Ngày 30 tháng 11
Thánh Anrê, Tông Ðồ
Lễ Kính
Thánh An-rê - tranh Greco |
Bài Ðọc I: Rm 10, 9-18
"Lòng tin có là nhờ
nghe, còn nghe thì dựa vào lời Ðức Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Rôma.
Nếu miệng ngươi tuyên xưng
Ðức Giêsu là Chúa và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết
sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi. Quả thế, tin trong lòng thì sẽ được công
chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi.
Nhưng người ta kêu cầu thế
nào được với Ðấng mà họ không tin? Hoặc làm sao họ tin được Ðấng họ không nghe nói
tới? Nhưng nghe thế nào được, nếu không có người rao giảng? Mà rao giảng thế
nào được, nếu không được ai sai đi? Như có lời chép rằng: "Cao quý thay
chân những người rao giảng sự bình an, rao giảng tin lành!" Nhưng không
phải mọi người đều suy phục Tin Mừng cả đâu. Vì Isaia nói rằng: "Lạy Chúa,
nào có ai tin lời chúng con rao giảng?"
Vậy lòng tin có là nhờ nghe,
còn nghe thì dựa vào lời Ðức Kitô. Nhưng tôi xin hỏi: Phải chăng họ đã không
được nghe đến? Quả thật, tiếng của những vị đó đã vang dội ra khắp địa cầu, và
lời của những đấng ấy được truyền đến tận cùng thế giới.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5
Ðáp: Tiếng chúng đã vang cùng
trái đất. (c. 5a).
Xướng: 1) Trời xanh tường
thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này
nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. - Ðáp.
2) Ðây không phải lời cũng
không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã
vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. - Ðáp.
Alleluia: Ga 9, 19
Alleluia, alleluia! - Chúa
phán: "Các ngươi hãy theo Ta; Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư
phủ lưới người ta". - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 4, 18-22
"Các ông bỏ lưới mà
đi theo Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu
đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô,
và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người
bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành
những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði
xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và
Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai
ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.
Thánh Anrê Tông Ðồ
Anrê theo tiếng Hy Lạp có ý
nghĩa là: trượng phu và thanh nhã. Ngài được nhắc tới nhiều lần trong Tân Ước.
Thánh Gioa Baotixita đã giới thiệu Anrê và môn đệ khác với Chúa Giêsu. Ðáp lại
lời gọi của Chúa: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi thành những kẻ
chài lưới người", Anrê và Phêrô đã bỏ mọi sự mà theo Chúa. Khi Chúa Giêsu
ở đền thờ ra đi và nói tiên tri về sự tàn phá thành Thánh, Anrê đã hỏi Chúa xem
khi nào việc đó sẽ xảy ra.
Sau khi Chúa sống lại, Anrê
và các tông đồ khác lên đường rao giảng Tin Mừng. Chúng ta không có được những
sử liệu về cuộc hành trình truyền giáo của ngài, trừ một một đoạn văn sau đây
đề cập đến cuộc tử đạo của ngài: "Quan lãnh sự Akai bắt trói thánh nhân
vào cột đá để cho chết dần chết mòn. Dân chúng nhất quyết can thiệp để xin quan
tha cho ngài, nhưng thánh nhân muốn vui lòng chấp nhận cái chết anh dũng vì
danh Chúa để nên giống như Chúa". Năm 357, Giáo Chủ thành Alexandrie đem
hài cốt ngài về Constantinople.
Nhiều nhà thờ ở La Mã và bên
Anh đã được xây cất dâng kính thánh Anrê, Giáo Hội đã ghi tên ngài vào
"Lời nguyện hiệp nhất" trong thánh lễ.
(Veritas Asia)
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Lễ Thánh Anrê Tông Đồ
(Ngày 30 tháng 11)
Bài đọc: Rom
10:9-18; Mt 4:18-22.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Đẹp thay bước chân
những sứ giả loan báo Tin Mừng!
Thánh Anrê Tông Đồ, con
của ông Jonah hay John (Mt 16:17; Jn 1:42), sinh tại Bethsaida, miền Galilee
(Jn 1:44). Ngài là anh em với thánh Phêrô (Mt 10:2; Jn 1:40). Cả hai anh em đều
làm nghề đánh cá, và khi được gọi bởi Chúa Giêsu, hai anh em đang sống chung
một nhà tại Capernaum (Mk 1:21, 29).
Tin Mừng Thứ Tư cho
chúng ta biết Anrê lúc đầu là môn đệ của John Baptist, và sau lời làm chứng của
thầy mình, Anrê đã đi theo Chúa Giêsu (Jn 1:35-40). Sau khi nhận ra Chúa Giêsu
chính là Đấng Thiên Sai, ông vội vã giới thiệu Ngài cho Phêrô, em mình (Jn
1:41), và cả hai trở thành những môn đệ của Đức Kitô. Hai ông bỏ mọi sự để đi
theo Chúa Giêsu (Mt 4:19-20; Mk 1:17-18; Lk 5:11).
Tên của hai anh em được liệt
kê vào Nhóm Mười Hai Tông-đồ trong Tin Mừng Nhất Lãm và CVTĐ (Mt 10:2-4; Mk
3:16-19; Lk 6:14-16; Acts 1:13). Anrê luôn được kể là một trong bốn môn đệ đầu
tiên. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Anrê chỉ được nhắc tới một lần cùng với Phêrô,
Giacôbê và Gioan, khi các ông hỏi Chúa Giêsu về ngày mà Đền Thờ Jerusalem bị
phá hủy. Trong Phúc Âm Gioan, Anrê là người được nhắc tới trong phép lạ hóa
bánh ra nhiều để nuôi 5,000 người ăn (Jn 6:8-9), và khi một số người Hy-lạp đến
với Philip để xin cho họ gặp Chúa Giêsu, Philip đã chuyển lời của họ cho Anrê
(Jn 12:20-22).
Khi các Tông-đồ bắt đầu
nhận lệnh đi khắp tứ phương rao giảng Tin Mừng, thánh Jerome cho biết thánh
Anrê lúc đầu đã đi rao giảng tại Cappadocia, Galatia, Bithynia, và trong vùng
sa mạc Scythia; sau đó ngài tới Byzantium, Macedonia, Thessaly và Achaia.
Truyền thống tin ngài bị đóng đinh bởi Aegeas, Thống Đốc Rôma, tại Patrae trong
miền Achaia. Cuộc tử đạo của ngài xảy ra dưới thời hoàng-đế Nero (ngày 30 tháng
11 năm 60 AD). Di hài của ngài lúc đầu được giữ ở Constantinople, khi thành phố
này bị chiếm bởi người Pháp vào đầu thế kỷ 13, đức hồng y Phêrô của Capua đã
mang di hài của ngài về Ý và đặt trong thánh đường Amalfi. Thánh Anrê được tôn
làm quan thầy của Sô Viết và Tô Cách Lan.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Tiếng
các ngài đã dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
1.1/ Lời Kinh Thánh giúp
con người nhận ra sự thật và tin tưởng nơi Thiên Chúa: Trình thuật hôm nay
tiếp tục những gì thánh Phaolô đã trình bày trong những chương trước về đề tài
con người được nên công chính là do bởi niềm tin vào Đức Kitô, chứ không do bởi
việc giữ cẩn thận các Lề Luật. Ngay trong câu đầu tiên, thánh Phaolô đã trình
bày về việc làm sao con người có thể tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Vậy Kinh Thánh
nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời
đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin.”
Thánh Phaolô muốn nhấn
mạnh hai điều trong câu này: thứ nhất, Thiên Chúa là tác nhân chính, Ngài đã
đặt Lời vào trong con người; thứ hai, Phaolô chỉ là người cộng tác với Thiên
Chúa trong việc rao giảng để khơi dậy đức tin nơi người nghe. Phaolô trích dẫn
Sách Đệ Nhị Luật 30:14 theo văn bản của MT. Có sự khác biệt giữa Bản Bảy Mươi
và Bản MT: Bản Bảy Mươi có thêm câu “và ngay trên tay bạn;” có lẽ tác giả của
Bản Bảy Mươi cũng muốn đến sự liên hệ giữa đức tin và hành động để biểu lộ đức
tin. Theo Phaolô, con người phải tin Đức Kitô trong lòng và tuyên xưng ngoài
miệng: Ngài đã được Thiên Chúa sai đến với con người để chịu chết và đã sống
lại, thì mới được hưởng ơn cứu độ.
1.2/ Thiên Chúa thương xót
tất cả những ai tin tưởng nơi Ngài: Ơn cứu độ của Thiên Chúa được mở rộng cho tất
cả những ai tin và kêu cầu danh của Ngài; chứ không phải chỉ giới hạn trong
vòng dân tộc Do-thái như nhiều người lầm tưởng. Phaolô trích dẫn các Sách Tiên
Tri, Isaiah 28:16 trong câu 11, và Joel 2:32 trong câu 13, để nói lên sự thật
này. Đây là điều hợp lý và chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người.
Phaolô kết luận: “Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người
Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những
ai kêu cầu Người.”
2/
Phúc Âm: "Các
anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới
cá."
2.1/ Chúa Giêsu mời gọi 4
môn đệ đầu tiên đi theo Ngài: Chúa Giêsu mời gọi các ông hướng tới sứ vụ cao trọng hơn:
mang ánh sáng chân lý của Thiên Chúa và ơn cứu độ đến cho con người. Thoạt nghe
trình thuật của Matthew, chúng ta có thể thắc mắc: Làm sao 4 môn đệ đầu tiên
này có thể đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu cách dứt khoát và nhanh chóng như
thế? Bốn ông đều chắc chắn đã có cơ hội nghe Chúa Giêsu rao giảng trong hội
đường Capernaum và chung quanh vùng Biển Hồ Galilee, đã chứng kiến các phép lạ
Ngài làm, đã nghe dân chúng bàn tán về Ngài... Tất cả những điều này làm các
ông phải suy nghĩ nhiều đêm, để rồi hôm nay, khi Ngài chính thức mời gọi:
"Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người
như lưới cá;" các ông mới có thể bỏ mọi sự đi theo Ngài.
2.2/ Các môn đệ phải dứt
khoát đáp trả: Tuy thế, phản ứng dứt khoát của các tông đồ cũng làm cho chúng ta
phải kinh ngạc. Nghề nghiệp không dễ bỏ vì nó liên quan đến vần đề sinh sống.
Các ông chắc cũng thắc mắc: “Bỏ nghề rồi làm gì ăn?” Bỏ cha già ở lại trên
thuyền với lưới rách còn khó hơn. Ơn sinh thành phải đền trả. Giờ đã đến lúc
người cha già yếu phải sống nương tựa vào sức mạnh của con, thế mà hai người
con khỏe mạnh đành lòng để cha già ở lại để bước theo Đức Kitô! Hơn nữa, chắc
họ cũng phải nhìn lại con người mình và tự hỏi: Làm sao một dân thuyền chài có
thể mang ánh sáng chân lý tới cho con người? Chính họ cần được ánh sáng chân lý
chiếu soi trước hết.
Các ông có can đảm bước
đi theo tiếng gọi của Chúa Giêsu vì các ông được soi sáng để nhận ra đâu là
điều quan trọng trong cuộc đời. Các ông đi theo Chúa Giêsu vì các ông nhận ra
có những điều trong cuộc đời cao trọng hơn là nghề nghiệp và sự đáp trả công ơn
sinh thành bằng việc giúp đỡ phần xác. Chúa Giêsu phải có những điều có thể lấp
đầy những nỗi khao khát trong tâm hồn các ông. Các ông thấy dân chúng lũ lượt
và nhiệt thành đến với Chúa Giêsu để nghe Ngài dạy dỗ và chữa lành. Các ông cảm
thấy hãnh diện được trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, và việc tham gia vào sứ vụ
cứu độ của Chúa phải là điều đáng ao ước hơn cả.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trong cuộc đời, có
những điều quan trọng hơn là công việc làm. Chúng ta hãy noi gương thánh Anrê
để đi tìm sự thật, và sau khi đã tìm thấy, loan báo sự thật này cho mọi người.
- Trong tiến trình đem
con người đến với Thiên Chúa, con người chỉ là khí cụ Thiên Chúa dùng để rao
giảng. Để con người hoán cải và tin vào Thiên Chúa, con người cần ơn thánh hoạt
động cả bên trong lẫn bên ngoài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ
Sứ điệp: Khi xưa, Chúa Giêsu đã kêu gọi các
tông đồ theo Chúa. Ngày nay, Chúa cũng mời gọi mọi người như vậy. Theo Chúa
có nghĩa là từ bỏ tất cả để sống với Chúa, sống như Chúa, và loan báo Tin
Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cuộc
sống con ngụp lặn trong hồng ân Chúa mà đôi khi con vô tình không nhận ra.
Giữa muôn người, Chúa đã chọn và kêu gọi mười hai người làm tông đồ để trở
nên cột trụ của Hội Thánh. Giữa muôn người, Chúa cũng đoái thương nhìn đến
con và kêu gọi con theo Chúa. Chúa đi tìm và gọi con từ giữa cuộc sống của
con, giữa tình trạng hiện tại của con, bất kể con giàu hay nghèo, quê mùa hay
trí thức, đạo đức hay tội lỗi, nghề này hay nghề nọ. Chúa cho con được sống
với Chúa để biết Chúa, để sống tình bạn hữu với Chúa. Và Chúa mời gọi con bắt
chước Chúa, sống theo lời Chúa dạy. Tất cả cuộc đời con bắt nguồn từ tiếng
Chúa kêu mời. Con tạ ơn Chúa vì niềm hạnh phúc này.
Con xin Chúa ban sức mạnh giúp con bắt chước các tông đồ, biết
từ bỏ tất cả để theo Chúa, từ bỏ ngay cả những gì con gắn bó và yêu quý nhất.
Đời sống con còn lừng khừng nửa vời, con vẫn quyến luyến vấn vương với tạo
vật. Xin Chúa giúp con dứt khoát để theo Chúa sát hơn.
Dù con bất xứng thấp hèn, con cũng xin Chúa biến đổi và thánh
hóa để con trở nên ngư phủ cộng tác với Chúa, thả lưới đánh bắt các linh hồn
về cho Chúa. Xin Chúa giúp con tận dụng thời giờ và khả năng của con để làm
tông đồ trong hoàn cảnh cuộc sống con.
Con đã nhiều lần trong đời nghe tiếng Chúa gọi. Xin cho con được
nhận ra tiếng gọi ấy mỗi ngày để con sống xứng đáng hơn. Amen.
Ghi nhớ :"Các ông bỏ lưới mà đi theo Người".
www.phatdiem.org
|
|
30/11/12 THỨ SÁU TUẦN 34 TN
Th. Anrê, tông đồ
Mt 4,18-22
Th. Anrê, tông đồ
Mt 4,18-22
BỎ MỌI SỰ MÀ THEO
Người bảo các ông:
“Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như
lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người. (Mt 4,19-20)
Suy niệm: Những người làm kinh doanh đều phải cậy nhờ đến quảng cáo,
tiếp thị. Đủ mọi kiểu mời chào được đưa ra. Lời mời chào nào cũng hấp dẫn, cũng
êm tai. Tất cả đều đánh động sở thích, khai thác tâm lý của ta, nhằm lôi kéo ta
tìm kiếm thỏa mãn các nhu cầu nhân sinh. Chúng làm người ta tưởng rằng cứ dùng
sản phẩm được quảng cáo đó là tự động mình được tăng giá trị, trở thành người
“đẳng cấp.” Chúa Giêsu thật “hiện đại” khi đưa ra lời mời gọi đầy hứa hẹn và
hấp dẫn: theo Ngài làm “kẻ
lưới người như lưới cá”! Nhưng còn hơn thế nữa: “Chọn theo” Ngài làm môn đệ
là “chọn bỏ” mọi sự của cuộc sống cũ, cuộc sống thế tục để chọn Thiên Chúa là
“tất cả” cho cuộc sống mới, cuộc sống nối tiếp sứ mạng của Chúa Kitô.
Mời Bạn: Anrê và các bạn “lập tức bỏ chài lưới” không phải để tìm
kiếm một mối lợi nào mà để “đi theo” Đức Kitô. Các ông bỏ một cuộc sống ổn
định, an toàn để dấn bước vào một cuộc mạo hiểm; nhưng sự mạo hiểm đó lại chắc
chắn an toàn hơn bất cứ chọn lựa nào khác vì “Ai” đó mà các ông theo chính là
Đức Kitô. Phần bạn, bạn có đang chọn Chúa Kitô không? Để “chọn” theo Ngài, bạn
phải dám “bỏ” những thứ “tình, tiền, tài” làm bạn vướng chân trong những sự đời
này và không thể vươn tới hạnh phúc vô biên đích thực.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên làm những hy sinh nho nhỏ (kiềm chế một hành
vi nóng nảy, một lời nói giận dữ…) để sẵn sàng cho những từ bỏ lớn hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con vẫn trông cậy Chúa, lòng con tin tưởng nơi
Ngài.
www.5phutloichua.net
Hãy đi theo tôi
Con người của mọi dân tộc là mối bận tâm của
Thiên Chúa. Theo Chúa Giêsu là chia sẻ nỗi thao thức của Ngài về nhân loại, và
đồng lao cộng khổ với Ngài trong sứ mạng cứu độ thế giới.
Suy niệm:
Như một sự tình cờ, lúc đang
đi dọc theo bờ hồ Galilê,
Đức Giêsu thấy bóng dáng các
anh đánh cá quen thuộc.
Hẳn họ đã có lần nghe Ngài
giảng và thấy Ngài chữa lành bệnh nhân.
Đức Giêsu yên lặng nhìn các
anh làm việc.
Họ đang quăng lưới bắt cá hay
ngồi trong khoang vá lưới với cha.
Cảnh tượng rất đời thường và
ấm áp.
Đẹp biết mấy chuyện con người
làm việc chung với nhau.
Sau này họ sẽ biết cách làm
việc với nhau trên con thuyền Giáo Hội.
Chúa Giêsu hôm nay cũng thấy
tôi.
Tôi thế nào, Ngài thấy tôi thế
ấy.
Cái nhìn của Ngài không làm
tôi bị tê liệt, nhưng cho tôi tự do.
Ngài chấp nhận trọn vẹn con
người tôi, cả tội lỗi và yếu đuối.
Chẳng cần son phấn, tôi thu
hút Ngài bằng cái mộc mạc của tôi.
Ngài gặp tôi hôm nay lúc tôi
đang mải mê làm một việc gì đó.
Ngài gặp tôi giữa cái vất vả
kiếm sống của đời thường.
Hạnh phúc cho người nào được
thấy Thiên Chúa (Mt 5, 8),
và cũng thật hạnh phúc cho
người nào được Thiên Chúa thấy.
“Các anh hãy theo tôi”:
đây là một lời mời dành cho mọi Kitô hữu.
Ơn gọi Kitô hữu khởi đi từ
tiếng gọi của Thầy Giêsu.
Người Do Thái thường tầm sư
học đạo,
còn ở đây, chính Thầy Giêsu đi
chọn môn đệ cho mình (Ga 15, 16).
Ngài mời ta đi theo chính con
người của Ngài,
chứ không phải theo một lý
tưởng cao đẹp hay một dự án hấp dẫn.
“Tôi sẽ làm cho các anh trở
thành những kẻ lưới con người.”
Một cuộc đổi đời thực sự, từ
lưới cá đến lưới con người.
Con người của mọi dân tộc là
mối bận tâm của Thiên Chúa.
Theo Chúa Giêsu là chia sẻ nỗi
thao thức của Ngài về nhân loại,
và đồng lao cộng khổ với Ngài
trong sứ mạng cứu độ thế giới.
Simon và Anrê đã bỏ chài lưới,
Giacôbê và Gioan bỏ thuyền và cha.
Sự từ bỏ nào cũng gây ít nhiều
xót xa đau đớn.
Biển cả, sóng nước, thuyền bè,
lưới cá, người cha, người vợ:
biết bao giá trị phải bỏ lại,
những người tôi đã và vẫn còn yêu mến.
Từ bỏ chỉ khả thi nếu tôi gặp
một giá trị cao hơn, một tình yêu lớn hơn.
Chúa không đòi mọi người phải
sống đời tu, nhưng đòi phải từ bỏ mình.
Từ bỏ đơn giản là đặt Thiên
Chúa lên trên mọi thụ tạo khác,
là chọn Giêsu trong giây phút
hiện tại, là đón lấy cái bấp bênh.
Bốn anh ngư phủ đã lên bờ để
đi theo một ông thợ mộc bỏ nghề.
Đời họ đã sang một trang mới.
Hôm nay Chúa vẫn đi ngang qua
đời tôi như một sự tình cờ.
Ngài vẫn thấy, vẫn gọi, để tôi
bỏ và đi theo.
Không thấy và gọi, thì cũng
chẳng ai từ bỏ và đi theo.
Tiến trình này được lặp lại
nhiều lần, làm nên hành trình Kitô hữu.
Hôm nay tôi mong theo Chúa hơn
hôm qua, và ngày mai hơn hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm
hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống
của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn
thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức
sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua
chúng con,
để những người chúng con
tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang
hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao
giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói
suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng
tá,
và bằng trái tim tràn đầy
tình yêu của Chúa.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Các ông bỏ lưới mà đi theo Người".
Tông đồ trước nhất, Andrê
Lễ
Thánh Andrê là lễ trước nhất trong lịch sử phụng vụ chư thánh, Ngài là người
trước nhất đi theo Đức Giêsu và là người trước nhất tuyên bố Đức Giêsu là Đấng
Messia. Thánh Gioan kể nhiiều chi tiết về Thánh Andrê hơn Thánh Matthêu cho
chúng ta biết thái độ của Thánh Andrê.
Andrê
là anh của Simon. Ngài đã thuộc nhóm đạo đức của Thánh Gioan tiền hô. Ngài cùng
với Thánh Gioan đi tháp tùng Thánh Gioan Tiền Hô. Khi Thày thấy Đức Giêsu đi
ngang qua, thày đã nói: “Đây Chiên Thiên Chúa Andrê đã bỏ thày lại và đi theo
Đức Giêsu, đến nơi ở của Người và họ đã ở lại với Người từ ngày đó!”
Ngày
hôm sau, khi em mình là Simon, Ngài nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, rồi ông
dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu”. (Ga 1, 41-42)
Theo
truyền khẩu Ngài chết ở Patras Hy Lạp, bị đóng đinh vào thập giá hình chữ X.
Ngày
nay, ta luôn luôn có cảm tưởng rằng để noi gương các thánh, chúng ta phải thực
hành nhân đức đặc sác của Ngài. Đúng thế! Nhưng suy nghĩ về các Thánh mà chúng
ta biết điều thúc dục chúng ta là luôn cầu nguyện theo gương các Ngài, như
phụng vụ khêu gợi cho chúng ta. Tờ kê khai các nhân đức của các Ngài thì dài vô
tận và chúng ta sẽ như chim chích vào rừng, nói thế không phải chuyện dỡn!
Nhưng
thay vì lạc vào rừng, tiên Việt Nam hãy theo Thánh Andrê, cũng như các thánh,
muốn dạy chúng ta bài học độc nhất là: gặp gỡ Đức Ki-tô và yêu mến Người. Đó là
đúng nhất. Không còn bài học nò khác, cũng không phải tìm ai nữa, Ngài đã tìm
được Đấng giải thích cho lý trí của Ngài: “Tôi đã gặp được Đấng tôi yêu và yêu
tôi”. “Tôi yêu Người trọn vẹn vì lý do đó”.
Andrê
nghĩa là dâng hiến, là trung tín, là tất cả trong tình yêu, tình bạn khiêm tốn.
J.M.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11
30 THÁNG MƯỜI MỘT
Ngài Đến Để Phán Xét
Kẻ Sống Và Kẻ Chết
Chúng
ta biết về cuộc sinh hạ Chúa Giêsu trong đêm nhiệm mầu ấy ở Bê-lem. Chúng ta
biết cuộc sống và cái chết của Người trên Thập Giá. Bằng lời Tin Mừng cứu độ
của Người và, cuối cùng, bằng cái chết và cuộc Phục Sinh của Người, Người đã
rao giảng “những gì công minh chính trực” trên mặt đất. Chúng ta hãy “đứng
thẳng dậy và ngẩng đầu lên”. Vì với sự đến của Đấng Công Chính, với mầu nhiệm
Vượt Qua của Người, ơn cứu độ của chúng ta được bảo đảm.
Mùa
Vọng hướng chỉ về sự đến của Đấng Cứu Chuộc, của Con Người, Đấng đã sinh ra ở
Bê-lem đêm ấy. Từ khoảnh khắc kỳ diệu ấy, Người tự tỏ lộ cho chúng ta thấy
chính Người trong toàn bộ lịch sử nhân loại từ khởi đầu tới chung cuộc.
Người
cho chúng ta thấy lịch sử loài người trên trái đất không phải chỉ là một dòng
lịch sử hướng về sự chết. Lịch sử ấy có ý nghĩa của nó và dẫn về điểm hoàn
thành mọi sự. Theo nghĩa đó, Mùa Vọng hướng chỉ một sự đến khác của Con Người,
lần này trong tư cách là vị Thẩm Phán của hồi tận thời. Người đã đến để ươm mầm
Tin Mừng qua cuộc Nhập Thể và cuộc Tử Nạn của Người. Người sẽ đến lần thứ hai
để phán xét các dân tộc và thu hoạch hoa trái mà Người đã gieo trồng. Người sẽ
đến để bóc trần những kín ẩn của mọi lương tâm và mọi cõi lòng vào cuối thời
gian.
Như
vậy, lịch sử con người trên trái đất không chỉ là một hành trình tiến về cái
chết. Tiên vàn nó là một sự chuẩn bị cho sự thật của cuộc phán xét. Nó là một
sự chuẩn bị cho sự sống viên mãn trong Thiên Chúa.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Anrê Tông Đồ; Rm 10,9-18; Mt 4,18-22.
LỜI
SUY NIỆM:
Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon,
cũng gọi là Phêrô, và người anh là Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông
làm nghề đánh cá. Người gọi các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các
anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4, 18-20).
Chúa Giêsu thường kêu gọi những con người đang làm việc, dù là họ đang làm bất
cứ việc gì, Chúa gọi Phêrô và Anrê khi các ông đang quăng chài để bắt cá. Chúa
chọn ông Mátthêu khi ông đang ngồi làm việc ở bàn thu thuế, một bên là nghề
người đời cho là lương thiện, một bên nhiều người căm ghét và xếp vào hàng tội
lỗi. Nhưng qua sự đào tạo của Chúa tất cả đã trở thành những vị Tông Đồ nhiệt
thành tiên khởi xây dựng Hội Thánh của Chúa tại trần gian này. Trong đời sống
của mỗi Ki-tô hữu cũng đang được Chúa Giêsu kêu gọi sống theo giáo huấn của Ngài
trong những công việc của chúng ta đang làm. Để những người quanh chúng ta nhìn
thấy mà tôn vinh Thiên Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 30-11
Thánh ANRÊ TÔNG ĐỒ
(Thế kỷ I)
Anrê
tiếng Hy lạp có nghĩa là mạnh mẽ can đảm. Thánh Anrê được vinh dự làm một trong
số 12 tông đồ của Chúa Giêsu. Con của Gioana. Như em mình là Phêrô, Ngài làm
thuyền đánh cá và không có gì khác ngoài chiếc thuyền. Như thế Ngài thuộc lớp
người khiêm tốn được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt. Ngài vẫn sống tại làng
Bethsaida nhỏ bé bên bờ biển Galilêa cũng gọi là hồ Giênezareth. Ngày ấy đang
khi cùng với Phêrô đi thả lưới, Chúa Giêsu đã đi ngang qua và đưa lời gọi sẽ
quyết định cuộc đời các Ngài : - Hãy theo tôi, tôi sẽ làm các anh thành các ngư
phủ lưới người ta.
Đây
không phải lần đầu Anrê đã gặp đấng cứu thế. Thỉnh thoảng Ngài có tới nghe
Gioan Tẩy giả rao giảng trong sa mạc. Khi ấy Chúa Giêsu xuống Galilea và Gioan
tẩy Giả đã nói : - Đây là Chiên Thiên Chúa.
Và
ANRÊ có mặt ở đó với Gioan, đã biết được Người là Đấng thiên sai mong chờ.
Gioan và ANRÊ lên đường theo Người xa xa vì họ cảm động và không dám tới gần.
Nhưng Chúa Giêsu quay lại và nói với họ : - Các anh tìm chi vậy ?
Họ,
những người chỉ tìm, chỉ muốn Chúa thôi đã thưa lại : - Thưa Thầy, thày ở đâu ?
Chúa
Giêsu nói : - Hãy đến mà xem. Và cả hai đã ở với Chúa hôm ấy.
Khi
trở về nhà ANRÊ đã nói với em mình : - Chúng tôi đã gặp được Đấng thiên sai.
Từ
đó hai anh em đã bỏ chài lưới để tới gần Chúa Giêsu. Họ nghe Người và thần tính
của Người dần dần rọi sáng tâm hồn họ. Họ đã tông thờ Đấng cứu thế ở trong lòng
rồi.
Ở
tiệc cưới Cana, Anrê đã thấy Chúa Giêsu biến nước thành rượu và lần đầu tiên
thấy tỏ lộ vinh quang thần linh của Ngài. Thế là sau biến cố ấy Chúa Giêsu đã
gọi hai anh em bên bờ biển Galilea và họ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa.
Anrê
đã rạng rỡ trong lòng mà tham dự vào cuộc chữa lành các bệnh nhân gặp thấy trên
đường đi, việc Phúc âm những kẻ chết, việc Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi đoàn
người đói lả vây quanh Chúa Giêsu. Chính Anrê đã nói : - Có một bé trai có năm
chiếc bánh và hai con cá, nhưng bằng ấy thì thấm vào đâu đối với ngần này người
(Ga 6,8 -9).
Và
Ngài được thấy Chúa Giêsu tăng gấp số thực phẩm. Ở Gierusalem, Ngài còn cho
Chúa biết rằng: lương dân đã xin với Philipphê cho được gặp Người. Ngài đã nghe
loan báo các chân phúc, các dụ ngôn. Ngài đã có mặt trong bữa tiệc ly. Sau phục
sinh, Ngài đã sung sướng gặp lại Thày chí thánh. Ngày lên trời, Ngài thấy Người
tiến lên mây trời. Ngày hiện xuống, Ngài đón nhận Chúa Thánh Thần.
Sau
những tường thuật trên của Phúc âm, người ta không biết gì chắc chắn nữa về
Anrê. Các bản văn không có thẩm quyền nói rằng: Ngài đã góp phần Phúc âm hóa
dân chúng miền Bithynia, Bontê và Galitia. Ngài bị bắt bên bờ Bắc hải và kết
thúc cuộc đời tại Achaia. Lửa đức ái rực cháy trong lòng vị tông đồ. Người ta
nói rằng: để cải hóa một tâm hồn, Ngài ăn chay 5 ngày. Đây là tục truyền kể lại
cuộc tử đạo của thánh Anrê ở Taurida.
Êgêa,
tổng trấn tỉnh đó cho biết vị tông đồ có mặt ở Patras, thủ phủ của ông, ông
liền vội vã tới nơi: kẻ ngoại lai này muốn phá hủy đền thờ các thần minh ư ?
Nhưng Anrê không sợ gì Egêa. Ngài đã nắm vững được chân lý. Ngài nói :- Tôn thờ
loài người chỉ là dị đoan điên khùng. Ong đã lãnh quyền xét xử người ta, trước
hết ông phải biết đến vị thẩm phán xét xử mọi người chúng ta ở trên trời và ông
phải tôn kính ca ngợi Người.
Êgêa
vặn lại: - Vị thẩm phán anh nói là Chúa Giêsu mà lời ông ta thường giảng dạy đã
làm cho ông ta phải chết trên thập giá chứ gì ? Vậy nếu anh không dâng hương tế
thần, anh cũng sẽ phải chết trên thập giá như vậy.
Không
hề sợ sệt, Anrê như rạng rỡ vì hạnh phúc : làm sao Ngài để mất danh dự được
đóng đinh vào cùng một đau khổ giá như thày mình được ? Khi bắt đầu những tra
tấn đầu tiên, lòng dũng cảm còn tăng thêm, Ngài nói với Êgêa: - Cực hình cuối
cùng ông đe dọa sẽ được tiếp liền bằng vinh quang bất diệt.
Khi
thấy thập giá mình sẽ phải chết trên đó, thánh nhân hớn hở chào kính mà người
ta thích lập lại lời chào ấy: - Ôi thánh giá tốt lành, thánh giá bấy lâu mong
chờ, thánh giá nhiệt tình yêu mến, hãy đưa ta tới thầy chí thánh là Đấng đã nhờ
Người mà cứu chuộc Ta.
Dịu
dàng Anrê giang tay ra. Ngài bị cột bằng giây để cái chết tới chậm hơn. Hình
phạt sẽ kéo dài hai ngày và người ta còn nghe Ngài tiếp tục rao truyền đức tin
vào Chúa Giêsu Kitô. Dân chúngvây quanh Ngài với niềm thán phục đã xin quan
tổng trấn tháo giây cho Ngài. Họ nói: - Hãy trả con người thánh thiện cho chúng
tôi. Đã hai ngày bị treo, Ngài không ngừng nói những lời tốt lành, đừng giết
con người yêu quí của Thiên Chúa.
Nhưng
Anrê không muốn được trả về cuộc sống khốn cực trần gian này. Ngài cầu nguyện :
- Lạy Chúa Kitô hãy đón nhận con, ôi thầy con yêu, con biết con ước ao được gặp thầy, trong Thày mà con được thế này. Hãy nhận lấy hồn con, lạy Chúa Giêsu Kitô.
- Lạy Chúa Kitô hãy đón nhận con, ôi thầy con yêu, con biết con ước ao được gặp thầy, trong Thày mà con được thế này. Hãy nhận lấy hồn con, lạy Chúa Giêsu Kitô.
Và
những người tham dự thấy linh hồn vị tông đồ trong hào quang đã bay về với Chúa
tạo thành và cứu chuộc của mình.
Tương
truyền thánh Anrê đã bị cột vào thánh giá đã có từ thế kỷ XII và chỉ vào thế kỷ
XIV... người ta mới tưởng tượng thánh giá đó hình chữ X. Dụng cụ cực hình ấy
được mệnh danh là thánh giá thánh ANRÊ .
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++++
30 Tháng Mười Một
Bảo Chứng Của
Trường Sinh Bất Tử
Công chúa Touwan bên
Trung Quốc từ trần vào khoảng năm 104 Trước Công Nguyên, nhưng được những người
sinh sống đồng thời tin tưởng là bà sẽ trường sinh bất tử vì bà được an táng
trong một quan tài bằng ngọc thạch. Chồng bà nhắm mắt lìa đời 9 năm trước đó
cũng được an táng trong một quan tài tương tự.
Ðôi vợ chồng được an
nghỉ trong hai ngôi mộ xây cất trong vùng đồi núi hoang vu. Mãi đến năm 1969
người ta mới khám phá ra và cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời
đại ấy được biểu lộ qua 2,800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng,
nhưng đặc biệt nhất là hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc
nhỏ được kết chung lại bằng những sợi chỉ bằng vàng.
Những người sinh sống
vào thời đại ấy quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm
hư hại vì thế chúng ta bảo chứng cho sự trường sinh bất tử.
Trên
ba vòng bán nguyệt của khung cửa chính ở nhà thờ chánh tòa Milanô bên Italia có
khắc ba dòng chữ:
-
Phía dưới hình một hoa hồng được chạm trổ tinh vi của một vòng bán nguyệt,
người ta đọc được hàng chữ: "Mỗi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh
khắc".
-
Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây thập giá có ghi hàng
chữ: "Mỗi đau khổ chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc".
-
Ở vòng nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính của vương cung thánh đường
có khắc dòng chữ: "Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng".
Ở
giữa một bên là quan niệm đi tìm thuốc tiên hay sử dụng quan tài bằng ngọc
thạch để được trường sinh bất tử và bên kia là quan niệm cuộc đời con người
chấm cùng bằng cái chết, những người Kitô hữu xây dựng cuộc sống vĩnh cửu bằng
những giây phút hiện tại và tin tưởng rằng cái chết là ngưỡng cửa dẫn vào cuộc
sống đời đời và chính cuộc sống này mới thực sự quan trọng.
Vì
thế họ chọn thái độ "sống gửi thác về". Họ thu nhặt những giá trị qúi
như vàng ngọc bằng cách sống tốt, sống thật những giây phút hiện tại, bằng cách
áp dụng "hai đạo luật vàng: mến chúa yêu người", vì họ biết rằng chỉ
có những gì được làm vì tình yêu mới có giá trị vĩnh cửu.
Vì thế họ quan niệm đời sống là một cuộc hành
trình, phải luôn cất bước ra đi: nước mắt, nụ cười chỉ có giá trị tương đối, để
mỗi ngày họ bắt đầu lại, mỗi ngày họ cất một bước chân mới đi về nhà cha. Năm
phụng vụ đã gần kết thúc. Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục sống, nhưng với
chú tâm sống tốt, sống thật từng phút giây hiện tại vì chúng là những hạt cát,
những viên gạch xây dựng cho cuộc sống mai sau.
(Lẽ Sống)
Ngày 30
THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ
Vị tông đồ Anrê, mà chúng ta mừng lễ hôm nay,
không phải là người của những hàng đầu. Sách Phúc Âm nhất lãm như muốn đặt ông trong bóng của ông Phêrô.
Có ông Phêrô trước, và chỉ sau đó mới có "anh của ông" là Anrê.
Tác giả Tin Mừng
Gioan lại không giữ cùng mối liên quan với người anh em của ông Phêrô, mà trái
lại, ông cố ý giới
thiệu trước tiên. Ông Phêrô không nghe và cũng không thấy gì; vì lý do ông
không có ở đấy! Còn người anh của ông, với một môn đệ khác, đã nghe lời giảng
dạy của ông Gioan Tẩy Giả trong sa mạc (Ga 1,35) và tự phát và tức khắc, ông đã
tin lời tiên tri của vị khổ tu đã lên tiếng khi bỗng thấy Đức Giêsu: "Đây
là Chiên Thiên Chúa" (Ga 1,36).
Ông Anrê
là người của các mối quan hệ, là người "dẫn đến Đức Giêsu", có thể nói là vị tông đồ tối ưu: là người bị sự khẩn cấp của Tin Mừng thúc đẩy, đã
đi tìm em mình để tuyên bố với một
sự táo bạo làm kinh ngạc: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêxia" (Ga 1,40). Và
"ông dẫn em mình gặp Đức Giêsu", Tin Mừng nói đơn giản như vậy. Cũng
chính ông Anrê là người cụ thể, đã tìm thấy anh thanh niên có năm chiếc bánh và
hai con cá - phải có phần đóng góp ít ỏi của một con người - để Đức Giêsu làm
cho năm ngàn người được no nê.
Một nữ đan sĩ Huynh đoàn Giêrusalem
Giuse Du (1803-1835)
Giuse Du
(Joseph Marchand), Sinh năm 1803 tại Passavaut, Besancon, Pháp, Linh Mục Hội
Thừa sai Paris, địa phận Ðàng Ngoài, bị xử hình bá đao ngày 30/11/1835 tại Thợ
Ðúc dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII đã suy tôn linh mục Marchand Du lên
bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn
ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 30/11.
Người tử hùng
bá đao
Trong 117 thánh
tử đạo Việt Nam, cuộc tử đạo của thánh Marchand Du mang màu sắc bi tráng nhất.
Với gần ba tháng trong chiếc cũi chật hẹp, và những cuộc tra tấn chết đi sống
lại, ngài là vị duy nhất bị án bá đao, nghĩa là bị cắt xẻo 100 nhát trước khi
bị chặt ra làm bốn phần, còn thủ cấp bị nghiền nát đổ xuống biển.
Tuy nhiên,
chúng ta không nên quá nhấn mạnh đến những đau thương trong cuộc tử nạn, mà
quên mất chứng từ đời sống của thánh nhân : sự nhiệt tâm truyền giáo, lòng yêu
mến các tín hữu và chí cương quyết chỉ phục vụ Tin Mừng.
Mong ước tuổi xuân
Đầu thế kỷ XIX,
tại làng Passavant, nước Pháp, nhiều người đã phải ngạc nhiên khi thấy hành vi
của một cậu bé chưa đầy mười tuổi : sau giờ học, cậu rủ các bạn hữu về nhà,
khiêng bàn, trải khăn làm bàn thờ, trang hoàng hoa nến, đặt cây Thánh Giá, rồi
bắt trước các cử điệu như khi linh mục dâng lễ Missa cho các bạn xem. Đó là cậu
bé Giuse Marchand.
Mở mắt chào đời
ngày 17.8.1803 tại làng Passavant, tỉnh Doubs. Ngay từ niên thiếu, dân làng đã
thấy rõ ước muốn trở thành linh mục của cậu. Sau khi rước lễ lần đầu, cậu xin
cha mẹ đi tu, nhưng vì gia đình làm nghề nông túng nghèo, thiếu người lao động,
nên cha mẹ cậu tìm cách trì hoãn cho cậu đổi ý. Tuy nhiên, Marchand đã không
thay đổi ý định, cậu kiên quyết hoàn thành mộng ước tuổi xuân, và cuối cùng bên
người đổi ý là song thân của cậu. Năm 18 tuổi, Marchand gia nhập chủng viện
giáo phận Besacon. Năm 1828, sau khi lãnh chức phó tế, thày Marchand xin chuyển
sang Hội Thừa Sai Paris. Độ nửa năm, thày được thụ phong linh mục (04.4.1829),
sau đó một tháng thì đáp tàu đi Macao đến Việt Nam giảng đạo.
Nhà du thuyết nhiệt tâm
Tháng 3.1830,
cha Marchand vào tới Việt Nam, và lấy tên mới là Du. Sau một thời gian học
tiếng và phong tục Việt Nam tại Lái Thiêu, cha du được cử tới Pnom-Pênh để coi
sóc các tín hữu Việt Nam tại đây (khi đó đất Campuchia thuộc giáo phận Đàng
Trong). Thế rồi ít lâu, cha được gọi về Lái Thiêu coi sóc các chủng sinh, đồng
thời phụ trách 25 giáo họ, với khoảng 7000 tín hữu thuộc tỉnh Bình Thuận.
Trong thư đề
ngày 13.6.1832 gởi về quê nhà cha viết : "… 25 giáo họ cách nhau rất xa.
Muốn chu toàn bổn phận, con không thể bỏ phí một giây nào… từ năm giờ sáng đến
chín giờ tối, nhiều ngày chẳng có lúc nào rảnh rỗi cả. Con chỉ có thể dành chút
thời giờ chu toàn việc đạo đức riêng lo cho phần rỗi mình, còn thì luôn luôn
phải làm việc để thánh hóa kẻ khác… Con chỉ tiếc một điều là không thể tận tụy
hơn được nữa, để vừa giúp giáo dân, vừa giúp lương dân, lại cón phải bắt buộc
di chuyển bằng thuyền, nên không thể đi mọi nơi, hầu dẫn về đoàn chiên Chúa
Giêsu những con chiên bất hạnh lạc đường…".
Cha Du mới đi
hết 25 giáo họ này được hai lần thì ngày 16.1.1833 vua Minh Mạng ra chiếu chỉ
lùng bắt các giáo sĩ Âu Châu. Đức cha Tabert Từ, cha Cuénot Thể và các thừa sai
dẫn theo các chủng sinh trốn qua Thái Lan. Chỉ mình cha Du nhất nhất quyết ở
lại, ẩn tránh ở miền Lục Tỉnh, giúp các họ Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi Xan, Giồng
Rùm, và trú ngụ tại Mặc Bắc, Vĩnh Long.
Tôi chỉ biết một điều là giảng đạo
Lê văn Khôi
thực ra có họ Nguyễn, từng nổi loạn ở Cao Bằng, sau ra đầu thú, được Tả quân Lê
Văn Duyệt nhận làm con nuôi, mới đổi qua họ Lê. Lợi dụng việc vua Minh Mạng xử
tệ với Tả quân (khi đó đã thất lộc cho đánh trên mộ 100 trượng), Lê văn Khôi
liền lấy cớ phò cháu đích tôn của vua Gia Long, con hoàng tử Cảnh tên là Đản.
Việc bại lộ, khôi bị bắt. Đến 05.7.1833, ông với khoảng 30 bạn tù vượt ngục,
giết một vài quan, thả các tù nhân khác, rồi chiêu binh chiếm Phiên An (sài
Gòn) và miền Lục Tỉnh.
Lê Văn khôi tuy
ngoại đạo, ngưng đã khôn khéo hứa hẹn bãi bỏ các lệnh cấm đạo của vua Minh Mạng,
nên một số tín hữu theo ông. Để có thể quy tụ nhiều người Công Giáo hơn ủng hộ
mình, Lê Văn Khôi cho mời cha Du về Sài Gòn, cha từ chối. sau vì một số tín hữu
Chợ Quán nói : "Nếu cha không chịu về, sợ quan giận mà chém hết bổn đạo
trong thành. Ở đó bổn đạo cũng đông lắm…". Thế là cha Du đành lòng về xứ
Chợ Quán ở nhà thờ cha Phước, nhưng rất ít khi ở nhà, cha lo đi thăm các gia
đình tín hữu. Lê văn Khôi nhiều lần mời, cha vẫn không chịu vào trong thành.
Khi quân triều
đình vây thành Gia Định, Khôi cho quan đem voi ra Chợ Quán bắt ép cha Du phải
vào thành. Cha Phước và nhiều tín hữu cũng theo vô. Trong thành, tướng Khôi xử
đãi cha khá rộng rãi, có nhà riêng để dâng lễ hàng ngày, các tín hữu có thể tụ
tập ở đó để đọc kinh, nghe giảng và lãnh các bí tích. Khôi có ý mua chuộc để
cha tiếp sức, nhưng trước sau cha chỉ nói : "Tôi chỉ biết việc đạo, còn
nghề giặc giã binh lính, tôi không rành".
Một hôm cha
được mời vào dinh nguyên soái. Một xấp thư kêu gọi dân chúng và tín hữu nổi dậy
chống nhà vua để trên bàn. Tướng khôi xin cha ký tên. Vị linh mục thấy rõ đã
đến lúc tỏ rõ lập trường của mình, liền đứng dậy cầm xấp thư, ném tất cả vào
lửa. Dầu vậy quân của Khôi không dám làm gì cha, vì sợ các tín hữu trong đội
quân sẽ chống lại.
Sau hơn hai năm
vây hãm, ngày 08.9.1835 quân chiều đình đã chiếm lại được thành Phiên An. Cha
Du vừa cử hành thánh lễ xong thì bị bắt, bị đánh đập và bị nhốt vào cũi nhỏ,
dài một mét (1m), rộng bảy tấc (0.7m), cao tám tấc (0.8). Đó sẽ là "nhà
ở" của cha cho đến ngày xử tử, căn nhà mà chủ nhân chỉ có thể ngồi khom
lưng suốt ngày đêm.
Số người bị tàn
sát lên đến 1994, trong đó có 66 tín hữu (chỉ có 20 nam, còn bao nhiêu là phụ
nữ và trẻ em), cha Phước cũng bị xử lăng trì (chặt chân tay, rồi chẻ thân hình
làm bốn). Cha Du được đưa ra xét xử :
- Giặc đã đem
thày vào thành, thày không làm gì để chúng giúp chúng sao?
- Tôi chỉ lo
việc giảng đạo mà thôi…
- Giảng đạo là
giống gì ?
- Là đọc kinh,
làm lễ và dạy dỗ bổn đạo.
- Thày có biết
làm thuốc mê để dỗ lòng ngụy cho nó theo không?
- Tôi chỉ biết
có một việc là giảng đạo mà thôi.
Sau hai cuộc
tra vấn nữa, cha Du bị giam trong cũi và bị áp giải về kinh đô cùng với tổng
Trắm, đồ Hoành bốn Bang, phó Nhã và con trai Lê văn Khôi là Lê văn Viên mới bảy
tuổi. Đoàn người vế tới Phú Xuân ngày 15.10, cha du bị giam trong ngục Võ Lâm
gần tòa Tam Pháp.
Đàng sau bản án phản loạn.
Hôm sau 16.10,
cha Du bị đưa ra tòa Tam Pháp. Các quan cố ép cha nhận tội giúp Khôi làm loạn.
Nhưng cha khẳng định : "Tôi chỉ lo cầu nguyện cùng Chúa và làm lễ
thôi". Quan hạch hỏi: - Có phải người gửi thư vô Xiêm, cùng gửi thư cho
quân Gia Tô trong Đồng Nai, biểu nó đến giúp ngụy không ?
Cha Du trả lời
: "Ông Khôi có yêu cầu tôi viết thư, song tôi không chịu viết, một nói cho
ông ấy hay : Đạo tôi cấm làm như vậy và tôi thà chết chẳng thà làm theo lời ông
ấy. Dầu thế ông Khôi còn đem mấy bức thư ra, biểu tôi ký tên vào, thì tôi lấy
mấy cái thư ấy mà đốt đi trước mặt ông ấy".
Để bắt cha nhận
tội, tối hôm sau, các quan dùng đủ cực hình kìm kẹp : Họ cho nung đỏ kìm sắt và
cho kẹp hai lần vào hai đùi cha, rồi giữ nguyên cho tới khi kìm nguội. Một lần
như vậy mùi thịt cháy xông lên khét lẹt, chính quân lính cũng phải quay mặt đi.
Vị anh hùng đức tin hai lần ngất xỉu, nhưng vẫn giữ nguyên lời khai cũ. Họ đành
nhốt cha vào cũi lại, rồi đưa về ngục.
Để tạo chứng
gian buộc tội cha, các quan dỗ con trai Lê văn Khôi, hứa trả tự do nếu khai
rằng "Ông thày Tây" giúp cha em khởi nghĩa. Nhưng cậu bé bảy tuổi ấy
không biết nói dối, cậu nói cha Du hoàn toàn vô can, dầu cha cậu có hứa hẹn,
khuyên dụ nhiều phen.
Cuối cùng, các
quan đành xoay qua "tội giảng đạo". Họ nhắc đến chiếu chỉ nhà vua, và
hứa ân xá nếu cha bước qua Thánh Giá. Cha Du cám ơn quan và tuyên bố sẵn sàng
chịu cực hình, chứ không thể thất trung với Chúa. họ lại tiếp tục nhốt cha
trong cũi. Sáu tuần lễ ở kinh đô đã trôi qua như thế. Các tín hữu ghé vào thăm
và tiếp tế cho cha, đều thuật lại rằng : "Cha Du vẫn luôn vui vẻ và thường
cầm cuốn sách nhỏ để đọc đêm ngày".
Thừa lệnh vua
Minh Mạng, bản án cuối cùng được viết như sau : "Tây dương ma Sang kêu là
danh Du, Gia Tô đạo trưởng, phò ngụy Khôi, nhận tội viết thư xin Hồng Mao (nước
Anh) và Xiêm La (Thái Lan) sang giúp ngụy thần. Lệnh xử bá đao".
Chết vì lý do tôn giáo
Sáng sớm
30.11.1835, bảy phát súng thần công nổ vang kêu gọi mọi người đến tham dự cuộc
xử án. Cha Du, ba vị tướng của Khôi và em Lê Văn Viên được đưa ra khỏi cũi (phó
Nhã đã chết trong ngục), mọi người chỉ được đóng khố, rồi dẫn đến cửa Ngọ Môn
trình diện và phục lạy vua năm lạy. Vua Minh Mạng tỏ vẻ giận dữ ném chiếc cờ
hiệu xuống đất. Đó là dấu không ân xá lần cuối, năm tội nhân được đưa ra pháp
trường. Riêng cha Du, theo mật lệnh, được đưa vào tòa Tam Pháp tra khảo một lần
nữa. Đọc nội dung cuộc tra khảo này, chúng ta thấy quan quân không đá động gì
đến lý do chính trị cả !
Năm người lính
cầm năm kìm nung đỏ kẹp vào bắp vế cha. phía sau là năm người lính khác cầm roi
để năm lý hình không được phép nương tay. Ba lần kìm kẹp, thân thể cha Du có đủ
15 vết bỏng. Song song với cuộc tra tấn là mẫu đối thoại sau :
- Tại sao Gia
Tô móc mắt mấy người gần chết?
- Không có,
không bao giờ tôi thấy điều đó.
- Tại sao mấy
người kết hôn lại phải đến các thày đạo trước bàn thờ ?
- Họ đến để
thày cả chúc phúc và chứng nhận trước mặt các tín hữu ở đó.
- Khi làm yến
tiệc trong nhà thờ, bay làm những sự quái gở lắm phải không ?
- Không, chẳng
có những điều quái gở.
- Vậy sao có
thứ bánh dùng làm bùa mê thuốc lú để phát cho những đứa đã xưng tội mà làm nó
mê đạo đến thế?
Cha Du kiệt sức
không thể trả lời được nữa. Lính dọn cho tử tội bữa ăn sau cùng, nhưng cha
không dùng chi cả, chỉ lo cầu nguyện với Chúa. Sau đó, lính đưa các tử tội đến
pháp trường tại họ Thợ Đúc bên sông Hương, cách kinh thành một dặm đường.
Chết như một tội nhân
Năm cây cọc đã
cắm sẵn. Lính trói năm tử tội, cha Du bị trói vào cây cọc thứ hai. Ngài bị án
"Phản loạn" và sẽ chết giữa những người phản loạn. Dân chúng bị đuổi
lùi ra xa 30 thước. Cứ mỗi tử tội lại có ba lý hình, một cầm kìm, một cầm đao,
còn một lo đếm số cho đủ 100 lát cắt. Trước đó, lính đã nhét vào miệng tội nhân
và cột chặt, để không ai có thể kêu la được nữa.
Sau một hồi
trống, lý hình cắt lớp da trên trán cha Du lật xuống che mặt, rồi cắt từng mảnh
hai bên ngực, sau lưng, tay chân. Quá đau đớn, vị chứng nhân giẫy giụa, quằn
quại, ngước mắt lên trời cao rồi gục đầu xuống nhắm mắt lìa đời. Tiếp theo quân
lính cắt đầu của ngài, cởi dây, bổ thân mình làm bốn, và ném xuống biển chung
với bốn tử tội kia. Còn thủ cấp cha, được đưa đi bêu ở nhiều nơi, rồi được trả
về kinh đô, bị bỏ vào cối giã nát và cho rắc xuống biển.
Ngày 30.11.1835
cũng là ngày kính thánh Anrê. Các thánh lễ hôm đó đều đọc lại đoạn sách Isaia
(Is. 52,7): "Đẹp thay bước chân người rao giảng Tin Mừng" như lời
chúc tụng vị thừa sai đã hoàn tất sứ mạng tông đồ của mình. Giáo Hội đã rất
thận trọng khi nghiên cứu hồ sơ cha Marchand Du, căn cứ vào các buổi tra khảo,
nhất là cuộc thẩm vấn cuối cùng, Giáo Hội khẳng định ngài đã hiến mạng sống vì
đức tin. (2)
Đức Lêo XIII đã
suy tôn linh mục Marchand Du lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày
19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Nguồn từ tu viện Đa Minh
Lời bất hủ: Tướng Lê Văn Khôi (nghịch với
Triều Nguyễn) đã ép cha Du phải vào thành. Tướng Khôi có ý mua chuộc cha để cha
tiếp sức, nhưng trước sau cha chỉ nói: "Tôi chỉ biết việc đạo, còn nghề
giặc giã binh lính, tôi không rành". Cha Du bị bắt và dẫn giải về triều
đình Huế, các quan hỏi cung: "Có phải người gửi thư vô Xiêm, cùng gửi thư
cho quân Giatô ở Ðồng Nai, biểu nó đến giúp nguỵ không?". Cha Du đáp:
"Ông Khôi có biểu tôi viết thư song tôi không chịu viết, một nói cho ông
ấy hay: đạo tôi cấm làm như vậy, và tôi thà chết chẳng thà làm theo lời ông ấy.
Dầu thế ông Khôi còn đem mấy bức thư ra, biểu tôi ký tên vào, thì tôi lấy mấy
cái thư ấy, mà đốt đi trước mặt ông ấy". Bản án thừa lệnh vua Minh Mạng
viết như sau: "Tây Dương Ma Sang kêu là danh Du, Giatô đạo trưởng, phò
nguỵ Khôi, nhận tội có viết thư sang Hồng Mao (tức nước Anh) và Xiêm La (Thái
Lan) sang giúp nguỵ thần, lệnh xử bá đao". Cha Du còn tra hỏi lần chót rồi
mới xử. Hỏi: "Khi làm yến tiệc trong nhà thờ, bay làm những sự quái gở lắm
phải không?". Ðáp: "Không, chẳng hề có những điều quái gở".
"Vậy sao có thứ bánh làm bùa mê thuốc lú, để phát cho những đứa đã xưng
tội mà làm nó mê đạo đến thế?". Cha Du kiệt sức không trả lời được nữa.
www.tinmung.net
Thứ Sáu 30-11
Thánh Anrê
T
|
hánh Anrê là anh của Thánh
Phêrô, và cả hai được Chúa Giêsu gọi cùng một lúc. "Khi Ðức Giêsu đi
trên bờ biển Galilee, Người trông thấy hai anh em, ông Simon mà bây giờ gọi là
Phêrô, và anh của ông là Anrê, đang quăng lưới xuống biển; họ là các ngư dân.
Người nói với họ, 'Hãy đến theo tôi, và tôi sẽ làm cho các anh trở thành kẻ
lưới người.' Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người" (Mt
4:18-20).
Thánh Sử Gioan mô tả Thánh
Anrê như một môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả. Một ngày kia, khi Ðức Giêsu đi
ngang qua, Gioan Tẩy Giả nói, "Ðây là Chiên Thiên Chúa." Anrê
và các môn đệ khác đi theo Ðức Giêsu. "Ðức Giêsu quay lại và thấy họ đi
theo mình, Người hỏi, 'Các anh muốn tìm gì?' Họ trả lời, 'Thưa Thầy, Thầy ở
đâu?' Ngài nói, 'Hãy đến, và các anh sẽ thấy.' Bởi đó họ đi theo và đã thấy nơi
Người cư ngụ, và họ ở với Người cả ngày hôm ấy" (Gioan 1:38-39a).
Trong Phúc Âm không nói nhiều
về Thánh Anrê. Trong phép lạ bánh hoá nhiều, chính Anrê là người cho biết về
đứa bé trai có một ít bánh và cá (x. Gioan 6:8-9). Khi dân ngoại muốn đến gặp
Ðức Giêsu, họ đến với ông Philíp trước, nhưng ông Philíp lại bàn hỏi với ông
Anrê (x. Gioan 12:20-22).
Truyền thuyết nói rằng chính
Thánh Anrê đã rao giảng Tin Mừng ở những nơi mà bây giờ là Hy Lạp và Thổ Nhĩ
Kỳ, và bị chết trên thập giá ở Patras.
Lời Bàn
Cũng như các thánh tông đồ
khác, ngoại trừ Thánh Phêrô và Gioan, Phúc Âm không cho chúng ta biết gì nhiều
về sự thánh thiện của Thánh Anrê. Ngài là tông đồ. Như vậy là đủ. Ngài được
đích thân Ðức Giêsu mời gọi để loan truyền Tin Mừng, để chữa lành nhờ quyền
năng của Ðức Giêsu cũng như để chia sẻ sự sống và sự chết của Người. Ngày nay,
sự thánh thiện cũng không có gì khác biệt. Ðó là một món quà bao gồm lời mời
gọi hãy lưu tâm đến Nước Trời, và một thái độ dấn thân với lòng ao ước không
muốn gì khác hơn là chia sẻ sự giầu có của Ðức Kitô cho tất cả mọi người.
Lời Trích
"Nhóm Mười Hai triệu
tập toàn thể các môn đệ và nói: 'Thật không đúng nếu chúng tôi bỏ việc rao
giảng lời Chúa để lo việc ăn uống. Vậy, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy
người tốt lành, đầy Thần Khí và khôn ngoan, để chúng tôi cắt đặt họ làm công
việc đó, còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa."
(CVTÐ 6:2-4).
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét