Thứ Tư sau Chúa Nhật 34 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) Kh 15, 1-4
"Hãy xướng ca bài ca
vãn Môsê và ca vãn Con Chiên".
Trích sách Khải Huyền của
Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan đã nhìn thấy
điềm lạ vĩ đại và huyền diệu khác trên trời, là bảy thiên thần cai bảy tai ương
sau hết, những tai ương này làm cho Thiên Chúa hết cơn thịnh nộ.
Và tôi đã thấy như biển thuỷ
tinh chan hoà ánh lửa và những kẻ đã thắng được mãnh thú và hình tượng cùng số
tên của nó, đều đứng trên biển thuỷ tinh gảy đàn cầm ngợi khen Thiên Chúa, và
xướng bài ca vãn Môsê tôi tớ Chúa, cùng bài ca vãn Con Chiên rằng:
"Lạy Chúa là Thiên Chúa
toàn năng, các công trình của Chúa thật vĩ đại và lạ lùng. Lạy Chúa là vua hằng
có đời đời, đường lối của Chúa thật công minh, chính trực. Lạy Chúa, ai lại
không kính sợ Chúa và không ngợi khen danh Chúa? Vì chỉ có mình Chúa là Ðấng
nhân lành: mọi dân tộc sẽ đến thờ lạy trước mặt Chúa, bởi vì sự xét xử của Chúa
đã tỏ bày minh bạch".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab.
7-8. 9
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, các công trình của Chúa
thật là vĩ đại và lạ lùng (Kh 15, 3b).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa
một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo
cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ
của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh, Người nhớ lại lòng
nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Biển khơi và muôn vật
trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế.
Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót. -
Ðáp.
4) Trước thiên nhan Chúa vì
Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh và cai
quản chư dân trong đường chính trực. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Mt 24, 41a và 44
Alleluia, alleluia! - Các con
hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 21, 12-19
"Các con sẽ bị mọi
người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng
hư mất".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các môn đệ rằng: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến
các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì
danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong
lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho
các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống
lại và bắt bẻ các con.
"Cha mẹ, anh em, bà con,
bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị
mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ
chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các
con".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu tiên báo: vì Ngài
mà các môn đệ sẽ bị bách hại, bị ghét bỏ, ngay trong gia đình, nơi những người
thân thuộc. Nhưng đó là một cơ hội cho sứ mệnh của họ. Ðức Giêsu hứa sẽ trợ
giúp các môn đệ khi các ông gặp gian nan khốn khó.
Là Kitô hữu, những người theo
Chúa Kitô, chúng ta cũng phải can đảm đón nhận những thử thách, những khó khăn
trong cuộc sống chấp nhận chịu thiệt thòi vì Ngài bằng những hành động chân
thật, không gian dối, không làm điều ác, xấu...
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con
chưa đến nỗi phải hy sinh mạng sống vì danh Chúa. Thế nhưng mỗi khi gặp khó
khăn, con đã thất vọng và kêu trách Chúa. Bởi thế chúng con không cảm nghiệm
được hạnh phúc và sự quan phòng Chúa dành cho chúng con. Xin cho chúng con ý
thức hơn vai trò của mình để cuộc sống chúng con trở thành những chứng tá đích
thực cho Tin Mừng của Chúa. Amen.
(Lời Chúa trong
giờ kinh gia đình)
Cơ Hội Làm Chứng
(Lc 21,12-19)
Suy Niệm:
Cơ Hội Làm Chứng
Bài Tin Mừng hôm nay là một
đoạn ngắn trong diễn từ về ngày tận thế. Có một câu chúng ta cần lưu ý, trong
đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Các con sẽ bị người ta bắt bớ, ngược
đãi, nộp cho Hội đường, và điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Thầy. Ðó là cơ
hội để các con làm chứng về Thầy". Thật lạ lùng: bị bắt bớ, ngược đãi,
tống ngục là chuyện đau khổ, nhục nhã, thất bại, thế mà Chúa Giêsu lại cho là
hân hoan, là cơ hội tốt để làm chứng.
Trong thực tế, các môn đệ đã
sống và thực hành điều đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công nghị
Do thái, các ngài chẳng những không buồn phiền, lo sợ, mà còn hân hoan, vui vẻ,
vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác. Phaolô bị bắt và bị xét
xử, ngài cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho các nhân vật cỡ lớn, như Tổng trấn
Felix, Festo, và cả Hoàng đế Herode Agrippa nữa.
Nhưng cái gì đã tạo ra sự
biến đổi nơi các môn đệ, cũng là bắt bớ, bách hại mà có người cho là thất bại,
người khác lại cho là cơ may? Thánh Augustinô giải thích: cuộc sống con người
là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến
coi rẻ Thiên Chúa. Nếu tội là yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi
sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng,
sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi là thất
bại. Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì
Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị
của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được, và đó còn là dịp để tôi rao
giảng về Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái
căn bản là tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời.
Trong thực tế, muốn biết
chúng ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn vào cuộc sống hàng ngày xem chúng ta có
dám vì Chúa mà can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham vọng không
hợp ý Chúa, những thú vui không đẹp lòng Chúa, cho dẫu có vì thế chúng ta phải
nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu trong cuộc sống, chúng ta dám hy sinh
tất cả vì Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể coi trường hợp bị bắt bớ vì Chúa là
cơ hội để làm chứng cho Chúa.
Xin cho chúng ta được luôn
mạnh mẽ trong niềm xác tín đó, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong tất cả cảnh
huống nào của cuộc đời.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 34 TN2
Bài đọc: Rev
15:1-4; Lk 21:12-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hãy kiên trì
chịu đựng để làm chứng cho Thiên Chúa.
Lịch sử nhân lọai đã
nhiều lần chứng minh chân lý: “Gian khổ tạo anh hùng.” Bên Tây Phương có
A-lịch-sơn Đại-đế, bên trời Nam chúng ta có Đại-vương Nguyễn Huệ. Các vị này đã
nằm gai nếm mật trước khi chiến thắng quân thù và lưu danh cho hậu thế. Nhà
chiến sĩ Nguyễn Thái Học thách thức mọi người phải biết chấp nhận gian khổ: “Ví
thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” Một khi đã nhận ra
chân lý, người anh hùng phải biết chấp nhận gian khổ để sống cho chân lý đó.
Việt Nam ta có tấm gương anh dũng của anh hùng Trần Bình Trọng, khi bị bắt và
dụ để làm quan cho địch, đã can đảm thốt lên câu: “Ta thà làm quỉ nước Nam còn
hơn làm vương đất Bắc.” Đối với các Kitô hữu, chúng ta có một anh hùng trên hết
các anh hùng: Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đã hy sinh chấp nhận nhập thể từ Trời,
trải qua biết bao gian khổ và chấp nhận cái chết, để chết thay cho con người.
Hậu quả là Ngài đã sống lại hiển vinh, đã chiến thắng thần chết, và thống trị
vinh quang Nước Chúa muôn đời. Các Kitô hữu là những người theo chân Chúa, cũng
phải chịu một số phận tương tự như Chúa đã báo trước: “Tôi tớ không trọng hơn
chủ; nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Jn 15:20). Hơn nữa, theo
Mối Phúc thứ 8, “Người có phúc là người bị bắt bớ vì Nước Trời” (Mt 5:11-12).
Các Bài đọc hôm nay đều
khuyên con người phải kiên trì chịu đựng đau khổ; vì chỉ có những ai kiên trì
bền vững tới cùng, những người đó sẽ được cứu thóat. Bài đọc I của Sách Khải
Huyền tiên báo các tai ương sẽ xảy ra trước và trong Ngày Phán Xét; nhưng như
Đức Kitô đã chiến thắng khải hòan, những người tin vào Ngài cũng sẽ chiến thắng
vẻ vang như vậy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu báo trước: các môn đệ của Ngài sẽ bị
bắt bớ, nhưng Ngài sẽ luôn ở cùng họ, để giúp họ chịu đựng gian khổ và chiến
thắng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Phải
chịu đựng gian khổ mới có thể chiến thắng.
1.1/ Chịu đựng gian khổ
để chiến thắng Con Thú và đồng bọn của nó:
(1) Thị kiến 7 chén tai
ương cuối cùng: “Rồi tôi thấy một điềm khác trên trời, một điềm lớn lao và kỳ
diệu: bảy thiên thần mang bảy tai ương, đó là những tai ương cuối cùng, vì với
những tai ương này, cơn lôi đình của Thiên Chúa đã hoàn tất.” Những tai ương
này biểu tỏ cơn lôi đình của Thiên Chúa với con người; cả người lành lẫn kẻ dữ
đều bị ảnh hưởng.
(2) Chịu đựng gian khổ
để thanh luyện con người như thử vàng trong lửa: “Tôi thấy có cái gì như biển trong vắt
pha ánh lửa, và những người thắng Con Thú, thắng tượng của nó, và con số tương
đương với tên nó; tôi thấy họ đứng trên biển trong vắt ấy.” Biển trong vắt là
khỏang cách vô tận giữa trời và đất như đã đề cập đến trong (Rev 4:6). Nhưng
trình thuật ở đây thêm chữ “pha ánh lửa.” Như lửa tượng trưng cho sự thanh tẩy
để làm con người trở nên tinh tuyền thánh thiện như lửa thử vàng; đức tin con
người cũng phải được thanh luyện trong đau khổ, để con người chứng minh cho
Thiên Chúa họ một đức tin không gì có thể lay chuyển được. Những người chiến
thắng Con Thú, tượng của nó, và con số tương đương với tên nó (con số 666), là
những người tử đạo (Rev 12:11), những người không đầu hàng trước những bắt bớ
của các kẻ Phản Kitô (Rev 13:7, 15). Sự mô tả ở đây cũng giống như sự mô tả
trong (Rev 7:9-17).
1.2/ Con Chiên và những
người đã chiến thắng mọi quyền lực thế gian:
(1) Bài ca chiến thắng: “Họ cầm những cây đàn
của Thiên Chúa và hát bài ca của ông Môsê, tôi tớ Thiên Chúa, và bài ca của Con
Chiên.” Bài ca của ông Môsê là bài ca chiến thắng sau khi đã vượt qua Biển Đỏ
và nhìn thấy quân đội mạnh mẽ của Vua Pharao bị nhận chìm trong đó (x/c Exo
15:1-18, Deut 32:1-43). Bài ca của Con Chiên và của những người thuộc về Con
Chiên, được ví như chiến thắng Xuất Hành, và còn hơn thế nữa, là tuyệt đỉnh và
là đích điểm của Kế Họach Cứu Độ. Những ai chiến thắng gian khổ theo Con Chiên
sẽ được vào Đất Hứa, là cuộc sống muôn đời.
(2) Mọi người sẽ tôn
vinh Đức Kitô và Thiên Chúa: Họ hát rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, sự
nghiệp Ngài thật lớn lao kỳ diệu! Lạy Đức Vua trị vì muôn nước, đường lối Ngài
quả chân thật công minh!" Bài ca tôn vinh Thiên Chúa về quyền năng tuyệt
đối và sự công bằng của Ngài trong lịch sử cứu độ. Bài ca cũng tôn vinh Đức
Kitô, Con Chiên của Thiên Chúa, Người đã đưa Kế Họach Cứu Độ đến thành công.
2/
Phúc Âm: Có
kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
2.1/ Chịu đựng gian khổ
để làm chứng cho Chúa: Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ về những gian khổ sắp xảy đến
cho họ: "Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay
bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến
trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng
cho Thầy.” Ngài nói rõ ràng: Gian khổ xảy ra là cơ hội ngàn vàng để các môn đệ
có cơ hội làm chứng cho Ngài. Nhường bước trước gian khổ là mất cơ hội làm
chứng cho Thiên Chúa.
2.2/ Đừng lo lắng phải
đối phó thế nào: Các môn đệ không chiến đấu một mình, nhưng Chúa Giêsu sẽ cùng họ
chiến đấu: “Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ
phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan,
khiến tất cả địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh
em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số
người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” Khi một
người biết có một quyền lực mạnh hơn quyền lực của địch thù giúp họ, họ sẽ
không còn sợ hãi và tự tin hơn trong việc chống cự lại. Thánh Phaolô có kinh
nghiệm này khi ngài nói: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là chính Đức
Kitô sống trong tôi.”
2.3/ Bảo đảm sẽ chiến
thắng:
Không có một quyền lực nào của thế gian có thể thắng nổi quyền lực của Thiên
Chúa. Quyền lực thế gian chỉ có hiệu quả tạm thời vì Thiên Chúa cho phép xảy
ra; nhưng một khi Thiên Chúa quyết định rút lại, không một quyền lực nào có thể
chống lại được. Chúa Giêsu bảo đảm điều này với các môn đệ, mặc dù các ông sẽ
phải chiến đấu, “nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có
kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Gian khổ phải có trong
cuộc đời để tinh luyện con người, để phân biệt người anh hùng với kẻ tiểu nhân;
và nhất là để chúng ta chứng tỏ đức tin và tình yêu vào Thiên Chúa.
- Khi phải đương đầu với
gian khổ, chúng ta không chiến đấu một mình. Chính Chúa Giêsu hứa Ngài sẽ cùng
chúng ta chiến đấu. Sự khôn ngoan và sức mạnh để chiến đấu đến từ Đức Kitô.
- Chúa Giêsu bảo đảm sự
chiến thắng sẽ về tay chúng ta vì một sợi tóc trên đầu chúng ta cũng đã được
Thiên Chúa đếm. Hiểu biết tòan bộ trận chiến như thế, chúng ta còn chờ đợi gì
mà không xông vào cuộc chiến để làm chứng cho Thiên Chúa?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Tư tuần 34 thường niên
|
Sứ điệp: Thử thách, gian nguy, khốn khó đều là những cơ
hội thuận tiện để sống đời nhân chứng đức tin. Chúa sẽ nâng đỡ, bảo vệ người
Kitô hữu. Nếu kiên trì, ta sẽ chiến thắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ngày nay lòng thủy chung đang bị người ta
xóa dần đi. Người ta ly dị nhau vì không muốn cùng chia sẻ với nhau một giai
đoạn khó khăn của cuộc sống. Người ta xa dần với Đạo vì cho rằng Đạo gò bó họ
suốt đời.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở con về lòng chung thủy
đối với Chúa, về sự tín trung trong đời sống đức tin. Đời sống nào cũng vậy, có
những lúc thật khó khăn hiểm nghèo, nhưng những hoàn cảnh ấy có thể làm nổi bật
một nét sáng ngời nào đó. Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Đời sống đức tin của
con cũng vậy. Những hoàn cảnh khó khăn chính là dịp để con làm chứng, để con tỏ
bày đức tin, tỏ bày con người thật của con.
Lạy Chúa, có thể lúc này đây niềm tin của
con chưa gặp những khó nguy. Nhưng con biết rằng lúc này con phải củng cố niềm
tin của mình, làm cho niềm tin của mình lớn lên, bền vững, để khi gặp khó khăn,
chính niềm tin và ơn Chúa sẽ nâng đỡ con, sẽ giúp con chống chọi với những
giông tố bên ngoài.
Xin cho con biết chuẩn bị ngay từ bây giờ để con
có thể trở nên chứng nhân của Chúa. Amen.
Ghi nhớ :"Các con sẽ bị mọi người
ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư
mất".
www.phatdiem.org
28/11/12 THỨ TƯ TUẦN 34 TN
Lc 21,12-19
Lc 21,12-19
CƠ HỘI LÀM CHỨNG
“Người ta sẽ tra tay
bắt và ngược đãi anh em... vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng
cho Thầy.” (Lc 21,12-13)
Suy niệm: Chúng ta thường nghĩ rằng, để làm chứng cho Chúa Kitô thì
cần có đủ thứ điều kiện, nào là khả năng, trình độ, nào là hoàn cảnh gia đình,
điều kiện kinh tế... theo kiểu ‘có
thực mới vực được đạo’. Thế nhưng để hội đủ những điều kiện như thế, thì e
rằng thế gian này chẳng có được mấy người! Và đợi cho đủ mọi điều kiện mới làm
chứng cho Chúa Kitô thì chẳng bao giờ chúng ta có thể trở thành chứng nhân.
Chúa nói khi bị bắt bớ, ngược đãi lại là cơ hội để làm chứng nhân cho Ngài.
Lịch sử Giáo Hội đã cho thấy chính những lúc Giáo Hội bị bách hại, bị cấm cách,
lại là thời kỳ Giáo hội vững vàng và mạnh mẽ sống và làm chứng cho đức tin.
Mời Bạn: Thời nay không còn chuyện bách hại với thảm cảnh đầu rơi
máu đổ, nhưng những kiểu “bách hại” mới cũng ác liệt không kém: những mối đe
doạ ngấm ngầm đến quyền lợi và sự an toàn của bản thân hay gia đình, sức hấp
dẫn của sự hưởng thụ dễ dãi những tiện nghi vật chất, hai thế lực đó lắm khi
làm đông cứng mọi nhiệt huyết thực thi những giá trị Tin Mừng trong đời sống.
Thế nhưng chính bối cảnh khó khăn đó lại là cơ hội làm chứng cho Chúa Kitô.
Sống Lời Chúa: Lúc thuận
tiện cũng như lúc không thuận tiện, hãy rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô (2Tm 4,2).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thường hay xin Chúa cho con có được những
điều kiện thuận lợi để con làm chứng cho Chúa. Nhưng giờ đây, xin Chúa cho con
ý thức rằng chính lúc không thuận tiện, con vẫn rao giảng và sống Tin mừng, ấy
mới là điều Chúa muốn con thực hiện. Amen.
www.5phutloichua.net
Một sợi tóc
Chính tình yêu trung tín đối với Thầy và giáo
huấn của Thầy đã khiến bao Kitô hữu tự nguyện đón nhận khổ đau và cái chết.
Suy niệm:
Lúc trời còn tối, ngày 16
tháng 11 năm 1989, tại nước El Salvador,
một nhóm người có vũ trang đã
xâm nhập vào Đại Học Trung Mỹ.
Chúng đã giết sáu linh mục
Dòng Tên và hai mẹ con người nấu ăn.
Giết xong chúng đã kéo xác ra
ngoài vườn và làm những trò man rợ.
Các linh mục này đều là những
nhà trí thức, có ảnh hưởng trong xã hội.
Họ muốn nói lên tiếng nói của
người nghèo, chịu cảnh bất công,
muốn chấm dứt cuộc nội chiến
kéo dài khiến hơn 70 ngàn người chết.
Họ đã phải trả giá bằng vụ
thảm sát bất ngờ,
đã chết như những chứng nhân,
những vị tử đạo thời mới.
Chuyện ấy đã xảy ra cách đây
hai mươi năm rồi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu nói về những cuộc bách hại
xảy ra trước khi Ngài trở lại
trong ngày tận thế.
Các môn đệ sẽ phải chịu những
gì Thầy mình đã chịu.
Họ sẽ bị bắt, bị ngược đãi, bị
tù đày, bị đem ra tòa đạo, tòa đời (c. 12).
Họ sẽ bị nộp bởi chính người
thân, bị mọi người thù ghét,
và thậm chí bị giết hại (cc.
16.17).
Tất cả những gì các môn đệ
phải chịu đều là vì danh Thầy (cc. 12. 17).
Chính tình yêu trung tín đối
với Thầy và giáo huấn của Thầy
đã khiến bao Kitô hữu tự
nguyện đón nhận khổ đau và cái chết.
Không phải chỉ chối Thầy cách
công khai mới mang tội bất trung.
Không phải chỉ bước qua thập
giá mới là phản bội.
Bất cứ khi nào chúng ta bước qua
những giá trị ngàn đời của Kitô giáo,
như sự thật, sự sống, công
bằng, bác ái, nhân phẩm, tự do, lương tâm,
khi ấy chúng ta chối bỏ Đức
Kitô Giêsu.
Bất cứ khi nào chúng ta dám xả
thân để sống cho những giá trị đó,
chúng ta đã làm chứng cho Ngài
rồi.
Gioan Tẩy Giả đã chết vì nói
sự thật mất lòng với Hêrôđê.
Maria Goretti đã chết vì muốn
sống trong sạch.
Maximilien Kônbê đã xin chết
thay cho người khác vì lòng bác ái.
Tất cả đều được Giáo Hội tôn
kính như những vị tử đạo,
dù họ không chết vì tuyên xưng
niềm tin vào Đức Giêsu.
Đối với Đức Giêsu, giây phút
đứng trước tòa là giây phút quan trọng.
Người môn đệ có cơ hội công
khai làm chứng cho Thầy (c. 13).
Đức Giêsu không để họ một mình
đối diện với sức mạnh của quyền uy.
Ngài hứa sẽ giúp họ trả lời
những cáo buộc của tòa án (c. 15; Cv 6, 10).
Thế nên họ chẳng có gì phải
xao xuyến, lo âu (c. 14).
Tòa án trở thành nơi làm chứng
tuyệt vời của người môn đệ.
Điều quan trọng khi bị bách
hại là phải kiên trì (c. 19).
Có nhiều kiểu hành hạ nhằm làm
cho người môn đệ bỏ cuộc.
Nhưng một sợi tóc anh em cũng
không bị mất (c. 18)
nghĩa là Chúa sẽ lo từng li
từng tí cho môn đệ của mình.
Mạng sống của các môn đệ ở đời
này có thể bị mất (c. 16),
nhưng nếu họ kiên trì và trung
tín, họ sẽ giữ được nó ở đời sau.
Chúng ta cầu cho nhau được ơn
kiên trì giữa thử thách của thời đại mới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú
vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của
các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên
trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm
thấy niềm vui
của người được diễm phúc
nên giống Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy,
nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất".
Đối mặt với thử thách
Vì
danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em
cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình (Lc. 21,
17-19)
Người
ta cứ tưởng rằng những người Kitô sẵn lòng tuyên xưng sứ điệp tình yêu và lòng
thương xót, thì họ phải luôn luôn được đón rước, được thông cảm và được ca
ngợi. Quá ảo tưởng! trái lại, họ là những tuyển sinh hoàn toàn được chỉ định
chịu bắt bớ khổ nhục, chỉ vì lý do đơn giản này: sứ điệp của Đức Kitô là cách
mạng, nó quấy rầy và phản đối những thói sống và những cách suy nghĩ của người
đời.
Người
ta chống đối Đức Kitô từ hai ngàn năm rồi. Người ta đã tấn công, hành xích các
tông đồ và các Kitô hữu thời đầu tiên. Người ta cũng thấy xảy ra cho các tín
hữu thời nay như vậy.
Là dịp để làm chứng
Đối
với một Kitô hữu, phải được dự phần vào bị chống đối, bị dẫn đến khổ đau và bị
đánh giá là tiêu cực. Sự chống đối cho họ có dịp làm chứng tốt hơn khi được đặc
quyền đặc lợi. Người Kitô trở nên tốt hơn cho nhiều người khi người ta tấn công
mình. Thử thách làm mình trưởng thành, sửa chữa mình, tăng nghị lực gấp bội cho
mình, quyết tâm xác tín hơn và để có thể đạt nhiều thành tích tốt đẹp hơn. Thật
ngược đời, chính giữa cơn thử thách và bị hành khổ, người Kitô có thể đạt tới
đỉnh phong phú. Tất cả xảy ra đối với mình như xảy ra đối với Đức Kitô. Chính
giờ phút này Thiên Chúa ở gần mình nhất và thực hiện một lần nữa mầu nhiệm đau
khổ và sự chết để trở thành nguồn sự sống.
Những Kitô hữu quá yên ổn thì sao?
Nếu
tất cả những điều trên là đúng, thì chúng ta phải tự hỏi mình: Có khi nào tôi
đã chịu bắt bớ vì đức tin chưa? Có khi nào tôi chịu thử thách và chịu đau khổ
vì lý do xác tín tôi là Kitô hữu không? Nếu chưa có bao giờ thì có lẽ niềm tin
của tôi quá yếu, vì tôi là Kitô hữu quá sống yên ổn, vì tôi là một môn đệ quá
yếu hèn của Đức Kitô. Khi một Kitô hữu thật sự không lo lắng tới ai, thì phải
dành nhiều giờ để xét mình, để tự tra hỏi mình về giá trị hiện sinh Kitô hữu
của mình? Đời sống Kitô hữu của mình có giá trị gì không?
RC.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11
28 THÁNG MƯỜI MỘT
Lạy Chúa Giêsu, Xin Hãy
Đến!
Nhận
thức được rằng Thiên Chúa là Đấng vĩnh hằng, Ngài toàn năng, Ngài là sự khởi
đầu và là cứu cánh của mọi tạo vật, Giáo Hội lại mời gọi chúng ta chuẩn bị đón
Chúa đến.
Đây
là Đấng hoàn toàn ở trên mọi tạo vật. Ngài là Thần Khí bất diệt. Tuy nhiên,
Ngài đồng thời ôm lấy tất cả những gì đã được dựng nên và tất cả những gì có
hơi thở. Trong Ngài, chúng ta sống, cử động và nhận lấy hữu thể của mình” (Cv
17, 28).
Như
vậy, Ngài không chỉ ở bên ngoài thế giới tạo vật. Ngài còn ở trong chính thế
giới của chúng ta. Tạo vật tràn ngập sự hiện diện của Ngài. Và sự hiện diện ấy
luôn luôn công bố cho ta biết rằng Ngài đang đến. Thiên Chúa, trong tư cách là
Đấng Sáng Tạo và là Chủ Tể mọi loài, đang đến với thế giới này, thế giới mà
Ngài đã gọi vào hiện hữu từ hư vô.
Ngài
cũng nâng đỡ mọi sự mà Ngài đã tạo thành. Ngài là chính sự quan phòng thần
linh. Nơi Ngài, thế giới có được vận mệnh đích thực của nó. Tất cả những gì đã
được hiện hữu nhờ quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa sẽ vẫn tiếp tục hiện
hữu qua Ngài.
Mọi
tạo vật đều “tường thuật vinh quang Thiên Chúa”, đều làm chứng cho sự hiện diện
của Ngài và cho sự đến của Ngài. Sự đến của Thiên Chúa được biểu lộ nơi chính
sự hiện hữu của thế giới, nơi nguồn gốc của nó và nơi sự phát triển của nó.
Chúng
ta phải luôn sống trong niềm mong đợi Chúa đến, như Đức Kitô nói trong Tin Mừng
Luca (21, 25-28.34-36).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Kh 15, 1-4; Lc 21, 12-19.
LỜI SUY NIỆM: “Vì danh
Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em
cũng không bị mất đâu. Có kiên trì anh em mới giữ được mạng sống mình.” (Lc
21,17-19).
Đây là một thực tế, mà Chúa Giêsu đã cho mọi con người khi chọn Ngài là Cứu
Chúa của mình. Qua bao thế hệ và ở bất cứ lãnh thổ nào trên trái đất này, khi
Danh Đức Giêsu đến đâu đều bị bách hại, bởi giáo huấn và những lời chúc phúc
của Ngài đều đi ngược với quan niệm sống của con người trong trần gian này,
Giáo huấn của Ngài đưa ra ánh sáng những hành động trong việc làm cũng như
những tư tưởng xấu của con người. Giáo huấn của Ngài là vật cản lớn nhất cho
những con người có lòng tham và đầy dục vọng. Đối với mỗi chúng ta khi đã chọn
Chúa, chúng ta phải biết chấp nhận bị người đời ghét bỏ, phải sống tốt hơn
những con người khác vì Chúa Ki-tô. Luôn trung thành với Ngài cho đến cùng, dù
chúng ta đang ở bất cứ hoàn cảnh nào thì chúng ta luôn phải tin, là chúng ta
đang được ở trong sự gìn giữ của Ngài, và cuối cùng chúng ta sẽ nhận được sự
sống đời đời cho mình.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
28 Tháng Mười Một
Bà Vợ Của Socrate
Nhà hiền triết Hy Lạp Socrate chẳng may có một
người vợ khó tính như chằng tinh. Nhưng ông đã chịu đựng tất cả những dở chứng
của bà một cách kỳ diệu. Một ngày nọ, ông đang làm đạo với các môn sinh ngay
trước cửa nhà, bà vợ bắt đầu dùng một lời lẽ thô tục để rủa sả ông. Nhưng ông
vẫn một mực điềm nhiên như không nghe biết gì. Bà vợ không cầm nổi cơn giận, đã
múc một gáo nước tạt vào người ông. Nhà hiền triết cũng không để lộ một phản
ứng. Mãi một lúc sau, ông mới bỗng đùa với đám môn sinh: "Sau cơn sấm sét
thì lại có mưa giông".
Thánh Basiliô khuyên dạy như sau: "Ðừng
ăn miếng trả miếng". Kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến phi lý là người
bất hạnh nhất, bởi vì người đó sẽ mang theo tất cả phần lỗi Hãy để cho kẻ thù
ta là thầy dạy ta. Ðừng bắt chước điều ta ghét bỏ. Ðừng trở nên gương soi cho
một kẻ đang giận dữ bằng cách phản chiếu chính khuôn mặt giận dữ của người đó.
(Lẽ Sống)
Ngày 28
Nhờ Ngôi Lời của Thiên Chúa, mọi sự đã được
tạo thành. Chính Người đã mặc lấy xác phàm và đến cư ngụ trên trái đất. Là con
người hoàn hảo, Chúa đã đảm nhận và tóm tắt lại lịch sử thế giới, trong Người.
Chính Người mặc khải cho chúng ta "Thiên Chúa là tình yêu" (l Ga 4,8);
và đồng thời dạy chúng
ta rằng luật cơ bản của sự hoàn thiện con người, nghĩa là của sự biến đổi thế
giới, là giới luật mới của tình yêu. Với những ai tin vào đức ái, Chúa đem đến
sự xác tín rằng con đường tình yêu được mở ra cho hết mọi người, và sự cố gắng kiến tạo
một tình huynh đệ hoàn vũ không phải là vô hiệu. Người cũng báo cho chúng ta
biết rằng tình yêu này không chỉ gây ảnh hưởng trong các hành động hiển hách,
nhưng trước hết trong cái thường ngày của cuộc sống. Khi chấp nhận chết cho tất cả chúng ta, là những
người tội lỗi, Chúa dạy chúng ta, qua gương của Người, rằng chúng ta cũng phải
vác cây thập giá mà xác thịt và thế gian đè nặng trên vai nhũng ai theo đuổi
công bằng và bình an. Là Đức Chúa, qua sự phục sinh của Người, Đức Kitô đã được
giao toàn quyền trên trời và dưới đất; từ nay, Người sẽ hành động trong tâm hồn con người, nhờ quyền năng của Thần
Khí.
Công đồng Vaticăng
II
Ngày 28 tháng 11
THÁNH GIACÔBÊ
DÒNG THÁNH
PHANXICÔ
Thánh Giacôbê là một trong những ngôi sao sáng nhất của
dòng Phanxicô, ngài là môn đệ thánh Bênađinô Siêna và là bạn thân của thánh
Gioan Capistranô. Say yêu Danh Thánh Chúa Giêsu, thánh nhân suốt đời hy sinh
cho công việc rao giảng Phúc âm. Ngài rảo khắp đất xứ Đalmatia, Bosnia,
Hungari, Bôhem, và Balan để hoạt động chống lại các bè rối, hòa giải các dân
tộc, gây nhiều phong trào đạo đức và làm chiến sĩ trung kiên đoàn quân thánh
giá. Vì thế, đời sống hơn 80 năm của ngài là những chuỗi ngày nhiều hy sinh hơn
là hoan lạc, như chúng ta sẽ đọc thấy dưới đây.
Thánh Giacôbê sinh tại Ascôli Picenô, nay thuộc địa phận
Ripatransone. Ngài là con một gia đình nghèo của nhưng rất giầu nhân đức, thân
phụ ngài là Ruffo và thân mẫu là Tona. Dầu vậy Giacôbê vẫn được theo học, rồi
sau làm giáo sư và lục sự toà án mấy năm. Nghe tiếng Chúa gọi, Giacôbê muốn
nhập dòng khổ tu tại Florencia. Nhưng vì lời bàn quá hấp dẫn của thánh
Phanxicô, Giacôbê đổi ý xin vào dòng anh em hèn mọn tại Assisi năm 1416. Sau
này khi nhớ tới thánh Bênađinô Siêna, bấy giờ làm tu viện trưởng ở Assisi,
thánh Giacôbê đã kêu lên: “Ôi lạy cha nhân từ, con còn nhớ khi ở nhà tập, chính
cha đã lo và may áo dòng đầu tiên cho con”. Năm 1421, mẹ ngài qua đời và năm
sau ngài dâng lễ đầu tiên cầu cho linh hồn thân mẫu. Chịu chức linh mục rồi,
cha Giacôbê được lệnh đi giảng đạo, phụ tá thánh Bênađinô và chân phúc Matthêu Girgenti.
Sau năm năm, cha chính thức được Đức Giáo Hoàng Máttinô cho phép giảng đạo
chống lại bè rối ở Ý và Đức quốc. Trong công việc này cha vấp phải nhiều khó
khăn và cản trở, nhưng sau cùng cha vẫn thu được nhiều kết quả. Năm 1429, cha
thiết lập tại Iesi một nhà lấy tên là “Dòng huynh đệ Chúa Giêsu nhân lành”.
Đến năm 1432, cha Giacôbê lại được phép Đức Thánh Cha cho
đi truyền giáo ở các nước Trung Âu. Con đường ngài đi truyền giáo khởi đầu từ
Florencia, đến Raguse, Bosnia, Bohem, Hungari và Áo. Những việc chính yếu cha
thực hiện có hiệu quả trong kỳ này là: chấn hưng tinh thần đạo đức; chinh phục
hoàng hậu “bè rối” xứ Bosnia; đem đức tin lại cho một số dân Hoamen theo bè rối
Manes và bênh vực đời sống trinh khiết của giáo sĩ.
Cũng trong kỳ này, cha Giacôbê đã được Đức Thánh Cha đặt
làm khâm sứ Toà thánh tại nước Áo và Hungari.
Năm 1438, vì thấy cha phải chịu nhiều gian lao, đối phó
với nhiều kẻ thù, nên Đức Giáo Hoàng Êugêniô IV đã biên thư khích lệ cha. Cha
Giacôbê làm việc tại Trung Âu cho tới mùa chay năm 1440 thì được lệnh đi giảng
tại Pađua, rồi trẩy đi miền cận đông. Nhưng không may, đến Chyprô, cha bị bệnh
và phải trở về Ý dưỡng bệnh. Tháng 02 năm 1441, Đức Giáo Hoàng lại sai cha đi
tiếp xúc với dân Marches để đương đầu với bè rối ở xứ này, rồi đi cổ động phong
trào đạo binh thánh giá năm 1433. Kỳ này, cha giữ chức bề trên tỉnh dòng
Pađôva, và vì thế, cha có dịp gặp lại thánh Bênađinô và Gioan Capistranô trong
ba ngày. Tuy vắn vỏi nhưng là những giờ phút sung sướng nhất của ba vị thánh.
Đáng yêu hơn nữa vì đó là dịp gặp nhau cuối cùng trên cõi đời. Quả thế, ngày
20.5.1444, cha Giacôbê được Chúa cho biết ngày về trời của bạn Bênađinô, người
đã góp phần rất lớn gây dựng tinh thần cho cha và cho dòng Phanxicô. Tới năm
1450, năm toàn xá, cha Giacôbê cùng về Rôma với con thánh Phanxicô. Lần này vì
những lý do khẩn thiết, cha Giacôbê ở lại Ý. Năm 1455, ngài đi hội tại Assisi
theo lệnh Đức Giáo Hoàng Calixtô IV để tranh luận với các cha Đa minh về luận
đề: “Máu Chúa Kitô đổ ra trong khi chịu thương khó, khi liệm vào mồ rồi có còn
kết hợp với thiên tính nữa không? Cha Giacôbê chủ trương là không”. Năm 1475,
cha được vua xứ Napôli mời tới để giảng thuyết về thánh Bênađinô. Nhân thể cha
cũng giảng một bài rất hùng hồn về “Danh Thánh Chúa” làm say mê 40 ngàn thính
giả xứ Napôli. Mọi người, kể cả vua, hết sức tán dương tài hùng biện và nhân
đức của cha. Cha ngã bệnh và qua đời tại Napôli ngày 28 .11.1476. Xác thánh cha
được mai táng tại nguyện đường. Đức Giáo Hoàng Ubanô VI phong chân phước cho
cha và năm 1726, Đức Bênêđictô XIII truyền ghi tên cha vào số các vị hiển thánh
của Giáo hội.
Thánh Giacôbê đã xứng đáng với hồng ân cao cả ấy vì đời
sống của ngài nổi bật nhiều nhân đức.
Trước hết là tinh thần hy sinh và nhẫn nại, trung thành
với lý tưởng thánh tổ Phanxicô, thánh nhân sống rất nghèo khó, ngài giảng giải
suốt ngày đêm, đi len lỏi từ thành thị đến thôn quê mà chỉ mang theo bộ sách
nhỏ đựng sách nguyện với cuốn Kinh thánh. Dù trời lạnh giá phải đi trên băng
tuyết, cha ít mang giày và mặc áo ấm. Cha nhẫn nại chịu những la hò, phản đối
và nguyền rủa của dân chúng. Những kẻ theo bè rối thì gọi cha bằng “thằng gàn
con cái Satan”. Để có sức mà làm việc tông đồ, nhiều lần thánh Bênađinô biên
thư bắt thánh Giacôbê phải dùng thịt, vì ngài biết thánh nhân rất kiêng khem, lại
ăn chay nhiều ngày mỗi tuần. Ngoài ra, thánh nhân ngủ rất ít, khi anh em còn
đang ngon giấc, thánh nhân đã dạy đọc kinh lần hạt, đánh tội và đọc sách thiêng
liêng. Về nhân đức trinh khiết của thánh nhân, nhiều nhà chép chuyện đã đồng ý
với nhau ở một câu: “Đức trong sạch của thánh Giacôbê hoàn toàn đến không vương
một chút tỳ ố”. Nhưng có lẽ nhân đức được cha yêu mến hơn cả là đức vâng lời.
Người ta thường kể lại việc vắn tắt này để làm chứng đức vâng lời của thánh
nhân: “Một hôm đang dùng bữa, được lệnh Đức Giáo Hoàng sai đi Hungari, thánh
nhân đứng dậy đi ngay, không ăn thêm một mẩu bánh hay uống một ngụm nước nào !”
Riêng về những phép lạ thánh Giacôbê đã được Chúa cho làm
trong suốt đời truyền giáo, chúng ta không thể đem ra kể hết được.
Theo lời tuyên bố của thầy Vơmăng, tu sĩ phụ tá duy nhất
của cha thánh Giacôbê, thì hơn ba lần cha dùng dầu thánh giá phá mưu “đầu độc”
tại bữa ăn và 30 lần cha đã trừ quỷ trước mặt nhiều người chứng kiến, đó là
chưa kể những bệnh nhân được lành đã vì lời cầu nguyện của cha thánh!
Quả đúng như Chúa đã phán qua lời tác giả cuốn Gương Chúa
Giêsu: “Cha đã ban đủ thứ ơn lạ, đã cho ngài ơn vững bền, và đã thưởng đức nhẫn
nại của ngài”.
www.tinmung.net
Thứ
Tư 28-11
Thánh James ở Marche
(1394-1476)
T
|
hánh James sinh ở Marche
thuộc tỉnh Ancona miền trung nước Ý, dọc theo bờ biển Adriatic. Sau khi lấy
tiến sĩ giáo luật và dân luật tại Ðại Học Perugia, ngài gia nhập dòng Phanxicô
và bắt đầu một cuộc sống thật khắc khổ. Ngài ăn chay chín tháng trong một năm,
và mỗi đêm chỉ ngủ có ba tiếng. Ngài hãm mình đến độ Thánh Bernardine ở Siena
phải bảo ngài giảm bớt lại.
Thánh James học thần học với
Thánh John ở Capistrano. Ðược thụ phong linh mục năm 1420, Thánh James bắt đầu
cuộc đời rao giảng và bởi đó ngài đã đi khắp nước Ý cũng như đến 13 quốc gia
thuộc Trung và Ðông Âu Châu. Sự hăng say của ngài đã giúp nhiều người trở lại
đạo (người ta ước lượng khoảng 250,000 người), và giúp lan tràn việc sùng kính
Thánh Danh Chúa Giêsu. Bài giảng của ngài thúc giục giáo dân cải thiện đời
sống, và nhiều thanh niên gia nhập dòng Phanxicô vì sự ảnh hưởng của ngài.
Cùng với Thánh John ở
Capistrano, Thánh Albert ở Sarteano và Thánh Bernardine ở Siena, Thánh James
được coi là một trong "bốn cột trụ" của phong trào Nghiêm Thủ
(Observant) của dòng Phanxicô. Các ngài nổi tiếng vì sự rao giảng.
Ðể chống với tệ nạn xã hội về
số phân lời quá cao, Thánh James thiết lập một tổ chức gọi là "montes
pietatis" (núi bác ái) -- đó là một tổ chức bất vụ lợi để cầm đồ với
lãi suất thật thấp. Dĩ nhiên, các tay cầm đồ ác đức không hài lòng với tổ chức
này, nên đã hai lần họ thuê người đến giết ngài, nhưng cứ mỗi lần đối diện với
ngài là các hung thủ đều quên hết dự tính ở trong đầu.
Ngài từ trần ở Naples ngày
28-11-1476 và được phong thánh năm 1726.
Lời Bàn
Thánh James muốn lời Chúa ăn
sâu trong tâm hồn của người nghe. Lời giảng của ngài là để chuẩn bị mảnh đất
tâm hồn, bằng cách lấy đi những sỏi đá và lầm mềm lòng những cuộc đời đã khô
cằn vì tội lỗi. Chúa muốn lời của Người bén rễ trong đời sống chúng ta, nhưng
để được như thế, không những chúng ta cần người rao giảng đầy sùng tín, nhưng
chính chúng ta cũng phải tích cực lắng nghe.
Lời Trích
"Lời Chúa thật thánh
thiện và đáng yêu quý dường nào! Chỉ có lời Chúa mới soi tỏ mọi tâm hồn tín
hữu, làm thoả mãn người đói khát, an ủi kẻ đau khổ; lời Chúa giúp linh hồn tạo
được công nghiệp và giúp mọi nhân đức phát triển; lời Chúa gìn giữ linh hồn
khỏi nanh vuốt ma quỷ, giúp người độc ác nên thánh thiện, và mọi người trên mặt
đất trở thành công dân nước trời" (Trích Bài giảng của
Thánh James).
www.nguoitinhuu.com
Anrê Trần Văn Trông (1814-1835)
Anrê Trần Văn Trông,
sinh 1814 tại Kim Long, Huế; chết 28 tháng 11, 1835 tại An Hòa, Huế. Anrê Trông
là một binh sĩ trẻ tuổi, một thợ dệt tơ của nhà vua, và thuộc Hội Thừa Sai
Balê. Khi triều đình khám phá ra sự liên hệ này năm 1834, ngài bị bắt, bị truất
hết chức tước, và bị giam vào tù. Mẹ của ngài có mặt khi ngài bị xử tử và đã
nhận lãnh thủ cấp của con trong lòng. Phong Á Thánh 1900. Ngày Lễ 28 tháng 11.
Trong vòng tay người mẹ.
Trong hành tích thánh
Anrê Trần Văn Trông, người quân nhân xứ Huế, ta thấy nổi bật lên chân dung của
một bà mẹ. Đức Giáo Hoàng Lêo XIII ca tụng bà đã thể hiện lòng can trường
"theo gương Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo". Như Đức Maria dưới chân Thánh
Giá dâng hiến Người Con Yêu Dấu, bà mẹ đó cũng có mặt trong cuộc hành quyết để
hiến dâng người con trai duy nhất của mình. bà đi bên cạnh con, không than khóc
không sầu buồn, trái lại còn bình tĩnh vui vẻ khuyên con hãy bền chí đến cùng.
Khi đầu Anrê Trông
rơi xuống, bà mạnh dạn bước vào pháp trường kêu lớn tiếng trước mặt các quan :
"Đây là con tôi, đứa con mà tôi đã cưu mang dưỡng dục. Giờ này nó vẫn là
con tôi, xin các ông trả lại tôi cái dầu của con tôi". Nói xong, bà mở
rộng vạt áo, bọc lấy thủ cấp đẫm máu của người con yêu quý, rồi đêm về mai táng
trong nhà.
Tuổi xuân ước mơ.
Anrê Trần Văn Trông
sinh năm 1814 trong một gia đình Công Giáo ở Kim Long, Phú Xuân (Huế). Cậu là
con trai duy nhất trong nhà, thế mà năm 15 tuổi, người cha lại mất sớm, khiến
gia đình lâm cảnh mẹ góa con côi. Để giúp mẹ mưu sinh, Anrê Trông đành giã từ
sách đèn, theo chân bà con lối xóm về họ Thợ Đúc dệt tơ cho hoàng gia. Là người
ngay thật, cậu không ăn bớt của công, luôn chăm chỉ làm việc và ưa những chuyện
gây gỗ, bất hòa. Mỗi buổi chiều, sau những giờ lao động mệt mỏi, cậu thường vác
cần câu đến ngồi bên bờ sông Hương xanh biếc, để được gần gũi với thiên nhiên.
Sử gia Rodriguez đã
diễn tả tâm trạng của cậu qua những vần thơ sau (Martirologie III, pp. 158 –
159):
"Ôi êm đềm cảnh thiên nhiên trầm lặng,
Dưới ngàn cây râm mát thoảng hương hoa,
Nước lung linh nghe thanh thản tâm hồn,
Sông in dáng bóng non xanh xanh biếc…"
Nhưng cuộc đời êm ả
đó không kéo dài được lâu mãi. Đồng lương ít ỏi của người thợ dệt tơ không đủ
nuôi sống gia đình. Năm 20 tuổi, Anrê Trông đành giã từ mẹ lên đường nhập ngũ.
Xông vào cuộc chiến
Sau tám tháng phục vụ
trong quân đội, tháng 11.1834, triều đình ra lệnh những binh sĩ Công Giáo phải
ra trình diện. Không chút e dè, Anrê Trông với 12 đồng đội cùng ở khu Thợ Đúc
đến "ra mắt" quan. Quan yêu cầu các anh phải tuân lệnh nhà vua bỏ đạo
và đạp lên Thánh Giá. Cả 13 chiến sĩ Công Giáo đều cương quyết khước từ. Các
quan bèn dùng biện pháp tra tấn dã man… lần lượt 12 người bỏ cuộc, chỉ còn mình
Anrê Trông vẫn trung kiên đến cùng. Quân lính trói anh lại khiêng qua Thánh
Giá, nhưng anh co chân lên quyết không xúc phạm đến ảnh Chúa. Thế là từ trại
lính, anh bị tống qua trại giam. Các quan kết án tử hình, nhưng còn giam hậu,
nghĩa là chưa xử ngay.
Suốt một năm bị giam
trong ngục, Anrê Trông chịu nhiều điều cơ cực khổ sở, nhưng niềm tin của anh
qua những thử thách đó càng ngày càng vững mạnh. Anrê sốt sắng cầu nguyện và
đặc biệt phó thác đời mình cho Đức Mẹ, xin Chúa vì lời Mẹ Maria chuyển cầu ban
cho ơn trung tín đến cùng. Những món qùa tiếp tế nhận được, anh chia sẻ cho các
bạn tù và lính canh ngục, nên được họ quý mến. Cũng chính nhờ đó, anh có cơ hội
đặc biệt để đi xưng tội, rước lễ và thăm mẹ.
Khi biết tin có cha
Ngôn đang hoạt động ở Phú Xuân, anh Trông liền xin viên cai ngục và được phép
về nhà một ngày dưới sự giám sát của một người lính. Nhờ đã dò hỏi rõ nơi ở của
vị linh mục, Anrê Trông và người lính chèo thuyền đến bến đò kia vào giữa trưa.
Lúc đó, mọi người dân chài đã lên bờ ăn uống nghỉ ngơi. Anh Trông liền bước qua
thuyền của cha Ngôn, đẩy thuyền trôi nhẹ ra giữa dòng. Hai người nhỏ to
"Tâm sự" và anh quỳ xuống lãnh phép lành tha tội. Xưng tội xong, anh
ngỏ ý xin rước lễ, cha Ngôn hẹn anh sáng hôm sau tại Kẻ Văn. Thế rồi anh và
người lính tiếp tục chèo thuyền về Kim Long. Hai người lên bờ và ngủ tại nhà mẹ
một đêm. Tả sao cho siết niềm vui của hai mẹ con được tái ngộ trong hoàn cảnh
bất ngờ này. mẹ anh đã hết lời khích lệ động viên anh kiên tâm vì đức tin.
Tảng sáng hôm sau,
anh Trông và người lính gác vội vã chèo thuyền đến điểm hẹn. Gặp lại vị
"khách quý", anh liền quỳ xuống lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Cha Ngôn
chúc lành : "Ước gì Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô sẽ gìn giữ con đến cuộc
sống muôn đời". Anh thưa: "Amen". Rồi trong niềm hân hoan vì
hồng phúc mới lãnh nhận, anh vui vẻ trở về trại giam như lời hứa với viên cai
ngục.
Nỗi lòng hai mẹ con
Sau một năm tù, không
hy vọng gì Anrê Trông thay đổi ý kiến, các quan quyết định ngày xử là
28.11.1835. Sáng hôm đó, người chiến sĩ đức tin gặp được người anh họ mình. Anh
ta hỏi có muốn ăn gì không ? Anrê Trông trả lời: "Em muốn ăn chay để dọn
mình tử đạo", rồi nói tiếp: "Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh
em, mẹ em cũng sẽ yêu thương anh. Xin nhắn lời với mẹ em: Đừng lo gì cho em cả,
cầu chúc bà mãi mãi thánh thiện, và sẽ hài lòng vì con trai mình luôn trung
thành với Chúa cho đến chết".
Nhưng thực tế, người
anh họ chưa kịp nhắn lại. Bà mẹ Anrê Trông khi hay tin con bị đem đi xử, liền
vội vã ra đón con ở đầu chợ, nơi con sắp đi qua, gặp con, bà chỉ hỏi một câu
vắn tắt : "Bấy lâu nay xa nhà, thời gian ở tù con có nợ nần ai chăng, nếu
có thì cho mẹ hay, mẹ sẽ trả thay con". Tấm lòng người mẹ là thế đấy. Bà
biết rõ con của mình đủ can đảm chịu mọi đau đớn, giờ đây bà chỉ lo cho con về
đức công bình.
Khi được con cho biết
không vướng gì với ai, bà tiếp tục đi sát bên con, bình tĩnh thêm lời khích lệ.
đến nơi xử, sau khi quân lính tháo gông xiềng, người chiến sĩ đức tin liền đón
lấy, trao cho người lính cạnh bên và nói : "Xin nhờ anh đưa dùm cái này
cho mẹ tôi, để bà làm kỷ niệm". Mẹ anh đứng gần nên nghe rất rõ, nhưng bà
chưa lấy kỷ vật đó làm đủ, bà còn muốn đón nhận chính thủ cấp của con mình nữa.
Chiêng trống nổi lên,
lý hình vung gươm, dầu vị tử đạo 21 tuổi rơi xuống. Bà mẹ anrê Trông chứng kiến
ngay từ giây phút đầu tại pháp trường, bà thỏa lòng dù rất khổ đau, bước ra đòi
viên chỉ huy trao thủ cấp con bà. Bọc trong vạt áo rồi ghì chặt vào lòng, bà
vừa hôn vừa lắp lại : "Ôi con yêu quý của mẹ, con nhớ cầu nguyện cho mẹ
nhé !".
Ngày 27.5.1900, Đức
Lêo XIII suy tôn người chiến sĩ anh hùng Anrê Trông lên hàng Chân Phước. Ngài
không ngớt lời ca ngợi mẫu gương của bà mẹ hào hùng, đã họa lại gần trọn vẹn
hình ảnh Đức Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo xưa trên đỉnh Can-vê.
Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc
Hiển thánh.
Lời bất hủ: 13 quân nhân nhận
mình có đạo, nhưng không chịu được cực hình, 12 lính đã đầu hàng, còn lại một
mình Anrê Trông vẫn một lòng trung kiên không quá khoá. Khi sắp bị xử án, anh
Trông gặp người anh họ, anh nói: "Em muốn ăn chay để dọn mình tử đạo, rồi
nói tiếp: Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh em, mẹ em cũng yêu thương anh.
Xin nhắn lời với mẹ em: đừng lo gì cho em cả, cầu chúc bà mãi mãi thánh thiện,
và sẽ hài lòng vì con trai mình luôn trung thành với Chúa cho đến chết".
Bà mẹ chờ đón con trên đường đi xử, gặp con bà chỉ hỏi một câu
vắn: "Bấy lâu nay xa nhà, thời gian ở tù con có nợ nần ai chăng, nếu có
thì cho mẹ hay, mẹ sẽ trả thay cho". Bà theo con đến pháp trường. Khi lính
chém đầu Anrê Trông, bà kêu lớn trước mặt quan: "Ðây là con tôi, đứa con
mà tôi đã cưu mang dưỡng dục. Giờ này nó vẫn là con tôi, xin các ông trả lại
tôi cái đầu của con tôi". Nói xong bà mở rộng vạt áo, bọc lấy thủ cấp đẫm
máu của người con yêu quý, rồi đem về mai táng trong nhà.
www.tinmung.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét