Trang

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

Hơn 600 Kitô hữu Nigeria bị giết trong 4 tháng đầu năm


Hơn 600 Kitô hữu Nigeria bị giết trong 4 tháng đầu năm
Kitô hữu Nigeria

Trong một báo cáo được phát hành ngày 15/5, Hiệp hội quốc tế về Tự do Dân sự và Luật pháp (Intersociety) cho biết: kể từ đầu năm nay (2020), 620 Kitô hữu Nigeria đã bị giết, và những người thù ghét các Kitô hữu còn đưa ra một chiến dịch phá hủy và đốt phá các nhà thờ ở quốc gia châu Phi này.
Ngọc Yến - Vatican News
Hiệp hội nhận định rằng, mặc dù chiếm gần một nửa dân số, nhưng khoảng 32 ngàn Kitô hữu đã bị giết từ năm 2009 trong các cuộc tấn công của người Hồi giáo.
Từ đầu năm, các Kitô hữu ở Nigeria đã là nạn nhân của một loạt các cuộc tấn công, bao gồm cả những vụ bắt cóc để đòi tiền chuộc. Cụ thể, vào tháng 01, bốn chủng sinh của Chủng viện Chúa Chiên Lành đã bị những người mang vũ khí bắt cóc. Mười ngày sau vụ bắt cóc, một trong bốn chủng sinh được tìm thấy bên vệ đường, còn sống nhưng bị thương nặng. Vào ngày 31/01, một giám chức tại chủng viện cho biết hai chủng sinh khác đã được thả ra, nhưng thầy thứ tư vẫn mất tích và được cho là vẫn bị giam giữ. Sau đó, có thông báo rằng thầy đã bị giết.
Vào tháng 3, trong Thánh lễ tại Hội nghị của các Giám mục Công giáo ở Nigeria, Đức Tổng Giám mục Ignatius Kaigama của Abuja đã kêu gọi Tổng thống Muhammadu Buhari giải quyết bạo lực và bắt cóc. Theo HĐGM Nigeria, chính phủ liên bang không chu toàn bổn phận bảo vệ công dân và văn hóa sự chết đang lan tràn trong cuộc sống hàng ngày tại đất nước này.
Trong một lá thư gửi các tín hữu dịp thứ Tư Lễ Tro, Đức Tổng Giám mục Augustine Obiora Akubeze của thành phố Bénin đã kêu gọi người Công giáo mặc trang phục màu đen trong tình liên đới và cầu nguyện cho các tín hữu đã bị giết.
Ủy ban Liên HĐGM châu Âu (Comece) cũng đã lên tiếng kêu gọi châu Âu và cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực chấm dứt bạo lực, hỗ trợ các nạn nhân và thúc đẩy đối thoại và hòa bình.
Trong nghị quyết 16/01 về Nigeria, Nghị viện châu Âu đã lên án các vụ tấn công khủng bố do các nhóm thuộc phần tử thánh chiến gây ra và chiến lược “đất hoặc máu” của các chiến binh Fulani. Đồng thời lên án sự phân biệt đối xử đối với các Kitô hữu trong các khu vực áp dụng luật Hồi giáo Sharia. Theo phán quyết của Tòa án Hình sự Quốc tế (2019), từ năm 2009 những cuộc tấn công của tổ chức khủng bố Boko Harams là tội ác chiến tranh và chống lại loài người.
Thời gian qua, Liên HĐGM châu Âu đã theo dõi các hoàn cảnh của các Kitô hữu ở Nigeria, và đã tham gia vào cuộc tranh luận công khai trước nghị quyết tháng 01 của Nghị viện châu Âu để bảo vệ các Kitô hữu ở Nigeria. (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét