chúa nơi mình, hoàn tất nơi mình những
gì còn thiếu trong sự Thương Khó của Chúa là chịu đóng đinh vào thập giá làm một
với Chúa. “Chúng con sẽ khóc lóc và than van vì Chúa sắp chịu chết trên thập
giá tủi hổ”. Trong khi đó thì thế gian, tức những kẻ thù của Chúa Giêsu vui mừng,
vì họ nghĩ rằng đã loại trừ được một đối thủ, có những lời nói phơi bày tật xấu
của họ và không ngừng quấy rầy lương tâm họ.
“Các
con sẽ khóc lóc và than van”, lời cảnh tỉnh này còn nhắc cho các môn đệ sự thử
thách họ sẽ trải qua trong cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá của Chúa
Giêsu. Chúa bị bắt, các ông chạy tán loạn. Chúa bị treo chết trên thập giá và
an táng trong mồ, các ông lo sợ, ẩn mình trong phòng, đóng kín cửa; vài người
khác thất vọng bỏ về quê. Làm môn đệ của Ðấng chịu đóng đinh không phải là chuyện
dễ dàng, êm xuôi: “Ai muốn theo Thầy thì hãy vác lấy thập giá mình hằng ngày mà
theo Thầy”; “Các con có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Nhưng cái chết của
Chúa Giêsu chỉ là một giai đoạn dù là giai đoạn không thể tránh né được, Chúa
chết đi để rồi sống lại, Chúa ra đi để rồi trở lại, Chúa phục sinh trở lại gặp
các môn đệ và biến đổi nỗi buồn thành niềm vui: “Thầy sẽ gặp lại các con và
lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không ai có thể lấy mất đi được”.
Niềm
vui của các môn đệ đến từ Chúa, do Chúa ban cho, chứ không do những nguyên do
nào khác. Nền tảng của niềm vui trong cuộc đời của các môn đệ là sự hiện diện của
Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh trong chính cuộc đời họ. Chúa Phục Sinh đến với các
môn đệ phục hồi niềm tin đã bị lung lay chao đảo. Chúng ta cần làm sao để Chúa
Phục Sinh có thể đến và hiện diện luôn mãi trong cuộc đời.
Lạy
Chúa, xin đến ngự trong con, ban tràn đầy Thánh Thần tình yêu giữa Cha Con, kết
chặt con vào Chúa để con được sống an vui mãi mãi, dù giữa những khó khăn thử
thách.
Lạy
Chúa, xin ở lại với chúng con luôn.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần VI PS
Bài đọc: Acts 18:9-18: Jn 16:20-23.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần phải trung thành trong mọi
hoàn cảnh.
Con người thường hay bị nản lòng
trước những gian nan, khổ cực, và thất bại; đồng thời dễ nhiệt thành trước những
vinh quang, vui sướng, và thành công. Nhưng cả hai thái độ là hai khía cạnh của
cuộc đời như một đồng tiền hai mặt: chấp nhận cuộc đời là phải chấp nhận cả
hai.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng
ta nhìn ra hai khía cạnh này qua những ví dụ và trường hợp cụ thể trong đời sống.
Trong Bài Đọc I, Phaolô có lẻ cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi thấy sự cố gắng
của mình không mang lại kết quả như lòng mong ước, lại còn phải chịu bao nhiêu
những trái ý thử thách như hiểu lầm, đòn vọt, tù đày, nhất là những quấy nhiểu
của những đồng hương Do-thái. Nhưng Thiên Chúa vẫn ở với và bảo vệ ông; nên ông
tiếp tục ở lại và xây dựng giáo đoàn Corintô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ví Cuộc
Thương Khó sắp tới của Ngài như một sản phụ sắp sinh con. Các môn đệ sẽ lo sợ
và buồn phiền vì những đau khổ xảy ra cho Ngài và cho các ông; nhưng Ngài muốn
các ông nhìn tới niềm vui trọn vẹn mà không ai có thể tước đoạt khỏi các ông,
khi các ông chứng kiến Ngài sống lại vinh quang.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải kiên trì rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.
1.1/ Gian khổ làm con người sợ làm
chứng cho Thiên Chúa: Trong hành trình rao giảng lần thứ
hai của Phaolô, ông phải đương đầu với nhiều gian nan đau khổ: bị hiểu lầm và
quấy nhiễu bởi những người đồng hương, bị đánh đòn, bị giam cầm, và không nhìn
thấy Thiên Chúa cho kết quả như lòng mong ước. Những gian khổ này có lẽ đã làm
nhụt chí Phaolô, khiến ông không còn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng như thuở
ban đầu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn đồng hành với ông, nên một đêm, Chúa bảo ông
Phaolô trong một thị kiến: "Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở
với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành
này." Khi nhận ra ý Thiên Chúa, ông Phaolô ở lại đó một năm rưỡi, dạy cho
họ lời Thiên Chúa.
1.2/ Thiên Chúa luôn quan tâm và bảo
vệ tôi tớ của Ngài: Rồi gian khổ lại tới, "thời
ông Gallion làm thống đốc tỉnh Akaia, người Do-thái nhất tề nổi dậy chống ông
Phaolô; họ đưa ông ra toà và nói: "Tên này xúi giục người ta tôn thờ Thiên
Chúa trái với Lề Luật.""
(1) Thiên Chúa dùng Thống Đốc tỉnh
Akaia để bảo vệ Phaolô: Trình thuật kể: Khi ông Phaolô toan mở miệng, thì ông
Gallion đã nói với người Do-thái: "Hỡi người Do-thái, giả như có gì là
trái Luật hay phạm pháp, thì lẽ đương nhiên là tôi sẽ chịu khó nghe các ông.
Nhưng đây lại là những chuyện tranh luận về giáo thuyết, danh từ, luật lệ riêng
của các ông, thì các ông hãy tự xét lấy. Phần tôi, tôi không muốn xét xử những
điều ấy." Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án.
(2) Người cáo tội trở thành nạn
nhân: Thấy kết quả xử án, "mọi người liền túm lấy ông Sosthenes, trưởng hội
đường, mà đánh túi bụi ngay trước toà án. Nhưng ông Gallion chẳng bận tâm gì về
việc này." Sosthenes là người chủ mưu trong việc kích động để đưa Phaolô
ra tòa án.
Phaolô tiếp tục hành trình rao
giảng: "Ông Phaolô còn ở lại Corintô khá lâu, rồi từ giã các anh em và vượt
biển sang miền Syria, cùng với bà Priscilla và ông Aquila. Trước đó, tại
Cenchreneae, ông xuống tóc, vì có lời khấn." Để có thể trung thành hoàn tất
sứ vụ cách hiệu quả, người rao giảng Tin Mừng cần cầu nguyện, kết hợp với Thiên
Chúa, và sống cuộc đời đơn sơ và kỷ luật.
2/ Phúc Âm: Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.
2.1/ Phải qua gian khổ mới có hạnh
phúc: "Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than
van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ
trở thành niềm vui."
Quan niệm của người Do-thái về 2
kỷ nguyên: kỷ nguyên hiện tại hoàn toàn xấu và bị luận phạt, kỷ nguyên tương
lai hoàn toàn tốt đẹp và đáng mong ước. Giữa hai kỷ nguyên là thời của Đấng
Thiên Sai tới mà các ngôn sứ gọi là "ngày kinh hoàng" (Isa 13:9, Joel
2:1-2, 2 Pet 3:10). Chúa Giêsu dùng quan niệm truyền thống này trong hai ví dụ
để cắt nghĩa cho các môn đệ hiểu về những gì sắp xảy tới cho Ngài và cho các
ông.
(1) Người đàn bà mang thai:
"Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi,
thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con
người đã sinh ra trong thế gian." Thời gian mang thai của người đàn bà có
thể ví như thời quá khứ, thời gian sau khi sinh con có thể ví như thời tương
lai. Giữa hai thời gian này là lúc lâm bồn: tuy đau đớn tột cùng, nhưng người
đàn bà chịu được vì hy vọng vào tương lai là người con sẽ được ra đời. Bà sẽ được
nhìn thấy, yêu thương, và chăm sóc cho con mình.
(2) Niềm vui của các môn đệ khi
được gặp lại Chúa: "Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ
gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất
được." Thời gian còn được sống với Chúa trên cõi dương gian được ví như thời
quá khứ, thời gian sẽ được gặp lại Chúa được ví như thời tương lai. Giữa hai thời
gian này là Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu: Các môn đệ đau khổ khi nhìn Thầy
Chí Thánh bị luận tội, đánh đòn, đóng đinh, và mai táng trong huyệt mộ; các ông
lo lắng và sợ hãi cho số phận của mình; nhưng rồi những đau khổ này sẽ qua đi,
và các ông vui mừng vì thấy Chúa chiến thắng tử thần và mọi sứ mạnh của thế
gian, nhất là Ngài cũng sẽ làm cho các ông sống lại vẻ vang như vậy.
2.2/ Niềm vui trọn vẹn: "Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy
bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em
nhân danh Thầy." Niềm vui trọn vẹn vì là:
+ Niềm vui hoàn toàn: không còn
thiếu điều gì nữa. So sánh với niềm vui của thế gian luôn thiếu vắng ít nhiều yếu
tố.
+ Niềm vui vĩnh cửu: không ai lấy
mất được. Niềm vui thế gian dâng tặng chỉ tạm thời, và luôn bị đe dọa bởi những
khó khăn của cuộc sống. Khi người Kitô hữu được sống bên Chúa của mình, họ luôn
vui mừng và sầu thương không còn nữa.
(1) Anh em không còn phải hỏi Thầy
gì nữa: Còn sống ở đời này, con người còn phải vật lộn đi tìm sự thật giữa bao
nhiêu gian dối, giả trá. Khi được chiêm ngưỡng Chúa trong ngày ấy, con người thấu
hiểu mọi sự thật, và sẽ không cần hỏi han gì nữa.
(2) Anh em nhân danh Thầy mà xin
Chúa Cha điều gì, Ngài sẽ ban cho anh em: Dĩ nhiên con người phải xin điều gì tốt
lành và đẹp ý Chúa, chứ không xin điều gì hại cho mình và cho tha nhân. Như một
trẻ thơ chạy đến với cha mình để xin, cha sẽ không bao giờ cho con mình cái gì
có hại cho con, như cho con: vũ khí giết người, internet để trong phòng, chơi với
những bạn bè xấu ... Một kiến thức đầy đủ sự thật sẽ loại trừ những lời xin
không đẹp ý Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải hiểu rõ đau khổ
và vinh quang là hai mặt của cuộc đời trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, để
luôn trung thành với ơn gọi của mình, và sống bình an khi gian nan khốn khó xảy
đến.
- Chúng ta đừng bao giờ chạy trốn
đau khổ và chạy theo những thú vui nhất thời của thế gian; vì nếu chúng ta
không trung thành với Thiên Chúa, chúng ta sẽ không được hưởng niềm vui của các
chứng nhân trung thành.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên,
OP
22/05/2020 – THỨ SÁU TUẦN 6 PS
Th. Ri-ta Ca-xi-a, nữ tu
Ga 16,20-23a
VUI VÌ SỰ SỐNG
“Anh em sẽ lo buồn,
nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo
buồn vì đã đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không nhớ đến cơn gian nan
nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.”
(Ga 16,20-21)
Suy niệm: Niềm vui của những người
theo Đức Giê-su không phải là một niềm vui tinh quái: vui trên những đau khổ của
người khác; càng không phải là thứ niềm vui bệnh hoạn: lấy sự đau khổ của mình
làm vui. Như người mẹ phải ưu phiền đau đớn để sinh con, và niềm vui vì đã sinh
cho đời một con người vượt quá cơn đau đớn. Cơn đau của các thánh tử đạo trở
thành niềm vui vì hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên quốc mà các ngài được hưởng.
Các ki-tô hữu tìm thấy niềm vui ngay giữa những đau khổ lớn lao, vì những đau
khổ ấy dẫn tới niềm vui đích thực không thể mất đi và cũng không bao giờ tàn lụi:
đó chính là niềm vui vì được sống, được sống đời đời.
Mời Bạn: Cái nhìn ki-tô giáo về thế
giới bể khổ này vừa thực tế (chấp nhận sự thật khổ não của nó) vừa lạc quan (có
thể vượt qua nó để đem lại một cái gì đó tốt đẹp cho người khác, dù nhỏ bé). Bạn
có dám chấp nhận một cái nhìn lạc quan như thế không?
Chia sẻ: Tôi và bạn làm gì để cùng
với Chúa Giê-su biến điều khổ nhục nhất (thập giá) trở thành niềm vui lớn lao
nhất (sự sống lại và sự sống đời đời)?
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh, phục
vụ tự nguyện với ý hướng đem niềm vui cho những người lân cận mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi cầu nguyện con thấy Chúa là niềm vui; trong đời thường,
Chúa dạy con phải phục vụ. Xin cho con biết bắt chước Chúa biết tìm thấy niềm
vui và hạnh phúc khi dấn thân phục vụ anh em.
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Lòng anh
em sẽ vui
Suy
niệm :
Hiếm
khi một đoạn Tin Mừng ngắn
mà lại
có nhiều từ nói đến niềm vui, nỗi buồn như vậy.
Khi sắp
bước vào cuộc Khổ nạn,
Đức
Giêsu không giấu các môn đệ về những thử thách đang chờ họ.
Khóc
lóc, lo buồn, than van là những điều họ sẽ phải trải qua (c. 20).
Nhưng
tâm trạng đó chỉ là tạm thời.
Niềm
vui khi thấy Thầy phục sinh mới là điều còn mãi (c. 22).
Không
có một Kitô giáo buồn.
Niềm
vui là một trong những nét đặc trưng của Kitô giáo,
bởi lẽ
Kitô giáo phát sinh từ Tin Mừng rộn rã, từ tiếng reo Halleluia :
Đức
Kitô đã sống lại rồi và đang ở giữa cộng đoàn tín hữu.
Niềm
vui ấy vẫn được diễn tả qua nhiều hình thức,
qua tiếng
chuông chiều cao vút của nhà thờ,
qua
các bài thánh ca dìu dặt đưa hồn bay lên gặp Đấng Tuyệt đối,
qua những
nụ cười tươi và tà áo muôn màu của giáo dân đi lễ mỗi Chúa nhật.
Nhưng
niềm vui không chỉ có ở nơi nhà thờ, mà còn ở mọi nơi.
Niềm
vui trên khuôn mặt một nữ tu cúi xuống vết thương của người phong.
Niềm
vui háo hức của một thanh niên bỏ tất cả để xin vào nhà Tập.
Niềm
vui bình an của những vị tử đạo Việt Nam trên đường ra pháp trường.
Không
thể hình dung một Kitô giáo mà không có niềm vui.
Kitô
giáo buồn thì chẳng phải là Kitô giáo nữa.
Thế giới
hôm nay có quá nhiều cách để làm cho người ta vui.
Niềm
vui dường như có thể mua được bằng tiền.
Người
ta tưởng càng sở hữu nhiều, càng hưởng thụ nhiều thì càng vui.
Nhưng
chính lúc đó người ta lại rơi vào sự buồn chán.
Thế giới
hôm nay là một thế giới buồn.
Ba
mươi ngàn người Nhật tự tử trong một năm.
Hiện
nay ở Hàn Quốc đang lan rộng tình trạng tự tử tập thể.
Khi đời
sống vật chất quá đầy đủ, thừa mứa,
người
ta lại không biết mình sống để làm gì.
Kitô
giáo phải có khả năng đem lại niềm vui cho thế giới,
không
phải thứ niềm vui rẻ tiền, vì mua được một trận cười thâu đêm,
nhưng
là thứ niềm vui của người tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Người
mẹ phải chịu buồn phiền, đau đớn khi sinh con,
nhưng
sinh rồi thì vui sướng, chẳng còn nhớ đến chuyện vượt cạn (c. 21).
Kitô
giáo không né tránh đau khổ, cũng không tìm con đường diệt khổ,
nhưng
đón lấy đau khổ và tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu.
Như
người mẹ chịu đau để đứa con chào đời,
người
Kitô hữu vui sướng vì thấy hoa trái của những gian truân thử thách.
Cầu
nguyện :
Lạy
Chúa Giêsu,
các
sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng
chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy
các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn
cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa
đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi
Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười
của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười
ấy hòa với niềm vui
của
người được lành bệnh.
Lạy
Chúa Giêsu,
có những
niềm vui
Chúa
muốn trao cho chúng con hôm nay,
có sự
bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.
Xin dạy
chúng con biết tươi cười,
cả khi
cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin
cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù
không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng
con luôn có lý do để lo âu và chán nản,
nhưng
xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì
chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết
mình được Thiên Chúa yêu thương
và được
sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
22 THÁNG NĂM
Trạng Sư Thần Linh Của Chúng
Ta
Tông Đồ
Gio-an nói với những người nhận thư thứ nhất của ngài bằng những ngôn từ chứa
chan tình cảm – ngài gọi họ là “những người con bé nhỏ” và kêu mời họ tránh xa
sự tội (1Ga 2, 1). Tuy nhiên, ngài cũng viết: “Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng
ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: Đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công
Chính. Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta – không những
vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa” (câu 1 – 2).
Qua những
lời ấy trong lá thư được viết vào cuối thế kỷ thứ nhất của ngài, Thánh Gio-an
công bố cùng một sự thật mà Phê-rô rao giảng chỉ ít lâu sau cuộc Thăng Thiên của
Chúa. Đó là chân lý nền tảng về sự hoán cải và về ơn tha thứ nhờ năng lực của
cái chết và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.
– suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 22/5
Thánh Rita Cascia, nữ tu
Cv 18, 9-18; Ga 16,
20-23a.
Lời Suy Niệm: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh
em, không ai lấy mất được.”
Gần đến ngày Chúa Giêsu vào cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người. Chắc chắn
các môn đệ của Người sẽ gặp sự đau khổ và một nỗi buồn đầy thất vọng. Chúa
Giêsu biết trước sự ấy, Người liền đưa lời hứa chắc chắn về một niềm vui mới sẽ
đến với các ông: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui
của anh em, không ai lấy mất được.”
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con vững tin và trông cậy vào Chúa: Chúa sẽ gặp lại
chúng con sau những lần vì tội lỗi chúng con đã xa cách Chúa.
Mạnh
Phương
22
Tháng Năm
Thiên Chúa Tạo Dựng Con Người
Người
Ấn Ðộ thường kể câu chuyện ngụ ngôn về việc sáng tạo con người như sau: Một hôm
Thiên Chúa quyết định tạo dựng con người, nghĩa là làm một tạo vật đẹp nhất giữa
các tạo vật. Dĩ nhiên, khi Thiên Chúa vừa công bố quyết định, các Thiên thần đã
tỏ ra không mấy hồ hởi, một phần vì ganh tị, một phần vì không thể chấp nhận được
một ý tưởng xem ra quá kỳ cục ấy. Làm sao tưởng tượng được một thụ tạo vừa thuộc
về hạ giới, lại vừa tham dự vào đời sống thần linh. Làm sao có được một hữu thể
vừa là một mảnh của thời gian, lại vừa mang tính vĩnh cửu? Làm sao chấp nhận được
giữa vật chất và tinh thần?
Các
Thiên Thần không thể tưởng tượng được rằng Thiên Chúa có thể tạo dựng được một
tạo vật như thế. Các vị e ngại rằng ý tưởng ấy sẽ hạ giảm quyền năng và sự khôn
ngoan thượng trí của Thiên Chúa.
Ðể
ngăn chặn Thiên Chúa trong ý định của Ngài, các Thiên Thần mới bầu ra một ủy
ban. Sau nhiều ngày ráo riết làm việc, ủy ban đã soạn xong một kiến nghị đệ
trình lên Chúa gồm những điểm như sau: tinh thần không thể kết hợp với vật chất,
bản tính thiên thần không thể kết hợp với bản tính thú vật, cái có cùng không thể
hòa hợp với cái không cùng, cái chóng qua đi không thể đi đôi với điều vĩnh hằng,
do đó yêu cầu Thiên Chúa hãy từ bỏ ý định điên rồ của Ngài.
Sau
khi đọc kỹ bản kiến nghị, Thiên Chúa đưa ra phán quyết như sau: “Tất cả những
góp ý của các người đều hợp lý. Nhưng điều ta sắp thực hiện không phải là một vấn
đề triết học”. Các Thiên Thần đều nhao nhao hỏi: “Vậy thì vấn đề đó là gì?”.
Sau một hồi thinh lặng, Thiên Chúa chậm rãi đáp: “Con người là vấn đề của Niềm
Tin”. Ngài thinh lặng, rồi phán quyết: “Con người là vấn đề của Niềm Tin”.
Trong
một xã hội được xây dựng trên luật của cá lớn ăn hiếp cá bé, trong một xã hội
mà nền tảng đã bị đục khoét bởi lọc lừa, gian trá, phản bội, đố kỵ, hận thù,
con người dễ mất đi niềm tin nơi con người, bởi vì khi không tin ở người, con
người cũng không còn tin ở chính mình. Một cuộc sống như thế chẳng khác nào một
cuộc tự hủy, một cuộc tự sát tập thể.
Thiên
Chúa yêu thương mọi người. Ngài tiếp tục tin tưởng nơi con người, Ngài cũng mời
gọi chúng ta tin tưởng nơi con người… Thay vì tự giam hãm trong khép kín, trong
đố kỵ, chúng ta hãy ra khỏi chính mình để đến với người… Ðến với người bằng sự
thông cảm tha thứ, cho dẫu chúng ta chỉ gặp toàn những lừa đảo phản bội. Ðến với
người bằng những san sẻ sớt chia, cho dẫu chúng ta chỉ toàn gặp những bội bạc,
vong ân. Ðến với người bằng tiếng cười rộn rã, cho dẫu chúng ta chỉ gặp toàn đắng
cay, sầu muộn.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Gioan 16:20-23a
Friday 22 May, 2020
Lectio Divina
Thứ Sáu Tuần VI – Mùa Phục
Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Cha nhân từ,
Thật khó để cho chúng con chấp
nhận khổ đau.
Vì chúng con biết rằng Chúa đã tạo
dựng chúng con
Để được hạnh phúc và vui mừng.
Khi đau khổ thách thức chúng con
Với lời khiêu khích “tại sao lại
là tôi?”
Xin Chúa giúp chúng con khám phá
ra chiều sâu
Về sự tự do nội tâm và tình yêu
của chúng con
Và của tất cả niềm tin và lòng
trung thành
Mà chúng con có thể,
Cùng với, và nhờ sức mạnh của
Đức Kitô, Chúa chúng con.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 16:20-23a
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc,
còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở
thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi
đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một
người sinh ra đời. Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ
gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai
sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa”.
3. Suy Niệm
– Trong những ngày giữa Lễ Chúa Thăng Thiên và Lễ Ngũ Tuần,
các bài Tin Mừng trong ngày được trích ra từ các chương 16 đến 21 của Tin Mừng
theo thánh Gioan, và tạo thành một phần của Tin Mừng được gọi là: “Sách
An Ủi hay là Sách Khải Huyền hoạt động trong Cộng Đoàn” (Ga 13:1 đến
21:31). Sách này được chia ra như sau: lời từ biệt đến với bằng hữu
(Ga 13:1a đến 14:31); làm chứng về Chúa Giêsu và cầu nguyện với Chúa Cha (Ga 15:1
đến 17:28); công việc đã hoàn tất (Ga 18:1 đến 20:31). Môi trường của sự
buồn bã và mong đợi: u sầu, bởi vì Chúa Giêsu ra đi và nỗi nhớ xâm chiếm con
tim; mong đợi, bởi vì sắp đến giờ nhận được món quà đã hứa, đó là Đấng An Ủi, Đấng
sẽ khiến mọi u sầu biến mất và một lần nữa sẽ mang lại niềm vui mừng về sự hiện
diện của Chúa Giêsu giữa cộng đoàn.
– Ga 16:20: Nỗi buồn sẽ trở thành niềm vui.
Chúa Giêsu nói rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van
khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các
con sẽ trở thành niềm vui. Việc thường xuyên nhắc đến nỗi buồn và đau khổ
cho thấy môi trường của các cộng đoàn vào cuối thế kỷ thứ nhất tại Tiểu Á (Thổ
Nhĩ Kỳ ngày nay), là những người mà thánh Gioan đã biết sách Tin Mừng cho họ.
Họ đã sống trong một hoàn cảnh khó khăn đầy bắt bớ và đàn áp, nguyên nhân tạo
ra nỗi buồn. Các thánh Tông Đồ đã dạy rằng Chúa Giêsu sẽ sớm trở lại,
nhưng “lần xuất hiện thứ hai của Chúa Giêsu”, sự trở lại vinh quang của Chúa
Giêsu, đã không xảy ra và sự bắt bớ gia tăng. Nhiều người đã không còn
kiên nhẫn hỏi rằng: “Cho đến khi nào?” (xem 2Ts 2:1-5; 2Pr 3:8-9).
Một người chịu đau khổ và bắt bớ khi người ấy biết rằng sự đau khổ là đường và
là điều kiện để đạt được niềm vui trọn vẹn. Do đó, ngay cả với cái chết
trước mắt, người ấy chịu đựng và đối mặt với thống khổ và đau đớn. Đây là
lý do mà sách Tin Mừng đưa ra sự so sánh tuyệt vời này với nỗi đau của việc
chuyển dạ sinh con.
– Ga 16:21: Sự so sánh với việc đau đớn lúc sinh con.
Tất cả mọi người đều hiểu sự so sánh này, đặc biệt là các bà mẹ: “Người đàn bà
khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng
rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời.” Sự
đau khổ và buồn bã gây ra bởi sự ngược đãi, thậm chí không có bất kỳ cơ hội cải
thiện nào trong tương lai, không phải là tiếng kêu chết chóc, mà là những cơn
đau của việc sinh nở. Các bà mẹ biết tất cả những điều này qua kinh nghiệm.
Cơn đau thì khủng khiếp, nhưng họ chịu đựng nó, bởi vì họ biết rằng sự đau đớn,
chịu đựng, là một nguồn sống mới. Sự đau khổ vì bị áp bức của các Kitô hữu
cũng vậy, và do đó, bất kỳ sự đau khổ nào cũng phải được sống dưới sự soi sáng
của kinh nghiệm về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
– Ga 16:22-23a: Niềm vui bất tận. Chúa Giêsu giải
thích sự so sánh rằng: “Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền,
nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các
con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi
Thầy điều gì nữa.” Đây là sự chắc chắn mang lại can đảm cho các cộng
đoàn mệt mỏi và bị áp bức tại Tiểu Á và khiến cho người ta hân hoan vui mừng giữa
những đau khổ và đớn đau. Như một thi sĩ đã nói rằng: “Đau lắm,
nhưng tôi hát!” Hay như sự mầu nhiệm mà thánh Gioan Thánh Giá đã nói rằng:
“Trong một đêm tối, với một khao khát mãnh liệt vì tình yêu, ôi cuộc mạo hiểm
vui vẻ, tôi đã ra đi không bị ai chú ý, trong nhà tôi tất cả mọi người đều đã
ngủ!” Biểu hiện về ngày ấy cho thấy sự xuất hiện chắc chắn của Nước Trời
mang theo sự rõ ràng của nó. Trong ánh sáng của Thiên Chúa, không còn cần
phải cầu xin bất cứ điều gì. Ánh sáng của Thiên Chúa là câu trả lời trọn
vẹn và đầy đủ cho tất cả các câu hỏi có thể nảy sinh trong tim của loài người.
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– “Trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều
gì nữa.” Niềm vui và tình yêu của thực tế thì vĩ đại hơn tất cả những câu
hỏi về “làm thế nào được”, khiến họ câm lặng. Tôi có đặt câu hỏi “làm thế
nào được?”, hay là tôi đã có hài lòng với sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời
tôi không?
– Việc đau đớn lúc sinh con. Kinh nghiệm này được
tìm thấy trong nguồn sống của mỗi người chúng ta. Mẹ tôi đã chịu đựng sự
đau đớn với hy vọng, và đây là lý do mà tôi còn sống. Bạn hãy dừng lại và
suy nghĩ về mầu nhiệm sự sống này và làm thế nào mà nó tái diễn trong đức tin,
như trong đêm tối của thánh Gioan Thánh Giá.
– Tôi có đang rơi lệ và than khóc bây giờ không, hay là tôi
đang vui mừng, hay là tôi ở giữa, thờ ơ, không buồn mà cũng chẳng vui? Điều
này nói gì về mối quan hệ của tôi với Chúa Giêsu? Những người xung quanh
tôi sẽ trả lời câu hỏi này ra sao về tôi?
5. Lời nguyện kết
Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi!
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng
hò reo!
Vì ĐỨC CHÚA là Đấng Tối Cao, Đấng
khả úy,
Là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.
(Tv 47:1-2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét