Ngày 2 tháng 11
Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Ðã Qua Ðời
Lễ Nhớ
Lễ Nhất
Bài Ðọc I: Rm 6, 3-9
"Chúng ta phải sống
đời sống mới".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tất cả chúng
ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết
của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy
trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại
từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì
nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái
chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại
giống như vậy.
Nên biết điều này: con người
cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi,
hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là
được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta
tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ
cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người
nữa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4.
5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 5).
Hoặc đọc: Dù bước đi trong
thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con (c. 4a).
Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi,
tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới
nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi
dưỡng. - Ðáp.
2) Người dẫn tôi qua những
con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Dù bước đi trong thung lũng
tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó
là điều an ủi lòng con. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm
cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén
rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng
Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư
cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.
Alleluia: Ga 11, 25-26
Alleluia, alleluia! - Chúa
phán: "Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến, hãy lãnh lấy phần gia
nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ". -
Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 51-59
"Thịt Ta thật là của
ăn, và máu Ta thật là của uống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì
sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được
sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này
có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?"
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với
họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và
uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và
uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau
hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và
uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng
sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống
nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn
manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".
Ðó là lời Chúa.
Lễ Nhì
Bài Ðọc I: Kn 3, 1-9
"Chúa chấp nhận các
ngài như của lễ toàn thiêu".
Trích sách Khôn Ngoan.
Linh hồn những người công
chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với
con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài
từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống
trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài đã chịu khổ hình, lòng cậy
trông của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ
được vinh dự lớn lao: vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và
chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn
các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu
qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và
Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa,
thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và
bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 24, 6-7bc.
17-18. 20-21
Ðáp: Lạy Chúa, con vươn linh hồn con lên tới Chúa (c. 1b).
Hoặc đọc: Lạy Chúa, phàm ai
trông cậy Chúa, ắt chẳng hổ ngươi (c. 3b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nhớ
lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con
theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.
2) Xin cho lòng con được nhẹ
bớt lo âu, và giải thoát con khỏi cảnh ưu tư phiền muộn. Xin Chúa coi cảnh lầm
than khốn khổ của con, và tha thứ hết mọi điều tội lỗi. - Ðáp.
3) Xin gìn giữ mạng sống con
và giải thoát con, đừng để con bẽ bàng vì đã tìm nương tựa Chúa. Nguyện cho
lòng con vô tội và trung thứ bảo vệ con, vì con trông cậy vào Ngài, thân lạy
Chúa. - Ðáp.
Alleluia: 2 Tm 2, 11-12a
Alleluia, alleluia! - Nếu
chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, thì chúng ta cùng sống với Người; nếu chúng
ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 23, 33. 39-43
"Hôm nay ngươi sẽ ở
trên thiên đàng với Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ,
chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu
một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: "Lạy Cha, xin tha
cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm". Rồi chúng rút thăm mà chia
nhau áo Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục
người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi
nữa".
Ðối lại, tên kia mắng nó
rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng
ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn
ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng:
"Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp:
"Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với
Ta".
Ðó là lời Chúa.
Lễ Ba
Bài Ðọc I: Rm 5, 5-11
"Chúng ta đã nên công
chính trong Máu của Người, và nhờ Người chúng ta được cứu khỏi cơn thịnh
nộ".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tình yêu của
Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta.
Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết
thay cho người công chính, họa chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng
Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc
chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.
Vậy phương chi bây giờ, chúng
ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu
khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã
được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã
được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và
không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 7 và
8b và 9a. 13-14
Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).
Hoặc đọc: Tôi tin rằng tôi sẽ
được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).
Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là
Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2) Có một điều tôi xin Chúa,
một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu
vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin nghe con kêu
cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa. Xin Chúa
đừng ẩn mặt xa con. - Ðáp.
4) Tôi tin rằng tôi sẽ được
nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy trông đợi Chúa, hãy
sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và trông đợi Chúa. - Ðáp.
Alleluia: Ga 6, 39
Alleluia, alleluia! - Chúa
phán: "Ý của Cha là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng
ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 17, 24-26
"Con muốn rằng Con ở
đâu, chúng cũng ở đấy với Con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Gioan.
Khi ấy, (Chúa Giêsu ngước mắt
lên trời cầu nguyện rằng:) "Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn
rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà
Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha
công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này
cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn
tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng
nữa".
Ðó là lời Chúa.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Lễ Các Ðẳng
Cầu Cho Các Tín Hữu Ðã Qua Ðời
(Ga 6, 51-59; Lc 23, 33. 39-43; Ga 17, 24-26)
Suy Niệm:
Cầu Cho Các Tín Hữu Ðã Qua
Ðời
Hôm nay chúng ta tưởng nhớ và
cầu nguyện cho những người thân cũng như mọi người quá cố. Lễ cầu cho các đẳng
đã được thánh Audilo, tu viện trưởng tu viện Crainy, tại Pháp, thiết lập cách
đây một ngàn năm, liền sau lễ Các Thánh, qua đó Giáo Hội vui mừng cử hành việc
thông hiệp các thánh và ơn cứu rỗi.
Thánh Audilo đã thúc giục các
tu sĩ trong tu viện hãy cầu nguyện một cách đặc biệt cho người quá cố. Lời cầu
cho các đẳng không mấy chốc đã lan rộng ra khắp nơi. Ðể nuôi dưỡng tâm tình và
lời cầu nguyện của chúng ta trong ngày hôm nay, thiết tưởng chúng ta nên lắng
nghe lại sứ điệp mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gửi cho đức cha Raymon
Sagi, giám mục Otinsalone và Margone, nhân dịp kỷ niệm một ngàn năm thánh
Audilo thiết lập lễ cầu cho các đẳng linh hồn.
Mầu nhiệm vượt qua phải là
trọng tâm của những suy tư và là nền tảng của những lời cầu nguyện của chúng ta
trong ngày hôm nay.
Ðức Thánh Cha viết như sau:
"Khi cầu nguyện cho
người quá cố, trước tiên Giáo Hội chiêm ngắm mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô,
Ðấng mang lại ơn cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu cho chúng ta qua thập giá của
Ngài. Do đó, cùng với thánh Audilo, chúng ta có thể lặp lại không ngừng như
sau: "Thánh giá là nơi nương ẩn, là đường đi và là sự sống của tôi. Thánh
giá là khí giới bất diệt của tôi. Thánh giá chiến thắng mọi sự dữ. Thánh giá
đẩy lui mọi bóng tối". Thánh giá của Chúa Giêsu nhắc chúng ta rằng mọi
cuộc sống đều được ánh sáng phục sinh soi dẫn và không có một hoàn cảnh nào là
hoàn toàn hư mất, bởi vì Ngài đã chiến thắng sự chết và mở đường cho chúng ta
tiến vào sự sống thật. Trong ngày cầu cho người đã qua đời, chúng ta nói lên
niềm hy vọng cho chúng ta".
Ðức Thánh Cha giải thích:
"Tin vào sự phục sinh
của thân xác là nhìn nhận rằng sẽ có một chung cục, một cùng đích cho mọi
người. Một cùng đích thỏa mãn khát vọng của con người đến độ nó không còn gì
phải khao khát nữa. Niềm khát vọng ấy được thánh Augustinô diễn tả một cách
thật kỳ diệu như sau: "Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và tâm hồn
chúng con không thể an nghỉ khi chưa được nghỉ an trong Chúa". Do đó, tất
cả chúng ta được mời gọi để sống với Chúa Kitô, Ðấng ngự bên hữu Chúa Cha và
được chiêm ngắm Thánh Thần, vì Thiên Chúa là đối tượng của niềm hy vọng Kitô.
Cầu nguyện cho người quá cố, chúng ta không chỉ tưởng nhớ đến những người thân
và các tín hữu Kitô. Chúng ta cũng được mời gọi để tưởng nhớ và cầu nguyện cho
tất cả mọi người quá cố, dù tin hay không tin, dù thuộc về hay ở ngoài Giáo Hội
hữu hình".
Ðức Gioan Phaolô II đã trích
dẫn kinh Tin Kính của Ðức Phaolô VI như sau:
"Chúng ta tin rằng Giáo
Hội là cần thiết trong ơn cứu rỗi, bởi vì Chúa Kitô là trung gian duy nhất và
là con đường cứu rỗi duy nhất, và bởi vì Ngài hiện diện với chúng ta trong thân
thể Ngài là Giáo Hội, nhưng chương trình của Thiên Chúa ôm trọn lấy tất cả mọi
người. Do đó những ai không do lỗi của họ mà không biết Tin Mừng của Chúa Kitô
và Giáo Hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Chúa và hành động theo lương tâm
của mình nhờ ơn Chúa thúc đẩy, mà thực thi ý muốn của Ngài, những người đó cũng
thuộc về dân Ngài, cho dẫu bằng một cách thế mà chúng ta không thấy và do đó
cũng có thể được phần rỗi đời đời. Chỉ có Chúa mới biết con số những người
ấy".
Chính vì thế mà Ðức Thánh Cha
kêu gọi chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người quá cố. Lời cầu nguyện mà
Giáo Hội không ngừng dâng lên Chúa có một giá trị lớn lao, đó là đặc điểm của
một tâm hồn luôn hướng về lòng nhân từ của Chúa. Giáo Hội tin rằng các linh hồn
đã được thanh luyện, đã được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của các tín hữu, và
nhất là bởi thánh lễ trên bàn thờ cũng như các việc bố thí và những việc làm
đạo đức khác.
Trong phần kết thúc sứ điệp
gởi cho đức giám mục kiêm tu viện trưởng tu viện Crainy, nhân dịp kỷ niệm một
ngàn năm thiết lập ngày cầu cho các đẳng, Ðức Thánh Cha tha thiết kêu gọi như
sau:
"Tôi cổ võ các tín hữu
công giáo hãy sốt sắng cầu cho những người quá cố, cho người thân trong gia
đình và cho tất cả mọi anh chị em đã ly trần để họ được tha thứ khỏi hình phạt
cho tội lỗi của họ, và có thể lắng nghe được lời mời gọi của Chúa: "Hỡi
linh hồn yêu dấu, hãy vào nghỉ ngơi muôn đời trong vòng tay từ ái của Ta".
Trong ngày hôm nay và trong
suốt tháng 11 này, chúng ta hãy dâng mọi ý nguyện và những hy sinh của chúng ta
để cầu nguyện cho người thân và mọi người quá cố. Ước gì những lời cầu nguyện
và hy sinh ấy cũng nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng của chúng ta vào cuộc
sống mai hậu, và nhờ đó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Nhớ Các Linh
Hồn
Bài đọc: Wis
3:1-9; Rom 5:5-11; Jn 6:35-40
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Đối diện với cái
chết để học biết cái sống
Không phải tình cờ mà
Gíao Hội nhắc nhở các tín hữu: tháng 11 là tháng các linh hồn, và mời gọi mọi
người suy niệm về sự chóng qua của cuộc đời và về sự chết.
- Nhìn qua cửa sổ chúng
ta nhận ra ngay sự thay đổi của thời tiết: lá xanh hôm nào đã chuyển màu thành
lá vàng, rồi lá rụng, và lá bị nghiền tan đi dưới bánh xe hoặc bị gió cuốn bay
đi.
- Vào trong xe, chiếc xe
mới mua năm nào, giờ đã trở nên cũ rích, sửa lên sửa xuống, rồi sẽ có một ngày
chúng cũng bị quăng vào nghĩa địa... xe.
- Nhìn vào con người
mình cũng thấy sự thay đổi: mới hôm nào còn là một thanh niên, thiếu nữ tươi
trẻ đầy nghị lực, muốn đi đâu chỉ cần quyết định là đi, thế mà hôm nay tóc đã
ngả màu muối tiêu, da đã điểm đồi mồi, mỗi sáng thức giấc phải cựa quậy mãi mà
vẫn không đứng lên được, rồi sức khỏe và hơi thở cạn dần cho đến ngày người
khác cũng đưa mình ra nghĩa địa.
- Có phải đời chúng ta
cũng vô nghĩa như thế, để rồi chúng ta cũng vội vàng sống như một văn sĩ đã
thốt lên: “Chơi xuân kẻo phí xuân đi?” Đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc đời?
Phải sống làm sao để đạt đích đó?
- Các Bài đọc hôm nay
cung cấp cho chúng ta nhiều chất liệu để suy gẫm. Trong Phúc Âm, chính Con
Thiên Chúa trình bày rõ ràng cho chúng ta về mục đích của cuộc đời và phải làm
sao để đạt mục đích đó. Bài đọc I cho chúng ta thấy số phận về 2 cuộc đời: của
những người công chính và của phường vô đạo. Bài đọc II trình bày nền thần học
then chốt của Thánh Phaolô: Tất cả mọi người đều phạm tội và xứng đáng phải
chết; nhưng vì tình thương Thiên Chúa đã cho con người Đức Kitô, Người Con duy
nhất của Ngài để chết thay cho chúng ta. Chính vì Máu Con Chúa đã đổ ra nên
chúng ta không phải chết, nhưng được sống muôn đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Sách
Khôn Ngoan trình bày hai niềm tin và hai lối sống.
Tin như nào sẽ sống như
vậy, hậu quả là sẽ gặt hái những gì mình tin. Con người muốn biết sống để làm
gì đã (mục đích) trước khi quyết định sống thế nào (phương tiện) để đạt đích.
1.1/ Niềm tin và lối sống
của những người công chính. Họ tin:
(1) Chết không hết: nhưng bắt đầu cuộc sống
trường sinh bất tử với Thiên Chúa. Ngài đã hứa sẽ xé chiếc khăn tang bao trùm
muôn dân, và chiếc màn đen bao trùm muôn nước; và Ngài sẽ vĩnh viễn tiêu diệt
tử thần (Isa 25:7).
(2) Chết là hạnh phúc
và không còn đau khổ: Thiên Chúa hứa sẽ lau khô giòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và
trên tòan cõi đất, Ngài sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Ngài. Một khi đã được
đòan tụ với Thiên Chúa, chẳng cực hình nào có thể động tới họ được nữa, họ sẽ
hưởng an bình (Isa 25:8).
(3) Mục đích của những
đau khổ trong cuộc đời là để chứng tỏ đức tin và tình yêu của con người dành cho Thiên
Chúa. Sau khi chịu sửa dạy đôi chút, họ sẽ được hưởng ân huệ lớn lao. Quả thế,
Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với Người. Người đã tinh luyện
họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu.
(4) Phần thưởng của
những người công chính: “Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia
lửa bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và
Đức Chúa sẽ là Vua của họ đến muôn đời.”
(5) Cách sống ở đời
này: Nếu họ
chung phần đau khổ với Thiên Chúa ở đời này, họ sẽ chung hưởng vinh quang với
Ngài ở đời sau. “Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật; những ai
trung thành sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc
và xót thương những ai Người tuyển chọn.”
1.2/ Niềm tin và lối sống
của những phường vô đạo. Họ tin:
(1) Chết là hết: Chẳng có sự sống lại và
cũng chẳng có sự sống đời đời. Chẳng cần cầu nguyện cho người chết.
(2) Chết là đau khổ: là điều vô phúc. Khi
xuôi hai tay nằm xuống còn hưởng thụ gì được nữa?
(3) Đau khổ của cuộc
đời là vô nghĩa, cần phải tránh.
(4) Chết là một sự trừng
phạt đau đớn
nhất vì thần chết cướp đi tất cả sung sướng của cuộc đời.
(5) Cách sống ở đời
này: Bao
lâu còn sống, họ phải tìm đủ mọi cách để sống sung sướng và hưởng thụ ở đời
này.
2/
Bài đọc II: Tại sao con người không phải chết đời
đời?
2.1/ Mọi người đều phạm
tội và vì vậy phải chết: Lề Luật mà Thiên Chúa ban cho con người có thể ví như con dao hai
lưỡi như ông Môsê đã từng nói với dân:
Coi đây, hôm nay tôi đưa
ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị
tai hoạ. Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của
anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ,
quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và ĐỨC CHÚA,
Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào chiếm
hữu. Nhưng nếu anh em trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống
lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc
chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh em sắp sang
qua sông Gio-đan để vào chiếm hữu. Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội
anh em: tôi đã đưa ra cho anh em chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc
hay bị nguyền rủa. Anh em hãy chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống
(Dt 30:15-19).
Nhưng có ai trong cuộc
đời này dám vỗ ngực tự nhận mình không bao giờ phạm một tội nào, và như thế,
mọi người đều phải chết vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
2.2/ Tại sao con người
không phải chết đời đời?
(1) Thiên Chúa bỏ qua
hay xí xóa:
Những người Do-Thái và Hồi-Giáo tin điều này vì họ không tin vào Đức Kitô. Một
niềm tin như vậy mặc dù đề cao tình thương của Thiên Chúa, nhưng khinh thường
trầm trọng đức công bằng của Ngài. Phải chăng Thiên Chúa xí xóa mọi tội lỗi của
nhân lọai mà không cần đền trả? Tại sao Thiên Chúa không xí xóa luôn tội của
quỉ thần?
(2) Kế họach Cứu Độ
của Thiên Chúa: Để bảo vệ lòng thương xót và đức công bằng của Thiên Chúa, con
người cần phải tin vào Kế Họach Cứu Độ của Ngài: Theo Kế Họach này:
- Đức Kitô, Con Thiên
Chúa đã chết thay cho con người: Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn
là hạng người vô đạo, thì đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như
không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương
thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là
những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
- Con người được giao
hòa với Thiên Chúa: Vì chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra,
chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu ngay
khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người
phải chết, để cho chúng ta được hoà giải với Người.
- Con người được hưởng
sự sống đời đời: Vì chúng ta đã được hoà giải rồi, nên chúng ta sẽ được cứu nhờ
sự sống của Người Con ấy.
- Nhưng không phải chỉ
có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa
chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa.
3/
Phúc Âm: Cách
duy nhất để đạt được cuộc sống muôn đời. Mặc khải quan trọng nhất của Thiên
Chúa được trình bày rõ ràng trong 5 câu ngắn ngủi của Gioan (Jn 6:35-40):
3.1/ Đức Kitô là Bánh
Trường Sinh:
Đức Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề
phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Bí Tích Thánh Thể là lương thực
thần linh nuôi sống con người ngay từ khi còn ở đời này. Một khi đã được nếm
thử lương thực thần linh, cuộc sống muôn đời thuộc về con người.
3.2/ Điều kiện cần có để
đạt được cuộc sống muôn đời: Đứng trước Đức Kitô, con người có thể có 2 thái độ: tin hay
không tin; và tùy vào hai thái độ, họ sẽ đạt được cuộc sống muôn đời hay bị hủy
diệt muôn đời.
(1) Tin vào Đức Kitô:
- “Tất cả những người
Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại
ra ngoài. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi
sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”
- “Thật vậy, ý của Cha
tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn
đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”
(2) Không tin vào Đức
Kitô: Nhưng
tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. Ai không tin, sẽ không
được cuộc sống muôn đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Phải biết chắc chắn
sống để làm gì trước khi quyết định sống thế nào.
- Mục đích của cuộc đời
là để về hưởng hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa.
- Để đạt mục đích này,
con người cần phải tin vào Đức Kitô và thực hành những gì Ngài dạy.
- Tin làm sao sống làm
vậy. Đừng tin một đàng, sống một nẻo. Nguy hiểm của những người muốn bắt cá hai
tay: vừa muốn hưởng thụ đời này vừa muốn Nước Trời mai sau.
- Chúng ta phải làm gì
cho những người thân đã chết? Họ là một phần của cuộc sống chúng ta. Làm sao
chúng ta có thể có những gì chúng ta đang có nếu không nhờ sự đóng góp của họ:
thân thể, đức tin, kiến thức, và tài sản vật chất… Cần cầu nguyện, xin lễ, và
làm những việc lành để xin Thiên Chúa tha những hình phạt còn đang phải chịu.
Hội Thánh cùng thông công: HT vinh quang (các thánh) – HT đau khổ (các linh
hồn) – HT chiến đấu (chúng ta). Chỉ có 2 thành phần có thể lập công được là các
thánh và chúng ta, các linh hồn không thể lập công được nên hòan tòan trông cậy
vào lời bầu cử của các thánh và lời cầu nguyện của chúng ta.
- Yêu thương các linh
hồn là yêu thương chính chúng ta, vì khi đã hòan tất giai đọan thanh tẩy, họ sẽ
nhập đòan các thánh trên trời và bầu cử cho chúng ta khi tới phiên chúng ta
phải chịu thanh luyện. Chúng ta hy vọng sẽ gặp được tất cả và sẽ sống với nhau
muôn đời trên Thiên Đàng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Lễ Các linh hồn (02/11)
|
Sứ điệp: Chết không phải là hết,
nhưng là ngưỡng cửa đi vào đời sau vĩnh hằng. Sự sống đời đời bắt đầu từ hôm
nay khi ta tin Chúa và đón nhận Bánh Hằng Sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chỉ khi
bước qua ngưỡng cửa sự chết, con mới hiểu trọn vẹn được ý nghĩa của sự sống đời
đời mà Chúa hé mở cho con trong Tin Mừng. Đây không còn là sự sống thể lý mà
con có thể kinh nghiệm bằng cảm giác. Sự sống đây là chính sự hiện hữu với Chúa
và trong Chúa. Chúa là Bánh mang Sự Sống từ Trời xuống. Do vậy, con hiểu rằng
sự sống mai sau có được là nhờ sự sống mà con người đã bắt đầu ngay bây giờ nhờ
ơn Chúa.
Hôm nay là ngày cầu cho các linh hồn nơi luyện
ngục. Các Ngài là những người khi sống trên trần gian này đã bắt đầu được sự
sống đời đời nhờ kết hiệp với Chúa, sống với Chúa và sống trong Chúa.
Con là kẻ đi sau, đang được Chúa mời gọi bước
vào sự sống của Chúa, sự sống mà các định luật tự nhiên không thể chi phối. Cái
chết khi đó chỉ còn là cởi bỏ thân xác biến dịch và hữu hạn để tiếp tục bằng
một sự sống trường tồn trong một thân thể vinh quang bất diệt.
Hôm nay, Chúa đang ban cho con Lời Chúa, Lời ban
Sự Sống đời đời. Đồng thời Chúa đang ban cho con Thánh Thể Chúa là Bánh ban Sự
Sống đời đời. Đó là những mầm sống đời đời Chúa gieo vào cuộc đời con. Con sẽ
được hưởng nếm sự sống đời đời ngay tại trần gian nhờ được sống với Chúa và
trong Chúa bằng cách thực thi Lời Chúa và lãnh nhận bí tích Thánh Thể.
Xin Chúa thêm đức tin cho con để con luôn biết
tận hưởng sự sống Chúa ban và phát triển sự sống đời đời đó ngay trong cuộc
sống hôm nay. Amen.
Ghi nhớ :"Thịt Ta thật là của ăn,
và máu Ta thật là của uống".
www.phatdiem.org
02/11/12 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 30 TN
Các Đẳng Linh Hồn
Ga 6,51-59
Các Đẳng Linh Hồn
Ga 6,51-59
BÁNH BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
“Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn
đời.” (Ga 6,51)
Suy niệm: Nhằm “tiết tháng bảy mưa dầm
sùi sụt, toát hơi may lạnh buốt xương khô,” thi hào Nguyễn Du chạnh
lòng làm bài“Văn tế thập loại chúng sinh” khóc thương cho mọi hạng
người giàu nghèo sang hèn phải chết vì đủ loại cảnh ngộ thương tâm. Cũng tin
tưởng vào một sự sống ở kiếp sau nhưng thương thay, đó lại là những kiếp sống
cô đơn, vất vưởng, oan khuất, thê lương:
Kẻ thân thích vắng sau vắng trước
Biết lấy ai bát nước nén nhang?
Cô hồn thất thểu dọc ngang
Nặng oan khôn lẽ tìm đường hoá sinh?
Chúa Giêsu đến giải thoát nhân loại khỏi
cảnh trầm luân bằng cách tự hiến chính thân mình Ngài thành bánh hằng sống cho
chúng ta, để ai ăn bánh đó, sẽ được vào cõi sống hạnh phúc vĩnh hằng. Điều Chúa
nói thật khó tin, người Do Thái nghe mà cứ xầm xì! Chả thế mà trong một đoạn
ngắn Chúa đã phải nhắc đi nhắc lại tới ba lần: “Ai ăn bánh này sẽ được
sống muôn đời.”
Mời Bạn: Phần bạn, là kitô hữu, hẳn bạn đã
tin vào lời Chúa nói. Nhưng làm thế nào để chia sẻ niềm tin ấy cho người chưa
tin? Giáo Hội dành cả tháng 11 để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Họ là những
người thân của bạn đã qua đời và cả các cô hồn, tức là các linh hồn mồ côi.
Việc bạn ân cần tưởng nhớ, sốt sắng cầu nguyện, nhất là cử hành bí tích Thánh
Thể để cầu cho họ là cách trợ giúp thiết thực và hiệu quả cho các linh hồn và
là lời chứng hùng hồn cho niềm tin đó.
Sống Lời Chúa: Sửa sang lại bàn thờ tổ tiên và đọc
kinh chung gia đình để cầu cho các vị tiên nhân của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được
lên chốn nghỉ ngơi. Amen.
www.5phutloichua.net
Sao Ngài bỏ rơi con ? (Mc 15,33-39)
Suy niệm:
Ðoạn Tin Mừng trên đây kể lại
cho ta
cuộc đời Ðức Giêsu vào những
giây phút cuối.
Ngài đã đón nhận cái chết một
cách không dễ dàng
sau nhiều giờ hấp hối trên
thập giá.
Ðau đớn đến tột cùng, nhục nhã
và cô đơn kinh khủng.
Có vẻ lúc đó Cha lại vắng mặt
và làm thinh.
“Lạy Thiên Chúa của con,
sao Ngài bỏ rơi con?”
Ðức Giêsu có cảm tưởng như Cha
bỏ rơi mình
vào chính lúc Ngài vâng phục
Cha, chấp nhận cái chết.
Chúng ta cần nghe được tiếng
kêu xé ruột của Ðức Giêsu.
Ngài kêu bằng tất cả sức lực
còn lại của mình.
Ngài kêu một tiếng lớn, rồi
tắt lịm.
Chúng ta thích thấy Ðức Giêsu
chết bình an hơn,
chết anh hùng hơn và chết lành
hơn.
Nhưng Ðấng vô tội, chết thay
cho cả nhân loại,
đã chẳng được hưởng chút êm
đềm nào từ Thiên Chúa.
Lời cuối của Ngài là một tiếng
gọi: Lạy Thiên Chúa của con,
một câu hỏi tại sao mà Ngài
không rõ câu trả lời.
Ðức Giêsu đã nhắm mắt trong
niềm tin trần trụi.
Tháng 11 được dành để nhớ đến những người đã khuất.
Ðã có thời người ta cho rằng
theo đạo là bất hiếu,
vì không lo giỗ chạp, cúng
vái, nhang đèn...
Nhưng trong niềm tin của Kitô
giáo,
điều người chết cần không phải
là đồ ăn hay vàng mã,
mà là cầu nguyện, hy sinh,
việc lành và thánh lễ.
Ngọn lửa luyện ngục tuy gây
nhiều đau đớn không nguôi,
nhưng có sức tẩy luyện, biến
đổi và thánh hóa.
Có thể nói các linh hồn ở
luyện ngục có phúc hơn ta,
vì họ biết chắc chắn sớm muộn
gì cũng vào thiên đàng.
Chính vì thế họ vui lòng để
cho tình yêu Chúa thanh lọc,
và càng lúc càng trở nên hoàn
hảo hơn để đến gần bên Chúa.
Chúng ta cần sống mầu nhiệm
các thánh thông công.
Các thánh trên trời chuyển cầu
cho Hội Thánh dưới thế.
Hội Thánh dưới thế chuyển cầu
cho các linh hồn đau khổ.
Tất cả liên đới với nhau như
các chi thể của một thân thể.
Trong tháng này Hội Thánh mời chúng ta đi viếng nghĩa trang
để cầu nguyện cho các người
thân yêu đã lìa đời.
Những hàng mộ nói với ta về
cái chết không sao tránh được.
Dù già hay trẻ, dù khỏe hay
đau, dù giàu hay nghèo,
nhưng cuối cùng cái chết vẫn
là điểm hẹn.
Cái chết được chia đều cho mọi
người.
Nghĩa trang có phải là nơi an
nghỉ cuối cùng không?
Con người còn gì khi thân xác
nát tan trong lòng đất?
Nhờ Ðức Giêsu phục sinh mà mầu
nhiệm cái chết được vén mở.
Cái chết chỉ là nhịp cầu đưa
ta vào cõi sống.
Con người sống là để chết, và
chết là để sống mãi,
sống một cuộc sống hạnh phúc
tuyệt vời hơn nhiều.
Cùng với thánh Phanxicô, xin
gọi cái chết là chị - Chị Chết.
Ước gì người Kitô hữu học được
nghệ thuật sống
nhờ biết đón lấy cái chết
trong niềm hy vọng tin yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu người ta cứ phải sống mãi trên cõi đời này
thì thật là phiền toái.
Nhưng cái chết vẫn làm chúng con đau đớn
vì phải chia tay với những người thân yêu,
vì bao mộng mơ, dự tính còn dang dở.
Xin cho chúng con đừng nhìn cái chết
như một định mệnh nghiệt ngã và phi lý
nhưng như một hành trình
trở về nguồn cội yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, trước cái chết thập giá,
Chúa đã run sợ, nhưng không tháo lui,
và Chúa đã chết trong niềm vâng phục tín thác,
để trở nên người đầu tiên bước vào cõi sống viên mãn.
Xin cho chúng con nghe được lời dạy dỗ của cái chết.
Cái chết cho thấy cuộc sống mong manh, ngắn ngủi,
chính vì thế từng giây phút trôi qua thật quý báu.
Cái chết bất ngờ mời gọi chúng con luôn tỉnh thức.
Cái chết nhắc nhở chúng con là khách lữ hành
đang trên đường về quê hương vĩnh cửu.
Sống một đời và chết một lần.
Lạy Chúa, đó là thân phận làm người của chúng con.
Xin dạy chúng con biết cách chết nhờ biết cách sống. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Chết không phải là xa cách vĩnh viễn
Hằng
ngày người ta chứng kiến hoặc nghe nói hoặc đọc trên báo chí về những cái chết
do già yếu, bệnh tật, tai nạn, thiên tai, chiến tranh, bạo động... gây ra. Và
người ta nghĩ chết chóc là chuyện xẩy ra cho người khác, chứ chưa xẩy ra cho
chính mình. Đa số loài người có thể đương đầu với cuộc sống dù có vất vả khổ
cực đi nữa. Tuy nhiên ít ai muốn đương đầu với cái chết. Người ta cũng cảm thấy
khó chấp nhận cái chết của người còn trẻ tuổi và người thân yêu. Tâm trạng đó
có nghĩa là người đời sợ chết hay chưa muốn chết vì người ta sợ đối diện với
những gì xẩy ra ở đời sau mà người ta không biết trước được. Có những người sợ
chết đến nỗi dặn những người thân yêu phải nắm chặt tay chân mình trong lúc hấp
hối.
Trong
thực tế, chết có thể xẩy đến cho bất cứ ai: già trẻ, lớn bé, hoặc bất cứ lúc
nào: ngày cũng như đêm, hay bất kì ở đâu, ngay cả tại những nơi mà người ta
tưởng là an toàn nhất, người ta vẫn có thể chết. Như vậy, chết không kiêng nể
một ai. Khi nào thiên thần Chúa đến gõ cửa nhà linh hồn, gọi linh hồn ra khỏi
xác, là một điều bí mật. Như vậy sống và chết gắn liền với nhau. Có thể nói
được là người ta sinh ra để mà chết. Và tất cả cuộc sống là một tiến trình đi
về cái chết.
Đối
với người tin tưởng vào ơn cứu độ của Chúa Kitô, Đấng cứu độ trần gian, thì
chết không phải là hết, cũng không phải là xa cách vĩnh viễn. Chết chỉ là một
biến đổi từ đời này qua đời khác. Người thân nhân còn sống cần đem sự hiện của
người khuất bóng vào đời sống gia đình bằng hình ảnh của người quá cố, bằng
công nghiệp của người quá cố để lại, bằng những kỉ niệm có được với người quá
cố và nhất là bằng lời cầu nguyện và lễ dâng cho người quá cố.
Phụng
vụ lễ các linh hồn nhắc nhở cho người tín hữu là người lữ hành trên cuộc hành trình
đi về nhà Chúa, họ không đi một mình, nhưng cùng đồng hành với toàn thể dân
Chúa, cùng với Mẹ Maria và các thánh, cùng với người tín hữu tại thế và các
linh hồn nơi luyện ngục.
Theo
tín điều Các Thánh cùng Thông công, thì Mẹ Maria và các thánh trên trời có thể
cầu bầu cho người tín hữu tại thế. Người tín hữu tại thế có thể cầu nguyện cho
nhau, ủng hộ tinh thần cho nhau và cầu nguyện các linh hồn nơi luyện ngục. Giáo
lí về việc người tín hữu tại thế cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục
được các Công Đồng Nicea II, Firenze và Triđentinô gọi là Tín Điều Các Thánh
cùng Thông Công thì Công Đồng Vaticanô II gọi là sự hiệp thông sống động (GH
#51).
Như
vậy đức tin của người công giáo được hỗ trợ một cách tối đa bằng lời cầu bầu
của Mẹ Maria và các thánh và lời cầu nguyện, hi sinh và gương sáng của người
khác. Và ngay cả khi nằm xuống vĩnh viễn, người quá cố vẫn còn được hỗ trợ bằng
lời cầu nguyện của họ hàng, thân nhân và bạn hữu và của toàn thể Giáo hội và
bằng ý chỉ của thánh lễ dâng. Biết được như vậy, nghĩa là biết được rằng sau
khi chết mà còn có những người thân yêu, bạn bè nhớ đến mình trong lời cầu
nguyện và thánh lễ, là điều sưởi ấm tâm hồn biết bao.
Ngay
trong thời Cựu ước ngôn sứ Isaia đã có thể nhìn đến một viễn tượng khi Đấng cứu
độ trần gian sẽ đến: tiêu diệt tử thần (Is 25:8). Còn thánh Phaolô thì bảo tín
hữu Rôma phải cậy trông vào ngày mà họ: sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc
vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh
quang (Rm 8:21). Kinh Tiền tụng I trong Thánh lễ cầu cho những người đã qua đời
nhắc nhở cho người tín hữu: Sự sống thay đổi chứ không mất đi và khi nơi nương
náu ở trần gian bị huỷ diệt tiêu tan, thì được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên
trời. Chết là một biến đổi vì Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết bằng việc phục
sinh của Người. Bằng việc sống lại Chúa đã xoá bỏ tội lỗi và toàn thắng sự
chết.
Trước
khi về trời, chính Chúa Giêsu cũng hứa với ta qua các tông đồ: Thầy đi dọn chỗ
cho chúng con. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho chúng con thì Thầy sẽ trở lại và đón
chúng con về với Thầy, để Thầy ở đâu, chúng con cũng được ở đó (Ga 14:2-3). Lời
hứa đó đã được thực hiện cho người gian phi cùng chịu đóng đanh với Chúa Kitô
mà có lòng ăn năn sám hối: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi
trên Thiên Đàng (Lc 23:43).
Hôm
nay vì lòng hiếu thảo và tình bác ái Kitô, ta đến nhà thờ dâng thánh lễ cầu
nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, những linh hồn tổ tiên, ông bà cha mẹ,
anh chị em, họ hàng thân quyến và bạn hữu đã khuất bóng. Xin Chúa vì lòng nhân hậu,
khoan dung và hay tha thứ xét nhử nhân hậu với các linh hồn, đưa các linh hồn
về hưởng ơn nghĩa trong nước Chúa.
Lời
cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời:
Lạy Chúa cả nhân lành hay thương xót.
Chúa không muốn cho loài người phải chết đời đời,
nhưng được sống.
Xin Chúa dủ lòng thương xót các linh hồn đã qua đời.
Xin dùng máu thánh Con Chúa đã đổ ra vì tội lỗi loài người
mà tẩy sạch vết nhơ tội lỗi cho các linh hồn
cho được hưởng phúc trường sinh. Amen.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ - Lm Trần Bình Trọng)
Báo hiếu mẹ cha
Có một mẩu chuyện có thật được ghi lại trên một trang blog như
sau:
Bạn tôi mở ngăn tủ của chồng mình và lấy ra một gói nhỏ. Gói kỹ
càng trong lớp giấy lụa. Chị bảo: Đây không phải là gói đồ bình thường, đây là
một chiếc áo thật đẹp. Chị vứt lớp giấy bọc, và lấy ra chiếc áo mịn màng và
bảo: Tôi mua chiếc áo này tặng anh ấy, lần đầu tiên chúng tôi sang New York,
cách đây 8 - 9 năm rồi, nhưng anh ấy chưa bao giờ mặc! Anh ấy muốn dành cho một
dịp nào đặc biệt. Vậy thì hôm nay, tôi nghĩ là dịp đặc biệt nhất rồi. Chị đến
cạnh giường và đặt gói áo ấy cạnh những món đồ mà tí nữa sẽ được bỏ vào áo quan
mà liệm. Chồng chị vừa mới qua đời...
Quay sang tôi, chị bảo: Đừng bao giờ giữ lại một cái gì mà chờ
cơ hội đặc biệt cả. Mỗi ngày sống đã là một cơ hội đặc biệt rồi! Có thể sẽ
không có dịp nào đặc biệt như ngày hôm nay. Thế nên, điều gì đáng bỏ công, đáng
làm, hãy làm từ ngày hôm nay. Điều gì chúng ta muốn làm cho anh em mình, hãy
làm ngày hôm nay, đừng để ngày mai khi mà chúng ta không còn cơ hội để tỏ lòng
quan tâm, yêu thương chăm sóc anh em mình. Đừng để những giọt nước mắt của nuối
tiếc chảy dài trước chiếc quan tài mà người ta yêu đã nằm bất động chẳng còn có
thể hạnh phúc khi được chúng ta quan tâm, chăm sóc, yêu thương.
Vâng,
có lẽ lúc này, chúng ta cũng nuối tiếc một điều gì đó khi đứng trước nấm mồ của
người thân yêu chúng ta. Có những điều, những việc, những lời nói đáng lý chúng
ta phải dành cho họ, nhưng chúng ta lại chần chừ, lại trì hoãn. Nhưng giờ đây,
chúng ta không còn cơ hội để làm điều gì đó cho họ. Họ cũng không còn cần những
điều ấy nơi chúng ta. Họ đã ra đi và bỏ lại tất cả những vui buồn của kiếp
người. Họ không còn cảm thấy hạnh phúc khi chúng ta đối xử ân cần, chân thành
với họ. Họ cũng không còn những giọt nước mắt tủi hận vì sự thờ ơ, thiếu trách
nhiệm của chúng ta. Đối với họ giờ đây, những tình cảm, những vật chất mau qua
đã không còn giá trị, đã không đủ mang lại niềm vui hay buồn đau cho họ. Vậy
giờ đây, họ cần điều gì nơi chúng ta?
Trong
đức tin Kitô giáo, chúng ta biết rằng chết không phải là hết. Nó chỉ là khởi
đầu của một hành trình đi vào cõi thiên thu. Sau cái chết tôi sẽ đi gặp gỡ Đấng
Tạo Hoá, và tính sổ cuộc đời mình. Cùng đích của cuộc đời là được sống mãi với
Thiên Chúa. Nếu tôi đã sống trong ân nghĩa của Ngài, thì chuyến đi cũng giống
như trở về nhà của mình. Sinh ký tử quy, tôi trở về nhà để sống với Thiên Chúa,
Đấng dựng nên tôi. Danh từ bình dân gọi đây là Nước Thiên Đàng, nơi không còn
nước mắt, chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn.
Dầu
vậy, trong chuyến đi này, chúng ta cũng cần được thanh luyện, như vàng được thử
trong lửa. Vì trong cuộc sống, ít nhiều có lần, tôi cũng đã không sống trong ân
sủng của Ngài, tôi đã để những quyến luyến của tạo vật làm chủ trái tim tôi,
đóng những lớp bụi trần trên con người thật của tôi. Tôi sinh đến trong đời với
hai bàn tay trắng, và khi ra đi, tôi cũng chẳng mang gì theo được ngoại trừ
công phúc và tội lỗi. Giai đoạn thanh tẩy này gọi là Luyện Tội, nơi chúng ta
được tái tạo lại theo hình ảnh của Thiên Chúa. "Lửa" luyện tội sẽ đốt
cháy tất cả những lớp bụi bặm, sơn phết mà tôi đã tô vẽ cho mình trong cuộc
sống.
Như
vậy, người đã chết cần nơi chúng ta lời cầu nguyện, cần thánh lễ chúng ta dâng
để thanh tẩy họ, cần việc lành phúc đức chúng ta làm thay cho họ, để nhờ công
phúc của chúng ta kết hợp với hiến tế của Con Chiên Thiên Chúa, giúp họ thoát
khỏi những đau khổ của luyện tội. Đây cũng có thể là những nghĩa cử cao đẹp mà
chúng ta có thể dành cho những người thân yêu ở cõi vĩnh hằng. Đây cũng là cách
chúng ta tỏ lòng thảo hiếu với công ơn sinh thành của ông bà, cha mẹ. Vì đạo
hiếu Việt Nam luôn đề cao công đức sinh thành. Đạo hiếu dạy phải 'thờ cha kính
mẹ mới là đạo con". Đó còn là công bằng phải trả cho ông bà cha mẹ, vì
"ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Đó còn là cách chúng ta để đức về sau:
"Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó". Vì vậy, người khôn ngoan không
ai lại không thảo kính cha mẹ. Người khôn ngoan luôn làm mọi cách để báo hiếu
cha mẹ khi còn sống và cả khi các ngài đã qua đời. Khi sống quan tâm, chăm sóc.
Khi chết dâng lễ, cầu nguyện.
Chính
vì lẽ đó, tháng 11 là dịp để chúng ta nhớ đến công ơn sinh thành, để đền đáp ơn
nghĩa chín chữ cù lao mà các ngài đã dành cho chúng ta bằng những thánh lễ
chúng ta dâng, bằng những hy sinh, những việc lành phúc đức chúng ta làm cho
các ngài. Người Phật giáo có mùa Vu Lan là mùa báo hiếu. Người Công giáo cũng
có thể nói tháng 11 là mùa báo hiếu để chúng ta làm tất cả những gì có thể để
đền đáp ân nghĩa mẹ cha, mà nay đã qua đời. Với ý nghĩa đó, giờ đây chúng ta
cùng nhìn lại một chút công ơn mà ông bà cha mẹ đã dành cho chúng ta qua những
lời ca dao, những vần thơ trong kho tàng văn học Việt Nam.
Trước
tiên là ân nghĩa sinh thành:
"Công
cha đức mẹ cao dày
Cưu
mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi
con khó nhọc đến giờ
Trưởng
thành con phải biết thờ song thân".
Những
bậc làm cha mẹ thường đánh mất chính mình để lo cho con có cơm có áo, có những
ngày đến trường để bằng bạn bằng bè. Cha mẹ chẳng tiếc gì những giọt mồ hôi rơi
rớt trên nương đồng, lai láng trên công trường:
"Nuôi
con buôn tảo bán tần
Chỉ
mong con lớn nên thân với đời
Những
khi trái nắng trở trời
Con
đau làm mẹ đứng ngồi không yên
Trọn
đời vất vả triền miên,
Chạy
lo bát gạo đồng tiền nuôi con".
Thế
nên, phận làm con phải hiếu để bù đắp lại phần nào những đắng cay vất vả mà các
ngài đã sẵn lòng vì ta bằng cách:
"Mẹ
già ở túp lều tranh,
Sớm
thăm tối viếng mới đành dạ con".
Và
dù không được ở gần cha mẹ, thì người con thảo hiếu luôn dành cho cha mẹ những
tình cảm chân thành từ những cây nhà lá vườn, những hoa trái đầu mùa dâng tặng
mẹ cha:
"Ai
về tôi gởi buồng cau,
Buồng
trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai
về tôi gởi đôi giầy,
Phòng
khi mưa gió để thầy mẹ đi".
Vâng,
đứng trước biết bao ân sâu nghĩa nặng của cha mẹ, phận làm con phải thảo hiếu.
Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: những gì chúng ta có là do công cha nghĩa mẹ.
Mỗi người chúng ta đều có nguồn cội. Mỗi người chúng ta đều phải khắc ghi trong
lòng ân sâu nghĩa nặng mẹ cha. Với tâm tình đó, chúng ta cùng hát với nhau bài
"Ơn nghĩa sinh thành" để ghi khắc mãi trong tim về tình yêu trời bể
của cha mẹ đã dành cho chúng ta.
"Uống
nước nhớ nguồn
Làm
con phải hiếu
Anh
ơi hãy nhớ năm xưa
Những
ngày còn thơ
Công
ai nuôi dưỡng.
Công
đức sinh thành
Người
hỡi đừng quên
Công
cha như núi thái sơn
Nghĩa
mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Người
ơi, làm người ở trên đời
Nhớ
công người sinh dưỡng
Đó
mới là hiền nhân
Vì
ai ta nên người tài ba
Hãy
nhớ công sinh thành
Vì
ai mà có ta. Uống nước...
(Lm.
Tạ duy Tuyền)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11
2 THÁNG MƯỜI MỘT
Từ Bụi Đất Trở Về
Bụi Đất
“Chúa
làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài” (Tv 24,1). Mọi sự đều thuộc về vị
Chúa Tể của vũ hoàn. Ngài đã tạo dựng nên tất cả. Trong vũ trụ này, trái đất là
trung tâm. Và trên trái đất này, con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình
ảnh Ngài, con người được dựng nên có nam có nữ.
Đấng
Tạo Hóa đã nói với con người: “Hãy sinh sôi nảy nở đầy mặt đất và hãy cai quản
nó” (St 1, 28). Xuyên qua dòng lịch sử, con người đã sinh sôi nảy nở đầy mặt
đất và thống trị mặt đất. Tuy nhiên, đồng thời con người cũng bị mặt đất này
chế ngự. Con người bị mặt đất chế ngự nơi cái chết. Tất cả các nghĩa trang trên
thế giới này làm chứng điều đó. Con người trở về bụi đất – nơi mà từ đó con
người được dựng nên (St 3, 19). Hôm nay, Giáo Hội suy tư về mầu nhiệm sự chết –
là định mệnh chung của mọi con người trên cõi đời này. Tuy nhiên, trái đất này
thuộc về Chúa! “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài” (Tv 24, 1).
Được
dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, có thể nào con người thuộc về trái đất mãi
mãi được không? Có thể nào con người chỉ thuộc về trái đất này mà thôi? Có thể
nào trái đất này là định mệnh độc nhất của con người? Có thể nào khi con người
trở về bụi đất thì mọi sự cũng … chấm hết và không còn gì nữa?
Tất
cả các nghĩa trang trên thế giới này đều mang trong lòng chúng những dấu hỏi
sừng sững và bất tuyệt ấy. Nếu trái đất là của Chúa thì lẽ nào con người lại
không là của Chúa – con người mà Thiên Chúa đã tạo dựng theo hình ảnh Ngài và
giống như Ngài?
Sự
thật này được trao ban cho Giáo Hội trong Chúa Kitô và qua các Tông đồ là những
vị đã được sai đi để làm Phép Rửa và giảng dạy nhân danh Ngài: “Như Cha đã sai
con vào thế gian, thì con cũng sai họ vào thế gian” (Ga 17,18). Sự hiệp nhất
của chúng ta không chỉ nhằm cho chúng ta, nhưng đúng hơn cho toàn thế giới, để
thế giới có thể tin rằng Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến để cứu độ nhân loại.
(Ga 17, 21.23)
Hiệp
nhất là nguồn mạch hoan lạc và bình an. Trái lại, chia rẽ và bất hoà, nhất là
thù hận, thì hoàn toàn đối nghịch với hiệp nhất. Đó là những sự dữ – và đầu mối
của chúng là Satan.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 02-11
Cầu Cho Các Đẳng Linh Hồn;
G 19, 1.23-27; Rm 5, 5-11; Ga 6, 37-40.
LỜI
SUY NIỆM:
“Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin người Con,
thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga
6,40).
Đây là đức tin và niềm hy vọng của tất cả Ki-tô hữu chúng ta. Khi mỗi một người
trong chúng ta, đã được nhờ vào cách này hay cách khác mà nhận ra Chúa Giêsu là
Con Thiên Chúa và được Thiên Chúa sai đến trên trần gian này để cứu độ toàn thể
nhân loại. Để rồi theo thời gian càng ngày càng lớn khôn chúng ta được học biết
thêm về Ngài để sống đúng với những giáo huấn của Ngài. Hôm nay toàn thể Giáo
Hội của Chúa Ki-tô cùng nhớ đến các đẳng linh hồn để cầu nguyện. Trong cuộc
sống của mỗi người, khi sống trên trần gian này, không thể không có thiếu sót,
không thể là không phạm tội. Nhưng nơi thiên đàng là nơi thánh thiện và hoàn
toàn trong sáng; những người anh em của chúng ta đã ra đi trước chúng ta, đang
có những người chưa được hoàn toàn trong sáng. Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng
ta phải nhớ đến những người anh em đó cũng như những người thân tuộc của chúng
ta dâng lời cầu nguyện bằng những hy sinh hãm mình, Xin Thiên Chúa sớm đưa các
linh hồn ấy được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
02
Tháng Mười Một
Bên
Kia Sự Chết
Trên giường hấp hối,
thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: "Mẹ chỉ xin con
một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh".
Có lẽ nhiều người
trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi
miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời... Nhưng xa
mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống
thiết ấy.
Cần được thương, cần
được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn là một hoang
đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Ðức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn
chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất
lực của mình.
Ðể giúp chúng ta có
dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên kia và để thể hiện
mối tình thông hiệp "các thánh thông công", Giáo Hội ngay từ buổi đầu
kỷ nguyên Kitô đã cổ động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố.
Những thế kỷ gần đây đã dành tháng 11 hằng năm cho việc đạo đức ấy. Hai ngày lễ
mừng kính các thánh và cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một
và mùng hai đầu tháng với những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự
hiệp thông trong Giáo Hội. Công đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm
Giáo Hội đã viết như sau: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời
cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi
là một việc lành thánh...".
Nói về sự bầu cử của
các đẳng linh hồn, Công Ðồng viết như sau: "Khi được về quê Trời và hiện
diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không
ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha...". Sự trao đi nhận lại đó vừa là
một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo
Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện.
Quỳ cầu nguyện một mình trong nhà thờ, hay
ngậm ngùi đốt lên một ngọn bạch lạp tại một nghĩa trang nào, có lẽ ai trong
chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến những người chết và chính
cái chết. Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự sống và sự chết. Và
một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những người chết đang hiện diện với
chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm thiết... Cái chết không còn
là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữa. Tình yêu mạnh hơn sự chết.
Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống và cũng chính Tình Yêu
liên kết chúng tư với những người chết. Vâng, chỉ có Tình Yêu mới làm cho con
người được bất tử. Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người liên kết với những
người đã chết. Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất
diệt.
Mỗi lần chúng ta hy sinh cho một người nào đó,
mỗi lần chúng ta săn sóc một người đau yếu, an ủi một người đau khổ, bênh vực
một người cô thế, hay cùng với những người khác dấn thân để canh tân cuộc
sống... Chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử.
Yêu thương chính là tái sinh, là sự thông dự
vào sự sung mãn của cuộc sống. Ðó phải là niềm tin của chúng ta trong ngày hôm
nay khi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố. Xin Chúa nâng đỡ Ðức
Tin yếu kém của chúng ta, xin Ngài ban thêm niềm hy vọng cho chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 02
Cầu cho các tín hữu qua đời
Thứ sáu đầu tháng
Giáo hội
luôn nhấn mạnh giá trị lời cầu cho những người quá cố nhưng cùng với tất cả những ai đang
ở trên thiên đàng. Như vậy lời cầu có hai ý nghĩa.
Một mặt, chúng ta cầu nguyện cho họ, để lời cầu của chúng
ta là nâng đỡ những người còn đang "trên đường". Trong mỗi thánh lễ, chúng ta cầu cho
"anh chị em tín hữu đã qua đời trong bình an của Đức Kitô, và tất cả thân
bằng quyến thuộc đã lìa cõi thế, xin cho hết thảy được vui hưởng ánh sáng Tôn
Nhan". Đây cũng là ý nghĩa việc xin lễ cầu cho những người quá cố: không
những chúng ta còn ở dưới thế, được hưởng ân sủng của Đức Kitô trong thánh lễ,
nhưng cả những người đã đi trước chúng ta, mà chúng ta vẫn hiệp thông với họ.
Mặt khác,
chúng ta cũng xin sự giúp đỡ của tất cả những người đã ra đi trước chúng ta.
Nhờ sự cầu bầu và lời chuyển cầu của họ,
chúng ta biết dũng cảm đương đẩu với những khó khăn và biết thực hiện ý Chúa,
yêu mến Chúa hơn. Chúng ta nhớ lời Thánh Têrêsa: "Tôi muốn sống trên trời để làm điều lành dưới thế.
Cuối cùng, chúng ta cầu nguyện với tất cả những ai đang ở
trên thiên đàng. Đây không phải là "liên lạc với người chết", mà là
hiệp thông với "những người sống", trong cùng một sự sống: là chính sự Sống của Thiên Chúa.
Jacques Cramet
Ngày 02 tháng 11
LỄ CÁC LINH HỒN LUYỆN
NGỤC
|
Từ sau giờ chầu phép lành ngày lễ chư thánh, tại nhiều nhà
thờ ở nhiều nơi, thỉnh thoảng chúng ta lại nghe thấy một tiếng chuông vang
lên để rồi tan dần vào trong bầu không khí âm u đen tối và yên lặng. Chúng ta
có cảm tưởng như tiếng ai nhắc nhở, kêu nài, than van, ai oán trong đêm
trường vắng im. Phải, những tiếng chuông đó là những tiếng chuông sầu báo
hiệu ngày “Đại lễ của các linh hồn đau khổ”. Và tháng các linh hồn đã bắt
đầu. Những tiếng chuông đó nhắc nhở cho chúng ta hãy nhớ đến các linh hồn
trong luyện ngục.
Lễ các linh hồn nơi luyện ngục khởi đầu do thánh Odilon
dòng thánh Bênêđictô tại Cherry vào thế kỷ thứ XI, và lan ra rất mau trong
toàn thế giới. Sau được Hội thánh ấn định vào ngày 02 tháng 11 ngay ngày sau
lễ các thánh nam nữ.
Luyện ngục! Ôi chốn khủng khiếp chừng nào! Chốn mà các
linh hồn phải chịu thanh tẩy các vết nhơ tội khiên bằng lửa. Thánh Phaolô
trong thư gửi cho giáo hữu thành Côrinthô đã dạy: “Họ sẽ được cứu rỗi, sau
khi sẽ qua biển lửa” (1 Cr 3,25).
Giáo lý khẩu truyền của Giáo hội cũng đã minh xác và tin
nhận rằng có luyện tội mới cắt nghĩa được đức công bình, và đồng thời mới
biểu dương được lòng lân tuất vô biên của Thiên Chúa, Đấng thẩm phán chí
công.
Thường thường hầu hết các linh hồn kẻ lành sau khi lìa
khỏi xác và khi đã chịu phán xét riêng, sẽ phải giam phạt một thời gian trong
luyện ngục, lâu mau tùy theo tội lỗi riêng từng người. Luyện ngục không có
tính cách vô cùng như trong hỏa ngục, nhưng tại đó các linh hồn cũng sẽ bị
ngợp trong lửa hỏa hào như trong hỏa ngục. Vì tất cả và tất cả chỉ là một
biển lửa rùng rợn khủng khiếp với những lời kêu van rú lên: “Hỡi các bạn hữu
tôi, hãy thương đến tôi, ít ra là các bạn hãy thương xót tôi, vì tay Chúa
đánh phạt tôi đau đớn lắm rồi (Gb 19, 21).
Nếu tai chúng ta có nghe thấy những lời kêu van thảm thiết
của các linh hồn, chúng ta mới hiểu được phần nào tình cảnh đau khổ của họ
lúc bị thiêu đốt. Sự đau đớn ấy vượt quá sức trí khôn loài người suy tưởng.
Có nhiều linh hồn nơi luyện ngục hiện về minh chứng điều đó. Chân phúc Maria
Villani muốn hiểu thế nào là luyện ngục nên đã cầu xin Thiên Chúa cho một
linh hồn hiện về với mình. Thiên Chúa đã nhận lời. Người ban phép cho một
linh hồn hiện về với chị, và linh hồn ấy đã đặt tay trên trán chị làm thành
một vết thương đau nhức suốt hai tháng trời dòng dã. Chị nữ tu Têrêxa Gesta
de Foligno bên Ý đã hiện về áp tay phải của chị vào thành cửa phòng may đồ mà
khi còn sống chị đã làm việc, khiến cửa bị một dấu tay cháy nám đen in vào
gỗ. Còn bao nhiêu truyện khác chứng thực các linh hồn phải chịu cực khổ trong
luyện ngục, và các chứng cứ ấy hiện còn chứa trong hai tủ kính ở “nhà thờ các
linh hồn luyện ngục” bên Rôma.
Luyện ngục là nơi ghê sợ, hầu hết chúng ta còn có một ý
niệm phổ thông về điều ấy. Nhưng nhiệm vụ chúng ta không phải chỉ là tìm hiểu
suông, nhưng tìm hiểu để mà cứu vớt.
Thực vậy, Giáo hội là người mẹ nhân từ đã làm gương cho
chúng ta trước, và Giáo hội còn giúp ta biết bao nhiêu công việc và phương
thế, để ta thi hành đức bác ái đối với các linh hồn một cách hữu hiệu hơn. Cụ
thể là ngày hôm nay, Giáo hội đã ban phép cho các linh mục được làm ba lễ, và
cho chúng ta mỗi người giáo hữu cứ mỗi lần viếng nhà thờ thì được hưởng một
ân đại xá để cầu cho các linh hồn. Hơn thế nữa, Giáo hội còn dành cả tháng
mười một này để thúc giục, mời gọi, nài xin chúng ta cứu giúp các linh hồn
nơi luyện ngục cách riêng. “Chúng ta giờ đây làm việc còn có công, khóc còn
được người thương, kêu còn được người nghe, sám hối còn đền được tội và rửa
được linh hồn” (Gương Chúa Giêsu I, 24,1).
Trái lại, với các linh hồn nơi luyện ngục, thời giờ lập
công đã hết, các linh hồn ấy chỉ còn biết nài xin, nài xin chúng ta tưới nước
ân sủng xuống dập tắt lửa luyện hình.
Cầu nguyện xin ân xá cho các linh hồn nơi luyện ngục là
chúng ta thực hiện tinh thần thương xót, trả nợ công bình, tự cứu rỗi, và sau
hết làm vinh danh Thiên Chúa.
Trước hết, cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục, tức là
chúng ta thực hiện tinh thần vị tha, và đó cũng chỉ là một công lý. Ai trong
chúng ta có tinh thần bác ái, có lòng thương yêu người dễ động lòng trắc ẩn
trước những nỗi thống khổ của kẻ khác, lại có thể làm ngơ trước những nỗi cực
hình của các linh hồn trong luyện ngục, trong khi chúng ta có thừa phương thế
cứu giúp? Cầu nguyện cho các linh hồn tức là chúng ta sẽ không nhẫn tâm bịt
tai trước những tiếng than van ai oán! “Hãy thương đến tôi, vì bàn tay Chúa
đang đè nặng trên tôi”.
Thứ đến, đôi khi chính đức công bình đòi buộc chúng ta
phải cầu cho các linh hồn. Biết đâu, các linh hồn đang phải chịu cực hình
kia, chẳng là linh hồn ông bà, cha mẹ, anh em, bạn hữu, hay linh hồn những
người đã làm ơn cho ta khi họ còn sống. Chịu ơn tức phải đền ơn, đó là điều
tất nhiên. Đức công bình cũng còn đòi buộc chúng ta phải cầu cho các linh
hồn, là vì có khi bởi yêu chúng ta, muốn cho chúng ta được hạnh phúc, sung sướng,
hoặc bởi gương xấu của chúng ta mà các linh hồn ấy liều mình phạm tội gây nên
cái án phạt cho mình. Ấy là chưa kể đến những lời chúng ta đã giao hữu với
họ, cũng không thể cho phép chúng ta quên họ được.
Rồi đến, chúng ta còn phải cầu nguyện cho họ, vì lẽ mạnh
khác là chính vì sự rỗi linh hồn của chúng ta. Ý tưởng về lửa luyện ngục giúp
chúng ta xa lánh tội nặng, chê ghét tội nhẹ, thúc đẩy chúng ta cải thiện và
thánh hóa đời sống. Thánh Gioan Kim Khẩu đã quả quyết rằng: “Chưa từng bao
giờ tôi có thể tin được một người không hề làm một việc gì để giúp đỡ các
linh hồn, mà mình lại được rỗi linh hồn”. Một thầy trợ sĩ dòng Đaminh khi
bình sinh đã cầu nguyện, hy sinh rất nhiều cho các linh hồn nơi luyện ngục,
nên khi thầy gần chết, được xem thấy tất cả các linh hồn ngài đã cứu được xưa
đến giúp đỡ thầy trong giờ sau hết. Trải qua bao thế kỷ và tại nhiều nơi,
Thiên Chúa đã tỏ ra vô vàn sự lạ làm chứng sự thông công giữa “Giáo hội chiến
đấu và Giáo hội đau khổ’. Chúa Giêsu đã từng giảng trên núi Bát phúc xưa: “Ai
thương xót người ấy là phước thật, vì chưng sẽ được thương xót”. Nếu chúng ta
cầu nguyện cho các linh hồn ấy chóng được giải thoát, chắc rằng không đời nào
các linh hồn ấy lại quên ta. Các linh hồn ấy sẽ bầu cử cho chúng ta trước toà
Chúa ngay trong lúc còn trong luyện ngục. Chúng ta nên nhớ rằng: các linh hồn
ấy không làm gì được cho mình, nhưng cầu cho chúng ta thì rất đắc lực, nhất
là khi đã lên nơi vinh phúc.
Lạy Chúa, lời Chúa phán xưa còn văng vẳng bên tai con:
“Một chén nước khi cho kẻ khó hèn sẽ không mất phần thưởng” (Mt 10, 42), va:ø
“Ai đong cho anh em đấu nào, thì Cha Ta trên trời cũng sẽ đong lại cho đấu
ấy”. Xin Chúa ban cho chúng con được lòng mộ mến thương giúp các linh hồn nơi
luyện ngục.
Sau hết, linh hồn có lòng mến Chúa, làm vinh danh Thiên
Chúa, tất không thể nào quên được việc cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục.
Các linh hồn đó là những phần mình đau khổ trong nhiệm thể Chúa Kitô. Cầu
nguyện cho các linh hồn tức là chúng ta làm tăng nhân số trên thiên đàng, làm
cho Chúa được nhiều linh hồn chúc tụng, yêu mến và tôn thờ. Và Chúa hẳn lấy
làm sung sướng được mở cửa thiên đàng cho các linh hồn ấy vào.
Tháng các linh hồn quả thực có một ý nghĩa cao đẹp biết
bao! Là thời cơ làm thoả mãn các linh hồn mến Chúa và yêu người, là thời cơ
giúp ta suy ngắm và sẽ giúp ta cải thiện đời sống. Các linh hồn ấy bị lửa
thiêu đốt cũng là bởi khi còn sống chưa cải thiện, đời sống chưa thánh thiện
đủ.
“Hãy thương xót chúng tôi, xin hãy nhớ”. Chớ gì những
tiếng kêu thất thanh đầy giọng não nùng bi thiết của những linh hồn đang chìm
ngập trong biển lửa vô hình ấy có thể thấm nhập vào tâm hồn của chúng ta,
kích động chúng ta sốt sắng nhiệt thành cầu nguyện, để Chúa ra tay giải thoát
và đem các linh hồn ấy về nơi mát mẻ vinh phúc muôn đời.
|
www.tinmung.net
Thứ Sáu 2-11
Lễ Cầu Cho Các Linh Hồn
gay từ thời tiên khởi, Giáo
Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác
ái. Thánh Augustine viết, "Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người
chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ." Tuy
nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô
Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các dòng
ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi
thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.
Vào giữa thế kỷ 11, Thánh
Odilo, Tu Viện Trưởng dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện dòng Cluny phải
cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng
Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng
được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.
Ý nghĩa thần học làm nền
tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít
có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với vết tích tội
lỗi, do đó cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với
Thiên Chúa. Công Ðồng Triđentinô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời
cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người
chết.
Sự dị đoan vẫn còn dính dấp
đến ngày lễ này. Thời trung cổ người ta tin rằng các linh hồn trong luyện tội
có thể xuất hiện vào ngày lễ này dưới hình thức các phù thủy, con cóc hay ma
trơi. Và họ đem thức ăn ra ngoài mộ để yên ủi người chết.
Tuy nhiên việc cử hành lễ
với tính cách tôn giáo vẫn trổi vượt. Người ta tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở
nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng
với nến và hoa.
Lời Bàn
Có nên cầu nguyện cho người
chết hay không là một tranh luận lớn khiến chia cắt Kitô Giáo. Vì sự lạm dụng
ơn xá trong Giáo Hội thời ấy nên Luther đã tẩy chay quan niệm luyêän tội. Tuy
nhiên, đối với chúng ta, cầu cho người thân yêu là một phương cách nối liền
với người chết. Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân
yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên
Chúa.
Lời Trích
"Chúng ta không thể
coi luyện tội là một nhà tù đầy lửa cận kề với hỏa ngục--hoặc ngay cả 'một
thời gian ngắn của hỏa ngục.' Thật phạm thượng khi nghĩ rằng đó là một nơi
chốn mà Thiên Chúa bủn xỉn đang bòn rút từng chút thân xác... Thánh Catherine
ở Genoa, vị huyền nhiệm của thế kỷ 15, viết rằng 'lửa' luyện tội là tình yêu
Thiên Chúa 'nung nấu' trong linh hồn đến nỗi, sau cùng, toàn thể linh hồn ấy
bừng cháy lên. Ðó là sự đau khổ của lòng khao khát muốn được xứng đáng với
Ðấng được coi là đáng yêu quý vô cùng, họ đau khổ vì nỗi mơ ước được kết hợp
đã cầm chắc trong tay, nhưng lại chưa được hưởng thật trọn vẹn"
(Leonard Foley, O.F.M., Tin Chúa Giêsu).
|
|
|
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét