02/09/2020
Thứ Tư tuần 22 thường
niên
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 3, 1-9
“Chúng tôi là những người phụ
tá của Thiên Chúa, còn anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là toà nhà của Thiên
Chúa”.
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi không thể nói với anh em như với những người thiêng
liêng, nhưng với những người xác thịt, những trẻ nhỏ trong Đức Kitô. Tôi đã cho
anh em uống sữa, chứ không cho của ăn, vì bấy giờ anh em chưa ăn được, nhưng cả
bây giờ, anh em cũng chưa ăn được, vì hãy còn là người xác thịt. Bởi chưng ở giữa
anh em, có sự ghen tương và tranh giành, thì anh em không phải là xác thịt, và
sống như người phàm đó sao? Vì khi còn có người nói rằng: “Tôi thuộc về
Phaolô”. Kẻ khác nói: “Tôi thuộc về Apollô”, thì anh em không phải là người
phàm đó sao?
Vậy Apollô là gì? Phaolô là gì? Tất cả chỉ là những người giúp việc, mỗi
người tuỳ theo ơn Chúa đã ban, nhờ họ mà anh em đã tin. Tôi trồng, Apollô tưới,
nhưng Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng chẳng là gì cả, người tưới cũng
chẳng là gì cả, nhưng chỉ Thiên Chúa, Đấng làm cho mọc lên, mới đáng kể. Kẻ
gieo và người tưới đều là một. Mỗi người sẽ lãnh công theo sự khó nhọc của
mình. Vì chúng tôi là những người phụ tá của Thiên Chúa: còn anh em là cánh đồng
của Thiên Chúa và là toà nhà của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 32, 12-13.
14-15. 20-21
Đáp: Phúc thay dân
tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).
Xướng:
1) Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ
nghiệp riêng mình. Tự trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết thảy con cái
người ta. – Đáp.
2) Tự cung lâu của Người, Người quan sát, hết thảy mọi người cư ngụ địa cầu.
Người đã tạo thành tâm can họ hết thảy, Người quan tâm đến mọi việc làm của họ.
– Đáp.
3) Linh hồn chúng tôi mong đợi Chúa, chính Người là Đấng phù trợ và che
chở chúng tôi. Bởi vậy lòng chúng tôi hân hoan trong Chúa, chúng tôi tin cậy ở
thánh danh Người. – Đáp.
ALLELUIA: 2 Tm 1, 10b
Alleluia, alleluia!
– Đấng Cứu Chuộc chúng ta là Đức Giêsu Kitô, đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết,
và chiếu soi sự sống. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 4, 38-44
“Ta còn phải rao giảng Tin Mừng
cho các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc
mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng
bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy,
và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng
bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân,
và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: “Ông là Con
Thiên Chúa”. Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người
là Đức Kitô.
Đến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm
đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng:
“Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính
vì thế mà Ta đã được sai đến”. Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ
Giuđêa. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Chữa Trị Bệnh
Tật
"Chúng ta hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" đó là lời
phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta để gián tiếp chấp nhận lời yêu cầu của một số
ký giả và những người làm phim muốn làm một cuốn phim tài liệu trình bày những
công việc từ thiện do Mẹ và các Nữ tu Dòng Thừa sai bác ái thực hiện. Từ mấy chục
năm nay, tinh thần và tình yêu của Mẹ Têrêsa đối với những người đau khổ bệnh tật
đã được lan ra khắp nơi trên thế giới, như một tiếp tục công tác chính Chúa
Giêsu đã thực hiện mà chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay.
Thuật lại biến cố Chúa Giêsu chữa bệnh bà mẹ vợ ông Simon và nhiều người
khác, thánh sử Luca ghi lại: "Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người
nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài. Ngài đặt tay
trên từng bệnh nhân và chữa lành họ". Những dòng kế tiếp cho thấy Chúa
Giêsu có uy quyền trên sự dữ. Ở đây sự dữ xuất hiện dưới hai hình thức: bệnh tật
và ma quỉ. Chúa Giêsu ra lệnh và quở mắng để chế ngự, nhưng Ngài không tiêu diệt
chúng. Ngoài ra, trong nhiều cơ hội khác, Chúa Giêsu làm gương bằng sự ân cần của
Ngài đối với các bệnh nhân, kể cả những người mang chứng bệnh khiếp sợ nhất lúc
bấy giờ là bệnh phong cùi.
Trong giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Ngài đồng hóa mình với
những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước, những người
bị cầm tù. Ngài nói: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những
anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta". Qua cuộc
khổ nạn và cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và bệnh tật
ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.
Xin cho công trình giải phóng và cứu rỗi của Chúa được nhiều người quảng
đại dấn thân tiếp tục. Xin cho đôi mắt đức tin chúng ta sáng suốt để nhận ra
Chúa nơi những người đang cần được giúp đỡ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 22 TN2
Bài đọc: 1 Cor 3:1-9; Lk 4:38-44.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lối sống theo Thánh Thần và lối sống theo xác thịt.
Kinh Thánh không chỉ dạy những gì cao siêu khó hiểu nhưng còn liên quan đến
những sinh họat bình thường hằng ngày, không chỉ dạy những gì thuộc lãnh vực
tinh thần mà còn cả những gì thuộc lãnh vực thể xác. Nói tóm, không có một vấn
nạn nào liên quan tới con người mà không được đề cập đến. Bài đọc I nói về những
tật xấu; trong khi Phúc Âm đề cao những tính tốt của con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lối sống theo Thánh Thần và lối
sống theo xác thịt.
Thánh Phaolô trong thư gởi Corintô phân biệt rõ ràng hai lối sống: lối sống
theo Thánh Thần và lối sống theo xác thịt. Lối sống thứ nhất đẹp lòng Thiên
Chúa, lối sống thứ hai cần phải sửa đổi để con người có thể ngày càng kiện toàn
hơn. Bài đọc hôm nay đề cập nhiều đến lối sống theo xác thịt, ít nhất là 2 điểm
chính:
(1) Ghen tương cãi cọ: Khi thấy người khác hơn mình hay khi người ta có
được những cái mình không có, con người thường nói xấu để hạ bệ nhau hay tranh
cãi để tố cáo nhau. Khi làm những điều này là con người đang để cho tính xác thịt
chi phối làm chia rẽ gia đình và cộng đoàn. Bao lâu còn sống theo tính xác thịt,
con người không thể tiếp thu những bài học để sống theo Thánh Thần. Thánh
Phaolô chỉ cho thấy những điều này đang xảy ra giữa các tín hữu của ngài: “Thưa
anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống
theo Thánh Thần, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với
những trẻ nhỏ trong Đức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức
ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi,
vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em
có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo
tính xác thịt và theo thói người phàm sao?”
(2) Vây cánh kéo bè: Một khi không đạt được những ham muốn xác thịt trên
bằng cố gắng cá nhân, con người có khuynh hướng chọn những người cùng ham muốn
những điều đó về phe của mình, rồi cùng tìm cách làm sao để có thể đạt được những
ham muốn thấp hèn đó. Một trong những thủ đọan là dồn phiếu bầu cho một người
và người này sau khi đắc cử phải tìm cách để thỏa mãn những đòi hỏi của họ.
Thánh Phaolô khiển trách: “Khi người này nói: “Tôi, tôi thuộc về ông Phaolô,”
và người khác: “Tôi, tôi thuộc về ông Apollo,” thì anh em chẳng là người phàm tục
sao?” Nếu một cộng đòan bị tính xác thịt chi phối như thế, làm sao có thể tồn tại
và làm những gì Thánh Thần muốn?
Thánh Phaolô chỉ cho họ một lối sống cao hơn theo Thánh Thần: Điều quan
trọng nhất phải làm trong cuộc đời là làm sao cho mọi người có được niềm tin
vào Thiên Chúa, và làm cho đức tin này ngày càng phát triển mạnh; chứ không phải
sống để vơ vét cho mình những danh vọng, uy quyền, và các mối lợi vật chất. Mỗi
người lãnh đạo hay rao giảng chỉ là khí cụ của Chúa dùng trong một thời gian
hay một hòan cảnh nhất định để góp phần trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Người
cần thiết nhất làm cho đức tin lớn mạnh là chính Thiên Chúa. Thay vì tập họp
thành bè đảng để chọn người lãnh đạo làm theo ý riêng mình, họ phải để Thánh Thần
hướng dẫn để lựa chọn những người có khả năng để hướng dẫn cộng đoàn, rồi chính
họ cũng phải tích cực cộng tác với người lãnh đạo, trong sứ vụ rao truyền và củng
cố đức tin cho Dân Chúa.
2/ Phúc Âm: Mọi người đều góp phần trong
việc chữa lành những tật bệnh trong cuộc sống.
(1) Gương sáng của Chúa Giêsu: Ngài vất vả từ sáng đến tối để chữa lành cả
phần hồn lẫn phần xác của mọi người. Vừa hoàn tất việc giảng dạy để mở mang kiến
thức cần thiết cho cuộc sống phần hồn trong hội đường, Ngài về nhà Simon với mục
đích để kiếm gì ăn và nghỉ ngơi phần xác; nhưng của ăn không thấy mà trước mắt
bà nhạc của Simon và bao nhiêu người bệnh đang chờ để quấy rầy Ngài. Thay vì nổi
nóng trước những điều trái ý, Ngài chữa bệnh cho Bà nhạc và tất cả mọi người.
Và khi đám đông tìm Ngài và muốn giữ Ngài lại kẻo Ngài bỏ họ mà đi, Ngài nói với
họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì
tôi được sai đi cốt để làm việc đó.”
(2) Gương sáng của Bà nhạc mẫu của Simon: Chỉ với hai câu tường thuật ngắn
ngủi đã dạy cho chúng ta bài học phải làm khi đã thọ ơn: “Lúc ấy, bà mẹ vợ ông
Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh
cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất. Tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.” Bà
không nấu ăn cho Chúa, cho con và các môn đệ được là vì Bà đang bị sốt. Nhưng
sau khi đã được Chúa chữa lành, Bà đã không nại lý do mới lành bệnh cần được
nghỉ ngơi cho lại sức; nhưng lập tức chỗi dậy để phục vụ Chúa và các môn đệ. Bà
là gương sáng cho mọi người noi theo vì tất cả mọi người đều có bổn phận phải
đóng góp thì cuộc sống gia đình và cộng đoàn mới bình an ổn định được. Cuộc sống
sẽ xáo trộn và thiệt thòi nếu Chúa Giêsu vừa lo giảng dạy, vừa chữa lành, vừa nấu
ăn, vừa phục vụ!
(3) Gương sáng của mọi người: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Dân
chúng xin Ngài chữa bệnh cho Bà nhạc Simon, và lúc mặt trời lặn, tất cả những
ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Tuy không chữa bệnh
được nhưng đám đông có công tìm thầy và mang những người bệnh tới cho Chúa để
được chữa lành. Trong cuộc sống hằng ngày, con người cần có thái độ đoàn kết
này để giúp nhau vượt qua những trở ngại. Đừng ích kỷ quay đi trước những đau
khổ của tha nhân, vì “nay người mai ta.” Nếu mình quay đi trước những khổ đau của
đồng loại, ai là người sẽ giúp mình trong những lúc mình phải đương đầu với đau
khổ?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Chúng ta không những cần biết chế ngự các tật xấu mà còn phải phát huy
những tính tốt trong đời sống hằng ngày.
– Nếu đã thọ ơn Chúa và thánh Phaolô trong việc nhận ra những giá trị
tinh thần và được chữa lành, đừng ích kỷ quay đi, nhưng phải tiếp tục làm ơn
cho người mình đã thọ ơn hay cho người khác.
– Đức tin phải là điều quan trọng nhất của chúng ta khi còn sống ở đời
này. Đừng hy sinh đức tin cho những lợi lộc thấp hèn như danh vọng, uy quyền,
những lợi lộc vật chất để kéo bè làm chết ngạt sự phát triển đức tin của mình
cũng như của tha nhân.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
02/09/2020 – THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 4,38-44
TẤT CẢ CHO SỨ MẠNG CỨU THẾ
Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ
bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. (Lc
4,40)
Suy niệm: Một ngày sống của Chúa
Giê-su bận rộn với nhiều việc: cầu nguyện, rao giảng và chữa lành. Từ sáng sớm,
Ngài đi ra nơi hoang vắng để kết hiệp với Chúa Cha. Suốt ngày, Ngài rao giảng ở
các hội đường, chữa bệnh và trừ quỷ. Ngài không giới hạn sứ mạng ở một vài nơi
mà còn “loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa, vì Ngài được sai đi cốt để
làm việc đó.” Ma quỷ có tung hô Ngài là Con Thiên Chúa thì chỉ là xảo kế, cốt
làm sai lệch sứ mạng cứu thế của Ngài; chính những lời rao giảng, những dấu lạ
Chúa làm, và trên hết là “dấu lạ Gio-na” đủ minh chứng sứ mạng thiên sai đó (x.
Ga 10,25; Mt 12,39).
Mời Bạn: Chúa vẫn đồng hành và cứu
chữa ta nhưng ít khi ta nhận ra. Những khó khăn ta đã vượt qua, những cám dỗ đã
chiến thắng, sự bình an và những điều tốt lành vẫn diễn ra, và ngay cả khi những
khó khăn ập tới,… tất cả những điều rất bình dị đơn sơ đó đều là dấu chỉ Chúa vẫn
tác động lên đời sống và chữa lành cho ta. Mời bạn chiêm ngắm mẫu gương hành động
của Chúa để có thể nhận ra Ngài vẫn đang đồng hành và hoạt động nơi ta, và để
chúng ta cũng biết hành động giống như Chúa.
Chia sẻ: Việc dành thời gian kết
hiệp để cầu nguyện mỗi ngày để có tác dụng gì cho hoạt động tông đồ của bạn?
Sống Lời Chúa: Xét xem khung đời sống của
bạn có tương hợp với khung đời sống mỗi ngày của Chúa Giê-su không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương chữa
lành con và cho con cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa để con sống bác ái
yêu thương như chính Chúa đã yêu thương con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Phải loan
báo Tin Mừng
Suy niệm
:
Sáng ngày sabát Đức Giêsu đã giảng dạy ở hội đường Caphácnaum.
Lời của Ngài đầy uy quyền và uy lực.
Lời ấy đã trục được quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4, 31-37).
Có lẽ đến trưa, Đức Giêsu rời khỏi hội đường để về nhà ông Simôn.
Tiếc thay bà mẹ vợ của ông lại bị sốt nặng, nằm một chỗ.
Người ta yêu cầu Ngài chữa cho người phụ nữ này.
Ngài đã lại gần và cúi xuống trên bà.
Ngài quát mắng cơn sốt như đã quát mắng thần ô uế (c. 39).
Lập tức cơn sốt phải rút lui.
Bà có thể đứng dậy được để phục vụ cơm nước cho Đức Giêsu và môn đệ.
Một lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của Lời Ngài.
Ngài chữa bệnh cho người phụ nữ chỉ bằng một lời ra lệnh.
Bệnh tật, dù nhẹ đi nữa, cũng làm phiền con người,
làm cản trở mọi sinh hoạt bình thường, và làm con người mất tự do.
Đức Giêsu đã nâng dậy một người đang nằm, mất sức làm việc.
Khi mặt trời lặn, lúc đã hết ngày sabát là ngày lễ nghỉ,
người ta mới đem cho Ngài những người bị đau đủ thứ bệnh.
Ngài chữa cho họ bằng cách đặt tay trên từng người (c. 40).
Đức Giêsu cúi xuống và chạm vào nỗi đau của từng thân xác.
Không rõ khi nào Ngài dừng tay để đi ngủ.
Chỉ biết khi trời hừng sáng, Ngài đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ.
Hẳn là Ngài cần chút thinh lặng, để xa đám đông, để gặp gỡ Cha,
Ngài cần dâng cho Cha một tuần mới đang đến.
Đức Giêsu không chỉ mê phục vụ cho đám đông,
Ngài còn mê ở một mình, mê cầu nguyện, mê chỗ vắng.
Nhưng các đám đông hối hả đi tìm Ngài, vì nhiều người cần chữa bệnh.
Khi bắt được Ngài, họ không cho Ngài lìa bỏ họ (c. 42).
Thành công và tiếng tăm, thiện cảm và sự thân quen gần gũi,
là những điều có thể giữ chân người tông đồ.
Trước sự chèo kéo của những người đau yếu đang thực sự cần Ngài,
Đức Giêsu vẫn muốn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai.
Ngài nhìn thấy cánh đồng mênh mông của thế giới.
Ngài hiểu là mình không được phép dừng chân ở một chỗ, để đặt trụ sở.
Ngài biết là mình được mời gọi lên đường mỗi ngày.
Đâu phải chỉ có thành Caphácnaum hay Nadarét hay vùng Galilê.
“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa
cho các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (c. 43).
Chữ phải đến như một mệnh lệnh từ Cha, kéo Đức Giêsu đi không nghỉ.
Ngài vượt qua bao biên giới của gia đình, làng quê, tỉnh thành…
Rồi có ngày việc loan báo Tin Mừng sẽ trải dài đến tận cùng thế giới.
Khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa đến.
Con người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt.
Mong mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giêsu.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. (Mẹ Têrêxa Calcutta)
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG CHÍN
Đứng Trước Thách Đố
Rao Giảng Tin Mừng
Sứ mạng căn bản của Giáo Hội là rao giảng cho thế giới Tin Mừng cứu độ.
Khi mang Tin Mừng cứu độ vào giữa lòng thế giới, Giáo Hội cố gắng nhận hiểu các
đặc nét văn hóa của người ta. Giáo Hội muốn chia sẻ mọi tâm tư của con người,
các giá trị và phong tục của họ, những khó khăn mà họ phải đương đầu, những hy
vọng và ước mơ của họ.
Một khi Giáo Hội biết và hiểu được những khía cạnh văn hoá đa dạng này của
một dân tộc, Giáo Hội sẽ có thể bắt đầu cuộc đối thoại về sự cứu độ. Với thái độ
vừa kính trọng vừa thẳng thắn và trong niềm xác tín, Giáo Hội đứng ở vị trí giới
thiệu Tin Mừng cứu độ cho tất cả những ai thành tâm khao khát lắng nghe và đáp
trả.
Đức Phaolô VI đã từng nói về các tôn giáo ngoài Kitô giáo : “Các tôn giáo
ấy mang trong mình âm vang của bao ngàn năm kiếm tìm Thiên Chúa… Các tôn giáo ấy
nắm giữ một di sản lớn lao các truyền thống tín ngưỡng thâm sâu. Các tôn giáo ấy
đã dạy cho bao thế hệ con người biết cầu nguyện. Các tôn giáo ấy chứa đựng bao
hạt giống được ươm trồng bởi chính Ngôi Lời và có thể thực sự sẵn sàng để đón
nhận Tin Mừng” (EN 53).
Trong niềm trân trọng giá trị của các tôn giáo này, Giáo Hội vẫn thường
nhận ra trong đó những tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng giống như gió “muốn
thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8). Tuy nhiên Giáo Hội luôn xác tín rằng mình phải
hoàn thành trọng trách của mình là đem lại cho thế giới chân lý mạc khải cách
trọn vẹn, chân lý về ơn cứu độ nơi Đức Giê-su Kitô. Chúng ta hãy nguyện cầu để
tất cả mọi người đều nhận biết Đức Giê-su Kitô, Đấng Cứu Độ trần gian.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 02/9
1Cr 1-9; Lc 4,
38-44.
LỜI SUY NIỆM: “Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn,
đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất
khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng,
không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Kitô.”
Tin Mừng cho chúng ta thấy được niềm
tin và tình yêu thương của những người có thân nhân mắc bệnh, họ đã đem người
thân đến với Chúa Giêsu; họ kiên tâm chờ đợi đến phiên của mình, để người thân
của họ được nhận lãnh ơn ban chữa lành của Chúa. Còn Chúa Giêsu thì quan tâm đến
từng người một: “Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ.” Còn đối với ma
quỷ, mặc dầu nó muốn tuyên xưng về Người; Nhưng người đã quát mắn nó, không cho
phép chúng nói, vì chúng không được phép nói.
Lạy Chúa Giêsu. Trong tất cả chúng
con đây, ai cũng có những người thân, và chính bản thân mình đang mang những chứng
bệnh cần được Chúa chữa lành; Xin Chúa cho chúng con có tình yêu thương và lòng
tin vào Chúa, để cùng dẫn nhau đến với Chúa để Chúa chữa lành hầu được sống
trong bình an, mạnh khỏe.
Mạnh Phương
02 Tháng Chín
Khuôn Mặt Giuđa
Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa đó là câu
chuyện danh họa Leonardo da Vinci đi tìm người mẫu để họa khuôn mặt của Giuđa,
kẻ phản bội.
Leonardo đang miệt mài trong bức tranh “Bữa Ăn Cuối Cùng” của Chúa Giêsu
với các môn đệ. Tất cả các khuôn mặt, từ Chúa Giêsu đến các môn đệ, đều đã hiện
nguyên hình trên khung vải. Nhưng đến lúc phải tô vẽ cho khuôn mặt của Giuđa,
danh họa Leonardo da Vinci đã tỏ ra lúng túng vì ông không biết phải tìm một
người nào làm mẫu cho con người phản bội này… Ông đã phải đi dạo khắp nơi để
tìm một khuôn mặt xấu xí, hiện thân của kẻ phản bội, gian trá. Sau mấy tháng trời
tìm kiếm, cuối cùng ông đã gặp được khuôn mặt mà ông cho là ưng ý nhất. Trong
khu xóm lầy lội, nghèo nàn, ông đã khám phá được một khuôn mặt mà ông cho là có
đầy đủ những đường nét của tội ác. Ông đã lần mò đến gần người đó, và sau khi
đã giải thích về bức tranh mình đang thực hiện, ông đã đề nghị người đó đến xưởng
vẽ của ông để bắt tay vào công việc.
Người được chọn làm người mẫu cho Giuđa nhìn nhà danh họahồi lâu. Cuối
cùng, ông đốt lên một ngọn đuốc sáng vào gương mặt của ông… Leonardo ngạc nhiên
vô cùng, bởi vì người đàn ông này cũng chính là người đã làm mẫu cho ông vẽ
chân dung Chúa Giêsu… Cũng khuôn mặt đó, nhưng có lúc Leonardo da Vinci nhìn thấy
những đường nét của Chúa Giêsu, vào lúc khác, ông lại thấy nó xấu xí như gương
mặt của Giuđa.
Chúng ta thường nói: khi yêu thì trái ấu cũng tròn… Trong một lá thư tình
nào đó, có lẽ hai người yêu nhau sẽ nói với nhau: không có anh, không có em, đất
trời như vô nghĩa… Tình yêu có tính sáng tạo. Tình yêu giúp chúng ta chỉ nhìn
thấy cái hay cái đẹp nơi người mình yêu.
Tin và yêu là hai động tác gắn liền với nhau. Ngôn ngữ của đức tin không
thể là ngôn ngữ của khoa học. Con người không đến với Thiên Chúa sau một thời
gian dài tìm kiếm, lý luận. Con người chỉ đến với Thiên Chúa bằng tình yêu. Nói
đến tình yêu là nói đến tin tưởng và phó thác.
Tomas đã đến với Chúa Giêsu Phục Sinh bằng sự lý luận, uyên bác của một
nhà khoa học: “Nếu tôi không xỏ ngón tay tôi vào lỗ đinh và vào cạnh sường của
Ngài… Tôi không tin”. Thái độ này rất phù hợp với tinh thần khoa học. Trong
công cuộc nghiên cứu khoa học, người ta quan sát, đưa ra giả thuyết, kiểm chứng,
thí nghiệm rồi đi đến kết luận… Phương pháp này hoàn toàn vô giá trị trong tình
yêu. Không ai quan sát một người nào đó, đưa ra một giả thuyết, rồi mới đi đến
một kết luận: yêu hay không yêu. Mà trái lại, tình yêu đến trước tất cả các lý
luận và tìm tòi của chúng ta…
Trong đức tin cũng thế, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài mời gọi
chúng ta đi vào tình yêu của Ngài.
Tình yêu đó mời gọi chúng ta vượt lên trên tất cả những lý luận và ngờ vực
của chúng ta. Tình yêu đó giúp chúng ta khám phá ra vẻ đẹp và lòng nhân từ của
Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, trong ánh mắt của con người cũng như trong muôn
màu sắc của thiên nhiên. Tình yêu đó giúp chúng ta nhìn thấy nơi gương mặt xấu
xí của Giuđa những đường nét yêu thương của Chúa Giêsu. Tình yêu ấy cho chúng
ta tìm thấy nơi niềm vui trong thất vọng, thua thiệt. Tình yêu ấy cho chúng ta
nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong những giờ phút trống rỗng vô nghĩa của cuộc
sống.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét