Thứ Năm sau Chúa Nhật 33 Quanh Năm
Lc 19,41-44 |
Bài Ðọc I: (Năm
II) Kh 5, 1-10
"Chiên con đã bị sát
tế và đã lấy máu mình mà cứu chuộc chúng tôi thuộc mọi nước".
Trích sách Khải Huyền của
Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi đã thấy nơi
tay hữu Ðấng ngự trên ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, có ấn niêm
phong. Và tôi thấy một thiên thần hùng dũng lớn tiếng tuyên bố rằng: "Ai
xứng đáng mở sách và tháo ấn?" Nhưng cả trên trời, dưới đất và trong lòng
đất không ai có thể mở và đọc sách ấy. Tôi khóc lớn tiếng vì chẳng có ai xứng
đáng mở và đọc sách ấy. Rồi một trong các trưởng lão nói với tôi rằng:
"Thôi đừng khóc nữa, này đây sư tử của chi tộc Giuđa, dòng dõi của Ðavít
đã toàn thắng, chính Người sẽ mở sách và tháo bảy ấn niêm phong".
Tôi đây cũng trông thấy
khoảng giữa ngai và bốn con vật cùng các trưởng lão, có một Chiên Con đang đứng
như đã bị sát tế, có bảy sừng và bảy mắt: tức là bảy thần linh của Thiên Chúa
được sai đi khắp địa cầu. Chiên Con tiến đến lấy cuốn sách nơi tay hữu Ðấng ngự
trên ngai. Khi Chiên Con vừa cầm sách, thì bốn con vật phủ phục trước Chiên
Con, cả hai mươi bốn trưởng lão cũng làm như thế, mỗi người mang đàn huyền cầm
và chén vàng đầy hương thơm, tức là lời cầu nguyện của các thánh. Họ hát một
bài ca mới rằng:
"Lạy Ngài, Ngài đáng
lãnh sách và tháo ấn, vì Ngài đã chịu chết và đã lấy máu Ngài mà cứu chuộc
chúng con thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, về cho Thiên
Chúa. Ngài đã làm chúng con trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa; và
chúng con sẽ được cai trị địa cầu".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4.
5-6a và 9b
Ðáp: Ngài đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho
Thiên Chúa (Kh 5, 10).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa
một bài ca mới; hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel
hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ.
- Ðáp.
2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi
khen Người; hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu
thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. - Ðáp.
3) Các tín đồ hãy mừng rỡ
trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời
hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: x. Cv 16, 14b
Alleluia, alleluia! - Lạy
Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 19, 41-44
"Chớ chi ngươi hiểu
biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần
Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: "Chớ
chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây,
sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây
ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con
cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi
đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu thương khóc thành
Giêrusalem. Ngài tiên báo Giêrusalem sẽ bị tàn phá. Ðiều đó cho thấy Ðức Giêsu
yêu thương thành và Người cảm thấy xót xa khi người ta từ chối tình yêu của
Ngài: từ chối cứu độ và sự bình an Ngài mang đến cho họ. Mà vì không đón nhận
nên họ phải đau khổ.
Có lẽ ngày nay Ðức Giêsu vẫn
đang đau khổ và khóc thương vì tội lỗi chúng ta. Chúng ta cũng như dân thành
Giêrusalem: cố tình chối bỏ Chúa để chạy theo những vật chất danh vọng nơi trần
gian. Chúng ta sẽ phải làm gì để Chúa không còn khổ?
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến
đem tình yêu cho nhân loại và Người luôn khao khát cho con người nhận biết và
đón nhận tình yêu ấy. Xin cho chúng con được Lời Chúa thức tỉnh để chúng con
biết quay về với Chúa, biết từ bỏ đời sống tội lỗi, để chúng con được hưởng nhờ
tình yêu, sự tha thứ và ơn cứu độ. Amen.
(Lời Chúa trong
giờ kinh gia đình)
Giờ Chúa Viếng Thăm
(Lc 19,41-44)
Suy Niệm:
Giờ Chúa Viếng Thăm
Nhìn trong văn mạch, biến cố
được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đi liền sau biến cố Chúa Giêsu tiến vào
thành Giêrusalem. Nhưng không như bao lần khác, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem
lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu rỗi, hòa giải giữa
con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Ðây là giờ Thiên Chúa
viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, tuy nhiên, những vị lãnh đạo Do thái tại
Giêrusalem, như chúng ta sẽ thấy trong cuộc khổ nạn của Chúa, họ không những từ
chối, mà còn xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh
đóng đinh Chúa vào Thập giá và tha Baraba cho họ. Như thế, dù có sự nồng nhiệt
hoan hô Chúa khi Ngài cỡi trên lưng lừa tiến vào thành thánh, thì sự nồng nhiệt
đó cũng chỉ là thoáng qua, và Chúa Giêsu nhận thấy ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến bị
con người khước từ hơn là đón nhận.
Ðiều xẩy ra cho thành
Giêrusalem cũng có thể xẩy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những
giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn lành. Theo quan niệm Kinh
Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Ngài thực hiện lòng nhân
từ. Thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài thánh ca ở đầu sách Tin
Mừng của Ngài, đó là bài ca của ông Dacaria và của Ðức Maria. Trong bài ca chúc
tụng của mình, Dacaria đã nêu bật lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa: chính vì lòng
nhân nghĩa mà "Thái dương từ cao xanh khấng viếng thăm ta". Còn về
phần mình, ý thức giờ Thiên Chúa viếng thăm đang xẩy ra không những cho bản
thân, mà còn cho cả dân tộc và toàn thể nhân loại, Ðức Maria đã nhận định về ý nghĩa
sâu xa của việc Thiên Chúa viếng thăm: "Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời
nọ đến đời kia, trên những kẻ kính sợ Người". Chỉ có một lý do cho cuộc
viếng thăm của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người
được Ngài viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người
không những gây thiệt hại cho chính mình, mà còn cho cả người khác nữa.
Xin Chúa cho chúng ta luôn
biết lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh, đồng thời biết mở rộng tâm hồn đón nhận
những giây phút ân sủng của Chúa để được sống an vui hạnh phúc.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 33 TN2
Bài đọc: Rev 5:1-10; Lk
19:41-44.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Khóc!
Con người khóc vì nhiều
lý do: (1) Vì tiếc, vì không đạt được điều mình muốn: Em bé muốn xem tivi; bố
mẹ bắt vào đi ngủ. (2) Vì thương, thân nhân và bạn hữu khóc thương người chết;
vì họ không còn được sống nữa. (3) Vì tội nghiệp, khi thấy một người chịu quá
nhiều đau khổ, nhất là chịu đau khổ cho mình. (4) Vì vui sướng, khi nhìn thấy
kết quả vinh quang sau khi đã trải qua bao hy sinh gian khổ để đạt được (cầu
thủ TVH khi đạt huy chương vàng). Trong Bài đọc I, Thánh Gioan khóc nức nở vì
sợ không đạt được ý muốn. Ngài muốn biết những gì trong Cuộn Sách, vì nó liên
quan đến lịch sử của nhân lọai sắp xảy ra; nhưng không tìm được ai xứng đáng để
mở 7 ấn niêm phong của Cuộn Sách. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khóc vì tội nghiệp
cho dân Thành Giêrusalem, vì họ không nhận ra ý nghĩa và mục đích sự thăm viếng
của Ngài. Chúa cũng khóc vì Ngài biết Thành sẽ bị phá hủy bình địa (70 AD), và
dân Thành sẽ tan tác như chiên không người chăn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Thị
kiến Cuộn Sách và 7 ấn niêm phong
“Tôi thấy trong
tay hữu Đấng ngự trên ngai một Cuộn Sách viết cả trong lẫn ngoài, được niêm bảy
ấn. Rồi tôi thấy một thiên thần dũng mãnh lớn tiếng công bố: "Ai xứng đáng
mở cuốn sách và tháo ấn niêm phong?" Nhưng không ai ở trên trời, dưới đất
hay trong lòng đất, có thể mở Cuộn Sách và nhìn vào đó.”
- Cuộn Sách chứa đựng ý
muốn kỳ diệu của Thiên Chúa liên quan đến mọi biến cố sẽ xảy ra trong thời kỳ
sau hết như đã nói từ ban đầu (x/c Rev 1:9). Nội dung của Cuộn Sách có những
gì? Có nhiều ý kiến khác nhau; nhưng đa số các học giả đồng ý nội dung của Cuộn
Sách là những gì được viết trong (Rev 6:1-8:1).
- Gioan khóc nức nở, vì
không ai được coi là xứng đáng mở cuốn sách và nhìn vào đó. Nếu không ai mở
Cuộn Sách, làm sao con người biết được những gì sẽ xảy ra? Gioan muốn biết, đó
là lý do tại sao ông khóc.
- Một trong các vị Kỳ
Mục bảo tôi: "Đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giuđa,
Chồi Non của Đavít đã chiến thắng, Người sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm
phong." Truyền thống Do-Thái tin Đấng Thiên Sai sẽ xuất thân từ chi tộc
Giuđa và là chồi non của Nhà Đavít.
- “Con Chiên, trông như
thể đã bị giết; Chiên đó có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần khí của Thiên
Chúa đã được sai đi khắp mặt đất. Con Chiên đến lãnh cuốn sách từ tay hữu Đấng
ngự trên ngai.” Con Chiên là danh hiệu chính thức của Đức Kitô, được dùng 28
lần trong Sách Khải Huyền. Ngài được gọi là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần
gian (Jn 1:29).
- Khi Con Chiên đã lãnh
cuốn sách từ tay của Đấng ngự trên Ngai, thì bốn Con Vật và 24 vị Kỳ Mục phủ
phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy
hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh.
- Các vị hát một bài ca
mới: Bài ca mới tương xứng với tên mới được tặng cho Người chiến thắng, cho
Jerusalem mới, cho trời mới đất mới, và cho vũ trụ được đổi mới.
- Ngài xứng đáng lãnh
nhận Cuộn Sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc
về cho Thiên Chúa: Bằng Cuộc Thương Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển,
Đức Kitô đã bắt đầu một vương quốc mới cho Thiên Chúa.
- Muôn người thuộc mọi chi
tộc và ngôn
ngữ,
thuộc mọi nước, mọi dân: 4 danh từ này có ý nói
tất cả mọi dân tộc trên địa cầu. Sách Khải Huyền giới hạn trong vòng các Kitô
hữu trên địa cầu, những người đã đáp trả lời mời gọi và tháp tùng Con Chiên mà
thôi.
- Ngài cũng làm cho họ
thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ
sẽ làm chủ mặt đất này: Những người đi theo Con Chiên là dân của Con Chiên, họ
trở thành những tư tế để ca ngợi và phụng thờ Thiên Chúa; và cùng với Con
Chiên, họ sẽ làm chủ mặt đất.
2/
Phúc Âm: Chúa
Giêsu khóc thương Thành Jerusalem.
2.1/ Chúa Giêsu khóc: Mang thân xác con
người, Chúa Giêsu có đầy đủ cảm xúc như một con người. Tin Mừng đã tường thuật
2 lần Chúa khóc:
(1) Vì thương Thành
Jerusalem
như trình thuật hôm nay (Lk 19:41). Trong Cuộc Thương Khó, chặng thứ 8 của 14
Đàng Thánh Giá, Chúa Giêsu đứng lại yên ủi dân Thành Jerusalem vì họ khóc
thương Ngài. Chúa Giêsu yên ủi họ: “Đừng khóc thương Ta, nhưng hãy khóc thương
các ngươi và con cháu của các ngươi” (Lk 23:28). Chúa Giêsu biết rõ mục đích
tại sao Ngài chịu đau khổ, nhưng dân Thành không biết. Điều có lẽ Chúa muốn
nhấn mạnh cho họ biết ở đây là họ hãy khóc thương cho chính họ và cho con cháu
của họ; vì tội lỗi của họ và con cháu mà Chúa đã phải gánh lấy Cuộc Thương Khó
mà Ngài đang chịu.
(2) Vì tiếc thương
Lazarô (Jn
11:35)? Nhiều người tin Chúa khóc vì thương Lazarô không còn sống nữa; nhưng
suy nghĩ này cần được xét lại vì không có căn bản vững chắc. Có lẽ việc ông
đừng trở lại thế gian có lẽ hạnh phúc cho ông hơn vì ít lâu nữa ông sẽ cùng
được chung phần vinh quang với Chúa, và kẻ thù không có lý do để giết Chúa
Giêsu. Ngài khóc là vì thấy sự chết gây đau khổ cho con người. Ngài muốn Mary
và mọi người hiểu: “Ai sống và tin vào Ngài, sẽ không chết bao giờ” (Jn 11:25).
Nếu ai cũng hiểu như thế, cái chết sẽ là một niềm vui.
2.2/ Hai lý do tại sao
Chúa khóc:
(1) Vì dân Thành
Jerusalem không nhận ra Chúa: Khỏang lưng chừng Đồi Olive, ngày nay có một nguyện đường
gọi là Nguyện Đường Chúa Khóc. Truyền thống tin chính tại đây, Chúa Giêsu đã
nhìn thấy tòan bộ Đền Thánh Jerusalem và sự huy hòang của nó, và Ngài đã khóc
vì thương dân Thành. Lý do Ngài khóc vì tội nghiệp họ đã không nhận ra Đấng đem
bình an: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho
ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất mắt ngươi không thấy được.” Nguyên
ngữ Jerusalem ghép bởi 2 chữ: động từ yrw, có nghĩa là “thiết
lập,” và danh từ salem, có nghĩa là “bình an.” Chúa Giêsu là
Đấng từ Trời xuống thiết lập bình an và chính Ngài đang ở giữa họ; nhưng họ đã
không nhận ra Ngài.
(2) Vì Thành sẽ bị phá
hủy tan tành:
“Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm
ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để
hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được
Thiên Chúa viếng thăm.” Lời tiên tri này ứng nghiệm năm 70 AD, khi quân đội
Rôma đem quân vây hãm và phá hủy bình địa Đền Thờ và Thành. Cho tới ngày nay
Đền Thờ vẫn chưa được xây lại và vết tích của hoang tàn đổ nát vẫn còn cho các
du khách viếng Jerusalem.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Con
người khóc vì tiếc và vì thương. Cái khóc của con người có thể sai vì lý do
tiếc hay thương có thể sai. Cái khóc của Chúa Giêsu luôn luôn đúng vì lý do tại
sao Ngài khóc là sự thật. Chúng ta cần tìm hiểu rõ lý do tại sao mình khóc.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Cuộc tàn phá Jerusalem bởi quân La Mã vào năm 70 SCN. Họa phẩm của David Roberts (1796-1849) |
Thứ Năm tuần 33 thường niên
|
Sứ điệp: Chúa Giêsu tiên báo về về thành
Gê-ru-sa-lem bị tàn phá. Đó là cuộc phán xét lịch sử nhưng cũng là báo trước
cuộc phán xét cánh chung. Chúng ta hãy tỉnh thức để biết nhận ra “giờ được
Thiên Chúa viếng thăm” hầu được bình an nơi Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong
khi nguời Do-thái rất tự hào về sự nguy nga, tráng lệ, kiêu hùng của thành
Giê-ru-sa-lem, thì Chúa lại nói đến một ngày mà công trình ấy sẽ bị phá hủy
hoàn toàn. Cũng vậy, con thường chỉ đánh giá sự việc và con người dựa trên
những dấu hiệu bề ngoài. Đôi khi những dấu hiệu bên ngoài ấy làm con mù
quáng, nên đánh giá lầm những điều kín ẩn bên trong.
Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, người Do-thái khát khao, mong chờ
một Đấng cứu tinh, nhưng khi Chúa đến giữa họ thì họ lại không chịu đón nhận.
Họ đã không nhận ra Chúa, không phải vì Chúa không tỏ ra cho họ, mà là vì
Chúa không đến theo kiểu họ ước mong. Và như thế, Chúa phải xót xa vì sự hững
hờ của họ.
Phần con cũng không thiếu những lúc con chỉ nhìn thấy những điều
trước mắt. Con quá vui khi thành công và con cũng quá buồn trước thất bại.
Con đã không biết nhìn ra những sứ điệp thiêng liêng mà Chúa gởi đến cho con
qua những thành công hay thất bại đó. Xin Chúa thương xót và thứ tha cho con.
Xin Chúa dạy con biết sống trọn giây phút hiện tại, luôn rút ra được những
ích lợi từ mọi biến cố vui buồn trong đời. Và xin cho con luôn hiểu rằng:
không bao giờ là quá trễ đối với Chúa. Xin Chúa cho con luôn biết làm lại
cuộc sống của mình để sẵn sàng đón chờ giờ con được Thiên Chúa viếng thăm.
Amen.
Ghi nhớ :"Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang
hoà bình lại cho ngươi".
|
www.phatdiem.org
|
22/11/12 THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Th. Xêxilia, trinh nữ, tử đạo
Lc 19,41-44
Th. Xêxilia, trinh nữ, tử đạo
Lc 19,41-44
MẦU NHIỆM TỰ DO
“Chớ chi hôm nay ngươi
nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!” (Lc 19,42)
Suy niệm: Phúc Âm kể lại hai lần Chúa Giêsu khóc: một lần bên nấm mộ
Ladarô vì thương cảm (Ga 11,35); còn lần này, Chúa khóc vì bất lực trước sự
cứng lòng của con người. Ngài từng ví von Thiên Chúa như gà mẹ muốn ấp ủ bầy
con dưới cánh, nhưng chúng ương ngạnh không chịu nghe (x. Lc 13,34). Chúng ta
đứng trước mầu nhiệm về sự tự do. Thiên Chúa tạo dựng con người và để họ tự do
chọn hoặc ý mình, hoặc ý Chúa. Họ được tự do chọn điều mình muốn, và phải chịu
trách nhiệm về chọn lựa đó, một chọn lựa đưa đến hậu quả có tính quyết định cả
đời đời. Thánh điện Giêrusalem của người Do thái tráng lệ huy hoàng là thế, mà
vì chủ nó ương ngạnh, đã phải hứng chịu cảnh “không còn hòn đá nào chồng
trên hòn đá nào”! Bà Marie Roland thời cách mạng Pháp, khi bước lên đoạn
đầu đài, đã thốt: “Ôi tự do, nhân danh mi, người ta đã phạm biết bao là tội
ác.”
Mời Bạn: Trong Năm Đức Tin, chúng ta ý thức đức tin là món quà vô
giá Chúa ban, nhưng Ngài không ép buộc, mà để chúng ta tự do chọn tin hay
không. Chọn lựa này rất quan trọng vì sẽ dẫn ta đến sự sống vĩnh cửu hoặc sự hư
mất đời đời. Chúng ta hãy chắc chắn mình đã chọn lựa đúng.
Sống Lời Chúa: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích
gì?” Thánh Phanxicô Xaviê nhờ câu Lời Chúa trên đây đã có một chọn lựa
quyết liệt: rũ bỏ tất cả danh lợi thú trần gian, trở nên vị thừa sai nhiệt
huyết.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa với tất ca sự tự do.
Xin đừng để con lạm dụng tự do Chúa ban mà chọn điều sai lạc khiến chúng con
không đạt đến sự sống đời đời. Amen.
www.5phutloichua.net
Đức Giê-su khóc.
Thế giới Tây phương hôm nay đang có khuynh hướng
loại trừ Thiên Chúa. Họ nhân danh tự do tôn giáo để loại trừ tôn giáo ra khỏi
đời sống xã hội. Nhưng không có Trời thì ai ở được với ai.
Đức Giê-su khóc |
Suy niệm:
Người ta có thể khóc vì nhiều
lý do.
Khóc vì buồn thương, khóc vì
tình yêu của mình bị từ chối.
Khóc vì tiếc nuối một điều tốt
đẹp bị hủy hoại.
Một người đàn ông khóc là
chuyện không thường xảy ra.
Chính vì thế chúng ta ngỡ
ngàng khi thấy Đức Giêsu khóc.
Con Thiên Chúa nhập thể biết
đến nỗi đau của phận người.
Giọt nước mắt của Ngài cho
thấy Ngài thật sự có một trái tim.
Đức Giêsu khóc khi đến gần và
trông thấy thành phố Giêrusalem.
Trong thành Giêrusalem có ngôi
Đền thờ lộng lẫy (Lc 21, 5).
Đền thờ ấy là Đền thờ thứ hai
được xây sau khi dân lưu đày trở về.
Còn Đền thờ thứ nhất do
Salômôn xây, đã bị quân Babylon phá hủy.
Vua Hêrôđê Cả đã trùng tu và
nới rộng Đền thờ thứ hai này.
Công việc sửa sang kéo dài từ
năm 20 trước công nguyên,
đến năm 64 sau công nguyên mới
hoàn tất.
Vào thời gian này, người Do
Thái nổi dậy chống lại quân Rôma.
Vào lễ Vượt qua năm 70, thành
phố bị vây hãm (c. 43).
Đền thờ bị thiêu hủy sau tám
mươi tư năm tu sửa.
Đây là một bi kịch lớn mà Đức
Giêsu đã linh cảm với nỗi đớn đau.
Bài Tin Mừng hôm nay
nằm ngay sau biến cố Đức Giêsu
lên Giêrusalem lần cuối (Lc 19, 28).
Ngài biết đây là lần cuối, nên
giữa bầu khí tung hô của dân chúng,
Đức Giêsu lại rơi vào nỗi đau
buồn, xót xa.
Ngài sẽ là vị ngôn sứ phải
chết ở trong thành này (Lc 13, 33).
Như mọi người Do Thái khác,
Đức Giêsu quý thành phố và Đền thờ.
Thành phố Giêrusalem là thủ đô
của đất nước.
Đền thờ là nơi mỗi năm Ngài
lên đó dự các lễ lớn đôi ba lần.
Đây là nhà Cha của
Ngài, là nhà cầu nguyện (Lc 2, 49; 19, 46).
Nhưng mọi điều tốt đẹp Ngài
đang thấy, có ngày sẽ đổ vỡ tan hoang.
“Không để hòn đá nào trên hòn
đá nào” (c. 44).
Thiên Chúa là Đấng đã đi thăm
Dân Israel (Lc 1, 68; 7, 16; 19, 44).
Ngài thăm Dân Ngài qua Người
Con là Đức Giêsu (Lc 1, 78).
Ngài đến thăm để đem ơn cứu
độ, đem lại bình an (c. 42).
Hôm nay Thiên Chúa vẫn tiếp
tục đi thăm nhân loại.
Ngài vẫn sai Con của Ngài đến
với chúng ta để ban ơn bình an.
Nhưng con người hôm nay có thể
khép lòng, và để lỡ cơ hội quý báu.
“Ngài đã đến nhà mình, nhưng
người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).
Làm sao mỗi Kitô hữu nhận ra
thời điểm Ngài đến thăm mình? (c. 44).
Thế giới Tây phương hôm nay
đang có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa.
Họ nhân danh tự do tôn giáo để
loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội.
Nhưng không có Trời thì ai ở
được với ai.
Nhân loại bị kéo vào những
cuộc chiến tranh, thù hận không lối thoát.
Hãy để Thiên Chúa đi vào đời
bạn và chi phối những chọn lựa của bạn.
Chỉ trong Thiên Chúa mọi sự
mới có nền tảng vững bền.
Nếu không, như Giêrusalem,
chúng ta chỉ còn là những bức tường than khóc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên
Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con
của loài người,
con của trái đất, con của
một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc
của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập
giá.
Xin cho chúng con biết yêu
mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn
lạc hậu
sau những năm dài chiến
tranh,
một quê hương đang mở ra
trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản
sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của
cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm
mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện
nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước
nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật
cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng
con.
Ước gì chúng con biết phục
vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và
đôi tay.
Và ước gì chúng con biết
khiêm tốn
cộng tác với muôn người
thiện chí.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình
lại cho ngươi".
Chúa Giê-su khóc thương thành Giê-ru-sa-lem |
Khóc
thương thành Giêrusalem
Ðoạn
Phúc Âm được Giáo Hội đề nghị cho chúng ta suy niệm hôm nay kể lại việc Chúa
Giêsu khóc thương thành Giêrusalem vì đã không biết nhìn nhận giờ Thiên Chúa
đến viếng thăm. Nhìn chung trong toàn bộ văn mạch thì biến cố được nhắc đến trong
Phúc Âm đi liền sau biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Và đây không phải
là lần vào thành thông thường như bao lần khác, mà là lần vào thành long trọng,
lần cuối cùng, để rồi sau đó Chúa thực hiện công cuộc cứu rỗi, mục đích cuối
cùng của nhập thể, của cuộc đời của Chúa.
Chúa
vào thành Giêrusalem để thực hiện cuộc vượt qua mang lại ơn cứu rỗi, sự hòa
giải giữa con người với Thiên Chúa. Ðây là giờ Thiên Chúa đến viếng thăm, giờ
mang đến ơn cứu rỗi, sự bình an. Tuy nhiên, những người lãnh đạo dân Israel tại
Giêrusalem như chúng ta thấy trong cuộc thương khó của Chúa, không những họ từ
chối mà còn thành công trong việc xách động toàn dân chối bỏ Chúa, yêu cầu quan
Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào thập giá và tha cho Baraba. Như thế, dù có
sự nồng nhiệt hoan hô Chúa trong ngày vào thành Giêrusalem trên lưng lừa, nhưng
sự nồng nhiệt này chỉ thoáng qua và Chúa Giêsu nhìn thấy sự khước từ ơn cứu rỗi
mà Ngài mang đến hơn là sự chấp nhận.
Ðiều
xảy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xảy ra cho mọi người thuộc mọi thời
đại. Mỗi người chúng ta đền có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút
hồng phúc mang đến ơn lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. "Ước chi hôm nay,
ngươi hiểu biết sứ điệp mang hòa bình lại cho ngươi". Nhưng Chúa không bắt
buộc tự do của mỗi người, sự tự do mà Ngài đã trao ban cho con người một lần
vĩnh viễn, không bao giờ muốn lấy lại. Dù biết rằng con người vẫn có thể lạm
dụng sự tự do đó để chống lại Ngài.
Trong
quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa đến thăm là giây phút Thiên Chúa đến
thực hiện lòng nhân từ, trao ban sự bình an cho tâm hồn. Tác giả Phúc Âm theo
thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài ca quan trọng vào khởi đầu
sách Phúc Âm, đó là bài ca về ông Dacaria và của Mẹ Maria. Ý thức giờ Thiên
Chúa đến viếng thăm đang xảy ra không những cho chính bản thân mình, mà còn cho
cả toàn dân tộc, cho cả toàn nhân loại, Mẹ Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa
của cuộc viếng thăm của Thiên Chúa với những lời như sau: "Lòng thương xót
Chúa lan tràn từ đời này tới đời kia, đối với những ai kính sợ Chúa. Chúa đã
cứu Israel, tôi tớ Chúa và nhớ lại lòng thương xót của Người".
Chỉ
có lý do duy nhất cho cuộc viếng thăm của Chúa, đó là để thực hiện lòng nhân từ
của Ngài cho người được viếng thăm mà thôi. Nếu không nhận biết giờ viếng thăm
của Chúa, con người chỉ gặp phải những thiệt thòi cho chính mình, như đã xảy ra
cho thành Giêrusalem ngày xưa. Chúng ta không nên nhìn biến cố Chúa khóc thương
và loan báo ngày sụp đổ của thành Giêrusalem trong viễn tượng của sự trả thù.
Thiên Chúa nhân từ không bao giờ hành động để trả thù sự chống đối khước từ của
con người. Những thiệt thòi mà kẻ từ chối Chúa gặp phải là hậu quả tai hại của
tội lỗi, của những hành động xấu xa do con người thực hiện vì chối bỏ Thiên
Chúa mà thôi. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong sự dữ, nhưng
Ngài luôn luôn làm những gì có thể để cảnh tỉnh, để lưu ý con người đừng đi vào
con đường nguy hiểm, gây thiệt hại cho chính mình.
Ước
chi hôm nay chúng ta lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh và đừng cứng lòng từ chối
giây phút ân sủng nơi Thiên Chúa an bài cho mỗi người chúng ta được gặp lại.
Lạy Chúa,
Chúng con cảm tạ Chúa
vì đã luôn luôn đối xử nhân từ đại lượng với chúng con, mặc dù chúng con nhiều
lần làm ngơ, không muốn nhìn thấy những việc Chúa làm cho chúng con, không muốn
lắng nghe những gì Chúa chỉ dạy để được sống an vui, hạnh phúc. Xin thương giúp
chúng con trở về sống trong tình thương Chúa luôn mãi.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Thương tiếc Giêrusalem
Khi
đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: “Phải chi
ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình anh cho ngươi! Nhưng hiện
giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không trông thấy được. Thật vậy, sẽ
tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tứ bề.”
(Lc. 19, 41-42)
Đoàn
hành hương theo Đức Giêsu tiến về Giêrusalem vừa đi vừa hát những Thánh vịnh
lên đền thánh. Họ dừng lại với Người chiêm ngưỡng thành thánh. Họ xúc động khi
hát Thánh vịnh 122: “Hãy xin bình an cho Giêrusalem; ước gì bình an trong thành
lũy ngươi”. Còn Đức Giêsu lại khóc thương thành.
Những âm mưu
Từ
nhiều thế kỷ, các ngôn sứ đã loan báo cho dân thành Giê-ru-sa-lem biết thành sẽ
có ngày bị phá hủy, nếu họ không sám hối trở về. “Khốn cho quân loạn tặc, cho
đứa ô nhơ, cho thành áp bức! Nó không nghe tiếng gọi. Nó không lĩnh lời chỉ
giáo. Nó không cậy trông Gia-vê. Nó không lại gần Thiên Chúa của nó” (Sôphônia
3, 1-2). Quân Can-đê đã phá hủy thành và bắt dân đi lưu đầy, thế mà họ vẫn cứng
đầu cứng cổ, không lay chuyển, Đức Giêsu đến kêu gọi họ lần cuối cùng trở về
với tình yêu Thiên Chúa.
Đức
Giêsu biết dân thành Giêrusalem đã quyết định bắt Người chịu nạn chịu chết. Tôn
trọng tự do của họ, Người bất lực cứu thoát thành thánh khỏi bị tàn phá. Họ
thật cứng đầu cố chấp. Với tình yêu tha thiết với họ, Đức Giêsu đã khóc, Người
khóc vì yêu thương đoàn chiên này cố chấp lầm lạc. Trong khi đoàn hành hương ca
hát chúc mừng thành được bình an, thì Đức Giêsu khóc than lòng kiêu ngạo và
thỏa mãn của họ đã đóng kín con mắt những thủ lãnh dân chúng: Họ không bao giờ
còn được thấy hòa bình nữa!
Lời
tiên tri về phá hủy thành Giêrusalem dựa trên những chi tiết bao vây và công
phá Giê-ru-sa-lem vào năm 70. Chắc hẳn lời tiên báo của Đức Giêsu cũng tương
tựa như thế về thành bị phá hủy, “vì ngươi đã không nhận biết thời giờ Thiên
Chúa viếng thăm”. Chính Thiên Chúa đến viếng thăm Giê-ru-sa-lem qua con người
của Đức Giêsu, và Người đã ban cho họ ơn giải thoát, ơn bình an và thăng tiến
họ. Nhưng họ đã từ chối những ơn ban nguồn phúc cứu độ ấy. Lại còn giết người
con của vua trời đất. Họ sẽ gặt lấy hoa trái của lòng bất trung của họ. Cuộc
phán xét trong cơn lôi đình của Thiên Chúa không thể hãm lại được nữa. Đức
Giêsu khóc vì Thiên Chúa không muốn người ta phải chết. Ước chi họ ăn năn sám
hối và được sống.
RC.
Ngày 22
Thánh Xêxilia,
trinh nữ, tử đạo
Thánh Cecilia |
Âm nhạc đi vào chúng ta từ bên trong. Đó là điều làm cho
âm nhạc có tầm quan trọng. Âm nhạc là một trong những mầm mống mạnh nhất của đời sống nội tâm, chính vì đặt chúng ta trong một sự vang âm
thầm kín, làm cho chúng ta thành một âm nhạc sống động, đưa chúng ta vào trạng thái thinh lặng; chúng ta
lợi dụng tất cả những con đường thinh lặng của âm nhạc để suy nghĩ, để đối thoại, để trở
thành bí tích.
Âm nhạc là một việc phục vụ thần linh; mọi âm nhạc đích
thực đều thánh thiêng, bởi vì sứ vụ của âm nhạc là làm cho dễ hòa hợp hơn với
mọi người, khi sắp xếp các nhịp sinh lý và thiết lập một mối liên quan giữa tất cả các khả năng
tiềm tàng của bản thể chúng ta, để làm thành một âm nhạc sống động
Điều kỳ diệu của âm nhạc là thế, là đạt tới bản chất con
người, và không xâm phạm hàng rào, không tiết lộ các bí mật, để con người đối diện với vĩnh cửu trong họ, để làm
xuất hiện trong họ gương mặt vẫn chờ đợi họ, để đưa họ vào cuộc đối thoại với một ai đó, nơi người ta
không còn cô độc, nơi người ta có thể bày tỏ khả năng tiềm tàng về hiểu biết và yêu thương, tóm lại nơi người ta
có thể tự hiến.
Maurice Zundel
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11
22 THÁNG MƯỜI MỘT
Đồng Cảm Với Những Nỗi
Khó Khăn
Của Người Khác
Giáo
Hội không thể chỉ đóng khung mình trong những gia đình Kitôhữu gắn bó với mình.
Không, Giáo Hội phải mở rộng các chân trời của mình ra để bao gồm tất cả mọi
gia đình, nhất là những gia đình đang ở trong những hoàn cảnh bi đát nhất.
Tất
cả chúng ta đều biết rõ những hoàn cảnh khó khăn đang đè nặng trên nhiều gia
đình. Có những gia đình của người tị nạn, những gia đình của người phục vụ
trong quân ngũ, những gia đình của các thủy thủ hay của những người rày đây mai
đó thuộc đủ mọi lý do. Có những gia đình của các tù nhân, của những người trốn
tránh sự bách hại … Tất cả những gia đình ấy đều phải chịu sự chia cách lâu
dài. Có những gia đình có con cái bị khuyết tật hoặc có người nghiện rượu hay
ma túy. Có những gia đình chỉ còn đôi vợ chồng cao niên sống cô quạnh lẻ loi.
Mọi người đều biết rõ bi kịch của các gia đình thường xuyên xảy ra bất hòa và
cãi vã kịch liệt. Có những gia đình có con cái vô ơn và bướng bỉnh chống cưỡng
lại cha mẹ. Có những gia đình mà người vợ hay người chồng mất đi, kẻ ở lại phải
sống cô đơn suốt đời. Có những gia đình mà cái chết bi đát của một thành viên
xuân trẻ phủ trùm trên mọi người một nỗi tiếc thương da diết khôn nguôi.
Cuối
cùng, có những gia đình là sào huyệt của tội lụy, theo góc nhìn của người
Kitôhữu. Tất cả những bối cảnh đó đặt ra những vấn đề mục vụ gay go cho Giáo
Hội. Giáo Hội phải ý thức những hậu quả nghiêm trọng mà chúng gây ra. Giáo Hội
không thể dửng dưng với con người trong các hoàn cảnh khó khăn đó, vì Giáo Hội
phải cảm thông và quan tâm đến phần rỗi của họ.
Chúng
ta hãy cầu nguyện khẩn thiết cho các gia đình, nhất là cho các gia đình đang
vướng mắc trong những hoàn cảnh khó khăn.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Cêcilia Trinh nữ tử đạo;
Kh 5, 1-10; Lc 19, 41-44.
LỜI
SUY NIỆM:
“Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói:
“Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi.”
(Lc 19,41-42).
Khi Chúa Giêsu nhìn thấy thành Giêrusalem mà thương khóc vì thành này đã không
đón nhận Ngài. Khi Ngài đến và sống giữa họ. Mọi con cái Ít-ra-en đều biết mỗi
lần Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài, đều đem lại bình an và sự giải thoát cho
họ, hoặc là họ đang sống trong sự bất tuân đối với Ngài, Ngài đến trừng phạt để
răn đe và rồi Ngài lại tỏ tình thương mà cứu vớt họ. Ngày hôm nay cũng vậy.
Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, nhưng rồi mấy ai nhận ra để đón
nhận, để lãnh lấy bình an. Mặc dù trong hiện tại nhân loại đang thiếu sự bình
an từ thân xác lẫn tâm hồn. Chúng ta là những người Ki-tô hữu, cần phải cầu
nguyện nhiều hơn nữa, kết hợp với hy sinh, hàm mình và sám hối. Để xin Thiên
Chúa ban ơn đức tin cho hết thảy mọi con người, biết nhận ra Triều Đại Thiên
Chúa đang hiện diện giữa họ; hầu đón lấy ơn giải thoát và hưởng được bình an.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 22-11
Thánh CÊCILIA
Đồng Trinh Tử Đạo
Cuộc
tử nạn của thánh CÊCILIA rất được nhiều người biết đến, quí chuộng thán phục và
ưa lập lại.
Nhưng
những thế kỷ đầu không thấy nói gì tới vị thánh này cả. Thánh Ambrôsiô.
Hierônimô rất kính các trinh nữ tử đạo, nhưng không nhắc đến tên Ngài. Ba trăm
năm sau cuộc tử đạo giả định này, câu chuyện của thánh nữ xem ra là một trong
những áng văn đẹp nhất làm say mê tín hữu và phổ biến rộng rãi lạ thường. Câu
chuyện tưởng tượng về thánh nữ Cêcilia được chen vào giữa hai vị tử đạo có thật
là Valêriô và Tiburtiô. Truyện đó như sau :
Cêcilia
thuộc gia đình quí phái sống tại Roma dưới thời vua Alexander Sêvêrô. Cuộc bách
hại thật dữ dằn. Một mình trong gia đình là Kitô hữu, Ngài luôn mang theo cuốn
Phúc âm và sống đời cầu nguyện bác ái. Mỗi khi tới hang toại đạo là nơi Đức
giáo hoàng Urbanô bí mật cử hành thánh lễ, đoàn người ăn xin đợi chờ Ngài trên
đường đi Roma chìa tay xin Ngài phân phát của bố thí. Dưới lớp áo thêu vàng,
Cêcilia mặc áo nhậm mà vẫn tỏ ra bình thản dịu dàng.
Trong
khi tuổi trẻ ngoại giáo mê say nhạc trần tục, lòng Cêcilia hướng về Chúa và ca
tụng một mình Ngài thôi. Đáp lại lòng đạo đức của Ngài, Thiên Chúa cho Ngài
được đặc ân được thấy thiên tnần hộ thủ hiện diện bên mình.
Cha
mẹ Cêcilia gả Ngài cho một nhà quí phái tên là Valêriô yêu Cêcilia nồng nhiệt,
ông không biết Ngài theo Kitô giáo, nhưng ông có một tâm hồn ngay thẳng.
Ngày
cưới, Cêcilia mặc chiếc áo nhặm duới lớp áo ngoài sang trọng và khẩn cầu Chúa
giữ cho mình được trinh nguyên. Giữa những tiếng ca vui nhộn, Cêcilia vẫn theo
thói quen cùng với các thiên thần ca hát những khúc thánh thi. Bởi đó mà các
người Kitô hữu hay nhận Ngài là bổn mạng của các nhạc sĩ. Chúa Giêsu khấng nghe
lời ca trong trắng tự lòng vị hôn thê trẻ dâng lên Ngài. Khi chiều về, Cêcilia
nói với Valêriô:
-
Thưa Chúa công, em có điều này muốn nói với anh, không bàn tay trần tục nào
được động tới em, vì em có một thiên thần bảo vệ. Nếu anh tôn trọng em, Ngài
cũng yêu mến anh và ban ân phúc cho anh.
Ngạc
nhiên và rất cảm kích, Valêriô đã ao ước nhìn thấy thiên thần. Cêcilia mới nói
rằng: ông phải chịu phép rửa tội đã, rồi nàng giải thích mầu nhiệm cứu rỗi các
linh hồn do đức Kitô cho ông nghe. Ngài đề nghị: - Anh hãy tới đường Appianô.
Anh sẽ gặp những người nghèo khổ và lấy danh nghĩa em để xin họ dẫn anh tới gặp
cụ già Urbanô đang ẩn náu trong hang toại đạo. Vị giám mục này sẽ dạy dỗ anh
hay hơn em, Ngài sẽ chúc bình an cho anh, sẽ mặc cho anh bộ áo trắng tinh. Rồi
trở lại đây anh sẽ thấy thiên thần của em.
Valêriô
theo lời vị hôn thê của mình, đến đường Appianô và được dẫn tới vị giám mục.
Ngài dạy đạo và rửa tội cho ông. Trở về với Cêcilia . Ông gặp nàng đang cầu
nguyện, có thiên thần bên cạnh, khuôn mặt thiên thần rực sáng, tay cầm hai
triều thiên kết bằng hoa huệ và hoa hồng. Ngài đặt một chiếc trên đầu Cêcilia
và một chiếc trên đầu Valêriô và nói:
- "Hãy giữ lòng trong trắng để xứng đáng bảo vệ những triều thiên này, chúng từ vườn của Thiên Chúa, không bao giờ tàn tạ, chẳng hề lạt hương".
- "Hãy giữ lòng trong trắng để xứng đáng bảo vệ những triều thiên này, chúng từ vườn của Thiên Chúa, không bao giờ tàn tạ, chẳng hề lạt hương".
Thiên
thần còn nói thêm : - "Hỡi Valêriô, bởi vì anh đã biết nghe lời hiền thê
của anh, vậy anh xin điều gì anh muốn".
Valêriô
có người em ông yêu thương lắm tên là Tiburtiô, ông xin : - "Con muốn em
con cũng biết đạo thật như con"
Thiên
thần trả lời : - Điều anh xin rất đẹp lòng Chúa. Vậy hãy biết rằng: Tiburtiô và
anh sẽ lên trời với ngành vạn tuế tử đạo".
Ngay
lúc ấy Tiburtiô xuất hiện. Ông thấy mùi hoa huệ và hoa hồng và muốn biết từ đâu
mà có hương thơm như vậy giữa mùa này, thứ hương thơm như làm con người ông trẻ
lại. Cêcilia đã nói cho Cêcilia ông hiểu sự hư không của các ngẫu thần, đã tỏ
cho ông thấy sự rực rỡ của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Tiburtiô muốn được sự
chỉ dạy, và đến lượt ông, cũng đã lãnh nhận bí tích rửa tội do đức giáo hoàng
Urbanô.
Cêcilia,
Valêriô và Tiburtiô cùng nhau sống đời thánh thiện. Họ phân phát của bố thí cho
các Kitô hữu bị bắt bớ, bí mật cầu nguyện với những người bị kết án và khuyến
khích họ can đảm chịu cực hình. Đêm về hai anh em lo chôn cất xác các vị tử
đạo.
Chẳng
bao lâu họ bị phát giác. Tổng trấn Almachiô ngac nhiên hỏi: - Các người quan
tâm tới các tử tội bị ta kết án hay sao ?
Cêcilia
trả lời : - Thật đẹp lòng Chúa biết bao, nếu chúng tôi xứng đáng được làm nô lệ
cho những người mà Ngài kết án là tử tội.
Quan
tổng trấn nhún vai cho rằng: người đàn bà này mất trí. Ông tách riêng Valêriô
và Tiburtiô và cũng hỏi như vậy. Nhưng các Ngài đã khinh thường danh vọng với
sang giàu mà Almachiô rất coi trọng. Ông liền kết án trảm quyết các Ngài. Tác
giả kể lại cuộc tử nạn các Ngài đã nói: - Người ta thấy các Ngài chạy xô tới
cái chết như tới dự một đại lễ.
Cêcilia
thu lượm và chôn cất xác các Ngài. Nàng vẫn tiếp tục bao bọc cho các Kitô hữu
bị bách hại. Almachiô liền tống giam các Ngài. Bị vấn danh Ngài nói : - Tôi tên
là Cêcilia, nhưng Kitô hữu là tên đẹp hơn nhiều của tôi.
Quan
tổng trấn bắt nộp tài sản của Valêriô và Tiburtiô. Cêcilia trả lời để tất cả đã
được phân phát cho người nghèo rồi. Tức giận Almachiô truyền cho Cêcilia phải
dâng hương tế thần ngay nếu không sẽ phải chết. Cêcilia cười trả lời : - Chư
thần của ông chỉ là đá, đồng chì, và Ngài tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô mà
thôi. Các binh sĩ xúc động nghị rằng Ngài sắp phải chết nên nài nỉ: - Cô sang
trọng và trẻ đẹp, hai mươi tuổi đầu hãy dâng hương tế thần đi, đừng để chết
uổng.
Nhưng
Cêcilia trả lời họ rằng: - Các ông không biết rằng chết vào tuổi tôi, không
phải là đánh mất tuổi trẻ, nhưng là đổi chác vì Thiên Chúa sẽ trả lại gấp trăm
cái người ta dâng cho Ngài sao ? Nếu người ta đưa quí kim để đổi lấy vật tầm
thường, các ông có ngập ngừng không ?
Nghe
Ngài các binh sĩ hoán cải. Almachiô mất bình tĩnh truyền giam Ngài vào phòng
tắm. Căn phòng đầy hơi nóng. Cêcilia không hề thấy khó chịu. Almachiô truyền
chém đầu Ngài lý hình ba lần dùng gươm mà chỉ gây nên được một vết thương ghê
rợn. Thánh nữ đã cầu xin để được gặp Đức Giáo hoàng Urbanô đến lo linh hồn
mình. Ngài còn sống được 3 ngày, được gặp Đức Urbanô, rồi lãnh triều thiên
thiên thần đã hứa.
Các
Kitô hữu chôn táng Ngài và tôn trọng thái độ lúc Ngài tắt hơi, đầu không cúi
gục như bông hao không tàn.
Hơn
một nghìn năm sau, người ta thấy trong hang toại đạo một thi thể được coi như
là của Cêcilia, huyền thoại kể lại và nghệ sĩ trẻ Maderna tạc tượng đã nghĩ đây
là tuyệt phẩm của ơn thánh.
Vào thế kỷ thứ V, một nhà
quí phái trùng tên đã dâng nhiều dinh thự làm nhà thờ đặt tên là Cêcilia danh
hiệu bà đã được mang.
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++++
22
Tháng Mười Một
Nồi
Cháo Tuyệt Vời
Một hôm, có một
người lạ mặt đến gõ cửa nhà của một bà góa nghèo để xin ăn. Nhưng người đàn bà
cho biết trong nhà bà không còn gì để ăn cả. Người lạ mặt mới nói: "Bà
đừng lo, tôi có mang theo một hòn đá có thể biến nước thành một thứ cháo tuyệt
vời nhất trần gian. Nhưng trước tiên bà hãy cho tôi mượn một cái nồi lớn".
Thấy người lạ mặt đề
nghị một cách nghiêm chỉnh, cho nên người đàn bà mới cho nước vào cái nồi lớn
nhất và đặt lên bếp. Khi nước vừa sôi, thì người đàn bà chạy đến các nhà láng
giềng để mời sang chứng kiến điều lạ lùng sắp xảy ra. Trước đôi mắt mở to của
mọi người, người khách lạ mới cho viên đá vào nồi, rồi dùng muỗng lấy nước đưa
lên miệng nếm, ông vừa hít hà: "Thật là tuyệt diệu! Nhưng giá có thêm một
ít khoai thì tốt hơn". Nghe thế, một người đàn bà có mặt bèn sốt sắng đề
nghị: "Trong bếp tôi còn một ít khoai". Nói xong, bà đon đả chạy về
nhà mang khoai sang. Người khách lạ cho những miếng khoai tây được thái nhỏ vào
trong nồi. Một lát sau, ông nếm thử và nói: "Tuyệt! Nhưng giá có thêm chút
thịt thì chắc chắn phải ngon hơn".
Nghe thế , một người
đàn bà khác chạy về mang thịt đến. Người lạ mặt cũng cho thịt vào nồi, đảo lên
trộn xuống một hồi rồi nếm thử và nói: "Bây giờ thì quý vị thưởng thức nồi
cháo của tôi, nhưng nếu có thêm một chút rau cỏ cho vào thì là hoàn hảo".
Dĩ nhiên, ai cũng muốn nếm thử nồi cháo, cho nên ai cũng hăm hở đi tìm rau. Có
người mang đến nguyên một giỏ củ cà rốt và hành. Người lạ mặt cho các thứ rau
vào nồi rồi ra lệnh cho người đàn bà chủ nhà: "Bây giờ tôi cần một ít muối
và tiêu nữa là có được một nồi cháo ngon nhất trần gian". Khi nồi cháo đã
sẵn sàng, ông hối thúc mọi người đi tìm chén bát đến. Có người mang cả bánh mì
và trái cây.
Mọi người vui vẻ
ngồi vào một bàn tiệc bất ngờ. Trong khi mọi người nói cười rộn rã, thì người
khách lạ lẻn đi. Ông vẫn để lại hòn đá mà mỗi khi cần đến, những người hàng xóm
có thể sử dụng để cùng nấu chung với nhau một nồi cháo ngon nhất thế giới.
Một hòn đá, cộng với một ít thực liệu và gia
vị sẽ tạo nên một nồi cháo ngon nhất trần gian: đó là hình ảnh của sự đóng góp
vào phép lạ mà Thiên Chúa không ngừng thực thi cho con người.
Bà góa thành Sarepta đã dâng cúng một ít bột
mì cho tiên tri Êlia để từ đó được lương thực hằng ngày trong suốt mùa hạn hán.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nhân bánh và cá cho hơn năm ngàn người ăn từ năm
chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé...
Với một chút đóng góp từ lòng quảng đại của
con người, Thiên Chúa có thể làm những phép lạ cả thể. Tất cả những công trình
bác ái và giáo dục trong Giáo Hội đều bắt nguồn một cách khiêm tốn: Chúng ta hãy
nhìn vào công trình của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, của cha Pierre, sáng lập cộng
đồng Emmaus, của cha Van Straatten, sáng lập Hội trợ giúp các Giáo Hội đau khổ:
một căn nhà nhỏ, một miếng thịt mỡ, một công việc vô danh... Phép lạ của Thiên
Chúa thường bắt đầu bằng những đóng góp nhỏ và âm thầm của con người.
Thiên Chúa luôn ban cho mỗi người chúng ta cơ
may để đón nhận phép lạ của Ngài. Ngài chỉ cần một chút lòng quảng đại của cúng
ta. Nếu chúng ta sẵn sàng dâng tặng cho Ngài một chút những gì chúng ta có thì
có biết bao nhiêu người chung quanh sẽ được chung hưởng phép lạ của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
Thứ Năm 22-11
Thánh Cecilia
(Thế kỷ III)
Mặc dù Thánh Cecilia là vị
tử đạo thời danh trong Giáo Hội Rôma, những câu chuyện quen thuộc về thánh nữ
thì không thấy ghi chép trong văn bản chính thức. Vào thời tiên khởi cũng
không thấy dấu vết của sự tôn kính ngài. Chỉ có một mảnh đá thời thế kỷ thứ
tư có ghi khắc tên của một nhà thờ mang tên thánh nữ, và ngày lễ kính được cử
hành vào khoảng năm 545.
Theo truyền thuyết, Cecilia
là một thiếu nữ Kitô Giáo của giai cấp quyền quý kết hôn với một người La Mã
tên là Valerian. Cecilia mặc áo nhặm, ăn chay, và thường cầu khẩn các thánh,
các thiên thần, các trinh nữ xin họ gìn giữ sự trinh tiết của ngài. Và thánh
nữ nói với đức lang quân, "Em sẽ tiết lộ cho anh một sự thật, nhưng anh
phải hứa đừng nói với ai." Và khi ông hứa, ngài nói: "Có một thiên
thần luôn trông chừng em, và gìn giữ em khỏi bị ai đụng chạm đến." Ông
nói, "Em yêu dấu, nếu đó là sự thật, hãy cho anh thấy vị thiên thần
ấy," và ngài trả lời, "Anh chỉ có thể thấy nếu anh tin vào Thiên
Chúa, và được rửa tội."
Ngài gửi đức lang quân đến
gặp Thánh Giáo Hoàng Urbanô để được rửa tội; và khi ông trở về nhà, ông thấy
Cecilia đang cầu nguyện trong phòng, và cạnh đó là một thiên thần với đôi
cánh rực lửa, tay cầm hai triều thiên bằng hoa hồng và hoa huệ đặt trên đầu
của hai người, và biến đi. Sau đó, Tibertius, người em của Valerian, bước vào
phòng và ông ngạc nhiên khi ngửi thấy mùi hoa nồng nàn cũng như vẻ mỹ miều
của các bông hoa.
Khi ông này được kể cho
biết các chi tiết của câu chuyện, ông cũng muốn được rửa tội. Sau đó, cả hai
anh em ông tận tụy hy sinh chôn cất các vị tử đạo mà thời ấy xảy ra hàng
ngày, dưới quyền tổng trấn Turcius Almachius. [Không có tổng trấn nào mang
tên này cả]. Họ bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn, và khi họ từ chối
thờ cúng các tà thần họ đã bị chém đầu.
Trong khi đó, Thánh
Cecilia, qua lời rao giảng ngài đã đưa bốn trăm người trở lại đạo và được Ðức
Giáo Hoàng Urbanô rửa tội. Sau đó thánh nữ bị bắt, và bị xử tử bằng cách trấn
nước cho đến chết. Ngài bị dìm trong bồn nước một ngày một đêm, sau đó quan
cho nổi lửa đun sôi bồn nước, nhưng thánh nữ không hề hấn gì. Khi tổng trấn
Almachius nghe biết điều này, ông sai người đến chặt đầu thánh nữ ngay trong
bồn nước. Lý hình chém đến ba lần mà đầu thánh nữ vẫn chưa đứt. Hắn để mặc
cho máu tuôn đổ. Ðám đông đổ xô đến để thấm máu trong khi ngài vẫn rao giảng
cho họ. Ba ngày sau, ngài trút hơi thở cuối cùng, và được Ðức Giáo Hoàng
Urbanô và các phó tế chôn cất.
Vào thời Phục Hưng, người
ta thường vẽ ngài với đàn vĩ cầm và phong cầm nhỏ.
Lời Bàn
Như bất cứ Kitô Hữu tốt
lành nào khác, Thánh Cecilia dùng miệng lưỡi để ca ngợi Thiên Chúa với tất cả
tấm lòng. Ngài tiêu biểu cho sự tin tưởng của Giáo Hội rằng thánh nhạc là một
phần căn bản trong phụng vụ, có giá trị lớn lao hơn bất cứ nghệ thuật nào
khác. Trong thời đại hỗn độn của âm nhạc ngày nay, có lẽ chúng ta cần đọc lại
những lời của Công Ðồng Vatican II dưới đây.
Lời Trích
"Hành động phụng vụ
thêm cao quý khi các nghi thức thánh được âm nhạc trang trọng hóa, với sự phụ
giúp của các thừa tác viên chức thánh và sự tham dự của giáo đoàn... Phải
luôn luôn khuyến khích các ca đoàn, nhưng các giám mục và cha sở phải để ý
rằng, bất cứ lúc nào phụng vụ được cử hành với thánh nhạc, toàn thể giáo đoàn
phải có thể góp phần tham dự cách tích cực vì đó là quyền lợi của họ... Bình
ca phải có vị trí xứng đáng trong các nghi lễ, so với các loại nhạc khác.
Nhưng điều đó không có nghĩa gạt bỏ các loại thánh nhạc khác, nhất là loại đa
âm điệu... Thánh ca dành cho giáo dân phải khéo léo chọn lựa, để trong việc
phụng tự và nghi lễ, họ có thể cùng góp tiếng hát" (Sắc Lệnh Về
Phụng Vụ, 112-118).
|
|
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét