Thứ Tư sau Chúa Nhật 31 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) Pl 2, 12-18
"Anh em hãy lo cho
mình được ơn cứu độ; Thiên Chúa tạo nên trong anh em cả ý muốn lẫn việc
làm".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, như anh em
vẫn luôn luôn vâng lời, không phải trong lúc tôi có mặt mà thôi, nhưng hơn nữa,
cả lúc này là lúc tôi vắng mặt, anh em cũng phải kinh hãi run sợ mà lo cho mình
được ơn cứu độ. Vì chưng, Thiên Chúa là Ðấng tạo nên trong anh em cả ý muốn lẫn
việc làm theo sở định của Người.
Anh em hãy thi hành mọi việc,
đừng kêu ca và nghi ngại, để anh em biến thành những người không có gì đáng chê
trách, và trở nên những người con vẹn toàn không ai bắt lỗi được của Thiên Chúa
ở giữa một thế hệ hư hốt và gian tà. Giữa những kẻ ấy, anh em hãy chiếu sáng ra
như những vì sao trong vũ trụ, hãy tích trữ lời hằng sống, để làm sáng danh tôi
trong ngày của Ðức Kitô, vì tôi đã không bôn tẩu cách hư luống và đã không uổng
công lao nhọc.
Và nếu tôi phải đổ máu làm lễ
vật tiến dâng vì đức tin anh em, tôi sẽ vui mừng và hân hoan với tất cả anh em.
Và cả anh em nữa, anh em cũng sẽ được vui mừng và hân hoan với tôi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14
Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là
Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2) Có một điều tôi xin Chúa,
một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu
vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. - Ðáp.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ được
nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống
can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! - Ðáp.
*
* *
Alleluia: x. Cv 16, 14b
Alleluia, alleluia! - Lạy
Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 14, 25-33
"Ai không từ bỏ tất
cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, có nhiều đám đông
cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: "Nếu ai đến với Ta
mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm
môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ
Ta. Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán
phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không, kẻo đặt móng rồi mà không thể
hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế diễu người đó rằng: "Tên này khởi
sự xây cất mà không hoàn thành nổi".
"Hoặc có vua nào sắp đi
giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể
đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh
mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái
đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của
cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðể trở nên môn đệ của Ðức
Giêsu, chúng ta cũng phải cùng đi con đường với Ðức Giêsu. Ðường Ngài đi là từ
bỏ, là đón nhận Thập Giá. Chúng ta có dám từ bỏ bản thân? Có dám hy sinh cho
lợi ích tha nhân như Chúa không?
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, gia đình
chúng con, giáo xứ chúng con, tổ quốc chúng con cũng đang khao khát một cuộc
sống ấm no, an vui, thịnh vượng. Nhưng để điều đó được hiện thực, mỗi người
chúng con phải biết bỏ đi tư lợi để xây dựng cho công ích. Chỉ khi biết sống vì
tha nhân chúng con mới đích thực làm môn đệ của Chúa. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Từ Bỏ Ðể Theo Chúa
(Lc 14,25-33)
Suy Niệm:
Từ Bỏ Ðể Theo Chúa
Bài Tin Mừng hôm nay cho biết
có rất nhiều người cùng đi với Chúa Giêsu. Tuy cùng hướng đi trên con đường dẫn
đến Giêrusalem, nhưng đám đông không mang cùng một mục đích với Ngài. Trong khi
Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem để hoàn tất công cuộc cứu chuộc qua cái chết khổ
nhục trên Thập giá, thì đám đông lại tưởng rằng Ngài lên Giêrusalem lần này để
đánh đuổi ngoại xâm và tái lập vương quốc Israel.
Ðể đánh tan sự chờ đợi sai
lầm này, Chúa Giêsu đưa ra lời mời gọi những kẻ theo Ngài hãy suy nghĩ đắn đo,
tính toán kỹ lưỡng để xem có đủ nghị lực theo Ngài hay không: Ngài đòi buộc
những kẻ muốn theo Ngài, hãy để cho Ngài chiếm chỗ đứng quan trọng nhất trong
cuộc sống của mình: "Ai theo Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em,
chị em, và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ tôi được".
Việc theo Chúa là một việc
khó nhọc, tiêu tốn nhiều sức lực như khi xây cất hay đánh giặc, do đó người môn
đệ phải sẵn sàng dấn thân. Việc theo Chúa không thể tính toán bao nhiêu, bao
lâu, hay bằng những việc gì, nhưng là thái độ quyết liệt, gạt ra một bên tất cả
để bước theo Chúa, nghĩa là đi xây dựng Nước Trời, đi giao chiến với sự dữ và
và cái chết để được chiến thắng hiển vinh. Người đi theo Chúa phải từ bỏ mọi
của cải mình có. Từ bỏ ở đây không có nghĩa là chôn dấu đi hay sử dụng nó theo
sở thích của mình, nhưng là làm ích cho người khác, nhất là cho những người nhỏ
bé, nghèo hèn.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng
ta được lòng can đảm, dứt khoát với tất cả những gì cản trở chúng ta trên bước
đường theo Chúa. Xin cho chúng ta được thực tâm đi xây dựng Nước Trời và làm
chứng tá tình yêu Chúa trước mặt mọi người.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư
Tuần 31 TN2
Bài đọc: Phil
2:12-18; Lk 14:25-33.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải suy nghĩ tính toán trước khi làm quyết định theo Chúa.
Con người có khuynh hướng muốn bắt cá hai tay: vừa muốn những sự sung sướng thế
gian vừa muốn đạt tới Nước Trời. Có một câu truyện về một em bé, khi được hỏi:
Em muốn làm gì khi lớn lên? Em bé phân vân không biết trả lời làm sao. Khi được
gạn hỏi kỹ hơn, em bé trả lời em vừa muốn làm thâu ngân để giữ tiền vừa muốn
làm chị nữ tu để theo Chúa. Thái độ của em bé cũng là thái độ của nhiều người
chúng ta; nhưng điều này đã được Chúa Giêsu đã thẳng thắn tuyên bố: “Các con
không thể làm tôi cả Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6:24). Bài đọc I là những lời
khuyên thực tế Thánh Phaolô rút ra từ Bài Thánh Ca hôm qua: đi theo Chúa Giêsu
là chấp nhận lối sống nên vinh quang của Ngài, lối sống vâng lời tuyệt đối nơi
Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thẳng thắn đặt điều kiện cho những người
muốn đi theo Chúa: phải dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh/chị/em, cả mạng sống mình
nữa, và vác thập giá mình. Con người phải cẩn thận suy nghĩ trước khi quyết
định theo Ngài, để đừng bỏ dở nửa chừng mà mất cả chì lẫn chài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Anh
em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay nghi ngờ.
1.1/ Tự
nguyện vâng phục Thiên Chúa: Giống như Đức Kitô đã hòan tòan tự nguyện vâng phục Thiên
Chúa vì biết sự vâng phục sẽ làm trọn vẹn Mầu Nhiệm Cứu Độ; Thánh Phaolô cũng
muốn các tín hữu Philipphê có một thái độ tự nguyện vâng phục như vậy. Sự vâng
phục đặt nền tảng trên hiểu biết là nó sẽ giúp người vâng phục đạt tới ơn cứu
độ; chứ không vì bất cứ lý do nào khác. Đó là lý do tại sao ngài khuyên: “Anh
em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có
mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức
lo sao cho mình được cứu độ.”
Hai ngày trước đây chúng ta đã bàn đến thần học về thân thể của Thánh Phaolô
khi bắt đầu chương thứ hai này. Vì được liên kết vào một thân thể và Đức Kitô
là Đầu, nên các chi thể đều được Đức Kitô hướng dẫn và cùng thấm nhuần một tình
yêu mà Ngài đã nhận được từ Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô có thể
nói: “Vì chính Thiên Chúa tác động đến lòng muốn cũng như hành động của anh em
do lòng yêu thương của Người.” Vì thế, sau khi đã hiểu Mầu Nhiệm Cứu Độ, các
tín hữu hãy noi gương Đức Kitô, vâng lời làm mọi sự theo Kế Họach Cứu Độ của
Thiên Chúa, đừng than phiền hay nghi ngờ về Kế Họach của Ngài.
1.2/ Can đảm
từ chối lối sống theo thế gian: Thánh Phaolô biết ngài không thể luôn ở với các tín hữu
Philipphê để bảo vệ họ tránh khỏi những cám dỗ của thế gian, nên ngài cố gắng
dạy dỗ để làm cho đức tin của họ thêm vững chắc. Ngài dạy họ 3 điều ở đây:
- Làm gương sáng giữa thế gian: Nếu họ để Đức Kitô là trọng tâm của cuộc sống và hành động
theo những gì Ngài hướng dẫn, họ sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được
điều gì, và sẽ trở thành những người con vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế
hệ gian tà, sa đoạ. Một lối sống như thế giữa thế gian sẽ chiếu sáng như những
vì sao trên vòm trời, và làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa.
- Sống theo một mục đích: Thánh Phaolô dạy cho các tín hữu của ngài biết rõ họ sống ở đời
này để làm gì. Ngài đã vất vả lao nhọc để rao giảng Tin Mừng cho họ cũng là vì
mục đích đó: làm sao cho Tin Mừng mang lại ơn cứu độ cho mọi người.
- Chấp nhận mọi hy sinh gian khổ: Vì mục đích cứu độ mà ngài cũng như các tín hữu
sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ để Tin Mừng được lan rộng khắp nơi. Ngài chia
sẻ tâm tình với các tín hữu: “Nhưng nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy
lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm
vui với tất cả anh em.”
2/
Phúc Âm: Giá
phải trả của những người đi theo Chúa
Theo trình thuật của Luca, Chúa Giêsu đang trên đường đi lên Jerusalem. Nhiều người
hy vọng Ngài sẽ dùng sức mạnh chống lại đế quốc Rôma và khôi phục lại vương
quốc của Thiên Chúa, lên đi theo để ủng hộ. Chúa Giêsu biết những gì họ suy
nghĩ, đồng thời cũng biết những gì sắp xảy ra cho Ngài tại Jerusalem, nên Ngài
quay lại và đưa ra 3 kiện cho họ:
2.1/ Điều kiện đi theo Chúa: Có thể nói 3 điều kiện này bao gồm tất cả những gì con
người sở hữu:
(1) Phải từ bỏ người thân: "Ai đến với tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em,
chị em, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Động từ Hy-Lạp dùng ở đây là mise,w
có nghĩa là ghét, khinh thường, không quan tâm, hay không để ý
tới. Trình thuật của Matthêu dùng chữ cẩn thận hơn: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn
Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng
với Thầy” (Mt 10:37). Chắc chắn Chúa không dạy chúng ta phải ghét người thân
như ghét kẻ thù, mà còn dạy chúng ta phải yêu thương họ nữa. Thánh Luca rất chú
trọng đến tình yêu vì ngài là một y sĩ, và “lương y như từ mẫu;” nhưng có lẽ
Ngài hiểu ở đây giống như Matthêu: Người môn đệ không được đặt các người thân
lên trên Thiên Chúa; và khi phải chọn giữa họ và Thiên Chúa, con người phải
chọn Thiên Chúa.
(2) Phải từ bỏ mạng sống mình: Như Chúa Kitô đã sẵn hy sinh mạng sống cho con người, các
môn đệ cũng đòi hỏi phải có sự hy sinh như thế.
(3) Phải vác thập giá mình: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể
làm môn đệ tôi được.” Thập giá Chúa nói tới ở đây là tất cả trái ý, gian khổ,
bất công … mà người môn đệ sẽ phải đương đầu với khi rao giảng Tin Mừng.
2.2/ Để dẫn
chứng sự cần thiết của việc phải suy xét cẩn thận trước khi quyết định đi theo
Chúa, ngài dùng 2 ví dụ cụ thể:
(1) Việc xây tháp: Tiền là yếu tố quyết định cho các công trình xây dựng, và phải có
đủ hay dư tiền trước khi bắt đầu xây. Nếu đang xây nửa chừng mà hết tiền, nhà
thầu sẽ không tiếp tục làm việc nữa; và dự án bị bỏ dở nửa chừng, và mọi người
nhìn vào sẽ chê cười.
(2) Việc giao chiến: Thăng bằng lực lượng là một trong những yếu tố quyết định cho
việc giao chiến; vì thế, các nhà lãnh đạo thường gởi thám tử đi quan sát đối
phương trước để lượng định tình hình, và so sánh với lực lượng mình có. Nếu
thấy có cơ hội thắng thế thì mời giao chiến; nếu không sẽ phải gọi quân tiếp
viện hoặc cầu hòa.
Cũng vậy, Chúa Giêsu đòi các người đi theo phải suy xét cẩn thận 3 điều kiện
của Chúa, và lượng định sức mình xem có thể đáp ứng được không. Nếu không đáp
ứng được, không thể làm môn đệ của Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Chúng ta không thể “bắt cá hai tay,” vừa muốn theo Chúa vừa muốn hưởng thụ
tất cả những gì thế gian dâng tặng.
- Phải cẩn thận suy xét ba điều kiện Chúa đòi hỏi và tự vấn sức mình xem có
theo được không. Một khi đã quyết định, nhất quyết theo tới cùng
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Tư tuần 31 thường niên
Sứ điệp:Phải từ bỏ tất cả để
theo Chúa. Người tín hữu phải ý thức điều ấy cho thật rõ và chọn lựa dứt khoát,
bởi vì đây là việc dấn thân suốt cuộc đời.
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời
gọi con theo Chúa và chọn Chúa. Đó phải là ưu tiên hàng đầu, không có điều gì
trên đời này có thể hơn được, dù đó là tình máu mủ ruột thịt, dù đó là chính
bản thân con.
Lạy Chúa, thực sự con vẫn chưa hiểu được tầm
quan trọng của Lời Chúa, con chưa hiểu tại sao con phải từ bỏ tất cả để theo
Chúa, để làm môn đệ Chúa. Thế nhưng chân lý quan trọng này Chúa luôn nhắc đi
nhắc lại cho con. Chúa dạy con tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính
của Người. Chúa dạy con: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì không được
ích gì”. Chúa dạy người thanh niên giàu có rằng: để được sự sống đời đời thì về
bán hết của cải rồi theo Chúa.
Lạy Chúa, dù con không hiểu, nhưng con tin Chúa
là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Xin cho con tin vào Lời Chúa dạy để con vững
bước theo Chúa, để con xác tín mãi mãi rằng chính Chúa là con đường đưa đến sự
sống. Bước đi theo Chúa là điều quan trọng nhất trong cuộc sống con. Vì thế xin
giúp con sẵn sàng từ bỏ những lợi ích khác. Xin cho con nhận ra rằng từ bỏ mọi
sự vì Chúa không phải là dại khờ, thua lỗ, nhưng là một mối lợi và khôn ngoan.
Amen.
Ghi nhớ :"Ai không từ bỏ tất cả
của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".
www.phatdiem.org
07/11/12 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 14,25-33
Lc 14,25-33
TỪ BỎ: ĐIỀU KIỆN TIÊN
QUYẾT
“Ai trong anh em
không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,33)
Suy niệm: Nếu muốn hoạt động hiệu quả và tăng năng lực cạnh tranh,
các công ty phải loại bỏ các máy móc thiết bị thuộc thứ công nghệ lỗi thời lạc hậu.
Cũng vậy, nếu muốn đi theo Chúa Giêsu để cùng với Ngài xây dựng Nước Thiên
Chúa, người môn đệ phải bỏ đi những “công nghệ” cũ kỹ không thích hợp của mình để đặt
trọn niềm tin tưởng phó thác nơi Chúa. Thiên Chúa tự do hành động theo cách thế
riêng của Ngài. Ngài bày tỏ sức mạnh trong sự yếu đuối. Nếu họ còn bám víu vào
quyền hành, tiền tài hay cậy dựa vào khả năng hay sức mạnh của mình, Thiên Chúa
không thể tự do hoạt động nơi họ. Khi đó họ trở nên vật cản trở cho công việc
của Chúa thay vì trở nên công cụ trong tay Ngài.
Mời Bạn: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ.” Chúa muốn môn đệ Chúa biết rõ sự yếu đuối của mình để không
tự phụ, không cậy dựa vào bản thân nhưng đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa,
lấy Chúa làm gia nghiệp của mình.
Chia sẻ: Chúng tôi đang đang bám víu vào thành kiến, quan điểm hay
chủ trương nào làm cho chúng tôi không dám thay đổi? Cái gì cản trở chúng tôi
không còn tự do làm điều Chúa muốn cho cộng đoàn chúng tôi?
Sống Lời Chúa: Nhìn ngắm Chúa Giêsu sinh ra nghèo khó trong hang đá Bê
lem, bị đóng đinh trên Thập giá, hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa Cha để noi
gương Chúa tìm thánh ý Chúa và từ bỏ ý riêng mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa giúp con nhận ra nhũng gì con phải
từ bỏ để ơn Chúa được tăng trưởng nơi con.
www.5phutloichua.net
Từ bỏ hết
Phép Rửa đã cho chúng ta trở
thành môn đệ Ðức Kitô. Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài, chúng ta cần từ
bỏ mãi cho đến khi nhắm mắt.
Suy niệm:
Sống là chấp nhận từ bỏ.
Có những điều xấu phải từ bỏ
như tật nghiện thuốc lá, ma
tuý, rượu chè, trụy lạc...
Cũng có điều tốt phải bỏ, để
chọn một điều tốt hơn:
chọn nghề, chọn trường, chọn
chỗ làm, chọn bậc sống...
Từ bỏ thường làm ta sợ và
tiếc.
Bỏ chiếc giường êm để thức dậy
đi lễ sáng.
Tắt tivi vì đến giờ đọc kinh
tối gia đình.
Dành Chúa Nhật để học giáo lý
và làm việc xã hội.
Nếu từ bỏ vì yêu, ta sẽ thấy
nhẹ hơn, dễ hơn.
Người mẹ thức trắng đêm để đan
nốt chiếc áo cho con.
Người mẹ “là mẹ hơn” qua những
hy sinh vất vả.
Từ bỏ vì yêu chẳng bao giờ
thiệt thòi, mất mát.
Cuộc sống văn minh cho ta
nhiều chọn lựa.
Con người dễ chọn cái tầm
thường hơn cái cao cả,
chọn khoái lạc phù du hơn hạnh
phúc vững bền,
chọn lợi ích cho cá nhân tôi
hơn là cho tập thể.
Xem ra con người thích cái dễ
dãi hơn.
Kitô hữu là người đã chọn theo
Ðức Giêsu.
Làm môn đệ Ngài là chọn đi vào
đường hẹp, cửa hẹp.
Ngài đòi ta đặt tất cả dưới Ngài,
yêu Ngài trên mọi sự,
trên những người thân yêu,
trên của cải tinh thần, vật chất,
trên mạng sống mình, trên cả
hiện tại tương lai.
Những thụ tạo trên thật đáng
trân trọng,
nhưng chúng chỉ có giá trị
tương đối
khi sánh với Ðức Giêsu, Con
Thiên Chúa làm người.
Kitô hữu là người sống từ bỏ
như Ðức Giêsu.
Ngài đã bỏ vinh quang thần
linh để làm người như ta,
đã sống và đã hiến mạng sống
vì yêu Cha và nhân loại.
Từ bỏ là đi vào cửa hẹp cùng
với Ðức Giêsu.
Phép Rửa đã cho chúng ta trở
thành môn đệ Ðức Kitô.
Nhưng để là môn đệ đích thực
của Ngài,
chúng ta cần từ bỏ mãi cho đến
khi nhắm mắt.
Từ bỏ phải là thái độ nội tâm
cần gìn giữ luôn.
Chúng ta dễ nghiêng như tháp
Pisa.
Ðiều hôm nay chưa dính bén,
mai đã thấy khó gỡ.
Ðiều đã bỏ từ lâu, nay lại bất
ngờ hấp dẫn.
Từ bỏ điều tôi có, và cứ có
thêm mỗi ngày
thật là một cuộc chiến lâu dài
và gian khổ.
Chúng ta không được nửa vời,
lừng khừng, thỏa hiệp.
Tháp đã bắt đầu xây, cuộc
chiến đã khai mào.
Không còn là lúc ngồi xuống mà
tính toán nữa.
Cần đầu tư để xây tháp, cần
dồn sức để tiến quân.
Cần từ bỏ mọi vướng víu để
tiếp tục trung tín.
Vẫn có những Kitô hữu chịu dở
dang và bại trận,
vì họ không dám sống đến cùng
ơn gọi làm môn đệ.
Từ bỏ là cách diễn tả một tình
yêu.
Khi yêu người ta vui lòng từ
bỏ tất cả.
Ước gì chúng ta vui khi gặp
viên ngọc quý là Ðức Giêsu,
dám bán tất cả để thấy mình
giàu có.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Ai không từ bỏ tất cả của
cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".
Hy sinh từ bỏ
Bài
Phúc Âm hôm nay có thể được chúng ta đọc và suy niệm như là một sự giảng dạy
thêm từ phía Chúa Giêsu, vừa là một sự lĩnh hội sâu xa thêm từ phía con người
chúng ta. Mỗi người chúng ta được Chúa mời gọi hãy nghiêm chỉnh dấn thân theo
Ngài với một tâm hồn đã được tự do khỏi mọi ràng buộc.
Liền
sau những lời quả quyết về điều kiện căn bản cần có để theo Ngài: "Ai
không vác thập giá mình mà đi theo Tôi thì không thể làm môn đệ Tôi", Chúa
Giêsu kể thêm hai dụ ngôn mới để nhấn mạnh thêm với các môn đệ rằng đi theo
Chúa không thể nào là một hành động nhẹ dạ, nhất thời, tùy hứng nhưng là một
hành động, một quyết định nghiêm chỉnh với tinh thần trách nhiệm sau khi đã suy
nghĩ kỹ lưỡng, giống như thể người muốn xây một ngọn tháp hay như nhà vua ra
trận. Trên con đường từ bỏ này, chúng ta không lẻ loi một mình mà chúng ta đi
theo Chúa. Có Chúa làm gương đi trước chúng ta. Và không phải chỉ làm gương đi
trước chúng ta mà Ngài còn đến với chúng ta, sống với chúng ta, kết hợp với
chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh của Ngài để có thể thực hiện việc hy sinh
từ bỏ. "Không Thầy chúng con không thể làm chi được", hãy sống trong
tình yêu Thầy như cành nho kết hiệp với cây nho để trổ sinh hoa trái.
Việc
từ bỏ thập giá, đau khổ và cả cái chết nữa không phải là những giá trị riêng rẽ
từ nơi chúng, mà là những phương thế để đạt đến mục đích để giúp ta trở nên
giống Chúa mỗi ngày một hơn. Chúa Giêsu có quyền đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta
và muốn mỗi người chúng ta đặt Ngài vào chỗ ưu tiên, đòi hỏi chúng ta yêu mến
Ngài trên hết mọi sự và với hết sức lực của mình, trên cả tình thân gia đình.
Và chỉ khi nào chúng ta dám từ bỏ mọi cản trở để yêu mến Ngài trên hết mọi sự,
để được đồng hoá với Ngài cách trọn vẹn, thì khi đó chúng ta mới biết đặt những
sự vật và con người vào vị trí đúng, biết tôn trọng và yêu thương những sự vật
và con người một cách đúng thật trong tình yêu thánh thiện của Chúa.
Lạy
Chúa là Ðấng đã kêu gọi chúng con theo Ngài qua con đường thanh luyện và hy
sinh.
Xin
ban ơn giải thoát chúng con khỏi những gì đang ngăn cản chúng con đến với Chúa.
Xin dạy con theo Chúa mỗi ngày một trọn vẹn hơn, không chùn bước trước những
thách thức và hy sinh. Xin cho con được cùng vác thập giá với Chúa để được chia
sẻ vinh quang Phục Sinh của Chúa.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Muốn có huy chương vàng
Ai
không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ của tôi được.
“Quả
thế ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống
tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra đặt móng rồi
mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà
bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua
nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính
xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân
tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua
ấy đã phải sai sứ đi cầu hòa. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những
gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc. 14, 27-33)
Một
đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu, Người muốn họ biết phải làm gì để đi theo
Người. Nên Người quay lại giải thích cho họ về nước trời. Không phải là tòa nhà
xổ số, nhưng là sân vận động Ô-lim-pic trao huy chương vàng cho vận động viên
vô địch.
Phải hoàn toàn cố gắng hy sinh
Ai
không sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Đức Giêsu thì không thể làm môn đệ Người.
Đức Giêsu vượt trên mọi sự, trên cả mối giây gia đình. Gia đình là chỗ an toàn,
ở đó người ta yêu và được yêu. Đức Giêsu không bảo họ quay về chống đối gia
đình, nhưng phải sẵn sàng phục vụ người không bị vướng mắc trở ngại gì, dù là
người thân nhất. Lòng trung thành với Đức Giêsu phải đặt lên hàng đầu, trên cả
mạng sống mình, Người đòi phải từ bỏ hoàn toàn. Do thái coi kẻ bị treo trên
thập giá là kẻ bị chúc dữ. Để nên môn đệ Đức Giêsu, phải chấp nhận bị chúc dữ
đó, từ bỏ tất cả, dù là gia đình mình, phải theo Người tới cùng; không thể hòa
hoãn; đó là giá của vinh quang.
Phải nhận biết khả năng mình
Cần
xem xét sáng suốt những khả năng của mình để biết có thể đi tới đích không.
Trước cuộc mạo hiểm như xây tháp hay trận chiến, Đức Giêsu gợi ý cần ngồi lại
suy nghĩ tính toán, phải trả giá bao nhiêu. Điều đó muốn nói rằng người ta phải
xem xét chắc chắn và cần quyết tâm với hết sức mình để tới đích. Phải có thiện
chí và đức tin giúp cho các phương tiện đạt tới đích.
Cũng
cần xem xét đánh giá những khuynh hướng và tính tình của mình. Ta có phải chiến
đấu sát cánh với Đức Giêsu không? Và đòi phải có quyết định sáng suốt sau khi
đã xem xét cân nhắc tương quan về phương tiện, hoàn cảnh và thiện chí của mình.
Nhiều
người không thể làm môn đệ của Người vì không sẵn sàng từ bỏ những mối giây
ràng buộc và của cải để theo Người. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều được kêu
gọi trở về với Người, người ta có thể theo Người bằng nhiều cách khác nhau.
Cách làm môn đệ đòi hỏi rất gắt gao và muốn được chọn, cần chính mình phải thực
hiện lời khuyên trước và phải cân nhắc cẩn thận những điều thuận nghịch. Tốt
hơn đừng thử đi theo rồi lại từ chối giữa đường.
RC.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11
7 THÁNG MƯỜI MỘT
Một Cộng Đoàn Yêu
Thương
Cộng
đoàn Kitôhữu được sinh ra từ Lời Chúa và cắm rễ sâu trong mầu nhiệm Vượt Qua
của Đức Kitô. Nhưng có một yếu tố thứ ba nữa làm nên đời sống cộng đoàn, đó là
tình yêu được Chúa Thánh Thần đổ tràn trong lòng chúng ta (Rm 5,5). Thật vậy,
cộng đoàn sẽ ra sao nếu thiếu vắng tình yêu? Đời sống cộng đoàn chúng ta sẽ ra
sao nếu chúng ta không thi hành điều mà Công Đồng gọi là “luật” của Dân mới của
Thiên Chúa: yêu thương như Chúa Kitô yêu chúng ta (LG. 9)? Đời sống cộng đoàn
chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta không có mối hiệp thông trọn vẹn với giám mục
của mình và với Giáo hội trên toàn cầu?
Nhưng
tình yêu ấy phải hữu hình. Nó phải là đặc trưng cho mọi khía cạnh đời sống
chúng ta trong tư cách là một cộng đoàn. Mối hiệp thông thiêng liêng phải trở
thành một mối hiệp thông của các quan hệ phong phú giữa người với người. Chúng
ta phải có một cung cách đích thực Kitôhữu trong quan hệ với nhau. Như tôi đã
từng khẳng định, thật vô cùng quan trọng việc một giáo xứ trở thành tiêu điểm
sum họp vừa mang tính nhân bản vừa mang tính Kitô giáo, để tạo lập một đời sống
cộng đoàn trọn vẹn.
Các
cộng đoàn chúng ta được mời gọi cảm nếm trước nền văn minh tình thương. Và, căn
cứ vào mẫu thức của các cộng đoàn Kitôhữu đầu tiên, thì chúng ta phải thể hiện
được một đời sống xã hội phong phú đặc trưng bởi tình huynh đệ đích thực. Mối
quan hệ của chúng ta phải được định hình bởi bởi tinh thần hiếu hòa và dâng
hiến. Chúng ta cần một tinh thần cộng tác và hòa giải – để chữa lành những vết
thương. Chúng ta cần một đời sống thiêng liêng vững mạnh có sức kết hiệp chúng
ta với tình yêu của Thiên Chúa cũng như với tình yêu của anh chị em chung quanh
mình.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 07-11
Pl 2, 12-18; Lc 14, 25-33.
LỜI
SUY NIỆM:
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống
mình nữa, thỉ không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi
theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26-27).
Khi đến với Chúa Giêsu và muốn bước đi theo Ngài. Chúa Giêsu đòi nơi mỗi chúng
ta phải có một thái độ dứt khoát với: của cải vật chất, tình cảm gia đình và
thân thuộc, kể cả mạng sống của chính mình. Không thể đắn đo, so tính hay chần
chừ khất hẹn. Phải chọn lựa cho mình giữa Chúa và với tất cả những gì là của
mình, thuộc về mình cho chương trình của Ngài. Đây là một chuyện không dễ chút
nào, với bản tính yếu đuối, thấp hèn và bất xứng của mỗi chúng ta. Nhưng với
Thiên Chúa thì không gì là không thể làm được. Khi mỗi một người trong chúng ta
đã tin, đã chọn Ngài thì chính Ngài sẽ tính toán,sắp xếp mọi sự cho chúng ta,
ơn của Ngài sẽ đủ để chúng ta đến được với Ngài và đủ sức để bước đi theo Ngài.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
07
Tháng Mười Một
Nỗi
Khao Khát Của Hạt Muối
Khao khát duy nhất
của hạt muối là được xem thấy biển. Bằng mọi giá, nó muốn khám phá thế nào là
biển... Ngày kia, nó ra đi... Vừa đến bờ biển, nó khám phá ra một cái gì mênh
mông, xanh ngắt và sống động. Nó thốt lên:
- Biển ơi, hãy nói
đi, ngươi là ai?
Một đợt sóng trả
lời:
- Hãy chạm đến ta,
rồi ngươi sẽ hiểu.
Hạt muối trườn mình
xuống nước. Ô kìa, nó cảm thấy ngây ngất, niềm vui tột cùng làm nó cảm thấy như
không còn đứng vững được nữa. Nó cảm thấy như đang hòa lẫn từ từ trong nước.
Niềm vui dâng trào. Nó lại hỏi một lần nữa:
- Biển ơi, hãy nói
đi, ngươi là ai?
Một đợt sóng cuối
cùng ôm ghì lấy nó và nó từ từ tan biến trong nước. Nó chợt reo vui lần cuối
cùng:
- Bây giờ ta mới
hiểu thế nào là biển: biển là một phần của chính ta.
Hạt muối chỉ có thể hiểu được thế nào là biển
khi nó được hòa tan trong nước. Có chìm ngập trong biển, có đi vào biển mới
hiểu được thế nào là biển... Thiên Chúa cao cả hơn lý trí của con người. Chúng
ta không thể chỉ biết Thiên Chúa bằng lý trí... Hãy để cho Thiên Chúa chiếm
ngự, hãy để cho Thiên Chúa ôm chầm lấy ta, ta mới có thể biết được Ngài là ai.
Tình tri giao giữa Thiên Chúa và con người chỉ có thể nảy nở bằng thinh lặng,
hòa nhập trong cảm mến, tri ân.
(Lẽ Sống)
Ngày 07
Chúng ta có thể nhận ra sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban
cho chúng ta trong cuộc đời, qua các vết tích, các dấu chỉ, cho dù là mong manh và
nhiều khi bị che giấu. Nếu Thiên Chúa ban cho chúng ta sự thánh thiện của
Người, như phần được chia,
điều đó không thể không được thể hiện bằng một hạnh phúc thực sự, bằng một niềm
vui và một sự bình an sâu xa, để xây dựng và giữ vững cuộc đòi, cho dù bị phong
ba bão táp lay động. Như nước ở độ sâu vậy. Chúng
ta hãy giữ thinh lặng, đừng bồn chồn lo
lắng, hãy rèn luyện trí nhớ: Phải chăng chúng ta không nhận thấy hạnh phúc trái thường này, sự bình an bất ngờ, dưới những đòn đau của cuộc đời,
trong những hoàn cảnh đôi khi bi đát, trong những thời kỳ rối loạn hay tuyệt
vọng sao? Hanh phúc thay... Thật ra, có một sự hài hoà sâu xa và nhiệm mầu, đôi
khi làm chúng ta tương hợp với Nước Trời. Như một bản nhạc, tiếp tục giọng
trầm, không biết từ đâu đến. Hạnh phúc thay .. Những lúc
này, chúng ta biết rằng Nước Trời đã ở đó và chúng ta đã ở trong Nước Trời rồi.
Chúng ta còn phải chăm chú nhìn những vị, được
gọi là "các thánh", bởi vì các ngài đã được Giáo Hội xác định, làm
những người hướng dẫn và là dấu chỉ cho hy vọng. Chúng ta thuộc cùng dòng giống, chúng ta rung cảm về cùng những Mốì Phúc.
Jean Mansir, o.p
Hạnh Các Thánh
Ngày 07
tháng 11
THÁNH
LAZARÔ GALIZIÔ HIỂN TU
Một môn
đệ của thánh Lazarô Galiziô đã viết lại cuộc đời của ngài và để lại cho ta tài
liệu chắc chắn về cuộc đời thánh nhân. Cuốn tài liệu đó đã xuất bản lần đầu
tiên vào năm 1910. Căn cứ vào tài liệu đó, người ta được biết:
Thánh
Lazarô Galiziô sinh năm 960 tại một làng gần Magnêsia. Khi lên sáu tuổi, Lazarô
được một linh mục coi sóc, và ba năm sau lại được gửi đi thụ huấn với một viên
chưởng khế. Đến tuổi thanh niên, vì ham muốn được đi viếng đất thánh, Lazarô đã
bỏ nhà trốn đi. Chẳng bao lâu ngài bị ông chú bắt về và giữ lại ở nhà hai năm,
rồi sau đem gửi vào một nhà dòng. Vẫn nuôi lòng ham muốn đi viếng đất thánh,
nên sau ba năm, ngài lại trốn đi một lần nữa, nhưng rồi cũng bị bắt trở về.
Mười tháng sau, ngài lại tìm cách trốn đi, và lần này thì thoát thân được.
Trước khi đi Giêrusalem, Lazarô đến tu tại một nhà dòng gần Attalia và ở đây
ngài được mặc áo dòng. Sau khi ở đó bảy năm để tập sống hãm mình, thánh nhân
lên đường đi Giêrusalem, và khi đến nơi ngài xin tu tại nhà dòng thánh Sabas,
kế đến dòng thánh Êlimô rồi trở lại dòng thánh Sabas và được thụ phong linh
mục. Khi quân Sarasinô tràn đến đất thánh, ngài trốn về quê hương. Từ đây
Lazarô bắt chước thánh Simong, sống khổ hạnh trên một cây cột. Ngài ăn uống rất
kham khổ, thường mỗi bữa chỉ ăn bánh khô, rau và nước lã. Đêm đến ngài ngủ rất
ít và luôn mang dây xích sắt trong mình. Chẳng bao lâu, nhiều người biết tiếng
và tìm đến viếng ngài. Nhiều thanh niên đến xin làm môn đệ tập sống theo lối
khổ hạnh của ngài.
Đường
lối tu đức và nếp sống khổ hạnh của ngài có thể được tóm tắt bằng những nét sau
đây: ngài tránh đi lại với nhiều người, nhất là những người còn trẻ, đôi mắt
ngài bao giờ cũng nhìn xuống. Giây phút ban mai ngài dâng mình cho Chúa một
cách sốt sắng. Chiều đến xét mình kỹ càng về những việc trong ngày. Y phục phải
hết sức tầm thường. Ngày kia, một người đến thăm ngài nói: “Leo được lên đến
đây thật khó khăn!”. Ngài trả lời: “Đường dẫn đến đời sống trường sinh tất
nhiên phải khó khăn, hiểm trở và lao nhọc”. Nhân dịp mừng lễ một vị thánh,
người ta xin ngài giảm bớt kỷ luật thường ngày để mừng lễ, ngài trả lời: “Thánh
nhân đã nên thánh không phải nhờ một đời sống dễ dãi, nhưng nhờ chay tịnh và
canh thức, ta phải bắt chước đời sống của ngài”.
Lần
khác, ngài nói để khuyến khích môn đệ: “Thiên Chúa không đòi hỏi các con gì hơn
là biết cảm tạ Chúa, biết sống kiên nhẫn, không thối chí lùi bước chốn đã bỏ ra
đi. Hãy kiên tâm sống ở nơi mà ơn thánh đã dẫn các con tới và hằng ngày chờ giờ
chết đến. Nếu thần chết đến trong khi các con đang suy nguyện như vậy, thì các
con không còn sợ hãi gì”. Ngài lợi dụng mọi hoàn cảnh để dạy cho người ta những
bài học đạo đức thích hợp. Lần kia, một phụ nữ ở Constantinôpôli, vì quá ham mê
đi viếng thánh địa nên cải trang làm một thầy dòng. Trên đường đến đất thánh
“thầy dòng” giả trang ấy đến thăm thánh Lazarô. Nhận ra sự giả dạng bề ngoài
của phụ nữ ấy, thánh Lazarô nói: “Này con, con hãy trở về, đừng đi nữa. Sự giả
dối bề ngoài của con, sẽ kéo theo nhiều tội lỗi. Hãy nhớ rằng: ở đâu người ta
ăn ở xứng đáng thì đó là Giêrusalem!”. Dạy về tính quá tự phụ hão huyền về các
nhân đức của ta, ngài nói: “Chúng ta như chì mà những lời tâng bốc, khen ngợi
sẽ làm chúng ta chảy ra”. Thánh nhân còn có tài chinh phục những kẻ hà tiện,
trộm cắp, tội lỗi. Ngài khéo dùng lời khuyên nhủ những người đau ốm, bệnh tật
và cả những người có lòng đạo đức sốt sắng. Đối với anh em tu sĩ còn trẻ tuổi,
ngài rất có lòng khoan dung. Là bạn của người nghèo khó, ngài dễ tha thứ cho
những người “vì túng thiếu mà phải làm liều”. Thực vậy, một hôm có người giúp
việc lấy trộm của nhà dòng rồi trốn đi. Ngài nói với thầy quản lý: “Thôi, anh
ta cũng nghèo túng ấy mà, đừng đuổi bắt anh ta làm gì!”.
Để lời
nói đi đôi với việc làm, chính ngài cũng sống một cuộc đời rất khắc khổ, dãi
dầu mưa nắng. Ngài mặc áo bằng da loài vật, đầu để trần và đi chân không. Ngài
ăn chay nhiều ngày trong tuần; đêm đến lại thức cầu nguyện lâu giờ. Những hãm
mình phạt xác đó, ngài còn chưa lấy làm đủ, nên còn mang trong mình một xích
sắt nặng, như để nhắc nhở mình phải luôn kiềm chế xác thịt. Ngoài ra ngài còn
nghĩ ra nhiều thứ hãm mình phạt xác khác nhau nữa. Suốt đời ngài đã sống một
đời sống khổ hạnh gương mẫu. Tám ngày trước khi chết, ngài cho gọi thầy Nicolas
thư ký của dòng đến bảo chép lại luật dòng và ghi chép những lời giải thích xác
đáng rõ rệt hữu ích. Lúc ngài gần sinh thì, các tu sĩ tụ tập chung quanh ngài
và nói: “Xin cha tha những lầm lỗi cho chúng con”. Ngài cố gắng nâng cánh tay
phải lên, môi run run đọc lời tha tội; rồi một tu sĩ đỡ tay ngài để ký vào bản
luật dòng. Ngài qua đời ngày Chúa nhật mồng 07 tháng 11 năm 1051.
Giáo
hội mừng lễ thánh nhân vào ngày 07 tháng 11 hằng năm.
Henrico GIA (1743-1773)
Henricô Gia (Henricus Castaneda),Sinh năm 1743 tại Javita, Tây Ban
Nha, Linh Mục dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng
Ngoài, bị xử trảm ngày 7/11/1773 tại Ðồng Mơ dưới đời Chúa Trịnh Sâm, được
phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 7/11.
|
Cuối năm 1773, tin tức linh mục Castaneda tử đạo đã về tới
quê hương ngài ở Tây Ban Nha. em trai thánh nhân là Clêmentê biết trước tiên,
đã hết sức thận trọng khi báo tin cho mẫu thân. Bà sốt sửng hỏi: "Tại
sao Jacintô của mẹ lại chết. Anh ấy chết bệnh hay bị giết?". Clêmentê
chợt nghĩ anh mình mới 30 tuổi, sợ mẹ buồn lên anh hỏi lại: "Vậy mẹ muốn
anh ấy chết cách nào?. Bà đáp: "Mẹ mong vì đức tin mà Jacintô con mẹ bị
giết". Clêmentê liền nói : "Thưa mẹ, chính vì đức tin, người ta đã
chém đầu anh ấy". Ngay chiều ngày hôm đó, bà mẹ đến nhà thờ dòng Đaminh
để cùng các tu sĩ hát lên lời tạ ơn TE DEUM.
Jacintô Castanede sinh ngày 13.10.1743 tại Jativa, thuộc
giáo phận Valencia, Tây Ban Nha. Cậu được trời phú cho một khuôn mặt xinh đẹp
đặc biệt. Nhiều người so sánh cậu đẹp như thiên thần trong các tranh của nhà danh
họa Tây Ban Nha Murille (1862). Hơn thế nữa, chàng thanh niên tuấn tú ấy lại
có một tâm hồn cao quý, đã sớm quyết tâm dâng hiến cuộc đời phục vụ Thiên
Chúa và truyền giảng Tin Mừng cho thế giới. Để thực hiện lý tưởng cao cả đó,
cậu đã gia nhập dòng Đaminh tại tu viên thánh Philipphê ở Valencia.
Lòng nhiệt thành truyền giáo đã đưa thày Jacintô đến Phi
Luật Tân năm 1762. Sau khi thụ phong linh mục, cha tình nguyện đi loan báo
Tin Mừng ở Trung Hoa. Dầu Trung Hoa đang cơn cấm cách, cha đã đến nơi vào
tháng 04.1766 cùng với cha Lavilla giảng đạo ở Phúc Kiến. Sau ba năm nhiệt
thành phục vụ, ngày 18.07.1769 hai vị linh mục bị bắt giữ 15 ngày ở Phú An,
rồi gần hai tháng với 14 cuộc thẩm vấn ở Phúc Kiến, cuối cùng các ngài bị
trục xuất về Macao.
Không nản chí và cũng không chùn bước, tại Macao, gặp hai
cha dòng khác từ Manila tới để đi Việt Nam, cha Castaneda và Lavilla liền xin
bề trên cho phép đồng hành sang Việt Nam. Sau đó, bốn vị cùng đáp tàu đến Bắc
Việt ngày 23.02.1770. Cha Gia ở lại Trung Linh học tiếng Việt và phong tục
Việt trong sáu tháng, rồi được cử đi truyền giáo ở khu Lai Ổn, Kẻ Diền, phủ
Thái Ninh. Cha tự thuật như sau : "Hiện nay với sự cộng tác của hai linh
mục bản xứ. Quả thật, tôi không đủ sức cáng đáng hết những việc phải
làm".
Vì 60 làng có đạo mà cha Gia phụ trách ở rải rác cách xa
nhau, nên cha phải liên tục di chuyển hết làng này đến làng khác, và chẳng
bao lâu, sức khỏe cha giảm sút mau lẹ. Dù vậy, cha vẫn cố gắng đến thăm từng
họ đạo. Giáo hữu rất yêu mến cha, nhưng luơng dân cố lập mưu bắt cha để được
tiền chuộc hoặc tiền thưởng. Do đó, nhiều lần cha phải đổi chỗ để thoát khỏi
những cặp mắt đang rình rập.
Ba năm truyền giáo đã trôi qua, ngày 12.07.1773, sau khi
ban bí tích cho một bệnh nhân ở Lai Ổn, cha Gia và thày Tân về Kẻ Diền bị lọt
vào vòng vây của quan phủ Thần Khê. Để đánh lạc hướng, thày Tân nhanh trí
chèo thuyền quan bên kia sông Luộc, rồi lập tức quay lại cùng cha trốn vào ở
làng Gia Đạo. Không ngờ người gia chủ đi báo với quan để lãnh thưởng nên cả
hai đều bị bắt.
Qua trung gian chánh tổng Xích Bích, quan đòi 3 ngàn tiền
chuộc. Cha đáp : "Quan muốn tha thì tha chứ tôi không có tiền chuộc. Tôi
sẵn sàng chịu mọi gian khổ kể cả cái chết". Sau nhiều ngày hành hạ cha
đủ cách, quan phủ không còn hy vọng đòi tiền chuộc nữa, mới cho giải nộp lên
quan Trấn thủ Sơn Nam ở Phố Hiến (Hưng Yên), và cha Gia bị tống giam vào
ngục.
Giữa tháng 10.1773, cha hân hoan gặp một tù nhân mới, linh
mục Vinh Sơn Liêm bị bắt ngày 02.10 tại Lương Đống, cũng bị Chánh tổng Xích
Bích giam giữ 12 ngày trước khi giải lên. Thật là niềm vui lớn, hai anh em
cùng dòng từ nay sẽ đồng hành với nhau trong ngục tù cũng như trong vinh
quang tử đạo. Ngày 20.10, quan Trấn truyền đóng gông hai cha có ghi chữ
"Hoa Lang Đạo Sư"(1), rồi trao cho quan phủ Thần Khê áp giải lên
Thăng Long.
Tại kinh thành Thăng Long, hai linh mục dòng Thuyết Giáo
có nhiều cơ hội trao đổi về giáo lý với các quan. Cuộc trang luận nổi tiếng
nhất được mệnh danh là "Hội Đồng Tứ Giáo", giữa đại diện bốn tôn
giáo: Khổng giáo, Lão Giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo. Ba đề tài được đưa
ra: Người ta bởi đâu mà có ? Sống ở đời này để làm gì ? Và chết rồi đi đâu ?
Cha Gia với kinh nghiệm giảng đạo ở Phú Kiến, đã thành thạo trưng dẫn những
điển tích, châm ngôn của Trung Hoa, khiến viên quan tổ chức, chú của Chúa Trịnh
Sâm, phải hết sức khâm phục.
Chính Đô Tĩnh Vương Trịnh Sâm cũng thích hỏi hai cha nhiều
chi tiết về đạo. Một hôm, ông yêu cầu cha Gia cử hành vài nghi lễ cho các
quan xem, cha liền mặc áo lễ, cắt nghĩa lễ phục và trình bày giáo lý cho các
quan. Sau đó, cha đặt tượng Thánh Giá trước ngài Tĩnh Đô Vương, quỳ xuống hôn
kính sốt sắng và đọc kinh bằng tiếng Việt các kinh Ăn Năn Tội, kinh tin Kính,
kinh Lạy Cha. Tiếp đó, cha nâng cao ảnh Đức Mẹ và đọc kinh Lạy Nữ Vương. Cử
chỉ và lời kinh của cha gây nhiều xúc động cho những người hiện diện. Nhưng
số phận của cha đã được định đoạt trong chiếu chỉ của phủ chúa rồi. Có điều
bản án đến sớm hơn vì bà mẹ chúa Trịnh Sâm.
Nguyên do bà mẹ của Tĩnh Đô Vương rất sùng đạo Phật. Khi
nghe tin có hai linh mục trẻ tuổi, thông thái lại điển trai và ăn nói văn
hoa, liền yêu cầu được gặp mặt và nói chuyện. Thế là hai vị được dẫn đến
trước mặt Thái Tôn. Rồi một hồi trao đổi thân mật, bỗng nhiên bà hỏi:
"Nếu các thày nói chỉ có đạo các thày là đạo thật, vậy những người không
theo đạo, chết đi về đâu ". Cha Liêm điềm nhiên trả lời : "Bẩm bà,
sa hỏa ngục ạ !"(2). Câu trả lời của vị linh mục làm Thái Tôn nổi giận,
không thèm nghe giải thích thêm, đòi xử tử hai ông đạo sư ngay lập tức. Từ
đó, hai cha bị cách ly, không cho gặp ai nữa. Ngày 04.11.1773, sau một buổi
nghị án, chúa Trịnh Sâm tuyên án trảm quyết cả hai vị.
Ngày 07.11.1773, quan quân điệu hai vị tông đồ đến pháp
trường Đồng Mơ thi hành bản án. Trên đường, hai vị cùng thầm thĩ cầu nguyện
xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm, đọc kinh Tin Kính và hát "Salve
Regina" (Kinh Lạy Nữ Vương). Hai chứng nhân Chúa Kitô cùng lãnh triều
thiên tử đạo. Cha Jacintô khi ấy mới 30 tuổi, với sáu năm truyền giáo ở Trung
Hoa và Việt Nam. Nhưng máu ngài đổ ra đã vun tưới cho hạt giống Tin Mừng âm thầm
trổ bông.
Thi hài hai vị tử đạo được an táng trọng thể ở nhà thờ
Trung Linh. Ngày 13.11.1775, trong diễn văn trước Hồng Y đoàn, Đức Piô VI đã
nhắc đến chiến thắng vinh quang của hai vị.
Ngày 20.05.1906, Đức Piô X đã suy tôn hai chứng nhân anh
hùng lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các
ngài lên bậc Hiển thánh.
Nguồn từ
thư viện Đa Minh
Trường thi tử Đạo.
Giacintô Gia thừa sai linh mục
Năm Quý Hợi (1743) quê thực (Tây) Ban Nha Bạn thơm trong lúc xa nhà Cũng chức linh mục tên là Phạm Liêm Linh mục Liêm quê hương Trà Lũ Sinh Nhâm Tý (1732) quê phủ Thiên Hương Giảng rao lời Chúa đảm đương Trong thời cấm đạo lệnh thường cấm nghiêm Hai linh mục Gia, Liêm tử đạo Là Thừa sai loan báo đức tin Người Tông đồ Chúa dõi tìm Từ khi tuổi nhỏ đã xin nhập dòng Hết trung học vào trong tu viện Mười bảy tuổi trực diện khấn xong Trao dồi tu đức cầu mong Thừa sai giảng đạo thuộc dòng Ðaminh Ðược tuyển mộ nhiệt tình hăng hái Cậu lắng lo ái ngại mẹ già Báo tin anh, em đã đi xa Nhờ huynh coi sóc mẹ già chốn quê Hai năm chuẩn tràn trề ơn gọi Ðược thụ phong Chúa rọi ơn thiêng Cha Gia sứ mạng rao truyền Á Ðông tiên khởi là miền Trung Hoa Rồi sau đó học đà tiếng Việt Lén lút vào tới miệt Bắc Kỳ Giúp cho kẻ liệt Cha đi Giữa đường chúng bắt tức thì trục ngay Về Macao đất này Trung Quốc Bề trên sai Cha thuộc Việt Nam Vâng lời ý Chúa đã ban Trung Linh phục vụ cộng đoàn giáo dân Số tín hữu xa gần đông đúc Trên chục ngàn diễm phúc ba Cha Hai Cha Việt, với Cha Gia Sáu mươi họ đạo thật là quá đông Dù vất vả Ngài không quản ngại Giúp đỡ người trở lại đức tin Ba Cha cộng tác hướng tìm Thoát tay kẻ cướp tránh nhìn lính quan Giúp kẻ liệt gian nan khó tránh Ðến làng Non, gặp cánh Lê Ðô Tên tướng cướp chúng ập vô Cha con bỏ chạy trốn vô làng này Làng Kẻ Gia mới hay Phật Giáo Một bà già chu đáo nhận ngay Giấu cha mới được một ngày Giúp Cha ẩn trốn, chẳng may chồng về Sợ liên lụy ông Bê tố giác Với Lê Ðô giáo mác bắt Cha Chúng đấm đá đè xuống nhà Trói tay dẫn giải đi qua nhà mình Hắn xỉ nhục coi khinh nhân nghĩa Không cho ăn, tứ phía đòn roi Hai ngày bỏ đói chẳng coi Thí cho chút cháo có mòi tỉnh hơn Cha nhắn gởi cám ơn đừng chuộc Cướp Lê Ðô bắt buộc giải quan Nhốt cũi tre thật dã man Ðem ra phơi nắng chói chan trưa hè Có một nhóm tin nghe tìm đến Học tinh thông cập bến luận tranh Cha Gia đạo lý rất rành Rất hay triết lý lẹ nhanh kịp thời Con quý tử tới nơi chửi rủa Ngã vật ngay nằm ngửa van xin Chính quan thấy vậy đứng nhìn Muốn đòi tiền chuộc nói tìm giáo dân Năm trăm quan một lần trao đủ Sẽ trả ông thân chủ tự do Thả không thì thả thì cho Về kinh chẳng sợ, chẳng lo, chẳng phiền Sau hai tháng giam miền Kẻ Bích Thân xác Cha vết tích roi đòn Tinh thần sa sút héo hon Khô khan cầu nguyện xói mòn niềm tin Trong cũi chật mới nhìn tưởng khỉ Giải về kinh chước quỷ mưu ma Xin ơn phù trợ Cha Gia Qua cơn bão táp mưa sa giãi dầu Linh hồn cảm thấy sầu thống khổ Sợ ngã lòng Chúa đổ Thánh Linh Cho con gánh chịu cực hình Khẩn cầu Ðức Mẹ Ðồng Trinh hộ phù Ðang khi đó lù lù cũi khác Cha Sơn Liêm hốc hác ngồi trong Người bạn cùng học tu dòng Là niềm khích lệ ở trong nhà tù Sau lính giải Thầy Tu về phủ Áp tải Cha đông đủ quân binh Trước tòa quan lớn tâu trình Huyện quan lầm tưởng là mình có công Quan lớn nói giao ông giam giữ Phải thả ra và cử người canh Lệnh trên nghiêm túc tuân hành Cùm gông xiềng xích chỉ dành vật thôi Tại Phủ Chúa liên hồi thăm viếng Khắp giáo dân nghe tiếng các Ngài Thời cơ giảng đạo Chúa sai Huyện quan tức bực la hoài đuổi đi Ít sau đó Sư đi tranh luận Cụ Ðồ Nho mãi tận nơi xa Gay go đối chất với Cha Ðây là ý muốn của bà Thượng Trâm Mong Hoàng Tử sưu tầm đạo thật Là đề tài đệ nhất đưa ra Con người nguồn gốc đó mà Trần gian cuộc sống chúng ta làm gì Sau khi chết còn chi hay hết Cuộc luận tranh đúc kết vô tư Hội đồng tứ giáo danh sư Xin coi cuốn sách rất ư rõ ràng Hai đạo trưởng hiên ngang trảm quyết Tại pháp trường thắm thiết chúc nhau Phép lành trao đổi đời sau Lý hình đầu chém phép mầu Chúa ban Vác Thánh giá thế gian đã trọn Chúa thưởng công đã chọn hai Cha Ðón về Nhan Thánh Thiên Tòa Tử đạo Quý Tỵ (1773) chan hòa đức tin Lời bất hủ: Chánh tổng làng Gia Ðạo là Xích Bích quan đòi 3 ngàn tiền chuộc. Cha đáp: "Quan muốn tha thì tha chứ tôi không có tiền chuộc. Tôi sẵn sàng chịu mọi gian khổ kể cả cái chết". Chánh tổng nộp lên quan trấn, quan trấn truyền đóng gông với dòng chữ "Hoa Lang Ðạo Sư" (thời đó, 1773 còn gọi đạo Công giáo là Hoa Lang và gọi các Linh mục là Ðạo Sư). |
Vincentê Phạm Hiếu Liêm (1732-1773)
Vincentê Phạm Hiếu Liêm, Sinh năm 1732 tại Trà Lũ, Bùi
Chu, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 7 tháng 11 năm 1773 tại Ðồng Mơ
dưới đời chúa Trịnh Sâm. Ngày 20.05.1906 Đức Piô X suy tôn các ngài lên bậc
Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển
thánh. Lễ kính vào ngày 7/11.
|
||
Đọc lại chuyện các anh hùng tử đạo, chúng ta thấy các ngài
làm chứng cho Chúa Kitô hai lần: bằng mạng sống và bằng lời nói. Các vị đã
nói để tuyên xưng niềm tin của mình, có vị giải thích những dư luận sai lầm,
có vị cắt nghĩa giáo lý. Nhưng chuyện hy hữu nhất trong chuyện 117 thánh tử
đạo Việt Nam, là linh mục Vinh Sơn Liêm và một linh mục bạn, cha Jacinto Gia,
đã tranh luận suốt ba ngày với đại diện ba tôn giáo lớn ở nước ta khi đó, là
Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo.
Con người bởi đâu mà có ? Sống ở đời để làm gì ? Và chết
rồi đi về đâu ? Đó là ba vấn đề lớn của cuộc nhân sinh, đã được đem ra trao
đổi trong Hội Đồng Tứ Giáo. Những lời lẽ nhã nhặn và sáng sủa, những phân
tích sâu sắc về lịch sử với các trích dẫn chính xác kinh điển của Khổng Tử,
Lão Tử và Phật Giáo, đã được ghi lại trong cuốn "Hội Đồng Tứ Giáo"
từng tái bản tới 14 lần tại Sài Gòn (1), sẽ mãi mãi nhắc chúng ta nhớ đến cha
Vinh Sơn Liêm, tác giả cuốn sách, là người tham gia cuộc trao đổi, và là linh
mục Việt Nam tử đạo đầu tiên.
Vinh sơn Phạm Hiếu Liêm mở mắt chào đời năm 1732 tại Thôn
Đông, làng Trà Lũ, Phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ. Thân phụ cậu, ông Antôn
Doãn, là một thân hào trong thôn. Thân mẫu cậu, bà Maria Doãn, một người mẹ
đạo đức, đã hết mình với việc giáo dục con cái. Năm 12 tuổi, cậu Liêm vào tu
trong nhà Đức Chúa Trời ở Lục Thủy. Qua sáu năm học tập, cậu đã tỏ ra là
người thông minh đạo đức, nên được các cha đòng Đaminh thời đó đang phụ trách
giáo phận Đông Đàng Ngoài để ý. Cha chính Espinnoza Huy đã chọn cậu vào số
các thanh niên hưởng học bổng của Tây Ban Nha, gởi đi du học Manila (Phi Luật
Tân) tại trường Juan de Letran.
Sau ba năm học thành công xuất sắc, thày Liêm xin gia nhập
dòng Đaminh và lãnh tu phục ngày 09.09.1753. Năm sau, thày tuyên khấn trọng
thể cùng với ba tu sĩ đồng hương (2) và lấy biệt hiệu là Vinh Sơn Hòa Bình
(Vincente de la Paz). Tiếp đó, thày Vinh Sơn học thêm bốn năm thần học và
được thụ phong linh mục năm 1758.
Thụ phong linh mục rồi, cha Liêm liền chuẩn bị trở về phục
vụ quê hương. Ngày 03.10 năm đó, khi giã từ các giáo hữu và thân hữu để xuống
tàu hồi hương, cha không thể giấu nổi niềm xúc cảm với bao lưu luyến những
bạn bè quen thuộc trong tám năm qua. Về đến Trung Linh ngày 20. 01.1759, cha
đã không cầm nổi nước mắt, vì vui mừng được gặp lại cha chính Huy ra đón tận
bến đò, được tái ngộ cùng thân quyến, đồng bào, xóm làng, và nhất là giáo hữu
đang nôn nao đón chờ ngày "vinh quy" của vị linh mục du học hải
ngoại.
Về Việt Nam, trước hết cha Vinh Sơn được bổ nhiệm làm giáo
sư chủng viện Trung Linh. Cha đã đem hết tài trí và nhiệt thành truyền đạt
cho các chủng sinh những kiến thức cha đã thu thập được. Nhưng nguyện vọng
của linh mục Vinh Sơn Hòa Bình lại là loan báo Tin Mừng bình an cho anh em.
Và chẳng bao lâu, cha rời chủng viện dấn thân vào cánh đồng truyền giáo. Cha
lần lượt đảm nhiệm các xứ Quất Lâm, Lục Thủy, Trung Lễ, Trung Linh, Trung
Lao, và từ khi cha Jacinto Gia bị bắt, cha kiêm luôn cả vùng Lai Ổn.
Hoạt động tông đồ của cha không chỉ hạn hẹp trong các giáo
xứ, mà còn mở rộng đến các làng ngoại giáo, bất chấp những khó khăn nguy hiểm
của thời cấm cách, nhất là từ thời chúa Trịnh Sâm (1767 – 1782). Tại bất cứ
nơi nào, cha cũng luôn nhiệt tình yêu thương, giúp đỡ mọi người, nên ai cũng
hết lòng thương mến. Cha khích lệ mọi người thêm can đảm, cha an ủi những
người buồn sầu, và không nề hà bất cứ điều gì vì lợi ích thiêng liêng của họ.
Dầu thành công trong công tác, cha Liêm không bao giờ tự
mãn với chính mình. Trong các thư của cha, ta còn đọc được : "Xin Đức
cha và cha bề trên cầu nguyện cùng Chúa cho con, khi dâng lễ và trong kinh
nguyện, để mỗi ngày con được hòan thiện hơn, vui lòng đón nhận những khốn khó
theo ý Chúa". Một ông hoàng, em thứ sáu của chúa Trịnh Doanh trước khi
từ trần đã lãnh bí tích Thánh tẩy nhờ công của các vị thừa sai, cha Liêm đón
nhận tin đó như niềm vui của Giáo Hội Việt Nam, và loan báo cho bề trên Giám
tỉnh ở Manila (3).
Năm 1773, cha Vinh Sơn Liêm đang đi giảng cho họ Lương
Đống, chuẩn bị mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. Các quan nghe tin, liền cho ông Điều
Cam đem quân vây bắt cha tại nhà ông Nhiêu Nhuệ ngày 02.10. Sau một trận đòn
chí tử, họ trói cha và hai cậu giúp lễ Matthêu Vũ, Giuse Bích, rồi đem nộp
cho Chánh tổng Xích Bích. Viên Chánh tổng giam cha 12 ngày không thấy các tín
hữu đưa tiền chuộc, sau đó mới chịu giải lên Phố Hiến nộp cho quan trấn. Ở
đây cha Liêm gặp một linh mục cùng dòng, cha Castaneda Gia đã bị giam ở đó.
hai anh em sung sướng cùng nhau chia sẻ ngọt bùi trong cảnh tù tội.
Ngày 20.10 quan trấn bắt hai cha mang chiếc gông có ghi
bốn chữ "Hoa Lang Đạo Sư", rồi trao cho quan phủ Thần Khê giải hai
cha và hai cậu giúp lễ về kinh đô Thăng Long, ra mắt chúa Trịnh Sâm. Chính
tại đây đã diễn ra Hộ Đồng Tứ Giáo.
Có một quan lớn là chú của chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm.
Mẹ của quan lớn, bà Thượng Trâm, quê xứ Hải Dương, vốn có đạo. Nhiều lần bà
khuyên con tòng giáo. Quan lớn liền nảy ra sáng kiến triệu tập đại diện bốn
tôn giáo để trình bày về đạo của mình. quan nói: "Lòng ta chuộng sự thật
muốn biết đạo nào là đạo chính để thờ phượng". Cuộc trao đổi kéo dài ba
ngày, mỗi ngày một vấn đề về nguồn gốc con người, mục đích cuộc đời và đời
sau của mỗi người. cha Liêm và cha Gia đại diện đạo Thiên Chúa đã khéo léo
trình bày đến nỗi quan lớn phải trầm trồ khen ngợi. Nhưng vì biết Phủ Chúa
vẫn cấm đạo, nên quan vẫn ngần ngại chưa theo (4).
Sau đó ít bữa, hai cha có cơ hội để nói về đạo với Thái
Tôn, mẹ của Chúa Trịnh Sâm. Bà vì tò mò, đã cho vời các ngài vào. Không nói
rõ nội dung buổi nói chuyện ra sao, nhưng cuối cùng Thái Tôn hỏi: "Nếu
chỉ có đạo các thày là đạo thật thì những người không theo đạo ấy, chết rồi
đi đâu?". Cha Liêm đáp: "Bẩm bà, sa hỏa ngục ạ".(5) Nghe thế,
Thái Tôn Dương Hậu đùng đùng nổi giận, bà dùng uy tín ép con là Tĩnh Đô Vương
phải xử tử hai vị linh mục. Do đó, ngày 04.11, Tĩnh Đô Vương đã lên án trảm
đã lên án trảm quyết hai cha, hai cậu giúp lễ bị kết án lưu đầy, đến khi nộp
100 quan tiền chuộc thì được trả tự do.
Ngày 07.11, hai cha bị đem đi xử, dân chúng đi xem rất
đông. Khi đoàn người dừng trước hoàng cung, một viên quan đọc bản án. Theo
phong tục thời đó, lúc này vua có thể ân xá cho tội nhân. một viên quan khác
lớn tiếng nói : "Hoa Lang Đạo đã bị nghiêm cấm, nhưng cho đến nay, chưa
người dân Việt nào bị xử tử vì đạo này (6) nên vua đại xá cho tên Liêm".
Nghe thế cha Liêm vội lên tiếng thưa rằng:
"Cha Gia bị án trảm quyết vì lẽ gì thì cũng phải lên
án trảm quyết cho tôi vì lẽ đó. Cha Gia là đạo trưởng, tôi cũng là đạo
trưởng. Nếu luật nước không kết án tôi thì cũng không được kết án cha Gia. Vì
tôi là công dân nước Việt, lẽ ra tôi phải giữ luật nước hơn ngài. Nhưng nếu
giết cha Gia, còn tôi lại tha, án của vua không công bằng. Yêu cầu tha thì
tha cả hai, giết thì giết cả hai. Thế mới là án công bình".
Những lời lẽ minh bạch của cha Liêm có thể là phát xuất từ
tình nghĩa huynh đệ, không muốn xa lìa người anh em, cũng có thể là lời xin
tha cho linh mục bạn, vì nhiều người chứng kiến cảm động và muốn cả hai cha
được tha. Nhưng lời lẽ đó cũng có thể do lòng ao ước muốn dâng hiến chính
mạng sống mình để làm chứng cho sự thật.
Dầu sao thì bản án vẫn không thay đổi. Hai vị anh hùng đức
tin đã vui mừng đọc kinh Tin Kính và hát kinh Lạy Nữ Vương trên đường ra pháp
trường Đông Mơ. Những nhát gươm định mệnh, chứng tá tuyệt hảo cho Đức Kitô.
Thi hài các ngài được rước về an táng tại Trung Linh.
Ngày 20.05.1906 Đức Piô X suy tôn các ngài lên bậc Chân
Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Riêng thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, nhiều trường học đã
nhận ngài làm Bổn Mạng, trong đó có trường cao đẳng Juan de Letran ở Phi Luật
Tân, nơi ngài từng là học sinh. Thánh nhân quả là ánh vinh quang của dân tộc
Việt nơi hải ngoại.
Nguồn từ
thư viện Đa Minh
Trường thi tử Đạo.
Giacintô Gia thừa sai linh mục
Năm Quý Hợi (1743) quê thực (Tây) Ban Nha Bạn thơm trong lúc xa nhà Cũng chức linh mục tên là Phạm Liêm Linh mục Liêm quê hương Trà Lũ Sinh Nhâm Tý (1732) quê phủ Thiên Hương Giảng rao lời Chúa đảm đương Trong thời cấm đạo lệnh thường cấm nghiêm Hai linh mục Gia, Liêm tử đạo Là Thừa sai loan báo đức tin Người Tông đồ Chúa dõi tìm Từ khi tuổi nhỏ đã xin nhập dòng Hết trung học vào trong tu viện Mười bảy tuổi trực diện khấn xong Trao dồi tu đức cầu mong Thừa sai giảng đạo thuộc dòng Ðaminh Ðược tuyển mộ nhiệt tình hăng hái Cậu lắng lo ái ngại mẹ già Báo tin anh, em đã đi xa Nhờ huynh coi sóc mẹ già chốn quê Hai năm chuẩn tràn trề ơn gọi Ðược thụ phong Chúa rọi ơn thiêng Cha Gia sứ mạng rao truyền Á Ðông tiên khởi là miền Trung Hoa Rồi sau đó học đà tiếng Việt Lén lút vào tới miệt Bắc Kỳ Giúp cho kẻ liệt Cha đi Giữa đường chúng bắt tức thì trục ngay Về Macao đất này Trung Quốc Bề trên sai Cha thuộc Việt Nam Vâng lời ý Chúa đã ban Trung Linh phục vụ cộng đoàn giáo dân Số tín hữu xa gần đông đúc Trên chục ngàn diễm phúc ba Cha Hai Cha Việt, với Cha Gia Sáu mươi họ đạo thật là quá đông Dù vất vả Ngài không quản ngại Giúp đỡ người trở lại đức tin Ba Cha cộng tác hướng tìm Thoát tay kẻ cướp tránh nhìn lính quan Giúp kẻ liệt gian nan khó tránh Ðến làng Non, gặp cánh Lê Ðô Tên tướng cướp chúng ập vô Cha con bỏ chạy trốn vô làng này Làng Kẻ Gia mới hay Phật Giáo Một bà già chu đáo nhận ngay Giấu cha mới được một ngày Giúp Cha ẩn trốn, chẳng may chồng về Sợ liên lụy ông Bê tố giác Với Lê Ðô giáo mác bắt Cha Chúng đấm đá đè xuống nhà Trói tay dẫn giải đi qua nhà mình Hắn xỉ nhục coi khinh nhân nghĩa Không cho ăn, tứ phía đòn roi Hai ngày bỏ đói chẳng coi Thí cho chút cháo có mòi tỉnh hơn Cha nhắn gởi cám ơn đừng chuộc Cướp Lê Ðô bắt buộc giải quan Nhốt cũi tre thật dã man Ðem ra phơi nắng chói chan trưa hè Có một nhóm tin nghe tìm đến Học tinh thông cập bến luận tranh Cha Gia đạo lý rất rành Rất hay triết lý lẹ nhanh kịp thời Con quý tử tới nơi chửi rủa Ngã vật ngay nằm ngửa van xin Chính quan thấy vậy đứng nhìn Muốn đòi tiền chuộc nói tìm giáo dân Năm trăm quan một lần trao đủ Sẽ trả ông thân chủ tự do Thả không thì thả thì cho Về kinh chẳng sợ, chẳng lo, chẳng phiền Sau hai tháng giam miền Kẻ Bích Thân xác Cha vết tích roi đòn Tinh thần sa sút héo hon Khô khan cầu nguyện xói mòn niềm tin Trong cũi chật mới nhìn tưởng khỉ Giải về kinh chước quỷ mưu ma Xin ơn phù trợ Cha Gia Qua cơn bão táp mưa sa giãi dầu Linh hồn cảm thấy sầu thống khổ Sợ ngã lòng Chúa đổ Thánh Linh Cho con gánh chịu cực hình Khẩn cầu Ðức Mẹ Ðồng Trinh hộ phù Ðang khi đó lù lù cũi khác Cha Sơn Liêm hốc hác ngồi trong Người bạn cùng học tu dòng Là niềm khích lệ ở trong nhà tù Sau lính giải Thầy Tu về phủ Áp tải Cha đông đủ quân binh Trước tòa quan lớn tâu trình Huyện quan lầm tưởng là mình có công Quan lớn nói giao ông giam giữ Phải thả ra và cử người canh Lệnh trên nghiêm túc tuân hành Cùm gông xiềng xích chỉ dành vật thôi Tại Phủ Chúa liên hồi thăm viếng Khắp giáo dân nghe tiếng các Ngài Thời cơ giảng đạo Chúa sai Huyện quan tức bực la hoài đuổi đi Ít sau đó Sư đi tranh luận Cụ Ðồ Nho mãi tận nơi xa Gay go đối chất với Cha Ðây là ý muốn của bà Thượng Trâm Mong Hoàng Tử sưu tầm đạo thật Là đề tài đệ nhất đưa ra Con người nguồn gốc đó mà Trần gian cuộc sống chúng ta làm gì Sau khi chết còn chi hay hết Cuộc luận tranh đúc kết vô tư Hội đồng tứ giáo danh sư Xin coi cuốn sách rất ư rõ ràng Hai đạo trưởng hiên ngang trảm quyết Tại pháp trường thắm thiết chúc nhau Phép lành trao đổi đời sau Lý hình đầu chém phép mầu Chúa ban Vác Thánh giá thế gian đã trọn Chúa thưởng công đã chọn hai Cha Ðón về Nhan Thánh Thiên Tòa Tử đạo Quý Tỵ (1773) chan hòa đức tin Lời bất hủ: Chánh tổng làng Gia Ðạo là Xích Bích quan đòi 3 ngàn tiền chuộc. Cha đáp: "Quan muốn tha thì tha chứ tôi không có tiền chuộc. Tôi sẵn sàng chịu mọi gian khổ kể cả cái chết". Chánh tổng nộp lên quan trấn, quan trấn truyền đóng gông với dòng chữ "Hoa Lang Ðạo Sư" (thời đó, 1773 còn gọi đạo Công giáo là Hoa Lang và gọi các Linh mục là Ðạo Sư). |
||
Thứ Tư 7-11
Thánh Didacus
(1400-1463)
hánh Didacus là một bằng
chứng sống động của Thiên Chúa khi Người "chọn những gì là điên dại
trong thế gian để làm xấu hổ những người khôn ngoan; những gì là yếu đuối để
làm xấu hổ kẻ hùng mạnh" (1 Cor. 1:27).
Sinh trưởng trong gia đình
nghèo nàn ở một tỉnh nhỏ thuộc giáo phận Seville, Tây Ban Nha, Didacus được
cha mẹ đồng ý cho sống với một vị ẩn tu ở thành phố gần đó. Mặc dù còn trẻ,
nhưng ngài đã cố bắt chước sự khắc khổ và lòng đạo hạnh của vị ẩn tu này. Họ
trồng trọt và làm những dụng cụ bằng gỗ để mưu sinh.
Vài năm sau, ngài bị gọi
trở về nhà nhưng sau đó không lâu, ngài gia nhập tu viện Phanxicô ở Arrizafa
làm trợ sĩ. Sau khi khấn trọn, Didacus tình nguyện đi truyền giáo ở quần đảo
Canary, và hăng say hoạt động, đem nhiều người về với Chúa. Dù là một trợ sĩ,
nhưng ngài được chọn làm bề trên cả một tu viện chính ở quần đảo, là tu viện
Fuerteventura. Sau đó bốn năm, ngài được gọi về Tây Ban Nha và sống trong
nhiều tu viện gần Seville.
Vào năm 1450, nhiều tu sĩ
Dòng Phanxicô quy tụ về Rôma để cử mừng năm thánh và dự lễ phong thánh cho
Thánh Bernardine ở Siena. Didacus cũng đến đó và ngài phải ở lại Rôma ba
tháng để chăm sóc các tu sĩ dòng lâm bệnh nặng.
Sau khi trở về Tây Ban Nha,
ngài dành trọn thời giờ để theo đuổi đời sống chiêm niệm.
Vào năm 1463, ngài lâm
trọng bệnh khi ở Alcala, và trong lúc hấp hối, Didacus nhìn vào thánh giá và
nói: "Ôi mảnh gỗ trung tín, ôi đáng quý thay những cây đinh! Bay được
sinh ra với một gánh nặng thật ngọt ngào, vì bay xứng đáng được đỡ lấy Ðức
Kitô, là Thiên Chúa của thiên đàng" (Marion A. Habig, O.F.M., The
Franciscan Book of Saints, t. 834)
Hoàng Ðế Philip II, vì nhớ
ơn ngài đã cứu sống đứa con trai nên đã khẩn khoản xin phong thánh cho ngài.
Nhiều phép lạ qua sự cầu nguyện của ngài khi còn sống cũng như sau khi chết
được Giáo Hội công nhận. Ngài được phong thánh năm 1588.
Lời Bàn
Với những người thánh thiện
thực sự, chúng ta không thể giữ thái độ trung dung. Hoặc chúng ta ngưỡng mộ
họ, hoặc chúng ta coi họ là điên dại. Didacus là thánh vì ngài đã hiến dâng
cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và cộng đồng dân Chúa. Có thể nào nhận xét ấy
được áp dụng cho chính chúng ta hay không?
Lời Trích
"Ngài sinh ở Tây
Ban Nha với học lực tầm thường, nhưng cũng như các vị thầy đầu tiên và các vị
lãnh đạo mù chữ của chúng ta lại được coi là khôn ngoan. [Thiên Chúa chọn
Didacus] để cho thấy ơn sủng dồi dào của Thiên Chúa sẽ dẫn đưa nhiều người
đến con đường cứu chuộc, bởi đời sống và gương mẫu thánh thiện của ngài, và
để chứng tỏ cho thế gian thấy rằng sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan
hơn loài người, và sự yếu đuối của Người thì mạnh mẽ hơn loài người"
(Sắc lệnh Phong Thánh).
|
||
Copyright © 2001 by Nguoi Tin Huu. Send any comment or
|
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét