Chúa Nhật 31 Quanh Năm Năm B
Bài Ðọc I: Ðnl 6, 2-6
"Hỡi Israel, hãy nghe
đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Ông Môsê nói cùng dân chúng
rằng: "Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ
mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con
cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các
ngươi được sống lâu dài.
"Hỡi Israel, hãy nghe
đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc
và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban
cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.
"Hỡi Israel, hãy nghe
đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên
Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho
ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4.
47-51ab
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).
Xướng: 1) Lạy Chúa là dũng
lực con, con yêu mến Chúa; lạy Chúa là đá tảng, chiến luỹ, cứu tinh. - Ðáp.
2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là
sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù
con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay
quân thù. - Ðáp.
3) Vạn tuế Thiên Chúa, chúc
tụng Ðá Tảng của con, ngợi khen Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho
đức vua được đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 7, 23-28
"Vì lẽ Người tồn tại
đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu".
Trích thư gởi cho tín hữu
Do-thái.
Anh em thân mến, có nhiều
người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền.
Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng
hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với
Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.
Phải, vì chúng ta cần một vị
Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được
nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng
lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người
làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những
người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo
làm Thượng tế đến muôn đời.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! - Người
ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. -
Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 28b-34
"Ðó là giới răn thứ
nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, có người trong nhóm
luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn điều
nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp:
"Giới răn trọng nhất
chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy
nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí
khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân
như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó".
Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa
Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài
Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức
mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ
vật hy sinh".
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn
ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu".
Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Các câu hỏi của người kinh sư
trong bài Tin Mừng là một vấn đề nan giải của người Do Thái bấy giờ. Họ phân
luật thành 612 điều khác nhau: 248 điều phải thi hành và 365 điều cấm. Vì giới
luật quá nhiều, nên họ không thể xác định được đâu là điều chính yếu và quan
trọng nhất. Ðức Giêsu đã cho họ câu trả lời thật chính đáng và đồng thời chứng
tỏ Ngài là Chúa của Lề Luật. Ngài tuyên bố: tất cả các giới luật đều qui về hai
điều chính: mến Chúa - yêu người. Hai điều luật này không thể tách rời nhau.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay
dạy chúng con quá rõ ràng: muốn được sự sống đời đời phải kính mến Chúa, yêu
thương anh em. Ai trong chúng con cũng biết điều ấy, nhưng chưa thực hành hay
chỉ làm một cách máy móc hình thức. Xin Chúa giúp chúng con hiểu sâu xa lời dạy
của Chúa và đem thi hành một cách cụ thể trong đời sống. Amen.
(Lời Chúa trong
giờ kinh gia đình)
Yêu Mến Ðồng Loại
(Sách Thứ luật 6,2-6; Hipri 7,23-28; Marcô 12,28-34)
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXXI Thường Niên
Năm B
Sách Thứ luật 6,2-6; Hipri
7,23-28; Marcô 12,28-34
Ðức Yêsu đã đến kếp nạp một
dân tín hữu là dân mới của Thiên Chúa. Việc này đã được các bài Thánh Kinh
trong Chúa nhật trước gợi lại. Hôm nay hình như Phụng vụ muốn tiếp nối tư tưởng
lần trước và nói lên quy chế, hay luật pháp của dân mới. Ðó là luật cũ được
kiện toàn. Vì thế chúng ta sẽ thấy bài Tin Mừng bổ khuyết cho bài Thứ luật,
luật yêu anh em được đính vào luật mến Chúa. Rồi cũng như trong dân cũ có hàng
tư tế, thì vị Thượng tế của đạo mới sẽ vượt xa các Thượng tế xưa, để dân mới
luôn luôn đẹp lòng Thiên Chúa.
Tất cả những tư tưởng này rất
rõ ràng trong ba bài Kinh Thánh hôm nay mà chúng ta cầu xin ơn Chúa giúp để đọc
lại.
1. Ngươi Sẽ Yêu Mến Yavê
Bài sách Thứ luật hôm nay ghi
lại lời kinh hằng ngày của người Dothái. Họ đọc lên không phải để thưa với
Thiên Chúa nhưng để nhắc nhở cho mình nhiệm vụ căn bản nhất của người dân trong
Nước Người. Ðó là lời của Môsê, vị lập quốc và lập luật. Lời vô cùng quan trọng
vì sẽ đem phúc đến cho dân khi họ nắm giữ và sẽ làm cho dân nên lớn trong đất
chảy sữa và mật. Tương lai và số mệnh của dân tùy ở việc thi hành những lời
Môsê truyền hôm nay.
Ông dạy rằng: Hãy nghe, hỡi
Israel, Yavê Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa độc nhất. Ngươi sẽ yêu mến
Yavê Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực
ngươi. Các lời ta truyền cho ngươi hôm nay hãy ở nơi lòng ngươi, ngươi sẽ lập
lại cho con cái ngươi.
Phân tách những lời này,
người ta sẽ phải kính phục con người nào đã biết diễn tả như thế. Chắc chắn nội
dung là của Môsê rồi, nhưng hình thức của các câu văn có thể phải là kết quả
của nhiều thế hệ trung thành với truyền thống của Môsê. Quả vậy, chúng ta biết:
sách Thứ luật đã không thành hình trong một ngày và do một tác giả nào. Nó càng
không phải là tác phẩm của thời Môsê. Nó lấy lại luật Môsê, suy đi nghĩ lại và
cộng với kinh nghiệm lịch sử của Dân Chúa. Có thể hàng tư tế đã là nguồn gốc
của cuốn sách này. Họ suy niệm Luật Chúa đêm ngày rồi viết ra để khuyên nhủ
đồng đạo. Thế nên nó được gọi là Thứ luật, tức là Luật đến sau Luật trước; luật
bổ khuyết và diễn giải Luật pháp Sinai. Nó được công bố vào những năm có nguy
hiểm nhất cho dân. Nước nhà phân đôi, miền Bắc đã bị xâm lấn, miền Nam đang
ngấp nghé vực sâu. Ông vua yêu nước đã chạy đến truyền thống của dân tộc, đưa
sách Thứ luật ra, mưu lập một cuộc canh tân cứu nước... nhưng đã không kịp về
mặt chính trị, mà chỉ phục hồi được truyền thống Môsê.
Ðó là truyền thống độc thần,
Israel chỉ được thờ một Chúa. Ngài là Yavê. Chính Ngài đã mạc khải danh xưng
này cho Môsê trên núi Thánh. Có lẽ trong thời gian đầu Môsê tưởng Ngài chỉ là
Chúa của Israel như những vị thần khác là Chúa của các lân bang và chỉ khác ở
một điểm: trong khi các dân này thờ nhiều thần và vì thế gọi là đa thần; thì
Israel chỉ thờ một mình Yavê và do đó được gọi là dân độc thần.
Sự khác biệt này nhiều khi thật
khó giữ. Luôn luôn Israel bị cám dỗ thờ thêm thần khác, nhất là những thần của
các sắc dân mạnh hơn, giàu hơn vì tưởng rằng chính các thần ban sự giàu sang
sức mạnh cho dân của mình. Các tiên tri phải mạnh mẽ ngăn cản dân đi vào đường
lối đó và nhắc đi nhắc lại dân phải trung thành với Yavê. Làm khác đi, thờ thêm
thần khác, là "đánh đĩ" và ngoại tình.
Chúng ta không ngại nhắc đến
những từ ngữ này. Chúng giúp chúng ta hiểu quan niệm tôn giáo của các tiên tri
một cách sâu sắc. Người ta hay nói dân Israel chỉ có một lòng kính sợ Yavê,
theo nghĩa họ khiếp sợ Ngài đến nỗi chẳng còn dám xưng danh của Ngài ra nữa. Họ
dùng những kiểu nói vòng vo, gọi Ngài là Chúa, là Ðấng Tối Cao... chứ không dám
xưng Ngài là Yavê nữa. Thật ra đó chỉ là một diện. Còn nhiều diện khác trong
vấn đề này, đặc biệt còn có quan niệm sâu sắc của các tiên tri. Các ngài luôn
luôn đề cao lòng yêu mến. Hôsê chẳng hạn đã táo bạo coi tôn giáo là hôn nhân
giữa Yavê và Israel; một bên như "chồng" với một bên như
"vợ", và tư cách căn bản của lòng đạo đức là nghĩa tín trung. Những
tiên tri khác cũng đi vào chiều hướng đó; và trong ngữ vựng của các ngài mới có
những từ ngữ như trên để nói đến thái độ thất tín đối với Yavê. Chúng ta phải
hiểu quan niệm của các tiên tri như thế mới ý thức được hết sức mạnh của lời
sách Thứ luật hôm nay, truyền cho Israel: hãy yêu mến Yavê Thiên Chúa của ngươi
hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi; nghĩa là phải yêu Ngài
với tất cả khả năng và như quên hết mọi sự khác, giống như khi đôi bạn khắng
khít yêu thương nhau, mặc cho cuộc đời bể dâu và nước chảy đá mòn.
Cho được đi đến một lòng yêu
mến như vậy, Israel đã được dần dần dạy cho biết: Yavê không phải chỉ là Chúa
của dân, hoặc chỉ là Chúa trên các Chúa, nhưng Ngài còn là Chúa độc nhất và duy
nhất trong tất cả hoàn vũ. Các thần của các lân quốc, chỉ là ngẫu tượng và Yavê
phải thống trị địa cầu. Tôn giáo độc thần của Israel sẽ là tôn giáo độc thần
của mọi dân nước. Thế nên câu sách Thứ luật hôm nay nói: Yavê Thiên Chúa của
chúng ta là Yavê độc nhất, câu ấy có một ý nghĩa sâu sắc trong lòng các tiên
tri, Yavê không phải chỉ là Chúa duy nhất của Israel, mà còn phải là Chúa độc
nhất của mọi dân tộc. Và những điều này Israel phải ghi nơi lòng và lặp lại nơi
con cái. Chính nhờ sự ghi nhớ và lập lại này mà có truyền thống Môsê, truyền
thống độc thần, truyền thống sách Thứ luật chúng ta đọc hôm nay.
Chúng ta cảm mến Thiên Chúa
đã mạc khải chân lý độc thần này sớm sủa như vậy và nơi một dân nhỏ bé như thế.
Nhiều lý luận loài người còn vấp phải sự kiện lịch sử này. Và chúng ta còn phải
kiểm điểm về lòng tin của mình, xem mình có thờ ngẫu tượng naò ở bên cạnh Thiên
Chúa hay không (như tiền, tình, quyền...)? Và biết đâu đã không có lúc chúng ta
nao núng về niềm tin nơi Thiên Chúa chúng ta thờ? Như vậy chúng ta chưa "gần
Nước Thiên Chúa" như người ký lục trong bài Tin Mừng hôm nay đâu.
2. Người Phải Yêu Mến Ðồng
Loại
Thánh Marcô thuật câu chuyện
này xảy ra trong khoảng thời gian giữa ngày Ðức Yêsu khải hoàn vào Yêrusalem và
hôm Người bị nộp. Ðó là thời gian địch thủ tìm cơ hội bắt Người. Họ thay lượt
nhau đến gài bẫy, hết các Thượng tế đến các Biệt phái, rồi phe cánh Hêrôđê và
những người thuộc bè Sađóc. Hôm nay một ký lục đến hỏi Chúa Yêsu: "Giới
răn thứ nhất trên hết là giới răn nào?". Ông không hỏi giới răn nào
"trọng nhất", để chúng ta nghĩ đó là điều ông thắc mắc thật sự. Là vì
ở thời đó luật Dothái có tới 613 khoản, và phân làm những khoản nặng và nhẹ,
trọng và tùy; và sự sắp xếp nhiều khi có thể rõ ràng và dứt khoát. Ở đây, dường
như người ký lục không muốn đi vào vấn đề chi tiết tỉ mỉ, ông chỉ muốn đánh giá
quan điểm của Ðức Yêsu, xem Người có "chính thống", tức là có ở trong
và tôn trọng truyền thống của đạo Môsê hay không? Và đó là điều mà các địch thủ
với Người muốn biết.
Nhưng họ chỉ phải bẽ bàng; vì
Ðức Yêsu đã có lần tuyên bố: Người không đến để hủy bỏ Luật pháp dù chỉ là một
cái chấm hay một cái phẩy, nhưng là để kiện toàn và hoàn tất. Thế nên không có
câu trả lời nào chính thống hơn câu của Người hôm nay: "Giới răn thứ nhất
là: hãy nghe, hỡi Israel, Chúa Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa độc nhất. Phải
yêu mến Người hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi". Người đã
đọc lại kinh Thứ luật. Người có thể dừng lại ở đó. Và người ký lục kia nhất
định phải thỏa mãn với câu trả lời.
Nhưng Ðức Yêsu đã không dừng
lại. Người không phải như một người học trò thuộc bài và chưa phải là người bị
hạch hỏi. Người muốn đóng vai Thầy dạy muôn dân. Thế nên, Người đã thêm: Thứ
đến là ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình. Người cũng chỉ nhắc
lại một câu trong sách Lêvi. Không ai có thể bảo Người không chính thống. Nhưng
Người đã nhắc lại cho người ta một điều rất quan trọng mà thường khi họ sống
đạo mà vẫn quên. Họ tưởng đạo chỉ là nhà thờ, kinh kệ và dâng lễ. Không, đạo
còn là yêu mến đồng loại như chính mình tức là yêu người khác như bản thân.
Ðiều này, trong thực tế, nhiều người giữ đạo "rất chính thống" mà vẫn
quên và có ý quên vì nó khó giữ. Ðức Yêsu không đến để nguyên dạy người ta yêu
mến Thiên Chúa. Người còn luôn bảo họ phải thi hành ý muốn của Thiên Chúa là
cứu độ trần gian. Hơn nữa Người còn nói rõ không có giới răn nào khác lớn hơn
hai việc mến Chúa yêu người này.
Người ký lục tỏ ra rất thông
minh, chấp nhận ngay câu trả lời và bài học của Ðức Yêsu. Ông còn phụ họa thêm
và nói rằng mến Chúa yêu người như vậy "ắt vượt quá các toàn thiêu và lễ
tế thay thảy". Ðức Yêsu không thể không mừng khi gặp kẻ hiểu ý Người như
vậy. Người tuyên bố: "Ông không xa Nước Thiên Chúa đâu!"
Lời khen này có thể trở thành
một câu chất vấn lương tâm chúng ta. Chúng ta có thường coi các hành vi yêu
người như toàn thiêu và lễ tế không? Chúng ta vẫn phải thi hành các nhiệm vụ
mến Chúa, vì đó là lẽ sống của chúng ta như lời sách Thứ luật hôm nay nói: Ðó
là giới răn thứ nhất, nhưng thứ đến còn phải yêu mến đồng loại như chính mình,
điều mà Ðức Yêsu đã đính vào điều răn mến Chúa để làm nên như giới răn của
Người. Chúng ta có thi hành không để chứng tỏ mình đang ở trong đạo mới? Ðể
thâm tín thêm, chúng ta hãy đọc tiếp bài thư Hipri.
3. Người Là Vị Thượng Tế
Thích Hợp
Tác giả so sánh các Thượng tế
đạo cũ với vị Thượng tế đạo mới. Họ thì bị sự chết ngăn cấm lưu tồn mãi mãi;
còn Ngài thì tồn tại đời đời nên giữ một tế vụ bất hủ. Ðó là sự khác biệt quan
trọng. Càng quan trọng hơn nếu ta tìm hiểu sâu về ý nghĩa sự chết theo Thánh
Kinh.
Ðối với các tác giả thánh,
chết không phải chỉ là một hiện tượng thể lý, giết sức sống trong cơ thể, nhưng
còn là hậu quả và hình phạt do tội lỗi. Sự chết không những hủy diệt thân xác,
nhưng nhất là còn nói lên sự mâu thuẫn cùng cực với Thiên Chúa là sự sống. Chết
và sống khác nhau hơn lửa với nước, nên ai đụng vào tử thi tức khắc đã trở nên
ô uế, không được đến gần bàn thờ khi chưa chịu thanh tẩy. Chính điểm nay ngăn
cấm các Thượng tế đạo cũ còn lưu tồn mãi mãi. Họ không tiếp tục làm tư tế được
không những vì sự chết thể lý, nhưng nhất là vì đã trở thành tử thi, họ xa hẳn
Thiên Chúa. Còn Ðức Kitô thì ngược lại. Chính sự chết đã đưa Người vượt qua về
với Thiên Chúa và trở thành vị Thượng tế đời đời, sống luôn mãi để chuyển cầu
cho nhân loại.
Tư tưởng trên đây dẫn sang
một kết luận khác: tế vụ của các Thượng tế đạo cũ khi họ còn sống cũng không
hoàn toàn. Vì muốn hoàn toàn, vị Thượng tế phải có khả năng ở gần Thiên Chúa để
chuyển cầu cho chúng sinh, tức là phải vô tội. Thế mà có ai trong loài người
được điều kiện này? Ngược lại Ðức Yêsu là Ðấng vô tội và vô tì, Người cao siêu
vượt các tầng trời, nên Người ở gần Thiên Chúa và có khả năng chuyển cầu cho
chúng ta...
Có lẽ đối với chúng ta không
cần phải nói thêm về sự khác biệt giữa các Thượng tế đạo cũ và vị Thượng tế đạo
mới. Nhưng điều quan trọng hơn cho chúng ta là hãy ghi nhớ bản chất của tế vụ
mà Ðức Kitô đang thi hành. Người đang ở nơi Thiên Chúa và đứng gần Thiên Chúa
để chuyển cầu cho chúng ta. Người đang nối trời với đất, Thiên Chúa với loài
người. Lễ tế của Người vừa để tôn thờ Thiên Chúa vừa để cứu độ chúng ta. Chúng
ta giữ đạo của Người, chúng ta vẫn đến nhà thờ dâng lễ và cầu nguyện trong chức
tư tế của Người. Lẽ nào chúng ta không nhận ra rằng: một người đạo đức thật như
có hai vai phải mang hai nhiệm vụ: mến Chúa và yêu người; phụng thờ Thiên Chúa
và phục vụ tha nhân?
Vậy nếu chúng ta đã sốt sắng
ở nhà thờ đối với Chúa, thì chúng ta hãy nhiệt tình với tha nhân ngoài xã hội.
Khẩu hiệu kính Chúa và yêu nước, tốt đời và đẹp đạo có thể được sáng thêm trong
phụng vụ hôm nay. Chúng ta hãy tận tâm thi hành trong niềm tin.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Chúa Nhật tuần 31 thường niên, năm B
|
Suy niệm: Các câu hỏi của người kinh sư trong bài Tin Mừng
là một vấn đề nan giải của người Do Thái bấy giờ. Họ phân luật thành 612 điều
khác nhau: 248 điều phải thi hành và 365 điều cấm. Vì giới luật quá nhiều, nên
họ không thể xác định được đâu là điều chính yếu và quan trọng nhất. Ðức Giêsu
đã cho họ câu trả lời thật chính đáng và đồng thời chứng tỏ Ngài là Chúa của Lề
Luật. Ngài tuyên bố: tất cả các giới luật đều qui về hai điều chính: mến Chúa -
yêu người. Hai điều luật này không thể tách rời nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay dạy chúng con quá rõ ràng: muốn
được sự sống đời đời phải kính mến Chúa, yêu thương anh em. Ai trong chúng con
cũng biết điều ấy, nhưng chưa thực hành hay chỉ làm một cách máy móc hình thức.
Xin Chúa giúp chúng con hiểu sâu xa lời dạy của Chúa và đem thi hành một cách
cụ thể trong đời sống. Amen.
Ghi nhớ : "Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ
hai cũng giống như giới răn thứ nhất"
www.phatdiem.org
Mc 12,28b-34
Đạo Chúa là đạo yêu nhau
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn,
hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn
thiêu và hy lễ.” (Mc
12,33)
Suy niệm: Trong cuốn “Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội
Công Giáo Việt Nam” (nxb Tôn Giáo, 2008), cha Đỗ Quang Chính ghi lại bức thư
của linh mục thừa sai Gaspar d’Amaral viết ngày 31/12/1632, trong đó cho biết
“lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” (tr. 61).
Thật tuyệt vời! Đạo Chúa dạy đúng là đạo yêu nhau. Chúa Giêsu cho biết mọi giới
răn của Ngài được tóm lại trong giới răn “mến Chúa, yêu người.” Gần 400 năm
trước đây, các Kitô hữu cha ông chúng ta, đã sống trọn vẹn giới răn yêu thương
của Chúa và trở thành chứng nhân mạnh mẽ đầy thuyết phục trước anh em lương
dân.
Mời Bạn: Tiếc thay, 400 năm sau, không còn
nghe thấy “lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau” nữa.
Vì sao và từ bao giờ danh xưng ấy bị mai một vậy? Phải chăng vì các “bổn đạo”
không còn thực thi giới răn mến Chúa yêu người nữa? Là hậu duệ của các bậc tiền
nhân đáng kính đó, chúng ta phải thành tâm kiểm điểm mình đã sống đạo
yêu nhau như thế nào: Gia đình, cộng đoàn chúng ta đã loại bỏ hết mọi
ghen ghét, tỵ hiềm, xúc phạm lẫn nhau… để chân thành cảm thông và quan tâm phục
vụ nhau chưa? Chúng ta đã biết nhận ra và đón nhận những người bé nhỏ nghèo hèn
quanh ta đang cần sự cảm thông chia sẻ chưa?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một quyết tâm làm một việc
phục vụ, dù âm thầm nhỏ bé, cho một người anh em bé mọn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết nhận ra
Chúa nơi những anh chị em mà con gặp gỡ mỗi ngày, và cho con biết yêu thương họ
như yêu mến Chúa.
www.5phutloichua.net
Luật Tối Thượng
Không có dân tộc nào
say mê luật như dân tộc Do Thái. Người Do Thái đặt ra đủ các thứ luật. Họ giữ
luật cặn kẽ chi li. Họ học luật ngay từ khi còn nhỏ. Họ đeo cả lề luật trên
trán, trên tay. Nhưng vì quá say mê luật nên họ bị luẩn quẩn trong một mớ bòng
bong, không còn biết giữ luật thế nào cho đúng, không còn biết đâu là luật quan
trọng đâu là luật bình thường. Hôm nay, nhân một thắc mắc rất hợp lý, Chúa
Giêsu đã giải thích cho họ những điểm then chốt trong lề luật. Đó là:
Thiên Chúa là độc nhất
vô song. Đây là một chân lý
nhưng nhiều khi bị lãng quên. Thiên Chúa là chủ tể muôn loài. Ngài là Đấng duy
nhất cao cả. Không ai có thể sánh bằng. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài
là nguồn mạch sự sống của muôn loài muôn vật. Ngài là mục đích của muôn loài
muôn vật. Vũ trụ chỉ tồn tại trong Ngài. Vì thế ta phải yêu mến Ngài trên hết
mọi sự.
Yêu mến Thiên Chúa trên
hết mọi sự. Tuy nhiên Chúa là chúa
tể mọi loài. Quyền uy vô song tuyệt đối. Nhưng Ngài là Thiên Chúa rất mực yêu
thương. Ngài ban cho ta sự sống. Ngài nhận ta làm con của Ngài. Ngài cai quản
vũ trụ không bằng quyền uy nhưng bằng tình thương. Ngài là người cha luôn yêu
thương con cái. Ngài mong muốn ta đáp lại bằng tình yêu mến Ngài. Yêu mến Thiên
Chúa không những là điều công bằng và hợp tình hợp lý, mà còn đem lại cho ta sự
sống và hạnh phúc. Xa lìa Thiên Chúa đưa ta đến diệt vong vì mất sự sống và mất
hạnh phúc. Nhưng con người yếu hèn, lại bị ma quỉ cám dỗ, nên thường lãng quên
Thiên Chúa, coi thường Thiên Chúa và phản bội tình yêu của Ngài.
Yêu tha nhân như chính
mình. Thiên Chúa là Đấng vô
hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm
chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu
người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa.
Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con
người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Chúa Giêsu đã
công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những
người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.
Thành ra hai giới răn chỉ là một. Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới
răn.
Qua lời dạy hôm nay
Chúa muốn cho ta hiểu rằng tình yêu là quan trọng nhất. Tình yêu là giới răn
đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai
chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật. Như câu kết của kinh Mười điều răn: Mười
điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết
mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy.
Qua lời dạy hôm nay
Chúa muốn cho ta hiểu rằng lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là
tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không
còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc
tuân giữ lề luật. Như lời Chúa mời gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy
học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được
nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”.
Qua lời dạy hôm nay
Chúa muốn giúp ta xây dựng một thế giới mới chan chứa tình người. Thế giới còn
chiến tranh, xã hội còn nhiều bất công vì con người chưa tuân giữ luật Chúa.
Nếu mọi người biết yêu mến Chúa và yêu mến nhau, thế giới sẽ tươi đẹp, cuộc
sống sẽ hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin dạy con
biết yêu mến Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1)
Yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Bạn có thấy điều này là hợp tình hợp lý không?
2)
Tại sao ta phải yêu mến tha nhân?
3)
Bạn hãy tưởng tượng ra một thế giới trong đó mọi người giữ luật yêu mến Chúa và
yêu mến tha nhân. Bạn thấy thế giới đó thế nào?
+TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Điều răn đứng đầu
Tình yêu thực sự với Thiên Chúa đưa tôi về với
anh em. Tình yêu anh em đòi tôi gặp gỡ Thiên Chúa để múc lấy nơi Ngài sức mạnh
hầu tiếp tục hiến trao.
Suy niệm:
Ðối với một
số bạn trẻ, yêu chẳng có gì khó.
Yêu là gặp nhau, quen nhau,
nhớ nhau.
Yêu là hẹn hò, viết thư, tặng
quà sinh nhật.
Nhưng dần dần quan niệm về
tình yêu trở nên sâu xa hơn.
Các bạn nhận ra yêu là trao
hiến bản thân,
là hy sinh chính mình để sống
cho người khác.
Tình yêu đích thực không dễ
như nhiều người lầm tưởng.
Vào ngày tận thế, chúng ta sẽ
bị xét xử về tình yêu.
Một vị kinh
sư tốt lành hỏi Ðức Giêsu
về điều răn đứng đầu trong số
613 khoản luật.
Ngài trích Ngũ Thư để tóm lại
trong hai điều răn chính:
yêu Thiên Chúa hết lòng và yêu
tha nhân như chính mình.
Tất cả lề luật cô đọng trong
một thái độ là yêu mến.
Giữ luật mà quên yêu mến có
thể dẫn đến óc nệ luật.
Giữ luật phải trở nên phương
thế để bày tỏ tình yêu.
“Yêu mến là chu toàn lề luật”
(Rm 13,10).
Thánh
Augustinô phàn nàn là mình đã yêu Chúa quá muộn.
Còn chúng ta lại thấy mình yêu
Chúa quá ít và hời hợt.
Khi nghe Ðức Giêsu nhắc lại
lời kinh của người Do Thái:
“Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa,
Thiên Chúa của ngươi,
với trọn cả trái tim ngươi,
với trọn cả linh hồn ngươi,
với trọn cả trí khôn ngươi,
với trọn cả sức lực ngươi...”,
ta mới thấy đòi hỏi quyết liệt
của Thiên Chúa.
Ngài muốn ta yêu Ngài bằng tất
cả con người mình.
Cụm từ “với trọn cả” được lặp
lại nhiều lần
như nhắc ta chẳng nên giữ điều
gì lại.
Sống điều
răn thứ nhất là đặt Chúa lên trên hết,
là dành ưu tiên một cho Chúa
giữa những ưu tiên.
Coi Chúa là tất cả, mãn nguyện
vì có Chúa.
Dành cho Chúa tất cả, để Chúa
chiếm trọn mình.
Ðiều răn thứ hai bắt nguồn từ
điều răn thứ nhất:
yêu người thân cận như chính
mình.
Người thân cận là mọi người
chẳng trừ ai.
Chỉ trong Chúa tôi mới có thể
yêu thương đến vô cùng.
Trong Chúa, tôi nhận ra tha
nhân là anh em, con một Cha,
là hình ảnh của Ðức Kitô đang
cần tôi giúp đỡ.
Trong Chúa, tôi cảm nhận phẩm
giá đích thực của một người,
dù đó là một thai nhi, một
phạm nhân hay người mất trí.
Tình yêu thực sự với Thiên
Chúa đưa tôi về với anh em.
Tình yêu anh em đòi tôi gặp gỡ
Thiên Chúa
để múc lấy nơi Ngài sức mạnh
hầu tiếp tục hiến trao.
Ðó là nhịp đập bình thường của
trái tim người Kitô hữu,
cứ đong đưa giữa hai tình yêu.
Hay đúng hơn chỉ có một tình
yêu:
tôi yêu tha nhân trong Chúa và
tôi yêu Chúa nơi tha nhân.
Ðức Giêsu đã
sống đến cùng hai điều răn Ngài dạy.
Ngài sống để yêu và chết vì
yêu.
Tình yêu của Ngài là lễ toàn
thiêu và hy tế.
Mỗi tối tôi lại xét mình về
tình yêu
để thấy mình còn yêu quá ít.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
trước khi con tìm Chúa,
Chúa đã đi tìm con.
Trước khi con thấy Chúa,
Chúa đã nhìn thấy con.
Trước khi con theo Chúa,
Chúa đã đi theo con.
Trước khi con yêu Chúa,
Chúa đã mến yêu con.
Trước khi con thuộc về Chúa,
Chúa đã thuộc về con.
Trước khi con phụng sự
Chúa,
Chúa đã phục vụ con.
Trước khi con từ bỏ mình vì
Chúa,
Chúa đã nộp mình vì con.
Trước khi con sống và chết
cho Chúa,
Chúa đã sống và chết cho
con.
Trước khi con đặt Chúa lên
trên hết,
Chúa đã coi con là hạnh
phúc tuyệt vời của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con,
Chúa luôn đi trước con.
Chúa làm trước khi Chúa dạy.
Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con
đều chỉ vì lợi ích vĩnh cửu của con mà thôi.
Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa
với lòng biết ơn và rất
nhiều tình yêu. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Ngày 04
CHÚA
NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN
Thánh Carôlô Bôrômêô, giám mục
Tình yêu Thiên Chúa ràng buộc trọn con người chúng ta. Một tình yêu
thông minh và hoạt động, mà nguồn gốc là ở nơi Thiên Chúa, Đấng là tình yêu.
Thật vậy, chúng ta đã được tạo dựng giống hình ảnh Người, nhưng khả năng yêu
thương của chúng ta bị xúc phạm.Vì thế "giới luật" yêu mến Thiên Chúa
hướng dẫn cảm tính sâu kín của chúng ta và khuyến khích chúng ta xin ơn trợ
giúp của Thần Khí. Còn cần cụ thể hoá mệnh lệnh này của Đức Giêsu trong cuộc
sống chúng ta! Làm sao yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta không thấy! Sách Đệ nhị
Luật, chương 6, mời gọi chứng ta, trước hết, chọn mệnh lệnh khi nhận biết Thiên
Chúa là “Đức Chúa duy nhất", nghĩa là yêu mến Người hơn các thần tượng, là
"cái tôi", là tiền bạc, là thú vui...
Nhưng yêu mến Thiên Chúa, cũng là học yêu mến Thiên Chúa
vì chính Người, chứ không phải chỉ vì những ơn Người ban. Và điều đó trong thời
gian, trong những giai đoạn thử thách như:
những tang tóc, những thất thế của cuộc sống... Đây thực sự là một cuộc chiến đấu, để không nguyền rủa hoặc chối bỏ Thiên Chúa, như các Thánh Vịnh đã
làm chứng. Như thế, chúng ta chuẩn bị dần dần sự dâng hiến trọn vẹn chính mình vì yêu thương. Việc
làm chứng cao nhất, hay sự tử vì đạo, có thể đẫm máu hoặc không đẫm máu, là như vậy. Nhưng, nếu chúng ta có
thể tiến được tới đó, phải chăng bởi vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước?
Nữ tu Emmanuelle Billoteau
Hạnh Các Thánh
Ngày
04 tháng 11
THÁNH CARÔLÔ BÔRÔMÊÔ, TỔNG GIÁM MỤC
MILANÔ
Bôrômêô
chào đời ngày mồng 02 tháng 10 năm 1538, thân sinh là ông Bôrômêô Arôma, con
thứ năm hầu tước Gibert; thân mẫu Magarita Médici, chị ruột Đức Giáo Hoàng Piô
IV. Khi vừa lên năm tuổi, Bôrômêô đã được gửi đi học. Ngày tháng trôi qua, mặc
dầu trí khôn không vào hàng xuất chúng, nhưng do sự siêng năng cần mẫn, Bôrômêô
chẳng mấy chốc đã qua hết bậc trung học, rồi lên đại học Pavia. Cuối năm 1559,
khi vừa 21 tuổi, Bôrômêô được vinh dự lãnh cấp bằng tiến sĩ lưỡng luật, qua sự
khảo hạch của giáo sư Phanxicô Alciat, một đại luật gia đương thời.
Theo
tục lệ thời bấy giờ, người ta có thể xin gia nhập hàng giáo sĩ từ hồi còn nhỏ.
Chính vì thế nên vừa mới được 12 tuổi, Bôrômêô đã được nhận vào hàng giáo sĩ.
Năm 1560, tức một năm sau ngày trúng tuyển tiến sĩ lưỡng luật, Bôrômêô được Đức
Giáo Hoàng triệu về Rôma, ngài liền được phong tước vị Hồng y kiêm chức Giám
quản địa phận Milan. Làm Giám quản Milanô, nhưng ngài vẫn cư ngụ tại Rôma và
kiêm nhiệm chức Quốc vụ khanh trong Giáo triều.
Năm
1515, Đức Thánh Cha Phaolô III triệu tập Công đồng chung Tridentinô, nhưng phải
mãi đến triều đại Đức Giáo Hoàng Piô IV công đồng này mới bế mạc một cách mỹ
mãn. Được như vậy phần lớn là nhờ sự tận tâm tận lực của Hồng y Bôrômêô trong
việc thu thập tài liệu và liên lạc giải quyết với các nhân viên trong Giáo triều
Rôma và với các sứ thần cũng như các nghị phụ trong Công đồng. Ca ngợi lòng
nhiệt thành của đức Hồng y Bôrômêô, một nghị phụ người Vênitia nói: “Ngài làm
việc có khi suốt đêm, soạn lại các báo cáo và tin tức khắp nơi gửi về, lãnh ý
và liệu thi hành chỉ thị của Đức Thánh Cha… Đúng ra, ngài là người chấp hành sứ
vụ hơn là đứng địa vị một cố vấn”.
Mặc
dầu làm Tổng Giám mục Milanô, nhưng Hồng y Bôrômêô vẫn cư ngụ tại Rôma để giúp
Đức Giáo Hoàng điều hành công việc trong Công đồng Triđentinô. Trong thời gian
vắng nhà, ngài trao quyền quản trị Giáo khu cho Nicôla Ormanetô, một vị phụ tá
rất lỗi lạc. Tuy nhiên, dù phụ tá lỗi lạc mấy đi nữa cũng không thể ích lợi
bằng sự hiện diện của chính chủ chăn, nhất là vào thời kỳ các lạc giáo đang tác
hại khắp miền. Bởi vậy, sau thời gian công tác tại hai miền Trung và Bắc Ý với
tư cách là một đặc sứ, Hồng y Bôrômêô đã long trọng về nhận địa phận ngày 23
tháng 9 năm 1565. Nhưng chỉ một ít tháng sau, ngài lại phải tới Rôma để dự đám
tang người cậu yêu quí là Đức Giáo Hoàng Piô IV và dự cuộc bầu cử Đức Tân Giáo
Hoàng. Công việc hoàn tất, ngài lại trở về Milanô. Lần này ngài mới thực hiện
sự điều khiển địa phận. Là một Hồng y Tổng Giám mục mới 28 xuân xanh mà phải
gánh vác trọng trách của một tổng giáo khu rộng lớn như Milanô, phải chăng sự
kiện ấy lại không cho ta thấy ngài là một nhà lãnh đạo lỗi lạc? Thật vậy, 18
năm trời cai quản giáo khu Milanô, đối với ngài là 18 năm làm việc vất vả nhất,
song lại kết quả nhất trong cuộc đời. Mềm dẻo nhưng cương quyết, yêu thương
nhưng không thiên vị… với những đức tính ấy, ngài đã dần cải tổ được cả hàng
giáo phẩm lẫn giáo sĩ dưới quyền. Các Giám mục hồi đó thường hay sống xa địa
phận, không mấy quan tâm đến việc chăn dắt con chiên. Trước tình trạng ấy, Hồng
y Tổng Giám mục đã cương quyết khuyến cáo các vị về việc thi hành khoản luật
trú sở mà Công đồng Tridentinô mới ban bố, và lời khuyến cáo đó đã có kết quả
tốt đẹp. Các giáo sĩ cũng vậy, do sự tuyển dụng thiếu chắc chắn, nên có nhiều
vị sống không đúng phẩm chức của mình. Trước cảnh sa sút ấy, Hồng y Bôrômêô quả
thực là người đã làm sống lại lý tưởng cao cả của bậc tu trì.
Tuy
nhiên, sự “sốt sắng việc nhà Chúa” của Đức Hồng y không phải là không gặp phản
ứng mãnh liệt. Tháng 8 năm 1569, các kinh sĩ thánh đường Maria della Seala tại
Milanô, do Thống đốc Alburquerque xúi giục, đã xua đuổi không cho ngài vào
thánh đường của họ. Nhưng cuối cùng ngài đã chế phục được các kinh sĩ này. Với
các tu sĩ dòng “Khiêm nhường”, ngài còn phải đối phó gắt gao hơn nhiều. Dòng
“Khiêm nhường” là một hội dòng có tính cách địa phương thuộc miền Milanô, nơi
này rất giàu có nhờ việc buôn bán tơ lụa, và sự giàu có ấy đã làm cho họ mất
hết lòng đạo đức sốt sắng. Tổng Giám mục Bôrômêô muốn tái lập trật tự cho họ.
Nhưng một hôm đang khi đọc kinh với gia nhân ở nhà nguyện, ngài đã bị tu sĩ
Donatô bắn lén. May mà súng thô sơ và tầm bắn hơi xa nên các viên đạn chỉ xuyên
thủng áo mà không gây thương tích trầm trọng.
Ngoài
các việc tái lập trật tự trong các dòng tu sẵn có, ngài còn thiết lập một hội
dòng riêng cho địa phận, đó là dòng thánh Ambrôsiô (1578). Chính ngài nghiên
cứu và soạn thảo qui luật cho hội. Hội dòng này đã làm ích cho địa phận không
ít. Năm 1611, sau khi ngài được phong thánh, hội dòng đã lấy một tên khác là
“Dòng hai thánh Ambrôsiô và Carôlô”.
Việc
đào luyện cán bộ truyền giáo cũng làm ngài bận tâm không ít. Bởi vậy, theo như
quyết định của Công đồng Tridentinô, ngài đã xây dựng nhiều chủng viện để đào
tạo giáo sĩ, đồng thời xây cất các trung tâm giáo dục và các trung tâm tĩnh
niệm cho hối nhân. Riêng việc học hỏi giáo lý, ngài đã gây được một phong trào
rất sôi động trong toàn địa phận. Chính ngài đã quảng diễn Phúc âm, tuy đơn sơ
nhưng súc tích, ngài dùng hình ảnh và áp dụng thực tế nên thính giả rất hâm mộ.
Hằng
năm ngài dành rất nhiều thời giờ để kinh lý địa phận riêng và các địa phận
thuộc giáo tỉnh của ngài, kể cả những địa phận xa xôi hẻo lánh nhất. Đến đâu
ngài cũng được giáo dân tiếp đón nồng nhiệt. Nhờ những cuộc kinh lý này, ngài
hiểu thêm được đời sống thiêng liêng và vật chất của tín hữu, đặc biệt hơn hết
là ngài điều tra tại chỗ được khả năng làm việc và nếp sống của các cha xứ, nhờ
đó ngài đã đề ra nhiều biện pháp thích nghi để thăng tiến hàng giáo sĩ.
Lòng
nhiệt thành của Đức Hồng y đối với công việc tông đồ thật vô cùng cao cả, mà
đức bác ái của ngài đối với đồng bào đau khổ cũng không kém phần chói sáng.
Người ta vẫn không quên đại họa dịch tả và nạn đói kém đã xảy ra tại Milanô vào
hai năm 1576 và 1577. Làng Cocarno với nhân số 4.800 đã bị thần dịch cướp đi
mất chỉ còn 700 người. Trước cảnh đau thương ấy, Đức Tổng Giám mục không hề từ
nan mọi sự giúp đỡ nào mỗi khi có thể. Ngài đã bán tất cả đồ dùng trong nhà để
lấy tiền cứu trợ. Ngài đã quên ăn, bỏ ngủ để thăm viếng và giúp các bệnh nhân
dọn mình chết. Chính vì sự tận tụy hy sinh ấy thêm vào sự lao nhọc tông đồ
trong suốt hai mươi năm trường, ngài đã phải kiệt sức rồi nhuốm bệnh nặng. Đến
chiều ngày thứ bảy, mồng 03 tháng 11 năm 1484. Ngài đã lìa cõi trần gian tục
lụy, về hưởng hạnh phúc bất diệt nơi Chúa dành để cho các bề tôi trung tín.
Hằng
năm, cứ đến ngày ngài tạ thế, giáo dân Milanô lại tổ chức những buổi lễ cầu
nguyện cho linh hồn Đức Tổng Giám mục thân yêu. Nhưng ngày 03 tháng 11 năm
1604, thay vì cầu nguyện cho ngài như mọi khi, người ta lại tổ chức một cuộc
sùng kính công cộng hết sức long trọng. Thế rồi sang năm sau và năm sau nữa,
thói quen đó cứ lan rộng dần ra khắp trời Âu. Tới năm 1640, Giáo hội chính thức
tôn phong ngài lên bậc hiển thánh. Sự kiện này càng làm cho giáo hữu thêm lòng
sùng mộ thánh nhân hơn nữa. Đời sống thánh thiện cũng như tài cai trị và đức
bác ái nhiệt thành của ngài đã trở thành một tấm gương sáng trong, chẳng những
cho toàn giáo dân mà còn cho cả các bậc vị vọng trong Giáo hội, chẳng hạn như
cha Olier, đấng sáng lập hội Xuân Bích, Hồng y Bréuelle, và bao nhiêu Giám mục
khác noi theo.
Xin
thánh Bôrômêô cầu cho chúng con, nhất là cho hàng giáo phẩm và giáo sĩ, được
một tinh thần hăng say phụng sự Thiên Chúa và phục vụ nhân loại, như ngài đã
hăng say phụng vụ xưa. Amen.
www.tinmung.net
4-11
Thánh Charles Borromeo
(1538-1584)
T
|
ên của Thánh Charles Borromeo
đi liền với chữ cải cách. Ngài sống trong thời kỳ Cải Cách Tin Lành, và đã tiếp
tay trong công cuộc cải cách toàn thể Giáo Hội trong những năm cuối của Công
Ðồng Triđentinô.
Mặc dù ngài thuộc về một gia
đình quý tộc ở Milan và có bà con với dòng họ Medici rất uy thế, nhưng ngài lại
muốn tận hiến cho Giáo Hội. Khi người bác của ngài là Ðức Hồng Y de Medici được
chọn làm giáo hoàng năm 1559 với tước hiệu là Piô IV, đức giáo hoàng đã chọn
ngài làm trưởng phó tế và là quản lý của Tổng Giáo Phận Milan trong khi ngài
chỉ là một sinh viên giáo dân. Vì sự thông minh xuất chúng nên ngài được giao
cho nhiều chức vụ quan trọng có liên hệ đến Tòa Thánh, và sau này được bổ nhiệm
làm bộ trưởng chịu trách nhiệm toàn thể ban hành chánh của tòa thánh. Cái chết
đau đớn của người anh đã đưa ngài đến quyết định đi tu làm linh mục, mặc dù bao
người thân nhân ngăn cản. Ngài được thụ phong linh mục năm 25 tuổi, và sau đó
không lâu được tấn phong làm giám mục của Milan.
Chính thánh nhân là người đã
thúc giục đức giáo hoàng phục hồi Công Ðồng Triđentinô vào năm 1562 sau 10 năm
bị ngưng trệ. Ðứng ở đằng sau và âm thầm làm việc, thánh nhân là người có công
trong việc duy trì sự liên tục của các khóa họp Công Ðồng mà nhiều khi tưởng đã
đổ vỡ. Trong giai đoạn cuối của Công Ðồng, ngài là người chủ yếu trong việc
hướng dẫn và thành hình các sắc lệnh của công đồng. Hiển nhiên ngài cũng được
phép dành thời giờ để làm việc cho Tổng Giáo Phận Milan, là nơi mà tôn giáo và
luân lý thật sáng tỏ.
Sự cải tổ cần phải thi hành
trong mọi tầng lớp Công Giáo, dù là giáo sĩ hay giáo dân, và được khởi sự từ
các công đồng địa phương với các giám mục phụ tá. Những quy luật rõ ràng được
đặt ra cho các giám mục và tu sĩ: Nếu người ta thay đổi đời sống để trở nên tốt
lành hơn, thì giáo sĩ phải là những người làm gương và phải canh tân tinh thần
tông đồ của mình trước hết.
Chính Thánh Charles tiên
phong trong việc làm gương. Ngài chia sẻ hầu hết phần lương của ngài cho công
việc bác ái, tự ý từ bỏ đời sống sang trọng của một tổng giám mục, và ăn chay
đền tội. Ngài hy sinh giầu sang, danh vọng, sự mến mộ và ảnh hưởng để trở nên
nghèo hèn. Trong thời kỳ dịch tễ và đói kém năm 1576, ngài cố tìm cách để nuôi
ăn 60,000 đến 70,000 người mỗi ngày. Ðể thực hiện điều này, ngài phải mượn một
số tiền rất lớn mà nhiều năm sau mới trả hết. Khi nạn dịch hoành hành đến mức
tối đa, các giới chức hành chánh dân sự bỏ trốn thì ngài vẫn ở lại thành phố để
thi hành công việc mục vụ cho những người đau yếu, người hấp hối và những ai
cần sự giúp đỡ.
Vào năm 1578, ngài thành lập
một tổ chức cho các linh mục triều, Tu Sĩ của Thánh Ambrôsiô (bây giờ là Tu Sĩ
của Thánh Charles), tích cực rao giảng, chống với sự xâm nhập của các tà
thuyết, và đưa những người Công Giáo lầm lạc trở về với Giáo Hội.
Công việc và gánh nặng của
chức vụ đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ngài. Ngài từ trần khi mới 46 tuổi và
được phong thánh năm 1610.
Lời Bàn
Thánh Charles đã sống theo
lời Ðức Kitô: "... Khi
ta đói con đã cho ta ăn, ta khát con đã cho ta uống, ta lạc lõng con đã tiếp
đón, ta trần truồng con đã cho áo mặc, ta đau ốm con đã chăm sóc, ta tù đầy con
đã thăm viếng" (Mt.
25:35-36). Thánh Charles đã nhận ra Ðức Kitô trong tha nhân, và ngài biết rằng
công việc bác ái được thi hành cho những người bé mọn là được thi hành cho Ðức
Kitô.
Lời Trích
"Trong cuộc lữ hành
trần thế, Ðức Kitô luôn mời gọi Giáo Hội hãy cải tổ liên tục và đó là điều rất
cần thiết, vì giáo hội là một tổ chức của con người. Do đó, nếu ảnh hưởng của
các biến cố hay thời cuộc đã đưa đến những khiếm khuyết trong hành động, trong
kỷ luật của Giáo Hội, hay ngay cả trong việc hình thành tín lý (cần thận trọng
phân biệt với kho tàng đức tin), thì những khiếm khuyết ấy phải được chấn chỉnh
một cách thích hợp và đúng lúc" (Sắc Lệnh về Ðại Kết, 6).
www.nguoitinhuu.com
Lectio: Chúa Nhật XXXI Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 4 Tháng 11,
2012
Khi thể diện bề ngoài trả thù yêu
thương…
Điều răn trọng nhất: tình yêu Thiên Chúa và tha nhân
Mc 12:28-34
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng
của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các
môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa
trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì
thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong
những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và
đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng
con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa
khóa dẫn đến bài đọc:
Bài
Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này nói về các Luật Sĩ, những người có trách nhiệm giảng dạy giáo lý, muốn biết từ Chúa Giêsu, giới răn nào trọng nhất. Ngày nay cũng vậy, có nhiều người muốn biết điều gì quan trọng nhất trong tôn giáo. Một số người nói rằng đó là phép rửa tội, người khác nói là tham dự Thánh Lễ hay một nghi thức Phụng Vụ Chúa Nhật khác, có người cho là tình yêu tha nhân! Có một số người chỉ lo lắng về bề ngoài hoặc các địa vị trong Giáo Hội. Trước khi đọc câu trả lời của Chúa Giêsu, bạn hãy cố gắng nhìn vào bản thân và tự hỏi: “Đối với tôi, điều gì quan trọng nhất trong tôn giáo
và trong cuộc sống?”
Văn bản cho chúng ta cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và vị Luật Sĩ. Đang khi đọc, bạn hãy cố gắng tập trung vào những điều sau đây: “Chúa
Giêsu khen vị Luật Sĩ về điểm nào và chỉ trích họ về điều gì?”
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc
12:28: Câu hỏi của vị Luật Sĩ liên quan đến giới răn trọng nhất
Mc
12:29-31: Câu trả lời của Chúa Giêsu
Mc
12:32-33: Vị Luật Sĩ tán thành
câu trả lời của Chúa Giêsu
Mc
12:34: Chúa Giêsu xác định với vị Luật Sĩ
c) Tin Mừng:
28 Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong
các giới răn điều nào trọng nhất?" 29 Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, 30 và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. 31 Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó". 32 Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác
nữa. 33 Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh". 34 Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao
nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
3. Giây
phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Điểm nào trong bài Tin Mừng này làm bạn chú ý nhất? Tại sao?
b) Chúa
Giêsu chỉ trích vị Luật sĩ điều gì và khen Luật Sĩ về điều gì?
c) Theo như các câu 29 và 30, tình yêu của chúng ta dành
cho Thiên Chúa phải như thế nào? Những chữ sau đây trong
các câu Tin Mừng có ý nghĩa gì: tâm hồn, trí khôn, sức lực? Tất cả những chữ này có hướng về cùng một điều không?
d) Mối quan hệ giữa điều răn thứ nhất và điều răn thứ hai là gì? Tại sao?
e) Ngày nay
chúng ta gần hơn hay là xa hơn với Vương quốc Thiên Chúa so với vị luật sĩ mà Chúa Giêsu khen ngợi? Bạn nghĩ gì?
5. Dành
cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a) Bối cảnh:
i) Khi Chúa
Giêsu bắt đầu hoạt động công việc truyền giáo của Người, các luật sĩ ở Giêrusalem thậm chí đã đến miền Galilêa để quan sát Người (Mc 3:22; 7:1). Họ lúng túng vì lời rao giảng của Chúa Giêsu và đã xuôi theo lời vu khống nói rằng Chúa đã bị quỷ ám (Mc 3:22). Giờ đây, tại Giêrusalem, một lần nữa họ bắt đầu tranh cãi với Chúa Giêsu.
ii) Vào thập niên 70, khi Máccô biên soạn sách Tin Mừng của ông, đã có nhiều sự thay đổi và bách hại, và vì vậy, đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu thật bấp bênh. Vào thời điểm của những đổi thay và bất trắc luôn có nguy cơ hoặc sự cám dỗ để tìm kiếm sự an lành, không tin tưởng vào sự tốt lành của Thiên Chúa đối với chúng ta, nhưng trong việc chấp hành nghiêm ngặt Luật Môisen. Đối diện với kiểu suy nghĩ này, Chúa Giêsu khẳng định việc thực hành luật yêu thương để làm dịu đi việc tuân giữ Luật Môisen và cho nó ý nghĩa thực sự.
b) Lời bình luận về văn bản:
Mc 12:28: Câu
hỏi của vị Luật Sĩ
Ngay trước khi vị Luật Sĩ đặt câu hỏi với Đức Giêsu, Chúa đã có một cuộc thảo luận với nhóm người Sađốc về vấn đề niềm tin vào sự sống lại (Mc 12:18-27). Vị Luật Sĩ, người đã có mặt trong cuộc thảo luận, hài lòng với câu trả lời của Chúa Giêsu, và
nhận ra rằng đây là một người rất thông minh, cho
nên ông ta tạo cơ hội và đưa ra câu hỏi của mình để làm sáng tỏ: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?” Vào thời ấy, người Do Thái đã có rất nhiều luật lệ để quy định việc tuân giữ Mười Điều Răn về Lề Luật của Thiên Chúa. Có người nói: “Tất cả những luật lệ này đều quan trọng như nhau, vì chúng được Thiên Chúa ban ra. Chúng ta không có quyền phân biệt về những việc của Thiên Chúa”. Người khác đáp lại: “Không! Một số lề luật thì quan trọng hơn những luật khác và do đó có nhiều ràng buộc hơn!” Vị luật sĩ muốn biết quan điểm của Chúa Giêsu: “Giới răn nào trọng nhất trong tất cả các giới răn?” Vấn đề này đã được thảo luận sôi nổi vào thời bấy giờ.
Mc
12:29-31: Câu trả lời của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích dẫn Kinh Thánh, nói rằng điều răn thứ nhất là “ngươi phải yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi!” (Đnl 6:4-5). Những lời này là một phần của lời cầu nguyện được gọi là Shemá (Hãy
nghe). Vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái đọc lời cầu nguyện này hai lần mỗi ngày: vào buổi sáng và buổi tối. Lời cầu nguyện này cũng phổ quát như Kinh Lạy Cha đối với chúng ta ngày
nay. Sau
đó, Chúa Giêsu thêm vào, vẫn còn trích dẫn lời Kinh Thánh: “Còn đây
là giới răn thứ hai: ‘Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi’ (Lv 19:18). Không có
giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Một câu trả lời ngắn gọn và rất sâu sắc! Đó là bản tóm tắt tất cả những gì Chúa Giêsu đã giáo huấn về Thiên Chúa và đời sống (Mt 7:12)
Mc
12:32-33: Câu trả lời của vị Luật sĩ
Vị luật sĩ đồng ý với Chúa Giêsu và đưa ra kết luận: "Thưa Thầy, đúng lắm! Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh". Nói cách khác,
giới răn yêu thương thì quan trọng hơn tất cả các giới răn phải giữ về thờ phượng hoặc các hy tế trong Đền Thờ. Lời tuyên bố này phát xuất từ các tiên tri trong Cựu Ước (Hs 6:6; Tv 40:6-8; Tv 51:16-17). Ngày nay
chúng ta sẽ nói rằng: thực hành giới răn yêu thương thì quan trọng hơn là các tuần cửu nhật, lời khấn hứa, Thánh Lễ, cầu nguyện và rước kiệu. Hay nói đúng hơn, các tuần cửu nhật, lời khấn hứa, Thánh Lễ, lời cầu nguyện và cuộc rước kiệu phải là kết quả của việc thực hành giới răn yêu thương và phải dẫn đến sự yêu thương.
Mc 12:34: Bài
tóm tắt về Nước Trời
Chúa Giêsu xác định câu kết luận đưa ra bởi vị luật sĩ và nói: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu!” Thật vậy, Nước Thiên Chúa bao gồm trong việc nhận ra rằng tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là điều quan trọng nhất. Và nếu Thiên Chúa là Cha, thì tất cả chúng ta đều là anh chị em và chúng ta phải bày tỏ điều này trong thực hành bằng cách sống trong cộng đoàn. “Tất cả Luật Môisen và các
sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy!” (Mt 22:40) Môn đệ của Chúa Giêsu phải ghi khắc điều luật tuyệt vời này vào trong
trí nhớ của họ, trí tuệ và tâm hồn của họ: chỉ có như vậy chúng ta mới có thể đạt được Thiên Chúa
trong món quà tận hiến chính mình cho
tha nhân!
Mc
12:35-37: Chúa Giêsu chỉ trích lề lối giảng dạy của các luật sĩ về Lề Luật Đấng Mêssia
Lời tuyên truyền chính thức của nhà cầm quyền và các luật sĩ nói rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến như Con vua Đavít. Điều này có ý để giảng dạy rằng Đấng Cứu Thế sẽ là một vì vua thống trị, dũng mãnh và
vinh hiển. Đây là những gì đám đông dân chúng reo hò vang
dậy vào ngày Lễ Lá: “Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta!” (Mc 11:10). Người mù thành Giêricô cũng kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10:47). Thế mà ở đây Chúa Giêsu lại đặt vấn đề về lời giảng dạy này của các luật sĩ. Người trích dẫn bài Thánh Vịnh của vua Đavít: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: ‘Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con!’” (Tv 110:1) Sau đó
Chúa Giêsu tiếp tục: “Nếu vua Đavít gọi Đấng Cứu Thế là Chúa Thượng, thì Đấng Cứu Thế lại là con vua ấy thế nào được?” Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu đã không đồng ý với ý tưởng về một Đấng Mêssia vua
vinh hiển, Đấng sẽ đến để thống trị và áp đặt triều đại của Người trên tất cả địch thù. Chúa
Giêsu ưa thích là Đấng Mêssia tôi tớ được công bố bởi tiên tri Isaia (Is 42:1-9). Người nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45).
Mc
12:38-40: Chúa Giêsu lên án các luật sĩ
Sau đó Chúa Giêsu tạo sự chú ý của các môn đệ về thái độ thiên vị và đạo đức giả của một số các luật sĩ. Những người này ưa đi dạo quanh quảng trường, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ để lấy tiền! Và rồi Chúa Giêsu kết thúc bằng câu nói: “Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn những gì họ nhận được!” Chúng ta
cũng nên dựa vào văn bản này làm một việc tự vấn lương tâm để liệu xem chúng ta có
thể thấy chính mình phản chiếu trong đó không!
c) Phần phụ chú:
Giới răn trọng nhất
Giới răn trọng nhất và trước nhất là và mãi mãi sẽ là “ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và với hết sức lực ngươi” (Mc 12:30). Qua hằng thế kỷ, vào những lúc dân riêng của Thiên Chúa đã
đào sâu hơn sự hiểu biết của họ và đặt tầm quan trọng cho lòng yêu mến Thiên Chúa, rồi thì họ đã nhận thức được rằng tình yêu Thiên Chúa chỉ thực sự khi nó trở thành cụ thể trong tình yêu
tha nhân. Đó
là lý do tại sao điều răn thứ hai yêu thương tha nhân, cũng tương tự như điều răn thứ nhất yêu mến Thiên Chúa (Mt 22:39; Mc 12:31). “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà
lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1 Ga 4:20). “Tất cả Luật Môisen và các
sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22:40). Thoạt đầu, những chi tiết về tình yêu tha nhân thì không được rõ ràng cho lắm. Liên quan đến điểm này, đã có một sự tiến hóa trong ba
giai đoạn lịch sử của dân riêng Thiên Chúa:
Giai đoạn thứ nhất: “Người lân cận” là quan hệ thân thích đồng chủng tộc
Cựu Ước đã dạy về nhiệm vụ “phải yêu thương người đồng loại như chính mình!” (Lv
19:18). Vào
thời xa xưa, chữ người lân cận thì đồng nghĩa với bà con thân thích. Họ cảm thấy có nhiệm vụ phải yêu thương tất cả những người thân thuộc trong cùng một gia đình, bộ lạc, chi tộc và cùng dân tộc. Đối với người ngoại chủng, đó là, những người không phải là dân Do Thái, sách Đệ Nhị Luật nói rằng: “Người nước ngoài, anh em
có thể thúc nợ; nhưng cái gì của anh em mà ở trong nhà người bà con của anh em, thì phải tha không đòi (bà con, người lân cận)!” (Đnl 15:3).
Giai đoạn thứ hai: “Người lân cận” là bất cứ ai tôi tiếp cận hoặc họ tiếp cận tôi
Dần dà, khái niệm về người lân cận phát triển. Do đó, trong thời Chúa Giêsu đã
có một cuộc tranh cãi sôi nổi về “ai là người lân cận của tôi?” Một số luật sĩ nói rằng khái niệm về người lân cận đã được triển khai vượt khỏi giới hạn của chủng tộc. Tuy nhiên, những kẻ khác sẽ không đồng ý với điều này. Đó là lý do tại sao một người luật sĩ tìm đến Chúa Giêsu với câu hỏi đầy tranh cãi: “Ai là người lân cận của tôi?” Chúa
Giêsu đã trả lời bằng dụ ngôn người Samaritanô Nhân Lành (Lc
10:29-37), khi người lân cận chẳng phải là một thân nhân, cũng chẳng là một người bạn, hay một nhà quý tộc, mà là một người tiếp cận với bạn, không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc, giới tính hoặc ngôn ngữ. Bạn phải yêu mến người ấy!
Giai đoạn thứ ba: Sự đo lường tình yêu thương của chúng ta đối với “người lân cận” là yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta
Chúa Giêsu đã nói với vị luật sĩ: “Ông
không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu!” (Mc 12:34). Vị luật sĩ đã gần kề với Nước Trời bởi vì thật ra Nước Trời bao gồm trong sự hiệp nhất tình yêu Thiên Chúa với lòng yêu mến tha nhân, như vị luật sĩ đã dõng dạc tuyên bố trước sự hiện diện của Chúa Giêsu (Mc
12:33). Nhưng để vào được Nước Trời, ông ta vẫn còn cần thêm bước nữa. Chuẩn mực để yêu thương tha nhân được dạy trong Cựu Ước là “yêu như chính thân mình”. Chúa Giêsu nới rộng tiêu chuẩn này và nói rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em! Không có tình
thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính
mạng vì bạn hữu của mình!” (Ga 15:12-13). Chuẩn mực trong Tân Ước sau đó là: “Hãy yêu
thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta!” Chúa Giêsu đã ban cho lời giải thích thực sự Lời của Chúa và cho thấy cách chắc chắn để đạt được một lối sống huynh đệ và công chính hơn.
6. Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 46 (45)
Thiên
Chúa, được mặc khải trong Đức Giêsu, là sức mạnh của ta!
Thiên
Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì.
Một dòng sông chảy ra bao nhánh
đem niềm vui cho thành của Chúa Trời:
đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao.
Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển;
ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.
Muôn dân náo động, muôn nước chuyển lay,
tiếng Người vang lên là trái đất rã rời.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì.
Một dòng sông chảy ra bao nhánh
đem niềm vui cho thành của Chúa Trời:
đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao.
Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển;
ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.
Muôn dân náo động, muôn nước chuyển lay,
tiếng Người vang lên là trái đất rã rời.
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
Đến mà xem công trình của CHÚA,
Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.
Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế,
cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan,
còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa.
Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!
Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu.
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
Đến mà xem công trình của CHÚA,
Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.
Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế,
cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan,
còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa.
Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!
Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu.
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong
sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét