Thứ Tư sau Chúa Nhật 32 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) Tt 3, 1-7
"Xưa chúng ta cũng
lầm lạc, nhưng chiếu theo lòng từ bi Chúa, chúng ta đã được cứu thoát".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi cho Titô.
Con thân mến, con hãy nhắc
bảo mọi người phải tùng phục thủ lãnh và những người quyền chức, biết vâng lời,
sẵn sàng làm mọi việc thiện, đừng thoá mạ ai, và đừng gây gỗ, nhưng ở khoan
dung, tỏ lòng rất mực hiền từ với mọi người. Vì chưng, xưa kia chúng ta cũng
ngu muội, bất phục, lầm lạc, nô lệ cho tham vọng và nhiều khoái lạc khác, sống
trong gian ác và ghen tương, khả ố và đố kỵ lẫn nhau. Nhưng khi Ðấng Cứu Thế,
Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những
việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã
cứu độ chúng ta bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Ðấng mà
Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta, qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng
ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng, chúng
ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4.
5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi,
tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới
nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi
dưỡng. - Ðáp.
2) Người dẫn tôi qua con
đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung
lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của
Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ
ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu
con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng
Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư
cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: 1 Tx 2, 13
Alleluia, alleluia! - Anh em
hãy đón nhận lời Chúa, không phải như lời của loài người, mà là như lời của
Thiên Chúa và đích thực là thế. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 17, 11-19
"Không thấy ai trở
lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi Chúa Giêsu đi lên
Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng
kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng:
"Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ
rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi
đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền
quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa
Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu
phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín
người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại
này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng
tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu chữa cho mười người
phong hủi được lành sạch, nhưng sau khi được lành, thì chỉ có một người trở lại
tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa, còn chín người kia thì không.
Chúng ta có bao giờ nhận ra
ơn lành Chúa ban và biết cám ơn Ngài không?
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, hình ảnh người
phong cùi ngoại giáo sau khi được chữa lành đã quay trở lại tôn vinh Thiên
Chúa, làm cho chúng con phải suy nghĩ. Chúng con được lãnh nhận biết bao ơn
lành của Chúa: được làm con Chúa, được Chúa cứu chuộc, được chăm sóc dưỡng
nuôi. Trong khi có biết bao anh chị em chưa được biết Chúa... Vậy mà chúng con
đã vô ơn khi chúng con đã coi thường, bỏ phí những ân huệ ấy. Xin Chúa thay đổi
con người chúng con, giúp chúng con tin tưởng vào Chúa. Ðể trong mọi hoàn cảnh
chúng con biết nhận ra tình yêu của Chúa và nói lên lời cảm tạ tri ân. Amen.
(Lời Chúa trong
giờ kinh gia đình)
Thể Hiện Của Tự Do Thực Sự
(Lc 17,11-19)
Suy Niệm:
Thể Hiện Của Tự Do Thực Sự
Trong suốt nhiều thế kỷ,
người Do thái đã phải còng lưng dưới sức nặng của lao động khổ sai bên Ai Cập.
Dưới sự lãnh đạo của Môsê, Thiên Chúa đã giải phóng họ và đưa họ vào vùng đất
tự do. Ðể đánh dấu cuộc giải phóng khỏi các thứ khổ sai đó, Thiên Chúa đã thiết
lập một ngày trong tuần như ngày Hưu Lễ. Ðó là lý do tại sao người Do thái đã
trân trọng tuân giữ ngày Hưu lễ. Nó chính là biểu trưng của tự do, bởi vì thời
nô lệ, bẩy ngày trên bẩy ngày, người Do thái không thể có được một ngày nghỉ
ngơi. Như vậy, nghỉ ngơi là dấu chỉ của tự do, và đó là ý nghĩa nguyên thủy của
ngày Hưu lễ.
Thế nhưng, dần dà qua dòng
thời gian các nhà thần học Do thái đã thay đổi ý nghĩa ấy của ngày Hưu lễ: thay
vì là biểu tượng của tự do, họ đã biến ngày Hưu lễ thành một gánh nặng đầy đọa
và trói buộc con người; họ đã kéo dài ngày Hưu lễ thành một bản kê khai tỉ mỉ
những gì không được phép làm trong ngày Hưu lễ và như vậy dấu chỉ của tự do giờ
đây chỉ còn là một hình thức nô lệ mới đối với người Do thái: thay vì là dấu
chỉ của tự do đưa con người vào gặp gỡ với Thiên Chúa, ngày Hưu lễ đã trở thành
một gánh nặng chồng chất trên vai con người, nhất là làm cho con người xa cách
Thiên Chúa.
Ðó cũng là tình trạng của lề
luật nói chung thời Chúa Giêsu. Luật lệ không còn là vì con người, nghĩa là
giải phóng con người, mà trở thành gánh nặng đè bẹp con người và tách lìa con
người khỏi Thiên Chúa; con người chú tâm thi hành lề luật hơn là yêu mến Thiên
Chúa và yêu thương tha nhân. Thái độ của 9 người phong cùi người Do thái trong
Tin Mừng hôm nay phản ánh tâm thức chung của người Do thái thời đó. Chúa Giêsu
chữa lành 10 người phong cùi, trong đó chỉ có một người Samari không phải tuân
hành luật Do thái. Theo đúng đòi hỏi của lề luật, Chúa Giêsu đã yêu cầu 9 người
Do thái đến trình diện các tư tế để được xác nhận là đã khỏi bệnh, riêng người
Samari không phải tuân giữ điều đó, nhưng đây lại là người duy nhất trở lại cám
ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa.
Câu truyện trên cho chúng ta
thấy luật lệ đã cản trở con người đến gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm tạ Thiên Chúa.
Người Samari vì không bị chi phối bởi lề luật, nên đã được tự do để nói lên
tình cảm chân thật của mình, người này gần với tôn giáo đích thực bởi vì ông có
tự do hơn. Thiên Chúa thi ân một cách nhưng không thì con người cũng phải đáp
trả một cách tự do. Một tương quan như thế không thể có được trong một xã hội
lề luật, trong đó con người chỉ biết tính toán theo thứ công bình hoán đổi.
Người Do thái vốn quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán chi ly về công đức
của mình, họ lượng giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của mình. Chúa Giêsu đã
đánh đổ một quan niệm như thế về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: ơn
cứu rỗi mà Ngài loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng không, đến độ con
người chỉ được cứu độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa, đến độ những
kẻ tội lỗi là những người đầu tiên được vào Nước Chúa.
Ngày nay, có lẽ nhiều người
chúng ta cũng giống như 9 người phong cùi Do thái trong Tin Mừng hôm nay. Họ đã
bị lề luật giam hãm trong Ðền thờ để không còn có thể nói lên lời tạ ơn đối với
Ðấng đã thi ân cho mình; họ xem lề luật trọng hơn điều thiết yếu của niềm tin
là lòng biết ơn và niềm tín thác. Cũng như họ, có lẽ chúng ta đã tỏ ra trung
thành một cách chi ly với luật Hội Thánh, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn còn tự
hỏi: Tôi phải đọc bao nhiêu kinh? Tôi phải lần bao nhiêu chuỗi? Tôi phải ăn
chay bao nhiêu lần? Tôi phải bố thí cho bao nhiêu người nghèo khó? Tính toán
như thế là quên rằng Thiên Chúa như Chúa Giêsu mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu.
Ngài ban ơn cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta chờ đợi và tính toán. Một
Thiên Chúa như thế, con người không thể có một tâm tình nào xứng hợp hơn là
lòng tri ân, niềm tín thác. Ðó là sự thể hiện của một tâm hồn tự do đích thực,
nhờ đó con người có thể vượt qua bốn bức tường nhà thờ để không ngừng gặp gỡ
Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 32 TN2
Bài đọc: Tit
3:1-7; Lk 17:11-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết
ơn
Rất nhiều người ngày nay quí chó hơn con
người; lý do đơn giản là chó biết ơn và trung thành hơn con người. Chỉ cần cho
nó một cục xương là chó đã vẫy đuôi rối rít để cám ơn. Chó sẵn sàng hy sinh để
bảo vệ chủ khỏi nguy hiểm. Trong khi đó, con người càng ngày càng vô ơn; nhiều
cha mẹ thấy con đối xử quá tệ bạc với mình đã phải thốt lên: “Nếu biết trước
con thế này, chẳng thà đẻ ra cái trứng luộc ăn còn tốt hơn!” Chúng ta không
thích người vô ơn, nhưng rất nhiều lần chúng ta đã vô ơn Thiên Chúa. Các Bài
đọc hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm để nhìn ra những gì Thiên Chúa đã làm cho
con người, để giúp chúng ta biết cám ơn Thiên Chúa và biết sống thế nào cho
xứng với những hồng ân Ngài đã ban cho.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nhận
ra ơn bằng cách nhận ra sự khác biệt trước và sau khi trở lại.
(1) Tình trạng các tín hữu trước khi trở lại: Thánh Phaolô mời gọi
các tín hữu nhìn lại quá khứ của họ: “Thật vậy, cả chúng ta nữa, xưa kia chúng
ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái
lạc, sống trong gian ác và ganh tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau.”
(2) Tình trạng các tín hữu sau khi trở
lại: Lý do
của sự khác biệt: không phải do sự cố gắng của con người, nhưng là do lòng
thương xót của Thiên Chúa. Ngài đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của
Ngài đối với nhân loại qua việc ban cho con người 2 hồng ân quan trọng:
- Ban Đức Giêsu Kitô: Không phải vì tự
sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Thiên Chúa thương
xót, nên Ngài đã ban cho chúng ta Người Con Một duy nhất là Đức Kitô, để những
ai tin vào Đức Kitô, sẽ được tha thứ mọi tội và trở nên công chính.
- Ban Chúa Thánh Thần: Qua Bí-tích Rửa
Tội, Thiên Chúa đã ban cho con người Chúa Thánh Thần để con người được tái sinh
và đổi mới: “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta,
nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta.”
(3) Để cảm tạ những hồng ân của Thiên Chúa
ban, con người phải sống cuộc đời tốt lành với tha nhân. Thánh Phaolô nhắc nhở
cho Titô: “Anh hãy nhắc nhở cho ai nấy phải phục tùng và tuân lệnh các nhà chức
trách, các người cầm quyền, phải sẵn sàng làm mọi việc tốt, và đừng chửi bới
ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi
người.”
2/ Phúc Âm: Lòng
biết ơn.
Bài Phúc Âm này được đọc trong ngày Lễ Tạ
ơn mỗi năm. Mục đích là để nhắc nhở cho con người biết nhận ra ơn và cám ơn
Thiên Chúa.
2.1/ Phải biết ơn trước khi cám ơn: Trên đường lên
Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilê. Lúc
Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại
đằng xa và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng
tôi!"
- Tình trạng bi thảm của những người phong
cùi: Vì người Do-Thái rất chú trọng đến vấn đề thanh sạch bên ngòai, những
người phong cùi không được ở chung với dân; mà phải sống cách biệt bên ngòai
làng của dân ở (Lev 13:46, Num 5:2). Họ không được phép tiếp xúc trực tiếp với
dân và phải la lớn để mọi người được biết sự có mặt của họ mà tránh đi (Lev
13:45).
- Để chứng tỏ mình đã hết bệnh phong cùi,
họ phải được xem xét cẩn thận bởi các tư tế. Khi nào các tư tế tuyên bố họ đã
sạch; bấy giờ họ có thể trở về sinh họat bình thường với dân trong làng (Lev
14:2-3). Đó là lý do tại sao Đức Giêsu bảo họ: "Hãy đi trình diện với các
tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch.
2.2/ Những người “ở ngòai” dễ nhận ra ơn
hơn những người “ở trong”:
- Tâm tình biết ơn của người Samaria: Một
người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh
Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người
Samaria. Đức Giêsu nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế
thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ
có người ngoại bang này?"
- Người Do-Thái khinh thường và sống xa
cách với người Samaria. Điểm lạ ở đây là 9 người phong Do-Thái khi bị chính dân
mình khai trừ đã mở rộng vòng tay cho người phong Samaria được sống chung với
họ. Khi con người bị đau khổ và bỏ rơi, có lẽ con người dễ đòan kết và sống
chung với nhau hơn.
- Người Samaria, tuy bị người Do-Thái
khinh thường, nhưng nhiều lần được chính Chúa Giêsu khen tặng. Trong câu truyện
“Ai là người thân cận của tôi?” Chúa Giêsu đã đề cao người Samaria Nhân Hậu hơn
các thầy tư tế và Lêvi, vì ông là người biết tỏ lòng thương xót với người bị
đánh trọng thương dọc đường: ông đã vực người trọng thương lên lừa và đưa về
quán trọ săn sóc cẩn thận và hứa sẽ trả mọi phí tổn tương lai cho chủ quán trọ
(Lk 10:30-37). Trong cuộc đàm thọai giữa Đức Kitô và người phụ nữ xứ Samaria,
chị đã trở thành nhà truyền giáo đầu tiên của Chúa Giêsu, nhiệt thành loan báo
về Người cho các dân trong làng của chị (Jn 4:39-41).
- Biết ơn là xứng đáng đón nhận thêm ơn: Rồi
Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa
anh." Không phải chỉ được thanh sạch bên ngòai, anh còn được thanh sạch cả
bên trong. Chính vì lòng tin mà anh đã xứng đáng được hưởng ơn cứu độ.
2.3/ Tại sao con người vô ơn? Có nhiều lý
do: (1) vì
con người không chịu suy nghĩ để nhận ra ơn, họ nghĩ mọi sự trên đời tự nhiên
mà có mà không cần suy nghĩ tại sao nó có; (2) họ giả sử tất cả mọi người phải
hành động như vậy: là Thiên Chúa phải ban ơn; là cha mẹ phải nuôi nấng con cái;
là thầy phải dạy dỗ học sinh; và (3) họ sợ nếu nhận ra ơn, họ phải trả ơn. Vì
thế, họ vô ơn:
(1) với Thiên Chúa: Đấng đã dựng nên và
không ngừng ban mọi ơn lành cho họ. Ngày Lễ Tạ Ơn là dịp để con người nhận ra
và tạ ơn Thiên Chúa qua việc tham dự Thánh Lễ và làm ơn cho những người kém may
mắn; nhưng thử hỏi được bao nhiêu người làm những điều này? Thay vào đó, họ lo
tổ chức ăn uống vui chơi cho bản thân và cho gia đình họ.
(2) với cha mẹ: những người đã cưu
mang, nuôi nấng, và dạy dỗ họ trong suốt một phần tư của cuộc đời. Lẽ ra, khi
cha mẹ về già không còn tự săn sóc mình được nữa, họ phải phụng dưỡng và săn
sóc trở lại, thì họ lại cho vào các nhà hưu dưỡng rồi tự an ủi mình: “chính phủ
sẽ săn sóc các ngài tốt hơn ta.”
(3) với tha nhân: những người đi trước nhiều
khi đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, xây dựng, và phát minh ra những tiện
nghi mà chúng ta đang được hưởng. Bổn phận của những người thụ hưởng là tiếp
tục để làm cho thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn chứ không phải chỉ ù lỳ thụ
hưởng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Phải biết nhìn nhận và so sánh để nhận
ra ơn. Đã nhận ơn phải biết nói lời cám ơn.
- Cám ơn xuông chưa đủ, mà còn phải biết
thi ơn cho người đã làm ơn hay cho người khác để sự tốt lành tiếp tục lan tràn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
14/11/12 THỨ TƯ TUẦN 32 TN
Lc 17,11-19
Lc 17,11-19
NHỜ TIN MÀ ĐƯỢC CHỮA LÀNH
“Đứng dậy về đi, lòng tin của anh đã cứu
chữa anh.” (Lc
17,19 )
Suy niệm: Chúa Giêsu ngạc nhiên vì chỉ có một
trong số mười người phong cùi trở lại tạ ơn tôn vinh Thiên Chúa, mà đó lại là
người xứ Samaria. Không phải cả mười người đã được sạch hay sao? Sự tinh tế
trong câu chuyện Phúc Âm cho chúng ta thấy ý nghĩa khác biệt. Cả mười người
phong cùi đã nghe lời Chúa đi trình báo tư tế dù lúc đó họ còn đang mắc bệnh.
Lòng tin biểu lộ qua việc vâng lời đã chữa họ khỏi căn bệnh thể xác. Nhưng
riêng đối với người Samaria này thì còn hơn thế nữa: lòng tin thúc đẩy anh quay
trở lại với Chúa Kitô và dâng lời tạ ơn tôn vinh Thiên Chúa. Niềm tin với lòng
tri ân còn đem lại cho anh ơn cứu độ: anh được biến đổi toàn diện và sống trong
mối tương quan mới với Thiên Chúa.
Mời Bạn: Biết ơn Thiên Chúa và dâng lời ca
tụng tạ ơn Ngài chính là lời tuyên xưng đức tin trọn vẹn nhất. Tôi có thực sự
nhận ra Chúa đã chữa lành tôi biết bao lần? Khi gặp những điều may lành và cả
những lúc tôi gặp khó khăn thử thách cam go nhất trên đường đời, tôi có biết tạ
ơn Chúa không?
Chia sẻ : về một lần bạn được Chúa ban ơn hoán cải và cùng
cộng đoàn dâng lời tạ ơn Chúa.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên tuyên xưng niềm tin
bằng lời nguyện tắt: “Lạy Chúa con xin tạ ơn Chúa” trước mọi
biến cố vui buồn của cuộc sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha chí thánh. Chúa
không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Chúa là một hồng ân cao cả, vì
những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa nhưng mang lại cho chúng
con ơn cứu độ muôn đời, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. (Kinh tiền tụng chung, IV)
www.5phutloichua.net
SẤP
MÌNH TẠ ƠN
Người
phong xứ Samaria không chỉ được chữa lành. Anh còn có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên
Chúa và người thi ân là Thầy Giêsu. Ơn này còn lớn hơn ơn được khỏi bệnh.
Suy niệm:
Giáo dục cho trẻ em về lòng
biết ơn là điều quan trọng.
Cha mẹ thường dạy con cám ơn
người làm ơn cho mình.
Cám ơn là đi từ món quà đến
người trao tặng.
Mỗi người chúng ta đã nhận
biết bao quà tặng trong đời,
nên chẳng ai là người trọn vẹn
nếu không có lòng biết ơn.
Bản thân tôi là một quà tặng
do nhiều người cho :
cha mẹ, ông bà tổ tiên, các
anh hùng dân tộc…
Chỉ cần để lòng biết ơn
đi lên mãi, lên tới nguồn,
tôi sẽ gặp được Thiên Chúa như
Người Tặng Quà viết hoa.
Đức Giêsu đã làm bao điều tốt đẹp cho người thời của Ngài.
Nhưng ít khi Tân Ước nói đến
chuyện họ cám ơn,
mà Đức Giêsu cũng chẳng bao
giờ đòi ai cám ơn mình sau phép lạ.
Bởi đó bài Tin Mừng hôm nay
thật độc đáo.
Mười người phong ở với nhau
trong một ngôi làng.
Họ biết tiếng của Đức Giêsu và
biết cả tên của Ngài.
Họ vui mừng thấy Ngài vào
làng, nhưng họ chỉ được phép đứng xa xa.
Tiếng kêu của họ vừa bi ai,
vừa đầy hy vọng được chữa lành:
“Lạy Thầy Giêsu, xin thương
xót chúng tôi!” (c. 13).
Đức Giêsu đã chẳng chữa lành
cho họ ngay lập tức,
như từng làm với một người
phong khác trước đây (Lc 5, 12-16).
Dù họ chưa được sạch, Ngài đã
bảo họ đi trình diện với các tư tế
để cho thấy là mình đã khỏi
rồi.
Họ đã tin tưởng, vâng phục, ra
đi, và được khỏi bệnh.
Chỉ có một người, khi thấy mình được khỏi, liền quay lại.
Anh ấy lớn tiếng tôn vinh
Thiên Chúa, và sấp mình tạ ơn Đức Giêsu.
Đó là một người Samaria, thời
đó bị coi như người nước ngoài (c. 18).
Anh được ơn lành bệnh, và hơn
nữa anh có lòng biết ơn.
Tôn vinh Thiên Chúa thì làm ở
nơi nào cũng được.
Nhưng anh muốn trở lại để gặp
người Thiên Chúa dùng để thi ân cho mình.
Cám ơn, biết ơn, tạ ơn, là mở
ra một tương quan riêng tư mới mẻ.
Người phong xứ Samaria không
chỉ được chữa lành.
Anh còn có kinh nghiệm gặp gỡ
Thiên Chúa và người thi ân là Thầy Giêsu.
Ơn này còn lớn hơn ơn được
khỏi bệnh.
Đức Giêsu có vẻ trách móc khi hỏi ba câu hỏi liên tiếp (cc. 17-18).
Ngài ngạc nhiên vì không thấy
chín người Do thái kia trở lại cám ơn.
Đôi khi người Kitô hữu chúng ta
cũng thiếu thái độ tạ ơn khi cầu nguyện.
Dường như chúng ta ít mãn
nguyện với những ơn đã được tặng ban.
Chúng ta chỉ buồn Chúa về
những ơn xin mãi mà không được.
Nhận ra ơn Chúa ban cho đời
mình và biết tri ân: đó là một ơn lớn.
Người có lòng biết ơn bao giờ
cũng vui.
Họ hạnh phúc với những gì Chúa
ban mỗi ngày, vào giây phút hiện tại.
Biết ơn là con đường đơn sơ
dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa.
Khi tôi biết đời tôi là một
quà tặng nhận được,
thì tôi sẽ sống nó như một quà
tặng để trao đi.
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Không
thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".
Dâng Lời Tạ Ơn
Chờ
đợi Chúa đến là một trong những chủ đề trọng tâm của Kinh Thánh. Vì không nắm
bắt và sống sứ điệp này nên chúng ta thường thiếu kiên nhẫn và do đó hầu hết
những khó khăn của cuộc sống đều là kết quả của thái độ vội vã của chúng ta.
Chúng ta thường không chờ đợi cho cây trái được chín muồi nhưng lại vội vã hái
lấy khi nó còn xanh.
Chúng
ta không thể chờ đợi sự đáp trả của Chúa cho lời cầu nguyện của chúng ta, bởi
vì chúng ta quên rằng Chúa muốn chúng ta phải mất nhiều ơn thánh để chuẩn bị
đón nhận ơn Ngài. Chúng ta được mời gọi để tiến bước với Chúa nhưng Chúa thường
đi những bước rất chậm rãi. Thật ra, không phải chúng ta chờ đợi Chúa mà chính
Chúa đang chờ đợi chúng ta. Lắm khi chúng ta không muốn đón nhận ơn Chúa đã dọn
sẵn bởi vì chúng ta không muốn đến với Ngài. Có những lúc chúng ta phải sẵn
sàng tiến tới với những bước đi đầy tin tưởng. Tất cả những lời hứa của Chúa đều
có điều kiện. Chúa chờ đợi sự đáp trả của chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhìn lại
cuộc đời của tổ phụ Abraham để thấy rõ điều đó. Chúa đã hứa ban cho Abraham rất
nhiều điều cả thể nhưng chắc chắn không một lời hứa nào sẽ được thực hiện nếu
tổ phụ vẫn ở lại xứ Canđê. Abraham phải lên đường, ông phải bỏ lại đàng sau nhà
cửa, bạn bè, xứ sở và dấn bước vào cuộc hành trình mà ông không thể nào lường
trước được những gì có thể xảy ra. Hành trang duy nhất của tổ phụ Abraham là
lời hứa của Chúa và lòng tin tưởng của ông.
Trong
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta mặc lấy thái độ tin tưởng
phó thác ấy của tổ phụ Abraham. Chúa Giêsu quả thật là người đã chữa trị cho
mười người phong cùi, nhưng khác với những phép lạ khác, ở đây thay vì sờ vào
những người phong cùi hoặc nói một lời, Chúa Giêsu sai họ đi trình diện với các
tư tế theo như luật Môisen qui định. Thánh Luca ghi lại rõ ràng rằng trong khi
họ đi, họ được lành sạch. Quả thật, nếu họ đứng yên tại chỗ để chờ đợi, họ sẽ
chẳng bao giờ được lành bệnh. Chúa chờ đợi để chữa trị họ và chính lúc họ tin
tưởng để ra đi, ơn Chúa mới đến. Chúa luôn chờ đợi lòng tin, sự kiên nhẫn và cả
sự chờ đợi của chúng ta. Có khi ơn Ngài chỉ đến sau nhiều năm tháng chờ đợi và
nhất là sau nhiều năm tháng chiến đấu hy sinh của chúng ta. Một sự thất bại,
một nỗi mất mát lớn lao, một căn bệnh bất trị, bao nhiêu đau khổ là bấy nhiêu
tiến tới và chờ đợi để ơn Chúa được chín muồi.
Thật
ra, đối với những ai có lòng tin thì tất cả mọi sự đều là ân sủng của Chúa. Có
điều gì thuộc về chúng ta mà không do Chúa ban tặng, có điều gì chúng ta làm
được mà không là hồng ân của Chúa, và ngay cả những thất bại, rủi ro và đau khổ
trong cuộc sống cũng đều là những cơ may của muôn ơn lành Chúa không ngừng tuôn
đổ trên chúng ta. Con người vốn chỉ vô ơn bạc nghĩa. Trong mười người phong cùi
được chữa lành chỉ có một người biết quay trở lại để cám ơn Chúa Giêsu. Biết
ơn, xem ra không phải là điều tự nhiên của con người. Tâm tình ấy cần được dạy
dỗ trau dồi ngay từ lúc con người vừa bập bẹ biết nói và nuôi dưỡng trong suốt
cuộc sống. Tâm tình cảm mến tri ân cũng cần phải được trao dồi trong cuộc sống
của người tín hữu Kitô. Trong một kinh Tiền Tụng, Giáo Hội dạy chúng ta cầu
nguyện rằng: "Dâng lời tạ ơn Chúa cũng là một hồng ân Chúa ban tặng cho chúng
ta". Cầu nguyện trong tin tưởng phó thác và không ngừng dâng lời tạ ơn, đó
phải là tâm tình cơ bản và thường hằng của người tín hữu Kitô chúng ta.
Nguyện
xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn được sống trong tâm tình ấy.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lòng tin chữa khỏi
cùi
Lúc
Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại
đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc.
17, 12-13)
Vẫn
còn trên đường đi Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đi qua làng biên giới Sa-ma-ri,
Người gặp những kẻ bị loại ra khỏi xã hội vì mắc bệnh ngoài da, người ta gọi là
phong cùi.
Một
thứ bệnh mất hết vẻ đẹp.
Những
người cùi hủi đứng đàng xa đón gặp Người. Họ kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu”.
Như thế họ đã nhận biết Đức Giêsu là Đấng tỏ quyền phép và lòng thương xót của
Thiên Chúa. Họ xin Người thương xót. Người không thể từ chối trước lời van xin
này, vì Người đến để giải thoát những kẻ bị ngược đãi, áp bức bởi bệnh tật và
xã hội.
Đức
Giêsu nhìn họ với ánh mắt bốc lửa tình yêu và đầy thương cảm. Người bảo họ:
“Hãy đi trình diện với các tư tế, để chứng nhận cho họ đã sạch như luật buộc.
Trong khi đi thì họ được lành bệnh”.
Chín
người là Do thái, rất thỏa thích vì họ đã lại được thuộc về dân tuyển chọn của
Thiên Chúa. Họ cho mình là đáng được Thiên Chúa trả công. Sự lành bệnh của họ
đã trả lại quyền cho họ.Nhưng chỉ có một người được hưởng niềm vui nhất trong
tâm hồn.
Chỉ
có người thứ mười là dân Sa-ma-ri thấy mình được khỏi, là kẻ tội lỗi đáng
thương, bị Do thái khinh tởm, anh thấy mình được lành sạch nhất là trong tâm
hồn mình, anh ý thức Thiên Chúa đang ngự trong con tim anh, vì anh đã nhận được
sứ điệp tình yêu của Đức Giêsu. Anh trở lại và sấp mình xuống chân Người mà tạ
ơn, vì Thiên Chúa đang hiện diện trước mặt anh. Gặp gỡ được Thiên Chúa, lòng
anh xúc động khôn tả, ăn sâu vào tận căn tính của anh, tận bản chất hữu thể của
anh, anh chỉ có thể tôn vinh Thiên Chúa bằng cất cao lời xin thương xót tha thứ
tội lỗi của anh với hết lòng khiêm tốn. Đó là một bài ca giải phóng, một bài ca
trong sáng phát ra từ đáy con tim. “Anh đứng dậy đi về! Lòng tin của anh đã cứu
chữa anh”. Lòng tin nhờ lời Người gọi anh, nhờ ánh mắt Người nhìn anh làm bừng
dậy đức tin này. Đức tin này đã cứu chữa anh cả thân xác lẫn tâm hồn anh.
RC.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11
14 THÁNG MƯỜI MỘT
Tình Yêu Cứu Độ Của Chàng Rể
“Khi thời gian viên
mãn, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến, sinh bởi người phụ nữ” (Gl 4,4). Khi
người Con ấy (là Ngôi Lời vĩnh cửu) được sinh ra bởi người trinh nữ ở
Na-da-rét, một sự kết hiệp rất đặc biệt đã được thực hiện: sự kết hiệp giữa
thiên tính và nhân tính nơi ngôi vị thần linh của người Con ấy. Chúng ta gọi là
ngôi hiệp. Sự kết hiệp này cho thấy tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với
con người – như được bộc lộ xuyên qua mạc khải. Tình yêu đặc biệt này mang
những dáng nét của tình yêu phu phụ, nghĩa là nó giống với thứ tình yêu kết hợp
giữa vợ và chồng.
Đây là điểm độc đáo
đặc trưng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, tình yêu mà một số ngôn
sứ Cựu Ước đã làm chứng: Isaia, Hôsê, Êdêkien. Theo các vị ngôn sứ này, tình
yêu của Thiên Chúa nhắm đến không chỉ một cá nhân, mà nhắm đến toàn thể dân
Itraen. Trong Tân ước, Thư Êphêsô cũng khẳng định tương tự: Đức Kitô là Đấng
Cứu Chuộc. Nhưng Người là “Hôn Phu của Giáo Hội” và Giáo Hội là Hiền Thê của
Người. Tình yêu của Đức Kitô đối với con người vừa có đặc tính cứu chuộc vừa có
đặc tính phu phụ.
Theo giáo huấn của Thư
Êphêsô, tình yêu phu phụ của Đức Kitô đối với Giáo Hội là nguồn và là mẫu thức
cho tình yêu kết hiệp người vợ và người chồng trong một “Mầu Nhiệm Vĩ Đại”, đó
là hôn nhân (Ep 5, 32).
Bí Tích Hôn Nhân vừa
là hình ảnh thể hiện vừa là sự tham dự vào cuộc hôn phối giữa Đức Kitô và Giáo
Hội.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Tt 3, 1-7; Lc 17, 11-19.
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện mười người phung được Chúa Giêsu chữa lành, nhưng
chỉ có một người quay trở lại tạ ơn Thiên Chúa. Đức Giêsu mới nói: “Không phải
cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chin người kia đâu? Sao không thấy họ
trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”(Lc 17,17-18).
Trong
đời sống cầu nguyện của chúng ta, có rất nhiều người chỉ cầu nguyện khi gặp
những khó khăn mà bản thân mình không thể giải quyết được. Trong khi đó chưa ý
thức cầu nguyện là một sự tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa, nó phải được xem trọng
và cần thiết như chính sự hít thở không khí trong lành để có sự sống cho thân
xác. Cầu nguyện phải liên lỉ như hít thở không khí. Mười người bị bệnh phung
khi được Chúa Giêsu chữa lành, có đến chin người không trở lại tạ ơn tôn vinh Thiên
Chúa, mà chỉ có một người Samari, là người ngoại giáo trở lại tạ ơn tôn vinh
Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang thắc mắc. Thắc mắc này, Chúa Giêsu cũng đang nói
với mỗi chúng ta ngay hôm nay. Do đó mỗi người trong chúng ta cũng phải tự vấn
lương tâm của mình. Những gì mình đang vui hưởng, những thử thách, những khó
khăn mà mình đã vượt qua là nhờ ai? Có phải là do tự sức mình? Hay đó là ân ban
của Thiên Chúa? Có khi nào chúng ta tạ ơn và tôn vinh chúc tụng Ngài đã ban ơn,
gìn giữ và chúc phúc cho chúng ta chưa?
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
14 Tháng Mười Một
Tôi Tiếp Tục Cuộc
Chơi!
Mới đây, tại Thụy Sĩ, người ta đã dùng điện thoại để phỏng
vấn 1,200 người tại 20 thành phố khác nhau về việc chuẩn bị chết. Câu hỏi được
đặt như sau: "Nếu bạn chỉ còn một ngày nữa để sống, bạn sẽ làm gì?".
Kết quả của cuộc thăm dò được phân chia như sau:
- 57% những người được phỏng vấn trả lời rằng họ sẽ sống
ngày cuối cùng với gia đình. 12% muốn ở một mình hoặc với bạn bè.
- 26% người đàn ông được hỏi cho biết họ sẽ sống ngày cuối
cùng đó với gia đình. 42% khác thích ở một mình hoặc cùng với bạn bè.
- 32% đàn ông lẫn đàn bà muốn được sống với gia đình trong
những giây phút cuối đời.
- 6% người đàn ông muốn được sống bên vợ...
Trên đây có lẽ chỉ là những con số không đại diện cho ước
muốn hay suy nghĩ của tất cả mọi người. Nhưng xuyên qua kết quả đó, chúng ta
cũng có thể đọc được một thái độ chung của con người khi đứng trước sự chết: đó
là sự cô đơn...
Cái chết là một chia lìa vĩnh viễn, nhất là với những
người thân của chúng ta. Nếu câu hỏi trên đây được đặt ra cho bạn giây phút này
đây, bạn sẽ làm gì?
Có lẽ chúng ta còn nhớ chuyện của một vị thánh trẻ khi
được hỏi về cách thế chuẩn bị chết...
Giữa một đám trẻ đang chơi đùa, viên giám thị đặt câu hỏi:
nếu ngay bây giờ, chúng con biết mình sắp chết, chúng con sẽ làm gì?
Một số trả lời rằng sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số
cho biết sẽ đi xưng tội để dọn mình chết lành v.v... Chỉ có một cậu bé điềm
nhiên trả lời: "Nếu trong giây lát tôi có chết, tôi cũng sẽ tiếp tục cuộc
chơi".
Có lẽ đó là câu trả lời làm cho viên giám thị ưng ý nhất,
bởi vì nếu giải trí lành mạnh là một bẩn phận, thì việc thánh hóa trước tiên
phải nằm trong bổn phận hằng ngày.
Nếu chúng tabiết lắng
nghe tiếng Chúa trong từng biến cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ Chúa trong từng
sinh hoạt, nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa trong từng giây phút... thì cái chết
chỉ là một nối dài của cuộc gặp gỡ đó. Người luôn trung thành với những gặp gỡ
trong giây phút hiện tại, sẽ không phải hãi sợ trong cuộc gặp gỡ tối hậu là cái
chết.
Chúng ta đang cầu cho
các đẳng linh hồn. Giáo Hội kêu mời chúng ta dâng các việc đạo đức và hy sinh
để cầu cho họ. Ðó là những việc làm không thể thiếu sót trong nghĩa vụ liên đới
của người Kitô. Nhưng còn có một việc làm khác không kém giá trị: đó là sự
trung thành của chúng ta trong những bổn phận hằng ngày. Người có niềm tin
trưởng thành thực sự, luôn nhìn thấy ý nghĩa và giá trị của những bổn phận vô
danh và nhàm chán hằng ngày...
(Lẽ Sống)
Ngày 14
Nơi Đức Giêsu hấp hối, chúng ta thấy thế giới hấp hối. Đức Giêsu trên thập giá đã lôi cuốn mọi dân tộc về với Người và chịu hàng
triệu cái chết. Người chịu cái chết, không chỉ của người bị loại trừ, cô đơn và
phạm tội, nhưng cũng của những người quan trọng và quyền uy, của những người
nổi tiếng và lừng danh. Nhất là Người
chịu cái chết của những người đơn sơ chất phác đã sống một cuộc đời tầm thường, đã già yếu mệt mỏi và hy vọng rằng cuộc đời họ
đã không vô ích.
Tất cả chúng ta đều phải chết. Và tất cả chúng ta sẽ chết một mình. Không ai cho thể đi đoạn
đường cuối cùng này với chúng ta.
Chúng ta phải bỏ lại cái riêng tư của mình, và hy vọng đã không sống vô ích. Chết là khoảng thời gian
quan trọng nhất của cuộc
đời, bởi vì chính lúc đó chúng ta được yêu cầu cho đi tất cả. Cách chúng ta chết không những liên
quan đến cách chứng ta sống, nhưng
cũng liên quan đến cách mà những người đến sau chúng ta sẽ sống. Nằm giữa trời và đất, Đức Giêsu yêu cầu chúng ta nhìn thẳng vào cái chết và
tin rằng nó sẽ không thắng cuộc. Như thế, chúng ta có thể nhìn những người hấp
hối của thế giới và cho họ hy vọng.
Henri Nouwen
Hạnh Các Thánh
Ngày
14 tháng 11
THÁNH
ANRÊ AVELLINÔ
(1591-1680)
Thánh
Anrê Avellinô sinh trưởng tại thành phố Napôli. Thuở thiếu thời, Avellinô đã có
một lòng đạo đức và trí thông minh tuyệt vời. Lòng đạo đức và khả năng trí tuệ
siêu quần ấy được thử luyện và trau dồi trong trường đời cam go nguy hiểm,
khiến cho Avellinô càng cứng cáp và từng trải hơn. Thật vậy, suốt cuộc đời
thiếu niên, Avellinô duy trì được đức tin trong sạch và tâm hồn đạo đức trung
kiên, dầu sống giữa phong ba và bão táp cuộc đời, thật là một hạnh phúc lớn lao
cho những ai sống cuộc đời trong trắng và tuân giữ luật Chúa như lời Kinh Thánh
đã ghi. Sau những năm trau dồi đèn sách, nhờ khả năng đạo đức và trí tuệ thông
minh, Avellinô được tuyển chọn và kêu gọi lên lĩnh chức thánh. Với trí thông
minh, sâu sắc về luật pháp, kèm theo tài hùng biện, Avellinô đã cố ý chọn nghề
trạng sư một thời gian phục vụ nhân loại đúng với khả năng Chúa ban.
Nhưng
một biến cố bất ngờ xảy đến cho Avellinô, trong khi thi hành chức vụ làm cho
ông phải hối hận và ghê sợ: Đó là một câu nói dối mà ông đã trót phạm phải! Tuy
không là một trọng tội, việc đó cũng làm ông xấu hổ. Và nhờ ơn Chúa hoạt động,
ông tức khắc từ bỏ nghề trạng sư hiến thân cho các linh hồn.
Ít lâu
sau, Avellinô vào dòng và mang thánh hiệu Anrê. Ngài có lòng sùng kính thánh
giá cách đặc biệt. Kể từ đó Avellinô là một tông đồ nhiệt thành. Thiên Chúa đã
ban thưởng lòng nhiệt thành đó bằng việc cho xuất hiện những sự kiện lạ lùng
nơi thánh nhân. Một đêm kia, sau khi giúp giải tội cho kẻ liệt, trên đường về
trong đêm khuya u tịch, bỗng một trận cuồng phong nổi lên, cơn mưa tầm tã tiếp
theo làm tắt ngọn đuốc soi đường của cha. Dầu vậy, cha và các bạn đồng hành của
cha vẫn an toàn, không bị thấm một giọt nước lạnh, hơn nữa, một luồng ánh sáng
lạ xuất hiện dẫn đường cho mọi người về tới nhà bình an vô sự.
Một
lần khác, đang khi thánh nhân đọc kinh nhật tụng trong nhà nguyện, các thiên
thần đến cùng chung với thánh nhân hát bài ca ngợi Thiên Chúa. Ơn Chúa tràn
ngập tâm hồn thánh nhân và trợ lực cho ngài cách riêng trong những lúc ban hành
bí tích giải tội và hướng dẫn các linh hồn. Hai nhân đức chói sáng nhất trong
việc thi hành nhiệm vụ ấy được biểu dương một cách rõ rệt, đó là lòng nhiệt
thành thánh thiện và đức khôn ngoan siêu việt. Thiên Chúa thường soi sáng cho
ngài thấu hiểu những sự bí nhiệm của tâm hồn tội nhân, và đoán trước những
chuyện tương lai.
Trong
suốt cuộc đời, thánh Avellinô đã cố gắng thiết lập thêm nhiều nhà dòng, nỗ lực
hoạt động thánh hóa hàng giáo sĩ, xây dựng nhiều công trình hữu ích cho các
linh hồn. Thiên Chúa chúc lành trên mọi công việc đã được thực hiện vì vinh
danh Người.
Thánh
nhân sống đến năm 88 tuổi thì bị chứng trúng phong, không thể nói được. Trong
thời gian chịu bệnh, thánh nhân chỉ rước Thánh Thể làm lương thực nuôi sống
cuộc đời thánh thiện.
Lúc
sắp từ giã cõi đời, để vào cuộc sống vĩnh cửu đầy hoan lạc, thánh nhân còn phải
chịu một thử thách cuối cùng. Chiến đấu với ma quỷ, chúng mặc lốt một hình thú
dị kỳ, quái đản, hăm dọa kéo ngài xuống hỏa ngục. Nhưng Đức Trinh Nữ Maria,
người Mẹ mà ngài yêu quý nhất đời, và luôn luôn cầu nguyện đã cứu giúp ngài
thoát cơn cám dỗ nguy hiểm. Thánh nhân trở lại yên tĩnh và thở hơi cuối cùng trong
trạng thái đang lúc mắt đăm đăm nhìn ảnh Đức Mẹ một cách trìu mến.
Từ
xưa, các giáo hữu thường xin thánh Avellinô phù trợ cho khỏi phải chết bất ngờ
và được nhận lãnh cái chết êm dịu an bình của người kitô hữu.
Stêphanô Théodore Cuénot
Thể
Ðức Cha Thể (Etienne
Théodore Cuénot), Sinh năm 1802 tại Belieu, Besancon, Pháp, Giám mục Hội Thừa
Sai Paris, địa phận Ðông Ðàng Trong, chết rũ tù ngày 14/11/1861 tại Bình Ðịnh
dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ
kínhvào ngày 14/11.
Cuộc đời thánh Giám
mục Cuénot Thể với 32 năm phục vụ Giáo Hội Việt Nam, 26 năm trong chức vụ Giám
mục, gắn liền với những trang sử đẹp nhất, giữa một giai đoạn khó khăn nhất
thời bách hại. Nhiệt tâm truyền giáo của ngài như ngọn thủy triều dâng tràn đến
mọi nơi. Với tài đức khéo léo, ngài đã đào tạo một đội ngũ linh mục xuất sắc và
hàng ngàn thày giảng, nữ tu hăng say. Với châm ngôn "Để tín hữu vững tin,
phải đào tạo những tông đồ truyền giáo", nên dù cho bao linh mục, tu sĩ,
giáo dân của ngài bị tàn sát, giáo phận Đàng Trong của ngài vẫn phát triển mạnh
mẽ, đủ sức tách làm bốn giáo phận. Số linh mục, tu sĩ, tân tòng gia tăng nhanh
mỗi năm, sẽ mãi mãi là bằng chứng của nhiệt tâm và tài tổ chức của ngài.
Stêphanô Théodore
Cuénot sinh ngày 08.02.1802 tại Sous Réamont thuộc Bélieu nước Pháp. Lớn lên
cậu vào chủng viện Besancon, trung tâm huấn luyện của cha Réceveur, và thụ
phong linh mục ngày 24.09.1825. Tuy thế, hoài bão chính của tân linh mục là đi
truyền giáo. Năm 1828, cha Cuénot xin gia nhập hội Thừa Sai Paris, và năm sau
được cử đến Việt Nam. Ngày 31.5.1829, cha đến Kẻ Vĩnh, giáo phận Đàng Ngoài.
Ngày 24.7, cha vào Miền Nam.
Mới đầu cha được gửi
đến Lái Thiêu để học thêm tiếng Việt, đồng thời dạy các chủng sinh ở đó. Bốn
năm dạy ở chủng viện, tuy là thời gian ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để cha hiểu
nhiều về phong hóa địa phương, gắn bó với các cộng tác viên trong tương lai.
Năm 1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc, triệt hạ các nhà
thờ, tập trung các thừa sai và bắt các tín hữu phải bỏ đạo. Vì mới lần đầu va
chạm với bách hại, các tín hữu khi đó chưa giám chứa chấp các vị thừa sai. Đức
cha Tabert Từ liền quyết định đưa các vị di tản qua Thái Lan. Cha Thể phụ trách
việc di tản 15 chủng sinh. Sau hơn một tháng rưỡi hành trình vất vả, đoàn người
đã đến Thái Lan và được vua Thái tiếp đón lồng nhiệt.
Thời gian đó, Thái Lan
và Việt Nam đang có chiến tranh, nên vua Thái Lan muốn nhờ các vị thừa sai kêu
gọi dân Công Giáo chống lại vua Minh Mạng. Dĩ nhiên là Đức cha Tabert Từ không
thể nào chấp nhận, nhài cương quyết từ chối. Điều đó làm Thái Hoàng nổi giận và
thay đổi cách cư xử. Nhà vua ra lệnh bắt giam ba linh mục và các chủng sinh
Việt Nam. May là nhờ tài ăn nói thuyết phục của cha Thể, vua mới nương tay và
cho họ đến ẩn náu tại chủng viện Pénang (Mã Lai) năm 1834. Cha nói:
"Bằng mọi giá
phải lo cho họ. Như tôi (một thừa sai) chết, người ta có thể gửi người khác
thay thế chậm lắm là một năm. Một linh mục, chủng sinh Việt Nam nằm xuống, phải
mất hai ba chục năm mới có người thay thế được".
Cũng năm đó, vì không
ủng hộ Thái Lan đánh Việt Nam, Đức cha Tabert Từ lại phải chạy đến Singapour.
Tuy sống cách xa nghìn
dặm, Đức cha, cha Thể và các vị thừa sai vẫn hướng tâm hồn về Giáo Hội Việt Nam
đang lâm cảnh máu chảy đầu rơi, vừa thương xót vừa thán phục, các ngài tìm cách
trở lại miền đất truyền giáo này. Năm 1835, Đức cha Tabert có quyết định mới.
Khi thấy trên mảnh đất Lạc Hồng chỉ còn hai thừa sai và 10 linh mục Việt Nam,
Đức cha liền đáp tàu sang Pénang, truyền chức Giám mục cho cha Thể, chọn làm phụ
tá mình, và cử vị tân Giám mục cấp tốc trở về giáo phận.
Trở lại Việt Nam trong
những ngày bách hại khốc liệt, sự hiện diện của Đức cha Thể quả là niềm an ủi
lớn lao cho các tín hữu. Đặt trụ sở tại Gò Thị, tỉnh Bình Định, Đức cha thấy
mình không thể đi thăm hết các họ đạo được, ngài liền việt thư luân lưu gửi đến
khắp nơi để cổ võ tinh thần đạo đức của giáo hữu. Từ nay tất cả các biến cố
trong giáo phận : Những cuộc càn quét của quân lính, những chứng nhân bị bắt
giam, những cuộc tử đạo, cho đến những thành quả tông đồ, đều được người cha
chung giáo phận cảm thông, viết thư khen ngợi, ủy lao hay khích lệ. Nhờ đó, các
linh mục và giáo hữu đều thấy thêm can đảm.
Việc Đức cha bận tâm
nhất là số các linh mục phục vụ. Ngoài hai linh mục đã theo ngài về từ Thái
Lan, năm 1835, Đức cha truyền chức cho 10 thày giảng. Năm sau, ngài xin Hội
Thừa Sai thêm sáu linh mục. Là người sáng suốt nhìn xa trông rộng, Đức cha cho
tái lập hai chủng viện, một hở Huế trao cho cha Candalh Kim và một ở miền Nam
trao cho cha Lefèbvre Nghĩa. Đồng thời Đức cha cũng gọi các nữ tu Mến Thánh Giá
trước đây đã phải phân tán về gia đình (250 dì) trở lại sống chung và hoạt động
trong 18 nhà phước.
Ngày 31.7.1840, Đức
cha Tabert Từ qua đời tại Calcutta (Ấn Độ), Đức cha Thể chính thức làm đại diện
Tông tòa. Năm sau ngài tổ chức lễ tấn phong cho tân Giám mục Lefèbvre Nghĩa làm
phụ tá. Lợi dụng tình hình lắng dịu hơn, ngài tổ chức Công Đồng Gò Thị (1841)
gồm ba thừa sai và 13 linh mục Việt trong giáo phận (1). Công Đồng dưới sự điều
khiển của Đức cha Thể, đã đưa ra những nguyên tắc sáng suốt để đào tạo một lớp
linh mục bản xứ đông đảo và nhiệt thành. Nếu việc mở chủng viện khó khăn, mỗi
thừa sai có trách nhiệm dạy sáu bảy em, rồi gửi qua Pénang học bảy năm. Họ sẽ
về Việt Nam thụ phong linh mục và làm việc. Cách tổ chức ấy trong thực tế đã
cung cấp cho giáo phận Đàng Trong một số khá đông linh mục thông thái và đạo
đức.
Dù hoàn cảnh khó khăn,
Đức cha vẫn quan tâm đến việc nâng cao kiến thức và nhân đức cho hàng giáo sĩ,
mỗi năm ngài gởi cho các linh mục những bài học hỏi về tín lý, luân lý. Các cha
sẽ việt bài nộp trong kỳ tĩnh tâm hàng năm. Sau đó, chính Đức cha đọc, sửa bài
và gửi thư nhắn nhủ cho từng linh mục. Đối với giáo hữu, Đức cha chủ trương
rằng "Phương pháp tốt nhất để đức tin của các giáo hữu vững vàng là đào
tạo họ thành những tông đồ truyền giáo". Thực vậy, nhờ giải thích cho các
khác về giáo lý, các giáo hữu ngày càng xác tín hơn về niềm tin của mình. Hơn
nữa, họ tự thấy nghĩa vụ làm gương cho anh em tân tòng về đời sống đạo và tinh
thần can đảm giữ vững đức tin.
Đối với những giáo hữu
vì sợ hãi đã xuất giáo, đạp lên Thánh Giá, Đức cha sẵn lòng thay mặt Chúa tha
thứ. nhưng ngài xin họ nhận một điều kiện là hứa giúp cho một lương dân theo
đạo Công Giáo. Bên cạnh đó, hàng năm Đức cha làm thống kê báo tin xứ đạo nào có
nhiều tân tòng hơn, khiến các xứ thi đua làm việc tông đồ. Đặc biệt phải nói
đến lòng can đảm của các nữ tu Mến Thánh Giá. Các chị chia nhau, cứ hai người
một, đi hết các làng mạc, phát thuốc men cho bệnh nhân, và khi có thể, rửa tội
cho trẻ em sắp chết. Năm 1835, khi Đức cha mới về Việt Nam, số trẻ em ngoại
giáo được rửa tội là 133 em, thì năm 1841 là 1800 em và năm 1843 là 8273 em.
Năm 1844, số trẻ em gia đình Công Giáo được rửa tội là 5056 thì số người lớn
trở lại và rửa tội là 1007, nghĩa là 20 phần trăm.
Nhiều giáo hữu sẵn
sàng bỏ tiền bạc, cong sức nuôi dùm trẻ em những người quá nghèo, chỉ với điều
kiện là cho em gia nhập đạo. Lòng bác ái sâu xa ấy quả là bài giảng hùng hồn về
sức sống của Giáo Hội. Nhiều người thiện chí, và đôi khi cha mẹ các em cũng xin
trở lại vì những bài giảng sống này.
Một công trình lớn lao
khác của Đức cha Thể là công cuộc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số miền
Thượng du, đặc biệt là dân tộc Bahnar. Chính Đức cha cử nhiều đợt người theo
dõi, khích lệ và đưa ra những chỉ đạo thích hợp để anh em Thượng nhận Anh Sáng
Tin Mừng.
Những thành công lớn
lao của Đức cha đã được Tòa Thánh công nhận năm 1844 khi phân chia giáo phận
Đàng Trong thành hai giáo phận Đông (Quy Nhơn) và Tây (Sài Gòn). Tiếp theo đến
năm 1850, lại chia làm bốn là Nam Vang, Sài Gòn, Bắc (Huế) và Quy Nhơn. Từ đây
Đức cha Thể chỉ coi sóc giáo phận Đông Đàng Trong, nhưng lại ở trong tình hình
bách hại mới gay gắt hơn nhiều.
Trong 10 năm liền, nhờ
sự che chở của các tín hữu và các nữ tu Mến Thánh Giá, Đức cha và các linh mục
thoát khỏi cuộc truy lùng. Thế nhưng các ngài phải thay đổi chỗ ở liên tục,
nhiều đêm ngủ ngoài trời "đêm sao", có lúc phải vào rừng sâu hay đầm
lầy, chịu đói chịu khát, chịu khí hậu thất thường và nhiều lần suýt chết trong
khi thăm viếng bệnh nhân hay giải tội cho người hấp hối. Thế mà trong thời gian
này, Đức cha duy trì thường xuyên mối liên lạc với tòa Thánh. Đặc biệt khi được
hỏi về tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, ngài đã trao đổi với các linh mục trong giáo
phận, rồi gửi thư bày tỏ lòng kính mến Đức Maria của dân Việt cho Tòa Thánh.
Cuối thư Đức cha viết :
"Xin Đức Thánh
Cha cho được hiệp thông trong lời cầu nguyện cùng với tất cả các Giám mục khác
trong ngày Đức Thánh Cha long trọng công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội".
Năm 1861, chiếu chỉ
"phân sáp" của vua Tự Đức làm Giáo Hội Việt Nam một phen điêu đứng.
Đức cha Thể đã khuyên các thừa sai trong giáo phận đi tản vào Sài Gòn, nhưng
chính ngài tình nguyện ở lại, ngài đưa ra một phương châm bất hủ : "Dù chỉ
còn một thừa sai chẳng làm được gì ngoài việc đọc kinh thần vụ, thì nguyên việc
hiện diện của vị đó đủ để nâng đỡ niềm tin và sinh hoạt của tín hữu rồi".
Từ tháng 10, Đức cha
phải bỏ Gò Thị trốn từ nhà này sang nhà khác. Ngày 24.10.1861, ngài đang ẩn ở
nhà bà Madalena Huỳnh Thị Lựu thì quân lính bao vây nhà bà…
Đức cha và hai chú
giúp lễ kịp trốn xuống hầm, nhưng vì vừa dâng lễ xong chưa kịp cất giấu đồ lễ.
Vì chứng cớ ấy mà quân lính thề phá nhà, nếu không tìm thấy đạo trưởng Tây
Dương. Mọi người trong nhà đều bị tra tấn, bà Lựu bị đánh đòn 17 roi. Sau hai
ngày và một đêm ở dưới hầm, Đức cha và hai chú giúp lễ khát khô cả cổ. Vả lại
vì quân lính chẳng bỏ đi, nếu chưa bắt được Đức cha, nên ngài tự ra nộp mình.
Vừa thấy ngài, quân lính chồm tới trói tay chân ngài lại như một con thú. Nhưng
viên chỉ huy nhân đạo hơn, cho cởi trói và mời ngài ngồi chiếu nói truyện với
ông ta.
Hôm sau, Đức cha bị
nhốt trong cũi đưa về tỉnh. Hai chú giúp lễ, bà Lựu và hai người lân cận cũng
bị mang gông giải đi (sau này tất cả cùng bị xử tử tháng 12). Bà Lựu vừa cho
con bú vừa ra pháp trường, rồi hôn con lần cuối trao lại cho bà ngoại. Tháng 10
năm đó, miền Trung bị lụt, nước dâng lên đến lưng, nên ngồi trong cũi chật
chội, Đức cha cũng bị ngập nước. Do đó, khi đến nhà giam thì Đức cha lâm trọng
bệnh. Chứng kiết lị làm sức khỏe ngài càng đuối dần, vì thế ngài chỉ phải ra
tòa một lần. Quan hỏi:
- Tại sao ông sang
nước tôi?
- Thưa, để giảng đạo
Thiên Chúa.
- Ông ở đây bao lâu
rồi?
- Ba mươi bốn năm.
- Ông đã ở những đâu?
- Thưa, trước hết là
Bình Định rồi Phú Yên, Bình Thuận và lại trở về Bình Định.
- Ông biết gì về chiến
tranh không?
- Thưa, không biết gì
cả. Tôi đến đây chỉ để giảng đạo, khi nơi này khi nơi khác thế thôi. Quan hành
hạ thế nào tôi cũng đành chịu, chứ tin tức chiến tranh tôi hoàn toàn không biết
gì cả.
Trở về với chiếc cũi
của mình, cơn bệnh khắc nghiệt chỉ trong vòng ba tuần lễ đã làm Đức cha kiệt
sức và thở hơi cuối cùng ngày 14.11.1861, kết thúc 32 năm truyền giáo không một
ngày bình an.
Hôm sau, ngày Đức cha
qua đời, bản án trảm quyết từ Huế mới đến Bình Định. Thấy ngài đã từ trần, quan
Trấn thủ Bình Định không cho chém nữa, truyền đem đi chôn, những tín hữu đang
bị tù xin phép mua cho Đức cha một áo quan xứng đáng, nhưng Trấn thủ không chấp
thuận. Nhưng sau đó, triều đình lại gửi ra một bản án mới ghi thế này :
"Tây dương đạo trưởng Thể đã lấn lút trong nước ta 40 năm nay. Y đã giảng
đạo và lừa dối dân chúng. Bị bắt và tra hỏi, y đã thú nhận mọi tội lỗi. Lẽ ra
phải đem chém đầu y bêu lên giữa chợ, nhưng vì y đã chết trong tù, ta truyền
phải quăng xác y xuống sông".
Chiếu theo bản án ấy,
quan Trấn thủ cho đào mồ Đức cha lên để liệng thi hài Đức cha xuống sông. Mặc
dù Đức cha Cuénot Thể không đổ máu vì đức tin, nhưng căn cứ vào bản án và muôn
ngàn nỗi truân chuyên ngài đã chịu vì đạo, Giáo Hội tôn kính Đức cha với tước
hiệu tử đạo.
Ngày 02.05.1909, Đức
Piô X nêu danh Đức cha Stêphanô Théodore Cuénot Thể đứng đầu danh sách 20 vị tử
đạo tại Việt Nam được suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan
Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.
Nguồn từ tu viện Đa Minh
Lời bất hủ: Ðối với
Giáo phận Ðức Cha chủ trương: "Phương pháp tốt nhất để đức tin của giáo
hữu vững vàng là đào tạo họ thành những tông đồ".. Chỗ khác Ngài lại nói:
"Bằng mọi giá phải lo cho họ. Như tôi (một thừa sai) chết, người ta có thể
gửi người khác thay thế chậm lắm là một năm. Một linh mục, chủng sinh Việt Nam
nằm xuống, phải mất hai ba chục năm mới có người thay thế được". Vì sức
khoẻ ngài yếu nên chỉ phải ra toà một lần để quan tra hỏi:
Quan: Tại sao ông sang nước tôi?
Ð.Cha: Ðể giảng đạo Thiên Chúa.
Hỏi: Ông ở đây bao lâu rồi?
Ðáp: Ba mươi tư năm
Hỏi: Ổng đã ở những đâu?
Ðáp: Trước hết là Bình Ðịnh rồi Phú Yên, Bình Thuận và lại trở về Bình Ðịnh.
Hỏi: Ông biết gì về chiến tranh không?
Ðáp: Không biết gì cả, tôi đến đây chỉ để giảng đạo, khi nơi này khi nơi khác thế thôi. Quan hành hạ tôi thế nào tôi cũng đành chịu, chứ tin tức chiến tranh tôi hoàn toàn không biết gì cả .
Trở về cũi, mọi sự khắc nghiệt, ngài kiệt sức và trút hơi thở cuối cùng ngày 14-11-1861.
Quan: Tại sao ông sang nước tôi?
Ð.Cha: Ðể giảng đạo Thiên Chúa.
Hỏi: Ông ở đây bao lâu rồi?
Ðáp: Ba mươi tư năm
Hỏi: Ổng đã ở những đâu?
Ðáp: Trước hết là Bình Ðịnh rồi Phú Yên, Bình Thuận và lại trở về Bình Ðịnh.
Hỏi: Ông biết gì về chiến tranh không?
Ðáp: Không biết gì cả, tôi đến đây chỉ để giảng đạo, khi nơi này khi nơi khác thế thôi. Quan hành hạ tôi thế nào tôi cũng đành chịu, chứ tin tức chiến tranh tôi hoàn toàn không biết gì cả .
Trở về cũi, mọi sự khắc nghiệt, ngài kiệt sức và trút hơi thở cuối cùng ngày 14-11-1861.
www.tinmung.net
Thứ Tư 14-11
Thánh Gertrude
(1256? - 1302)
Thánh Gertrude là một trong những vị thần bí nổi tiếng của thế kỷ
13. Cùng với Thánh Mechtild, thánh nữ tập luyện một đời sống tâm linh gọi là
"hôn nhân huyền nhiệm", đó là ngài trở nên vị hôn thê của Ðức
Kitô. Ðời sống của ngài kết hợp mật thiết với Ðức Giêsu và Thánh Tâm, từ đó dẫn
đến đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thánh Gertrude sinh ở Eisleben thuộc Saxony. Khi lên năm tuổi,
ngài được giao cho các nữ tu Benedictine ở Rodalsdorf chăm sóc, sau này ngài
trở thành một nữ tu, và vào năm 1251 ngài làm tu viện trưởng của chính tu viện
ấy.
Thánh Gertrude rất thích học hỏi. Ngài giỏi tiếng Latinh và sáng
tác thơ phú dựa vào Phụng Vụ Thánh. Cuộc đời của thánh nữ, dù không có những
biến động sôi nổi hay những hành động đáng kinh ngạc, nhưng sinh hoạt tinh thần
của ngài thật đáng khâm phục. Ngài sống cuộc đời bí nhiệm trong tu viện, cuộc
đời ẩn giấu với Ðức Kitô. Ngài nổi tiếng là người sùng kính Nhân Tính Thiêng
Liêng của Ðức Giêsu trong sự Thống Khổ và trong bí tích Thánh Thể, và ngài cũng
yêu mến Ðức Trinh Nữ Maria một cách đặc biệt. Thánh nữ từ trần năm 1302.
Lời Bàn
Ðời sống của Thánh Gertrude là một nhắc nhở cho chúng ta thấy tâm
điểm của cuộc đời Kitô Hữu là cầu nguyện: một cách riêng tư và trong phụng vụ,
một cách bình thường hay huyền nhiệm, luôn luôn có tính cách cá nhân.
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét