Thứ Hai sau Chúa Nhật 31 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) Pl 2, 1-4
"Anh em hãy làm cho
tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, nếu có sự an
ủi nào trong Ðức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp
nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho
tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung
một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau; chớ làm điều gì bởi ý cạnh
tranh, hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt
trổi hơn mình; mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy
nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3
Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
Xướng: 1) Lạy Chúa, lòng con
không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc
lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn. - Ðáp.
2) Nhưng con lo giữ linh hồn
cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn
con cũng như thế ở trong con. - Ðáp.
3) Israel hãy cậy trông vào
Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Mt 11, 29ab
Alleluia, alleluia! - Các
ngươi hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm
nhượng trong lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 14, 12-14
"Ông chớ mời các bạn
hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với
thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng: "Khi ông dọn tiệc trưa hay
tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những người láng giềng
giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông. Nhưng khi ông dọn tiệc,
ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được
phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi những người công chính
sống lại, ông sẽ được đền ơn".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Trong đời thường, mấy ai cho
đi mà không cần lấy lại? Thường người ta tính toán rất kỹ khi đến với nhau. Hòn
đất ném đi, hòn chì phải ném lại. Cho đi mà không được lại thì dần dần tình
thân sẽ phai nhạt, vì người ta chỉ đến với nhau khi thấy có lợi cho chính mình.
Còn ngược lại, Ðức Giêsu lại
dạy rằng: thi ân cho người mà không cần đáp trả. Làm ơn cho những người không
có khả năng đền đáp. Cho bất cứ người nào cần, chứ không "lựa mặt".
Ðấy mới là cho thật tình, cho hết lòng.
Chúng ta sẽ chọn lối sống
nào: của người đời, hay của Ðức Giêsu?
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã
sống với nhau như những người vô đạo. Chúng con tính toán, so đo, cân nhắc lợi
hại, sợ thua thiệt... Cách sống của chúng con như thể không hề biết đến giáo lý
yêu thương vị tha của Chúa. Giờ đây, chúng con xin Chúa thứ lỗi cho chúng con.
Chúng con xin Chúa giúp sức cho chúng con, để chúng con can đảm và luôn nhớ
thực hành những gì Chúa dạy chúng con hôm nay. Amen.
(Lời Chúa trong
giờ kinh gia đình)
Bác Ái Vô Vị Lợi
(Lc 14,12-14)
Suy Niệm:
Bác Ái Vô Vị Lợi
Tâm lý thường tình của con
người vẫn là: "Có qua có lại, mới toại lòng nhau" hoặc "Ông đưa
miếng giò, bà thò chai rượu". Chúng ta kết bạn thân thiết với ai, chúng ta
cũng muốn họ có một tâm tình như thế đối với chúng ta.
Nhưng Chúa Giêsu trong bài
Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một cái nhìn khác, đó là lòng bác ái vô vị lợi:
"Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng
giầu có... Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; họ
không có gì trả lễ, và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả công
trong ngày các kẻ lành sống lại".
Ở đây, Chúa Giêsu hướng lòng
con người về đời sau. Ðang lúc dự tiệc cưới trên trần gian, Ngài đã liên tưởng
đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Chúa, ở đó những người hèn
kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống; ở đó những người tàn tật, đui mù
thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa.
Gương bác ái vô vị lợi có thể
tìm thấy trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của tình yêu
Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Ðây là tình yêu vô
biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong
những bộ mặt của tình yêu. Chúa Giêsu đã xuống ngang tầm mức những kẻ nhỏ bé,
yếu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ
nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.
Tình thương của Chúa Giêsu
không đòi hỏi phải có đi có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không
làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất
cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ dàng chấp nhận lời mời
dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không
khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức
thân phận của mình: nhận ơn huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ
chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Ðấng tốt
lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ mong nơi họ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta noi gương sống bác ái của Chúa. Ngài đã yêu thương chúng ta bằng một
tình yêu bao la và nhưng không; do đó, chúng ta cũng có bổn phận phải cho đi
một cách rộng rãi và vô vị lợi những ân huệ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Ðược
như thế chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng thông dự bàn tiệc
vĩnh cửu trong Nước Chúa.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai
Tuần 31 TN2
Bài đọc: Phil
2:1-4; Lk 14:12-14.
GIỚI THIỆU CHỦ
ĐỀ:
Sống tinh thần bác
ái của Đức Kitô
Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng suy xét thật cẩn thận trước khi làm
các việc thiện nguyện trong cộng đòan hay bác ái xã hội. Họ tính tóan xem những
công việc này có đem lại những lợi ích cho cá nhân hay cộng đòan của họ; chẳng
hạn: cho đi với hy vọng sẽ nhận lại, bố thí để tìm hư danh, chỉ đi cầu nguyện
cho người chết nào mà mình hy vọng cũng sẽ được gia đình người chết đến cầu
nguyện cho khi mình chết. Các Bài đọc hôm nay đề nghị chúng ta thay đổi hòan
tòan những tính tóan ích kỷ này. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô liệt kê những
thái độ cần có và việc làm cần thực hiện để sống đức bác ái tuyệt hảo theo
gương Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên cần làm ơn cho những người
không thể trả ơn đời này; nhưng chính Chúa sẽ giúp họ trả ơn cho chúng ta đời
sau.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Duy
trì sự hiệp nhất trong tinh thần khiêm nhường.
Thánh Phaolô có lẽ đã có kinh nghiệm nhiều về sự ghen tương, bất hòa, chia rẽ
trong các cộng đòan ngài giúp để thành lập. Điều băn khoăn của ngài là làm sao
thuyết phục các tín hữu bỏ đi những tật xấu đã ăn sâu vào cuộc đời các tín hữu?
Ngài tìm ra chìa khóa duy nhất để giải quyết vấn đề là niềm tin vào Đức Kitô.
Theo cách cấu trúc câu, ngài liệt kê liên tục 4 mệnh đề “nếu;” và 4 mệnh đề hậu
quả theo sau sẽ tương xứng với 4 mệnh đề “nếu” này. Để dễ phân tích, chúng ta
sẽ gom chung chúng lại một trước khi phân tích:
(1) Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi,
thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một
cảm nghĩ.
Theo thần học về thân thể của Thánh Phaolô, mọi người đều là những chi thể được
liên kết trong cùng một thân thể của Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu. Nếu chỉ có
một Đầu là Đức Kitô thì chuyện có cùng một cảm nghĩ (froneo = suy nghĩ) là điều
tất yếu.
(2) Nếu tình
bác ái khích lệ chúng ta, hãy có cùng một lòng mến. Bác ái Kitô Giáo phát
xuất từ Thiên Chúa lan qua Đức Kitô, và chảy xuống mọi người. Chính Đức Kitô đã
xác nhận điều này: “Như Cha đã yêu Thầy thể nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy.
Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Jn 15:9). Sau đó, Chúa đòi các môn đệ: “Anh
em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Jn 15:12). Như thế, chỉ có
một lòng mến (agape) đến từ tình yêu Thiên Chúa.
(3) Nếu chúng ta được hiệp thông trong Thánh Thần, hãy có cùng một tâm hồn
(sumpsukos = liên kết trong cùng một tinh thần). Chữ Hy-Lạp dùng ở đây là danh từ kép:
“sum = cùng” và “psukos = tinh
thần.” Nếu tất cả đều nghe theo sự hướng dẫn của cùng một Thánh Thần, tập thể
sẽ hòa điệu và liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một tinh thần. Tinh thần
đồng đội hay tinh thần ái quốc là những ví dụ điển hình của sự liên kết tinh
thần này.
(4) Nếu
chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, hãy có cùng một ý hướng (to en
fronountes) như nhau. Động từ dùng ở đây giống như động từ trong trường hợp (1), điểm
khác biệt là ở chỗ là động từ dùng ở thời hiện tại phân từ và dùng với tĩnh từ
“en.” Có lẽ trong trường hợp (1), Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh tới một Đầu là
Đức Kitô, và trong (4), ngài muốn nhấn mạnh tới một thân thể.
Nếu các Kitô hữu đã được tháp nhập vào trong cùng một thân thể của Đức Kitô, họ
có bổn phận xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô bằng cách: “không được làm chi vì ganh
tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.
Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người
khác.”
2/ Phúc Âm: Làm ơn cho những người không có
gì để trả.
2.1/ Hai thái độ sống: công bằng và bác ái:
(1) Lợi nhuận của người đời: “Ăn miếng trả miếng. Hòn đất ném đi, hòn chì ném
lại.” Một
ví dụ thực tế Chúa đưa ra hôm nay: Khi mở tiệc đãi khách, con người thường có
khuynh hướng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giàu có, để đáp lễ hay
hy vọng sẽ nhận được gì từ họ. Cách cư xử như thế mới chỉ là công bằng mà thôi.
(2) Bác ái của người môn đệ Chúa Kitô: “Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những
người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế,
ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
2.2/ Tại sao phải giúp đỡ người nghèo khổ? Vì chúng ta cũng đã từng nhận ơn trong những
lúc gian nan tuyệt vọng. Chỉ cần hồi tưởng lại quá khứ đôi chút, chúng ta cũng
nhận ra đã không biết bao lần chúng ta đã từng nhận ơn nhưng không từ:
(1) Thiên
Chúa: Ngài
cho chúng ta có mặt trong cuộc đời, cho chúng ta hưởng tất cả những gì không do
tay chúng ta làm ra, tha thứ tội lỗi khi chúng ta xúc phạm đến Ngài, và không
ngừng gởi những người giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất khi chúng ta cần đến…
Chúng ta đã trả ơn được gì cho Ngài?
(2) Tha
nhân: Nếu
không có các quốc gia mở lòng nhân đạo nhận người vào định cư, nếu không có các
Hội Từ Thiện giúp đỡ những ngày chân ướt chân ráo đến định cư nơi đất khách quê
người, làm sao chúng ta có thể sống ổn định như ngày hôm nay? Chúng ta đã trả
lại được gì cho họ?
Vì chúng ta đã từng nhận nhưng không nên việc cho đi nhưng không là điều phải
làm để đền ơn những gì chúng ta đã lãnh nhận trong cuộc đời. Chưa chắc chúng ta
đã đền trả đủ theo đức công bằng chứ chưa nói tới chuyện bác ái!
2.3/ Làm cho
anh chị em túng nghèo là làm cho chính Chúa: May mắn cho chúng ta là những người được Chúa
mặc khải trước cho biết tiêu chuẩn Chúa dùng để phán xét trong Ngày Tận Thế:
"Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những
anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy… và mỗi lần
các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các
ngươi đã không làm cho chính Ta vậy" (Mt 25:40, 45). Như thế, có thể nói
đức bác ái là yếu tố quyết định để chúng ta vào hưởng nhan thánh Chúa hay sa
hỏa ngục.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để có thể sống đức bác ái trọn hảo, chúng ta phải để Chúa Kitô thấm nhuần
tòan bộ con người: từ tư tưởng, suy luận, cảm nghĩ, đến hành động.
- Để có thể cho đi nhưng không, cần xét mình thường xuyên để đánh giá những gì
mình đã nhận nhưng không nơi Thiên Chúa và tha nhân.
- Để có thể giúp đỡ tất cả mọi người, phải tập nhìn thấy Chúa trong tha nhân.
Đừng bao giờ quên đây là tiêu chuẩn Thiên Chúa sẽ dùng để phán xét. Nếu đã biết
trước tiêu chuẩn mà vẫn không chịu làm theo; có sa hỏa ngục cũng là tự do lựa
chọn của con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Hai tuần 31 thường niên
|
Sứ điệp: Tình yêu của Chúa bao trùm tất cả mọi người, không phân biệt
một ai. Ngài mời gọi chúng ta sống như Ngài: cư xử với nhau cách quảng đại và
vô vị lợi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thế
giới hôm nay đang bị đảo lộn, giá trị vật chất nhiều lúc được đặt trên giá trị
tinh thần. Cuộc sống giữa con người với nhau thường dựa trên sự trao đổi song
phương, hợp đồng hai chiều. Vì vậy, người ta ái ngại khi kết thân làm bạn với
những người nghèo khổ, cô thân cô thế.
Lạy Chúa, khi suy gẫm Lời Chúa hôm nay, con nhận
ra mình chỉ là kẻ nghèo khó thấp hèn, nhưng suốt bao nhiêu năm tháng qua, Chúa
đã ban cho con vô vàn ân huệ mà không đòi hỏi gì cả. Chúa đã ban tặng nhưng
không. Phần con đã so đo tính toán hơn thiệt. Khi giúp ai việc gì, con
bắt họ trả công, đền ơn đáp nghĩa. Khi ai tặng một món quà, thì con cũng nhớ
một dịp nào đó để tặng lại. Thậm chí, đôi lúc cho thì ít mà muốn nhận lại thì
nhiều, hoặc tệ hơn nữa, nhận vào mà không muốn cho đi. Con muốn giao du với
người giàu sang quyền quý, còn người nghèo khổ, con ngại ngùng gặp gỡ, tình
thương dành cho họ chỉ là những lời an ủi ngoài môi, chứ trong lòng không một
chút xót thương, cảm thông.
Lạy Chúa, con đã coi của cải vật chất trọng hơn
con người. Con đã sống ích kỷ và vô tâm trước tình thương Chúa dành cho con, và
xin ban cho con một quả tim của Chúa, để con sống quảng đại, biết cho đi mà
không cần tính toán, biết trao ban mà không mong đền đáp. Xin giúp con biết
phục vụ trong tình yêu thương. Amen.
Ghi nhớ :"Ông chớ mời các bạn hữu,
nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật".
www.phatdiem.org
05/11/12 THỨ HAI TUẦN 31 TN
Lc 14,12-14
MỜI NGƯỜI KHÔNG NÊN MỜI
“Trái lại, khi ông
đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có
gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc; vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày
các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,13-14)
Suy niệm: Khi mời “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”
chủ tiệc không những không được đáp lễ sau này, mà lúc này phải chấp nhận bao
nhiêu phiền phức với những thực khách “không nên mời” như thế; không chừng bữa
tiệc sẽ dở đi vì sự hiện diện của họ! Sự thường “bánh ít trao đi, bánh chì trao
lại.” Chúa Giê-su đề nghị một cách tính toán khác, hay đúng hơn, đừng tính toán
chi cả khi cho đi. Hãy ban phát theo tiếng gọi của một con tim rộng mở, nhằm
đến phúc lợi của tha nhân. Không ngại gian nan, không chờ đáp trả. Trong thực tế,
Thiên Chúa giàu lòng thương xót, bao giờ Ngài cũng bù đắp lại bằng những tấm
“bánh chì” đầy đặn.
Mời Bạn: Nhiều khi vì quá so đo tính toán, kiêu căng, vụ lợi, tôi
xếp hạng rất nhiều anh em vào hạng “nghèo khó, đui mù, què quặt” để tôi không
giúp đỡ, không mời cộng tác, không đối thọai, không giao tiếp. Cũng có thể do
óc bè phái, suy nghĩ hẹp hòi, thiếu khách quan vô tư. Trong công tác truyền
giáo rất cần có tinh thần cởi mở, đối thoại.
Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe những ý kiến của những kẻ khác mình, xác tín
rằng họ cũng có rất nhiều cái để mình học hỏi, để cho lại mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, [...] xin cho con một tâm hồn đơn sơ,
không biết đến phức tạp của ích kỷ, và tìm hiến dâng mà không đòi lại. Một tâm
hồn lặng lẽ, hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình không được người khác
biết đến [...]” (Cha Galot).
www.5phutloichua.net
Đáp lễ
Phúc
cho ai làm một việc tốt mà không được ai biết đến và đáp lễ. Họ sẽ được Thiên
Chúa “đáp lễ” trong ngày phục sinh.
Suy niệm:
“Bánh ít đi, bánh quy lại” hay
“Có đi có lại mới toại lòng nhau”:
đó vẫn được coi là cách cư xử
bình thường giữa người với người.
Hơn nữa ai làm như vậy còn
được coi là người biết cách xử thế.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu mời ta vượt lên trên
lối cư xử đó,
không ngừng lại ở chỗ tôi cho
anh, để rồi anh cho tôi (do ut des).
Ngài dạy cho ông chủ tiệc biết
nên mời ai và không nên mời ai.
Có bốn hạng người không nên
mời dự tiệc:
bạn bè, anh em, bà con họ
hàng, hay láng giềng giàu có.
Ngài đưa ra lý do: “Kẻo họ mời
lại ông, và ông được đáp lễ” (c.12).
Hơn nữa, Ngài còn nói đến bốn
hạng người nên mời dự tiệc:
những người nghèo khó, tàn
tật, què quặt, đui mù (c.13).
Đức Giêsu khuyên nên mời những
hạng người này,
vì họ không có khả năng mời
lại hay đáp lễ (c.14).
Như thế Đức Giêsu cho ta tiêu
chuẩn để mời khách dự tiệc.
Không mời những người quen
biết, thân thích, giàu sang,
để mời những người nghèo hèn,
những kẻ chẳng được ai mời.
Qua đề nghị khó thực hiện này
của Đức Giêsu,
Ngài đụng đến một khuynh hướng
tự nhiên mà ít người để ý.
Đó là khi làm điều tốt cho ai
ta
cũng mong được hoàn trả cách này cách khác.
Có
khi mong được trả lại tương đương hay hậu hỹ hơn.
Có khi mong trả lại bằng một
bia đá ghi công hay một lời tri ân đơn giản.
Nói chung để làm một hành vi
hoàn toàn vô vị lợi là điều rất khó.
Chỉ ai thành thật đi vào lòng
mình mới thấy mình ít khi cho không.
Đức Giêsu muốn hạn chế khuynh
hướng này.
Ngài mời chúng ta ra khỏi thế
giới của những người quen biết,
không kết thân với những người
giàu có và thế lực,
để mong họ đem lại lợi nhuận
hay làm ô dù cho ta.
Ngài đưa ta đến với những
người nghèo và không có địa vị,
những người không có khả năng
mời lại hay đáp lễ.
Có khi những người đó chẳng ở
đâu xa.
Họ nằm ngay trong số bạn hữu,
bà con, anh em, hay hàng xóm.
Khi mời họ dự tiệc, trân trọng
họ như khách quý,
chúng ta làm sống lại những
mối tương quan tưởng như không còn.
Đức Giêsu mời ta thanh luyện ý
hướng của mình khi làm điều tốt,
trở nên siêu thoát và từ bỏ
những tìm kiếm tự nhiên quy về mình.
Bài Tin Mừng đơn sơ này có thể
tạo một bước ngoặt trong đời Kitô hữu.
Chúng ta sẽ được nếm một mối
phúc mới:
Phúc cho ai làm một việc tốt
mà không được ai biết đến và đáp lễ.
Họ sẽ được Thiên Chúa “đáp lễ”
trong ngày phục sinh (c. 14).
Cầu nguyện:
Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất
đáng mến,
xin dạy con biết sống quảng
đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng
với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính
toán,
biết chiến đấu không ngại
thương tích,
biết làm việc không tìm an
nghỉ,
biết hiến thân mà không
mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã chu
toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những
người nghèo khó và tàn tật"
Tình Yêu Là Ân Huệ Tặng Không
“Trái
lại khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.
Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ
trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc. 14, 13-14)
Khi
kêu gọi quý khách hạ mình xuống để được vào nước trời, bây giờ Đức Giêsu chỉ
dẫn chủ mời cần điều chỉnh mọi hành động của ông theo tình yêu Thiên Chúa để
yêu người.
Tình yêu vụ lợi không được cứu độ.
Đối
với dân Do thái, mời ăn tiệc là tỏ lòng thân ái và tình bạn. Họ chỉ mời những
bạn hữu, anh chị em, cha mẹ, bà con và những người láng giềng giàu có, để mong
được mời lại. Hành động của họ không đặt nền tảng trên tình yêu như Chúa truyền
dạy. Đó là cách yêu mình, yêu vụ lợi.
Đức
Giêsu không nói đừng bao giờ mời bạn hữu. Những người lương dân thường làm thế,
nhưng đó không phải là dấu chỉ môn đệ Đức Giêsu. Môn đệ phải tìm theo Chúa,
không được đòi Chúa phải theo mình trong mọi việc của mình. Môn đệ phải sẵn
sàng yêu mến, và chia sẻ cơm áo cho những người Chúa yêu, như kẻ nghèo khổ, què
quặt, mù lòa.
Chỉ có ơn tặng không mới mở được cửa Nước Trời.
Con
đường của Chúa vượt tới từ bỏ chính mình, tới vô vị lợi tuyệt đối. Nếu bạn mời
những kẻ bất hạnh, họ không thể mời lại bạn, bạn mở con tim ra cho họ bằng một
tình yêu vô tư, tặng không, như chính Thiên Chúa yêu họ.
Trước
đó, bạn sẽ thấy hạnh phúc và phần thưởng trong ngày sống lại và phán xét.
Chính
Chúa Giêsu ban bữa tiệc tình yêu và truyền lại cho các môn đệ làm mà nhớ đến
cái chết hy sinh của Người. Trong bữa tiệc thánh đặc biệt này, Người không phân
biệt và loại trừ một ai. Bữa tiệc Thánh Thể này cần mở ra mời hết mọi người,
không phân biệt giai cấp xã hội, chủng tộc hay phẩm giá của họ.
Ta
chỉ cần đọc lại thư của thánh Giacôbê và những thư của thánh Phao-lô để nhận
thấy Giáo hội sơ khai đã tha thiết nhắc lại lời dạy của Đức Giêsu nói với biệt
phái khi họ mời Người.
Tình
yêu là một ân huệ Thiên Chúa tặng không cho ta. Ta đã được cho không, thì phải
tặng lại một cách quảng đại vô vị lợi.
RC.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11
5 THÁNG MƯỜI MỘT
Giáo Xứ Là Một Gia
Đình Ấm Tình Huynh Đệ
Con
người hiện đại thường mất hướng và đi lạc trong việc tìm kiếm tình bạn đích
thực. Đời sống gia đình và xã hội chúng ta thường hoặc quá hời hợt hoặc bị nát
vụn do những đổ vỡ. Môi trường làm việc thì thường rơi vào tình trạng phi nhân
hóa. Con người hôm nay khát khao cảm nghiệm một cuộc gặp gỡ đích thực với người
khác, khát khao một tình bạn ấm áp thực sự.
Đấy
không phải chính là ơn gọi của một giáo xứ đó sao? Chúng ta không được mời gọi
để trở thành một gia đình nồng ấm tình huynh đệ đó sao? (CT 67). Chúng ta không
phải là những anh chị em gắn bó với nhau trong gia đình của Thiên Chúa qua đời
sống cộng đoàn của chúng ta đó sao? (LG 28). Giáo xứ của bạn không chủ yếu là
một cơ cấu, một khu vực địa lý hay một cơ sở nào đó. Tiên vàn giáo xứ là một
cộng đoàn các tín hữu. Giáo Luật mới đã định nghĩa về giáo xứ như thế (GL 515,
1). Bổn phận của một giáo xứ hôm nay là: trở thành một cộng đoàn, khám phá lại
căn tính của mình trong tư cách là một cộng đoàn. Chỉ một mình bạn thôi, chưa
đủ để bạn làm Kitôhữu. Làm một Kitô hữu có nghĩa là tin và sống đức tin của
mình cùng với những người khác. Vì tất cả chúng ta đều là những chi thể của
Thân Mình Chúa Kitô.
Nhưng
bằng cách nào một cộng đoàn được sinh ra? Cần phải ghi nhận rằng không phải dễ
dàng tạo lập một cộng đoàn. Tự bản chất, cộng đoàn có nghĩa là hiệp thông. Dù
rằng trong tư cách là đại diện của giám mục, linh mục đóng một vai trò thiết
yếu, nhưng chỉ với vai trò của linh mục mà thôi thì không đủ để cho mối hiệp
thông lớn lên. Cần phải có sự dấn thân của mọi thành viên trong giáo xứ. Mỗi sự
đóng góp của các thành viên đều hết sức quan trọng. Công Đồng Vatican II đặc
biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đoàn và vai trò nòng cốt của người giáo
dân. (LG 32-33; AA 2-3)
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 05-11
Pl 2, 1-4; Lc 14, 12-14.
LỜI
SUY NIỆM:
Chúa Giêsu nói với người mời Ngài dự tiệc: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những
người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế,
ông mới thật có phúc: Vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
(Lc 14, 13-14).
Theo thói thường của người đời, khi chủ nhà mở một bữa tiệc, họ mong sao được
mời những người có chức quyền càng cao trọng càng làm cho chủ nhà được hãnh
diện và được tiếng tăm. Trong khi đó Chúa Giêsu lại bảo người đã mời Chúa dự
tiệc một điều trái ngược hẳn, đó là nên mời những con người ở tận cùng xã hội.
Đây là điều Chúa dạy bảo cho chúng ta biết tất cả mọi con người từ khi tượng
thai trong lòng mẹ cho đến khi lìa đời một cách tự nhiên, mặc dù họ mang dưới
hình thức màu da nào hay hình thể nào đều là một con người, họ hoàn toàn phải
được tôn trọng đúng với nhân vị nhân phẩm của một con người và họ cũng có quyền
bình đẳng về quyền lợi như mọi người khác đang sống trong cùng thời đại của họ.
Đây không phải là một lý thuyết suông, nhưng đã được Chúa Giêsu đồng hóa mình
khi Ngài lại đến phán xét toàn thể nhân loại trong Ngày Tân Thế.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
05
Tháng Mười Một
Chiếc
Quan Tài Con
Tại chùa Tô Châu bên
Tàu có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung, nổi tiếng là tu hành đắc đạo.
Nhà sư thường bày
trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 3
tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy thường tò mò tra
hỏi, nhà sư trả lời: "Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái
này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài
sắc thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì... Mỗi
khi có việc không được như ý, tôi cầm lấy cái quan tài mà ngắm, tức khắc tôi
cảm thấy được yên ổn trong tâm hồn ngay".
Con người sở dĩ chạy theo tiền tài danh vọng
đến độ chà đạp trên người khác là bởi vì con người không nghĩ đến cái chết đang
rình rập sau lưng. Khi tử thần xuất hiện, thì con người không kịp mang theo bất
cứ một tài sản nào. Cái chết chỉ trở thành đáng sợ khi con người còn quá nhiều dính
bén đối với trần thế này. Trái lại, được ôm ấp suy gẫm mỗi ngày, cái chết sẽ
trở thành một người bạn đồng hành giúp con người vượt qua được mọi chán chường,
bận tâm thái quá... Trong tất cả mọi sự, người không ngoan đích thực luôn nghĩ
đến cùng đích.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 05
Mỗi lần
chúng ta trung thành đáp trả một tác động của Thần Khí, với ước muốn nghe theo
điều Thiên Chúa chờ đợi chúng ta, ngay cả về một việc gần như không đáng kể,
thì sự trung thành này làm gia tăng trong chúng ta ân sủng và sức mạnh, có thế
áp dụng trong những
lãnh vực khác và, một ngày kia, cho chúng ta khả năng thi hành các giới luật
này, mà tới nay, chúng ta không có đủ sức để thực hiện trọn vẹn.
Có thể
nói, đây là việc áp dụng lời hứa của Đức Giêsu trong Tin Mừng: "Hỡi đầy tớ
tài giỏi và trung thành! được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao
nhiều cho anh" (Mt 25,23). Chúng ta sẽ nhận được ơn để trung thành trong
những việc quan trọng, không thể thực hiện được lúc này, khi cố gắng trung thành trong các việc nhỏ
vừa sức chúng ta, nhất là khi các việc nhỏ này do Chúa Thánh Thần yêu cầu, khi
thu hút lòng chúng ta với những cảm hứng của Người.
Khi Thiên
Chúa gợi ý làm một việc gì, thì đồng thời Người cũng
cho khả năng thực hiện... Mọi tác động của Thiên Chúa là sức mạnh để thi hành,
đồng thời là ánh sáng để hiểu biết điều Người ước muốn.
Linh mục Jacques
Philippe
Hạnh
Các Thánh
Ngày
05 tháng 11
THÁNH HUBERTÔ GIÁM MỤC
Cũng như xưa trên bờ hồ Tibêria, bằng một cái nhìn âu
yếm, Chúa đã làm cho những bác thuyền chài bỏ cha mẹ, vợ con, nhà cửa để làm
tông đồ Phúc âm, thì nay bằng lời mời gọi thầm kín trong tâm hồn, Chúa làm cho
nhiều người say mê thế gian bước đi theo Chúa. Thánh Hubertô đã được Chúa kêu
gọi trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: Từ một người mê chơi săn bắn được cất
nhắc lên chức Giám mục và trở thành vị thánh thời danh của Giáo hội thế kỷ
VIII.
Chúng ta không có tài liệu nào nói rõ đến quãng đời thơ
ấu của thánh nhân. Chỉ biết rằng thánh Hubertô là con nhà võ, vì thế, ngay từ
lúc 6, 7 tuổi, Hubertô đã được theo học nghề võ để sau này kế nghiệp cha. Hồi
lên 10, Hubertô được cha cho vào triều chầu vua. Vua thấy cậu bé kháu khỉnh lại
thích nghề võ nên đã bắt cậu ở lại triều đình để tập luyện. Lớn lên, Hubertô làm
quen với một thiếu nữ trong hoàng cung. Và sau khi được tuyển chọn làm tướng
chỉ huy quân đội cận vệ, Hubertô đã đính hôn với thiếu nữ ấy.
Mặc dầu đã chịu phép rửa tội, nhưng Hubertô như người mất
đức tin, ngày ngày chỉ lo ăn chơi tiệc tùng và đặc biệt ham mê săn bắn, còn
những việc đạo đức chàng đều coi như những việc của người mê muội dốt nát. Thế
nhưng Thiên Chúa Quan phòng đã dùng chính đam mê của Hubertô để làm cho ông
phải băn khoăn mà nghĩ đến đời sống bên kia nấm mồ. Một hôm đi săn, ngồi trên mình
ngựa, tay giương cung đang hăng hái băng qua những bụi cây rậm rạp, tự nhiên
một con nai béo tốt xuất hiện đứng ngay trước mặt. Con nai hiền từ không chút
lo sợ, Hubertô giơ cung định bắn, nhưng thình lình giây cung bị đứt. Thế rồi
Hubertô hoa cả mặt mũi, vì từ hai sừng nai phát ra một luồng ánh sáng kết thành
hình thánh giá. Hubertô ngây ngất lúc lâu rồi nghe như có tiếng bí mật từ luồng
sáng thổi ra: “Hubertô, Hubertô, mê săn bắn làm chi mà bỏ quên một công việc
trọng đại là lo phụng sự Thiên Chúa và làm cho nhiều người yêu mến Ngài?”. Nghe
mấy lời ấy, lòng Hubertô xao động. Hubertô quay lại thì con nai đã biến đâu
mất, giây cung lại lành như thường. Hubertô buông cương ngựa, quỳ sấp mình
xuống đất khóc lóc thảm thiết.
Trở về, Hubertô đến thưa chuyện với Đức Giám mục thành
Mettrít và xin ngài lo liệu cho vào rừng tu hành để đền tội quãng đời đã qua.
Đức Giám mục khuyên ngài hãy thong thả, cứ cố gắng thi hành việc bổn phận với
tinh thần yêu mến, rồi khi việc nhà việc nước ổn định, lúc ấy sẽ hay. Vâng lời Đức
Giám mục, Hubertô trở về triều đình tiếp tục chỉ huy binh sĩ. Từ đây, mỗi khi
muốn lên ngựa đi săn, Hubertô đều đến nhà thờ suy gẫm và đọc Kinh thánh.
Ít năm sau bà vợ ngã bệnh chết, Hubertô nghĩ rằng đây là
thời cơ thuận tiện để giũ bỏ chức tước danh vọng và lên rừng ẩn tu. Hubertô đã
đến trước mặt Hoàng đế để xin từ chức, nhưng không được vì chưa có ai thay thế.
Vừa khi tìm được người thay thế, Hubertô cởi ngay chiến bào, lên miền bắc tìm
đến khu rừng mà hồi xưa đã được ánh sáng lạ chiếu dọi. Sau mấy ngày đường, gặp
một nhà dòng nho nhỏ ở trong rừng, Hubertô xin vào tu trì tại đó. Nhưng sau vì
không thoả mãn với cuộc sống trong dòng, nên thánh nhân đã xin bề trên cho đi
ẩn tu trong một túp lều giữa rừng. Lúc ấy, thánh nhân mới 30 tuổi. Chuyến ra đi
của thánh nhân làm nhiều người chê cười, cho ngài là thằng ngố, thằng điên. Ai
cũng tưởng rằng cuộc đời của Hubertô như thế là hoàn toàn chôn vùi trong quên
lãng. Nhưng ngờ đâu đó mới là những năm sửa soạn cho một sứ mệnh cao cả hơn.
Qua bảy năm sau, Đức Giám mục thành Mettrit bị ám sát.
Tất cả dân thành lúc ấy lại nhớ đến thánh Hubertô, và họ đồng thanh yêu cầu
ngài về làm Giám mục. Sau mấy ngày cầu nguyện và hội ý với bề trên nhà dòng,
thánh nhân trở về địa phận coi sóc giáo dân.
Lên làm Giám mục, thánh Hubertô nỗ lực đem nhiều người về
chính đạo. Ngài đi kinh lý đến đâu là dân chúng từ các miền hẻo lánh đều tấp
nập đến nghe giảng dạy. Nhiều người sau khi đến nghe, đã trở về hạ bệ tất cả
các thần tượng, đốt phá và xin theo đạo Chúa. Ở Taxandrie và Brabant, Đức Giám
mục cũng cho triệt hạ nhiều đền thờ ngẫu tượng và xây thế vào những đền kỷ niệm
các thánh tử đạo.
Viết về quãng đời làm Giám mục của thánh Hubertô, cha
Ocan kết thúc như sau: “Quả Đức Giám mục Hubertô đã thể hiện toàn vẹn những
điều thánh tông đồ Phaolô căn dặn đồ đệ Timôthê của ngài: “Hỡi con, Giám mục là
người không thể bắt lỗi, chỉ kết bạn một lần, điều độ, khôn ngoan, tề chỉnh,
thanh sạch, hiếu khách, thông thái, không say sưa, không hiếu chiến, nhưng nhân
nhượng, không cạnh tranh, không tham lam, lại khéo coi sóc nhà mình, khiến con
cái tuân phục với mọi bề tiết hạnh…” (I Tm 3,1-6).
Cuối năm 727, Đức Giám mục đi làm phép vương cung thánh
đường ở Brabant. Trong buổi lễ hình như thánh nhân đã tiên cảm thấy cái chết,
ngài đã giảng một bài rất dài và cảm động về sự chết và lòng thống hối ăn năn,
sau buổi lễ, Đức Giám mục đến dự bữa cơm do cha xứ khoản đãi, Đức Giám mục cầm
ly rượu nhấp một chút và ngửa mặt lên trời như để trầm ngâm suy tưởng đến cuộc
sống mai hậu. Khi đứng dậy khỏi bàn ăn, một tu sĩ mời ngài uống thêm một chút
nữa, nhưng ngài trả lời: “Hẹn gặp nhau trên nước trời, còn bây giờ tôi không
uống nữa”. Trên đường trở về, thánh nhân bị cảm nắng, đồ đệ phải khiêng ngài
vào một túp lều nhỏ gần đó. Sau mấy ngày mê man bất tỉnh. Thánh Giám mục tỉnh
lại, xin chịu xức dầu và rước lễ cuối cùng. Ngày 30 tháng 12 năm 727, ngài êm
ái tắt thở sau khi đã sốt sắng đọc kinh Tin kính và kinh Lạy Cha.
Mười sáu năm sau khi mai táng, xác thánh vẫn còn nguyên
vẹn tốt tươi như người nằm ngủ. Thánh Hubertô đã được coi như thánh bổn mạng
của những người săn bắn và là lương y, chữa lành những người bị bệnh chó dại
cắn, vì người ta kể hễ ai bị chó dại cắn chỉ cần lấy miếng áo của ngài đắp lên
là được khỏi ngay.
Kính xin thánh Hubertô ban cho chúng con lòng yêu mến nhà
Chúa như người, để dù trong hoàn cảnh nào chúng con vẫn bền vững trong đức tin,
nêu gương cho nhiều người trở về tôn thờ Thiên Chúa Đấng độc nhất chân thật.
Amen.
Ðaminh Hà Trọng Mậu (1794-1858)
Ða-Minh Hà Trọng Mầu,
Sinh năm 1794 tại Phú Nhai, Bùi Chu, Linh mục Dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 5
tháng 11 năm 1858 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, Đức Piô XII suy tôn cha
Đaminh Hà Trọng Mậu, linh mục dòng Giảng Thuyết lên bậc Chân Phước ngày
29.04.1951. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển
thánh. Lễ kính vào ngày 5/11.
"Khi cha Hà
Trọng Mậu bị điệu đến nơi xử, tôi thấy cha hết sức bình tĩnh, hai tay chắp lại
như khi dâng lễ".
Lời chứng của bà
Maria Di có lẽ cũng nói lên được tâm tình của thánh Đaminh Hà Trọng Mậu trong
ngày tử đạo. 30 năm linh mục, với bao nhiêu thánh lễ trên bàn thờ, chắc chắn
giờ dây cha cũng hân hoan khi được hiến dâng chính mạng sống mình như Đức Giêsu
xưa trên đồi Golgotha. Tại bờ sông Hưng Yên hôm ấy, giữa tiếng quát tháo ồn ào
của quân lính và dân chúng, ngài đã quỳ đó thinh lặng, ngây ngất cầu nguyện và
nghiêng mình lãnh nhận nhát gươm hồng phúc.
Năm 1794, làng Phú
Nhai, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, quê hương của thánh Tôma Dụ và Đaminh
Đạt, đã được vinh dự chào đón ngày sinh của bé Đaminh Hà Trọng Mậu, vị tử đạo
tương lai. Lớn lên cậu xin phép cha mẹ, ông bà Đaminh và Maria Mỹ, dâng mình
cho Chúa và chung sống với những bạn đồng chí hướng. Như hạt giống tốt được ươm
vào mảnh đất phì nhiêu, nơi đây cậu Mậu được học chữ nghĩa và tập tành các nhân
đức. Càng thêm tuổi, cậu càng thêm khôn ngoan và đạo đức, càng được mọi người
mến thương.
Tiếp đó, cậu nhận
thấy Chúa muốn cho mình tiến xa hơn, nên cậu xin vào chủng viện và kiên trì học
tập cho đến ngày thụ phong linh mục. Năm 1829, cùng với 10 linh mục khác trong
giáo phận, cha Mậu xin vào dòng Đaminh để có thể kết hiệp mật thiết hơn với
Chúa, và gắn bó với nhau trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Năm sau, cả 11 vị
khấn dòng. Lớp tập của cha sau này tử đạo bảy vị, sáu vị kia đều thuộc danh
sách các Đấng đáng kính chờ được phong lên bậc Chân Phước.(1)
Trải qua những ngày
gian khổ dưới cuộc bách hại của vua Minh Mạng, rồi những ngày bình an hơn dưới
thời vua Thiệu trị, cho đến mười năm đầy khó khăn, thời vua Tự Đức, cha luôn
luôn tỏ ra là một người tận tụy với đoàn chiên, không quản ngại vất vả, không
lùi bước trước khó khăn, đem hết tâm trí sức lực mưu ích cho các linh hồn. Cha
đảm nhiệm nhiều giáo xứ, nhưng bất cứ nơi nào cần, cha sẵn sàng đến, coi thường
mọi hiểm nguy.
Ngày 27.08.1858, quan
quân đến vây làng Kẻ Diền và bắt được cha Mậu, những người phục vụ trong nhà xứ
và một số giáo dân khác, giải về Hưng Yên. Hơn hai tháng bị giam trong ngục,
dầu phải mang gông xiềng và chịu tra tấn nhiều lần, cha vẫn cương quyết tuyên
xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Ngược lại, cha biến nhà giam thành một nơi hoạt
động mới. Tại đây, cha gặp gỡ và khích lệ các giáo hữu cùng bị giam chấp nhận
mọi khổ đau vì niềm tin. Tại đây, cha giúp nhiều tội nhân hóan cải đời sống.
Đặc biệt, một số phụ nữ đạo đức tìm cách đưa giáo hữu ở ngoài vào thăm để được
xưng tội với cha.
Mặc dù phải ra tòa
nhiều lần, nhưng cha luôn luôn giữ trong mình chuỗi tràng hạt Mân Côi. Cha cố
dành ra những giờ rảnh rỗi để cầu nguyện và suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa
Giêsu. Đối với mọi người, cha luôn cư xử cách nhân ái, yêu thương săn sóc, nên
ai cũng quý mến cha. Bà Anna Ngoan, một người vẫn thường xuyên vào thăm cha
trong tù, khẳng định rằng: "Các lính canh cũng kính nể và khâm phục
cha".
Khi thấy không thể
làm cho vị chiến sĩ đức tin bỏ đạo, quan tỉnh Nam Định làm án trảm quyết cho
cha và 21 giáo hữu khác. Khi biết tin này, cha Mậu tỏ ra hân hoan, giứp đỡ các
giáo hữu xưng tội và chuẩn bị đón nhận hồng phúc tử đạo.
Ngày 05.11.1858, trên
đường ra pháp trường, mọi người đi dự đều có cảm tưởng cha đang nghiêm trang cử
hành thánh lễ. Ngước mắt lên trời, đôi khi tay chắp lại, cha dẫn đầu đòan người
tử đạo. Khi đến nơi xử, bên bờ sông Hưng Yên, cha quỳ gối xuống, tiếp tục cầu
nguyện ít lâu, rồi đưa cổ cho lý hình chém. Thi thể cha được mai táng trọng thể
tại nhà thờ xứ Mai Linh, tỉnh Nam Định.
Đức Piô XII suy tôn
cha Đaminh Hà Trọng Mậu, linh mục dòng Giảng Thuyết lên bậc Chân Phước ngày
29.04.1951. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển
thánh.
Nguồn từ thư viện Đa Minh
Trường
Thi Tử Đạo
Linh mục Ðaminh Hà
Trọng Mậu
Sinh Giáp Dần (1794)
quê cận Phú Nhai
Học xong Chủng viện
như ai
Thụ phong Linh mục
công khai khấn dòng
Là thợ gặt khéo trong
đồng lúa
Dắt đoàn chiên được
Chúa trao ban
Ðức tin dẫn lối đưa
đàng
Linh hồn mưu ích đảm
đang tiến hành
Cha lãnh nhận tân
canh nhiều xứ
Dù hiểm nguy bất cứ
nơi nào
Lên đường lời Chúa
giảng rao
Luôn đem tâm trí bước
vào khó khăn
Vây Kẻ Ðiền chúng săn
lùng bắt
Thấy Cha Mậu chăn dắt
đoàn chiên
Quân quan xông tới
trói liền
Giải về tra tấn xích
xiềng cổ gông
Cha cương quyết sẽ
không khuất phục
Một niềm tin hun đúc
tuyên xưng
Rao truyền lời Chúa
Tin mừng
Nhà giam ngài vẫn
không ngừng giảng rao
Các giáo hữu Chúa
trao đau khổ
Cùng bị giam một chỗ
với Cha
Giúp người hoán cải
thật thà
Vững tin vào Chúa lo
mà canh tân
Người đạo đức xa gần
giáo hữu
Vào thăm ngài cầu cứu
giải hòa
Bề ngoài tiếp tế thăm
cha
Chủ tâm xưng tội ngài
đà giúp dân
Cha bị nhốt vẫn lần
tràng hạt
Chia giờ ra khao khát
nguyện kinh
Cuộc khổ nạn Chúa tử
hình
Trên cây Thập Giá hy
sinh cứu đời
Cha cư xử nói lời thân
ái
Với giáo dân trai gái
thăm ngài
Bà Ngoan khẳng định
không sai
Cả toán lính gác quản
cai coi tù
Cũng kính nể nhà tu
gương mẫu
Không ghét yêu đổi
xấu thành hay
Ðức tin không thể
lung lay
Quân quan Nam Ðịnh ra
tay xử liền
Vua ra lệnh ban
truyền trảm quyết
Cha nghiêm trang mắt
liếc nhìn trời
Ðôi tay chắp lại
thảnh thơi
Lý hình chém cổ đầu
rơi lìa mình
Lễ mai táng linh đình
trọng thể
Tại nhà thờ nghi lễ
tiễn đưa
Giáo dân nước mắt như
mưa
Xác thân đau khổ hồn
đưa về Trời
Phúc tử đạo lãnh thời
Mậu Ngọ (1858)
Chết tuyên xưng tuổi
thọ bốn hai
Suy tôn Tân Mão
(1951) chẳng sai
Lên hàng Á thánh danh
ngài Thiên cung
Lời bất hủ: Khi
quan tổng đốc Nam Ðịnh không bắt cha bỏ đạo được thì làm án trảm quyết cha và
21 bổn đạo khác nữa. Khi biết tin này, cha Mậu tỏ ra hân hoan và giúp đỡ các
tín hữu trong tù xưng tội và chuẩn bị đón hồng ân Tử Ðạo. Khi ra pháp trường,
mọi người có cảm tưởng như cha đang nghiêm trang cử hành thánh lễ vậy.
www.tinmung.net
Thứ Hai 5-11
Vị Ðáng Kính Solanus Casey
(1870-1957)
B
|
arney Casey là một linh mục
nổi tiếng ở Detroit, Hoa Kỳ, dù rằng ngài không được phép giảng và giải tội!
Barney xuất thân từ một gia
đình ở Oak Grove, tiểu bang Wisconsin. Khi 21 tuổi, và sau khi đã trải qua các
công việc sinh nhai như đốn củi, giúp việc ở bệnh viện, tài xế xe công cộng và
cai tù, ngài gia nhập Chủng Viện Phanxicô ở Milwaukee -- nhưng không theo đuổi
nổi vì việc học quá khó khăn đối với ngài. Ðến năm 1896, ngài gia nhập dòng
Capuchin ở Detroit, lấy tên là Solanus. Một lần nữa, ngài phải vất vả với việc
học.
Ngày 24-7-1904, ngài được thụ
phong linh mục, nhưng vì kiến thức thần học được coi là quá yếu nên Cha Solanus
không được phép giảng và nghe xưng tội. Một tu sĩ Capuchin biết rõ về ngài cho
biết sự ngăn cấm khó chịu đó "đã khiến ngài trở nên cao cả và thánh
thiện." Trong 14 năm làm người gác cổng và dọn lễ ở Yonkers, Nữu Ước, dân
chúng nhận ra tài ăn nói của ngài.
James Derum, người viết tiểu
sử của ngài cho biết, "Dù ngài bị cấm không được giảng dạy về tín lý,
nhưng ngài có thể xuất khẩu những tư tưởng mà các cha Capuchin gọi là feverino". Nhiệt huyết tinh thần của ngài đã khiến người nghe
phải kinh ngạc.
Cha Solanus phục vụ tại các
giáo xứ ở Manhattan và Harlem trước khi trở về Detroit, là nơi ngài giữ việc
gác cổng và dọn lễ trong vòng 20 năm ở Tu Viện Thánh Bonaventura. Mỗi chiều thứ
Tư hàng tuần ngài thi hành công việc mục vụ cho các người bệnh. Một cộng tác
viên cho biết, trung bình từ 150 đến 200 người chờ đợi Cha Solanus ở văn phòng.
Hầu hết người ta đến để xin cha ban phép lành, và khoảng 40 đến 50 người xin
lời khuyên bảo của cha. Nhiều người coi ngài là một khí cụ của Thiên Chúa trong
việc chữa lành và nhiều ơn khác. Họ nhận thấy sức mạnh của sự cầu nguyện của
ngài, một người có đức tin mạnh mẽ.
Những lời Cha Solanus chia sẻ
về Thiên Chúa đã khích động các người nghe. Câu nói phổ thông của ngài là
"Hãy chúc tụng Thiên Chúa vì tất cả những công trình của Người."
Nhiều bạn hữu của Cha Solanus
đã giúp dòng Capuchin mở nhà phát chẩn cho người nghèo trong thời kỳ Ðại Khủng
Hoảng. Và cho đến ngày nay sinh hoạt đó vẫn tiếp tục.
Vào năm 1946, vì sức khỏe yếu
kém, Cha Solanus được thuyên chuyển về đệ tử viện Capuchin ở Huntington, bang
Indiana, là nơi ngài sống cho đến năm 1956. Ngài từ trần ngày 31-7-1957 tại
bệnh viện ở Detroit. Lời cuối cùng ngài thốt lên là: "Con phó linh hồn
con cho Chúa." Người ta ước lượng khoảng 20,000 người đã đến viếng thi
hài của ngài trước khi được mai táng trong nhà thờ Thánh Bonaventura ở Detroit.
Vào năm 1960, một tổ chức lấy
tên Cha Solanus được thành lập ở Detroit để giúp đỡ chủng viện Capuchin. Vào
năm 1967 tổ chức này có đến 5,000 hội viên - mà nhiều người đã từng được ngài
khuyên bảo cũng như an ủi. Ngài được tuyên xưng Ðáng Kính vào năm 1995.
Lời Bàn
James Patrick Derum, người
viết tiểu sử Cha Solanus nói rằng ngài kiệt quệ vì gánh nặng của những người
ngài phục vụ. "Ðã từ lâu, ngài hiểu rõ chân lý của lời Ðức Kitô là tình
yêu Thiên Chúa và tha nhân hệ tại ở hành động. Sống chân lý này một cách nhiệt
thành và liên tục đã khiến ngài trở nên một con người tự do về tinh thần --
không bị nô lệ bởi những đam mê, bởi cái tôi, bởi lạc thú, và bởi sự than van
-- để tự do phục vụ Thiên Chúa và đồng loại" (Người Giữ Cửa Nhà Thờ
Thánh Bonaventura, trang 199).
Lời Trích
Trong một lá thư gửi cho
người em là Cha Maurice Casey khi làm việc trong một bệnh xá gần Baltimore và
cảm thấy khó chịu với vị tuyên uý nhà thương này, Cha Solanus viết: "Thiên
Chúa đã có thể thiết lập Giáo Hội với sự trông coi của các thiên thần để không
có gì sai trái hay khiếm khuyết. Nhưng Giáo Hội, như hiện nay, bao gồm và dưới
sự trông coi của những người tội lỗi tầm thường -- kế vị 'người đánh cá tầm
thường ở Galilê' -- thì ai có thể hồ nghi rằng, chính Giáo Hội là một phép lạ
vĩ đại?"
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét