Thứ Hai sau Chúa Nhật 34 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) Kh 14, 1-3, 4b-5
"Tên của Ðức Kitô và
của Cha Người viết trên trán họ".
Trích sách Khải Huyền của
Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi ngắm nhìn:
thì đây Con Chiên đứng trên núi Sion; cùng với Con Chiên, có một trăm bốn mươi
tư ngàn người mang tên của Con Chiên và tên Cha Con Chiên viết trên trán họ.
Tôi nghe có tiếng từ trời, như tiếng sóng gầm nước đổ, như tiếng sấm vang rền,
và tiếng tôi nghe tựa hồ như tiếng đàn cầm do những người chơi đàn cầm gảy. Họ
hát bài ca vãn mới trước toà và trước mặt bốn sinh vật và các vị bô lão: ngoài
một trăm bốn mươi tư ngàn người đã được mua chuộc từ cõi đất, không một ai có
thể hát bài ca vãn đó. Hễ Con Chiên đi đâu, thì họ theo đó. Họ là những người
được mua chuộc giữa nhân loại, làm của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và cho Con
Chiên. Miệng họ không nói lời gian dối; họ cũng chẳng tì ố trước toà Thiên
Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab.
5-6
Ðáp: Ðó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa (c. 6).
Xướng: 1) Chúa là chủ trái
đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì
chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. -
Ðáp.
2) Ai khá trèo lên cao sơn
của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh
khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Ðáp.
3) Người đó sẽ được Chúa chúc
phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người
tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Lc 21, 36
Alleluia, alleluia! - Các con
hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con
Người. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 21, 1-4
"Người thấy một bà
goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên,
thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà
goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: "Thầy bảo thật
các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi
người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã
dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu quan sát và đánh
giá việc dâng cúng của dân chúng. Những người giàu có chỉ dâng cúng vì lời khen
ngợi. Họ chỉ dâng những của dư thừa. Còn một bà góa chỉ dâng hai đồng tiền nhỏ.
Ðức Giêsu đã coi giá trị của bà cao hơn tất cả những người kia, vì bà đã dâng
tất cả những gì mình có với trọn tấm lòng thành.
Những gì chúng ta làm cho
Chúa qua Giáo Hội, qua tha nhân được đánh giá bằng tấm lòng yêu mến và chân
thành.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy
chúng con bài học quảng đại và lòng chân thành. Xin đừng để chúng con ích kỷ
tính toán khi làm việc cho Cúa, cho anh em. Trái lại, điều Chúa mong muốn nơi
chúng con là lòng chân thành. Xin cho chúng con sử dụng những gì Chúa ban cho
đẹp ý Chúa, mưu ích cho bản thân và cho anh em chúng con. Amen.
(Lời Chúa trong
giờ kinh gia đình)
Cho Ði Tất Cả
(Lc 21,1-4)
Suy Niệm:
Cho Ði Tất Cả
Vào thời xưa cũng như thời
này, có những giai tần bị loại ra bên lề. Họ có thể là những người mắc bệnh
không có thuốc chữa, họ có thể là những người nghèo không một xu dính túi.
Trong số những người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội, có các bà góa; nhất là
trong hệ thống tổ chức xã hội xưa kia tại Israel, phụ nữ khi kết hôn phải cắt
đứt giây liên hệ với gia đình ruột thịt, và từ lúc chồng chết cũng là lúc mọi
tiếp tế vật chất từ nhà chồng bị đình chỉ.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng
hôm nay có thể nói là một người nghèo tuyệt đối. Qua nghĩa cử đơn sơ của bà,
Chúa Giêsu đã khám phá ra sự quảng đại cao cả và lòng cậy trông phó thác tuyệt
đối của bà vào Thiên Chúa. Mặc dù chỉ đóng góp hai đồng tiền nhỏ có giá trị 1/4
xu, nhưng bà đã cho đi tất cả những gì mình có để nuôi sống; vì thế bà xứng
đáng được Chúa Giêsu khen ngợi. Tuy nhiên sự kiện và lời khen ngợi này có thể
nêu lên hai vấn nạn: thứ nhất, liệu chúng ta phải nghèo về vật chất để được
thuộc về Nước Thiên Chúa chăng? thứ hai, liệu người nghèo phải cho đi tất cả,
kể cả những nhu yếu phẩm nếu họ muốn được Chúa khen ngợi chăng?
Ðã hẳn trong Tin Mừng, người
nghèo được chúc phúc, trong khi theo cách diễn tả của Chúa Giêsu người giầu có
khó vào được Nước Trời. Thật ra, người nghèo được gọi là có phúc, không phải vì
họ nghèo, cũng như Tin Mừng không bao giờ đề cao sự nghèo khổ, vì sự nghèo túng
tự nó không làm cho ai nên thánh, có chăng chỉ những người nghèo biết chấp nhận
thân phận của mình để chờ đợi từ người khác và cậy trông phó thác hoàn toàn vào
Thiên Chúa. Nói khác đi, cái nghèo vật chất không phải tự nó biến sự túng thiếu
thành nguồn ơn phúc, nhưng chính tinh thần nghèo khó, chính ý thức sự lệ thuộc
của mình vào người khác, nhất là đặt trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa, mới làm
cho những người nghèo trở nên giầu tình người và đậm đà tình Chúa.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng
hôm nay chỉ có hai đồng tiền nhỏ để sinh sống, nhưng bà đã dâng cúng trọn vẹn
cho Chúa. Có lẽ bà có được hai đồng tiền đó là do lòng hảo tâm của người khác
và bà muốn biểu lộ sự tín thác của mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua
việc cho đi tất cả. Vấn đề đáng suy nghĩ là liệu hành động của bà góa nghèo này
có giá trị trong xã hội ngày nay, nếu không phải là tạo thêm sự nghi kỵ trong
xã hội? Sống trong một xã hội cạnh tranh như hiện nay, còn có một mô thức của
xã hội nơi bài giảng trên núi của Chúa Giêsu được đem ra thực hành, để không ai
còn bị tiền tài, danh vọng, quyền lực chi phối, nhưng mọi người đều thực hành
tình liên đới, yêu thương, chia sẻ. Với lời khen ngợi hành động của bà góa
nghèo, Chúa Giêsu một lần nữa muốn đảo lộn trật tự xã hội, vì Ngài không những
kêu gọi sự thay đổi của từng cá nhân, nhưng còn muốn đẩy mạnh tiến trình đổi
mới xã hội, nơi mọi người đóng góp tất cả những gì mình có để xây dựng và phục
vụ xã hội.
Ðể sống trọn Lời Chúa hôm
nay, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có tinh thần nghèo khó để ý thức sự lệ thuộc của
tôi vào người khác và vào Thiên Chúa không? Tôi đã và đang làm gì để góp phần
xây dựng một xã hội mới. Ước gì mẫu gương của bà góa nghèo phản ánh tình yêu
Thiên Chúa, Ðấng trao ban tất cả cho con người, giúp chúng ta mạnh tiến trên
con đường xây dựng Nước Chúa giữa lòng xã hội.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 34 TN2
Bài đọc: Rev
14:1-3, 4-5; Lk 21:1-4.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Trung thành hy sinh
cuộc đời cho Thiên Chúa
Trong những ngày cuối
năm, Phụng vụ Lời Chúa hướng lòng con người về: (1) Sự chóng qua của đời này và
những giá trị cao quí của đời sau như: sự bất tử của linh hồn, sự sống lại, và
cuộc sống trường sinh mai sau. (2) Những mẫu gương cao quí và sự hy sinh của
tiền nhân: Đức Kitô, người mẹ anh hùng và 7 anh em nhà Maccabees, các thánh tử
đạo Việt Nam. (3) Kêu gọi chúng ta bắt chước các mẫu gương anh hùng đó: sống
anh hùng, sống chứng nhân, và dám hy sinh tất cả cho Nước Trời.
Các Bài đọc hôm nay cũng
theo chiều hướng đó: Bài đọc I tường thuật thị kiến Con Chiên và 144,000 bạn
đồng hành của Con Chiên. Họ trung thành bước theo Con Chiên đi bất cứ nơi nào.
Bài Phúc Âm kêu gọi con người dám hy sinh tất cả như người đàn bà góa; Bà dám bỏ
mọi sự mình có vào Hòm Tiền trong Đền Thờ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Con
Chiên đi đâu, họ cũng đi theo đó.
1.1/ Thị kiến Con Chiên
cùng với 144,000 người trên Núi Sion: "Tôi thấy: kìa Con Chiên đứng trên núi
Sion; cùng với Con Chiên, có 144,000 người, mang danh của Con Chiên và của Cha
Con Chiên ghi trên trán."
Núi Sion được gọi là
Ngai của Thiên Chúa (Mic 4:7, Isa 24:23), là Núi Thánh, là kinh thành của Đức
Đại Vương (Psa 2:6), là thành cư ngụ của Thiên Chúa hằng sống (Heb 12:22). Con
Chiên là chính Đức Kitô. Ai là 144,000 người? Đây là những người được thiên
thần đóng ấn trên trán từ 12 chi tộc của Israel, mỗi chi tộc 12,000 người (Rev
7:4-8). Ấn tín được đóng là ấn tín mang danh của Con Chiên và của Cha Con Chiên
trên trán (Rev 7:3). Có tên Thiên Chúa và tên Đức Kitô trên trán chứng tỏ người
đó được thánh hiến cho việc phục vụ Thiên Chúa. Bạn đồng hành với Con chiên
được phân biệt với đồng bọn của Con Thú, những người cũng được đóng ấn với dấu
hiệu của nó (Rev 13:16, 14:11).
“Và tôi nghe thấy tiếng
từ trời như tiếng nước lũ, như tiếng sấm lớn. Tiếng tôi nghe thấy tựa hồ tiếng
những nhạc sĩ vừa gảy đàn vừa hát. Họ hát một bài ca mới trước ngai Thiên Chúa,
trước bốn Con Vật và các vị Kỳ Mục. Không ai có thể học được bài ca này, ngoài
144,000 người ấy, là những người đã được chuộc về từ mặt đất.” Bài ca mới được
mô tả bằng những từ ngữ Kinh Thánh quen thuộc: tiếng nước lũ (Rev 1:15, 9:16,
Eze 43:2); tiếng sấm lớn (Exo 19:16, Eze 1:7); và tiếng đàn cầm (Rev 5:8,
15:2).
1.2/ Điều kiện được chọn
để theo Con Chiên:
(1) Giữ mình đồng trinh: Vì 144,000 người này
được mô tả đối nghịch với những người thờ phượng Con Thú, họ phải là những
người từ chối không theo Con Thú. Con số này là con số tượng trưng cho tất cả
các tín hữu, chứ không phải chỉ có bằng ấy người được cứu độ. Chữ “đồng trinh”
đây cũng không hiểu theo nghĩa hẹp của nó, nhưng theo nghĩa của nhiều tiên tri
Cựu Ước (Hos 2:14-21, Jer 2:2-3, 32, Zeph 3:9-13): đồng trinh là biểu tượng của
sự trung thành với Thiên Chúa; trong khi thờ bụt thần được coi như làm điếm,
không trung thành với Thiên Chúa (Rev 2:14, Eze 16, 23). Babylon được ví như
con điếm (Rev 14:8, 17:4-6) trong khi Giáo Hội được ví như Hiền Thê của Con
Chiên (Rev 19:7, 21:2-9).
(2) Trung thành theo Con
Chiên: “Con
Chiên đi đâu, họ cũng đi theo đó. Họ đã được chuộc về từ giữa loài người, làm
của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và Con Chiên.”
(3) Sống thành thật: “Chẳng ai thấy miệng họ
nói dối; không ai chê trách họ được.” Những người nói dối là con cái của ma
quỉ, cha của những người nói dối (Jn 8:44). Người theo Con Chiên không những
phải nói thật mà còn phải sống thật; để biến mình thành của lễ không tì ố dâng
lên Thiên Chúa (Rom 12:1).
2/
Phúc Âm: Bà
bỏ vào tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.
2.1/ Tiêu chuẩn xác định
cho nhiều hay ít: không dựa trên số lượng cho mà dựa trên số lượng người cho có.
Chẳng hạn: một người cho 5000 đồng, nhưng tài sản anh có là 1,000,000 đồng, tỉ
lệ anh cho đi là 1/200, một số lượng rất nhỏ so với tài sản của anh. Trong khi
đó, một người nghèo bỏ vào chỉ 2 hào, nhưng tài sản anh có là 4 hào, tỉ lệ anh
cho đi là ½; anh đã cho phân nửa tài sản anh có.
Chúa Giêsu có lẽ đang
ngồi ở “Sân của phụ nữ” trong Đền Thờ. Ngước mắt lên nhìn, Đức Giêsu thấy những
người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà
goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: "Thầy bảo
thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những
người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này,
thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi
sống mình.”
Trước mắt con người, hầu
hết sẽ đánh giá trị sai. Họ sẽ quí trọng tiền cho của người giầu và khinh
thường sự đóng góp của người đàn bà góa; họ sẽ nghĩ hai đồng kẽm này làm được
gì, lại còn phải nhớ số lẻ trong việc làm sổ sách nên quăng đi cho xong chuyện!
Nhưng với cặp mắt thấu suốt mọi sự của Chúa Giêsu, Ngài phân biệt rõ cho các
môn đệ: Đừng đánh giá theo giá trị bên ngòai, nhưng phải đánh giá theo khả năng
bên trong:
(1) Cho đi những của dư
thừa: Những
người giầu có mặc dù cho nhiều, nhưng họ chỉ cho đi những của dư thừa mà họ
không cần đến.
(2) Cho đi tất cả những
gì mình có:
Đồng tiền kẽm là đơn vị nhỏ nhất trong các tiền được dùng để trao đổi, một đồng
tiền kẽm trị giá khỏang 1/20 xu. Hai đồng kẽm mới chỉ có 1/10 xu. Nếu so sánh
với sự cho đi của những người khác thì chẳng đáng là gì. Nhưng với cặp mắt nhìn
thấu suốt mọi sự của Chúa Giêsu: Bà góa này đã bỏ nhiều hơn ai hết, vì bà đã
“rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi
sống mình.”
2.2/ Những cái cho khác: Ngòai tiền bạc ra,
người môn đệ của Đức Kitô còn phải cho nhiều thứ khác khó khăn hơn nhiều: ý
muốn, tình yêu, thời gian, tài năng, sức khỏe. Chúa đòi hỏi nơi người môn đệ:
"Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con
gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy,
thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất
mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10:37-39).
Vì thế, trước khi theo
Chúa, hãy ngồi xuống tính tóan xem có theo được không; kẻo nửa chừng mà bỏ thì
mất cả chì lẫn chài. Một khi đã quyết định theo, phải theo cho tới cùng; cho dù
gặp bao khó khăn gian khổ, ngay cả cái chết, cũng phải vượt qua. Gương các
thánh, những người đã theo Chúa tới cùng, phải trở thành những mẫu gương soi
dẫn cuộc đời chúng ta.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mục đích của chúng ta
sống trên đời này là để chứng tỏ lòng trung thành của chúng ta với Thiên Chúa
qua việc dám hy sinh từ bỏ mọi sự để làm chứng cho Ngài.
- Chúng ta không chỉ
thích chọn và sống một hai điều Thiên Chúa dạy, nhưng phải chọn và sống tất cả
những gì Thiên Chúa truyền.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
26/11/12 THỨ HAI TUẦN 34 TN
Lc 21,1-4
CỦA ÍT LÒNG NHIỀU!
“Thầy bảo thật anh
em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng tiền nhiều hơn ai hết … bà đã bỏ vào đó
tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Lc 21,3-4)
Suy niệm: Chuyện bà goá bỏ vào thùng dâng cúng đền thờ “hai đồng tiền
kẽm” với lời bình luận của Chúa Giêsu cho thấy quan điểm giàu-nghèo của Ngài.
Đối với Ngài, con người chỉ giàu có thực sự khi cho đi tất cả những gì mình có
để “làm giàu trước mặt Thiên
Chúa” (Lc 12,21). Còn kẻ chỉ
lo tích cóp tiền của cho riêng mình, sống ích kỷ lại là người nghèo hơn ai hết:
nghèo tình người, nghèo công phúc. Trong xã hội còn lắm người giàu tiền bạc,
của cải hơn bà goá ấy nhiều, nhưng không phải ai cũng như bà. Nếu tất cả đều
biết xử sự theo cách bà ấy làm thì quan hệ giữa người với người sẽ trở nên tốt
đẹp hơn biết bao; và một hành vi được Chúa đánh giá cao như thế thì có công
phúc trước mặt Thiên Chúa biết chừng nào.
Mời Bạn: Cách đánh giá giàu-nghèo của Chúa không làm cho người nghèo
tự ti đồng thời cũng cảnh báo người giàu đừng tự mãn. Mọi người đều có cơ hội
trở nên giàu có thực sự trước mặt Thiên Chúa. Ngài xử sự đúng như điều mà ta
vẫn nói với nhau: của ít lòng nhiều! Của cải bao nhiêu cũng là ít trước mặt
Chúa, còn tấm lòng ta dâng cho Ngài có mở rộng bao nhiêu cũng không vừa!
Chia sẻ: Không ai nghèo đến nỗi chẳng có gì để cho, chỉ sợ mình
không sẵn lòng mà thôi.
Sống Lời Chúa: Làm việc lành bao giờ cũng đáng trân trọng, nhưng đừng để
tay trái biết việc tay phải làm. Có Chúa, Ngài biết tất cả.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại. Lòng quảng đại
sẽ giúp con biết cho đi bao nhiêu và cho đi cách nào.
www.5phutloichua.net
Người Ðàn Bà Góa
Có
rất nhiều câu chuyện về những người nghèo chia sẻ một cách hào phóng cho những
người túng thiếu. Câu chuyện cảm động nhất hẳn phải là câu chuyện của bà góa
thành Xêrepta thời tiên tri Êlia:
Toàn
vùng phải trải qua một cơn hạn hán lâu dài, trong nhà người đàn bà chỉ còn lại
một ít bột và một vài giọt dầu cuối cùng đủ để bà chuẩn bị một bữa ăn cuối cùng
cho bà và đứa con trai nhỏ. Vừa gặp người đàn bà đang đi kiếm củi, tiên tri
Êlia đã nói hầu như ra lệnh cho bà rằng: "Hãy chuẩn bị thức ăn cho
ông!" Không một chút do dự hay chống chế, người đàn bà khốn khổ đã làm
theo lời vị tiên tri và phép lạ từ lòng quảng đại của bà đã diễn ra: một vò dầu
trong nhà bà không bao giờ cạn cho đến khi cơn hạn hán chấm dứt.
Người
đàn bà góa mà Chúa Giêsu đã nhìn thấy cử chỉ quảng đại trong Tin Mừng hôm nay
cũng chia sẻ một cách hào phóng chẳng khác nào người đàn bà góa thời tiên tri
Êlia. Cùng với những người giầu có đang lũ lượt đi tới trước hòm tiền để dâng
cúng, người đàn bà góa chỉ bỏ đúng có hai đồng xu nhỏ. Nhưng trong khi những
người giàu có làm cử chỉ dâng cúng để cho người khác thấy, và có lẽ sự sang
trọng cũng dễ gây sự chú ý của những người chung quanh, thì Chúa Giêsu, Ðấng
thấu suốt mọi sự bí ẩn trong lòng người đã chỉ chú ý đến người đàn bà góa. Dưới
ánh mắt của Ngài, người đàn bà góa nghèo này là người dâng cúng nhiều nhất. Bà
cho nhiều nhất bởi vì trong khi những người giàu có chỉ cho của dư thừa, người
đàn bà góa cho chính những gì mình có để độ nhật, và cho tất cả những gì bà có
chứ không phải chi một vài xu lẻ.
Mẹ
Têrêsa Calcuta cũng có lần kể lại một câu chuyện tương tự: "Một năm nọ, có
một người phụ nữ nghèo đến gõ cửa xin giúp đỡ. Người đàn bà cho biết rằng bà có
tám đứa con nhỏ và từ nhiều ngày qua, trong nhà không còn một hột gạo. Mẹ
Têrêsa lấy gạo trao cho người đàn bà. Số gạo vừa đủ cho bà và các con bà. Nhưng
trước sự ngạc nhiên của mẹ, người đàn bà xin một bao trống, chia số gạo làm hai
rồi giải thích rằng bên cạnh nhà bà còn có một gia đình Hồi giáo cũng không còn
gạo ăn từ nhiều ngày qua".
Người
đàn bà nghèo muốn chia sẻ một nửa những gì mình đang có cho người láng giềng
của mình. Chúng ta có thể học được nhiều bài học từ những câu chuyện trên đây.
Những người đàn bà góa và người nghèo nói chung, có thể dạy chúng ta ý thức về
sự lệ thuộc vào Chúa. Họ nói với chúng ta rằng sống qua ngày quả là một nỗi
khốn khổ, nhưng có Chúa luôn lo liệu mọi nhu cầu cần thiết cho chúng ta. Họ
nhắc nhở chúng ta rằng mỗi ngày qua đi không biết bao nhiêu ân phúc Chúa ban,
nhưng không được chúng ta nhìn nhận và đáp trả với lòng biết ơn, và cho chúng
ta thấy rằng của cải vật chất có thể là những xiềng xích đang trói buộc chúng
ta, và càng có ít, con người càng có cơ may để sống hạnh phúc hơn. Nhưng quan
trọng hơn cả, bài học mà chúng ta có thể học được nơi những người đàn bà góa
trên đây, cũng như từ những người nghèo nói chung là càng trao ban, chúng ta
càng hạnh phúc. Trao ban những gì mình có đã đành, nhưng trao ban chính bản
thân mới đích thực là trao ban. Một quà tặng không bao hàm người tặng thì chỉ
là một món quà chơi trội. Cho là cho chính bản thân. Ðó chính là cách cho của
Chúa Giêsu. Ngài trao ban thịt máu Ngài cho chúng ta. Ðược Ngài nuôi dưỡng bằng
thịt máu Ngài, ước gì các tín hữu Kitô chúng ta cũng trở thành những kẻ trao
ban một cách quảng đại.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Ai quảng đại thật.
Ngước mắt lên nhìn, Đức Giêsu thấy những người giầu sang đang bỏ
tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà góa túng thiếu kia
bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: Bà góa
nghèo này đã bỏ nhiều hơn ai hết.” (Lc. 21, 1-3)
Quảng đại thật:
Những vẻ bề ngoài thường làm ta lầm. Những người quảng đại nhất
không hẳn là những người bỏ nhiều tiền nhất vào thùng dâng cúng. Lòng quảng đại
thật cũng không đo của mà người ta cho. Muốn đánh giá đúng lòng quảng đại, phải
xem họ cho cái họ thiếu thốn. Người ta cho nhiều tiền không phải là rất quảng
đại. Người ta có thể cho ít mà vẫn quảng đại.
Sự thật đó hoàn toàn đơn giản. Đức Giêsu không phải nhắc nhở
điều đó một cách vô ích đâu, vì chúng ta dễ lầm tưởng đánh giá theo bề ngoài.
Đức Giêsu đánh giá tận đáy lòng người ta, nên Người nói: “Bà góa nghèo này bỏ
vào nhiều hơn ai hết”. Người ta ngày nay có thể nói như thế về nhiều người
nghèo, mặc dầu bề ngoài nghèo, nhưng lại tỏ ra quảng đại hơn nhiều người giàu.
Dư thừa của cải:
Có phải vô tình Tin mừng cho thấy bà góa này có lòng quảng đại
hơn các ông bà giàu kia không? Có lẽ không.
Quả thật, người ta có thể thấy nhiều người giàu có lòng quảng
đại thật, và cũng có nhiều người nghèo hà tiện ghê gớm. Nhưng thật ra có lẽ có
nhiều người nghèo quảng đại hơn nhiều người giàu. Đó là điều Đức Giêsu muốn
nói. Họ cho nhiều khi họ túng thiếu hơn là lúc họ dư thừa. Lòng quảng đại đáng
giá thật khi cho lúc lâm cảnh túng quẫn.
Chúng ta biết rất nhiều người nghèo dâng cúng lúc họ đang túng
thiếu. Còn nhiều người giàu dâng cúng được nhiều hơn không, nếu xét theo lòng
quảng đại? Có bao nhiêu người giàu dâng cúng nhiều hơn cái dư thừa của họ?
Có lẽ phải nói rằng giàu sang quá làm ngăn trở để nên quảng đại
thật.
RC.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11
26 THÁNG MƯỜI MỘT
Mỗi Đứa Trẻ Đều Mang
Một Sứ Điệp
Về Lòng Tín Thác
Mỗi
khi một đôi bạn đến trước bàn thờ để cử hành Bí Tích Hôn Phối, Giáo Hội kêu cầu
Chúa Thánh Thần để Ngài biến đổi tâm hồn họ – một sự biến đổi trở thành một nền
tảng vững chắc cho giao ước hôn nhân của họ.
Sự
biến đổi thâm sâu này cũng là một sự thánh hiến đặc biệt của hôn nhân (Humanae
vitae 25). Khi người nam và người nữ cam kết dấn thân cho nhau, họ thánh hiến
linh hồn và thân xác họ cho Thiên Chúa bằng một cách thế mà một đời sống gia
đình trọn vẹn có thể nảy sinh từ sự kết hợp đó: một sự hiệp thông của tình yêu
và sự sống được diễn tả trong một cộng đồng nhân vị.
Những
người vợ và chồng nhận sự hiệp thông này từ Thiên Chúa như một món quà. Đây là
một quà tặng mà họ phải ân cần chăm sóc và đào sâu qua tháng năm. Cùng với
nhau, họ đem lại sự sống từ mối hiệp thông yêu thương thâm sâu này. Con cái họ
trở thành một dấu hiệu và một hoa trái của tình yêu vốn là quà tặng của Thiên
Chúa ấy. Với sự chào đời của đứa con, một điều vốn cần đến tình yêu dâng hiến,
họ khám phá rằng sự kết hợp của họ trong tình yêu đã đào sâu tới mức bao gồm
một con người khác. Họ nhận ra sự thực trong những lời sau đây của nhà hiền
triết Ấn Độ R. Tagore: “Mỗi đứa trẻ được sinh ra mang theo với nó sứ điệp rằng
Thiên Chúa không mất lòng tín thác vào con người”.
Công
Đồng Vatican II dạy rằng những cha mẹ có trách nhiệm phải cân nhắc đến “thiện
ích của mình và thiện ích của con cái mà mình đã sinh ra hoặc chưa sinh ra,
phải biết đọc những dấu chỉ của thời đại và của hoàn cảnh riêng mình trên
phương diện vật chất và tinh thần, và cuối cùng phải biết đánh giá về thiện ích
của gia đình, của xã hội và của Giáo Hội” (MV 51).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Kh 14, 1,3. 4b-5; Lc 21, 1-4.
LỜI
SUY NIỆM:
“Thầy bảo thật anh em: Bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.” (Lc21,3).
Chúa Giêsu ca ngợi sự dâng cúng của bà góa nghèo, Ngài cho chúng ta biết đối
với Thiên Chúa, Ngài không thiếu bất cứ một điều gì, nhưng Ngài cần một sự chân
thành của con người đối với Ngài, dâng hiến những gì là thiết thực nhất của bản
thân mình; của dâng hiến phải có một sự hy sinh và hảm mình trong đó. Thiên
Chúa không muốn đón nhận những cái dư thừa của chúng ta. Nên mỗi người chúng ta
cần phải xem xét lại, những công việc từ thiện, những việc dâng cúng để đem lại
lợi ích chung, chúng ta đã làm với tinh thần nào, và với mục đích gì. Đừng dùng
việc từ thiện và việc dâng cúng vì mục đích quảng bá thương hiệu của mình.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
26 Tháng Mười Một
Vui Với Người Vui, Khóc Với Kẻ Khóc
Cha Piere |
Cha Pierre, người sáng lập phong trào Emmaus,
chuyên giúp những người không nhà không cửa tìm được nơi cư ngụ và tự lực cánh
sinh từ việc chế biến những đồ phế thải, đã ôn lại một trong những kỷ niện mà
ngài cho là ý nghĩa nhất trong cuộc đời như sau: Gia đình tôi gồm có tất cả 8
anh chị em. Một ngày thứ năm nọ, chúng tôi muốn tập trung lại với nhau để đi
đến thăm một gia đình bà con của chúng tôi. Nhưng cha mẹ tôi đã phạt tôi bằng
cách bắt tôi phải ở nhà. Buổi chiều hôm đó, các anh em tôi trở về, ai cũng nói
huyên thuyên vì một ngày được chơi đùa thỏa thích. Thái độ đó càng làm tôi bực
tức thêm. Không kềm hãm được sự ghen tức, tôi đã nói với một người anh như
sau:" Không có tôi thì kể như cuộc chơi cũng không có ý nghĩa gì".
Tôi trút hết cả giận dữ cũng như sự kiêu hãnh của tôi và bỏ đi nơi khác.
Ba tôi đang đau liệt trong phòng của ông. Tình
cờ nghe được lời phát biểu ngạo mạn của tôi, ông cho gọi tôi vào� Lúc đó tôi
mới hiểu được sai trái của tôi cũng như nỗi khổ tâm của cha tôi. Nhưng cha tôi
đã không la rày tôi. Ông chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi:" Con không biết rằng con vừa
nói một lời lẽ xấu xa ư ? Con nghĩ rằng chỉ có con là người quan trọng nhất
sao? Tại sao con không bằng lòng khi những người khác được sung sướng?"
Lúc đó tôi mới hiểu rằng ba tôi đau khổ trong
thân xác đã đành, nhưng ông còn đau khổ gấp bội trong tinh thần vì tính xấu xa
của tôi.
Tôi không bao giờ quên được câu chuyện trên
đây� Và có lẽ đây là câu chuyện đánh dấu cả cuộc đời còn lại của tôi.
Ba
nguyên tắc cơ bản hướng dẫn đời sống của các cộng đồng Emmaus do cha Pierre
sáng lập, trước hết đó là lao động. Các thành phần của cộng đồng Emmaus không
chấp nhận bất cứ một sự dâng cúng nào. Tay làm hàm nhai, mỗi người trong cộng
đồng đều ý thức về giá trị của việc làm và sự đóng góp của mình.
Nguyên
tắc thứ hai đó là đời sống cộng đoàn. Tất cả mọi tiền của kiếm được đều bỏ vào
quỹ chung của cộng đoàn. Từ 30 năm nay, tất cả tiền của thu tích được đều được
chi dùng cho đời sống của cộng đồng cũng như được bố thí cho những người nghèo
khổ túng thiếu hơn.
Nguyên
tắc thứ ba là phục vụ. Ðây là nguyên tắc tổng hợp mọi nguyên tắc khác của đời
sống cộng đoàn. Phục vụ có nghĩa là sống cho người khác, lấy đau khổ của người
khác làm chính đau khổ của mình, lấy niềm vui của người khác làm chính niềm vui
của mình.
Có
lẽ nguyên tắc cơ bản mà cha Pierre đang áp dụng trong các cộng đoàn Emmaus của
ngài chính là bài học mà ngài tiếp thu được từ thân phụ của mình: "Con
không bằng lòng khi thấy những người khác được hạnh phúc ư?".
Nguyên
tắc trên đây cũng là lời khuyên mà thánh Phaolô thường nhắn nhủ các tín hữu của
ngài:"Vui với người vui, khóc với kẻ khóc".
Dù sống trong địa vị
nào trong xã hội, dù sống dưới hình thức gia đình nào, độc thân hay có đôi bạn,
mọi người đều được mời gọi để sống chung với những người xung quanh. Nguyên tắc
đơn sơ và cơ bản nhất trong cuộc sống chung vẫn là:" Lấy hạnh phúc của người
khác làm hạnh phúc của chính mình, lấy niềm đau của người khác làm nỗi khổ của
chính mình".(Lẽ Sống)
Ngày 26
Qua cái chết
và sự sống lại, Đức Giêsu cũng là tác giả củacái mới và Chúa Thánh
Thần cũng hành động để giải thoát chúng ta khỏi tình trạng cũ.
Có nhiều danh
từ chỉ rõ thực tế tích cực nhận được ngày chịu phép Rửa, như: đời sống mới, ân sủng, con cái Chúa, ơn Chúa
Thánh Thần, tạo dựng mới... Trong những từ này, có từ tình yêu,caritas, diễn tả tất
cả những từ khác. Tình yêu là bằng chứng chúng ta đã qua sự chết đến sự sống... Kinh Ve ni Creator(Lạy Đấng Tạo hoá, xin hãy đến!) giới
thiệu Thần Khí như là "tình yêu". Như vậy, chúng ta có thể chiêm
ngưỡng Người trong tất cả sự huy
hoàng, trong yếu tố tích cực của
cuộc sống này. Từ đây, trái
tim chúng ta là như cái chum được cọ rửa và sửa mới, sẵn sàng chứa "rượu
mới" được Đức Kitô hứa cho.
Nhan đề
"tình yêu" (caritas) chứa đựng một sự phong phú lớn...Để hiểu
điều gì, sau câu "tình yêu", chúng ta phải chú ý đến ba điều: trước
hết, Chúa Thánh Thẩn là tình yêu trong Ba Ngôi bởi vì Người kết hợp Chúa Cha với Chúa
Con; sau đó, Chúa Thánh Thần là tình yêu trong Giáo Hội bởi vì Người là mối dây hoà hợp thống nhất; cuối cùng, Chúa Thánh Thần là tình yêu trong người tínhữu bởi vì Người
cho họ thưởng thức một kinh nghiệm sống động về tình yêu của Thiên Chúa.
Raniero
Cantalamessa
Thứ
Hai 26-11
Thánh Leonard ở Cảng Maurice
(1676-1751)
T
|
hánh Leonard, người được
Thánh Alphonsus Liguori gọi là "nhà truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 18",
cũng là một tu sĩ Phanxicô cố gắng đến truyền giáo ở Trung Cộng nhưng thất bại,
và ngài đã thành công lớn trong một số công việc khác.
Cha của Leonard là một thuyền
trưởng mà gia đình sinh sống ở cảng Maurice nằm về phía đông bắc của bờ biển
nước Ý. Vào lúc 13 tuổi, Leonard đến Rôma sống với người chú là Agostino và học
tại trường Roman College. Leonard là một sinh viên giỏi mà cha mẹ muốn ngài
theo đuổi ngành y khoa. Tuy nhiên, vào năm 1697, ngài gia nhập dòng Phanxicô,
trái với sự chống đối quyết liệt của người chú.
Sau khi thụ phong linh mục,
Leonard bị mắc bệnh lao và được gửi về nhà để tĩnh dưỡng hoặc chờ chết. Ngài
hứa rằng nếu được khỏi bệnh ngài sẽ tận hiến cho việc truyền giáo và hoán cải
kẻ tội lỗi. Không bao lâu, ngài được lành bệnh và bắt đầu quãng đời 40 năm tận
tụy rao giảng trong các cuộc tĩnh tâm, trong mùa Chay và trong các cuộc canh
tân giáo xứ (tuần đại phúc) trên toàn nước Ý. Cuộc tĩnh tâm thường kéo dài từ
15 đến 18 ngày và ngài thường ở lại thêm một tuần nữa để giải tội.
Sau những lần tổ chức tĩnh
tâm, để duy trì lòng đạo đức sốt sắng của giáo dân, Cha Leonard thường cổ võ
việc Ngắm Ðàng Thánh Giá, mà thời ấy rất ít người tham dự. Ngài cũng thường rao
giảng về Thánh Danh Giêsu.
Cha Leonard được phong thánh
vào năm 1867; vào năm 1923, ngài được đặt làm quan thầy cho những ai chuyên đi
giảng về tuần đại phúc.
Lời Bàn
Sự thành công của một người
đến rao giảng trong buổi tĩnh tâm thì tùy thuộc vào lòng nhiệt thành của họ có
bền bỉ với thời gian hay không. Ðiều khác biệt là sự hoán cải của người tham
dự. Ðối với Thánh Leonard, việc Ngắm Ðàng Thánh Giá và xưng tội thường xuyên sẽ
giúp giáo dân giữ được lòng đạo đức mà ngài đã khơi dậy qua lời rao giảng. Lần
sau cùng bạn Ngắm Ðàng Thánh Giá là khi nào?
Lời Trích
Có lần Thánh Leonard nói,
"Nếu vào lúc tôi chết, Thiên Chúa khiển trách tôi vì quá nhân từ với kẻ
tội lỗi, tôi sẽ thưa, 'Lạy Chúa Giêsu, nếu nhân từ với kẻ tội lỗi là một sai
lầm thì đó là sự sai lầm con học được từ Ngài, vì Chúa không bao giờ khiển
trách bất cứ ai đến với Ngài để xin được thương xót" (Trích
trong cuốn Thánh Leonard ở Cảng Maurice, t. 9, của Leonard Foley, O.F.M
www.nguoitinhuu.com
Ðaminh Nguyễn Văn Xuyên (1786 - 1839)
Đaminh Nguyễn văn Xuyên |
Ða-Minh Nguyễn Văn Xuyên (Ðoàn), Sinh
năm 1786 tại Hưng Lập, Nam Ðịnh, Linh mục dòng Ða Minh. , bị xử trảm ngày
26/11/1839 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày
27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài
lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 26/11.
Sau đây là những vần thơ lục bát do
thánh Đaminh Xuyên sáng tác trong ngục tù, vừa diễn tả tâm tình của mình vừa
khuyên nhủ các tín hữu đến thăm. Những vần thơ ngắn gọn nhưng cô đọng trọn vẹn
triết lý sống của các vị tử đạo, lòng tràn đầy niềm tin yêu vượt qua mọi gian
khổ để chiếm đoạt vinh quang nước trời.
Ai ơi giữ lấy túi khôn,
Dẫy tràn tin cậy đầy lòng mến yêu.
Gươm đao đe đọa dẫu nhiều,
Quỷ ma cám dỗ sớm chiều đe loi.
Ai mà thắng được trên đời,
Mai sau hưởng phúc cõi trời cao sang.
Tấm lòng người tu sĩ áo trắng
Đaminh Nguyễn Văn Xuyên còn có tên là Doãn,
sinh năm 1786 tại làng Hưng Hiệp, tỉnh Thái Bình. Thấy con có trí thông minh,
cha mẹ cho cậu đi học chữ Nho, rồi gửi gấm cậu cho Đức cha Delgado Y dạy bảo.
Được Đức cha nhắc nhở, cậu Xuyên chăm chỉ học hành, nhất là học giỏi giáo lý.
Lớn lên, ngài cho anh vào chủng viện, và trao ban chức linh mục năm 1819. Ngày
20.4 năm sau, cha Xuyên tuyên khấn trong dòng thánh Đaminh. Từ đó, cha rất
nhiệt thành phục vụ các giáo hữu, không ngừng đi nhiều nơi giảng tĩnh tâm, dạy
giáo lý và sốt sắng cử hành phụng vụ bí tích.
Trước tiên, cha Xuyên coi xứ Phạm Pháo,
tỉnh Nam Định, rồi về xứ Kẻ Mèn, Thái Bình trong ba năm. Tại đây, ngài lập họ
đạo mới, họ Thanh Minh, chọn thánh Vinh sơn làm bổn mạng. Sau cha phụ trách xứ
Đông Xuyên 13 năm. Thời gian này dân chúng bị hạn hán mất mùa nhiều năm, và bị
giặc Phan Bá Vành quấy phá nên đói nghèo khổ sở. Có lần cha phải dốc cạn túi để
giúp đỡ họ, có lần cha nhường phần cơm của mình… Bao giờ cha cũng để một ngân
khoản riêng làm việc bác ái, từ thiện.
Cuối năm 1836, cha được bổ nhiệm làm phụ
tá cha Fernandez Hiền tại chủng viện Ninh Cường giữa lúc cuộc bách hại của vua
Minh Mạng gay gắt. Năm sau cha về làm quản lý giáo phận Đông Đàng Ngài, giúp
Đức cha Delgado Y. khi Đức cha phải lưu lạc về Kiên Lao rồi bị bắt thì cha
Xuyên vừa tìm chỗ ẩn trốn, vừa giúp xứ Hạ Linh. Tuy phải lang thang nay nhà này
mai nhà khác, cha cũng phục vụ các tín hữu ở đây được khoảng một năm. Ngày
18.8, cha đến cử hành lễ mừng thánh Gioakim, bổn mạng họ Phú Đường (họ lẻ xứ Hạ
Linh) thì bị bắt. Một giáo viên trước có dạy ở Bùi Chu biết mặt cha đã đi báo
quan kiếm tiền thưởng.
Bền
trí trung kiên…
Cha Xuyên dâng lễ gần xong, nghe tiếng
loa gọi của quân lính, cha vội rước hết Mình Thánh rồi cởi áo lễ đi trốn. Nhưng
không kịp nữa, quân lính đã tóm bắt cha và dẫn đến quan phủ. Quan phủ cười hỏi:
"Đưa đây một số bạc, ta tha cho về". Cha trả lời: "Tôi chẳng có
đồng nào trong người, nếu quan tha tôi cám ơn, nếu quan bắt tôi xin chịu".
Về sau giáo hữu Hạ Linh góp tiền đem đến chuộc, nhưng quan phủ không dám thả
nữa vì trên tỉnh đã biệt.
Khi nghe thuật lại chuyện, cha Xuyên an
ủi họ : "Anh em hãy để tiền lo cho giáo xứ thì hơn, đừng tốn tiền chuộc
tôi làm chi vô ích. Ý Chúa đã muốn, chẳng ai làm khác được. Anh em cứ bình an
về nhà, nhớ cầu nguyện cho tôi chịu sự khó cho nên". Thế rồi cha mang gông
nặng theo lính về Nam Định.
Biết cha là quản lý tòa Giám mục, Tổng
đốc Trịnh Quang Khanh không những bắt cha bỏ đạo mà còn muốn khai thác các tài
sản giáo phận. Lần đầu tiên khi ra lệnh đánh đòn, Tổng đốc đứng ngay bên thúc
giục: "Đánh nữa, mạnh lên cho đến khi nó chịu khai và xuất giáo".
Người chiến sĩ đức tin chỉ biết kêu tên cực trọng "Giêsu, Maria, xin cứu
con !", cho đến khi bất tỉnh phải khiêng về ngục.
Những lần sau ngài cố gắng cắn răng chịu
đựng không kêu một tiếng, cũng chẳng tiết lộ điều gì về giáo phận. Quan tổng
đốc cho dùng những cực hình đã man hơn : lấy sắt nung đỏ dí vào cháy từng miếng
thịt, cầm kìm nguội, kẹp hay cắt nhiều chỗ trên thân thể … Nhưng cha can đảm
gắng sức nói thẳng với quan: "Dù sống dù chết, tôi cũng không bỏ đạo. Tôi
chọn cái chết để sống đời đời, hơn là nghe quan sống thêm ít lâu mà muôn đời bị
tiêu diệt".
Nhiều lần quá đau đớn ngất xỉu giữa cuộc
tra tấn. Sợ vị quản lý giáo phận chết sớm, Tổng đốc sai lính đưa cha về ngục,
cho mời lang y chữa trị để mong biết được những tài sản mà ông tưởng là vô số.
Đến khi cha Xuyên bình phục, quan lại đưa ra khảo nữa, nhưng ông phải thất vọng
vì thực sự giáo phận chẳng có gì để khai, mặt khác, chẳng bao giờ cha chịu
khuất phục bỏ đạo.
Phần
thưởng nước trời
Ngày 25.10, quan Tổng đốc lập bản án
trảm quyết gởi về kinh đô. Tháng sau bản án của cha Xuyên và cha Dụ trở lại Nam
Định. Những ngày cuối, hai cha được giam chung một phòng, tay bắt mặt mừng,
xưng tội với nhau, an ủi khích lệ nhau vững chí đến cùng.
Ngày 26.11.1839, hai cha bị dẫn đi xử.
Giữa đám quân lính đông đảo võ trang voi ngựa, hai vị chứng nhân Đức Kitô đi bộ
mang gông, nhưng bình tĩnh vui vẻ, vừa đi vừa cầu nguyện cho tới pháp trường
Bảy Mẫu. Dân chúng đi xem đều bỡ ngỡ thán phục. Quan hỏi lại lần chót có muốn
xuất giáo để được tha không. Hai vị trả lời: "Không", rồi đưa tay cho
lính trói vào cọc đã chôn sẵn.
Hai nhát gươm cùng vung lên, hai tôi tớ
Chúa được lãnh triều thiên tử đạo tiến thẳng về Trời. Cha Xuyên với 53 tuổi
đời, phục vụ Chúa trong chức vụ linh mục được 20 năm. Thi thể ngài được an táng
ngay tại đó. Tháng giêng năm 1841, tín hữu cải táng hài cốt ngài về Lục Thủy.
Đức Lêo XIII suy tôn cha Đaminh Nuyễn
Văn Xuyên, linh mục dòng Thuyết giáo lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày
19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.
(ST)
Lời bất hủ: Ðây là vần thơ lục bát mà cha sáng tác trong tù:
"Ai
ơi, giữ lấy túi khôn
Ðầy
tràn tin cậy, đầy lòng mến yêu
Gươm
đao đe doạ dẫu nhiều
Quỷ
ma cám dỗ sớm chiều đe loi
Ai
mà thắng được trên đời
Mai
sau hưởng phúc cõi trời cao sang"
Cha
bị bắt khi đang dâng lễ ở họ Hạ Linh, quân lính nộp cho quan. Quan cười nói:
"Ðưa đây một số bạc, ta tha cho về". Cha trả lời: "Tôi chẳng có
đồng nào trong người, nếu quan tha tôi cám ơn, nếu quan bắt tôi xin chịu".
Khi nghe thuật lại chuyện dân làng góp tiền chuộc cha về, cha an ủi: "Anh
em hãy để tiền lo cho giáo xứ thì hơn, đừng tốn tiền chuộc tôi làm chi vô ích.
Ý Chúa đã muốn, chẳng ai làm khác được. Anh em cứ bình an về nhà,nhớ cầu nguyện
cho tôi chịu sự khó cho nên". Thế rồi cha mang gông nặng theo lính về Nam
Ðịnh. Cha bị tra tấn kìm nung đỏ cặp đứt từng miếng thịt, Ngài can đảm gắng sức
nói thẳng với quan: "Dù sống, dù chết, tôi cũng không bỏ đạo. Tôi chọn cái
chết để sống đời đời, hơn là nghe quan sống thêm ít lâu mà muôn đời bị tiêu
diệt".
Tôma Ðinh Viết Dụ (1783-1839)
Tooma Đinh Viết Dụ |
Tôma Ðinh Viết Dụ, Sinh
năm 1783 tại Phú Nhai, Nam Ðịnh, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 26
tháng 11 năm 1839 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII suy tôn linh
mục dòng Đaminh, cha Tôma Đinh Viết Dụ lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày
19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào
ngày 26/11.
Giả thiết có ai đặt câu
hỏi như sau : "Anh sắp bị giam tù lâu ngày, anh muốn mang theo cái gì
?". Mỗi người chúng ta sẽ có câu trả lời riêng, nhưng xoay quanh hai nhu
cầu là tiền bạc và đồ dùng thường nhật. Câu trả lời bằng hành động của thánh
Tôma Dụ lại rất khác. Tài sản duy nhất, vũ khí duy nhất, cũng là hành lý duy
nhất của ngài là một chuỗi trang hạt Mân Côi. Suốt đời cha đã đọc, đã sống và
truyền bá kinh Mân Côi cho mọi người, giờ đây cha tiếp tục phó thác bản thân
cho sự bảo trợ của Mẹ Maria.
Một lời hiến dâng.
Tôma Đinh Viết Dụ sinh
khoảng năm 1783, tại làng Phú Nhai, tỉnh Nam Định. Được Chúa kêu gọi, từ bé,
cậu đã quyết tâm sống đời tu trì. Sau khi thụ phong linh mục, cha Dụ xin nhập
dòng Đaminh và khấn ngày 21.12.1814. Cha là một tông đồ nhiệt thành dấn thân vì
lợi ích các linh hồn. Đồng thời cha cũng là một tu sĩ gương mẫu về đời sống
chiêm niệm, ngày đêm chìm đắm trong suy gẫm cầu nguyện, đến nỗi các bạn trong
dòng đã gọi ngài là "Thánh Brunô Việt Nam".
Cha Dụ đã hoạt động tông
đồ nhiều nơi, trước khi tới họ Liễu Đề, Bùi Chu, thay thế cha Phêrô Tuần bị bắt
năm 1838. Ngày 20.03.1839, dưới thời vua Minh Mạng cấm đạo, Tổng đốc Trịnh
Quang Khanh dẫn 800 quân lính bao vây, lục soát làng Liễu Đề, vì có người chỉ
điểm báo tin "Danh Trùm Vọng" tức cha Hemoisilla Liêm đang ở đó,
nhưng lính không bắt được cha Vọng. Phần cha Dụ, khi vừa hoàn tất thánh lễ tại
nhà bà Anrê Thu, được tin quan quân đã vây kín làng, biết không kịp đến nơi trú
ẩn cách đó hơi xa, cha đành cải trang thành người làm vườn qua nhà bên cạnh lúi
húi ngồi nhổ cỏ. Quân lính đi ngang qua không biết, nhưng người tố cáo nhận ra
được và nói : "Đạo trưởng đấy". Thế là cha bị bắt và dẫn đến quan
đang ở đình làng. Cha bình tĩnh nói : "Tôi là Đạo trưởng, có nhiệm vụ coi
sóc giáo hữu ở đây".
Tiếp đó, quan hỏi về
thừa sai Vọng và các linh mục khác ở đâu, cha nhất quyết không trả lời chi cả.
Quan tức giận cho lục soát khắp người xem có tiền bạc giấy tờ gì không. Nhưng
ông hoàn toàn thất vọng, vì chỉ có một chuỗi tràng hạt Mân Côi, lính tịch thu
và đánh cha 21 roi. Cha vui vẻ chịu đòn, không một lời than van oán trách. Bà
Anrê Thu, vì không kịp cất giấu đồ lễ, nên cũng bị bắt trói và giữ tại đình
làng 24 tiếng đồng hồ mới được về.
Xin vâng ý Cha
Cha Tôma Dụ bị đóng gông
vào cổ, tay chân mang xiềng xích như một tội phạm, và bị giải lên tỉnh Nam
Định. Các quan ở đây tiếp tục tra vấn nhiều lần, khuyên dụ cha đạp lên Thánh
Giá. Nhưng mặc cho những lời dụ dỗ hay dọa nạt, cha Dụ vẫn cương quyết không
xúc phạm đến Thập Giá, và không cung khai điều gì hại đến các tín hữu. Cha bị
đánh đạp tàn nhẫn nhiều lần, lần thứ nhất 90 roi, lần hai 30 roi, lần khác 20
roi và phải đón nhận nhiều lời mắng nhiếc chế nhạo của dân chúng tò mò đến xem.
Sau những cuộc tra tấn,
cha Dụ bị tống giam vào ngục, ban ngày mang gông xiềng, ban đêm bị cùm chân,
thêm vào đó là chịu đói khát, chịu nóng nực hôi hám khổ cực khôn tả. Vị tông đồ
của Chúa chẳng những tỏ ra nhẫn nhục, mà còn vui vẻ coi đó là những cơ hội tốt
để suy niệm và bước theo chân Đức Kitô tử nạn. Chứng nhân Giuse Hiền thuật lại
chuyện mẹ của ông ta, giả làm hành khất vào tận ngục thăm cha. Khi thấy cha
tiều tụy vì những cuộc tra tấn, bà khóc lên nức nở, cha nói với bà :
"Sức lực tôi tuy
giảm, nhưng tôi còn có thể chịu đựng được nữa. Chúa chúng ta đã chịu bao cực
khổ để cứu độ nhân loại, tôi cũng sẵn lòng chịu những sự khổ này để nên giống
Chúa Kitô phần nào".
Để danh Chúa cả sáng
Lần thứ hai bà vào thăm,
cha dụ cho biết những cực hình sau này cha cảm thấy không đau đớn như trước,
hình như Chúa đã giảm bớt sự đau khổ cho cha. Khi bà chào từ biệt, cha nói :
"Tôi không biết ngày nào sẽ được hiến dâng mạng sống vì Chúa, có thể anh
chị em không còn gặp tôi nữa. Bà hãy cầu nguyện nhiều, xin Chúa ban cho tôi ơn
nhẫn nại chịu đựng tất cả những điều người ta gây cho tôi để danh Chúa được cả
sáng".
Sau sáu tháng giam cầm
và tra tra tấn, quan tuyên bố bản án với những lời sau: "Đạo trưởng Tôma
Đinh Viết Dụ bị kết án trảm quyết vì tội truyền bá Gia Tô tả đạo. Các quan đã
hết sức khuyên dụ, dọa nạt và tra tấn để bắt y quá khóa theo luật nước, nhưng y
không chịu. Y đã trở nên chai đá không gội rửa được những dị đoan đã quá ăn
sâu… Do đó, mọi người thấy rõ y là kẻ điên khùng cố chấp bất trị, đáng khinh
dể. Vậy phải nghiêm trị, còn phàn nàn gì nữa".
Thực tế, cha Dụ nghe bản
án có phàn nàn chi đâu. Ngày 07.11, vua Minh Mạng ký án. Ngày 12.11, án về tới
Nam Định. Khi ấy có cha Đaminh Nguyễn Văn Xuyên cũng thuộc dòng thánh Đaminh đã
bị bắt ngày 18.8 được đưa tới trại giam chung và cùng bị án tử với cha Dụ. Hai
anh em gặp nhau trong tù tay bắt mặt mừng, hàn thuyên tâm sự. Hai cha xưng tội
với nhau, an ủi khuyến khích nhau kiên trì tới cùng.
Mừng ngân khánh trên thiên quốc
Ngày 26.11.1839, hai vị
tông đồ Chúa bị điệu đến nơi xử án. Hai vị ung dung bưởc đi giữa một đoàn quân
oai vệ, có các quan cưỡi voi chỉ huy với cờ quạt chiêng trống, và theo sau là
đông đảo dân chúng. Vai mang gông, tay mang xiềng, hai vị thừa sai vừa đi vừa
cầu nguyện, dáng điệu hân hoan khiến mọi người phải sửng sốt bỡ ngỡ. Quan hỏi
lần chót xem nếu chịu xuất giáo sẽ được tha. Hai cha trả lời ngắn gọn:
"Không" rồi tiếp tục cầu nguyện cho tới khi đến pháp trường Bảy Mẫu.
Bà Maria Ơn có mặt tại buổi hành quyết thuật lại rằng : "Tôi thấy hai cha
quỳ xuống, chắp tay lại, mắt hướng lên trời, lính cưa gẫy gông, chặt đứt xích
sắt, trói tay vào cột rồi chém cổ hai cha". Sau khi thi hành án trảm, lý
hình tung đầu hai cha lên cao ba lần và nói : "Đầu đạo trưởng đã bị chém
đây".
Cha Tôma Đinh Viết Dụ
hưởng thọ 56 tuổi, đã lãnh phúc tử đạo đúng vào năm kỷ niệm ngân khánh linh mục
của cha. Một mùa ngân khánh được ghi vào lịch sử Giáo Hội. Thi thể hai cha được
an táng ngay tại pháp trường. Đến tháng giêng năm 1841, tin hữu cải táng về Lục
Thủy.
Đức Lêo XIII suy tôn
linh mục dòng Đaminh, cha Tôma Đinh Viết Dụ lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900.
Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Từ đó hài cốt vị tử đạo
được đặt trong hòm gỗ sơn son thiếp vàng trưng bày tại đền thờ Phú Nhai. Muôn
đời sẽ mãi mãi ghi nhớ hình ảnh người chứng nhân đức tin, một người con yêu của
Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi.
(Nguồn
từ thư viện Đa Minh)
Lời bất hủ: Cha bị đánh đập và tra tấn rất
nhiều, quan đòi cha phải khai chỗ ở của cha Candal Kim thừa sai, quan ra lệnh
đánh 76 roi để áp đảo tinh thần. Cha phó thác mình cho Ðức Mẹ và hàng ngày cha
hát bài: "Ave Maria Stella, kính chào Mẹ là ngôi sao mai rực rỡ, xin
chuyển cầu cho chúng con..". Tấm thẻ ghi án của cha Khoa viết: "Ðạo
Trưởng Vũ Ðăng Khoa bất khẳng quá khoá, phải xử giảo".
www.tinmung.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét